Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần thứ II: Cuộc tranh đấu phát khởi tại Huế

20/06/201313:34(Xem: 8879)
Phần thứ II: Cuộc tranh đấu phát khởi tại Huế

Cuốn sách bị bỏ quên: Phật giáo tranh đấu

Phần thứ II: Cuộc tranh đấu phát khởi tại Huế

Đào Văn Bình

Nguồn: Đào Văn Bình

Vụ hạ cờ Phật Giáo trong đại lễ Phật Đản tại Huế được tác giả dẫn chứng bằng công điện đánh đi vào lúc 5 giờ ngày 6/5/1963 theo chỉ thị của Ngô Đình Diệm và “bản sao bức công điện đã được Tỉnh Trưởng ký tên chuyển tới Thượng Tọa Thích Trí Quang vào hồi 20 giờ 30 ngày 6/5/1963: Trân trọng yêu cầu qúy liệt vị giáo hội thông báo cho các cơ quan phụng tự và các tín đồ thi hành đúng chỉ thị trên đây của tổng thống.” Sau đó Thượng Tọa Thích Trí Quang được ủy thảo bức điện văn: một gửi cho Hội Phật Giáo Thế Giới, một gửi cho Ngô Đình Diệm và một gửi cho các tập đoàn Phật Giáo Việt Nam. Điện văn gửi Ngô Đình Diệm viết như sau “Phật Giáo rất xúc động nhận được công điện 9195 không cho treo cờ Phật Giáo Thế Giới trong đại lễ Phật Đản quốc tế. Chúng tôi không tin rằng quyết định đó phát xuất từ Tổng Thống. Thỉnh cầu Tổng Thống ra lệnh điều tra và thu hồi công điện trên. Trân trọng.” (*)

Cả ba điện văn nói trên đều do Hòa Thượng Hội Chủ Tổng Hội Phật Giáo VN ký tên. “Nhưng ba bức điện văn này đã bị chánh quyền địa phương can thiệp không cho đánh đi. Viên Tỉnh Trưởng Thừa Thiên Nguyễn Văn Đẳng đã thân hành tới Chùa Từ Đàm mời Thượng Tọa Thích Trí Quang và hai thượng tọa nữa tới tư dinh Cố Vấn Miền Trung Ngô Đình Cẩn để hội kiến. Về phía chính quyền có Ngô Đình Cẩn, Bùi Văn Lương – Bộ Trưởng Nội Vụ, Nguyễn Văn Đẳng – Tỉnh Trưởng Thừa Thiên. Bùi Văn Lương chịu về Sài Gòn để gấp thỉnh cầu Ngô Đình Diệm thu hồi công điện số 9195, nếu không được khắp toàn quốc thì ít ra cũng phải ở Huế.” (*)

Nhưng “Công việc chưa giải quyết xong thì ngay buổi chiều hôm đó 7/5/63 cảnh sát đi khắp Thành Phố Huế, tự tay triệt hạ cờ Phật Giáo và xé nát, lại còn công khai đánh đập chửi rủa, đe dọa bắt bỏ tù những tín đồ Phật Giáo có thái độ phản đối. Tất cả tượng Phật thờ trong nhà và đèn lồng treo ngoài cửa của các tư gia đều bị đập phá tan nát. Nhân dân khắp Thành Phố Huế sục sôi, căm phẫn. Họ ùn ùn kép tới Chùa Từ Đàm…Thượng Tọa Thích Trí Quang phải đứng ra dàn xếp mọi công việc. Thượng Tọa đề nghị ban tổ chức Lễ Phật Đản mời viên tỉnh trưởng Thừa Thiên hoặc đại diện tới Chùa Từ Đàm để giải quyết sự kiện trên nhưng chính quyền địa phương từ chối cuộc tiếp xúc này.” (*)

Thượng Tọa Trí Quang phải cùng quý Hòa Thượng Hội Chủ Thích Tịnh Khiết, Hòa Thượng Pháp Chủ Thích Huyền Tôn, Thượng Tọa Thích Mật Hiển, Thượng Tọa Thích Thanh Trí và mấy vị thượng tọa khác tới tỉnh đường để gặp viên tỉnh trưởng Nguyễn Văn Đẳng. Trong khi đó khoảng 5000 Phật tử tụ tập trước tòa tỉnh để nghe ngóng, chờ đợi phản ứng của chính quyền. Viên tỉnh trưởng giải thích là cảnh sát đã quá “sốt sắng” chứ thực ra ông ta chỉ ra khẩu lệnh khuyên đồng bào triệt hạ đèn và cờ Phật Giáo, nếu họ không nghe thì thôi. Thượng Tọa Trí Quang yêu cầu cho xe Thông Tin loan báo trước 21 giờ là cờ Phật Giáo không bị triệt hạ để cử hành đại lễ. Viên tỉnh trưởng bằng lòng. Sáng hôm sau 8/5/1963 là ngày đại lễ. Các Phật tử tập trung tại Chùa Diệu Đế để rước tượng Phật lên Chùa Từ Đàm là nơi cử hành Lễ Phật Đản. “Như mọi năm, vào lúc 20 giờ Ngày Phật Đản, đài phát thanh Huế sẽ dành riêng để phát thanh về Phật Giáo và các Phật tử sẽ đứng quanh khu đất trống của đài để nghe. Nhưng năm nay, mọi người tụ họp lại chờ đợi mãi mà đài phát thanh không nói gì. Mọi người xôn xao bàn tán tỏ vẻ bất bình. Thượng Tọa Trí Quang tới đài can thiệp nhưng không có kết quả. Chính quyền địa phương lo ngại, sợ biến thành cuộc biểu tình phản đối nên phải cho xe cứu hỏa tới xịt nước giải tán, sau dùng lựu đạn cay và bắn đạn mã tử. Nhưng ngọn lửa vì Đạo đang dâng lên ngùn ngụt. Tiếng la ó phản đối át tiếng súng.” (*)

Thượng Tọa Thích Trí Quang yêu cầu viên tỉnh trưởng cho ngưng xịt nước để Phật tử yên ổn ra về thì“Viên Phó Tỉnh Trưởng Nội An Đặng Sĩ đã bất chấp quyền tỉnh trưởng, huy động xe tăng, thiết giáp ủi vào đám người vô tội, trong tay không có một thư khí giới nhỏ.” (*)

Kết quả 08 em nhỏ đã bị giết hại. Quý vị có thể xem tấm hình thảm sát tại đài phát thanh Huế và hình gia đình nạn nhân đang cầu siêu tại chùa nơi trang 28 &31.

Chuyện đáng lý ra có thể giải quyết êm đẹp nếu như Ngô Đình Diệm thật sự là tổng thống “anh minh”. Nhưng “Máu người Phật tử đã đổ để tranh đấu cho ngọn cờ Phật Giáo được tung bay.” (*) Và cuộc đấu tranh khốc liệt bắt đầu bằng: Bản Tuyên Ngôn của Tăng, Tín Đồ Phật Giáo Việt Nam do Hòa Thượng Thích Tường Vân- Hội Chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam ký tên và được gửi cho Ngô Đình Diệm và Đại Biểu Chính Phủ Trung Nguyên- Trung Phần. “Sau đó một phái đoàn Phật Giáo vào yết kiến Ngô Đình Diệm tại Dinh Gia Long nhưng kết quả cũng không đi tới đâu.” (*) Trong tấm hình nơi trang 32 chúng ta thấy có TT. Ngô Đình Diệm, TT. Thích Tâm Châu, TT. Thích Thiện Hoa và một vị nữa đeo kính mát, không biết có phải là TT. Thích Thiện Minh hay không?

Rồi cuộc đấu tranh bắt đầu lan rộng vào Sài Gòn với sự kết hợp của nhiều tông phái Nam Tông cũng như Bắc Tông bằng sự ra đời của Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo qua Bản Tuyên Ngôn ngày 25/5/63

“Đồng lòng: Ủng hộ năm nguyện vọng tối thiểu và thiêng liêng nhất của Phật Giáo Việt Nam. Thệ nguyện đoàn kết đến cùng trong cuộc tranh đấu bất bạo động và hợp pháp để thực hiện những nguyện vọng ấy.” (*)

-Tại Sài Gòn các vị thượng tọa chuẩn bị lễ cầu siêu cho những Phật tử bỏ mình ở Huế vào ngày 15-5-1963.

-Đoàn Sinh Viên Phật Tử Huế ra tâm thư gửi đồng bào toàn quốc “Chúng tôi báo nguy cho đồng bào toàn quốc sự kỳ thị tôn giáo đã đến giai đoạn trầm trọng và nỗi lầm than của tín đồ Phật Giáo Việt Nam cũng đã dâng cao…” (*) “Thấy phong trào Phật Giáo tranh đấu lan rộng và nhanh quá, chính quyền Ngô Đình Diệm liền ra mặt thẳng tay đàn áp Phật Giáo. Chúng dùng đủ mánh khóe, thủ đoạn để dẹp phong trào Phật Giáo đang ồ ạt dâng lên. Nào tung người vào trong nội bộ Phật Giáo để chia rẽ, xúi giục những gia đình có con em tử nạn trong vụ đàn áp ở Huế rút tên ra khỏi danh sách Phật tử, nào cho mật vụ tới các chùa chiền canh chừng, dò xét, hăm dọa theo dõi và khủng bố Phật tử.” (*)



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]