Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần I: Nhân cách của Ngài Pháp Hiển và cuộc chiêm bái

27/05/201312:01(Xem: 7280)
Phần I: Nhân cách của Ngài Pháp Hiển và cuộc chiêm bái

Pháp Hiển, Nhà Chiêm Bái

Thích Minh Châu (1963)
Thích Nữ Trí Hải dịch Việt (1997)

Nguyên tác: Thich Minh Chau (1963), "Fa-Hsien, The Unassuming Pilgrim", Nalanda, India
Bản dịch Việt ngữ: "Pháp Hiển, Nhà Chiêm Bái", Thích Nữ Trí Hải dịch Việt (1997),
Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam ấn hành


--- o0o ---

Phần I

Nhân cách của Pháp Hiển và cuộc chiêm bái

--- o0o ---

1. Nhân cách và quan điểm

1.1. Đức tin thuở thiếu thời

Một điều hiển nhiên là ảnh hưởng đầu tiên trên tâm hồn non nớt của một đứa trẻ đóng vai trò quan trọng trong sự tạo thành nhân cách về sau, khi trẻ ấy lớn lên. Bởi thế, chúng ta không lấy gì làm lạ khi thấy cao tăng Pháp Hiển, họ Cung người đất Vũ Dương, Bình Dương, đã có một lòng tận tụy đối với đời sống Tăng lữ suốt cuộc đời ngài, vì mới 3 tuổi ngài đã xuất gia làm chú tiểu. Không phải vì thân phụ ngài sùng tín đạo Phật gì cho lắm, mà chỉ vì ba người con trai trước của ông đã chết yểu. Muốn cứu vãn con trai thứ tư khỏi chịu chung số phận, ông đã cho Pháp Hiển cạo tóc làm chú tiểu khi mới được 3 tuổi, những vẫn giữ chú ở nhà. Nhưng sau đó chú cũng ốm nặng suýt chết. Người cha hoảng kinh gởi đến chùa thì chú lại hết bệnh. Ở Trung Quốc cũng như Việt Nam, có một truyền thống lạ lùng là cha mẹ mỗi khi có con nhỏ hay đau ốm, dễ chết non thì lại cho con đến chùa làm chú tiểu, với hy vọng nhờ sự che chở của Ba ngôi báu mà con mình được cứu thoát. Và quả thực như thế, trong trường hợp chú bé Pháp Hiển. Điều này không có gì lạ, vì đời sống chú tiểu trong một tự viện khéo tổ chức quả thật an bình và lành mạnh hơn bất cứ trong một gia đình cư sĩ nào, dù giàu có đến đâu. Nhưng khi đã đếm được phúc lạc của đời sống không nhà, chú bé Pháp Hiển không chịu trở lại với gia đình nữa, mặc cho cha mẹ năn nỉ. Mẹ ngài vì thương yêu đứa con duy nhất sống sót, nên luôn luôn muốn giữ ngài bên cạnh. Nhưng ngài nhất định không nhượng bộ trước ý muốn của mẹ mình. Bởi thế bà đã phải làm một cái chòi nhỏ bên ngoài cổng chùa để dễ dàng lui tới thăm con. Năm ngài 10 tuổi, thân phụ Pháp Hiển qua đời. Trước tình cảnh bà mẹ góa bựa đơn côi, ông chú viết thư khuyên ngài hãy hoàn tục. nhưng Pháp Hiển cương quyết trung thành với nếp sống ngài đã theo, và sự trả lời của ngài cho thấy quyết tâm của ngài, với một ước nguyện cùng động cơ chân chính: "Không phải vì cha mà cháu đi tu; mà chỉ vì muốn từ bỏ dục vọng và tránh những chuyện thế tục". [Chih2: 13a, 2-4]. Người chú rất hài lòng vì câu trả lời ấy nên không ép ngài thêm nữa.

1.2. Sự thông minh nhanh trí

Cao Tăng Truyện kể một giai thoại cho thấy ngài rất nhanh trí khi bất thần chạm mặt với hiểm nguy và đe dọa. Một hôm, trong khi cùng một nhóm tiểu Tăng gặt lúa ngoài đồng, thình lình một vài tên cướp xuất hiện muốn cướp lúa. Tất cả các chú tiểu khác đều bỏ chạy, ngoại trừ Pháp Hiển ở lại một mình. Ngài bảo bọn cướp: "Nếu các ông cần lúa, cứ tha hồ mà lấy đi. Chính vì trong các đời trước, các ông đã không thực hành hạnh bố thí cho nên bây giờ mới bị nghèo đói như vậy. Bây giờ các Ông lại còn muốn đi ăn cướp của người khác, thì tôi sợ rằng đời sau, các Ông sẽ gặp hoàn cảnh còn tệ hơn nữa. Tôi chỉ đau buồn cho số phận các Ông mà thôi". Nói xong ngài bỏ đi. Những lời lẽ của ngài đã gây ấn tượng sâu xa đối với những người ăn cướp đến nổi họ bỏ đi không lấy một nắm lúa nào. Nhiều vị Tăng đến khen ngợi ngài. [Chih2: 13a, 3-4].

1.3. Đức vô úy, tính can đảm, và lòng mộ đạo

Một giai thoại khác trong Cao Tăng Truyện kể về đức vô uý của Pháp Hiển khi gặp hiểm nguy đe dọa tính mạng: Cách thành Vương Xá hơn 30 dặm, có một ngôi chùa nơi ngài dừng chân vào lúc sẩm tối, Pháp Hiển muốn tiếp tục đi lên đỉnh Linh Thứu nhưng những vị Tăng trong chùa ngăn cản: "Đường lên núi hết nguy hiểm, nhiều sư tử đen thường xuất hiện bắt người ăn thịt, làm sao ông đi được?". Pháp Hiển trả lời: "Tôi đã đi từ xa xôi ngàn dặm với ước nguyện đến được đỉnh núi Linh Thứu, bất kể thân thể tánh mạng. Làm sao tôi chịu được ước nguyện từ bao nhiêu năm của mình giờ đây phải tan tành, lúc đã gần đến đích. Dù nguy hiểm đến đâu, tôi cũng không sợ". Thấy không can nổi, những vị Tăng bèn cử hai người dẫn đường. Khi lên đến đỉnh núi trời đã tối, ngài muốn ở lại. Hai tu sĩ dẫn đường sợ hãi quay trở về. Pháp Hiển ở lại một mình trên đỉnh núi, đốt hương đảnh lễ nơi Thánh địa. Với lòng sùng kính và niềm cảm khái sâu xa, ngài chiêm ngưỡng chốn thiêng liêng, tưởng như bậc Thầy thánh thiện vẫn đang còn ở đấy. Nửa đêm có ba con sư tử đen xuất hiện ngồi thụp trước mặt ngài vừa liếm môi vừa vẫy đôi. Pháp Hiển vẫn tụng kinh không dứt, tâm trí để cả vào những lời cầu nguyện dâng lên đức Phật. Khi ấy những con sư tử bèn cúi đầu cụp đuôi và quỳ dưới chân ngài Pháp Hiển đưa tay vuốt chúng và nói: "Nếu các ngươi muốn ăn thịt ta, thì hãy chờ ta tụng kinh xong đã. Nhưng nếu các ngươi muốn thử ta, thì nên đi chỗ khác". Những con sư tử ở nán lại một lúc rồi bỏ đi. [Chih2: 13a, 10-14].

Nội một điều ngài dám làm cuộc phiêu lưu sang Ấn, qua những sơn đạo chưa có dấu chân người, qua những sa mạc kinh hoàng, qua những đỉnh núi tuyết, những phương trời xa lạ với khí hậu khắc nghiệt, chính sự kiện đó cũng đủ làm một kỳ tích mà chỉ nhờ có đức can đảm và lòng sùng tín vô biên mới làm được. Đoạn sau đây trong Cao Tăng Truyện đã tả một vài hiểm nguy và gian khổ ngài đã gặp trên đường hành hương đến đất Ấn:

"Từ Tràng An, ngài đi về phía Tây, qua sa mạc Cát Di Chuyển, ở đấy trời không chim bay, đất không thú chạy. Sa mạc trải dài vô tận khắp cả bốn phương. Chỉ nhìn mặt trời mà đi, và nhờ những bộ xương người để đánh dấu đường. Những luồng gió nóng và linh hồn ác ma chực báo điềm chết cho bất cứ ai gặp phải chúng. Pháp Hiển phó thác đời mình cho số mệnh, cứ tiến bước vượt qua nhiều gian nguy. Sau một thời gian ngài đến Pamirs ở đấy mùa đông, mùa hè đều có tuyết phủ. Có những rồng dữ phà ra những luồng gió độc và mưa xuống cát sỏi. Con đường núi ngoằn ngoèo hiểm trở, vách đá dựng đứng hàng ngàn mũi nhọn. Những người xưa đã đẽo một đường mòn trên vách đá, với những bực cấp. Ngài phải mất hơn bảy ngày để đi qua. Ngài lại còn qua sông tại hơn mười chỗ bằng những chiếc cầu dây treo lơ lửng. Ngay cả hai sứ thần Trung Quốc ngày xưa (Chang Chien và Kan Ying - Trương Mạch và Cam Anh đời Hán - đi Trung Á vào năm 97 sau Tây lịch) cũng không xa đến như vậy. Kết tiếp, Pháp Hiển gặp một trận mưa đá dữ dội. Thầy Huệ Cảnh, một trong hai bạn đồng hành của ngài bệnh nặng không thể đi tiếp, đã bảo Pháp Hiển: "Tôi đã gần kề cái chết. Thầy nên tiến lên, đừng ở lại đây mà cùng chết cả". Nói xong ông thở hơi cuối cùng. Pháp Hiển vỗ thi hài khóc nói: "Chưa đến đích mà Thầy đã chết rồi". Và Pháp Hiển một mình một bóng tiếp tục cuộc hành trình vượt qua đỉnh núi hiểm trở. Ngài đã đi qua hơn 30 nước trước khi đến đất Ấn" [Chih2: 13a, 5-10].

1.4. Pháp Hiển, người xiển dương tạng Luật

Pháp Hiển là một nhà chiêm bái đặc biệt. Mục đích cuộc chiêm bái của ngài là côt đi đảnh lễ những Phật tích ở Ấn, nhưng ngoài ra còn có mục đích khác nữa; đó là "để quan sát cách hành trì giới luật tại các nước ngài đi qua, nhất là tại Ấn, và để thỉnh những bản văn Luật tạng đem về Trung Quốc". Đấy là một nhu cầu khá tự nhiên, vì ngài vốn là người tuân thủ giới Biệt giải thoát một cách nghiêm túc. Suốt cuộc hành trình, ngài luôn gắng tuân giữ phép an cư ba tháng mùa mưa mỗi năm mà đức Phật đã chế định tại thành Vương Xá cho tất cả Tăng Ni phải tuân theo. Thế là tại xứ sở Agzi, Udyàna và Sankasya, Pháp Hiển đã cẩn thận giữ phép hạ cư mặc dù có mỏi mệt vì cuộc hành trình hoặc có hăm hở muốn tiếp tục hành trình càng sớm càng hay. Ngay cả khi đi tàu từ đảo Yava đến Trung Quốc, Pháp Hiển cũng tuân giữ phép hạ an cư ngay trên tàu. Trên đường trở về Trung Quốc, ngài cũng không quên phận sự an cư nhập thất 3 tháng tại Lao Shan.

Điều lôi cuốn mạnh mẽ sự chú ý của ngài là đời sống tu viện tại các xứ sở ngài viếng thăm, nhất là tại đất Ấn. Pháp Hiển rất tinh tế khi quan sát cung cách uy nghi của tu sĩ Ấn. Qua ký sự của ngài, chúng ta được biết trong tu viện Gomati (Cù-ma-đế) tại nước Khotan (Vu Điền) có 3.000 tu sĩ và trong thành Pataliputra có từ 600 đến 700 Tăng sĩ. Chư Tăng sống trong 3 tu viện ở Bồ-đề tràng giữ giới luật rất tinh nghiêm và hành xử rất có uy nghi. Giới luật ấy được truyền xuống từ thời Phật. Pháp Hiển cũng ghi nhận một vài pháp tu được Phật đặt ra và chư Tăng Ấn Độ đến lúc ấy vẫn còn duy trì nguyên vẹn. Tại đất Ấn, ngài đã quan sát cách người ta đón tiếp một khách Tăng và lễ dâng y Ca-thi-na, được chư Tăng tuân giữ một cách nghiêm nhặt. Ngài cũng không quên nhắc đến tên tuổi một vài vị danh Tăng mà ngài tình cờ gặp hoặc nghe nói đến trên đường chiêm bai. Nhờ tập ký sự của ngài mà chúng ta được biết tại thành Pataliputra [Ba-liên-phất] bấy giờ có hai vị danh Tăng tên Manjusri (Văn-thù) và Rathasvami, có giới đức thuần tịnh khiến mọi người kính ngưỡng. Ở xứ Simhala, có vị cao Tăng tên Dharmakirti (Pháp Xứng) được mọi người trong xứ cung kính tôn trọng. Ngài đã nhập thất trong hang đá bốn mươi năm, trải tâm từ đến đến tất cả hữu tình bao gồm cả thú vật. Cũng trong xứ ấy ngài đã chứng kiến lễ hỏa táng một vị La Hán trong tu viện Mahavihara (Đại Tòng).

Ký sự của Pháp Hiển còn cho ta biết chư Tăng ở Ấn có địa vị rất cao, được từ vua chúa đến thường dân kính trọng. Tại Mathura, Pháp Hiển ghi rằng mỗi khi cúng dường chư Tăng, các bậc vua chúa thường cởi bỏ vương miện và cùng với hoàng tộc và triều thần, họ thường tự tay phục vụ thức ăn cho Tăng chúng. Trước mặt Tăng chúng, họ không dám ngồi trên ghế hay giường. Một nét đặc sắc của đời sống tu viện khiến Pháp Hiển chú ý là các bậc vua chúa cũng như cư sĩ tại đây tận lực hổ trợ giới Tăng lữ; họ được cung cấp về ăn, mặc, ở, bệnh không thiếu thứ gì. Pháp Hiển cũng kể rằng vua chúa đình thần cư sĩ đều xây chùa, cúng dường Tăng chúng những ruộng vườn, nhà ở, người làm và súc vật.

Như vậy, cảnh tượng nhìn chung về đoàn thể Tăng già nghiêm trì giới luật, về sự cung kính cúng dường trọng hậu mà chư Tăng được hưởng từ các vua chúa, thần dân, đã khiến Pháp Hiển hết sức hài lòng, thích thú. Và ngài không khỏi than dài, khi nghĩ đến tình trạng tồi tệ cửa đời sống giới luật chư Tăng tại nước mình. Bởi vậy, không đáng ngạc nhiên khi Ta Chen (Đạo Chỉnh) bạn đồng hành của ngài, đã quyết định lưu lại đất Ấn không chịu trở về Trung Quốc. Và có lẽ Pháp Hiển cũng đã làm như bạn mình, nếu ngài đã không lập nguyện thỉnh tạng Luật về nước.

1.5. Kinh sách mang về Trung quốc và phiên dịch của Pháp Hiển

Giữ lời nguyện mang về tạng Luật cho Trung Quốc, Pháp Hiển thu thập ghi chép một số kinh về Luật tạng mà ngài tìm được ở đất Ấn. Vì tại Bắc Ấn, tạng Luật được khẩu truyền không ghi chép, nên Pháp Hiển phải đi đến Trung Ấn để sưu tập Luật tạng. Tại một tự viện thuộc phái Mahàsànghika - Đại chúng bộ - ngài tìm được Luật bản của bộ phái này, được xem là bản giới luật đầu tiên mà Tăng đoàn thời Phật tuân giữ và được truyền tụng ở tinh xá Jetavana - Kỳ Viên. Theo Pháp Hiển, thì mười tám bộ phái đều có bộ Luật riêng, tuy thế cả 18 bộ đều nhất trí về những giới điều thiết yếu, chỉ khác nhau về tiểu tiết. Ngài cũng xác nhận Giới bổn của Đại chúng bộ là đầy đủ nhất. Ngài cũng tìm được một bản Luật của Phái Nhất thiết hữu bộ - Sarvàstivàda - gồm bảy ngàn bài kệ tụng mà theo ngài, cũng chính là những giới luật Tăng sĩ Trung Quốc phải tuân giữ. Những giới Luật này chỉ được thầy trò khẩu truyền cho nhau, không thành văn bản. Cũng trong tự viên này, Pháp Hiển tìm được một bản Samyuktàbhi - dharmahrayasàstra [Tạp A-tỳ-đàm Tâm Yếu Luận] gồm sáu ngàn bài kệ, một bản luận của Mahàsàngikà [Đại chúng bộ]. Khi ở nước Simhala, nơi ngài lưu lại hai năm. Pháp Hiển được một bản Luật của phái Mahysàsaka, một bản kinh Dìrghàgama [Trường A-hàm], kinh Samyuktàgama [Tạp A-hàm], và Sannipata [Tiểu bộ]. Những kinh sách này chưa được biết đến ở Trung Quốc. Khi trở về quê hương, ngài dịch bộ kinh Đại Bát-niết-bàn cùng với ngài Buddhabhadra [Phật Hiền], một tăng sĩ Ấn thời Đông Triều 317-420. Bản dịch gồm 6 tập 18 chương. Dịch phẩm thứ hai của ngài là Samyuktapitaka. Một bản dịch khác cộng tác với Buddhabhadra là Mahàsanghi - kabhi kabhik shunivinaya-pràtimoksa - Giới biệt giải thoát của Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni thuộc phái Đại chúng bộ - gồm một quyển.

Tác phẩm duy nhất do ngài viết có tên là Cao Tăng Pháp Hiển Truyện, còn gọi là Phật Quốc Ký - ký sự về các nước theo đạo Phật. Trong quyển sách này, Pháp Hiển kể lại cuộc hành trình cuả ngài từ lúc khởi sự tại Tràng An, thủ đô Trung Quốc bấy giờ, cho đến lúc ngài đến Lao Shan. Sách kể tên những nước và thành phố mà ngài đã viếng thăm như sau: xứ Agni, Khotan, Chakuka, Agzi, Khalcha, Darada, Udyàna, Suvastu, Gandhàra, Takshasilà, thành phố Purushapura, đô thị Hilo, xứ Nagarahàra, Lakki, Harana, Uchcha, Mathurà, thành Sankàsya xứ Kanyàkubja, làng Hari, thành Vaisàlì, Aràvastì xứ Kosala, thành Napuka, thành Kapilavastu, xứ Ràmagràma, thành Magadha, làng Ka2lapinàka, đô thị Pàtaliputra mới thuộc xứ Magadha, Tân vương Xá trước kia là vương đô của vua Bimbisàra, thành Gayà, thành Vàrànasi, xứ Kausàmbì, xứ Dakshinà, Champà, thành Tàmralipti, xứ Simhala, xứ Yavadvìpa. (*)

Qua ký sự của ngài, ta được biết những đặc điểm địa hình, nhân văn, khí hậu, cây cối ở một số quốc gia. Nhưng đóng góp cao quý nhất của Pháp Hiển là bức tranh ngài đã lại về sinh hoạt Tăng đoàn ở Ấn Đô và Tích Lan vào thế kỷ thứ năm sau Tây Lịch. Chẳng những qua đó ta biết được rằng chư Tăng tuân giữ giới luật Pha65t chế rất nghiêm minh, mà còn biết rằng họ được sự cung kính cúng dường rất trọng hậu của các vua chúa và thường dân cư sĩ. Ký sự của Pháp Hiển thỉnh thoảng có điểm thêm những giai thoại dật sử chắp nối lại, cho ta một hình ảnh khá đầy đủ về nếp sinh hoạt của đức Thế Tôn và các đại đệ tử của ngài lúc sinh thời. Mặc dù Phật Quốc Ký của Pháp Hiển không sao so bì được với tài liệu phong phú trong tác phẩm Tây Du Ký của Huyền Trang, song nó cũng có một đóng góp giá trị cho lịch sử Phật giáo ở Ấn và Tích Lan vào thế kỷ thứ năm sau tây lịch. Nếu Huyền Trang có thể dưọc tôn xưng là nhà khảo cổ về xư Ấn, thì Pháp Hiển chính là sử gia đầu tiên về Phật giáo trên đất PHật.

1.6. Quan điểm của Pháp Hiển

Từ cuộc đời, cuộc chiêm bái, ước nguyện của Pháp Hiển và các dịch phẩm của ngài về Phật giáo, ta thấy rõ Pháp Hiển là một vị Sư đề cao giới luật số một. Không những ngài trì luật một cách nghiêm túc, không bỏ an cư kiết hạ trong suốt cuộc du hành, mà trong Ký sự, ngài cũng toàn tập trung chú ý vào đời sống Tăng lữ tại Ấn Độ và Tích Lan. Ngài muốn biết tu sĩ Ấn Độ thực hành đời sống xuất gia như thế nào, để hy vọng cải thiện tình trạng Tăng già Trung Quốc thời đó dường như rất tồi tệ. Chúng ta được ngài cho biết thời ấy Tăng sĩ Trung Quốc tuân giữ Giới bổn phái Hữu bộ, do vậy ta có thể nói Pháp Hiển là một vị Tăng theo Tiểu thừa thuần túy; khác với Huyền Trang, một nhà Đại thừa tận xương tủy. Trong tất cả kinh điển mà Pháp Hiển mang về Trung Quốc chỉ có một kinh Phương Đẳng Đại Bát-niết-bàn với 5.000 bài kệ, có thể được xem là kinh Đại thừa, còn những kinh sách khác đều có tính chất thuần túy Tiểu thừa. Tất cả những tác phẩm mà ngài dịch thuật cũng đều thuộc giáo phái Tiểu thừa. Dấu hiệu duy nhất Đại thừa nơi ngài là, trong cuộc du hành đường biển từ Tích Lan đến đảo Yava và từ đảo Yava đến Trung Quốc, hai lần tàu bị bão tố dữ dội, Pháp Hiển đều niệm đức Quan Âm xin cứu mang. Ngoài sự cầu nguyện với một Bồ-tát Đại thừa này ra, thì quan điểm và sự tuân giữ giới luật nơi ngài hoàn toàn có tính cách Tiểu thừa.

1.7. Pháp Hiển, nhà chiêm bái khiêm tốn giản dị

Chúng ta thấy một điểm khác nhau rõ rệt về quan điểm và tính tình giữa hai ngài Pháp Hiển và Huyền Trang. Trong khi Pháp Hiển chỉ chú trọng Luật tạng, thì Huyền Trang thiên nặng về Luận tạng. Chủ đích của Huyền Trang du hành đến Ấn Độ chính là để học Luận Đại thừa Du già Sư Địa và mang về Trung Quốc, còn Pháp Hiển khởi hành cuộc hành trình gian khó vì muốn sưu tầm các bản văn về Luật tạng và xem xét đời sống tu viện cùng giới Luật của chư Tăng trên đất Ấn.

Khi đọc Phật Quốc Ký của Pháp Hiển, chúng ta nhận thấy sự khiêm hạ của một vị Sư sùng tín, bàng bạc khắp từng trang giấy của tập Ký sự. Ngài không che dấu sự yếu kém của mình, những lần suýt ngã quỵ khi đối diện với những gian khó của cuộc hành trình, và những vố đấm tàn khốc của định mệnh. Nhiều lần ngài đã rơi lụy, khiến người đọc cũng phải đồng cảm với ngài trước sự không may. Thành tích ngài đạt được quả thật lớn lao không ai sánh kịp trong lịch sử Phật giáo ngoại trừ thành tích của Huyền Trang. Nhưng dường như ngài không ý thức đến sự vĩ đại của mình, mà chỉ cho rằng sứ mệnh hoàn thành được là nhờ Tam Bảo che chở hộ trì. Những lời lẽ của ngài sau đây phản ảnh trung thực bẩm chất khả ái đấy: "Nhìn lại những gì mình đã trải qua trong cuộc hành trình, bất giác tim tôi run lên, toát mồ hôi hột. Tôi đã dấn mình vào nguy hiểm, dẫm lên chướng ngại vật không kể gì thân xác. Vì có một mục đích quyết định và bản tính cương trực, tôi đã liều mạng trong một cuộc hành trình ở đó cái chết hầu như là chuyện chắc chắn, chỉ hy vọng sống sót một phần vạn" [c: 8b; 12-13]. Chính thái độ thẳng thắn của ngài, và sự trung thành với mục đích gợi cho chúng ta niềm yêu mến thán phục. Chúng ta hoàn toàn tán đồng với một vị Sư vô danh đã ghi lại cuối tập Ký sự của Pháp Hiển vài dòng để chứng tỏ lòng thán phục đối với nhà chiêm bái vĩ đại ngày xưa: "Chúng tôi rất xúc động khi đọc ký sự của ngài. Một nhân cách như vậy thật vô cùng hiếm có và quý báu xưa cũng như nay. Từ ngày Đại giáo được truyền đến phương Đông, không một người nào sánh bằng Pháp Hiển trong việc xả thân tầm đạo. Nhờ vậy mà chúng ta biết rằng lòng thành đem lại kết quả vô biên; và khi quyết tâm đạt mục đích thì không việc gì không thành tựu. Vì, phải chăng sự thành công của ngài là nhờ ngài đã bất chấp cái mà người khác coi trọng, và coi trọng cái mà người khác xem thường?". [c: 8b; 13-14].

2. Pháp Hiển, nhà chiêm bái

Được tháp tùng bởi Huệ Cảnh, Đạo Chỉnh, Huệ Ứng, Huệ Ngôi, Pháp Hiển khởi hành cuộc chiêm bái đất Ấn vào năm thứ hai niên hiệu Hoằng Thỉ [năm 399 sau Tây lịch], năm Kỷ Hợi. Rời Tràng An, họ vượt qua những rặng núi ở đất Lủng và đến xứ Càn Quy, ở đó họ kiết hạ an cư. Sau đó tiếp tục đi đến xứ Nhục Đàn, qua núi Dương Lâu và đến thị trấn Trương Dịch. Xứ này gặp lúc loạn lạc đường xá nguy hiểm. Đáp lời cầu thỉnh của Quốc vương ở đấy, Pháp Hiển lưu lại cùng với các bạn đồng hành. Tại đây ngài gặp những vị Tăng khác là Trí Nghiêm, Huệ Giản, Tăng Thiệu, Bảo Vân, Tăng Cảnh, những vị cùng chí hướng đi Ấn tìm học giới luật. Họ cùng nhau kiết hạ an cư tại đấy. Xong hạ, họ tiếp tục đi đến xứ Đôn Hoàng. Ở đấy họ lưu lại hơn một tháng. Pháp Hiển và 4 vị Tăng khác khởi hành đi trước cùng với một hướng đạo, để Bảo Vân và những người khác ở lại. Họ được viên thái hậu ở Đôn Hoàng tên Lý Hạo cung cấp lương thực để đi qua sa mạc. Sa mạc có đầy những ác ma và gió nóng quái quỷ, khiến nhiều người mất mạng ở đây. Ngay cả chim chóc và thú rừng cũng phải tránh né chốn nguy hiểm này. Giữa sa mạc mênh mông không có một con đường ló dạng; chỉ có những bộ xương người chết được dùng làm mốc cho Pháp Hiển và đồng bạn đi tới.

Sau 17 ngày gian nan tột cùng, họ đã đi được khoảng 1.500 lý (250 dặm Anh) và đến nước Thiện Thiện. Họ lưu lại đấy hơn một tháng rồi lại lên đường đi về phía Tây Bắc 15 ngày đến nước Ô-di (Agni). Pháp Hiển được một viên chức người Trung Quốc tên Fu Hsien Sun mời lưu lại hai tháng. Ngài ở lại đấy cho đến khi gặp lại Bản Vân cùng các vị khác cũng đến nơi.

Vì người xứ Ô-di không tỏ lòng hiếu khách lắm, nên các vị Trí Nghiêm, Huệ Giản, Huệ Ngôi trở lại Cao Xương - Kaashar - để kiếm lương thực đi đường; trong lúc Pháp Hiển và những vị khác nhờ đã được Fu Kung Sun - Công Tôn - cung cấp đầy đủ hành trang nên bèn lên đường đi hướng Tây Nam. Giữa đường bèn lên đường đi hướng Tây Nam. Giữa đường không gặp nhà dân, họ trải qua gian nan khốn khổ không bút nào tả xiết. Cuộc hành trình kéo dài một tháng năm ngày, rồi họ đến quốc gia Khotan - Vu Điền.

Pháp Hiển cùng đoàn ngưòi được Quốc vương ở đấy đón tiếp và trú ngụ trong một ngôi chùa Đại Thừa tên Cù-ma-đế - Gomati. Các vị sư Huệ Cảnh, Đạo Chỉnh và Huệ Đạo đã đi trước đến Khalcha - Kiệt xoa, còn nhóm Pháp Hiển ở lại thêm 3 tháng để xem lễ rước tượng.

Vào tháng thứ tư khi lễ rước tượng đã xong, thầy Tăng Thiều cùng với một đạo sĩ người Hồi đi đến nước Kàsmìra - Kế Tân, trong khi nhóm Pháp Hiển đi 15 ngày đến quốc gia Chakuka - Tử Hợp. Xong họ đi về hướng Nam 4 ngày đến Pamirs - Tuyết Sơn và cuối cùng đến xứ Agszi (Huy), ở đấy họ an cư kiết hạ.

Hết mùa an cư, đoàn Pháp Hiển tiếp tục đi về hướng Bắc đến xứ Khalcha - Kiệt-xoa sau 25 ngày đường. Ở đây họ gặp lại Huệ Chỉnh và những vị khác. Đoạn họ cùng du hành theo hướng Tây, mất một tháng để leo núi tuyết Pamirs, ở đấy tuyết phủ cho đến cả vào mùa hạ. Suốt cuộc hành trình, những trận mưa lũ, gió quái và tuyết rơi cùng những cơn bão cát hãi hùng trút xuống vào mọi lúc. Người ta kể rằng trong 10.000 người không có một người nào có thể sống sót được qua những hiểm nguy ấy.

Sau khi vượt dãy Tuyết Sơn, họ đi vào Bắc Ấn và đến một nước nhỏ tên là Darada (Đà lịch). Rồi họ đi về Tây Nam 15 ngày vượt qua núi Tuyết, đường đi có vô số chướng ngại. Con đường có 700 bực cấp được đẽo từ núi đá, núi một đầu thì dựng đứng, một đầu thì đầy những vực sâu hãi hùng. Bên dưới, có con sông Tân-đầu chảy qua, hai bờ cách nhau 80 bước. Đoàn người lần theo những bực cấp núi đá ấy và vượt qua sông bằng một cái cầu dây.

Sau khi vượt qua sông Tân-đầu, họ đến quốc gia Udyàna (Ô-trường). Huệ Cảnh, Huệ Đạo và Đạo Chỉnh đi trước đến xứ Nagarahàra (Na-kiệt) để xem bóng Phật trong khi Pháp Hiển và những vị khác ở lại Ô-trường để an cư kiết hạ.

Sau mùa an cư, họ du hành về phía Nam, đến xứ Tú-ha-đa (Suvastu) đi về phía Đông trong 5 ngày họ đến quốc gia Kiền-đà-vệ (Gandhara). Từ đây đi về hướng Đông 7 ngày họ đến xứ Trúc-sát-thi-la (Takshasila) có nghĩa là chặt đầu. Lại vẫn đi về hướng Đông thêm 2 ngày, họ đến một nơi ngày xưa đức Phật Thích Ca trong một tiền kiếp đã xả thân cho cọp đói ăn thịt.

Sau khi đi về hướng Nam 4 ngày, họ đến xứ Purushra - Phất-lâu-sa. Tại đây Bảo Vân và Tăng Cảnh cúng dường bát của Phật xong rồi trở về Trung Quốc, còn Huệ Cảnh, Huệ Đạt và Đạo Chỉnh đã đi đến xứ Na-Kiệt đảnh lễ bóng Phật, răng và xương đảnh của ngài. Huệ Đạt một mình trở về nước Phất-lâu-sa gặp lại Bảo Vân và Tăng Cảnh rồi cùng họ trở về Trung Quốc. Bây giờ thì chỉ còn lại một mình Pháp Hiển. Những bạn đồng hành cuả ngài có thể nói đã bỏ cuộc ngoại trừ Huệ Cảnh và Đạo Chỉnh đang ở Na Kiệt. Vẫn không nao núng, Pháp Hiển ra đi một mình đến chùa thờ xương đảnh Phật. Sau khi du hành về phía Tây 16 do-tuần, ngài đến thành Hilo (Ha-lê) ở biên giới nước Na-Kiệt. Quay về hướng Bắc một do-tuần, Pháp Hiển đến thủ đô Na-Kiệt. Rồi ngài đi vào trong thung lũng, theo hướng Tây đi 4 ngày đường gặp ngôi chùa thờ áo Phật.

Sau 3 tháng ở Na-Kiệt gặp lại hai bạn đồng hành Đạo Chỉnh và Huệ Cảnh, họ lại lên đường đi về hướng Nam qua dãy núi Tiểu Hy-lạp, nơi tuyết phủ cả vào mùa hè. Khi đang leo sường Bắc của núi, họ bị một cơn bão tố băng giá. Huệ Cảnh không đi thêm được nữa, mồm sủi bọt mép vá chết ngay khi trối trăn hai bạn đồng hành nên tiếp tục lên đường đừng ở lại chết chung. Pháp Hiển vào Đạo Chỉnh vô cùng bi thương trước định mệnh tàn khốc này, nhưng rồi họ cũng lên đường, vượt qua sườn núi phía Nam để đến xứ La-di [Lakki]. Pháp Hiển và bạn đồng hành ở lại đây 3 tháng an cư mùa hạ, xong họ đi xuống phía Nam đến xứ Bạt-na [Harana]. Người trong xứ này đón tiếp họ rất nồng nhiệt và lấy làm ngạc nhiên trước thành tích cuả hai vị Tăng Trung Quốc xa xôi dám vượt hiểm nguy đi tìm Chánh pháp. Họ cung cấp hai khách Tăng những gì cần thiết và thết đãi theo truyền thống Phật giáo.

Hai nhà truyền thống đi tiếp về hướng Tây Nam khoảng tám mươi do-tuần, ngang qua một số chùa viện và đến xứ Mathura [Ma-đâu-la]. Tại đây họ qua sông Yamunà [Bồ-na] một lần nữa. Từ Mathura họ đi về hưóng Đông Nam 18 do-tuần, đến xứ Sankàsya [Tăng-già-thi].

Pháp Hiển cùng bạn đồng hành ở lại kiết hạ an cư trong chùa Rồng, rồi lại tiếp tục lên đường, đi hướng Đông Nam bảy do-tuần thì đến Anyàkubja. Họ vượt sông Hằng, và sau khi đi thêm 3 do-tuần về hướng Nam, họ đến một thôn tên gọi Hali [Ha-lê]. Rồi họ đi về Đông Nam mười do-tuần để vào đại quốc Aisàkha [Sa-kỳ]. Bấy giờ họ quay về hướng Bắc tám do-tuần, đến đô thành Sràvastì [Xá vệ] thuộc nước Kosala [Câu-tát-la].

Khi Pháp Hiển và Đạo Chỉnh viếng tinh xá Jetavana [Kỳ-hoàn] nơi Phật đã ở 25 năm, họ ngập tràn bi cảm, bất hạnh vì bị sinh vào chốn biên địa xa xôi. Họ chạnh lòng nghĩ đến những bạn đồng hành đã cùng đi qua nhiều xứ sở, mà bây giờ người thì đã chết, người trở lui về Trung Quốc, chỉ còn lại Pháp Hiển và Đạo Chỉnh, hai vị không khỏi ngậm ngùi. Những vị Tăng ở Xá-vệ khi biết Pháp Hiển và bạn đồng hành đã từ một nơi xa xôi như thế đến thỉnh kinh, thì vô cùng ngạc nhiên cảm phục trước kỳ tích của hai vị sư Trung Quốc.

Đoạn hai nhà chiêm bái từ Xá-vệ lại ra đi về hướng Đông nam 12 do-tuần, đến thành phố Napika. Từ đây về phía Bắc trong vòng một do tuần, họ đến một thành phố nơi Phật Kanakamuni [Câu-na-hàm-mâu-ni] đản sinh, và đi thêm một do tuần về phía Đông, họ đến xứ Kapilavastu [Ca-tỳ-la-vệ], nơi sinh của Phật. Vì xứ này đã hoang phế, đầy sư tử trắng và voi cư trú, nên hai nhà chiêm bái phải hết sức thận trọng khi đi đường.

Sau một thời gian ngắn ở Kapilavastu, họ du hành về hướng Đông năm do-tuần đến nước Ràmagràma. Đi thêm bốn do-tuần về hướng Đông, họ đến Tháp thờ Tro. Lại tiếp tục đi về hướng Đông 12 do-tuần nữa, họ đến đô thành Kusinagara. Sau khi viếng thăm các Thánh tích của Phật, họ đi về Đông Nam 12 do-tuần về đến nơi mà ngày xưa những người dòng họ Licchavis [Lê-xa] không được Phật cho phép đi theo đến nơi Ngài nhập Niết bàn. Đi thêm năm do-tuần nữa về hướng Đông, họ vào xứ Vaisàlì [Tỳ-xá-ly].

Từ Tỳ-xá-ly họ đi về hướng Đông 4 do-tuần đến chỗ hợp lưu của 5 dòng sông. Chính giữa vùng này, Tôn giả A-nan đã dùng tam-muội hỏa để thiêu thân. Họ qua sông và đi thêm một do-tuần về phía Nam đến đô thị Ba-liên-phất (Pataliputra) ở xứ Magadha (Ma-kiệt đà). Từ Ba-liên-phất họ du hành về hưóng Đông Nam 4 do-tuần đến một đỉnh núi đá đứng đơn độc, trên đỉnh có cái hang đá trong đó có hình ảnh Đức Phật ngồi. Đi thêm một do tuần về hướng Tây Nam, họ đi vào khu làng Kàlapinàka nơi sinh Tôn giả Xá-lợi-phất. Họ đi thêm một do-tuần về hướng Tây thì đến thành Vương Xá mới do vua A-xà-thế xây cất. Sau khi rời thành này bằng cổng phía Nam đi thêm 4 dặm, họ đến một thung lũng vây quanh bằng 5 ngọn đồi ở đấy vua Bình sa đã xây dựng thành Vương Xá cũ. Trên đường đi, hai nhà chiêm bái ngang qua những nơi Xá-lợi Phất và Mục Kiền Liên lần đầu tiên gặp vị thầy ngoại đạo Asvajis, nơi ngoại đạo Ni-kiền-tử đã đào hố lửa và soạn thức ăn đầu độc Đức Phật, và nơi vua A-xà-thế đã thả voi say hại Phật. Họ cũng đi ngang cảnh tàn phế của một ngôi chùa mà Javàka đã xây để cúng đức Phật và 1.250 đệ tử của Ngài.

Tiếp tục đi về hướng Đông Nam thêm 15 dặm, họ đến núi Linh Thứu, nơi Đức Phật đã giảng nhiều bài Pháp quan trọng. Pháp Hiển đã mang hương hoa đèn dầu và lên đến đỉnh núi nhờ sự hướng đạo của hai tu sĩ địa phương. Tại đấy ngài đốt hương, thắp đèn, dâng hoa, lễ bái Thánh địa. Khi đứng tại chỗ mà ngày xưa đức Như Lai đã từng sống, Pháp Hiển không sao ngăn được cảm xúc và ngài đã bật khóc, tự than đã sinh quá muộn màng, không được chiêm ngưỡng thân sắc vàng của Phật và lắng nghe Ngài thuyết giảng kinh Lăng Nghiêm tại nơi này. Rồi Pháp Hiển tụng kinh Lăng Nghiêm ở đấy ngay trước hang động, và trải qua đêm trên đỉnh núi Linh Thứu. [Cao Tăng Truyện còn kể câu chuyện Pháp Hiển đã gặp ngài Đại Ca-diếp, vị đại đệ tử khổ hạnh đệ nhất của Đức Phật. Mẫu chuyện này dường như phù hợp với truyền thuyết cho răng Ma-ha Ca-diếp vàn còn sống trong một khe núi Linh Thứu.] Ngày hôm sau ngài trở xuống thành Vương-Xá mới.

Rời Vương Xá, Pháp Hiển cùng bạn đồng hành đi về phía Tây và đến đô thị Gayà. Lại đi thêm 20 lý về phía Nam, họ đến nơi mà ngày xưa Đức Phật đã tu khổ hạnh 6 năm. Đoạn họ đi 3 dặm về phía Tây để thăm viếng nơi đức Phật tắm và được một thiên nhân đưa ra khỏi nước. Họ cũng thăm viếng một Thánh tích cách đó 2 lý về phía Bắc, nơi Đức Phật được các cô gái Gramika dâng cúng cháo sữa. Lại đi thêm 2 lý về phía Bắc, họ đến một nơi đức Phật đã ngồi xuống trên một phiến đá dưới gốc cây lớn để dùng cháo.

Rồi họ du hành về phương Đông Bắc nửa do tuần, đến hang động ở đấy đức Phật đã ngồi kiết già nhìn về phương Tây. Từ Bồ-đề tràng họ đi về hướng Nam 3 dặm, đến núi Kê Túc (Kukkutapàda), ở đấy tương truyền đức Đại Ca-diếp còn ở trong núi. Pháp Hiển quay về thành Ba-liên-phất, và từ đây ngài đi về phía Tây dọc sông Hằng 10 do-tuần đến chùa Atavi nơi đức Phật đã từng lưu lại một thời gian. Vẫn đi dọc sông Hằng, họ nhắm huớng Tây đi được 12 do-tuần vào đô thị Vàrànasi thuộc xứ Kàsi. Rồi họ viếng thăm vườn Nai ở cách đô thị ấy 10 dặm về phía Bắc. Đi 60 bước về hướng Bắc là nơi Đức Phật ngày xưa đã ngồi day mặt về phương Đông mà thuyết giảng bài Pháp đầu tiên; 20 bước về phía Bắc là nơi đức Phật đã tiên đoán sự ra đời của đức Phật Di-Lặc trong tương lai. Đi thêm 50 bước về phía Nam là nơi con rồng Elapatra (Ưu-bát-la Long Vương) hỏi Đức Phật đến bao giờ nó mới được thoát khỏi lốt rồng.

Họ lại khởi hành đi đến xứ Câu-Diệm-di ở cách 13 do-tuần phía Tây Bắc vườn Nai. Đoạn họ đi về hướng Nam. Sau khi vượt qua 200 do-tuần, họ đến một nước tên gọi Dakfina. Vì đường sá ở đây không được an toàn cho cuộc lữ hành nếu không được vũ trang hộ tống, nên Pháp Hiển không thể đến đấy mà chỉ viết ký sự về nơi này qua lời kể của dân địa phương.

Sau đó từ Varanasi, Pháp Hiển cùng bạn đồng hành trở về Ba-liên-phất. Vì ở Bắc Ấn không có kinh sách về Luật tạng, nên Pháp Hiển phải đến Trung Ấn ở đấy ngài có thể tìm thấy một Luật bản của phái Đại Chúng bộ tại một chùa Đại thừa giáo. Ngài cũng được một bản Luật phái Hữu bộ gồm 7.000 bài kệ, và nhiều kinh luận khác.

Pháp Hiển ở lại đấy 3 năm để học sách Phạn ngữ và để ghi chép những kinh sách nói trên. Bấy giờ Đạo Chỉnh quyết định ở lại đất Ấn vì thấy nơi đây Giới Luật được Tăng sĩ Ấn Độ tuân hành nghiêm cẩn. Ngài than phiền về tình trạng giữ giới tồi tệ ở Trung Quốc, và nguyện sẽ không bao giờ sinh vào nơi biên địa. Thế là Đạo Chỉnh ở lại Ấn Đô, không cùng Pháp Hiển trở về quê hương Trung Quốc. Vì Pháp Hiển đến Ấn với mục đích mang về Giới Luật xuất gia, nên ngài phải khởi hành chuyến về một mình không bầu bạn, lên đường đến nước Sư Tử [Simhala] rồi về quê nhà.

Đầu tiên ngài đi 18 do-tuần về phía Đông, đến Đại quốc Champà, nằm phía bờ Nam sông Hằng. Đoạn ngài đi đến Tamràlipti sau khi đi về hướng Đông 50 do-tuần. Ngài lưu lại nơi này 2 năm để chép Kinh và họa hình tượng Phật. Rồi ngài xuống tàu của những người buôn, sau 14 ngày đêm đến nước Sử tử.

Pháp Hiển đã rời xa Trung Quốc nhiều năm, đã đi qua nhiều vùng đất xa xôi, gặp nhiều nền văn hóa lạ lùng, nhiều cảnh và người hoàn toàn xa lạ, tất cả những người bạn đồng hành Trung Quốc đã bỏ ngài, một số trở về, một số chết đường, còn Đạo Chỉnh thì ở lại đất Ấn. Bởi thế đôi lúc ngài cũng cảm thấy cô đơn và nhớ quê hương. Khi ngài trông thấy một chiếc quạt bằng lụa trắng chế tạo ở Trung Quốc trong ngôi chùa Vô Uý Sơn, một chiếc quạt có lẽ do một thương gia Trung Quốc nào đó dâng cúng, không thể cầm được nước mắt ngài đã khóc thảm. Pháp Hiển ở lại nước Sư Tử 2 năm, viếng thăm các tu viện lớn, xem những đám diễn hành Phật giáo, và đã mô tả lại hòn đảo này về các mặt địa dư, khí hậu, khoáng chất, nhân văn. Pháp Hiển thỉnh được một bản Giới Luật của phái Mahysàsakas, kinh Trường A-hàm, kinh Tạp A-hàm và kinh Tiểu Bộ, những thứ không có ở Trung Quốc. Sau khi hoàn tất sứ mạng ở nước Sư Tử, Pháp Hiển theo một tàu buồm lớn của thương gia trên đường về nước. Chiếc tàu chở gần 200 hành khách, đằng sau buộc một thuyền con cho hành khách xuống phòng khi đắm tàu. Con tàu dong buồm hướng về phương Đông một cách êm ả trong hai ngày thì bỗng một cơn bão tố nổi lên tàu có khe hở bị nước vào. Những người đã xuống được thuyền nhỏ bèn cắt dây bơi đi thoát thân. Những người buôn kinh hoảng ném bớt hành lý xuống biển cho tàu nhẹ bớt. Pháp Hiển cũng phải quăng xuống biển bình nước chậu thau và vài vật dụng khác của ngài, còn những kinh và tượng Phật thì ngài cầu nguyện Bồ Tát Quan Âm và chư Tăng Trung Quốc gia hộ cho ngài mang được an toàn về đất mẹ. Trận cuồng phong hoành hành suốt 13 ngày đêm nhưng may thay tàu tắp được vào một hòn đảo để điều chỉnh chỗ bị nứt, rồi lại dong buồm đi tiếp. Cuộc hành trình kéo dài khoảng 90 ngày mới đến đảo quốc Yava (Da-bà-đề).

Pháp Hiển ở đây 5 tháng và lại xuống một chiếc tàu buôn lớn khác cùng với khoảng 200 hành khách. Họ dong buồm vào ngày 16-4 đi về Quảng Châu, mang theo lương thực đủ ăn trong 50 ngày. Pháp Hiển giữ pháp an cư ngay trên tàu. Sau một tháng thuận buồm xuôi gió, bỗng chốc chiếc tàu lại bị một trận bão lớn, trời tối sầm, mưa trút xuống như thác lũ. Những hành khách và thủy thủ đều sợ rằng con tàu chắc chắn phải chìm. Một lần nữa Pháp Hiển lại van vái đức Quan Âm Bồ tát che chở và cầu sự gia bị của chư Tăng Trung Quốc. Như đáp ứng lời cầu xin của ngài, con tàu qua được đêm ấy. Ngày hôm sau những người Bà-la-môn trên tàu bàn với nhau và quyết định thả ngài Pháp Hiển xuống một hòn đảo, vì cho rằng chính hiện diện của thầy tu Phật giáo này là nguyên nhân của bao nhiêu tai nạn gian khổ. Nhưng thí chủ của Pháp Hiển ở trên tàu cực lực phản đối âm mưu ác độc này và dọa sẽ về tâu với Hoàng đế Trung Quốc, nếu họ còn cố loại trừ Pháp Hiển ra khỏi tàu. Lời hăm dọa này đã ngăn các Bà-la-môn thực hiện kế hoạch của họ, và Pháp Hiển được cứu thoát khỏi âm mưu tội lỗi kia. Vì bầu trời mờ mịt dưới những làn mưa liền tiếp, tàu bị lạc hướng. Trong hơn 70 ngày, con tàu lênh đênh giữa biển cạn hết lương thực và nước uống. Họ đành phải dùng nước mặn để nấu ăn, và khẩu phần nước uống phải hết sức hạn chế. Khi nước uống đã hết, họ bàn nhau vạch một hướng đi cho con tàu. Bấy giờ tàu đi về phương Tây Bắc cố gặp được đất liền. Sau 12 ngày, họ đến được bờ Nam của Lao Sơn thuộc quận Trường Quảng, và thế là chấm dứt cuộc hành trình gian nan nguy hiểm.

Khi trông thấy rau lê, lá dâu quen thuộc mọc ở Trung Quốc họ mới biết mình đã về đến quê hương. Sau khi hỏi thăm những cư dân địa phương, họ được biết đã đến quận Trường Quảng thuộc Thanh Châu. Khi nghe Pháp Hiển một vị Tăng Trung Quốc đang ở trên thuyền cùng với kinh và tượng, thái thú quận Trường Quảng là Lý Nghi vốn là một Phật Tử, sai người thỉnh kinh tượng về quận lỵ. Tại đây Pháp Hiển chia tay với những người buôn để họ tiếp tục đi đến Dương Châu, Pháp Hiển ở lại Thanh Châu một mùa đông và một mùa hè theo lời mời của người anh vị hoàng đế tương lai là Lưu Dũ (Liu Yu). Tại Thanh Châu, Pháp Hiển đã an cư kiết hạ, và khi giải hạ ngài muốn trở về Tràng An. Ngài đi về hướng Nam để đến thủ đô. Ngài gặp một vị Tăng Ấn Độ tên Buddahbhadra [Phật Hiền] và cho vị này xem những bản Luật ngài đã mang về được.

Vậy là Pháp Hiển đã kết thúc cuộc hành trình gian nan để chiêm bái Thánh tích. Ngài đã khởi hành từ Tràng An và phải mất 6 năm mới đến đất Ấn. Ngài đã ở lại nơi đây 6 năm. Cuộc hành trình trở về mất 3 năm khi ngài đến Thanh Châu. Ngài đã viếng thăm gần 30 quốc gia; không thể nào kể hết chi tiết đời sống tu hành tuyệt diệu của nhưng tu sĩ ngài gặp trên đường. Khi khởi hành ngài đã 65 tuổi, và khi trở về cố quốc ngài đã 79 tuổi. Thật lạ lùng, là niềm khát khao Chánh Pháp đã cho Pháp Hiển một sức năng động phi thường đến nỗi mặc dù tuổi đã cao, ngài vẫn hoàn tất được một cuộc phiêu lưu đã đánh gục bao nhiêu người trẻ tuổi.

3. Pháp Hiển và những bạn đồng hành

Nếu Huyền Trang đã khởi hành cuộc chiêm bái đơn độc không bầu bạn, thì trái lại Pháp Hiển lúc đầu đã có những bạn đồng hành gồm các vị Tăng Huệ Cảnh, Đạo Chỉnh, Huệ Ứng và Huệ Ngôi. Và về sau tại đô thị Chang Yeh, ngài còn được tháp tùng bởi một nhóm 5 vị tăng khác nữa. Bởi thế, Pháp Hiển lúc đầu đã được trang bị tốt để khỏi cô độc trong cuộc hành trình gian nan đến Ấn Độ. Nhưng định mệnh trớ trêu đã muốn cho Pháp Hiển phải đau khổ hơn Huyền Trang vì cảnh đơn thương độc mã. Ngài đã phải khởi hành chuyến hồi hương một mình một bóng, trong khi Huyền Trang được người theo hộ vệ suốt cuộc hành trình trở về, chưa nói đến sự đón tiếp nồng hậu mà các nhà cai trị và dân chúng các nơi ngài đến đã dành cho ngài.

Mặc dù có 9 bạn đồng hành, Pháp Hiển cũng không cùng đi với họ suốt cuộc hành trình, mà tình thế bắt buộc đã khiến họ thỉnh thoảng phải tách riêng.

Tại Đôn Hoàng, Pháp Hiển và 4 vị Tăng khởi hành đi đến nước Thiện Thiện, còn Bảo Vân và 4 vị khác ở lại đi sau. Chỉ khi đến nước Ô-di họ mới có thể gặp nhau lại. Nhưng tại đây họ lại phải tách nhau: Một toán trở về Cao Xương để tìm lương thực đi đường, trong khi Pháp Hiển cùng 6 vị khác tiến đến Khotan [Vu Điền]. Tại đây đoàn của Pháp Hiển lại tách ra. Huệ Cảnh, Đạo Chỉnh và Huệ Đạt đi đến trước đến Cao Xương còn Pháp Hiển và những người khác ở lại Vu Điền để xem lễ rước tượng Phật. Khi lễ rước vừa xong, Tăng Thiệu cùng một vị Tăng người Hồ đi đến Kasmira, còn nhóm Pháp Hiển thì đi đến Kasmira, còn nhóm Pháp Hiển thì đi Chakuka [Tử Hợp] rồi đi Cao Xương. Tại đây họ gặp Huệ Cảnh và những người khác. Nhưng họ cũng không cùng đi với nhau lâu dài. Tại Udyana, Đạo Chỉnh và Huệ Đạt khởi hành đi đến Nagarahara, trong khi Pháp Hiển và những người khác ở lại an cư mùa hạ. Rồi Pháp Hiển cùng với nhóm của ngài đi đế xứ Suvastu, Gandhara, Takashila và Purushaputra. Tại đây Bảo Vân và Tăng Cảnh sau khi chiêm bái bình bát của Phật đã thối thất lời nguyện đi Ấn mà trở về Trung Quốc. Tại Nagarahara Huệ Cảnh ngã bệnh, Đạo Chỉnh ở lại săn sóc, Huệ Đạt trở lui về Purushaputra một mình và tháp tùng Bảo Vân cùng Tăng cảnh để về nước. Huệ Cảnh về sau từ trần tại chùa thờ Bát cuả Phật. Bấy giờ Pháp Hiển còn lại một mình nhưng với ý chí bất khuất, ngài khởi hành đến chùa thờ Xương đảnh Phật ở đấy ngài đã gặp Đạo Chỉnh và Huệ Cảnh. Trong khi vượt qua núi Tuyết nhỏ, Huệ Cảnh không chịu nổi gian khổ của cuộc hành trình được nữa, đã trút hơi thở cuối cùng trước sự đau đớn sâu xa của hai bạn đồng hành. Trong số người cùng khởi hành với Pháp Hiển chỉ còn lại Đạo Chỉnh. Hai ngưòi hành hương này không khỏi ngậm ngùi than thở khi nghĩ đến những người bạn đồng hành trước kia và sự cô độc hiện tại của mình. Nhưng tương lai còn dành cho Pháp Hiển một định mệnh vô cùng khắc nghiệt.

Khi Đạo Chỉnh đến thành Ba-liên-phất trông thấy uy nghi giới hạnh của những Tăng sĩ tại đấy và nền giới pháp tuyệt hảo, ngài quyết định ở lại đất Ấn. Từ đây trở đi cho đến khi về lại Trung Quốc, Pháp Hiển phải làm cho cuộc hành trình đơn độc trước hết từ thành Ba-liên-phất cho đến Champa rồi Tamralipti, rồi đi tàu đến nước Sư Tử. Bởi thế thật không lạ lùng bị khi ta thấy ngài thương cảm mà khóc khi trông thấy một chiếc quạt lụa Trung Quốc trong chùa Vô Uý Sơn. Từ nước Sư Tử, ngài một mình xuống tàu đi đến đảo Yàva rồi trở về Trung Quốc.

Đối với một người lữ hành, không có kẻ thù nào tệ hơn sự cô độc, nhất là khi phải phiêu lưu đến những xứ hoàn toàn xa lạ, với những phong tục, người và cảnh hoàn toàn không quen thuộc. Chúng ta không khỏi ngậm ngùi san sẻ với nỗi lòng Pháp Hiển khi ngài khóc cái chết của Huệ Cảnh, hay lúc ngài buồn sầu tưởng niệm ở Kỳ Viên và trên đỉnh núi Linh Thứu, hoặc cảnh ngài rơi lệ khóc tại chùa Vô Uý Sơn.

(*) Tham khảo bản dịch Phật Quốc Ký của HT Trí Quang thì lộ trình của ngài Pháp Hiển khởi từ Trường An đã đi qua các xứ và thành phố như sau; Càn-qui, Nhục-đàn, trấn Trương Dịch, Đôn Hoàng, Thiện Thiện, Ô-di, Vu-điền, Kiệt-Xoa, Tử-hợp, nước Huy-đà lịch, Ô-trường (Bắc-Thiên-Trúc), Tù-ha-da, Kiền-đà-vệ, Trúc-sát-thi-la (cắt đầu), Phất-lâu-sa, Nhục-chi, Hê-la thủ đô xứ Na-kiệt, La-di, Bạt-na, Tỳ-trà, Ma-đâu-la, Tăng-già ti (Nam bộ), Kế-nhiêu-di, thôn Ha-lê, Sa-kỳ, Xá-vệ, quốc đô nước Câu-tát-la, Ca-duy-la-vệ, Lam mạc, Câu-di-na-kiệt, Tỳ-xá-ly, Ba-liên-phất thủ đô nước Ma-kiệt-đà, làng Nala sinh quán Sariputra, Vương Xá mới, thành Già-da, Ba-la-nại - Ca-thi, Câu-diệm di, Đạt sấn, Chiêm-bá, Ma-lê-đế (cửa biển), Sư Tử, Da-bà-đề xứ Bà-la-môn giáo, bờ Nam Lao Sơn, thuộc quận Trường Quảng.


--- o0o ---

Chân thành cảm ơn Đạo hữu Bình Anson đã gởi tặng tập sách này
Trình bày : Mỹ Hạnh - Thiện Hưng

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]