Niềm Vui
Cho Ni Giới Tây Tạng
Thích Nguyên Tạng
---o0o---
Một học giả Phật giáo, dịch giả và tác giả người Hoa Kỳ, cô Besty Napper đã từ bỏ công việc dạy học của mình ở Đại học đường Stanford vào năm 1990 để đến làm việc tại Dharamsala - Ấn Độ, giúp đỡ sư bà Rinchen Khadro, điều hành một kế hoạch xây dựng một ni viện và một trường Phật học cho ni giới Tây Tạng. "Tôi có cái may mắn mà người phụ nữ Tây Tạng không có được", cô đã trả lời phỏng vấn với sư cô Robina Courtin vào tháng sáu trong chuyến đi ngắn trở lại Hoa Kỳ để in lịch Tây Tạng năm 1996. "Tôi thật sự muốn làm một công việc gì đó để giúp cải thiện hoàn cảnh sốngcủa ni giới Tây Tạng, như là một phương cách để đền đáp lại".
Cô Besty đậu bằng Tiến sĩ Phật học (Ph.D in Buddhist Studies) tại trường đại học Virginia vào năm 1985. Sau đó cô lưu lại dạy Tạng ngữ cho đại học này và có một năm làm giảng viên cho khoa tôn giáo học ở trường đại học Stanford.
Tại sao cô bỏ nghề dạy học của mình ?
- Trên thực tế, tôi đang làm một công việc mà nhiều người khác cũng có thể làm được. Điều tôi mong mỏi là đem sự hiểu biết và tài năng của mình để giúp đỡ cho ni giới Tây Tạng .
- Tôi cho rằng tôi đã thực sự may mắn, vì lúc đó có nhiều học giả nổi tiếng từ truyền thống Phật giáo phái Gelugpa (phái Hoàng Mao thuộc PG Tây Tạng) đến đại học Virginia trong lúc tôi đang làm việc ở đó và tôi đã có cơ hội để học Phật từ các vị ấy, vì thế tôi đã được sự giáo dục Phật giáo hoàn hảo.
- Mặt khác tôi nhận ra rằng mình có nhiều ưu thế hơn những phụ nữ Tây Tạng,. Vì vậy tôi thật sự muốn làm một công việc gì đó để giúp thay đổi hoàn cảnh sống của ni giới Tây Tạng như là một phương cách để đền đáp. Thêm vào đó tôi lại đạt được một nền học vấn của một tăng sĩ Phật giáo và đã đã chịu ảnh hưởng sâu sắcbởi truyền thống này. Nên tôi quan tâm tìm hiểu nhiều hơn về Ni giới, vì thế tôi bắt đầu nghiên cứu xem những gì đang xảy ra đối với họ. Tôi đã nhanh chóng khám phá rằng có nhiều nhu cầu không được đáp ứng và có nhiều việc mà tôi có thể góp sức để đáp ứng lại nhu cầu kia.
- Vào mùa xuân năm 1990, sau khi rời đại học Stanford, tôi đã đến Ấn Độ và lưu trú ở Ni viện Ganden Choling ở Dharamsala (Bắc Ấn). Tôi quan sát điều kiện sống của chư ni ở đây và khám phá ra dự án phát triển Tu viện của chư ni ở đây hầu như không hoạt động. Một nhóm chúng tôi tập hợp lại và quyết định làm việc cật lực để nó hoạt động trở lại. Chúng tôi hình thành ngay một kế hoạch là xây dựng một tu viện và một ngôi trường Phật học.
- Chúng tôi thực sự tập trung nhiều vào việc xây dựng ngôi trường, chúng tôi đã xuất chi một số tiền để mua miếng đất. Khi việc mua đất còn đang xúc tiến, thì thình lình có một số đông Ni sinh kéo đến từ Tây Tạng vào đầu năm 1991. Họ dựng lều ở tạm bên ngoài tu viện. Vì vậy chúng tôi phải lập tức ngưng công việc dài lâu kia để tập trung vào việc lo ăn ở cho tất cả những người này.
- Có quá nhiều công việc phải làm lại từ đầu. Phần lớn trong số họ đều mù chữ và chúng tôi phải phổ cập cho họ một chương trình giáo dục cơ bản.
Chương trình có đào tạo cho Ni sinh trở thành giáo viên không?
- Có chứ, mục tiêu được tập trung nhiều vào việc ấy: có chương trình dạy về Trụ trì Ni viện, có lớp dạy về phương pháp phục vụ cộng đồng với những vai trò khác nhau như giáo viên, nhân viên y tế, cũng có lớp đào tạo cho họ hoạt động tích cực hơn trong hội chúng của họ. Nói chung không có việc gì cản trở vấn đề đào tạo Ni sinh trở thành giáo viên ngoại trừ chính họ thiếu tự tin mà thôi.
Còn các thói quen cũ và quan điểm bảo thủ thì sao?
- Cũng có, tuy nhiên điều đó có thể khắc phục được nhờ việc học. Nếu chúng ta suy nghĩ về việc 30 năm trước phụ nữ không được đi học và bây giờ đã thay đổi hẳn, nam nữ đều bình đẳng trong học hành, thậm chí có thể 50% phụ nữ là giáo viên. Nói chung không có gì ngăn cản được họ. Tuy vậy, một số tu viện vẫn còn giữ quan niệm bảo thủ, họ chuyên biệt đào tạo cho tăng giới, vì thế điều này dẫn đến việc cải tổ rất chậm. Nhưng tôi nghĩ đó là xu thế tất yếu. Đức Đạt Lai Lạt Ma hoàn toàn ủng hộ việc này, do đó tôi tin chắc là sẽ có cải cách.
Cô là đồng chủ nhiệm Dự án với Sư bà Rinchen Khadro?
- Đúng vậy, tuy nhiên Sư bà là người lãnh đạo chung và là người gây quỹ chính cho công trình này. Tôi có ấn tượng thật sâu sắc từ nơi bà. Bà là người cống hiến hết sức mình cho Đạo pháp.
- Khi Sư bà được bầu làm Bộ trưởng giáo dục trong chính quyền lưu vong (tại Ấn Độ). Bà buộc phải bãi nhiệm các chức vụ ở các tổ chức phi chính phủ. Tuy nhiên, chư Ni thương kính bà, nên đã thỉnh cầu Đức Đạt Lai Lạt Ma cho phép bà được ở lại trong dự án này và Ngài đã chấp thuận.
Chắc hẳn chư ni sinh xem cô là một tấm gương tốt?
- Ổ, Về phương diện nào đó họ xem tôi như một tấm gương của một con người năng nỗ. Tuy nhiên tất cả những kinh nghiệm học vấn của tôi thì không có nghĩa gì đối với họ.
Chư ni ở đó trẻ hay già? họ đến từ Tây Tạng hay là người địa phương (Ấn Độ)?
- Có người đã lớn tuổi, nhưng đa phần đều còn trẻ; từ mười tám đến hai mươi lăm tuổi. Họ đến từ Tây Tạng, vì lý do chính trị, hoặc lánh nạn hay chỉ vì không chịu nổi áp lực của điều kiện sống (điều kiện sống khắc nghiệt?) ở Tây Tạng mà họ tìm đến.
- Để đến được đất Ấn, chứng tỏ sức mạnh và lòng dũng cảm của họ thật đáng khâm phục. Họ không được học hành cũng như không biết bất cứ một ngành nghề nào. Do vậy có nhiều điều, nhiều việc họ cần phải được huấn luyện, cần phải học cấp tốc.
- Nhiều người trong số họ lộ rõ vẻ quyết tâm trở thành nữ tu. Tôi không biết rằng tất cả họ có hình dung những gì sẽ diễn ra khi họ trở thành nữ tu hay không, nhưng tôi thấy họ thực sự cố gắng. Họ cho rằng người Tây phương nhanh chóng phát nguyện đi tu rồi cũng nhanh chóng từ bỏ, và họ không có sự chọn lựa tương tự. - một phương diện nào đó, điều này giúp cho họ kiên tâm hơn trên đường tu của mình.
Có một sự nhận thức nào giữa các nữ tu Tây Tạng về việc thọ đại giới không?
- Không, không nhiều, chắc chắn là không có đối với chư ni ở ni viện Dolma Ling. Họ có nhiều vấn đề khác để đối phó hơn, họ đang vật lộn với việc ăn, ở và học hành. Do vậy vấn đề thọ giới cũng không khác mấy.
- Điều đó được quan tâm nhiều hơn đối với chư ni ở ni viện Ganden Choling, vì các vị tu lâu hơn và có hiểu biết nhiều hơn. Trong thực tế thì họ không thể hoàn tất việc học nếu họ không thọ đại giới, và họ không thể trở thành một Geshe (học vị Tiến sĩ trong PG Tây Tạng) được. Đó là điều mà tôi không được biết từ trước.
Kinh phí cho dự án xây dựng có lớn không?
- Cho đến nay có lẽ chúng tôi đã chi khoảng 250.000 đô la cho công tác xây dựng, và chúng tôi đang cần thêm khoảng 500.000 đô la nữa.
Ngân quỹ này lấy từ đâu?
- Khắp mọi nơi, mỗi người một ít.
Dự án có được ủng hộ nhiều không?
- Có rất nhiều sự quan tâm và ủng hộ. Nhiều phụ nữ Tây phương đang để tâm giúp đỡ ni chúng Tây tạng. Chúng tôi cũng nhận được sự ủng hộ từ bên trong cộng đồng Tây Tạng, mặc dù mức độ ủng hộ dành cho phụ nữ có phần ít hơn mức độ dành cho nam giới. Nhưng đó vẫn là niềm vui cho Ni giới Tây Tạng.
- Nhiều phụ nữ Tây phương đến thỉnh ý Đức Đạt Lai Lạt Ma là tại sao các nhà lãnh đạo Phật Giáo Tây Tạng không tạo những điều kiện tốt hơn cho Ni giới? Và họ nghĩ rằng Ngài sẽ tung "chiếc gậy thần" để hóa phép cho tình hình được tốt hơn. Lẽ ra phải được như vậy, nhưng thực tế điều đó đã không xảy ra. Về cơ bản thì có vài quan điểm cho rằng người phụ nữ phải tự lo liệu lấy .
Theo Tạp chí MANDALA, tháng 10/1995
-- o0o --