Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Dẫn nhập

22/05/201316:42(Xem: 9915)
Dẫn nhập

Nguồn gốc và tiến trình hình thành kinh Đại Bát Nhã

Dẫn nhập

Cư sĩ Hạnh Cơ

Nguồn: Cư sĩ Hạnh Cơ

"Bát Nhã" là tiếng phiên âm của chữ Phạn "Prajna", có nghĩa là trí tuệ, là trí sáng suốt có thể thông hiểu mọi việc ở đời. Nhưng, trong Phật học, khi nói đến "trí tuệ", chúng ta phải phân biệt có bốn loại, khác nhau rất xa:

1. Trí tuệ của phàm phu:

Mọi người ở thế gian đều có trí hiểu biết bình thường. Khi cái trí hiểu biết ấy quá thấp kém, không biết suy nghĩ , không biết gì nhiều ngoài những hoạt động bình thường, người ta gọi đó là hạng người ngu si, hay tệ hơn nữa là "đần độn". Đối với người có cái trí hiểu biết trên mức bình thường, nghe một hiểu mười, tự mình biết suy nghĩ một cách chín chắn, thấy rõ những việc phải trái, tốt xấu, v.v…, người ta gọi đó là hạng người khôn ngoan, lanh lợi, thông minh. Trên nữa là hạng người thông thái vượt trội hơn tất cả, có khả năng tìm hiểu, khám phá, sáng tạo, phát minh; được gọi là hạng người có trí tuệ. Một mưu chước hay, một hành động tốt của hạng người này có thể đem lại lợi ích, an vui cho nhân quần xã hội, và họ trở thành những bậc anh hùng, vĩ nhân; nhưng một mưu mô thâm độc, một hành động bạo ác của họ lại sẽ đem khổ đau, tang thương đến cho cả nhân loại, và họ trở thành những hung thần, ác quỉ. Như vậy, trí tuệ của người thế gian thật giống như con dao hai lưỡi, có thể giúp đời mà cũng có thể hại người. Và theo như kinh nghiệm mà mọi người trong chúng ta đều có được, ai cũng thấy rõ, cái trí tuệ của thế gian, giúp ích thì ít, mà phá hoại thì nhiều không thể kể xiết! Bởi vậy, trong giáo lí đạo Phật, "thế trí" đuợc coi là một trong tám tai nạn lớn (bát nạn) của con người. – Và "thế trí" chính là loại trí tuệ của hạng người "phàm phu", tức là hạng người không tu học theo thánh đạo, không tỏ ngộ chân lí, không tin nhân quả, tội phước báo ứng…

2. Trí tuệ của Nhân và Thiên thừa:

Cũng thuộc trong vòng thế gian, nhưng có những người có trí sáng suốt, nhận rõ những hoàn cảnh khổ đau trong thế gian là do chính mình gây ra, và do chính con người gây ra cho nhau. Họ phát tâm quay về nương tựa nơi Ba Ngôi Báu, tu học theo chánh pháp, hành trì năm giới cấm trong đời sống hằng ngày; cốt tu tập, rèn kuyện bản thân trở thành một con người đúng với phẩm giá một con người chân chính. Họ tin nhân quả nên quyết định không tạo nghiệp ác, không gây đau khổ cho người khác để khỏi phải chịu những quả báo đau khổ về sau; đồng thời quyết tâm tạo nghiệp lành để hưởng được phước báo an vui mãi mãi. Đó là những người có trí tuệ của hàng Nhân thừa, tức là hạng người có trí sáng suốt hơn hạng phàm phu, biết vượt lên trên cái tư cách phàm phu, sống xứng đáng với phẩm cách của một con người chân chính, toàn thiện, cao thượng. Nếu phát tâm mạnh mẽ hơn một bậc, những người này có thể tu tập trọn vẹn mười nghiệp lành, hoàn toàn không gây bất cứ một nỗi khổ đau (hoặc do thân thể hành đnộg, hoặc do miệng lưỡi nói năng, hoặc do tâm ý suy nghĩ) nào cho chính mình và cho người khác, biết tu tạo phước đức trong mọi cơ hội, không từ bỏ một việc thiện nhỏ nào mà không làm. Đó là họ tạo nghiệp lành để hưởng được phước báo của chư thiên, không đau khổ như loài người, sung sướng và sống lâu hơn loài người rất nhiều. Được như vậy là vì hạng người này có được loại trí tuệ của hàng Thiên thừa, và biết tu tập những pháp môn của hàng Thiên thừa. – Tuy cũng thuộc trong phạm vi thế gian, nhưng những người ở hàng Nhân thừa và Thiên thừa không coi trọng loại "thế trrí" của hạng phàm phu; vì họ thấy rõ rằng, "thế trí" chỉ mang lại tình cảnh đau khổ triền miên cho chúng sinh mà thôi.

3. Trí tuệ của hàng Nhị thừa:

Nhị thừa là hai thừa Thanh-văn và Guyên-giác. Con người thế gian, dù có hay không có "thế trí", đối với giáo lí đạo Phật, họ vẫn là phàm phu, vẫn phải đau khổ triền miên, vì đời sống luôn luôn tạo nghiệp bất thiện, mà không thấy biết có một con đường chánh để đi theo. Nhưng nếu có những người nào đó, nhờ duyên lành gặp được Phật pháp, phát tâm tu học theo chánh đạo, thì biết rằng những người này đã có trí tuệ -- loại trí tuệ cao hơn, sáng suốt hơn, đúng đắn hơn loại "thế trí" của phàm phu; đó là trí tuệ của hàng Nhân và Thiên thừa. Dù vậy, Nhân và Thiên thừa cũng vẫn còn thuộc trong vòng thế gian, vẫn còn chịu đau khổ trong biển sinh tử luân hồi. Nếu có duyên lành lớn hơn, trí tuệ cao trội hơn, họ sẽ phát tâm mạnh mẽ hơn, nguyện từng bước thoát dòng phàm phu để từng bước nhập vào dòng thánh -- dưới thấp là thừa Thanh-văn, lên trên là thừa Duyên-giác. Những hành giả tu tập ở hai thừa này đều có trí tuệ cao hơn, sáng suốt hơn, thanh tịnh hơn các loại trí tuệ của thế gian. Bằng trí tuệ ấy, họ quán sát thấy rõ thế gian là biển khổ đau; và khổ đau là kết quả của bao nhiêu phiền não, vô minh độc hại. Họ quán sát thấy rõ mọi sự vật trong thế gian đều do nhân duyên giả hợp mà thành, chúng luôn luôn biến đổi, không có gì trường tồn chắc thật, không có tự ngã tồn tại độc lập, không có niềm vui chân thật; chúng sinh do nghiệp báo mà cứ lẩn quẩn chìm đắm trong vòng sinh tử luân hồi… Do đó, họ sinh tâm nhàm chán, xa lánh thế gian, phát tâm tu tập theo chánh đạo để dứt trừ phiền não vô minh, giải thoát khỏi chốn thế gian khổ đau, cắt đứt vòng sinh tử luân hồi, an trú trong cảnh giới niết bàn tịch tĩnh. Và do thành quả này, trí tuệ của hàng Nhị thừa cũng được gọi là "trí tuệ xuất thế gian".

4. Trí tuệ lớn của Bồ-tát thừa:

Tuy trí tuệ của hàng Nhị thừa đã được liệt vào loại trí tuệ xuất thế gian, nhưng vẫn chưa phải là loại trí tuệ cao tột. Các bậc A-la-hán hay Bích-chi Phật, tuy đã dứt sinh tử luân hồi, chứng đắc niết bàn tịch tĩnh, nhưng đó chỉ là thành quả của công phu dứt trừ hết kiến tư hoặc, còn đối với bản thể hay thật tướng của vạn pháp thì vẫn chưa thấu rõ trọn vẹn; quí ngài tuy đã giác ngộ, nhưng thành quả giác ngộ chưa rốt ráo -- chứng tỏ, ở hàng Nhị thừa vẫn còn tồn tại phần vô minh vi tế. Chỉ khi nào đạt đến quả vị Phật-đà thì thành quả giác ngộ mới rốt ráo trọn vẹn, vô minh hoàn toàn dứt tuyệt, được gọi là bậc "Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác". Nhưng, muốn tiến đến quả vị Phật, hành giả phải tu tập hạnh Bồ-tát; đó là điều tất yếu, không có cách nào khác. Vậy nên, hành giả tu tập Bồ-tát hạnh là cốt để làm Phật; và họ được liệt vào hàng Bồ-tát thừa. Trí tuệ của những hành giả Bồ-tát ở buổi ban sơ mới phát tâm tu tập, dĩ nhiên là còn rất cạn cợt, nhưng sau khi đã trải qua thời gian dài tu tập tinh chuyên, khi bước lên hàng Thập-địa, với tâm nguyện rộng lớn, thì trí tuệ của họ cũng rộng lớn vô cùng. Trí tuệ của hàng Bồ-tát thấy rõ được thật tướng của vạn pháp, cho nên Bồ-tát không còn chấp trước, điên đảo; hoàn toàn tự tại vô ngại, phát nguyện độ sinh, tự lợi lợi tha, cho đến khi "giác hạnh viên mãn". "Bát nhã" chính thực là loại trí tuệ này; hay nói cách khác, trí tuệ của hàng Bồ-tát mới thực sự được gọi là "Bát Nhã" (hoặc cũng gọi là Trí Bát Nhã, hay Trí Tuệ Bát Nhã). Trí tuệ của Bồ-tát rất rộng lớn, cho nên cũng gọi là "đại bát nhã". Trong rất nhiều pháp hội, đức Phật đã từng dạy nhiều pháp môn vi diệu để giúp cho hàng Bồ-tát phát huy loại trí tuệ rộng lớn này. Những lời dạy ấy, về sau đã được các bậc thánh tăng kết tập, làm thành kinh Đại Bát Nhã -- hoặc gọi đầy đủ là kinh Ma Ha (Đại) Bát Nhã Ba La Mật Đa (Maha-prajnaparamita-sutra). Chữ "ba-la-mật-đa" có nghĩa là đến bờ giải thoát, ý nói, nhờ có trí tuệ rộng lớn mà Bồ-tát vượt thoát sông mê, đạt được quả vị Phật-đà. Vì vậy, toàn thể tên kinh, Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa, có thể được dịch ngắn gọn là Đại Trí Độ, hay Tuệ Giác Siêu Việt.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]