- Chương 1: Nhơn tình thời Lê Mạt, Nguyễn Sơ
- Chương 2: Lối vào câu chuyện
- Chương 3: Chốn Hoàng Cung
- Chương 4: Những bức thư tình
- Chương 5: Trở lại chùa xưa
- Chương 6: Lửa tình
- Chương 7: Siêu phàm nhập Thánh
- Chương 8: Nghiệp trần duyên
- Chương 9: Động chúng
- Chương 10: Giải oan, Đàn Tràng chiêu mộ
- Chương 11: Câu chuyện thật về Hoà Thượng Liên Hoa
- Chương 12: Câu chuyện tình phóng tác từ câu chuyện thật
Chuyện Tình Liên Hoa Hòa Thượng
Chương 12: Câu Chuyện Tình Phóng Tác Từ Câu Chuyện Thật
Sa Môn Thích Như Điển
Nguồn: Sa Môn Thích Như Điển
Nguồn: Sa Môn Thích Như Điển
Nhân duyên để tôi phóng tác câu chuyện thật bên trên (Chương mười một) thành câu “Chuyện tình của Liên Hoa Hòa Thượng” là do những nguyên nhân gần và xa như dưới đây:
Năm 2009 vừa rồi, trong khi tịnh tu, nhập thất tại Tu Viện Đa Bảo, Úc Đại Lợi lần thứ 7; ngoài giờ tụng kinh, ngồi thiền, niệm Phật và dịch thuật ra, khi nào có thì giờ thì tôi đọc sách và đọc báo. Nhìn trên kệ sách của Tu Viện có quyển “Lịch Sử Phật Giáo Đàng Trong” khá dày của Tác Giả Nguyễn Hiền Đức, tôi lấy xuống đọc, mỗi ngày một ít. Với hơn 800 trang, tôi phải cần hơn 2 tháng mới đọc xong. Quyển sách thật là thú vị, vì với quyển nầy, chúng ta sẽ có thêm một số sử liệu cho Phật Giáo Việt Nam khi mới được truyền vào đây trên dưới 300 năm về trước.
Khi đọc đến trang 231 thì câu chuyện của Hoà Thượng Liên Hoa lại hiện ra trước mắt mình. Đây là một câu chuyện hay, có thật, có thể là 98%, tôi tin như vậy, vì có 2 long vị và bài vị của Hoà Thượng và Hoàng Cô tại Chùa Từ Ân là bằng chứng. Do đó tôi nảy ra ý định là nên phóng tác từ chuyện này thành một quyển tiểu thuyết lấy tên là : “ Chuyện tình của Liên Hoa Hoà Thượng”.
Năm nay 2010 lẽ ra tôi phải dịch kinh sách như mọi lần nhập thất trước, nhưng sách dịch chung với Thượng Toạ Thích Nguyên Tạng bằng tiếng Anh nhan đề là: Peaceful Death and Joyful Rebirth ( Chết an Lạc – Tái sanh hoan hỷ) tôi đã dịch xong trong mùa An Cư Kiết Hạ năm nay tại Chùa Viên Giác Hannover rồi, khi qua đây chỉ mang bản thảo đã dịch để nhờ Thầy Phổ Huân và Sư Cô Giác Anh đánh máy cũng như sửa lại giùm những chỗ cần sửa, sau đó gọp chung lại phần dịch của Thượng Toạ Thích Nguyên Tạng thì chúng tôi sẽ có một tác phẩm dịch chung. Đây là lý do để tôi rảnh rổi đặt bút viết quyển Tiểu Thuyết này từ ngày 22 tháng 11 năm 2010 sau khi tôi đi Thái Lan và Ấn Độ. Tôi viết ròng rã suốt 4 tuần lễ như thế, cho đến hôm nay là ngày 22 tháng 12 năm 2010 nhằm ngày 17 tháng 11 năm Canh Dần, nhân Lễ vía Đức Phật A Di Đà là xong tác phẩm thứ 58 này, gồm 510 trang viết tay như vậy. Sách này sẽ được xuất bản vào năm 2011 tại Đức. Đây là lý do gần tại sao có được tác phẩm này.
Nguyên do xa, như nhiều người đọc sách có lẽ cũng muốn biết một câu chuyện tình, dưới nhãn quan của một người tu sẽ được viết như thế nào, từ đó độc giả sẽ tìm để đọc, nhất là câu chuyện tình của một Hòa Thượng.
Tại Thiền Môn cũng đã xảy ra rất nhiều chuyện tình, nhưng đa phần người tại gia viết, nên dầu ít nhiều nó cũng không thể lột trần hết được tất cả những sự suy nghĩ cần thiết của một nhà tu, nên vẫn còn xa lạ với chốn Thiền Môn. Chỉ có một vài quyển như: “Tình Duyên Tái Thế” hay “ Thoát Vòng Tục Lụy” là do người Xuất Gia viết và dịch, nên đã lột tả hết được nội dung của tác giả muốn gởi đến độc giả.
Khi người cư sĩ viết chuyện trong nhà chùa, cũng chỉ có thể viết một số chi tiết phụ mà thôi, không thể viết và tả rõ hết tất cả những số phận, tâm tình, cách suy nghĩ, sự sinh sống ở trong Thiền Viện được, ngoại trừ người ấy đã sinh sống trong cửa chùa một thời gian.
Tôi không nhận mình là một Văn sĩ, mà chỉ là một Tu sĩ tập viết văn, vẽ tâm trạng và sự suy nghĩ của mình qua chữ nghĩa, để mọi người thưởng thức, nhằm giúp người đọc có một cái nhìn đứng đắn về Phật Pháp ở một vài khía cạnh nào đó.
Khi dựng thành một câu chuyện, dĩ nhiên nó phải có đầu, có đuôi, có chỗ phải thêm vào và có chỗ phải bớt ra để câu chuyện được hợp lý. Do vậy mà độc giả sẽ thấy câu chuyện được chia ra thành nhiều chương. Tôi không phải là người viết chuyên về lịch sử, nhưng nếu muốn nói về triều đại Gia Long mà không nói đến Nguyễn Tây Sơn và Vua Lê, Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài là một điều thiếu sót lớn. Trong chương một về “Nhơn tình thời Lê Mạt Nguyễn Sơ” không nhứt thiết đại diện cho tất cả mọi người. Có thể đó là ý riêng của Tác giả mà thôi. Khi ở vào một thời đại khác, sau hơn 200 năm viết về việc trước đó, chắc hẳn có sai lầm vì không phải là nhân chứng của thời đại. Đồng thời nếu ai là con cháu của Vua Gia Long thì chắc chắn sẽ không thích quan điểm của con cháu Nguyễn Tây Sơn, hoặc ngược lại. Cũng như thế, những ai là con cháu của nhà Hậu Lê và họ Trịnh thì cũng khó lòng mà chấp nhận quan điểm của cả hai họ Nguyễn thời bấy giờ. Nhưng lịch sử vẫn là lịch sử. Chúng ta không thể nói khác hơn, những gì mà lịch sử đã xảy ra vào thời điểm ấy, nhưng đó cũng chỉ là cái nhìn phiến diện mà thôi.
Tôi mong rằng tác phẩm này không làm hạ uy tín của các bậc Tăng Cang Hoà Thượng thuở ấy hay ngay cả ngày nay, mà ngược lại qua câu chuyện tình này ta thấy Liên Hoa Hòa Thượng đã thoát tục như đoá hoa sen tinh khiết nhiệm mầu khi bị nghiệp trần duyên ràng buộc. Còn Hoàng Cô, cũng là một nhân vật lịch sử, tôi thăng hoa cho bà siêu thoát. Mặc dầu tất cả những “ lá thư tình” là do tôi viết chứ không phải bà. Nếu bà có đầu thai đâu đó, sẽ bảo tôi rằng “ Tại sao ông Hoà Thượng này lắm chuyện thế” là nhiều. Vì lẽ khi yêu thầm nhớ trộm một người, người ta khó có thể chôn hết ngôn từ vào lòng được, mà phải thổ lộ bằng giấy trắng mực đen thì mới có thể nói hết nổi lòng của mình. Nếu tôi có mạo phạm lời lẽ của một Công Chúa Hoàng Triều thì mong tâm thức bà đại xá cho.
Những “chiếu chỉ” hay văn thư của Vua Gia Long hay Minh Mạng là do tôi sáng tạo ra, không phải của những vị ấy viết, khi đọc truyện kính mong chư độc giả hiểu ý, quên lời.
Vì là một Tăng Cang Trụ Trì chùa Thiên Mụ và giảng dạy kinh điển nơi Hoàng Cung, nên tôi đã sắp đặt, cho Hoà Thượng Liên Hoa giảng những bộ kinh quan trọng, nhằm đề cao Phật Học; chưa hẳn lúc ở cung Vua giảng pháp từ năm 1817 đến năm 1823 Ngài đã giảng những kinh này.
Những sự kiện tại Chùa Từ Ân và Khải Tường là những chính sử, tôi thêm vào một số chi tiết trước và sau khi Hoà Thượng Liên Hoa làm Trụ Trì để câu chuyện ý vị hơn.
Một số nhân vật tôi cho thêm vào câu chuyện như Sa Di Mật Hạnh là người tưởng tượng chứ không có thật.
Chuyện tình cảm của con người xưa nay trên quả địa cầu nầy là chuyện bình thường, người ta hay nói “ xưa như quả đất “ . Nghĩa là khi có quả đất này, con người và muôn vạn sinh vật đều sinh sống với nhau bằng tình thức, cho nên mới có nhiều câu chuyện xảy ra như vậy. Nào chuyện vui, chuyện buồn, chuyện hay, chuyện dở v.v…nhưng người đọc sách sẽ nhận được điều gì đó, sau khi gấp sách lại là điều quan trọng mà người viết phải gởi gấm tâm sự của mình vào đó.
Khi phóng tác quyển Tiểu Thuyết này, tôi phải đóng đủ thứ vai trong một cục diện lịch sử nhạy bén như vậy, nên chắc chắn có nhiều điểm yếu kém hay quá cường điệu chăng? lỗi này tôi xin nhận. Vì khả năng của mình cũng chỉ có thể diễn đạt đến thế là nhiều, chứ không khá hơn được nữa.
Suốt cả câu chuyện dài, tôi viết liên tục hết 10 cây bút mực, chưa dò lại trang nào, nên chắc chắn có sự lập lại nhiều lần ngoài ý muốn. Để dựng nên một câu chuyện vừa thật vừa hư, nhiều khi cũng tự biến mình thành người của hơn 200 năm về trước, để nói hoặc viết văn phong, ngôn ngữ cho hợp với thời đại lúc bấy giờ. Đây không phải là chuyện dễ.
Trong 58 tác phẩm của tôi vừa viết vừa dịch từ năm 1974 đến năm 2010 này; trong đó có 4 quyển Tiểu Thuyết do tôi tự dựng lên câu chuyện để trình bày như: Tình Đời Nghĩa Đạo,Vụ Án Một Người Tu, Giai Nhân Và Hoà Thượng. Vì là câu chuyện tự biên tự diễn nên nhân vật do mình sáng tác ra. Còn tác phẩm này thực sự ra rất khó đối với tôi, vì cần nhiều sự suy nghĩ làm sao để viết cho hợp với nhân vật đó.
Tôi mong rằng mọi người sau khi đọc tác phẩm này. Nhất là những vị Phật Tử tại gia sẽ hiểu Phật Pháp và chuyện đời, chuyện Đạo một cách cao thượng, đứng đắn hơn, không phải người xuất gia bị tình đời ràng buộc, rồi quên đi chuyện “xuất trần thượng sĩ” của mình.
Tất cả 10 đến 12 chương đều là thật mà cũng đều là giả. Vì sao vậy ? Vì tất cả mọi hiện tượng đều không có thật tướng. Thật tướng của hiện tượng chỉ là không . Do vậy khi xem xong sách, xin quý vị đừng trụ vào đâu cả, thì đó là mục đích tối hậu của tác phẩm này.
Riêng chương thứ 10 nói về “Giải oan, Đàn tràng chiêu mộ” cũng do tôi sáng tác và dựa theo những kinh sách đã trích dẫn nhằm giới thiệu một nghi lễ đặc biệt của Phật Giáo Việt Nam cho những ai muốn tìm hiểu đến. Đây không phải là mê tín mà là một điều phải tin. Đó là “chết không phải là hết”. Sự chết chỉ là sự bắt đầu của một kiếp sống khác mà thôi. Cho đến ngày nay nghi lễ ấy vẫn còn tổ chức trong và ngoài nước Việt Nam để cầu nguyện cho cõi âm được siêu và cõi dương được thái bình.
Tôi sẵn sàng để nghe những lời đóng góp, phê bình và xây dựng cho tác phẩm, cho nên nếu tác phẩm phóng tác này có gì sai, thì xin quý vị giúp đỡ chia sẻ cho những chỗ thừa hay thiếu. Xin chân thành niệm ân quý vị trước.
Rất thận trọng cho mọi việc, nhất là phương diện lịch sử. Cho nên tôi đã nhờ một số quý vị con cháu là hậu duệ nhà Nguyễn của Vua Gia Long, Minh Mạng đọc lại giùm tác phẩm này trước khi in thành sách để ra mắt độc giả đó đây. Xin cảm ơn những vị Phật Tử đã giúp cho tôi về việc này.
Về phần giáo lý Phật Pháp qua tinh thần kinh Kim Cang trong quyển sách này và do chính tôi dịch từ bản chữ Hán và bình chú ra tiếng Việt. Riêng phần trích dẫn “Phật Quang Đại Tự Điển” do Hoà Thượng Thích Quảng Độ dịch từ chữ Hán sang tiếng Việt thì đã có ghi chú rõ ràng từng nơi được trích lại.
Quyển “Như Áng Mây Bay” của Cư Sĩ Tâm Đức viết về cưộc đời của Hòa Thượng Thích Đôn Hậu, Đệ Tam Tăng Thống GHPGVNTN và là Trụ Trì Chùa Thiên Mụ từ năm 1932 cho đến ngày Ngài viên tịch vào ngày 21 tháng 3 âm lịch năm 1992 là một bằng chứng lịch sử qua 60 năm thăng trầm của Phật Giáo Việt Nam.
Truyện Kim Vân Kiều là một tuyệt tác văn chương của Việt Nam do cụ Nguyễn Du đã diễn thành văn lục bát. Khi nói về phận bạc của người đàn bà, ít ai mà không lấy Kiều để mà so sánh. Trong tác phẩm này ngoài Hòa Thượng Liên Hoa ra, Hoàng Cô cũng đóng một vai trò quan trọng, cho nên trong những “Bức thư tình” đều có trích một số đoạn thơ trong truyện Kiều để nói lên nỗi lòng của những kẻ “hồng nhan bạc mệnh”.
Cuối cùng và cũng rất là quan trọng, nếu không có quyển sách “Lịch sử Phật Giáo Đàng Trong “ của Nguyễn Hiền Đức thì tác phẩm này không có cơ duyên để thành tựu. Từ câu chuyện thật với 5 trang sách, tôi đã cố gắng dàn dựng và diễn dịch, cũng như tô điểm thành 510 trang viết tay. Đây chắc chắn không phải là do công của người viết, mà chính là do chất xúc tác quan trọng của quyển sách lịch sử kia.
Nhân đây xin tạ ơn tất cả quý vị Tác Giả và Dịch Giả của những sách trên. Người còn hay kẻ đã qua đời, nếu không có những chất tơ óng ả mà quý vị đã đem tâm huyết của mình ra để dệt nên những gấm hoa của tư tưởng, của trí tuệ thì người đời sau không thể cậy nhờ được. Đây là một công trình không thể tính bằng công sức, tiền bạc, mà là một sự hy sinh thì giờ cũng như cuộc sống cá nhân của mình để làm nên được những việc hy hữu như thế.
Sách là một đứa con tinh thần của tác giả sinh ra nó. Do vậy nếu không quý sách thì Tác Giả đã không sinh ra những đứa con tinh thần như vậy. Trong gần 60 đứa con ấy chắc chắn cũng có đứa hoàn hảo, có đứa bị thương tật, có đứa đẹp lạ lùng, có đứa cao thượng không còn chỗ nào chê được, nhưng cũng có đứa khó tánh, nhút nhát v.v… tất cả đó là những bề mặt và bề trái, đúng và sai của một thời kỳ, một thuở cầm bút của Tác Giả. Nếu ai đó hoan hỷ thì xin bỏ qua những chuyện thị phi nhân ngã, còn những ai khó tánh, chỉ muốn đón nhận phần cao đẹp nhất, thì có lẽ không có tác giả nào có thể mang lại sự mong đợi đầy đủ này cho tất cả mọi người được.
Khi xem sách, xin chỉ lưu ý đến những điểm hay, liệu tâm mình có thể chấp nhận được. Còn những điểm dở, điểm không cần thiết… nó giống như những cái xấu, cái tệ thì chẳng nên mang vào tâm thức mình làm gì. Vì nó sẽ làm choán chỗ tư duy của người đọc và làm cho người đọc khó chịu không ít.
Khi tác phẩm này được ra đời, chắc chắn sẽ có nhiều nhà xuất bản in, ấn và phát hành tại nhiều nơi khác nhau trên Thế Giới. Ơn này người cầm bút cũng ghi sâu vào lòng. Nếu không có những người bỏ vốn ra như vậy thì khó tìm được những tấm lòng hy sinh cao hơn cho việc này, khi mà có nhiều người chỉ mong có được lợi nhuận mà thôi. Sự hy sinh ấy là do ý thức của nhà xuất bản và mong cho văn hoá được tiếp nối lâu bền. Ở đây xin thành thật biết ơn về nỗi lo của quý vị, khi tác phẩm chưa thâu hồi vốn lại được.
Thói quen của tôi là viết tay chứ không tự đánh máy. Vì nếu nhỡ máy hư thì còn bản thảo. Do vậy bản thảo này cũng sẽ được quý vị trong văn phòng Chùa Viên Giác đánh máy và sau đó còn layout nữa để quyển sách thật sự là quyển sách. Khi quý độc giả cầm quyển sách trên tay để đọc, chúng ta cũng không nên quên công khó của những người này. Cũng xin cảm ơn Cô Quảng Tuệ Duyên đã layout bìa sách này và những bìa sách khác trong thời gian qua. Khi độc giả cầm quyển sách trên tay, thường hay xem bìa sách trước. Công đức này xin hồi hướng đến Cô và Gia Đình vậy.
Có lẽ đây là cuốn sách cuối về Tiểu Thuyết mà tôi muốn trao đến cho mọi người. Vì tuổi trên 60 rồi, nên dồn nổ lực dụng công tu học, nghiêm trì tịnh giới và dịch giải những kinh điển khác qua tiếng Việt bằng những ngôn ngữ khác nhau thì có lẽ ích lợi cho đời sau nhiều hơn. Do vậy xin chào tạm biệt về việc sáng tác Tiểu Thuyết có tính cách Phật Giáo này và xin tự nguyện đứng qua một bên để cho những cây bút trẻ tiến lên và hội nhập vào nền văn minh khoa học hiện đại qua cái nhìn mới mẻ và trẻ trung hơn.
Xin chấp hai tay, con xin tạ ơn Tam Bảo,Thầy Tổ, huynh đệ, đệ tử, học trò và những người Phật Tử khác đã giúp cho con tròn ước nguyện của một kiếp nhân sinh, khi mình là Trưởng Tử của Như Lai -Tác Như Lai Sứ, Hành Như Lai Sự.
Viết xong vào ngày 22 tháng 12 năm 2010 tại Tu Viện Đa Bảo, Úc Đại Lợi nhân lần nhập thất, tịnh tu thứ 8 tại đây.
Gửi ý kiến của bạn