Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

4. THIÊN THỨ TƯ: THỜI ĐẠI MẬT GIÁO

21/05/201318:44(Xem: 10345)
4. THIÊN THỨ TƯ: THỜI ĐẠI MẬT GIÁO

LƯỢC SỬ PHẬT GIÁO ẤN ĐỘ

Sa môn THÍCH THANH KIỂM

---o0o---

THIÊN THỨ TƯ. THỜI ĐẠI MẬT GIÁO

(701 - 1200 TL)

CHƯƠNG THỨ NHẤT. SỰ THÀNH LẬP VÀ BIẾN THIÊN CỦA MẬT GIÁO

I. SỰ QUAN HỆ GIỮA MẬT GIÁO VÀ ẤN ĐỘ GIÁO

Mật giáo là tiếng gọi tắt của Bí mật Phật giáo. Trên phương diện giáo lý và giáo tướng của Mật giáo thì được phát triển từ tư tưởng của Đại thừa Phật giáo, nhưng ở phương diện sự tướng của Mật giáo thì chịu ảnh hưởng nghi thức tác pháp của Tân Bà La Môn giáo, tức là Ấn Độ giáo. Thí dụ như đồ hình Mandala (Mạn Trà La) của Mật giáo, trong đồ hình đó, một mặt thì phối trí các hình chư Phật, một mặt kết hợp các vị thần của Bà La Môn giáo. Mandala của Mật giáo có nhiều thứ khác nhau, nhưng Mandala chính để tượng trưng cho Chân thực giới của Mật giáo thì phối trí Ngũ Phật hay Lục Phật. Tức là ở trung ương của đồ hình Mandala có hình Đại Nhật Phật, bốn phương của đồ hình có bốn Đức Phật là A Sơ Phật, Bảo Sinh Phật, Bất Không Thành Tựu Phật, và A Di Đà Phật, gọi là Ngũ Phật, hoặc trên năm Đức Phật này lại thêm Đức Phật Kim Cương Tát Đỏa (Vajrasattva), gọi là Lục Phật. Ngoài ra còn có rất nhiều Mandala của chư Bồ-tát và các thần của ngoại giáo. Các đồ hình Mandala tuy nhiều, nhưng hình tướng và sắc thể của nó đại khái có hai phương pháp là hóa hiện và điều phục. Hóa hiện có ý nghĩa là chư Phật và Bồ-tát vì mục đích hóa độ chúng sinh, nên phương tiện quyền hiện ra hình tướng các thần của ngoại giáo. Thí dụ như Đức Quan Âm hóa hiện ra 33 thân là Phạm Thiên, Đế Thích và Đại Tự Tại Thiên v.v... Điều phục có ý nghĩa là chư Phật và Bồ-tát dùng rất nhiều uy lực quyền thế để chinh phục các thần của ngoại đạo, khiến các thần đó quay về với Phật giáo. Vì lý do quan hệ đó nên hình tướng của chư Phật, Bồ-tát và các thần của Ấn Độ giáo dần dần trở thành một quan điểm cộng thông.

Sự tướng của Mật giáo như các cách tụng thần chú, quán Du-già v.v... không phải là lối tác pháp đặc biệt của Mật giáo mà cũng là chịu ảnh hưởng tập tục cổ truyền của dân tộc Ấn Độ và Bà La Môn giáo. Thí dụ như pháp thiền định của Phật giáo thì chú trọng ở chỗ đạt tới trí tuệ, nhưng phép quán Du-già của Mật giáo lại chú trọng ở mục tiêu cầu phúc trừ tai cho thế gian.

Sau hết là sự quan hệ mật thiết giữa phái Sàkta (Tính lực phái) của Ấn Độ giáo, và phái Kim Cương thừa (Vajrayàna) của Mật giáo. Nguyên lai phái Sàkta thì sùng bái nữ thần Durga, nghi thức của phái này rất là bí mật, có nhiều trò ma thuật, nhiều hình thức dâm đãng. Sau, lối hành pháp của phái này lạm nhập vào lối hành pháp của phái “Kim Cương thừa”, nên phái Kim Cương thừa dần dần bị đọa lạc vào vòng tà đạo, và cũng là nguyên nhân đọa lạc của Mật giáo.

Sự giao thiệp giữa Mật giáo và Ấn Độ giáo cứ mỗi ngày một rõ rệt, một mặt thì Mật giáo tiếp nhận các yếu tố hành pháp của Ấn Độ giáo, một mặt thì Ấn Độ giáo tiếp nhận các lối hành pháp của Mật giáo, nên hai giáo trở thành một trạng thái hỗn hợp khó thể phân biệt được rõ ràng.

II. TƯ TƯỞNG MẬT GIÁO ĐƯỢC THÀNH LẬP

Khởi nguyên tư tưởng của Mật giáo có thể là đã có từ thời đại nguyên thủy kinh điển. Vì trong nguyên thủy kinh điển có thấy chép các thần chú thủ hộ trong các bộ luật và trong kinh Khổng Tước. Nhưng đó chỉ là sự phôi thai của tư tưởng Mật giáo. Tư tưởng Mật giáo được thành lập một cách đích xác là ở khoảng thế kỷ thứ VII, khi bộ kinh “Đại Nhật” được xuất hiện ở Nam Ấn Độ. Sau khi bộ kinh này xuất hiện thì Mật giáo cũng được thành lập. Bộ kinh này gọi đủ tức là “Đại Tỳ Lư Giá Na Thành Phật Thần Biến Gia Trì Kinh”, gồm 7 quyển, 63 phẩm. Tư tưởng căn bản của bộ kinh này là “Tức sự nhi chân”, rút ở hệ thống tư tưởng của kinh Hoa Nghiêm. Mật giáo lấy bộ kinh này làm căn cứ và gọi là phái “Chân Ngôn thừa” (Mantra yàna). Phái này là phái thuần túy của Mật giáo, nên gọi là “Hữu Đạo Mật giáo”. Phái này đại biểu cho phần lý luận của Mật giáo.

Tới khoảng cuối thế kỷ thứ VII, lại có bộ “Kim Cương Đính Kinh” xuất hiện, bộ kinh này gồm có 18 hội, 10 vạn bài tụng. Nội dung của bộ kinh này thuộc hệ thống “Du già hành phái”, nương vào tâm thức mà tổ chức thành. Hệ thống Mật giáo y vào bộ kinh này làm căn bản, gọi là phái “Kim Cương thừa” (Vajra yàna). Nhưng phái Mật giáo này về sau kết hợp với phái Sàkta của Ấn Độ giáo, đọa lạc vào vòng tà đạo, nên lại gọi là “Tả đạo Mật giáo”. Phái này đại biểu cho phần thực tế của Mật giáo.

III. SỰ PHÁT TRIỂN CỦA MẬT GIÁO

Hai hệ thống “Chân Ngôn thừa” và “Kim Cương thừa” của Mật giáo sau khi xuất hiện, thì tư tưởng Mật giáo phát triển mạnh mẽ trên lãnh thổ Ấn Độ. Trong hai hệ thống này, “Chân Ngôn thừa” thì chú trọng phần lý luận, nên kém phát triển ở phương diện thực tế, trái lại “Kim Cương thừa” chú trọng phần thực tế, nên kém phát triển ở phương diện lý luận. Từ khoảng thế kỷ thứ X trở về sau, vì “Kim Cương thừa” kết hợp với phái Sàkta của Ấn Độ giáo, nên phái này bày đặt ra nhiều hành pháp theo tà giáo, dần dần đi vào vòng đọa lạc, lấy chủ nghĩa khoái lạc, dục vọng cho là diệu lý chí chân, làm mất hẳn cái bản lai chân tướng của Phật giáo.

Trong lúc Mật giáo đang phát triển, các vương triều Pàla thuộc Đông Ấn đều bảo hộ Phật giáo, nhất là vua Dharmapàla (Pháp Hộ, dựng ra ngôi chùa rất lớn ở thế kỷ thứ VIII, tức là ngôi chùa Vikramasilà, để làm nơi đạo tràng căn bản cho Mật giáo. Các bậc học tượng của Mật giáo phần nhiều đều xuất thân từ ngôi chùa này.

Và ngôi chùa này cũng là nơi trước tác của nhiều bộ kinh điển thuộc Mật giáo. Thí dụ như bộ “Như Lai Tam Nghiệp Bí Mật Kinh” (Tathàgata Guhyaka Guhyasamàja), “Sàdhanamàlà” và rất nhiều các “Nghi quỹ” (Tantra) v.v... Kinh “Như Lai Tam Nghiệp Bí Mật” có ghi chép rất nhiều lối tác pháp kỳ quái, đó chính là ảnh hưởng tư tưởng phái Sàkta của Ấn Độ giáo.

Trên phương diện truyền bá tư tưởng Mật giáo và làm cho Mật giáo được phát triển ở Ấn Độ, Trung Quốc, Tây Tạng và các nước khác thì có các vị đại học giả như ngài Thiện Vô Úy (Subha Karasimha, 637-735), người Trung Ấn; ngài Kim Cương Trí (Vajra Bodhi, 671-741), người Nam Ấn, và ngài Bất Không Kim Cương (Amoghavajra, 705-774), người Sri Lanka, ba vị này không những làm cho Mật giáo hưng thịnh ở trong nước, mà các ngài đều cùng lần lượt đem tư tưởng Mật giáo sang Trung Quốc, phiên dịch nhiều kinh điển của Mật giáo sang chữ Hán, làm cho Mật giáo ở Trung Quốc phát triển rất mạnh mẽ. Cũng ở thế kỷ thứ VIII, lại có ngài Liên Hoa Sinh (Padmasambava) xuất hiện, ngài đem Mật giáo truyền bá sang Tây Tạng và sáng lập ra Lạt Ma giáo ở Tây Tạng. Từ thế kỷ thứ VIII trở về sau, cũng có nhiều vị học giả của Mật giáo xuất hiện, đều là những vị xuất thân ở chùa Vikramasila. Đặc biệt ở thế kỷ thứ XI, có ngài Dipankarasrijnàna tức là Atisa ra đời, ngài cũng sang Tây Tạng truyền tư tưởng Mật giáo, và trở thành một nhà đại phiên dịch của Tây Tạng. Còn các nước thuộc Đông Nam Á Tế Á như: Sri Lanka, Myanmar, Campuchia, đảo Java, Sumatra v.v..., Mật giáo cũng đều được truyền vào. Chính lối kiến trúc cung thành như Angkor Thom và Angkor Wat của Campuchia ở thế kỷ thứ XII, đó cũng là những kết tinh của tư tưởng Mật giáo.

IV. QUÂN HỒI GIÁO XÂM NHẬP VÀ BI KỊCH CỦA PHẬT GIÁO

Từ thế kỷ thứ VIII, quân Hồi giáo thuộc hệ thống Thổ Nhĩ Kỳ đã xâm nhập vào phía Tây bắc Ấn Độ. Rồi từ thế kỷ này cho tới thế kỷ thứ XI, đã bao lần quân Hồi giáo xâm nhập, đánh phá Trung Ấn Độ, gây nhiều tai hại cho Phật giáo và gieo bao nỗi đau khổ cho dân tộc Ấn Độ. Để phản kháng quân Hồi giáo, nên các tôn giáo của Ấn Độ liên kết lại, lập thành một tôn giáo gọi là “Thời Luân giáo” (Kàlacakra Tantra), tôn giáo này là một biến hình của Mật giáo. Nhưng tới đầu thế kỷ thứ XIII, tức là năm 1203, quân Hồi giáo do tướng Iktyàr Uddìn chỉ huy, đem đại quân tiến vào Trung Ấn Độ, tiêu diệt vương triều Sena, rồi làm bá chủ khắp Trung Ấn. Trung Ấn trở thành lãnh thổ của Đế quốc Hồi giáo. Sau, thế lực của Hồi giáo dần dần lan đi các ngả.

Vì mục đích lập ra một Đế quốc Hồi giáo, nên quân đội Hồi giáo rất hung ác, tàn bạo. Đi đến nơi nào, nếu là người khác giáo thì họ đều giết hại. Vậy nên, Phật giáo cũng như Ấn Độ giáo, đều bị cái thảm họa chung, trong lúc quân Hồi giáo xâm nhập. Nhưng riêng về Phật giáo, thì quân Hồi giáo lại đối đãi tàn ngược hơn; họ phá hủy chùa tháp, thiêu đốt kinh điển, tịch thu bảo vật, hãm hại Tăng Ni, làm cho Phật giáo hầu như đến chỗ tiêu diệt. Các vị cao Tăng lúc bấy giờ, một mặt thì phải ẩn náu trong rừng núi, một mặt chạy trốn sang Tây Tạng hoặc nước khác. Đó thực là một trang sử rất đau thương trong lịch sử Phật giáo.

Phật giáo ở Ấn Độ trải qua 1700 năm lịch sử, đã từng làm bá chủ về tư tưởng của toàn Ấn Độ, đoạt hẳn được địa vị độc tôn của Bà La Môn giáo. Nhất là Phật giáo ở dưới thời đại hai vương triều A Dục Vương và Kaniska (Ca Nhị Sắc Ca) thực là cực kỳ phồn thịnh. Phật giáo đã phát triển thành một đại tôn giáo của thế giới. Qua thời đại Đại thừa Phật giáo tới thời đại Mật giáo, đã có biết bao những vị Thánh tăng, học tượng ra đời, tổ chức Phật giáo thành một hệ thống giáo học có quy mô trật tự. Nhưng theo định luật biến thiên, di chuyển của thời đại có thịnh tất phải có suy, nên Phật giáo cũng không thoát khỏi cái vòng định luật đó vậy.

Tuy nhiên, Phật giáo bị suy tàn ở Ấn Độ lúc đương thời, nhưng ánh sáng của Phật giáo đã lan tràn đi các ngả, chiếu vào mọi chốn, khắp nơi, và hiện nay ánh sáng đó đang chiếu trở về nơi bản xứ.

Nghĩa là, từ cuối thế kỷ XIV cho tới hiện nay, Phật giáo trên dải đất Ấn Độ đã có cơ hội phục hưng và đang phát triển. Người đứng ra vận động phục hưng, trong đó có nhà học Phật uyên thâm là Anagarika Dharmapala, người có công huân hơn cả.

Angarika Dharmapala là người Sri Lanka. Ông là con một nhà tín đồ Phật giáo ở Colombo, thủ đô của Sri Lanka. Ngay từ khi còn nhỏ, ông thường phải theo học ở trường học của Thiên Chúa giáo, mỗi ngày phải đọc kinh cầu nguyện tại trường, tuy vậy, nhưng ông vẫn tỏ ra là con một tín đồ thuần thành của Phật giáo. Nhân khi Đại tá Henry Steel Ocott, người Hoa Kỳ, qua Sri Lanka chấn hưng Phật giáo, thì ông A. Dharmapala là một người giúp việc đắc lực cho Đại tá. Vì thế, lòng mộ đạo của ông ngày một vững. Sự nghiên cứu đạo Phật ngày một uyên thâm, đi đôi với mục đích duy nhất của ông là phải chấn hưng Phật giáo tại Sri Lanka và Ấn Độ.

Năm 1891 là năm ông 29 tuổi. Ông qua Ấn Độ chiêm bái các nơi Phật tích. Trước hết, ông tới Lộc Dã Uyển (Mrgadana), nơi thuyết pháp đầu tiên của Đức Phật. Ở nơi đây, ông đã chứng kiến di cảnh điêu tàn nơi Thánh địa. Rồi ông lại tiếp tục tới chiêm bái “Bồ Đề đạo tràng, hay gọi là nơi Phật thành đạo” (Phật Đà Già Da, Buddha Gayà). Gặp cảnh sinh tâm, nên ông vô cùng xúc động mà phát ra lời thệ nguyện(1): “Uy nghiêm thay! Nơi Thánh tích! Thực quả là một thắng cảnh vô tỷ của thế giới. Mỗi Phật tử chúng ta, ai nấy phải có nhiệm vụ bảo hộ duy trì, để nơi Thánh địa này tới khi nào có các vị tu hành tới quản đốc, không thể để cho một Thánh địa vĩ đại như thế này phải đoạn tuyệt”. Rồi ông lấy ngày ông chiêm bái (ngày 21-1-1891) làm ngày kỷ niệm phục hưng Phật giáo Ấn Độ.

Năm 1892, ông đi truyền bá đạo Phật ở Calcutta, và thường diễn thuyết với đề tài “Sự quan hệ giữa Phật giáo và Ấn Độ giáo”. Đồng thời, ông cho phát hành tờ “Bồ Đề tạp chí” (Bodhi Journal) làm cơ quan truyền bá Phật giáo, và liên lạc với Phật giáo đồ của các nước trên thế giới, kêu gọi sự ủng hộ “phục hưng Phật tích” tại Ấn Độ.

Ông còn tiếp tục du lịch các nước Nhật Bản, Hawai, Hoa Kỳ, châu Âu để liên lạc sự hộ trì thiết thực của các nước. Sau khi trở về, ông sáng lập một hội Phật để đảm nhiệm công cuộc vận động chấn hưng Phật giáo tại Ấn Độ, lấy tên là “Hội Đại Bồ Đề Ấn Độ” (Maha Bodhi Society of India).

Tới ngày 13 tháng 7 năm 1930, ông chính thức được thế phát xuất gia. Càng về tuổi già, sự hoạt động của ngài càng tinh tiến. Mỗi khi diễn thuyết trước các tín đồ, ngài thường trịnh trọng tuyên bố: “Phật giáo đồ Ấn Độ đã bị truy phóng một thời gian dài 800 năm, ngày nay họ đã và đang tiếp tục quay trở về cố quốc. Tất cả chúng ta hãy thức tỉnh, siêu vượt chế độ giai cấp và tín điều, với mục đích duy nhất của Hội Đại Bồ Đề là đem giáo lý của đấng Phật Đà tặng mọi người dân Ấn Độ”.

Công việc hoạt động của ngài đang tiến hành, tới tháng mười hai năm 1932, ngài thọ bệnh mà mất. Các đệ tử của ngài kế thừa sự nghiệp, duy trì Hội Đại Bồ Đề cho tới hiện nay. Hội này là một trong những hội Phật hoạt động mạnh nhất tại Ấn Độ.

Nhờ có Hội Đại Bồ Đề hoạt động và các hội Phật giáo khác ở Ấn Độ, nên số tín đồ của Phật giáo Ấn Độ ngày một tăng, mỗi ngày một bành trướng. Hơn thế, Ấn Độ hiện nay là một nước ban bố chính thể cộng hòa, tất nhiên phải coi “Tứ dân bình đẳng” làm nền tảng căn bản cho “Dân chủ chủ nghĩa”, mà yếu tố này lại rất hợp với chủ nghĩa Từ bi bình đẳng, đả phá giai cấp của Phật giáo chủ trương. Vì vậy, hiện nay các vị lãnh tụ, các chính trị gia của Ấn Độ đều hằng lưu ý đến công cuộc chấn hưng Phật giáo tại bản xứ.

Theo sự thống kê năm 1957 của Hội Quốc Liên về dân số Ấn Độ như sau:

* Diện tích: 3.288.876km2.

* Dân số: 392.440.000 người.

* Thủ đô: New Delhi.

* Tín đồ Phật giáo ước: 4.000.000 người.

CHƯƠNG THỨ HAI. PHẬT GIÁO TÂY TẠNG

I. PHẬT GIÁO BẮT ĐẦU TRUYỀN VÀO TÂY TẠNG

Tương truyền, Phật giáo bắt đầu truyền vào Tây Tạng đã từ ở khoảng giữa thế kỷ thứ III, nhưng Phật giáo chính thức được truyền vào là ở thời đại vua Sron Btsan Sgampo (569-650). Trong thời đại này, nhà vua đã phái khiển Sứ Tiết thân thiện đi các nước, nhất là Trung Quốc, Ấn Độ, và đón tiếp văn hóa của nhà Đường và Bắc Ấn, nên văn hóa của Phật giáo cũng được truyền vào. Đặc biệt là vương nữ nước Népal và công chúa Văn Thành nhà Đường được mời tới Tây Tạng, đều là những người tin theo Phật giáo. Sau, nhà vua lại đón các vị cao Tăng của nhà Đường và Ấn Độ tới, để phiên dịch kinh điển Phật giáo sang tiếng Tây Tạng, Phật giáo Tây Tạng được bắt nguồn tiến triển từ đấy.

Sau thời đại vua Sron Btsan Sgampo ước hơn 100 năm, có vua Khri Lde Btsan (755-781) ra đời. Trong thời đại vua này thì Mật giáo cũng được truyền vào. Nhà vua rất hâm mộ Phật giáo, sai sứ thần tới Ấn Độ cầu thỉnh kinh điển, và đón ngài Sàntaraksita (Tịch Hộ) tới Tây Tạng. Vua lại tự phát tâm thọ giới Bồ-tát ở ngài Sàntaraksita. Sau, vua nghe lời khuyên của ngài Sàntaraksita, thỉnh được ngài Padmasambhava (Liên Hoa Sinh), tới để truyền bá Mật giáo ở Tây Tạng. Ngài Padmasambhava là bậc đại học giả của phái “Kim Cương thừa” Mật giáo Ấn Độ. Sau khi tới Tây Tạng, ngài hết sức truyền bá tư tưởng Mật giáo ở đó. Vua còn kiến thiết ngôi chùa Bsamyus để làm nơi phiên dịch kinh điển Phật giáo sang tiếng Tây Tạng. Ngôi chùa này phỏng theo kiểu mẫu của Vikramasila của Ấn Độ, toàn cảnh ngôi chùa này cấu tạo thành một đồ hình Đại Mandala và cứ tiếp tục như vậy, mỗi thời đại mỗi nhiều các bậc cao Tăng từ Ấn Độ tới, rồi di chuyển toàn thể Phật giáo từ Ấn Độ vào Tây Tạng.

Tới thời đại vua Ralpacan (814-836) ra đời, vua là người rất nhiệt thành với công cuộc chấn hưng Phật giáo. Công việc vĩ đại nhất của vua là việc ủng hộ sự nghiệp phiên dịch kinh điển. Nghĩa là tất cả những kinh điển đã dịch thuộc cựu dịch thì đều được dịch lại và đính chính, nên lần phiên dịch ở thời đại này gọi làl tân dịch. Bộ Đại tạng kinh của Tây Tạng hiện nay cũng đều căn cứ vào sự nghiệp phiên dịch ở thời đại này mà hoàn thành. Tới thời đại vua Clandarma, vua là người không tin theo Phật giáo, lại còn tìm nhiều cách phá hoại. Phật giáo Tây Tạng một thời đã lâm vào mối nguy cơ diệt vong. Sau vua Clandarma bị ám sát, trong nước bị phân liệt, nên Phật giáo cũng không thể phục hưng được một cách dễ dàng. Theo sự khu phân của lịch sử Phật giáo Tây Tạng, thì từ đời vua Clandarma trở về trước gọi là thời kỳ sơ truyền, từ thời vua đó trở về sau gọi là thời kỳ hậu truyền.

Từ thời vua Clandarma trở về sau, Phật giáo Tây Tạng dần dần được phát triển trên ba phương diện là Giới luật, Hiển giáo và Mật giáo. Đặc biệt về Mật giáo, sau khi ngài Rin-chèn-brán-po qua Népal học được Mật giáo đem về nước, và phiên dịch được nhiều “Nghi quỹ” của Mật giáo, làm cho Mật giáo được phát triển ở Tây Tạng, nên gọi là thời đại tân Mật giáo.

Lại ở thời đại vua Ysses Hod thuộc địa phương Tây bộ Tây Tạng, vua thỉnh được ngài Atìsa (980-1055) từ Ấn Độ tới. Ngài Atìsa xuất thân từ một vương tộc ở Trung Ấn, 29 tuổi đi xuất gia, và đã từng làm chức Thủ tọa tại ngôi chùa Vikramasilà, Trung Ấn. Ngài là một bậc học tượng nổi tiếng lúc đương thời. Sau khi tới Tây Tạng, ngài tích cực hoằng dương Mật giáo. Nhưng vì hệ thống Mật giáo của ngài thuộc Thời luân giáo của phái “Kim Cương thừa” nên có nhiều lối tác pháp kỳ quái. Sau 16 năm truyền đạo ở các địa vực Tây Tạng, rồi ngài mất tại đó. Sau khi ngài mất, người kế tiếp về giáo lý của ngài gọi là phái Bkàhgdams pa. Về sau, phái này lại chia thành nhiều phái khác nhau như: Atisa, Nin Ma Pa, Kadan Pa, Sa Skya Pa và Kargyùt Pa v.v... đều chủ trương dung hòa cả Hiển giáo và Mật giáo, nhưng màu sắc của Mật giáo mạnh hơn.

Khi vua Thế Tổ nhà Nguyên đem quân tiến vào chiếm Tây Tạng, và bắt được ngài Pags Pa (Phát Tư Ba) thuộc phái Sa Skya Pa đem về Mông Cổ. Và Lạt Ma giáo được truyền vào Mông Cổ bắt đầu từ đó.

Ngài Pags Pa được vua Thế Tổ rất mến phục, sau lại đưa ngài về Tây Tạng ủy thác cho chủ quyền cai trị. Vì thế nên vương triều Sa Skya Pa được thành lập. Vương triều này nắm giữ cả hai quyền hành là chính trị và tôn giáo. Trong vương triều này lại có ngài Mi La Ras Pa (1038-1120) xuất hiện. Ngài là một vị đạt tới chỗ bí mật của Mật giáo, trở thành một nhà thần bí, đồng thời ngài còn là một thi nhân, thơ của ngài hãy còn được nhiều người đọc ở hiện nay.

II. SỰ BIẾN THIÊN CỦA MẬT GIÁO TÂY TẠNG

Các phái kế thừa giáo nghĩa của ngài Atìsa, sau dần dần loại bỏ giáo lý Hiển giáo, chỉ chú trọng ở giáo lý Mật giáo, đi vào lối tác pháp cực đoan của “Kim Cương thừa” nên Mật giáo dần dần bị trụy lạc. Tức là Mật giáo đi vào con đường dị đoan của tà đạo.

Trong thời kỳ đó, may có ngài Tson Kha Pa (Tôn Khách Ba, 1357-1419) ra đời. Ngài xuất thân ở tỉnh Cam Túc, lúc đầu học về Hiển giáo, sau tu theo Mật giáo và rất nghiêm trì giới luật. Để cứu vãn lại tình thế của Mật giáo, nên ngài đưa hết năng lực vào sự nghiệp vận động cải cách Phật giáo, đưa Phật giáo lại một hệ thống tổ chức mới. Sau, sự cải cách của ngài đã thành công. Hệ thống phái cải cách này gọi là “Hoàng mạo phái” (phái Mũ vàng), phái này tuy cũng là Mật giáo nhưng lấy giới luật làm trọng. Còn các phái cũ gọi là “Hồng mạo phái” (phái Mũ hồng). Về trước tác của Tson Kha Pa gồm có bộ “Bồ Đề Đạo Thứ Đệ Luận”, là trước tác đại biểu cho Hiển giáo; bộ “Chơn Ngôn Thứ Đệ Luận” là trước tác đại biểu cho Mật giáo, và các tác phẩm khác ước 300 bộ. Ngài còn sáng lập ra chùa Dgah Idan ở phía Đông thành phố Lhasa để làm nơi đạo tràng căn bản cho “Hoàng mạo phái”, và lấy ngày 15 tháng Giêng làm ngày lễ Đản sinh Đức Phật, theo lịch Tây Tạng. Sau khi cải cách thành công, thanh danh của ngài lừng lẫy khắp nơi. Vua Thái Tổ nhà Minh mấy lần phái sứ giả tới thỉnh ngài, nhưng ngài đều từ chối, mà chỉ phái khiển đệ tử tới triều kiến. Vua Thái Tổ và vua Nhân Tôn đời Minh đều là những ông vua tin theo Lạt Ma giáo, nên đã khắc được bộ “Tây Tạng Đại tạng kinh, kinh luật bộ”. Bộ Đại tạng này gọi là “Vĩnh Lạc bản Đại tạng kinh”.

Đời Dalai Blama thứ ba là ngài Bsodnams Rgya Mtsho (1543-1588), ngài có công truyền bá Lạt Ma giáo ở địa phương Nội Mông Cổ.

Sau khi Tson Kha Pa (Tôn Khách Ba) mất, các đệ tử kế thừa sự nghiệp của ngài có rất nhiều. Theo “Thánh Võ ký đệ ngũ Quốc triều Tây Tạng ký” chép: “Tson Kha Pa, trước khi tịch, ngài đem giáo pháp di chúc cho hai đệ tử Thượng thủ là Dalai Blama (Đạt Lai Lạt Ma) và Panchen Blama (Ban Thiền Lạt Ma). Ngài Dalai Blama là hóa thân của Quan Thế Âm Bồ tát; Panchen Blama là hóa thân của A Di Đà Như Lai, hai vị này cứ đời đời chuyển sinh”. Nhưng thuyết này chép không được tường tận.

Tức là sau khi Tson Kha Pa, khai tổ của Hoàng mạo phái tịch, thì có hai đệ tử Thượng túc của ngài là Dharma Run Chen và Dge Hdun Grub. Ngài Dharma Run Chen được kế thừa pháp đăng của Hoàng mạo phái. Còn Dge Hdun Grub, năm 1439 được lên nối ngôi vua, nắm quyền cai trị quốc dân, đồng thời ngài còn dựng chùa Bkra sis Ihun po để khoáng trương giáo quyền, và chính ngài là Sơ tổ của Đạt Lai Lạt Ma. Mãi đến đầu thế kỷ thứ XVII, có Blo-zanchos-gyi-rgyal-mtshan dựng ra một ngôi chùa làm nơi căn cứ tu trì, rồi tự xưng tên hiệu là Panchen Blama, tức là đệ nhất thế của Ban Thiền Lạt Ma. Tiếp đến, Blo-bzanye-sés-dpal-bzan-po (mất năm 1737) là đệ nhị thế; Dpal-ldanye-sés (mất năm 1779), đệ tam thế; Blo-bzan-bstan-pahini-ma (mất năm 1852), đệ tứ thế; Chos-kyi-grags-pa-bstan-pa-idan-phyug (mất năm 1882), đệ ngũ thế; Blo-bza-thub-bstan-chos-kyi-ni-ma (mất năm 1935), đệ lục thế; ngài Ban Thiền Lạt Ma hiện đang ở Tây Tạng là đệ thất thế.

Ngài Panchen Blama cũng như Dalai Blama là hai vị Phật sống, đều được quốc dân cung kính; nhưng Dalai Blama vì ngài nắm cả chức vị Quốc vương và Pháp vương nên nhiều quyền hành hơn.

Sau khi ngài Dge-hdun-grub, thủy tổ của Dalai Blama tịch, những vị thừa kế sau cũng đều là hóa thân của Quan Thế Âm Bồ tát hóa sinh, và đều là hóa thân của Dalai Blama thứ nhất. Đời Dalai Blama thứ ba tên là Bsodnamsrgya mtsho (1543-1588), ngài có công truyền bá Lạt Ma giáo ở địa phương Nội Mông Cổ.

Các đời truyền thống hóa thân của vị Dalai Blama cho tới hiện nay là đời thứ XIV.

Đời Dalai Blama thứ V là ngài Blo-kzan-rgyạ-mtsho (1617-1680), ngài có công thống nhất lãnh thổ Tây Tạng. Vì ngài được sự giúp sức của Cố Thủy Hãn, một tù trưởng của Mông Cổ, nên diệt được giáo đồ của “Hồng mạo phái” ở Tây bộ Tây Tạng. Trong tay ngài nắm tất cả quyền hành chính trị và tôn giáo, nên ngài vừa là ngôi Pháp vương của tôn giáo. Sau, ngài được Thanh triều mời tới Bắc Kinh và tôn ngài là bậc Quốc sư trong nước.

Đời Dalai Blama thứ VI, vì sự áp bức của Thanh triều nên ngài lại phải trốn sang Mông Cổ. Đời Dalai Blama thứ VII, ngài là bậc kiêm cả học vấn và đạo đức, lại thông hiểu đường lối chính trị, nên thế lực tôn giáo cũng như là quốc gia trở nên khá mạnh. Từ đời thứ VIII cho đến đời thứ XII thì không có việc quan trọng đáng kể xảy ra. Đặc biệt, đời Dalai Blama thứ XIII là Thub Idan rgya mtsho (1875-1933), vì ngài liên kết với Russia nên bị quân Anh xâm nhập, phải chạy sang tỵ nạn tại Mông Cổ, và sau lại trở về Lhasa, nhưng lại bị quân Tứ Xuyên tràn vào, nên lại phải chạy trốn sang Ấn Độ, cách mấy năm sau ngài lại trở về bản quốc. Sau khi trở về nước, ngài nhiệt tâm hưng long Phật giáo, và khuyến khích về sự nghiên cứu giáo học của Phật giáo. Ngài có công rất lớn về sự nghiệp in bộ “Tây Tạng Đại tạng kinh” và nhiều kinh khác.

Hiện nay là đương thời Dalai Blama thứ XIV, tên là Chamo-Tondrup, sinh ngày 6-6-1935 tại Amdo, thuộc tỉnh Thanh Hải (Tsinghai).

Chữ Blama có ý nghĩa là “Thượng nhân”, nhưng ý nghĩa phổ thông là “Sư trưởng” hay “Thiện tri thức”. Lạt Ma giáo là của riêng Tây Tạng.

Tây Tạng chiếm một diện tích rất rộng, gồm có 1.520.000km2, nhưng phần nhiều là rừng núi. Dân số có chừng 3.790.000 người, phần đông là tín đồ Phật giáo. Tổng Bản Sơn của Lạt Ma giáo là chùa Labrang ở giữa thành Lhasa. Chung quanh chùa này còn có 30 đại Già lam và rất nhiều chùa nhỏ ở trung tâm đô thị, gồm có hơn 10 vạn vị Tăng Lạt Ma. Người Tây Tạng gọi Lhasa, chữ này có nghĩa là Liên hoa (hoa sen), vì kinh đô này được coi như là cái nhụy hoa ở giữa các dãy núi cao Côn Lôn và Hy Mã Lạp Sơn, coi tựa hoa sen nên gọi là Lhasa.

III. KINH ĐIỂN CỦA PHẬT GIÁO TÂY TẠNG

Đại tạng kinh của Tây Tạng vì được dịch từ nguyên điển chữ Phạn sang tiếng Tây Tạng, dịch theo lối “trục tự” (dịch theo từng chữ một), nên rất sát nghĩa với kinh điển chữ Phạn. Lúc ban đầu thì chép bằng bút, mãi đến hồi thế kỷ thứ XIII mới khắc bản in, rồi dần dần in hết toàn bộ. Đại tạng kinh của Tây Tạng có nhiều bản khác nhau, nhưng bản được lấy làm “Quyết định bản” là bản in ở đời Dalai Blama thứ XIII.

Nội dung bộ “Đại tạng kinh” của Tây Tạng gồm có Kinh, Luật, Luận và các trước tác của các nhà học giả Phật giáo Tây Tạng. Bộ Đại tạng này chia thành hai bộ phận là Kanjur (Cam thù) và Tanjur (Đan thù). Kanjur gồm có những bộ luật và kinh. Tanjur gồm có những phần chú sớ kinh luận và các tạp thư (xem mục Tây Tạng Phật điển ở trang thứ 133).

IV. GIÁO LÝ CỦA PHẬT GIÁO TÂY TẠNG

Giáo nghĩa của Lạt Ma giáo, thành phần gồm có giáo nghĩa của Mật giáo Ấn Độ lấy làm chủ yếu, và thêm vào sự tín ngưỡng tập tục cổ truyền của dân tộc, tức là tôn giáo “Bon”, một tôn giáo sùng bái thần linh, quỷ thần, đặc biệt tin sự bói toán. Cổ lai dân tộc Tây Tạng rất tín ngưỡng tư tưởng hóa thân, họ tin các vị Dalai Blama đời đời đều là những vị hóa thân của Phật mà ra.

Lúc đầu, ngài Padmasambhava (Liên Hoa Sinh) đem Mật giáo từ Ấn Độ truyền vào Tây Tạng, hệ thống Mật giáo này thuộc phái “Kim Cương thừa Thời Luân Tôn” của Mật giáo Ấn Độ. Phái này vì kết hợp với phái Sakta (Tính lực phái) của Ấn Độ giáo, nên pha trộn nhiều tà nghĩa. Hệ thống Mật giáo ở Tây Tạng thuộc phái “Kim Cương thừa Thời Luân Tôn” này gọi là “Cựu giáo”, tức là “Hồng mạo phái”. Nhưng sau ngài Tson Kha Pa đứng ra cải cách lại lập thành “Tân giáo”, tức là “Hoàng mạo phái”. Phái này vì dung hòa cả giáo lý của Hiển giáo và Mật giáo, nên lại gọi là “Hiển Mật tương quan giáo”.

Hiển giáo, phổ thông gọi là Đại thừa Phật giáo, và còn gọi là “Ba la mật thừa”. Hiển giáo chia ra làm ba bậc là “Tiểu trượng phụ đạo”, “Trung trượng phụ đạo” và “Đại trượng phụ đạo”. Tiểu trượng phụ đạo thì nương vào lý nhân quả mà tu hành để cầu lấy quả lành ở vị lai, tương đương với Tiểu thừa Phật giáo. Trung trượng phụ đạo thì quán tưởng lý Tứ đế, để mong đạt tới đích Niết-bàn, tương đương với Tiểu thừa Chung giáo. Đại trượng phụ đạo thì phải phát tâm đại Bồ-đề để tế độ chúng sanh và tu theo hạnh Lục độ để cầu đạo đại Bồ-đề, tương đương với Đại thừa Bồ-tát. Ba la mật thừa thì chú trọng vào phép tu Bát nhã ba-la-mật. Muốn hoàn thành phép tu này cần phải tu môn chỉ quán. Tới khi phép tu chỉ quán đã thành tựu, tức là chứng được đạo đại Bồ-đề.

Mật giáo của Tây Tạng thuộc hệ thống “Kim Cương thừa Thời Luân Tôn”, hay gọi là phái Tantra. Tantra có chia ra nhiều phép tắc về cách tu trì để đạt tới cảnh giới “Đại lạc”. Muốn đạt tới cảnh giới này cần phải tu theo năm giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là “Tam ma da giới”, nghĩa là tự mình phát tâm Bồ-đề để ngự chế ba nghiệp thân, khẩu, ý. Thứ hai là “Quán đỉnh”, nghĩa là Sư trưởng lấy nước pháp cam lộ dội lên đầu đệ tử để trao truyền cho tư cách là một hành giả của bí mật giới. Hai giai đoạn này là lối dự bị cho phép tu, nên gọi là “Nhân tướng”. Giai đoạn thứ ba là “Tu pháp”, nghĩa là phải tu các pháp như: Gia trì, tụng niệm, tu thiện v.v...; kiến lập Mandala để khuyến thỉnh chư Phật Bồ-tát, và phải quán tưởng Mandala với tự mình đều bình đẳng không hai tướng. Giai đoạn thứ tư là “Quán pháp”, nghĩa là người hành giả phải luôn luôn trụ ở phép quán Du-già (Thiền định) để tu luyện. Hai giai đoạn này thuộc bản chất của lối tu nên gọi là “Tính tướng”. Giai đoạn thứ năm là “Đắc quả”, tức là sự tu hành đã tới chỗ cứu cánh viên mãn, hiện thân được thành Phật nên gọi là “Quả tướng”.

HẾT

---o0o---

Nguồn: chuyenphapluan.com

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
02/10/2023(Xem: 5989)
Được thành lập vào thế kỷ thứ 8, việc xây dựng bắt đầu vào năm 742, Thạch Quật Am (석굴암, nghĩa là Am hang đá) là một Cổ Am và một phần của phức hợp Phật Quốc Tự. Nó nằm cách bốn km về phía đông của ngôi đại già lam cổ tự trên núi Tohamsan, ở Gyeongju, Hàn Quốc, gian chính hình tròn thờ tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cao 3,5m với tư thế Xúc địa thủ ấn (Bhumistarsa Mudra),
01/10/2023(Xem: 5753)
Hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học trong đó có Ngài Khánh Hòa có liên đoàn Học Xã ra đời tức là hội Lưỡng Xuyên Phật học được thành lập năm 1934 ở tại Bến Tre. Hội này quý Thầy giảng dạy cho chư Tăng, chư Ni cũng có những học đường, bắt đầu thỉnh Đại Tạng Kinh ở bên Trung Quốc về bây giờ chúng ta căn cứ theo Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh. Tại sao gọi là Đại Chánh? Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh có tất cả 100 tập. Từ tập 1 tới 65 có Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tạp A Hàm, Tăng Nhất A Hàm và những bộ kinh thuộc về Mật Tạng, Hòa Thượng Tịnh Hạnh cũng đã cho dịch ra thành 187 tập. Từ tập 188 cho đến tập thứ 202 nay mai sẽ được xuất bản. Riêng Thanh Văn Tạng nó có tính cách Hàn Lâm. Trong thời gian qua HT Tuệ Sỹ đã cho dịch thành Thanh Văn Tạng rồi trong tương lai sẽ có Bồ Tát Tạng, tiếp theo nữa sẽ là Mật Tạng.
04/07/2023(Xem: 7468)
Hôm nay ngày 22.6.2023. Trước đây thầy Hạnh Tấn làm Thư ký ở trong ban Hoằng Pháp của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu. Chỗ này tôi xin xác định một chút cho Quý Vị rõ về hai cơ cấu, hai vai trò không phải là một. Ôn Tâm Huệ là trưởng ban truyền bá giáo lý Âu Châu; Thầy Hạnh Tấn làm thư ký cho ban truyền bá giáo lý Âu châu thuộc về Hội Đồng Hoằng Pháp của giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu. Khi mà ôn Tuệ Sỹ thành lập Hội Đồng Hoằng Pháp vào năm 2021
03/05/2023(Xem: 141025)
Chết và tái sinh. Thích Nguyên Tạng (sách, tái bản 2007) Phật giáo khắp thế giới . Thích Nguyên Tạng (sách) Pháp Sư Tịnh Không, người truyền bá giáo lý Tịnh Độ (sách) Từ bi và nhân cách . Dalai Lama. Thích Nguyên Tạng dịch (sách) Pháp ngữ của Hòa Thượng Tịnh Không . T. Ng. Tạng dịch (sách) Hỏi hay đáp đúng . Ven. Dhammika. Thích Nguyên Tạng dịch (sách) Các Bộ Phái Phật Giáo ở Ấn Độ. Dr.Nalinaksha Dutt.T Ng. Tạng dịch (sách)
03/04/2023(Xem: 11078)
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi-Tân Tây Lan được thành lập năm 1999 tại Sydney với nhiệm kỳ 4 năm sinh hoạt Phật Sự. Đến nay đã trải qua hơn 20 năm thăng trầm hành hoạt với 6 kỳ Đại Hội trước đây, lần lượt được tổ chức tại: Chùa Pháp Bảo (1999), Chùa Pháp Quang (2003), Chùa Phổ Quang (2007), Chùa Pháp Hoa (2011), Tu Viện Quảng Đức (2015 và 2019). Và mới đây, Đại Hội Khoáng Đại Kỳ 7 được tổ chức tại Chùa Thiên Ấn, vùng Canley Vale, tiểu bang New South Wales, từ ngày 4 đến ngày 5 tháng 6 năm 2022.
18/02/2023(Xem: 6058)
Tôi nghĩ là người Phật tử, ai cũng muốn một lần được đến Ấn Độ để chiêm bái Phật tích, những Phật tích quan trong là nơi đức Phật Đản sinh, đức Phật Thành đạo, đức Phật chuyển Pháp luân và đức Phật nhập Niết Bàn. Bốn nơi đó thường được gọi là Tứ động tâm, nghĩa là 4 nơi thường làm cho người Phật tử xúc động, khi chiêm bái khi tưởng nhớ đến đức Thế Tôn. Chừng 10 năm trước, Đại đức Thích Minh Hiển từng du học ở Ấn Độ, tổ chức đi chiêm bái Phật tích, chúng tôi ghi danh đóng tiền tham gia, nhưng giờ chót, chúng tôi quyết định không đi, lần khác Đại đức Thích Hạnh Lý, trụ trì chùa Từ Ân, thành phố Louisville, Kentucky tổ chức đi chiêm bái Phật tích có thông báo cho chúng tôi, nhưng chúng tôi cũng không tham gia được.
06/01/2023(Xem: 6063)
Tôi quyết định đi theo đoàn hành hương do chùa Vạn Hạnh ở Nantes tổ chức từ cuối tháng 9, 2010. Làm các thủ tục vé máy bay, passport và visas xong xuôi từ cuối tháng mười. (Các bạn nên nhớ rằng passport của bạn phải còn có giá trị tối thiểu 3 tháng sau ngày rời Ấn Độ trở về. Nếu bạn rời Ấn Độ ngày 01/01/2011, thì passport của bạn phải còn giá trị tối thiểu là đến 01/04/2011. Visas vào ra Ấn Độ, phải là “Double entries”). Xong xuôi tất cả, tôi phủi tay tự nhủ, bây giờ thì chỉ còn chờ ngày đi mà thôi, và tôi vui thú thở ra nhẹ nhỏm trong người.
07/11/2022(Xem: 7246)
Tình tự quê hương như là chất liệu để nuôi sống đời mình, nên Hòa Thượng Tuệ Sỹ chỉ ở đó mà không đi đâu hết. Sinh ra giữa lòng đất Mẹ, chắc một ngày mai kia có chết, thì chết trong giữa lòng đất mẹ ấy, mà đã không ra đi như bao người đã ra đi. Có lẽ sinh ra nơi nào thì chết ở nơi đó. Đây là cái khí khái của bậc Đại Sỹ. Dù quê hương có đọa đầy mưa nắng, thì cũng nguyện là người làm mưa nắng để vun xới cho quê hương được tươi mát.
13/03/2022(Xem: 24069)
Hành hương và chiêm bái Phật tích Ấn Độ là nhân duyên hy hữu và là một ước mơ ngàn đời của người đệ tử Phật trên khắp năm châu bốn bể. Nay ước mơ đó đã đến với Tăng Ni và Phật tử Tu Viện Quảng Đức, Melbourne, Úc Châu. Như chương trình đã sắp đặt trước cả năm, phái đoàn hành hương Ấn Độ gồm 51 người do Tu Viện Quảng Đức tổ chức đã lên đường đúng vào ngày 7-11 năm 2006. Phái đoàn do Đại Đức Phó Trụ Trì Tu Viện Quảng Đức Thích Nguyên Tạng, Sư Cô Hạnh Nguyên và Đạo Hữu An Hậu Tony Thạch (Giám đốc công ty Triumph Tour) hướng dẫn cùng với 38 Phật tử từ Melbourne, 6 từ Sydney, 1 từ Perth và 5 đến từ Texas, Cali, Hoa Kỳ.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]