Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Truyện Hai Người Phạm-Chí Thụ-Trai

21/05/201316:23(Xem: 13586)
Truyện Hai Người Phạm-Chí Thụ-Trai

Kinh Trì Trai

Truyện Hai Người Phạm-Chí Thụ-Trai

Hòa Thượng Thích Tâm Châu

Nguồn: Nguồn: www.anlac.ca Trình bày: Nhị Tường, Thích-Tâm-Châu dịch Hán ra chữ Việt

Chính tôi được nghe: Một thời kia đức Phật ở trong vườn cây của ông Kỳ-Đà và ông Cấp-Cô-Độc, nước Xá-Vệ.
Bấy giờ vào khoảng chập tối, có hai người cõi Thiên đến chỗ đức Phật ở. Thân hình người cõi Thiên ấy sáng-sủa, chiếu rực cả khu Kỳ-hoàn, đều như sắc vàng cả. Khi ấy, đức Phật liền tùy nghi, diễn rộng diệu-pháp, tâm-ý họ khai-ngộ, đều được dự vào dấu-tích đạo, họ liền đem đầu diện lễ Phật, rồi trở về Thiên-thượng.
Sáng mai, ông A-Nan bạch Phật rằng: Lạy đức Thế-Tôn, đêm qua có hai người cõi Thiên đến yết-kiến đức Thế-Tôn, con thấy uy-tướng họ rực-rỡ, tịnh-quang chói-lọi, vậy trước kia họ trồng đức gì, mà nay họ được quả vi-diệu ấy?
Đức Phật bảo ông A-Nan: Sau khi đức Ca-Diếp Như-Lai diệt-độ, khi chính-pháp của Ngài sắp mạt, thời có hai người Bà-La-Môn thụ-trì bát quan-trai-giới. Trong hai người ấy, có một người cầu-nguyện sinh lên cõi Thiên và một người thứ hai cầu làm ngôi Quốc-vương. Trong thời-gian ấy, người thứ nhất trở về nhà mình, thời vợ ông ta gọi ông ta cùng vào ăn cơm. Lúc đó quá trưa, ông ta bảo vợ rằng: Trước đây tôi đã phát-nguyện thụ trai-giới của Phật quá giữa ngày không ăn, giờ đã quá rồi, tôi không ăn nữa. Người vợ mới bảo ông ta rằng: ông là người thuộc dòng họ Phạm-Chí, tự có giới-pháp, cớ sao lại đi thụ trai-giới của đạo khác? Nay nếu ông trái lời tôi, không cùng ngồi ăn cơm với tôi, tôi sẽ đem việc này nói với những người dòng họ Phạm-Chí, họ sẽ đuổi ông ra khỏi đạo và không hội-họp với ông nữa! Ông ấy nghe thấy người vợ nói thế rồi, lòng rất sợ hãi, đành ngồi cùng vợ ăn cơm phi thời.
Hai người Phạm-Chí này về sau tùy theo tuổi thọ dài, ngắn, cũng đều chết cả. Nhưng, người nguyện làm ngôi Quốc-vương ấy do trì trai đầy-đủ được sinh vào nhà vua, còn người nguyện sinh lên cõi Thiên kia, do phá trai, nên phải sinh vào trong loài rồng.
Khi ấy có một người, làm việc coi vườn cho nhà vua. Ngày ngày người ấy đem các thứ hoa quả vào dâng vua. Một thời sau, người ấy tới nơi suối nước, liền được một thứ quả nại, sắc hương thơm ngon lạ-lùng, người ấy nẩy ra ý nghĩ: ta thường ra vào đây, thường được người coi cửa, trông thấy, lễ phép chào hỏi trước, nay ta đem cho người ấy một quả. Như ý nghĩ, người ấy liền đem cho người coi cửa, người coi cửa nhận. Sau đó, người ấy lại nghĩ: khi ta thông suốt được việc này, thường được người Hoàng-môn (quan thị) nâng-đỡ, vậy ta nên đem cho người ấy. Nghĩ rồi, người ấy liền đem qủa nại này cống người Hoàng-môn. Người Hoàng-môn nhận. Nhận rồi người ấy lại đem dâng lên Hoàng-Hậu, Hoàng-Hậu được quả nại ấy lại đem dâng vua. Nhà vua ăn quả nại ấy, cảm thấy rất ngon, rất tốt, nhà vua mới hỏi Hoàng-Hậu: Quả nại này ở đâu vậy? Hoàng-Hậu tức thời đem việc thực ấy tâu với nhà vua. Và, nhà vua dần dần suy đến người coi vườn. Nhà vua bèn triệu người coi vườn vào hỏi: Trong vườn ta có những quả ngon này, sao không thấy đem dâng ta mà nhà ngươi lại đem cho người khác? Khi ấy người coi vườn tự-trần đầu đuôi cho nhà vua nghe. Nhà vua lại bảo: Từ nay về sau nhà ngươi phải thường thường đem dâng ta thứ quả nại này, không được đoạn tuyệt? Tiếp lời, người coi vườn tâu rằng: Thứ quả nại này nó không có giống, tôi vớt được ở trong suối, nay nhà vua bắt tôi dâng thường thường, thời không thể kiếm ở đâu được cả. Nhà vua lại bảo: nếu nhà ngươi không kiếm được, nhà ngươi sẽ bị xử trảm.
Người coi vườn ra về, đến trong vườn kia, lo sầu áo-não, kêu khóc rầm rầm. Bấy giờ, có một con rồng, nghe thấy tiếng người kêu khóc, biến thành thân người, lại hỏi người kia rằng: ông có việc gì mà la khóc như thế? Người coi vườn ấy liền nói hết sự việc của mình cho người kia nghe. Nghe rồi người kia lại biến thành thân rồng, lặn xuống dưới nước đem nhiều quả ngon, để trên mâm vàng, đem đến cho người coi vườn ấy và nhân đấy bảo rằng: Ông đem mâm quả này vào dâng nhà vua của ông và bày tỏ ý của ta rằng: Ta cùng nhà vua vốn là bạn thân, xưa kia ở đời, đều là dòng họ Phạm-Chí, cùng nhau thụ bát quan-trai-giới và đều có cầu nguyện; ông giữ giới đầy đủ được làm Nhân-vương, ta vì giữ giới không trọn, sinh trong loài rồng. Nay ta muốn phụng tu trai-pháp, cầu xả thân này. Vậy, mong nhà vua tìm cuốn Kinh nói về bát quan-trai-pháp, đưa cho ta, nếu trái ý ta, ta sẽ lật úp nước nhà vua thành biển cả. Liền đó, người coi vườn bưng mâm quả vào dâng nhà vua và lại nói những sự nguy biến mà con rồng đã dặn cho nhà vua nghe. Nhà vua nghe rồi, không vui. Tại sao? - Vì, thời ấy không có Phật-pháp, lại bài văn "bát quan-trai" cũng mất hết, không tìm đâu ra được. Nhưng, nếu không vừa ý của ông rồng kia, sợ rằng sẽ có sự nguy hại. Chỉ nghĩ về lẽ ấy, nên nhà vua lo-lắng, buồn rầu. Bấy giờ, nhà vua có quan Đại-thần rất được kính-trọng, nhà vua mới bảo quan Đại-thần rằng: Nay Thần-long bắt ta tìm được văn "trai-pháp" cho hắn, mong khanh tìm sao cho được giúp ta, để gửi cho hắn. Quan Đại-thần tâu rằng: Đời nay không có Phật-pháp, làm sao mà tìm được. Nhà vua lại bảo: Nay khanh không tìm được, ta sẽ giết khanh đi. Quan Đại-thần nghe thấy nhà vua nói thế, trong lòng rầu rĩ, trở về nhà mình. Trong nhà quan Đại-thần ấy có ông thân phụ, tuổi đã già cả, mỗi khi thân-phụ ông quan ấy từ ngoài đi vào, ông quan ấy làm ra nét mặt vui vẻ để an ủi lòng cha. Đương khi ấy, người cha trông thấy con có nét mặt thay đổi khác thường, liền hỏi ngay rằng: cớ sao thế con? Lúc đó, quan Đại-thần ấy bèn hướng lên cha mình, tự nói ghẽ-gọn đầu đuôi câu chuyện. Người cha ông quan Đại-thần ấy mới đáp rằng: Này con, con trông cây cột kia của nhà ta, ta thường thấy có ánh sáng, nay con thử bổ ra, xem trong ấy có gì, hoặc có vật lạ chăng? Vâng lời cha dạy, ông quan Đại-thần kia liền sai người đem cây cột khác thay vào cây cột ấy và đem bổ, đẵn ra. Khi bổ ra thời được hai quyển kinh: một quyển là quyển kinh "Thập nhị nhân-duyên" và một quyển là bài "văn bát quan trai". Quan Đại-thần ấy liền đem dâng lên nhà vua. Vua được, rất mừng, không tự thắng được. Xong rồi, nhà vua liền đem kinh ấy, để trên mâm vàng tự mình bưng đến cho Thần-long. Thần-long được kinh ấy rồi, vui mừng khôn xiết bèn đem của quý, tặng lại nhà vua.
Từ đấy, ông rồng kia thụ-trì bát quan-trai ân cần phụng-hành. Sau khi mất đi, được sinh lên Thiên-cung. Còn Nhân-vương kia cũng lại tu phụng trai-pháp, thọ tận, sinh Thiên, cùng ở một nơi với nhau. Và, đêm qua hai người cùng lại, nhờ lời pháp hóa, ứng thời liền được quả Tu-Đà-Hoàn. Hai người ấy, xa hẳn ba đường ác, thường qua cõi Nhân, cõi Thiên mà thôi; từ đây về sau, rốt-ráo sẽ được đạo-quả Niết-Bàn.
Đức Phật nói thời pháp này, hết thảy chúng nhân trong hội, hoan-hỷ phụng hành.






CHÚ THÍCH

(1) Kinh này là cuốn kinh số 87 trong Đại-Tạng-kinh. Nguyên văn đề mục của kinh này gọi là "Phật thuyết trai kinh", nhưng cùng một ý với phẩm Trì-trai trong kinh Trung-A-Hàm, nên đây để 2 chữ Trì-trai cho đẹp nghĩa.
(2) Chân nhân là chỉ vào bậc A-La-Hán, cũng có chỗ chỉ vào Phật, nhưng đều có nghĩa là: người đã chứng được chân-lý.
(3) Đây là nói về 10 hiệu Phật, nhưng vẫn còn thiếu và có phần hơi khác với 10 tên hiệu mà các kinh có ghi: Như-Lai, Ứng-Cúng, Chính-Biến-Tri, Minh-Hạnh-Túc, Thiện-Thệ, Thế-Gian Giải, Vô-Thượng-Sĩ, Điều-Ngự Trượng-Phu, Thiên-Nhân-Sư, Phật, Thế-Tôn.
(4) Tức 4 niệm-xứ, 4 chính-cần, 4 như ý túc, 5 căn, 5 lực, 7 Bồ-đề phận và 8 chính-đạo (37 phẩm).
(5) Ý nói vui làm những việc trong hệ-thống của giới-luật.
(6) Tên các cõi trời này so-sánh với những kinh khác, thời sự phiên âm có hơi khác.
(7) Ý nói vui làm những việc thống-thuộc nơi cõi Thiên.
(8) 16 đại-quốc: Xưa nước Ấn-Độ chia làm 16 nước là: 1) Ti-xá-ly (Vasiali). 2) Kiều-tát-la (Kosala). 3) Thất-la-phạt (Sràvasti). 4) Ma-già-đà (Magadha). 5) Ba-la-Nại (Bàrànasi). 6) Ca-tì-la (Kapilavastu). 7) Câu-thi-na (Kusinagara). 8) Kiều-diễm-di (Kausàmbi). 9) Ban-giá-la (Pancàla). 10) Ba-cha-la (Pataliputra). 11) Mạt-thổ-la (Mathurà). 12) Ô-thi (Usa). 13) Bôn-cha-bạt-đa (Pungavasdhana). 14) Đề-bà-bạt-đa (Devàtàra). 15) Ca-thi (Kàsi). 16) Chiêm-ba (Campà).
(9) Kinh này là một cuốn kinh số 88, trong Đại-Tạng-kinh, mất tên người dịch chữ Phạm ra chữ Hán, nay phụ vào Tống lục.
(10) Tháng thiếu thời kể ngày 28 và 29.
(11) 16 nước lớn trên đây cũng chỉ là 16 nước của Ấn-Độ xưa kia, nhưng sự phiên-âm sang chữ Hán có khác nhau, nên xem bảng chú-thích ở trang 13.
(12) Kinh này là cuốn kinh số 89 trong Đại-Tạng-kinh.
(13) Đây là Ngũ-đại-lưu. Căn-cứ theo Phật-Học đại-từ-điển thì Thiệm-Bô-châu có 4 con sông (tứ hà) đều do A-Nốc đạt chỉ (Anavatapta) mà ra. Bốn con sông ấy là: 1) Hằng-già-hà, mới dịch là Căng-già: (Gangà). 2) Tân-đầu-hà, mới dịch là Tín-độ-hà (Sindhu). 3) Phạ-sô-hà, trước dịch là Phạ-soa-hà (Vaksu). 4) Tỉ-Đa-hà, trước dịch là Tư-Đà-hà (Sità) và nếu cộng cả A-Nốc đạt chỉ (mới dịch là A-Na-Bà-Đáp-Đa) thì là năm. Nhưng có vài phiên âm trong ngũ đại lưu trên, không sao tra cứu ra được. Vậy, ghi rõ nơi đây, tùy các Phật-tử nhận định (lời dịch-giả).

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]