Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 3

14/05/201317:42(Xem: 15648)
Phần 3

Kinh A Di Đà Sớ Sao

Phần 3

Sa Môn Thích Hành Trụ

Nguồn: Sa Môn Thích Hành Trụ

CHÁNH TÔN PHẦN (phân ra làm 4 phần)

. Tường trần y, chánh linh sanh tín nhạo: Rõ bày y báo, chánh báo đều tốt sạch để cho chúng nảy lòng tin ưa.
B. Chánh thị nguyện hạnh linh sanh tu chứng: Chỉ ngay nguyện hạnh ra, khiến cho chúng biết để mà tu chứng.
C. Giao dẫn Phật ngôn linh đoạn nghi hoặc: Lẫn nhau dẫn lời Phật nói để cho chúng dứt lòng nghi lầm.
D. Hỗ chương nan sự linh thiết cảm phát: Lẫn nhau rõ sự khó khăn để cho chúng nảy lòng cảm thiết.

A. TƯỜNG TRẦN Y CHÁNH LINH SANH TÍN NHẠO (phân ra làm hai phần)

1. ĐỐI CƠ: Đối với người đương cơ.
2. THỊ PHÁP: Chỉ bảo y chánh.

1. ĐỐI CƠ

Nhĩ thời Phật cáo trưởng lão Xá Lợi Phất.
(Bấy giờ Phật bảo Ngài Trưởng lão Xá Lợi Phất)
SỚ: Từ văn đây sắp xuống thuộc về phần chánh tông, về trước là phần tự dẫn, về sau là phần lưu thông (truyền bá). Duy có văn đây là chánh nghĩa sở tôn trong một bộ kinh vậy.
"Nhĩ thời" là: Đương thời đủ sáu món thành tựu kia. "Phật cáo" là vì kinh này không ai phát khởi (mở lời hỏi), Phật tự kêu ông Thân Tử mà nói. Bởi vì kinh này cứu đời cần kíp nên không đợi ai thỉnh.

Sao: Phàm nói chữ "nhĩ thời", chắc trước có lời duyên khởi (mở đầu) cho nên nói "đương thời" vậy (6 món thành tựu). "Phật tự thuyết" là: Các kinh đều có Thông (chung) Biệt (riêng), hai bài tự: Thông là bài tự Chứng - Tín. Biệt là bài tự Phát - Khởi. Như Kinh Pháp Hoa thời tướng Bạch Hào của đức Phật phóng quang là mở đầu giáo pháp nhứt thừa (nhứt thừa Thật tướng). Kinh Duy Ma thì ngài Duy Ma thị tật (giả bệnh) nơi thành Tỳ Da là khai hiển pháp môn bất nhị. Còn kinh Viên Giác, kinh Kim Cang cho đến các kinh, phần nhiều nhơn có người hỏi trước, sau đó Phật mới vì đó mà diễn nói.
Nay kinh này không phải vậy, cho nên nói: "Không người phát khởi".
"Cứu đời cần kíp" là gì? Chúng sanh đời mạt pháp căn độn chướng sâu, rất khó đặng hạng người tu theo hai pháp giải thoát và thiền định! Nên Phật dùng lòng đại bi thương xót thuyết ra một môn trì danh niệm Phật này để cứu cấp chúng sanh bằng cách chấm dứt đường sanh tử vì đi tắt ra khỏi 3 thế giới mà còn e không kịp nên chẳng đợi ai thỉnh cầu.
Ví như có người xảy mắc chứng bệnh quá ngặt, sanh mạng chỉ còn trong hơi hoi hóp dù ta sẵn có phương thuốc hay đối chứng mà còn y đó bào chế thì e trễ nãi ngày giờ, thuốc chưa làm xong, mạng đã chết trước.
Chi bằng, đã sẵn có thuốc làm rồi, đổ vô miệng là tức thì sống ngay. Nếu người có lòng nhơn, phải cho lập tức, đâu lẽ còn đợi người kia sắm lễ ân cần vậy sau mới là cho thuốc!? Phật cứu chúng sanh cũng y như thế.
SỚ: Hỏi: Với các kinh khác thì không luận; chỉ như bổn giáo hai kinh đều có người phát khởi; sao riêng kinh này chẳng như thế có? Đáp: Vì ý chỉ càng thiết, cũng là có phát khởi bằng cách không phát khởi đó thôi.
SAO: "Bổn giáo hai kinh" là kinh Thập Lục Quán và kinh Đại Bổn, đồng bộ với kinh này, cả hai đều chuyên nói về pháp tu Tịnh Độ, cho nên goi là bổn giáo.
Quán Kinh thời do bà Vi Đề Hi bị đứa con ác nghiệt (vua A Xà Thế) làm hại, nên bà chán cõi đời ngũ trược mà cầu sanh nước thanh tịnh. Bà bạch đức Phật rằng: "Con nguyện sanh về thế giới thanh tịnh, không muốn ở thế giới ác trược cõi Diêm Phù Đề này".
Đấy là do mẹ con vua A Xà Thế làm người phát khởi.
Kinh Đại Bổn nói: "Một bữa nọ dung nhan đức Thế Tôn khác thường, thị giả là ông A Nan thấy vậy, bạch hỏi: 'Từ khi con theo hầu Phật, chưa từng có lúc nào được thấy dung nhan Phật như ngày hôm nay. Phải chăng Phật nghĩ nhớ các đức Phật đời quá khứ hay là chư Phật kiếp vị lai, cho nên có sự khác thường như thế?'
Phật bảo: 'Quí quá thay A Nan! Có các vị chư thiên mượn đệ tử đến hỏi hay đệ tử tự hỏi như thế?
Này A Nan! Câu hỏi của đệ tử đó nó có phước đức hơn gấp trăm lần, nghìn lần, muôn lần đối với kẻ đã trải qua nhiều kiếp đem của bố thí cho các thánh nhơn như Thinh Văn, Duyên Giác, chư thiên, nhơn dân, nhẫn đến các loài bò bay máy cựa ở đầy trong một châu, trong bốn châu thiên hạ, cũng chẳng bì kịp câu hỏi của đệ tử!
Sở dĩ vì sao? Bởi chư thiên, nhơn dân, cho đến loài bò bay máy cựa đều nhờ câu hỏi của đệ tử mà được độ thoát".
Đây là do vì lấy dung nhan vui vẻ của Như Lai làm nhơn duyên phát khởi kinh Đại Bổn.
Nay có người hỏi nạn rằng: Các kinh có người phát khởi, thôi xin gác lại khoan luận. Chỉ như hai kinh này bổn giáo Tịnh Độ (gốc dạy tu Tịnh Độ) đều có người phát khởi. Kinh đây (Di Đà) cũng chẳng khác gì hai kinh kia, vì lẽ gì lại riêng không nói? Cho nên lập lời đây để giải rõ: Nghĩa là Phật thuyết hai kinh tuy cũng là một tâm đại bi thiết yếu, riêng dạy pháp vãng sanh. Song mà pháp quán tinh vi, môn nguyện rộng lớn, như đã nói trong bài tự văn trước, chưa bằng kinh này, chỉ chuyên sự trì danh, liền sanh nước kia, rất là cần yếu mà lại cần yếu, cho nên ý Phật đối với đây cũng đã thiết yếu mà lại càng thiết yếu, vì các chúng sanh làm bạn bất thỉnh vậy.
"Không phát mà phát" là: Vì chúng sanh hiện tiền ưa đắm sanh tử không cầu ra khỏi; tự hay phát khởi lòng đại bi của Phật nên ngài mới thuyết kinh này không đợi ai thỉnh.
SỚ: Phật chỉ kêu một mình ông Xá Lợi Phất để bảo là: Lệ như văn trước nói duy người có trí mới tin nổi kinh này. Lại bảo một mình ông tức là bảo tất cả chúng. Ngài Tịnh Giác nói: "Vì pháp hiệp bốn mốn Tất Đàn vậy".
SAO: "Lệ như văn trước" là: Tức là ý nghĩa bắt đầu nói ông Thân Tử do vì ông có trí huệ thậm thâm. Xét thấu các cơ tịnh và uế, dung thông tột ngành sự và lý, mới hay tin thọ không nghi. Như trên hội Bát Nhã, bắt đầu nói ông Tu Bồ Đề, do kinh Bát Nhã luận lý Chơn Không mà ông Tu Bồ Đề là người hiểu lý Chơn Không đệ nhứt trong chúng.
"Bảo tất cả" là: Phật bảo một mình ông Thân Tử, tức là bảo tất cả hàng Thanh Văn, Bồ Tát, nhơn, thiên, đại chúng hiện tiền và bảo tất cả các chúng sanh đời vị lai nữa...
"Bốn món Tất Đàn" là: 1. Ông Thân Tử là đệ tử hầu bên tả, các kinh phần nhiều để ông ở trước hết là phép như thế. Đây là phép Tất Đàn Thế Giới. 2. Ông Thân Tử là bực trí huệ đệ nhứt, trong chúng đều tôn ngưỡng, nếu ông tin Tịnh Độ thời chúng cũng tin theo. Đây là phép Tất Đàn Vị Nhơn. 3. Vì người không tin cõi Tịnh Độ, tự hổ mình không bằng ông, liền đổi bỏ tà chấp. Đây là phép Tất Đàn Đối Trị. 4. Vì khiến kẻ quen tập pháp Tiểu thừa, bắt chước hướng tới Đại thừa cầu sanh Tịnh Độ, cứu cánh thành Phật. Đây là phép Tất Đàn Đệ Nhứt Nghĩa.
SỚ: Lại chẳng những Trí là năng tín, mà được thành tựu quả Phật cũng đều do Trí.
SAO: Kinh Hoa Nghiêm, quyển thứ 22 nói: "Tất cả các đức Phật trang nghiêm thanh tịnh, đâu chẳng phải tất cả đều do Trí". Thế thì biết đức Phật A Di Đà cũng do Trí này, thành tựu công đức Tịnh Độ, mà các chúng sanh tu phép Tịnh độ ấy do Trí mà sanh Tín, thời Tín mới là chánh Tín, do Trí mà phát Nguyện, thời Nguyện mới được rộng lớn, do Trí mà khởi Hạnh, thời Hạnh mới mầu nhiệm, cho đến thành Phật, thường phải do đấy.
Bởi Trí nó là cái lý mầu để suốt nhơn thấu quả, thành thỉ thành chung nữa, chứ chẳng những chỉ làm môn tín giải mà thôi.
SỚ: Xứng lý thời tự tánh nó có trí tự nhiên là nghĩa Phật tự kêu ông Xá Lợi Phất để bảo pháp trì danh.
SAO: Không nhơn mà chiếu, không nghĩ mà biết, tánh mầu sẵn sàng chẳng tự đâu mà đặng. Thế cho nên tiếng kiền chùy chưa động, không ai thưa thỉnh mà Phật thoạt nhiên tự nói, nói mãi không gián đoạn.

2.- THỊ PHÁP (phân ra làm hai phần)

a. TỔNG TIÊU (nêu chung)
b. BIỆT THÍCH (giải riêng)

A. TỔNG TIÊU (phân ra làm hai phần)

1. Tiêu độ hiển y (nêu cõi để rõ y báo)
2. Tiêu chủ hiển chánh (nêu chủ để rõ chánh báo)

1.- NÊU ĐỘ HIỂN Y

Từ đây qua phương Tây mười muôn ức cõi Phật, có một thế giới tên là Cực Lạc.
SỚ: Độ là cảnh sở y, gọi là y báo. Phật là người năng y, gọi là chánh báo. Bây giờ trước nói cảnh sở y (cảnh nương tựa).
Chữ Thị là đây, là chỉ cõi này mà nói; nghĩa là: Từ thế giới Ta Bà đây cứ nhắm hướng Tây đi tới, gọi là "qua".
Cõi Phật là: Một thế giới đại Thiên gọi là một cõi Phật, qua cõi Phật như vậy tới mười muôn ức; nghĩa là: Cách phương này xa lại càng xa, chẳng phải như cái cõi cách mười muôn tám nghìn dặm (10.800) nói trong kinh Pháp Bửu Đàn vậy.
Nếu cứ sự cứ lý, cũng chưa lấy làm xa. Chữ Thế là Đời, chữ Giới là Xứ, Cực Lạc tiếng Phạm (Sumati) Tu Ma Đề, Tàu dịch: An Lạc, cũng dịch An Dưỡng, cũng dịch: Thanh Thái, cũng dịch: Diệu Ý; tên tuy có khác một chút, chớ cũng là một nghĩa Cực Lạc.
Song cõi có nhiều nghĩa: Với trong 4 cõi, ở đây có nói Cực Lạc là cõi Đồng Cư mà cũng kể luôn ba cõi trước. Lại với cõi Thọ Dụng, cõi Pháp Tánh và cõi Biến Hóa, cả ba cõi đồng ý đây.
Lại: "Mười cõi" cũng đồng ý đây. Lại Phật dù không cõi, nhưng vì hóa độ chúng sanh tại đâu nói cõi cũng chẳng ngại gì.

SAO: "Y báo" là: Thân nương cõi để ở, cho nên kêu cảnh giới là sở y, tùy theo nghiệp mình gây tạo cảnh sở y (cảnh ở) có tốt và xấu cho nên là báo. Câu: "Từ cõi ta đây" là: Cõi Ta Bà và Cực Lạc cũng ở trong cõi Hoa Tạng, hai cõi trông nhau như ngang hàng.
Nay nói chữ "Quá" là: Qua, là từ cõi đây nhằm hướng Tây mà đi ngang suốt qua. "Một cõi đại thiên": Cõi tam thiên đại thiên thế giới vậy, trong bài lục phương sau có nói.
"Mười muôn ức" là: Con đường từ đây qua Tây phương lấy số ức tính đó sẽ có 10 muôn, nghĩa là: Qua một cõi Phật, mười cõi Phật, nhẫn đến một ức cõi Phật.
Lại từ một ức cõi Phật, mười ức cõi Phật, nhẫn đến mười muôn ức cõi Phật, cho nên nói "xa đó lại càng xa" vậy. Song, số ức có 4 thứ: mười muôn, trăm muôn, nghìn muôn, và muôn muôn, cũng đều đặng kêu là số ức, nay chưa được biết chỉ về số ức nào vậy.
Trong Đàn Kinh nói: "Mười muôn tám nghìn dặm" là lầm chỉ cõi Tây Vực là Ấn Độ đây vậy, cũng trong bài lục phương sau có giải rõ.
Câu nói "xa cũng chưa lấy làm xa" đủ có hai nghĩa: 1.- Cứ theo sự, kinh Pháp Hoa nói: "Thế giới phương Đông rất nhiều, lấy đất nghiền thành bụi, mỗi hột bụi, kể một thế giới thời mười muôn ức cõi", cũng chỉ là phần rất ít vậy thôi.
Kinh Hoa Nghiêm nói: "Một thứ thế giới", vậy là ngoài cõi Ta Bà còn có 13 số sát trần thế giới để vây giáp vòng. Nay cõi Cực Lạc chỉ qua mười muôn ức cõi đâu đủ làm xa.
2.- Cứ theo lý thời câu nói "mười muôn ức" ấy, đối với tâm lượng sanh tử của phàm phu mà nói vậy thôi. Nếu Tịnh nghiệp thành, khi lâm chung, tâm ở trong định, tức cái tâm ấy thọ sanh cõi Tịnh Độ như câu: "Phân minh tại mục tiền" (Tịnh Độ rõ ràng ở trước mắt) là vậy, cũng nào từng xa?
Chữ "Thời" là: Đời quá khứ, hiện tại, và vị lai. Chữ Xứ là: Bốn góc và trên dưới... Riêng một mình chữ "thời", riêng một mình chữ "xứ", thời nghĩa thế giới chẳng thành, thời và xứ hiệp mới kêu là "thế giới".
Chữ Cực Lạc dịch có nhiều tên, mà nói chữ Cực là nói rõ cái nghĩa vui tột bực, chẳng phải tất cả những cái vui cõi nhơn thiên bì kịp; cho nên riêng nêu chữ Cực vậy.
Bốn cõi là: 1.- Cõi Thường Tịch Quang. Kinh nói: "Phật Tỳ Lô Giá Na, Pháp thân Ngài khắp tất cả xứ. Chỗ ở của Ngài, gọi là cõi Thường Tịch Quang". Đây là chỗ người chứng quả tột bực ở.
2.- Cõi Thiệt Báo Trang Nghiêm. Vì do tu pháp chơn thật, cảm đặng phước báo tốt đẹp, bảy báu trang nghiêm, đủ năm món trần tịnh diệu, cũng nói là cảnh vô chướng ngại; do tâm tức cảnh (sắc), cảnh tức tâm, vì tâm cảnh không hai, nên lỗ chơn lông và cõi Phật dung chứa lẫn. Đây là cõi của bực Pháp thân đại sĩ ở.
3.- Cõi Phương Tiện Hữu Dư mới dứt 4 cái trụ hoặc thuộc về đường phương tiện, chưa hết vô minh, nên gọi là "hữu dư". Đây là cõi của bực thánh nhơn tam thừa ở.
4.- Cõi Phàm Thánh Đồng Cư: Đây là cõi chung của tứ thánh, và lục phàm ở lẫn lộn nhau mà phàm không thấy thánh!
Bốn cõi tuy hơn thua chẳng đồng, nhưng cũng có phân riêng cõi tịnh và cõi uế. Nay nước Cực Lạc đã nói rằng có Bồ Tát, Thinh Văn, Chư Thiên và nhơn dân thì cùng với Ta Bà đều gọi là cõi Đồng Cư.
Nhưng mà ở cõi này thì đất đá gai chông, bốn thú lăng xăng, nước kia thời bát đức, thất trân, chúng nhơn thiên rỡ rỡ, đây cũng là cõi Đồng Cư mà thanh tịnh vậy.
"Cũng luôn ba cõi trước" là: Tùy theo căn cơ mỗi người có khác nên chỗ cảm thấy cũng lạ nhau. Như: Có người ở cõi Đồng Cư mà thấy cõi Thiệt Báo, có người ở cõi Đồng Cư mà thấy cõi Tịch Quang, có người ở cõi Đồng Cư mà thấy cõi Phương Tiện, có người ở cõi Đồng Cư mà chỉ thấy cõi của mình (Đồng Cư).
Như kinh Pháp Hoa, đức Phật nói: "Ta vẫn an ổn ở cõi này (Đồng Cư) chúng nhơn thiên thường đông đủ". Kinh Tượng Pháp Quyết Nghi, Phật dạy: "Trong pháp hội bữa nay, số chúng đông không xiết kể. Hoặc người thấy cõi này bằng núi, rừng, đất, cát, sỏi, sạn; hoặc có người thấy bằng cõi thất bảo, hoặc có người thấy bằng Phật đi kinh hành; hoặc có người thấy bằng cảnh giới bất tư nghì của chư Phật. Đấy là đều theo căn cơ cao thấp của mỗi người mà cảm thấy có khác vậy thôi" (gọi bằng kẻ có nhơn thấy ra nhơn, người có trí thấy ra trí...) (dụ như xem sách, mắt tỏ thấy chữ to, mắt lờ thấy chữ nhỏ).
"Ba cõi đồng như trước" là: 1.- Cõi Pháp tánh; tức là cõi Thường Tịch Quang; 2.- Cõi Thọ dụng; tức đồng cõi Thiệt báo, nhưng có phân: Tự Thọ Dụng và Tha Thọ Dụng; 3.- Cõi Biến Hóa; đồng với cõi thứ ba thứ tư trước, tức cõi Phương Tiện và cõi Đồng Cư.
Thế thời cõi Cực Lạc đây tuy đang ở cõi Biến Hóa nhưng cững có thể ở vào cõi Thọ Dụng và cõi Pháp Tánh được vậy.
"Mười cõi" là: Ngài Táo Bá phân mười thứ Quyền và Thiệt. Tuy thiệt cõi Cực Lạc là quyền chớ chẳng Phật thiệt. Song đấy là cứ quyền đối đãi phân biệt mà nói vậy thôi.
Nếu luận theo lối tùy cơ thời quyền thiệt không nhứt định, sở dĩ vì sao? Ngài Táo Bá đã nói: "Cõi Phật Di Đà vì một phần kẻ phàm phu chấp tướng, chưa tin nổi lý thật tướng của pháp chơn không; do đấy chuyên tâm nhớ niệm, được phần tịnh kia, thời được sanh về cõi Tịnh Độ. Ấy là quyền chớ chẳng phải thiệt".
Thế thì biết, đây là tại người chấp tướng mà nói, chớ chẳng phải tại người đã nhập lý nhứt tâm. Nếu đặng lý nhứt tâm thời tức quyền tức thiệt nên nói không nhứt định.
Lại với bốn cõi nói trên cũng đã lẽ dĩ nhiên có đủ, chớ chẳng chỉ nên chấp cõi Thường Tịch Quang; vì nếu chứng được cõi Tịch Quang thời đối với ba cõi dưới cũng phải tùy tâm nương gá, chớ chẳng nên bác bỏ mà cho rằng không.
Người mà chưa chứng đặng cõi Tịch Quang, vội bác bỏ mà cho rằng không có ba cõi dưới thời không còn cõi để ở (cảnh nương ở) là lầm lắm vậy. Cho nên kinh Lăng Nghiêm Phật rất quở kẻ không tin phương kia (Tây phương) có thế giới kim sắc (nếu ai chưa phá được cái tướng ngũ ấm).
"Phật không có cõi" là: trong bộ Thập Tứ Khoa Tịnh Độ, lời Sao nói: "Bực Bát đại Bồ tát sắp lên mới là khỏi hẳn cái khổ lụy của sắc trần, chiếu bản thể độc lập, phép mầu khôn cùng, còn dùng cõi làm chi nữa. Huống hồ chư Phật!" Phật thiệt không cõi, nhưng mà nói có cũng được, là vì do chúng sanh chỗ hiểu thì ít mà chỗ lầm thì nhiều, cho nên lấy cõi phước lạc để dẫn dắt nó khiến cho làm lành. Số là vị Thánh nhân cững dùng tích gần đặng tiếp vật đấy thôi. Cho nên nói có cũng không ngại gì.
SỚ: Riêng chỉ Tây phương, là vị định cảnh xu hướng. Tây phương riêng chỉ nước Cực Lạc là như bài "Vô khổ hữu lạc" sau và trong kinh Vãng Sanh có nói.
SAO: E có người nạn hỏi: Thế giới trong mười phương đều có cõi Tịnh Độ, cớ sao cứ riêng có cảnh Tây phương bảo người cầu sanh về nước kia? Bởi cũng như đường lớn có nhiều ngã tẻ nên mất dê; bắn do chuyên chú mới trúng chim hộc (27). Không dụng hai tâm, công làm chẳng bề bộn. Bộ Thượng Đô Nghi nói: "Qui mạng về ngôi Tam Bảo, cốt phải chỉ phương lập tướng, trụ tâm lấy một cảnh, chúng phàm phu phải buộc tâm như thế còn e chưa được, huống nữa bỏ tướng mà được hay sao?"
Nếu luận đi cúng dường chư Phật khắp trong 10 phương, rồi trở về nước còn trong bữa ăn sớm thì việc đó là việc sau khi sanh về Tây phương Tịnh độ rồi. Chỗ gọi rằng: Mới thấy trứng mà muốn được con gà liền, tính chi sớm thế?
Lại hỏi: Thế thì kinh Hoa Nghiêm sao lại dạy phải phổ lễ nhiều đức Như Lai mới được? Đáp: Kinh Hoa Nghiêm nói: "Một tức là nhiều, nhiều tức là một". Nếu biết nghĩa đây, hoặc phổ lễ (nhiều đức Như Lai) hoặc thiên lễ (lạy một đức Như Lai) vẫn khác, vẫn đồng, không đủ nghi vậy.
"Vô khổ hữu lạc": Rõ thấy trong văn sau. Lại kinh Tùy Nguyện Vãng Sanh nói biết bao cõi nước Phật, thế sao cứ riêng cầu về nước Cực lạc? Đáp: 1.- Do nhơn tốt vì mười niệm làm nhơn tức đặng vãng sanh vậy. 2.- Do duyên tốt vì 48 lời nguyện phổ độ chúng sanh vậy.
SỚ: Hỏi: Quán Kinh nói: "Nước Cực Lạc cách đây chẳng xa". Kinh Di Đà đây nói: "Mười muôn ức cõi". Thế thì hai kinh nói chỗ gần xa vì sao chẳng đồng vậy?
Đáp: Bởi vì là: Gần mà tức xa, xa mà tức gần. Nếu y theo luận Phật Địa thời cõi Tịnh Độ xa hay gần gì cũng đều bất khả tư nghì.

SAO: "Cách đây chẳng xa" là trong Quán Kinh nói: "Bấy giờ đức Phật Thích Ca, bảo bà Vi Đề Hy rằng: "Hoàng hậu nay có biết chăng? Nước Phật A Di Đà cách đây chẳng xa". Kinh đây nói tức xa, tức gần. Bởi do cách đây chẳng xa là nói đối với nước Cực lạc, chỉ qua 10 muôn ức cõi nên cách đây chẳng xa vậy.
Qua mười muôn ức là nói đối với nước Cực lạc cách đây chẳng xa vì chỉ qua mười muôn ức cõi. Tâm bao trùm cả pháp giới thì cái gần nào mà chẳng phải là xa? Mười phương pháp giới chỉ trong một tâm duy nhứt thì cái xa nào mà chẳng phải là gần, lẫn nhau để nói, vốn không ngại gì.
Câu "bất khả tư nghì" là Luận Phật Địa nêu câu hỏi:
"Cõi Tịnh Độ vượt qua chỗ đi của Tam giới như thế là nó cũng đồng một xứ sở với tam giới, hay là tam gới với nó đều riêng khác ư?"
Đáp: Có thuyết nói: Ở cõi trời Tịnh Cư. Có thuyết nói: Ở cõi Tây phương v.v... Song giáp vòng tròn của nó cũng không biết bao cùng tột. Vì khắp cả mười phương pháp giới, không thể nói rằng: Ở ngoài ba cõi hay ở trong ba cõi, cứ tùy theo chỗ hợp của ông Bồ Tát mà hiện (Tịnh Độ) hoặc hiện ở cõi Tịnh Cư, hoặc ở Tây phương v.v...
Thời biết nước Cực Lạc Tịnh Độ vượt khỏi thường tình; không phương sở nào chẳng phải là phương sở, không ở đâu mà không đâu chẳng ở, không nên chấp cho như cõi Đồng Cư mà làm chỗ luận nhứt định.

SỚ: Xứng lý thời tự tánh kiên cố thanh tịnh là nghĩa Tây phương. Tự tánh không chướng, hết lỗi là nghĩa qua mười muôn; tự tánh ngang trùm dọc suốt là nghĩa thế giới.
SAO: "Kiên cố" là vì phương Tây thể thuộc kim, có nghĩa kiên cố, tức tự tánh chơn thường bất dịch (chẳng đổi) vì muôn đời như vậy. "Thanh tịnh" là: Lại có hai nghĩa: Vì phương Tây đương không khí nghiêm tịnh, có nghĩa "trừng thanh" (lóng trong), tức tự tánh các vọng vốn không, vì thể nó lộ ra gió Tây, vì phương Tây đương sắc bạch, có nghĩa trong sạch, tức tự tánh các nhiễm không sanh, xưa nay một sắc.
"Không chướng hết lỗi"là: Tự tánh vốn không phiền não, như thập khổ, thập ác, thập triền và thập sử v.v... đều vượt khỏi cả nên có cái nghĩa quá xa; thế thì biết kiên cố thanh tịnh là phương Tây mới là tột hết phương Tây, không phải cứ nêu chỗ mặt trời lặn xa ngút mới gọi là "qua", còn đâu đâu chẳng phải là không qua vậy, ai có thể tính kế số đường dặm? Vì là ngang suốt 10 phương, dọc tột ba đời, chẳng phải gần chẳng phải xa, chẳng phải giữa, chẳng phải bìa!
Thế thời, từ đây qua cõi Phật số vi trần, bất khả thuyết, bất khả thuyết, không thế giới nào mà chẳng phải cõi Cực Lạc, đâu lại chỉ có một thế giới mới gọi là Cực Lạc ru?

2.- TIÊU CHỦ HIỂN CHÁNH

Bỉ độ hữu Phật hiệu A Di Đà kim hiện tại thuyết pháp (Cõi kia có Phật hiệu A Di Đà hiện nay đang thuyết pháp.
SỚ: Nghĩa chữ "kỳ" (kia) là chỉ văn trên: Có cõi ắt có người, chỉ Phật là người năng y. Phật ắt có hiệu để chỉ ra hiệu (tên) của đức Phật đó là A Di Đà. Ba đời đều có Phật, lựa khác ông Phật quá khứ và vị lai nên nói là ông Phật hiện tại. Mỗi vị Phật nào cũng đều độ sanh; chỉ phép độ sanh là thuyết pháp. "Hiện tại thuyết pháp": Như kinh Đại Bổn và trong kinh Đại Vân đã nói.
SAO: Kinh Đại Bổn nói: "Ông Phật kia, chẳng phải ông Phật quá khứ, chẳng phải ông Phật hiện tại và cũng chẳng phải ông Phật vị lai. Bởi do ngài đáp lại cái chí nguyện của ngài nên hiện ở Tây phương thôi, thế giới Ngài tên là Cực Lạc, hiệu ngài là A Di Đà".
Chữ Đại Vân là kinh Đại Phương Đẳng. Đại Vân nói: "Bấy giờ đức Thế Tôn Thích Ca hớn hở mỉm cười, từ trên gương mặt của Ngài, phóng vô lượng hào quang. Ngài Đại Vân Mật Tạng Bồ tát hỏi duyên cớ.
Phật dạy: 'Thế giới bên Tây phương, có nước tên là An Lạc, ông Phật hiệu là Vô Lượng Thọ, hiện tại đang thuyết pháp và bảo một vị Bồ tát rằng: Bên thế giới Ta Bà có Phật Thích Ca Mâu Ni, hiện nay đang thuyết pháp về kinh Đại Vân, ngươi nên qua đó mà nghe. Nay vị Bồ tát đó sắp qua đến đây".
Thế thì chính đương khi bên nầy đức Thích Ca thuyết pháp thì bên kia Phật A Di Đà cũng đương thuyết pháp, cho nên biết chẳng phải quá khứ, chẳng phải vị lai mà là hiện tại thuyết pháp.
SỚ: Phàm nói hiện tại, cũng có hai nghĩa như: Đức Thích Ca, đức Di Đà đều gọi là hiện tại, nhưng có một chút chẳng đồng.
SAO: "Một chút chẳng đồng" là: Đức Thích Ca là vị Phật thứ tư trong Hiền kiếp (kiếp hiện tại) nên kêu là ông Phật hiện tại, nhưng đã thị tịch nơi chốn Song Lâm khó thấy tướng hảo, chỉ nghe danh tốt và còn để lại ba tạng kinh giáo và ảnh tượng ngài mà thôi!
Còn đức Phật A Di Đà thời trong ngày này, giờ này, chính ở nước kia hiện đang thuyết pháp. Thế thì đức Thích Ca hiện tại mà đã quá khứ. Di Đà hiện tại vẫn hiện tại vậy.
Người xưa nói: "Khi Phật còn tại thế, ta bị trầm luân, nay được thân người, Phật đã diệt độ mất rồi". Ôi, buồn cho tấm thân nhiều nghiệp chướng không thấy được kim thân của đức Như Lai, cảm mộ thương than đến nỗi thế nầy!
Nay đức Thích Ca tuy diệt độ, nhưng đức Di Đà đang còn; miễn sao vãng sanh liền đặng gần gũi, thế mà không tin, không nguyện, luống uổng thương than cũng là vô ích, thật là rất lầm.
SỚ: Lại với hiện tại đây là cứ theo đương thời đức Thích Ca còn ở đời mà nói, chứ thiệt ra thời suốt đến đời trước, đời sau, cũng còn đời sau và đời sau vô tận đều kêu đời hiện tại.
SAO: "Đời trước đời sau" là: Đức Thích Ca trước khi chưa ra đời, đức Di Đà cũng hiện tại đang thuyết pháp, đức Thích Ca đã diệt độ mất rồi, đức Di Đà cũng hiện tại thuyết pháp, nhẫn đến ngày nay cũng vẫn còn hiện tại.
"Đời sau, đời sau vô tận" là: do đức Phật Thích Ca thuyết pháp, chỉ ở trong 49 năm từ đức Ca Diếp sắp về trước, đến Phật Di Lặc về sau dầu số năm nhiều đi nữa, cũng có hạn lượng, chưa bằng đức Di Đà thuyết pháp rất là lâu xa, chư Phật chẳng bằng. Thế cho nên chẳng những trong thì giờ này, còn gọi hiện tại, mà đời sau đời sau đến vô tận đời sau cũng vẫn còn kêu là hiện tại thuyết pháp.
Hỏi: Sau khi đức Di Đà, kế bổ xứ Quán Âm, đâu đặng nói đức Di Đà vô tận? Đáp: Đức Di Đà trụ thế mấy kiếp mới bổ đức Quán Âm, có từng biết số chăng? Kia, đức Quán Âm còn nói: trụ vô ương số kiếp vô ương số kiếp, bất khả phục kế kiếp mới trao lại cho đức Thế Chí (28) thời với đức Di Đà ở lâu đời khá biết; đâu chẳng phải cũng hữu tận bằng vô tận đó ư? Huống đức Thế Chí mà bổ cho đức Quán Âm hằng không thời kỳ bát nê hoàn (vào Niết Bàn). Tuy nói rằng đức Thế Chí nhưng thiệt ra thì cũng như đức Di Đà thuyết pháp không khác vậy. Đây gọi là đời sau và đời sau vô tận; thế nào mà chẳng được?
SỚ: Lại, hiện tại ở đây là cứ nơi đức Thích Ca đối với đức Di Đà mà nói, chớ thiệt thời hiện tại của đức Di Đà tức là hiện tại của đức Thích Ca.
SAO: Ngài Trí Giác nói: "Trong kinh giáo Tổng Trì nói: 37 vị Phật đều là một bản thân Phật Tỳ Lô Giá Na hiện ra", nghĩa là: trong tâm đức Phật Giá Na chứng cõi Tự Thọ Dụng, thành ra năm trí. Trước dùng trí Pháp Giới Thanh Tịnh tự ở giữa trung ương, kế dùng bốn trí tủa ra bốn phương thành bốn đức Như Lai, và trí Diệu Quán Sát kia tủa ra phương Tây thành ông Phật Vô Lượng Thọ ở thế giới Cực Lạc", thời một vị Phật mà hiện ra hai cõi. Cho nên Ngài Thanh Lương nói: "tức đức Bổn Sư vậy".
SỚ: Song chư Phật thuyết pháp nhiều cách chẳng đồng. Nay đây y báo chánh báo đều thuyết rõ như kinh này và kinh Đại Bổn cùng trong Quán kinh đã nói.
SAO: "Nhiều cách chẳng đồng" là như thuyết pháp bằng tiếng nói, bằng mắt xem, nhẫn đến bằng cơm thơm v.v... cho nên thế giới Cực Lạc chẳng những thuyết pháp bằng lời nói của Phật, mà y, chánh cũng đều thuyết pháp như kinh Đại bổn nói: đức Phật A Di Đà vì các hàng Bồ tát, Thanh văn, chư thiên, thế nhơn rộng nói Đại giáo (đại thừa) diễn đủ pháp mầu, ai nghe cũng mừng rõ vui thích, tâm được tỏ ngộ, mỗi người đều có chỗ sở đắc.
Lại nói phương Đông có hằng hà sa số chư Phật đều khiến vô lượng Bồ Tát, ThanhVăn đi đến chỗ đức Phật A Di Đà nghe thuyết diệu pháp. Bốn góc trên dưới, chư Phật cũng sai Bồ Tát đi nghe thuyết diệu pháp. Như thế đây là: Chánh báo thuyết pháp.
Kinh đây chép nước, chim, cây, rừng diễn ra diệu pháp, cùng kinh Đại Bổn và Quán kinh như trong bài văn sau dẫn rõ; đây là: Y báo thuyết pháp.
Lại kinh Đại Bổn nói: "Hoa sen nước kia, phóng ra vô lượng hào quang, trong hào quang phóng ra vô lượng đức Phật, mỗi mỗi chư Phật, đến thuyết diệu pháp". Đây là Y, Chánh đồng thời thuyết vậy.
SỚ: Có chỗ nói thuyết pháp là ứng thân và báo thân. Lại có chỗ khác nói: Ba thân đồng thuyết, tùy cơ mỗi người thấy chẳng đồng.
SAO: "Ứng thân Phật thuyết" là: Có chỗ nói Pháp thân Phật một mực không thuyết. Báo thân Phật đủ thuyết mà không thuyết, còn ứng thân Phật nhứt định thuyết; thế thời sự thuyết pháp của đức Phật kia chính là ứng thân. Song cũng gồm báo thân nữa; như kinh Đại bổn nói: "Thân Phật cao hơn tất cả thân của người thế gian". Quán kinh nói: "Thân Phật cao sáu mươi vạn ức na do hằng hà sa do tuần". Thế thời đâu phải nhứt định là thân một trượng sáu thước!
Song trong kinh nói: Báo thân và Hóa thân đều chẳng phải là Phật hiện thật, cũng chẳng có thuyết pháp thì đâu đặng nhứt định rằng Pháp thân không thuyết. Đó là tùy cơ mỗi người ngó thấy, chỗ thấy chẳng đồng thôi (chớ kỳ thật ba thân đồng thuyết).
SỚ: Rất đáng tiếc thay muôn dặm, trăm thành, vì cầu ông tri thức trèo non vượt bể, mới nói rằng lễ chốn Đạo Tràng; há nên với Phật vạn đức Như Lai hiện tại thuyết pháp, làm ngơ chẳng đoái hoài, đành đọa chốn Đông Thành! Thế thời gọi là đáng thương xót lắm!
SAO: "Vạn lý" (muôn dặm) là: Ông thầy hỏi ngài Đại Tùy: "Chừng kiếp hỏa tai nổi dậy, đốt cháy chưa biết cái ấy (thức tâm) hoại hay là không hoại?" Đại Tùy đáp: "Hoại".
Ông thầy hỏi: "Như thế thì nó đi theo kiếp hoại hay sao?" Đáp: "Đi theo". Ông thầy hồ nghi mãi, không giải quyết, phải qua lại muôn dặm, khắp cầu ông tri thức cắt nghĩa mới đặng đại ngộ.
"Trăm thành" là: ngài Thiện Tài trải qua các phương một trăm mốt cái thành tham cầu 53 ông thiện tri thức.
Dẫn lời đây, để so sánh đức Phật A Di Đà là ông tri thức tối cao vậy. "Trèo non vượt bể" là: Non Nga Mi và non Phổ Đà v.v...
Dẫn lời đây, để so sánh thế giới Cực Lạc Tây phương là chốn Đạo Tràng tối thắng. Song người xưa lặn suối, trèo non; ấy là vì muốn gần gũi bậc hiền thánh. Ngày nay giong ruổi Đông, Tây chỉ là xa xem ảnh tượng mà lại trải đủ con đường hiểm trở gian truân, chẳng nài sự lao khổ! Đâu đặng với đức Từ Tôn hiện tại, bỏ qua không đến, khác nào bà lão mẫu ở Đông thành đồng sanh một ngày giờ với đức Phật, mà không thấy chơn dung của ngài. Há chẳng phải đồng bạn đó chớ chi? Với ông Phật quá khứ và vị lai thế tất khó gặp, còn ông Phật hiện tại cũng bỏ qua, cho nên nói đáng thương xót.
SỚ: Xứng lý thời tự tánh thể vẫn linh tri, là nghĩa "cõi kia có Phật". Tự tánh chính nay vẫn hiển hiện là nghĩa "hiện tại thuyết pháp".
SAO: Mãn buổi hầu bên Phật mà chẳng thấy kim dung Ngài, trọn ngày ngồi trong pháp hội mà chẳng nghe được đạo mầu, thành thử để Ma vương lộn vào cõi Phật; tà pháp chen với lý chơn tôn! Nếy hay quày rõ nguồn tâm Phật Pháp đồng thời đều đủ!

B. BIỆT THÍCH (phân ra làm hai phần)

1. Y BÁO (cõi y báo)
2. CHÁNH BÁO (thân chánh báo)
Y BÁO (phân ra làm hai phần)
1. Tổng danh Cực Lạc (chung gọi nước Cực Lạc)
2. Biệt thị trang nghiêm (riêng chỉ vật tốt đẹp)

TỔNG DANH CỰC LẠC

Này Xá Lợi Phất! Vì sao nước kia gọi là Cực Lạc? Bởi chúng sanh nước kia chỉ hưởng những điều vui, không có các việc khổ, nên gọi là Cực Lạc.
SỚ: Trước giải y báo là vì thuận theo văn trên, cũng vì khiến cho chúng sanh, sanh tâm ưa vui.
Khổ: Là nghĩa ép ngặt, khốn hại. Khổ là một món đầu trong bốn món Tứ Đế. Các khổ là: Trong các kinh, luận phân ra có: 3 khổ, 8 khổ, 10 khổ, 110 khổ.
Lại so giữa hai món sanh tử: Phân Đoạn và Biến Dịch, thì Biến Dịch sanh tử cũng lo khổ rồi; huống chi các cái khổ khác nữa. Do sự khổ chẳng phải một nên nói các khổ vậy.
Các vui là như trong kinh kể hai món thanh tịnh trang nghiêm cũng do sự vui chẳng phải một, cho nên nói rằng các vui vậy.
Nước Cực Lạc là do các nước khổ vui có bốn món: Có nước khổ nhiều vui ít, có nước vui khổ bằng nhau, có nước khổ ít vui nhiều, có nước không khổ toàn vui. Nay nước Cực Lạc nhằm nước thứ tư (không khổ toàn vui).

SAO: Tứ Đế là: Khổ, Tập, Diệt, Đạo, mà Khổ thì ở trước hết. Vì biết khổ mới đoạn Tập và tu Đạo mới chứng Diệt (tịch diệt Niết Bàn). Ba khổ là:
1.- Khổ khổ: Nghĩa là mang cái thân hữu lậu này đã là khổ rồi, mà lại chịu các khổ ép bức của hoàn cảnh nữa, cho nên nói khổ mà lại thêm khổ vậy. Đây là cái khổ cõi Dục giới.
2.- Hoại khổ: Nghĩa là đang khi vui đã hoại rồi, thời không xiết bao sự lo buồn vậy. Đây là cái khổ của cõi Sắc giới.
3.- Hành khổ: Cái khổ này nó ở giữa chừng, tức là bất khổ bất lạc, vì mỗi niệm mỗi dời đổi trong hành vi. Đấy là cái khổ cõi Vô Sắc giới.
Lại cõi Dục giới đủ cả ba món khổ ấy, cõi Sắc giới gồm hai món khổ sau. Còn cõi Vô Sắc giới chỉ có món Hành khổ, là ba khổ vậy. Mà người ở nước Cực Lạc kia là người đã ly dục, được thanh tịnh thời không có cái khổ khổ; y báo, chánh báo vẫn thường còn và vui thời không có cái hoại khổ. Vượt khỏi ngoài ba cõi, thời không có cái Hành khổ.
Tám khổ là: Khi sanh thời ở trong ngục thai của mẹ. Khi già bị cái điều lóng cóng; khi bệnh chịu các sự đớn đau; khi chết lại thảm buồn phân tẻ; khi thương muốn hội hiệp mà hoàn cảnh bắt phải chia lìa; khi oán ghét ý muốn tránh xa mà bắt phải gặp gỡ; khi cầu một vật gì ưa thích muốn cho được mà lại phải thất bại; cho đến cái thân này cả ngũ ấm nó lẫy lừng gồm hiệp với bảy khổ trên thành ra 8 khổ vậy.
Nhưng nước Cực Lạc kia, khi sanh là bằng liên hoa hóa sanh thời không có cái khổ bằng thai sanh như cõi này; khí hậu không mưa lạnh lắm, không nắng nực lắm thời không có cái khổ già nua lóng cóng. Thân là không phải cái thân bằng phân đoạn sanh tử thời không có cái khổ bịnh đau đớn; mạng sống lâu bằng số vô lượng thời không có cái khổ về chết mất. Không cha, mẹ, vợ, con thời không có cái khổ về tình thương yêu mà bị phân cách. Các nguời bực Thượng Thiện đồng hội hợp đoàn kết một xứ thời không có cái khổ bằng oán ghét lại gặp nhau. Tâm muốn vật chi, vật ấy tùy tâm hiện đến thời không có cái khổ mưu cầu mà không được như cõi này. Quán chiếu thân tứ đại vốn không vắng lặng, thời không có cái khổ bằng thân ngũ ấm xí thạnh (lẫy lừng).
Mười khổ là: Trong Bồ Tát Kinh Tạng nói: 1.- Khi sanh khổ; 2.- Khi già khổ; cho đến thứ 10 là cái khổ trôi lăn trong đường sanh tử.
Một trăm mười khổ là: Luận Du Già nói: 1.- Không có khổ bằng sai biệt đổi thay; 2.- Không có khổ về tham dục và si mê, cho đến cái khổ thứ 55. Kế có chín món khổ; ở trong chín món ấy, lại thứ lớp chập chồng chia ra thành 55 nữa, hiệp cộng 110 cái khổ. Nay nước Cực Lạc kia đồng không có một khổ nào cả (cho nên gọi là Cực Lạc: toàn vui).
Song ước lược mà nói: Chẳng ngoài 3 khổ, với 8 khổ, nó đã gồm thâu các món khổ. Vậy hai món sanh tử là: phân đoạn sanh tử và biến dịch sanh tử.
Phân đoạn là do bốn đại thành thân nên thân có ngằn chừng từng phần, từng đoạn, như trong bài văn Tám Khổ (trên đã nói).
Biến dịch là cõi đây dầu bực Nhị Thừa Bồ Tát, tuy đã lìa cái thân phần đoạn nhưng mà chưa khỏi tướng (sanh, trụ, dị, diệt) đổi dời, nhơn dời quả đổi, cũng gọi là khổ. Còn nước kia ở trong hoa sen hóa sanh ra; một phen sanh về không hề lui sụt nào phải lo hai món khổ vậy.
Kinh Đại Bổn nói: "Nước kia không nghe tên cái khổ, huống chi có khổ thiệt"; cho nên nói không có cái khổ.
Hai món thanh tịnh là trong Luận nói: 1.- Khí thế gian cõi vô tình thanh tịnh; 2.- Chúng sanh thế gian cõi hữu tình thanh tịnh. Tức y báo và chánh báo, hai báo đều là công đức trang nghiêm như trong bài văn sau và kinh Đại Bổn cùng Quán kinh đã biện rành.
Hỏi: Kinh Tịnh Danh nói: "Tất cả chúng sanh tức tướng tịch diệt không cần diệt gì nữa", thời tất cả cõi nước tức là tướng Cực Lạc, lại còn có Cực Lạc gì nữa? Mà kinh này phân ra có khổ có vui, tuồng như trái với kinh kia?
Đáp: Ngài Hiền Thủ Đại Sư giải thích kinh kia, ý Ngài nói: Chỉ do vì chúng sanh mê lầm điên đảo, quấy thấy có sanh tử, gọi là ở "bờ bên này". Bực Đại Thánh đã ngộ sanh tử vốn không, bản lai viên tịch, tức gọi là "đã qua bờ bên kia". Nay kinh này cũng nói: Vì chúng sanh mê đảo, vọng chấp cõi đời ngũ trược này, cho là thật tế là đại đồng, gọi là ở nước Ta Bà. Nực tỏ ngộ cõi ngũ trược này vốn không, bản lai thanh tịnh, tức gọi là đã về nước Cực Lạc. Nói tóm lại, cõi nước thường tịch, tại chúng sanh tự mê, mê nhiều ngộ ít, cho nên đức Phật Ngài mới chỉ cho cõi khổ và bày cõi lạc, không nỡ thôi được!

SỚ: Song khổ, vui đối nhau, chính dùng kia đây hai cõi để so lường thắng và liệt khiến cho sanh tâm ưa và nhàm, như mười món khó dễ v.v...
SAO: "Tương đối" là: Lấy cái hết sức khổ ở cõi này đối với cái rất vui tột bực ở nước kia; một thắng, một liệt sánh xa như trời với đất để tự sanh tâm ưa vui, chán khổ, lấy bỏ tự quyết.
"Mười món" là: Ngài Từ Vân Sám chủ chia cõi này cõi kia khó và dễ có mười món, nay đối với khổ vui mà nói:
1. Cõi này có cái khổ chẳng thường gặp Phật; cõi kia không điều đó, mà chỉ có cái vui hoa nở thấy Phật và thường gần gũi Ngài.
2. Cõi này có cái khổ không được thường nghe thuyết pháp, cõi kia không có điều đó mà chỉ có cái vui: Nước, chim, cây, rừng đều rao pháp mầu.
3. Cõi kia không có cái khổ bị ác hữu ràng buộc kéo lôi, mà chỉ có cái vui cùng các người bực Thượng Thiện đồng cu hội một xứ.
4. Cõi kia không có cái khổ bị quần ma não loạn mà chỉ có cái vui chư Phật hộ niệm, xa lìa việc ma chướng.
5. Cõi kia không có cái khổ luân hồi chẳng dứt mà chỉ có cái vui bặt hẳn đường sanh tử, hằng khỏi nẻo luân hồi.
6. Cõi kia không có cái khổ khó khỏi tam đồ mà chỉ có cái vui xa lìa ác đạo và chẳng nghe tên ác.
7. Cõi kia không có cái khổ bận vì việc làm ăn, trở ngại việc hành đạo, mà chỉ có cái vui vật thọ dụng sẵn sàng, chẳng đợi kinh dinh (sắm sửa).
8. Cõi kia không có cái khổ mạng ngắn chết non mà chỉ có cái vui sống lâu bằng Phật không có hạn lượng.
9. Cõi kia không có cái khổ tu hành thối thất mà chỉ có cái vui vào ngôi chánh định hẳn không thối chuyển.
10. Cõi kia không có cái khổ nhiều kiếp khó thành mà chỉ có cái vui một đời tu chứng, chỗ làm đặng xong.
Chữ "Đẳng" v.v... là như lời Sao của ngài An Quốc phân làm 24 việc vui và trong Luận Quần Nghi chia rộng ra làm 30 việc lợi ích, đều nói cõi vui để cho rõ cõi khổ; nói việc ích để cho rõ việc hại, đại ý đồng như văn trước, đây không chép nhiều.
Sớ: Với bốn cõi khổ vui, lược như trong giáo pháp Ngài Thiên Thai nói:
Sao: Nghĩa là: Lầm về sự thấy, lầm về sự nghĩ, nhẹ hay nặng, đó là khổ lạc của cõi Đồng Cư. Thể không và tích không, khéo hay vụng đó là khổ lạc của Phương Tiện. Thứ lớp nhứt tâm đó là khổ lạc của cõi Thiệt Báo. Phần chứng hay cứu cánh chứng, đó là khổ lạc của cõi Tịch Quang, v.v... Văn nhiều đây không kể.
Sớ: Hỏi: Ông Bồ Tát hy sinh bỏ ngũ dục lạc. Dầu ngôi vua Luân Vương cũng chẳng lấy làm vui, thương tưởng chúng sanh vẫn ở dưới địa ngục, thay thế cái khổ kia! Nào đặng bỏ chúng sanh đương thời mà tìm lấy cõi Tịnh Độ để an hưởng cái vui một mình?
Đáp: Trong bộ Thập Nghi Luận của Ngài Trí Giả đã tường thuật và cũng có nhiều thuyết thủ xả chẳng khá chẳng biện.

Sao: Trong Luận nói: "Ông Bồ Tát chưa đặng quả Vô Sanh Pháp Nhẫn, không đủ sức độ sanh, dụ như đem ghe bể vớt người đắm nước, mình và người đều bị chết chìm luôn. Cầu sanh về Tịnh Độ, chứng đặng Vô Sanh Nhẫn rồi, trở lại cõi nầy, cứu khổ cho chúng sanh mới là có phần giúp ích được; cũng như cứu cái dốt của người trước mình cần phải biết chữ". Cho nên ông Bồ tát mới phát tâm cũng thế, trước phải bỏ cõi khổ này, chính là muốn cứu khổ cho chúng sanh; thủ lấy cõi vui, chính là muốn sẽ đem lại cái vui cho chúng sanh vậy. Tự lợi lợi tha, là bổn phận của ông Bồ tát, há bực nhị thừa độc thiện mà khá sánh được sao?
"Lại có nhiều thuyết" là: Tổ Khuê Phong giải thích bộ kinh Viên Giác nói: "Các món thủ xả đều là bị luân hồi cả". Như nói: Xả cõi Ta Bà nầy. Thủ cõi Tịnh Độ kia. Mà ngài Đại Mai cũng nói: "Xả cấu thủ tịnh là nghiệp sanh tử". Cho nên nay biện rằng: Những lời nói đây chẳng phải là chẳng trúng đích. Nhưng mà đặng ý chỉ thì gọi là vị Đề Hồ, mà thất ý chỉ trở lại thành thuốc độc. Cốt muốn mỗi người đều tu Tịnh nghiệp để cho nhơn loại đều đặng thanh tịnh, chứ nào chỉ bỏ cái cấu của Ta Bà, riêng lấy cái tịnh của Cực Lạc, mới là thủ xả? Dầu nói: Cõi của Ta Bà duy tâm, cũng còn ở trong vòng thủ với xả vậy. Dù rằng ta không thủ xả mà xả cái thủ xả đây để thủ lấy cái không thủ xả kia, cũng là còn thủ xả, cũng là nghiệp sanh tử luân hồi vậy.
Đâu có biết rằng: Lý thì nó không phần hạn, còn sự thì nó có sai khác. Hễ Lý mà tùy Sự để biện đổi ra thời chỗ không thủ xả, nó thủ xả rõ ràng; còn Sự đặng Lý để lẫn thông, thời chính khi thủ xả đó toàn là không thủ xả. Cho nên ông Bồ Tát tuy biết tất cả các pháp bình đẳng không hai, mà chỉ cảnh khổ, vui, khai môn thủ xả, quyền thiệt đều làm, lý sự vô ngại.
Lời luận đây xin gác lại. Bây giờ các ông tự xét lại mình coi: Hẳn có thể đối với vị hẩm hút, hôi thiu, vữa vã dùng làm đồ ăn uống không khác như ăn vật cao lương mỹ vị chăng? Với chỗ cầu xí, hầm hố lấy làm giường, chõng chẳng khác như nhà lầu tốt đẹp chăng? Vỏ cây, lá cỏ dùng làm y phục chẳng khác lụa là, gấm, nhiễu chăng? Hổ, tây, hùm, gấu lấy làm bầu bạn, chẳng khác cha, mẹ, anh, em chăng? Mùa đông ngồi trong giá tuyết chẳng khác ngồi trong nệm bông chăng? Mùa hạ bữa nắng gắt chẳng khác gì gió mát chăng? Nhẫn đến trong địa ngục bằm, thiêu, đâm, xay chẳng khác nào vào cõi Thiền thứ ba chăng? Đi trong dị loại, chẳng khác nào như đi dạo chơi chăng?
Bằng chưa được như vậy (vì còn phân biệt) rõ ràng là phàm phu, đâu đặng lấy cảnh giới quá lượng của vị đại thánh nhơn mà làm cảnh giới sở hữu của mình, thủ lấy cái nói cho khoái khẩu một thời, để cái hại nhiều đời vô tận. Nên nghe lời đây, sanh tâm đại hối hận, khởi tâm đại giác ngộ, rơi lụy thương khóc với cái nghiệp mình mà cầu sanh về Tịnh Độ mới là phải. Cho nên ông Thiền Thủy phê bình lời Sớ ngài Khuê Phong rằng: "Phân ưa, nhàm, thủ, xả. Tuy rằng: Mê chơn khởi vọng, nhưng cũng có thể thuận theo lời dạy mà thành công. Phải biết: toàn tu tức tánh, thời tâm ưa nhàm vốn không". Huống một pháp môn (niệm Phật) An Dưỡng (Tịnh Độ), chư Phật đồng khâm khen, qua lại trong pháp giới, càng rõ lý duy tâm; mượn duyên lành kia, mau lên cõi Bửu Giác. Thật là đường chánh của người đời về nương, chánh là phép huyền diệu của Thánh Nhơn để dắt chúng.
Sớ: Xứng lý thời tự tánh không nhiễm là nghĩa không có các khổ. Tự tánh thường tịch là nghĩa chỉ hưởng các sự vui.
Sao: "Nhiễm" là nghĩa khổ. "Tịnh" là nghĩa vui. Tự tánh không nhiễm thường tịnh, là nghĩa không khổ thường vui vậy. Kinh Hoa Nghiêm nói: "Bực Lục Địa quán xét vô minh; do từ vô minh cho đến thứ 6 là lục nhập, ấy là Hành Khổ. Xúc, Thọ, ấy là Khổ khổ, còn các cái kia là Hoại khổ".
Nay nói tâm ta đây, từ không cái vô minh cho đến không cái Lão, Tử, là nghĩa không Khổ khổ. Không 12 món đây, tức là bực chơn giải thoát, là nghĩa hưởng sự vui. Kinh nói: "Quả Vô Thượng Bồ Đề là cái vui giác pháp, cõi Vô Thượng Niết bàn là cái vui Tịch Tịnh". Thế đều là nghĩa vui vậy. Do trên, vả thuận theo kinh văn, khổ vui đối đãi. Như thật mà luận: Nhiễm đã không lập (không có), tịnh lại đâu còn. Tịnh uế đều vong, khổ vui bình đẳng. Cái vui như thế mới đúng với cái nghĩa Cực Lạc. Bằng chấp là thánh giải (chấp mình chừng bực thánh) trở thành cảnh giới của ma chấp Phật kiến (chấp chỗ thấy mình bằng Phật) liền đọa ngục Thiết Vi. Thế cho nên ta quán xét nước Cực Lạc, thiệt không đáng vui. Vì nếu chấp có đáng vui thì khác gì với đáng khổ, bởi vì còn tương đối.

BIỆT THỊ TRANG NGHIÊM (phân làm bốn phần)

1. LAN VÕNG HÀNG THỌ (lan can, lưới cây)
2. TRÌ CÁC LIÊN HOA (ao, lầu, hoa sen)
3. THIÊN NHẠC VŨ HOA (nhạc trời, rải bông)
4. HÓA CẦM PHONG THỌ (hóa chim gió cây)>

LAN VÕNG HÀNG THỌ (phân ra làm hai phần)

1. Tường trần (rõ bày)
2. Tổng kết (chung kết)

TƯỜNG TRẦN

Lại nữa, nầy Xá Lợi Phất! Cõi nước Cực Lạc có bảy lớp lan can, bảy lớp lưới giăng; bảy lớp hàng cây đều làm bằng bốn món báu, đoanh vây giáp vòng.

Sớ: Văn đây chính nói rõ ra các sự vật rất vui, lan can quanh ở ngoài hàng cây, lưới giăng phủ ở trên cây, xen lẫn với nhau, đều có 7 lớp. Bốn món báu là bốn món trước trong 7 món báu vậy. "Châu tráp" là giáp vòng khắp đủ. "Đoanh vây" là đoanh quanh bao bọc, nghĩa là: Mỗi lớp đều là bằng bốn món báu trang sức.
Sao: "Lan can": bề ngang là Lan, bề đứng là Can (song can). Phương đây, với những vườn hoa cây kiểng cũng có làm lan can: 1. Ngăn rào trâu, dê làm hư hại. 2. Để coi cho tốt. Cõi kia tuy khỏi giữ trâu, dê, và không cố ý để xem cho tốt mà là do vạn hạnh công đức trang nghiêm, tự nhiên nó đều thật hiện thành tựu. Nghĩa lưới giăng cũng đồng như đây.
"Hàng cây" là thứ lớp thành hàng, không lộn lạo. Thế nào là bảy lớp: Một lớp lan can, một lớp lưới, vây phủ một lớp hàng cây; cho nên nói rằng: "Lớp lớp xen nhau". Với ba việc nầy mặc dầu cõi ta đây cũng có, nhưng mà chất nó chỉ bằng cây với đá. Cõi kia thì ròng là dùng các thứ ngọc báu làm thành.
"Bốn món báu trước trong 7 món báu" là: Kim, Ngân, Lưu Ly, Pha Lê vậy. "Giáp vòng đoanh vây" là như kinh Thoại Tướng nói: "Vô lượng lưới báu đều dùng chỉ vàng, châu ngọc, trăm nghìn món tạp bảo trau dồi rực rỡ. Giáp vòng bốn phía, treo những cái bảo linh, hào quang màu sắc chóa lòa, phủ trùm trên rừng cây". Kinh Đại Bổn nói: "Lưới kia mềm dịu như bông Đâu La Miên (bông vải) chẳng phải như món báu trong thế giới nầy, phải đợi chạm trổ uốn nắn mới là nghiêm sức". Lan can bằng ngọc trang sức, cũng lệ theo đây nên biết.
Kinh Đại Bổn nói: "Trên bờ đường bằng các món báu, có vô số cây chiên đàn hương, cây kiết tường quả, mỗi hàng mỗi hàng ngang nhau, mỗi gốc mỗi gốc đối nhau, mỗi cành mỗi cành nương nhau, mỗi lá mỗi lá ngay nhau, mỗi hoa mỗi hoa chìu nhau, mỗi trái mỗi xứng nhau". Như vậy hàng ngũ, mấy trăm nghìn lớp nên gọi là "hàng". Kinh lại nói: "Các cây bằng thất bảo, đầy nhẫy trong thế giới", chỗ gọi rằng: Gốc vàng, cây vàng nhánh lá hoa trái cũng đều bằng vàng, thời gọi là một món báu.
Gốc vàng, cây bạc, nhánh lá hoa trái, cũng phân ra vàng và bạc, thời gọi là hai món báu. Như vậy ba món báu, bốn món báu kia xen lộn, lẫn lựa thêm nhiều, nhẫn đến 7 món báu. Lại nói: "Cõi Tịnh Độ chư Phật xinh tốt trang nghiêm, ở trong cây báu thảy đều hiện ra cũng như gương sáng". Quán Kinh nói: "Bảy hàng cây báu, mỗi mỗi cây, cao 8 nghìn do tuần, mỗi mỗi hoa lá, ửng ra màu sắc báu lạ, trong sắc lưu ly phóng ra hào quang sắc vàng; trong sắc pha lê chiếu ra tia sáng sắc hồng" v.v...
Lại nói: "Lưới bằng ngọc chơn châu tốt giăng phủ trên cây báu, mỗi mỗi cây có bảy lớp lưới ngọc. Mỗi lớp lưới, có năm trăm ức cung điện tốt đẹp như cung điện trời Phạm vương, chư thiên, đồng tử tự nhiên ở trong đó". Lại nói: "Mỗi mỗi cây lá, dài rộng vừa chừng 25 do tuần; lá kia ngàn sắc, có các hoa đẹp như sắc vàng cây Diêm phù Đàn, như vòng lửa quây, lăng xăng trong lá, sanh ra các trái như cái bình của trời Đế Thích, có hào quang lớn, hóa thành tràng phan, vô lượng bảo cái. Trong bảo cái ấy, ánh hiện cõi tam thiên, đại thiên thế giới, tất cả Phật sự cũng hiện ở trong đó". Lại kinh Đại Bổn nói: "Nhà giảng đường của Phật, nhà cửa các vị A La Hán, mỗi mỗi trong có ao thất bảo, ngoài có cây thất bảo, mấy nghìn trăm lớp". Căn cứ theo đây, thời ba kinh: Kinh thì nói nhiều, kinh lại nói ít, có khác, như kinh này chỉ nói có 7 lớp; mà kinh kia lại nói tới trăm nghìn lớp. Kinh này chỉ nói lưới giăng, kinh kia lại nói trong lưới giăng hiện ra cung điện chư thiên. Kinh nầy chỉ nói hàng cây, kinh kia nói trong hàng cây hiện ra thế giới đại thiên, và kinh nầy nói bốn món báu, kinh kia lại nói 7 món báu. Số là kinh nầy nói lược, ít, kinh kia nói rộng, nhiều. Lấy ít gồm nhiều, vì dùng văn bớt cho gọn. Văn tuy chẳng đủ, nhưng nghĩa thiệt không thiếu.
Như ngài Linh Chi nói: "Bảy lớp lan can. Phàm chỗ ở của Phật và Bồ Tát đều như vậy cả, chứ chẳng phải cả một nước mà chỉ có 7 lớp vậy đâu" thời biết nhiều đến mấy trăm nghìn lớp, vì nhiều thứ 7 lớp, chất chứa mà thành. Cứ 7 lớp nầy, kế 7 lớp khác, lớp lớp vô cùng. Còn nữa, so đây nên thấy.

Sớ: Lại đều nói số 7 là nêu 7 giác chi, 7 thánh tài v.v...
Sao: Với Giác chi, sẽ thấy văn sau. Còn 7 Thánh tài là: 1. Tín; 2. Giới; 3. Văn; 4. Xả; 5. Huệ; 6. Tàm; 7. Quí. Năm món trước như của báu, hai món sau như người biết cách giữ của báu.

Sớ: Lại Kinh Đại Bổn nói: "Cây Bồ Đề nơi Đạo Tràng của Phật A Di Đà cao 16 ức do tuần. Bốn phía cành lá 8 ức do tuần, gốc cây cao lên 5 nghìn do tuần, tất cả các báu tự nhiên hiệp thành, lại rủ các ngọc báu dùng làm chuỗi Anh Lạc; lại có lưới báu, giăng phủ trên cây". Căn cứ theo đây thời ngoài hàng cây, riêng có cây Đạo Tràng của Phật mà văn nầy bớt gọn, tức là gồm trong hàng cây.
Lại trong luận nói: "Cỏ công đức cũng nhiếp trong hàng cây". Kinh Đại Bổn nói: "Cây kia có mùi hương" cũng nhiếp trong món báu.

Sao: Cây Đạo Tràng tức là cây Bồ Đề, như Phật Thích Ca cũng ngồi dưới gốc cây nầy mà thành ngôi chánh giác, phải vậy. "Mười sáu ức do tuần" là kinh Đại Bổn ngài Vương Thị nói: "Một nghìn sáu trăm do tuần". Vả hàng cây còn được 8 nghìn thay, huống cây của Phật đâu lại kém ư? Lời Sớ đây gốc dẫn trong kinh Bảo Tích vậy. "Tức nhiếp trong hàng cây" là: Do cây Đạo Tràng cũng là: gốc, chồi, cành, lá, bông, trái, mỗi hàng mỗi hàng kế nhau. Cho nên nói hàng cây đủ dùng nhiếp hết.
Thế nào là "cỏ công đức"? Trong Luận nói: "Cỏ Bảo Tánh công đức, nhu nhuyễn quanh chìu theo hai bên. Hễ ai đụng nhằm thì sanh tâm vui sướng hơn cái thích ý ôm chim Ca Chiên Lân Đà" (29). Văn đây không nói đến cỏ là do vì nói cây gồm cỏ.
"Mùi hương của cây ấy" là: Kinh Đại Bổn, ngài Pháp Tạng nguyện rằng: "Khi ta thành Phật, hoa cây trong nước đều dùng vô lượng các món tạp bảo, trăm nghìn món hương mà cộng hiệp thành. Hương kia phổ huân cả 10 phương thế giới; chúng sanh nào có duyên được nghe đến, đều nhớ tu đạo Phật". Văn đây không nói đến là vì hễ nói các thứ báu lạ thì lẽ cố nhiên ắt có mùi hương lạ. Do vì nói báu lạ nó gồm hương lạ.

TỔNG KẾT

Thế cho nên nước kia gọi là nước Cực Lạc.
Sớ: Kết văn trước dể sánh văn sau.
Sao: "Kết văn trước" là gì? Do lan can, lưới giăng, hàng cây mỗi mỗi đều thanh tịnh trang nghiêm ấy. Sở dĩ cõi địa cầu bằng vàng ròng, nó khác với địa cầu bùn cát, cây ngọc báu khác với cây chông gai. Không tất cả sự khổ, có tất cả sự vui nên gọi là nước Cực Lạc.
Để "sánh văn sau" là gì? Văn sau dưới mỗi câu "công đức trang nghiêm", tuy không câu "danh vi Cực Lạc", nhưng nghĩa thời có đó. Trong văn đây, dưới câu "danh vi Cực Lạc", tuy không câu: "Công đức trang nghiêm nhưng nghĩa cũng có; vì lối hành văn bằng cách bày thấy lẫn nhau.

Sớ: Xứng lý thời tự tánh đủ muôn đức dọc ngang là nghĩa lan can. Tự tánh rỗng rang bao la pháp giới là nghĩa lưới báu. Tự tánh nuôi lớn các căn lành là nghĩa hàng cây.
Sao: "Dọc và ngang" là gì? Cả pháp lục độ vạn hạnh không lìa tự tánh như: tự tánh vốn không xan tham, ấy gọi là Bố Thí độ, lấy Bố thí làm bề dọc. Bố thí mà tâm không nhiễm trước thời bề ngang thành pháp Giới Độ (trì giới). Bố thí mà tâm không kiêu ngạo thời bề ngang thành pháp Nhẫn Độ (nhẫn nhục). Bố thí mà tâm không nhàm mỏi thời bề ngang thành pháp Tấn Độ (tinh tấn). Với pháp Thiền Định, Trí Huệ, cũng lại như vậy. Năm độ kia, so như trên nên biết. "Các món nhiệm mầu trọn đủ" tức là nghĩa xem cho tốt. Các vọng không phạm (nhiễm) tức là nghĩa ngăn trâu, dê làm hư hại.
"Bao la" là gì? Tự tánh khắp đầy, thanh tịnh vì trùm bao cả pháp giới. "Nuôi lớn các căn lành" là chi? Như kinh Hoa Nghiêm phẩm Ly Thế Gian nói: "Cây diệu pháp của ông Bồ Tát sanh nơi đất Trực Tâm, hột giống bằng đức Tín, gốc bằng Từ Bi, Trí Huệ làm thân cây, Phương Tiện làm nhành cội, năm độ làm rùm rà, lá bằng Định, hoa bằng Thần Thông, Nhứt Thế Trí là trái hột".
Lại kinh Tịnh Danh phẩm Phật Đạo nói: "Pháp vô lậu là rừng cây, Giác Ý Tịnh Diệu là hoa giải thoát, Trí Huệ là trái, đều là cội gốc ở nơi đất Trực Tâm mà phát sanh ra vô tận ấy vậy". Ngặt vì lan can đã hư mà lại va rìu búa vào, lưới giăng đã lủng mà lại bóng che mát thưa! Còn khô héo đến cả gốc nhánh là khác, huống mong gì nở nang hoa trái?! Song mà rừng Giác (tánh giác) vẫn như xưa, hột giống đạo (Phật tánh) chẳng xa, sao chẳng mau vun bồi, lại thêm sửa soạn, liền thấy cây Bá ở trước sân, hoa Dược Lan ngoài rào. Mỗi hàng, mỗi hàng đều là Bát Nhã Chơn Như, mỗi phía mỗi phía toàn là Bồ Đề Phật Tánh!

TRÌ CÁC LIÊN HOA (phân ra làm bốn phần)

1. TRÌ THỦY (ao nước)
2. GIAI CÁC (Thềm lầu)
3. LIÊN HOA (hoa sen)
4. TỔNG KẾT (chung kết)

TRÌ THỦY

Lại nữa, Xá Lợi Phất! Cõi nước Cực Lạc có ao bằng thất bảo, 8 thứ nước công đức, dẫy đầy trong đó; dưới đáy ao, dùng ròng thứ cát bằng vàng lót đất.

Sớ: "Lại nữa" là: Noi theo văn trên, chẳng những trên đất liền trang nghiêm có những lan can, lưới giăng, hàng cây như thế, mà dưới ao nước cũng trang nghiêm, cũng lại thắng diệu không chi kịp vậy. "Ao thất bảo" là gì? Do bảy món ngọc báu làm thành; chất nước trong ao, cũng dùng 7 thứ ngọc báu.
Sao: "Bảy món ngọc báu làm thành" là: Vì lựa khác với phương nầy, dùng đất đá làm thành. Kinh Đại Bổn nói: "Trong ngoài, đôi bên có những ao tắm, hoặc 10 do tuần, hoặc 20, 30, nhẫn đến trăm nghìn do tuần cũng như biển lớn. Hoặc dùng một món báu, hai món báu, nhẫn đến 7 món báu, hiệp cộng làm thành".
Lại nói: "Như cái ao của đức Phật kia, tư vuông bội hơn cái ao bằng trăm ngàn do tuần ấy, toàn dùng 7 món báu làm nên". Nay kinh nầy (Di Đà tiểu bổn) không nói ao của Phật là vì gồm chung trong cái nghĩa ao rồi.
Nước cũng dùng các món báu như kinh Thập Lục Quán nói: "Nước trong mỗi ao do 7 món báu làm thành. Báu kia nhu nhuyến từ ngọc Như Ý Châu Vương (thanh tịnh tâm) sanh ra, phân ra 14 dòng nước, ngời ra màu tốt của 7 món báu. Vàng ròng làm bờ ao".
Lại nói: "Nước bằng chất ngọc Ma Ni (tâm chánh định) kia, chảy rót trong hoa. Nước chảy chuyền theo cây lên, xuống". Nay kinh nầy chỉ nói ao báu, không nói nước cũng do ngọc báu làm thành và chảy rót lên xuống, là vì chung gồm trong nghĩa nước vậy.
Nước bản tánh nó thì chảy xuống, mà trái lại từ dưới thấp chảy lên trên cây cao. Vì phương ta đây không có (dù có cũng mắc công bơm). Như kinh Hạ Sanh nói: "Cõi trời Đẩu Suất Đà thiên của Phật Di Lặc ở, có thứ nước chảy đi trong rường cột", tức là đồng loại nước đây vậy.
Sớ: Nước có tám thứ công đức là: Bản kinh dịch đời nhà Đường nói: 1. Lóng trong; 2. Mát mẻ; 3. Ngọt ngon; 4. Nhẹ mềm; 5. Nhuần láng; 6. An hòa; 7. Trừ đói khát; 8. Nuôi lớn các căn lành. Đủ tám món công đức đây để lợi ích cho chúng sanh vậy. Lời kinh Thập Lục Quán nói phân tích tám món công đức, với kinh nầy có khác một chút.
"Dưới đáy ao cát vàng" là do lấy cát vàng làm đáy ao, cho khỏi bùn cặn vậy.

Sao: Lóng trong là: 1. Lóng trong sạch sẽ không ô trược; 2. Mát mẻ: Trong trẻo mát mẻ, không nóng nảy; 3. Ngọt ngon: ngọt ngào ngon đẹp, đủ chất vị rất quí; 4. Nhẹ êm: nhẹ nhàng, êm ái, chảy lên xuống đều vừa ý; 5. Nhuần láng: được nhuần trơn láng, không khô rít; 6. An hòa: An tịnh hòa huỡn, không gấp tràn; 7. Trừ đói khát: Nước này đã đỡ khát mà nay lại thêm đỡ đói, có sức thù thắng; 8. Nuôi lớn các căn lành: Nuôi dưỡng thêm lớn cho cả trong tâm ngoài thân vậy.
Trong Quán Kinh lời Sớ nói: "Tám món công đức là: 1. Nhẹ. 2. Trong. 3. Mát. 4. Êm. 5. Ngon. 6. Không hôi. 7. Khi uống hòa đẹp. 8. Uống rồi không bệnh. Đối với trên, chỗ đại khái thì đồng, nhưng có khác một chút.
Vì sao? Do kinh đây, nhẹ và êm hiệp một; còn kinh kia lại chia làm hai. Kinh đây, không nói "không hôi". Kinh kia lại thiếu "nhuần láng" và "hòa an". Song nghĩa lẫn nhau thấy đủ. Vì hễ lóng trong mát mẻ thời ắt không hôi hám; đã nhẹ lại dịu êm, đâu chẳng an hòa, lược bớt nghĩa nhuần láng; cho nên nói: "Có khác một chút".
Lại kinh kia phối với nghĩa Lục Nhập, kinh đây thời lóng trong là căn Sắc nhập. Ngọt ngon là căn Vị nhập, cho đến nói: "Nuôi lớn các căn lành" là Nhĩ nhập, Tỷ nhập, Thân nhập và Ý nhập đều thâu nhiếp cả.
Lại kinh Đại Bổn nói: "Dưới sông lớn, cát vàng lót đất, có hương chư Thiên, hương đời không sánh được, theo nước tan ra bát ngát, hòa với nước trôi thơm" đều là chứng rõ có căn hương nhập vậy.
Văn sau nói thuyết pháp ấy là chứng rõ: Căn Thinh nhập và căn Pháp nhập. Hỏi: Với ngọt, ngon, nhẹ, êm, trừ đói, nuôi lớn căn lành, phương đây không hẳn thiệt đúng như vậy, nhưng mà phàm nước thì thảy đều mát mẻ, thảy đều nhuần láng, nay vì sao nước cõi kia cũng có đủ hai tánh đó mà lại riêng xưng là nước công đức?
Đáp: Nước ở phương ta mặc dầu cũng mát mẻ, nhưng gặp nắng thì nóng, gặp lửa thì sôi, còn nước cõi kia dầu kiếp lửa đến nó cũng mát mẻ tự như, trọn không nóng và sôi.
Nước ở phương ta tuy cũng nhuần láng, nhưng nắng quá thời khô, lửa đốt thời cạn. Còn nước cõi kia dầu kiếp lửa đốt đó, nó cũng vẫn nhuần láng tự như, không khô và cạn.
"Kim sa" (cát vàng), trong Quán Kinh nói: "Vàng ròng làm bờ ao. Dưới bờ ao, có những thứ ngọc Kim Cang làm cát dưới đáy ao". Kinh Đại Bổn nói: "Ao, ròng một món báu, cát dưới đáy cũng ròng một món báu".
"Ao vàng ròng" là: Cát dưới đáy ao bằng chất bạc trắng, như ao thủy tinh, cát dưới đáy bằng ngọc Lưu Ly. Hai món báu làm ao thời cát dưới đáy, cũng hai món, cho đến 7 món báu làm ao cũng lại như vậy.
Nay kinh nầy chỉ nói một thứ cát vàng là vì bớt văn gọn lại.
Sớ: Lại kinh Đại Bổn nói ao nước, các món báu đã kể rồi, nay lại phân ra ba món diệu dụng thù thắng: 1. Nước hay tùy ý; 2. Nước hay thuyết pháp; 3. Tắm rồi tấn tu đạo nghiệp.
Sao: "Tùy ý" là gì? Kinh Đại Bổn nói: "Các người bực Thượng Thiện vào trong ao Thất Bảo tắm sạch thân thể, ý muốn cho nước ngập chưn, nước liền ngập tới chưn; muốn cho tới gối, nước liền ngập tới gối; muốn cho tới lưng, tới nách, tới cổ và xối lên trên thân thể, đều được như ý muốn. Muốn cho nó trở lại, nước liền trở lại, điều hòa ấm, mát, không chút nào mà chẳng thuận thích. "Nới thần sướng vóc, rửa sạch tình lự (30), trong ngần lóng sạch, tịnh như vô hình. Nước ấy thiệt là vô tâm mà hay tùy tâm ý người muốn vậy" (không như nước máy cõi nầy, cần người ra sức bơm, vặn, nhận nút trong khi tắm).
"Thuyết pháp" là gì? Kinh Đại Bổn nói: "Pháy dợn xoay vòng, chuyển nhau rỏn rẻn, không chậm không mau, êm đềm rỉ rả. Sóng xao vô lượng, tự nhiên kêu ra những tiếng nhiệm mầu. Hoặc nghe tiếng Phật, hoặc nghe tiếng Pháp, hoặc nghe tiếng Tăng, tiếng tịnh, tiếng không, tiếng vô ngã, tiếng đại từ bi, tiếng ba la mật, tiếng thập lực, tiếng vô úy, tiếng bất cộng pháp, tiếng chư thông huệ, tiếng vô sở tác, tiếng bất khởi diệt, tiếng vô sanh nhẫn, cho đến tiếng cam lồ, quán đảnh, tiếng chúng diệu pháp, xứng tâm sở dục (vừa theo ý muốn). Không phút nào chẳng nghe, phát tâm thanh tịnh, thành thục các căn, hằng không lui đạo vô thượng Bồ Đề. Thiệt là nước ấy vốn vô tình, nhưng có thể nói được các diệu pháp vậy.
"Tắm rồi tấn tu đạo nghiệp" là: Kinh Đại Bổn nói: "Cùng nhau tắm rồi, hoặc mỗi người ngồi trên hoa sen". Lại nói: "Có người ở dưới đất giảng kinh; người tụng kinh; người tự thuyết kinh; người dạy kinh; người nghe kinh; người niệm kinh; người nghĩ đạo; người tọa thiền nhứt tâm; người đi kinh hành; có người ở giữa hư không giảng kinh; nhẫn đến người tọa thiền rồi đi kinh hành; mỗi người đều tùy theo tánh của mình muốn mà có đặng chỗ sở đắc".
Người chưa chứng tứ quả nhơn tắm rồi đặng tứ quả; chưa đặng bực Bất Thối Chuyển địa Bồ Tát thời đặng bực Bất Thối Chuyển. Nước ấy chẳng những chỉ có cái công năng dùng để tắm được mà lại sau khi tắm rồi, được nhiều lợi ích quí lạ.
Sắp về trước, ba món thù thắng đều nhiếp về trong nước bát công đức, và ao thất bảo. Lại Hậu Xuất Kinh lời Kệ nói: "Chỉ có nước sông chảy, tiếng vang như thuyết pháp", thật vậy.
Sớ: Xứng lý thời tự tánh sâu rộng đằm thắm là nghĩa ao báu. Tự tánh đều đủ tất cả công đức là nghĩa nước bát công đức.
Sao: "Sâu rộng đằm thắm" là gì? Chữ Uông là dạng thẩm sâu là vì tự tánh sâu mầu vô tận như đáy ao vậy. Chữ Dương là dạng rộng khơi, là vì tự tánh rộng xa không tột như lượng lớn của ao vậy. "Đằm thắm" là dạng trung hòa; vì tự tánh chẳng phải chơn, chẳng phải tục, thuần túy chí thiện như ao thuần dùng ngọc báu làm thành.
"Đủ các món công đức" là tự tánh không nhiễm, tức đức lóng sạch. Tự tánh không phiền não tức đức mát mẻ. Tự tánh không hung ác, tức đức ngọt ngon. Tự tánh vô ngã, tức là đức nhẹ êm. Tự tánh không dứt mất tức là đức nhuần láng. Tự tánh không bạo tàn tức là đức an hòa. Tự tánh không thiếu thốn, tức là đức trừ đói khát. Tự tánh sanh ra tất cả muôn điều lành, tức là đức nuôi lớn.
Lại tự tánh thuận muôn vật mà vô tình, đi lên thời vào bực Thánh, nhưng bực Thánh cũng không tăng; đi xuống thời làm bực phàm nhưng bực phàm cũng chẳng giảm. Bất biến mà tùy duyên, khắp cùng cả pháp giới. Cho nên nói chảy rót thấm trong các thứ hoa và chảy lên trên những cột rường ấy vậy.
Ngài Vĩnh Minh nói: "Vì nước có 10 đức đồng với chơn tánh", chính ý như đây. Nước định lặng, nhẫy đầy, người tắm nước đây không nhơ cũng không sạch, ấy là nước bát công đức.

GIAI CÁC

Đường đi bốn bên thềm ao thành bằng bốn chất báu là: kim, ngân, lưu ly, pha lê. Trên có lầu các, cũng dùng kim, ngân, lưu ly, pha lê, xà cừ, xích châu, mã não để kiến trúc, điểm tô nhà lầu ấy.
Sớ: "Bốn bên" là: Giữa là ao nước, giáp vòng bốn bên là thềm đường vậy. Kim: tiếng Phạm (suvarna) Tô Phạt La. Ngân: Tiếng Phạm (Rupya) A Lộ Ba. Lưu Ly đây dịch: Thanh Sắc Bảo (viên ngọc màu xanh). Pha Lê đây dịch: Thủy Ngọc (ngọc thủy tinh). Xà Cừ đây dịch: Đại Bối (con ốc lớn). Xích châu, tiếng Phạm: Bát Ma La Già. Mã não tiếng Phạm: Bát ma la già lệ. Dùng 7 món báu đây để trang nghiêm trau dồi.
Sao: "Giai đạo" (thềm đường) là: Cao khỏi mặt đất gọi chữ Giai (thềm). Đường bằng phẳng gọi chữ Đạo. Chữ "lầu các" là: Chồng nóc gọi là Lầu, lầu cao nói là Các. Như trong Quán Kinh nói: "Trên đất vàng ròng, trong mỗi mỗi món báu, năm trăm sắc hào quang. Hào quang như hoa thành đài quang minh. Nghìn muôn lầu các, trăm món báu hiệp thành".
Kinh Đại Bổn nói: "Nhà giảng đường tinh xá và cung điện lầu các của Phật A Di Đà đều dùng 7 món báu, tốt hơn gấp trăm ngàn muôn bội chỗ của trời thứ 6 trong thế giới nầy. Và chỗ ở của các vị Bồ tát, cũng hơn như vậy. Còn cung điện, lầu các của các vị chư thiên và người thì xứng theo hình sắc cao, thấp, lớn, nhỏ; hoặc dùng một món báu, hai món báu, nhẫn đến vô lượng món báu".
Lại luận Phật Địa nói: "Vả nói 7 món báu, nhưng kỳ thực cõi Tịnh Độ, vô lượng món báu nhiệm mầu". Cho nên biết rằng nói bốn báu là bớt văn.
Lại kinh Hoa Nghiêm phẩm Nhập Pháp Giới nói: "Lầu cao dãy dọc, đường đi quanh trên gác gie ra hai bên, cột nhà liên tiếp, song, cửa lẫn nhau ánh chói, thềm sân, hiên rào, món món đầy đủ, tất cả đều dùng ngọc tốt trang nghiêm", tức là nghĩa đây vậy.
Lại kinh Đại Bổn nói: "Các nhà lầu nhà gác đây, có cái tùy ý người mà nổi lên cao lớn ở giữa hư không như vừng mây vậy. Có cái chẳng tùy ý người thời chỉ cao lớn ở trên mặt đất. Do người khi cầu đạo, đức có dày, mỏng, chỗ tự mình gây tạo". Lại nói: "Lầu quán, lan can, có ngọc anh lạc phủ lên trên, đều trỗi lên tiếng nhạc ngũ âm".
Lại trong Quán Kinh nói: "Hai bên lầu các đều có những cái tràng hoa, vô lượng đồ âm nhạc ấy diễn reo những tiếng pháp: Khổ, không, vô thường, vô ngã"; lấy đây nghiệm xét thời kinh chỉ nói lầu các, không phân của Phật và Bồ tát, trời, người, cũng chẳng phân ở trên không, ở dưới đất cũng chẳng nói âm nhạc diễn pháp đều là bớt văn vậy.
Kim (vàng) có 4 nghĩa: 1. Sắc không biến đổi; 2. Thể không nhơ bẩn; 3. Chuyển làm vô ngã; 4. Hay khiến người giàu. Ngân (bạc) có 4 nghĩa đồng với đây, nhưng công dụng nó có thua một chút. Lưu ly chính dịch là sắc xanh, lại có tên là Bất Viễn. Bất Viễn là cái tên một hòn núi vì cái núi sanh ra ngọc báu này (lưu ly) ở gần thành Ba La Nại.
Thủy ngọc là ngọc Thủy Tinh bấy giờ. Xà Cừ mà nói con ốc lớn là vì con ốc này là loài ốc có vỏ, ở trong biển, thứ lớn gọi là bảo (báu). Một thuyết nói không phải tiếng Phạm (xà cừ). Do vì nó giống vành bánh xe, chữ Cừ là vành bánh xe vậy. Chữ xích châu là: Luận Phật Địa nói: "Loài trùng đỏ sanh ra ngọc này" (xích châu). Song có ngọc xích châu trên trời, tên là Nhơn Đà la, chẳng phải vật sở hữu ở dưới thế này. Trong Đại Luận gọi ngọc Trân châu, hoặc trong bụng con cá sanh ra, hoặc trong óc con rắn sanh ra, hoặc trong thai con Trai sanh ra, hoặc trong cây tre sanh ra, thời sắc nó cũng chẳng nhứt định là đỏ; cho nên theo bản dịch trước là đúng hơn. Ngọc mã não: Hoặc có thuyết nói: Chất máu con quỷ ở ngoài đồng nội xứ Đơn Kỳ hóa ra, có một thuyết khác nói: Ví như cái sọ con ngựa.
Chữ "tTrang nghiêm" có nghĩa là chỉnh tề. Chữ "giảo sức" có nghĩa là rực rỡ. Do những loại nghiêm sức đây, như văn trước, hoặc dùng một món báu, hai món báu, nhẫn đến bảy món báu.
Lại bảy món báu đây chỉ mượn cái tên đồng với phương nầy, chớ thật ra chất nó chẳng giống, như vàng trời và bạc trời người đời không có thể có được, huống chi cõi Tịnh Độ kia.
Sớ: Lại bảy món báu là thường dụ: Dùng nghĩa quí trọng như trong kinh Phạm Võng nói.
Sao: "Quí trọng" là kinh Phạm Võng phẩm Bồ tát Tâm Địa nói: "Xả bỏ kinh luật Đại thừa chẳng học mà lại học sách vở của ngoại đạo, Nhị thừa tà kiến v.v.. Khác nào như bỏ của bảy báu, trở lại dùng ngói sạn". Đối ngói sạn mà nói, nên biết chữ bảo ấy là lấy nghĩa quí trọng. Chính là nói hai cõi, uế và tịnh chẳng đồng, vì khiến cho nghười đời sanh ưa cõi Tịnh nhàm cõi Uế.
Hỏi: Vua Nghiêu ở nhà tranh, ông Cơ Tử can vua Trụ dùng chén ngọc đũa ngà, những bực vua tôi trong đời còn chuộng điều chắc thiệt; vị Bồ tát cõi Tịnh Độ sao lại còn quí vật báu để làm trang nghiêm?
Đáp: Đây có hai nghĩa: 1. Những người bực thượng trí biết tâm minh tịnh thời cõi tự tịnh, chánh báo thù thắng, thời y báo ắt hùng cường; lẽ cố nhiên vậy, nhưng tâm thiệt không nhiễm. Dụ như: Vua Thuấn ở chốn ruộng nương, mình vác cày bừa. Một khi chịu vua Nghiêu truyền ngôi thì với cảnh cửa nghiêm ra vào, mão ngọc tua thả, chẳng cầu mà tự đủ, vua Thuấn nào ham vui ư? Cho nên nói: "Có thiên hạ mà chẳng màng" vậy.
2. Chiều theo kẻ phàm phu độn căn, phải chỉ cõi khổ cõi vui khiến cho sanh tâm ưa và nhàm. Trước lấy sự ưa muốn mà kéo dắt, sau khiến tỏ vào được trí Phật.
Dụ nước đang gặp nạn đói rét, chợt nghe có xứ no cơm ấm áo; đang rớt dưới đầm đen tối, thoạt thấy cảnh quang minh, há chẳng thân tâm chẳm hẳm, bỏ cũ theo mới, miễn đặng vãng sanh, quyết thành người giải thoát; phương tiện tiếp dẫn, lẽ phải như vậy.
Sớ: Xứng lý thời sự tánh bằng thẳng là nghĩa thềm đường. Tự tánh cao xa là nghĩa lầu các. Tự tánh cụ túc cả công đức tài, pháp, là nghĩa bảy món báu.
Sao: "Bằng thẳng" là gì? Tự tánh giải thoát tự tại, lìa các cấu ô, rộng rãi thẳng bằng, không có thiên lệch, ấy gọi là "thềm đường". "Cao xa" là gì? Tự tánh vượt khỏi cảnh lục trần, xét soi không sót, bao quát chốn hư không thinh thang vô tận, ấy gọi là "lầu các". "Công đức tài và pháp" là chi? Tự tánh Thường mà không đổi; Tịnh mà không nhiễm; Ngã mà tùy duyên không ngại; Lạc mà giàu có không thiếu; ấy gọi là "kim ngân". Tự tánh trong ngoài sáng suốt, không chướng không ngại, ấy gọi là "lưu ly". Tự tánh bản thể trong sạch lìa Tứ Quá, tuyệt Bách Phi, ấy gọi là "xà cừ". Tự tánh quang minh chói lọi, ấy gọi là "xích châu". Tự tánh chắc thật không đổi, ấy gọi là "mã não".
Các vẻ đẹp đều đủ giúp thành pháp thân; ấy gọi là "nghiêm sức" vậy. Vả chăng ngài Thiện Tài khắp trải nhiều thành, rộng cầu các thánh, rốt sau đến lầu các đức Di Lặc, đờn chỉ mà lên.
Nay kinh nầy: Chỉ trì danh, không lặn lội đường quanh liền được ở cảnh tốt. Kìa như trọn ngày đi trên thềm báu mà tự nói là đứa lạc đường! Khá gọi rằng: "Dựa cửa khảy móng, chẳng biết thân mình ở trong lầu ngọc", tiếc thay!

LIÊN HOA

Hoa sen trong ao, lớn bằng bánh xe, sắc xanh, hào quang xanh, sắc vàng hào quang vàng, màu đỏ chiếu ánh đỏ, màu trắng tia sáng trắng, nhiệm mầu thơm sạch.
Sớ: Văn trước nói vật tốt ở ngoài ao, văn đây nêu vật tốt trong ao. Hoa sen tiếng Phạm: Phân Đà Lợi, cũng nói Ưu Bát La, hay Bát Đặc Ma, hoặc Câu Vật Đầu.
Sao: Tiếng Phạm Phân Đà Lợi, Tàu dịch Bạch Liên Hoa (hoa sen trắng). Khi chưa nở tên là Quật Ma La. Khi sắp rụng tên là Ca Ma La. Khi đang nở tên là Phân Đà Lợi.
Ưu Bát La là hoa sen xanh. Bát Đặc Ma là hoa sen hồng. Câu Vật Đầu: hoa sen vàng vậy.
Sớ: "Bánh xe" là nói cái hình của nó, lớn nhỏ không nhứt định. Luận Bà Sa và các thuyết nói nhiều thứ chẳng đồng, mỗi mỗi đều tùy cơ mà thấy.
Sao: "Bánh xe lớn nhỏ" là luận Bà Sa nói bánh xe vàng của vị Luân Vương nghìn bức, vòng tròn 15 dặm.
Kinh Hoa Nghiêm lời Sao nói: "Bánh xe vàng lớn một do tuần", trong Quán Kinh nói: "Mỗi mỗi trong ao có 60 ức hoa sen bằng thất bảo, tròn vìn vừa đúng 12 do tuần". Kinh Đại Bổn nói: "Hoa sen trong ao, hoặc một do tuần, nhẫn đến 100 do tuần, nghìn do tuần", mà bánh xe của người đời, lớn chẳng quá một trượng, không nên chấp đấy mà cho là mực chắc.
Lại nói: "Hoa sen bằng các chất báu, châu biến cả pháp giới. Mỗi mỗi hoa báu có vô lượng trăm nghìn ức cánh". Xét trong kinh phân biệt hoa sen có thắng có liệt, ba thứ: 10 cánh, 100 cánh, 1.000 cánh.
Nay kinh nầy nói: "Vô lượng trăm nghìn ức cánh", cánh đã vô lượng thời hoa kia sức lớn cũng vô lượng vậy. Lại kinh Như Lai Tạng nói: "Bấy giờ, đức Thế Tôn ở trong nhà Chiên Đàn Lầu Các, đang ngồi chốn Đạo Tràng mà hiện pháp thần biến ra có hoa sen nghìn cánh, lớn như bánh xe. Trong sen, hóa các vị Phật. Mỗi Phật phóng vô số trăm nghìn hào quang". Cho nên biết bánh xe không thể nghĩ bàn. Đâu đặng chấp theo bánh xe của người ở đời thường đi mà làm hạn lượng.
"Tùy cơ" là: Hoặc nhỏ, hoặc lớn, do chỗ tu nhơn mỗi người, công phu niệm Phật, có thắng, có liệt, cơ cảm tự nên như thế. Có người chấp hoa bằng bánh xe chê kinh nầy là tán thiện, ấy là người chưa xét được nghĩa bánh xe.
Sớ: Lớn như bánh xe, vả dụ hình thể. Lấy bánh xe dụ đức, cũng có nhiều nghĩa.
Sao: "Hình thể" là thể bánh xe bao tròn, có giống hình hoa sen vậy. "Nhiều nghĩa" là: lại bánh xe có nghĩa xoay chuyển là: Hoa sen nầy chúng sanh gá thai, đổi phàm thành Thánh, tức là nghĩa "xoay chuyển". Lại bánh xe có nghĩa lăn nghiền là: Hoa sen nầy không nhiễm sự ô trược, phá trừ phiền não, tức là nghĩa "nghiền lăn". Lại bánh xe có nghĩa bay đi là: Bánh xe vàng của vị Thánh Vương trong một ngày bay giáp bốn châu thiên hạ, là ý nói: Hoa sen nầy khắp đến 10 phương, tiếp những chúng sanh niệm Phật kia về đến nước Cực Lạc, tức là nghĩa "bay đi". Còn nhiều nghĩa nữa đây không nói.
Sớ: Xanh, vàng, đỏ, trắng là nói màu sắc của nó vậy; chẳng những nói màu sắc mà nói hào quang nữa vì hoa sen cõi nầy vẫn có màu sắc, nhưng không hào quang. Chỉ nói bốn sắc là rút văn gọn lại.
Sao: "Bốn sắc": giải thấy lời sớ văn trước. Hào quang ấy từ sắc mà chiếu ra, như viên ngọc trong bóng thời hay chói ánh sáng. Hoa sen cõi kia rất là thanh tịnh, cho nên có hào quang sáng chiếu.
Kinh Đại Bổn nói: "Sắc xanh hào quang xanh, sắc trắng hào quang trắng; sắc đen, sắc vàng, sắc đỏ, sắc tía, hào quang kia cũng vậy, rực rỡ ánh ngời, xán lạn như mặt trời, mặt trăng. Trong mỗi mỗi cái hoa chiếu ra 36 nghìn ức tia sáng. Trong mỗi mỗi tia sáng, hiện ra 36 trăm nghìn ức đức Phật. Mỗi mỗi đức Phật lại phóng ra trăm nghìn hào quang sáng để khắp vì chúng sanh trong 10 phương mà thuyết pháp vi diệu".
Cứ theo đây thời xanh, trắng, đen, vàng, đỏ, tía đã thành 6 sắc mà Luận Phật địa lại nói bảy báu, cho nên biết bốn sắc là vì bớt văn.
Kỳ thật hoa sen đủ vô lượng sắc, đủ vô lượng hào quang vậy. Lại không nói hoa sen thuyết pháp cũng vì bớt văn.
Sớ: Vi diệu hương khiết là nói cái đức kia vậy. Nói bốn đức là cũng vì bớt văn.
Sao: Bốn đức là: Ly cấu là nghĩa chánh của hoa sen. Suy rộng nghĩa kia, lược nói có bốn:
I. Nói chữ "Vi" là cũng có bốn nghĩa; hai nghĩa đồng và hai nghĩa biệt. 1. Rễ nó ngầm dưới đáy ao, không ngó thấy được, ấy là nghĩa u vi. 2. Không sanh nơi gò cao đất cồn, không cùng các thứ hoa sánh nhụy mà tranh phần tốt xinh, ấy là nghĩa ẩn vi. 3. Trong Quán Kinh nói: "Trên mỗi mỗi cành hoa có tám vạn bốn nghìn gân mạch, cũng như thợ trời khéo vẽ", ấy là nghĩa tế vi. 4. Bảy báu làm thành quí lạ ròng tốt, ấy là nghĩa tinh vi. Hai nghĩa trước chung với phương này; hai nghĩa sau nước kia riêng có, cho nên hai nghĩa đồng, hai nghĩa biệt.
II. Nói chữ "Diệu" là cũng có 12 nghĩa: Bốn nghĩa đồng, tám nghĩa biệt: 1. Mới có hoa liền có quả, chẳng đợi hoa rụng, ấy là nghĩa "Nhơn Quả đồng thời diệu"; 2. Nhiễm mà không nhiễm, không nhiễm mà nhiễm, ấy là nghĩa "cấu tịnh song phi diệu"; 3. Một hoa khắp vòng ở ngoài hột, các hột sắp hàng ở trong hoa; ấy là nghĩa "tổng biệt tề chương diệu"; 4. Ngày thời nở đủ, đêm thì búp lại, ấy là nghĩa "ẩn hiển tùy nghi diệu"; 5. Hoa lớn ở giữa, có trăm nghìn vạn ức hoa sen, dùng làm quyến thuộc, ấy là nghĩa "chủ bạn tương tham diệu"; 6. Thượng, Trung, Hạ phẩm, mỗi phẩm phân ba thành chín, chín nhân chín, cho đến vô lượng tùy theo nhơn trước của mỗi người tu, không lầm lộn nhau, ấy là nghĩa "thắng liệt phân minh diệu"; 7. Lớn một do tuần cho đến trăm nghìn vạn ức do tuần, ấy là nghĩa "đại tiểu vô định diệu"; 8. Chẳng do mùa xuân sanh, chẳng vì mùa thu héo, luôn luôn thường mới, ấy là nghĩa "hàn thử bất thiên diệu"; 9. Đỏ, tía, đen, vàng hoặc là thuần trắng, hay tạp sắc, tạp quang, cũng lại như vậy, ấy là nghĩa "thể tố giao huy diệu"; 10. Sanh ở nước kia mà từ hư không bay đến cõi nầy để rước người đáng sanh, ấy là nghĩa "động tịnh nhứt nguyên diệu"; 11. Chư Phật Bồ tát ngồi kiết già trong đó, những chúng sanh niệm Phật cũng gá thai ở trong đó, ấy là nghĩa "phàm thánh kiêm thành diệu"; 12. Người phương này niệm Phật, hoa liền nêu danh (tên người đó trong hoa sen) siêng, biếng, vừa phân, thời tươi khô liền khác, ấy là nghĩa "cảm ứng minh phù diệu".
Bốn nghĩa trước, 8 nghĩa sau, đồng và thua khá biết.
III. Nói chữ "hương" là phương đây (Ta Bà) nước kia (Cực Lạc) sánh nhau thắng và liệt cũng có hai nghĩa: 1. Phương đây thời từ trong bùn mọc ra, tuy là chỗ nhơ nhưng vẫn thơm tho ngào ngạt, ấy là nghĩa "Ở giữa uế mà vẫn thơm"; 2. Nước kia thời như kinh Đại Bổn nói hào quang màu sắc đã khác thì mùi hương cũng khác, thơm tho bát ngát không thể kể xiết. Cho nên bài kệ: Thanh liên hoa hương, bạch liên hoa hương. Người tụng bài kệ đây, còn được trong miệng bay ra mùi hương hoa sen (31), hơn tất cả các hương khác không sánh kịp, ấy là nghĩa "hương thơm hơn hết giữa các món hương". Thời biết hương sen ở phương nầy đã hơn các hoa khác, huống nước kia đã hơn mà lại hơn ấy vậy.
IV. Nói chữ Khiết là phương nầy, nước kia, thắng và liệt cũng có hai nghĩa: 1. Phương nầy thời từ trong bùn lầy mọc ra thì đáng lẽ bị lấm nhơ, nhưng mà lại sáng sạch thanh tịnh, ấy là nghĩa "giữa nhơ riêng sạch". 2. Vì nước kia thời gốc nó từ nơi cát vàng mọc lên, khác với cõi trược nầy. Vì sanh từ nước công đức khác với nước thường, bởi chất do các báu hiệp thành khác với hoa sen ở cõi phàm; cho nên sạch hơn tất cả món sạch, sạch không chi sánh bằng, ấy là nghĩa: "Sạch hơn hết ở giữa các món sạch".
Hơn mà lại càng hơn lệ theo trên nên biết, nhẫn về trước từ chỗ thiết cận, lược nêu bốn đức. Nếu rộng diễn đó cũng đến vô lượng. Hỏi: Có người bảo: "Sanh về hạ phẩm hạ sanh là sanh trong hoa sen bằng sắt", thuyết ấy phải không?
Đáp: Chưa thấy Phật nói. Như trên đã nói, sắc nó chẳng những bốn mà có hoa sen bằng bảy báu nữa. Thời biết hoa sen vàng là nhiếp trong sắc vàng; hoa sen bằng pha lê, xà cừ, với hoa sen bằng bạc nhiếp trong sắc trắng; hoa sen bằng xích châu, mã não nhiếp trong sắc hồng. Nhẫn đến hoa sen bằng lưu ly cũng nhiếp trong sắc xanh. Suy cho rộng ra thời hoa sen xanh như ngọc xanh của Thiên Đế cũng nhiếp về trong sắc xanh, như hoa sen bằng chân châu v.v... cũng nhiếp về trong sắc trắng.
Lấy đây sánh hiệp, chắc không có hoa sen bằng sắt. Vả chăng sắt cũng thuộc về trong 5 loại kim khí mà là loại kim khí rất hèn, huống sắt đối với bảy món báu ấy không có thứ sắt nầy.
Sanh trong 9 phẩm, về phẩm hạ nước kia còn hơn cung trời. Mà cung trời đều dùng 7 báu làm thành, chớ chưa nghe có sắt, huống ở Tây phương nào đâu có thứ đó!!
Sớ: Loại hoa sen là chỗ gá thai cho người vãng sanh về nước kia. Vậy người niệm phật, chỉ phải biết đó.
Sao: "Gá thai" là người chưa chứng quả vô sanh, hễ sanh về đó, ắt có chỗ gá. Chúng sanh trong sáu đường thời thân trung ấm, tự tìm cha mẹ, bực Thiện Sĩ vãng sanh thời trong một khảy móng tay hoa sen hóa sanh. Văn sau nói: "Nhứt tâm bất loạn liền đặng sanh về cõi nước Cực Lạc của Phật A Di Đà", tức là sanh trong hoa sen đây vậy.
Hoa sen đây chính là cung mầu cởi xác phàm, nhà thần an huệ mạng. Với nước để về đến gọi là nước Liên Bang. Bạn đồng tu gọi là bạn Liên xã. Với phân giờ thiền tụng gọi là đồng hồ Liên Lậu. Định chỗ tột xu hướng gọi là phái Liên tông, trọng về sự kia vậy.
Người tu Tịnh Độ, hoặc khi lễ Phật phải tưởng mình ở trong hoa sen làm lễ, Phật cũng ở trong hoa sen chịu mình kỉnh lể. Hoặc khi niệm Phật, phải tưởng mình ở trong hoa sen ngồi kiết già, Phật cũng ở trong hoa sen tiếp dẫn mình; như vậy rồi sau mới nhứt tâm trì danh.
Xưa có hai ông thầy chỉ tưởng hoa sen nở ra rồi tưởng hoa sen búp lại mà còn đặng vãng sanh thay, huống lại thêm nhứt tâm trì danh mà chẳng đặng vãng sanh sao?
Hỏi: Kinh đây chẳng gồm sự quán tưởng sắc tượng, vì lẽ gì nay lại nói thế?
Đáp: Vì có chỗ chuyên chú, gồm cũng không ngại. Vì sao? Kìa như vị Bồ Tát khi tu đủ lục độ, nhưng như riêng lấy bố thí độ làm chỗ chuyên chú. Các độ kia không phải là không tu, miễn tùy sức, tùy phận.
Nay pháp niệm Phật cũng thế. Người chuyên chú pháp quán tưởng, ít trì danh; người chuyên chú pháp trì danh thời ít quán tưởng, cũng là nói tùy sức tùy phận vậy.
Câu nói: Không gồm sắc tướng ấy, số là, e nhứt tâm chấp trì danh hiệu, lại nhứt tâm quán tưởng sắc tượng, chẳng những tâm không hai tác dụng mà hai sự đồng thời đều làm, khinh trọng chẳng phân, đều không thành tựu đó thôi.
Nếu rõ đặng nghĩa chánh và trợ thời nhứt tâm trì danh lấy làm chỗ chánh, ít quán tưởng làm trợ. Trợ cũng qui về nơi chánh như lửa thêm củi, lại có ngại gì?!
Sớ: Xứng lý thời tự tánh thanh tịnh quang minh là nghĩa hoa sen.
Sao: "Thanh tịnh" là nêu sắc và tự tánh mảy trần chẳng dính. "Quang minh" là nêu hào quang vì tự tánh có muôn pháp đành rành vậy. Luận Phật Địa nói: "Các sắc giả và thật như thế đều chẳng ngoài tâm tịnh của Phật", tức tâm tịnh ấy hay hiển hiện các sắc giả và thật.
Cho nên trong kinh nói: "Sắc xanh hào quang xanh, sắc vàng hào quang vàng v.v... Sắc nào hào quang nấy chẳng hai, tịch đâu chiếu đó đều dung thông vậy". Lại tự tánh tịch là nghĩa hoa búp, tự tánh chiếu là nghĩa hoa nở, tự tánh cụ túc tất cả thiện pháp, ấy là nghĩa vi diệu hương khiết.
Thế thời chẳng lìa cảnh trần, chưa tắm ao báu mà thường ở trong hoa sen, đi kinh hành và tọa ngọa.

TỔNG KẾT

Xá Lợi Phất: Cõi nước Cực Lạc thành tựu công đức trang nghiêm như thế.
Sớ: Như văn trước: lan can, lưới giăng, hàng cây, ao, lầu, hoa sen, món món trang nghiêm đều là do đức Phật A Di Đà, trong nhân Ngài phát đại nguyện và nguyện rồi lại tu đại hạnh, vô lượng công đức mới được thành tựu như vậy? Như lời nguyện hạnh trong kinh Hoa Nghiêm cũng đồng ý đây.
Sao: Do Đại Nguyện khởi ra Đại Hạnh. Nhờ có Đại Hạnh mới đúng lời Đại Nguyện. Chỗ tu nhơn của ông Bồ tát đâu chẳng phải thế? Hạnh đủ nguyện xong kêu là "thành tựu". Trong chỗ tu nhơn là: Khi Phật Di Đà còn làm ông tỳ kheo tên Pháp Tạng. Lời Đại Nguyện là: Ngài phát 48 lời nguyện. Có lời nguyện Ngài nói rằng: "Khi ta thành Phật, những người sanh về cõi ta, đều ở trong ao thất bảo, nước bát công đức ở trong hoa sen hóa sanh". Lại nguyện rằng: "Khi ta thành Phật, trong cõi ta, từ dưới đất sắp lên, đến hư không, đều có cung điện lầu các, ao, suối, hoa, cây, đều dùng vô lượng các ngọc báu, trăm nghìn món hương mà hiệp cộng thành". Lại nguyện rằng: "Nếu khi Ta thành Phật khắp cùng nước đủ các món trang nghiêm không có chúng sanh (người nào) mà có thể diễn tả cho hết được". Thế gọi là lời Đại Nguyện.
Nói Đại Hạnh là: Kinh Đại Bổn nói: "Ngài Tỳ kheo Pháp Tạng đối chỗ Phật Thế Tự Tại Vương, nhiếp thủ các hạnh thanh tịnh 21 ức cõi Phật, y như hạnh đó mà tu trì".
Lại nói: Ngài Tỳ kheo Pháp Tạng phát 48 lời nguyện rồi, trụ nơi trí huệ chơn thiệt, dũng mãnh tinh tấn, cả kiếp a tăng kỳ tu hạnh Bồ Tát, giữ thân, miệng và ý, tu hành lục độ, rõ đặng lý không, vô tướng, vô tác, thi hành giáo hóa đến vô lượng chúng sanh phát tâm Bồ Đề. Thế gọi là Đại Hạnh.
Nói "công đức ấy" tức là Đại Hạnh, Đại Nguyện, đây gọi là: "Công đức". Kinh Đại Bổn nói: "Tích công bồi đức như thế, vô lượng nghìn muôn ức kiếp, công đức trọn đủ mới đặng thành tựu lời Đại Nguyện ấy mà vào ngôi vị Phật". "Lời Đại Nguyện Đại Hạnh trong kinh Hoa Nghiêm" là kinh Hoa Nghiêm phẩm Thế Giới nói: "Cõi Hoa Tạng Trang Nghiêm Thế Giới Hải đây là do Phật Tỳ Lô Giá Na thuở trước, ở chỗ vi trần số Phật tu vi trần số Đại Nguyện, mới đặng thành tựu cõi nghiêm tịnh đây vậy".
Lời văn sau nói: Đều thành tựu Trí Địa và Hạnh của đức Phổ Hiền thời tất cả cõi trang nghiêm, từ đây mà sanh ra. Lệ như lời Nguyện Hạnh của Ngài Pháp Tạng, cũng in như vậy.
Sớ: Lại công đức là công đức tánh vô lậu, lại có thắng và liệt, nay đây là công đức thắng.
Sao: "Công đức vô lậu" là đức Sơ Tổ nói: "Gây làm phước trong đời là cái nhơn hữu lậu (32), chẳng gọi là công đức". Lại nói: "Công đức ở trong pháp thân" thời đại hạnh, đại nguyện đây đều là công đức vô lậu trong tánh mình, chẳng phải là cái nhơn hữu lậu tiểu quả cõi Nhơn Thiên nói trên vậy.
Thắng liệt là: Hàng Thanh Văn, bực Bồ Tát nhẫn đến bực Phật đều có công đức, nhưng lớn nhỏ khác nhau.
Nay là nhơn địa của Phật kia (Di Đà) tu vô lượng nguyện hạnh mới đặng thành tựu, công cao đức tột không thể nghĩ bàn, cho nên nói Thắng.
Sớ: Hỏi: Kinh Kim Cang Bát Nhã nói: "Trang nghiêm cõi Phật ấy thiệt chẳng phải trang nghiêm, thế mới gọi là trang nghiêm". Nay kinh nầy rộng bày y chánh; vì sao hai kinh, ý nghĩa trái nhau?
Đáp: Vì tánh và tướng chẳng riêng, nhưng vì chỗ lập tông có khác.

Sao: " Tánh và Tướng chẳng riêng" là: Toàn tánh khởi ra tướng, toàn tướng qui về tánh. Tánh, Tướng vốn chẳng phải hai vật, nhưng chỗ lập tông của mỗi kinh chẳng đồng.
Như kinh kia (Kim Cang) lấy lý vô tướng lập Tông, cho nên chỉ nói tướng Đệ Nhứt Nghĩa, không dùng hình tướng, thiệt thời trong tâm thanh tịnh, thân cõi đều hiện; dụ như lau gương, bụi hết, hình tượng bày ra. Còn những kinh mà chuyên nói về tánh đó, số là tánh tức tướng, chẳng phải bỏ tướng riêng dùng tánh.
Nay kinh nầy, do khuyên cầu sanh tịnh độ làm Tông cho nên với cõi Cực Lạc y chánh, mỗi món trang nghiêm tráo trở phân rành, khiến người khởi ham mộ; thực ra thời tướng vốn tự không, chỉ là duy tâm, duy thức mà thôi.
Kinh nầy (Di Đà) rộng bày tướng đó, số là cái tướng tức tánh, chứ chẳng phải lìa tánh ra mà chỉ nói tướng đâu. Vì chỗ lập tông của mỗi kinh có khác, chớ chỗ cứu cánh cũng vẫn đồng; cho nên biết hai kinh, nghĩa chẳng trái nhau.
Sớ: Hỏi: Cung diện, vườn hoa của chư thiên cũng dùng bảy báu trang nghiêm thì sánh với cõi Phật kia có khác gì?
Đáp: Vì xấu và tốt có khác nhau.
Sao: "Xấu và tốt" là: như châu ngọc trong đời, tuy đồng tên là ngọc báu, nhưng mà chất nó có thứ xấu có thứ tốt, giá có khinh, có trọng; cho nên các cõi trời, từ cõi thấp đến cõi cao, y báo, chánh báo trang nghiêm của mỗi cõi từ xấu lần đến tốt, có thắng, có liệt khác xa. Huống gì nước Cực Lạc vượt ngoài ba cõi, đâu chẳng phải với trong bảy báu trang nghiêm, riêng cõi Phật là tốt hơn hết. Trong kinh nói: "Vị Luân Vương, cũng có 32 tướng tốt, nhưng không bằng Phật", tức là ý đây vậy.
Sớ: Lại công đức đây, tuy là do nguyện lực đức Phật thành tựu, nhưng cũng gồm nhờ chúng sanh. Do tâm kia tịnh thời cõi mới tịnh.
Sao: "Gồm nhờ chúng sanh" là: kinh Duy Ma nói: "Trực tâm là tịnh độ của ông Bồ Tát. Bồ Tát khi thành Phật, những chúng sanh không dua vạy mới sanh về trong nước Ngài. Thâm tâm là tịnh độ của ông Bồ Tát. Bồ Tát khi thành Phật những chúng sanh cụ túc công đức mới sanh về trong nước ngài", nhẫn đến muôn hạnh cũng đều như vậy.
Cho nên người ở phương nầy niệm Phật, cõi kia hoa sen thành, thời nước Cực Lạc món món thanh tịnh trang nghiêm. Tuy rằng Phật kia (Di Đà) khi làm Bồ tát chỗ tu thành tựu, cũng nói được là do chúng sanh siêng tu tịnh nghiệp tạo thành. Cho nên nói: "Tùy kỳ tâm tịnh, tắc Phật độ tịnh".
Sớ: Xứng lý thời tự tánh hay sanh ra muôn pháp là nghĩa trang nghiêm.
Sao: Đức Lục Tổ nói: "Nào dè tự tánh hay sanh ra muôn pháp". Kinh Hoa Nghiêm nói: "Tất cả những cái bảo linh, lưới báu do tâm hiểu "Nhứt Thế Pháp Như Huyễn" sanh ra. Tất cả lầu các bằng bảy báu cũng do thiện căn vô trước, thiện căn vô sanh sanh ra", nhẫn đến y phục, bảo cái, tràng phan, bửu tòa v.v... đâu chẳng từ nơi ấy sanh ra vậy?
Kinh Hoa Nghiêm lại nói: "Trong cõi Hoa Tạng trang nghiêm thế giới Hải đây, hoặc từ sơn hà nhẫn đến cây rừng, bụi bặm, mảy lông các xứ, mỗi mỗi đều là xứng cõi Chơn Như pháp giới đủ đức vô biên", cho nên phải biết: Tịnh độ tại trong tâm, ngoài tâm không có cảnh.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]