Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Quyển 1: Kinh A Di Đà Sớ Sao

14/05/201317:38(Xem: 19688)
Quyển 1: Kinh A Di Đà Sớ Sao

 Phat Di Da
Kinh A Di Đà Sớ Sao

Quyển 1
Phần 1


Thuật Giả: Sa Môn Chu Hoằng
Dịch Giả: HT Thích Hành Trụ
Phật Học Viện Quốc Tế Xuất Bản 1983 - PL 2526


 

Đất Cổ Hàng (3) chùa Vân Thê (4) Sa Môn Chu Hoằng (5) thuật lại.
Giải kinh này bằng lời Sớ Sao, với đại văn chia ra làm ba phần lớn.

A. Thông tự đại ý (chung bài suốt đại ý của kinh).
B. Khai chương thích văn (mở từ bài thích từ chữ).
C. Kiết thích chú ý (kết lại để giải thích đại ý chú vãng sanh).
Sắp như thế này thì thuận theo các kinh thông thường có ba phần là:
THÔNG TỰ, CHÁNH TÔNG và LƯU THÔNG, mà chính cũng thuận theo ba món Tịnh nghiệp là: 1.- Tín. 2.- Hạnh. 3.- Nguyện (6).
A.- THÔNG TỰ ĐẠI Ý phân ra làm năm:
1. Minh tánh (Nói rõ tự tánh).
2. Tán kinh (Khen ngợi kinh này).
3. Cảm thời (Cảm thích thời cơ).
4. Thuật ý (Tỏ ý mình giải kinh).
5. Thỉnh gia (Cầu Phật giúp thêm).

1.- MINH TÁNH

CHÁNH VĂN: Bản thể của tự tính là: Linh (linh thiêng), Minh (sáng suốt), Đổng (rỗng rang), Triệt (thông thấu), Trạm (trong trẻo). Tịch (vắng lặng), Thường (còn), Hằng (lâu), chẳng phải trược, chẳng phải thanh, không lui, không tới, rất lớn thay cái chơn thể của nó không thể nghĩ bàn được, phải chăng chỉ có tự tánh của chúng ta mới như vậy?

CHÚ GIẢI: Phần suốt bày ý kinh, về đại văn chia làm năm: Từ ban đầu "Minh tánh" cho đến thứ năm là "Thỉnh gia".
Nay trước nói: "Minh tánh" - Bởi kinh nầy hoàn toàn làm sáng rõ tự tánh và lý giải của các kinh cũng không lìa tự tánh nên lấy tự tánh làm mục tiêu.
"Linh" là tánh linh giác (khôn biết). "Minh" là trí sáng suốt - Mặt trời, mặt trăng tuy có ánh sáng, nhưng không được gọi là linh thiêng vì là vô tình. Nay chỉ trong bản tánh rất sáng suốt, rất hay lạ khó lường, với sự sáng suốt ấy không thể lấy chi so sánh cho cùng tột, nên nói là "Linh" và "Minh", nghĩa là vừa khôn thiêng vừa sáng biết.
"Triệt" là thông suốt. "Đổng" là sự thông suốt cực điểm. Mặt trời, mặt trăng tuy chiếu khắp, nhưng không thể soi khắp dưới lòng chậu úp, thế là thông suốt mà chưa được hoàn toàn thông suốt vì còn bị chướng ngại. Nay tánh "Linh Minh" đây soi khắp đất trời, thấu trong vàng đá, bốn phương trên dưới không hề chướng ngại. Vì là bản tánh sáng suốt thông thấu, không chỗ nào là chẳng thông suốt như "thiên nhãn thông, tha tâm thông".
Cái thông đây không phải như đối với sự ngăn cách mà nói rằng thông, nên gọi là "Đổng Triệt".
"Trạm" là không nhiễm. "Tịch" là không lay động. Đại địa tuy "Tịch" nhưng không thể bảo là "Trạm" (vì còn nhuộm máu chiến tranh, núi lở đất động). Nay chỉ có bản tánh rất vắng lặng, trong sạch, vì không cặn bã.
Sự vắng lặng ấy không thể lấy chi so sánh cho cùng tận nên gọi là "Trạm Tịch".
"Hằng" là hằng lâu. "Thường" là sự hằng lâu cực điểm. Đại địa tuy bền chắc nhưng không tránh khỏi kiếp hoại (7), thế là lâu mà chưa thật lâu, vì còn "chung nhi phục thỉ". Nay tánh "Trạm Tịch" đây, với trước từ vô thỉ, kéo sau vẫn vô chung, suốt xưa, suốt nay, không hề biến đổi, bởi vì thường còn mãi mãi, không bao giờ chẳng thường: chẳng phải như cái thường đối với cái tạm mà nói rằng lâu, nên gọi là "Thường Hằng".
Phi Trược là nói có thì tánh nó không thọ một mảy trần. Phi Thanh là nói không thì tánh chẳng bỏ một sự, pháp.
Không "Lui" là buông ra thời không biết nó tới đâu? Không "Tới" là rước lại cũng không biết nó từ đâu đến đây?
Nghĩa là cái tánh "Linh Minh" "Trạm Tịch" nầy không thể dùng sự thanh, trược, tới, lui để tìm cầu gì được. Nói thanh, trược, tới, lui là ý gồm cả lành, dữ, thánh, phàm, hữu, vô, sanh, diệt, tăng, giảm, đồng và dị v.v…
Hai câu "Lớn thay chơn thể"… ấy là lời khen ngợi, chữ "Đại" là ngay nơi thể đặt tên, đủ hai nghĩa: Biến và thường; do vì tánh, hễ ngang ra thì nó đầy khắp mười phương là "đại", mà dọc thì nó tột cả ba đời là "đại", lại không còn pháp nào so sánh đặng. Không phải như cái đại đối với tiểu mà nói là đại.
Chữ "Chơn" là không vọng; do vì ba cõi đều giả dối, duy có tự tánh đây là chơn thật, vì không phải như trò huyễn ảo, như pháp diệt vong mà chính là không có cái chi có thể phá hoại nó được nên nói là "Chơn", tức là "Chơn Như bất biến".
Chữ "Thể" là tột cả muôn pháp không ra ngoài thể nhứt tâm. Thể gồm cả tướng và dụng. Chung lại gọi là "Chơn thể". Câu: "Không thể nghĩ bàn được" là: Như trên đã nói "Minh" mà lại "Tịch". "Tịch" mà lại "Minh", thanh, trược không bày; tới, lui đâu có, thế là bặt đường lòng tưởng, miệng nói, không còn nghĩ bàn được nữa.
Nói: "Không thể nghĩ bàn" đó, nghĩa là: với pháp tánh nó không có tướng gì để tưởng đặng nên hễ tư tưởng thời loạn sanh (sanh tán loạn). Như trong kinh nói: 'Ngươi vừa móng tâm, thì trần lao (phiền não) khởi trước', thật thế. Lại nói pháp tánh vốn không có cái tướng suy tưởng dầu có suy tưởng cũng hoài công. Trong kinh nói: 'Pháp đây không thể nghĩ lường phân biệt mà có thể biết được'. Nên nói: Tâm muốn duyên thì lự đã mất, nghĩa là không thể để ý tưởng tượng gì được.
Câu "không thể bàn" là: Vì lý viên, lời lệch, lời thốt, lý mất. Nên trong kinh nói: "Phàm có nói năng đều thành hý luận cả" (8). Lại vì lý viên dung, lời chênh lệch, lời không thể tột lý nên trong kinh nói: 'Dẫu cho mỗi mỗi thân đủ vô lượng miệng, mỗi mỗi miệng thốt ra vô lượng lời. Tài ngôn luận như nàng Thiện thiên nữ (9) nói đến cùng kiếp đi nữa, rốt cục cũng không thể hết', thật vậy. Nên nói: Miệng muốn bàn thì lời đã mất.
Lại nguyên tên kinh là "Bất Khả Tư Nghì" (không thể nghĩ bàn) nên dùng bốn chữ này để gồm khen văn trước. Vì cái danh tột bực của lời chí lý vậy.
Câu rốt sau là kết lại. Nghĩa là: Ý nói cái không thể nghĩ bàn như vậy đó là sẽ chỉ cho vật gì? Duy có tự tánh mới xứng đáng thôi.
Nói "tánh" có hai phần: 1.- Gồm trong phần vô tình, gọi là Pháp tánh (10). 2.- Riêng trong phần hữu tình, gọi là Phật tánh. Nay nói tự tánh, tức là chỉ Phật tánh mà nói vậy. "Tánh" mà nói rằng: "Tự", là pháp bản nhiên như thế vì không do tạo tác mới có; vì chính cái của ta sẵn có chớ không phải thuộc về kẻ khác.
Song tự tánh đây vốn có nhiều tên, cũng tên là "Bổn tâm", cũng tên là "Bổn giác", cũng tên là "Chơn trí", cũng tên là "Chơn thức", cũng tên là "Chơn Như", nhiều tên không cùng. Tóm lại mà nói đó, tức là một tâm "Linh tri", "Linh giác" của mỗi người sẵn đủ vậy. Nay nói cái mà không nghĩ bàn đây, duy có nhứt tâm mà thôi; chớ không có vật chi khác, duy có cái thể không nghĩ bàn đây cùng với nhứt tâm đồng vậy.
Nếu căn cứ theo kinh đây thì câu đầu tức là "Vô Lượng Quang" vì rỗng suốt không ngăn ngại. Câu thứ hai tức là "Vô Lượng Thọ" vì thường còn không biến đổi. Câu thứ ba, câu thứ tư, tức là tâm linh tuyệt đối đãi. Quang và Thọ hòa nhau, vì tất cả công đức đều vô lượng. Câu thứ năm là tóm lại để khen. Tức trong kinh đức Phật Thích Ca đã nói: "Như ta khen ngợi công đức không thể nghĩ bàn của Phật A Di Đà". Câu rốt sâu xa về tự tánh. Nghĩa là: Toàn thể của Phật A Di Đà, tức là tự tánh của mỗi người.
Lại nữa, câu đầu là nói thể sáng suốt không chỗ nào chẳng chiếu, tức là "Dụng Đại", câu thứ hai là vắng lặng không đâu chẳng trùm khắp, tức là "Tướng Đại". Câu thứ ba, thứ tư, là bặt hẳn hai bên vì tuyệt đối, tức là "Thể Đại". Câu thứ năm, tóm lại để khen, chính chỗ gọi rằng: tức ba, tức một, đều mất, đều còn, lời tả cùng nghĩ không thấu, không thể suy xét nói bàn. Câu rốt sau cũng kết về tự tánh vậy.
Lại câu đầu nói "Chiếu" tức là đức Giải Thoát. Câu thứ hai nói "Tịch" tức là đức Bát Nhã. Câu thứ ba, thứ tư nói "Tịch chiếu không hai" tức là đức Pháp Thân. (11) Câu thứ năm là tóm khen, câu rốt là kết về lệ như trên nên biết.
Lại dùng bốn pháp giới để phối hợp đó thì thanh, trược, tới, lui là "Sự pháp giới"; linh minh, trạm tịch là "Lý pháp giới": Linh minh, trạm tịch bất biến (tự tánh không biến đổi) mà tùy duyên (của 8 thức); thanh, trược, tới, lui dù tùy duyên (của 8 thức) nhưng bất biến (tự tánh không biến đổi) là "Lý sự vô ngại pháp giới". Bất khả tư nghì là "Sự sự vô ngại pháp giới". (12) Do kinh đây có phần gồm thuộc về Viên giáo vì cũng có ít phần sự sự vô ngại vậy. Rốt sau nói "tự tánh" cũng là gồm kết bốn pháp giới về một "Lý nhứt tâm" vậy.

2.- TÁN KINH (phân làm hai phần)

1. Tổng tán: Khen chung cả bổn kinh.
2. Biệt tán: Khen riêng pháp trì danh.

TỔNG TÁN

CHÁNH VĂN: Lóng đục thành trong, trở trái làm mặt, vượt khỏi ba kỳ trong một niệm; bằng các thánh nơi chút lời, rất mầu thay chỗ diệu dụng… cũng không thể nghĩ bàn đặng, duy có kinh A Di Đà mà đức Phật Thích Ca ngài nói đây thôi.
CHÚ GIẢI: Như trên đã nói: "Thể linh minh trạm tịch" vốn không thanh, trược, mặt, trái, rốt ráo bình đẳng, duy là "Nhứt tâm".
Nay so về môn sanh diệt để nói: Bởi sự nhận thức của mọi người chẳng đúng với "Tánh thật biết" vẫn một cái chân như, vì nó không phân biệt nên tâm bất giác khởi ra vọng chấp trước; thế rồi bị vô minh che lấp, bỏ mất cội gốc là tánh chơn như, trôi lăn theo ngọn ngành là tâm sanh diệt; khuấy loạn cái Chơn Thể nên gọi là "Trược"; như lóng bùn cát làm cho trong sạch lại thời gọi là "Thanh", tức là chỉ chuyển cõi Ta Bà ngũ trược này trở thành cõi Tịnh Độ là nước Thanh Thới vậy.
Bị vô minh kéo dắt, bỏ tánh giác, theo vọng trần, trái xa chơn thể gọi là "Bối". Bây giờ quày bỏ đường tới, trở lại lui về, thế gọi là "Hướng". Tức chỉ xây lưng cõi Ta Bà để trở mặt về nước Cực Lạc vậy.
Song đây là chỉ ngay trong một thời kỳ chúng sanh từ khi mê đặng ngộ mà nói thì dường như có những sự lóng đục thành trong, trở trái làm mặt, chớ kỳ thật ở nơi "tự tánh" thì không đắc, không thất, cũng không thêm không bớt; thế nên khi đục, lúc trong mà tánh nước không đổi khác; bỗng sau thoạt trước mà người chẳng hai thân. Nên có câu: "Tu chứng tức chẳng không; nhưng nhiễm ô thời chẳng đặng chứng".
Ba kỳ là ba kiếp lớn A Tăng Kỳ; chữ "Tăng Kỳ" sẽ thấy giải ở văn sau. Nói "ba kỳ" là: a)- Căn cứ theo lịch sử do Đức Thích Ca thành đạo thì từ cổ Phật Thích Ca đến Đức Phật Thi Khí, trải qua bảy muôn năm ngàn đức Phật; b)- Từ Đức Phật Thi Khí đến Đức Phật Nhiên Đăng, trải qua bảy muôn sáu ngàn vị Phật; c)- Từ Đức Phật Nhiên Đăng đến Đức Phật Tỳ Bà Thi, trải qua bảy muôn bảy ngàn Đức Phật nên nói ba kỳ. Trải đủ nhiều kiếp lâu xa càng lâu xa để hành Bồ Tát Đạo mới siêu sanh tử, mà nay không vượt ra ngoài một niệm mau khỏi đường sanh tử. Một niệm là gì? Tức tâm năng niệm của ta niệm Phật A Di Đà đây vậy.
Chữ "Thánh" là Phật và Bồ tát. Từ địa vị phàm phu trông lên bực Thánh, cách lại càng cách, thế mà nay không ngoài chút lời được tiến lên ngay bực "Thánh bất thối"; chút lời là chút lời sở niệm danh hiệu Phật A Di Đà đây vậy.
Tột thay!... hai câu là lời khen ngợi. Chữ "Chí" nghĩa là "tột", ý nói rộng lớn tột bực không chi hơn đặng.
Chữ "Diệu" là nghĩa bốn câu trên chung gọi là "Diệu Nghĩa".
Dụng là "Lực Dụng". Luận rằng tâm nhơ khó sạch, vẩn đục như sông Huỳnh (13), vọng tưởng khó thâu, dong ruổi dường ý ngựa. Bởi trải nhiều kiếp như hằng sa vô số lượng mãi luân hồi không thôi, dầu đọc hết văn trong ba tạng 12 bộ kinh mà đường giác càng xa. Nay có thể làm cho đục thành trong, trái nên mặt, một niệm mau siêu, chút lời liền chứng, lực dụng nhiệm mầu đến thế, đâu nghĩ bàn được. Dụng từ thể tướng sanh ra, nên chỉ nói diệu dụng mà gồm cả.
Câu rốt sau là kết về tự tánh, ý nói chỗ diệu dụng như thế sẽ sánh với kinh nào? Chỉ có kinh A Di Đà của Phật Thích Ca đây mới đủ dùng để so sánh.
Hoặc có người hỏi: Không luận kinh Tiểu thừa, chỉ như các kinh Đại thừa chất nhiều như núi, vì sao riêng khen diệu dụng của kinh này?
Đáp: Trong tạng Kinh tuy có đủ nghĩa đây, nhưng chưa có kinh nào rõ ràng và giản dị như kinh này, cho nên xứng tánh mà luận, chánh trực mà nói thì đâu chẳng phải là Viên Đốn giáo; (14) nhưng với cái điều "Lóng đục… trở trái…" thì Viên Đốn kia chưa bày tỏ ra cách phương tiện ấy. Còn các pháp môn khác: hoặc có pháp quá rộng hơi khó giữ gìn, hoặc quá sâu xa khó dò nổi. Nay chỉ dùng chút lời bằng niệm danh hiệu Phật liền chứng nhập nhứt tâm, đã được vãng sanh, tiến ngay đến chỗ thành Phật, thế thì chính nơi phương tiện mà thành pháp Viên Đốn vậy. Thần công, thắng lực ấy không thâu về kinh này, chớ về kinh nào?
Lại văn trước là "Tánh đức", văn đây là "Tu đức", văn trước là "Tự tánh" sẵn thanh tịnh, văn đây là "Ly cấu" mới được thanh tịnh, nhẫn đến tánh tịnh, chướng hết v.v… hòa lẫn nhau như một không hai, như trong phần sau sẽ nói.

BIỆT TÁN (phân ra làm bốn phần)

1. Tiên xuất thuyết kinh sở dĩ: Trước chỉ lý do nói kinh.
2. Thống luận Tịnh Độ công đức: Gồm bàn công đức Tịnh Độ.
3. Đặc thị trì danh vi yếu: Chỉ có trì danh là hơn.
4. Quảng hiển trì danh sở bị: Rõ nhờ trì danh rất rộng.

TIÊN XUẤT THUYẾT KINH SỞ DĨ

CHÁNH VĂN: Thế nên đức Thế Tôn ta trước nói ra ba thừa sau hội về nhứt thật, đã đồng phần cho của báu, lại còn đặc biệt ban ơn mầu.
CHÚ GIẢI: Nương văn trên nói: Kinh này có đủ công đức, không thể nghĩ bàn như thế: thành thử Phật nói kinh này là vì có lẽ đó.
Chữ "Sạ" là Tạm. Nghĩa là: Tạm thời quyền nói, chớ chưa phải nói đến chỗ cứu cánh.
Tam thừa là: thừa vốn không ba, quyền nói có ba là: Thinh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát.
Chung là đối với Tạm mà nói. Thật là để đối với quyền mà nói nghĩa là đức Thế Tôn ta khi mới thành ngôi Chánh Giác, diễn nói kinh Đại Hoa Nghiêm, nhưng giáo lớn khó thích hạp với căn cơ nhỏ nên Phật tùy căn cơ của chúng sanh, mà Ngài nói pháp tam thừa, sau rốt mới hội "Quyền" về "Thật", đồng ban trao pháp đại thừa, cho nên nói "đồng phần cho của báu". Đây là chỗ đại khái cả 5 thời giáo (15) của Như Lai nói trong một đời 49 năm. Nhưng trong ấy lại đưa ra một môn niệm Phật: Môn này không luận kẻ đại căn, người tiểu cơ, hễ ai niệm Phật là liền được vãng sanh. Cũng không đợi đến lúc căn cơ thuần thục mới hội Quyền về Thật, miễn được vãng sanh liền đặng bực Bất Thối. Dụ như: Người được tiến cử vào chức vị mà chẳng cần phải do nơi phẩm trật (thi đậu bằng cấp) và kẻ con nhà thừa ấm (16) sẵn bực lớp, nhứt định làm quan. Vì ơn trên ban ra bằng một cách phi thường, nên gọi là ơn đặc biệt, cũng như lạ lùng. Lại ân mầu ấy gồm có 2 nghĩa:
1. Pháp niệm Phật là trong ân mầu.
2. Pháp trì danh niệm Phật lại là ân mầu trong ân mầu.

THỐNG LUẬN TỊNH ĐỘ CÔNG ĐỨC

CHÁNH VĂN: Đức Thế Tôn chỉ ra 48 lời nguyện và mở dạy 16 pháp quán: Nguyện nào cũng quy về pháp phổ độ, Quán nào cũng chú trọng về lý diệu tâm.
CHÚ GIẢI: Văn trên khen pháp môn Tịnh Độ rất thù thắng: văn đây đối với pháp môn Tịnh Độ, trước nêu các kinh, sau đem so sánh với kinh này thì kinh này lại là thù thắng hơn. "48 nguyện và 16 pháp quán đã chép đủ trong hai kinh" là ý nói từ nguyện đầu đến nguyện rốt sau, nguyện nào cũng đều tiếp dẫn chúng sanh đồng sanh về cõi Tịnh Độ. Từ quán đầu cho đến quán cuối cùng, quán nào cũng đều là quán không, quán giả và quán trung đạo (17) để rõ tột lý nhứt tâm. Do nhứt tâm đây phát sinh ra đại nguyện, nương đại nguyện mà thành ngôi chánh giác, rồi dùng bản nguyện ấy trở lại độ chúng sanh để đồng chứng lý nhất tâm.
Đối pháp môn Tịnh Độ, so sánh cả hai kinh (Đại Bổn và Quán kinh) ý gồm như thế.

ĐẶC THỊ TRÌ DANH VI YẾU (phân ra làm hai phần)

1. Giảo luận yếu ước: So sánh về chỗ cốt yếu.
2. Cứu minh lợi ích: Xét rõ điều lợi ích.

GIẢO LUẬN YẾU ƯỚC

CHÁNH VĂN: Lại dùng nguyện môn rộng lớn, quí nhứt là tại chỗ biết trước; với pháp quán sâu mầu chi bằng giữ lấy chỗ dón: Biết trước là chuyên cầu về nước kia. Giữ chỗ dón là duy cần sự trì danh. Vì hễ niệm danh hiệu Phật thì đã gồm đủ các đức tốt; còn chuyên trì danh, cũng tóm thâu được muôn hạnh mầu.
CHÚ GIẢI: Chính nơi văn trước so sánh kinh Đại Bổn, Quán kinh mà luận thì biết pháp trì danh rất là ngắn gọn. Nói "rộng lớn" là 48 lời nguyện bao trùm cả kẻ u, người hiển, gồm hết bực thánh, hạng phàm, rộng lớn thênh thang, xa khơi không bờ mé; pháp môn man mác như thế, muốn vào quyết có chỗ dò lần, nên chi quí ở chỗ biết trước. Trong Truyện nói: "Biết chỗ trước sau thời mới gần đạo vậy". (18)
Nói "sâu mầu" là: Vì quán môn chia ra làm 16 pháp, sự tu không phải một; vả lại diệu quán rất tinh vi, kẻ sơ tâm khó xét thấu. Nếu cẩn thận ắt đặng lý mầu nên phải giữ chỗ yếu trước. Ông Kha Tử đã nói: "Giữ chỗ yếu trước mà làm ra việc to rộng là đạo hay vậy". (19)
Thế nào là "biết trước"? Do biết sanh về nước kia, gần gũi phụng sự đức Như Lai đại nguyện như thế, ngõ hầu khá trông mong, miễn được thấy Phật Di Đà lo gì chẳng tỏ ngộ. Thế nên nói sự cầu nguyện vãng sanh là việc làm cần kíp trước hết.
Thế nào là giữ chỗ yếu trước? Bởi do pháp quán tuy là 16, nhưng chỉ nói đến một chữ Phật là đủ. Phật tuy rất tột, duy nhứt tâm tức là đó (là Phật). Nay nghe tên Phật, nhứt tâm chấp trì, chính rằng rất dón dễ không tốn công nhiều, vì muôn pháp chỉ duy tâm, hễ tâm đã thanh tịnh thì việc nào lại không xong; vận lòng quán tưởng trong một sát na mà nào y báo, nào chánh báo đều được rõ ràng, hễ móng niệm muốn vãng sanh liền được sanh về nước kia. Thế là với pháp quán khó thành, ta chẳng tu tập mà thành. Cho nên pháp "trì danh niệm Phật" để làm chỗ giữ tu rất là yếu ước vậy.
Ngài Thiên Như đã nói: "Lòng Phật Thích Ca quá thương, khuyên chúng sanh niệm ngay danh hiệu Phật A Di Đà ấy vậy".
Nói "niệm danh hiệu" là: Phật có vô lượng phước đức, nay chỉ niệm có bốn chữ danh hiệu là A Di Đà Phật cũng đủ bao trùm hết cả, do vì đức Phật A Di Đà tức là toàn thể của nhứt tâm mà tâm nó gồm cả các đức nào Thường, Lạc, Ngã, Tịnh, Bổn giác, Thỉ giác (20), Chơn Như, Phật Tánh, Bồ Đề, Niết Bàn, cho đến trăm ngàn vạn tên, đều chỉ trong một tên Phật A Di Đà đây, thâu gồm được tất cả.
Nói "chuyên trì" là: chúng sanh học Phật cũng có vô lượng pháp tu hành; nay chỉ một pháp trì danh đủ dùng gồm ráo. Bởi vì trì danh hiệu Phật, tức là trì lấy nhứt tâm mà tâm đây nó gồm hết trăm hạnh như: Tứ Đế, Lục Độ, cho đến tám muôn bốn ngàn số hằng sa số vi trần, tất cả hạnh môn, tâm thâu nhiếp được hết, nên gọi là "giữ chỗ yếu ước".

CỨU MINH LỢI ÍCH (phân ra làm ba phần)

1. Nhơn thành (Thành cái nhơn niệm Phật)
2. Quả chứng (Chứng cái quả niệm Phật)
3. Tổng kết (Chung kết nhơn quả tốt)

NHƠN THÀNH

CHÁNH VĂN: Tu đến đây muôn niệm lự (vọng niệm) đều thôi. Xét tột, nhơn được vậy là bởi nhứt tâm bất loạn.
CHÚ GIẢI: Trước khi chưa tu pháp "niệm Phật" thì trong ý thức niệm nào niệm ấy toàn là niệm theo trần lao (tức là niệm chúng sanh), gọi rằng trong một sát na có đến chín trăm cái niệm sanh và diệt; cứ trong mỗi một niệm lại có bốn giai đoạn là: Sanh, Trụ, Dị, Diệt. Như thế phân tích ra từ số, từ mục thì nó nhiều đến bằng những con số vô lượng vô biên. Ví dầu dùng con mắt bằng "thiên nhãn thông" đi nữa cũng không thể dòm cho thấu hết số niệm trần lao ấy! Nên gọi là "muôn niệm lự" vậy. Những muôn niệm lự đây hễ niệm trước diệt thì niệm sau sanh, thoạt đi thoạt lại, dùng trăm kế trừ đó, nhưng rốt cục không thể trừ được.
Thế mà nay nhờ sức trì danh, chánh niệm vừa dấy lên thì tạp tưởng tự nhiên trừ hết. Dụ như sư tử ra khỏi hang, trăm loài đều ẩn nép. Ánh mặt trời chiếu sương, ngàn rừng mất tuyết trắng, gọi là muôn vọng niệm đều thôi.
Thế nên ngài Vĩnh Minh nói: "Có người tu pháp quán sổ tức (21) vọng tưởng không thôi; tu pháp niệm danh hiệu Phật liền được tiêu vọng tưởng". Nghiệm xét cả hai thì nhờ pháp niệm Phật đây mà niệm tư lự thôi dứt lại càng thôi dứt, cùng nguồn tột gốc; nên nói rằng "xét tột". Đến chừng được "nhứt tâm bất loạn" tức là thành tựu cái nhơn tu pháp "niệm Phật tam muội".

QUẢ CHỨNG

CHÁNH VĂN: Mới biết chưa bước lìa ngạch cửa mà ao báu hoa nở bốn màu, chẳng ra khỏi ngõ sân mà đất vàng cây ngọc quanh bảy lớp, chỗ đức Di Đà thuyết pháp giờ hoa sen nở hóa sanh, chim quý với chim thường rập tiếng, nhà tranh cùng nhà ngọc chung màu.
CHÚ GIẢI: Bất luận ở đâu, người tu pháp niệm Phật mà đã được nhứt tâm bất loạn mới biết từ bảo thọ, liên hoa, cho đến cả y báo, mỗi mỗi món trang nghiêm kỳ diệu đều không phải là cảnh ngoài tâm, tức là "tâm tịnh, độ tịnh", thế hà tất phải đợi tai nghe lời vàng mới là Phật Di Đà thuyết pháp? Cõi Ta Bà ấn hoại mới gọi là Tịnh Độ văn thành hay sao? Thế thì chim quí, chim thường, nhà ngọc, nhà tranh (22) có gì hơn, có gì kém, có chi tịnh, có chi uế? Nên nói: Cảnh Tây phương tịnh độ ở ngay trước mắt là thế.

TỔNG KẾT

CHÁNH VĂN: Số là, với cái niệm mà không là chơn niệm; với việc sanh mà hiểu vào vô sanh. Bởi niệm danh hiệu Phật tức là niệm tâm ta, còn sanh nước kia không lìa sanh cõi đây. Vì rằng tâm, Phật và chúng sanh tuy ba mà vẫn đồng một thể; giữa dòng và hai bên đều không nhứt định ở một chỗ nào nên gọi: tự tánh giác là Phật Di Đà, duy tâm tịnh là cõi tịnh độ.
CHÚ GIẢI: Tiếp văn trên nói: Cái lẽ mà được nhơn tốt quả mầu như thế là phần chính do tu pháp trì danh niệm Phật đến chỗ nhứt tâm, niệm tột thành không niệm, niệm mà không niệm mới là chơn niệm. Lại cái thể niệm vốn không, niệm thật không niệm, gọi là chơn niệm vậy.
Câu "sanh vô sanh" là: Vì rõ thể sanh không có thì sanh mà không sanh, không sanh mà sanh, thế gọi là dùng tâm niệm Phật chứng nhập bực nhẫn vô sanh (23), nhưng trong bài "Giáo Khởi" văn sau có nói rành. Nên biết trọn ngày niệm Phật chính là trọn ngày niệm tâm, rõ ràng vãng sanh, nhưng lặng trang không có gì lai vãng.
Câu "Tâm, Phật và chúng sanh" đó, kinh nói: "Tâm và Phật cùng chúng sanh, cả ba không sai khác". Bởi vì tâm niệm Phật tức là Phật A Di Đà, Phật A Di Đà tức là tánh Phật của chúng sanh, vì đồng một bản thể Biến Chánh Giác nên chi chúng sanh trong tâm của chư Phật trở lại niệm lấy chư Phật trong tâm của chúng sanh. Nếu "mê" phải cầu "Giác" mà giác thì vẫn đồng nhau, nên nói đồng một thể.
Câu: "Giữa dòng và hai bên" là cõi Ta bà dụ ở bên này, cõi Cực Lạc dụ ở bên kia. Ban đầu nhàm khổ ưa vui; rồi đến cái chấp phân biệt khổ vui đều mất, sau rốt cũng không trụ nơi phi khổ, phi vui, thế là hai bên đã không chấp trước, chặng giữa lại cũng không để lòng. Tự tánh sẵn có đức Phật A Di Đà, duy tâm sẵn có cõi Tịnh độ, ý cũng như đây. Thế thời pháp Thiền và pháp Tịnh Độ, cả hai tuy khác lối tu, nhưng đồng về một chỗ là "tánh" vì không lìa tự tâm, mà tự tâm tức là Phật, tức là Thiền.
Vậy ai kia chấp Thiền chê Tịnh Độ, chính là tự chê bổn tâm của mình, cũng là chê Phật và chê pháp Thiền của mình đương tu nữa mà họ cũng chẳng biết, tự nghĩ xét đó thôi!

QUẢNG HIỂN TRÌ DANH SỞ BỊ

CHÁNH VĂN: "Lý nhứt tâm" đây, dù nó trọn phần về bực thượng trí, nhưng nó cũng thông cả "sự, tướng" phần nào. Vì chiều theo cho hiệp với kẻ độn căn (căn cơ chậm lụt cũng như tối dạ).
CHÚ GIẢI: Với "Lý nhứt tâm, Sự nhứt tâm" sẽ thấy rõ ở văn sau. Nay nói "tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh Độ" chính là chỉ ngay về "Lý nhứt tâm bất loạn" trong kinh này nói thôi. Bực thượng trí có thể vâng tu, kẻ độn căn chưa kham lãnh nổi. Nên nói "nhứt tâm" đây, không những chuyên chú về Lý mà cũng thông đồng đến Sự nữa vì với "Sự nhứt tâm" ai cũng làm được, chính như: Kẻ ngu phu, ngu phụ (24) dù là bất tiếu, chớ cũng có thể tham dự biết được, làm được. Vì pháp trì danh niệm Phật này ví như trời khắp che, đất khắp chở, trong bầu đại tạo (vũ trụ) không bỏ một vật nào.

3.- CẢM THỜI

1. Tổng thán (Than chung chấp đây bỏ kia)
2. Biệt thán (Than riêng chấp lý hay chấp sự)
3. Kiết thán (Kết lời than phiền)

TỔNG THÁN

CHÁNH VĂN: Ngặt vì bọn bảo thủ thói ngu, chấp lấy Sự mà không chịu nghe Lý, còn hạng tà trí tiểu huệ chấp Lý mà bỏ Sự. Chấp Sự mê Lý như trẻ nhỏ đọc sách của cổ thánh; chấp Lý bỏ Sự như học trò nghèo lượm đặng bằng khoán của bác nhà giàu.
CHÚ GIẢI: Văn trên nói: Phật vì lòng thương độ cả kẻ trí người ngu. Văn đây nói: Chúng sanh không noi theo ý Phật thì dù có khéo dạy mà nó cũng không khéo học, nên đáng thương thay!
"Thủ ngu" là: Đã ngu mê mà lại đành giữ chặt sự ngu, không chịu cải đổi. "Tiểu huệ" là có hơi thông được chút đỉnh, chứ chưa phải là thông. Bởi vì Sự là nương nơi Lý để phát sanh; Lý mà đặng nơi Sự mới rõ rệt; có Sự có Lý để giúp lẫn nhau không nên riêng bỏ một bên nào, còn chấp đây, chấp kia cũng đồng là một hạng ngu tệ!!
"Trẻ nhỏ" là: Dụ kẻ hoàn toàn ngu mê, vì còn trẻ con chưa mở trí, chỉ biết đọc chữ chứ không hiểu nghĩa. Chính như bảo trọn ngày niệm Phật mà chả biết ông Phật mình niệm đó là gì?
"Trò nghèo" là: Dụ kẻ mới biết đọc hiểu chút đỉnh. Xưa có người nghèo đi đường lượm được cái bằng khoán. Thấy trong ấy biên nào là: ruộng, vườn, nhà, cửa, vàng, lụa, gạo, lúa, món món số mục; vui mừng quá đỗi tự hào rằng mình giàu to. Đâu biết rằng chỉ đếm số mục vật báu của người khác trên mặt giấy tờ mà thôi, chớ với mình có ăn thua gì. Chính như đấy bảo: Mặc dù nói khoác rằng biết tức Phật, tức Tâm, nhưng rõ ràng Tâm mình chưa phải là Phật. Thế nên, so về Lý thì không thể niệm, so về Sự thì trong cái không thể niệm, chúng ta vẫn niệm mãi. Do vì niệm tức không niệm. Lý, Sự đều tu, ngay nơi bổn trí (trí mình) mà cầu Phật trí (25). Ừ! được như vậy rồi mới gọi là bậc đại trí chớ!

BIỆT THÁN

CHÁNH VĂN: Song, dầu tu niệm Phật bằng cách sự tướng mà niệm được nối luôn luôn, cũng không mất công vào bực thánh. Còn tu chỉ bằng cách chấp Lý mà tâm chưa được thật sáng suốt, trở lại chịu cái hại lạc về ngoan không.
CHÚ GIẢI: Văn trên nêu cả hai bệnh: Chấp Lý bỏ Sự, chấp Sự bỏ Lý. Văn đây đối với hai bệnh riêng chỉ lỗi kia. Nghĩa là: Chấp Sự mà tín tâm không thiết, vốn không đủ luận. Giả sử tu niệm Phật bằng cách chuyên trì danh hiệu, mỗi niệm mỗi niệm nối nhau, không có gián đoạn, dầu chưa hiểu đế lý của nhứt tâm chứ cũng đã được thành tựu tịnh thân, đã được tịnh thân thì chắc được vãng sanh vậy, dù là phẩm vị thấp. Chính như nói: Người học trò thi đậu bằng cách nêu tên ở chỗ chót bảng, dù là hạng bét nhưng cũng không đáng hổ, chỉ sợ trên bảng không có tên mình mới thẹn thôi! Thì ai lại nỡ nào chấp lấy cái thủ ngu đó để chịu thiệt thòi nơi mình ấy ư!
Chí như chấp Lý mà tâm được sáng suốt cũng không cần luận; ví dẫu chỉ cấp tiến bằng thói cuồng huệ (26), đắm dính vật ngoan không (27) với tâm mình mà mình chưa tỏ ngộ, lại vội khinh thường niệm Phật, coi rẻ sự vãng sanh phải bị hại chẳng nhỏ. Chính chỗ rằng: Cho là chẳng có chi hết như cái cõi không trống rỗng kia, rồi bác đi, cho là không có cái lý nhơn quả chi thì nó tự chuốc lấy những họa ương rất lớn và nhiều lắm! Như trời cao lồng lộng, rừng cỏ rậm rì rì!! (28)
Hoặc có người hỏi: Vì sao không trách tội kẻ độn căn (tối dốt), trái lại cứ dằn ép kẻ lợi căn (sáng lanh)?
Đáp: Vì người lợi căn hay ỷ tài cao cả, lên chân múa mỏ thường tự hào có tài trí giỏi hơn kẻ độn căn. Sở dĩ nay lập ra lời chỉ trích là muốn cho họ biết rằng: "Vẽ cọp không thành, trở lại thua một thẻ" (29). Mong họ biết lỗi hồi tâm niệm Phật, chớ nào phải dằn ép chi đâu mà thiệt ra là thương tiếc lắm mới nói!

KẾT THÁN

CHÁNH VĂN: Đến nỗi để đức Phật như duỗi tay luống cần, dường như mẹ dựa cửa ngóng trông. Đối trên, nỡ dửng dưng lời Phật dạy; đối dưới, đành phụ tánh linh của mình, từ đời này cho đến nhiều đời, một bước sai trăm bước vẫn sai, (30) đành lòng lục đục giữa khổ thú, bó tay lần hồi đến tử môn, không ai cứu vớt, không chỗ nương về, thật đáng thương và đáng tiếc.
CHÚ GIẢI: "Duỗi tay" là thuở xưa Mạnh Tử nói: "Chị dâu bị đắm nước, em trai chồng nắm lấy tay chị để vớt lên" (31). "Dựa cửa" là: Mẹ của ông Vương Tôn Cổ bảo ông rằng: "Con mai ra đi mà chiều chưa về, thời má đã đứng tựa nơi cửa này để ngóng trông" (32).
Nay nói chúng sanh chìm đắm dưới bể khổ, Phật ra đời tế độ như duỗi cánh tay xuống vực sâu để cứu vớt. Thế mà chúng sanh bỏ tánh chơn giác, theo vọng trần, Phật thương tưởng như mẹ tựa cửa trông con. Tuy cứu vớt rất cần, nhớ thương quá thiết, nhưng mà chúng sanh kẻ thì đắm đuối mãi chẳng ngóc đầu, người thì xa xăm luôn không lui gót, thật là phụ bạc lời giáo huấn của đức Từ Tôn.
"Dưới đành thua thiệt tánh linh của mình" là: Hễ có tâm, quyết sẽ thành Phật; nên chi Phật dạy cái phép "niệm danh Phật" là muốn cho mỗi người niệm lấy tự tâm của mình để thành lấy quả Phật nơi tự tánh mình. Thế mà chúng làm ngơ bỏ lửng không tin thì đâu chẳng phải là để cho tánh linh mình bị thua thiệt ư!
"Đời nay và nhiều đời" là: Đời đời đọa lạc không cùng. "Một bước sai, trăm bước cũng sai" là: Đời nay bước trái bỏ qua thì sau này nhiều kiếp khó gặp.
"Vào khổ thú" là: Tỷ như bầy dòi của ruồi xanh, chịu khốn khổ lúc nhúc ăn đồ dơ trong cầu xí (Dụ: Chúng sanh đắm mê ngũ dục, không cầu xuất ly ngoài tam giới.)
"Đến chốn tử môn" là: Dụ loài trâu, dê bị lùa đến chỗ làm thịt, không ai cứu vớt, không chỗ nương về, đâu chẳng thương ư!!?

4.- THUẬT Ý (phân ra làm ba phần)

1. Quí kỷ bất đức (thẹn mình chẳng có đức tài gì)
2. Minh kỷ sở thượng (tỏ chỗ mình quí chuộng)
3. Nguyên kỷ thích kinh (xét chỗ mình giải kinh này)

QUÍ KỶ BẤT ĐỨC

CHÁNH VĂN: Chu Hoằng này đã là kẻ hạ phàm, lại nhằm đời mạt pháp, chỗ xuất thân hẹp hòi hẻo lánh, bề học thức cạn cợt muộn màng, chẳng thông lý nhiệm, vốn hổ lời xuông, bánh vẽ ích chi cho bụng kẻ đói, đá yên thạch khó dối mắt người cổ hồ (người thạo nghề buôn).
CHÚ GIẢI: Văn trước nói niệm Phật được lợi ích như thế, không niệm Phật mắc hại như thế, nên thuật lại ý mình chỉ trọng pháp niệm Phật. Văn đây, trước lấy độn căn để tự xét cũng như tự phê bình. "Mạt pháp" là pháp rốt, một thời sau hai thời chánh pháp và tượng pháp (33) là than mình sanh nhằm thời kỳ không có Phật. "Hạ phàm" là báo thân không tốt.
"Hẹp hòi" là chỗ thấy không rộng. "Học muộn" là: Trí hiểu không được sâu. Với sự còn chưa hiểu, huống nữa biết lý? Nghĩa là: Lời nói không đủ để làm cho người tin vậy.
"Vốn hổ" là: Vì tự biết mình thấp cạn, hổ thẹn với lời nói suông, nghĩa là: hổ lời nói đi quá việc làm (34).
"Bánh vẽ": Dễ hiểu, dụ như lời nói suông.
"Đá yên": Là thứ đá giống như ngọc, mà không phải ngọc.
"Cổ hồ" là: Người buôn bán bên nước Tây Vức, khéo biết rành các thứ ngọc báu. Thưở xưa có người lượm được viên yên thạch, tự cho là ngọc Du Cẩn, rồi làm bộ kiêu dóc để dối loè mắt người, mong đặng giá cao. Hôm nọ đem tán tỉnh (khoe) với người Cổ Hồ. Hồ nói: Đây chỉ là đá chớ không phải ngọc đâu anh ạ! Người kia lấy làm xẻn lẻn rút lui. Dụ như đối với đạo chỗ thấy còn hẹp hòi, mơ hồ không thật, chỉ làm trò cười trước mắt tinh đời của người thiện tri thức (35).

MINH KỶ SỞ THƯỢNG

CHÁNH VĂN: Kính vưng theo lời tiên sắc của Phật, dốc lòng phụng sự kinh này, trông về nước Cực Lạc là quê hương, ngửa mến đức Từ Tôn như cha mẹ.
CHÚ GIẢI: Đã tự xét mình độn căn thì với sự làm ắt noi theo bực cổ đức. Chữ "Chi" là Kỉnh. Tiếng ngọc của vua trong đời, lời vàng của Phật ra khỏi đời đều gọi là chữ "Sắc". Dốc lòng phụng sự là phụng sự triệt để. Nước Cực Lạc mà nói là quê hương: Vì cõi Tịnh Độ vắng lặng, chính là chỗ của mỗi người để an thân lập mạng. Mà lại bỏ lìa quê cũ, trôi dạt xứ người, như kẻ du tử lạc loài, duy có một niệm lo trở về với quê cha đất tổ mà thôi.
Đức Từ Tôn mà nói là hỗ thị (nhờ cậy) hay cha mẹ: Vì cha là chỗ nhờ của ta, mẹ là chỗ cậy của ta (36), Phật dùng lòng đại từ, đại bi tiếp dẫn chúng sanh, mang ta bằng thai thánh, nuôi ta bằng sữa pháp. Ngay nơi trong tâm ngoài thân của chúng ta nay đây, đâu chẳng nhờ ơn lực ấy mà đặng thành lập nên người. Đức cù lao trời cao chẳng tột (37), thế mà ta lại nỡ bỏ gốc sanh thành, như con minh linh dưỡng tử đi theo họ khác (38).
Vậy chỉ phải thật lòng cảm mộ trọn đời (39), hầu hạ đôi bên (40), sớm thăm tối viếng, không nên trái lời (41).

NGUYÊN KỶ THÍCH KINH

CHÁNH VĂN: Vì ôm lòng kiêm lợi, đạo quí chỗ hoằng thông. Tiếc thay các bộ sớ thích của Tổ xưa, ngày nay ít thấy bổn nào còn trọn đủ! Duy có vài tập chú giải còn ấn hành nơi đời, lời tuy thiết mà nghĩa quá hẹp, lý hơi bày nhưng không được rõ. Luận không tột đến chỗ hoằng công, đâu có thể phát khởi tín tâm cho quần chúng?
Vì thế, tôi vội quên chỗ tri kiến hẹp hòi, hết lòng suy nghĩ, gồm thâu bộ loại năm kinh; căn cứ ngay nơi một hạnh Văn Thù hội về ý chỉ mầu nhiệm. Có phần thuộc về kinh Tạp Hoa; sâu suốt các pháp môn, thời rộng gồm cả các bộ; không một bộ nào mà chẳng tiêu dung về tự tánh. Nhưng có nguyện nào cũng hồi hướng về quả Bồ Đề. Con nay tỏ chút lòng thành, cúi mong chư Phật gia hộ.
CHÚ GIẢI: Chưa chi làm lợi cho mình mà có thể lợi cho người trước hơn là Bồ Tát phát tâm, hành đạo, nên chẳng nỡ chỉ lo được yên lành riêng cho một mình là vì lòng mẫn ôm canh cánh lấy cái nghĩa vụ kiêm lợi; mà với cái bổn phận làm việc kiêm lợi đó, tưởng không chi hơn là làm việc hoằng pháp trước nhứt. Nhưng lời chú sớ của kinh này, nay phần nhiều đã lạc mất, xét về trước không còn manh mối! Tuy chỉ còn một hai bổn lưu hành ở đời, nhưng chỉ lược chỗ đại khái, chớ chưa lột hết được ý nghĩa nhiệm mầu.
"Hoằng công" là công đức không thể nghĩ bàn. Vì người mà không biết kinh đây có đủ công đức rộng lớn như thế nên nghi mà không tin; dầu tin cũng không chơn thật. Thế nên bất đắc dĩ, tôi mới làm lời sớ sao này.
"Chỗ tri kiến hẹp hòi" là: Chỗ thấy ngoài da Phật Pháp, nói da thứa ở ngoài là chỗ hiểu vào chẳng sâu, dụ như chỗ thấy cạn cợt vậy. Chỗ thấy biết quá nông cạn; đâu dễ gì so lường nghĩa lý sâu mầu của Phật; nhưng vì tâm cứu đời nó quá ư ân cần, bắt hối thúc nên vội quên mình quê hèn dốt nát.
"Lòng suy nghĩ": Tâm là chủ của sự suy nghĩ (42). Vua Nghiêu, vua Thuấn là bực Thánh còn hết lòng suy nghĩ với việc làm, chúng ta là người bực nào khá dễ thường mà đặng?
Bộ loại: Những bộ chuyên nói về Cực Lạc như kinh "Đại Bổn" v.v… năm kinh. Văn Thù là kinh "Văn Thù Bát Nhã" chuyên nói về pháp xưng danh hiệu "Nhứt hạnh tam muội".
Kinh Tạp Hoa (43) là do kinh Hoa Nghiêm lấy tánh hải làm tông, rõ ràng không phải giáo pháp quyền thiển vậy. Các bộ là dẫn các kinh, luận để chứng cứ, là để tỏ rằng không phải lời ức kiến (44), rõ như trong hai môn "Nghĩa Lý" và "Bộ Loại" đến trong văn kinh sau có biện.
"Tiêu dung về tự tánh" là: Nói không chuyên về "Sự tướng" vì xét tột chỗ về đến nơi đến chốn thì thảy đều tiêu hóa, dung hội về nơi bản tánh của mình. Bởi vì cả thế gian và xuất thế gian, không một pháp nào lọt ra ngoài tự tâm đặng; y báo, chánh báo (45) nơi cõi Tịnh Độ mỗi mỗi cũng đều là bản giác diệu minh.
Vì như các chiếc bình, xuyến, kiềng, vòng, hình thức của mỗi món đồ tuy khác, nhưng cũng chỉ một chất vàng làm ra. Nước nơi khe, ngòi, sông, suối tuy là mỗi chỗ dù riêng, chứ dòng nào cũng chảy về một biển. Chính nghĩa là: không vật nào chẳng từ pháp giới này lưu xuất, và không vật nào chẳng trở về nơi pháp giới này.
"Hồi hướng Bồ Đề" là: Phàm chỗ tu niệm hành đạo đều nguyện để vãng sanh, gọi là "hồi hướng". Nhưng hướng không phải hướng về đâu khác hơn là chỉ hồi hướng về Tịnh Độ, hồi hướng về Tịnh Độ tức là hồi hướng về tự tánh của mình.
Hai câu rốt sau là nối văn trước, khởi văn sau: Trước khi muốn làm việc lành, ắt cầu chư Phật gia hộ. Bồ Tát còn thế, huống là kẻ phàm phu ?!
Tinh nghĩa là không hai; Thành là không dối. Cổ đức có nói: "Lòng tinh thành rất tột, sẽ được quỷ thần dẫn giúp" (46) huống chi ngôi Tam Bảo đại từ thương xót chúng sanh cũng như con đỏ, hễ việc làm có lợi ích cho chúng sanh, lòng tinh thành cầu Phật, Phật đâu không gia bị!

THỈNH GIA

CHÁNH VĂN: Kính lạy đức Giáo Chủ thuyết pháp cõi Ta Bà, đức Đại Từ Tôn tiếp dẫn cõi Tây phương và kinh "Bất Khả Tư Nghì Phật Hộ", Xá Lợi Phất, Văn Thù cùng các vị Thánh trong hai cõi, sáu phương khắp cõi Phật số vi trần, quá khứ hiện tại và vị lai, các ngôi Tam Bảo vô số tận đều chứng biết. Cúi xin rủ lòng từ bi nhiếp thọ lời cầu của con. Con nay dối đem kiến thức cõi uế độ để so lường tâm thanh tịnh của Phật Như Lai. Ngưỡng vâng sức đại oai thần của ngôi Tam Bảo gia hộ cho kẻ phàm phu được thành thánh trí: khiến mỗi lời của con đều hợp với thánh ý của Phật, đặng lưu thông xa gần, lợi ích cho loài hàm linh, kẻ thấy, người nghe tùy hỷ, đều được vãng sanh, đồng chứng lên quả "Tịnh Quang Vô Thượng Giác".
CHÚ GIẢI: Tiếng "Qui Mạng" lệ thường như tiếng ba la mật, là cách nói đảo ngược. Chữ "Qui" có hai nghĩa:
1. Nghĩa "qui đầu", ý nói người đời chỉ có thân mạng là vật rất trọng hơn hết, nay đem cả thân mạng để kính lạy, là một lòng thành kính không hai tâm vậy.
2. Nghĩa "qui nguyên": Ý rằng đem thân và mạng về lạy cầu tức thâu nhiếp cả sáu căn (47) về nơi nhứt tâm.
Đức Thích Ca là giáo chủ cõi Ta Bà, đức A Di Đà là giáo chủ cõi Tây phương, vì do thủ xướng pháp niệm Phật nên lạy đức Thích Ca trước hết. Kẻ làm tôi con mà được phong chức hầu, còn không quên nơi gốc (48). Phàm phu muốn vào bực Thánh há đặng phụ ơn Phật hay sao? Thuở xưa có người sắp qua đời đốt nén hương, trước cúng dường đức Thích Ca chính là ý đây vậy.
"Giáo chủ thuyết pháp" là: Vì với việc thuyết pháp độ sanh, trong một cõi không thể có hai đức Phật nên gọi là giáo chủ. Nghĩa là: làm chủ một giáo pháp.
Tiếp dẫn là vì chúng sanh nhớ niệm Phật, được Phật duỗi tay tiếp dẫn, dụ như người đi đường, gặp người yếu đuối thì dìu đỡ, người quên đường thì chỉ dẫn. Lại có hai nghĩa: Một là tiếp dẫn lúc sống thì giúp đỡ cho đạo tâm yên tịnh. Hai là tiếp dẫn lúc chết thì dẫn dắt thần hồn vãng sanh.
Đại Từ Tôn: Như mẹ nhớ con gọi là "Từ". Lòng từ không chi hơn gọi là "Đại". Chữ "Tôn" nghĩa như chữ chủ vậy. Lẫn nhau để nói cũng có thể gọi đức Thích Ca là Từ Tôn cõi này, đức Di Đà là giáo chủ cõi kia. Gồm hai đức Như Lai đó gọi là ngôi "Phật Bảo". Kinh này nguyên tên là "Bất Khả Tư Nghì Phật Hộ Niệm" là ngôi "Pháp bảo". Chúng nghe kinh này như Ngài Văn Thù, Ngài Xá Lợi Phất v.v… gọi là ngôi "Tăng bảo".
Nói chữ "Bảo" là lược có sáu nghĩa. 1.- Hiếm có 2.- Lìa dơ 3.- Sức quí 4.- Rỡ đẹp 5.- Rất tốt 6.- Chẳng đổi. Trong bộ "Yếu Tập" có nói đủ nghĩa này.
Suy xét cho cùng tột hai cõi: Ta Bà và Cực Lạc, bốn góc trên dưới mười phương, nhẫn đến cõi Phật nhiều như số vi trần khắp tất cả xứ; quá khứ, hiện tại, vị lai và khắp tất cả thời. Trong đó có ngôi Tam Bảo ngang trùm mười phương dọc suốt ba giới, cũng nhiều đến số vô cùng tận.
Lại Tam Bảo cũng chia có sự, có lý, có khác, có đồng như văn sau giải rõ. Nay văn đây nói trong ngoài, mình và người đều nương về ngôi ấy. Bực cổ đức nói: "Sau khi Phật diệt độ phàm các hàng đệ tử có tác thuật kinh luận chi, sách vở gì, đều phải trước kính lễ ngôi Tam Bảo".
Bởi vì cảnh thánh cao mầu, lời Phật kín nhiệm, mà muốn dùng trí mọn của phàm phu để tự tiện so bàn, khác nào lấy ngao lường biển, nương ống dòm trời (49), luống tự nhọc nhằn, phần được không mấy. Thế nên cần phải kính ngôi Tam Bảo, thầm mong gia hộ.
Oai thần đó, như kinh nói: "Phật lực không thể nghĩ bàn, Pháp lực không thể nghĩ bàn, hiền thánh lực không thể nghĩ bàn". Thế nên, nương thần lực của Tam Bảo có thể khiến tâm ngu bỗng thành thánh trí. Miệng phàm thuật lại thầm hiệp được tâm Phật vậy.
Xa gần là gồm cả "Xứ" và "Thời". Xứ là: Từ một góc cho đến cùng khắp mười phương. Thời là: Từ một sát na cho đến tột đời vị lai, đều gọi là từ gần đến xa.
Hàm linh, gọi tất cả loài hữu tình vì lựa không phải loài vô tình như cây đá.
"Thấy nghe tùy hỷ" là: Hễ đối kinh đây mà được mắt thấy, hoặc tai nghe cho đến tạm thời tùy thuận, sanh tâm hoan hỷ là đã trồng căn lành, sẽ đồng được vãng sanh về nước kia vậy.
Tịch Quang là cõi chơn Tịnh Độ của Như Lai. Người mà được sanh về nước kia rồi, thấy Phật nghe pháp, giác ngộ được pháp "Vô Sanh Nhẫn", nhận đặng bản tâm của mình; vì thể và dụng của bản tâm ấy Tịch Chiếu không hai nên gọi là "Thường Tịch Quang".
Quả "Vô Thượng Giác" là Phật chứng quả "viên mãn đại giác" vượt khỏi hàng nhị thừa và các vị Bồ tát. Trên quả đây lại không quả nào cao hơn nữa nên gọi là "vô thượng quả", tức là chứng "Nhứt Thế Chủng Trí" (50) của Phật. Nên trong kinh nói: "Đều đặng bất thối chuyển nơi quả a nậu đa la tam miệu tam Bồ Đề". Thế đủ biết rằng: Miễn đặng vãng sanh thời quyết định thành Phật. Cho nên nói đồng chứng lên quả "Tịch Quang Vô Thượng", cầu xin chư Phật gia bị ý gồm như thế.
Từ trước đến đây là lời "Thông tự đại ý" của một bộ kinh đã xong.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]