Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phần 1. Mục đích cuộc đời

13/05/201319:34(Xem: 8189)
Phần 1. Mục đích cuộc đời

HẠNH PHÚC CHÂN THƯỜNG

THE ART OF HAPPINESS

Đức Đạt Lai Lạt Ma

Bác Sĩ Howard C. Cutler 

Nguyên Dực chuyển ngữ

---o0o---

PHẦN 1. MỤC ĐÍCH CUỘC ĐỜI

Chương 1

QUYỀN ĐƯỢC HẠNH PHÚC

"Tôi nghĩ rằng mục tiêu chính yếu của cuộc đời là tìm kiếm hạnh phúc. Rõ ràng như vậy. Dù chúng ta có tín ngưỡng hay không, dù chúng ta thuộc tôn giáo nào, mọi người đều tìm kiếm một cái gì đó tốt đẹp hơn trong cuộc sống. Do vậy tôi cho rằng mỗi hành động trong đời sống đều hướng về hạnh phúc."

Đức Đạt Lai Lạt Ma đã dùng những lời lẽ như vậy để đi thẳng vào trọng tâm bài nói chuyện trước một cử tọa đông đảo tại Arizona. Nhưng quan niệm của Ngài cho rằng mục tiêu cuộc đời là hạnh phúc đã khiến tôi suy nghĩ. Sau đó, lúc chỉ còn lại hai chúng tôi, tôi hỏi :

"Ngài có hạnh phúc không?"

"Vâng" đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời. Dừng lại một lúc, Ngài tiếp:"Vâng, quả thực như vậy". Vẻ thành thật trong giọng nói của Ngài đánh tan những ngờ vực trong tôi. Một sự thành thật phản ảnh từ ánh mắt đến lối diễn đạt của Ngài.

"Nhưng hạnh phúc có phải là một điều không thái quá đối với mọi người không?" tôi hỏi.

Đức Đạt Lai Lạt Ma đáp :

"Tôi nghĩ rằng hạnh phúc có thể đạt được nếu tâm trí chúng ta được huấn luyện đúng cách." Đã là con người, ai cũng mong được hạnh phúc nhưng những hiểu biết của một tâm lý gia không cho phép tôi tin tưởng như vậy. Triết gia Freud đã cho rằng con người không được tạo ra để được hạnh phúc. Những phương thức huấn luyện tâm trí như vậy trong nghề nghiệp chúng tôi đã đưa tới những kết luận bi quan rằng nhiều nhất thì con người chỉ mong mỏi được chuyển từ trạng thái đau đớn cuồng loạn đến buồn khổ thông thường. Do vậy, ý tưởng cho rằng có một đường lối rõ rệt dẫn đến hạnh phúc xem ra có vẻ rất cấp tiến đối với chúng tôi. Nhớ lại những năm dài học hỏi, tôi rất ít khi nghe đến chữ hạnh phúc được đề cập như là một phương thức chữa trị. Dĩ nhiên là người ta nói rất nhiều đến việc giảm thiểu những triệu chứng trầm uất của bệnh nhân, giải quyết những xung đột nội tâm..., nhưng tôi chưa bao giờ được nghe đến việc làm cho bệnh nhân được hạnh phúc.

- Tây phương, cái ý niệm đạt được chân hạnh phúc luôn luôn có vẻ không chính xác, khó hiểu và không tưởng. Ngay cả chữ HẠNH PHÚC thoát thai từ chữ HAPP trong ngôn ngữ Iceland đã có nghĩa là cơ may, tình cờ. Có lẽ chúng ta ai cũng đồng ý rằng cái bản chất của hạnh phúc thật huyền hoặc. Những giây phút hân hoan trong cuộc đời, hạnh phúc có vẻ như chợt đến, chợt đi chớ không phải là cái mà con người có thể phát triển và gìn giữ được do việc huấn luyện tâm trí.

Khi tôi nêu lên ý tưởng này, đức Đạt Lai Lạt Ma nhanh chóng giải thích:"Khi đề cập đến việc huấn luyện tâm, tôi không có ý nói đến cái tâm được hiểu một cách hạn hẹp theo thói thường. Cái Tâm mà tôi nói đến (Semtrong ngôn ngữ Tây Tạng) có một ý nghĩa rộng rãi hơn nhiều, nó bao gồm trí tuệ, cảm xúc, trái tim và khối óc. Bằng cách theo đuổi một số nguyên tắc nội tại, chúng ta có thể trải qua một cuộc lột xác về quan điểm, cách nhìn đời của mình. Khi bàn luận về nguyên tắc nội tại, dĩ nhiên là có nhiều loại, nhiều phương pháp, nhưng một cách chung chung thì người ta bắt đầu nhận diện những nguyên nhân đưa đến hạnh phúc và những nguyên nhân dẫn đến đau khổ. Sau đó, người ta dần dà tìm cách loại bỏ những nguyên nhân dẫn đến khổ đau, đồng thời vun xới những nguyên nhân đưa đến hạnh phúc".

Đức Đạt Lai Lạt Ma quả quyết rằng Ngài đã tìm ra vài chiều kích của hạnh phúc cá nhân. Và trong suốt tuần lễ ở Arizona, tôi đã là nhân chứng: Làm thế nào để biểu lộ cái hạnh phúc cá biệt này đến tha nhân, làm thế nào để tạo một cảm giác lôi cuốn và thân thiện đối với người khác dù chỉ qua một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi.

Một buổi sáng sau khi nói chuyện trước công chúng, đức Đạt Lai Lạt Ma đi dọc theo hành lang phía ngoài khách sạn để về phòng cùng với đoàn tùy tùng. Nhận thấy một nhân viên khách sạn đứng bên cạnh thang máy, Ngài dừng lại và hỏi:"Chị quê ở đâu vậy?". Người đàn bà có vẻ hơi ngại ngùng trước người đàn ông xa lạ trong bộ áo màu đỏ sẫm đang được bao quanh bởi đám tùy tùng nhưng rồi cũng bẽn lẽn trả lời :"Mễ Tây Cơ". Ngài hỏi thăm người đàn bà ít phút rồi đi tiếp, để lại chị ta đứng đó với vẻ mặt phấn khởi và vui thích. Sáng hôm sau cùng giờ ấy, người đàn bà có mặt tại chỗ cũ cùng với một người bạn cũng là nhân viên khách sạn và cả hai ân cần vái chào đức Đạt Lai Lạt Ma khi Ngài vào thang máy. Cuộc hội ngộ ngắn ngủi nhưng cả hai có vẻ rất hân hoan. Sau đó, mỗi ngày càng có nhiều người tới địa điểm ấy và đến cuối tuần lễ thì có đến mấy chục người trong bộ đồng phục trắng và xám xếp thành một hàng dài trước thang máy để chào đón đức Đạt Lai Lạt Ma .

Mọi sự đã an bài. Ngay trong giây phút này, hàng ngàn đứa trẻ sơ sinh chào đời. Một số chỉ sống vài ngày hay vài tuần vì không chống chọi nổi với bệnh tật, bất hạnh. Một số khác sống hơn cả trăm năm, nếm đủ tất cả mùi vị của cuộc đời: vinh quang, sung sướng, hận thù, yêu thương. Nhưng dù sống chỉ một ngày hay cả một thế kỷ, câu hỏi mấu chốt vẫn như nhau: mục đích cuộc sống là gì? Cái gì làm cuộc sống của chúng ta có ý nghĩa?

"Mục đích của sự hiện hữu của chúng ta là tìm kiếm Hạnh Phúc".Ý tưởng này xem ra có vẻ thông thường và những tư tưởng gia phương Tây từ Aristotle cho đến William James đều đồng ý như vậy (1). Nhưng có phải cuộc sống dựa trên sự tìm kiếm hạnh phúc cá nhân là cô lập và phóng dật buông lung? Không hẳn vậy, những cuộc thăm dò cho thấy những người không vui thường tự tập trung, không hòa đồng, ủ dột và xung khắc. Trái lại, những người vui vẻ thường dễ hội nhập, uyển chuyển, sáng tạo và chịu đựng. Nhưng quan trọng hơn hết là họ nhiều yêu thương và dễ tha thứ.

Kết quả từ những nhà nghiên cứu đưa ra cho thấy những người vui vẻ thường tỏ ra cởi mở, muốn giúp đỡ người khác. Thử nghiệm viên giả làm một người khách lạ đi qua và"vô tình” làm rớt một mớ giấy tờ xuống đường, và người ta muốn xem những người được thử nghiệm có đứng lại lượm giùm giấy tờ cho người khách lạ không. Hoặc sau khi cho những người được thí nghiệm nghe một ít chuyện khôi hài để họ lên tinh thần, họ được cho gặp một kẻ nghèo (cũng do thử nghiệm viên giả ra) đến mượn tiền chẳng hạn. Và người ta thấy rằng những người vui tính thường hay giúp đỡ người khác hơn. Cho nên ý niệm cho rằng sự đeo đuổi và đạt được hạnh phúc cá nhân thường đưa đến tình trạng ích kỷ và cô lập là không đúng và tất cả chúng ta đều có thể tự chứng nghiệm trong cuộc sống hàng ngày. Giả sử như chúng ta bị kẹt xe. Sau khoảng 20 phút, lưu thông bắt đầu rất chậm chạp và chúng ta thấy một xe từ đường nhỏ bên cạnh bật đèn hiệu xin ra trước đầu xe chúng ta. Nếu đang vui vẻ, chúng ta sẽ giảm tốc độ và để cho họ qua, nhưng nếu đang bực bội, chúng ta sẽ tăng tốc độ để thu ngắn khoảng trống và nghĩ rằng mình đã chờ cả 20 phút rồi, bộ cha người ta sao!

Như vậy, chúng ta đã bắt đầu với một tiền đề cơ bản rằng mục đích của đời sống là tìm kiếm hạnh phúc. Với viễn tượng rằng hạnh phúc là một điều có thật, người ta bắt đầu dấn bước một cách tích cực và khi nhận ra những nguyên nhân đưa tới hạnh phúc, chúng ta sẽ thấy rằng chính sự tìm kiếm này đã làm lợi lạc cho cá nhân, gia đình và xã hội chúng ta rất nhiều.

Chương 2

CỘI NGUỒN CỦA HẠNH PHÚC

Hai năm trước, một người bạn của tôi gặp vận may bất ngờ. Độ 18 tháng trước thời gian này, chị ấy xin nghỉ việc y tá và hùn hạp với hai người bạn mở 1 công ty nhỏ chăm sóc sức khoẻ. Công việc làm ăn lên vùn vụt rồi một tổ hợp đã mua công ty với một số tiền khổng lồ. Người bạn tôi qua vận may này trở nên khá giả đến nỗi có thể về hưu ở tuổi 32. Mới đây tình cờ gặp lại, tôi hỏi thăm chị ấy đã vui hưởng đời sống về hưu sớm như thế nào.

"Vâng, rất là thú vị được đi du lịch và làm những điều mình muốn làm, nhưng có điều là sau những kích thích do tiền bạc tạo ra lúc ban đầu, mọi sự làm như trở lại bình thường. Ý tôi muốn nói rằng dù có những đổi khác - Tôi mua một ngôi nhà mới với đầy đủ đồ đạc - nhưng tổng quát thì tôi không cảm thấy hạnh phúc hơn trước". Cũng vào thời khoảng này, một người bạn khác của tôi (cùng tuổi với chị bạn nói trên) biết được rằng anh ta bị nhiễm HIV dương tính. Chúng tôi bàn luận về phương cách ứng xử với căn bệnh hiểm nghèo này. Anh ta nói:"Lúc đầu, dĩ nhiên là tôi choáng váng rụng rời và phải mất cả năm tôi mới chấp nhận được sự thật tàn nhẫn ấy. Nhưng sau đó sự việc bỗng nhiên thay đổi. Tôi ra ngoài nhiều hơn trước và được lúc nào hay lúc đó, tôi cảm thấy vui vẻ hơn nhiều. Tôi cảm kích hơn đối với những chuyện thường nhật, tôi biết ơn khi nghĩ rằng tôi đã may mắn không bị chuyển sang bệnh AIDS và tôi thật sự hưởng thụ những gì tôi có. Mặc dù không muốn bị bệnh, phải công nhận rằng chính bệnh hoạn đã thay đổi con người tôi".

"Thay đổi như thế nào?" tôi hỏi. Anh bạn đáp :

"Anh biết đó, trước kia tôi rất tôn trọng vật chất nhưng một năm sau khi biết mình bị bệnh, một thế giới khác mở ra trong tôi. Lần đầu tiên trong đời tôi bắt đầu tìm hiểu những vấn đề tâm linh, đọc sách và bàn luận với bạn bè... Tôi khám phá ra những vấn đề mà chưa bao giờ tôi nghĩ đến. Buổi sáng thức dậy, nghĩ đến những điều sẽ xảy ra trong ngày cũng đủ làm tôi khoan khoái".

Cả hai nhân vật trên đây cùng phản ảnh một vấn đề cơ bản, đó là Hạnh phúc là ở tâm ta chứ không phải do những biến cố bên ngoài. Thành công có thể làm chúng ta tạm thời phấn chấn và thảm cảnh có thể khiến người ta buồn phiền nhưng không chóng thì chầy, chúng ta sẽ trở lại trạng thái tâm lý bình thường. Trong tâm lý học người ta gọi đây là tình trạng thích ứng với hoàn cảnh và ai trong chúng ta cũng có thể chứng nghiệm những điều này trong cuộc sống thường nhật. Được tăng lương, tậu xe mới, được đồng nghiệp trọng nể... có thể làm cho chúng ta hứng khởi một thời gian nhưng rồi sẽ trở lại trạng thái bình thường. Cũng vậy, cãi vã với bạn bè, xe hư hay một tai nạn nhỏ cũng khiến chúng ta thất vọng, nhưng rồi nỗi thất vọng sẽ qua mau. Khuynh hướng này không chỉ giới hạn trong những chuyện vặt của đời sống mà ngay cả những biến cố lớn lao cũng vậy. Các nhà nghiên cứu đã theo dõi những người trúng xổ số ở Illinois hoặc các giải cá độ lớn và thấy rằng chẳng bao lâu, những người này đều trở lại trạng thái tâm lý thông thường hoặc ngược lại, những người bị các chứng bịnh hiểm nghèo như ung thư, bại liệt cũng đạt được trạng thái bình thường hoặc gần như bình thường sau một thời gian điều chỉnh.

Vậy thì cái gì đã khiến chúng ta trở lại tình trạng tâm lý bình thường dù ngoại cảnh khác nhau một trời một vực? Và quan trọng hơn nữa là tình trạng tâm lý chúng ta có thể cải thiện được không? Các nhà nghiên cứu gần đây cho rằng trạng thái vui vẻ của mỗi cá nhân phần nào ảnh hưởng bởi di truyền. Quan điểm này được hỗ trợ bởi những cuộc khảo sát hình thái tâm lý ở các cặp song sinh, bất kể những cặp này được nuôi dưỡng chung hay cách xa nhau: những người song sinh thường có khá nhiều điểm tương đồng vì họ có cùng một kết cấu di truyền.

Mặc dù yếu tố di truyền có ảnh hưởng đến hạnh phúc con người - ảnh hưởng lớn hay nhỏ thì chưa có kết luận rõ rệt - những tâm lý gia đều đồng ý rằng bất kể con người sinh ra lạc quan nhiều hay ít, người ta vẫn có thể cải thiện được bằng những yếu tố tinh thần. Vì rằng hạnh phúc tùy thuộc vào cách nhìn đời của chúng ta và thực ra, ở bất cứ thời điểm nào, chúng ta hạnh phúc hay không hoàn toàn không lệ thuộc vào hoàn cảnh bên ngoài mà tùy vào chúng ta đã nhận thức, lĩnh hội hoàn cảnh chung quanh như thế nào và chúng ta có thỏa mãn với những gì chúng ta có hay không?

TÂM LÝ SO SÁNH

Cái gì làm khuôn mẫu cho những nhận thức và mức độ thỏa mãn của chúng ta? Cảm giác toại nguyện của chúng ta bị ảnh hưởng nặng nề bởi khuynh hướng so sánh. Khi so sánh tình trạng hiện tại với quá khứ, chúng ta sẽ hài lòng nếu hiện tại tốt đẹp hơn. Thí dụ như lương bổng của chúng ta vì lý do nào đó được tăng lên 30,000 thay vì 20,000 một năm; nhưng đây không phải là số lương lý tưởng làm cho chúng ta vui sướng vì chẳng bao lâu chúng ta sẽ nhận thấy rằng 30,000 cũng chưa đủ và chúng ta mong được 40,000. Ngoài ra, chúng ta cũng so sánh với những người chung quanh. Không kể chúng ta làm ra bao nhiêu nhưng nếu ít hơn ông hàng xóm bên cạnh một chút là chúng ta không vui rồi. Những vận động viên quốc tế than phiền về số lương một triệu, hai triệu, ba triệu Mỹ kim của họ khi đề cập đến mức lương cao hơn của những bạn đồng nghiệp. Khuynh hướng này hỗ trợ cho H.L. Mencken khi ông này định nghĩa một người giàu có là người có lợi tức 100$ cao hơn người anh em cột chèo của ông ấy.

Như vậy là sự mãn nguyện của chúng ta tùy thuộc vào một người nào đó mà mình dùng để so sánh với mình. Và dĩ nhiên là chúng ta còn so sánh nhiều thứ khác nữa chứ không riêng gì lợi tức. Lúc nào cũng so bì rằng người khác thông minh hơn, thành công hơn, bảnh trai hơn... sẽ làm cho chúng ta sinh ra ghen tỵ, bực bội và buồn khổ. Nhưng đừng quên rằng khuynh hướng so sánh này nếu được sử dụng một cách khôn khéo lại có hiệu quả ngược lại, nghĩa là chúng ta có thể làm tăng trưởng cảm giác mãn nguyện bằng cách so sánh với những người kém may mắn hơn chúng ta.

Các nhà nghiên cứu trong rất nhiều trường hợp đã thấy rằng mức độ mãn nguyện của một người có thể tăng lên rất nhiều mà chỉ cần thay đổi ước vọng của người đó, hoặc cho họ thấy rằng sự việc có thể tệ hại hơn. Trong một cuộc nghiên cứu, các nữ sinh viên của Đại học Wisconsin ở Milwaukee được cho xem một cuốn phim nói về những đổ nát ghê rợn của tiểu bang này vào cuối thế kỷ hoặc phải viết về những thảm cảnh tưởng tượng mà họ phải trải qua như bị thiêu đốt, dị hình... Sau đó, họ được yêu cầu xếp loại phẩm chất cuộc sống của họ. Kết quả là cảm giác mãn nguyện với đời sống của những nữ sinh này tăng lên rất nhiều. Một cuộc nghiên cứu khác tại Đại học New York ở Buffallo diễn ra như sau: Đối tượng được yêu cầu hoàn tất câu"Tôi rất mừng vì không phải là ..." và họ phải làm năm lần liên tiếp như vậy. Sau đó người ta nhận thấy những người này đều biểu lộ một sự gia tăng cảm giác vui sống. Song song với nhóm này, một nhóm khác được yêu cầu hoàn tất câu"Ước gì tôi được là...." và kết quả là sau cuộc nghiên cứu, nhóm này tỏ ra bi quan, chán nản với cuộc đời hơn.

Những cuộc nghiên cứu này (thay đổi ước vọng có thể làm tăng hoặc giảm mức độ thỏa mãn về cuộc đời của chúng ta) cho thấy vai trò tối thượng của tâm thức trong việc có hạnh phúc hay không trong cuộc sống. Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích:"Mặc dù có thể đạt được, Hạnh Phúc không phải là một chuyện đơn giản". Hạnh phúc có nhiều đẳng cấp, chẳng hạn như trong Phật giáo, người ta thường đề cập đến bốn yếu tố tạo nên hạnh phúc (còn gọi là sự thỏa mãn): sức khỏe, đầy đủ vật chất, tâm linh và sự giác ngộ. Các điều kiện này hợp nhau làm thành cái tổng thể hạnh phúc mà chúng ta theo đuổi.

"Hãy tạm thời để sang một bên những khát vọng thuần túy tôn giáo và tâm linh như sự giác ngộ, sự toàn thiện... mà chỉ đề cập đến sự vui sướng, hạnh phúc trong đời sống hàng ngày theo quan niệm vật chất. Trong khuôn khổ này, thông thường chúng ta thấy có những yếu tố căn bản tạo nên hạnh phúc. Sức khỏe chẳng hạn được xem là một trong những yếu tố quyết định, hoặc của cải vật chất mà chúng ta tích lũy được. Bạn bè cũng là một yếu tố cần thiết cho hạnh phúc vì ai cũng biết rằng bạn bè là những người mình có thể tin tưởng, tâm sự hoặc nương tựa khi cần đến. Vậy thì tất cả những yếu tố này đều rất cần thiết để đạt được hạnh phúc, nhưng để sử dụng chúng một cách triệt để vào mục tiêu xây dựng một cuộc sống hạnh phúc, mỗi cá nhân đều phải biết rằng cái tâm của chúng ta là điều kiện căn bản.

"Sử dụng những yếu tố nói trên một cách khôn ngoan và tích cực như dùng của cải, sức khỏe của mình để giúp đỡ người khác chẳng hạn sẽ làm cuộc sống của bạn vui vẻ hơn. Ngược lại, những điều kiện này chỉ có ảnh hưởng rất ít vào cuộc sống con người nếu không được hỗ trợ bởi một tình trạng tâm lý thích đáng. Thí dụ như trong lòng cứ nuôi dưỡng những hận thù, sức khỏe của bạn sẽ không thể nào tốt đẹp được hoặc nếu tâm tư bạn không vui vẻ thì tiền bạc có giúp ích gì? Nói cách khác, nếu tâm trí thảnh thơi thì dù không mấy dư giả, bạn cũng cảm thấy khoan khoái yêu đời hay ngược lại trong lòng đầy sự thù hận ganh ghét thì của cải vật chất không có nghĩa gì cả. Trong thế giới ngày nay, nhiều quốc gia phát triển mạnh về vật chất nhưng dân chúng không được hạnh phúc. Bên dưới lớp vỏ hào nhoáng của vật chất là những tâm lý bất ổn định đưa đến tình trạng bực bội, tranh cãi không cần thiết khiến người ta tìm quên trong men rượu, ma túy và tệ hơn nữa là hủy hoại đời sống. Do vậy, tiền bạc không phải là những đảm bảo cho một đời sống hạnh phúc. Tình bạn cũng không giúp đỡ được gì trong lúc bạn đang bị căng thẳng hay giận dữ, sự hiện diện của họ trong lúc này nhiều khi khiến bạn đối xử một cách lạnh nhạt và không thân thiện. Tất cả những điều vừa được đề cập ở trên cho thấy ảnh hưởng to lớn của yếu tố tinh thần trong đời sống thường nhật. Cho nên chúng ta phải xử lý một cách thích đáng yếu tố này. Không nói chi đến những chuyện cao xa, ngay trong cuộc sống hàng ngày, tâm trí càng được yên tĩnh thanh nhàn thì đời sống càng trở nên thích thú hạnh phúc".

Đức Đạt Lai Lạt Ma ngừng lại một phút như để cho những ý tưởng đó thấm vào trong trí óc tôi rồi Ngài tiếp:"Tôi cũng nên nói thêm rằng khi đề cập đến tình trạng tâm trí yên tĩnh (an tâm), chúng ta không nên nhầm với tình trạng vô cảm xúc, thờ ơ. Tâm tư an lạc không có nghĩa là trống rỗng vắng lặng mà an lạc thật ra xuất phát từ lòng thương yêu, từ ái với một mức độ cảm xúc cao. Tóm lại, nếu thiếu những nguyên tắc nội tại đem lại sự an lạc trong tâm hồn thì những điều kiện bên ngoài không thể nào đem lại hạnh phúc cho bạn hay nói cách khác, nếu tâm được an thì dù có thiếu hụt những điều kiện (vật chất) bên ngoài, bạn vẫn có được một cuộc sống hạnh phúc, vui vẻ.

THỎA MÃN NỘI TẠI

Vào một buổi chiều, trong lúc đi bộ ngang qua khu đậu xe để gặp đức Đạt Lai Lạt Ma, tôi thấy một chiếc Toyota Land Cruiser mới tinh. Tôi ngừng lại và ngắm nghía chiếc xe mà tôi vốn ưa thích và mong có ngày được làm chủ. Sau đó, lúc bắt đầu buổi đàm luận, tôi hỏi:"Đôi khi người ta có cảm tưởng là toàn bộ nền văn minh Tây phương đặt trên nền tảng chiếm hữu vật chất, chúng ta bị vây bủa bởi những quảng cáo về các sản phẩm mới và không dễ gì không bị ảnh hưởng. Chúng ta muốn quá nhiều thứ và những ước muốn này không hề ngừng nghỉ. Xin Ngài nói sơ qua về lòng ham muốn".

Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời:"Tôi nghĩ rằng có hai loại ham muốn. Có những ham muốn có tính cách tích cực như hạnh phúc, ước vọng hòa bình, mong cho thế giới này được hòa hợp, thân hữu hơn chẳng hạn. Những ham muốn này rất hữu ích. Nhưng đồng thời lòng ham muốn thường đi quá giới hạn và dẫn đến rắc rối. Chẳng hạn như đôi khi tôi đi mua sắm ở các siêu thị. Tôi thích đi thăm các siêu thị vì tôi được nhìn thấy nhiều thứ tốt đẹp ở đây. Khi nhìn thấy những sản phẩm khác nhau tôi nảy sinh ra cảm giác:"Ồ, tôi thích cái này, tôi muốn cái kia". Nhưng rồi ý nghĩ kế tiếp hiện ra:"À, có thật là tôi cần những thứ này không?" câu trả lời thường là không. Nếu cứ dễ dàng buông thả theo những ý nghĩ đầu tiên thì không mấy chốc mà bạn cạn túi. Nói vậy nhưng các ước muốn về những nhu cầu căn bản của đời sống như quần áo, nhà cửa, thực phẩm... là những ước muốn thích đáng."Đôi khi một ham muốn trở nên quá đáng hay tiêu cực là do hoàn cảnh xã hội chung quanh. Giả sử như sống trong một xã hội sung túc (ở Tây phương) và cuộc sống cần phải có một chiếc xe thì mong ước một chiếc xe hơi không có gì sai quấy nhưng nếu sống trong một thôn xóm nghèo nàn ở Ấn Độ, ở đó chiếc xe hoàn toàn không cần thiết thì mong muốn có một chiếc xe hơi (dù bạn có đủ tiền) có thể đem lại phiền toái.

Ước muốn này là nguyên nhân tạo ra những ganh tỵ từ những người chung quanh hoặc ngay cả trong xã hội sung túc, nếu bạn cứ mong muốn ngày càng có xe"xịn" hơn thì hậu quả cũng tương tự".

Tôi cãi lại :

"Nhưng tôi không thấy rằng tậu một chiếc xe mắc tiền hơn sẽ khiến người ta gặp hệ lụy miễn là người ấy đủ tiền. Nếu chiếc xe của tôi mắc tiền hơn xe của ông hàng xóm thì chính ông ấy mới là người ganh tỵ chứ còn tôi thì tôi nghĩ là tôi sẽ thỏa mãn và thích thú hơn".

Đức Đạt Lai Lạt Ma lắc đầu và trả lời một cách chắc chắn :

"Không đúng. Tự thỏa mãn không thể là điều kiện xác định một hành động tích cực hay tiêu cực. Một kẻ sát nhân có thể thỏa mãn lúc giết người nhưng sự thỏa mãn đó không phải là điều kiện bào chữa cho việc giết người. Tất cả những hành động bất thiện như nói láo, ăn cắp, ngoại tình.... đều có thể được thực hiện lúc người ta có một cảm giác thỏa mãn về việc đó. Ranh giới giữa tiêu cực và tích cực của một hành động không phải là sự thỏa mãn lúc người ta thực hiện hành động đó nhưng là hậu quả về sau của hành động này. Trong trường hợp một người muốn xe của mình càng mắc tiền hơn, người ấy sẽ không bao giờ thỏa mãn được ý muốn đó: anh ta đi ngược lại thực tại vì một lúc nào đó anh ta sẽ đến cái giới hạn của chính mình. Mà dù có đạt được cái giới hạn đó, anh ta sẽ hết hy vọng và trở nên suy thoái, trầm cảm.

"Do vậy, tôi nghĩ rằng ước muốn thái quá thường dẫn đến tham lam, một trạng thái phóng đại ước muốn dựa trên những mong đợi quá đáng và tham lam thường làm người ta bực bội, bất mãn và rất nhiều rắc rối. Khi luận bàn về tham lam, người ta thấy rằng mặc dù tham lam thoát thai từ ý tưởng chiếm hữu, nhưng chiếm hữu không thỏa mãn lòng tham cho nên nó trở nên vô biên, một thứ túi không đáy. Một điều đặc biệt về tham lam là dù động lực của nó là tìm sự thỏa mãn nhưng mỉa mai thay, người ta vẫn không thỏa mãn sau khi đã chiếm hữu được cái mình muốn. Phản đề chân chính nhứt của tham lam là thỏa mãn. Nếu biết đủ là đủ thì dù có chiếm hữu được hay không bạn vẫn thấy đủ"[1].

Vậy thì làm sao để đạt được trạng thái thỏa mãn nội tại? Có hai cách. Cách thứ nhất là chiếm hữu tất cả những gì chúng ta muốn từ tiền bạc, nhà cửa, xe cộ, ngay cả một thân thể tuyệt vời. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói ở trên về cách này là một lúc nào đó chúng ta sẽ gặp chính giới hạn của chúng ta nghĩa là không thể làm hơn được nữa. Cách thứ hai đáng tin cậy hơn là thay vì chiếm hữu cái mình mong muốn thì hãy thụ hưởng cái mình có.

Một đêm nọ, truyền hình chiếu cuộc phỏng vấn tài tử Christopher Reeve (người đóng vai Superman rất được ưa chuộng) sau khi bị té ngựa vào năm 1994 và bị tê liệt toàn thân vì chấn thương cột sống. Khi được hỏi là anh ta đã đối đầu với tình trạng bại liệt như thế nào thì Reeve nói rằng anh đã hoàn toàn thất vọng trong thời gian ở trong phòng hồi sinh, tuy nhiên tình trạng này qua đi khá nhanh và anh ta thật lòng cho rằng mình vẫn còn may mắn. Anh nói về ơn huệ của vợ và con anh cũng như cám ơn sự tiến triển vượt bực của y học vì anh cho rằng nếu tai nạn xảy ra sớm hơn ít năm thì có lẽ anh đã chết. Khi nói về tiến trình điều chỉnh cuộc sống cho phù hợp với một thân thể bại liệt, Reeve cho biết rằng trong khi cảm giác tuyệt vọng được vượt qua khá mau lẹ thì anh lại cảm thấy khó chịu, ganh tỵ, đắng cay với những câu nói vô tình của những người khác như"Tôi phải chạy lên lầu lấy món đồ" chẳng hạn. Để đương đầu với cảm giác này, Reeve nói:"Tôi nhận ra rằng cách duy nhất để tiếp tục cuộc sống là tự xét lại bản thân mình, coi mình còn làm được gì và trong trường hợp của tôi, may mắn là đầu óc vẫn còn minh mẫn nên tôi vẫn còn sử dụng được nó". Tập trung vào phần còn lành lặn của thân thể, Reeve đã sử dụng đầu óc anh ta để tăng cường sự quan tâm của quần chúng về bệnh chấn thương cột sống, giúp đỡ người khác và anh còn định viết và làm phim nữa.

GIÁ TRỊ NỘI TẠI

Chúng ta đã thấy rằng hạnh phúc là ở tâm ta chứ không phải những giá trị bên ngoài như tiền bạc, chức tước hay ngay cả sức khỏe. Có một nguồn gốc khác của hạnh phúc rất gần với THỎA MÃN NỘI TẠI, đó là biết được những GIÁ TRỊ NỘI TẠI của mình và đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói về vấn đề này như sau :

"Thí dụ như trong trường hợp của tôi, giả sử như tôi không có những cảm giác sâu sắc về con người, không có khả năng tạo ra bạn tốt thì khi mất nước, khi mất những quyền hạn chính trị ở Tibet, tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi trở thành một người tỵ nạn. Khi còn ở quê nhà, cá nhân tôi cũng như văn phòng của một vị Lạt Ma được sự kính trọng nể vì của quần chúng dù đôi khi chỉ là hình thức. Nhưng nếu coi đó là mối tương quan duy nhất giữa quần chúng đối với tôi thì khi mất nước tôi sẽ vô cùng khó khăn. Nhưng còn một thứ giá trị và phẩm cách khác để liên hệ với loài người: Anh vẫn liên hệ với họ được vì anh vẫn là một con người trong cộng đồng nhân loại. Anh chia xẻ với họ cái vốn chung đó. Cái mẫu số chung đó khiến anh còn giá trị và phẩm cách. Đó là những an ủi tinh thần trong trường hợp anh đã mất tất cả".

Đức Đạt Lai Lạt Ma ngừng lại một lúc để nhấp một ngụm trà. Ngài gật gù nói tiếp:"Điều bất hạnh là anh thấy trong lịch sử có nhiều trường hợp những vua chúa bị tiếm vị phải bỏ xứ và phần sau của câu chuyện không mấy tốt đẹp. Tôi cho rằng không có được cảm giác yêu mến và liên đới đối với những người chung quanh, chúng ta sẽ rất khó sống.

"Nói một cách chung chung, ta có thể chia thành hai loại người khác nhau: Trường hợp thứ nhất, anh có thể là một người thành đạt, giàu có được bà con trọng vọng. Nếu phẩm chất của người đó chỉ dựa trên vật chất thì khi nào còn của cải, người đó còn có được cảm giác yên ổn và khi vật chất mất đi, người đó sẽ không có nơi nương tựa. Trường hợp thứ hai, anh cũng thành đạt, giàu có nhưng đồng thời được yêu mến và có từ tâm với những người chung quanh. Khi của cải mất đi, anh vẫn còn một chỗ nương thân và vẫn còn giữ được phẩm cách. Đó là ý nghĩa thực tiễn của Giá Trị Nội Tại".

HẠNH PHÚC VÀ SUNG SƯỚNG

Mấy tháng sau những cuộc nói chuyện của đức Đạt Lai Lạt Ma ở Arizona, tôi đến thăm Ngài tại nhà riêng ở Dharamsala vào một buổi chiều oi bức và ẩm ướt của tháng bảy. Tôi đến nơi người ướt đẫm mồ hôi vì phải lội bộ từ dưới xóm. Sống ở một xứ có khí hậu khô, tôi gần như không chịu nổi ẩm độ của ngày hôm đó cho nên khi bắt đầu cuộc nói chuyện, tôi không mấy thoải mái. Ngược lại đức Đạt Lai Lạt Ma có vẻ rất phấn chấn. Hôm đó chúng tôi trao đổi quan điểm về ý niệm sung sướng. Vào một thời điểm nào đó trong cuộc nói chuyện, đức Đạt Lai Lạt Ma đã đưa ra một nhận xét rất quan trọng :

"Ngày nay, đôi khi người ta nhầm lẫn hạnh phúc với sự sung sướng. Trước đây không lâu, tôi có nói chuyện với một số thính giả người Ấn Độ tại Rajpur về đề tài hạnh phúc là mục đích của cuộc đời. Một thính giả phát biểu về những giáo điều của Rajneesh cho rằng giây phút hạnh phúc nhất là lúc ân ái. Do đó, qua nhục dục, con người được nhiều hạnh phúc nhất và ông ta muốn biết tôi nghĩ như thế nào về điều đó. Tôi trả lời rằng theo quan niệm của tôi, mức độ cao nhất của hạnh phúc là khi con người đạt đến tình trạng giải thoát nghĩa là không còn đau khổ. Đó là thứ hạnh phúc đích thực, trường cửu và nó liên hệ đến trái tim và khối óc của chúng ta. Hạnh phúc dựa trên vật dục ngược lại không bền, nay còn mai mất". Dĩ nhiên là hạnh phúc và sung sướng là hai thứ khác nhau Điều này có vẻ dễ nhận biết nhưng chúng ta thường lẫn lộn và tôi đã tìm được một thí dụ rất hùng hồn về điều này trong một buổi trị liệu sau cuộc viếng thăm đó.

Heather là một nhân viên cố vấn trong vùng Phoenix. Cô ta còn trẻ và độc thân. Mặc dù thích thú với công việc liên hệ đến giới trẻ phạm pháp, càng ngày cô càng không thích khu vực cô đang ở. Cô thường than phiền về sự gia tăng dân số, giao thông và mùa hè nóng bức. Rồi cô kiếm được một việc làm tại một ngôi làng nhỏ bé và xinh đẹp ở vùng núi. Cô đã đến làng này nhiều lần và luôn luôn mơ ước sẽ được sống ở đó. Thật là tuyệt hảo. Chỉ có một vấn đề là với công việc mới, cô phải giao tiếp với người lớn phạm pháp.

Nhiều tuần trôi qua, Heather không thể nào dứt khoát về chuyện có nên nhận việc mới hay không. Cô viết ra một danh sách về những điều hay và dở của công việc mới nhưng vẫn không ích gì vì hai bên có vẻ bằng nhau. Cô giải thích:"Tôi biết rằng tôi sẽ không thích công việc mới bằng chuyện tôi đang làm, nhưng nội cái ý tưởng được sống ở vùng đó cũng đủ làm tôi sung sướng. Tôi yêu thích vùng đó quá đỗi, chỉ cần được ở đó là đủ; và tôi không chịu nổi cái nắng ở đây. Tôi không biết phải làm sao!" Nghe đến chữ sung sướng mà Heather dùng, tôi chợt nhớ đến buổi nói chuyện với đức Đạt Lai Lạt Ma. Tôi dò xét cô ấy một lúc rồi hỏi:"Việc di chuyển đến vùng đó sẽ làm cô sung sướng hơn hay hạnh phúc hơn?".

Heather ngừng một lúc, có vẻ suy nghĩ. Sau cùng cô đáp :

"Tôi không rõ... tôi nghĩ điều đó sẽ làm tôi sung sướng thỏa mãn chứ không chắc đem lại hạnh phúc cho tôi. Thật ra tôi không nghĩ là tôi sẽ vui thú lắm khi phải giao tiếp với người lớn phạm pháp, và tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi làm việc với những đứa trẻ trong công việc hiện tại".

Chỉ cần vạch rõ chỗ khác nhau giữa hạnh phúc và sung sướng là mọi sự có vẻ rõ ràng hơn và Heather sau đó đã lựa chọn một cách dễ dàng hơn nhiều. Cô quyết định ở lại Phoenix. Cô vẫn than phiền về mùa hè ở đây nhưng sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng và quyết định ở lại, cô ấy trở nên vui vẻ hơn và cái nóng nực cũng có vẻ dễ chịu hơn.

Hàng ngày chúng ta gặp phải vô số quyết định, lựa chọn và thường thì chúng ta lựa chọn những điều"tốt cho chúng ta" mặc dù sự lựa chọn đúng đắn trong nhiều trường hợp phải kèm theo những hy sinh khác. Qua nhiều thập kỷ, đàn ông cũng như đàn bà đã rất vất vả trong việc định nghĩa vai trò của sự sung sướng trong đời sống của họ.

Hàng quân đoàn các triết gia, thần học, tâm lý gia đều tìm tòi về mối liên hệ giữa chúng ta và sự sung sướng. Vào thế kỷ thứ ba trước công nguyên, Epicurus đã cho rằng"sự sung sướng là khởi điểm nhưng cũng là tận cùng của đời sống ân phước" và mặc dù chấp nhận vai trò quan trọng của sự sung sướng, chính ông cũng công nhận rằng nếu không kềm hãm, sung sướng sẽ dẫn đến đau khổ. 

Vào những năm cuối của thế kỷ 19, Triết gia Sigmund Freud đã đưa ra những lập luận riêng của ông về sự sung sướng. Ông cho rằng động lực chính thúc đẩy tất cả những hoạt động tinh thần là ước vọng giải thoát các ẩn ức sinh lý. Đến thế kỷ 20, những nhà nghiên cứu đã nhìn vấn đề với ý niệm triết học nhiều hơn và các nhà giải phẫu thần kinh đã cắm các điện cực vào các trung khu thần kinh để tìm kiếm những điểm gây ra sự sung sướng khi bị điện kích thích. Không ai cần đến triết gia, phân tích gia hoặc khoa học gia giúp chúng ta biết thế nào là sung sướng. Chúng ta biết khi có cảm giác sung sướng. Chúng ta biết được qua nụ cười của những người thân yêu, qua cái bồn tắm thật nóng vào một buổi tối giá lạnh hay vẻ đẹp của buổi hoàng hôn - nhưng đồng thời, nhiều người cũng biết đến nỗi thống khoái do ma túy, rượu chè, nhục dục và cờ bạc đem lại. Đây là những sung sướng rất thực nên nhiều người bị nó sai sử dẫn dắt.

Mặc dù không dễ gì tránh những sung sướng tiêu cực này, may mắn thay, chúng ta cũng có một chỗ để bắt đầu: luôn luôn nhớ rằng cuộc sống của chúng ta là để tìm kiếm hạnh phúc và như đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói, đây là một sự thực không thể nhầm lẫn được. Giữ vững ý tưởng đó, chúng ta sẽ dễ từ chối những sa ngã và ngay cả những sung sướng tạm bợ. Cái lý do khiến chúng ta khó nói"không" vì chữ không thường liên hệ đến những ý tưởng chối bỏ, loại ra ngoài - nhưng có một cách hay hơn, đó là tự hỏi chúng ta:"Liệu chuyện đó có mang lại cho ta hạnh phúc?". Câu hỏi đơn sơ này là phương tiện hữu hiệu để chúng ta điều hướng đời sống chứ không riêng gì những chuyện nhỏ nhặt. Đối diện với những quyết định và lựa chọn hàng ngày, câu hỏi này có thể thay đổi quan điểm cuộc sống: thay vì chối bỏ, chúng ta trở thành tìm kiếm (chân hạnh phúc). Ngoài ra, như đức Đạt Lai Lạt Ma nói, hạnh phúc cũng tùy vào sự ổn định và kiên trì vì có vậy mới không bị ảnh hưởng bởi những thăng trầm, buồn vui của cuộc sống. Với những viễn tượng này, chúng ta dễ làm những quyết định đúng đắn hơn vì chúng ta đã hành động trên căn bản cho ra thay vì chiếm giữ, một thái độ mời đón thay vì xua đuổi và từ đó gây ra những hậu quả sâu sắc: chúng ta trở nên dễ chấp nhận hơn, cởi mở hơn đối với cuộc đời.

Chương 3

HUẤN LUYỆN TÂM THỨC ĐỂ ĐÓN NHẬN HẠNH PHÚC

ĐƯỜNG VỀ HẠNH PHÚC

Nhận thức được rằng Tâm là nguyên nhân quan trọng nhất của hạnh phúc, dĩ nhiên không có nghĩa là từ bỏ những nhu cầu vật chất căn bản như cơm áo nhà cửa. Nhưng khi những nhu cầu này đã được thỏa mãn thì chúng ta nên biết rõ rằng: Chúng ta không cần thêm tiền bạc, không cần phải thành công và danh tiếng hơn, không cần phải có một thân thể tuyệt mỹ hay một người bạn tri âm. Ngay bây giờ, ngay chính giờ phút này, chúng ta có một cái TÂM và nó là tất cả những phương tiện chúng ta cần có để đạt được Hạnh Phúc. Đức Đạt Lai Lạt Ma nói về tâm như sau:

"Tâm hay tâm thức có nhiều dạng. Cũng giống như những điều kiện và đối tượng bên ngoài, có thứ hữu dụng, có thứ tác hại và có thứ trung tính. Khi đối diện với những điều kiện bên ngoài này, chúng ta phải nhận diện cái nào xấu, cái nào tốt. Tốt thì giữ lại để xài, xấu thì vứt bỏ. Tâm hay ý thức của chúng ta cũng có hàng ngàn dạng thức khác nhau và chúng ta cũng phải nhận diện để giữ lại những ý thức tích cực, tốt đẹp và cố gắng giảm bớt những ý thức tiêu cực, bất thiện".

"Vậy thì, bước đầu tiên đi tìm hạnh phúc là học tập". Trước nhất, phải biết tại sao những cảm xúc hoặc hành vi xấu/có hại và những hành vi tốt/có lợi cho chúng ta. Rồi phải tìm hiểu tại sao những hành vi xấu không chỉ có hại cho cá nhân chúng ta, mà cả đến xã hội, cộng đồng và tương lai của cả thế giới. Hiểu được như vậy chúng ta mới đủ quyết tâm để trực diện mà khắc phục chúng. Bên cạnh đó là phải nhận thức được những lợi dưỡng do những hành vi tốt đem lại để từ đó cũng tạo một quyết tâm nuôi dưỡng, phát triển chúng bất chấp những khó khăn. Đây là một việc làm song đôi, hai việc một lúc. Trong tiến trình phân biệt những cảm xúc và hành vi tốt hoặc xấu, chúng ta dần dà phát triển cái quyết tâm thay đổi cách thế cảm nhận của chúng ta và thế là chúng ta đã có trong tay cái bí quyết của hạnh phúc.

"Trong Phật giáo, tương quan nhân quả được coi là một định luật tự nhiên và nó được áp dụng vào thực tại cuộc đời. Trong cuộc sống hàng ngày, cách tốt nhất để ngăn chận những điều mình không thích là làm cho cái căn nguyên của những điều đó không phát sinh được. Tương tự như vậy, đối với những điều mình thích thì đương nhiên là phải vun trồng, bồi đắp cái nguyên ủy của nó. Đối với tâm thức cũng vậy. Muốn được hạnh phúc hay muốn tránh đau khổ, chúng ta cũng phải tìm đến cội nguồn của chúng để phát triển hoặc ngăn chận. Quan hệ nhân quả phải được thấu triệt một cách cẩn trọng.

"Chúng ta đã nói đến vai trò tối thượng của tâm thức đối với hạnh phúc cho nên công tác tiếp theo là khảo sát các hình thái khác nhau của tâm thức mà chúng ta thường cảm nhận được. Chúng ta phải phân biệt một cách rõ ràng những hình thái tâm thức này".

Tôi nói:"Xin Ngài cho vài thí dụ cụ thể về những trạng thái khác nhau của ý thức và làm sao để phân loại chúng". Đức Đạt Lai Lạt Ma giảng giải:

"Ví dụ như ghét bỏ, ganh tỵ, giận dữ... là những cảm xúc nguy hại. Chúng ta coi chúng là những cảm xúc tiêu cực vì chúng hủy diệt hạnh phúc. Khi đã ghét bỏ một người nào đó hoặc nếu trong lòng đầy ắp thù hận thì đối với bạn, tha nhân chỉ toàn là thù nghịch. Kết quả của trạng thái này là bạn sợ hãi nhiều hơn, do dự hơn và cảm thấy bất an hơn. Trái lại, những xúc cảm như thương yêu, từ ái thì rất tích cực và hữu ích...."

Tôi ngắt lời:"Tôi muốn biết... như Ngài đã nói là có hàng ngàn loại cảm xúc khác nhau, vậy Ngài có thể định nghĩa thế nào là một người có tâm lý khỏe mạnh, dễ hòa đồng? Tôi nghĩ là chúng ta có thể dùng định nghĩa đó như là một chỉ dẫn để phân biệt những cảm xúc cần được vun trồng hay cần được ngăn chận".

Đức Đạt Lai Lạt Ma cười và Ngài trả lời tôi với vẻ khiêm tốn cố hữu:"Là một tâm lý gia thì anh biết rõ hơn tôi thế nào là một người có tâm lý khỏe mạnh chứ!"

"Nhưng tôi có ý nói đến quan niệm của Ngài".

"Theo tôi thì từ tâm, nồng nhiệt, tốt bụng là người có tâm lý khỏe mạnh. Nếu cứ giữ gìn cảm xúc từ ái, yêu thương, tâm của bạn sẽ rộng mở và qua đó, bạn sẽ truyền đạt rất dễ dàng với tha nhân. Sự nồng ấm thân thiện sẽ tạo ra tính phóng khoáng, chân tình. Bạn sẽ nhận ra rằng tất cả mọi người cũng giống như bạn và do vậy, bạn dễ dàng liên hệ với tất cả mọi người. Tình bằng hữu sẽ nảy sinh và do vậy không cần phải dấu diếm và kết quả là cảm giác sợ hãi, nghi ngại, bất an sẽ tự nhiên tan biến. Nó cũng tạo ra lòng tin đối với người khác: thí dụ như bạn biết một người nào đó có khả năng và bạn biết họ làm được việc mà bạn đang cần đến, nhưng nếu bạn nghĩ rằng người đó không tử tế lắm thì bạn có vẻ nghi ngại và từ đấy, tạo ra một khoảng cách giữa người đó và bạn.

"Do vậy, tôi nghĩ rằng vun bồi những trạng thái tâm lý tích cực như từ ái, yêu thương sẽ khiến người ta có được một tâm lý khỏe mạnh và hạnh phúc".

NGUYÊN TẮC TINH THẦN

Nghe đức Đạt Lai Lạt Ma nói, tôi nhận thấy khuynh hướng đạt đến hạnh phúc của Ngài thật lôi cuốn vì rất thực tế và hợp lý: Nhận diện rồi bồi dưỡng các trạng thái tinh thần tích cực - nhận diện rồi loại bỏ các trạng thái tinh thần tiêu cực. Mặc dù mới nghe qua thì hình thức loại suy này có vẻ khó khăn nhưng tôi như bị hấp dẫn bởi lối lập luận đúng phương pháp của nó. Tôi cũng thích cách phân loại các trạng thái tinh thần của đức Đạt Lai Lạt Ma. Thay vì sử dụng những tiêu chuẩn phê phán có tính cách luân lý như:"Tham lam là tội lỗi","Thù hận là xấu xa", Ngài lại phân biệt những cảm xúc tích cực hay tiêu cực dựa trên căn bản là những cảm xúc này có dẫn chúng ta đến hạnh phúc đích thực hay không.

Tiếp tục cuộc đàm thoại vào buổi chiều hôm sau, tôi hỏi:"Nếu hạnh phúc đơn giản chỉ là chuyện vun xới những cảm xúc tích cực như tâm từ, tâm hỷ... tại sao nhiều người vẫn không vui vẻ, hạnh phúc?".

Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời :

"Muốn đạt được chân hạnh phúc người ta phải thay đổi quan niệm về cuộc đời, cách thế suy nghĩ và đây không phải là chuyện dễ dàng. Nó đòi hỏi chúng ta phải áp dụng nhiều nhân tố từ nhiều cách thế khác nhau. Thí dụ như không nên nghĩ rằng chỉ có một chiếc chìa khóa hay một bí quyết có thể giải quyết được tất cả mọi sự. Như khi chăm sóc cơ thể vật lý của mình, chúng ta cần rất nhiều sinh tố và chất dinh dưỡng chứ không phải chỉ cần vài thứ - cũng vậy, muốn đạt được hạnh phúc, người ta cần rất nhiều phương pháp và cách thế khác nhau. Đồng thời để khắc phục những suy nghĩ tiêu cực, chúng ta cũng không thể chỉ sử dụng một vài phương pháp hành trì. Thay đổi cần thời gian. Ngay cả những thay đổi vật lý cũng vậy, như trường hợp đi từ vùng này đến vùng khác, người ta cần thời gian để làm quen với môi trường mới. Chuyển hóa tâm thức cũng cần nhiều thời gian. Có rất nhiều trạng thái tinh thần tiêu cực mà chúng ta cần ghi nhớ và đề kháng từng điểm một. Chuyện này không phải dễ, nó đòi hỏi chúng ta phải lập đi lập lại nhiều lần những kỹ thuật khác nhau cũng như cần thời gian để chúng ta làm quen với những cách thực tập đó. Đây là một tiến trình học tập.

"Tuy vậy, theo với thời gian người ta cũng tạo được những thay đổi tích cực. Mỗi buổi sáng thức dậy, chúng ta có thể phát huy một động lực rất tích cực bằng cách nghĩ rằng:"Tôi sẽ dùng ngày hôm nay một cách hữu ích hơn, tôi không nên lãng phí ngày hôm nay". Rồi đêm đến trước khi đi ngủ, xét lại những việc đã làm, hãy tự hỏi rằng:"Tôi có dùng ngày hôm nay như tôi dự định không?". Nếu đúng như đã dự định, chúng ta hãy vui thích. Nếu không, hãy hối cãi và tự phê bình. Với những phương pháp như vậy, chúng ta có thể dần dà củng cố tính tích cực của tâm thức.

"Trong trường hợp của riêng tôi, vì là một tu sĩ Phật giáo nên tôi tin vào đạo Phật và qua kinh nghiệm cá nhân, tôi biết rằng thực hành Phật pháp rất tốt cho tôi. Tuy nhiên do thói quen đã huấn tập từ nhiều kiếp, các cảm xúc giận hờn hay tham đắm vẫn nổi lên. Và tôi làm như thế này: Đầu tiên, tôi nghĩ đến giá trị tích cực của sự hành trì, rồi bồi bổ mối quyết tâm, rồi sau cùng là tìm cách thực hiện. Lúc đầu, những hành trì tích cực được thực hiện rất ít nên ảnh hưởng tiêu cực vẫn còn mạnh, nhưng từ từ, sự tăng trưởng của các hành trì tích cực sẽ khiến cho những cảm xúc tiêu cực tự động giảm bớt. Cho nên hành trì CHÁNH PHÁP[2]là một cuộc chiến trường kỳ của nội tâm để thay thế các thói quen tiêu cực đã có từ xưa bằng những quy định mới tích cực hơn.

"Bất luận phương pháp hành trì nào cũng đều giúp ích chúng ta trong việc thay đổi, chuyển hóa bản thân. Có rất nhiều phương cách giúp chúng ta giữ cho tâm được an ổn khi có những biến cố xảy ra làm rối loạn tâm trí. Nếu cứ tập đi tập lại những phương pháp này, chúng ta có thể đạt đến trạng thái mà những rối loạn có thể xảy ra nhưng những ảnh hưởng tiêu cực của chúng chỉ xuất hiện ở bề mặt của tâm thức giống như những gợn sóng lăn tăn trên mặt nước chứ không ảnh hưởng gì đến đáy hồ. Mặc dù không có nhiều kinh nghiệm lắm, tôi cũng thật chứng điều này trong quá trình tu tập. Cho nên đôi khi nhận được những tin tức bi đát, tôi cũng bị bối rối ngay trong lúc đó nhưng rồi cảm giác ấy qua đi khá nhanh. Hoặc những cảm tưởng khó chịu hay giận dữ cũng vậy, thoáng qua rồi thôi chứ không chìm sâu vào tâm thức. KHÔNG HẬN THÙ - Điều này không xảy ra một sớm một chiều mà chỉ có được sau nhiều công lao tu tập".

Dĩ nhiên không phải một sớm một chiều, đức Đạt Lai Lạt Ma đã được huấn luyện tâm thức từ khi Ngài mới 4 tuổi.

Rèn luyện tâm thức một cách có hệ thống là một công tác khả thi do cấu trúc và chức năng của não bộ. Chúng ta ra đời với một bộ óc bao gồm những mẫu mực xúc cảm có tính cách di truyền. Chúng ta đối phó với hoàn cảnh chung quanh bằng những cách thế giúp chúng ta sống còn dựa trên những điều kiện tinh thần và vật chất bẩm sinh. Những điều kiện này được mã hóa (encoded) vào vô số các mô thức được dùng để khởi động các tế bào thần kinh, đặc biệt là các tế bào não bộ sẽ phản ứng khi một biến cố, một kinh nghiệm hay một tư tưởng hiện ra. Nhưng các mô thức khởi động này không tĩnh, mà lại rất dễ thích ứng, dễ thay đổi. Các nhà thần kinh học đã ghi nhận rằng não bộ có thể tạo ra những mẫu mực mới, tổng hợp mới giữa các tế bào thần kinh và chất xúc tác để đáp ứng với những đòi hỏi mới. Nói đúng ra, não bộ của chúng ta rất dễ uốn nắn, luôn luôn thay đổi, tái sắp xếp tùy theo những ý tưởng và những kinh nghiệm mới. Kết quả là chức năng của từng tế bào thần kinh tự thay đổi để cho các tín hiệu di chuyển được dễ dàng hơn. Các khoa học gia gọi đây là tính tạo hình (plasticity) của não bộ. Hai bác sĩ Avi Kami và Leslie Underleider tại National Institute of Mental Health đã làm thí nghiệm như sau: Các đối tượng được yêu cầu làm các động tác đơn giản như nhịp ngón tay chẳng hạn. Phần não bộ liên hệ đến việc điều khiển các động tác này được nối liền với một máy phân hình (MRI scan). Các đối tượng thi hành động tác này trong bốn tuần lễ liên tiếp, càng lâu thì động tác càng nhanh và nhiều hiệu năng hơn. Sau 4 tuần, máy phân hình cho thấy phần não bộ liên hệ trở nên lớn hơn. Điều này có nghĩa là sự lập đi lập lại một động tác làm gia tăng số lượng tế bào thần kinh và làm thay đổi sự nối kết giữa các tế bào này với nhau.

Đặc tính kỳ diệu này của não bộ là điểm căn bản của việc chuyển hóa tâm thức về phương diện vật lý. Bằng cách vận động các tư tưởng cũng như thực hành những phương thức suy nghĩ mới, chúng ta có thể sắp xếp lại các tế bào thần kinh cũng như thay đổi cách làm việc của não bộ. Nó cũng là nền tảng của ý tưởng cho rằng chuyển hóa nội tại bắt đầu bằng sự học tập (nhập liệu mới), thay đổi dần dần các quy trình cũ (các mô thức khởi động thần kinh hiện có) bằng các quy trình mới (tạo các mạch thần kinh mới).

Như thế, huấn luyện tâm thức để đón nhận hạnh phúc là một công tác khả thi.

NGUYÊN TẮC ĐẠO ĐỨC

Trong một buổi đàm đạo khác về việc huấn luyện tâm thức để đón nhận hạnh phúc, đức Đạt Lai Lạt Ma đã vạch rõ :

"Tôi cho rằng những hành vi đạo đức là một đặc tính khác của các nguyên tắc nội tại nhằm dẫn đến một cuộc sống hạnh phúc hơn. Người ta gọi là những nguyên tắc đạo đức. Các bậc đạo sư vĩ đại như đức Phật khuyên nhủ chúng ta hãy làm lành và tránh dữ. Một hành động được coi là lành hay dữ tùy theo trạng thái tâm thức (tạo tác ra hành động này) có hay không có kỷ luật. Người ta cho rằng tâm thức có kỷ luật đưa đến hạnh phúc và tâm thức không có kỷ luật dẫn đến khổ não. Áp dụng kỷ luật này vào trong tâm thức con người là cốt lõi của Phật pháp.

"Khi đề cập đến kỷ luật, tôi muốn nói đến kỷ luật tự giác chứ

không phải thứ kỷ luật được áp đặt bởi người khác, đồng thời tôi cũng muốn nói đến thứ kỷ luật được người ta áp dụng để chiến thắng tình trạng tiêu cực. Một băng đảng có thể cần đến kỷ luật để thành công trong các hoạt động cướp bóc nhưng loại kỷ luật này vô dụng".

Đức Đạt Lai Lạt Ma ngưng lại một lúc như có vẻ suy nghĩ hoặc tập trung tư tưởng. Cũng có thể là Ngài đang tìm một danh từ Anh ngữ thích hợp. Tôi không chắc lắm nhưng về sau, khi suy nghĩ về chuyện này tôi thấy như việc học hỏi và áp dụng kỷ luật có vẻ như không thuận với những mục đích cao quý của chân hạnh phúc, thăng tiến tâm linh hay một sự chuyển hóa toàn thể nội tâm. Theo tôi thì sự chinh phục hạnh phúc phải là một tiến trình tự nguyện và tự phát.

Tôi nêu lên thắc mắc này và nói:"Ngài mô tả những cảm xúc và hành vi tiêu cực là dữ còn các cảm xúc và hành vi tích cực là lành. Sau đó, Ngài cho rằng tâm thức vô kỷ luật thường tạo ra hành vi tiêu cực/dữ, cho nên chúng ta phải học cách luyện tập tâm thức để gia tăng các hành vi tích cực/lành. Nhưng điều làm tôi băn khoăn là theo như Ngài định nghĩa thì những hành vi tiêu cực/dữ là những hành vi dẫn đến khổ não, còn những hành vi tích cực/lành thì đưa đến hạnh phúc. Ngài cũng đưa ra một tiền đề là tất cả chúng sinh đều muốn được hạnh phúc và tránh xa khổ não và ước muốn này là một yếu tố bẩm sinh chứ không phải do luyện tập. Câu hỏi được đặt ra là: Nếu bẩm sinh chúng ta không muốn khổ não thì tại sao con người không tự động thoái thác những hành vi tiêu cực/ dữ trong lúc ngày càng khôn lớn. Cũng thế, nếu bẩm sinh chúng ta muốn hạnh phúc thì tại sao con người không tự động đến gần những hành vi tích cực/lành khi ngày càng có nhiều kinh nghiệm? Tôi muốn nói rằng nếu làm lành dẫn đến hạnh phúc và con người muốn được hạnh phúc thì con người phải tự nhiên làm lành (làm một cách tự phát, vô thức) chứ tại sao chúng ta lại phải cần đến giáo dục, huấn luyện và kỷ luật để làm lành?".

Đức Đạt Lai Lạt Ma lắc đầu và đáp:"Trong cuộc sống hàng ngày và nói theo thói thường thì giáo dục là yếu tố quan hệ để có được một cuộc sống thành đạt và sung sướng. Nhưng kiến thức thì không phải tự nhiên mà có - chúng ta phải kinh qua một quá trình học hỏi có hệ thống. Tuy biết rằng tiến trình huấn luyện này rất khó khăn (nếu không thì các em học sinh đã chẳng mong đợi các dịp nghỉ hè một cách quá đáng!) nhưng chúng ta cũng vẫn phải cần đến nó để đạt đến một đời sống thành đạt và sung sướng.

"Cũng thế, làm lành không tự nhiên mà có, chúng ta phải tự huấn luyện để làm lành. Điều này càng cần thiết hơn trong các xã hội tân tiến vì khuynh hướng cho rằng thiện và bất thiện là một vấn đề thuộc phạm vi tín ngưỡng. Con người vẫn thường nghĩ rằng tôn giáo có trách nhiệm trong việc định nghĩa thế nào là thiện và thế nào là bất thiện - nhưng ngày nay, tôn giáo đã mất nhiều thanh thế và ảnh hưởng trong khi không có những nguyên tắc đạo đức thế tục để thay thế, cho nên người ta ngày càng ít để ý đến việc sống một cuộc đời đạo hạnh. Do vậy mà tôi nghĩ rằng con người cần phải cố gắng đặc biệt để có một kiến thức đúng đắn về vấn đề này.

"Như tôi chẳng hạn, tôi vẫn cho rằng tự tính của con người là thân thiện và từ ái - nhưng tự tính này không đủ mạnh (để thúc đẩy con người sống thân thiện và từ ái) nên chúng ta phải phát triển tự tính này; và bằng cách thay đổi nhận thức về chính chúng ta qua học hỏi và cảm thông, chúng ta có thể tạo được một ảnh hưởng to lớn trong mối tương giao với tha nhân cũng như trong đời sống thường nhật của mọi người".

Tôi vẫn ngoan cố cãi lại:"Ngài nói đến điểm tương đồng giữa giáo dục thuần túy và huấn luyện - Tôi đồng ý - Nhưng Ngài còn nói về những hành vi mà Ngài gọi là lành dẫn đến hạnh phúc và dữ dẫn đến khổ não. Tại sao chúng ta phải học hỏi khó nhọc mới nhận biết được hành vi nào là lành và hành vi nào là dữ, cũng như phải khổ công luyện tập mới thực hiện được những hành vi tích cực và tránh những hành vi tiêu cực? Nói cho dễ hiểu hơn, nếu đưa tay vào lửa Ngài sẽ bị phỏng. Ngài rút tay lại và biết rằng hành động đưa tay vào lửa sẽ làm Ngài đau đớn. Ngài không cần phải học hành hay luyện tập gian khổ mới biết rằng không nên đưa tay vào lửa một lần nữa.

"Do đó, tại sao tất cả những hành vi hay cảm xúc dẫn đến đau khổ lại không được dễ dàng nhận diện như đưa tay vào lửa? Thí dụ như Ngài cho rằng giận dữ và thù hận rõ ràng là những cảm xúc tiêu cực dẫn đến khổ não, nhưng tại sao con người lại phải cần đến giáo dục mới biết được những tác hại của chúng mà tránh xa? Vì giận dữ và thù hận khiến người ta cảm thấy khó chịu, không thoải mái, vậy tại sao người ta không tự nhiên tránh xa chúng trong tương lai?"

Đức Đạt Lai Lạt Ma nghe tôi nói một cách chăm chú với đôi mắt mở rộng và Ngài có vẻ ngạc nhiên về câu hỏi quá khờ khạo của tôi. Ngài bật cười với vẻ thân thiện và nói:"Khi nói đến kiến thức để giải phóng hay giải quyết một vấn đề, anh nên hiểu rằng kiến thức có nhiều mức độ khác nhau. Thí dụ như vào thời đại đồ đá, con người không biết nấu nướng thức ăn nhưng vẫn phải ăn vì nhu cầu sinh học, cho nên họ ăn như những động vật hoang dã. Đến lúc nhân loại tiến hóa, con người biết nấu nướng thức ăn, rồi lại biết thêm gia vị cho hợp khẩu, sau đó lại biết cách làm thành nhiều món khác nhau. Ngày nay nếu chúng ta bị một chứng bịnh và biết rằng một số thức ăn nào đó không tốt cho cơ thể thì chúng ta tránh không dùng đến, mặc dù có thể vẫn thèm ăn những món này. Vậy thì, rõ ràng là sự hiểu biết của con người càng tinh tế thì chúng ta sẽ đối đầu với thế giới chung quanh một cách hữu hiệu hơn.

Anh cũng cần đến khả năng phán đoán những hệ quả đoản kỳ và trường kỳ của những hành vi của mình và cân nhắc chúng một cách kỹ lưỡng. Thí dụ như khắc phục sự giận dữ. Súc vật có thể có cảm giác giận dữ nhưng chúng không thể hiểu được rằng cảm xúc này là tác hại. Con người chúng ta ở một mức độ khác hơn vì chúng ta có khả năng tự nhận thức, nghĩa là chúng ta có thể tự quan sát mình khi cảm giác giận dữ dâng lên, đồng thời biết rằng cảm giác này làm tổn hại chúng ta - Đó là khả năng suy luận - Cho nên không đơn giản như việc đưa tay vào lửa, bị phỏng, rồi biết rằng không nên làm như vậy nữa trong tương lai. Mức độ giáo dục và kiến thức càng tinh tế trong việc nhận thức đâu là lành và đâu là dữ càng khiến cho anh chứng đắc hạnh phúc một cách hữu hiệu hơn. Do vậy mà tôi nói rằng giáo dục và kiến thức rất quan trọng".

Nhận thấy tôi vẫn chưa hoàn toàn đồng ý với quan niệm cho rằng giáo dục là phương cách duy nhất để chuyển hóa nội tại, đức Đạt Lai Lạt Ma nói tiếp :

"Xã hội đương thời của chúng ta có một vấn đề, đó là chúng ta có khuynh hướng cho rằng giáo dục chỉ có mục đích làm cho con người thông thái hơn và mưu lược hơn. Đến nỗi đôi khi có vẻ như là những người không có học vấn cao, không tinh tế lắm lại là những người ngay thẳng, chân thật hơn. Tuy vậy, xã hội của chúng ta cũng không nhấn mạnh lắm về điểm này. Ứng dụng quan yếu nhất của giáo dục và kiến thức là giúp chúng ta thấu hiểu được tầm quan trọng của việc HÀNH THIỆN cũng như áp dụng kỷ luật vào tâm thức - Ứng dụng thích đáng nhất của kiến thức và thông minh là tạo ra những thay đổi bên trong để phát huy một tâm hồn cao thượng.

Chương 4

HỒI PHỤC HẠNH PHÚC BẨM SINH

BẢN CHẤT CĂN ĐỂ CỦA CHÚNG TA

"Nào, chúng ta được sinh ra để tìm kiếm hạnh phúc. Và rõ ràng là yêu thương, trìu mến, gần gũi và từ ái là những cảm xúc mang lại hạnh phúc. Tôi tin rằng mọi người trong chúng ta đều có bản chất vui vẻ, có khả năng đạt được trạng thái từ ái trong tâm hồn để từ đó được hạnh phúc. Thật ra, một trong những niềm tin cố hữu của tôi là con người không phải chỉ thừa hưởng được lòng tự ái mà thật ra, cái bản chất căn để của con người là hòa nhã dịu dàng".

Tôi hỏi:"Ngài căn cứ vào đâu mà cho như vậy?" đức Đạt Lai Lạt Ma đáp:

"Trong Phật giáo, Phật tínhlà tín lý cho rằng bản chất của tất cả chúng sinh hữu tình (động vật có cảm xúc) là hòa nhã chứ không phải hung hãn [3]. Nhưng người ta có thể chấp nhận quan điểm này mà không cần phải viện dẫn đến Phật tính của nhà Phật. Niềm tin này của tôi còn dựa trên một nền tảng khác: Tôi cho rằng thương yêu và từ ái là những nhân tố không thể thiếu được trong đời sống hàng ngày của con người chứ không phải chỉ có tính cách tôn giáo. 

"Trước hết, nếu nhìn vào những tập quán của đời sống từ thuở nhỏ cho đến lúc chết, chúng ta có thể thấy rằng con người được nuôi nấng bằng lòng thương của tha nhân. Bắt đầu từ lúc chào đời, hành động đầu tiên là bú sữa mẹ. Đây là một hành động của lòng yêu thương từ ái. Không có hành động này, chúng ta không tồn tại được. Và cũng rõ ràng là hành động này sẽ không được thỏa mãn nếu không là một sự yêu mến hỗ tương. Về phía đứa trẻ, nếu không có cảm giác yêu thương đối với người cho bú thì đứa trẻ có thể không chịu bú; và về phía người mẹ, nếu không có tình thương đối với đứa bé thì sữa có thể không chảy ra. Đó là sự thật. Đó là cuộc đời.

"Kế đến, cấu trúc vật lý của chúng ta cũng có vẻ phù hợp hơn với những cảm xúc yêu thương và từ ái. Chúng ta có thể thấy những cảm xúc ưu ái, trìu mến làm chúng ta thêm khỏe khoắn, trẻ trung trong khi giận dữ, sợ hãi và thù hận khiến con người xuống tinh thần, không thoải mái. Ai cũng dễ dàng nhìn thấy sự trìu mến làm chúng ta thích thú hơn như khi những người chung quanh tỏ thái độ ưu ái, nồng nhiệt đối với mình. Những cảm xúc hòa nhã này và những hành vi tích cực đi kèm đưa đến một cuộc sống hạnh phúc hơn trong gia đình cũng như ngoài xã hội.

"Do đó, tôi nghĩ rằng bản chất căn để của con người là hòa nhã, và nếu đúng như vậy thì rõ ràng là rất thuận lý nếu con người sống một cuộc sống phù hợp với bản chất đó.

Tôi hỏi lại:"Nếu bản chất con người là yêu thương và từ ái thì Ngài giải thích thế nào về những xung đột và các hành vi hung tợn quanh ta?".

Đức Đạt Lai Lạt Ma gật gù một lúc trước khi trả lời:

"Dĩ nhiên là chúng ta không thể bỏ qua sự hiện hữu của những xung đột và căng thẳng, không chỉ riêng trong tâm thức của từng cá nhân, mà đến cả gia đình, xã hội, quốc gia và quốc tế khi chúng ta liên hệ với những người khác. Nhìn riêng ở khía cạnh này, một vài tác giả cho rằng bản chất con người là hung hãn. Những người này căn cứ vào lịch sử nhân loại và cho rằng, so với những động vật có vú khác, loài người hung tợn hơn nhiều. Hoặc họ lập luận rằng từ ái là một phần của tâm thức nhưng hung hãn cũng là một phần khác của tâm thức, và hai phần này tương đương với nhau. Đến đây, đức Đạt Lai Lạt Ma nghiêng người về phía trước, với một giọng chắc nịch và đầy vẻ nghiêm trọng, Ngài nói:"Nhưng tôi vẫn tin tưởng một cách chắc chắn rằng bản chất con người là yêu thương, từ ái và đây là một đặc tính vượt trội. Thù hận, hung hãn, bạo lực cũng có, nhưng tôi cho rằng chúng thuộc hàng thứ yếu, bề mặt và chỉ xuất hiện khi chúng ta nản chí trong cố gắng thực hiện yêu thương và từ ái. Chúng không phải là những căn tính của con người.

"Do đó, dù những hành vi hung tợn có xảy ra, tôi tin rằng những xung đột không phải do bản tính, mà xuất phát từ kỹ năng của con người. Một thứ kỹ năng thiếu quân bình, lạm dụng trí thông minh và năng khiếu tưởng tượng. Nhìn vào quá trình tiến hóa của nhân loại và so với những động vật khác, cơ thể vật lý của chúng ta khá yếu đuối, nhưng nhờ vào sự phát triển của trí thông minh, con người có thể sử dụng các công cụ hoặc phát minh các phương pháp để khống chế những điều kiện bất thuận lợi của thiên nhiên. Đến lúc xã hội con người và điều kiện môi sinh trở nên phức tạp, kỹ năng và nhận thức của chúng ta phải thiện xảo hơn mới đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng nhiều của đời sống. Như thế, bản chất con người là hòa nhã trong khi kỹ năng chỉ được phát triển về sau - và nếu kỹ năng này phát triển không quân bình, không được hướng dẫn bởi lòng từ ái, nó có thể dẫn đến tai họa, đổ nát.

"Nhưng điều quan trọng cần phải để ý là những xung đột gây ra bởi sự lạm dụng trí thông minh của con người nhưng con người cũng có thể sử dụng trí thông minh đó để chế ngự những xung đột. Trí thông minh phối hợp với từ ái và thiện tâm là đầu mối của hợp tác, xây dựng. Kiến thức, giáo dục và từ tâm phối hợp với nhau sẽ khiến chúng ta tôn trọng quan điểm và quyền lợi người khác và đây là căn bản của tinh thần hòa hợp, hòa giải được dùng để giải quyết những xung đột cũng như chế ngự những cảm xúc hung dữ".

Đức Đạt Lai Lạt Ma nhìn đồng hồ rồi kết luận:"Do vậy, mặc dù trải qua nhiều xung khắc và bạo lực, tôi nghĩ rằng giải pháp tối hảo để giải quyết những hành động này ở nội tâm cũng như ngoại cảnh là trở về với căn tính hòa nhã và từ ái của con người". Ngài lại nhìn đồng hồ rồi mỉm cười:"Chúng ta nên ngừng ở đây vậy, hôm nay mình bàn thảo cũng khá nhiều rồi".

NGHI VẤN VỀ BẢN CHẤT NHÂN LOẠI

Qua nhiều thập kỷ, quan điểm của đức Đạt Lai Lạt Ma về chân tính hòa nhã và từ ái của con người dần dà được chấp nhận ở Tây phương mặc dù không đơn giản. Ý niệm cho rằng bản chất con người là vị kỷ đã ăn sâu vào tâm não nhân loại từ quá khứ lâu xa cũng như đã ảnh hưởng đến nền văn hóa Tây phương từ nhiều thế kỷ. Dĩ nhiên là cũng có nhiều người chống lại quan niệm này như trường hợp của David Hume vào giữa thế kỷ thứ 18. David đã viết khá nhiều về tính nhân ái của con người. Rồi đến Charles Darwin vào thế kỷ 19 cũng chấp nhận"bản chất cảm thông" của nhân loại. Nhưng tổng quát mà xét thì những ý tưởng bi quan về nhân tính đã có gốc rễ thâm sâu trong văn hóa nhân loại, ít nhất là từ thế kỷ thứ 17, do ảnh hưởng của các triết gia như Thomas Hobbes với những tư tưởng khá ảm đạm về con người. Hobbes cho rằng con người thích bạo lực, tranh chấp, thường xuyên xung đột và chỉ nghĩ đến mình. Ông bác bỏ quan điểm cho rằng con người"nhân chi sơ tính bản thiện". Một hôm, người ta bắt gặp ông đang bố thí cho một hành khất và bị gạn hỏi về hành động này. Hobbes trả lời:"Tôi cho tiền không phải để giúp đỡ người hành khất mà là để cho tôi thoát khỏi cảm giác phiền não khi chứng kiến sự khốn khó của ông ta".

Trường hợp tương tự là triết gia Tây Ban Nha George Santayana vào đầu thế kỷ 20. Ông này cho rằng tính rộng lượng, quan tâm đến người khác của con người tuy có thật nhưng rất mờ nhạt, thoáng qua chứ không vững bền trong bản chất con người."Chỉ cần xới lên một lớp mỏng, anh sẽ thấy một con người tàn bạo, cố chấp và vô cùng ích kỷ". Điều bất hạnh là khoa học và tâm lý Tây phương đã giữ chặt lấy thành kiến này rồi chuẩn nhận, ngay cả khuyến khích quan niệm ích kỷ. Trong thời kỳ đầu của khoa tâm lý hiện đại, người ta cũng tin tưởng vào những giả định như vậy.

Sau khi chấp nhận một cách dễ dàng ý tưởng vị kỷ, một số các khoa học gia nổi tiếng trong vài trăm năm qua đã nói thêm về bản chất hung bạo của con người. Freud cho rằng:"Thiên hướng hung hãn (của con người) là một tính khí có từ nguyên thủy, tự tồn và thụ bẩm". Trong phần sau của thế kỷ thứ 20, hai tác giả khác là Robert Ardrey và Konrad Lorenz sau khi nghiên cứu những mẫu mực hành động của một số dã thú (các động vật sống bằng cách giết và ăn thịt những loài khác) đã kết luận rằng con người cũng vậy: luôn luôn bị dẫn dắt bởi thiên hướng chiếm hữu đất đai.

Tuy nhiên trong những năm gần đây, một trào lưu tư tưởng mới đã nổi lên phản kháng lại những ý niệm bi quan về con người. Trào lưu này rất gần với quan điểm của đức Đạt Lai Lạt Ma về chân tính hòa nhã và từ ái của nhân loại. Trong hai hay ba thập kỷ vừa qua, hàng trăm cuộc khảo sát khoa học đã chứng tỏ rằng hung hãn không phải là căn tính của con người và bạo lực là do ảnh hưởng của các dữ kiện sinh học, xã hội, hoàn cảnh và môi sinh. Bảng báo cáo Seville Statement on Violence được đúc kết vào năm 1986 sau những công trình nghiên cứu hiện đại nhất, được sự góp mặt và đồng ký tên của 20 khoa học gia hàng đầu thế giới, có lẽ là công trình quy mô và hàm xúc nhất. Trong bảng báo cáo này, người ta không loại bỏ sự hiện diện của những hành vi bạo lực nhưng nhấn mạnh rằng thật là phản khoa học nếu nói rằng chúng ta có thiên hướng chiến tranh hay hành vi bạo lực. Những hành vi này KHÔNG được lập trình theo tính cách di truyền trong bản chất loài người (that behavior is not genetically programmed into human nature). Người ta nói rằng mặc dù chúng ta có những cơ cấu thần kinh điều khiển các hành động bạo lực nhưng các hành động này không được khởi động một cách tự nhiên. Trong chức năng sinh lý của thần kinh, không có cái gì sai xử chúng ta phải có những hành vi bạo lực. Đa số những nhà nghiên cứu về bản chất con người đều nhìn nhận người ta có tiềm năng trở thành bao dung từ ái hay bạo lực hung hãn, nhưng đều là do huân tập.

Nhiều nghiên cứu gia đương thời đã bác bỏ không chỉ ý tưởng cho rằng con người có căn tính hung hãn, mà ngay cả bản chất ích kỷ cũng bị đả phá. C. Daniel Batson và Nancy Eisenberg thuộc đại học tiểu bang Arizona đã điều nghiên rất nhiều cuộc nghiên cứu trong những năm qua và nhận thấy rằng con người có khuynh hướng thiên về các hành động vị tha. Vài nhà khoa học như bác sĩ xã hội học Linda Wilson đã bỏ công tìm nguyên do của những khám phá này. Bà lập luận rằng lòng vị tha là một phần của bản năng sinh tồn của nhân loại và đây là những ý tưởng hoàn toàn đối nghịch với các tư tưởng gia ngày trước, khi các vị này nói rằng con người có bản tính thù hận, hung hãn. Bác sĩ Wilson đã khảo sát hơn 100 tai họa thiên nhiên và bà đã tìm thấy những khuôn mẫu của lòng vị tha của những nạn nhân đã đóng một vai trò quan trọng như thế nào trong công cuộc hồi phục. Hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau đã khiến các nạn nhân tránh được những khó khăn tâm lý do thiên tai gây ra.

Khuynh hướng hợp tác với tha nhân, làm việc vì lợi ích của người khác cũng như cho chính mình có thể đã có gốc rễ sâu xa trong căn tính nhân loại khi con người cộng tác với nhau để gia tăng cơ hội sinh tồn từ trong lịch sử xa xưa. Bản tính này ngày nay cũng vẫn còn tồn tại. Các cuộc nghiên cứu của tiến sĩ Larry Scherwitz về các nguy cơ dẫn đến bệnh tim mạch đã cho thấy những người tự tập trung (tức là những người hay nói đến chính mình, tôi, của tôi, trong các cuộc phỏng vấn) thường dễ bị bệnh tim mạch dù rằng những hành động có hại đến sức khỏe của họ đã được kiểm soát. Các khoa học gia cũng khám phá ra rằng những người không hội nhập vào đời sống cộng đồng hay có vấn đề về sức khỏe, không hạnh phúc và dễ bị trầm cảm.

Vươn tay ra để giúp đỡ tha nhân có thể là một nhu cầu cơbản của con người giống như truyền đạt vậy. Người ta có thể tìm thấy một sự tương đồng với sự phát triển của ngôn ngữ, khả năng của từ ái, vị tha là một đặc tính tuyệt vời của nhân loại. Có những vùng đặc biệt trong não bộ dành riêng cho năng khiếu ngôn ngữ. Nếu chúng ta có những môi trường thích hợp thì những vùng này sẽ phát triển và trở nên già dặn hơn khiến khả năng ngôn ngữ của chúng ta tiến bộ hơn. Tương tự như vậy, mọi người có thể được trời phú cho"hạt giống từ ái", và nếu gặp hoàn cảnh thuận tiện - trong gia đình, ngoài xã hội, các cố gắng của chính chúng ta - các hạt giống sẽ nảy mầm. Với những ý tưởng đó, các nhà nghiên cứu ngày nay đang cố công tìm kiếm những điều kiện môi sinh tối hảo để giúp trẻ em phát triển lòng từ ái, tính quan tâm. Và người ta đã nhận diện được một số dữ kiện: Trẻ em cần có cha mẹ biết kềm chế những cảm xúc, thích giúp đỡ - biết đặt các giới hạn cho những hành vi của con cái - biết dạy cho con có trách nhiệm về các hành động của mình - hướng dẫn sự chú tâm của con cái về hậu quả của những hành vi của chúng đối với người khác...

Duyệt xét lại những giải thích về bản chất căn để của con người (từ thù hận trở thành giúp đỡ) có thể mở ra một triển vọng mới. Nếu chúng ta bắt đầu bằng giả định về tính tư lợi của con người thì trẻ con là một thí dụ hoàn hảo - Từ lúc sinh ra, trẻ con có vẻ như được lập trình với một điều duy nhất trong trí óc: thỏa mãn những nhu cầu của riêng nó (thực phẩm, các tiện nghi cho cơ thể...). Nhưng nếu ta loại bỏ giả thuyết ích kỷ căn bản đó thì một bức tranh hoàn toàn mới hiện ra. Chúng ta có thể dễ dàng nói rằng đứa bé được sinh ra với một lập trình duy nhất là mang lại sự vui sướng, hân hoan cho người khác. Chỉ cần nhìn ngắm một đứa trẻ sơ sinh khỏe mạnh, chúng ta cũng khó mà chối cãi được bản chất dịu dàng của con người. Và từ lợi điểm này, chúng ta có thể cho rằng khả năng mang lại niềm vui sướng cho kẻ khác là bẩm sinh. Khi mới sinh, một đứa bé chỉ phát triển khứu giác ở mức 5% so với người lớn và vị giác lại còn ít hơn, nhưng các giác quan đã nhắm vào mùi và vị của sữa mẹ. Hành động cho trẻ bú sữa không chỉ cung cấp dưỡng chất cho đứa bé mà đồng thời làm giảm áp lực ở ngực người mẹ. Như vậy, người ta có thể nói rằng đứa bé có một khả năng thiên bẩm là mang lại sự sung sướng cho người mẹ bằng cách làm giảm áp lực ở ngực.

Đứa bé cũng được lập trình về phương diện sinh học để nhận biết và phản ứng với những gương mặt. Khó ai không cảm thấy thật sự hân hoan khi một đứa bé nhìn chăm chú vào mắt mình một cách vô tư kèm theo một nụ cười hớn hở. Các nhà nghiên cứu về hành vi của động vật cho rằng khi đứa bé cười với người chăm sóc nó hay nhìn thẳng vào mắt họ là lúc chúng hành động theo những ấn chứng sinh học, phóng thích những cảm xúc dịu dàng, êm ái trong khi người này cũng đồng thời tuân thủ những sai sử của một bản năng tương tự. Trong tiến trình tìm hiểu về căn tính của nhân loại, người ta ngày càng nhận ra ý tưởng nói rằng một đứa bé lúc ra đời chỉ là một cái máy ăn và ngủ, hoàn toàn ích kỷ đang nhường chỗ cho một quan niệm mới cho rằng đó là một chúng sinh đang đến với thế giới này, với một cơ cấu bẩm sinh là làm cho người khác được hân hoan sung sướng, chỉ đòi hỏi những điều kiện môi sinh thích hợp để những hạt giống từ ái có cơ hội nảy mầm và phát triển.

Khi hiểu được rằng chân tính con người là từ ái chứ không phải hung bạo, mối tương quan của chúng ta với thế giới chung quanh sẽ thay đổi tức thì. Biết rằng tha nhân từ bản chất là khoan dung thay vì ích kỷ sẽ khiến chúng ta yên tâm và tin tưởng. Điều này làm chúng ta được hạnh phúc hơn.

SUY NGẪM VỀ MỤC ĐÍCH CUỘC ĐỜI

Trong khi đức Đạt Lai Lạt Ma ngồi tại sa mạc Arizona để suy nghĩ về bản chất con người, tìm hiểu về tâm thức nhân loại dưới sự khảo sát tỉ mỉ của một khoa học gia, một sự thật đơn giản đã khởi phát và soi rọi qua tất cả các buổi nói chuyện của Ngài : Mục tiêu của cuộc đời là Hạnh Phúc. Ý tưởng đơn giản này có thể là một thứ kim chỉ nam cho đời sống khi chúng ta phải đối diện với những khó khăn hàng ngày. Từ quan niệm đó, công việc của chúng ta là từ bỏ những thứ mang lại khổ não và vun bồi những thứ đưa đến hạnh phúc. Phương pháp mà chúng ta có thể thực tập hàng ngày là dần dần ý thức và chứng nghiệm được rằng cái gì mang lại hạnh phúc và cái gì không.

Khi cuộc sống quá phức tạp và chúng ta như bị chìm đắm, hãy lùi lại một chút và hãy nhớ lại mục tiêu toàn diện của cuộc đời chúng ta. Cũng như khi phải trực diện với cảm giác trì trệ hay rối rắm, hãy nghỉ một giờ, một buổi chiều hay ngay cả vài hôm để soi chiếu lại, xem những gì thật sự làm cho chúng ta được hạnh phúc rồi từ đó, điều chỉnh lại cuộc sống. Sự hồi quan phản tỉnh này giúp chúng ta điều hướng lại cuộc đời, tạo một viễn tượng mới cũng như giúp chúng ta nhận ra hướng đi thích hợp.

Đôi khi chúng ta phải đối đầu với những quyết định hệ trọng có ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc đời - chúng ta quyết định lập gia đình, có con chẳng hạn hay theo đuổi một chương trình học để trở thành luật sư, nghệ sĩ, thợ điện... một quyết định với mục tiêu rõ rệt là làm cho đời sống được thêm hạnh phúc: hãy tìm hiểu kỹ càng rồi mạnh dạn thực hiện. Quay nhìn Hạnh Phúc như là một mục tiêu có thật và quyết định tìm kiếm Hạnh Phúc một cách có ý thức có thể thay đổi sâu xa phần đời còn lại của chúng ta.

Sự hiểu biết của đức Đạt Lai Lạt Ma về những dữ kiện thật sự mang lại hạnh phúc dựa trên sự quan sát tâm thức của chính Ngài trong suốt cuộc đời. Tìm tòi về bản chất và hoàn cảnh sống của nhân loại, Ngài đã dựa vào những khuôn mẫu do Đức Phật đề ra từ 25 thế kỷ trước. Từ bối cảnh này, đức Đạt Lai Lạt Ma đã có được những kết luận chắc chắn rằng hành vi hay tư tưởng nào là xứng đáng. Ngài đã tóm lược những ý tưởng này như sau mà tôi nghĩ là chúng ta có thể dùng để suy nghiệm:

"Đôi khi, gặp lại những người bạn cũ làm tôi nhớ rằng thời gian đã qua mau đến thế nào và tôi tự hỏi không hiểu rằng tôi đã sử dụng đời tôi một cách thích đáng hay không. Sử dụng thời giờ một cách đúng đắn là điều rất quan trọng. Trong khi còn có được thân xác này, đặc biệt là tâm thức kỳ diệu của con người này, tôi nghĩ rằng từng giây từng phút đều quý giá. Sự hiện hữu hàng ngày của chúng ta được sống động là do hy vọng, dù rằng không có gì đảm bảo ở tương lai. Không ai cầm chắc rằng ngày mai, vào giờ này, chúng ta vẫn còn ở đây nhưng ai cũng đều làm việc với lòng hy vọng. Cho nên phải dùng thì giờ bằng cách thức tối hảo, và theo tôi, đó là: Nếu được, bạn hãy phục vụ tha nhân tức là tất cả chúng sinh hữu tình. Nếu không, thì ít nhất, cũng đừng làm tổn hại đến họ. Đó là tất cả triết lý sống của tôi.

"Vậy chúng ta hãy hồi quan phản tỉnh lại những gì là giá trị đích thực của cuộc sống, những gì là có ý nghĩa cho đời ta rồi từ đó, đặt lại thứ tự ưu tiên cho chính mình. Mục đích của cuộc đời phải tích cực. Chúng ta không sinh ra để làm phiền hà, gây thương tổn cho kẻ khác. Để cuộc sống có giá trị, tôi nghĩ rằng chúng ta phải phát huy những truyền thống tốt đẹp của con người như nhiệt tình, từ ái, hòa nhã và từ đó cuộc sống sẽ có ý nghĩa hơn, an lành hơn và hạnh phúc hơn".



[1]Tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc (Người dịch chú thích thêm).

[2]PHÁP - DHARMANghĩa đơn giản nhất là giáo lý do Đức Phật truyền giảng (Phật pháp). Tất cả tam tạng kinh điển - Kinh, Luật, Luận - được gọi chung là Pháp (Giáo pháp).Trong nhà Phật, Pháp được dùng với một ý nghĩa rộng hơn, ý nói tất cả hiện tượng trong vũ trụ do nhân duyên mà sinh hay diệt (Vạn pháp) Chánh pháp hay Phật pháp thường được dùng để nói về những phương pháp thực hành hay tu trì Phật đạo. Trong ngôn ngữ Sanskirt, Dharma theo từ nguyên có nghĩa là giữ gìn, bảo hộ một chúng sinh khỏi bị trầm luân khổ não.

[3]Trong triết học Phật giáo, Phật tính là điểm cơ bản nhất của TÂM. Phật tính có sẵn trong tâm thức của tất cả chúng sinh và không bị hoen ố bởi những cảm xúc hay tư tưởng tiêu cực (vọng niệm).

---o0o---


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]