Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 3: Cồ Đàm

13/05/201311:47(Xem: 9476)
Chương 3: Cồ Đàm
Câu Chuyện Của Dòng Sông


Chương 3: Cồ Đàm

Phùng Khánh & Phùng Thăng
Nguồn: Nguyên tác: Hermann Hesse Việt dịch: Phùng Khánh & Phùng Thăng


Trong thành Thất La, mọi trẻ con đều biết đến đức Phật Đại Giác và mọi nhà sẵn sàng đồ cúng dường sử dụng, để đổ vào bình bát của những đồ đệ Ngài lặng lẽ đi khất thực. Gần thành phố có chỗ ưa thích của đức Cồ Đàm, rừng Lộc Uyển mà thương gia giàu có tên Cấp Cô Độc, một cư sĩ đã tận tuỵ cúng dường Ngài. Hai bạn trẻ khổ hạnh, khi đi tìm chỗ ở của đức Cồ Đàm đã được chỉ đến vùng này; và khi họ đến Thất La lặng lẽ khất thực trước cửa nhà đầu tiên, thức ăn liền được dâng cúng. Họ chia nhau thực phẩm, Tất Đạt hỏi người đàn bà cúng dường:

- Thưa bà, chúng tôi rất muốn biết đức Phật, đấng Giác Ngộ hiện đang ở đâu? Chúng tôi là Sa Môn từ rừng núi xuống và muốn đi gặp đấng Giác Ngộ để nghe những lời dạy từ miệng Ngài thốt ra.

Người đàn bà nói: “Các ngài đã đến đúng chỗ, thưa các vị Sa Môn hạ sơn. Đấng Giác Ngộ hiện đang ở rừng Lộc Uyển. Các ngài có thể ngủ lại ở đấy, hỡi quí vị khất sĩ, vì có đủ chỗ cho rất đông người đến tụ tập để nghe Ngài chỉ giáo”.

Thiện Hữu sung sướng nói: Thế thì chúng ta đã đến đích và hành trình đã xong. Nhưng hỡi bà mẹ quí, bà có biết đức Phật không? Bà có thấy Ngài tận mắt không?

Người đàn bà đáp:

- Tôi đã thấy đức Giác Ngộ nhiều lần rồi chứ. Nhiều hôm tôi thấy Ngài đi qua những đường phố, lặng lẽ khoác áo vàng, và im lặng chìa bát khất thực trước cửa các nhà rồi trở về với bát đầy.

Thiện Hữu lắng nghe thích thú và muốn hỏi nhiều, nghe nhiều nữa, nhưng Tất Đạt nhắc chàng phải đi. Họ cảm tạ rồi ra đi. Bấy giờ thì không phải hỏi đường nữa, vì có một số đồ đệ của đức Cồ Đàm đang trên đường đi đến vườn Lộc Uyển. Khi họ đến đấy vào đêm, còn có nhiều người tiếp tục đến. Nhiều lời nói nổi lên nhao nhao từ những kẻ đến xin chỗ trọ. Hai thầy Sa Môn nhờ quen đời sống núi rừng nên dễ dàng tìm chỗ nghỉ và ở lại cho đến sáng.

Khi mặt trời lên cao họ ngạc nhiên thấy số lượng khổng lồ những tín đồ và kẻ hiếu kỳ đã ngủ qua đêm tại đây. Những thầy tu vận áo vàng đi bách bộ dọc khắp các con đường nhỏ trong khu rừng thâm u. Lác đác đây đó vài vị ngồi dưới bóng cây, mài miệt trầm tư hoặc luận đàm đạo lý. Khu vườn rợp bóng trông như một thành phố đầy ong chen chúc. Phần đông những tu sĩ ra đi với những bát khất thực để xin thức ăn cho buổi trưa, buổi ăn độc nhất trong ngày. Cả đến đức Phật cũng đi khất thực về ban sáng.

Tất Đạt trông thấy Ngài và nhận ra ngay, như thể một vị thần linh nào đã chỉ cho chàng. Chàng thấy Ngài mang bình bát lặng lẽ rời chỗ ở.

- Kìa! Đấy là đức Phật, Tất Đạt khẽ bảo Thiện Hữu. Thiện Hữu chú mục nhìn vị tu sĩ đắp y vàng, một vị tu sĩ khó mà phân biệt được giữa hàng trăm tu sĩ khác, những Thiện Hữu cũng nhận ra. Phải, đấy chính là đức Phật, và họ đi theo chiêm ngưỡng Ngài.

Đức Phật lặng lẽ đi, dáng đăm chiêu suy nghĩ. Nét mặt bình an của Ngài không sung sướng cũng không buồn khổ. Ngài dường như hiền dịu mỉm cười trong tâm với một nụ cười kín đáo không khác nụ cười của một trẻ thơ khoẻ mạnh. Người bước đi bình an, lặng lẽ. Ngài đắp y và đi bộ giống hệt các vị tỳ kheo khác nhưng nét mặt Ngài cùng bước chân Ngài, cái nhìn xuống trầm lặng và đôi tay buông thả, và mỗi ngón tay Ngài đều nói lên một niềm bình thản đầy đặn, không tìm kiếm gì, không học đòi một cái gì, mỗi ngón tay phản chiếu một sự bình lặng liên tục, một ánh sáng không phai mờ, một niềm bình an bất khả tổn thương.

Cứ thế đức Cồ Đàm đi vào thành thị để khất thực, và hai người Sa Môn nhận ra Ngài chỉ nhờ tư thái tuyệt diệu của Ngài, sắc tướng vắng lặng của Ngài trong đó không có sự kiếm tìm, không có hiện diện của ý chí hay sự gắng công - chỉ thuần ánh sáng và niềm bình thản.

- Hôm nay chúng ta sẽ nghe lời dạy từ chính kim khẩu của Ngài, Thiện Hữu bảo.

Tất Đạt không trả lời. Chàng không thiết tha mấy tới những lời chỉ giáo. Chàng không nghĩ chúng sẽ dạy chàng điều gì mới lạ. Chàng cũng như Thiện Hữu, đã nghe những tinh hoa của Phật pháp dù chỉ nghe những lời tường thuật qua hai ba lần kể. Nhưng chàng nhìn chăm chú vào đầu đức Phật, vào vai Ngài, vào chân, vào bàn tay buông thong thả và chàng tưởng như mỗi đốt tay của Ngài đều chứa đựng tri thức, chúng nói lên, thở ra, tuôn phát ra chân lý. Người này, đức Phật này, quả là một người thánh thiện đến từng đầu ngón tay. Chưa bao giờ Tất Đạt thấy kính trọng một người đến thế, chưa bao giờ chàng thương quí một người đến thế.

Buổi chiều, không khí nóng nực đã giảm và mọi người trong trại đã thức dậy tụ họp, họ nghe Phật thuyết pháp. Họ nghe thấy tiếng Ngài, và tiếng ấy cũng thật tuyệt diệu, lặng lẽ và đầy thanh bình. Ngài nói về Khổ, nguồn gốc của Khổ, cách diệt Khổ. Sự sống là khổ đau, thế giới đầy đau thương, song con đường thoát khổ đã tìm ra. Những người theo đường của đức Phật sẽ được sự cứu rỗi. Đấng Giác Ngộ với một giọng dịu dàng nhưng đoan quyết, Ngài dạy về Tứ diệu đế, Bát chánh đạo; và cùng với phương pháp dạy thông thường Ngài kiên nhẫn thêm vào những ví dụ và nhắc lại nhiều lần. Lặng lẽ và rõ ràng, giọng Ngài bay đến những thính giả như một ánh sáng, như một vì sao từ thiên giới.

Khi đức Phật đã chấm dứt - trời đã về đêm – nhiều khách hành hương tiến lên xin được gia nhập vào giáo hội, đức Phật nhận lời và bảo:

- Các ngươi đã nghe những lời của Như Lai. Hãy đi theo ta và đi với niềm an lạc, chấm dứt mọi khổ đau.

Thiện Hữu, con người rụt rè, cũng bước lên nói:

- Tôi cũng muốn xin theo đấng Giác Ngộ và lời chỉ giáo của Ngài.

Chàng xin được nhập vào tăng chúng và liền được chấp thuận.

Khi đức Phật đã lui về nghỉ ban đêm, Thiện Hữu quay lại Tất Đạt và nói với vẻ nồng nhiệt:

- Tất Đạt, tôi không quen chỉ trích anh. Chúng ta đều đã nghe đấng Giác Ngộ. Tôi đã lắng nghe lời dạy và đã chấp thuận những lời ấy, nhưng còn bạn, bạn ơi, bạn lại không đặt chân lên con đường giải thoát hay sao? Bạn còn trì hoãn gì nữa! Còn đợi gì nữa sao?

Khi nghe lời Thiện Hữu, Tất Đạt bừng tỉnh như vừa ngủ dậy. Chàng nhìn vào mặt Thiện Hữu một lúc lâu. Rồi chàng nhẹ nhàng bảo - giọng không còn chế giễu:

- Thiện Hữu, bạn ơi, bạn đã bước chân đi và chọn đường, bạn đã luôn luôn là bạn quí của tôi. Thiện Hữu, bạn đã luôn đi sau tôi một bước. Tôi vẫn thường nghĩ: “Thiện Hữu có bao giờ bước một bước mà không cần đến tôi chăng? Một bước đi từ sự tin tưởng vững vàng của chàng?”. Giờ đây, bạn đã là một người đàn ông và đã chọn con đường riêng của bạn. Ước mong sao bạn sẽ đi đến cùng. Thiện Hữu, ước mong bạn sẽ tìm được giải thoát.

Thiện Hữu vẫn chưa hiểu rõ, lặp lại câu hỏi một cách nóng nảy:

- Nói đi, bạn! Hãy nói rằng bạn cũng sẽ không làm gì khác hơn là nguyện theo gót đức Phật?

Tất Đạt đặt tay lên vai bạn:

- Bạn đã nghe tôi chúc lành cho bạn, hỡi Thiện Hữu. Tôi lặp lại: mong sao cho bạn đi cuộc hành trình cho đến cùng; cho bạn tìm ra giải thoát!

Lúc ấy, Thiện Hữu mới nhận ra rằng bạn chàng đang bỏ chàng. Chàng bắt đầu khóc.

- Ồ Tất Đạt! Thiện Hữu nấc lên.

Tất Đạt dịu dàng bảo:

- Thiện Hữu ơi, đừng quên rằng bây giờ bạn ở vào hàng đệ tử của Phật. Bạn đã khước từ dòng dõi và tài sản, khước từ ý chí riêng, khước từ tình bạn hữu. Đấy là những gì giáo điều giảng dạy, đấy là ý muốn của đấng Giác Ngộ. Đấy cũng là những gì chính lòng bạn muốn. Ngày mai, Thiện Hữu ơi, tôi sẽ rời bạn.

Một lúc lâu, đôi bạn lang thang qua các khu rừng. Họ nằm xuống đất rất lâu nhưng không sao ngủ được. Thiện Hữu gạn hỏi bạn nhiều lần tại sao Tất Đạt không muốn theo lời dạy của đức Phật, chàng đã thấy khuyết điểm gì trong lời dạy ấy, nhưng mỗi lần Tất Đạt đều khoát tay:

- Bạn hãy bình tĩnh, Thiện Hữu. Lời dạy của đấng Giác Ngộ thật chí lý. Làm sao tôi có thể tìm ra khuyết điểm trong ấy?

Sáng sớm, một đồ đệ của đức Phật, một trong những vị tỳ kheo già nhất, đi khắp khu rừng và triệu tập tất cả những đồ đệ mới phát nguyện để khoác cho họ chiếc áo vàng và dặn dò những lời chỉ giáo đầu tiên về phận sự của họ. Khi ấy Thiện Hữu chỉ chạy đến hôn người bạn từ thời thơ ấu và khoác chiếc áo tăng lữ đầu tiên.

Tất Đạt đi lang thang trong khu rừng, để tâm trí trong suy tư. Ở đấy chàng gặp Cồ Đàm, đấng Giác Ngộ, và khi chàng kính cẩn chào Ngài và thấy nét mặt Phật đầy thiện đức và bình an, chàng thu hết can đảm xin phép được nói chuyện cùng Ngài, đấng Giác Ngộ lặng lẽ gật đầu.

Tất Đạt nói:

- Bạch đấng Đại Giác, hôm qua tôi đã hân hạnh được nghe những lời chỉ giáo tuyệt vời của Ngài. Tôi từ xa đến với bạn tôi để nghe Ngài và bây giờ bạn tôi sẽ ở lại với Ngài, bạn đã nguyện theo Ngài. Còn tôi, tôi vẫn lại tiếp tục hành trình.

- Người cứ tự tiện, đấng Giác Ngộ ôn tồn đáp.

Tất Đạt tiếp lời:

- Có lẽ những lời của tôi quá táo bạo nhưng tôi không muốn từ giã đấng Giác Ngộ mà không thành tâm trình bày cùng Ngài những thiển ý của tôi. Ngài có thể nghe tôi hầu chuyện một lúc nữa chăng?

Đức Phật lại lặng lẽ gật đầu.

- Hỡi đấng Giác Ngộ, trước hết tôi rất thán phục những điều Ngài dạy bảo. Mọi sự đều được chứng minh đầy đủ rõ ràng. Ngài trình bày thế giới như một sợi dây xích liên tục không đứt đoạn, một sợi dây bất tuyệt nối liền với nhau bởi nhân và quả. Chưa bao giờ vũ trụ được trình bày rõ ràng như thế, và chứng minh một cách khúc chiết như thế. Chắc hẳn một người Bà La Môn phải giật mình kinh hãi, khi qua những lời giảng dạy của Ngài, họ nhìn thấy một vũ trụ hoàn toàn mật thiết với nhau đến không có một lỗ hổng, trong suốt như pha lê, không phụ thuộc may rủi, không phụ thuộc thần linh. Thế giới tốt hay xấu, sự sống tự nó là đau khổ hay khoái lạc, sự sống bất trắc hay không, điều này không quan trọng nhưng sự nhất thể của thế giới, lẽ tương quan tương liên của mọi sự vật, lớn nhỏ bao gồm nhau, sinh thành bao gồm trong huỷ diệt: những điều Ngài dạy thật sáng lạng và phân minh. Nhưng theo những lời dạy ấy, sự nhất tính và liên tục hợp lý của mọi sự có một chỗ hở. Qua khe hở nhỏ ấy, một cái gì lạ lùng bỗng tuôn trào vào
trong thế giới nhất thể này, một cái gì mới mẻ, một cái gì không có ở đấy trước kia và không thể chứng minh hay chứng nghiệm được: ấy là thuyết của Ngài về sự vươn lên trên thế giới, thuyết cứu độ. Với khe hở nhỏ này, chỗ gián đoạn bé bỏng ấy, dù sao, luật vũ trụ duy nhất không tiền khoáng hậu lại bị sụp đổ. Xin Ngài tha thứ nếu tôi đưa ra sự đối chất này.

Đức Cồ Đàm đã lắng nghe, lặng lẽ bất động. Và Ngài cất một giọng nhã nhặn trong sáng:

- Người đã khá nghe những lời giảng dạy, hỡi người thanh niên Bà La Môn, và thật quý hoá người đã nghĩ sâu xa về những lời ấy. Người đã tìm thấy một khuyết điểm. Hãy nghĩ kỹ lại về điều đó. Ta chỉ khuyên người, một người khao khát hiểu biết, hãy tránh xa rừng quan niệm và sự xung đột giữa các danh từ. Quan niệm không có nghĩa gì, chúng có thể đẹp hay xấu, khôn hay dại và bất cứ ai cũng có thể chấp nhận hay bác bỏ. Giáo lý mà người đã nghe, tuy vậy, không phải là quan niệm của ta, và mục đích của nó không phải là để giải thích vũ trụ cho những người ham hiểu biết. Mục đích của nó hoàn toàn khác biệt. Mục đích ấy là giải thoát khỏi khổ đau. Đấy là những gì Cồ Đàm dạy, không gì khác hơn.

- Xin Ngài đừng giận tôi, hỡi đấng Giác Ngộ, người trẻ tuổi nói. Tôi không nói thế để tranh biện với Ngài về danh từ. Ngài rất hợp lý khi dạy rằng quan niệm không có nghĩa lý gì, nhưng xin Ngài cho tôi được nói thêm một lời. Tôi không nghi ngờ rằng Ngài là đức Phật, rằng Ngài đã đạt đến đích cao cả nhất mà người người Bà La Môn và con trai họ đang nỗ lực để đạt đến. Ngài đã đạt được nhờ sự tìm kiếm của riêng Ngài và bằng đường đi của chính Ngài, bằng suy tư, bằng thiền quán, bằng hiểu biết và trí tuệ. Ngài bảo không học được gì từ những lời giảng dạy, và bởi thế, kính bạch đấng Giác Ngộ, tôi nghĩ rằng không ai tìm được giải thoát qua những lời chỉ giáo. Ngài không thể, hỡi đấng Toàn Giác, truyền cho ai bằng danh từ và giáo lý những gì đã đến với Ngài trong giờ Ngài giác ngộ. Lời chỉ giáo của đấng Giác Ngộ bao hàm rất nhiều, dạy rất nhiều, phải sống thế nào, phải tránh điều ác như thế nào. Nhưng có một điều mà giáo lý sáng sủa và giá trị ấy không chứa đựng, ấy là những gì huyền bí mà đấng Giác Ngộ đã chứng ngh
iệm – Ngài độc nhất giữa hàng trăm nghìn người khác. Chính vì lẽ thế mà tôi phải đi con đường của tôi, không phải để tìm thêm một lý thuyết tốt đẹp hơn, vì tôi biết không có, nhưng để từ bỏ tất cả lý thuyết và thầy dạy, để tự mình đạt đến đích – hay chết. Nhưng tôi sẽ luôn luôn nhớ lại hôm nay, hỡi đấng Toàn Giác, và giờ này, khi mắt tôi được chiêm ngưỡng một bậc thánh nhân.

Mắt của đức Phật hạ thấp xuống, nét mặt khôn dò của Ngài diễn tả một niềm bình an thuần tịnh.

- Ta mong người không lầm trong lối lập luận ấy – Người chậm rãi nói. Mong sao cho người đến đích! Nhưng người hãy nói ta nghe; người đã thấy nhiều bậc thánh thiện tụ họp quanh ta chưa? Những người đệ tử đã quy y theo giáo lý của ta ấy? Hỡi người Sa Môn từ xa đến, người có nghĩ rằng tốt hơn họ nên hồi lại và trở về sự sống thế nhân với dục lạc?

- Tôi không bao giờ nghĩ đến điều đó? Tất Đạt kêu lên. Ước sao cho họ đi đến đích! Mong sao cho họ đều theo lời chỉ giáo! Không phải việc của tôi để đi phê phán cuộc đời khác. Tôi phải phê phán cho chính tôi. Tôi phải lựa chọn và gạt bỏ. Chúng tôi là những Sa Môn tìm kiếm sự giải thoát khỏi bản ngã. Nếu tôi là một trong những đồ đệ của Ngài, tôi sợ rằng đấy chỉ là bề mặt, rằng tôi sẽ tự lừa dối mình là tôi đang bình an và đã giải thoát trong khi thực ra cái ngã vẫn còn tiếp tục sống và tăng trưởng, vì nó sẽ được biến vào trong những lời chỉ giáo của Ngài, trong sự quy y của tôi và lòng thương mến của tôi đối với Ngài và đoàn thể tăng chúng.

Hơi mỉm cười, sắc diện vẫn sáng ngời hào quang, đức Phật thân mật nhìn người khách lạ chăm chăm và Tất Đạt đoán rằng Ngài muốn từ giã chàng.

- Hỡi Sa Môn, ông rất là khôn ngoan, Ngài nói. Ông biết ăn nói khôn khéo lắm, ông bạn. Nhưng hãy cẩn thận trước sự khôn ngoan quá mức.

Đức Phật bỏ đi và cái nhìn của Ngài, nụ cười của Ngài khắc sâu trong ký ức của Tất Đạt mãi mãi. Ta chưa hề thấy một người nhìn, mỉm cười, đi, đứng, ngồi như thế. Tất Đạt tự nhủ: Ta cũng muốn nhìn, cười, đi, đứng như thế, tự tại làm sao, vừa dè dặt, vừa trong sáng hồn nhiên, vừa huyền bí. Một người chỉ nhìn và bước đi như thế một khi họ đã nhiếp phục được Tự ngã. Ta, ta cũng sẽ nhiếp phục được Tự ngã. Ta đã thấy một người, chỉ một người thôi, mà trước người ấy ta phải cúi đầu, – Tất Đạt thầm nghĩ. Ta sẽ không bao giờ cúi đầu trước người nào nữa. Không lời chỉ giáo nào khác sẽ quyến rũ ta được.

Đức Phật đã cướp của ta, Tất Đạt suy nghĩ. Ngài đã cướp của ta tuy nhiên, Ngài đã cho ta một giá trị khác cao hơn. Ngài đã cướp khỏi tay ta người bạn đã tin tưởng nơi ta mà bây giờ tin theo Ngài, người bạn ấy đã là cái bóng của ta nhưng bây giờ là cái bóng của Cồ Đàm. Nhưng Ngài đã đem lại cho ta chính ta.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]