Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phật Đạo

10/05/201320:16(Xem: 12679)
Phật Đạo

Bồ Tát Có Bệnh (Biên soạn về Kinh Duy Ma Cật)

Phật Đạo

Thích nữ Như Đức

Nguồn: Thích nữ Như Đức

1- Bồ-tát thực hành Phật đạo


Nếu nói rằng Bồ-tát thực hành con đường đến quả vị Phật bằng các đức tính từ bi, trí tuệ, nhẫn nhục… thì rất dễ hiểu. Ở đây Duy-ma-cật nói về vấn đề này với vô số chiêu thức trái ngược như: Bồ-tát thực hành năm tội vô gián nhưng không phiền não, vào địa ngục mà không tội, vào loài súc sanh mà không có những lỗi vô minh kiêu mạn… cho đến ở trong tham dục mà lìa nhiễm trước, thị hiện sân giận mà đối với chúng sanh không có giận chướng, thị hiện bỏn xẻn mà luôn xả bỏ, thị hiện phá hủy giới mà luôn an trụ tịnh giới… Đó là Bồ-tát thị hiện sáu tệ mà không trái sáu độ. Bồ-tát vào chúng sanh ma mà vẫn thuận với trí tuệ Phật. Thị hiện vào chỗ bần cùng, mà có tay báu bố thí không cùng tận… Thị hiện vào chỗ thân hình tàn tật mà đầy đủ tướng hảo… Cho đến vào khắp các đường để mà đoạn dứt nhân duyên của các đường.
Duy-ma-cật đã nêu ra các vấn đề cho vị Bồ-tát hành Phật đạo. Đây là một quan niệm mới lạ, cũng là một chân trời mới cho người thực hành Bồ-tát đạo. Nói tóm kết, khi làm những việc trái đạo, nghịch lý, ở chỗ tột cùng đau khổ mà vẫn có đầy đủ tính cách giải thoát, có nghĩa tính cách của Phật tâm bao trùm khắp, không chừa một con đường nào, dù đường đó xấu xa. Hành phi đạo có nghĩa là đã vượt quá phi đạo, dùng phương tiện phi đạo để đến gần với chúng sanh. Chúng sanh ở những nẻo khổ thì nhiều hơn chúng sanh ở đường lành, Bồ-tát chỉ ở nơi trang nghiêm tốt đẹp thì không đủ phương tiện độ sanh nên phải hành phi đạo. Và người đã vào đường tà nẻo khổ không còn sợ tà ma khổ nạn, có nghĩa là các thứ phi đạo không đủ sức ngăn trở Bồ-tát, không làm đắm nhiễm Bồ-tát.
Có vị thiền khách hỏi thiền sư:
- Sau khi chết Sư đi đâu?
Sư đáp:
- Vào địa ngục.
Khách ngạc nhiên:
- Người như Sư mà vào địa ngục?
Sư cười:
- Nếu ta không vào đó thì ai độ ông?
Câu chuyện này cũng mang tính chất của Duy-ma-cật. Một câu chuyện khác của ngài Triệu Châu cho thấy ý nghĩa phi thường.
Bà già hỏi Triệu Châu:
- Làm sao để chuyển thân nữ?
Ngài đáp:
- Bà nên nguyện cho mọi người hãy chuyển thân nữ. Còn riêng bà tình nguyện làm người nữ.
Một lời nguyện như thế tỏ tính cách đại hùng, đại trượng phu, là đã chuyển rồi. Câu cuối cùng của Duy-ma-cật là một câu đáng lưu ý: “Hiện khắp vào các đường mà dứt nhân duyên của các đường”. Có nghĩa là đi đủ chỗ khắp nơi, là để dứt trừ cái nguyên nhân tiếp nối sanh tử, là để các đường tự thanh thản, bình an. Ý nghĩa của đoạn này rất mạnh, rất hùng tráng. Con đường hành phi đạo mới thông đạt Phật đạo là con đường các Phật tử phải lặn lội trong ấy với tất cả hùng lực của mình.

2- Những gì là hạt giống Phật


Bấy giờ, Duy-ma-cật hỏi lại Bồ-tát Văn Thù:
- Những gì là hạt giống Như Lai? (Hà đẳng vi Như Lai chủng?). Hạt giống Phật nằm ở đâu? Phải tìm nơi nào? Tương tự như con đường làm Phật là con đường nào, câu hỏi này để bổ túc cho những điều Duy-ma-cật đã trình bày ở trên. Hai vị Đại sĩ đã thay phiên nhau làm sáng tỏ vấn đề, một vấn đề tu học tưởng chừng như dễ nhưng thực sự rất khó hành.
Bồ-tát Văn-thù đáp:
- Thân trong ba cõi là hạt giống Phật.
Vô minh, tham ái, sân nhuế là hạt giống. Bốn điên đảo (vô thường cho là thường, vô ngã cho là ngã, bất tịnh cho là tịnh, khổ cho là lạc), năm cái, sáu nhập, bảy thức, tám pháp tà, chín não (chín phiền não ràng buộc chúng sanh: ái, nhuế, mạn, vô minh, kiến, thủ, nghi, tật, xan), mười điều bất thiện. Tóm lại 62 kiến chấp và tất cả phiền não đều là hạt giống Phật (nhất thiết phiền não giai thị Phật chủng). Chủng tử Phật, hạt giống giác ngộ giải thoát nằm ở ngay trong trần lao phiền não. Vì sao? Có đau khổ cùng cực mới phát tâm cầu giải thoát.
Thế nên Bồ-tát Văn-thù nói tiếp:
- Nếu người trụ trong cõi vô vi (vô vi là cõi không còn sanh diệt đau khổ), người ấy không thể phát tâm cầu đạo Giác ngộ.
Như hoa sen không thể mọc ở trên cao nguyên, như trồng cây giữa trời không có kết quả. Trong bùn lầy phiền não là chỗ chúng sanh khởi lên hạt giống Phật pháp. Phiền não tà mê là nhân tố để hạt giống Phật nẩy nở. Khi khổ đau chúng ta khởi ý niệm muốn thoát khổ, đó là mầm Phật xuất hiện. Trong đời đau khổ chúng ta có dịp tạo việc lành để cứu khổ, đó là lớp đất màu bồi dưỡng nhân Phật. Chỉ cần chính chúng ta thức tỉnh, ngay nơi vị trí mình đang sống, không lầm mê không cho mình là đã an lạc giải thoát, như thế đã phát tâm cầu Phật đạo. Trong đau khổ người ta dễ thông cảm, dễ nảy sanh từ tâm hơn ở những chỗ an nhàn. “Không vào biển lớn không được châu báu vô giá, không vào biển lớn phiền não không được hạt ngọc Nhất thiết trí”. Câu nói này một lần nữa khuyến khích hàng Bồ-tát sơ phát tâm, những người cần tu trong đời phát tâm tìm cho ra viên ngọc Phật ở ngay chính giữa lòng cuộc sống.
Khi nghe những đoạn đối đáp này, ngài Ca-diếp khởi lên lời ca ngợi: “Lành thay! Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi! Đúng như lời Ngài nói, trần lao phiền não là hạt giống Như Lai”. Tôn giả Ca-diếp có vẻ như chê trách hàng Thanh văn trong câu nói: “Hạng tạo tội ngũ vô gián còn có thể phát tâm Vô thượng Bồ-đề, còn như chúng tôi vĩnh viễn không thể phát tâm”. Ngôn ngữ trong kinh Duy-Ma là ngôn ngữ nghịch lý, câu nói ngài Ca-diếp làm tăng thêm giá trị cho chúng sanh, và khuyến khích hàng Thanh văn rời bỏ Niết-bàn hóa thành mà phấn phát lên quả vị Phật. Bởi vì các vị Thanh văn rất sợ trần lao, sợ sanh tử, sợ con đường khổ, không dám bước vào cuộc chơi, e ngại lên đường. Trong cái nhìn Bồ-tát thì ở đâu mà không có Phật, mọi e ngại đều xóa tan thì đi và đến tự do, khứ lai không sợ.
Ra đi hẹn với xuân đầu
Buổi hồi nguyên lại phai màu bình minh.
(Bùi Giáng)

3- Thân quyến của một vị Bồ-tát


Bấy giờ trong hội có vị Bồ-tát tên Phổ Hiện Sắc Thân. Chúng ta lưu ý tên của Bồ-tát này cũng là ý chính của đoạn kinh này. Phổ Hiện Sắc Thân là thân hiện khắp nơi, thân có mặt mọi chỗ mọi lúc, lúc đó là năng lực hóa đạo, năng lực cứu giúp chúng sanh, năng lực hòa nhập của Bồ-tát. Thế nên Ngài mới hỏi Duy-ma-cật về thân bằng quyến thuộc, người cộng sự, những phương tiện xe ngựa, tóm lại là những gì một vị Bồ-tát có được. Duy-ma-cật đã dùng kệ trả lời, đại ý cho thấy một vị Bồ-tát sử dụng tất cả, hóa thân tất cả chỗ để làm lợi ích chúng sanh. Bồ-tát có mẹ là trí, cha là phương tiện, thầy là chúng tăng. Kinh Pháp Hoa nói chư Phật dùng trí tuệ và phương tiện giáo hóa, chúng ta nương đó mà thành tựu pháp thân như con người có cha mẹ mới có thân mình. Pháp hỷ là vợ, lòng từ là con gái, lòng lành là con trai, rốt ráo không tịch là nhà, còn những trần lao là đệ tử.
Bồ-tát có thân quyến từ bi thiện lành nên độ hết các phiền não nhiều như bụi. Bồ-tát dùng lục độ làm bạn, luôn luôn đi chung, còn tứ nhiếp pháp là kỹ nữ ca xướng vui tai. Bồ-tát dùng các pháp tổng trì làm vườn hoa, các pháp vô lậu nhiều như rừng cây, các pháp giác chi làm bông hoa, và trái cây là giải thoát trí huệ. Bồ-tát mặc y phục tàm quý, đeo tràng hoa thâm tâm (tâm sâu kín), ngồi xe Đại thừa được kéo bằng voi ngựa ngũ thông, dùng cam lộ làm món ăn và nước giải thoát làm thức uống, tắm rửa nước tịnh tâm, xoa ướp hương giới phẩm. Trong những điều kiện đặc biệt như thế, Bồ-tát thành tựu được vô số công đức: Tiêu diệt giặc phiền não, chiến thắng bốn loại ma. Đây là lợi ích đầu tiên và phải có của một vị Bồ-tát. Sau đó là những lợi ích vì người:
Chứng ngộ không sanh diệt
Thị hiện nên thọ sanh
Hiện khắp mọi thế giới
Như mặt trời hiện khắp.

Bồ-tát tuy biết không có sanh diệt, bản thể lúc nào cũng tự như, nhưng thị hiện khắp nơi chốn (phổ hiện sắc thân) để độ sanh.
Thế giới và chúng sanh
Tuy biết đều là không
Nhưng thường tu tịnh độ
Giáo hóa cho quần sanh.
Bao nhiêu loài chúng sanh
Thân hình, ngữ âm, động tác
Bồ-tát sức vô úy
Một lúc đều hiện cả.

Đây là nối kết ý của Bồ-tát hành phi đạo, vào tất cả loài, hiện tất cả thân. Biết hết các việc ma mà thị hiện tùy theo chúng, dùng phương tiện trí đều hiện đủ nơi các ma. Hoặc thị hiện già bệnh chết để dạy cho chúng sanh biết đời ảo hóa mỏng manh.
Bồ-tát còn có khả năng hiện nhiều thân cùng một lúc, nếu có vô số ức chúng sanh đồng đến thỉnh Bồ-tát, Ngài đều đến nhà họ cùng một lúc giáo hóa. Bồ-tát biết rành nghề nghiệp, văn thơ thế gian, đều đi khắp hết các đạo giáo để giải trừ sai lầm không cho rơi vào tà kiến. Thời kỳ dịch bệnh, Bồ-tát thị hiện các dược liệu trị lành, thời kỳ đói khát, thị hiện các thức ăn uống làm cho hết đói khát rồi mới nói Phật pháp, thời kỳ chiến tranh thì khởi lòng từ dạy họ đến chỗ không tranh chấp, nếu có đại chiến thì khiến hai bên đồng sức nhau và hiện oai thế hàng phục cho hòa giải. Trong tất cả địa ngục, đến đó cứu khổ, trong loài súc sanh cũng hiện sanh vào để làm lợi ích, thị hiện thọ ngũ dục mà hành thiền.
Trong lửa sanh hoa sen
Mới đáng gọi hiếm có
Tu thiền trong dục lạc
Cũng hiếm có như thế
Hoặc hiện làm dâm nữ
Dẫn dụ kẻ háo sắc
Trước dùng dục lôi kéo
Sau khiến vào trí Phật.

Bồ-tát không những có thể hóa làm vua trời, vua người, làm tiên trưởng, đại thần… mà cũng làm người nô lệ cho người sai khiến vui lòng rồi sau khiến phát tâm. Con đường Phật đạo hay Bồ-tát đạo rộng lớn không cùng, làm việc không ngừng, tất cả vì chúng sanh.
Phẩm Phật Đạo này khai triển mục đích chính của kinh Duy Ma Cật rất đầy đủ, kể rõ việc làm của hàng Bồ-tát và khuyến khích chúng sanh noi theo. Sống vì người, đó là lý tưởng tối hậu, với lý tưởng này đi vào thế giới nào cũng được yêu chuộng, ở nơi đâu cũng được ngợi khen. Tuy mới vào đề dùng lối nói ngược để chúng ta ngạc nhiên, nhưng ý sâu xa đã hiện rõ nơi phần kệ tụng. Chúng ta đọc suốt văn kinh này, cảm động vì việc làm của Bồ-tát, đồng thời nhen nhúm nơi tâm mình một ý nguyện hành động. Đó là mục đích mà ngài Duy-ma-cật nhắm tới.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]