Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

94. Kinh Hắc Tỳ-Kheo [1]

09/05/201319:48(Xem: 14622)
94. Kinh Hắc Tỳ-Kheo [1]

Kinh Trung A Hàm

94. Kinh Hắc Tỳ-Kheo [1]

Thích Tuệ Sỹ dịch

Nguồn: Thích Tuệ Sỹ dịch

Tôi nghe như vầy:

Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong Đông viên, giảng đường Lộc mẫu. Hắc Tỳ-kheo[2], con bà Lộc Mẫu, thường ưa tranh cãi, đi đến chỗ Phật. Thế Tôn thấy Hắc Tỳ-kheo từ xa đi lại, nhân vì có Hắc Tỳ-kheo nên Ngài nói với các Tỳ-kheo:

“Hoặc có người thường ưa tranh cãi, không khen việc đình chỉ tranh cãi. Nếu có người thường ưa tranh cãi, không khen việc đình chỉ tranh cãi, thì đó là pháp không thể ái lạc, không thể ái hỷ, không thể khiến cho có ái niệm, không thể khiến cho có kính trọng, không thể khiến tu tập, không thể khiến nhiếp trì, không thể khiến xứng đáng là Sa-môn, không thể khiến được nhất ý[3], không thể khiến chứng đắc Niết-bàn.

“Hoặc có người ác dục, không khen việc đình chỉ ác dục. Nếu có người ác dục, không khen việc đình chỉ ác dục, thì đó là pháp không thể ái lạc, không thể ái hỷ, không thể khiến ái niệm, không thể khiến kính trọng, không thể khiến tu tập, không thể khiến nhiếp trì, không thể khiến xứng đáng là Sa-môn, không thể khiến được nhất ý, không thể khiến chứng đắc Niết-bàn.

“Hoặc có người phạm giới, vượt giới, sứt mẻ giới, làm rách giới, ô uế giới và không khen việc trì giới. Nếu có người phạm giới, vượt giới, sứt mẻ giới, làm rách giới, ô uế giới, thì đó là pháp không thể ái lạc, không thể ái hỷ, không thể khiến ái niệm, không thể khiến cho có kính trọng, không thể khiến tu tập, không thể khiến nhiếp trì, không thể khiến xứng đáng là Sa-môn, không thể khiến được nhất ý, không thể khiến chứng đắc Niết-bàn.

“Hoặc có người có sân triền, có phú kết, có bỏn sẻn, tật đố, có dua siểm, dối trá, có vô tàm, vô quý, không khen tàm quý[4]. Nếu có người có sân triền, có phú kết, bỏn sẻn, tật đố, có dua siểm, dối trá, có vô tàm, vô quý, không khen tàm quý, thì đó là pháp không thể ái lạc, không thể ái hỷ, không thể khiến cho có ái niệm, không thể khiến cho có kính trọng, không thể khiến tu tập, không thể khiến nhiếp trì, không thể khiến xứng đáng là Sa-môn, không thể khiến được nhất ý, không thể khiến chứng đắc Niết-bàn.

“Hoặc có người không tiếp đãi các vị đồng phạm hạnh, không khen sự tiếp đãi các vị đồng phạm hạnh. Nếu có người không tiếp đãi các vị đồng phạm hạnh, không khen sự tiếp đãi các vị đồng phạm hạnh, thì đó là pháp không thể ái lạc, không thể ái hỷ, không thể khiến ái niệm, không thể khiến cho có kính trọng, không thể khiến tu tập, không thể khiến nhiếp trì, không thể khiến xứng đáng là Sa-môn, không thể khiến được nhất ý, không thể khiến chứng đắc Niết-bàn.

“Hoặc có người không quán các pháp, không khen việc quán các pháp. Nếu có người không quán các pháp, không khen việc quán các pháp, thì đó là pháp không thể ái lạc, không thể ái hỷ, không thể khiến ái niệm, không thể khiến cho có kính trọng, không thể khiến tu tập, không thể khiến nhiếp trì, không thể khiến xứng đáng là Sa-môn, không thể khiến được nhất ý, không thể khiến chứng đắc Niết-bàn.

“Hoặc có người không tĩnh tọa[5], không khen tĩnh tọa. Nếu có người không tĩnh tọa, không khen tĩnh tọa, thì đó là pháp không thể ái lạc, không thể ái hỷ, không thể khiến cho có ái niệm, không thể khiến cho có kính trọng, không thể khiến tu tập, không thể khiến nhiếp trì, không thể khiến xứng đáng là Sa-môn, không thể khiến được nhất ý, không thể khiến chứng đắc Niết-bàn.

“Những người như thế tuy nghĩ rằng: ‘Mong các vị đồng phạm hạnh cúng dường, cung kính, lễ sự ta’, nhưng các vị đồng phạm hạnh không cúng dường, cung kính, lễ sự người ấy. Vì sao? Vì người ấy có vô lượng điều ác này. Nhân vì người ấy có vô lượng điều ác này nên khiến cho các vị đồng phạm hạnh không cúng dường, cung kính, lễ sự người ấy.

“Cũng như con ngựa dữ bị nhốt vào trong chuồng, tuy nó nghĩ rằng: ‘Mong người ta nhốt tôi ở chỗ an ổn, cho đồ ăn thức uống tươi tốt và thích ngắm nghía tôi’, nhưng người ta không nhốt nó ở chỗ an ổn, không cho nó đồ ăn thức uống tốt tươi và không thích ngắm nghía nó. Vì sao? Vì con ngựa ấy có sự dữ, nghĩa là vì nó hết sức thô tệ, không hiền lành, nên khiến cho người ta không nhốt nó ở chỗ an ổn, không cho đồ ăn thức uống tốt tươi và không thích ngắm nghía nó. Cũng như vậy, người này dù nghĩ rằng ‘Mong các vị đồng phạm hạnh cúng dường, cunh kính, lễ sự ta’, nhưng các vị đồng phạm hạnh không cúng dường, cung kính, lễ sự người ấy. Vì sao? Vì người ấy có vô lượng điều ác này. Nhân vì người ấy có vô lượng điều ác này nên khiến cho các vị đồng phạm hạnh không cúng dường, cung kính, lễ sự người ấy.

“Hoặc có người không thích tranh cãi, khen ngợi việc đình chỉ tranh cãi. Nếu có người không thích tranh cãi, khen ngợi việc đình chỉ tranh cãi, thì đây là pháp khả lạc, khả ái, khả hỷ, có thể khiến ái niệm, có thể khiến kính trọng, có thể khiến tu tập, có thể khiến nhiếp trì, có thể khiến xứng đáng là Sa-môn, có thể khiến được nhất ý, có thể khiến chứng đắc Niết-bàn.

“Hoặc có người không ác dục, khen ngợi việc đình chỉ ác dục. Nếu có người không ác dục, khen ngợi việc đình chỉ ác dục, thì đây là pháp khả lạc, khả ái, khả hỷ, có thể khiến ái niệm, có thể khiến kính trọng, có thể khiến tu tập, có thể khiến nhiếp trì, có thể khiến xứng đáng là Sa-môn, có thể khiến được nhất ý, có thể khiến chứng đắc Niết-bàn.

“Hoặc có người không phạm giới, vượt giới, sứt mẻ giới; không làm rách giới, ô uế giới và khen ngợi việc trì giới. Nếu có người không phạm giới, vượt giới, sứt mẻ giới; không làm rách giới, ô uế giới và khen ngợi việc trì giới, thì đây là pháp khả lạc, khả ái, khả hỷ, có thể khiến ái niệm, có thể khiến kính trọng, có thể khiến tu tập, có thể khiến nhiếp trì, có thể khiến xứng đáng là Sa-môn, có thể khiến được nhất ý, có thể khiến chứng đắc Niết-bàn.

“Hoặc có người không có sân triền, không phú kết, không bỏn sẻn, tật đố, không dua siểm, dối trá, không vô tàm, không vô quý và khen ngợi tàm quý. Nếu có người không có sân triền, không phú kết, không bỏn sẻn, tật đố, không dua diểm, dối trá, không vô tàm, không vô quý và khen ngợi tàm quý, thì đây là pháp khả lạc, khả ái, khả hỷ, có thể khiến ái niệm, có thể khiến kính trọng, có thể khiến tu tập, có thể khiến nhiếp trì, có thể khiến xứng đáng là Sa-môn, có thể khiến được nhất ý, có thể khiến chứng đắc Niết-bàn.

“Hoặc có người có tiếp đãi các vị đồng phạm hạnh, khen ngợi việc tiếp đãi các vị đồng phạm hạnh. Nếu có người tiếp đãi các vị đồng phạm hạnh, khen ngợi việc tiếp đãi các vị đồng phạm hạnh, thì đây là pháp khả lạc, khả ái, khả hỷ, có thể khiến ái niệm, có thể khiến kính trọng, có thể khiến tu tập, có thể khiến nhiếp trì, có thể khiến xứng đáng là Sa-môn, có thể khiến được nhất ý, có thể khiến chứng đắc Niết-bàn.

“Hoặc có người quán các pháp, khen ngợi việc quán các pháp. Nếu có người quán các pháp, khen ngợi việc quán các pháp, thì đây là pháp khả lạc, khả ái, khả hỷ, có thể khiến ái niệm, có thể khiến kính trọng, có thể khiến tu tập, có thể khiến nhiếp trì, có thể khiến xứng đáng là Sa-môn, có thể khiến được nhất ý, có thể khiến chứng đắc Niết-bàn.

“Hoặc có người tĩnh tọa, khen ngợi tĩnh tọa. Nếu có người tĩnh tọa, khen ngợi tĩnh tọa, thì đây là pháp khả lạc, khả ái, khả hỷ, có thể khiến ái niệm, có thể khiến kính trọng, có thể khiến tu tập, có thể khiến nhiếp trì, có thể khiến xứng đáng là Sa-môn, có thể khiến được nhất ý, có thể khiến chứng đắc Niết-bàn.

“Người này tuy không nghĩ rằng: ‘Mong các vị đồng phạm hạnh cúng dường, cung kính, lễ sự nơi ta’, nhưng các vị đồng phạm hạnh vẫn cúng dường, cung kính, lễ sự người ấy. Vì sao? Vì người ấy có vô lượng điều lành này. Nhân người ấy có vô lượng điều lành này khiến cho các vị đồng phạm hạnh cúng dường, cung kính, lễ sự người ấy.

“Giống như con ngựa hiền nhốt trong chuồng, tuy nó không nghĩ rằng: ‘Mong người ta nhốt tôi ở chỗ an ổn, cho đồ ăn thức ống tốt tươi và thích ngắm nghía tôi’, nhưng người ta vẫn nhốt nó ở chỗ an ổn, cho đồ ăn thức uống tốt tươi và vẫn thích ngắm nghía nó. Vì sao? Bởi vì đó là con ngựa lành, nghĩa là nó rất thuần thục, rất hiền lành, nên người ta nhốt nó ở chỗ an ổn, cho đồ ăn thức uống tốt tươi và thích ngắm nghía nó. Cũng như vậy, người này tuy không nghĩ rằng ‘Mong các vị đồng phạm hạnh cúng dường, cung kính, lễ sự nơi ta’, nhưng các vị đồng phạm hạnh vẫn cúng dường, cung kính, lễ sự người ấy”.

Phật thuyết như vậy. Các vị Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

[1]. Tương đương Pāli A.10.87. Nappiya-sutta (Adhikaraṇa-sutta hay Kālaha-bhikkhu-sutta).

[2]. Hắc Tỳ-kheo 黑 比 丘. Pāli: Kālaka-bhikkhu.

[3]. Nhất ý 一 意. Pāli: ekībhava, nhất thể, hiệp nhất.

[4]. Xem các kinh 90 và 93 trên.

[5]. Yến tọa 宴 坐; ngồi chỗ yên tĩnh, vắng vẻ. Pāli: patisallāno, độc cư, nhàn tĩnh, ẩn dật.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]