Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tạp A-hàm quyển 24 (616 - 626)

08/05/201317:14(Xem: 13372)
Tạp A-hàm quyển 24 (616 - 626)

Kinh Tạp A Hàm

Tạp A-hàm quyển 24 (616 - 626)

Tỳ kheo Thích Đức Thắng

Nguồn: Việt dịch: Thích Đức Thắng
Hiệu đính & Chú thích: Tuệ Sỹ

KINH 616. TRÙ SĨ[31]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Hãy nắm chặt tướng tự tâm, chớ để phân tán ra ngoài. Vì sao? Vì nếu Tỳ-kheo ngu si, không hiểu biết rõ ràng[32], không khéo léo, không nắm lấy tướng nội tâm, mà chạy theo tướng bên ngoài, thì Tỳ-kheo này sau đó sẽ bị thoái giảm và tự sanh ra chướng ngại. Giống như người đầu bếp ngu si nếu không hiểu biết, không khéo léo điều hòa các vị để phụng dưỡng tôn chủ; chua, mặn, lạt, không vừa ý; không giỏi nắm bắt sở thích của chủ để điều các vị chua, mặn, lạt; không hay tự thân hầu hạ hai bên chủ, dò xem những nhu cầu của chủ, lắng nghe những sở thích của chủ, khéo nắm bắt được tâm ý chủ, rồi tùy ý pha chế điều hòa các vị để dâng cho chủ. Nếu không vừa ý, ông chủ sẽ không vui lòng; vì không vui lòng nên không ban thưởng và cũng không thương mến. Tỳ-kheo ngu si cũng lại như vậy, nếu không hiểu biết, không khéo léo, sống quán thân trên thân mà không thể dứt trừ tùy phiền não[33], không thể nhiếp giữ tâm mình; lại cũng không được nội tâm tịch tĩnh, không được chánh niệm, chánh tri thắng diệu; trong hiện tại, cũng không được bốn thứ pháp tăng thượng tâm sốngï an lạc nay trong hiện tại[34], cứu cánh Niết-bàn an ổn vốn chưa chứng đắc thì không thể chứng đắc. Đó gọi là Tỳ-kheo ngu si không hiểu biết, không khéo léo, không thể khéo thu nhiếp tướng nội tâm, mà chạy theo tướng bên ngoài, tự sanh chướng ngại.

“Nếu Tỳ-kheo nào, có trí tuệ biện tài, có phương tiện thiện xảo, sau khi nắm chặt nội tâm, rồi sau đó tiếp nhận tướng bên ngoài, thì Tỳ-kheo này về sau hoàn toàn không bị thoái giảm, hay tự tạo ra chướng ngại. Giống như người đầu bếp trí tuệ thông minh hiểu biết, có phương tiện thiện xảo, để cung phụng tôn chủ; có khả năng điều hòa các vị chua, ngọt, lạt, mặn; khéo bắt nắm dấu hiệu sở thích của chủ mà điều hòa các vị làm sao cho vừa lòng; lắng nghe vị mà chủ ưa thích, nhiều lần cung phụng. Khi chủ đã vừa lòng rồi, thì chắc chắn sẽ được yêu mến gấp bội và sẽ được trọng thưởng. Như vậy người đầu bếp có trí tuệ, khéo léo nắm bắt được tâm người chủ. Tỳ-kheo cũng lại như vậy, sống quán thân trên thân, đoạn trừ tùy phiền não, khéo biết nhiếp tâm mình, nội tâm tịch tĩnh, chánh niệm, chánh tri, đạt được bốn pháp tăng thượng tâm, sống an lạc ngay trong đời, đạt được cứu cánh an ổn Niết-bàn vốn chưa từng chứng đắc. Đó gọi là Tỳ-kheo có trí tuệ, biện tài, có phương tiện thiện xảo, hay nắm bắt tướng nội tâm và nắm bắt tướng bên ngoài, không bao giờ thoái giảm và tự bị chướng ngại.

“Quán thọ, tâm, pháp cũng như vậy.”

Phật dạy kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 617. ĐIỂU[35]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Thời quá khứ có một con chim tên là La-bà[36], bị chim Ưng bắt bay lên hư không. Ở giữa hư không nó kêu la: ‘Vì ta không tự cảnh giác nên bỗng gặp nạn này. Vì ta đã lìa bỏ chỗ ở của cha mẹ mà đi chơi chỗ khác nên mới gặp nạn này. Hôm nay bị kẻ khác làm khốn khổ, không được tự do!’

“Chim Ưng bảo La-bà:

“–Nơi nào là chỗ ở tự do của ngươi?

“La-bà đáp:

“–Tôi có cảnh giới của mình nơi rãnh cày trong đồng ruộng[37]. Đủ để tránh các tai nạn. Đó là nhà tôi, cảnh giới của cha mẹ nhà tôi.

“Chim Ưng tỏ vẻ kiêu mạn đối với La-bà, bảo:

“–Cho ngươi trở về nơi rãnh cày trong đồng ruộng, thử có thoát được không?

“La-bà này thoát khỏi móng vuốt chim Ưng trở về ở yên dưới một khối đất to nơi rãnh cày. Sau đó ở trên khối đất to, La-bà muốn khiêu chiến cùng chim Ưng. Chim Ưng phẫn nộ mắng: ‘Ngươi là loài chim nhỏ mà muốn giao chiến cùng ta sao?’

“Quá đỗi phẫn nộ chim Ưng bay lao thẳng tới bắt lấy, nhưng La-bà lại núp vào dưới khối đất to; chim Ưng đang đà lao tới, ngực bị va vào khối đất cứng, nát thân chết liền. Bấy giờ, chim La-bà đang phục sâu dưới khối đất, ngẩng lên nói kệ:

“Chim Ưng dùng sức đến,
La-bà trong cõi mình.
Sức cường thịnh theo sân,
Nên gây họa nát thân.
Ta thông đạt tất cả,
Nên nương trong cõi mình;
Dẹp oán, tâm tùy hỷ,
Tự vui xét sức mình.
Ngươi dầu có hung ác,
Sức trăm ngàn rồng, voi;
Không bằng trí tuệ ta,
Trong một phần mười sáu.
Xem trí ta thù thắng,
Tiêu diệt được chim Ưng.”

“Như vậy, này Tỳ-kheo, như chim Ưng kia, ngu si bỏ cảnh giới của cha mẹ, dạo chơi nơi khác, đến nỗi phải bị tai hoạn. Tỳ-kheo các ông cũng nên như vậy, phải ở nơi chính cảnh giới sở hành của mình, nên khéo giữ gìn và tránh xa cảnh giới kẻ khác. Hãy nên học.

“Này các Tỳ-kheo, chỗ của kẻ khác, cảnh giới của kẻ khác, là chỉ cho cảnh giới của năm dục: Sắc nhận thức bởi mắt, đẹp, đáng yêu, đáng thích, đáng nhớ, được đắm nhiễm với dục tâm; tai biết tiếng, mũi biết mùi, lưỡi biết vị, thân biết xúc, đáng yêu, đáng thích, đáng nhớ, được đắm nhiễm vời dục tâm. Đó gọi là chỗ của kẻ khác, cảnh giới của kẻ khác đối với Tỳ-kheo.

“Này các Tỳ-kheo, ở nơi cảnh giới của cha mẹ mình, là chỉ cho bốn Niệm xứ. Những gì là bốn? Đó là niệm xứ quán thân trên thân; niệm xứ quán thọ, tâm, pháp trên pháp. Cho nên, Tỳ-kheo hãy đi dạo nơi cảnh giới của cha mẹ mình, tránh xa chỗ khác, cảnh giới kẻ khác. Hãy học như vậy.”

Phật dạy kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ thực hành theo.

KINH 618. TỨ QUẢ

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Đối với bốn Niệm xứ mà tu tập, tu tập nhiều, sẽ đạt được bốn quả Thánh và, bốn loại phước lợi, đó là: Quả Tu-đà-hoàn, quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm, quả A-la-hán.”

Phật dạy kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 619. TƯ-ĐÀ-GIÀ[38]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật du hành trong nhân gian đến trong rừng Thân-thứ, tại phía Bắc xóm Tư-già-đà[39]. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Thời quá khứ có một nghệ sư leo phướn[40], dựng cột phướn trên vai và bảo học trò: ‘Các con hãy leo lên, leo xuống cột phướn. Hãy hộ trì ta, ta cũng hộ trì các con; thay đổi nhau mà hộ trì, đi dạo làm trò vui, chúng ta sẽ kiếm được nhiều tiền của.’ Lúc ấy, người học trò bạch thầy: ‘Không bằng nói như vầy: Chỉ cần mỗi người tự chăm sóc hộ trì chính mình, đi dạo làm trò vui, thì sẽ kiếm được nhiều tiền của, thân được thư thả an ổn mà lên xuống.’ Ông thầy đáp: ‘Đúng như lời con nói, mỗi người phải tự chăm sóc hộ trì chính mình. Nhưng nghĩa này cũng như ta đã nói. Khi hộ trì mình, tức là hộ trì người khác. Khi hộ trì người khác cũng là hộ trì chính mình.’

“Tâm tự thân cận, tu tập; tùy sự hộ trì mà tác chứùng. Đó gọi là tự hộ trì mình tức là hộ trì người[41]. Thế nào là tự hộ trì mình tức là hộ trì người? Không khủng bố người khác, không chống trái người khác, không hại người khác, có từ tâm thương xót người. Đó gọi là tự hộ trì mình tức là hộ trì người. Cho nên các Tỳ-kheo cần phải học như vậy. Người tự hộ trì là tu tập bốn Niệm xứ. Hộ trì người cũng là tu tập bốn Niệm xứ.”

Phật dạy kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 620. DI HẦU[42]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà nơi thành Vương xá. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Trong núi Đại tuyết, chỗ hiểm trở băng giá, khỉ vượn sống còn không được, huống chi là con người. Hoặc có núi có khỉ, vượn ở mà không có người. Hoặc có núi nơi người và thú cùng ở chung. Trên lối đi của khỉ vượn, thợ săn dùng keo bôi lên cỏ. Những con vượn khỉ nào khôn ngoan thì tránh xa bỏ đi. Những vượn khỉ con ngu si không biết tránh xa, thì dùng tay chạm vào chút xíu, liền bị dính tay. Nó dùng tay kia để gỡ, tức thì dính cả hai tay. Nó lại dùng chân để gỡ, hai chân cũng bị keo dính luôn. Nó dùng miệng cắn cỏ, miệng cũng bị keo dính chặt. Năm chỗ đều bị dính keo, phải nằm co quắp trên đất. Thợ săn đi đến, vội lấy gậy xỏ vào khiêng đi.

“Tỳ-kheo nên biết, bọn vượn khỉ ngu si rời bỏ cảnh giới của mình, chỗ ở của cha mẹ, đi chơi nơi cảnh giới kẻ khác, nên bị khổ não này. Cũng vậy, Tỳ-kheo, phàm phu ngu si, sống nương ở nơi làng xóm, sáng sớm đắp y, mang bát vào thôn khất thực, không khéo hộ trì thân và không thủ hộ các căn. Mắt thấy sắc liền sanh ra nhiễm đắm; tai với âm thanh, mũi với mùi, lưỡi với vị, thân với xúc đều sanh ra nhiễm đắm. Tỳ-kheo ngu si sau khi các căn bên trong và các cảnh bên ngoài bị trói buộc năm chỗ, nên bị lệ thuộc vào ước muốn của ma. Cho nên các Tỳ-kheo cần nên học tập như vầy: ‘Hãy chỉ nơi đi lại của mình, chỗ ở của cha mẹ mà sống, chớ đi đến chỗ khác và cảnh giới kẻ khác.’

“Thế nào là nơi đi lại của mình, nơi ở của cha mẹ Tỳ-kheo? Là chỉ cho bốn Niệm xứ: Sống với chánh niệm quán thân trên thân, sống quán thọ, tâm, pháp trên pháp.”

Phật dạy kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 621. NIÊN THIẾU TỲ-KHEO[43]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả A-nan cùng các Tỳ-kheo đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, Tôn giả A-nan bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, các Tỳ-kheo trẻ tuổi này, nên dạy dỗ cho họ như thế nào? Nên nói pháp cho họ như thế nào?”

Phật bảo Tôn giả A-nan:

“Các Tỳ-kheo trẻ tuổi này, nên dùng bốn Niệm xứ dạy cho họ tu tập. Những gì là bốn? Đó là: Sống chánh niệm quán thân trên thân, phương tiện tinh cần, không hành buông lung, chánh trí, chánh niệm, tâm tịch định… cho đến, biết rõ thân[44]. Sống chánh niệm quán, thọ, tâm, pháp trên pháp, phương tiện tinh cần, không hành buông lung, chánh niệm, chánh trí, tâm định tĩnh… cho đến biết pháp. Vì sao? Vì nếu Tỳ-kheo còn trụ ở địa vị hữu học mà chưa thăng tiến được, nhưng đang chí cầu Niết-bàn an ổn, thì hãy sống chánh niệm quán thân trên thân, phương tiện tinh cần, không hành buông lung, chánh niệm, chánh trí, tâm tịch tịnh; sống quán thọ, tâm, pháp trên pháp, phương tiện tinh cần, không hạnh buông lung, chánh niệm, chánh trí, tâm tịch tịnh… cho đến xa lìa đối với pháp.

“Nếu A-la-hán, các lậu đã hết, việc làm đã xong, đã bỏ hết gánh nặng, dứt hẳn các kết sử, bằng chánh tri mà khéo giải thoát; nhưng chính lúc này, cũng tu, sống quán thân trên thân, phương tiện tinh cần, không hạnh buông lung, chánh niệm, chánh trí, tâm vắng lặng, sống quán niệm thọ, tâm, pháp trên pháp,… cho đến xa lìa đối với pháp.”

Bấy giờ, Tôn giả A-nan, tùy hỷ hoan hỷ, đảnh lễ mà lui.

KINH 622. AM-LA NỮ[45]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú tại Bạt-kỳ, du hành trong nhân gian, đến nghỉ trong vườn Am-la, nước Tỳ-xá-ly. Bấy giờ có nàng kỹ nữ Am-la nghe tin Đức Thế Tôn du hành từ Bạt-kỳ đến ở trong vườn Am-la, liền sửa soạn đánh xe ra khỏi thành Tỳ-xá-ly, đến chỗ Thế Tôn cung kính cúng dường. Khi đến cửa vườn Am-la, xuống xe đi bộ, từ xa trông thấy Thế Tôn thuyết pháp cho đại chúng đang vây quanh. Thế Tôn thấy nàng Am-la sắp đến, bảo các Tỳ-kheo:

“Này các Tỳ-kheo, các ông nên tinh cần nhiếp tâm an trụ, chánh niệm, chánh trí. Nay có cô gái Am-la đến, nên phải giáo giới các ông.

“Thế nào là Tỳ-kheo tinh cần nhiếp tâm an trụ? Nếu Tỳ-kheo nào đối với pháp ác bất thiện đã sanh thì nên đoạn trừ, phát khởi ý chí, phương tiện, tinh tấn, nhiếp tâm; đối với pháp ác bất thiện nếu chưa sanh, thì đừng để sanh. Đối với pháp thiện chưa sanh thì nên làm cho phát sanh; nếu pháp thiện đã sanh, thì khiến an trụ không để mất. Tu tập đầy đủ, phát khởi ý chí, phương tiện, tinh tấn, nhiếp tâm. Đó gọi là Tỳ-kheo tinh cần an trụ nhiếp tâm.

“Thế nào gọi là Tỳ-kheo chánh trí? Nếu Tỳ-kheo nào trong những oai nghi tới, lui, thường theo chánh trí; quay nhìn, trông, ngắm, co, duỗi, cúi, ngước, cầm y bát, đi, đứng, nằm, ngồi, ngủ, nghỉ, thức, nói, im lặng, đều an trụ với chánh trí. Đó là chánh trí.

“Thế nào là chánh niệm? Nếu Tỳ-kheo nào an trụ chánh niệm quán thân trên nội thân, tinh cần, phương tiện, chánh trí, chánh niệm, điều phục tham ưu thế gian; an trụ chánh niệm quán thọ, tâm, pháp trên pháp, tinh cần, phương tiện, chánh trí, chánh niệm, điều phục tham ưu thế gian. Đó gọi là Tỳ-kheo chánh niệm. Cho nên, các ông hãy tinh cần nhiếp tâm an trụ, chánh niệm, chánh trí. Nay có cô gái Am-la đến, nên phải giáo giới các ông.”

Khi nàng Am-la đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi đứng lui qua một bên. Bấy giờ, Thế Tôn vì người nữ Am-la nói pháp, khai thị, chỉ giáo, soi sáng, làm cho hoan hỷ, sau đó Ngài im lặng.

Nàng Am-la sửa lại y phục đảnh lễ Phật, rồi chắp tay bạch Phật:

“Xin Thế Tôn và đại chúng nhận lời mời cúng dường trưa mai của con.”

Khi ấy, Thế Tôn im lặng nhận lời. Người nữ Am-la biết Thế Tôn đã im lặng nhận lời, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật rồi cáo từ về nhà mình, sửa soạn thức ăn, sắp xếp bàn ghế. Sáng sớm hôm sau cho người đến bạch Phật là đã đến giờ.

Bấy giờ, Thế Tôn và đại chúng cùng đi đến nhà người nữ Am-la, an tọa xong. Lúc này người nữ Am-la tự tay cúng dường các thứ đồ ăn thức uống. Sau khi thọ thực rồi, rửa tay, rửa bát xong, người nữ Am-la đặt một cái ghế nhỏ ngồi trước Phật, nghe Phật nói pháp. Bấy giờ, Thế Tôn vì người nữ Am-la nói kệ tùy hỷ:

Bố thí, người yêu mến,
Được nhiều người theo mình;
Tiếng tăm ngày càng rộng,
Gần xa đều nghe hết.
Trong chúng thường hòa nhã,
Lìa keo kiệt, không sợ;
Cho nên trí tuệ thí,
Đoạn keo lẫn không còn.
Sanh lên trời Đao-lợi,
Mãi mãi hưởng khoái lạc;
Suốt đời thường tu đức,
Vui chơi vườn Nan-đà[46].
Gồm trăm thứ nhạc trời,
Năm dục đẹp lòng mình;
Kia khi ở đời này,
Được nghe Phật nói pháp.
Làm đệ tử Thiện Thệ,
Vui hóa sanh về đó.

Sau khi Thế Tôn vì người nữ Am-la nói pháp, khai thị, chỉ giáo, soi sáng, làm cho hoan hỷ xong, Ngài từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.

KINH 623. THẾ GIAN[47]

Tôi nghe như vầy.

Một thời, Phật ở trong vườn Lộc dã, nơi Tiên nhân trú xứ tại nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Các sắc đẹp thế gian[48]; người có sắc đẹp thế gian có thể khiến cho mọi người tụ tập lại để ngắm nhìn chăng?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, đúng vậy!”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Nếu sắc đẹp thế gian, người có sắc đẹp thế gian, lại có thể múa hát ca nhạc, có càng làm cho mọi người tụ tập lại để xem không?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, có vậy!”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Hoặc có sắc đẹp thế gian, người có sắc đẹp thế gian mà ở một chỗ múa hát, ca nhạc, diễn trò, lại có đám đông tụ tập lại một nơi. Nếu có người không ngu, không si, ham vui, chán khổ, tham sống, sợ chết. Có người khác bảo nó rằng: ‘Người đàn ông kia, ngươi hãy bưng bát dầu đầy này, đi qua giữa người đẹp thế gian và đám đông. Ta sai một kẻ giỏi giết người cầm đao theo sau. Nếu ngươi làm rơi đi một giọt dầu, thì sẽ bị chém chết liền.’ Thế nào, Tỳ-kheo, người bưng bát dầu này có thể không nghĩ đến bát dầu, không nghĩ đến kẻ giết người mà chỉ nhìn xem kỹ nữ và mọi người kia chăng?”

Các Tỳ-kheo, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, không thể! Vì sao? Bạch Thế Tôn, vì người này tự thấy ở sau mình có người cầm đao, nên lúc nào cũng nghĩ rằng: ‘Nếu ta làm rơi đi một giọt dầu, thì tên đao phủ kia sẽ chém đầu ta.’ Nên chỉ để hết tâm chú ý vào bát dầu, bước đi chậm rãi giữa mọi người và sắc đẹp thế gian mà không dám liếc ngó quay nhìn.”

“Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, nếu có Sa-môn và Bà-la-môn nào thân mình ngồi ngay thẳng, tự ổn cố, chuyên nhất tâm mình, không chạy theo âm thanh hình sắc, khéo thu nhiếp tất cả tâm pháp[49], trụ nơi thân niệm xứ, thì đó là đệ tử của Ta, vâng lời Ta dạy.

“Thế nào là Tỳ-kheo thân mình ngồi ngay thẳng, tự ổn cố, chuyên nhất tâm mình, không chạy theo âm thanh hình sắc, khéo thu nhiếp tất cả tâm pháp, trụ nơi thân niệm xứ, Như vậy, này các Tỳ-kheo sống quán niệm thân trên thân, phương tiện tinh cần, chánh trí, chánh niệm, điều phục tham ưu thế gian. Sống quán niệm thọ, tâm, pháp trên pháp, cũng lại như vậy, đó gọi là Tỳ-kheo thân mình ngồi ngay thẳng, tự ổn cố, chuyên nhất tâm mình, không chạy theo âm thanh hình sắc, khéo thu nhiếp tất cả tâm pháp, trụ nơi thân niệm xứ.”

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ:

Chuyên tâm chánh niệm,
Giữ gìn bát dầu;
Tự tâm theo giữ,
Chưa từng tới đó.
Rất khó vượt qua,
Vi tế thắng diệu;
Những gì Phật dạy,
Là lời gươm bén.
Cần một lòng mình,
Chuyên tinh gìn giữ;
Không phải là việc;
Buông lung người đời.
Như vậy thâm nhập,
Giáo không buông lung.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 624. UẤT-ĐỂ-CA[50]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả Uất-để-ca[51] đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Lành thay, Đức Thế Tôn! Xin vì con nói pháp. Sau khi nghe pháp, con sẽ ở một mình chỗ vắng, chuyên tinh tư duy, sống không buông lung và suy nghĩ về lý do khiến người thiện nam cạo bỏ râu tóc, chánh tín xuất gia học đạo, sống không nhà. Nói đầy đủ như trên,… cho đến không còn tái sanh nữa.”

Phật bảo Tôn giả Uất-để-ca:

“Đúng vậy! Đúng vậy! Như những gì ngươi nói. Nhưng đối với những pháp mà Ta đã nói, mà không làm cho Ta hài lòng, thì sự nghiệp của người kia cũng không thành tựu. Tuy đi theo sau Ta nhưng không được lợi ích, trái lại còn sanh chướng ngại.”

Uất-để-ca bạch Phật:

“Theo những gì Thế Tôn đã nói, con có thể làm Thế Tôn hài lòng, sự nghiệp của con được thành tựu không sanh chướng ngại. Xin Thế Tôn vì con nói pháp, con sẽ ở một mình chỗ vắng, chuyên tinh tư duy sống không buông lung. Nói đầy đủ như trên,… cho đến không còn tái sanh nữa. Hai ba lần bạch thỉnh như vậy.”

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Uất-để-ca:

“Trước hết ngươi nên làm thanh tịnh nghiệp bản sơ[52] của mình, sau đó tu tập phạm hạnh.”

Uất-để-ca bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, nay con làm thế nào để tẩy sạch nghiệp bản sơ của mình để tu tập phạm hạnh?”

Phật dạy Uất-để-ca:

“Trước hết ngươi phải làm thanh tịnh cho giới, chánh trực cho tri kiến, ba nghiệp phải đầy đủ, sau đó tu tập bốn Niệm xứ. Những gì là bốn? Đó là: Sống an trú chánh niệm quán thân trên nội thân, phương tiện, tinh cần, chánh trí, chánh niệm, điều phục tham ưu thế gian. Cũng vậy, sống an trú chánh niệm quán ngoại thân, nội ngoại thân trên thân, sống an trú chánh niệm quán thọ, tâm, pháp trên pháp, cũng nói đầy đủ như vậy.”

Khi Uất-để-ca nghe Phật dạy xong, tùy hỷ hoan hỷ từ chỗ ngồi đứng dậy lui ra.

Sau khi nghe Phật chỉ dạy rồi, một mình Uất-để-ca ở chỗ vắng chuyên tinh tư duy, sống không buông lung, tự suy nghĩ về lý do khiến người thiện nam cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chánh tín xuất gia học đạo, sống không nhà,… cho đến không còn tái sanh nữa.

Như những gì Uất-để-ca hỏi. Cũng vậy, những gì Tỳ-kheo khác hỏi, cũng dạy như trên.

KINH 625. BÀ-HÊ-CA[53]

Tôi nghe như vậy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy có một Tỳ-kheo tên là Bà-hê-ca[54] đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, lành thay! Thế Tôn, xin vì con mà nói pháp.”

Như kinh đã nói đầy đủ với Tôn giả Uất-đề-ca ở trước, chỉ có sự sai biệt là:

“Như vậy, này Bà-hê-ca, Tỳ-kheo làm sạch nghiệp bản sơ, là an trú chánh niệm quán thân trên thân, vượt qua các ma, an trú chánh niệm quán thọ, tâm, pháp trên pháp vượt qua các ma.”

Sau khi Tỳ-kheo Bà-hê-ca nghe Phật nói pháp, chỉ dạy xong, tùy hỷ hoan hỷ đảnh lễ lui ra. Sau đó một mình ở chỗ vắng, chuyên tinh tư duy, sống không buông lung… cho đến không còn tái sanh nữa.

KINH 626. TỲ-KHEO

Kinh thứ hai cũng nói như kinh trên, chỉ có sự sai khác là: Như vậy, Tỳ-kheo vượt qua sanh tử.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]