Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tạp A-hàm quyển 13 (315 - 325)

08/05/201312:51(Xem: 13575)
Tạp A-hàm quyển 13 (315 - 325)

Kinh Tạp A Hàm

Tạp A-hàm quyển 13 (315 - 325)

Tỳ kheo Thích Đức Thắng

Nguồn: Việt dịch: Thích Đức Thắng
Hiệu đính & Chú thích: Tuệ Sỹ

KINH 315. NHÃN SANH[45]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Nếu mắt sanh khởi, đình trú, chuyển sanh, xuất hiện, thì khổ sanh khởi, bệnh đình trú, già, chết xuất hiện. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy. Nếu mắt diệt tận, thì khổ sanh cũng diệt, bệnh dứt, (già) chết biến mất. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 316. NHÃN VÔ THƯỜNG

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Mắt là vô thường. Nếu mắt là thường thì đáng lý không phải chịu khổ bức bách và cũng có thể nói: ‘Đối với con mắt ta muốn nó phải như thế này, hay không muốn nó phải như thế này.’ Nhưng vì mắt là vô thường nên mắt phải chịu khổ bức bách sanh ra và đối với mắt không thể muốn nó như thế này, hay không muốn nó như thế này. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 317. NHÃN KHỔ

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Mắt là khổ. Nếu mắt là lạc, thì đáng lý không phải chịu khổ bức bách; và đối với mắt có thể muốn nó phải được như thế này, hay không muốn nó phải như thế này. Nhưng vì mắt là khổ nên phải chịu khổ bức bách và đối với mắt không thể muốn nó phải như thế này, hay không muốn nó phải như thế này. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 318. NHÃN PHI NGÃ

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Mắt chẳng phải ngã. Nếu mắt là ngã thì đáng lý không phải chịu khổ bức bách và đối với mắt có thể muốn nó phải được như thế này, hay không muốn nó phải như thế này. Nhưng vì mắt chẳng phải là ngã, nên phải chịu khổ bức bách và đối với mắt không thể muốn nó phải như thế này, hay không muốn nó phải như thế này. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Như ba kinh Nội lục nhập xứ, ba kinh Ngoại lục nhập xứ cũng nói như vậy.

KINH 319. NHẤT THIẾT[46]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Bà-la-môn Sanh Văn đi đến chỗ Phật, sau khi chào đón hỏi thăm nhau, ngồi một bên bạch Phật:

“Bạch Cù-đàm, nói rằng ‘tất cả’, vậy thế nào là tất cả?”

Phật bảo Bà-la-môn:

“Tất cả, nghĩa là chỉ cho mười hai nhập xứ, mắt đối với sắc, tai đối với âm thanh, mũi đối với mùi, lưỡi đối với vị, thân đối với xúc chạm, ý đối với pháp, đó gọi là tất cả. Nếu có người lại nói rằng: ‘Đó không phải là tất cả, mà Sa-môn Cù-đàm nói là tất cả. Nay ta bỏ tất cả này mà lập riêng tất cả khác,’ thì người này chỉ nói trên ngôn thuyết. Nếu hỏi đến thì họ lại không biết và chỉ tăng thêm nghi hoặc. Vì sao? Vì chẳng phải là cảnh giới ấy.”

Bà-la-môn Sanh Văn nghe Phật nói xong, hoan hỷ phụng hành.

KINH 320. NHẤT THIẾT HỮU[47]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Bà-la-môn Sanh Văn đi đến chỗ Phật, sau khi cùng Phật chào hỏi xong, ngồi qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Cù-đàm, Ngài nói tất cả đều có[48], vậy thế nào là tất cả đều có?”

Phật bảo Bà-la-môn Sanh Văn:

“Nay Ta hỏi, ông cứ tùy ý mà trả lời câu hỏi của Ta. Này Bà-la-môn, ý ông thế nào, mắt là có chăng?”

Đáp:

“Bạch Sa-môn Cù-đàm, có.”

“Sắc là có chăng?”

Đáp:

“Bạch Sa-môn Cù-đàm, có.”

“Này Bà-la-môn, vì có sắc, có nhãn thức, có nhãn xúc, nên sanh ra cảm thọ hoặc khổ, hoặc lạc, hoặc không khổ không lạc chăng?”

Bà-la-môn Sanh Văn đáp:

“Bạch Sa-môn Cù-đàm, có.”

“Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng nói như vậy. Nói rộng ra như trên cho đến chẳng phải cảnh giới ấy.”

Phật nói kinh này xong, Bà-la-môn Sanh Văn nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành, đứng lên từ giã.

KINH 321. NHẤT THIẾT

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Bà-la-môn Sanh Văn đi đến chỗ Phật, sau khi cùng Phật chào hỏi xong, ngồi qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Sa-môn Cù-đàm, nói là tất cả pháp, vậy thế nào là tất cả pháp?”

Phật bảo Bà-la-môn Sanh Văn:

“Mắt, sắc, nhãn thức sanh ra nhãn xúc, nhãn xúc làm nhân duyên sanh ra cảm thọ, hoặc khổ, hoặc lạc, hoặc không khổ không lạc. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý… pháp, ý thức sanh ra ý xúc; ý xúc làm hân duyên sanh ra cảm thọ, hoặc khổ, hoặc lạc, hoặc không khổ không lạc, đó gọi là tất cả pháp. Nếu có người lại nói: ‘Ở đây không phải là tất cả các pháp, như Sa-môn Cù-đàm nói là tất cả pháp. Nay ta bỏ tất cả pháp này mà lập riêng tất cả pháp khác,’ thì người ấy chỉ nói trên ngôn thuyết, nếu hỏi đến thì lại không biết, chỉ tăng thêm nghi hoặc. Vì sao? Vì chẳng phải là cảnh giới ấy.”

Phật nói kinh này xong, Bà-la-môn Sanh Văn nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Giống như ba kinh Bà-la-môn Sanh Văn đã hỏi, ba kinh có Tỳ-kheo khác hỏi và ba kinh Tôn giả A-nan hỏi, ba kinh Đức Thế Tôn nói về pháp nhãn, pháp căn, pháp y cũng dạy như trên.

KINH 322. NHÃN NỘI NHẬP XỨ

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tỳ-kheo đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, như lời Thế Tôn đã dạy, mắt là nội nhập xứ, Thế Tôn chỉ nói lược, không phân biệt đầy đủ. Vậy thế nào mắt là nội nhập xứ?”

Phật bảo Tỳ-kheo này:

“Mắt là nội nhập xứ, là tịnh sắc do bốn đại tạo, không thể thấy, có đối ngại[49]. Đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý nội nhập xứ cũng nói như vậy.”

Lại bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, như lời Thế Tôn đã dạy, ý là nội nhập xứ, nhưng không phân biệt rộng. Vậy thế nào ý là nội nhập xứ?”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Ý nội nhập xứ là tâm, ý, thức, phi sắc, không thể thấy, không đối ngại, thì đó gọi là ý nội nhập xứ.”

Lại hỏi:

“Như lời Đức Thế Tôn đã dạy về sắc ngoại nhập xứ, Thế Tôn nói lược, không phân biệt đầy đủ. Vậy bạch Thế Tôn, thế nào là sắc ngoại nhập xứ?”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Sắc ngoại nhập xứ, là sắc do bốn đại tạo, có thể thấy, có đối ngại. Đó gọi là sắc ngoại nhập xứ.”

Lại hỏi Phật:

“Thế Tôn nói thanh là ngoại nhập xứ, nhưng không phân biệt đầy đủ. Vậy thế nào thanh là ngoại nhập xứ?”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Nếu thanh do bốn đại tạo, không thể thấy, nhưng có đối ngại. Như thanh, mùi vị cũng như vậy.”

Lại hỏi:

“Thế Tôn đã nói về xúc ngoại nhập xứ, nhưng không phân biệt đầy đủ, vậy thế nào là xúc ngoại nhập xứ?”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Xúc ngoại nhập xứ, là bốn đại và sắc do tứ đại tạo, không thể thấy, nhưng có đối ngại. Đó gọi là xúc ngoại nhập xứ.”

Lại hỏi:

“Bạch Thế Tôn, Ngài chỉ nói pháp ngoại nhập xứ, chứ không phân biệt đầy đủ?”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Pháp ngoại nhập xứ là những pháp không gồm trong mười một loại nhập xứ này, không thể thấy, không đối ngại. Đó gọi là pháp ngoại nhập xứ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 323. LỤC NỘI NHẬP XỨ

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu nội nhập xứ, là mắt nội nhập xứ và tai, mũi, lưỡi, thân, ý nội nhập xứ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 324. LỤC NGOẠI NHẬP XỨ

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có sáu ngoại nhập xứ. Vậy thế nào là sáu ngoại nhập xứ? Sắc ngoại nhập xứ, thanh, hương, vị, xúc, pháp ngoại nhập xứ. Đó gọi là sáu ngoại nhập xứ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 325. LỤC THỨC THÂN

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có sáu thức thân. Đó là nhãn thức thân, nhĩ thức thân, tỷ thức thân, thiệt thức thân, thân thức thân, ý thức thân. Đó gọi là sáu thức thân.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy, vui mừng thực hành theo.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]