Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tạp A-hàm quyển 2 (33 - 43)

07/05/201320:19(Xem: 16987)
Tạp A-hàm quyển 2 (33 - 43)

Kinh Tạp A Hàm

Tạp A-hàm quyển 2 (33 - 43)

Tỳ kheo Thích Đức Thắng

Nguồn: Việt dịch: Thích Đức Thắng
Hiệu đính & Chú thích: Tuệ Sỹ

KINH 33. PHI NGÃ[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Sắc không phải là ngã. Nếu sắc là ngã, không nên ở nơi sắc mà bệnh, khổ sanh và cũng không thể có ước muốn khiến như vậy hay không như vậy đối với sắc. Vì sắc là vô ngã cho nên ở nơi sắc có bệnh, khổ sanh và nó cũng có ước muốn khiến như vậy, hay không như vậy đối với sắc. Thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.

“Tỳ-kheo, ý ngươi thế nào, sắc là thường hay vô thường?”

Tỳ-kheo bạch Phật:

“Là vô thường, bạch Thế Tôn.”

“Tỳ-kheo, nếu là vô thường, thì có phải là khổ?”

Tỳ-kheo bạch Phật:

“Là khổ, bạch Thế Tôn.”

“Vậy, nếu vô thường là khổ, thì nó là pháp biến dịch. Đa văn Thánh đệ tử ở trong đó có nên thấy là có ngã, khác ngã, hay ở trong nhau[2]?”

Tỳ-kheo bạch Phật:

“Không nên, bạchThế Tôn.”

“Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.

“Cho nên, Tỳ-kheo, những gì là sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả chúng không phải là ngã, không phải khác ngã, hay không ở trong nhau. Hãy quán sát như vậy. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.

“Tỳ-kheo, đa văn Thánh đệ tử, đối với năm thọ ấm này, hãy quán sát như thật chúng là chẳng phải ngã, chẳng phải ngã sở. Khi quán sát như thật rồi, thì đối với thế gian không có gì phải chấp thủ. Vì đã không có gì để chấp thủ, nên cũng không có gì để đắm trước. Vì đã không có gì để đắm trước, nên tự giác ngộ Niết-bàn: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết sẽ không còn tái sanh đời sau nữa.’”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 34. NGŨ TỲ-KHEO[3]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn Lộc dã, nơi Tiên nhân trú xứ, nước Ba-la-nại.

Bấy giờ Thế Tôn bảo năm vị Tỳ-kheo:

“Sắc không có ngã[4]. Nếu sắc mà có ngã, thì bệnh, khổ không thể sanh nơi sắc được, cũng không thể có ước muốn khiến cho như vầy hay không như vầy đối với sắc được. Vì sắc là vô ngã, cho nên nơi sắc bệnh, khổ sanh và cũng có thể có ước muốn khiến cho như vầy hay không như vầy được. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.

“Tỳ-kheo, ý ngươi thế nào, sắc là thường hay vô thường?”

Tỳ-kheo bạch Phật:

“Là vô thường, bạch Thế Tôn.”

“Tỳ-kheo, vô thường là khổ chăng?”

Tỳ-kheo bạch Phật:

“Là khổ, bạch Thế Tôn.”

“Tỳ-kheo, vô thường là khổ, thì nó là pháp biến dịch. Đa văn Thánh đệ tử ở nơi sắc có nên thấy là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”

Tỳ-kheo bạch Phật:

“Không nên, bạch Thế Tôn.”

“Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.

“Cho nên, Tỳ-kheo, những gì là sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; hãy quán sát như thật tất cả chúng chẳng phải là ngã, chẳng phải là ngã sở. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.

“Này Tỳ-kheo, đa văn Thánh đệ tử đối với năm thọ ấm này, hãy quán sát như thật, thấy chẳng phải ngã, chẳng phải ngã sở. Quán sát như vậy, đối với thế gian đều không có gì để thủ. Vì không có gì để thủ, nên không có gì để đắm trước. Vì không có gì để đắm trước, cho nên tự giác ngộ Niết-bàn: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 35. TAM CHÁNH SĨ [5]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú tinh xá Trúc viên, tại Chi-đề.

Bấy giờ có ba vị Chánh sĩ[6] mới xuất gia. Đó là Tôn giả A-nậu-luật-đà[7], Tôn giả Nan-đề[8], Tôn giả Kim-tỳ-la[9].

Bấy giờ, Đức Thế Tôn biết trong tâm họ đang nghĩ những gì, nên răn dạy họ rằng:

“Tỳ-kheo, đây là tâm, đây là ý, đây là thức. Hãy tư duy điều này. Chớ tư duy điều này. Hãy đoạn trừ dục này, đoạn trừ sắc này, tự thân tác chứng, thành tựu và an trụ.

“Tỳ-kheo, có sắc nào là thường còn, không biến dịch, tồn tại mãi không?”

Tỳ-kheo bạch Phật:

“Bạch không, Thế Tôn.”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Lành thay! Lành thay! Sắc là vô thường, là pháp biến dịch, yểm ly, ly dục, diệt tận, tịch tĩnh. Sắc như vậy từ xưa tới nay, tất cả đều là pháp vô thường, khổ, biến dịch. Khi đã biết như vậy rồi, thì tất cả các lậu, hại, xí nhiên, ưu não đã từng duyên vào sắc này mà sanh ra, thảy đều bị đoạn diệt. Khi đã đoạn diệt rồi, thì không còn gì để chấp trước. Khi đã không còn gì để chấp trước rồi, thì sống an lạc. Khi đã sống an lạc rồi, thì đạt được Bát-niết-bàn. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.”

Khi Đức Phật nói kinh này, ba vị Chánh sĩ lậu hoạêc không còn khởi lên nữa, tâm được giải thoát.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 36. THẬP LỤC TỲ-KHEO[10]

Tôi nghe như vầy:

Khi Đức Phật ở trong vườn xoài Tán cái, bên bờ sông Bạt-đề, nước Ma-thâu-la[11].

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Hãy an trú nơi hòn đảo chính mình[12], an trú nơi nương tựa chính mình[13], an trú nơi hòn đảo pháp[14], an trú nơi nương tựa pháp[15], chứ đừng an trú nơi hòn đảo nào khác, hay nương tựa nơi nào khác.

“Tỳ-kheo hãy quán sát chân chánh, an trú nơi hòn đảo chính mình, an trú nơi nương tựa chính mình, an trú nơi hòn đảo pháp, an trú nơi nương tựa pháp, chứ đừng an trú nơi hòn đảo nào khác, hay nơi nương tựa nào khác.

“Do nhân gì mà ưu, bi, khổ, não sanh? Tại sao có bốn? Do bởi đâu bị cái gì trói buộc[16]? Làm sao tự quán sát, ưu, bi, khổ, não chưa sanh nay sanh; ưu, bi, khổ, não đã sanh nay lại tăng trưởng rộng?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Thế Tôn là gốc pháp, là con mắt pháp, là sở y của pháp. Cúi xin Đức Thế Tôn vì chúng con mà nói, sau khi chúng con nghe xong, sẽ y như những lời dạy mà làm theo.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói.

“Này các Tỳ-kheo, có sắc, nhân sắc mà trói buộc vào sắc; tự quán sát ưu, bi, khổ, não chưa sanh nay sanh, đã sanh rồi nay lại tăng trưởng rộng. Đối với thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như vậy.

“Tỳ-kheo, có sắc nào là thường hằng, không biến dịch, tồn tại mãi mãi không?”

Đáp:

“Bạch không, Thế Tôn.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Lành thay! Lành thay! Tỳ-kheo, sắc là vô thường. Nếu thiện nam tử biết sắc là vô thường, khổ, biến dịch, dục, diệt tận, tịch tĩnh; từ xưa tới nay tất cả sắc đều là pháp vô thường, khổ, biến dịch; biết rồi, nếu sắc là nhân duyên sanh ra ưu, bi, khổ, não, thì nên đoạn trừ chúng. Khi đã đoạn trừ rồi, thì không còn gì để chấp trước. Vì không chấp trước nên sống an vui. Khi đã sống an vui rồi, thì đó gọi là Niết-bàn. Đối với thọ tưởng, hành và thức lại cũng như vậy.”

Khi Đức Phật nói kinh này, thì mười sáu Tỳ-kheo không sanh các lậu, tâm đạt được giải thoát.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.



Kệ tóm tắt:

Trúc viên, Tỳ-xá-ly,
Thanh tịnh, chánh quán sát,
Vô thường, khổ, phi ngã,
Năm, ba và mười sáu.

KINH 37. NGÃ[17]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Ta không tranh luận với thế gian. Thế gian tranh luận với Ta. Vì sao vậy? Tỳ-kheo, nếu người nào nói đúng pháp, thì người ấy không tranh luận với thế gian.

“Những gì người trí thế gian nói có, Ta cũng nói có. Thế nào là người trí thế gian nói có, Ta cũng nói có? Tỳ-kheo, sắc là vô thường, khổ, là pháp biến dịch; người trí thế gian nói có, Ta cũng nói có. Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức là vô thường, khổ, là pháp biến dịch; người trí thế gian nói có, thì Ta cũng nói có.

“Những gì người trí thế gian nói không, Ta cũng nói không. Thế nào là người trí thế gian nói không, Ta cũng nói không? Tỳ-kheo, sắc thường hằng, không biến dịch, tồn tại mãi mãi, là điều người trí thế gian nói là không, thì Ta cũng nói là không. Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức là thường hằng, không biến dịch, tồn tại mãi mãi; là điều người trí nói không, thì Ta cũng nói không. Đó gọi là người trí thế gian nói không, Ta cũng nói không.

“Tỳ-kheo, có những pháp thế gian, ở trong thế gian[18], Ta đã tự chứng tri, tự giác ngộ, rồi vì mọi người mà phân biệt, giảng nói, hiển thị, nhưng những kẻ mù không có mắt trong thế gian đã không biết, không thấy, đó không phải là lỗi của Ta.

“Tỳ-kheo, những gì là pháp thế gian ở trong thế gian mà Ta đã tự chứng tri, tự giác ngộ, rồi vì mọi người phân biệt, giảng nói, hiển hiện, nhưng những kẻ mù không mắt, không biết không thấy? Tỳ-kheo, đó là, sắc là pháp vô thường, khổ, biến dịch, nó là pháp thế gian ở trong thế gian. Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức là vô thường, khổ, là pháp thế gian ở trong thế gian.

“Tỳ-kheo, đó là pháp thế gian ở trong thế gian, mà Ta đã tự chứng tri, đã tự giác ngộ, rồi vì mọi người phân biệt, giảng nói, hiển hiện, nhưng những kẻ mù không mắt, không biết, không thấy. Đối với những kẻ mù, không mắt, không biết, không thấy kia, Ta làm gì được.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 38. TY HẠ[19]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Người đời làm nghề thấp hèn, bằng đủ mọi cách mưu sinh tìm cầu của cải, mà được giàu sang; điều đó người đời ai cũng biết. Như điều mà người đời biết, Ta cũng nói như vậy. Vì sao? Chớ nghĩ Ta khác người đời.

“Tỳ-kheo, giống như cùng một món đồ, có nơi người ta gọi là kiền-tỳ, có nơi gọi là bát, có nơi gọi là chủy-chủy-la, có nơi gọi là giá-lưu, có nơi gọi là tỳ-tất-đa, có nơi gọi là bà-xà-na, có nơi gọi là tát-lao[20], theo sự hiểu biết chỗ này hay chỗ kia. Ta cũng nói như vậy. Vì sao? Đừng nghĩ Ta khác người đời.

“Như vậy, này các Tỳ-kheo, có pháp thế gian mà Ta đã tự chứng tri, đã tự giác ngộ, rồi vì mọi người phân biệt, giảng nói, hiển hiện, nhưng những kẻ mù không mắt, không biết, không thấy. Đối với những kẻ mù, không mắt, không biết, không thấy kia, Ta làm gì được.”

“Tỳ-kheo, những gì là pháp thế gian ở trong thế gian mà Ta đã tự chứng tri, tự giác ngộ, rồi vì mọi người phân biệt, giảng nói, hiển hiện, nhưng những kẻ mù không mắt, không biết, không thấy? Tỳ-kheo, đó là, sắc là pháp vô thường, khổ, biến dịch, nó là pháp thế gian ở trong thế gian. Cũng vậy, thọ, tưởng, hành, thức là vô thường, khổ, là pháp thế gian ở trong thế gian.

“Tỳ-kheo, đó là pháp thế gian ở trong thế gian, mà Ta đã tự biết, tự thấy,… cho đến, những kẻ mù không mắt, không biết không thấy, thì Ta làm gì được!”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 39. CHỦNG TỬ[21]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có năm loại hạt giống. Năm loại đó là gì? Đó là, hạt giống từ rễ, hạt giống từ thân, hạt giống từ đốt[22], hạt giống tự rụng, hạt giống từ quả. Năm loại hạt giống này tuy không bị gián đoạn, không bị hư hoại, không bị mục thối, không bị trúng gió[23], vừa chín, chắc hạt, có đất, nhưng nếu không có nước[24], thì những loại hạt giống đó không thể sanh trưởng lớn mạnh được. Nếu những hạt giống mới vừa chín tới, chắc hạt này, tuy không bị gián đoạn, không bị hư hoại, không bị mục thối, không bị trúng gió, có nước, nhưng nếu không có đất, thì chúng cũng không sanh trưởng lớn mạnh được. Nếu những hạt giống mới vừa chín tới, chắc hạt này, mà không bị gián đoạn, không bị hư hoại, không bị mục thối, không bị trúng gió, có nước, có đất đầy đủ, thì những hạt giống này sẽ sanh trưởng lớn mạnh.

“Tỳ-kheo, năm loại hạt giống này được ví cho các thọ ấm cùng hiện hữu với thức. Đất được ví cho bốn thức trụ[25]. Nước được ví cho hỷ tham[26]. Bốn thủ[27] vin bám nơi thức mà trụ. Bốn là những gì? Thức trụ ở trong sắc, vin bám sắc, hỷ tham được ướt nhuần, sanh trưởng lớn mạnh. Cũng vậy, thức trụ trong thọ, tưởng và hành, vin bám thọ, tưởng, hành, hỷ tham được ướt nhuần, sanh trưởng lớn mạnh.

“Tỳ-kheo, thức ở trong đó, hoặc đến, hoặc đi, hoặc hiện, hoặc mất, hoặc sanh trưởng lớn mạnh.

“Tỳ-kheo, nếu lìa sắc, thọ, tưởng, hành mà thức có đến, có đi, có hiện, có mất, có sanh, thì chỉ có trên ngôn thuyết, chứ nếu hỏi đến thì sẽ không biết, càng làm cho si mê, vì không phải là cảnh giới.

“Đối với sắc giới mà lìa tham. Khi đã lìa tham rồi, sự trói buộc bởi ý sanh[28] và sự ngưng trệ nơi sắc bị đoạn trừ[29]. Khi sự trói buộc bởi ý sanh[30] và sự ngưng trệ nơi thức bị đoạn trừ rồi, thì sự vin bám bị cắt đứt[31]. Khi sự vin bám bị cắt đứt rồi, thì thức cũng không còn chỗ trụ để sanh trưởng lớn mạnh trở lại. Cũng vậy, đối với thọ, tưởng và hành giới[32] lìa tham. Khi đã lìa tham rồi, thì ý sanh xúc[33] và sự ngưng trệ nơi hành bị đoạn trừ. Khi ý sanh xúc và sự ngưng trệ nơi hành bị đoạn trừ rồi, thì sự vin bám bị cắt đứt. Khi sự vin bám bị cắt đứt rồi, thì thức cũng không còn chỗ trụ để sanh trưởng lớn mạnh trở lại. Vì đã không sanh trưởng cho nên không tác hành[34]. Khi đã không tác hành, thì trụ vững[35]. Do an trụ vững mà tri túc. Do tri túc mà giải thoát.[36] Do giải thoát mà đối với các thế gian không còn gì để thủ, không còn gì để chấp trước. Khi đã không còn gì để thủ và không còn gì để chấp trước, do đó tự mình giác ngộ Niết-bàn: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong, tự biết sẽ không còn tái sanh đời sau nữa.’

“Ta nói thức này, không đi sang Đông, Tây, Nam, Bắc, bốn phía, trên, dưới. Nó không đi đến đâu cả, mà chỉ ngay trong đời hiện tại sẽ nhập Niết-bàn, tịch diệt, thanh lương, thanh tịnh, chân thật[37].”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 40. PHONG TRỆ[38]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Phong trệ[39], thì không giải thoát. Không phong trệ, thì được giải thoát.

“Thế nào là phong trệ không giải thoát?

“Tỳ-kheo, thức vin bám vào bốn thủ ấm mà trụ. Bốn là những gì? Thức bị phong trệ bởi sắc mà trụ. Cũng vậy, thức bị phong trệ bởi thọ, tưởng và hành mà trụ… cho đến chẳng phải là cảnh giới.[40] Đó gọi là phong trệ nên không giải thoát.

“Thế nào là không bị phong tỏa trì trệ, thì giải thoát?

“Đối với sắc giới ly tham; với thọ, tưởng, hành mà ly tham… cho đến thanh lương, thanh tịnh, chân thật. Đó gọi là không bị phong trệ, thì được giải thoát.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 41. NGŨ CHUYỂN[41]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có năm thọ ấm. Đó là sắc thọ ấm; thọ, tưởng, hành, thức thọ ấm. Ta đối với năm thọ ấm này, có năm như thật tri[42]. Như thật tri về sắc, về sự tập khởi của sắc, về vị ngọt của sắc, về tai hại của sắc và về sự xuất ly sắc. Cũng vậy, như thật tri về thọ, tưởng, hành, thức, về sự tập khởi của thức, về vị ngọt của thức, về tai hại của thức và về sự xuất ly thức.

“Thế nào là như thật tri về sắc? Những gì là sắc là tất cả bốn đại và sắc do bốn đại sanh ra. Đó gọi là sắc. Như vậy, như thật tri về sắc.

“Thế nào là như thật tri về sự tập khởi của sắc? Đối với sắc mà có hỷ ái. Đó gọi là sự tập khởi của sắc. Như vậy, như thật tri về sự tập khởi của sắc.

“Thế nào là như thật tri về vị ngọt của sắc? Do duyên vào sắc mà sanh ra hỷ lạc. Đó gọi là vị ngọt của sắc. Như vậy, như thật tri về vị ngọt của sắc.

“Thế nào là như thật tri về sự tai hại của sắc? Sắc là vô thường, khổ, là pháp biến dịch. Đóù gọi là sự tai hại của sắc. Như vậy, như thật tri về sự tai hại của sắc.

“Thế nào là như thật tri về sự xuất ly sắc? Đối với sắc mà điều phục được dục tham, đoạn trừ được dục tham, vượt qua khỏi dục tham. Đó gọi là sự xuất ly sắc. Như vậy, như thật tri về sự xuất ly sắc.

“Thế nào là như thật tri về thọ? Có sáu thọ thân. Thọ phát sanh từ nhãn xúc, thọ phát sanh từ tai, mũi, lưỡi, thân và ý xúc. Đó gọi là sáu thọ. Như vậy, như thật tri về thọ.

“Thế nào là như thật tri về sự tập khởi của thọ? Sự tập khởi của xúc là sự tập khởi của thọ. Như vậy, như thật tri về sự tập khởi của thọ.

“Thế nào là như thật tri về vị ngọt của thọ? Hỷ lạc duyên vào sáu thọ mà sanh. Đó gọi là vị ngọt của thọ. Như vậy, như thật tri về vị ngọt của thọ.

“Thế nào là như thật tri về sự tai hại của thọ? Thọ là vô thường, khổ, là pháp biến dịch. Đóù gọi là tai hại của thọ. Như vậy, như thật tri về sự tai hại của thọ.

“Thế nào là như thật tri về sự xuất ly thọ? Đối với thọ mà điều phục được dục tham, đoạn trừ được dục tham, vượt qua khỏi dục tham. Đó gọi là lìa thọ. Như vậy, như thật tri về sự lìa thọ.

“Thế nào là như thật tri về về tưởng? Có sáu tưởng thân. Tưởng phát sanh bởi nhãn xúc; tưởng phát sanh bởi tai, mũi, lưỡi, thân, ý xúc. Đó gọi là tưởng. Như vậy, như thật tri về tưởng.

“Thế nào là như thật tri về sự tập khởi của tưởng? Sự tập khởi của xúc là sự tập khởi của tưởng. Như vậy, như thật tri về sự tập khởi của tưởng.

“Thế nào là như thật tri về vị ngọt của tưởng? Hỷ lạc do duyên vào tưởng mà sanh. Đó gọi là vị ngọt của tưởng. Như vậy, như thật tri về vị ngọt của tưởng.

“Thế nào như thật tri về sự tai hại của tưởng? Tưởng là vô thường, khổ, là pháp biến dịch. Đó gọi là sự tai hại của tưởng. Như vậy, như thật tri về sự tai hại của tưởng.

“Thế nào là như thật tri về sự xuất ly tưởng? Đối với tưởng mà điều phục được dục tham, đoạn trừ được dục tham, vượt qua khỏi dục tham. Đó gọi là sự lìa tưởng. Như vậy, như thật tri về sự lìa tưởng.

“Thế nào là như thật tri về sự hiện hữu của hành? Có sáu tư thân. Tư phát sanh bởi nhãn xúc. Tư phát sanh bởi tai, mũi, lưỡi, thân, ý xúc. Đó gọi là hành. Như vậy, như thật tri về hành.

“Thế nào là như thật tri về sự tập khởi của hành? Sự tập khởi của xúc là sự tập khởi của hành. Như vậy, như thật tri về sự tập khởi của hành.

“Thế nào là như thật tri về vị ngọt của hành? Hỷ lạc do duyên vào hành mà sanh. Đó gọi là vị ngọt của hành. Như vậy, như thật tri về vị ngọt của hành.

“Thế nào gọi là như thật tri về sự tai hại của hành? Hành là vô thường, khổ, là pháp biến dịch. Đó gọi là sự tai hại của hành. Như vậy, như thật tri về sự tai hại của hành.

“Thế nào là như thật tri về sự xuất ly hành? Đối với hành mà điều phục được dục tham, đoạn trừ được dục tham, vượt qua khỏi dục tham. Đó gọi là sự xuất ly hành. Như vậy, như thật tri về sự xuất ly hành.

“Thế nào là như thật tri về thức? Có sáu thức thân. Thức của mắt, thức của tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Đó gọi là thức. Như vậy, như thật tri về thức.

“Thế nào là như thật tri về sự tập khởi của thức? Sự tập khởi của sắc là sự tập khởi của thức. Như vậy, như thật tri về sự tập khởi của thức.

“Thế nào là như thật tri về vị ngọt của thức? Hỷ lạc do duyên vào thức mà sanh. Đó gọi là vị ngọt của thức. Như vậy, như thật tri về vị ngọt của thức.

“Thế nào là như thật tri về sự tại hại của thức? Thức là vô thường, khổ, là pháp biến dịch. Đó gọi là sự tai hại của thức. Như vậy, như thật tri về sự tai hại của thức.

“Thế nào là như thật tri về sự xuất ly thức? Đối với thức mà điều phục được dục tham, đoạn trừ được dục tham, vượt qua khỏi dục tham. Đó gọi là sự lìa thức. Như vậy, như thật tri về sự xuất ly của thức.

“Tỳ-kheo, nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào, đối với sắc mà biết như vậy, mà thấy như vậy, thì do biết như vậy, thấy như vậy người đó hướng đến ly dục, đó gọi là chánh hướng[43]. Nếu người nào hướng đến chân chánh, thì ta nói người đó đã được thể nhập[44]. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.

“Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào, đối với sắc mà biết như thật, thấy như thật; do biết như thật, thấy như thật, đối với sắc sanh yểm ly, ly dục, không khởi lên các lậu, tâm đạt được giải thoát. Nếu người nào đã đạt được tâm giải thoát, thì người đó thuần nhứt[45]. Người nào đã được thuần nhứt, thì phạm hạnh đã lập. Người nào phạm hạnh đã lập, không còn bị ai khống chế[46]. Đó gọi là biên tế của khổ[47]. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 42. THẤT XỨ

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Có bảy xứ thiện[48], với ba phương pháp quán nghĩa[49], hoàn toàn[50] ở trong trong pháp này mà chứng đắc lậu tận[51], đắc vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong đời này mà tự tri, tự thân chứng ngộ cụ túc và an trụ, biết rằng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’

“Tỳ-kheo, thế nào là bảy xứ thiện? Tỳ-kheo biết như thật về sắc; biết như thật về sự tập khởi của sắc, về sự tận diệt của sắc, về con đường đưa đến sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly sắc. Cũng vậy, biết như thật về thọ, tưởng, hành, thức; biết như thật về sự tập khởi của thức, về sự tận diệt của thức, về con đường đưa đến sự diệt tạân của thức, về vị ngọt của thức, về sự tai hại của thức, về sự xuất ly của thức.

“Thế nào là biết như thật về sắc? Những gì là sắc là tất cả bốn đại và sắc do bốn đại tạo ra. Đó gọi là sắc. Như vậy là biết như thật về sắc.

“Thế nào là biết như thật về sự tập khởi của sắc? Ái hỷ là sự tập khởi của sắc. Như vậy là biết như thật về sự tập khởi của sắc

“Thế nào là biết như thật về sự đoạn tận của sắc? Ái hỷ diệt. Đó gọi là sự diệt tận của sắc. Như vậy là biết như thật về sự diệt tận của sắc.

“Thế nào là biết như thật về con đường đưa đến sự tận diệt của sắc? Là tám Thánh đạo: Chánh kiến, chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định. Đó gọi là con đường đưa đến sự tận diệt của sắc. Như vậy là biết như thật về con đường đưa đến sự tận diệt của sắc.

“Thế nào là biết như thật về vị ngọt của sắc? Hỷ lạc do duyên vào sắc mà sanh. Đó gọi là vị ngọt của sắc. Như vậy là biết như thật về vị ngọt của sắc.

“Thế nào là biết như thật về sự tai hại của sắc? Sắc là vô thường, khổ, là pháp biến dịch. Đó gọi là sự tai hại của sắc. Như vậy là biết như thật về sự tai hại của sắc.

“Thế nào là biết như thật về sự xuất ly sắc? Đối với sắc mà điều phục dục tham, đoạn trừ dục tham, vượt qua khỏi dục tham. Đó gọi là sự xuất ly sắc. Như vậy là biết như thật về sự xuất ly sắc.

“Thế nào là biết như thật về sự hiện hữu của thọ? Có sáu loại thọ: mắt tiếp xúc sanh ra thọ và tai, mũi, lưỡi, thân, ý khi tiếp xúc sanh ra thọ, đó gọi là sự hiện hữu của thọ. Như vậy là biết như thật về sự hiện hữu của thọ.

“Thế nào là biết như thật về sự tập khởi của thọ? Sự tập khởi của xúc là sự tập khởi của thọ. Như vậy là biết như thật về sự tập khởi của thọ.

“Thế nào là biết như thật về sự đoạn tận của thọ? Khi xúc diệt, thì đó là sự diệt tận của thọ. Như vậy là biết như thật về sự diệt tận của thọ.

“Thế nào là biết như thật về con đường đưa đến sự tận diệt của thọ? Là tám Thánh đạo: Chánh kiến... cho đến chánh định, đó gọi là con đường đưa đến sự tận diệt của thọ. Như vậy là biết như thật về con đường đưa đến sự tận diệt của thọ.

“Thế nào là biết như thật về vị ngọt của thọ? Hỷ lạc do duyên thọ mà sanh. Đó gọi là vị ngọt của thọ. Như vậy là biết như thật về vị ngọt của thọ.

“Thế nào là biết như thật về sự tai hại của thọ? Thọ là vô thường, khổ, là biến dịch. Đó gọi là sự tai hại của thọ. Như vậy là biết như thật về sự tai hại của thọ.

“Thế nào là biết như thật về sự xuất ly thọ? Nếu ở nơi thọ mà điều phục dục tham, đoạn trừ dục tham, vượt qua khỏi dục tham. Đó gọi là sự lìa thọ. Như vậy là biết như thật về sự lìa thọ.

“Thế nào là biết như thật về tưởng? Có sáu tưởng thân. Tưởng phát sanh từ xúc của mắt; tưởng phát sanh từ xúc của tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Đó gọi là sự hiện hữu của tưởng. Như vậy là biết như thật về sự hiện hữu của tưởng.

“Thế nào là biết như thật về sự tập khởi của tưởng? Tập khởi của xúc là tập khởi của tưởng. Như vậy là biết như thật về sự tập khởi của tưởng.

“Thế nào là biết như thật về sự diệt tận của tưởng? Diệt tận xúc là diệt tận tưởng. Như vậy là biết như thật về sự đoạn diệt của tưởng.

“Thế nào là biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của tưởng? Là tám Thánh đạo: Chánh kiến... cho đến chánh định. Đó gọi là con đường đưa đến sự đoạn diệt của tưởng. Như vậy là biết như thật về con đường đoạn diệt của tưởng.

“Thế nào là biết như thật về vị ngọt của tưởng? Hỷ lạc nhờ duyên vào tưởng mà sanh ra. Đó gọi là vị ngọt của tưởng. Như vậy là biết như thật về vị ngọt của tưởng.

“Thế nào là biết như thật về sự tai hại của tưởng? Tưởng làø vô thường, khổ, là pháp biến dịch. Đó gọi là sự tai hại của tưởng. Như vậy là biết như thật về sự tai hại của tưởng.

“Thế nào là biết như thật về sự xuất ly tưởng? Nếu ở nơi tưởng mà điều phục dục tham, đoạn trừ dục tham, vượt qua khỏi dục tham. Đó gọi là sự xuất ly tưởng. Như vậy là biết như thật về sự xuất ly tưởng.

“Thế nào là biết như thật về hành? Có sáu tư thân. Tư phát sanh từ xúc của mắt. Tư phát sanh từ xúc của tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Đó gọi là hành. Như vậy là biết như thật về sự hiện hữu của hành.

Thế nào là biết như thật về sự tập khởi của hành? Sự tập khởi của xúc là sự tập khởi của hành. Như vậy là biết như thật về sự tập khởi của hành.

“Thế nào là biết như thật về sự diệt tận của hành? Sự diệt tận của xúc là sự diệt tận của hành. Như vậy là biết như thật về sự diệt tận của hành.

“Thế nào là biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của hành? Là tám Thánh đạo: Chánh kiến cho đến chánh định. Đóù gọi là con đường đưa đến sự diệt tận của hành. Như vậy là biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của hành.

Thế nào là biết như thật về vị ngọt của hành? Hỷ lạc do duyên vào hành mà sanh ra, nên gọi là vị ngọt của hành. Như vậy là biết như thật về vị ngọt của hành.

“Thế nào là biết như thật về sự tai hại của hành? Hành là vô thường, khổ, là pháp biến dịch. Đó gọi là sự tai hại của hành. Như vậy là biết như thật về sự tai hại của hành.

“Thế nào là biết như thật về sự xuất ly hành? Nếu ở nơi hành mà điều phục dục tham, đoạn trừ dục tham, vượt qua được dục tham. Đó gọi là sự xuất ly hành. Như vậy là biết như thật về sự xuất ly hành.

“Thế nào là biết như thật về thức? Có sáu thức thân. Thức của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Đó gọi là sự hiện hữu của thức. Như vậy là biết như thật về sự hiện hữu của thức.

“Thế nào là biết như thật về sự tập khởi của thức? Sự tập khởi của danh sắc là sự tập khởi của thức. Như vậy là biết như thật về sự tập khởi của thức.

“Thế nào là biết như thật về sự diệt tận của thức? Sự diệt tận của danh sắc là sự diệt tận của thức. Như vậy là biết như thật về sự diệt tận của thức.

“Thế nào là biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của thức? Là tám Thánh đạo: Chánh kiến cho đến chánh định. Đó gọi là con đường đưa đến sự diệt tận của thức. Như vậy là biết như thật về con đường đưa đến sự diệt tận của thức.

“Thế nào là biết như thật về vị ngọt của thức? Hỷ lạc do duyên thức mà sanh. Đó gọi là vị ngọt của thức. Như vậy là biết như thật về vị ngọt của thức.

“Thế nào là biết như thật về sự tai hại của thức? Thức là vô thường, khổ, là pháp biến dịch. Đó gọi là sự tai hại của thức. Như vậy là biết như thật về sự tai hại của thức.

“Thế nào là biết như thật về sự xuất ly thức? Nếu ở nơi thức mà điều phục dục tham, đoạn trừ dục tham, vượt qua khỏi dục tham. Đó gọi là sự xuất ly thức. Như vậy là biết như thật về sự xuất ly thức.

“Tỳ-kheo, đó gọi là bảy xứ thiện.

“Thế nào là ba phương pháp quán nghĩa? Nếu, Tỳ-kheo ở nơi hoang vắng, dưới gốc cây, hay nơi đồng trống, quán sát ấm, giới, nhập[52] bằng phương tiện chân chánh[53] mà tư duy nghĩa của chúng. Đó gọi là ba phương pháp quán nghĩa của Tỳ-kheo.

“Đó gọi là bảy xứ thiện và ba phương pháp quán nghĩa của Tỳ-kheo, hoàn toàn ở trong trong pháp này mà chứng đắc lậu tận, đắc vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, ngay trong đời này mà tự tri, tự thân chứng ngộ cụ túc và an trụ, biết rằng, ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

KINH 43. THỦ TRƯỚC[54]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:

“Chấp thủ nên sanh đắm trước[55]. Không chấp thủ, không đắm trước. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói.”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Thưa vâng, chúng con xin theo lời dạy.”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Thế nào là do chấp thủ nên sanh đắm trước? Phàm phu ngu si không học, đối với sắc thấy là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau[56]; thấy sắc là ngã, hay ngã sở để mà chấp thủ. Khi đã chấp thủ, nếu sắc kia chuyển biến hay đổi khác, thì tâm cũng chuyển theo[57]. Khi tâm đã chuyển theo, thì sanh ra sự chấp thủ, nắm giữ tâm mà trụ[58]. Sau khi trụ, sanh ra sợ hãi, chướng ngại tâm loạn[59], do thủ trước[60] vậy.

“Phàm phu ngu si vô học, ở nơi thọ, tưởng, hành, thức thấy là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau; thấy thức là ngã, hay ngã sở để mà chấp thủ. Khi đã chấp thủ, nếu thức kia chuyển biến hay đổi khác, thì tâm cũng chuyển theo. Khi tâm đã chuyển theo, thì sanh ra sự chấp thủ, nắm giữ tâm mà trụ. Sau khi trụ, sanh ra sợ hãi, chướng ngại tâm loạn; do thủ trước vậy. Đó gọi là thủ trước.

“Thế nào là không thủ, thì không đắm? Đa văn Thánh đệ tử ở nơi sắc không thấy ngã, khác ngã, hay ở trong nhau; ở nơi sắc không thấy ngã và ngã sở để mà chấp thủ. Không thấy ngã và ngã sở để mà chấp thủ, khi sắc kia chuyển biến, hay đổi khác, thì tâm cũng không chuyển theo. Tâm không chuyển theo, không sanh thủ trước, nắm giữ tâm mà trụ. Do không nắm giữ tâm mà trụ, không sanh sợ hãi, chướng ngại, tâm loạn; do không thủ trước vậy.

“Cũng vậy, ở nơi thọ, tưởng, hành, thức không thấy ngã, khác ngã, hay ở trong nhau; ở nơi thức không thấy ngã và ngã sở để mà chấp thủ. Không thấy ngã và ngã sở để mà chấp thủ, khi thức kia chuyển biến, hay đổi khác, thì tâm cũng không chuyển theo. Tâm không chuyển theo, không sanh thủ trước, nắm giữ tâm mà trụ. Do không nắm giữ tâm mà trụ, không sanh sợ hãi, chướng ngại, tâm loạn; do không thủ trước vậy. Đó gọi là không thủ trước.

“Đó gọi là thủ trước và không thủ trước.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]