Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

C. Vì sao cần làm Phật sự - Pháp sư Thánh Nghiêm

06/05/201318:01(Xem: 9945)
C. Vì sao cần làm Phật sự - Pháp sư Thánh Nghiêm

Lâm Chung, Những Điều Nên Biết

C. Vì sao cần làm Phật sự

Pháp sư Thế Liễu

Nguồn: Thích Nguyên Liên soạn dịch


Lời tựa




Quý vị vì các nhân duyên như truy tiến Tổ tiên để báo đáp thâm ân, hoặc siêu độ quyến thuộc để kỷ niệm người quá cố, hoặc gieo phước thọ mạng để cầu an tránh nạn... mà làm các Phật sự rất trang nghiêm và long trọng. Quý vị đã hao phí rất nhiều tài lực vật lực và nhân lực để thành tựu một nghĩa cử cao đẹp này. Có điều ý nghĩa của các việc làm Phật sự quý vị đã hoàn toàn hiểu rõ hay chưa đó là điều cần phải suy xét.

Mong quý vị nhín chút thời gian để tâm đọc hết quyển sách nhỏ này, lúc đó mọi việc làm Phật sự đã có ý nghĩa lại có công đức. Nhân vì nơi quyển sách nhỏ này sẽ hướng dẫn giới thiệu cho quý vị các yếu điểm như :ý nghĩa Phật sự, công đức Phật sự, vấn đề người chết, tánh chất vong linh cho đến các ý nghĩa của tụng kinh, bái sám, cúng cô hồn...

Nguyện cầu quý vị Bồ đề tâm kiên cố sở cầu như ý sở nguyện viên thành.

I. Thế nào gọi là làm Phật sự



Nói theo nghĩa rộng, phàm làm các việc như tín ngưỡng Phật cầu thành Phật đều gọi là làm Phật sự. Phật dạy mọi người ai cũng đều có khả năng thành Phật, chỉ cần chúng ta đặt trọn vẹn niềm tin vào những lời Phật dạy y theo giáo pháp để thực hành tất tương lai quyết định thành Phật. Do đó, phạm vi chữ Phật sự có rộng có hẹp, cái gọi “Phật pháp vô biên” là theo nghĩa rộng mà nói, tức là có rất nhiều phương pháp để thành Phật, nơi đây không thể nào nêu ra hết được.

Đơn cử một vài việc Phật sự như lễ Phật, niệm Phật, làm lành lánh dữ, nói theo những lời Phật đã nói, làm theo những việc Phật đã làm. Cần làm được “Giữ tất cả tịnh giới không một giới nào mà không giữ, làm tất cả các pháp lành không một pháp lành nào mà không làm, độ tất cả chúng sanh không một chúng sanh nào mà không độ”, Câu này có thể tóm lược là “Bỏ các điều ác, làm các việc lành”, đó không những là tích cực cứu mình mà còn tích cực cứu người.

Phật giáo chủ trương bước đầu để thành Phật là phải kiến lập nhân cách của con người cho hoàn thiện, do đó trước khuyên con người không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói láo và không uống rượu. Ngũ giới của Phật giáo cùng với Ngũ thường nhân, lễ, nghĩa, trí, tín của Nho gia gần như tương đồng. Tiến lên một bước nữa là khuyến khích con người tu hành để trở thành bậc Thánh siêu xuất phàm phu. Thánh nhân theo quan điểm Phật giáo là chỉ con người đã giải thoát ra khỏi mọi khổ não hệ lụy của dân gian, như là sống và chết, già và bệnh, một vài cảnh giới sau khi đã giải thoát khổ não đó chính là mục đích tối hậu của Phật giáo.

Làm thế nào để đạt đến mục đích giải thoát sanh tử khổ não là cần phải tin tưởng vào những lời Phật dạy, nương theo đó để thực hành, tụng kinh xem kinh rồi làm theo những gì kinh điển đã dạy, đó là phương pháp để liễu sanh thoát tử cho đến thành Phật. Như thế, theo thật tế mà nói thì bản thân các vị đều đang làm Phật sự. Nhưng một số người không hiểu Phật pháp họ sẽ không có sự tu hành, gặp phải lúc cha mẹ người bà con họ chết, trong lúc không có biện pháp nào họ chỉ biết mời các vị xuất gia thay họ làm Phật sự, đích xác là vẫn có công dụng. Trong bản văn này sẽ giảng rõ hai chữ Phật sự phần lớn là chú trọng phương diện nghĩa hẹp để luận bàn.

II. Thỉnh người xuất gia làm Phật sự có tác dụng như thế nào?



Người xuất gia là người tu trì Phật pháp cũng là người hoằng dương Chánh pháp là chức nghiệp của người tu hành, là chức nghiệp của người hoằng pháp. Nhân vì, các vị đó làm Phật sự thì có công cho người mà cũng có đức cho mình, nếu chúng ta cung cấp nhu cầu đời sống để họ an tâm làm Phật sự tức chúng ta cũng có công đức. Vì thế Phật dạy Tăng Ni xuất gia là ruộng phước cho tất cả mọi người.

Xưa nay, chức trách của người xuất gia chẳng phải chuyên siêu độ người chết, thậm chí có thể nói đối tượng chủ yếu của người xuất gia cần siêu độ là người sống chứ chẳng phải là người chết, tuy nhiên người tu hành trong Phật giáo đích xác rất xem trọng pháp cứu độ người chết lúc lâm chung.

III. Khi lâm chung nên làm các việc gì



Con người ngay lúc mới sanh ra cũng là lúc đã quyết định vận mạng cái chết, vì thế sanh chưa hẳn là vui chết cũng chưa hẳn là buồn. Theo quan điểm của Phật giáo mà nói, người nào nếu không vượt ra ngoài cảnh giới sanh tử đều là hạng người đáng thương đáng xót vậy.

Nhân đây, người tin Phật học Phật ngày thường có làm được chút Phật sự nào, đến khi lâm chung có thể nhờ sức tu hành đó mà sau khi chết có thể vượt ra ngoài sanh tử khổ đau, vãng sanh về Tịnh độ chư Phật.

Con người sau khi chết thần thức sẽ đi về đâu? Có ba sức mạnh quyết định việc họ có thăng lên hay giáng xuống trong cảnh giới khổ đau hay hạnh phúc như sau:

1.Tùy trọng: Tùy theo nghiệp nặng nhất trong các việc thiện ác bản thân đã tạo mà đi đầu thai.

2.Tùy tập : Tùy theo tập khí mà thường ngày bản thân khó diệt trừ mà đi đầu thai trong hoàn cảnh đồng loại tương dẫn.

3.Tùy niệm : Tùy theo ý niệm sau cùng khi lâm chung của bản thân mà đi đầu thai trong sáu đạo hoặc vãng sanh Tịnh độ của chư Phật.

Do các nguyên nhân như thế, Phật giáo chủ trương con người nên bỏ các việc ác, làm các điều lành, cần dứt trừ thay đổi các tập khí không tốt, cần chú trọng vào các tâm niệm thường ngày, cho đến mỗi niệm mỗi niệm không quên Phật , Pháp, Tăng Tam bảo, niệm niệm nên đem các công đức mà bản thân đã tạo, làm tư lương để hồi hướng cầu vãng sanh về cảnh giới Tịnh độ của chư Phật.

Công phu học Phật, chủ yếu là nương vào sự tu hành thường ngày, quy y Tam bảo, thọ trì năm giới, cúng dường bố thí, lễ sám tụng kinh, tạo phước xã hội. Giả sử như người nào thường ngày chẳng có sự tiến nhập Phật pháp nhưng đến khi lâm chung vẫn có cách thức cứu bạt họ, đó là căn cứ vào đạo lý “Tùy niệm vãng sanh”. Chúng ta khuyên họ một lòng niệm Phật, khuyên họ nên buông bỏ tất cả mọi duyên cần phải không nên sợ chết, không nên tham luyến gia đình bà con và tài sản sự nghiệp, không nên để tâm cuồng ý loạn mà một lòng niệm Phật, niệm sáu chữ hồng danh “Nam mô A Di Đà Phật” không để gián đoạn.

Nếu bệnh tình quá nặng không đủ sức niệm Phật thì ở trong tâm niệm thầm, gia đình nếu thật sự có tâm thương yêu lúc đó không nên ở bên người hấp hối lộ nét bi sầu than khóc, điều đó chỉ làm cho người chết tăng thêm sự thống khổ đọa lạc Tam đồ mà thôi. Đồng thời gia đình nên hợp sức với ngưới trợ niệm cao tiếng niệm Phật, khiến cho tâm của người bệnh dung hợp với tiếng niệm Phật khẩn thiết chí thành. Nếu được như thế, người bệnh sau khi chết sẽ được vãng sanh về Tịnh độ của chư Phật. Nếu thọ mạng của họ chưa hết cũng có thể nhờ công đức niệm Phật mà họ sớm được khỏe mạnh phước thọ ngày một tăng trưởng.

Người bệnh khi sắp mạng chung nằm hoặc ngồi, nằm ngữa hay nằm nghiên đều nên tùy theo ý thích của bản thân họ. Nếu khi họ đã hôn mê nhưng chưa chấm dứt hơi thở, chớ nên thấy họ sức yếu mà tiêm thuốc hoặc tắm rửa hay lau chùi cơ thể để tránh việc tăng thêm phiền não thống khổ cho họ, ảnh hưởng không tốt đến việc đầu thai sau khi chết. Sau khi người bệnh chấm dứt hơi thở chỉ cần nơi thân họ còn một chút hơi nóng là thần thức của họ vẫn đang còn ở thể xác, gia đình phải đợi qua tám giờ đồng hồ mới được tắm rửa thay quần áo. Nếu hỏa táng ít nhất cũng phải sau hai mươi bốn giờ đống hồ.

Con người sau khi chết nếu ai không siêu phàm nhập Thánh, theo lẽ thường mà nói là người đó trở thành vong linh.

IV. Vong linh là gì?



Nói đến việc siêu độ vong linh trước nên nói rõ tánh chất của vong linh. Sanh mạng chủ thể của con người sau khi chết gọi là vong linh. Một số quan niệm dân gian cho rằng con người sau khi chết trở thành quỷ và vĩnh viễn làm quỷ. Ở Phật giáo chúng ta hoàn toàn không chấp nhận quan điểm như thế, nếu không thì không thể bàn luận hai chữ siêu độ được.

Phật giáo cho rằng chúng sanh ở cõi phàm chia thành sáu loại là Thiên, Nhân, A tu la, Ngạ quỷ, Bàng sanh và Địa ngục. Chúng sanh trong sáu cõi này từ sanh đến tử, từ tử đến sanh gọi đó là lục đạo luân hồi. Vì thế con người sau khi chết chỉ có một phần sáu khả năng trở thành quỷ. Phật giáo dạy con người phương pháp thoát ly sanh tử khổ đau đó cũng chính là độ thoát tất cả chúng sanh trong sáu đạo; gọi là siêu độ.

Nhân vì kẻ phàm phu sau khi chết, ngoại trừ những người nào tạo nghiệp ác cực trọng ngay lập tức đọa vào Địa ngục; hoặc người nào khi sống tu tạo các công đức lành cũng ngay lập tức sanh lên cõi trời. Còn lại một số người phổ thông bình thường không thể lập tức chuyển sanh. Vong linh khi chưa chuyển sanh không hẳn phải làm quỷ, giai đoạn này Phật giáo gọi là trung ấm thân, hoặc gọi trung hữu thân tức là một loại thân sau quá trình chết đến khi đi đầu thai. Thông thường có một số người ngộ nhận cho là qủy kỳ thật đó là một loại linh chất phụ theo nơi phần khí thể mà tồn tại chứ không phải là quỷ.

Thọ mạng của thân trung ấm thông thường là bốn mươi chín ngày, trong giai đoạn này thân trung ấm luôn chờ đợi cơ duyên thành tựu để chuyển sanh. Vì thế người chết trong thời gian bảy tuần gia đình nên vì họ mà làm các Phật sự, sẽ có công dụng rất lớn đối với người chết. Gia đình nên đem các tài vật mà người chết khi sanh tiền yêu thích để cúng dường Tam bảo, bố thí kẻ nghèo khổ, đồng thời theo những lời nói trong bản văn này mà làm các công đức hồi hướng cho người chết, người chết sẽ nương nhờ công đức đó mà được tái sanh về các cảnh giới an lành.

Do đó Phật giáo chủ trương siêu độ vong linh tốt nhất là trong khoảng thời gian sau khi chết bốn mươi chín ngày. Nếu như qua bốn mươi chín ngày mà làm Phật sự hồi hướng, đương nhiên cũng có tác dụng nhưng lúc này chỉ tăng thêm phước phần cho họ chứ không thể cải biến được cảnh giới họ đã chuyển sanh. Giả sử một người khi sanh tiền đã tạo các điều ác, định sẵn đời sau họ phải đọa làm thân trâu bò hay mèo chó, ngay sau khi họ chết trong vòng bốn mươi chín ngày nếu gia đình vì họ mà làm các Phật sự đồng thời tạo cơ duyên cho họ đang ở trong giai đoạn thân trung ấm mà nghe được người xuất gia tụng kinh, nhân đó biết được một số đạo lý Phật pháp, ngay đó họ sẽ sanh tâm hối cải lập chí hướng thiện, nhờ đó có thể tránh được làm thân súc sanh mà tái sanh làm người.

Nếu như qua bốn mươi chín ngày họ đã tái sanh làm thân trâu bò, mèo chó, lúc này gia đình vì họ mà làm các Phật sự thì chỉ cải thiện được hoàn cảnh sanh hoạt của trâu bò, mèo chó như làm cho họ được ăn uống đầy đủ, không bị cày bừa lao nhọc, được mọi người yêu mến cho đến tránh được cái kiếp phải bị dao đâm. Còn bằng người chết đã sanh làm người liền có được thân thể khỏe mạnh, sự nghiệp thuận lợi, bà con thương yêu bảo bọc. Nếu như họ đã vãng sanh cũng khiến cho phẩm vị Liên hoa của họ được tăng cao sớm được thành Phật.

V. Ai nên làm Phật sự.



Xưa nay một số người quan niệm rằng làm Phật sự là việc làm của Tăng Ni xuất gia điều này chỉ đúng có một nửa, nhân vì người xuất gia cố nhiên phải làm Phật sự, còn bằng bất kỳ người nào muốn được thọ dụng Phật pháp, tức nhiên bản thân cũng cần làm Phật sự. Nếu như đợi sau khi chết rồi nhờ bà con vì mình mà làm Phật sự, sao không ở giai đoạn khi còn sống đích thân làm một vài Phật sự,việc này có phải là tốt hơn hay sao?

Đối tượng siêu độ của Phật giáo chủ yếu là người sống, nếu như bình thường không chịu nỗ lực tu hành đợi đến lúc lâm chung ôm chân Phật, công hiệu tuy cũng khả quan nhưng không bằng chuẩn bị sẵn chỗ nương tựa thiết thực khi còn sống. Nếu như bản thân không làm Phật sự sau khi chết gia đình mời Tăng Ni xuất gia đến thay mình mà làm, công hiệu tự nhiên sẽ kém đi rất nhiều. Vì thế trong kinh Địa tạng Bồ tát bản nguyện có nói, nếu người sống làm Phật sự để siêu độ cho người chết, người chết chỉ hưởng một phần trong bảy phần công đức ngoài ra sáu phần còn lại hoàn toàn là thuộc về người sống làm Phật sự.

Nhân đây, chúng ta cần khuyến khích người nào đã đến chùa thỉnh hàng xuất gia làm Phật sự, những người này nhất định là họ đối với Phật giáo có tâm cung kính, nếu như chưa quy y Tam bảo chúng ta khuyến khích họ sớm quy y, sau khi đã quy y lại khuyên họ lần lần học tập Phật pháp như pháp tu hành điều này há không tốt hay sao?

Người nào đã đến thỉnh hảng xuất gia làm Phật sự là muốn siêu độ bà con của họ, hoặc là có tâm hoài niệm muốn làm vơi đi bao niềm đau nổi khổ của người bà con, vì thế người chủ động làm Phật sự nên ứng theo tâm nguyện của họ mà làm.

Phật pháp rất xem trọng sự thành tâm có thành tâm quyết sẽ có sự cảm ứng, người xuất gia tụng kinh bái sám cố nhiên cần phải có tâm chí thành khẩn thiết mà tụng, người nào có tâm đến thỉnh hàng xuất gia tụng kinh bái sám cũng cần phải có tâm chí thành khẩn thiết, có tâm tin tưởng tuyệt đối vào Phật sự mà người xuất gia làm, được như thế nhất định người chết sẽ đạt được sự lợi ích vô cùng.

Phật pháp xem trọng sự cảm ứng, động lực chính của sự cảm ứng là tâm chí thành khẩn thiết, tâm chí thành có cạn hay sâu thì sự cảm ứng sẽ có nhỏ hay lớn, ví như người đánh chuông nếu đánh mạnh thì tiếng kêu vang xa, còn bằng đánh nhẹ thì tiếng kêu chỉ vang gần mà thôi.

Nhân đây, đồng ở một đạo tràng làm Phật sự nhưng hiệu quả thu được lại lớn nhỏ bất đồng là do tâm chí thành có sai khác. Phật giáo chủ trương tự thân mỗi người làm Phật sự nguyên nhân là ở điểm này. Vì thế “Người nào ăn người đó no, người nào chết ngưới đó biết”, nếu như nhờ ngưới khác thay mình làm Phật sự, ở trên chỗ thọ dụng sẽ có sự sai khác, không bằng bản thân mình tự làm rất nhiều.

Ngộ nhỡ người nào chưa kịp tin Phật học Phật mà đã chết, người bà con có mối quan hệ huyết thống nên thay họ làm Phật sự là tốt nhất. Bởi vì tâm của người có mối quan hệ huyết thống thì có liên đới rất dễ hỗ tương, trong khoảng thâm tình sau khi chết cũng rất dễ dẫn phát tâm chí thành cung kính. Cho nên Bồ tát Địa tạng trong nhiều kiếp quá khứ xa xưa từng đã nhiều kiếp làm thân hiếu nữ, mỗi lần như thế đều đem tâm khẩn thiết chí thành vì vong linh mẹ mà làm Phật sự, lễ bái Phật, cúng dường Tam bảo, tụng kinh niệm Phật, cầu Phật gia bị và đều được Phật hoặc La hán hiện thân chỉ dẫn, khiến vong linh mẹ Ngài đều được siêu độ.

Nếu như người chết chẳng có bà con cốt nhục, lúc này người nào có mối quan hệ với người chết khi còn sanh tiền, hoặc người tuy không có mối quan hệ nhưng họ dễ dẫn phát tâm chí thành khẩn thiết, với các hạng người như thế mà vì người chết làm Phật sự cũng rất dễ thành tựu sự cảm ứng.

Nhân đây, chúng ta nên dặn bảo những người đó, các vị đã có tâm đến chùa thỉnh Tăng Ni làm Phật sự, trọng tâm của việc làm Phật sự là vì các vị và bà con thân thích chứ không phải là Tăng Ni, Tăng Ni làm Phật sự là công khóa thường ngày của họ, các vị làm Phật sự là vì siêu độ vong linh, cho nên các vị cùng với người bà con đều nên tham gia tụng kinh bái sám, nếu như không tụng kinh bái sám được tối thiểu cũng ở trong ngày đó tắm gội sạch sẽ, giữ gìn trai giới, không được ăn mặn và quan hệ vợ chồng mà chuyên tâm trì niệm “Nam mô A Di Đà Phật”.

VI. Tụng kinh để làm gì ?



Kinh điển là những lời Phật dạy về những phương pháp tin Phật học Phật cho đến thành Phật. Phương pháp thì vô biên cho nên số lượng kinh điển và danh mục của kinh cũng nhiều vô tận. Ở tại Trung hoa chúng ta có một vài bộ kinh rất thích hợp và thông dụng như kinh Hoa nghiêm, kinh Pháp hoa, kinh Địa tang Bồ tát bổn nguyện, kinh Dược sư Lưu ly quang Như lai bổn nguyện, kinh Kim cang Bát nhã Ba la mật, kinh Phật thuyết A Di Đà, Tâm kinh... .

Khởi nguyên của việc tụng kinh vốn xuất phát từ thời đại của Phật Thích ca mâu ni tại Ấn độ. Nhân vì kinh điển thời đó vốn không dùng văn tự để sao chép, cũng không có ấn loát mà đều nương vào sự truyền khẩu rồi từ người này truyền sang người khác, vì thế cần nghe chúng đệ tử của Phật thay Phật thuyết pháp, thỉnh thoảng nghe các vị đệ tử đem các bản kinh đã từng nghe qua một lần mà tụng ra, hoặc như bản thân muốn thuộc lòng một bộ kinh nào cũng phải quyết tâm hạ thủ công phu đem bộ kinh ấy ra mà tụng; đến đời sau này tụng kinh đã trở thành công tác cơ bản của việc học tập Phật pháp và tuyên truyền Phật pháp.

Có điều, tín đồ Phật giáo vì sao thường đem một bộ kinh sau khi đã tụng thuộc lòng cũng vẫn đem bộ kinh đó đối trước bàn Phật để tụng? Sở dĩ như thế là do hai lý do sau :

1. Lúc đang tụng kinh, đọc lại lời kinh như là một tấm gương soi lại mọi hành vi tâm chúng ta, bởi vì phàm phu rất khó giữ tâm không phạm sai lầm, chúng ta có lúc sai lầm nhưng vẫn không biết được mình sai để sửa, ngay lúc đối trước Phật miệng đang đọc lời kinh, bấy giờ cũng như đích thân được nghe những lời pháp trực tiếp từ kim khẩu của Phật nói ra. Ngài dạy bảo răn nhè chúng ta khiến chúng ta mỗi lần tụng kinh là mỗi lần tự soi xét, cảnh sách, khích lệ tu hành, những việc sai lầm lỡ phạm liền mau sửa đổi còn những việc sai lầm chưa phạm quyết tâm không phạm, các công đức lành đã tu nỗ lực tăng thêm, các công đức lành chưa tu lập chí để làm.

2. Ngay lúc đang tụng kinh là chúng ta lãnh sứ mạng thần thánh thay Phật thuyết pháp, đối tượng giáo hóa chủ yếu của Phật giáo là con người, ngoài con người ra trong sáu đạo chúng sanh còn có trời, thần, quỷ và một số ít bàng sanh cũng có thể tín thọ Phật pháp. Vì thế tuy ở chỗ không có người, chỉ cần chúng ta tụng kinh ngay đó sẽ có các loài chúng sanh như trời, thần, quỷ, bàng sanh đến nghe kinh. Ba loại chúng sanh trời, thần, quỷ cho đến một bộ phận súc sanh, các vị đó ít nhiều đều có thần thông. Khi chúng ta tụng kinh chỉ cần chuyên tâm chí thành sẽ cảm ứng được họ đến nghe kinh. Nếu người nào vì bà con của mình đã chết mà làm Phật sự tụng kinh, khi tâm chí thành của người đó mới chuyển, vong linh ngay lúc đó đã nghe được tin tức quyết định sẽ đến trước người đó nghe kinh, linh tánh của vong linh đặc biệt rất cao, giả sử khi sanh tiền vong linh chưa từng nghe qua một câu Phật pháp, sau khi chết được nghe kinh cũng có thể nương vào công đức lành này mà hiểu rõ Phật pháp và theo đó mà tín thọ phụng hành.

VII. Bái sám để làm gì ?



Bái sám còn gọi là lễ sám, đó là lễ bái chư Phật, Bồ tát, để sám hối tất cả tội lỗi bản thân đã tạo ra. Lời nói và việc làm của phàm phu, nếu như khảo sát một cách tinh vi có thể nói tất cả những lời nói và việc làm đó đều là phạm tội tạo nghiệp. Phàm phu sở dĩ luân hồi sanh tử là do bản thân tạo các tội lỗi và chính tội lỗi đó dẫn dắt khiến phải trôi lăn trong lục đạo. Nếu như chúng ta đời quá khứ không tạo bất cứ một tội lỗi nào, tức hiện tại sẽ không làm phàm phu, hoặc như đời này chúng ta đoạn trừ được tất cả các tội nghiệp thì ngay lúc đó chính là cảnh giới của các bậc Thánh giả.

Phàm phu vốn rất khổ não, do vì tội lỗi trong quá khứ che đậy không thể làm gì được, đối với tội nghiệp đời này cũng không thể làm gì được, từ nay về sau dầu muốn không tạo tội lỗi vẫn không thể làm được. Nhân đây đức Phật đà vĩ đại của chúng ta dụng tâm từ bi vì chúng phàm phu mà thuyết ra một pháp môn thù thắng, đó là pháp sám hối nghiệp chướng.

Bài trước chúng tôi đã giảng về pháp tụng kinh, mục đích là đối trước tấm gương chuẩn mực của Phật pháp để soi rọi tâm mình. Hiện nay sẽ giảng về pháp sám hối là dạy chúng ta đem tâm cấu nhiễm, tâm dục vọng bỏ vào trong nước Phật pháp để tẩy rửa. Như thế công dụng bái sám là để tẩy rửa mọi cấu nhiễm dục vọng của tâm chúng ta.

Vì vậy, khi chúng ta đối trước Phật sám hối, không phải là cầu Phật xá tội mà là cầu Phật chứng minh, hướng về Phật bộc bạch những tội lỗi bản thân đã lỡ tạo, hạ tâm quyết định nguyện từ nay về sau không làm điều ác nữa. Đối với người khác không khởi lòng ác gọi là sám, đối với bản thân nhận sai lầm gọi là hối. Chư Phật Bồ tát vốn có tâm từ bi vĩ đại và thanh tịnh viên mãn như thế, các Ngài cũng mong mỏi chúng ta sẽ trở thành những bậc Thánh nhân có tâm từ bi vĩ đại và thanh tịnh viên mãn như vậy, nhưng chúng ta hiện vẫn đang còn nhào lộn ở trong vòng tội lỗi tự làm tự thọ, do đó cần phải chí thành sám hối. Chúng ta bái sám có tác dụng là để rửa sạch mọi cấu bẩn tội lỗi của bản thân, giống như đãi cát để tìm vàng. Cứ kiên trì đãi cát nhất định sẽ có được vàng ròng, kiên trì đem tội cấu sám hối thì có thể đạt được tâm thanh tịnh giải thoát như chư Phật Bồ tát.

Các nghi thức bái sám xưa nay ở Trung hoa là do các vị Tổ sư căn cứ vào kinh điển mà biên soạn thành. Trong đó thạnh hành nhất là Lương hoàn bảo sám, Tam muội thủy sám, Đại bi sám, Dược sư sám, Tịnh độ sám, Địa tạng sám, Thiên Phật sám... Người thực hành các nghi thức bái sám này từ trước đến nay đều có rất nhiều sự linh nghiệm, được truyền tụng và ghi chép trong sách vở, đích xác có thể nói là “Thật không uổng công” vậy.

Về pháp bái sám đương nhiên tốt nhất là tự bản thân mình thực hành, nếu như bản thân chúng ta chưa làm được, hoặc sự hiểu biết về nghi thức bái sám chưa được đầy đủ thì có thể mời Tăng Ni đến làm, hoặc các vị đó thay cho vong linh người bà con của mình mà làm tự nhiên cũng có công đức. Ý nghĩa của bái sám đại để tương đồng với ý nghĩa tụng kinh

VIII. Cúng cô hồn để làm gì ?



Diệm khẩu là chỉ các Ngạ quỷ trong loài Ngạ quỷ, chúng sanh trong loài Ngạ quỷ có thể chia thành ba bậc như sau :

1.Người nào khi còn sống làm được rất nhiều việc lành, sau khi chết nếu đầu thai vào loài Ngạ quỷ tức thành quỷ đa tài. Loài quỷ này có phước đức và thế lực lớn. Dân gian tín ngưỡng thần hoàng, thổ địa...chính là loại Ngạ quỷ này.

2.Người nào khi còn sống chưa tuy có làm việc lành nhưng không nhiều, sau khi chết nếu đầu thai loài Ngạ quỷ tức thành quỷ thiếu tài. Loại Ngạ quỷ này có phước đức và thế lực nhỏ hơn. Dân gian tín ngưỡng quỷ thần chính là loại Ngạ quỷ này.

3.Người nào khi còn sống tham lam bỏn sẻn một đồng cũng không rời, chuyên tâm chiếm đoạt tài sản của người khác, sau khi chết sẽ đầu thai vào loài Ngạ quỷ gọi là quỷ hy tự. Loại Ngạ quỷ này vốn không có phước đức và thế lực. Một số người cho rằng trong Cô hồn dã quỷ có Ngạ quỷ, đó chính là loại Ngạ quỷ này.

Loại Ngạ quỷ này vốn có thực lượng cực lớn nhưng yết hầu lại cực nhỏ, chúng dầu có đầy đủ vật thực cũng rất khó mà ăn no được. Huống nữa, do quan hệ nghiệp báo loại Ngạ quỷ này rất khó nhìn thấy vật thực. Giả sử có được vật thực nhưng khi đưa vào miệng vật thực liền biến thành vật ô uế và máu mủ, vì thế loại Ngạ quỷ này thường bị lửa đói thiêu đốt. Do vì ngọn lửa từ trong miệng bốc ra nên Ngạ quỷ này còn có tên là “ Diệm khẩu”.

Nhân thấy sự khổ đau cùng tột của các loại Ngạ quỷ đó, đức Phật với tâm từ bi đã thuyết ra rất nhiều chơn ngôn thần chú, như Tịnh nghiệp chướng chơn ngôn, Biến thực chơn ngôn, Biến thủy chơn ngôn, Khai yết hầu chơn ngôn...Người nào y theo thần chú chơn ngôn này trì tụng, do oai lực của thần chú Ngạ quỷ sẽ được triệu thỉnh đến. Đồng thời lọai Ngạ quỷ này nương nhờ vào thần thông nguyện lực của Phật mà được ăn no, sau khi ăn no lại vì họ mà tuyên dương Phat pháp khiến cho họ vĩnh viễn thoát hẳn khổ não của loại Ngạ quỷ. Đây là tác dụng và mục đích của việc cúng Cô hồn ( Phóng diệm khẩu ).

Nhân đây, cúng Cô hồn đối với loài Ngạ quỷ mà nói, cũng giống như là phát chẩn không hạn chế, vì thế pháp cúng Cô hồn còn gọi là “Thí thực”. Nếu như bản thân chúng ta có người bà con đã chết tuy người này không đọa vào loài Ngạ quỷ, nhưng việc cúng Cô hồn cũng như là thay họ làm công đức chẩn bần cúng tế, vì thế họ vẫn hưởng được sự lợi ích..

IX. Phật sự giữa người và quỷ.



Có một số người ngộ nhận khi làm Phật sự để rồi trở thành những người chuyên vì người chết mà bày vẽ ra các nghi thức cúng tế. Nhân đây, tôi một lần nữa cảnh báo họ : đối tượng giáo hóa chủ yếu của Phật giáo là người sống chứ không phải là người chết, nếu vì vong linh cầu siêu độ đó chỉ là biện pháp thứ yếu chứ không phải là sứ mạng căn bản của Phật giáo.

Vì thế, chúng ta khi còn sống nên cố gắng làm Phật sự, còn bằng đối với người chết cố nhiên cũng cần làm Phật sự, cho đến các việc như kết hôn, sanh nở, cầu an, đảo bệnh, thăng chức, khai trương, giao dịch, kiến thiết, đi buôn... đều nên làm Phật sự. Cố gắng tích công bồi đức làm lành tạo phước chứ đâu phải làm Phật sự chỉ vì siêu độ người chết mà thôi. Cho nên, Phật pháp có thể tạo phước cho đời này có thể tạo phước cho đời sau, có thể tạo phước thế gian khiến con người được giàu sang phú quý, đặc biệt có thể tạo phước đức và trí tuệ để đạt thành viên mãn quả vị Phật.

Tập quán dân gian xưa nay cho rằng việc tụng kinh bái sám là để cấp cho loài Ngạ quỷ ở cõi âm một số tiền để có thể sử dụng, lại đốt giấy tiến vàng mã là ban tặng cho loài Ngạ quỷ ở cõi âm có thêm tài vật để hưởng thụ. Thật ra trong Phật giáo hoàn toàn không có quan niệm này. Mục đích của việc tụng kinh, bái sám là để siêu độ tăng phước cho ngưới chết, và người chết không phải ai cũng đều đầu thai vào loài Ngạ quỷ. Thứ nữa chúng sanh ở loài Ngạ quỷ cũng không cần người sống cung cấp cho họ tiền bạc, bởi tiền bạc chỉ có công dụng mua bán đổi chác nơi người sống. Còn việc đổi giấy tiền vàng mã cũng chỉ là phong tục dân gian của người Trung hoa, xuất phát từ thời đại Hán, Đường lưu truyền cho đến ngày nay mà thôi.

Cố nhiên con người sau khi chết nếu không được giải thoát cũng chỉ có một trong sáu phần có khả năng đầu thai vào loài Ngạ quỷ. Vì thế mong các vị, không nhất thiết ngưới bà con của mình chết đầu thai vào loài Ngạ quỷ, chỉ cần các vị có tâm chí thành khẩn thiết làm Phật sự để cầu nguyện chư Phật, Bồ tát từ bi gia hộ người bà con của mình, nhờ phước phần đó nếu không được vãng sanh thì tối thiểu cũng làm cho họ được sanh vào cõi người hưởng thọ sự giàu sang, hoặc sanh về các cảnh giới trời hưởng thọ các điều an vui.

Tại Trung hoa đại lục ngày nay vẫn còn tồn tại các hủ tục, như là người nam sau khi chết gia đình thỉnh vị Hòa thượng đến làm một lễ Phật sự “Quá độ kiều” (Dắt hồn qua cầu ) hoặc “Phá Địa ngục” ( Phá cửa Địa ngục ) ; người nữ sau khi chết thì làm lễ Phật sự “Phá huyết hồ” (Phá hồ máu ). Phong tục này vốn không có căn cứ trong Phật giáo và Phật giáo cũng không chủ trương tất cả con người sau khi chết đều đọa vào Địa ngục. Vì sao chúng ta nhất định đem vong linh mới chết dẫn vào trong Địa ngục, một phen tới lui nơi cầu Nại hà và ao máu ư!

Vì thế, tôi xin khuyên các vị nào có duyên đọc bản văn này, bản thân các vị khi còn sống nên cố gắng làm Phật sự đồng thời hiểu rõ vì sao cần làm Phật sự ? Và nên làm những Phật sự gì?

Phụ ký



Bản văn này là ứng theo lời thỉnh cầu của các đạo tràng lớn như chùa Thiện đạo, chùa Thập phổ, Hoa nghiêm liên xã, chùa Tùng sơn... ở thành phố Đài bắc mà biên soạn thành. Viết xong vào tháng ba Dân quốc 56 nhưng đến Dân quốc 64 mới xuất bản. Ấn tống nhờ các thí chủ ở các ngôi chùa trên. Sau đó tại các địa phương như Hương cảng, Tinh mã... có các vị hỷ cúng để ấn tống, tại Đài loan cũng có rất nhiều vị thí chủ có thiện tâm tiếp tục hỷ cúng để ấn tống.

Pháp sư Thánh nghiêm

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]