Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

3- Núi Potala Cõi thuần tịnh của đức Avalokiteshvara

06/05/201316:19(Xem: 9375)
3- Núi Potala Cõi thuần tịnh của đức Avalokiteshvara

Hành trình tới các cõi bên kia cái chết

3- Núi Potala Cõi thuần tịnh của đức Avalokiteshvara

Delog D.Drolma - Richarch Barron - Liên Hoa dịch

Nguồn: Delog D.Drolma - Richarch Barron - Liên Hoa dịch


Kính lễ Đấng Bi Mẫn Siêu Việt,

Avalokiteshvara, kho tàng vĩ đại của lòng bi mẫn.

Mặc dù cô gái này không thể nói như cô nên nói, tôi có nên thuật lại cho các bạn một tường thuật ngắn về núi Potala hay không?

Cõi giới được gọi là núi Potala nằm ở phía đông nam của Bodh Gaya (Bồ Đề Đạo Tràng) ở Ấn Độ. Toàn thể vùng này phủ đầy những bông hoa tươi đẹp và những cây như ý bằng châu báu đâm chồi nẩy lộc ở đó. Những con suối sủi bọ cam lồ và những đàn chim véo von tuyên thuyết Giáo Pháp. Mọi người đều sinh ra từ những bông hoa và không có sự thay đổi theo mùa từ hạ sang đông. Ngay cả ý niệm về sự đau khổ cũng không có, trong khi kinh nghiệm về hỉ lạc và hạnh phúc thì vô biên.

Các Bồ Tát nam và nữ là những bậc đã đạt một cấp độ chứng ngộ vững chắc vui hưởng thực phẩm.

Tuyệt vời một trăm vị, mặc y phục bằng vải sắc cầu vồng và uống cam lồ của các vị trời. Các ngài đã thoát khỏi sinh, lão, bệnh, tử, phụng sự các Đức Tathagata[1] và nghe Giáo Pháp từ chính Đấng Bi Mẫn Siêu Việt. Dòng tâm thức các ngài được giải thoát nhờ lòng bi mẫn vô biên của các ngài. Các ngài tắm trong những cái hồ đầy nước có tám phẩm tính[2].

Ở đây tôi tìm thấy một tòa lâu đài đẹp tuyệt vời, tự xuất hiện và hình thành tự nhiên, tường làm bằng năm lớp[3] riêng biệt. Nó trong mờ cả trong lẫn ngoài, được nâng đỡ bằng một ngàn cây cột pha lê và tráng lệ nhờ những đá mài bằng châu báu. Nó được tô điểm bởi những cái rèm ánh sáng cầu vồng, như thể được thắp sáng bởi một ngàn mặt trời và mặt trăng. Những đà tường làm bằng lam ngọc, đầu tường bằng san hô, những bậc thang bằng ngọc trai. Vây quanh dinh thự làm bằng năm loại châu báu này là một bậc thềm thấp bằng hồng ngọc, trên đó nhiều ngàn thiên nữ cúng dường nhảy múa vui đùa. Phía trên là một mái vòm bằng vàng, với những chiếc dù bằng lụa trắng và một Pháp luân có nai quỳ gối và lắng nghe ở hai bên[4]. Ở bốn bên của lâu đài là những đầu máng xối có đầu makara[5], những sợi dây bằng ngọc trai treo từ miệng chúng với những cái chuông và chuông chùm nhỏ xíu phát ra những âm thanh thú vị.

Bốn phía của tòa lâu đài được trang trí bằng bốn cửa. Tôi đi vào cửa phía tây và gặp một thiên nữ giác tánh nguyên sơ. Đi sâu vào trong, tôi thấy vô số của cải và những thú vui cảm giác, như thể đang ở trong một ảo giác. Vô số những đống vật cúng dường được sắp xếp, thậm chí còn vượt hơn cả của cải của những đại thiên trong cõi trời Nirmanarati[6].

Ở giữa những thứ này, trên một hoa sen trắng trăm ngàn cánh mở ra, là Đức Avalokiteshvara cao quý, bậc điều ngự bi mẫn siêu việt của chúng sinh, với vẻ tươi trẻ của một thiếu niên mười sáu tuổi. Thân Ngài có sắc trắng chói lọi, một mặt và bốn tay. Đôi tay thứ nhất cầm một viên ngọc trong hai bàn tay chắp lại nơi tim, bàn tay phải của đôi tay thứ hai cầm một chuỗi hạt pha lê và bàn tay trái cầm một cành huệ trắng nở hoa cạnh tai Ngài. Tôi bị thu hút bởi những tướng chính và phụ trên thân tướng toàn hảo của Ngài[7]. Ngài mặc y phục bằng lụa và những vật trang sức bằng những châu báu khác nhau, trên vai choàng bộ da của một linh dương krisnasaranga[8] trùm qua phía trái ngực. Ngài ngồi chéo chân trong tư thế kim cương[9], thân Ngài sáng chói lọi với vô số tia sáng. Trong tâm tôi, Ngài không khác với ngài Drimed Khakyod Wangpo, bổn sư gốc của tôi.

Bên phải Đức Avalokiteshvara là Manidhara, Bậc nắm giữ Viên Ngọc, trưởng tử siêu phàm của Ngài; bên trái là con gái Ngài, Vidyadhari, Bậc nắm giữ Thần chú của Giác tánh; phía sau Ngài là Đấng bảo trợ, Đức Phật Amitabha; và trước mặt Ngài là vị phối ngẫu siêu phàm của Ngài, Đức Shadakshari, thiên nữ của Thần chú Sáu-Âm. Quyến thuộc tùy tùng của Ngài chỉ gồm những bậc trưởng thượng tâm linh là những vị đã đạt những cấp độ chứng ngộ cao quý, tập hội không thể nghĩ bàn của chư Phật và Bồ Tát.

Đức Tara, bạn đồng hành của tôi nói:

Cung điện này là một xứ sở được tô điểm bằng hoa.

Cõi giới này là một lâu đài quý báu rộng lớn vô biên.

Bổn tôn này là bổn tôn của lòng bi mẫn của tất cả các Đấng Chiến Thắng.

Quyến thuộc này là một đoàn tùy tùng gồm các Bồ tát nam và nữ.

Con, cô gái may mắn, nên thực hiện những sự lễ lạy và cúng dường với lòng sùng mộ.

Hãy tụng đọc những lời khẩn cầu ước nguyện để có một liên hệ nghiệp tích cực.

Lòng tôi tràn ngập sự kính sợ và hoan hỉ, và bắt đầu lễ lạy, khẩn cầu. Tôi nói:

Đức Avalokiteshvara Bi Mẫn,

phóng ra những tia bi mẫn khắp mười phương,

con đảnh lễ Ngài, đấng không ly cách với đạo sư siêu phàm của con và không ly cách với quyến thuộc của Ngài.

Con cúng dường tập hợp những vật cúng dường vô song, thực có và tưởng tượng.

Với sự hối tiếc chân thật, con sám hối những ác hạnh và vi phạm giới nguyện của con,

và hứa không làm những điều đó trong tương lai.

Con tùy hỉ năng lực công đức vô tận.

Con khẩn cầu Ngài trụ thế mãi mãi, không thị nhập Niết Bàn,

và liên tục chuyển Pháp luân rộng lớn, sâu xa[10].

Con hồi hướng công đức tích tập được để tất cả chúng sinh trong sáu loài, vô biên như không gian,

có thể nhanh chóng đạt được trạng thái của Ngài, ôi đấng cao quý siêu phàm.

Con khẩn cầu Ngài, trong mọi cuộc đời, xin ban cho con ân phước siêu việt nhất

không bao giờ ly cách với Ngài, Đấng Bi Mẫn Siêu Phàm.

Khi tôi khẩn cầu như thế trong trái tim tôi, Đức Bi Mẫn cao quý mỉm cười, khuôn mặt rạng rỡ và tôi nghe những lời sau đây, trong những âm thanh du dương dịu dàng, lời Ngài rung động tự nhiên và vang rền đi tới toàn thể mạn đà la của đoàn quyến thuộc tùy tùng:

Om mani padme hung hri.

Đạo sư của ta chính là lòng bi mẫn siêu phàm.

Ta chính là bổn tôn hiện thân tự nhiên của lòng bi mẫn của tất cả các Đấng Chiến Thắng.

Hoạt động giác ngộ của ta trải rộng tới mọi chúng sinh, đối tượng của lòng bi mẫn,

và sự xót thương, ta đặc biệt chăm sóc mọi chúng sinh trong cảnh khốn cùng.

Con, con gái ta, cũng có tâm hồn bi mẫn như thế,

giờ đây may mắn được gặp ta trong cõi này.

Tất cả những ai lễ lạy và tôn kính ta với niềm tin và lòng sùng mộ

Ta sẽ đưa dẫn tới Cõi Cục Lạc của ta, nhờ nguyện lực trước đây của ta.

Nhờ năng lực của lòng bi mẫn của ta, những chúng sinh trong sáu trạng thái mà số lượng thì vô biên như không gian,

và đặc biệt những người ở Tây Tạng, Xứ Tuyết,

có thể tạo mối liên hệ với ta nhờ nghe danh hiệu và lễ lạy ta với đức tin,

ta sẽ chăm sóc họ với lòng bi mẫn, bởi ta được gọi là Mahakarunika, Đấng Bi Mẫn Siêu Phàm.

Đặc biệt những ai không có khả năng tự bảo vệ, thì suốt trong sáu thời của ngày và đêm[11]

ta trông chừng họ kỹ lưỡng với lòng bi mẫn, đôi mắt giác tánh nguyên sơ của ta không bị ngăn che.

Ta thấu hiểu tất cả họ và ban tặng những con người nhỏ bé này sự nương tựa cuối cùng từ khổ đau của họ,

bởi ta được gọi là Avalokita, Đấng có Đôi Mắt Thấu suốt.

Thiền định về thân tướng của ta, niệm danh hiệu ta, trì trụng tâm chú của ta,

và cử hành nghi lễ chay của ta – những ai nỗ lực trong những thực hành này,

mặc dù họ từng phạm một hành vi cực kỳ tàn ác đưa tới sự quả báo lập tức vào lúc chết,

ta sẽ dẫn họ tới Cõi Cực Lạc, bởi ta được gọi là Lokeshvara, Đấng của Thế Giới.

Bởi nguyện lực kiên quyết từ lâu xa của ta là đưa dẫn không dụng công

tất cả chúng sinh nào nhìn thấy ta, nghe ta nói, tưởng nhớ tới ta, hay tiếp xúc với ta

đối với hàng ngũ thính chúng của Đức Phật Amitabha trong Cõi Cực Lạc,

các Đấng Chiến Thắng đã tuyên xưng ta là Khorwa Rangdrol, Sự Giải Thoát Tự Nhiên khỏi Luân Hồi Sinh Tử.

Than ôi! Trong những ngày cuối cùng này của Giáo Pháp của Đấng Chiến Thắng[12]

mặc dù ta chăm sóc chúng sinh với lòng bi mẫn rộng lớn hơn bao giờ hết,

nhưng như thể giây cột chiếc móc bi mẫn của ta đã đứt.

Bởi năng lực ngoan cường của ác hạnh, nhiều người đã mất niềm tin và lòng sùng mộ.

Dường như họ vuột khỏi cái nhìn bi mẫn của ta.

Giống như ánh sáng mặt trời không lọt vào hang quay về hướng bắc,

họ bị đoạt mất sự hiện diện của ta, lòng bi mẫn hiển nhiên của tất cả các Đấng Chiến Thắng.

Trong khi lòng bi mẫn của ta thì không định kiến hay thiên vì,

nhưng bởi tập quán ương ngạnh của họ, những niệm tưởng không thích đáng tự bản chất,

chúng sinh cứ mãi lang thang vơ vẩn trong vực sâu tăm tối của những con đường ti tiện và những trạng thái tái sanh thấp kém.

Nhận ra rằng tình huống của họ do họ tự tạo, lỗi lầm nằm nơi chính họ,

trong sự chăm sóc của ta, ta tìm thấy những người bơ vơ thực sự xứng đáng với lòng bi mẫn của ta.

Thời đại trở nên tồi tệ khi bệnh tật, vũ khí và nạn đói làm họ khốn khổ;

thọ mạng của họ ngắn lại bởi ma vương bất thần mang họ đi;

ngôn ngữ của họ suy vi vì họ trở nên lanh lợi trong việc lọc lừa người khác;

thực phẩm của họ thoái hóa bởi họ dấn mình vào những cách sinh nhai tà vạy;

cái thấy của họ suy đồi bởi họ lao mình xuống vực thẳm của học thuyết vĩnh hằng và hư vô[13].

Mặc dù bàn tay Đấng Chiến Thắng muốn ngăn họ lại, nhưng không dừng họ lại được.

Chắc chắn là họ phải chịu đau khổ trong sự thèm khát, có phải thế không?

Họ đáng thương biết bao với ác nghiệp của họ, khi theo đuổi những gì họ cho là lạc thú.

Giờ đây các con, Ôi dân chúng Xứ Tuyết, những kẻ tự thiêu đốt thịt da mình,

bởi nỗi khổ của các con chỉ do một mình các con sắp đặt, chỉ một mình các con bảo đảm và chỉ khiến một mình các con đau khổ,

hãy nhớ lại lỗi lầm to lớn bị che dấu đã phạm trong quá khứ, bởi nghiệp và những cảm xúc đau buồn.

Đã tới lúc để ban cho các con vài lời khuyên.

Chỉ một lần duy nhất trong quãng thời gian rất dài, các con mới có được nơi nương tựa này với sự tự do và cơ hội[14].

Bây giờ là lúc các con có thể gặp được các thiện tri thức cùng sự thực hành Phật Pháp linh thánh,

và những hoàn cảnh thuận lợi cùng tụ hội, hãy dùng phần đời còn lại của các con trong chính con đường này.

Nếu ngay lúc này các con đầm mình trong vũng lầy của nghiệp hay những cảm xúc đau khổ,

các con sẽ gây nên đau khổ trong tương lai ở những trạng thái tái sanh thấp kém

là nơi mà ngay cả cơ hội để nghe danh hiệu của Tam Bảo cũng khó tìm ra.

Những thuộc hạ khiếp sợ của Yama, Thần Chết sẽ tới lúc nào các con không biết.

Mọi khi tâm thức các con đã sở hữu nơi nương tựa này,

hãy thận trọng thực hành cốt tủy của Thánh Pháp.

Phật Pháp không hiện hữu chỉ vì lợi ích bề ngoài nhằm bảo vệ các con khỏi nỗi sợ và đáp ứng mọi ước muốn của các con;

nó không đơn thuần là sự đạo đức giả như thế, vì vậy hãy nhìn vào tâm thức phi đạo đức của các con.

Giờ đây, khi các con đã sở hữu một nền tảng cho sự tự do trong một cõi giới đạo đức,

các con đã có những hột giống của lương tri đạo đức không lầm lạc để tích tập đức hạnh.

Hãy sử dụng ba điều – sự chánh niệm, tỉnh giác và chú tâm – là nước và phân bón của đức hạnh.

hãy thiền định về lẽ vô thường, nó làm tăng trưởng đức hạnh.

Hãy bắt đầu sự vun trồng đức hạnh với lòng sùng mộ và nỗ lực liên tục.

Niềm tin và sự trông cậy là gốc rễ của đức hạnh.

Lòng vị tha bi mẫn là thân của đức hạnh.

Bồ Đề tâm ước nguyện và Bồ Đề tâm thực hành là cốt lõi của đức hạnh.

Sáu sự toàn thiện (sáu ba la mật) là những nhánh và cành[15] của đức hạnh.

Ý hướng, sự hồi hướng đức hạnh của riêng con và sự hoan hỉ trước đức hạnh của người khác là lá của đức hạnh.

Bốn phương pháp ảnh hưởng tốt đẹp tới người khác là hoa của đức hạnh[16].

Và tánh không và lòng bi mẫn siêu phàm là trái của đức hạnh.

Nếu cây đức hạnh cao quý được vun trồng theo cách này,

nó sẽ đem lại những trái quả nuôi dưỡng các con và những người khác, bây giờ và mãi mãi;

đó là tính không thể sai lạc của sự tương thuộc của các sự việc.

Không có các phương tiện bảo vệ loài cây cao quý của những đức hạnh tích tập được,

những đức hạnh này sẽ liên tục bị phí phạm trong bardo.

Phủ nhận một cách ngu xuẩn nhân và quả, từ bỏ Giáo Pháp và làm hư hỏng giới luật tâm linh của các con là trận sương giá dữ dội giết chết đức hạnh.

Sự gây gổ, sân hận, thù hằn và ganh tị

là trận mưa đá hung tợn làm hư thối trái quả của đức hạnh.

Sự dính bám và thanh danh và lợi dưỡng, và liên tục bị mắc bẫy trong đời sống của gia chủ

là những con sâu đục khoét các con tự bên trong, cướp đoạt gốc rễ đức hạnh của các con.

Báng bổ hay sỉ vả các đạo sư và Bồ Tát

bởi sự tự phụ, kiêu căng và ngạo mạn thái quá

là một cơn khô hạn dữ dội làm hư hỏng những đức hạnh tích tập được của các con.

Hậu quả không tránh khỏi của tất cả những điều này là sự phát triển mạnh mẽ nỗi khổ;

nó là kẻ thù vĩ đại của tài sản đức hạnh mà các con đã thâu thập.

Các pháp đối trị cho những điều này là ba loại trí tuệ siêu việt[17],

niềm tin kiên định vào bốn phẩm tính[18],

sự hoan hỉ trước thành công của người khác,

sự quán chiếu sâu xa về lẽ vô thường, sự nhàm chán vòng luân hồi sinh tử và sự từ bỏ,

sự chế ngự tánh kiêu ngạo và sự tu tập trong một quan điểm linh thánh không thành kiến.

Chớ bao giờ rời xa những lá chắn và sự bảo vệ này.

Ban đầu, được thúc đẩy bởi niềm tin, lòng sùng mộ và lòng bi mẫn.

Hãy giữ các giới luật tạm thời của những thệ nguyện tám nhánh[19].

Hãy nhất tâm trong việc từ bỏ những phóng dật thuộc ba năng lực[20] của các con.

Bất kỳ những gì xuất hiện đều là sắc tướng của Avalokiteshvara, nơi Ngài tất cả các Đấng Chiến Thắng hợp nhất;

âm thanh nghe được là âm thanh của thần chú tinh túy sáu-âm;

sự vắng mặt bất kỳ cấu trúc nhận thức nền tảng nào là phạm vi hoạt động không tạo tác của Bồ Đề tâm.

Đừng bao giờ lìa xa ba điểm trọng yếu này;

hãy liên tục trì tụng lớn tiếng thần chú sáu-âm – chỉ mình điều đó là đủ.

Hãy cùng nhau thâu thập đức hạnh mà các con và những người khác tích tập trong ba thời,

và hãy sử dụng tất cả chúng như một nguyên nhân nhờ đó tất cả chúng sinh nhanh chóng thành tựu Phật Quả,

hãy theo gương các Đấng Chiến Thắng và những bậc kế thừa của các Ngài bằng những lời nguyện hồi hướng và ước nguyện;

chủ đề hợp nhất này giống như một dây cương dẫn dắt một con ngựa tốt.

Nếu các con nỗ lực liên tục trong bốn loại thực hành đức hạnh,

vào giờ chết, ta sẽ đưa dẫn các con trong một trạng thái cực kỳ hoan hỉ

tới cõi Cực Lạc thuần tịnh.

Hãy nói với dân chúng Tây Tạng rằng chớ có nghi ngờ điều này.

Đừng do dự! Đây là lời khuyên thương yêu và chân thành của ta.

Đừng bám chấp vào đời này; nó giống như một giấc mộng dễ chịu.

Đừng bị cám dỗ bởi cái xấu; điều ác hại mà các con có thể tự gây cho mình không có sự chấm dứt.

Đừng củng cố tám ảnh hưởng thế tục[21]; các con sẽ chỉ lừa gạt chính mình.

Đừng lập ra mọi thứ kế hoạch; nhớ rằng các con có thể chết ngày mai.

Hãy kiên trì hiến dâng năng lực ba nhánh[22] cho Thánh Pháp.

Đây là sự tốt lành vĩ đại nhất mà toàn thể dân chúng Tây Tạng tự họ có thể làm.

Nếu các con có một thái độ thiện lành toàn hảo như thế,

hãy liên tục trì tụng thần chú mani và tare

và hãy khuyến khích mọi người thực hành đức hạnh trong bất kỳ cách nào các con có thể.

Về sau, các con có thể đi tới bất cứ cõi thuần tịnh nào các con muốn.

Con không xa lìa ta, con gái, vì thế hãy hoan hỉ.

Nghe những lời này, tôi kinh nghiệm một niềm tin siêu phàm, hỉ lạc và để khẩn cầu Đức Bi mẫn ban phước, tôi đọc bài kệ sau:

Đức Avalokiteshvara, bất kỳ sắc tướng nào của Ngài,

bất kỳ quyến thuộc, thọ mạng và cõi thuần tịnh nào của Ngài,

và bất kỳ phẩm tính cao quý nào của Ngài,

cầu mong con và những người khác hoàn toàn giống như Ngài[23].

Chắp hai bàn tay lại, tôi hỏi rằng sau này tôi có được gặp lại Ngài nữa hay không. Đấng cao quý trả lời:

Những ai gìn giữ một thái độ quan tâm với lòng sùng mộ,

ta sẽ hiện diện trước mặt họ;

ta ban cho họ lễ quán đảnh và các ân phước.

Chớ có hoài nghi điều này, Ôi người nữ của Tara.

Tôi cảm thấy một sự xác tín lớn lao chưa từng có về sự chân thật của những lời này. Tôi nhiễu quanh các Đấng Chiến Thắng ba lần, đi xung quanh sân trong tòa lâu đài nguy nga của Ngài trong khi đọc bài kệ sau:

Trong mọi cuộc đời, cầu mong con không bao giờ xa lìa đạo sư, chúa tể của các đấng cao quý.

Cầu mong con vui hưởng sự tráng lệ của Giáo Pháp,

hoàn thiện các phẩm tính của con đường và cấp độ.

Cầu mong con mau chóng đạt được trạng thái của Đức Avalokiteshvara[24].

Ở đây tôi sẽ đưa ra một ít luận giảng dựa trên Kinh điển để làm tăng thêm vẻ đáng tin cậy cho những điều tôi vừa thuật lại.

Đức Avalokiteshvara cao quý và tôn kính biểu lộ lòng bi mẫn của tất cả các Đấng Chiến Thắng. Hằng hà sa số kiếp về trước, chính trong thế giới này, trong một đại kiếp tên là Graha có một vị đại đế có danh hiệu là Aranemi có một ngàn người con trai. Người con trai cả tên là Animisha, là người đầu tiên phát khởi thái độ giác ngộ Bồ Đề tâm trước sự hiện diện của Đức Như Lai Ratnagarbha (Bảo Tạng Như Lai).

Có một lần với lòng bi mẫn, Ngài nghĩ tưởng tới tất cả chúng sinh trong sáu trạng thái tái sanh, đặc biệt Ngài đã nguyện: “Cầu mong những chúng sinh không được giúp đỡ, bị lâm vào cảnh khốn khổ, đang bị trói buộc bởi luật nhân quả sẽ lập tức thoát khỏi đau khổ bằng cách nhớ tưởng tới tôi hay niệm danh hiệu của tôi. Cho tới khi tôi chấm dứt mọi nỗi khổ đau của chúng sanh, cầu mong tôi không bao giờ đạt được sự toàn giác”.

Khi Ngài đã viên mãn hoạt động sâu xa và rộng lớn của Ngài, Ngài mang danh hiệu Avalokiteshvara, một Bồ Tát vĩ đại và dũng cảm. Có tiên tri rằng trong tương lai, trong cõi Sukhavati-padmapradesha[25], với tư cách là nhiếp chính của Đấng Chiến Thắng siêu phàm Amitabha (Đức Phật A Di Đà), Ngài sẽ giác ngộ là Đức Như Lai Rashmisamudra-shrikutaraja và thành tựu lợi ích to lớn hơn cho chúng sinh. Phù hợp với lời nguyện được tiên tri này, Ngài làm việc thậm chí còn mạnh mẽ hơn vì lợi ích của chúng sinh trong sáu loài nói chung và đặc biệt là chúng sinh ở Xứ Tuyết Tây Tạng. Như Kinh Hoa Sen Trắng của Thánh Pháp nói[26]:

Bồ Tát Akshayamati (Bồ Tát Vô Tận Ý) kính bạch Đấng Chiến Thắng, Đức Phật Toàn Giác, Đấng Thế Tôn, hỏi rằng: “Đức Thế Tôn, vì sao vị ấy được gọi là Avalokiteshvara?”

Đức Thế Tôn trả lời: “Chỉ nhờ nghe danh hiệu của Đức Avalokiteshvara mà vô lượng tỉ chúng sinh đang phải chịu đựng đau khổ sẽ hoàn toàn thoát khỏi những gánh nặng đau khổ không thể chịu đựng nổi. Bất kỳ khi nào chúng sinh bị đe dọa bởi lửa, nước, thuốc độc, vũ khí, thú dữ, những yêu tinh dạ xoa ác hại, ma quỷ, sự tù đày, trộm cướp v.v… họ sẽ được cứu thoát. Họ sẽ thoát khỏi năm độc của những cảm xúc phiền não và thoát khỏi mọi phương cách hãm hại. Nếu họ chỉ lễ lạy Ngài với đức tin trọn vẹn, tất cả những mục đích của họ không loại trừ điều nào sẽ được thành tựu tự nhiên”.

Kinh Quý báu về Dãy Bình (Kinh Đại thừa Trang Nghiêm Bảo Vương) nói[27]:

“Bồ Tát Nivaranavishkambhin hỏi rằng sự chói lọi mãnh liệt của những năng lực kỳ diệu phi thường của Bồ tát của lòng bi mẫn siêu phàm thì giống điều gì.

Từ kim khẩu của Đức Như Lai phát ra những lời này: “Đức bi mẫn Avalokiteshvara đem chúng sinh trong các cõi địa ngục tới sự thuần thục tâm linh viên mãn. Khi đã mang hình tướng của một vị đại đế an trụ hoàn toàn thoải mái tại một khu rừng an lạc trong thành phố của các ngạ quỷ, Ngài mang lại một sự mát mẽ dễ chịu cho những người bị hành hạ bởi lửa nóng và biến hầm lửa thành những ao sen.

“Bằng cách tung rải và phân bổ lính canh trong các địa ngục, Ngài tạo nên Thần Chết, Dharmaraja, lễ lạy và liên tục tán thán ông ta. Ngài cũng làm dịu mát thành phố các ngạ quỷ và làm yên dịu những đám mây mưa đá kim cương.

Hơn nữa, những quân lính bảo vệ kho tàng[28], nhận ra rằng những thái độ thô lậu của họ được thuần hóa và bắt đầu phát khởi Bồ Đề tâm. Mười con sông lớn chảy ra từ mười ngón tay và bốn mươi con sông lớn khác chảy từ mười ngón chân Ngài. Những hạt sương chảy ra từ những lỗ chân lông của đấng có một trái tim thương yêu, nhỏ xuống những ngạ quỷ. Chỉ nhờ nếm những giọt sương này mà cổ họng của họ được nghỉ ngơi, thân họ trở nên mạnh mẽ và toàn hảo, và họ được thỏa mãn với thực phẩm hàng trăm vị của các vị trời. Đức hạnh của những hành giả của Pháp đang cư ngụ trên trái đất khiến cho các ngạ quỷ hết sức hỉ lạc trong Giáo Pháp và Pháp âm Đại thừa xuất hiện trong cõi giới của họ. Vào lúc này, hai mươi ngọn núi sừng sững của quan điểm hư vô bị chày kim cương giác tánh nguyên sơ đập tan tành, rồi những ngạ quỷ này được tái sanh trong Cõi Cực Lạc, ở đó họ trở thành các Bồ Tát phù hợp với ước nguyện của họ và được dẫn dắt tới sự thuần thục.

“Theo cách này, mỗi ngày Ngài đưa hàng tỉ không thể tính đếm chúng sinh tới sự viên mãn. Đó là sự xác quyết của Đức Avalokiteshvara mà ngay cả các Đức Như Lai vẫn còn thiếu”.

Vì lợi ích của những người được thuần phục, tùy theo tánh khí, năng lực và động lực của riêng họ, trong sáu thời ngày và đêm, Đức Avalokiteshvara hiện thân làm chư Phật, Bồ Tát, Thanh Văn (shravaka), Phật Độc Giác (pratyekabuddha), các vị trời, các nhạc sĩ cõi trời, các yêu tinh dạ xoa (yaksha), Ishvara, Maheshvara, các vị đại đế, những quỷ ma khát máu, chúng sinh với thân tướng siêu phàm, những người Bà La Môn, và Đức Vajrapani (Kim Cương Thủ) và giảng dạy Pháp[29]

Hơn nữa thậm chí chỉ gọi tên Ngài một lần thì cũng như niệm danh hiệu chư Phật với số lần nhiều như cát sông Hằng. Tương tự như vậy, tô tạo một pho tượng Đức Avalokiteshvara thì ngang bằng việc tô tạo những hình tượng của tất cả chư Phật và Bồ Tát đã xuất hiện, đang và sẽ xuất hiện trong ba thời. Thiền định trong một ngày về thân tướng của Đức cao quý Avalokiteshvara thì có công đức to lớn hơn việc thực hành sáu sự toàn thiện (sáu ba la mật) trong một năm. Đây là một vài trong số những phẩm tính không thể nghĩ bàn của Bồ Tát.

Về những lợi ích và thuận lợi của việc trì tụng dharani[30] của Đức Avalokiteshvara mười một mặt, ta được biết là cuối cùng thì hành giả sẽ hoàn toàn làm chủ bốn phẩm tính tốt: Vào lúc chết, hành giả sẽ được thấy các Đức Như Lai; hành giả sẽ không tái sinh nơi các cõi thấp; sẽ không gặp cái chết khủng khiếp; và sau khi chết ở thế giới này, hành giả sẽ được tái sanh trong Cõi Cực Lạc.

Nhờ sáu-âm của thần chú mani, tất cả các Kinh điển của Phật Pháp được đúc kết; mọi bệnh tật, mọi thế lực xấu và những chướng ngại đều bị xua tan; hành giả đạt được vô số phẩm tính tích cực như sự trường thọ và thoát khỏi bệnh tật; nỗi khổ của chúng sinh trong sáu loài được làm yên dịu; và các kaya (thân) của sáu Đấng Chiến Thắng được thành tựu. Tóm lại, chỉ cần nhìn, nghe, nhớ tưởng, hay xúc chạm sáu âm này là đã gieo trồng hạt giống của sự giác ngộ. Mọi che chướng đều được tịnh hóa nhanh chóng và hành giả ngăn ngừa được sự tái sanh nơi các cõi thấp. Sau khi trải qua một loạt những tái sanh cao quý trong các cõi cao, hành giả nhanh chóng đạt được giác ngộ viên mãn.

Chỉ cử hành nghi thức chay của Đấng Bi Mẫn Siêu Phàm một lần, hành giả giải trừ được bốn mươi ngàn kiếp lang thang trong luân hồi sinh tử và tịnh hóa tất cả các nghiệp và che chướng do những hành động như năm hành vi đưa tới quả báo trực tiếp[31]. Khi hoàn thiện tất cả những phẩm tính tích cực của sáu sự toàn thiện, hành giả an trú trong cấp độ của một Bồ Tát bất thối chuyển. Những người nữ cũng thế, những ai cử hành dù chỉ một lần duy nhất nghi thức chay này, khi chết sẽ được tái sanh như những Bồ Tát chứng ngộ cao cấp và quay trở lại vòng luân hồi sinh tử. Sự thực hành của thân hành giả trong nghi thức chay khiến tịnh hóa các che chướng thuộc thân, và hành giả không bị tái sanh làm một ngạ quỷ. Việc tự chế sự nói năng bằng lời nguyện giữ yên lặng tịnh hóa các chướng thuộc ngữ, và hành giả sẽ không bị tái sanh làm một súc sinh. Sự trì tụng đà ra ni trong tâm tịnh hóa các che chướng thuộc về tâm và đóng lại cánh cửa dẫn tới tái sanh trong các cõi địa ngục. Như vậy, sử dụng ba phương pháp giữ gìn thân, khẩu và ý trong sự tỉnh giác sống động, hành giả nhanh chóng thoát khỏi luân hồi.

Phục vụ ngũ cốc nóng cho các hành giả ăn điểm tâm sáng theo nghi lễ thì tương đương với việc phục vụ một Bồ Tát đệ bát địa; phục vụ một người chỉ thọ xuất gia tạm thời thì tương đương với việc phụng sự một vị A La Hán (arhat)[32].

Một người bảo trợ cho một nghi thức chay như thế sẽ không bị tái sanh trong ba cõi thấp, mà sẽ được phú cho thái độ giác ngộ của Bồ Đề tâm, được hưởng một sự may mắn vô tận trong mọi sự tái sanh, hoàn thiện phẩm tính của sự bố thí và nhanh chóng đạt được giác ngộ.

Bởi những ích lợi này và những lợi lạc không thể nghĩ bàn khác, trong sự tìm kiếm đức hạnh hoàn toàn thanh tịnh, hãy hoan hỉ và nỗ lực ngày lẫn đêm không xao lãng, được thúc đẩy bởi lòng vị tha, niềm tin và lòng sùng mộ mãnh liệt và quả quyết.

Nếu các bạn sống những ngày còn lại của đời mình thật là ý nghĩa, các bạn sẽ bảo đảm được hạnh phúc của riêng các bạn và những người khác. Sự thật này đã được xác nhận bởi ngữ chân thật của các Đấng Chiến Thắng, kinh nghiệm của tất cả những bậc trưởng thượng tâm linh vĩ đại và sự kiểm chứng trực tiếp của giác tánh nội tại của chính hành giả và những công đức của sự theo đuổi của các bạn với ý hướng sùng mộ.

Khởi hành thật đúng đắn, các bạn sẽ thoát khỏi nỗi sợ chết và sợ tái sanh, nếu không được như thế thì các bạn sẽ có được sự xác tín để gặp gỡ cái chết một cách hoan hỉ; ít nhất thì các bạn sẽ chết mà không sợ hãi hay hối tiếc.

Tôi chắp tay và cầu nguyện tận đáy lòng rằng tất cả các bạn sẽ có thể thực hiện được điều này. Tôi luôn khẩn nài các bạn hãy giải thoát tâm thức mình khỏi sự do dự và giữ vững sự trung thực trong công cuộc nỗ lực đầy ý nghĩa này.

May mắn, may mắn, may mắn!






Chú thích

[1] Từ Phạn ngữ tathagata (Như Lai – đấng đã đạt tới một trạng thái như thị) là một tính ngữ chỉ một vị Phật.

[2] Tám phẩm tính là tính chất mát, ngọt, thanh, dịu, trong, không có các chất bất tịnh, dễ tiêu hóa và làm cổ họng êm dịu.

[3] Năm lớp tường tượng trưng cho năm bộ Phật chính yếu của Kim Cương thừa. Tương tự, mỗi cách kiến trúc đặc biệt của những tòa lâu đài này tượng trưng cho một yếu tố riêng biệt hay phẩm tính của thực hành và chứng ngộ tâm linh.

[4] Bánh xe Pháp (Pháp luân) là một biểu tượng tốt lành bằng vàng với tám nan hoa tượng trưng cho Bát Chánh Đạo: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.

[5] Mankara là một sinh vật thần thoại sống trong nước có phần giống với một con cá sấu, được dùng làm một chủ đề trong kiến trúc Phật Giáo.

[6] Các vị trời trong cõi trời này thuộc dục giới trong vòng luân hồi (tên theo nghĩa đen có nghĩa là “Những Hóa thân Hỉ Lạc”) có nhiều công đức to lớn khiến họ có thể hóa hiện bất kỳ thú vui cảm giác nào họ muốn mà không cần nỗ lực.

[7] Thân tướng một vị Phật mà truyền thống mô tả được tô điểm với ba mươi hai tướng chính và tám mươi tướng phụ của sự toàn hảo vật lý, là các biểu hiện bên ngoài của những phẩm tính tâm linh sâu xa.

[8] Theo truyền thống, loài linh dương lốm đốm đen này được cho là hiền lành và bi mẫn khác thường.

[9] Đó là tư thế cạnh bàn chân phải đặt trên đùi trái và cạnh bàn chân trái đặt trên đùi phải.

[10] Thành ngữ truyền thống “chuyển Pháp luân” biểu thị hoạt động ban tặng Giáo lý đạo Phật.

[11] Điều này ám chỉ phương pháp truyền thống trong việc chia thời gian hai-mươi-bốn tiếng thành sáu “thời”, mỗi thời bốn tiếng.

[12] Đức Phật tiên đoán rằng sau khi Ngài nhập Niết Bàn, Giáo Pháp của Ngài sẽ tồn tại trong thế giới này hơn mười thời kỳ, mỗi thời kỳ là năm trăm năm. Mỗi thời kỳ kế tiếp sẽ bao gồm một sự tiếp cận nông cạn và lờ mờ hơn trong việc nghiên cứu và thực hành những giáo lý, cho tới khi chỉ còn lại những dấu vết, tiếp sau đó các giáo lý sẽ biến mất khỏi thế giới này cho tới khi Đức Phật Maitreya (Di Lặc) kế tiếp xuất hiện để khai thị chúng một lần nữa.

[13] Hầu hết các quan điểm triết học ngả về một thái cực; hoặc hướng về thuyết vĩnh hằng (khẳng định một cách ngây thơ sự hiện hữu của các sự vật giống như chúng xuất hiện) hoặc hướng về thuyết hư vô (cũng như phủ nhận một cách thơ ngây rằng các sự vật hoàn toàn không hiện hữu). “Trung Đạo” của Đức Phật tránh những thái cực này bằng cách xác nhận tính tương thuộc như tiến trình giải thích cho sự xuất hiện của các hiện tượng trong ý nghĩa quy ước, trong khi cùng lúc xác nhận rằng những hiện tượng này không có bất kỳ tự-tánh chân thực nào.

[14] Đó là một thân thể ở trong trạng thái tái sanh may mắn.

[15] Sáu sự toàn thiện (cũng được biết trong Phạn ngữ là paramita – ba la mật) là những phẩm tính tạo thành cốt tủy của con đường Đại thừa Phật Giáo: sự bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, kiên cố thiền định và trí tuệ siêu việt.

[16] Bốn phương pháp ảnh hưởng tích cực tới người khác là bố thí rộng rãi những gì cần thiết, nói năng vui vẻ, thực hiện những hoạt động lợi lạc cho người khác và hành động phù hợp với những phong tục và sự mong đợi của người khác.

[17] Trí tuệ phát khởi từ việc lắng nghe giáo lý, quán chiếu và thiền định (văn, tư, tu)

[18] Sự chánh niệm, tỉnh giác, chú tâm và thực hành tâm linh.

[19] Đây là những thệ nguyện tạm thời, thường được dùng trong hai mươi bốn giờ, thường dùng chung với nghi lễ chay nyungnay. Tám thệ nguyện là tránh sát sinh, trộm cắp, nói dối, thực hiện hoạt động tính dục, ăn không đúng thời (trước khi mặt trời mọc và sau giữa trưa), dùng mỹ phẩm trang điểm hay đồ trang sức, ngồi chỗ cao hay trên ngai và hát, nhảy múa, hoặc chơi âm nhạc.

[20] Thân, ngữ và tâm bạn.

[21] Sự được và mất, danh tiếng và ô danh, khen và che, và sướng và khổ.

[22] Thuộc thân, ngữ và tâm.

[23] Câu kệ này, một trích dẫn từ kinh điển, là một lời cầu nguyện nổi tiếng của Phật Giáo Tây Tạng.

[24] Một lời cầu nguyện nổi tiếng.

[25] Cõi thuần tịnh được kết hợp với phương tây, tiếng Tây Tạng là Dewachan, hay Cõi Cực Lạc.

[26] Kinh saddharma-pundarika, hay Kinh Hoa Sen (Kinh Pháp Hoa), hiện có vài bản dịch Anh ngữ.

[27] Kinh Arya-karandavyuha (Kinh Đại thừa Trang Nghiêm Bảo vương). Một bộ kinh liên quan tới Bồ Tát Avalokiteshvara và thuyết giảng lợi ích của việc thực hành được kết hợp với vị Bồ Tát này và thần chú Om mani padme hung.

[28] Những cư dân gây đau khổ cho các ngạ quỷ và làm tăng trưởng sự đau khổ của họ.

[29] Các Thanh Văn và Phật Độc Giác là các vị thực hành và chứng ngộ con đường Tiểu thừa của thực hành Phật Giáo, thì khác biệt với các Bồ Tát là những vị đạt được Phật Quả nhờ con đường Đại thừa. Các vị trời, nhạc sĩ cõi trời, và v.v… là những loại chúng sinh chưa giác ngộ ở trong vòng luân hồi sinh tử có điều kiện; Ishvara và Maheshvara là những vị trời mạnh mẽ. Vajrapani là vị Bồ Tát của năng lực tâm linh.

[30] Một đà ra ni là một loại thần chú, thể thức tiêu biểu giống như văn xuôi có liên quan tới một bổn tôn đặc biệt hay phương diện của sự giác ngộ.

[31] Một phần của giáo khoa gồm các giáo lý terma, một vài giáo lý trong số đó được dịch sang Anh ngữ như Tibetan Book of the Death(Sách Tây Tạng về cái Chết, Tử Thư).

[32] Một vị A La Hán (nghĩa đen: “bậc đã chiến thắng kẻ thù [nội tại]”) đã đạt được một phần cấp độ giác ngộ bằng cách tuân theo cách tiếp cận Tiểu thừa của thực hành Phật Giáo. Ngài (nam hay nữ) đã chứng ngộ sự không hiện hữu của bản ngã của nhân cách cá nhân, và vì thế đã siêu vượt đau khổ và các nguyên nhân của đau khổ trong tương lai. Mặt hạn chế là cấp độ chứng ngộ này chỉ đem lại sự giải thoát cá nhân khỏi vòng luân hồi, và không có lòng bi mẫn cùng các phương tiện thiện xảo để giải thoát những người khác.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]