Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương VIII: Tập luyện về sự quán thấy sâu xa

06/05/201316:17(Xem: 10338)
Chương VIII: Tập luyện về sự quán thấy sâu xa
BUDDHADASA - Quyển Sách Cho Nhân Loại
Tóm Lược Đạo Pháp Của Đức Phật


Chương VIII: Tập Luyện Về Sự Quán Thấy Sâu Xa

Hoang Phong
Nguồn: Hoang Phong chuyển ngữ


Trong phần dưới đây chúng ta thử tìm hiểu chi tiết hơn các kỹ thuật luyện tập về sự quán thấy sâu xa đã được nhiều vị thầy khai triển về sau này, bởi vì thật ra thì trước đó Đức Phật không hề nêu lên các kỹ thuật ấy. Các phép tập luyện này cốt dành cho những người thuộc các cấp bậc còn khá kém, chưa đủ khả năng tự mình quán thấy một cách tự nhiên khía cạnh bất toại nguyện của sự hiện hữu trong thế gian này. Dầu sao thì đấy cũng không có nghĩa là các phép luyện tập trên đây sẽ đương nhiên mang lại các kết quả trội hơn so với các phương pháp luyện tập tự nhiên. Thật vậy trong Tam Tạng Kinh chỉ thấy duy nhất nêu lên phương pháp tự nhiên mà thôi. Dù sao thì cũng có một số người cho rằng sự quán thấy sâu xa chỉ có thể đạt được bởi những người đã thực hiện được một thể dạng đạo hạnh hoặc có sẵn một khả năng thiên phú nào đó, và đối với những người đặc biệt này thì sự kiện hiểu được toàn vẹn các vật thể chỉ là một trò chơi của trẻ con. Vậy đối với những người không có được khả năng siêu nhiên ấy thì phải làm thế nào bây giờ? Chính vì lý do đó mà các vị thầy đã triển khai các kỹ thuật luyện tập tuần tự nhằm vào mục đích giúp họ, đấy là những bài giảng rất sáng sủa, chính xác và đầy đủ từ đầu đến cuối, và có thể mang ra áp dụng ngay từng bước một, tất nhiên là có quy củ và phải chuyên cần (ta có thể nhờ vào sự cố gắng và trí thông minh tự nhiên để phát huy trí tuệ hầu giúp mình quán thấy được bản chất của mọi vật thể, thế nhưng đối với một số người khác thì có thể họ gặp phải một vài khó khăn nào đó khi bắt tâm thức phải tập trung và làm việc, dó đó các vị thầy đã đưa ra một phương pháp tuần tự và chi tiết giúp các người này thăng tiến từng bước một).

Các phép tập luyện trên đây nhằm mục đích phát huy sự quán thấy sâu xa và hiện nay được gọi là vipassanâ-dhura (tức là thiền minh sát, vipassanâ có nghĩa là nhìn các vật thể đúng như thế, dhura có nghĩa là sự vận hành hay chuyên chở). Vipassanâ-dhura là một phép luyện tập đối nghịch lại với sự học hỏi trong sách vở (gantha-dhura, gantha có nghĩa là sách vở), tuy nhiên ngày nay cả hai phép luyện tập trên đây được xem như là các phương tiện góp phần bổ túc chung cho việc giảng dạy. Vipassanâ-dhura là cách học hỏi bằng kinh nghiệm nội tâm, đấy là một sự luyện tập tâm thức không nhất thiết cần đến sách vở. Cả hai thuật ngữ trên đây (vipassanâ-dhura và gantha-dura) đều không hề được nêu lên trong Tam Tạng Kinh, mà chỉ thấy xuất hiện trong các văn bản mới sau này mà thôi. Tuy nhiên không phải vì thế mà vipassanâ-dhura không phải là một phép luyện tập đích thật của Phật giáo, tức có nghĩa là dành cho những ai mong cầu tìm thấy sự giải thoát khỏi mọi khổ đau. Phép luyện tập này được trực tiếp khai triển dựa vào sự tập trung và phép nội quán (instrospection - tức là cách nhìn ngược vào tâm thức mình để phân tích và tìm hiểu các hiện tượng) thật kiên trì. Các vị thầy xưa có nêu lên một số tiêu đề liên quan đến việc tập luyện vipassanâ như sau:

- Cơ sở hay nền tảng của vipassanâ là gì?

- Vipassanâ được nhận biết nhờ vào các đặc điểm nào?

- Sự vận hành đích thật của cái được gọi là vipassanâ là gì?

- Kết quả tối hậu của vipassanâ là gì?

Đối với câu hỏi thứ nhất liên quan đến nền tảng của vipassanâ thì lời giải đáp sẽ là: đạo đức và sự tập trung. "Vipassanâ" có nghĩa là "sự tập trung sâu xa" và tức là một sự quán thấy minh bạch hiển hiện lên trong một tâm thức hân hoan và đã loại bỏ được tất cả mọi ô nhiễm. Niềm hân hoan đó chỉ có thể phát sinh khi nào thực hiện được sự tinh khiết đạo đức (sîla-visuddhi), vì thế cần phải tạo được cho mình một căn bản đạo đức và thực hiện được một thái độ lành mạnh và lương thiện. Điều này được ghi trong kinh điển hẳn hoi (kinh Rathavinîta-Sutta, Majjhima Nikâya, 24) và được mô tả như một phép luyện tập gồm nhiều giai đoạn liên tiếp nhau gọi là "bảy phép tinh khiết hóa" mà cấp bậc cao nhất sẽ tương quan với Con Đường và Quả (sự viên mãn). Các vị thầy xếp sự tinh khiết hóa đạo đức (tu giới) vào cấp bậc thấp nhất trong số bảy cấp bậc. Đấy là cách tạo cho mình một thái độ hoàn hảo không chê trách được và đấy là những gì thật cần thiết giúp thực hiện sự tinh khiết hóa tâm thức (citta-visuddhi). Thể dạng đạo đức trên đây chỉ có thể đạt được khi nào tâm thức loại bỏ được tất cả mọi thứ ô nhiễm và tinh khiết hóa được các tư duy (ditthi-visuddhi) khiến cho mọi sự hiểu biết sai lầm theo đó cũng phải chấm dứt. Sự giải thoát đó sẽ giúp phát hiện sự tinh khiết mang lại từ sự chấm dứt mọi nghi ngờ (kankhâvitarana-visuddhi), sự tinh khiết này lại giúp hiển hiện lên sự tinh khiết phát sinh từ sự hiểu biết và quán thấy được con đường nên bước theo và con đường phải tránh (maggâ-magga-nânadassana-visuddhi). Sự hiểu biết về Con Đường như vừa nêu lên lại tiếp tục đưa đến sự tinh khiết bằng sự hiểu biết và quán thấy sự thăng tiến suốt trên Con Đường (patipadâ-nânadassana-visuddhi). Vào giai đoạn này thì sự quán thấy sâu xa sẽ trở nên toàn diện hơn và mang tính cách trực giác: đấy chính là thể dạng tinh khiết đích thật của sự hiểu biết và quán thấy (nânadassana-visuddhi) và đấy cũng là sự hoàn thiện của Con Đường Bát Chánh. Khi bắt đầu bước vào Con Đường thì cũng sẽ tự động đạt được ngay Quả của nó, và khi nào đạt được Con Đường (sự viên mãn) thì cũng có thể xem như là đã đạt được điểm tột đỉnh của sự luyện tập (đại sư Buddhadhasa luôn quan niệm rằng tất cả đều đạt được ngay, khi mới khởi sự tu tập thì cũng đã đạt được kết quả dù rất thấp, sau đó khi đã đi hết Con Đường thì sẽ đạt được sự viên mãn cuối cùng và cao nhất).

Tinh khiết đạo đức tượng trưng cho một thái độ không thể chê trách được đối với tất cả những gì liên quan đến thân xác (hành động) và ngôn từ. Khi nào vẫn còn có thể phạm vào một chút sai trái dù thật nhỏ nhoi trong cách hành xử qua thân xác (hành động) hay ngôn từ, thì khi đó vẫn có thể cho rằng chưa đạt được đạo đức hay "giới luật" đúng với ý nghĩa của nó. Trái lại khi nào đạo đức được giữ gìn toàn vẹn thì cũng có nghĩa là đã đạt được sự thanh thản trong hành động và ngôn từ, kết quả mang lại là một thể dạng bình lặng. Tiếp theo đó thể dạng này sẽ đưa đến các giai đoạn khác của sự tinh khiết hóa gồm có: sự chấm dứt tình trạng thiếu hiểu biết, sự chấm dứt mọi nghi ngờ (hoang mang), nhìn thấy được Con Đường nào phải theo và con đường nào không nên bước vào, hiểu biết và quán thấy được quá trình thăng tiến trên Con Đường, và sau hết là sự quán thấy sâu xa và toàn vẹn bằng trực giác. Đấy là năm giai đoạn biểu trưng cho phép luyện tập vipassanâ đúng với ý nghĩa đích thật của nó. Sự tinh khiết đạo đức và tinh khiết tâm thức đơn giản chỉ là cánh cửa để mở vào con đường vipassanâ.

Tóm lược về bảy phép tinh khiết hóa (I đến VII), năm giai đoạn của Vipassanâ

(1 đến 5) và chín giai đoạn hoàn thiện của sự hiểu biết (a đến i)

I. Sự tinh khiết đạo đức (giới)

II. Sự tinh khiết tâm thần (định)

III. 1) Sự chấm dứt các tư duy sai lầm

IV. 2) Sự chấm dứt mọi nghi ngờ

V. 3) Sự hiểu biết và quán thấy Con Đường

VI. 4) Sự hiểu biết và quán thấy quá trình thăng tiến trên Con Đường:

(a): Ý thức sự khởi đầu và sự chấm dứt của các hiện tượng (b): Ý thức sự chấm dứt của các hiện tượng

(c): Ý thức được sự sợ hãi

(d): Ý thức được sự nguy hiểm

(e): Sự tỉnh ngộ (vỡ mộng)

(f): Ham muốn được giải thoát

(g): Nỗ lực để tự giải thoát

(h): Quyết tâm vững chắc

(i): Khả năng hiểu biết Bốn Sự Thật Cao Quý

VII. 5) Sự quán thấy sâu xa, toàn vẹn và bằng trực giác (tuệ)

Muốn đạt được sự tinh khiết hóa vượt thoát khỏi sự hiểu biết sai lầm về các sự vật thì phải loại bỏ được tất cả các ý nghĩ sai lầm, dù đấy là các ý nghĩ nội tại hay thu đạt được, gồm các sự tin tưởng phi lý vào ma thuật và các ý nghĩ sai lầm về bản chất đích thật của mọi hiện tượng. Chẳng hạn như xem thân xác và tâm thức là những thứ bền vững, quan trọng, hay là một "cái ngã", hoặc xem đấy là một con thú hay một con người thuộc cõi thiên hay là thần thánh, mang tính cách kỳ diệu hay thiêng liêng. Không chịu chấp nhận đấy chỉ là một sự cấu hợp đơn giản của bốn thành phần (tứ đại), hoặc đơn giản chỉ là một thân xác và một tâm thức, hoặc ngược lại thì lại xem đấy là một "cái tôi" và trong đó hàm chứa một "linh hồn" có thể xuất ra và nhập vào. Không nhìn thấy đấy chỉ là năm thứ cấu hợp: thân xác (sắc), giác cảm và sự cảm nhận (thụ), sự nhận thức (tưởng), tư duy tích cực (hành) và tri thức giác cảm (thức - consciousness). Không nhìn thấy được đấy chỉ là một tổng hợp kết nạp các sự nhận thức tiếp nhận được từ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân xác và tâm thức.

Các khái niệm sai lầm sẽ đưa đến sự tin tưởng vào ma thuật và các vật thiêng liêng, các thứ ấy là nguồn gốc làm phát sinh ra sự sợ hãi. Nghi thức và lễ lạc theo đó mà được bày ra nhằm để hóa giải sự sợ hãi, và hậu quả mang lại là sự bám víu vào các thứ nghi thức và lễ lạc ấy - tóm lại tất cả các thứ ấy sở dĩ phát sinh chẳng qua là do các khái niệm sai lầm mà ra cả. Tình trạng đó cho thấy là tư duy không phải là những thứ hoàn hảo gì cho lắm. Từ bỏ được các ý nghĩ sai lầm có nghĩa là đạt được thể dạng mà trước đây (kinh sách xưa) gọi là "cấp bậc thứ ba của sự tinh khiết hóa" và các vị thầy gần đây hơn thì gọi đấy là giai đoạn đầu tiên của vipassanâ.

Thể dạng tinh khiết hóa giúp loại bỏ được sự nghi ngờ phát sinh từ phép nội quán hướng vào các nguyên nhân. Khi loại bỏ được các ý nghĩ sai lầm thì sẽ nhận thấy chính mình chỉ là một sự kết hợp gồm thân xác và tâm thức. Loại bỏ được sự nghi ngờ có nghĩa là nhận biết được bản chất của các nguyên nhân (nghiệp) làm phát sinh ra sự hiện hữu của tổng thể thân-xác-tâm-thức, và ta sẽ nhìn thấy thật sâu xa và thật chi tiết sự hiển hiện của vô minh, thèm muốn, bám víu, nghiệp, sự tìm kiếm "thức ăn", v.v... cũng như sự tương tác của chúng, tất cả những thứ cấu tạo ra thân xác và tâm thức. Loại bỏ được mọi sự nghi ngờ đơn giản là kết quả mang lại từ sự hiểu biết minh bạch về nguyên nhân và hậu quả của tất cả mọi vật thể. Đối với phép luyện tập vipassanâ thì các vị thầy cho biết là có hai mươi chín hoặc ba mươi thứ nghi ngờ, thế nhưng sau khi nghĩ kỹ thì cũng chỉ cần tóm lược bằng một câu hỏi duy nhất như sau cũng đủ để tượng trưng cho tất cả: "cái ngã" của tôi có hiện hữu hay không, nó đã từng hiện hữu trước đây hay không, và sau này nó có còn tiếp tục hiện hữu nữa hay không, và nếu có thì nó phải hiện hữu bằng cách nào? Phương pháp duy nhất làm tan biến vĩnh viễn sự nghi ngờ đó là cách nhận biết được là không có "cái ngã", đơn giản đấy chỉ là một sự kết hợp của nhiều nhân tố, gồm các cấu hợp đủ loại, một hệ thống thần kinh pha trộn với vô minh, sự thèm muốn, bám víu, nghiệp, thêm vào đó "thức ăn", v.v... Chính là nhờ vào sự kiện không hề có "cái tôi" cho nên người ta mới có thể loại bỏ được ý nghĩ mơ hồ cho rằng "tôi là, tôi đã, tôi sẽ" (các chữ ý nghĩ mơ hồ là dịch theo ấn bản tiếng Pháp, trong bản tiếng Anh thì là foolish idea, có nghĩa là ý nghĩ dại dột hay ngu xuẩn. Thật ra thì câu này có thể hiểu là: nếu "cái tôi" thật sự hiện hữu - tức có thật - thì làm thế nào mà ta có thể loại bỏ được nó). Khi đã hoàn toàn loại trừ được mọi nghi ngờ thì sẽ đạt được giai đoạn thứ hai của phép luyện tập vipassanâ. Dù sao điều đó cũng không có nghĩa là đã dứt bỏ vĩnh viễn được ảo giác về "cái tôi" vì nó vẫn còn lưu lại một số tàn tích nào đó. Tuy nhiên một sự hiểu biết minh bạch về cách tương tác giữa các nguyên nhân cũng có thể làm tan biến mọi sự hoài nghi và loại bỏ được ý nghĩ về "cái tôi" dưới các hình thức thô thiển nhất (câu này rất cô đọng, sự tương tác giữa các nguyên nhân có thể hiểu như là sự liên kết giữa thân xác, các xu hướng trong tâm thức, nghiệp trong quá khứ, cơ duyên hiện tại..., tất cả sự phức tạp đó tạo ra ảo giác là hình như có một "cái tôi" chỉ huy hay hàm chứa trong cái tổng thể kết hợp hỗn tạp tạo ra một cá thể con người).

Khi nào vượt thoát khỏi sự nghi ngờ thì khi đó ta mới có thể nghĩ đến việc tinh khiết hóa giúp phân biệt được con đường đúng phải theo và con đường sai không nên bước vào. Cũng phải nói là có thật nhiều chướng ngại xảy ra ngăn chận quá trình thăng tiến trên đây, đấy là những thứ chướng ngại thường thấy xuất hiện trong khi tập luyện vipassanâ. Tình trạng tập trung tâm thức có thể làm phát sinh ra nhiều hiện tượng lạ lùng có thể tác động mạnh đến người hành thiền, chẳng hạn như những vầng ánh sáng tuyệt vời hiển hiện ra với con mắt nội tâm (hai mắt vật chất thì khép lại hoặc nửa khép nửa mở và không "nhìn thấy" gì cả). Nếu một người hành thiền bám ngay vào đấy và nghĩ rằng đấy là "kết quả do phép luyện tập vipassanâ mang lại", hoặc cảm thấy tự mãn và nghĩ rằng: "đây quả đúng là một điều kỳ diệu thật phù hợp với tôi", thì sẽ dễ gặp nguy cơ tạo ra cho mình sự bế tắc, khiến không thể tiếp tục được phần còn lại của Con Đường và Quả. Chính vì lý do đó mà các vị thầy xem đấy là một sự lệch lạc, một ngõ cụt. Ngoài ra còn có những thứ lệch lạc khác nữa, chẳng hạn như cảm thấy sự hân hoan tràn ngập và đồng thời thì tâm thức bị sự toại nguyện xâm chiếm quá mạnh khiến cho nó không còn phát động được sự nội quán nữa, và người hành thiền vội vã kết luận ngay rằng đấy "quả đúng là Niết-bàn rồi, đúng là nó đã xảy ra tại nơi này và ngay trong lúc này". Thật ra thì đấy chỉ là tình trạng con đường đang bị tắc nghẽn khiến cho mình không còn có thể thực hiện được một sự thăng tiến nào nữa. Các vị thầy bảo rằng ngay cả sự quán thấy minh bạch về bản chất của thân xác và tâm thức cũng có thể khiến cho người hành thiền tự mãn và tạo ra ảo giác là mình đã đạt được một cấp bậc cao về sự hiểu biết tâm linh, và tình trạng ấy có thể khiến cho người hành thiền trở nên quá tự tin. Đấy cũng là một hình thức cản trở khác ngăn chận sự thăng tiến trong khi luyện tập vipassanâ. Ngoài ra cũng thường thấy xảy ra trường hợp mà người hành thiền lợi dụng khả năng thực hiện được để biến thân xác mình trở thành cứng đơ và tri thức thì mất hết khả năng cần thiết để thực hiện phép nội quán. Đấy là một thứ trở ngại rất khó loại bỏ vì thông thường người hành thiền rất thích thú với thể dạng đó và xem đấy như là một khả năng siêu nhiên, và có thể còn xem đấy như là Quả của Con Đường. Thật ra thì đấy chỉ tượng trưng cho những gì thật đáng ái ngại.

Một trường hợp khác cũng thường hay xảy ra, đấy là sự xuất hiện của một thể dạng cực lạc (béatitude - blissful rapture - đại phúc hạnh) mà người hành thiền chưa bao giờ cảm thấy trước đó. Sự kiện này trước hết tạo ra cho người hành thiền một sự kinh ngạc và bất ngờ, và sau đó thì có thể mang lại cho người này một sự tự mãn hoàn toàn không căn cứ. Nếu tình trạng cực lạc đó kéo dài thì thân xác và tâm thức của người hành thiền sẽ rơi vào một thể dạng an vui sâu xa, tất cả các khó khăn cũng theo đó mà tan biến. Tất cả những gì mà trước đây người hành thiền thích hoặc không thích vụt trở thành khác đi khi nghĩ đến chúng. Đồng thời những gì trước đây từng làm cho người hành thiền sợ hãi, lo âu, kinh hoàng và bồn chồn cũng sẽ không còn tạo ra một tác động nào nữa. Tình trạng như vừa kể khiến cho người hành thiền ngỡ rằng mình đã đạt được sự giải thoát khỏi các thứ nọc độc tâm thần. Khi nào còn vướng mắc trong tình trạng đó thì người hành thiền vẫn còn cứ ngỡ rằng mình đã thực hiện được tất cả các đặc tính của một cá thể đã đạt được sự viên mãn thật sự. Thế nhưng trên thực tế thì sự thỏa mãn phát sinh từ thể dạng đó chỉ là một thứ trở ngại ngăn chận sự thăng tiến trên đường luyện tập vipassanâ. Dù sao thì sau đó thể dạng này cũng sẽ dần dần phai mờ đi khiến cho người hành thiền quay trở lại tình trạng thèm muốn các vật thể như trước, hoặc không còn thèm muốn gì cả, thậm chí tình trạng chung có thể trở nên trầm trọng hơn trước kia nữa.

Ngoài ra còn một trở ngại khác nữa phát sinh từ sự tin tưởng quá mạnh, một lòng tin mà trước đó người hành thiền chưa bao giờ có: đấy là lòng tin nơi Tam Bảo - Phật, Pháp và Tăng Đoàn - hay vào một số lý thuyết nào đó (những chuyện tưởng tượng và không thực) mà người hành thiền tự sáng chế ra. Ngoài ra người hành thiền cũng có thể cảm thấy một sự hài lòng thật cao độ đối với Đạo Pháp (Dhamma). Hơn nữa khả năng giữ cho mình không bám víu vào tất cả mọi thứ cũng có thể trở nên rất mạnh và vụt khiến cho người hành thiền nghĩ rằng mình đã đạt được Con Đường và Quả, hoặc cũng có thể nghĩ rằng đấy chính là Niết-bàn. Các hiện tượng đó là những khó khăn lớn lao đối với những người lần đầu gặp phải tình trạng này. Cho đến khi nào chưa hội đủ khả năng để loại bỏ hoàn toàn những thứ ô nhiễm tinh tế đó thì người hành thiền vẫn có thể cứ nghĩ rằng đấy là những gì thích hợp với mình. Cho đến khi nào ý thức được những thứ cảm nhận ấy chỉ là các chướng ngại thì lúc đó người hành thiền mới bắt đầu nhận thấy được Con Đường đích thật và những gì không đúng. Sự hiểu biết đó tượng trưng cho giai đoạn thứ ba của phép luyện tập vipassanâ và thể dạng tinh khiết hóa thứ năm.

Trong khi thực hiện các giai đoan trên đây người tu tập cũng phải cẩn thận, không nên dây dưa đến các con đường khác bên cạnh (chúng ta đều hiểu rằng tu tập gồm có nhiều phương pháp khác nhau hầu thích hợp cho từng người, các con đường bên cạnh không hẳn là các con đường sai, thế nhưng vướng vào đấy có thể gây ra hoang mang. Dầu sao thì tất cả cũng chỉ là những phương tiện thiện xảo - upaya, người tu tập phải luôn hướng vào trí tuệ, và con đường đang được đại sư Buddhadasa trình bày là một trong những con đường ngắn nhất và trực tiếp nhất để phát huy phẩm tính đó). Tuy nhiên, khi nào đã nhận biết được Con Đường đúng đắn, thì người hành thiền cũng sẽ nhận thấy những khám phá mà mình sẽ thực hiện được sau này cũng sẽ tiếp tục theo nhau mà xuất hiện trên Con Đường đó. Sự hiểu biết về Con Đường sẽ dần dần được khai triển thêm và mang lại một sự thông hiểu hoàn toàn minh bạch về bản thể đích thật của mọi sự vật, và sau cùng là đưa đến một thể dạng buông xả (không bám víu) và một sự tự chủ hoàn toàn đối với các sự vật. Đối với tâm thức thì nhờ vào sự hiểu biết đó, nó sẽ đạt được sự quán thấy sâu xa về Bốn Sự Thật Cao Quý (Tứ Diệu Đế). Người ta gọi đấy là thể dạng tinh khiết phát sinh từ sự hiểu biết và quán thấy được quá trình thăng tiến trên Con Đường. Đấy là giai đoạn thứ tư của phép luyện tập vipassanâ và là thể dạng tinh khiết hóa thứ sáu. Tam Tạng Kinh không hề nêu lên một chi tiết nào về quá trình thăng tiến trên đây, tuy nhiên về sau này thì có một số các vị thầy đã phân chia quá trình ấy thành các giai đoạn như sau (tức chín giai đoạn hoàn thiện của sự hiểu biết và có thể xem đấy là chín giai đoạn của sự phát triển trí tuệ):

a) Khi người tu tập bắt đầu đạt được một sự thăng tiến đúng đắn trên đường luyện tập vipassanâ thì khi đó sẽ có thể hiểu được một cách sâu xa hơn và chi tiết hơn các hiện tượng liên hệ đến sự sinh, sự già nua, khổ đau và cái chết của tất cả mọi vật thể, có thể quán thấy được hoàn toàn sự khởi đầu cũng như sự chấm dứt của tất cả mọi hiện tượng. Tất cả mọi sự hiện hữu dưới hình thức hiện tượng (tức những gì hiển hiện lên và thuộc vào tất cả mọi lãnh vực, từ vật-chất đến phi-vật-chất, thuộc nội tâm cũng như ngoại cảnh) đều sẽ được đơn giản nhận biết một cách minh bạch như là một quá trình bất tận của sự sinh và cái chết, của sự khởi đầu và chấm dứt, như ánh sáng lấp lánh trên mặt biển hay như những gợn sóng nhấp nhô và tỏa rộng. Đấy là những gì mà người ta gọi là "sự hiểu biết về sự khởi đầu và sự chấm dứt" (udayabbayâ-mupassanâ-nâna). Sự hiểu biết đó phát sinh từ phép nội quán thật sắc bén, minh bạch và bền vững, đến độ có thể giúp đạt được sự hiểu biết vững chắc, tương tự như một thứ màu nhuộm ăn sâu vào tâm thức, và đủ mạnh để tạo ra cho người hành thiền sự tỉnh ngộ (tức vỡ mộng) đối với các vật thể và mang lại sự chấm dứt của mọi sự bám víu. Đấy là giai đoạn thứ nhất của sự hiểu biết (trí tuệ) và quán thấy quá trình của sự thăng tiến trên Con Đường.

b) Nếu sự khởi đầu và sự chấm dứt của mọi hiện tượng được quán thấy cùng một lúc (chẳng hạn như nhìn thấy một người nào đó thì cũng nhận thấy ngay cùng một lúc sự sinh và cái chết của người ấy), và như thế sẽ không còn thể nào nhận ra được một cách minh bạch hai thể dạng đó như trước đây nữa khi ta tập trung để nhìn chúng một cách riêng rẽ (thí dụ ta nhìn thấy sự sinh và cái chết của một người mà ta đang quan sát "dính liền" với nhau thì ta sẽ không còn thể nào nhìn thấy được người ấy mang dáng dấp trẻ đẹp hay già nua, dễ thương hay đáng ghét ở giữa sự sinh và cái chết, kể cả hai thể dạng này cũng không còn nhận ra được chúng một cách riêng rẽ). Trong giai đoạn này, người hành thiền có thể không cần quan tâm đến thể dạng khởi đầu mà chỉ nhất thiết dồn sự tập trung vào thể dạng chấm dứt. Điều này sẽ giúp nhìn thấy quá trình tan rã và biến mất với một cường độ và một chiều sâu cực mạnh, đến độ dù cho hướng mắt để nhìn vào bất cứ thứ gì thì cũng đều nhận thấy đấy chỉ toàn là sự hư hủy và cái chết mang tính cách thật bao quát và toàn cầu (ta cảm thấy tất cả những gì chung quanh ta đều đang suy thoái và bị hủy hoại, những gì ta nghĩ là đang hình thành thế nhưng thật ra thì chúng cũng đều nằm chung trong một quá trình duy nhất là sự hư hoại và tan rã). Khi tâm thức khám phá ra được điều đó và duy trì bền vững được cách nhìn ấy thì tâm thức cũng sẽ đạt được thêm một sự hiểu biết mới nữa gọi là "sự hiểu biết về sự hư hủy và tan biến" (bhangânupassanâ-nâna). Đấy là giai đoạn phát triển thứ hai của sự hiểu biết.

c) Khi sự hiểu biết về sự hư hủy và tan biến đã được phát triển đầy đủ thì sẽ giúp để ý thức được là tất cả mọi thứ đều đáng sợ. Tất cả mọi sự hiện hữu, dù thuộc lãnh vực giác cảm, hình tướng (vật chất) hay phi-hình-tuớng (hiện tượng tâm thần), phải được nhìn như vô cùng kinh khiếp, bởi vì ta sẽ cảm nhận được sự hư hủy và tan biến của chúng đang xảy ra trong từng giây phút một. Bất cứ ai khi đã cảm nhận được sự kiện đó thì một sự nhận thức cực mạnh cũng sẽ phát sinh trong tâm thức của người ấy và nó sẽ biến thành một sự sợ hãi thật sự. Tất cả mọi sự vật hiển hiện ra thật kinh khiếp tương tự một liều thuốc độc, một thứ khí giới giết người, hoặc như một toán giặc cướp hung tợn với đầy đủ khí giới. Toàn thể ba cảnh giới hiện hữu (tam giới: sắc giới, dục giới và vô sắc giới) đều trở thành đối tượng của sự sợ hãi. Ý thức được lợi ích của sự sợ hãi đối với tất cả các hiện tượng (bhayatupatthana-nâna) được xem như giai đoạn thứ ba (của sự hiểu biết hay trí tuệ).

d) Khi nào sự ý thức về bản chất vô cùng sợ hãi đối với tất cả mọi sự hiện hữu dưới hình thức hiện tượng được hoàn toàn phát triển thì khi đó ta cũng sẽ ý thức được là từ bản chất, tất cả mọi sự vật đều nguy hiểm, tương tự như một khu rừng đầy thú dữ, và nếu muốn tìm kiếm các thú vui trong khu rừng đó thì nhất định sẽ chẳng tìm thấy được bất cứ một gì thích thú. Tình trạng ý thức đó về sự sợ hãi tất yếu (âdînavanupassana-nâna) nơi mọi sự hiện hữu dưới hình thức hiện tượng là giai đoạn thứ tư.

e) Khi tất cả mọi thứ được cảm nhận như những gì hoàn toàn nguy hiểm trên mọi mặt thì sự tỉnh ngộ (thức tỉnh, vỡ mộng, hết mê muội) sẽ đến. Tất cả sẽ tương tự như một căn nhà bốc cháy và chỉ còn để lại một đống tro và một bộ xương - chúng không mang một nét quyến rũ nào cả. Sự tỉnh ngộ đó (nibbidânupassana-nâna) đối với sự liên hệ giữa ta và mọi vật thể do điều kiện mà có (choses conditionnées / conditioned things) là giai đoạn thứ năm của sự phát triển hiểu biết.

f) Khi nào sự tỉnh ngộ đích thật đã đạt được thì khi đó niềm khát vọng thật sự muốn loại bỏ được các vật thể cũng sẽ hiển hiện lên. Sự khát vọng đó hoàn toàn khác với sự ước mong bình thường tìm thấy được sự giải thoát, bởi vì sự ước mong bình thường không hề được thúc đẩy bởi sức mạnh của sự tập trung và sự quán thấy sâu xa, do đó sẽ không phải là một niềm khát vọng thật sự. Sự tỉnh ngộ phát sinh từ sự quán thấy sâu xa của phép luyện tập vipassanâ bao trùm toàn bộ tâm thức vì thế niềm khát vọng được giải thoát cũng sẽ trở nên thật rộng lớn như chính sự tỉnh ngộ, và cũng chính vì thế mà nó hoàn toàn mang tính cách đích thật. Niềm khát vọng tránh được sự bất toại nguyện của các thể dạng hiện hữu dưới hình thức hiện tượng ấy cũng bao la như niềm khát vọng của một con nhái tìm cách để tháo thân trước cái miệng đang há to của một con rắn, hoặc như là một con hoẵng hay một con chim bị mắc bẫy và đang tìm cách thoát ra. Niềm khát vọng thật sự muốn thoát ra khỏi khổ đau đó (muncitukamyatâ-nâna) là giai đoạn thứ sáu.

g) Trong giai đoạn này, niềm khát vọng tìm thấy sự giải thoát đã trở nên vững chắc và do đó một sự nỗ lực cực mạnh cũng phát sinh theo, nhằm tìm kiếm một lối thoát. Nhờ vào phép nội quán ta nhận thức được là sự bám víu và các thứ nọc độc tâm thần là nguyên nhân làm cho tâm thức phải bị tù đày, và đồng thời đấy cũng là các mối dây siết chặt nó vào cảnh huống ấy. Vì thế ta phải tìm ngay mọi cách để làm giảm bớt đi sự ô nhiễm, và khi nào sự ô nhiễm bắt đầu giảm xuống thì ta cũng nhân đó mà tìm cách để hoàn toàn loại bỏ nó.

Hãy nêu lên một hình ảnh cụ thể để so sánh với sự giảm thiểu ô nhiễm trên đây. Thí dụ có một người chài lưới kéo lên được một con rắn nước, thế nhưng lại cứ nhất định cho đấy là một con cá. Nếu có ai bảo cho hắn biết đấy là một con rắn thì hắn cũng không tin, ngoại trừ trường hợp mà hắn gặp được một vị thầy tốt, khéo léo và từ bi tìm cách hướng dẫn và giáo huấn hắn, cho đến khi nào hắn tự mình nhìn thấy được đấy là một con rắn, và chỉ khi ấy thì hắn mới bắt đầu biết sợ và tìm cách giết con rắn. Hắn sẽ nắm lấy cổ con rắn đưa lên khỏi đầu và quay thật mạnh cho đến lúc con rắn kiệt lực và chết. Hình ảnh trên đây giúp ý thức được là tấm màn vô minh làm cho tâm thức bị ô nhiễm là nguyên nhân khiến cho con người bị trói buộc trong một tình trạng thật đáng kinh sợ (người chài lưới tưởng con rắn là con cá nên không biết sợ là gì, đối với chúng ta cũng thế tấm màn vô minh che lấp tâm thức khiến cho chúng ta chẳng biết sợ sự hư hủy và tan biến của mọi hiện tượng luôn bủa vây chung quanh và cả trong tâm thức của chính mình).

Nếu không biết tập luyện để làm giảm bớt dần trong từng ngày mọi tác động của những thứ ô nhiễm làm cho tâm thức bị u mê thì sau này sẽ khó lòng để loại trừ hoàn toàn được chúng. Sức tác động của chúng mạnh hơn rất nhiều so với sự hiểu biết còn non kém mà ta mang ra sử dụng để đối đầu với chúng. Vì lý do đó nên sự hiểu biết cần phải được khai triển thêm, và nhờ vậy khổ đau do những thứ ô nhiễm tâm thần gây ra cũng theo đó mà sẽ giảm bớt đi một cách tương xứng. Phải luôn tự nhắc nhở trong tâm trí là tất cả đều vô thường, không hàm chứa một giá trị nội tại nào và cũng không có cái ngã nào cả (không thuộc của ai cả), không có gì đáng để có hay để được như thế, sự nhắc nhở đó sẽ giúp ta không nên nuôi dưỡng những gì có thể làm cho tâm thức mình bị u mê, và đồng thời sẽ làm giảm bớt đi trong từng ngày một các thứ ô nhiễm tâm thần. Ta phải tự phát huy các khả năng của mình hầu giúp mình trở nên cứng cỏi hơn, ngày càng tinh tế hơn và khéo léo hơn. Dù chỉ là một con người nhỏ bé thế nhưng ta có thể vượt lên được những khó khăn to lớn như một quả núi. Ta chỉ là một con chuột nhắt thế nhưng cũng có thể giết được con cọp. Ta luôn phải quyết tâm và tìm kiếm các phương tiện phù hợp với khả năng của mình. Nếu như không có một giải pháp nào có thể giúp ta xoay trở ngay tức khắc thì ta cũng phải tìm các phương cách khác làm cho con cọp phải yếu sức đi trong từng ngày một, thay vì chỉ biết lay hoay tìm cách để giết nó ngay lập tức. Sự tìm kiếm tích cực các phương tiện vượt thoát (patisankhânupassana-nanâ) là giai đoạn thứ bảy thuộc sự hiểu biết và quán thấy về sự thăng tiến trên Con Đường.

h) Làm suy giảm được các thứ ô nhiễm tâm thần sẽ giúp ta trở nên ngày càng tự chủ hơn và ít bám víu hơn vào các vật thể. Giai đoạn phát triển tiếp theo của sự hiểu biết đúng, tức kết quả mang lại từ sự buông xả không bám víu vào các sự vật, là cách biết nhìn thấy tất cả mọi hiện tượng đều trống không, không hàm chứa một thực chất nào cả, và không mang một vị thế nào cả (vô ngã) - dù đấy là súc vật, con người, v.v... - tất cả đều không có một thực thể nào vì chúng đều vô thường, không có một giá trị gì cả vì đều mang bản chất bất toại nguyện một cách sâu xa, không có gì quyến rũ cả vì chỉ mang lại sự thất vọng. Tâm thức nhờ đó sẽ dần dần trở nên tự chủ hơn và không để cho bất cứ thứ gì có thể thâm nhập vào được, dù chúng thuộc bất cứ một lãnh vực hiện hữu nào. Các vật thể trước đây tỏ ra rất thích thú, đáng để cho ta thèm muốn và bám víu bỗng dưng trở thành như một khối đá hay những hòn đất cục.

Hãy nêu lên một hình ảnh để giải thích sự kiện vừa mô tả trên đây. Thí dụ một người đàn ông lúc nào cũng yêu thượng vợ mình, thế nhưng người đàn bà lại không chung thủy, và người đàn ông không còn thương vợ mình như trước nữa. Sau khi ly dị thì người này được tự do muốn làm gì thì làm, và tâm thức của hắn sẽ không còn bị bấn loạn nữa. Trong cấp bậc hiểu biết này (tức khi các thứ ô nhiễm tâm thần đã suy giảm), thì những gì trước đây tỏ ra vô cùng quyến rũ theo cung cách của chúng bỗng dưng không còn mang một thực chất nào nữa, và nhờ đó ta có thể loại bỏ chúng dễ dàng hơn và không còn để tâm đến chúng nữa, dù là trong bất cứ trường hợp nào - tương tự như người đàn ông tìm thấy sự tự do sau khi đã ly dị vợ (sự quyến luyến trước kia từng trói buộc mình thì nay không còn nữa. Thí dụ trên đây cũng có thể đặt ngược lại: một người dàn bà cũng có thể ly dị chồng để giải tỏa những sự trói buộc tâm thần). Sự buông xả đó đối với tất cả các hiện tượng (sankhârupekkhâ-nâna) là giai đoạn thứ tám.

i) Tâm thức khi đã tìm được sự tự chủ và không còn bám víu vào mọi sự hiện hữu dưới hình thức hiện tượng nữa thì sẽ giúp nó tiến xa thêm trên Con Đường và giúp nhận thức được Bốn Sự Thực Cao Quý (saccanulomika-nâna). Ở giai đoạn này, ta sẽ hoàn toàn hội đủ khả năng giúp loại bỏ tất cả mọi thứ ô nhiễm tâm thần, và chặt đứt các sợi dây xích trói buộc ta trong thế giới (ngũ uẩn và các hiện tượng khác trong thế gian nay), hầu giúp ta trở thành một thánh nhân (aryan) dù là thuộc vào một cấp bậc cao hay còn thấp. Đấy là giai đoạn thứ chín thuộc quá trình hiểu biết và quán thấy về sự thăng tiến suốt trên Con Đường (xin chú ý là theo quan điểm của đại sư Buddhadasa thì người tu tập sẽ đạt được ngay kết quả khi bắt đầu tu tập, dù đấy chỉ là một cấp bậc thật thấp, dần dần từng bước một sẽ đạt được sau đó thể dạng A-la-hán. Do đó A-la-hán không phải là một thể dạng được quy định dứt khoát, hoàn toàn và đầy đủ và thuộc một bối cảnh bên ngoài mà người tu tập hướng vào đó như là một mục tiêu phải đạt được. A-la-hán là một thể dạng của tâm thức được phát huy tuần tự tương ứng với cấp bậc của người tu tập) .

Khi nào vượt được tất cả các giai đoạn phát triển sự hiểu biết trên đây, kể từ sự hiểu biết về sự khởi đầu và chấm dứt của mọi vật thể cho đến khả năng lĩnh hội được Bốn Sự Thực Cao Quý thì khi đó người hành thiền cũng sẽ đạt được cấp bậc thứ tư của phép luyện tập vipassanâ hay là cấp bậc thứ sáu của sự Tinh khiết hóa (VI. 4). Sự hiểu biết tinh khiết và hoàn hảo phát sinh từ cấp bậc này là một phương tiện giúp cho người tu tập nhận biết được con đường đã đi qua, và sẽ mang lại cho người này một sự quán thấy sâu xa và hoàn hảo bằng trực giác giúp người ấy tẩy xóa được tất cả mọi thứ ô nhiễm tâm thần (VII. 5).
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]