Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

11. Phẩm Hiện Bảo-tháp (L’apparition d’un stuâpa)

06/05/201312:55(Xem: 14626)
11. Phẩm Hiện Bảo-tháp (L’apparition d’un stuâpa)

Kinh Pháp Hoa Huyền Nghĩa - Quyển IV

11. Phẩm Hiện Bảo-tháp (L’apparition d’un stuâpa)

Chánh Trí Mai Thọ Truyền

Nguồn: Chánh Trí Mai Thọ Truyền

Lúc bấy giờ, trước Phật Thích-Ca, một ngọn tháp bằng bảy báu, cao 500, rộng 250 do tuần ([3]) mùi thơm “ly cấu” sực nức, từ dưới đất nổi lên rồi lơ lửng trên hư không. Trong tháp có tiếng vang ra, khen ngợi Kinh Pháp-Hoa.
Tứ chúng đều lấy làm lạ, nhưng không nói ra. Bồ-tát Đại-Nhạo-Thuyết, biết thâm tâm tứ chúng, bèn bạch Phật: “Bạch Thế-Tôn, do duyên cớ nào mà có tháp từ đất mọc lên, lại từ phía trong có tiếng vang ra như thế?”.
Phật đáp: “Trong tháp báu này có toàn thân Như-Lai. Thời quá-khứ, cách đây vô lượng lâu xa, tại nước Bảo-Tịnh, có Phật Đa-Bảo, lúc còn hành đạo Bồ-tát, đã phát lời thệ rằng, nếu được thành Phật thì, sau khi diệt độ, chỗ nào có Kinh Pháp-Hoa, tháp báu của Ngài sẽ hiện ra khen ngợi để chứng minh. Vì vậy, bất luận chỗ nào trong mười phương, hễ có nói Kinh Pháp-Hoa, thời tháp báu hiện ra, toàn thân Phật trong tháp nói: Hay thay! Hay thay!
Bồ-tát Đại-Nhạo-Thuyết bạch: “Chúng con muốn thấy thân của đức Phật Đa-Bảo”.
Phật Thích-Ca đáp: “Theo đại nguyện của Phật Đa-Bảo, khi tháp Ngài hiện ra mà có đức Phật nào muốn chỉ bày cho tứ chúng thấy thân của Ngài, thời đức Phật ấy phải nhóm lại một chỗ tất cả “phân-thân” của mình, nhiên hậu thân Phật Đa-Bảo mới hiện ra. Vậy nay ta sẽ nhóm tất cả “phân-thân” của ta, hiện đang thuyết pháp ở các cõi nước trong mười phương”.
Bấy giờ đức Thìch-Ca phóng một đạo hào-quang từ chòm lông trắng giữa đôi chân mày, làm cho hằng-sa cõi nước ở mười phương hịện bày, trong đó vô lượng Bồ-tát đang vì chúng-sanh nói Pháp.
Thấy ánh-sáng ấy, chư Phật mười phương đều bảo các Bồ-tát: “Chúng ta phải qua thế-giới Ta-bà, chỗ ở của Đức Phật Thích-Ca, để cùng cúng-dường tháp báu của Đa-Bảo Như-Lai”. Chư Phật ấy đều là phân-thân của đức Thích-Ca.
Liền lúc ấy, cõi Ta-bà biến thành thanh-tịnh, đất bằng lưu-ly, có cây báu, vàng ròng trang-nghiêm, không thành ấp, không biển cả, sông ngòi, rừng núi.
Mỗi vị có một Bồ-tát làm thị-giả, các đức Phật phân-thân qua đến Ta-bà, lên ngồi xếp bằng trên toà Sư-tử đặt dưới gốc mỗi cây báu, lần lựa như thế khắp tam thiên đại thiên thế-giới mà vẫn không đủ chỗ.
Để dung chứa tất cả các phân thân, đức Thích-Ca bèn, biến thêm, ở 8 phương, 200 muôn ức na-do-tha nước, nước nào cũng thanh-tịnh, trang-nghiêm.
Lại để có chỗ cho các phân-thân Phật sẽ đến, đức Thích-Ca dời trời, người đi nơi khác, biến thêm 200 muôn ức na-do-tha nước khác, nước nào cũng thanh-tịnh, trang-nghiêm, bình-đẳng như trên.
Tuần tự, chư phân-thân Phât trong mười phương về đủ.
Khi đâu vào đấy rồi, chư phân-thân Phật sai thị-giả qua Ta-bà dâng hoa cho Phật Thích-Ca và dạy bạch rằng “Như-Lai có được ít bệnh, ít khổ, sức khoẻ, an vui, và tất cả Bồ-tát và Thanh-văn đều được an ổn chăng?”. Sau khi cúng dường hoa, các thị-giả phải bạch thêm với đức Thích-Ca là chư phân-thân Phật đều muốn mở tháp báu đang lơ-lửng trên không.
Đức Thích-Ca liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trụ trên hư-không, lấy ngón tay hữu mở cửa tháp, làm vang một tiếng lớn như tháo khoá mở một cửa thành.
Tất cả chúng trong hội liền thấy Đa-Bảo Như-Lai trong tháp báu, ngồi trên toà Sư-tử, toàn thân không rả, như người nhập định. Lại nghe Đa-Bảo Như-Lai nói: “Hay thay! Hay thay! Phật Thích-Ca nói Kinh Pháp-Hoa hay quá. Vì muốn nghe nên ta mới tới đây”.
Chia nửa toà Sư-tử trong tháp báu, Phật Đa-Bảo nói: “Phật Thích-Ca có thể ngồi trên toà này”. Tức thời, đức Thích-Ca vào trong tháp ngồi xếp bằng trên chỗ được đức Phật Đa-Bảo nhường.
Thấy hai Như-Lai cùng ngồi xếp bằng trên toà Sư-tử trong tháp, đại chúng thầm nguyện: “Phật ngồi cao quá, cúi mong Như-Lai dùng sức thần-thông làm cho bọn chúng con đều được gần Như-Lai ở trên hư-không”.
Đức Thích-Ca bèn dùng thần-thông tiếp đại chúng lên hư-không, rồi nói lớn khắp bảo: “Nay chính là lúc nói Kinh Pháp-Hoa cho những ai, ở Ta-bà, có khả năng nói Kinh ấy”.
Để diễn lại ý trên, đức Thich-Ca nói một bài kệ mà đại ý như sau: Đức Phật Đa-Bảo diệt độ đã lâu, nay còn vì muốn nghe Kinh Pháp-Hoa khó gặp mà hiện ra trong tháp báu, hà huống các ngươi mà chẳng siêng nghe.
Ai thấy được Kinh này là đã thấy ta cùng Phật Đa-Bảo và các vị hoá Phật (phân-thân).
Các thiện nam-tử! Nên suy nghĩ, phải phát nguyện rộng lớn mới nói được Kinh Pháp-Hoa là một cái khó hơn tất cả các thứ khó khác. Thật vậy, nói được tất cả các kinh điển khác, dời núi Tu-di, lấy chân hất ba ngàn đại-thiên thế-giới, dùng sự-tướng (hữu-đảnh) mà rộng chỉ Chân-lý, lấy tay nắm bắt hư-không, đem cả đại-địa để lên móng chân rồi bay lên cõi trời Phạm-thiên, mang cỏ khô vào lửa mà không bị cháy, trì 8 muôn 4 ngàn kinh điển rồi vì người đem ra nói, khiến chúng được 6 thần-thông, nói pháp làm cho vô lượng chúng-sanh đều đắc quả A-la-hán, tất cả những việc làm ấy rất khó, nhưng chưa khó bằng, sau khi Phật diệt độ:
1.mà nói được Kinh Diệu-Pháp trong đời ác-trược,
2.mà biên chép, nắm giữ được Kinh này,
3.mà tạm đọc Kinh này,
4.mà vì một người mà nói Kinh này,
5.mà nghe lãnh và tìm nghĩa ẩn trong Kinh này,
6.mà tôn trọng và thực hành Kinh này.
Kinh Diệu-Pháp là bậc nhất. Thọ trì, đọc tụng được ắt làm cho chư Phật hoan hỷ. Ai làm được là người dõng-mãnh, tinh-tấn. Đó mới thật là người trì-giới, tu khổ hạnh, là người được mau chứng quả Vô-thượng.
Đời sau, ai đọc giữ Kinh này là Phật-tử chân-chính, là bậc thuần thiện.
Sau khi Phật diệt độ, ai hiểu được Kinh này là mắt sáng suốt của trời người trong thế-gian.
Trong cảnh đầy sợ hãi, ai nói được Kinh này trong chốc lát, là người dâng cho thiên, nhân cúng dường.
*
* *

Huyền nghĩa

Tháp mà bằng bảy báu, cao đến 12 cây số ngàn, rộng đến 6 cây số, lại từ dưới đất mọc lên rồi lơ lửng giữa không trung, thì quả là một sự kiện không thể có được. Không có được, vậy là một tỷ dụ (une parabole).
Tháp xây dựng là để tôn thờ một di tích của tự thân đức Phật, thay cho toàn thân đức Phật. Và toàn thân đức Phật được tôn thờ là vì trong ấy có Pháp. Nói một cách khác, Phật được tôn thờ là vì Pháp của Ngài khai thị.
Pháp ở đâu? Ở ngay trong tâm. Do đây Kinh nói Tháp từ dưới đất mọc lên. Đất là Tâm địa([4]). Phật Đa-Bảo ngồi trong Tháp tượng trưng cho Pháp, vì Pháp là Tâm, mà Tâm là Pháp. Lại nữa vì tâm hàm chứa hằng-sa công-đức là của báu, cho nên gọi Tâm là Đa-Bảo (nhiều của quí).
Pháp là cái gì có thật, nhưng vô-hình vô-tướng cho nên dụ nói “lơ-lửng trong hư-không”, khó tìm khó thấy.
Nói tóm, tháp báu nói ở đây thí-dụ cho Pháp ở trong Tâm của mọi người.
Tháp nổi lên là đã phát huệ thấy Pháp; có thấy Pháp rồi cho nên khi nghe Kinh Pháp-Hoa là Chân-lý tối diệu, phải khen (từ trong tháp có tiếng vang ra khen Kinh Pháp-Hoa).
Lời bạch của Bồ-tát Đại-Nhạo-Thuyết tượng trưng cho câu hỏi của thế gian: Làm sao thấy Pháp được? (Kinh nói: Chúng con muốn thấy thân của Phật Đa-Bảo).
Đức Thích-Ca đáp: Muốn thấy Pháp phải gom góp đầy đủ công đức (nhóm họp tất cả “phân-thân Phật”, vì Phật là tất cả công đức và tất cả công đức họp lại gọi là Pháp-thân Phật. Vậy thì mọi công-đức là một phần của Pháp-thân (phân-thân).
Những phân-thân ấy “hiện đang thuyết pháp ở cõi nước trong mười phương” là gì? Mỗi nước là một tâm chúng-sanh, trong vũ-trụ là mười phương. Tâm chúng-sanh như tâm Phật, chứa đầy đủ tất cả các công đức (từ, bi, hỷ, xả…) nhưng là trong tình trạng hột giống, chưa nẩy nở hoàn-toàn như ở tâm Phật. Tuy chưa nẩy nở hết, ít ra một trong những hằng-sa công-đức ấy đã manh nha, ở người nầy là giống từ, ở người kia là giống bi, ở kẻ nọ là giống hỷ..vv… Có manh nha là có phát lộ ra ngoài, trong lời nói, trong việc làm. Một lời nói từ, một việc làm từ là một bài diễn văn, một bài thuyết-pháp về chữ Từ. Đây là nghĩa của câu “các phân-thân đang thuyết-pháp”.
Nhưng muốn gom góp đầy đủ các công-đức (phân-thân) phải có huệ (Phật phóng quang ở giữa đôi lông mày).
Mà có huệ là có thanh-tịnh, vì vậy Kinh nói “Ta-bà biến thành thanh-tịnh”. Nhưng không phải cái thanh-tịnh trong tâm, mà phải là một thanh-tịnh bao trùm cả thân (biến thêm 200 muôn ức na-do-tha nước) và hoàn-toàn không còn một mảy may vụ lợi cầu phúc báu (dời trời, người đi nơi khác, với ý nói đánh bạt tất cả những tư-tưởng mong lên trời hưởng phước hay tái sanh làm người giàu có sang trọng, vì còn những tư-tưởng đó là chưa thanh-tịnh hoàn-toàn). Ở Kinh khác, có câu: “Không cầu phước-báu làm Người, làm trời” là nghĩa này.
Các điều kiện trên thực hiện xong, nên tự hỏi phải quả tâm mình đã được an vui chăng (paix, sérénité). Đây là chỗ Kinh nói các phân-thân Phật sai thị-giả bạch Phật: “Như-Lai có được ít bịnh, ít khổ, sức khoẻ an vui”.
Có ít bịnh, ít khổ…. mới mở cửa tháp được, nghĩa là mới bắt đầu thấy Pháp.
Thấy được Pháp như chứng kiến cảnh trời long đất lở. Bao nhiêu hiểu sai, nghĩ quấy, bao nhiêu thành-kiến, tập-quán đều đổ vỡ rầm rầm như tiếng vang rền của cửa thành lớn được mở.
Pháp bất sanh nên bất diệt, vì vậy Kinh nói toàn thân Phật Đa-Bảo, tuy tịch diệt trong quá-khứ vô cùng, vẫn còn nguyên vẹn, không tan không rã. Bất sanh bất diệt là ý nói suốt ba thời, quá-khứ, hiện-tại, vị-lai, những định-luật trong trời đất (Chân-lý) vẫn y như vậy không hề có sự mất còn, dời đổi.
Đức Phật Thích-Ca tu hành đã đạt đến chỗ thể-nhập với Pháp, nhập làm một với Pháp, làm hiện thân cho Pháp, cho nên Kinh nói Ngài được mời vào ngồi trong tháp, trên nửa phần tòa Sư-tử do Phật Đa-Bảo nhường.
Thấy Đức Thích-Ca đạt đến sự thành-tựu cao quý ấy, ai không muốn. Để tượng trưng ý này, Kinh nói đại-chúng xin được lên hư-không để gần hai Phật đang ngự trên cao. Lại cũng có nghĩa, Pháp ở chỗ cao siêu vi diệu, muốn thấy Pháp, phải đạt đến cái “Không” (ngã không, pháp không), nghĩa là hoàn-toàn giải-thoát, đừng còn kẹt trong vòng thấy có ta, có vật, tức là sắc tướng.
Tâm “không”, mới hiểu được Kinh Pháp-Hoa bằng còn chấp tướng thì đừng mong. Do đây đức Thích-Ca nói lớn cho khắp mười phương đều nghe: “Nay chính là lúc nói Kinh Pháp-Hoa cho những ai, ở Ta-bà, có khả năng nói Kinh ấy”.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]