Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 4: SPINOZA

03/05/201319:27(Xem: 8051)
Chương 4: SPINOZA

Nha Tu Thư và Sưu Khảo Viện Đại Học Vạn Hạnh (1971)

CÂU TRUYỆN TRIẾT HỌC

Nguyên tác : The Story of Philosophy - Will Durant

Trí Hải Bửu Đích dịch

---o0o---

Chương 4

SPINOZA
(1632 - 1677)

I. TIỂU SỬ

1. Trang sử oai hùng của người Do-thái

Trang sử của người Do-thái là một trong những trang sử hùng tráng của Âu châu. Họ bị đuổi ra khỏi nước khi người La Mã chiếm thành Jérusalem năm 70 trước TL. Từ đó đi khắp thế giới để buôn bán. Họ thường bị kỳ thị và chém giết bởi những người khác tôn giáo như những người theo Thiên chúa giáo hoặc Hồi giáo, mặc dù giáo lý của các giáo phái này một phần lớn rút từ các kinh sách của người Do-thái. Họ không được các chính phủ cho phép mua đất đai và làm kỹ nghệ. Họ bị tập trung vào những xóm nghèo khổ, bị dân chúng hiềm khích và các vua chúa bóc lột. Tuy nhiên với sự nhẫn nại hiếm có, họ vẫn xây dựng được những thành phố làm vẻ vang cho nền văn minh nhân loại. Mặc dù bị xua đuổi và nguyền rủa khắp nơi, không được đoàn kết thống nhất bởi một cơ cấu chính trị, không có một ngôn ngữ riêng biệt, dân tộc kỳ diệu này đã giữ được thống nhất trong tâm hồn, trong giòng giống, trong văn hoá, trong tôn giáo, trong tập tục và nhẫn nại chờ đợi ngày giải thoát. Dân số của họ càng ngày càng tăng và họ đã trở thành những chuyên viên danh tiếng trong tất cả mọi lĩnh vực. Sau 2000 năm đi lang thang khắp thế giới, dân tộc này đã tìm lại được quê hương. Còn trang sử nào oai hùng bằng những trang lịch sử kể trên, còn sự vinh quang nào sáng lạn và đẹp đẽ bằng sự vinh quang kể trên ? Sự tưởng tượng của con người cũng không thể đẹp bằng câu chuyện thực tế của người Do thái.

Sự phân tán của người Do-thái đã bắt đầu mấy trăm năm trước khi thành Jérusalem thất thủ. Do các hải cảng Tyre và Sidon, người Do-thái đã phân tán đi khắp các vùng Địa trung hải từ Athènes đến Antioche, từ Alexandre đến Carthage, từ Rome đến Marseilles và đến cả xứ Y-pha-nho (Spain / Espagne) xa xôi. Sau khi thành Jérusalem bị tàn phá, cuộc di cư trở nên vĩ đại. Có hai đường chính: một đường theo sông Danuble và sông Rhin để đi vào Ba-lan và Nga-sô, một đường đi đến Y-pha-nho và Bồ-đào-nha (Portugal). Tại Trung âu, người Do-thái đã tỏ ra là những thương gia và tài chánh gia lỗi lạc. Tại những nơi khác họ hấp thụ văn minh Ả rập về phương diện toán học, y học và triết học để bồi bổ cho văn hoá Do thái trong những trường danh tiếng ở Cordova Barcelone và Séville. Tại đây trong thế kỷ thứ XII và XIII, người Do-thái đóng một vai trò quan trọng trong việc truyền bá văn minh đông phương và Âu tây. Tại Cordova một bác sĩ Do thái tên là Moses Maimonides (1135-1204) đã viết một cuốn sách danh tiếng nhan đề Sách chỉ đường cho những người lưỡng lự. Ở Barcelone một tác giả Do-thái khác đã góp phần rất lớn trong việc làm sáng tỏ các giáo lý của họ.

Những người Do thái ở Y-pha-nho làm ăn rất thịnh vượng cho đến năm 1492 khi vua Ferdinand chiếm Granada và trục xuất họ ra khỏi nước. Từ đó những người Do thái sống chật vật và bị theo dõi. Sau đó họ bị đàn áp thật sự và bị bắt phải theo Thiên chúa giáo nếu không họ sẽ bị đày và bị tịch biên gia sản. Cuộc đàn áp tôn giáo này không phải hoàn toàn vì lý do tôn giáo mà chính vì nhà cầm quyền Y-pha-nho muốn cướp đoạt tài sản của những người Do Thái. Vua Ferdinand tìm được người Do-thái cũng như Columbus tìm ra Mỹ châu.

Đa số người Do-thái không chịu theo tôn giáo mới. Nhiều người di cư qua Ý, ở đây họ cũng bị xua đuổi, họ chạy qua Phi châu, ở đó một số lớn bị mổ bụng vì thổ dân tin rằng trong bụng người Do thái có ngọc ngà châu báu. Một số đân Do-thái đến Vevise và đã làm cho thành phố này có tầm quan trọng vào bậc nhất. Chính những người Do-thái đã bỏ ra nhiều tiền để Columbus đi tìm Tân thế giới vì họ hy vọng rằng nhà thám hiểm này sẽ tìm cho họ một nơi để sinh sống tự do. Hình như Columbus cũng là một người Do-thái. Một số đông dân Do thái đã dùng đường biển để đến Hoà-lan, nơi đây tương đối họ được chấp nhận. Trong số những người Do thái di cư qua Hoà-lan có một gia đình tên là Spinoza.

Từ khi người Do-thái bỏ đi, xứ Y-pha-nho trở nên điêu tàn. Trong lúc đó, nhờ tiếp đón người Do-thái, Hoà-lan đâm ra thịnh vượng. Người Do-thái xây cất thánh đường đầu tiên tại Amsterdam năm 1598 và 75 năm sau họ xây cất thánh đường thứ hai, một thánh đường nổi tiếng khắp Âu châu. Có lẽ từ đó hạnh phúc đã đến với người Do-thái nếu ta bằngvào các hoạ phẩm của Rembrandt trình bày những thương gia và giáo sĩ Do-thái mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao. Tuy nhiên vào khoảng giữa thế kỷ XVII có một cuộc tranh chấp giữa những người Do-thái. Một thanh niên Do-thái bị ảnh hưởng bởi những tư tưởng của thời đại phục hưng đã viết sách công kích thuyết tái sinh lên thiên đường. Cuốn sách này không nhất thiết phản lại giáo lý Do-thái, nhưng giáo quyền bắt buộc tác giả phải phản tỉnh vì họ sợ rằng những tư tưởng của thanh niên này động chạm đến tín ngưỡng của dân Hoà-lan, vì thuyết tái sinh lên thiên đàng là một trong những tín điều nòng cốt của Thiên-chúa-giáo. Thủ tục phản tỉnh bắt buộc tác giả cuốn sách nói trên phải nằm trước ngưỡng cửa thánh đường và để cho các tín đồ khác đạp lên mình để vào thánh đường. Vì quá tủi nhục tác giả viết một bài công kích thái độ của giáo hội Do-thái trước khi tự sát. Biến cố này xảy ra năm 1640, lúc này Spinoza được 8 tuổi, đang theo học trường của thánh đường.

2. Sự giáo dục của Spinoza

Những biến cố của dân Do-thái un đúc tâm hồn Spinoza và làm ông ta có nhiều đặc tính Do-thái mặc dù bị giáo hội Do-thái khai trừ. Mặc dù thân phụ là một nhà buôn giàu có, ông không muốn nối tiếp cha mà chỉ muốn nghiên cứu giáo lý tại thánh đường. Ông là một học giả có tài và các giáo sĩ Do-thái rất tin tưởng vào tương lai ông. Ông học hết thánh kinh rất nhanh và học qua kinh Talmud, một cuốn kinh rất khó của người Do-thái. Dần dần tất cả những kinh sách Do-thái đều được ông nghiên cứ tường tận thông suốt.

Ông say mê lý thuyết nhất thể giữa vũ trụ và Thiên chúa, tuy nhiên ông không mấy thích thú khi đọc cuốn sách nhan đề Sách chỉ đường cho những người lưỡng lựvì ông tìm ở trong sách nhiều sự lưỡng lự hơn là sự chỉ đường. Ông nghiên cứu Cựu ước và cũng không mấy thoả mãn. Chính những kẻ binh vực giáo lý đã làm hại cho giáo lý ấy nhiều nhất vì càng bênh vực họ càng gieo mầm nghi ngờ cho người khác và kích thích sự chỉ trích của người khác. Càng nghiên cứu giáo lý Do-thái tâm hồn Spinoza càng xao động và ông đâm ra hoài nghi tất cả.

Ông muốn tìm hiểu những tác giả đời trước đã viết gì về sự tương quan giữa Thiên chúa và thân phận con người. Để mở rộng tầm kiến thức ông đã học tiếng La-tinh với một học giả người Hoà-lan. Học giả này là một người thuộc phái đối lập và bị xử tử năm 1674, để lại một đứa con gái đẹp làm rung động trái tim của Spinoza. Cuộc tình duyên này bất thành vì người đẹp của Spinoza ôm cầm sang thuyền khác. Từ đó Spinoza trở thành một triết gia.

Tuy nhiên ông vẫn cố gắng học tiếng La-tinh và nghiên cứu tư tưởng của những tác giả thời Trung cổ. Ông học Socrate, Platon và Aristote, nhưng ông thích đọc Démocrites, Epicure, Lucrèce và những triết gia trong phái Socrate cũng đã ảnh hưởng sâu đậm đến ông. Ông bị ảnh hưởng của những tác giả này đến nỗi ông dùng lại những danh từ của họ, những lối lý luận qua các định nghĩa, định đề, kết luận, chứng minh, nguyên lý v.v... Ông nghiên cứu tác giả Bruno, một thanh niên cuồng tín đã đi khắp Âu châu và sau cùng đã bị thiêu sống bởi phong trào chấn chỉnh tôn giáo. Bruno là người Ý, ông chủ trương thuyết nhất thể. Theo ông thì vạn vật đều nhất thể trong nguồn gốc, vật chất và tinh thần cũng là nhất thể. Vậy mục đích của triết lý là đi tìm sự nhất thể, đi tìm tinh thần trong vật chất và vật chất trong tinh thần, đi tìm sự tổng hợp để hoà giải những mâu thuẫn, đi tìm nhất thể của vũ trụ. Chính những điểm ấy đem người ta đến chỗ hiểu biết Thiên chúa. Những tư tưởng này có thể được xem là nòng cốt của tư tưởng Spinoza.

Sau cùng và trên hết, Spinoza chịu ảnh hưởng rất sâu đậm của Descartes, một triết gia thiên về duy tâm chủ quan. Tư tưởng nòng cốt của Descartes là sự ưu thế của ý thức, ông cho rằng chính tâm thức tự tìm kiếm để tự thấy vượt trên tất cả những thực thể nào khác. Tâm thức ý thức được ngoại cảnh nhờ tác động của ngoại cảnh vào tâm thức và tất cả triết học phải bắt đầu và bắt nguồn từ tâm thức cá nhân. Do đó Descartes kết luận rằng: "Tôi hiện hữu vì tôi đang suy nghĩ". Chủ nghĩa cá nhân của thời phục hưng sống lại trong tư tưởng của Descartes và chính tư tưởng này sẽ đem lại nhiều hậu quả trọng đại. Đây là khởi điểm của một ngành triết học nghiên cứu khả năng hiểu biết của con người mà những triết gia có tên tuổi như Leibnitz, Locke, Hume Berkeley và Kant đã tranh luận suốt ba thế kỷ.

Nhưng khía cạnh của triết học Descartes trình bày trên đây không làm bận rộn Spinoza. Ông từ chối tranh luận về khả năng hiểu biết của con người. Ông chú ý đến quan niệm Descartes về sự đồng nhất của thể chất và tâm thức. Chính những quan niệm này kích thích dòng tư tưởng của Spinoza. Điều làm Spinoza ưa thích trong tư tưởng Descartes chính là sự cố gắng giảng giải vũ trụ bằng những định luật toán học và cơ khí, sáng kiến này cũng là sáng kiến của Léonard và Galilée và là cha đẻ của sự phát triển cơ khí kỹ nghệ trong các thành phố của Ý. Descartes quan niệm rằng Thiên chúa đem lại sự sống và hoạt động của toàn thể vũ trụ từ các tinh tú cho đến các sinh vật, tất cả những cử động của tất cả sinh vật đều có thể được giảng giải bằng những định luật cơ khí. Toàn thể vũ trụ cũng như toàn thể những sinh vật, là những bộ máy. Descartes ngừng tại đây trong khi Spinoza đi xa hơn.

3. Sự khai trừ khỏi giáo hội Do thái

Các giáo sĩ Do-thái bắt Spinoza trả lời những câu hỏi sau: phải chăng ông tin và chủ trương rằng Thiên chúa có một hình hài, phải chăng ông chủ trương rằng thiên thần chỉ có trong tình trạng mê sảng, linh hồn chỉ là đời sống và cựu ước không nói gì đến sự bất tử của linh hồn ?

Chúng ta không biết Spinoza trả lời như thế nào cho những câu hỏi trên. Chúng ta chỉ biết giáo hội Do-thái bằng lòng trả cho ông một số tiền nếu chịu phủ nhận những chủ trương có hại cho chủ trương của giáo hội. Ông từ chối. Đến ngày 27.7.1656, ông bị khai trừ khỏi giáo hội Do-thái. Buổi lễ khai trừ thật ảm đạm, vị giáo chủ xướng lên những lời tố cáo nguyền rủa, tiếng kêu rên siết của cái tù và vang lên từng hồi, ánh sáng trong giáo đường dần tắt và khi buổi lễ chấm dứt, toàn thể giáo đường chìm trong bóng tối tượng trưng cho sự ra đi của lý trí trong tâm hồn người phản đạo.

Sau đây là nguyên văn của những lời tố cáo và nguyền rủa do vị giáo chủ đọc trong buổi lễ khai trừ:

"Các giáo phẩm long trọng tuyên bố các ngài đã làm đủ mọi cách để lôi kéo Spinoza về chánh đạo, song tất cả đều vô hiệu. Càng ngày các ngài càng nhận thấy rằng đương sự đã phổ biến luận điệu sai lại một cách ngạo nghễ và nhiều nhân chứng đã quả quyết biết rõ những việc làm này. Do đó hội đồng giáo phẩm quyết định khai trừ Baruch Spinoza khỏi tập thể của những người Do-thái.

Với sự phán xét của các thiên thần và các Thánh, trước những Thánh kinh ghi chú 613 điều răn dạy, chúng tôi nguyền rủa đương sự với tất cả điều nguyền rủa ghi trong kinh luật. Đương sự sẽ bị nguyền rủa ban ngày cũng như ban đêm, khi ngồi khi đứng cũng như khi nằm, khi đi cũng như khi lại. Xin Thượng đế đừng bao giờ tha thứ và chấp nhận đương sự. Xin Thượng đế ra uy với đương sự, bắt buộc đương sự phải chịu tất cả những nguyền rủa ghi trong kinh luật và bôi tên đương sự dưới vòm trời. Xin Thượng đế loại trừ đương sự khỏi sự che chở của ngài và bắt đương sự phải gánh chịu tất cả những lời nguyền rủa trong vũ trụ.

Kể từ hôm nay chúng tôi cấm những người Do-thái ngoan đạo nói chuyện với y, giao dịch thư từ với y, giúp y và sống chung với y. Không ai được đến gần y và không ai được đọc những tác phẩm hoặc chữ do y viết ra".

Chúng ta không nên kết luận một cách vội vã về thái độ của hàng giáo phẩm Do thái đối với trường hợp Spinoza vì chính họ cũng gặp một tình thế nan giải. Lẽ cố nhiên ai cũng cho rằng hàng giáo phẩm Do-thái cũng hẹp hòi không khác gì những kẻ đã trục xuất họ khỏi xứ Y-pha-nho. Tuy nhiên chính hàng giáo phẩm này bắt buộc phải khai trừ Spinoza vì những tư tưởng ông có hại đến tín ngưỡng của nhà cầm quyền xứ Hoà-lan, một xứ đã cho dân Do-thái trú ngụ. Xứ Hoà-lan là một xứ theo giáo phái Tin lành. Vì sự xung đột ý thức hệ, mỗi phái khư khư giữ chặt những giáo điều của mình vì họ quan niệm rằng quá nhiều máu đã chảy ra để bênh vực cho các giáo điều ấy. Chính quyền Hoà-lan sẽ nghĩ thế nào khi họ nhận thấy rằng những kẻ ăn gởi nằm nhờ trên đất họ đã truyền bá những tư tưởng có hại cho tín ngưỡng họ ? Mặt khác, sở dĩ nhóm người Do-thái có thể tồn tại là nhờ họ đã bảo tồn được sự thống nhất của tập thể, nếu người Do-thái có một lãnh thổ riêng, một bộ luật riêng, một lực lượng riêng, thì có lẽ họ sẽ phóng khoáng hơn trong tư tưởng. Trên thực tế, người Do-thái xem sự trung thành với giáo lý tương đương với sự trung thành với tổ quốc, và các giáo đường là trung tâm của mọi hoạt động xã hội chính trị và tôn giáo của người Do-thái. Những cuốn thánh kinh đối với người Do-thái là cả một tổ quốc mà họ mang theo trên khắp cả nẻo đường lang thang, do đó mọi việc phản kháng lại thánh kinh được xem là một sự tự sát của dân tộc Do-thái. Chúng ta có thể nghĩ rằng giáo hội Do-thái nên xét xử Spinoza một cách khoan hồng hơn, họ có thể kết tội Spinoza với những lời lẽ nhẹ nhàng hơn để cho ông một hy vọng trở lại hoặc một hy vọng sống chung trong cộng đồng Do-thái. Tuy nhiên, giáo chủ Do-thái vắng mặt trong lúc giáo hội kết án Spinoza và định mệnh đã đẩy Spinoza khỏi cộng đồng Do-thái-giáo.

4. Những ngày cuối cùng

Spinoza chấp nhận sự khai trừ một cách can đảm, nhưng kể từ đây chàng trai thanh niên này cảm thấy vô cùng cô đơn. Không có gì đáng sợ cho bằng cô đơn, nhất là sự cô đơn của một người Do-thái bị bắt buộc phải tách rời tập thể họ. Spinoza đã chịu mất tín ngưỡng mình và việc này đã để lại nhiều vết thương trong tâm hồn ông. Nếu Spinoza sau khi bị khai trừ khỏi giáo hội Do-thái, lại xin gia nhập một cộng đồng tôn giáo nào đó thì có lẽ ông tìm lại được sự ổn định tâm hồn như một con cừu chen lấn giữa một bầy cừu để sưởi ấm cho nhau, song Spinoza không gia nhập cộng đồng nào khác mà cam chịu sự cô đơn. Thân phụ ông không nhìn nhận ông, người chị của ông toan đoạt hết gia tài và bạn bè ông xa lánh ông. Do đó chúng ta không lạ gì khi tìm thấy một Spinoza ê chề cay đắng. Ông viết như sau:

"Những kẻ muốn tìm hiểu các hiện tượng và chân lý, những kẻ không chịu nhìn đời với cặp mắt ngơ ngáo sẽ bị xem là những kẻ thiếu đạo đức và bị kết án bởi những giáo chủ được dân chúng tôn sùng. Những giáo chủ này biết rằng một khi vô minh đã được dẹp tắt và sự ngơ ngáo đã bị loại trừ thì uy quyền họ chẳng còn gì nữa"

Một đêm, khi Spinoza đang đi ngoài đường, ông bị một kẻ du đãng tấn công. Spinoza chạy thoát sau khi nhận một nhát dao ở cổ. Nhận thấy rằng đời sống trong thành phố quá nguy hiểm, ông dọn ra ngoại ô và sống trên lầu tại một căn nhà yên tĩnh. Ông đổi tên là Benedict thay vì Baruch. Ông tiếp những bạn thân Thiên chúa giáo thuộc phái Mnémonite. Những người này thích bộ mặt hiền hậu và buồn bã của ông và rất hoan hỉ đàm đạo với ông trong những buổi chiều nhàn rỗi. Spinoza kiếm tiền bằng cách dạy học và sau đó bằng cách mài kiếng. Ông đã học nghệ thuật mài kiếng khi còn ở trong cộng đồng Do-thái vì giáo hội chủ trương mỗi người nên biết một nghề tay chân. Chẳng những số lợi tức của một văn nhân hay triết gia không đủ nuôi sống, mà sự hành nghề tay chân còn làm cho con người trở nên đạo đức. Những kẻ chuyên chú vào văn chương hoặc triết lý mà không có một nghề tay chân không chóng thì chầy, sẽ trở nên những kẻ mất bình thường, đó là quan niệm của triết gia Gamaliel.

Năm 1660 chủ nhà của Spinoza đổi đi nơi khác gần Leiden và Spinoza cuốn gói theo ông ta. Căn nhà ấy hiện vẫn còn và con đường trước mặt nay là đường Spinoza. Ở đó ông sống yên tĩnh và suy tư rất nhiều. Nhiều khi ông ở lại luôn trong phòng hai hoặc ba ngày liên tiếp không tiếp ai và dùng bữa ngay tại phòng. Mặc dù ông mài kiếng rất giỏi, ông vẫn dành hết thì giờ vào sự nghiên cứu triết lý. Một kẻ đã chứng kiến đời sống của ông đã viết lại như sau: "Ông tính toán sổ sách rất kỹ lưỡng, để làm sao chi tiêu không quá mức lợi tức kiếm được". Ông thường ví mình như con rắn tự cắn cái đuôi nghĩa là cốt làm sao vừa đủ sống. Mặc dù sống thanh đạm, đời sống ông vẫn hạnh phúc. Nhiều người bạn khuyên ông nên từ bỏ sự tìm chân lý, ông trả lời: "Tôi tìm chân lý cũng như người hái trái cây, dù cho những trái cây tôi hái được không có giá trị gì, tôi vẫn cảm thấy sung sướng và sống những ngày vui vẻ yên tĩnh". Người ta cho rằng: "Nếu Napoléon cũng thông minh như Spinoza, có lẽ ông sẽ ở nhà viết sách hơn là dấn thân vào vòng danh lợi".

Người ta mô tả hình dáng Spinoza như sau: "Ông là người tầm thước, mặt mày hiền lành, da ngăm đen, tóc sẫm và quăn, lông mày dài và đen. Mới xem qua ai cũng biết ông thuộc dòng dõi những người Do thái gốc Bồ-đào-nha. Ông không để ý đến áo quần và trông như một người nghèo khổ. Một công chức đến gặp ông, lúc ấy ông đang mặc bộ đồ buổi sáng nhàu nát. Công chức này trách ông không ăn mặc chỉnh tề và biếu ông một bộ quần áo mới. Spinoza trả lời rằng, những vật vô giá trị dù được gói trong gấm vóc quí giá cũng không ích gì. Tuy nhiên cũng có lúc Spinoza viết: "Một lối ăn ở bê bối không đủ để làm cho chúng ta trở thành triết gia, trái lại nó chứng tỏ một tâm hồn nghèo nàn không xứng đáng là nơi chứa đựng chân lý. Khoa học không thể đi đôi với sự bê bối".

Trong 5 năm ở Rhynsburg, Spinoza viết một cuốn sách nhỏ nhan đềSự tiến triển của tri thức (De Intellectus Emendatione) và một cuốn sách khác nhan đề Sự chứng minh đạo đức bằng phương pháp hình học, cuốn sau được hoàn thành vào năm 1665 nhưng Spinoza để 10 năm không chịu xuất bản. Năm 1668 một tác giả khác là Koerbagh bị kết án 10 năm cấm cố vì đã công bố những tư tưởng giống tư tưởng Spinoza. Sau khi ở tù được 18 tháng ông chết trong ngục. Năm 1675 Spinoza đi Amsterdam và định xuất bản tác phẩm ông. Người ta đồn rằng, chủ ý ông là muốn chứng minh rằng không có thượng đế. Nhiều giáo sĩ nhân cơ hội này đã đệ đơn kiện Spinoza với nhà vua. Những tin đồn này khiến Spinoza không dám xuất bản quyển sách.

Năm 1677 nghĩa là khi Spinoza qua đời, cuốn Đạo đức học mới được xuất bản cùng với một tác phẩm về chính trị. Tất cả những tác phẩm đều viết bằng tiếng La-tinh. Năm 1852 người ta tìm thấy một bản thảo nhan đề Luận về Thiên chúa và người, viết bằng tiếng Hoà-lan. Lúc sinh tiền, Spinoza chỉ xuất bản được hai cuốn sách, đó là cuốn Căn bản của triết học Descartes xuất bản năm 1663 và Luận về tôn giáo và quốc gia xuất bản năm 1670. Cuốn này bị giáo hội cấm nhưng nó vẫn được phổ biến một cách lén lút dưới những đầu đề nguỵ trang. Người ta viết rất nhiều sách khác để chống Spinoza, nhiều người cho rằng Spinoza là một kẻ vô thần nguy hiểm. Những cuốn sách chống lại Spinoza được ca tụng như những tác phẩm bất hủ. Thêm vào đó nhiều bạn cũ của Spinoza viết thư khuyên ông nên phản tỉnh. Họ viết như sau: "Ông cho rằng ông đã tìm ra nền triết học đích thực, làm sao ông biết được nền triết học của ông là hơn tất cả các loại triết học từ xưa đến nay và trong tương lai ? Ông đã đọc hết tất cả các nền triết học của cả thế giới từ cổ chí kim chưa ? Và giả sử ông đọc rồi đi nữa, làm sao ông lựa chọn được nền triết học trung thực nhất ? Làm sao ông dám tự cho mình đứng trên tất cả các giáo chủ, các thánh tử đạo, các học giả uyên thâm của giáo hội ? Ông chỉ là một sâu bọ trên quả đất, chỉ là cát bụi, làm sao ông dám đương đầu với những học thuyết bất diệt ? Ông căn cứ vào đâu mà dám tung ra một lý thuyết mơ hồ và thiếu lành mạnh như vậy ? Tại sao ông dám phê phán những sự huyền bí mà chính giáo hội Thiên chúa giáo cũng xem là không thể giải thích ?" Spinoza trả lời như sau: "Những kẻ tự cho mình đã tìm thấy tôn giáo tốt nhất và tin tưởng vào những giáo chủ mà họ cho là vô địch, làm sao những kẻ ấy có thể biết rằng những giáo chủ ấy là vô địch trong quá khứ, trong hiện tại cũng như trong tương lai ? Họ đã nghiên cứu tất cả các tôn giáo trên tất cả các nước, trong tất cả các thời đại chưa ? Và dù cho họ đã nghiên cứu tất cả, làm sao họ biết rằng mình đã chọn được tôn giáo tốt nhất ? ". Chúng ta thấy rằng con người có vẻ hiền lành như Spinoza cũng dám trả lời một cách dứt khoát khi cần. Bên cạnh những lá thư nguyền rủa cũng có nhiều lá thư khuyến khích, những lá thư khuyến khích đáng chú ý nhất là của Henry Oldenburg, bí thư của một nhóm văn học nổi tiếng tại Anh quốc; Von Tschirnhaus, một nhà sáng chế thuộc dòng quý tộc người Đức; Huygens một nhà khoa học Hoà-lan; Leibnitz một danh nhân đã đến thăm Spinoza vào năm 1676; Louis Meyer một bác sĩ Hoà-lan và Simon de Vries một thương gia giàu có ở Amsterdam. Ông này hâm mộ Spinoza đến nỗi xin Spinoza nhận một số tiền lớn. Spinoza từ chối. De Vries viết một tờ di chúc nguyện hiến dâng tất cả gia tài cho Spinoza, Spinoza từ chối một lần nữa và khuyên De Vries nên để gia tài lại cho người anh. Khi De Vries chết, ông còn cấp cho Spinoza một số tiền hàng năm. Spinoza không thể từ chối nhưng ông chỉ nhận một số ít. Ông nói: "Nếu sống theo thiên nhiên nhu cầu con người rất ít ỏi". Một người bạn khác có nhiều thế lực cũng đã cung cấp cho Spinoza những món tiền hàng năm. Sau cùng vua Louis 14 của nước Pháp cũng định cấp cho Spinoza một số tiền hàng năm với điều kiện rằng ông phải viết tặng nhà vua một cuốn sách. Spinoza từ chối một cách nhã nhặn.

Để làm vừa lòng các bạn bè và những người ái mộ, Spinoza dọn đến ở ngoại ô La Hague năm 1665 và đến năm 1670 ông dọn vào châu thành. Trong những năm này ông kết bạn rất thân với Jan de Witt. Khi anh em De Witt bị dân chúng sát hại ngoài đường vì bị nghi oan là đã gây nên sự thảm bại của quân đội Hoà-lan trong trận chiến tranh Hoà-Pháp năm 1672, Spinoza rất đau đớn và ông đã mạnh dạn tố cáo những kẻ sát nhân bất chấp những nguy hiểm đang đe doạ. Sau đó công tước De Condé tổng tư lệnh đội viễn chinh Pháp đã mời Spinoza đến tổng hành dinh. Spinoza đã nhận lời mời. Việc này bị xem là một sự phản bội, người ta đã cho rằng Spinoza đã kết thân với quân xâm lược Pháp. Chính người bạn Spinoza cũng sợ rằng dân chúng sẽ đến phá nhà để hỏi tội. Spinoza nói rằng: "Nếu dân chúng đến đây và đe doạ căn nhà này, tôi sẽ đến trước mặt họ và nhận lãnh tất cả các trách nhiệm, nếu có bị giết tôi vẫn cam lòng". Sau khi dân chúng hiểu rằng Spinoza đến gặp De Condé chỉ vì một lý do văn chương triết học, họ không còn làm dữ nữa.

Những biến cố trên cho chúng ta thấy rằng cuộc đời của Spinoza không phải là một cuộc đời hẩm hiu cô độc như nhiều người lầm tưởng. Ông có đủ tiền để tiêu xài, ông có những người bạn quyền thế và tận tâm, ông tham gia những vấn đề chính trị đương thời và nhiều khi đã suýt chết. Ông đã thành công, mặc dù bị khai trừ và cấm đoán. Năm 1673 ông được mời dạy ở Đại học Heidelberg. Người ta hứa với ông rằng ông sẽ được dành một sự tự do rộng rãi trong việc dạy triết học, chỉ xin ông đừng động chạm đến những vấn đề tôn giáo. Spinoza trả lời như sau: "Thưa Ngài, nếu ý nguyện của tôi là giảng dạy trong một viện đại học, thì lẽ tất nhiên tôi sẽ rất hân hạnh để nhận chức vụ giao phó. Hơn nữa Ngài còn có nhã ý cho tôi được hoàn toàn tự do trong việc giảng dạy triết học. Nhưng tôi không hiểu tôi phải làm thế nào để khỏi động chạm đến những giáo điều của quốc gia. Do đó xin Ngài biết cho rằng tôi thực tình không tham muốn gì hơn là thân phận hiện tại của tôi và muốn có sự thanh tịnh như hiện nay, tôi nhận thấy cần phải từ chối chức vụ một giáo sư đại học". 

Đến năm 1677 Spinoza mới được 44 tuổi nhưng sức khoẻ của ông có phần sút kém. Ông không được cha mẹ để lại một sức khoẻ dồi dào và nếp sống suốt ngày trong phòng đọc sách không giúp cho ông bồi bổ sức khoẻ. Ông thường cảm thấy khó thở và hai lá phổi của ông càng ngày càng suy yếu. Ông chấp nhận số mệnh một cách can đảm nhưng chỉ sợ rằng ông không còn đủ thì giờ để hoàn thành những tác phẩm hoặc người ta sẽ thiêu huỷ những tác phẩm mà ông đã hoàn thành sau khi ông chết. Ông cất những bản thảo vào một cái rương nhỏ, giao chìa khoá rương cho người chủ nhà và dặn rằng nếu ông chết bất ngờ thì phải giao rương này cho một nhà xuất bản tín cẩn ở Amsterdam.

Một buổi sáng chủ nhật ngày 20.02.1677 người chủ nhà cùng gia đình đi xem lễ, Spinoza cảm thấy khó chịu nhưng ông tin rằng sẽ không đến nỗi nguy hiểm. Chỉ có một người bạn ngồi ở nhà cùng Spinoza. Khi gia đình người chủ nhà trở về thì Spinoza đã chết trong tay người bạn. Rất nhiều người thương tiếc ông, những người tầm thường thương tiếc ông vì tính tình giản dị của ông, những học giả thương tiếc ông vì sự thông thái của ông. Giới trí thức, công chức và dân chúng đi đưa đám ông rất đông, trong đó gồm nhiều người có nhiều tín ngưỡng khác nhau.

II. LUẬN VỀ TÔN GIÁO VÀ CHÍNH TRỊ

Chúng tôi sẽ trình bày những ý chính trong các tác phẩm của Spinoza theo thứ tự thời gian soạn thảo. Cuốn Luận về tôn giáo và chính trị đối với chúng ta ngày nay có vẻ không có gì đặc sắc chính vì những ý kiến táo bạo mà Spinoza đưa ra đã được đáp ứng trên toàn thế giới. Và cho đến ngày nay chúng đã thành sự thật hiển nhiên. Dây cũng là một nhận xét chung cho tất cả các triết gia đã trình bày một lập trường quá dứt khoát và quá rõ ràng minh bạch. Chẳng bao lâu, những lập trường ấy trở thành tài sản chung của nhân loại và trở nên gần như những sự thật hiển nhiên. Đây cũng là trường hợp của Voltaire.

Trong tác phẩm kể trên, Spinoza viết rằng các thánh tông đồ đã dùng một lối văn gồm có nhiều điển tích, một là để có cơ hội trình bày các chân lý một cách hoa mỹ, hai là để khỏi động trí tưởng tượng. Họ phải điều chỉnh tư tưởng cho đúng với trình độ và căn cơ của dân chúng. Thánh kinh được soạn thảo cho toàn thể nhân loại, do đó phải thích hợp với trình độ của quảng đại quần chúng. Các tác giả không đưa ra những lý thuyết mà chỉ kể lại những câu chuyện khả dĩ ảnh hưởng đến trí tưởng tượng của những người ít học. Ít khi người ta kêu gọi đến lý trí, người ta chỉ kêu gọi đến trí tưởng tượng. Vì những lẽ trên, có rất nhiều phép lạ và rất nhiều lần Thiên chúa xuất hiện trong thánh kinh. Quần chúng tưởng rằng quyền lực của Thiên chúa và lòng quảng đại của ngài được thể hiện một cách hùng hồn nhất trong những biến cố phi thường hoàn toàn khác với những điều tai nghe mắt thấy hàng ngày. Quần chúng tưởng rằng Thiên chúa không hoạt động khi mọi việc xảy ra một cách bình thường. Họ quan niệm hai quyền lực hoàn toàn khác nhau: quyền lực của Thiên chúa và quyền lực của thiên nhiên. Sự thật thì hai quyền lực ấy chỉ là một. Người ta thích tưởng tượng rằng Thiên chúa phá vỡ những định luật thiên nhiên để giúp đỡ họ, người Do-thái tin rằng Thiên chúa đã làm cho ngày dài hơn để nâng đỡ dân Do-thái. Tất cả những dân tộc khác đều có những tín ngưỡng như vậy. Những lời nói giản dị không lôi kéo tâm hồn. Nếu người ta nói rằng ngọn gió phía tây đã làm cho nước biển Hồng hải rút lui và cho phép đoàn quân của Moise đi qua, dân chúng sẽ không mấy cảm động. Họ sẽ cảm động hơn khi nói rằng chính Thiên chúa đã làm khô nước biển và giúp cho Moise và đoàn quân của ông đi qua. Do đó những phép mầu rất cần thiết để ảnh hưởng đến sự hiểu biết của dân chúng. Những người sáng lập tôn giáo dùng những lối hành văn bóng bẩy có thể làm cho dân chúng tin tưởng hơn tin tưởng những triết gia hoặc những nhà khoa học.

Nếu hiểu như vậy thì Thánh kinh không đi ngược với lẽ phải. Nếu hiểu một cách chặt chẽ hơn thì Thánh kinh đầy rẫy những sự mâu thuẫn, mê tín, dị đoan. Sau này, khi tìm cách diễn giảng những điển tích trong Thánh kinh người ta mới đoán được một phần nào những chân lý. Chính nhờ những sự diễn giảng ấy mà các chân lý trong Thánh kinh càng ngày càng phong phú. Dân chúng luôn luôn đòi hỏi một giáo lý được trình bày trong một văn thể hoa mỹ đầy rẫy những phép lạ. Họ sẽ tạo nên những huyền thoại nếu trong giáo lý chưa có những huyền thoại ấy. Đối với triết gia thì Thiên chúa và Thiên nhiên chỉ là một, tất cả những định luật bất di bất dịch của thiên nhiên đều là những định luật của Thiên chúa. Nếu trong Thánh kinh, người ta hình dung Thiên chúa như một đấng Toàn năng đầy vị tha bác ái, đó là vì người ta muốn khêu gợi tưởng tượng của dân chúng; sự thật thì tất cả những chân lý, tất cả những định luật thiên nhiên, đều là những định luật của Thiên chúa.

Spinoza không phân biệt Tân ước và Cựu ước. Ông xem Thiên chúa giáo và Do thái giáo là một. Khi người ta gạt ra ngoài những sự hiềm khích, những sự hiểu lầm để tìm căn bản của hai tín ngưỡng đối lập ấy, người ta sẽ thấy rằng trong căn bản, hai tín ngưỡng ấy không khác nhau là bao. Những kẻ tự cho mình là những người theo Thiên chúa giáo, một tôn giáo đã đề cao tình thương, lòng nhân từ, sự hoà bình, tính tiết độ mà lại tỏ ra hiềm khích, ganh ghét, hiếu chiến đối với những tôn giáo khác là một sự mâu thuẫn. Tập thể Do thái đã tồn tại vì những người Thiên chúa giáo thù ghét họ. Càng bị kỳ thị, họ càng đoàn kết. Nếu không có sự kỳ thị, có lẽ họ đã kết hôn với những dân tộc khác và dân dần hoà mình trong cộng đồng xã hội. Trên bình diện triết lý, không có gì ngăn trở những người Do thái và những người theo Thiên chúa giáo sống chung hoà bình với nhau.

Bước đầu tiên để đi đến sự hoà giải ấy là tìm hiểu Chúa cứu thế một cách rõ ràng hơn. Nếu loại bỏ những lý do hiềm khích, người Do thái sẽ nhận thấy rằng Chúa cứu thế là một đấng tiên tri cao cả nhất. Spinoza không công nhận nguồn gốc thiêng liêng của Chúa cứu thế. Ông công nhận rằng Chúa cứu thế chỉ là một người, nhưng là một người cao cả nhất trong những người khác. Sự toàn thiện toàn mỹ của Thiên chúa được thể hiện trong tất cả mọi vật, trong tất cả mọi người và nhất là trong Chúa cứu thế Giê-su chẳng những dạy cho người Do thái mà còn dạy cho toàn thể nhân loại. Do đó ông dùng những lời lẽ giản dị, bóng bẩy để tất cả mọi người đều hiểu. Ông dùng nhiều nhất là các điển tích. Spinoza cho rằng đạo giáo của chúa Giê-su phù hợp với những khôn ngoan thông thường. Khi suy tôn Chúa Giê-su tức là người ta đã suy tôn Thiên chúa. Nếu không có những giáo điều chật hẹp, thiển cận gây nên những sự hiềm khích thì toàn thể nhân loại có lẽ đã theo về với Giê-su và chấm dứt những cuộc chiến tranh trên bình diện ý thức cũng như trên bình diện vũ khí. Có lẽ nhân loại đã tìm lại sự thống nhất trong tín ngưỡng và trong tình huynh đệ.

III. SỰ CẢI TIẾN TRÍ NĂNG

Đây là đầu đề của tác phẩm thứ hai của Spinoza. Tác giả giảng giải vì sao ông đã từ bỏ tất cả để chuyên nghiên cứu triết lý:

Kinh nghiệm cho ta thấy rằng tất cả những sự vật trên cõi đời này đều vô thường. Khi tôi thấy rằng tất cả những sự vật không có gì tốt hoặc xấu tự bản chất chúng, tôi muốn tìm hiểu thử xem trên đời này có cái gì được xem là thật sự tốt và có thể truyền đạt đức tính ấy cho mọi người, làm cho tâm trí say mê đến nỗi loại bỏ tất cả những sự vật khác, tôi quyết tâm tìm xem có thể nào đạt được một trạng thái hạnh phúc hoàn toàn và lâu bền. Tôi có thể thấy những điều lợi do tiền bạc và danh vọng mang lại, nhưng càng có nhiều tiền bạc và danh vọng, người ta càng vui thích và do đó con người luôn luôn tìm cách kiếm thêm tiền bạc và danh vọng. Nếu vì một lẽ gì công cuộc ấy không thành tựu con người sẽ đau khổ ê chề. Danh vọng cũng có nhiều sự bất tiện. Con người đeo đuổi danh vọng phải luôn luôn làm vừa lòng mọi người và tuyệt đối tránh những cử chỉ không phù hợp với nhãn quan của người khác. Chỉ có sự yêu thích những cái gì vô tận mới đem đến cho tâm trí những khoái cảm hoàn toàn trong sạch nghĩa là không nhuốm khổ đau. Không có gì quan trọng bằng tìm hiểu mối liên hệ giữa tâm trí con người và toàn thể vũ trụ. Càng tìm hiểu con người càng nhận thức được những năng lực của chính mình và trật tự của thiên nhiên. Càng nhận thức được những năng lực của chính mình, con người càng có thể kiếm ra những định luật cho chính mình. Càng nhận thức được trật tự của thiên nhiên, con người càng tự giải thoát khỏi những công việc vô ích, đó là toàn thể phương pháp của tôi.

Chính sự hiểu biết tạo nên quyền lực và giải thoát. Và hạnh phúc trường cửu chính là sự hiểu biết. Tuy nhiên, triết gia phải hoà mình trong cuộc sống với người khác. Họ phải sống thế nào trong khi đi tìm chân lý ? Spinoza đã đặt ra những lề lối cư xử và ông đã tuân theo những lề lối ấy trong suốt cuộc đời ngắn ngủi của ông:

1. Phải nói chuyện với người khác một cách giản dị dễ hiểu và giúp đỡ họ trong mọi điều không làm hại đến chí hướng của ta.

2. Chỉ đi tìm những khoái lạc cần cho sự giữ gìn sức khoẻ.

3. Chỉ kiếm tiền vừa phải để sinh sống và giữ gìn sức khoẻ, đồng thời tuân theo tất cả những tập tục không trái ngược với chí hướng của ta.

Trong khi đi tìm chân lý triết gia có thể tự đặt câu hỏi: làm sao biết chân lý của tôi đích thực là chân lý ? làm sao tin tưởng được những tín hiệu của giác quan ? Tâm trí của con người không khác gì chiếc xe, trước khi lên xe để nó chở mình đi, cần phải xem lại chiếc xe như thế nào và phải làm đủ mọi cách để sửa sang chiếc xe cho hoàn toàn. Nói một cách khác chúng ta cần phải phân biệt những sự hiểu biết khác nhau và chỉ đi tìm sự hiểu biết chân chính.

Trước hết, chúng ta có những sự hiểu biết bằng cách nghe những người khác kể lại, ví dụ: tôi biết ngày sinh của tôi. Thứ hai là những sự hiểu biết mơ hồ căn cứ trên một vài kinh nghiệm, ví dụ : một y sĩ biết một thứ thuốc có thể trị được một loại bệnh. Thứ ba, sự hiểu biết bằng suy luận, ví dụ: tôi hiểu biết mặt trời rất lớn bằng cách suy luận dựa theo khoảng cách giữa mặt trời và trái đất hoặc sức nóng của mặt trời trên trái đất. Loại hiểu biết thứ ba này hơn hẳn hai loại trước, nhưng một đôi khi cũng dễ nhầm lẫn. Do đó loại biết tốt nhất là loại biết trực tiếp, ví dụ: toàn thể lớn hơn một phần. Spinoza tin tưởng rằng sự hiểu biết về toán học là một sự hiểu biết trực tiếp và ông còn cho rằng những sự hiểu biết trực tiếp rất ít so với những hiểu biết khác.

Trong cuốn Đạo đức học, Spinoza gom loại hiểu biết số (1) và (2) thành một loại duy nhất và xem sự hiểu biết bằng trực giác như là một sự hiểu biết có tính cách trường cửu. Ông cho rằng triết học là một khoa học căn cứ trên trực giác. Ông phân biệt thế giới của các sự vật và các sự kiện, thế giới này không có tính cách trường tồn trong khi thế giới của các dịnh luật có tính trường tồn.

IV. ĐẠO ĐỨC HỌC

Đây là một tác phẩm vô cùng quí giá, trong đó Spinoza lần đầu tiên đem phương pháp toán học để nghiên cứu và giảng giải các vấn đề thuộc lãnh vực đạo đức. Sự cố gắng của Spinoza thật đáng khen. Tuy nhiên cần công nhận cuốn Đạo đức học rất khó hiểu. Trước Spinoza, Descartes cũng đã tin tưởng phương pháp toán học có thể áp dụng trong lãnh vực triết học nhưng Descartes chưa bao giờ thực hiện ý định này. Việc áp dụng phương pháp toán học vào khoa học đã được các khoa học gia như Copernic, Képler và Galilée, những công trình của các vị này khuyến khích Spinoza áp dụng phương pháp toán học trong triết học. Spinoza đã dùng những định đề, định luật, nguyên lý chứng minh... rất nhiều trong tác phẩm ông và người đọc có cảm tưởng như mình đang đánh một ván cờ với các tướng sĩ tượng xe pháo mã tốt. Có lẽ rằng trong những ngày dài cô đơn trong phòng đọc sách Spinoza đã sáng chế ra trò chơi này để giết thì giờ. Đối với phần đông chúng ta, vấn đề nghiên cứu triết học cần nhiều tưởng tượng hơn là lý luận, kết quả là một mớ kiến thức lộn xộn không ăn khớp với nhau. Spinoza muốn đi ngược lại khuynh hướng này, hệ thống hoá và thống nhất hoá tất cả các tư tưởng. Ông muốn đi tìm một chân lý minh bạch khô khan hơn là tìm những tư tưởng bóng bẩy dưới một văn thể hoa mỹ. Tác phẩm của ông là một tác phẩm của một kiến trúc sư cổ điển với những đường thẳng song song cân đối. Tác phẩm được viết bằng tiếng La tinh, do đó việc dịch thuật gặp nhiều trở ngại vì có những ý niệm rất minh bạch khi diễn tả bằng tiếng La tinh mà lại không rõ ràng khi phải diễn tả bằng một thứ tiếng khác. Nói tóm lại, tác phẩm của Spinoza không phải để đọc mà để nghiên cứu học hỏi. Phải đọc nó như khi ta đọc một cuốn sách toán học và đừng quên rằng tác phẩm với 200 trang ngắn ngủi đó là kết quả của một đời suy tư. Chúng ta cần phải đi từng bước một, không một chi tiết nào có thể bỏ qua vì chúng ta sẽ không thể hiểu những ý niệm trình bày ở sau nếu chưa thông suốt được những ý niệm đã trình bày ở trước. Một vài ý niệm có vẻ không quan trọng lại có thể là những ý niệm then chốt. Mặt khác, chúng ta sẽ không thể thưởng thức những ý niệm lẻ loi trước khi chúng ta đã thông suốt toàn bộ tác phẩm. Chính Spinoza cũng khuyên các độc giả nên đọc tác phẩm của ông một cách thận trọng, không nên đọc suốt một lần mà chỉ nên tiến theo từng giai đoạn nhỏ. Khi đã đọc xong toàn thể tác phẩm, chúng ta sẽ có cảm giác thích thú là chúng ta vừa mới bắt đầu hiểu tác phẩm. Ngoài ra, các bạn nên đọc một vài bài bình luận trứ danh viết về Spinoza rồi trở lại đọc tác phẩm Spinoza một lần nữa. Các bạn sẽ thấy rằng tác phẩm ấy sẽ đem lại cho các bạn nhiều nguồn ánh sáng mới, và sau đó các bạn sẽ trở thành một người say mê triết học.

1. Bản thể của Thiên chúa

Bắt đầu tác phẩm là một thiên trường luận siêu hình. Phần đông chúng ta rất sợ những vấn đề siêu hình nhưng nghĩ cho cùng thì, như William James đã nói, siêu hình học chỉ là một cố gắng tìm hiểu sự vật trong bản thể tối hậu của chúng và do đó, thống nhất hoá các tư tưởng để đi đến một chân lý toàn vẹn nhất. Ngay cả khoa học, mới xem qua có vẻ không dính dấp gì đến các vấn đề sieu hình, nhưng nếu nghiên cứu tường tận hơn thì khoa học cũng bắt nguồn từ những vấn đề siêu hình.

Spinoza cho rằng tất cả hiện tượng hoặc các sự vật đều do một bản thể. Bản thể ở đây phải hiểu theo một nghĩa rộng, đó là cái bản thể trường cửu và bất biến. Nếu chưa đạt được bản thể trường cửu và bất biến ấy chúng ta chỉ mới đề cập đến các hiện tượng mà thôi. Hình như Spinoza dùng chữ bản thể để nói đến cái nguyên lý trường cửu của vũ trụ. Cũng có đoạn Spinoza gom góp ba ý niệm: bản thể, thiên thể và Thiên chúa là một. Spinoza quan niệm thiên nhiên là mầm sống và quan niệm này đã được Bergson khai triển. Cũng có lúc Spinoza dùng tiếng "thiên nhiên" để chỉ những cái gì đã được tạo thành như rừng cây, sông núi, đồng ruộng v.v... Khi Spinoza viết rằng thiên nhiên là Thiên chúa, ông muốn nói đến cái quan niệm thiên nhiên sinh thành vạn vật chứ không phải là cái thiên nhiên đã được tạo thành. Quan niệm bản thể của Spinoza chính là một quan niệm siêu hình, nó không phải là vật chất, nó tạo ra vật chất.

Spinoza nói rằng bản thể của vũ trụ là Thiên chúa. Danh từ bản thể này không nên hiểu là thế giới vật chất. Những định luật bất biến của vũ trụ và những ý muốn của Thiên chúa chỉ là một. Những định luật này tuyệt đối bất biến trong không gian và thời gian, không khác gì những định luật toán học. Vũ trụ không khác gì một công trình kiến trúc vĩ đại. Sở dĩ công trình này đứng vững là nhờ những định luật quy định sự tương quan giữa những phần này và phần khác. Một cái cầu bắc qua một con sông dài sẽ không thể đứng vững nếu không theo những định luật căn bản về kiến trúc. Vũ trụ cũng đứng vững không khác gì cái cầu kia nhờ những định luật của Thiên chúa. Tất cả những hiện tượng chỉ là những diễn biến theo một quá trình đã ấn định. Sự hiện diện của Thiên chúa thật rõ ràng qua những hiện trạng ấy. Chúng ta không nên quan niệm Thiên chúa là một kẻ độc tài muốn thay đổi ý định lúc nào cũng được. Descartes xem cuộc sống chỉ là những tác động máy móc, Spinoza xem Thiên chúa và tâm linh cũng chỉ là những tác động máy móc. Vũ trụ của Spinoza là một vũ trụ xác định. Chúng ta thường có những thói quen suy nghĩ rằng tất cả những hành động của chúng ta đều do một mục đích hoặc một ý định nào đó. Chúng ta đem ý tưởng này gán cho vũ trụ và tạo nên một Thiên chúa theo hình ảnh của chúng ta. Do đó chúng ta gặp phải một trở ngại không thể giải quyết khi muốn giảng giải sự có mặt của điều ác trên trái đất này. Chúng ta không thể quan niệm một Thiên chúa toàn thiện tòan năng lại để cho các điều ác tồn tại. Sự thật thì Thiên chúa đứng trên các điều thiện và điều ác của chúng ta. Thiện hay ác chỉ là những quan niệm của những cá nhân nhỏ bé, nó hoàn toàn không có một ý nghĩa gì trong vũ trụ khách quan. Đối với vũ trụ ấy thì lịch sử của loài người không khác gì những chữ viết trên mặt nước. Có những sự việc mà chúng ta cho là ác, sự thật thì không có gì là ác với vũ trụ. Mặt khác có những sự việc lúc thì thiện lúc thì ác, lúc thì không thiện không ác tuỳ theo trường hợp. Một bản nhạc có thể là thiện đối với người này, ác đối với người khác và không thiện không ác đối với người đã chết.

Quan niệm về đẹp và xấu cũng không khác gì quan niệm thiện ác kể trên. Đó chỉ là những quan niện chủ quan: Cái gì hợp với chúng ta, chúng ta cho là đẹp, thiện. Cái gì không hợp với chúng ta chúng ta cho là xấu, ác. Spinoza đã đi xa hơn Platon còn tin tưởng rằng cái đẹp là cái gì phù hợp với định luật của Thiên chúa. Spinoza còn chỉ trích ý niệm cho rằng Thiên chúa là một người. Ông tự hỏi tại sao lại nói rằng Thiên chúa là một người đàn ông mà không nói Thiên chúa là một người đàn bà ? Ngay trong quan niệm này, chúng ta đã thấy sự suy diễn cái ý niệm trọng nam khinh nữ của con người vào lãnh vực siêu hình. Nếu cho rằng Thiên chúa là một người, chẳng bao lâu chúng ta sẽ quan niệm rằng Thiên chúa sẽ có thể thấy được, nghe được, quan sát được, mong muốn được vân vân. Spinoza kết luận rằng một hình tam giác sẽ nói rằng Thiên chúa là một hình tam giác và một vòng tròn sẽ bảo rằng Thiên chúa là một vòng tròn.

Spinoza quan niệm rằng không thể gán cho Thiên chúa một ý chí như ý chí của con người mà phải xem rằng ý chí của Thiên chúa là tất cả các nguyên lý và định luật trong vũ trụ, do đó lý trí của Thiên chúa là tất cả lý trí trong vũ trụ. Spinoza tin rằng tất cả các sự vật đều có một linh hồn. Linh hồn và thể chất chỉ là hai khía cạnh của một vấn đề.

2. Vật chất và tâm thức.

Vật chất là gì ? Tâm thức có phải là vật chất không, hoặc ngược lại thân xác phải chăng chỉ là một hình ảnh của tâm thức ? Sự suy nghĩ là nguyên do hay là kết quả của những diễn tiến trong bộ óc ? Phải chăng sự suy nghĩ và những diễn tiến ấy hoàn toàn độc lập với nhau ? Spinoza trả lời rằng tâm thức không phải là vật chất và vật chất cũng không phải là một hình ảnh do tâm thức tạo nên. Các diễn tiến trong óc não không phải là nguyên do mà cũng không phải là kết quả của sự suy nghĩ, các diễn tiến ấy và sự suy nghĩ cũng không phải hoàn toàn độc lập đối với nhau. Diễn tiến và suy nghĩ chỉ là một hiện tượng được nhìn dưới hai khía cạnh khác nhau. Nếu ở trong nhìn ra, thì chúng ta cho đó là suy nghĩ, nếu ở ngoài nhìn vào thì chúng ta cho đó là sự di chuyển của các dòng điện. Spinoza còn đi xa hơn và cho rằng tâm thức và vật chất chỉ là một hiện tượng nhìn dưới hai khía cạnh khác nhau. Tâm thức không thể ảnh hưởng đến tâm thức vì cả hai chỉ là một. Thân xác không thể bắt tâm thức suy nghĩ, tâm thức không thể bắt thân xác cử động hoặc nằm yên vì lẽ rất giản dị rằng quyết định của tâm thức và sự cử động của thân xác chỉ là một. Các hiện tượng khác của vũ trụ cũng đều có hai khía cạnh như vậy: một khía cạnh ngoài mặt và một khía cạnh bên trong. Quan niệm này đã được nhiều người Do thái tán đồng khi họ nói rằng trí năng Thiên chúa và những sự vật do trí năng ấy tạo ra chỉ là một. Nếu tâm trí được hiểu theo nghĩa rộng và được đồng hoá với toàn thể thần kinh hệ thì tất cả những sự thay đổi trong thể xác đều phải kèm theo những sự thay đổi trong tâm trí. Nếu ý nghĩ và những hiện tượng trong trí óc đều có liên quan chặt chẽ với nhau thì tất cả những gì xảy đến cho thể xác đều được trực nhận bởi tâm trí. Do đó những cảm xúc chỉ là hậu quả của những sự thay đổi trong cơ thể, trong bộ máy tuần hoàn, bộ máy hô hấp hoặc bộ máy tiêu hoá. Một môn phái tâm lý học ngày nay tin tưởng rằng ý nghĩ của con người có thể được phát hiện do những sự rung chuyển trong yết hầu.

Sau khi giải thích sự tương quan giữa tâm trí và thể xác, Spinoza đề cập đến sự tương quan giữa ý chí và lý trí. Ông cho rằng rất khó mà phân biệt thế nào là ý chí, thế nào là lý trí, thế nào là sự tưởng tượng, thế nào là trí nhớ. Tâm trí không phải là một bộ phận để sản xuất ra những ý nghĩ, tâm trí và ý nghĩ chỉ là một. Nhiều ý nghĩ họp lại và người ta cho đó là tâm trí, nhiều sự ham muốn họp lại và người ta cho đó là ý chí. Spinoza kết luận rằng ý chí và tâm trí chỉ là một, vì ý chí chỉ là một ý nghĩ có một mãnh lực đặc biệt và có thể biến thành hành động. Tất cả các ý nghĩ đều có thể biến thành hành động nếu không bị ngăn trở bởi những ý nghĩ khác. Ý nghĩ chỉ là bước đầu của một quá trình tư tưởng hành động. Những ý chí chỉ là những sự tham muốn và tham muốn là đặc tính căn bản của con người. Tham muốn có thể xem như là một bản năng. Chúng ta có thể nhận thức được sự tham muốn trong khi chúng ta rất ít khi nhận thức được bản năng. Spinoza cho rằng trong thế giới loài người, cũng như trong thế giới loài vật, bản năng tự tồn có một sức mạnh vô biên. Schopenhauer và Nietzsche cũng thấy rằng bản năng tự tồn và bản năng bành trướng thế lực là hai bản năng cơ bản của con người. Tất cả những bản năng đều nhằm mục đích kéo dài sự tồn tại của cá nhân hoặc của giòng giống. Khoái lạc và đau khổ là hậu quả của sự thoả mãn hoặc không thoả mãn của bản năng. Khoái lạc và đau khổ không phải là nguyên nhân của lòng tham muốn, chúng nó là kết quả của lòng tham muốn. Chúng ta không tham muốn những sự vật vì những sự vật ấy đem lại cho chúng ta nhiều khoái cảm. Phải nói rằng những sự vật đem lại cho chúng ta nhiều khoái cảm chỉ vì chúng ta tham muốn những sự vật ấy. Tại sao chúng ta tham muốn ? Vì đó là bản năng của chúng ta.

Do đó, tự do ý chí là một điều không thể có. Bản năng tự tồn quy định sự tham muốn và sự tham muốn quy định sự suy luận, sự suy luận quy định hành động. Các quyết định của con người chỉ là sự hiện diện của lòng ham muốn. Trong tâm trí con người không có một ý chí nào có thể gọi là tự do. Một ý chí xuất hiện là do một ý chí khác thúc đẩy và cứ như thế cho đến khi con người trở về với bản năng. Người ta tưởng rằng họ có tự do chỉ vì họ nhận thức được những ý chí và những sự thèm muốn của họ, nhưng họ hoàn toàn mù tịt về những cái gì thúc đẩy những ý chí và những sự thèm muốn ấy. Con người cho rằng mình có tự do không khác gì cục đá cho rằng nó có tự do khi nó bị ném đi đến một nơi xa. Sau khi đả kích quan niệm tự do trong ý chí và tư tưởng, Spinoza kết luận rằng thái độ của con người có thể được xác định bằng những định luật tâm lý minh bạch và khách quan không khác gì những định luật về hình học. Ông ước mong sẽ tìm được những định luật ấy hầu nghiên cứu tâm thức một cách khoa học không khác gì các kỹ sư nghiên cứ các đường thẳng và các mặt phẳng. Mục đích của Spinoza là tạo nên một khoa tâm lý hoàn toàn khách quan, không tìm cách phê bình chê bai những hành vi của con người mà trái lại chỉ tìm hiểu các hành vi ấy. Ông muốn nghiên cứu các sự đam mê, các tật xấu như những hiện tượng hoàn toàn khách quan, với thái độ của một nhà khoa học khi nghiên cứu các hiện tượng nóng lạnh mưa gió sấm chớp của vũ trụ. Sự cố gắng của Spinoza đã khích lệ rất nhiều triết gia.

3. Lý trí và đạo đức.

Có ba hệ thống tư tưởng về đạo đức. Hệ thống thứ nhất là hệ thống của Phật giáo và Thiên chúa giáo. Hệ thống này đề cao những đức tính từ bi mà Spinoza gọi là đức tính đàn bà. Theo hệ thống này thì nên yêu thương và quý trọng tất cả mọi người, đem ân trả oán, xem tình thương là đức tính cao cả nhất, và trên trên bình diện chính trị thì thiên về chế độ dân chủ. Hệ thống thứ hai là hệ thống của Machiavel và Nietzsche. Hai ông này đề cao những đức tính hùng tráng mà Spinoza gọi là những đức tính của đàn ông. Hệ thống đạo đức thứ hai chấp nhận sự bất bình đẳng giữa loài người, đề cao sự đấu tranh, chinh phục và thống trị, đồng hoá đạo đức với sức mạnh, trên bình diện chính trị thì cổ võ một chế độ quí tộc, huyết thống. Hệ thống thứ ba là hệ thống của Socrate, Platon và Aristote. Ba ông này muốn dung hoà những đức tính từ bi và hùng tráng. Họ cho rằng phải tuỳ thời mà hành động, không thể luôn luôn nghiêng về một phía nào, chỉ những lý trí sáng suốt và trưởng thành mới xét đoán được từng trường hợp và tìm kiếm những giải pháp. Trên bình diện chính trị họ chủ trương một chế độ vừa dân chủ vừa quý tộc. Bằng sự phân tích kể trên, Spinoza đã dung hoà những nguồn tư tưởng từ trước đến nay được coi như khác biệt.

Spinoza cho rằng hạnh phúc là mục đích của mọi hành động. Hạnh phúc là sự có mặt của khoái cảm và sự vắng mặt của khổ đau. Tuy nhiên khoái cảm cũng như khổ đau chỉ là những cảm giác tương đối. Chúng nó không phải là những tình trạng mà là những sự thay đổi. Ví dụ khoái cảm là sự thay đổi từ một trạng thái thấp đến một trạng thái cao hơn. Trong sự vui sướng, nghị lực của con người được tăng thêm. Đau khổ là sự đi từ một trạng thái cao đến một trạng thái thấp. Nếu không có sự thay đổi, nếu không có sự xê dịch thì con người sẽ không cảm thấy khoái lạc cũng như đau khổ. Một người vừa mới lọt lòng đã được thụ hưởng đầy đủ các tiện nghi sẽ mất khoái cảm đối với các tiện nghi ấy. Chữ passion có liên quan với chữ passage, nói một cách khác, cảm xúc là một sự xê dịch, chữ émotion có liên quan đến chữ motion, nói một cách khác sự xúc động là hậu quả của sự cử động.

Xúc động là một sự thay đổi trong tâm thức khiến cho khả năng của con người được tăng thêm hoặc bị giảm bớt, được hỗ trợ hoặc bị ngăn cản. Con người cảm xúc mỗi khi họ ý thức được những sự thay đổi ấy. Một cảm xúc tự nó không tốt cũng như không xấu. Tuy nhiên đối với chúng ta thì một cảm xúc tốt là một cảm xúc do sự tăng trưởng của các khả năng mà ra. Một cảm xúc xấu là một cảm xúc do sự giảm bớt của các khă năng mà có. Spinoza đồng hoá hai quan niệm đạo đức và nghị lực. Con người có đạo đức là con người có nghị lực để tranh thủ những cái gì ích lợi đối với mình. Sự ích kỷ chỉ là kết quả của bản năng tự tồn. Sự ích kỷ hợp với thiên nhiên vì bản năng tự tồn hợp với thiên nhiên. Spinoza xây dựng tư tưởng đạo đức của ông không phải trên sự vị tha, cũng không phải trên sự đấu tranh một mất một còn. Ý niệm ích kỷ của Spinoza có thể xem như là sự dung hoà giữa hai cực đoan ấy. Một nền đạo đức bắt buộc con người phải chịu đựng một cách yếu hèn là một nền đạo đức vô giá trị. Spinoza không tán thành sự nhún nhường, ông cho là một sự giả dối. Ông cũng không tán thành sự ăn năn hối hận. Những kẻ ăn năn hối hận là những kẻ yếu hèn, tự làm khổ mình một cách vô ích. Spinoza cho rằng tánh nhún nhường thật ra rất hiếm có. Ngay cả những tác giả viết sách đề cao tánh nhún nhường cũng không quên ghi bút hiệu của mình ngoài bìa sách. Những kẻ tự hạ mình có thể là để che dấu tánh kiêu căng của họ. Spinoza cũng lên án tánh tự phụ vì nó thường gây mâu thuẫn giữa người này và người khác. Họ chỉ thích làm bạn với những người thua kém họ, và thường bị sa vào cạm bẫy của những kẻ nịnh hót.

Spinoza cảm thấy rằng phần đông con người đều tội ác và khốn khổ, họ bo bo gìn giữ của cải và luôn luôn lo sợ các thứ ấy mất đi. Thế giới loài người đầy dẫy những sự ganh ghét dèm pha, hận thù. Ông muốn tìm một phương pháp để xoá bỏ những cảm xúc ấy, ông nhận thấy rằng hận thù là một loại phản ứng dây chuyền và chỉ có thể được chấm dứt bằng tình thương. Người ta thù hận vì cảm thấy bất lực. Nếu ta có toàn quyền đối với một kẻ khác thì ta không có lý do gì để thù hận kẻ ấy. Những kẻ hận thù luôn luôn sống trong khổ đau tủi nhục. Những kẻ không thù hận thường sống trong sự tin tưởng và hạnh phúc, do đó họ gặp được nhiều sự may mắn. Con người không thể bị chinh phục bằng vũ khí mà chỉ có thể bị chinh phục bằng đạo đức.

Spinoza bị ảnh hưởng bởi tư tưởng của các triết gia Hi Lạp khi ông đề cao sự hiểu biết. Những kẻ đam mê tưởng tượng rằng họ đang điều khiển vận mệnh của mình trong khi chính những lúc ấy là lúc họ bị điều khiển nhiều nhất. Sự đam mê chỉ là một tình trạng thiếu lý trí. Những hành động có suy nghĩ là những hành động đã được trì hoãn lại cho đến khi nào tất cả các khía cạnh đã được lý trí soi sáng. Những bản năng có nhiều sức mạnh lôi cuốn nhưng sẽ trở nên nguy hiểm khi được dùng làm hướng dẫn. Mỗi bản năng khuynh hướng hoạt động riêng rẽ, không đếm xỉa gì đến những bản năng khác. Nếu con người tuân theo tất cả các bản năng cùng một lúc, họ sẽ bị lôi kéo bởi những khuynh hướng tương phản. Trong đờì sống hàng ngày, con người chỉ tuân theo và thoả mãn những cảm xúc nào mạnh nhất. Sự thoả mãn ấy cũng chỉ có giá trị cục bộ nghĩa là không phải luôn luôn phù hợp với quyền lợi tổng quát của cơ thể. 

Tất cả những ý kiến trên làm chúng ta liên tưởng sự phân biệt giữa lý trí và tình cảm dã được Socrate và các môn đệ của ông dề cập đến. Spinoza biết rằng tình cảm mà không có lý trí thì chỉ là một sự mù quáng, lý trí mà không có tình cảm thì chỉ là sự khô khan cằn cỗi. Mặt khác, người ta chỉ có thể đem tình cảm để phản ứng với tình cảm. Hai lãnh vực lý trí và tình cảm có thể bổ túc cho nhau. Sự suy tư có thể được sưởi ấm bằng lòng ham muốn, lòng ham muốn có thể được soi sáng bằng sự suy tư. Khi chúng ta biết rõ sự đam mê của chúng ta thì cái đam mê ấy không còn nữa. Tất cả những sự ham soi sáng bằng lý trí. Những sự ham muốn được soi sáng bằng lý trí có thể trở thành những đức tính.

Quan niệm về đạo đức của Spinoza bắt nguồn từ những tư tưởng siêu hình của ông. Các định luật thiên nhiên thể hiện cho ý muốn của Thiên chúa, và do đó lập thành một nền trật tự hoàn hảo trong vũ trụ. Về phương diện đạo đức, chính lý trí đóng vai trò điều hợp để lập nên một nền trật tự trong tất cả hành vi của con người. Sự nhận thức ý muốn của Thiên chúa và định luật thiên nhiên là ý niệm căn bản về siêu hình của Spinoza. Sự hành động theo hướng dẫn của lý trí là ý niệm căn bản về đạo đức. Trí tưởng tượng giúp đỡ người ta hình dung được những hậu quả tương lai và khuyến cáo người ta trong các hành động hiện tại. Người ta có khuynh hướng bị những cảm giác hiện tại thúc đẩy cho đến nỗi người ta quên những hậu quả tương lai. Sự suy luận chính là một phương pháp để chúng ta kiểm điểm tất cả các hậu quả và có một cái nhìn bao quát về quá khứ, hiện tại và tương lai. Sự suy luận cho chúng ta biến kinh nghiệm thành sự khôn ngoan, nắm vững được tương lai và không bị quá khứ chi phối. Do đó chúng ta mới tìm được tự do. Đó là sự thoát khỏi vòng kềm toả của đam mê. Nói một cách khác chúng ta không để cho cái sức mạnh vô trật tự của đam mê sai khiến chúng ta. Tự do đi đôi với hiểu biết vậy. Con người hoàn toàn tự do không phải là con người đã thoát khỏi những vòng kềm toả của đam mê. Do đó, con người trở nên tự tại vô ngại. Đó là hình ảnh con người lý tưởng của Spinoza. Đây không phải là một con người tự mãn theo quan niệm của Aistote hoặc một con người tự kiêu theo quan niệm của Nietzsche nhưng mà là một con người bình thản và trầm tĩnh. Những người tốt không bao giờ ham muốn cái gì có lợi cho mình mà có hại cho nhân loại. Nói một cách khác, họ muốn tất cả nhân loại đều có thể như họ. Một người thượng lưu không phải là một người đứng trên kẻ khác để cai quản kẻ khác mà chính là người đã thoát khỏi những ham muốn riêng rẽ, vị kỷ và đã tự kiềm chế được mình. Sự tự do kể trên thật vô cùng cao cả hơn quan niệm tự do thông thường. Người ta thường nói đến tự do ý chí nhưng quan niệm về ý chí đã bị Spinoza bác bỏ. Con người vẫn chịu trách nhiệm về các hành vi của mình mặc dù không hoàn toàn tự do. Nhiệm vụ của xã hội là phải vận dụng những cảm giác sợ sệt hoặc ước muốn của con người để duy trì trật tự và sự hợp tác giữa mọi người. Tất cả những nền giáo dục đều căn cứ trên quan niệm rằng tâm trí con người có thể uốn nắn. Dù cho các hành vi của con người đều là những hành vi cần thiết do một định mệnh khắt khe những yếu tố thúc đẩy con người vẫn là sự sợ hãi và nguồn hi vọng. Xã hội có thể vận dụng hai yếu tố này để hướng dẫn hành vi của cá nhân. Mặt khác thuyết định mệnh có thể cho chúng ta một quan niệm về đạo đức cao cả hơn. Nó làm cho chúng ta dễ tha thứ những kẻ khác vì những việc làm của họ chẳng qua cũng chỉ là những thôi thúc của định mệnh. Xã hội có thể trừng phạt những kẻ lầm lỗi nhưng sự trừng phạt ấy không đi đôi với sự thù ghét. Mặt khác, ý niệm về định mệnh cho chúng ta đủ sức mạnh để chịu đựng những thăng trầm của cuộc đời bằng một tâm hồn trầm tĩnh. Nó có thể giúp chúng ta tìm thấy sự yêu thương Thiên chúa bằng cách vui lòng làm theo đúng những ý định của Ngài. Chấp nhận định mệnh là chấp nhận định luật thiên nhiên để nhận thức rằng mỗi biến cố đều nằm trong một chương trình của vũ trụ. Nhận thức được như vậy con người sẽ thoát khỏi những sự vui buồn nhất thời và trở nên trầm tĩnh vắng lặng, họ biết chấp nhận những gì không thể tránh khỏi với nụ cười trên môi. Họ biết rằng Thiên chúa nắm giữ trật tự của vũ trụ chứ không phải chỉ là một người sẵn sàng thay đổi các định luật thiên nhiên để làm lợi cho một vài cá nhân nhỏ bé. Quan niệm này cũng được Phaton diễn tả trong cuốn "Nền Cọng Hoà". Những kẻ nắm giữ bộ máy vũ trụ không có thì giờ để xen vào những việc cỏn con của người đời. Tạo hoá không có lý do gì để ghen ghét hoặc đấu tranh với những cá nhân. Nietzsche cũng cho rằng: "Những cái gì bắt buộc phải có không làm cho tôi bất bình, bản tính tôi là chiều theo định mệnh". Thi sĩ Keats cũng diễn tả ý nghĩ này khi ông bảo: "Con người xuất chúng là con người biết chấp nhận tất cả những sự thật và đương đầu với tất cả mọi trường hợp một cách bình tĩnh". Spinoza còn nói thêm rằng trong định mệnh, lẽ cố nhiên có cái chết và chấp nhận định mệnh có nghĩa là không băn khoăn về cái chết. Con người tự do là con người biết hướng tư tưởng của mình về cuộc sống thay vì về cái chết.

4. Tôn giáo và sự bất diệt.

Chúng ta thấy rằng triết lý của Spinoza là một cố gắng yêu thương một thế giới đã từ bỏ ông. Ông còn tự hỏi tại sao một dân tộc xuất chúng như dân tộc Do thái lại có thể bị xua đuổi khắp mọi nơi. Ông tìm nguồn an ủi trong quan niệm rằng những sự đau khổ của con người không có nghĩa lý gì đối với vũ trụ. Ông cố gắng hoà hợp ước vọng của mình với định luật thiên nhiên, cố gắng hoà mình với vũ trụ. Ông cho rằng hạnh phúc tối thượng là tìm ra mối tương quan giữa tâm trí cá nhân và vũ trụ. Chúng ta lầm tưởng rằng chúng ta là những thực thể cách biệt với vũ trụ. Sự thật thì chúng ta là những phần tử của vũ trụ như những tế bào trong một cơ thể. Tế bào trong cơ thể chết đi nhưng cơ thể vẫn tồn tại. Chúng ta là những tế bào trong cơ thể của giống nòi. Giống nòi của chúng ta là những tế bào trong cơ thể của chúng sinh. Tâm trí của chúng ta là những tia sáng trong nguồn sáng bất diệt. Tâm trí của chúng ta là một phần tử trong một thực thể rộng lớn hơn. Thực thể ấy cũng chỉ là một phần tử trong một cái gì bao quát hơn và cứ như thế cho đến khi chúng ta tìm lại nguồn gốc của tâm trí ở Thiên chúa. Tư tưởng của Spinoza làm chúng ta liên tưởng đến tư tưởng của các triết gia đông phương.

Chúng ta bất diệt, vì chúng ta là những phần tử của một thực thể bất diệt. Tâm trí con người không thể mai một cùng lúc với thân thể của nó. Tâm trí con người trở nên bất diệt khi nó được gắn liền với những tư tưởng bất diệt. Chúng ta thấy rằng với lối lý luận của Spinoza kể trên không được rõ ràng trong sáng cho lắm và mỗi người có thể hiểu một cách. Có người cho rằng Spinoza muốn đề cập đến sự tồn tại của thanh danh khi ông nói đến sự bất diệt của tâm trí. Có người cho rằng Spinoza muốn chủ trương một sự bất diệt cụ thể hơn là sự bất diệt của thanh danh. Có thể nói rằng ông đề cập đến sự bất diệt khi cái chết ám ảnh ông. Một điểm đáng để ý là quan niệm bất diệt của Spinoza muốn vượt lên trên thời gian. Giống như Aristote, Spinoza cho rằng trí nhớ của con người không thể tồn tại ngoài cơ thể của nó. Ông cũng không tin tưởng vào những sự thưởng phạt sau cái chết. Những kẻ sống một cuộc đời đạo đức không nên hy vọng rằng Thiên chúa sẽ tưởng thưởng cho họ. Cần phải quan niệm rằng cuộc đời đạo đức chính là phần thưởng của Thiên chúa và chính là hạnh phúc tối thượng, sự tự do tối thượng. Hạnh phúc không phải là phần thưởng của đạo đức. Hạnh phúc và đạo đức chỉ là một. Do đó sự bất diệt không phải là phần thưởng của chính tư duy (suy nghĩ chân chính), sự bất diệt và chính tư duy chỉ là một. Chính tư duy đem con người từ quá khứ qua hiện tại đến tương lai và vượt qua những giới hạn của thời gian, những giới hạn của vô thường. Chính tư duy cũng bất diệt như chân lý và trở nên một phần tử trong gia tài tư tưởng của nhân loại.

Cuốn "Đạo đức học" kết thúc kết thúc bằng những tư tưởng trong sáng kể trên. Thật là một tác phẩm chứa đựng nhiều ý nghĩ và đã từng làm đề tài cho nhiều cuộc tranh luận sôi nổi trên khắp thế giới. Chúng ta có thể không đồng ý với Spinoza trên phương diện siêu hình tâm lý, hoặc giáo lý, nhưng các tư tưởng trình bày vẫn có đủ mãnh lực lôi cuốn chúng ta. Spinoza kết luận như sau:

"Tôi đã nói tất cả những gì đáng nói về vai trò tâm trí trong việc chế ngự tình cảm. Con người lý trí luôn luôn mạnh hơn con người tình cảm. Những kẻ không biết đến lý trí thường sống một cuộc đời tối tăm, không tự hiểu mình, không biết đến Thiên chúa và luôn luôn bị tình cảm chi phối. Con người khôn ngoan ít khi vọng động và luôn luôn tâm trí được thoả mãn. Con đường đi đến sự thoả mãn của tâm trí là một con đường khó khăn do đó ít người sử dụng được con đường này. Tất cả những gì quý giá đều khó khăn và hiếm hoi".

V. CHÍNH TRỊ LUẬN

Đây là tác phẩm cuối cùng và dang dở của Spinoza. Tác phẩm này được soạn thảo khi tư tưởng của Spinoza đến độ trưởng thành nhất. Chúng ta cảm thấy thương tiếc một thiên tài bị mai một quá sớm. Trong khi Hobbes cổ võ một chế độ quân chủ chuyên chế thì Spinoza lại cổ võ một chế độ dân chủ tự do. Chính những tư tưởng này khởi nguồn cho những tư tưởng của Rousseau và đưa đến cuộc cách mạng Pháp.

Spinoza nói rằng tất cả những triết lý chính trị cần phải dựa trên sự phân biệt giữa trật tự thiên nhiên và trật tự xã hội. Trật tự thiên nhiên là trật tự giữa loài người trước khi xã hội được tổ chức. Spinoza cho rằng con người nguyên thuỷ sống trong sự cô lập, họ không biết phân biệt phải và trái, công bằng và bất công. Công lý và sức mạnh đối với họ chỉ là một. Con người nguyên thuỷ không bao giờ bận tâm đến sự phân biệt phải và trái. Họ chỉ biết đến quyền lợi của mỗi người và tuỳ theo chiều hướng của quyền lợi ấy mà phân biệt cái gì phải, cái gì trái. Con người nguyên thuỷ không chịu trách nhiệm với bất cứ ai và do đó họ không thể có ý niệm về tội lỗi. Ý niệm về tội lỗi chỉ có thể phát sinh trong một xã hội có tổ chức. Trong xã hội này, mọi người đều đồng ý về một số vấn đề. Mỗi một người tự nhận trách nhiệm của mình trước quốc gia và luật pháp. Trong trạng thái thiên nhiên con người không bị ngăn cấm, họ có thể làm bất cứ điều gì họ đủ sức làm. Luật thiên nhiên không ngăn cấm sự giành giựt, thù oán; lường gạt v.v. Chúng ta tìm lại luật thiên nhiên khi chúng ta quan sát lối cư xử giữa những quốc gia với nhau. Chỉ khi nào có một tổ chức được công nhận thì các nguyên tắc về đạo đức mới có thể được thực thi. Quyền lực của các quốc gia ngày nay không khác gì quyền lực của những con người nguyên thuỷ, nghĩa là nó đồng hoá với sức mạnh. Chữ "Power" ngày nay được dùng vừa để chỉ một quốc gia, vừa để chỉ một quyền lực. Sự tương quan giữa các giống vật của vậy. Không có một đạo đức nào hoặc một luật lệ nào quy định sự tương quan giữa một giống này và một giống khác. Mỗi giống vật có toàn quyền trên những giống vật khác.

Đối với loài người, những nhu cầu chung lôi kéo con người lại gần nhau và trật tự thiên nhiên dần dần được thay thế bằng trật tự xã hội. Trong mỗi con người ai cũng ghê sợ sự cô đơn vì con người cô độc không đủ sức mạnh để chống chọi với thiên nhiên, đó là động lực thúc đẩy con người họp thành xã hội. Tuy nhiên bản tánh của con người không phải là hướng thiện, họ sống thành xã hội chỉ vì họ phải là hướng thiện, họ sống thành xã hội chỉ vì họ bắt buộc phải làm như vậy để tránh những nguy cơ to lớn hơn. Con người có khuynh hướng theo chủ nghĩa cá nhân và chống lại các luật lệ cũng như các tập tục. Khuynh hướng cá nhân. Do đó khuynh hướng xã hội luôn luôn cần phải được bồi đắp. Spinoza cho rằng bản tính con người không phải là thiện như Rousseau đã lầm tưởng. Con người trở nên thiện nhờ ảnh hưởng của xã hội, bắt đầu là ảnh hưởng của gia đình. Chúng ta thích cái gì hợp với chúng ta. Do đó tinh thần tập thể dần dần nảy nở, con người bắt đầu có một lương tâm. Vậy lương tâm không phải tự nhiên mà có mà chính là do tập tục xã hội . Lương tâm thay đổi tuỳ theo không gian và thời gian. Có thể nói rằng lương tâm cá nhân là kết tinh của những tập tục xã hội. Dần dần lương tâm cá nhân trở thành một động lực giúp cho xã hội tồn tại chống lại các khuynh hướng vị kỷ. 

Dần dần luật thiên nhiên được thay thế bằng luật xã hội. Sức mạnh vẫn còn đồng hoá với quyền hạn, tuy nhiên sức mạnh của tập thể hạn chế sức mạnh của cá nhân và chỉ để lại cho mỗi cá nhân một số tự do nhất định làm thế nào để khỏi xâm phạm đến sự tự do của kẻ khác. Một phần quyền lực của cá nhân được chuyển sang cho tập thể để làm lợi cho tất cả. Ví dụ cá nhân từ bỏ quyền hành động trong sự giận dữ và do đó khỏi bị làm nạn nhân cho sự giận dữ của kẻ khác. Luật pháp rất cần thiết vì con người thường bị tình cảm chi phối. Nếu tất cả con người đều có đầy đủ lý trí thì luật pháp đối với cá nhân cũng giống như ảnh hưởng của lý trí đối với tình cảm: Đó là sự phối hợp những khuynh hướng tương phản để tránh đổ vỡ và thu hoạch hiệu năng tối đa. Trên bình diện siêu hình, lẽ phải là sự nhận thức nền trật tự trong vạn vật, trên bình diện đạo đức, lẽ phải là sự nhận thức nền trật tự trong sự tham muốn, trên bình diện chính trị, lẽ phải là sự nhận thức nền trật tự giữa những cá nhân. Quốc gia lý tưởng chỉ hạn chế tự do khi những sự tự do của những cá nhân tương phản nhau. Nói một cách khác, quốc gia chỉ hạn chế tự do với mục đích bảo vệ một nền tự do cao hơn. Mục đích của quốc gia không phải là đàn áp cá nhân hoặc đe doạ cá nhân mà là mưu cầu cho mỗi cá nhân một đời sống an ninh, không bị những kẻ khác đe doạ. Mục đích của quốc gia không phải là biến những cá nhân thành những nô lệ mà là đem lại cho cá nhân những điều kiện hoạt động hoàn hảo, cho mỗi cá nhân được toàn quyền suy nghĩ và lý luận. Nói tóm lại mục đích của quốc gia là tự do của mỗi cá nhân. 

Nhiệm vụ của quốc gia là phát triển cá nhân. Nếu quốc gia trở thành một bộ máy đàn áp thì phải làm thế nào ? Spinoza khuyên chúng ta nên tuân theo ngay cả những luật lệ bất công nếu chúng ta có tự do phát biểu ý kiến với hy vọng rằng một ngày kia các luật lệ ấy sẽ được thay đổi trong sự ôn hoà. Do đó những luật lệ chống lại quyền tự do ngôn luận là những luật lệ đáng ghét nhất. Chính phủ càng cố gắng xoá bỏ tự do ngôn luận, dân chúng càng cố gắng chống đối. Những kẻ chống đối phần đông là những kẻ có ý thức và đạo đức cao. Con người không thể chịu đựng nổi những luật lệ kết tội những tín ngưỡng của họ. Họ sẽ xem như một vinh dự khi chống lại những luật lệ ấy. Nếu con người vi phạm luật lệ mà tuyệt nhiên không làm hại đến bất cứ một ai thì luật lệ ấy cần phải được xét lại, nếu không dân chúng sẽ tìm thấy thú vui trong sự vi phạm luật lệ cũng như trẻ con tìm thấy thú vui khi làm những việc bị cấm đoán. Nói tóm lại, chỉ nên trừng phạt những hành vi phạm pháp và nên dành nhiều tự do trong vấn đề ngôn luận. Được như vậy chính phủ sẽ tránh được nhiều cuộc nổi loạn võ trang do sự tức nước vỡ bờ mà ra.

Chính phủ không nên tìm cách kiểm soát tư tưởng dân chúng. Do đó chính phủ không nên kềm hãm sự giáo dục nhất là sự giáo dục tại các viện đại học. Nên dành cho mọi cá nhân quyền tự do mở trường và giảng dạy. Dưới thời Spinoza chưa có những viện đại học tư nên vấn đề kiểm soát sự giáo dục chưa gây ra những trường hợp khó khăn như ngày nay. Hình như Spinoza muốn cổ võ một nền giáo dục do các triết gia đảm nhận như dưới thời Socrate, Platon và Aristote.

Spinoza không mấy quan tâm đến hình thức của chế độ mặc dù ông thiên về một chế độ dân chủ. Ông cho rằng chế độ quân chủ cũng có thể hữu hiệu mặc dù nó có tính cách đàn áp. Kinh nghiệm cho ta thấy rằng hoà bình và trật tự có thể giữ vững khi tất cả quyền hành trong quốc gia được gom vào tay một người. Không một chính thể nào có vẻ đứng vững bằng chính thể quân chủ chuyên chế của người Thổ-nhĩ-kỳ . Mặt khác những chính thể dân chủ quá trớn thường là miếng mồi ngon cho những cuộc nổi loạn. Tuy nhiên cần phải phân biệt thế nào là hoà bình trong trật tự, thế nào là hoà bình trong nô lệ. Trong một gia đình con cái thường cãi vả với cha mẹ, sự chống đối này không thể xảy ra giữa nô lệ và chủ nhân ông. Tuy vậy chúng ta không nên biến con cái trong nhà thành những nô lệ chỉ vì muốn có hoà bình và trật tự trong gia đình. Do đó nếu tất cả quyền hành trong quốc gia đều tập trung vào một người, dân chúng dễ bị sa vào một nền hoà bình trong nô lệ.

Spinoza không đồng ý đối với những cuộc thương thuyết mật giữa các quốc gia. Ông cho rằng những cuộc thương thuyết mật là bước đầu của sự độc tài. Trong những cuộc thương thuyết mật ấy, những kẻ độc tài có toàn quyền làm hại đến các quốc gia khác và rất có thể họ đã đem quyền lợi của toàn dân để đặt vào ván bài quốc tế.

Chế độ dân chủ là chế độ hợp lý nhất. Chính phủ có quyền trừng phạt hành vi của các công dân nhưng không có quyền trừng phạt tư tưởng của họ. Ý kiến của đa số là những điều luật mà tất cả phải tuân theo. Nhiệm vụ quân dịch phải là nhiệm vụ của toàn dân. Người dân có quyền cất giữ vũ khí sau khi chiến tranh đã chấm dứt. Về phương diện thuế vụ, chỉ nên đánh một loại thuế duy nhất. Một nhược điểm của chế độ dân chủ là những kẻ xảo ngôn thường được giao phó quyền hành. Để tránh tệ đoan này, chỉ nên giao quyền hành cho những người đã được huấn luyện đầy đủ. Ý kiến của số đông không nhất quyết là ý kiến hay nhất. Đám đông thường bị tình cảm chi phối và dễ mắc mưu những kẻ xảo ngôn. Những người xuất chúng không muốn để cho đám đông bình phẩm và lựa chọn. Những người này sẽ đứng về phe chống đối và khi phe này thắng thì chế độ dân chủ sẽ không đem lại trật tự và an ninh cho xã hội, dân chúng sẽ dễ dàng chọn lựa một nền độc tài vì dù sao độc tài vẫn còn hơn hỗn độn. Sự bình đẳng giữa mọi người là một điều không thể thực hiện được vì con người sinh ra đã bất bình đẳng.

Spinoza qua đời trong khi ông chưa viết hết về chế độ dân chủ. Nếu ông còn sống thêm vài năm nữa có lẽ những vấn đề trọng đại của nền dân chủ ngày nay đã được soi sáng rất nhiều.

VI. ẢNH HƯỞNG CỦA SPINOZA

Sau khi Spinoza qua đời, ảnh hưởng đầu tiên mà ông để lại cho nhân loại là một sự sợ sệt. Người ta không dám nói đến tên ông cũng như không dám đọc tác phẩm của ông. Dần dần thái độ của giới trí thức đối với ông trở nên bớt khắt khe. Năm 1780 một tác giả danh tiếng tự nhận mình là môn đệ của Spinoza, từ đó người ta tìm hiểu ông nhiều hơn. Đại văn hào Goethe cũng nhận mình là một môn đệ và đề cao ảnh hưởng của cuốn Đạo đức họctrong các thi phẩm của ông.

Tư tưởng về thần học của Spinoza ảnh hưởng đến rất nhiều các triết gia như Fichte, Schelling, Hegel. Thuyết về bản năng tự tồn được Fichte, Schopenhauer, Nietzsche và Bergson lập lại dưới những quan niệm về "cái tôi" của Fichte, "ý chí muốn sống" của Schopenhauer, "ý chí cường lực" của Nietzsche và "đà sống" của Bergson, Hegel thường chỉ trích tư tưởng của Spinoza thiếu mềm dẻo và sống động, nhưng người ta có thể tìm thấy trong quan niệm về "chân lý tuyệt đối" của Hegel những tư tưởng của Spinoza về Thiên chúa và các định luật thiên nhiên.

Tại Anh quốc, ảnh hưởng của Spinoza cũng rất lớn qua trung gian của những văn hào trứ danh như Coleridge, Wordsworthm, Shelley và Byron. Bà George Eliot dịch cuốn Đạo đức họcsang tiếng Anh nhưng bản thảo không được xuất bản. Belfort Bax cho rằng những mầm mống của tư tưởng triết học hiện đại đều nằm trong các tác phẩm của Spinoza. Nói tóm lại tư tưởng của Spinoza là một nguồn suy luận vô cùng phong phú cho nhiều thế hệ về sau. Để kỷ niệm năm thứ 200 sau ngày Spinoza từ trần, một cuộc lạc quyên quốc tế đã được tổ chức để dựng tượng ông tại thủ đô Hoà Lan. Nhiều món tiền được gởi về từ khắp nơi trên thế giới. Năm 1882 bức tượng Spinoza được khánh thành trong một buổi lễ long trọng. Ernest Renam đọc diễn văn khai mạc với những lời lẽ thật chân tình và cảm động

---o0o---

Trình bày: Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]