Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 39: Phật tử đòi thực thi thông cáo chung

04/04/201314:09(Xem: 9307)
Chương 39: Phật tử đòi thực thi thông cáo chung
Việt Nam Phật Giáo Sử Luận - Tập 3

Chương 39: Phật Tử Đòi Thực Thi Thông Cáo Chung

Nguyễn Lang
Nguồn: Nguyễn Lang

CUỘC TUYỆT THỰC TẠI CHÙA XÁ LỢI

Thông Bạch của đại lão thiền sư Tịnh Khiết được đưa ra ngày 15.7.1963 thì chiều ngày 16.7.1963 khoảng trên 150 vị tăng ni tổ chức biểu tình trước tư dinh đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam. Họ trương biểu ngữ kêu gọi Hoa Kỳ và các nước bạn Việt Nam Công Hòa thuyết phục chính quyền Ngô Đình Diệm thi hành những điều đã được ký kết trong bản Thông Cáo Chung.

Từ ngày 15.7.1963 chư tăng tại chùa Xá Lợi, kể cả các vị lãnh đạo phong trào trong Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo, đã bắt đầu một cuộc tuyệt thực. Rạng sáng ngày 17.7.1963, một cuộc diễn hành ôn hòa được phát xuất từ chùa Giác Minh, đường Phan Thanh Giản. Đoàn người này lúc bắt đầu di thì chỉ có trên 1000 người và chỉ giăng một biểu ngữ: " Chúng tôi đi thăm thầy chúng tôi đang tuyệt thực để đòi hỏi thực thi Thông Cáo Chung". Họ vượt qua được mấy lớp rào cảnh sát và kêu gọi quần chúng gia nhập vào lực lượng diễn hành của họ. Những biểu ngữ sau đây được trương lên:

"Chúng tôi bị lường gạt quá nhiều"
"Cờ Phật giáo phải là cờ của tất cả Phật giáo đồ"
"Yêu cầu chính phủ giữ đúng lời thành tín đã hứa"

Đoàn biểu tình đã mấy lần phá được những hàng rào dây thép gai để tiến tới, nhưng lực lượng cảnh sát và mật vụ đã được huy động đến quá đông đảo. Được trang bị đầy đủ, Họ thiết lập những hàng rào kẻm rất kiên cố và dàn ra phía sau những chiếc xe cứu hỏa. Thiền sư Quảng Độ, người điều động cuộc diễu hành, đề nghị quần chúng ngồi xuống mặt đường và tĩnh tâm niệm Phật giáo. Đoàn người lúc bấy giờ chỉ cách chùa Giác Minh có năm trăm thước. Sau nửa giờ niệm Phật, quần chúng lặng yên nghe thiền sư Quảng Độ đứng lên nói về cuộc vận động của Phật giáo đồ toàn quốc. Dùng loa phóng thanh, ông chậm rãi nói về chính nghĩa của cuộc tranh đấu. Từ hai đầu đường Phan Thanh Giản và các đường phố lân cận như Nguyễn Thiện Thuật, quần chúng đều đứng lại lắng tai nghe. Các cửa sổ các tầng lầu đều được mở ra; đồng bào xuất hiện trên sân thượng của nhà cửa hai bên khu phố để nghe thiền sư thuyết giảng. Lực lượng cảnh sát dùng ống loa đinh che lấp tiếng nói của ông, nhưng máy phóng thanh của chùa Giác Minh khá mạnh: tiếng nói của thiền sư Quảng Độ vẫn còn được nghe rất rõ. Vào lúc 10 giờ 30 cuộc đàn áp thật sự bắt đầu. Cảnh sát và mật vụ xông vào cướp giật biểu ngữ. Tăng ni và những người điều động cuộc diễu hành bị tấn công bằng báng súng và gậy gộc trước con mắt của giới báo chí và quan sát viên quốc tế. Tiếng la hét của phụ nữ và trẻ em vang dậy. Có nhiều vị tăng ni bị đánh ngã quỵ. Có nhiều vị khác bị liệng lên xe cảnh sát và bị chở đi. Bị đàn áp dữ dội, đoàn biểu tình rút lui từ từ về chùa Giác Minh và chùa Từ Quang sát cạnh. Cảnh sát theo sát họ tới cổng chùa và thiết lập một hàng rào dây thép gai để phong tỏa chùa. Trên 600 tăng ni và phật tử bị cô lập trong chùa hơn hai ngày đêm như thế.


BIỂU TÌNH DIỄN HÀNH

Cũng vào sáng ngày 17.7.1963 khoảng 400 vị tăng ni đến tập họp tại chùa Xá Lợi. Sau khi lễ Phật và mặc niệm tại chánh điện chùa, họ sắp hàng diễn hành từ đường Bà Huyện Thanh Quang qua đường Lê Văn Thạch lên đường Nguyễn Thông, Ngô Thời Nhiệm, Lê Văn Duyệt, và đi về hướng chợ Bến Thành. Họ vượt qua được mấy hàng rào kẽm gai và tiến được về vườn hoa của Nam chợ Bến Thành. Cuộc diễn hành này, nhờ tính cách bất ngờ của nó, đã làm cho các lực lượng cảnh sát đối phó không kịp trong bước đầu. Đến khi các lực lượng này được huy động đầy đủ thì đa số chư tăng ni đã đến được chợ Bến Thành, tăng ni trương lên những biểu ngữ: "Yêu cầu chánh phủ thực thi bản Thông Cáo Chung"Lúc này các lực lượng cảnh sát chiến đấu đã vây quanh đám biểu tình, dưới quyền chỉ huy của viên giám đốc cảnh sát Trần Văn Tư. Ông Trần Văn Tư yêu cầu chư tăng ni hạ cờ Phật giáo và các biểu ngữ xuống, nhưng không ai tuân lệnh. Vị đại diện tăng ni đứng lên xin nói về mục đích của cuộc biểu tình diễn hành. Ông giám đốc nha cảnh sát chỉ cho phép vị này được nói trong năm phút, "mau lên còn để chúng tôi thi hành nhiệm vụ". Đại diện cho chư tăng ni nói: "Chúng tôi tới đây để tỏ cùng quốc dân dồng bào biết rằng: Bản Thông Cáo Chung đã ký kết hơn một tháng nay nhưng chính phủ đã không thực thi nghiêm chỉnh mà còn dùng đủ mọi cách để khủng bố, bao vây, bắt bớ, đàn áp, xuyên tạc Phật giáo đồ".

Lúc này, đồng bào trong chợ đã đổ xô ra rất đông, và từ các ngả đường quần chúng cũng kéo tới chật ních. Sau khi phát biểu xong, vị đại diện yêu cầu lực lượng cảnh sát giải tỏa để chư tăng được diễn hành về chùa Xá Lợi. Ông Trần Văn Tư không chịu, quyết định dùng "những biện pháp thích nghi" để ngăn chặn cuộc diễn hành trở về chùa Xá Lợi mà ông biết là sẽ vô cùng đông đảo. Trong khi chờ đợi sự giải tỏa của cảnh sát, các vị tăng ni ngồi xuống đất và bắt đầu niệm Phật. Cuộc đàn áp bắt đầu, cảnh sát xông vào, bắt liệng các vị tăng ni lên xe bịt bùng. Chư tăng chóng cự lại bằng cách quàng lấy tay nhau từng chuỗi dài. Tình thế trở nên hỗn loạn.

Thấy cuộc đàn áp xảy ra trước mặt quần chúng đông đảo như vậy là không hay, ông giám đốc cảnh sát đổi sách lược. Ông ra lệnh ngừng sự bắt ép và đích thân tới điều đình với các vị điều động cuộc diễn hành, hứa sẽ dùng xe cảnh sát chở tất cả chư tăng ni về chùa Xá Lợi.

Thấy cuộc biểu tình đã đạt được nhiều kết quả và chư tăng ni nhiều người đã bị mất sức, thêm nữa thấy ông giám đốc cảnh sát đã lấy danh dự mà hứa sẽ chở chư tăng ni về chùa Xá Lợi, vị đại diện bằng lòng để cho tăng ni lên xe. Nhưng những chiếc xe này, khi đến ngã tư Tổng Đốc Phương, thay vì chạy về chùa Xá Lợi, lại rẽ hướng về Lục Tỉnh. Thấy mình bị lừa, chư tăng ni đập cửa xe rầm rầm. Các vị ngồi trước lấy chân đạp thắng xe, và gạt tay lái cho xe đâm vào lề đường. Nhiều vị mở cửa xe phóng xuống đường khi xe đang chạy. Thấy vậy các xe cảnh sát phải ngừng lại. Tất cả các vị tăng ni đều tập hợp lại thành một khối giữa công lộ. Cảnh sát lại dùng dây thép gai vây họ lại. Hai vị cảnh sát trưởng đến gần chư tăng, xưng lại đại diện ông giám đốc cảnh sát, hứa lần này sẽ thực sự cho tăng về chùa Xá Lợi. Sợ bị gạt lần nữa, chư tăng ni không ưng thuận, chỉ yêu cầu được tự do đi bộ về chùa xá lợi. Họ ngồi xuốt đất để đòi hỏi sự giải tỏa của lực lượng cảnh sát. Nhưng cảnh sát không giải tán. Cuộc đàn áp lại xay ra, khốc liệt gấy mấy lần trước: chư tăng ni bị đánh đập và ném lên xe như những con thú vật. Quần chúng ở đây không đông đảo như ở chợ Bến Thành và giới báo chí không có mặt, vì vậy chư tăng ni bị hành hung một cách tàn nhẫn: có vị bị thoi vào những nơi hiểm yếu, có vị bị bóp họng, có vị bị đấm đá túi bụi.


TĂNG NI BỊ GIAM GIỮ

Các xe cảnh sát chở đầy tăng ni phóng nhanh khỏi thành phố đến chùa Hoa Nghiêm ở An Dưỡng Địa, một khu nghĩa địa lớn nằm trong khoảng đồng trống miền Phú Lâm. Tại đây cảnh sát đã được túc trực và giấy thép gai đã được giăng thành hàng rào bốn phía. Tất cả tăng ni đều bị cô lập tại đây. Chiều đến, lực lượng bố phòng của cảnh sát được tăng cường hùng hậu.

Vào khoảng nửa đêm, cảnh sát có võ trang súng ống đột nhập vào phòng chư tăng để xét hỏi, điều tra lý lịch, và tra hỏi xem ai là người xúi giục họ đi biểu tình. Những vị tăng sĩ Việt gốc Miên được tra hỏi cặn kẻ hơn cả.

Chiều ngày hôm sau, 18.7.1963, nhân viên công quyền đến bắt tăng ni đi khai lý lịch, in dấu tay và chụp hình: họ bảo đó là thủ tục thông thường phải làm trước khi các vị tăng ni được trả tự do, và hứa là vào ngày mai 19.7.1963 họ sẽ mời Ủy Ban Liên Phái tới để trao trả chư tăng ni về chùa Xá Lợi.

Trưa 19.7.1963, đột nhiên nhiều xe cảnh sát được đưa tới và cảnh sát đòi chở chư tăng ni về chùa Xá Lợi, không thấy có vị địa diện nào của Ủy Ban Liên Phái, chư tăng ni không chịu lên xe, cương quyết ở lại chờ lệnh.

Sáng 20.7.1963, đột nhiên tất cả những hàng rào giây thép gai và những lực lượng cảnh sát phong tỏa An Dưỡng Địa biến mất, và ông Ngô Trọng Hiếu, bộ trưởng Công Dân Vụ và Trần Văn Tư giám đốc cảnh sát xuất hiện với một đoàn báo chí Việt Nam và ngoại quốc. Trước mặt các ký giả và nhiếp ảnh viên, ông Trần Văn Tư giải thích rằng sở dĩ chư tăng ni được giam giữ tại đây là vì họ biểu tình bạo động và bất hợp pháp và đã hành hung các nhân viên công lực. Thiền sư Chánh Lạc đại diện cho chư tăng ni đứng lên giải thích cho báo chí nghe về mục đích và lập trường đấu tranh bất bạo động của phật tử, cải chính những điều vu khống của ông giám đốc Cảnh sát, rồi trả lời rành rẽ từng câu hỏi cả các phóng viên đặt ra.

Sau đó, đoàn tăng ni quyết định theo phái đoàn báo chí về Sài Gòn. Đoàn người đến Phú Lâm thì, sau khi để cho giới báo chí đi khỏi, một toán cảnh sát chiến đấu ngăn chặn tất cả tăng ni lại. Thiền sư Chánh Lạc đề nghị toàn thể ngồi xuống mặt đường niệm Phật. Trong khi các vị đại diện tăng ni đối thoại với cảnh sát thì một phái đòan của Ủy Ban Liên Phái do thiền sư Thiện Minh hướng dẫn, đến kịp. Kết cuộc là chư tăng được đưa về chùa Xá Lợi bằng xe đò, có một đoàn xe bình bịch của cảnh sát dẫn lộ.

Vào lúc 12 giờ 15, đoàn xe tới trước cổng chùa Xá Lợi. Bấy giờ họ được thiền sư Tịnh Khiết, các thiền sư khác trong Ủy Ban Liên Phái và quần chúng túc trực sẵn ở đây đón tiếp. Thiền sư Tâm Châu, chủ tịch Ủy Ban Liên Phái cảm động trước những hy sinh và chịu đựng của chư tăng ni trong bốn ngày bốn đêm vừa qua, đã đứng dậy lạy tạ đại chúng. Cử chỉ này đã làm cho mọi người xúc động.

Những vị tăng ni trọng thương được đưa ngay vào chăm sóc. Sau khi kiểm điểm, số tăng ni bị bắt hoặc mất tích lên gần tới năm chục vị(183)

Báo chí và các đài truyền thanh truyền hình quốc tế đã đăng tải đầy đủ về những cuộc biểu tình nói trên tại Sài Gòn. Quần chúng tại quốc nội theo dõi các đài B.B.C, V.O.A, biết rất rõ những gì đã xảy ra tại Sài Gòn va những dư luận xôn xao trên thế giới.


DƯ LUẬN QUỐC TẾ CHẤN ĐỘNG

Trong lúc đó, tất cả các cấp lãnh đạo trong Ủy Ban Liên Phái vẫn tiếp tục tuyệt thực tại chùa Xá Lợi.

Chính quyền Ngô Đình Diệm biết rõ những gì đang xảy ra trên dư luận quốc tế, nhất là dư luận người Mỹ. Những ký giả như David Halberstam của tờ New York Times viết trên báo này rất nhiều bài bất lợi cho chế độ Sài Gòn. Ký giả này nói chính phủ Ngô Đình Diệm đã bị nhân dân ghét bỏ, và vấn đề lật đổ chính quyền Diệm chỉ là vấn đề thời gian. Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Wayne L. Morse tuyên bố ngày 19.7.1963 rằng ông không đồng ý cho Hoa Kỳ viện trợ thêm một đồng nào nữa cho chính quyền Ngô Đình Diệm. Tin tức những ký giả Hoa Kỳ bị cảnh sát hành hung được các báo chí ở Hoa Tịnh Đốn và Nữu Ước đăng tải. Tờ Hoa Thịnh Đốn Thời Báo (Washingtin Post) đã viết những bài bình luận sau đây ngày 19.6.1963: "Cuộc tranh chấp không còn là một biến động có tính cách địa phương nữa. Vì chế độ ông Diệm liên hệ mật thiết quá đối với Hoa Kỳ, nên cái nguy cơ Phật giáo đồ ở khắp Á châu sẽ có cảm tưởng rằng dù sao Hoa Kỳ cũng dung túng trước sự kỳ thị tôn giáo. Tuy đó là một cảm nghĩ sai lầm nhưng dù sao đồng minh của một chế độ độc tài và áp bức cho nên Hoa Kỳ cũng bị ảnh hưởng."

Tổng thống Ngô Đình Diệm nhìn thấy nguy cơ của mình. Ngày 18.7.1963 ông lên tiếng trên đài phát thanh Sài Gòn. Ông đọc những thông điệp để xoa dịu tình hình. Thông điệp được lặp đi lặp lại nhiều lần trên đài phát thanh. Ông nói:

"Để tỏ rõ chủ trương của chính phủ cương quyết thi hành đúng đắn và hữu hiệu Thông Cáo Chung và để đánh tan mọi hồ nghi hoặc mưu mô xuyên tạc chia rẽ, chiếu theo đề nghị của Hội Đồng Liên Bộ, tôi vừa chấp thuận:

1- Chỉ thị của nghị định số 358 ngày 9 tháng 7 năm 1963 ấn đinh thể thức treo cờ Phật giáo. Thể thức này đã áp dụng riêng cho Tổng Hội Phật Giáo sẽ áp dụng cho bất tất cả các môn phái nào tự ý công nhận Phật giáo kỳ.
2- Chỉ thị Ủy Ban Liên Bộ hợp tác mật thiết với phái đoàn Phật giáo để cùng nghiên cứu điều tra giải quyết hoặc theo hồ sơ hoặc tại chỗ nếu cần những khiếu nại liên quan đến sự thực thi Thông Cáo Chung.
3- Chỉ thị các cấp quân dân chính mỗi người trong lĩnh vực của mình, trong lời nói cũng như trong việc làm, tích cực góp phần vào việc thực thi Thông Cáo Chung.

Tôi mong rằng quốc dân đồng bào ghi nhận ý chí hòa giải tột bực của chính phủ trong vấn đề Phật giáo và tôi yêu cầu quốc dân đồng bào từ nay sẽ khách quan phán quyết để có thái độ hành động, không để ai làm ngăn cản bước tiến của tân tộc trong nhiệm vụ diệt Cộng cứu quốc".

Lời kêu gọi "ghi nhận ý chí hòa giải tột bực của chính phủ" được nói lên trong khi chùa Xá Lợi, Giác Minh, Ấn Quang tại Sài Gòn và nhiều ngôi chùa khác trên khắp lãnh thổ còn bị phong tỏa và trên 300 vị tăng ni đang bị vây hãm tại An Dưỡng Địa, và hơn bốn trăm tăng ni khác rải rác trong toàn quốc đang bị giam giữ. Sáng ngày 19.7.1963, thiền sư Tâm Châu gửi một văn thư cho tổng thống Diệm để đáp lời hiệu triệu của ông. Trong lá thư thiền sư ghi nhận lời hiệu triệu này của tổng thống và yêu cầu ông cấp tốc phóng thích tất cả những ai bị chính quyền giam giữ từ ngày 8.5.1963, bồi thường cho các nạn nhân cuộc thảm sát ấy. Đồng thời ông cũng báo tin rằng các chùa Xá Lợi, Ấn Quang và Giác Minh, sau khi được giải tỏa vào khoảng nửa giờ vào sáng 8.5.1963, đã bị các lực lượng cảnh sát phong tỏa trở lại. Ông kết luận: "Các vấn đề trên được giải quyết xong, chúng tôi mới có thể hợp tác với Ủy Ban Liên Bộ mà nghiên cứu, xem xét những vấn đề khác để cho cuộc hòa giải được hoàn toàn tốt đẹp.

Lập trường Ủy Ban Liên Phái, do đó là sẽ không chấp thuận việc cộng tác với chính quyền để thành lập Ủy Ban Hổn Hợp chừng nào những điều căn bản nhất của Thông Cáo Chung chưa được thực thi. Văn thư trao đổi giữa Ủy Ban Liên Phái và Ủy Ban Liên Bộ trong thời gian từ ngày 19.7.1963 đến 30.7.1963 phần lớn là để đề cập tới vấn đề này. Về phía Phật giáo, Ủy Ban Liên Phái tiếp tục công bố những tài liệu vi phạm Thông Cáo Chung của chính quyền: những vụ mất tích tăng sĩ, những vụ ám sát và đã thương phật tử, những vụ rãi truyền đơn giả tạo để chống phong trào đấu tranh cho năm nguyện vọng v.v…(184) .


HỆ THỐNG THÔNG TIN CỦA ỦY BAN LIÊN PHÁI

Các báo chí thủ đô đều nằm trong tay chính quyền cho nên Ủy Ban Liên Phái phải thiết lập một hệ thống truyền tin đặc biệt. Các thiền sư Quảng Độ và Đức Nghiệp là những người phụ trách liên lạc với các ký giả quốc tế và các tòa lãnh sự ngoại quốc tại Sài Gòn: mỗi khi có tin tức gì cần thông báo, các vị dùng điện thoại, hoặc của chùa, hoặc của những tư gia quanh chùa. Nhiều khi bản tin được truyền đi trên những mảnh giấy nhỏ và được điện thoại cho giới báo chí từ những địa điểm rất xa chùa. Cùng với những vị thông thạo sinh ngữ khác, họ dịch những bài báo ngoại quốc có liên hệ đến cuộc tranh đấu để phổ biến. Họ thu thanh những bản tin do các đài phát thanh ngoại quốc truyền đi và chép thành những bản tin. Thiền sư Châu Toàn điều động một số nhân viên ngày đêm ấn hành những bản tin này bằng máy in phức bản (stencils). Tài liệu được chuyển đi các trung tâm khác ở thủ đô để được in lại và phổ biến. Tại Huế và các trung tâm đấu tranh khác như Quảng Trị, Quảng Nam, Nha Trang, Đà Lạt, Bình Long, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Định v.v… đường lối thông tin và tranh đấu cũng được phỏng theo phương thức này.

Trong suốt thời gian tranh đấu, ngày nào quần chúng cũng đến chùa rất đông đảo để lễ Phật. Ngồi tuyệt thực và ủng hộ Ủy Ban Liên Phái. Các thiền sư Giác Đức và Hộ Giác phụ trách thuyết giảng trong các buổi tập hợp và tuyệt thực này. Họ giải thích cho quần chúng rõ lập trường của Phật giáo, thái độ của chính quyền, tố cáo những hành động vi phạm Thông Cáo Chung và nói về dư luận quốc tế đối với cuộc tranh đấu đòi thực thi Năm Nguyện Vọng. Hai vị đều là những thiền sư trẻ và có tài hùng biện.


NHỮNG THỦ ĐOẠN CỦA CHÍNH QUYỀN

Trong guồng máy chính quyền, thậm chí trong các lực lượng an ninh, cảnh sát mật vụ đã có nhiều người đứng về phía tranh đấu. Ủy Ban Liên Phái luôn luôn được thông báo trước về những biện pháp đàn áp của chính quyền. Cuộc biểu tình của hơn 100 thương phế binh trước chùa Xá Lợi ngày 23.7.1963 do chính quyền tổ chức để chống đối phong trào Phật giáo cũng đã được Ủy Ban Liên Phái biết được và thiền sư Tâm Châu đã gửi thư đến chính quyền để phản đối ngay 22 tháng 7 năm 1963. Trong một thư đề ngày 22 tháng 7 năm 1963, thiền sư cũng cho chính quyền biết là ông Ngô Trọng Hiếu, bộ trưởng Công Dân Vụ đang cho 300 cán bộ cạo đầu giả làm tăng sĩ để đi quyên tiền và đặt may cờ cho Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, đang tổ chức một cuộc biểu tình khác cho cô nhi và quả phụ chiến sĩ, và một cuộc biểu tình khác nữa cho những người hành khất và những người có bệnh hủi, xúi giục những người này vào chùa Xá Lợi để khiêu khích và để cảnh sát có cớ vào chùa(185).

Ủy Ban Liên Phái đã in sẵn một lá thơ để phát cho những người tự nhận là thương phế binh đến biểu tình trước chùa Xá Lợi ngày 23 tháng 7 năm 1963. Lá thư này rất ôn tồn, giải thích cặn kẽ về cuộc đấu tranh của Phật giáo, ghi nhận sự đóng góp và hy sinh của các thương phế binh cho công trình bảo vệ miền Nam và kêu gọi thương phế binh tham dự vào cuộc tranh đấu đòi dân quyền và bình đẳng tông giáo(186).

Chiều 23.7.1963 nha Tổng Giám Đốc Thông Tin triệu tập một cuộc họp báo, cho biết rằng trung tá Trần Thanh Chiêu, thanh tra trung ương dân vệ đoàn và tác giả các cuộc biểu tình của thương phế binh hồi sáng đã bị chính quyền cách chức và phạt 40 ngày ngày trọng cấm. Ngay sau đó, thiền sư Tịnh Khiết viết thư cho tổng thống Diệm xin khoan hồng cho trung tá Chiêu, vì theo thiền sư: "Không bao giờ vị sĩ quan ấy có ý tự mình làm một việc công khai chống lại mệnh lệnh của tổng thống nếu không có một áp lực từ bên ngoài nào đó"(187).

Chiều ngày 24.7.1963, Ủy Ban Liên Phái nhận được một lá thư từ các thương phế binh gửi tới chùa Xá Lợi. Lá thư này bày tỏ sự ủng hộ của thương phế binh đối với cuộc tranh đấu của Phật giáo đồ và phàn nàn về nhóm người đã lợi dụng danh nghĩa thương phế binh để làm những điều phản lại nguyện vọng của thương phế binh. Lá thư này mang chữ ký của mười đại diện thương phế binh(188). Ngày 1.8.1963 khoảng 300 anh em thương phế binh đã tự động tập họp tại chùa Xá Lợi, làm lễ Phật ở chánh điện. Đại diện củahọ đến gặp thiền sư Tâm Châu của Ủy Ban Liên Phái và phát nguyện ủng hộ cuộc tranh đấu.

Ngày 23.7.1963, ni sư Diệu Huệ mở cuộc họp báo tại chùa Xá Lợi cho biết bà sẽ thiêu thân để chống lại chính sách kỳ thị tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Ni sư Diệu Huệ là thân mẫu của nhà bác học Bửu Hội, lúc bấy giờ làm đại sứ cho chính quyền Ngô Đình Diệm tại nhiều nước thuộc về miền Tây Phi Châu.

Ngày 30.7.1963, lễ chung thất (49 ngày) của thiền sư Quảng Đức được tổ chức long trọng tại chùa Xá Lợi.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy Ban Liên Phái, đồng bào thủ đô đổ dồn về chùa ngay từ hồi tang tảng sớm mặc sự ngăn cản và đe dọa của các giới công an và cảnh sát. Quần chúng chật ních cả vòng trong lẫn vòng ngoài của chùa. Sau lễ cầu nguyện cho giác linh thiền sư Quảng Đức, một bản Tuyên Ngôn của Ủy Ban Liên Phái được phổ biến, kêu gọi đồng bào đẩy mạnh cuộc tranh đấu bất bạo động.

Ngày 1.8.1963, thiền sư Tịnh Khiết gửi một điện văn cho tổng thống John F. Kennedy, phản đối việc ông đại sứ Hoa Kỳlà Frederic Nolting tuyên bố với hãng thông tấn U.P.I rằng không có chuyện kỳ thị tôn giáo và ngược đãi Phật giáo đồ tại Việt Nam.


NGỌN LỬA NGUYÊN HƯƠNG

Ngày 4.8.1963, trong khi chư tăng ni và tín đồ Phật giáo Bình Thuận đang còn tuyệt thực ở chùa Hội Quán tỉnh hội, thiền sư Nguyên Hương châm lửa tự thiêu mình ở đài chiến sĩ ngay trước tỉnh đường Bình Thuận (Phan Thiết).

Thiền sư Nguyên Hương tục danh là Huỳnh Văn Lễ, sinh năm 1940 tại làng Long Tỉnh, Quận Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Ông xuất gia năm 18 tuổi, theo học với thiền sư Viên Trí chùa Bửu Tích. Năm 20 tuổi, ông thọ đại giới, và có đạo hiệu Đức Phong. Ông nhận chức trú trì chùa Bửu Tạng ở Bình Thuận từ tháng 9 năm 1962. Ông thiêu thân một mình, không cho ai hay biết. Trước khi thi hành một bản nguyện ông để lại một lá thư gửi thiền sư Tịnh Khiết, một lá thư khác gửi bổn đạo chùa Bửu Tạng và một lá thư khác gửi song thân. Nội dung những bức thư này là ý nguyện của ông muốn đóng góp vào những nỗ lực tranh đấu để chấm dứt tình trạng đàn áp Phật giáo đồ. Trong lá thư gửi song thân, ông xin hai người tinh tiến niệm Phật và đừng trách cứ gì vị bổn sư của ông là thiền sư Viên Trí, vì thiền sư này không hay biết gì về bản nguyện tự thiêu của ông(189).

Thiền sư Nguyên Hương, hiệu Đức Phong, tuy mới có 23 tuổi, nhưng đã có định lực khá vững vàng. Ông ngồi yên trong lửa đỏ cho đến khi ngã xuống. Đồng bào thấy lửa cháy đến bao quanh đài chiến sĩ. Một đơn vị quân đội được lập tức huy động tới để giải tán quần chúng và chở thi hài ông về bệnh viện Phan Thiết. Đồng bào kéo tới bệnh viện, nhưng các nhân viên công lực đã kéo đến phong tỏa bệnh viện này.

Tuy vậy, trước khi bệnh viện bị phong tỏa, khoảng 20 vị vừa tăng ni vừa thanh thiếu niên phật tử đã lọt vào được bệnh viện để túc trực bên thi thể thiền sư Nguyên Hương. Sau khi bệnh viện bị phong tỏa, những người này không ra được nữa. Quần chúng kéo đến bệnh viện càng lúc càng đông. Tăng ni và phật tử ngồi xuống trước cổng bệnh viện và bắt đầu tụng niệm cầu siêu cho giác linh người mới khuất. Chính quyền cho xe phát thanh đi khắp thành phố, báo tin "một thanh niên thất tình chán đời tự tử tại đài chiến sĩ". Các lực lượng cảnh sát không giải tán được quần chúng. Mãi cho đến nữa đêm, theo lời yêu cầu của thiền sư Quang Thế, Minh Thuần và Ấn Tâm, đồng bào mới chịu ra về. Các vị tăng ni và thanh thiếu niên phật tử trong bệnh viện nhất định không rời bệnh viện, sơ chính quyền chuyển thi hài của thiền sư. Một số tăng ni và phật tử khác cũng nhất quyết ngồi ngoài bệnh viện. Suốt đêm họ luân phiên tụng kinh cầu nguyện.

Tại chùa Tỉnh Hội, quần chúng cũng đã tập đông đảo. Loa phát thanh được bắt lên cột cờ sân chùa và thiền sư Châu Đức đứng ra trình bày về sự tình đã xẩy ra, cải chính những điều mà xe phát thanh của chính quyền đã rao nói trong thành phố. Ông cho đồng bào biết là "đại đức Nguyên Hương, một vị tăng sĩ của Giáo Hội Tăng Già Bình Thuận vừa tự thiêu để phản đối chính quyền về việc không chịu thực tâm thi hành Thông Cáo Chung".

Các lực lượng cảnh sát liền tới bao quanh chùa Tỉnh Hội. Sáng ngày 5.8.1963, cảnh sát và dân vệ kéo tới đàn áp, bắt các tăng ni nhốt vào trong phòng danh cho người điên ở bệnh viện và chở thi hài của thiền sư Nguyên Hương đi mất.

Tại Sài Gòn, tin thiền sư Nguyên Hương tự thiêu đến tại Ủy Ban Liên Phái ngày 5.8.1963. Lễ cầu siêu cho thiền sư được dự định tổ chức vào ngày 11.8.1963, trên toàn quốc. Tại chùa Xá Lợi ngày hôm đó, lễ cầu siêu được Đoàn Sinh Viên Phật Tử, Đoàn Thanh Niên Bảo Vệ Phật Giáo và Liên Đoàn Học Sinh Phật Tử điều động và tổ chức. Số người tham dự lên tới hai chục ngàn người.

Tại lễ cầu siêu này, số lượng tăng ni rất đông đảo. Các tăng sĩ gốc Miên có mặt từng đoàn, cũng mặc pháp phục như họ là các tăng sĩ Nam Tông gốc Việt. Tăng sinh và ni sinh của tất cả các Phật học viện miền Sài Gòn, Gia Định và Thủ Đức đều có mặt.

Thiền sư Tịnh Khiết đứng ra làm chủ lễ. Lễ Cầu Siêu cử hành xong, chúc thư của thiền sư Nguyên Hương được đem ra tuyên đọc. Trong quần chúng, một rừng biểu ngữ được dựng lên. Trong các biểu ngữ này, có một biểu ngữ nội dung thật đặc biệt: "Tổng thống Ngô Đình Diệm hãy nắm vững trách nhiệm, đừng để ai lũng đoạn quyền hành, vu khống, đàn áp Phật giáo".

Thiền sư Giác Đức đứng trước máy vi âm giải thích về biểu ngữ này. Ông nói đến áp lực nặng nề của các ông Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Cẩn và bà Trần Thị Lệ Xuân đối với tổng thống Ngô Đình Diệm. Ông nhấn mạnh đến sự lộng quyền của ông Ngô Đình Nhu và bà Ngô Đình Nhu, phân tích những âm mưu phá hoại tổ chức Phật giáo và những sự cố tình vi phạm bản Thông Cáo Chung. Quần chúng hoan hô từng chập.

Cũng vào ngày 5.8.1963 thiền sư Tịnh Khiết gửi một lá thư cho ông Ngô Đình Diệm, lưu ý tổng thống về tin đồn liên hệ tới một cuộc đảo chính giả hiệu có mục đích ép ông phải tức khắc đàn áp Phật giáo.


KẾ HOẠCH "NƯỚC LŨ"

Ngày 6.8.1963, Ủy Ban Liên Phái lại được mật báo về một kế hoạch của chính quyền nhằm tiêu diệt phong trào Phật giáo, gọi là "kế hoạch nước lũ". Kế hoạch này nhằm phân hóa và cô lập lực lượng phật tử, bao vây kinh tế, chặn đứng tất cả guồng máy thông tin của họ và nhất là bôi xấu từng vị lãnh đạo của phong trào bằng cách giả tạo những "bằng cớ hợp pháp" của họ để có thể truy tố họ trước pháp luật(190). Trong lá thư gửi cho tổng thống Diệm ngày 7.8.1963, thiền sư Tịnh Khiết báo tin cho tổng thống về kế hoạch này, đồng thời lưu ý ông một lần nữa về những âm mưu thâm độc của những người thân tín nhất bên ông.

Ngày 12.8.1963 một nữ sinh Mai Tuyết An đến chùa Xá Lợi chặt bàn tay trái của cô để cảnh cáo chính quyền, cô chặt nhiều lát nhưng bàn tay của cô không đứt.máu loang đầy áo cô. Các vị tăng sĩ nghe tin chạy tới, tìm xe chở cô vô bệnh viện. Trước khi chặt tay, cô nữ sinh này đã viết ba bức thư, một cho tăng ni Phật giáo đồ, một cho tổng thống Diệm và một cho bà Ngô Đình Nhu.


NGỌN LỬA THANH TUỆ

Ngày 13.8.1963, một cây đuốc người nữa được thắp lên ở chùa Phước Duyên ở quận Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Người tự thiêu là một học tăng 18 tuổi, tên là Thanh Tuệ.

Thiền sư Thanh Tuệ tên đời là Bùi Huy Chương sinh năm 1945 tại Quảng Trị. Ông xuất gia năm 1960, theo học với thiền sư Đảnh Lễ tại chùa Phước Duyên. Đêm 12.8.1963 ông viết bốn bức thư để lại, một cho tổng thống Diệm, một cho tăng tín đồ Phật giáo, một cho thầy ông và bổn đạo, và một cho gia đình. Thư của ông viết rất gọn gàng và vắn tắt. Trong thư viết cho tổng thống Diệm ông yêu cầu chấm dứt việc khủng bố và áp bức phật tử và phóng thích hết những người bị giam giữ. Ông lại nói rằng chính sự nhục mạ và càn rỡ của bà Nhu sẽ làm cho chính quyền sụp đổ và đưa Phật giáo đồ đến thành công. Hai giờ khuya ngày 13.8.1963, tại ngôi chùa Phước Duyên hẻo lánh, trong lúc thầy ông đi vắng, ông ra ngồi ngoài Tam Quan chùa và chấm lửa tự thiêu. Khi nhân viên công lực hay tin thì quần chúng trong xã đã tới bao quanh cổng chùa khóc lóc. Cảnh sát không cho phép đưa di thể người học tăng trẻ tuổi về chùa Từ Đàm. Việc xô xát diễn ra và trong một cuộc đàn áp 25 người trong làng đã bị thương, trong số đó có 5 người phải chở đi bệnh viện. Cảnh sát chở thi hài thiền sư Thanh Huệ đi mất.

Ngày 13.8.1963, Ủy Ban Liên Bộ của chính quyền mở cuộc họp báo tại Hội trường Diên Hồng, đổ trách nhiệm cho Ủy Ban Liên Phái đã không cộng tác để thành lập Ủy Ban Hổn Hợp trong mục đích thi hành Thông Cáo Chung. Ngày hôm sau, Ủy Ban Liên Phái mở cuộc họp báo tại chùa Xá Lợi, và trước mặt giới báo chí quốc nội và quốc tế, thiền sư Thiện Minh đã giải thích những lý do khiến Ủy Ban Liên Phái chưa chịu tham dự thành lập Ủy Ban Hổn Hợp. Thiền sư nói rằng sở dĩ Thông Cáo Chung không được thi hành là chỉ tại vì chính quyền không chịu thi hành. Theo ông, Thông Cáo Chung chỉ là một biện pháp của chính quyền để dẹp bỏ ngày tang lễ của thiền sư Quảng Đức. Không có một điều khoản nào ghi trong Thông Cáo Chung đã được thi hành. Ông cho biết báo chí tại quốc nội, kể cả tờ The Times of Vietnam, chỉ được quyền đăng tải quan điểm của chính quyền và sự thực luôn luôn bị chính quyền bít lấp. Ông kêu gọi ngừng phong tỏa các chùa, phóng thích tất cả những người bị bắt giữ và chấm dứt mọi hành động đàn áp, khủng bố, phỉ báng xuyên tạc. Đồng thời ông cũng cho biết tin đại lão thiền sư Tịnh Khiết kêu gọi chư tăng ni và tín đồ ngưng hành động tự thiêu.


NGỌN LỬA DIỆU QUANG

Tại Huế ngày 15.8.1963, khoảng một ngàn sinh viên và học sinh tổ chức biểu tình tại thành phố để phản đối vụ đàn áp trước chùa Phước Duyên và buộc chính quyền trả lại di thể thiền sư Thanh Tuệ về chùa. Cũng hồi tám giờ rưỡi ngày hôm đó, một ni sư tẩm dầu xăng và châm lửa tại quận Ninh Hòa gần thị xã Nha Trang.

Ni sư Diệu Quang tên đời là Ngô Thị Thu, sinh năm 1936 tại làng Phù Cát tỉnh Thừa Thiên. Ni sư xuất gia hồi 21 tuổi, theo học với ni sư Diệu Hoa tại ni viện Vạn Thạnh Nha Trang. Tất cả những di bút của cô để lại cũng như thi hài của ni sư Diệu Quang lập tức bị cảnh sát mang đi biệt tích. Không ai biết được nội dung của những bức thư ni sư để lại. Phẩn uất về thái độ của giới công quyền, một cuộc biểu tình tuần hành rất lớn được tổ chức ngay tại thị xã Nha Trang để phản đối. Cuộc biểu tình này bị đàn áp rất dã man. Hơn 200 người bị bắt giữ và gần 30 người bị đả thương. Chùa Hội Quán và Phật học viện Hải Đức bị phong tỏa và điện nước bị cắt suốt trong ba ngày đêm. Khoảng 300 tăng sĩ và cư sĩ thân cận chư tăng bị cô lập trong hai địa điểm đó.

Vì có nhiều người bị thương trong chùa và vì thuốc men và phương tiện chạy chữa khác không có nên một số tăng đồ và tín đồ liều phá vòng vây quanh chùa để chạy ra ngoài cầu cứu sau ba ngày bị phong tỏa. Họ bị đàn áp dữ dội. Bốn vị tăng, một vị ni và ba vị cư sĩ bị trọng thương. Hai vị tăng sĩ khác bị liệng xuống hồ. Rất đông thanh thiếu niên bị bắt.


LỆNH TỔNG ĐÌNH CÔNG TẠI HUẾ

Ngày 16.8.1963 tại Huế, tất cả mọi chợ búa trường học, xí nghiệp và công tư sở đều nhất loạt tổng đình công theo lời kêu gọi của giới lãnh đạo Phật giáo. Chính quyền thị xã ban hành lệnh giới nghiêm và thiết quân luật toàn diện. Tất cả các chùa lớn đều bị phong tỏa, hàng ngàn người bị cô lập trong các chùa Linh Quang, Từ Đàm và Diệu Đế.


NGỌN LỬA TIÊU DIÊU

Ngày hôm đó, để cứu nguy, thiền sư Tiêu Diêu châm lửa tự thiêu ngay tại chùa Từ Đàm, để lại ba bức thư, một cho thiền sư Tịnh Khiết, một cho các đệ tử của ông và một cho tổng thống Diệm.

Thiền sư Tiêu Diêu đã bảy mươi mốt tuổi. Ông sinh năm 1982 tại làng An Truyền quận Phú Vang tỉnh Thừa Thiên. Ông xuất gia lức ba mươi tám tuổi, theo học với thiền sư Tịnh Khiết ở chùa Tường Vân. Ông thọ đại giới năm 1952 và sau đó dựng một tịnh thất tại chùa Châu Lâm để tĩnh tu. Ông từng được học Phật tại các chùa Tây Thiên và Linh Quang. Ông tự thiêu vào lúc bốn giờ sáng ngày 16.8.1963.

Sợ chính quyền đến cướp nhục thể của thiền sư như những lần trước, gần năm ngàn người đã túc trực ngày đêm tại chùa Từ Đàm để bảo vệ và sẵn sàng ngăn chặn cảnh sát.

Cùng ngày hôm ấy, Ủy Ban Liên Phái tịa chùa Xá Lợi sau khi được tin, đã gửi thông bạch tố cáo sự tàn nhẫn của chế độ trước dư luận quốc dân và thế giới. Lá thư của thiền sư Tịnh Khiết gửi tổng thống Diệm chiều hôm ấy nói đến sự ngược đãi của chính quyền đối với người phật tử "một sự ngược đãi chưa từng có trên đất nước này". Ông viết: "Chúng tôi đã đến nước không còn nghĩ đến sự kêu cầu nhân đạo và công lý; chúng tôi chỉ mong bao nhiêu tội ác của một chế độ xem dân như cỏ rác được thực hiện ngay để chúng tôi có dip chết an hơn là sống khổ và cũng để cho chân tướng nền Cộng Hòa Nhận Vị do nhà Chí Sĩ xây dựng được phơi bày trước mắt đồng bào và thế giới"(191)

Tại Huế, linh mục Cao Văn Luận, viện trưởng Đại Học Huế bị bãi chức vì ông đã nói thẳng vào mặt những người cầm đầu chính phủ: "Các ông vô đạo. Bên Phật giáo có chính nghĩa".


GIÁO CHỨC ĐẠI HỌC TỪ CHỨC

Các giới chức Viện Đại Học Huế trong đó có ông Lê Khắc Quyến (khoa trưởng Y Khoa), Bùi Tường Luân (Khoa trưởng Luật Khoa), Tôn Thất Hạnh (Khoa trưởng Khoa Học), Nguyễn Văn Tường (Giám đốc Học Vụ Đại Học Sư Phạm), Lê Tuyên (Giám đốc Học Vụ Văn Khoa) và ba mươi nhân viên giảng huấn của trường đại học này ra thông cáo từ chức. Đồng thời toàn thể giảng viên Viện Hán Học Huế cũng ra tuyên cáo phản đối chính quyền và tuyên bố từ bỏ chức vụ.

Các giới đều đã có mặt trong cuộc tranh đấu. Sự bất hợp tác trở nên toàn diện tại Huế, phong trào bất hơp tác bắt đầu chuyển sang Sài Gòn và các tỉnh.

Tại Huế, mọi guồng máy xã hội đều tê liệt. Ngoài lực lượng cảnh sát, lực lượng đặc biệt, công an và mật vụ, không còn ai theo lệnh chính quyền nữa. Chính quyền lầm vào một tình trạng nguy ngập đến nỗi phải chyên chở từ Sài Gòn ra Huế trước ngày 16.8.1963 nhiều đơn vị cảnh sát chiến đấu và lực lượng đặc biệt. Trên đường không còn một ai qua lại.

Tại Sài Gòn ngày 16.8.1963, Ủy Ban Liên Phái gửi một bức điện tín cấp báo cho tổng thư ký Liên Hiệp quốc và cho các tổ chức Phật giáo bạn như Thái Lan, Nhật Bản, Đại Hàn, Tân Gia Ba, Tích Lan, Miến Điện, Đài Loan và Ấn Độ. Điện tín nói đến tình trạng bi thiết của Phật giáo Việt Nam và kêu gọi cấp cứu: "Chúng tôi gửi đến Thế Giới Tự Do, các tổ chức Phật giáo ngoại quốc lời kêu cứu thiết tha này và thầnh thật tri ân mọi sự can thiệp, nhân danh nhân quyền, để chấm dứt một sự ngược đãi đã trở thành dã man".

Trong khi đó quân đội Cộng Hòa được lệnh cắm trại 100%. Đường phố đầy cảnh sát võ trang. Dây thép gai từng đống lớn chất trên vĩa hè xung quanh các chùa.


LỄ CẦU SIÊU TẠI CHÙA XÁ LỢI

Ngày 17.8.1963, lệnh tập họp để cầu siêu cho tất cả những thiền sư đã thiêu thân vì bảo vệ Phật giáo được Ủy Ban Liên Phái truyền ra. Trên ba mươi ngàn người đã đến chùa Xá Lợi vào sáng ngày 18.8.1963. Sau bài diễn văn đã được tuyên đọc. Đoàn Viên Sinh Viên Phật tử Sài Gòn kêu gọi quần chúng tham dự một cuộc tuyệt thực tại chỗ. Khoảng mười ngàn người hưởng ứng ngồi xuống. Chủ lực của cuộc tuyệt thực này là thanh niên thuộc các đoàn thể Sinh Viên Phật Tử, Học Sinh Phật Tử và Đoàn Thanh Niên Bảo Vệ Phật Giáo. Rất nhiều đồng bào không tuyệt thực cũng ở lại yểm trợ.

Suốt ngày hôm ấy, quần chúng thủ đô thay nhau, hết lớp này đến lớp khác, kéo đến chùa để ủng hộ cho cuộc tuyệt thực. Cảnh Sát Chiến Đấu túc trực quanh vùng để đề phòng tuyệt thực biến thành cuộc biểu tình diễn hành. Thiền sư Giác Đức lại lên máy vi âm để đàm đạo với đại chúng.

Dùng những lý luận sắc bén, ông diễn bày tính cách phi nhân của chế độ. Ông lại lên án gắt gao bà Ngô Đình Nhu về những lời nhục mạ Phật giáo của bà(192). Sẵn thù ghét chế độ, quần chúng hoan hô ông từng chặp. Ông lên diễn đàn nhiều lần trong một ngày và giữ cho cuộc tuyệt thực luôn luôn linh động.

Từ ngã tư các đường Bà Huyện Thanh Quan và Ngô Thời Nhiệm đến đường Phan Thanh Giản, quần chúng đứng ngồi chật ních. Thế đấu tranh của quần chúng càng lúc càng mãnh liệt.


ĐÒN ÁC LIỆT CUỐI CÙNG CỦA CHÍNH QUYỀN

Chính quyền Ngô Đình Diệm không lùi bước. Ngày 21.8.1963 chính quyền này đánh một đòn ác liệt cuối cùng: tất cả các ngôi chùa làm căn cứ cho cuộc tranh đấu của phật tử trên toàn quốc đều bị tấn công một lần và tất cả các vị lãnh đạo của cuộc tranh đấu, tăng ni cũng như cư sĩ, đều bị tống vào ngục tối.

Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo tại chùa Xá Lợi được mật báo về cuộc đánh úp này vào lúc 5 giờ chiều ngày 20.8.1963. Một buổi họp thu hẹp của Ủy Ban Liên Phái được tổ chức ngay sau đó để bàn định kế hoạch đối phó với cuộc tấn công này mà các vị lãnh đạo Phật giáo cho là lá bài chót của chế độ. Sau buổi lễ Phật vào tám giờ rưỡi tối, các phật tử đến hành lễ tại chùa Xá Lợi được yêu cầu ra về trước chín giờ thay vì ra về trước mười một giờ như thường nhật. Vào khoảng mười giờ đêm thì cảnh chùa đã trở lại yên tĩnh. Tam quan chùa và các cửa hông đều được đóng lại kỹ lưỡng. Đèn ngoài sân chùa được để sáng chứ không tắt như mọi hôm. Các tiểu ban của Ủy Ban Liên Phái vẫn im lặng làm việc. Một số thanh niên tăng ngồi canh gác sau các cổng chùa. Vào lúc mười lăm phút sau nửa đêm, Ủy Ban Liên Phái nhận được một tin nữa bằng điện thoại do một người không xưng danh tin cho biết chùa Xá Lợi sắp bị tấn công và các vị lãnh đạo Phật giáo sẽ bị bắt cóc. Tất cả tăng ni trong chùa đều im lặng niệm Phật để chờ đợi. Đúng ba mươi phút sau nữa đêm, một hồi còi ré lên phía ngoài và xe cảnh sát đổ đến vây quanh chùa. Khoảng 200 người của Lực Lượng Đặc Biệt ào tới tấn công chùa. Giây điện thoại và dây đèn bị cắt đứt. Các vị lãnh đạo cao cấp của Phật giáo lúc này đã rút lên chánh điện, bao bọc bởi chư tăng ni. Một số thanh niên tăng trấn ở cầu thang để ngăn không cho bọn người hung dữ tiến lên xâm phạm vào các bậc trưởng thượng của họ. Những cuộc đập phá đã bắt đầu. Bàn thờ thiền sư Quảng Đức bị lật đổ, các cánh cửa và hương đài bị đập phá. Một số chư tăng đánh trống và dộng chuông để báo hiệu nguy cấp cho dân cư trong khu phố. Nhiều vị khác gõ vào bất cứ thứ gì có thể tạo nên âm thanh để góp phần báo hiệu. Sau khi phá phách bên dưới xong xuôi, những người tấn công bắt đầu leo lên thượng điện. Tại đây, thanh niên tăng đã chất ghế và bàn đầy cầu thang khiến họ không tiến lên ngay được. Những người tấn công tung lựu đạn cay lên. Bị khói cay, các tăng ni ho sặc sụa, nước mắt nước mũi chảy ròng ròng. Họ dùng khăn ướt bịt mặt lại và tiếp tục liệng thêm bàn ghế xuống để chặn đường cầu thang. Thanh niên tăng cầm cự được khoảng gần một giờ rưỡi thì kiệt lực. Nhiều vị ngã ra bất tỉnh. Lựu đạn cay ném lên chánh điện nhiều quá khiến không còn không khí để thở. Áo quần họ cháy sém. Những người tấn công đã lên tới chánh điện, dùng súng và lưỡi lê dồn tất cả tăng ni vào một góc. Họ còng tay từng người rồi dẫn ra trước sân thượng điện. Những ai kháng cự đều bị đánh đập không nương tay. Những người mệt mõi không đi nhanh đều bị họ tống báng súng vào lưng. Nhiều tăng ni mặt mày bị dập, máu tuôn ướt áo.

Trong khi đó, một số trong những người tấn công đi lùng soát các phòng ốc khác trong chùa. Họ phá cửa một căn phòng khóa kín trên tăng xá và tìm thấy gần mười vị thiền sư đang tĩnh tọa. Đại lão thiền sư Tịnh Khiết có mặt trong số người này. Ông bị những người tấn công xô ngã sấp và bị một vết thương nơi mắt trái.

Trong lúc cuộc đàn áp đang diễn ra trên thượng điện một số tăng sĩ ở bên dưới tìm cách leo lên bức tường sau chùa Xá Lợi để thoát ra bên ngoài. Bốn vị trong số đó bị bắn rơi lại dưới chân tường. Hai vị trèo thoát được sang địa phận của cơ quan USOM(193) của Hoa Kỳ và xin tỵ nạn ở đây.

Ngót hai trăm năm mươi vị tăng ni bị bắt. Những người tấn công được lệnh áp giải các thiền sư Tịnh Khiết, Tâm Châu, Thiện Minh, Quảng Độ, Giác Đức và các vị quan trọng khác trong Ủy Ban Liên Phái đi trước. Các vị tăng ni khác lần lượt áp giải ra xe. Năm chiếc xe cam nhông lớn chất đầy các vị tăng ni, người thì bị thương, người còn bất tỉnh, rời chùa Xá Lợi. Cuộc tấn công chùa chấm dứt vào lúc 2 giờ 15' sáng ngày 21.8.1963.

Chùa Xá Lợi bị phá tang hoang. Tượng Phật Thích Ca tại Chánh Điện cũng bị xâm phạm. Những người tấn công đã móc mắt tượng Phật để chiếm lấy hai hạt kim cương trong hai mắt tượng.

Trong khi chùa Xá Lợi ở Sài Gòn bị tấn công thì trong toàn lãnh thổ Việt Nam các chùa lớn làm căn cứ cho cuộc tranh đấu của Phật giáo cũng đều bị tấn công nhất loạt. Cuộc tấn công chùa Từ Đàm ở Huế gặp sức kháng cự của khoảng năm ngàn phật tử trong chùa, đã phải kéo dài từ một giờ khuya tới tám giờ sáng. Lực lượng tấn công là hai ngàn rưỡi, tất cả đều thuộc Lực Lượng Đặc Biệt. Các chùa Diệu Đế, Linh Quang, Ấn Quang, Giác Minh, Từ Quang, Báo Quốc và các chùa hội quán các tỉnh hội Phật giáo trong nước đều bị đánh úp cùng một ngày một giờ, khắp nơi, tăng sĩ vác đều bị đánh đập và bắt trói trước khi dẫn đi. Số lượng những vị tăng sĩ và cư sĩ toàn quốc bị bắt nhốt đêm đó, theo tài liệu của chính quyền là 1.400 vị, nhưng có thể cao hơn nhiều. Tài liệu mật của Ngũ Giác Đài(194) về cuộc chiến tại Việt Nam cũng nói đến 1.400 vị bị bắt trong đêm đó.

Theo sách Công Cuộc Tranh Đấu Của Phật giáo Việt Nam của Đuốc Tuệ, ngoài số tăng ni và cư sĩ lãnh đạo cuộc tranh đấu bắt vào đêm 20.8.1963, chính quyền đã cho người đi bắt thêm khoản hai ngàn người khác tại tư gia của họ trong đêm đó và những ngày kế tiếp. Bác sĩ Lê Khắc Quyến, khoa trưởng Y Khoa Huế và thi sĩ Vũ Hoàng Chương tác giả bài Lửa Từ Bi cũng bị bắt giam trong dịp này. Trong số những người bị bắt sau này, có nhiều giáo sư, luật sư và sinh viên nhất là ở Sài Gòn và Huế. Tất cả các nhân viên của Ban Chấp Hành Đoàn Sinh Viên Phật Tử Sài Gòn và Huế cũng đều bị bắt tại tư gia của họ.

Sáng tinh sương ngày 21.8.1963 trên toàn lãnh thổ Việt Nam Công Hòa, sắc lệnh thiết quân luật đã được dán đầy trên thành phố. Xe phóng thanh của chính quyền chạy khắp phố phường và thôn xã để loan tin "chính phủ đã diệt xong bọn phản động". Truyền đơn và hiệu triệu của chính quyền bay đầy đường.

Các chùa chiền trong toàn quốc hoang tàn và vắng lạnh đến não nùng. Một sự im lặng nặng nề và tang tóc bao trùm lên đời sống của toàn dân chúng. Tất cả các vị lãnh đạo Phật giáo đều đã bị bắt. Sóng gió do phong trào phật tử gây ra hình như không còn nữa. Nhưng sóng gió bắt đầu nổi dậy trong lòng mọi người. Những đợt sóng ngầm vĩ đại trong lòng đại dương không còn ai ngăn chặn và không có cách nào ngăn chặn được nữa. Đêm 20.8.1963 chính quyền của tổng thống Diệm đã chọn cho chính mình một tuyệt lộ.




CHÚ THÍCH

(183) Sách Phật Giáo Đấu Tranh do Quốc Oai biên soạn (Tấn Sanh, 1963) có in danh sách 21 vị tăn ni bị cảnh sát đã thương trầm trọng ngày 17.7.1963. Theo Quốc Oai, tất cả các vị tăng ni trong cuộc biểu tình ngày 17.7.1963 đều bị đánh đập, không nhiều thì ít. Cảnh sát xé nát áo nhiều người. Có vị bị thương máu me đầy người.
(184) Bản kê khai một số hành động vi phạm Thông Cáo Chung Công Cuộc Tranh Đấu Của Phật Giáo Việt Nam. Quốc Tuệ, trang 276-278.
(185) Phật Giáo Tranh Đấu. Quốc Oai, trang 135-140.
(186) Sách đã dẫn, trang 137-140
(187) Một tháng sau, trung tá Trần Thanh Chiêu được công khai tuyên dương công trạng và được gắn Trung Dũng Bội Tinh (Công Cuộc Tranh Đấu Của Phật Giáo Việt Nam. Quốc Tuệ, trang 231).
(188) Sách đã dẫn, trang 237-239.
(189) Sách vừa dẫn, trang 318-319.
(190) Sách vừa dẫn, trang 278-291)
(191) Công Cuộc Tranh Đấu Của Phật giáo Việt Nam. Quốc Tuệ, trang 362.
(192) Bà Ngô Đình Nhu đã từng gọi hành động tự thiêu của các thiền sư là "nướng chả" và đã từng tuyên bố công khai với báo chí trong nước và ngoại quốc là các vị tăng càng tự thiêu càng nhiều thì bà càng vỗ tay hoan hô.
(193) U.S.O.M. là United State Operation Mission.
(194) The Pentagone Papers do nhật báoThe New York Times xuất bản năm 1971, New Yorl.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]