Bằng Tất Cả Tấm Lòng
13. Nếu Chẳng Một Phen
Thích Chân Tính
Nguồn: Thích Chân Tính
Nguồn: Thích Chân Tính
Đã lâu lắm rồi, tôi chưa có dịp vào Chợ Lớn. Hôm nay vì cần mua một vài món hàng tôi mới trở lại thành phố Hoa kiều này. Vừa đạp xe tôi vừa nhìn lên những tấm bảng trước các hiệu buôn dọc theo hai bên lộ. Nhà cửa sửa sang lại rất nguy nga tráng lệ với những bảng quảng cáo đa kiểu đa sắc viết bằng chữ Trung Quốc kèm theo chữ Việt Nam. Sau khi tìm mua được những món hàng cần thiết, tôi quay trở về chùa. Ra khỏi Chợ Lớn đến khu vực người Việt Nam buôn bán, tôi chợt nhìn thấy một tấm bảng với dòng chữ: "Tại đây có làm đồ mã". Tôi hơi ngạc nhiên và tự nghĩ: Chắc lúc này Nhà nước ta đã đổi mới tư duy nên cho buôn bán hàng mã công khai chăng? Nhưng khi nhìn xuống thì thấy những tấm mộ bia, những cây thánh giá và một số bàn ghế bằng đá mài, tôi mới rõ là họ làm đồ mồ mả chứ không phải hàng mã như chữ đã ghi! Thật là tai hại. Chỉ có dấu hỏi và dấu ngã của một chữ thôi cũng đủ làm thay đổi toàn bộ nội dung của câu. Vậy mà không hiểu sao, người Việt Nam lại sử dụng chữ Việt Nam một cách cẩu thả đến thế? Còn gì là niềm tự hào về trình độ học thức của dân tộc Việt Nam khi phô trương trước công chúng những cái sai sót lẽ ra không thể có ở cuối thế kỷ hai mươi này, tại một thành phố tiêu biểu cho nền văn minh tiến bộ! Dường như trường hợp này đã, đang và còn xảy ra rất nhiều trên đường phố, tại văn phòng, nơi hội trường, thậm chí cả đến sách báo và giấy tờ hành chính nữa.
Nhớ lại trước đây tôi cũng xem thường việc đánh dấu hỏi, ngã. Thật ra tôi viết chính tả ít khi bị sai, nhưng lúc đánh dấu thì lại rất cẩu thả. Tôi thường dùng dấu ngã đánh hơi đứng nghiêng lên làm thành dấu hỏi. Có lần làm bài kiểm tra môn Văn tại Phật học viện Thiện Hòa chùa Giác Ngộ do thầy Thích Minh Thành phụ trách, sau khi nhận bài với số điểm thấp và lời phê: "Nội dung bài khá, nhưng viết sai dấu nhiều". Tôi không đồng ý về lời phê này và lên khiếu nại. Tôi phân trần cho thầy rõ chữ này là hỏi, chữ kia là ngã v.v... Nhưng thầy cương quyết nói: "Hỏi ra hỏi, ngã ra ngã, không thể đánh gian như vậy được". Tôi ức quá, nhưng không làm sao thuyết phục được thầy đổi ý. Tháng đó bị thụt hạng một cách oan ức, tôi đành ngậm đắng nuốt cay về cố gắng tập viết lại cho cẩn thận. Lúc ấy tôi buồn thầy lắm, nhưng bây giờ tôi lại mang ơn thầy rất nhiều.
Từ việc này tôi liên tưởng đến sự kiện chứng Thánh quả của A Nan. Trong Kinh Pháp Hoa phẩm Thọ Học Vô Học Nhân Ký, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có hé mở cho chúng ta biết: "Trong kiếp quá khứ Ngài và A Nan cùng phát tâm Vô thượng Chính đẳng Chính giác. Do công phu tinh tấn Ngài đã thành tựu quả vị Bồ đề, còn A Nan thích đa văn nên vẫn cứ ôm giữ tạng pháp mãi. Đến khi Đức Phật Thích Ca nhập diệt, ngài Ca Diếp đã hội họp Thánh chúng để kết tập kinh điển, trong đó có A Nan. Trước khi đại hội, Ca Diếp tuyên bố thẳng thừng nếu ai chưa chứng Thánh quả thì không được tham dự. Thật là một đòn chí tử giáng vào A Nan. Gần năm trăm vị Tỳ kheo lần lượt vào hết chỉ còn lại một mình A Nan ở ngoài. Nghĩ mình vừa là thị giả, vừa là em họ Phật, lại vừa là bậc đa văn đệ nhất nữa, thế mà bị loại khỏi hàng Thánh chúng, thử hỏi còn gì tủi hổ hơn! Đêm hôm đó A Nan buông bỏ tất cả, tinh tiến thiền định và hoát nhiên chứng ngộ. Sáng hôm sau ông mỉm cười ung dung bước vào đại hội trước sự ngạc nhiên của bao người.
Đúng như Thiền Sư Hoàng Bá Hy Vân đã nói:
"Nếu chẳng một phen xương lạnh buốt
Hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương".
3/91
CHÚ THÍCH
[1] Khi hơi thở còn thì lo tính đủ thứ
Lúc vô thường đến thì mọi việc cũng buông xuôi
[2] Không biết ba trăm năm sau ai là người khóc Tố Như (tên hiệu của Nguyễn Du)
[3] Thời điểm năm 1987
Mấy lời tâm huyết
Thuyết pháp giảng kinh, viết sách giáo lý nhà Phật hoặc in kinh sách đem phát cho mọi người xem, để họ sớm giác ngộ. Được như thế công đức vô lượng, đó gọi là pháp thí.
Nếu không đủ điều kiện làm những việc ấy, thì thỉnh một số kinh sách chịu khó đem đến từng nhà cho mượn đọc, rồi sau đó lại lần lượt cho nhà khác mượn nữa, hoặc đọc cho kẻ khác nghe, nhất là cho người không biết chữ nghe, cũng được công đức vô biên, đó cũng gọi là Pháp thí.
Chính Đức Phật đã dạy: "Trong các sự bố thí chỉ có Pháp thí là công đức lớn nhất, không có công đức nào sánh bằng".
Tưởng về lợi cũng như về danh, chúng ta đừng lo nghĩ vội, mà điều tối cần là làm sao cho rạng rỡ chánh đạo trước cái đã. Đó là mục đích chính và thiêng liêng cao cả của chúng ta. Nền móng đạo pháp cần nhờ sự chung lưng góp sức của chúng ta. Vậy mỗi người nên xây đắp vào đó một ít vôi, một ít nước, hoặc một tảng đá hay một viên gạch v.v... ngõ hầu cái nền móng ấy được thêm bền vững và kiên cố đời đời.
Chúng ta không nên quan niệm ở công đức vô lượng vô biên, mà điều cần thiết là nên nghĩ nhiều đến những người lầm đường lạc lối, sống trong vòng đầy tội lỗi không có lối thoát, hãy mau cứu vớt họ, cảnh tỉnh họ để cùng quay về chân lý. Nếu được như thế chính ta đã làm lợi ích cho Phật pháp vậy.
Với hoài bão cuộc đời, chúng ta hãy "Tất Cả Vì Phật Pháp". Hy vọng mấy lời tâm huyết này được nhiều vị hảo tâm in kinh sách cho muôn dân xem.
Được như vậy công đức không gì sánh bằng! Tha thiết mong mỏi như thế!
Tặng cho thân nhân một số tiền nhỏ, lòng mình không vui.. Nhưng mình không đủ sức tặng nhiều hơn. Chỉ có một cách là tặng các loại sách tu hành để xây dựng cho đời sống thanh cao, thì dù một quyển sách giá chỉ có vài ngàn, nhưng vẫn còn quý hơn bạc vạn.
Quý vị nào muốn phát tâm ấn tống kinh sách xin liên hệ: CHÙA HOẰNG PHÁP, Xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh. ĐT: 7130002-7133827. Email: hoangphap@hcm.vnn.vn
Gửi ý kiến của bạn