Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 35: Con đường Thống Nhất

04/04/201313:43(Xem: 7861)
Chương 35: Con đường Thống Nhất
Việt Nam Phật Giáo Sử Luận - Tập 3

Chương 35: Con Đường Thống Nhất

Nguyễn Lang
Nguồn: Nguyễn Lang

TỔNG HỘI PHẬT GIÁO

Ngày 6.5.1951, năm mươi mốt đại biểu của sáu tập đoàn Phật giáo Nam, Trung và Bắc họp hội nghị tại chùa Từ Đàm Huế đã đồng thanh quyết nghị thành lập Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam. Bản Tuyên Ngôn sau đây đã được phổ biến.

"Bánh xe Phật pháp xoay vần trên khắp quốc độ Việt Nam đến nay đã gần hai mươi thế kỷ. Nhân tâm, phong tục, văn hóa, chánh trị trong nước đều đã chịu ảnh hưởng rất sâu xa của Phật giáo. Tăng đồ và thiện tín từ Bắc vào Nam, một lòng quy ngưỡng Đức Điều Ngự Thích Ca Mâu ni, sống trong tinh thần từ bi hỷ xả và luôn luôn lo toan xây dựng hòa bình. Nhưng sự đời không hòa nhịp với lòng mong mỏi; hoàn cảnh trước đây đã chia ranh giới ba phần nên phật sự cũng phải tùy duyên mặc dầu Phật pháp vẫn bất biến. Sự tướng mỗi phần mỗi khác, làm cho mặt bàng quan xem như có điều chia rẽ. Nay cơ duyên thuận tiện, Phật giáo Việt Nam phải được thống nhất. Hơn nữa, họa chiến tranh đang gieo rắc khắp nơi, nhân loại đương lâm vào cảnh lầm than phiền não. Chính là lúc Đạo Từ Bi và Vô Thượng phải đem nước Cam Lộ mà rưới tắt lửa sân si để xây dựng cảnh hòa bình cho nhân loại.

"Theo lời hiệu triệu của các vị trưởng lão hòa thượng, một Hội Nghị Phật Giáo Toàn Quốc gồm 51 vị đại biểu Phật giáo ba phần đã được long trọng khai mạc vào ngày mồng một tháng Tư năm 2495 Phật lịch, tức là ngày mồng 6 tháng 5 năm 1951 dương lịch tại ngôi chùa lịch sử Từ Đàm (Thuận Hóa).

"Sau bốn ngày thảo luận ráo riết tron bầu không khí thân mật và hiểu biết, toàn thể hội nghị đã quyết định Thống Nhất Phật Giáo Toàn Quốc Việt Nam, lấy ngày Phật Đản làm ngày kỷ niệm thành lập TỔNG HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM, và bầu một ban QUẢN TRỊ TRUNG ƯƠNG đặt trụ sở tại Thuận Hóa (Huế) để thực hiện nhanh chóng chương trình thống nhất mà Hội Nghị đã dự thảo.

"Hỡi toàn thể phật tử Việt Nam! Chúng ta hãy san phẳng những hình thức sai biệt, cùng chung sức chung lòng để làm tròn sứ mệnh kiến tạo hòa bình, gây mầm an lạc, và nêu cao ngọn đuốc Trí Tuệ của Đức Thế Tôn.

Sự thành lập Tổng Hội Phật giáo Việt Nam đáp ứng được nguyện vọng của tín đồ Phật giáo đã từng ao ước từ hai mươi năm trước đó một nền Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Niềm vui của quần chúng phật tử khi nghe tin này đã biểu lộ khắp toàn quốc và bài hát "Phật Giáo Thống Nhất" của nhạc sĩ Lê Cao Phan trong ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử đã nói lên được nỗi vui mừng ấy của tuổi trẻ.

"Phật giáo Việt Nam thống nhất Bắc Trung Nam từ đây, một lòng chúng ta đứng lên vì đạo thiêng. Nào cùng vui trong ánh đạo vàng rạng ngời bốn phương, vang ca đón chào Phật giáo Việt Nam…".

Lãnh đạo các tập đoàn miền Bắc tại đại hội 1951 là thiền sư Mật Ứng; phát ngôn viên là thiền sư Trí Hải. Đứng đầu các tập đoàn miền Nam là thiền sư Đạt Thanh, phát ngôn viên là thiền sư Thiện Hòa. Phái đoàn miền Trung do thiền sư Tịnh Khiết lãnh đạo và thiền sư Trí Quang làm phát ngôn viên. Đại hội đã suy cử thiền sư Tịnh Khiết làm hội chủ Tổng Hội, thiền sư Trí Hải làm phó hội chủ và bầu một ban quản trị gồm các nhân vật lãnh đạo Phật giáo trong ba phần, trong đó có một ủy viên Nghi Lễ, một ủy viên Hoằng Pháp, một ủy viên Văn Hóa, một ủy viên Giáo Dục.

Đại hội kỳ II của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam được triệu tập tại chùa Phước Hòa, Sài Gòn ngày 1.4.1956, hai năm sau khi đất nước bị hiệp định Genève chia hai. Hồi này những tăng sĩ và cư sĩ di cư vào Nam đã thiết lập Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt tại miền Nam. Sự thành lập các đoàn thể này là để giới phật tử di cư được sống với những hình thức nghi lễ và hành đạo quen thuộc từ miền Bắc. Vì lý do đó, tại đại hội năm 1956, cũng có mặt sáu tập đoàn.

Đại hội năm 1956 khai mặc tại chùa Phước Hòa nhưng họp liên tiếp năm ngày tại chùa Ấn Quang, trụ sở của Giáo Hội Tăng Già Nam Việt. Đại hội suy tôn thiền sư Tịnh Khiết làm hội chủ, bầu thiền sư Huệ Quang và cư sĩ Chơn An Lê Văn Định làm phó hội chủ, cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền làm tổng thư ký và đặt trụ sở tại chùa Ấn Quang. Thiền sư Thiện Hòa được bầu làm ủy viên Hoằng Pháp, thiền sư Tâm Châu ủy viên Nghi Lễ, thiền sư Trí Thủ ủy viên giáo dục. Tạp chí Phật Giáo Việt Nam, cơ quan chính thức của Tổng Hội ra đời nhằm ngày rằm tháng Tám năm Bính thân (1956), do thiền sư Huệ Quang đứng làm chủ nhiệm và thiền sư Nhất Hạnh chủ bút.

Tuy nói thống nhất nhưng sáu tập đoàn của Tổng Hội vẫn sinh hoạt như cũ, và Tổng Hội chỉ đóng vai trò đối ngoại các tổ chức Phật Giáo trên thế giới hơn là đóng vai trò lãnh đạo trực tiếp các tập đoàn. Các tập đoàn cũng có khi hoạt động nhân danh tổng hôi và hồi hướng công đức về cho tổng hội nhưng tựu trung thực quyền lãnh đạo vẫn nằm ở các tập đoàn. Các Phật sự lớn như việc mở Đại Giới Đàn Hải Đức và lập Phật Học Viện ở Nha Trang, hay tổ chức diễn hành rước Xá Lợi Phật và xây chùa Xá Lợi tại Sài Gòn đều do các tập đoàn tổ chức nhân danh Tổng Hội. Gia Đình Phật Tử là ngành duy nhất đã đạt tới sự thống nhất thật sự về mặt tổ chức trong khi các sinh hoạt hoằng pháp, giáo dục, kiến thiết, nghi lễ, văn hóa v.v… vẫn không vượt ra khỏi phạm vi các tập đoàn.


VẬN ĐỘNG THỐNG NHẤT THẬT SỰ

Những thành phần cấp tiến trong Phật giáo bắt đầu tỏ bày sự nóng ruột của họ và chủ trương rằng chỉ khi nào thống nhất thật sự thì Phật giáo Việt Nam mới đủ sức mạnh để đóng góp vào nền hòa bình và hòa giải dân tộc. Từ 1951, các tổ chức tăng sĩ toàn quốc đã được thống nhất dưới danh hiệu Giáo Hội Tăng Già Toàn Quốc với thiền sư Tuệ Tạng ở ngôi vị thượng thủ. Năm 1959, đại hội kỳ II của Giáo Hội Tăng Già Toàn Quốc họp tại chùa Ấn Quang đã suy tôn thiền sư Khánh Anh lên kế vị. Như vậy, đứng về phương diện tăng sĩ, vấn đề thống nhất không cấp bách bằng đứng về phương diện cư sĩ. Do đó, áp lực quần chúng bắt đầu đè nặng trên hai tổ chức cư sĩ quan trọng nhất trong nước hồi đó: hội Phật Học Việt Nam ở Trung Việt và hội Phật Học Nam Việt.

Tạp chí Phật Giáo Việt Nam, cơ quan của Tổng Hội, đã phản ánh ý chí thống nhất của quần chúng phật tử về Tổng Hội, và đã liên tục tạo áp lực trên các tập đoàn về vấn đề thống nhất.

Lời kêu gọi của tạp chí Phật Giáo Việt Nam là một lời kêu gọi trực tiếp:

"Hỡi các nhà lãnh đạo các tập đoàn Phật giáo trong Tổng Hội và ngoài Tổng Hội! Quần chúng phật tử đang nhìn vào liệt vị. Phật tử Việt Nam ước ao thống nhất và đại đoàn kết trong tinh thần lục hòa xây dựng. Liệt vị đừng đi trái nguyện vọng của phật tử chúng tôi! Trách nhiệm nặng nề một phần lớn là ở nơi liệt vị. Công hay tội là do ở chúng ta có sáng suốt và thành thức trong sự xây dựng thống nhất hay không? Các vị hãy sáng suốt để tránh khỏi những cạm bẫy và những mưu môchia rẽ của Ma Vương Ngoại Đạo đang muốn hủy diệt chính pháp, đang muốn cản ngăn nền Phật giáo thống nhất. Hàng triệu con mắt đang đổ dồn về liệt vị. Hãy tỏ ra xứng đáng và những nhà lãnh đạo sáng suốt để khỏi phụ lòng mong mõi của chúng tôi"(122).

Kêu gọi chưa đủ, Phật Giáo Việt Nam trực tiếp tấn công những người được xem như tham quyền cố vị trong các tập đoàn và gọi là những "ngã kiến":

"Trong lúc Phật Giáo Việt Nam còn đang lo thực hiện thống nhất toàn vẹn thì những ngã tướng kia không ai chịu thua ai, không ai chịu nhường ai… Mâu thuẩn nội dung do ngã tướng, khó khăn đối ngoại cũng do ngã tướng. Bao nhiêu chương trình tốt đẹp chưa thực hiện, bao nhiêu hoạt động hiện tại bị ngưng trệ, chỉ vì người ta không chịu rời bỏ ngã tướng mà thôi(123).

Cuộc vận động của tạp chí Phật Giáo Việt Nam không đưa tới kết quả mong ước. Đại Hội Phật Giáo Toàn Quốc thứ ba họp tại Sài Gòn ngày 17.8.1957 đã không xóa bỏ được bản vị của các tập đoàn. Đại Hội chỉ yêu cầu các ủy viên Giáo Dục, Văn Hóa, Thanh Niên và Kiến Thiết tổ chức các đại hội chuyên môn để nghiên cứu phương pháp thống nhất lề lối sinh h oạt chuyên môn của mình. Ban Quản trị Trung Ương của Tổng Hội vẫn không đạt tới thực quyền lãnh đạo.

Không nản lòng, năm 1959, tạp chí Phật Giáo Việt Nam đã mở một cuộc vận động mới. Sau khi phân tích tình trạng, tạp chí này chủ trương rằng những trở ngại của sự thống nhất không phải đến từ bên ngoài mà là do ở sự thiếu thiện chí của một số người lãnh đạo ở cấp bực tập đoàn.

"Quần chúng phật tử đã nồng nhiệt với phong trào thống nhất, đã khát khao thống nhất, đã đòi hỏi thống nhất! Thế thì tại sao thống nhất Phật giáo lại chưa thành? Sự chậm chạp chần chờ trong bảy năm qua chỉ có thể quy vào sự thiếu thiện chí, thiếu cố gắng xây dựng, thiếu tinh thần khoan dung quảng đại của một số người - chúng tôi nói một số ít thôi - trong các cấp điều khiển của các tập đoàn. Họ đã đặt ý kiến riêng của họ lên ý kiến chung, cam lòng để cho công cuộc thống nhất bị đình trệ hơn là thấy thiển kiến của mình không được dung nạp"(124).

Trong các bài xã thuyết Làm Thế Nào Để Giữ Vững Tín Tâm Của Phật Tử(125), tạp chí Phật Giáo Việt Nam cảnh cáo rằng thái độ thờ ơ của giới lãnh đạo các tập đoàn với nền thống nhất có thể làm cho quần chúng phật tử mất hết lòng tin, và do đó Phật giáo có thể mất đi cơ hội ngàn năm một thuở để đóng vai trò thực hiện hòa bình cho dân tộc. Nhận định về sự im lặng và thờ ơ này, báo Phật Giáo Việt Nam đã đặt câu hỏi với các ủy viên trong ban Quản Trị Trung Ương của Tổng Hội và các cấp trị sự của các tập đoàn:

"Chúng tôi biết công việc không phải dễ dàng, cần có tài, có đức, có thiện chí, có người, có tài chính. Nhưng tại sao công việc khó khăn như thế mà quý vị vẫn giữ một mực im lặng, không lên tiếng tỏ bày những thắc mắc, không trưng cầu ý kiến, không kêu gọi thiện chí trên báo chương, không triệu tập những hội nghị riêng biệt từng ngành chuyên môn như Tổng Hội đã quyết định để gom góp ý kiến, trao đổi quan điểm, kêu gọi sự tham gia của những người có khả năng, có chuyên môn, có sáng kiến, có đạo tâm?

"Nếu quý ngài là những người chủ chốt trong công cuộc chấn hưng Phật giáo nước nhà mà cứ điềm nhiên "tự tại" mãi như thế này, thì toàn thể phật tử còn biết trông cậy vào ai nữa, và phỏng họ có đủ tín tâm để chờ đợi quý ngài hoàn thành nhiệm vụ không?(126).

Trên tạp chí Phật Giáo Việt Nam có nhiều cây bút viết về vấn đề thống nhất: Minh Hạnh, Chơn An, Kao Tâm Nguyên, Trọng Dức và Thiều Chi. Từ số 25 trở đi, Phật Giáo Việt Nam trình hày một loạt bài của Trọng Đức phân tích tình trạng và đưa ra những kiến nghị cụ thể về vấn đề thống nhất. Loạt bài này là nỗ lực cuối cùng của Phật Giáo Việt Nam trước khi tạp chí này bị đình bản vào giữa năm 1959.

Trọng Đức nêu ra những thiệt hại và tệ đoan mà Phật giáo nước nhà phải gánh chịu trong tình trạng Phật giáo không thống nhất: 1) lực lượng tinh thần bị chi phối; 2) lực lượng vật chất bị tản mát; 3) những công cuộc thực hiện không thể to tát và hoàn bị; 4) khối phật tử thiếu người đại diện ở cấp toàn quốc; 5) sự mất tin tưởng của tín đồ đối với cấp lãnh đạo; 6) tự ti mặc cảm của tín đồ; 7) tinh thần tương thân tương trợ dần dần bị bế tắc; và 8) cấp lãnh đạo không có dịp để học hỏi sự điều khiển trong phạm vi rộng lớn hơn. Rồi tác giả nhấn mạnh rằng: "Không tiến tức là lùi, dừng lại tức là bắt đầu nằm xuống"(127), tác giả nhận định rằng sự thống nhất đòi hỏi nhiều can đảm: "Không có một sự thay đổi nào mà không xáo trộn cuộc đời bình thường an ổn hàng ngày, không có một cuộc mổ xẻ ung nhọt nào mà không làm cho người bị mổ xẻ bị đau đớn… không có một cuộc cải cách tiến bộ nào hay cuộc cách mạng nào không gây ít nhiều đổ vỡ."(128). Rồi tác giả đề nghị việc triệu tập một hội nghị toàn quốc với mục đích xóa bỏ các tập đoàn và bầu lên một ban Quản Trị Trung Ương hùng hậu, gồm các nhân vật xuất sắc nhất và có thiện chí nhất trong các tập đoàn.

Đề nghị xóa bỏ các tập đoàn không phải là một đề nghị mới. Ngay từ 1951, Đại Hội Phật Giáo Toàn Quốc tại chùa Từ Đàm đã đồng ý trên nguyên tắc về đề nghị này. Bản quyết nghị năm 1951 đã nói đến sự: "xóa bỏ bản vị các tập đoàn để thành lập một Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam". Nếu chín năm sau mà chưa xóa bỏ được hình thức tập đoàn thì quả thực là đã có sự "dừng lại và thụt lùi" như Trọng Đức nói. Quần chúng lúc đó đã nhìn vào các hội Phật Học Nam Việt (Nam) và Việt Nam Phật Học (Trung) là những lực lượng hùng hậu nhất của Phật giáo thời ấy và trách cứ thiền sư Trí Quang cùng cư sĩ Mai Thọ Tgruyền về việc trì trệ của nền Thống Nhất (129)

Những loạt bài vận động của tạp chí Phật Giáo Việt Nam tuy đã gây được ý thức sâu xa trong quần chúng về nhu yếu thống nhất, nhưng không mang không mang lại kết quả nào cụ thể ngay hồi đó. Những loạt bài này dã làm cho cấp lãnh đạo các tập đoàn bực tức và do đó ờ báo đã phải đóng cửa vào giữa năm 1959 vì thiếu sự ủng hộ tài chính.


XÂY DỰNG MỘT NỀN PHẬT GIÁO DÂN TỘC

Đứng về phương diện vận động thống nhất, có thể là tạp chí Phật Giáo Việt Nam không đạt được những thành quả mong ước, nhưng đứng về phương diện gây ý thức về một nền Phật giáo dân tộc để làm cơ sở cho hòa bình thì tạp chí này đã đi được nhiều bước lớn. Ngay từ số đầu, Phật Giáo Việt Nam đã nhấn mạnh đến vai trò xây dựng một nền văn hóa quốc gia độc lập của Phật giáo Việt Nam trong quá khứ, và kêu gọi phật tử "sát cánh bên nhau bồi đắp cho nền Phật giáo dân tộc để có thể đưa nước nhà tới an lạc thái bình(130).

Cũng ngay từ số đầu. Phật Giáo Việt Nam đã vạch ra con đường độc lập của Phật giáo, con đường gọi là "nhân bản đích thực", một con đường không nhấn mạnh tới sự giác ngộ quyền lợi và nhấn mạnh đến sự giác ngộ bản tính, một con đường trong đó con người tin vằonng lực của chính mình mà không dựa vào những thế lực ngoài con người. Đó là con đường Trung đạo, không đi lệch qua con đường duy linh hữu thần(131). Hướng đi của văn hóa mới, theo Phật Giáo Việt Nam là sự tranh đấu của con người không phải với thiên nhiên và với đồng loại, mà là với si mê và dục vọng bản thân: "Văn hóa xưa kia đã từ hướng đấu tranh với thiên nhiên mà xoay sang hướng tranh đấu với đồng loại, mà là vói si mê và dục vọng bản thân: "Văn hóa xưa kia dã từ hướng tranh đấu với thiên nhiên mà xoay sang hướng tranh đấu với thiên nhiên mà xoay sang hướng tranh đấu với đồng loại. Hướng đi của nền văn hóa mới của nhân loại phải là tranh đấu với dục vọng bản thân(132). Phật Giáo Việt Nam cho rằng đứng về phương diện chính trị, tín ngưỡng nhân duyên sinh của Phật giáo là tín ngưỡng thích hợp nhất cho một chế độ dân chủ và khoa học, trong khi tín ngưỡng nhất-thần-giáo thì chỉ thích hợp với chế độ quân chủ và tín ngưỡng đa-thần-giáo thì chỉ thích hợp với chế độ bộ lạc thời xưa: "Một quốc gia biết lấy tín ngưỡng vũ trụ quan duyên sinh cộng nghiệp làm bối cảnh thì có thể thực hiện một sự đoàn kết sâu rộng và có thể kiến tạo được một nền văn hóa quốc gia nhân bản, hướng thiện(133).

Để bồi đắp đức tin về một nền Phật giáo dân tộc, Phật Giáo Việt Nam trình bày những thiên khảo cứu về sự nghiệp Phật giáo trong các thời đại Lý và Trần để cho thấy rằng đạo Phật Việt Nam trong quá khứ không những đã xây dựng được các sự nghiệp văn hóa nghệ thuật mà còn xây dựng được các sự nghiệp chính trị và xã hội nữa(134). Trong một loạt bài viết dưới tiêu đề "Để đi đến một nền Phật giáo dân tộc", Minh Hạnh đã viết dưới tiêu đề "Để đi đến một nền Phật giáo dân tộc", Minh Hạnh đã viết từ đề tài Vị Sơ Tổ của Phật Giáo Việt Nam Qua Giáo Lý Của Phật Giáo Việt Nam tới Lễ Nhạc Của Phật Giáo Việt Nam và Giáo Dục Của Phật Giáo Việt Nam. Ông đã đề nghị các chùa Việt Nam thờ thiền sư Tỳ Ni Đa Lưu Chi thay thế thiền sư Bồ Đề Đạt Ma(135). Ông đề nghị xiển dương giáo lý Duy Thức để phá vỡ các luận chứng duy vật và duy thần. Theo ông ngày xưa Thiền là căn bản cho Tịnh, bây giờ Thiền đã suy đồi thì Tịnh trở thành cạn cợt và mê tín. Tịnh độ chỉ có thể lấy chiều sâu với giáo lý Duy Thức: "Tịnh độ sẽ là môn thực hành mà phần lý thuyết thì do Duy Thức xây dựng"(136). Đứng về phương diện lễ nhạc, Minh Hạnh nhận xét rằng kiến trúc, âm nhạc và những hình thái sinh hoạt văn hóa khác của Phật giáo Việt Nam thời ông "chứng tỏ một khả năng tu chứng thấp kém, bạc nhược." Ông tiếc rằng truyền thống lễ nhạc cổ điển đã không được tiếp nốivà phát triển, rằng các bậc tăng già có tu chứng và có sở đắc tâm linh rất hiếm cho nên lễ nhạc hiện thời bị lai căng và phá sản…

Ông đề nghị lập một ban sưu tầm những hình thức lễ nhạc và kiến trúc của Phật giáo để phân tích, tìm hiểu, bảo tồn, truyền bá, để phật tử Việt Nam có thể tìm cảm hứng ở đấy mà sáng tác. Ông lại nhấn mạnh đến sự tổ chức lại nếp sống thanh quy để tăng già có được sở đắc tâm linh và cư sĩ lại có tín tâm thuần cẩn, để cho những hình thức lễ nhạc Phật giáo mới được hiển lộ và tiếp nối dòng thực tu thực chứng(137)

Song song với loạt bài Minh Hạnh, còn có những bài viết về những đề nghị xây dựng trong các ngành giáo dục và hoằng pháp do Dã Thảo viết. Về vấn đề đào tạo tăng tài, Dã Thảo đề nghị phân biệt năm ngành chuyên môn tăng già:

1- Những vị tĩnh tu ẩn cư ở các tu viện và các thiền thất.

2- Những vị giảng sư, tốt nghiệp cấp trung học Phật giáo và có kiến thức trung học chuyên khoa ngoài đời. Phạm vi hoạt động của các vị này là thuyết pháp tại các chùa tỉnh hội, chi hội và khuôn hội, và góp sức trong việc hoàn bị tổ chức cơ sở căn bản của giáo hội từ đơn vị tỉnh trở xuống.

3- Các vị giáo sư dạy tại các trường trung tiểu học do giáo hội quản trị và tại cấc đơn vị thanh thiếu niên của tổ chức Gia Đình Phật Tử. Các vị này có trình độ trung học Phật giáo và có bằng cấp cần thiết để làm giáo sư các trường tư thục. Họ cũng đảm nhiệm dạy những giờ Phật pháp tại các trường tư thục Phật giáo.

4- Các vị giáo sư Phật học viện. Họ phải học xong cấp đại học Phật Giáo nếu là giáo sư cấp trung học. Nếu dạy cấp đại học, họ phải có trình độ cao hơn, hoặc họ đã trước tác những tác phẩm hữu danh hoặc đã trình bày một luận án mà ban giáo sư của Phật Học Viện đã khảo duyệt.

5- Các vị trú trì đã học những năm Giáo lý quy định cho cấp bực trú trì các chùa tại các Phật học viện, họ dã được huấn luyện về nghi lễ, quản trị tự viện, tổ chức tín đồ, hướng dẫn sự tu học của Phật giáo địa phương.

Về chương trình đào tạo tăng tài, Dã Thảo đề nghị chỉ thâu vào Phật học viện những vị nào có trình độ trung học phổ thông. Nếu cần, ông nói, thì tổ chức những lớp dự bị cho những trẻ em chưa có trình độ đó. Chương trình lớp này là 4 năm. Những người có trung học phổ thông thì chỉ cần học nửa năm để có vốn liếng Hán tự và giáo lý phổ thông trước khi vào Phật học viện. Học xong bốn năm trung học, nếu có điều kiện khả năng, họ có thể thi lên đại học. Nếu không muốn lên đại học, họ có thể học bổ túc một năm để ra làm việc trong ba ngành giảng sư Phật học, giáo sư tư thục hoặc trú trì chánh pháp. Sau năm năm hành đạo, họ có thể phát nguyện tu trọn đời hoặc hoàn tục trở về làm cư sĩ để hỗ trợ chánh Pháp. Ở cấp đại học, học tăng sẽ học Phật bằng Hán văn và tham khảo bằng các sách Anh, Pháp, Đức và Nhật văn.

Về giáo dục ni sinh, Dã Thảo đề nghị không có ngành trú trì mà chỉ có các ngành giáo sư, giảng sư và cán bộ xã hội. Các ni sinh trong thời gian học Phật cần được học thêm về khoa nuôi dạy trẻ em, điều dưỡng bệnh nhân, quản trị bệnh xá, tổ chức các vườn trẻ và các trường tư thục(138).


CON ĐƯỜNG BẤT BẠO ĐỘNG ĐI TỚI HÒA BÌNH, ĐỘC LẬP VÀ THỐNG NHẤT

Được xuất bản dưới chế độ kiểm duyệt của chính thể Ngô Đình Diệm, Phật Giáo Việt Nam không nói ra được một cách công khai lập trường và nguyện vọng của con đường thứ ba tức là con đường tranh đấu bất bạo động để đi tới Hòa Bình và một nền trung lập quốc gia đối với hai khối Cộng Sản và Tư Bản. Tuy vậy, ý hướng này cũng đã được đọc thấy rõ rệt trong từng số Phật Giáo Việt Nam. Đạo Phật được trình bày trong tạp chí Phật Giáo Việt Nam như là một đạo hòa bình, vì những lý do sau đây:
  1. Đạo Phật không dựa trên những tín điều bất di dịch.
  2. Giáo lý Phật giáo bao trùm được những giáo lý và học thuyết có vẻ như mâu thuẩn chống đối nhau.
  3. Đối tượng tranh đấu của đạo Phật là tham sân si chứ không phải là con người.
  4. Đạo Phật tôn trọng sự sống trong mọi hình thức.
  5. Động lực hành động của Phật giáo là tình thương mà không phải là căm thù(139).
Vì những lý do đó, phật tử mọi nơi cần "liên kết thành một khối duy nhất, sáng suốt, có đường lối và chương trình hoạt động rõ ràng, thiết thực… Những người phật tử cũng như những nước mà đại đa số là phật tử phải long trọng tuyên bố và cam kết rằng sẽ không vì một lý do gì mà giết người, hoặc gây chiến tranh, hoặc tham gia trực tiếp hay gián tiếp vào những khói người hay những tổ chức có thể là những ngòi lửa chiến tranh. Khối phật tử chỉ hợp tác với những tổ chức, đoàn thể và những khối người có mục đích phụng sự hòa bình như mình thôi. Đối với Phật tử, hòa bình phải có tính cách thiêng liêng như là một tôn giáo thứ hai của mình"(140).

Nhưng tranh thủ hòa bình thì phật tử phải áp dụng phương thức bất bạo động. Bất bạo động là tranh đấu mà không phải là bất động. Trong bài Đạo Hòa Bình Trong Nền Hòa Bình Thế Giới, ký giả Minh Đức nói đến cuộc tranh đấu bất bạo động của Gandhi để giành độc lập cho Ấn Độ, và nói rằng thủ tướng Nehru tuy là người Ấn Độ Giáo nhưng đã ý thức được tiềm lực lớn lao và quan trọng của Phật giáo trong việc xây dựng hòa bình thế giới nên đã đứng ra phát động phong trào chấn hưng Phật giáo tại Ấn Độ. Ông viết: "Chủ trương bất bạo động, ảnh hưởng Di truyền của đạo Phật, đã được đem ra thử thách bao nhiêu lần trước mũi súng làn đạn của chủ nghĩa đế quốc Anh. Và người đề xướng ra - Gandhi - đã trở thành bậc thánh, không phải chính vì dùng tay không mà toàn thắng súng đạn đó sao? Và Nehru đã nối tiếp sự nghiệp hòa bình của Gandhi, người đã nhẫn nhục chịu đựng suốt 20 năm trời vào tù ra khám trong các cuộc biểu tình im lặng mà hùng hồn, dưới những làn mưa roi da của cảnh binh Anh hùng hổ - người ấy ngày nay đã trở thành kẻ hòa giải vĩ đại trong các cuộc tranh chấp thế giới, không phải chính vì đã trung thành với chủ trương bất bạo động của mình đó chăng?"(147).

Người phật tử Việt Nam, do những suy tư và nhận xét như trên, đã dần dần thấy được rằng giữa những lực lượng súng đạn và bạo động, mình vẫn còn một con đường thoát: con đường tranh đấu bất bạo động.

Ý nguyện đem tình thương hóa giải hận thù, thực hiện đoàn kết dân tộc và thống nhất đất nước cũng được nói lên bằng những bài ca dao mới của Tâm Kiên như:

Tiếng chuông lay bóng Bồ đề
Con chim trắng cánh bay về Tây Thiên
Mong sao dân tộc bình yên
Đạo hiền che chở dân hiền thương yêu
Dù cho đất sập trời xiêu
Lòng tôi vẫn nhớ nhiễu điều giá gương
Khắp nơi đồng ruộng phố phường
Nhớ lời Phật dạy, hãy thương nhau cùng…(142)

hoặc:
Tay bưng đĩa muối chấm gừng
Gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau
Bắc Nam chung một mối sầu
Thương nhau thì đặng, bỏ nhau sao đành
Đêm ngày một dạ đinh ninh
Nhớ lời nguyện kết giữa mình với ta:
"Bao giờ chạch đẻ ngọn đa
"Sáo đẻ dưới nước thì ta bỏ mình
"Bao giờ rau diếp làm đình
"Gỗ lim thái ghém thì mình bỏ ta"
Muốn cho đoàn kết một nhà
Cùng nhau xây đắp đạo ta muôn đời
Từ Bi ta nhớ lấy lời
Nuôi gương trí tuệ trau dồi thân tâm
Diệt trừ tham giận kêu căng
Thương nhau một niệm, tình thâm lâu dài
Khôn ngoan đá đáp người ngoài
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau
Nhờ ơn Đức Phật nhiệm màu
Ta xây cuộc sống bền lâu muôn đời(143)

Tạp chí Phật Giáo Việt Nam không phải là một tờ báo khô khan; trái lại nó chú trọng nhiều tới mặt văn nghệ. Trên mặt tờ báo này người ta đọc truyện ngắn, nhạc, thơ, kịch và kịch bằng thơ nữa. Thỉnh thoảng lại có những bài nghiên cứu văn học, luận bàn về thi văn của các thiền sư đời Lý và đời Trần, về Nguyễn Du, về Nguyễn Công Trứ, về Albert Camus, v.v… Trong số những người cộng tác cho tờ báo ta thấy có Tuệ Uyển, Thiện Hoa, Nguyễn Văn Hầu, Nguyễn Hữu Bá, Huyền Không, Thạc Đức, Trí Đức, Minh Châu, Thanh Từ, Kao Khả Chính, Tắc Phước, Như Quán, Tâm Hỷ, Tâm Châu, Minh Đức, Trọng Đức, Thiều Chi, Lê Văn Định, Thẩm Oánh, Tống Anh Nghị, Dã Thảo, Trúc Diệp, Dương Xuân Dưỡng, Kiêm Minh v.v…


THIỀN SƯ HUỆ QUANG

Thiền sư Huệ Quang, Chủ nhiệm của tờ Phật Giáo Việt Nam là phó hội chủ của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam. Ông tên là Nguyễn Văn Ân, sinh năm 1988 tại quận Ô Môn tỉnh Cần Thơ. Hồi còn nhỏ ông theo thân mẫu về Trà Vinh. Năm 19 tuổi ông xuất gia tại chùa Long Thành ở quận Trà Cú và theo học với thiền sư Thiện Trí. Gần thiền sư Thiện Trí, ngoài kiến thức Phật học, ông còn được trao truyền kiến thức y học Đông Phương nữa. Ông được thiền sư Thiện Trí đặt tên là Thiện Hải.

Một hôm đi ngang Tiểu Cần, thấy một ngôi chùa đổ nát, ông bèn phát tâm trung tu lại. Dân chúng ỏ Tiểu Cần thấy thế sinh lòng kính mến, bèn mời ông về làm trú trì ngôi chùa này - chùa Long Hòa - và hết sức ủng hộ ông trong công việc trùng tu. Chùa Long Hòa trở thành một đạo tràng thanh tịnh.

Năm 1919, ông đắc pháp với thiền sư Từ Vân và được tặng pháp hiệu là Huệ Quang. Nhờ học tân thư Trung Hoa, biết đến phong trào chấn hưng Phật giáo tại các nước, ông bèn hợp tác với các thiền sư Khánh Hòa và Khánh Anh để xúc tiến việc chấn hưng Phật giáo nước nhà. Ông rất tích cực trong việc thành lập hội Lục Hòa năm 1923 mà trú sở được đặt tại chùa Long Hòa do ông trú trì. Hội Lục Hòa là viên đá đầu tiên của nền Phật giáo chấn hưng tại Nam kỳ. Rồi ông cộng tác với thiền sư Khánh Hòa để thành lập hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học năm 1931, thành lập hội Lưỡng Xuyên Phật Học ra đời vào giữa tháng Mười năm 1935 là do ông chủ nhiệm. Ông lại còn giữ chức tổng lý Phật học đường Lưỡng Xuyên thành lập năm 1934.

Từ năm 1937, ông đã chú trọng đến vấn đề thống nhất Phật giáo Việt Nam. Viết trong tạp chí Duy Tâm số 25 ra ngày 1.10.1937 ông đề nghị các tạp chí Phật học trong xứ thương lượng với nhau để định ngàyhọp Đại Hội Lâm Thời của các hội Phật giáo trong nước để đi đến việc thống nhất. Ông đề nghị Đại Hội này được tổ chức tại miền Trung và trước ngày đại hội, các hội phải họp đại hội đồng riêng từng hội để công cử đại biểu. Ông lại đề nghị Đại Hội Phật Giáo Toàn Quốc vạch ra chương trình hoạt động thống nhất va bầu ra sáu ban chuyên môn để al Phật sự. Đó là các ban Kiểm Duyệt, Đạo Sư Giáo Dục, Luật Sư, Giảng Sư, Hộ Pháp và Thanh Tra. Tờ Duy Tâm đề cập tới vấn đền thống nhất gần như mỗi số.

Năm 1948 thiền sư Huệ Quang đứng ra làm chủ tịch Ủy Ban Phật Giáo Cứu Quốc tỉnh Trà Vinh. Năm 1951, từ hậu phương ông trở về tham dự Phật sự của Giáo Hội Tăng Già Nam Việt. Năm 1953 ông được suy tôn làm pháp chủ của Giáo Hội Tăng Già này(144).

Năm 1956 trong Đại Hội Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Sài Gòn, ông được bầu làm phó hội chủ và Chủ nhiệm tạp chí Phật Giáo Việt Nam. Ngày 11.11.1956, ông lãnh đạo phái đoàn Phật Giáo Việt Nam đi dự hội nghị lần thứ tư của hội Thế Giới Phật Giáo Liên Hữu (World Fellowship of Buddhists) tổ chức tại Népal từ ngày 15 đến ngày 21 tháng Mười năm 1956. Cùng đi với ông có thiền sư Tịnh Khiết và cư sĩ Trần Thanh Hiệp. Tại Calcuta, phái đoàn được thiền sư Minh Châu, lúc ấy đang du học tại Nalanda, tiếp đón đưa đi thăm hội Mahabodhi Society và các Phật tích trong vùng. Ngày 13.11.1956, phái đoàn đi Kathmandu, có thiền sư Minh Châu tháp tùng. Tại Hội nghị Thế Giới Phật Giáo Liên Hữu, thiền sư Huệ Quang đã trình bày bản tham luận Vai trò Đạo Phật Trong Xã Hội Loài Người(145).

Ngày 22.11.1956, chùa Ấn Quang nhận được một điện tín do thiền sư Tịnh Khiết gửi về báo tin thiền sư Huệ Quang đã viên tịch lúc 18 giờ 15 ngày 2.2.1956 tại bệnh viện Willingdom ở New Dehli. Phật tử thủ đô kinh hoàng khi nghe tin đó. Thì ra sau lễ Buddha Jayanti thiền sư Huệ Quang đã lâm bệnh và được chở vào bệnh viện. Một gân máu đã đứt và các bác sĩ bệnh viện ở Willingdom đã bó tay. Lễ an táng được tổ chức ngày 3.12.1956. Phái đoàn Việt Nam trở về Sài Gòn ngày 12.10.1956, thiếu mất một vị cao tăng, đạo hạnh vào bậc nhất.

Nhục thân thiền sư Huệ Quang được an táng tại chùa A Dục Vương tại New Dehli. Linh vị được cung nghinh về nước. Tại phi trường Tân Sơn Nhất linh vị được rước về chùa Ấn Quang. Số phật tử đi cung nghênh linh vị, trong đó có các phái đoàn từ các tỉnh về, đông đảo đến nỗi chật cả các đại lộ Lý Thái Tổ, Minh Mạng và đường Sư Vạn Hạnh.

Năm 1964, một phái đoàn Việt Nam dự Hội nghị Thế Giới Phật Giáo Liên Hữu lần thứ 7 tại Ấn Độ đã đến chùa A Dục Vương làm lễ hỏa thiêu nhục thân thiền sư Huệ Quang và rước xá lợi về chùa Long Hòa, nơi mà ngày xưa thiền sư đã trú trì và hành đạo.

Thiền sư Huệ Quang viên tịch khi tạp chí Phật Giáo Việt Nam mới ra đời được ba số.

Sau khi ông viên tịch, vị chủ bút của Phật Giáo Việt Nam là thiền sư Nhất Hạnh kiêm nhiệm luôn trách vụ chủ nhiệm của tạp chí.

Như chúng ta đã biết, tập thể tăng già Việt Nam dã được thống nhất từ khi Giáo Hội Tăng Già Toàn Quốc được thành lập năm 1951 tại Hà Nội và thượng thủ đầu tiên của Giáo Hội là thiền sư Tuệ Tạng. Thượng thủ Tuệ Tạng mất vào năm1959 tại Hà Nội năm năm sau khi đất nước bị qua phân. Năm 1959, Đại Hội Tăng GiàToàn Quốc lần thứ hai họp tại chùa Ấn Quang đã suy tôn thiền sư Khánh Anh làm thượng thủ.


THIỀN SƯ KHÁNH ANH

Thiền sư Khánh Anh vốn là một đồng chí của thiền sư Huệ Quang. Ông tên là Võ Hóa, sinh năm 1895 tại làng Phổ Nhì, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 22 tuổi ông xuất gia ở chùa Quang Lộc và được pháp danh là Chân Húy. Sẵn có căn bản Hán học vững chãi, ông học Phật rất mau chóng và trở thành một vị giảng sư Phật học nổi tiếng khi mới tròn 30 tuổi.

Năm 1927 ông được mời và Nam dạy lớp Phật học cho chư tăng ở chùa Giác Hoa, tỉnh Bạc Liêu. Bốn năm sau ông về làm trú trì chùa Long An ở quận Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ và mở lớp dạy Phật pháp cho tăng đồ trong vùng tới cầu học.

Năm 1933 ông hợp tác với các thiền sư Khánh Hòa, Huệ Quang và Pháp Hải lập Liên Đoàn Học Xã, và đến năm1935, bắt đầu dạy Phật học đường của hội Lưỡng Xuyên Phật Học tại Trà Vinh và cộng tác với tạp chí Duy Tâm. Tại Phật học đường Lưỡng Xuyên, ông là vị giáo sư dạy nhiều giờ và nhiều môn nhất trong các giáo sư. Năm 1941 ông được mời làm giáo sư Phật học trong ba tháng cho Đại Giới Đàn chùa Linh Phong ở Tân Hiệp. Năm 1942, Phật học đường Lưỡng Xuyên vì lý do tài chính bị đóng cửa, ông về trú trì chùa Phước Hậu ở Trà Ôn và mở lớp tăng học ở dấy. Năm 1945 ông được thiền sư Huệ Quang mời về dạy lớp tăng học ở chùa Long Hòa quận Tiểu Cần.

Sau Cách Mạng Tháng Tám 1945, ông về nhập thất tại chùa Phước Hậu. Từ năm 1945 đến 1955 ông đã soạn thảo và đã phiên dịch rất nhiều tác phẩm. Trong số những dịch phẩm của ông, có Hoa Nghiêm Nguyên Nhân Luận, Nhị khóa Hợp Giải và Hai Mươi Lăm Bài Thuyết pháp (của Thái Hư), Tại Gia Cư Sĩ Luật, Duy Thức Triết Học và Quy Nguyên Trực Chỉ. Ông có cho xuất bản ba tập Khánh Anh Văn Sao, một trong ba tập này in những bài của ông viết về giáo lý, những bài sớ giảng và thi bút do ông sáng tác.

Trong Khánh Anh Văn Sao ông có dịch tác phẩm Phật Tổ Đích Truyền Nhất Thống của thiền sư Luật Truyền, viết bằng chữ Hán(146). Tác phẩm này có ghi chép những vị tổ sư kế thế thiền sư Nguyên Thiều. Khánh An có một lối hành văn rất tự nhiên và dí dỏm. Trong tập thứ 4 của Khánh Anh Văn Sớ Sao, thấy có 45 bài thơ bát cú, một lá thơ gửi phụ thân bằng văn lục bát, rất nhiều liễn đối và những bài phục nguyện. Nguyên tại Phước Hậu, ông đã làm tới mười cặp câu đối, câu nào cũng nói được ý chí và hành nguyện của ông:

*Phước trí hiện tuệ quang, bách ức Tu Di khai nhật nguyệt;
Hậu thâm lưu pháp hải, tam thiên thế giới đúng ba đào.
(Phước trí thức ánh vàng, trăm ức núi cao, chói lọi ngày đêm truyền chiếu diệu;
Hậu thân dồi biển pháp, cả ngàn cõi lớn, dẫy đầy đất nước nổi trào âm)

* Phước trí nhị nghiêm thân: tại gia vị Thánh vương, xuất gia vị vô thượng sĩ;
Hậu cao tam thiên giới: thứ độ tác Phật tổ, tha độ tác Phật tổ, tha độ tác đại từ tôn.

* Phước đức hữu nhân duyên, phàm kiến Phật tánh, niệm Phật danh, lập Phật hội, hoằng Phật kinh, cộng thành Phật đạo;
Hậu cao vô phân biệt, hoặc tu dân tâm, giáo dân học, vi dân quan, hành dân chính, bình đẳng dân quyền.

* Phước địa kiến pháp tràng, đảo đảo Thần quyền trừ oán tặc;
Hậu cơ doanh bảo điện, chấn hưng Phật lực định tâm vương.
(Phước lớn nên cờ phướn khắp nơi: trừ mê tín, dẹp quân thù, mượn quyền Thượng đế;
Hậu dày đúc nên chùa mỗi xứ: vững Giác thành yên tu sĩ, học phép tâm vương).

* Phứơc lộc thọ, vương tướng quân dân, tổng giai thị nâhn tiền sự vật;
Hậu cao thâm, sơn hà đại địa, đẳng vô phi thức nội sở năng.
(Phước lộc chi, thọ yểu mà chi, vua chúa quan quyền trò dưới mắt;
Hậu bạc rứa, cao thâm cũng rứa, núi sông trời đất cảnh trong mơ).

Những câu đối trên đây là do chính thiền sư tự dịch. Ta hãy đọc thêm một bài văn phục nguyện ông viết để đọc trước đài kỷ niệm tử sĩ, nhân ngày Phật đản một năm mà cuộc chiến tranh Pháp-Việt đã tàn sát không biết bao nhiêu sinh mạng.

"Phục nguyện: Cuộc lễ tắm Phật, tượng sắc thân rửa sạch bụi vô minh. Ngày vía giang sanh, ơn giáo chủ đượm nhuần đời hữu lậu. Hoặc hy sinh đôi bên chiến đấu: người Việt người Tây, từ Nam chí Bắc, đã biết bao dũng tướng hùng binh. Hoặc uổng tử những lúc thình lình: chú Tàu chú Thổ, từ trẻ chí già, lại xiết mấy thường dân phu phụ. Chà Và, Khách Trú, Ma Rốc, Lê Dương, chết nhà, chết đường, chết oan, chết dịch, đã bao thuở tối tăm mù mịt, nào ai cho đèn lửa khói hương? Phải bây giờ sáng suốt lo lường, nhờ Phật chiếu hào quang gương tuệ. Âm binh ơi! Cô Hồn!

Hễ:
Dẫu phảng phất hồn ma phách quế
Nhưng sẵn sàng tâm Pháp tánh Trời
Về đây nghe kinh kệ hôm mai
Cùng nhau chứng thánh hiền Phật đạo".

Đầu năm 1955, hội Phật Học Nam Việt cung thỉnh ông vào ban Chứng Minh Đạo Sư, và ngày 31 tháng Ba 1957, đại hội Giáo Hội Tăng Già Nam Việt họp tại Ấn Quang suy tôn ông làm pháp chủ của giáo hội.

Cũng tại chùa Ấn Quang, năm 1959, đại hội Giáo Hội Tăng Già Toàn Quốc kỳ II tôn ông lên ngôi thượng thủ. Từ đó ông thường trú nhiều tại chùa Ấn Quang để cầm cương lĩnh cho công việc hoằng pháp và tiếp tục công trình trước tác.

Năm 1961, biết cơ duyên gần đến, ông về chùa Phước Hậu thăm, rồi từ đó trở về chùa Long An ở Trà Ôn, nơi ông đã từng trú trì từ năm 1931, từ hồi ông còn 36 tuổi. Ông viên tịch ngày 16.4.1961 tại chùa này, thọ được 66 tuổi.

Lễ an táng của thượng thủ Khánh Anh được tổ chức trọng thể tại chùa Ấn Quang. Nhục thân thiền sư được mai táng tại An Dưỡng Địa của Giáo Hội, gần chùa Huệ Nghiêm.

Thiền sư Khánh Anh là một vị cao tăng bác học. Sự nghiệp đạo hạnh và văn hóa của ông là một viên đá lớn trong ngôi nhà Phật học ở Việt Nam.

Với sự vắng mặt của thiền sư Khánh Anh, ba cây cột trụ đầu tiên của nền chấn hưng Phật giáo miền Nam(147) đã không còn nữa. Những thế hệ mà họ đào tạo nên đã có đủ khả năng tiêp tục công trình khởi xướng từ hơn ba mươi mấy năm về trước.


PHẬT SỰ TỪ 1956 ĐẾN 1960

Sau đây là những Phật sự đáng kể được thực hiện trong thời gian 1956 đến 1962:

1956
- Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam dời trụ sở vào chùa Ấn Quang tại Sài Gòn.
- Tạp chí Phật Giáo Việt Nam chào đời
- Buổi phát thanh hàng tuần do Tổng Hội Phật giáo Việt Nam trên đài Sài Gòn .
- Phật học viện Việt Nam tại Trung Phần khai giảng tại chùa hải Đức, Nha Trang.
- Phật học đường Phước Hòa tại Trà Vinh được thành lập(148)
- Chùa Xá Lợi được khởi công xây cất.
- Đại Hội Ni Bộ miền Nam tại chùa Huê Lâm.
- Đại giới đàn tại chùa Hải Đức, Nha Trang.
- Phật lịch được thống nhất: 2500 PL: 1956 TL
- Phái đoàn Tổng Hội Phật giáo Việt Nam đi dự lễ Budha Jayanti ở Ấn Độ.

1957
- Các khóa "Tu Nghiệp Trú Trì" và "Như Lai Sứ Giả" được tổ chức tại các chùa Ấn Quang, Pháp Hội và Dược Sư.
- Thiền sư Khánh Anh được Giáo Hội Tăng Già Nam Việt suy tôn làm pháp chủ.
- Thiền sư Giác Nhiên lên làm hội trưởng hội Việt Nam Phật Học (miền Trung)
- Đại Hội Tổng Hội Phật giáo Việt Nam kỳ III tại Sài Gòn.
- Thiền sư Tịnh Khiết dự lẽ Buddha Jayanti ở Thái Lan.
- Đại hội đồng hội Việt Nam Phật Học tại chùa Từ Đàm gửi điện văn cho chính quyền phản đối việc loại trừ ngày Phật Đản ra những ngày lễ chính thức của quốc gia.
- Lễ Phật Đản tổ chức rất lớn trong toàn quốc.
- Giáo Hội Tăng Già Nam Việt ấn hành tài liệu Phật Học Phổ Thông cho các giảng sư đoàn và các vị "Như Lai sứ giả"
- Hội Việt Nam Phật Học dđáianh hiệu là Hội Phật Giáo Việt Nam tại Trung Phần.
- Tu viện Nguyên Thiều được xây dựng tại Bình Định
- Các lớp Phật học phổ thông đầu tiên được tổ chức tại Ấn Quang và các tỉnh cho giới cư sĩ.
- Đại Hội Giáo Hội Tăng Già Trung Việt kỳ III tại chùa Linh Quang, Huế.
- Ni học viện Tăng Già khai giảng ở Vĩnh Hội, Sài Gòn.
- Đại Hội Gia Đình Phật Tử Trung Phần.
- Phái Đoàn Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam dự đại hội Thế Giới Phật Giáo Liên Hữu lần thứ V tại Vọng Các.

1959
- Đại Hội Giáo Hội Tăng Già Toàn Quốc kỳ III tại chùa Ấn Quang
- Thiền sư Khánh Anh lên làm thượng thủ Giáo Hội Tăng Già Toàn Quốc
- Hội Việt Nam Phật Giáo (Bắc Việt tại miền Nam) và gia đình Phật tử Tâm Minh tổ chức Đại Nhạc Hội.
- Gia Đình Phật Tử tổ chức lễ kỷ niệm mười năm
- Giáo Hội Tăng Già Nam Việt thành lập giảng sư đoàn lưu động
- Phái đoàn Tổng Hội Phật giáo Việt Nam dự lễ Buđha Jayanti tại Tokyo
- Đại hội Tổng Hội Phật giáo Việt Nam kỳ IV tại chùa Xá Lợi
- Thiền sư Tịnh Khiết làm trưởng ban tổ chức lễ Phật Đản
- Tạp chí Liên Hoa của Giáo Hội Tăng Già Trung Việt ra đời

1960
- Ni học viện Từ Nghiêm khai giảng tại sg
- Ban Liên Lạc Văn Hóa của Đoàn Thanh Niên Tăng Ni Việt Nam được thành lập và tập san Sen Hái Đầu Mùa ra đời.
- Đoàn Thanh Niên Phật Tử được thành lập tại chùa Ấn Quang, Sài Gòn.
- Tu viện Quảng Hương Già Lam được xây cất.
- Đại Hội Hoằng Pháp toàn quốc tại chùa Hải Đức, Nha Trang.




CHÚ THÍCH

(122) Nguỵêt San Phật Giáo Việt Nam, số 3, năm Bính thân (1956).
(123) Thiện Y viết trong Phật Giáo Việt Nam, số 9, năm Đinh dậu (1957).
(124) Xem bài Lại Vấn Đè Thống Nhất Phật Giáo, Phật Giáo Việt Nam, số 20 và 21, năm Mậu tuất (1958)
(125) Phật Giáo Việt Nam, số 22 năm Mậu tuất (1958).
(126) Báo đã dẫn.
(127) Phật Giáo Việt Nam, số 27 năm Kỷ hợi (1959)
(128) Phật Giáo Việt Nam, số 28 năm Kỷ hợi (1959)
(129) Cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền là nhân vật chủ chốt của hội Phật Học Nam Việt, và thiền sư Trí Quang là nhân vật chủ chốt của hội Việt Nam Phật Học.
(130) Phật Giáo Việt Nam, số 1 ra mắt ngày trăng tròn tháng Tám năm Bính Thân (1956)
(131) Xem bài Hướng Đi Của Người phật tử Việt Nam. Phật Giáo Việt Nam, số 1, ra ngày trăng tròn tháng Tám năm Bính thân, (1956)
(132) Xem bài Hướng Đi Của Văn Hóa. Phật Giáo Việt Nam số 2, 1956.
(133) Dã Thảo: Phật Giáo Với Tinh Thần Dân Chủ. Phật Giáo Việt Nam, số 3, 1956.
(134) Đọc bài Sự Nghiệp Của Phật giáo Trong Triều Lý của Thạc Đức trong Phật Giáo Việt Nam, số 1 năm Bính thân, 1956.
(135) Vị thiền sư dầu tiên đem thiền học tới Việt Nam là Dharmadeva (Pháp Thiên) thầy của thiền sư Huệ Thắng. Ông đến Giao Châu vào khoảng giưa thế kỷ thứ năm (xem Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Tập I, trang 100) và có lẽ trước chuyến đi của Bồ Đề Đạt Ma sang nước Lương.
(136) Minh Hạnh: Giáo Lý Của pgnv. Phật Giáo Việt Nam, số 11 năm Đinh dậu, 1957.
(137) Phật Giáo Việt Nam, số 12 năm Đinh dậu, 1957.
(138) Dã Thảo: Vấn Đề Đào Tạo Tăng Tài. Phật Giáo Việt Nam số 11, 1957.
(139) Đạo Phật và Nền Hòa Bình Thế Giới. Phật Giáo Việt Nam, số 28, năm Kỷ hợi, 1959.
(140) Bài đã dẫn
(147) Phật Giáo Việt Nam, số 8 năm Đinh dậu, 1957.
(142) Phật Giáo Việt Nam, số 1 năm Bính thân, 1956.
(143) Phật Giáo Việt Nam, số 2 năm Bính thân 1956.
(144) Lễ suy tôn được tổ chức ngày 8.3.1953 tại chùa Ấn Quang, Sài Gòn.
(145) Phật Giáo Việt Nam, số 4, năm Bính thân, 1956.
(146) Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Tập II, có nói sơ lược đến thiền sư Luật Truyền. Nay xin bổ túc thêm. Theo thiền sư Khánh Anh thì thiền sư Luật Truyền họ Trần, sinh ở Cổ Tháp, Hoa Châu, Phúc Kiến, mười tám tuổi đã thôi Nho học theo Phật học. Trong số những sáng tác của ông có: Thiện Ác Quy Cảnh, Xuất Gia Yếu Tập, Tam Bảo Biện Hoặc, Quy Nguyên Sự Nghĩa, Đại Phương Tiện Phật Báo Ân Kinh Chú Giải, Địa Tạng Bổn Nguyện Kinh Chú Giải, Hoằng Giới Đại Học, Giáo Tập Tam Tạng Mục Lục, Giáo Tập Tam Tạng Pháp Sở. Tất cả những tác phẩm này đều bi thiêu hủy trong trận cháy nhà chứa kinh ngay bên chùa Từ Quang núi Đá Trắng
(147) Khánh Hòa, Huệ Quang và Khánh Anh.
(148) Phật học đường này được hai thiền sư Tịnh Đức và Trường Lạc điều khiển từ 1956 đến 1958. Khi thiền sư Tịnh Đức viên tịch, thiền sư Thanh Từ, giảng sư của Giáo Hội Tăng Già Nam Việt được chỉ định thay thế thiền sư Tịnh Đức để giám đốc Phật học đường này.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]