Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương chín: Phật giáo trong thời kỳ cận đại (triều Nguyễn)

03/04/201315:26(Xem: 8430)
Chương chín: Phật giáo trong thời kỳ cận đại (triều Nguyễn)
Việt Nam Phật Giáo Sử Lược

Chương Chín: Phật Giáo Trong Thời Kỳ Cận Đại (Triều Nguyễn)

Thích Mật Thể
Nguồn: Thích Mật Thể

Sau đó, Nam triều có vua Tây Sơn nổi lên chúa Nguyễn bị mất quyền. Trong mấy năm trời việc chính trị trong nước bị rối ren, ngoài Bắc chúa Trịnh cũng không giữ ngôi cho nhà Lê được nữa. Vua Chiêu Thống phải chạy sang Trung Hoa, vua Tây Sơn thống nhất thiên hạ.

Không bao lâu, chúa Nguyễn Phúc Anh mượn quân Pháp về diệt được Tây Sơn và lập nên nhà Nguyễn nhất thống, lấy niên hiệu là Gia Long.

Từ lúc vận nước thay đổi, Phật giáo cũng bắt đầu đình đốn và lần đến suy đồi, vì bị trải qua một trận chiến tranh với Tây Sơn, chùa chiền bị phá hủy, Tăng chúng loạn lạc, nên dù sau khi đã bình định, cũng chỉ còn lại những cảnh tượng sơ sài mà thôi. Từ đây trở đi trong lịch sử không thấy chép gì để căn cứ một giai đoạn vẻ vang cho lịch sử Phật giáo nữa. Dưới đây là những việc của nhà vua đối với Phật giáo:

Niên hiệu Gia Long năm Ất Hợi (1815), vua sắc sửa lại chùa Thiên Mụ và triệu ngài Mật Hoằng vào kinh cấp bằng Tăng Cang. (Ngài người Bình Định, sau khi xuất gia, lưu ngụ các miền trong tỉnh Gia Định. Sau ngài có Trú trì ở chùa Quốc Ân-một người rất có công lớn ở chùa Quốc Ân).

Năm Minh Mệnh thứ bảy (1826), sắc lập lại chùa Thánh Duyên (nguyên chùa Thánh Duyên dựng vào đời Nguyễn Chúa Nguyễn Phúc Chu, sau truy tôn Hiển Tôn Hiếu Minh Hoàng Đế (1691 - 1725), sau bị Tây sơn phá hủy (chùa ở gần cửa bể Tư Hiền, Thừa Thiên). Năm thứ II (1822) vua sắc các nhà sư ở ngoại tỉnh đến kinh, do bộ Lễ xét rồi ban cấp Độ điệp.

Năm Giáp Thìn niên hiệu Thiệu Trị thứ tư (1844) vua vâng di chúc của đức Minh Mạng, sắc xây ở chùaThiên Mụ một ngôi tháp lớn 7 tầng gọi là Từ Nhơn tháp, năm sau đổi lại là Phước Duyên bảo tháp. Cũng trong niên hiệu ấy, vua sắc lập chùa Diệu Đế (chỗ này nguyên xưa là một khuôn vườn của một người về dòng Thích-lý, tương truyền sau là phủ ngài ở, sau khi lên ngôi ngài đổi phủ làm chùa). Niên hiệu Tự Đức thứ ba (1849), nghị chuẩn các quan tự (chùa công) như Thiên Mụ, Giác Hoàng.v.v... mỗi nơi đều phải có Tăng Cang một ngài để chỉ huy Tăng chúng, trông nom chùa, đều có lương bổng chi cấp. Năm thứ bảy (1853) tháng 12, vua sắc cấp công điền cho các chùa tại kinh như: Thiên Mụ, Diệu Đế, Thánh Duyên, Linh Hựu, Long Quang, và các chùa ngoài kinh như Tam Thai, Ứng Châu (QuảngNam), Khai Tường (Gia Định).

Ngoài ra các khoản sắc về cúng lễ như rằm Trung thu, Thánh Thọ, Vạn Thọ v.v. . . rất nhiều.

CÁC VỊ DANH TĂNG TRIỀU NGUYỂN

Phổ Tịnh Hoà thượng:Ngài húy là Đạo Minh thụy Viên Nhất, người Quảng Nam. Niên hiệu Gia Long thứ bảy (1898) vâng sắc lệnh bà Hiếu Khương Hoàng Thái hậu Trú trì ở chùa Thiên Thọ (tức Báo Quốc bây giờ). Ngài tịch vào năm Gia Long thứ 15 (1816).

An Thuyền Đại sư:Không rõ ngài tên họ là gì, chỉ biết ngài ở chùa Đại Giác Bồ Sơn (thuộc tỉnh Bắc Ninh), ngài tu hành tinh tấn, học hạnh kiêm toàn. Vào khoảng niên hiệu Minh Mệnh thứ 6 đến thứ 9 (1825 -1828), ngài có làm bộ sách "Đạo Giáo nguyên lựu" ba quyển, được lưu hành.

Nhất Điện Hòa thượng:Ngài húy Tánh Thiên người Quảng Trị. Ngài đồng niên xuất gia thế độ với Hòa thượng Phổ Tịnh, thọ giới với Hòa thượng Mật Hoằng. Năm Minh Mệnh thứ 14 (1833), ngài sung chức Trú trì chùa Linh Hựu, ngài cố từ không được; năm thứ 20 ngài lại được sắc thăng chức Tăng Cáng chùa Giác Hoàng. Niên hiệu Thiệu Trị thứ ba (1843), ngài xin phép từ chức dưỡng lão, ngài có đắc ý hai câu :

Hạnh phùng tấu đắc nhưng hồi lão,
Nhất bát cô thân vạn lý du.
(Già rồi, may được vua thương,
Một thân, một bát, rộng đường vân du.)
(Nguyễn Lang dịch, sđd, tr. 697).

Sau ngài có làm am An Dưỡng để ở (sau khi ngài tịch, Thái Giám viện dựng chùa gọi là Từ Hiếu, tức Từ Hiếu bây giờ). Ngài tịch vào năm Thiệu Trị thứ bảy (1847), thọ 64 tuổi.

Diệu Giác Hòa thượng:Ngài họ Đỗ, húy Hải Thuận, người làng Bích Khê (Quảng Trị), 13 tuổi vào chùa Báo Quốc, 20 tuổi thế độ thọ giới với ngài Bản Giác Hòa thượng. Năm Minh Mệnh thứ 16 (1835), được ban cấp Giới đạo Độ điệp, và được ngài Nhất Điện truyền pháp cho. Ngài đã có làm Trú trì, Tăng Cang chùa Diệu Đế, đứng trùng tu chùa Huệ Lâm, chùa Báo Quốc và chùa Kim Tiên. Năm Thành Thái thứ 6 (1895), ngài mở Đại Giới đàn ở chùa Báo Quốc. Đến năm sau thì ngài tịch, thọ 91 tuổi. Đệ tử đắc pháp của ngài là ngài Tâm Quảng, Tâm Thể, Tâm Truyền, Tâm Tịnh v.v . . .

Giác Ngộ Hòa thượng:Ngài tự hiệu là Sơn Nhân, người tỉnh Gia Định. Nguyên trước đi làm việc quan đập đá xây thành; một hôm phá trong viên đá thấy một tượng Phật, ngài liền xin thôi việc, mang tượng vào rừng không giao thiệp với người đời nữa và không ai biết đi đâu. Được ít lâu, người tỉnh Phú Yên thoạt thấy Sơn Nhân ở trong chùa hang xóm núi. Xóm ấy có nhiều cọp, người trong xóm lập chùa mà không dám đến lễ. Lúc thấy Sơn Nhân ở đó ai cũng thất kinh, hỏi ngài sao không sợ cọp ?

Ngài đáp: Cọp mặc cọp, mình mặc mình, cần gì mà sợ ?

Người thường ăn rau cỏ không dùng gạo cơm. Một khi có dịch khí nổi lên ở các nơi người chết rất nhiều, người trong xóm xin ngài cầu đảo cho nên được yên. Họ đem việc ấy trình quan. Vừa lúc ấy quan Tuần trong tỉnh có người con đau bụng, thầy thuốc chữa không khỏi. Quan liền khiến hai viên đội đi mời Sơn Nhân. Ngài hỏi :

- Tỉnh ở ngã nào ?

Họ chỉ về hướng đông. Ngài bảo họ đi trước. Hai viên đội cưỡi ngựa về tỉnh thì đã thấy ngài đến rồi. Quan mời ngài vào thăm bệnh cho con, ngài liền đọc một câu chú, thình lình nghe một tiếng sạt, và thấy như một cái bóng tấm lụa từ trong buồng vụt ra, tức thì con quan lành bệnh. Quan tỉnh đem việc ấy tâu về triều; vua Minh Mệnh sắc triệu ngài về nội, hỏi việc đầu đuôi, vua thưởng rất hậu, ngài đều từ tạ không lấy. Vua khen rằng :

- Người xưa có nói :

Thuần nhất bất tạp là « Hòa »,
Vạn loại xưng tôn là « Thượng ».

Sơn Nhân thật đúng hai chữ ấy.

Liền ban hiệu là Sơn Nhân Hòa thượng. Lại sắc các vị Hòa thượng các chùa phải đổi hiệu Tăng Cang, để tỏ rằng còn thua Hòa thượng một bậc (từ đó danh hiệu Hòa thượng mới là danh hiệu đặc biệt, ít người được nhậm chức đó).

Sơn Nhân mặc quần áo toàn bằng vỏ cây, lấy hai miếng gỗ làm guốc mà đi mau lắm. Vua sắc ngài ở chùa Giác Hoàng, nhưng được một tháng ngài tâu xin về núi : sau không biết ngài đi đâu.

Ngoài ra còn thấy sử chép mấy vị Thiền sư nữa, như : Liễu Tánh Thiền sư, Phước Chỉ Hòa thượng, Giác Minh Hòa thượng, Tống Thị Ni cô đều là những bậc tu hành đắc đạo.

Xét về những điều kiện tín ngưỡng của các nhà vua và những bậc tu hành tuy các ngài vẫn tu hành đạo đức - như trên đã kể, ta có thể biết ngay Phật giáo về đời triều Nguyễn này đã sơ sài lắm.

Trải các triều vua, nhất là triều vua Thiệu Trị, ngài là một ông vua hết lòng sùng phụng và rất sốt sắng với đạo Phật. Những sự nghiệp xây dựng cho Phật giáo về thời này, ngài là người đáng cho ta chép vào lịch sử hơn hết. Nhưng thật ra Phật giáo về thời này đã kém lắm rồi, nên dù các triều vua vẫn tín ngưỡng sùng phụng, làm chùa đúc tượng mà tinh thần Phật giáo vẫn suy.

Đến đây, từ trên vua quan cho đến thứ dân, ai ai cũng an trí đạo Phật là ở sự cúng cấp cầu đảo chứ không biết gì khác nữa. Và phần đông họ chỉ trọng ông thầy ở chỗ danh vọng chức tước, mặc dù ông thầy ấy thiếu học thiếu tu. Bởi tệ hại ấy, làm cho Tăng đồ trong nước lần lần sa vào con đường trụy lạc cờ bạc rượu chè, đắm trước thanh, sắc.. Tuy vậy, ở miền Trung ương Bắc kỳ về kỷ luật Tăng-già bề ngoài còn giữ được nghiêm chỉnh đôi chút, chứ như Trung kỳ phần nhiều thì họ đã có vợ có con một cách công nhiên, không còn áy náy, nhất là Nam kỳ ông thầy, bà vải lại càng hỗn độn hơn nữa. Cũng vì tình trạng ấy mà tạo nên hại lớn ngày nay, đến nỗi gần 15 năm lại đây, hiện tượng suy đồi ấy càng biểu diễn đến chỗ đồi bại; phần đông Tăng đồ chỉ nghĩ đến danh vọng, chức tước : xin bằng Tăng Cang, Trú trì, Sắc tứ .v.v.. một phương diện khác thì chỉ biết cúng cấp, cầu đảo, phù chú (phù chú đã thành phù thủy hóa) làm tay sai cho các nhà vua chúa, quan quyền, phú hộ, thay vì họ cầu đảo cúng cấp để làm kế sinh nhai, hoặc phải chăm việc đồng áng có thể nuôi sống hằng ngày; còn một hạng nữa chỉ giữ mình cho được thanh nhàn, ăn chơi tiêu khiển bảo là giải thoát ...Ôi ! Tinh thần Phật giáo đến đây hầu đã tuyệt diệt ?

Bởi vậy các cảnh chùa trong nước đã thành những cảnh gia đình riêng, không còn gì là tính cách đoàn thể của một tôn giáo nữa. Họ sống trong Phật giáo hầu hết chỉ còn dốt và quên! Quên để khỏi phải biết đến bổn phận - bổn phận chơi chánh của một Tăng đồ!

Ở trong Tăng đồ thì như vậy, ở ngoài tín đồ cư sĩ thì cũng ngơ ngác ù òa, tin bướng theo càn, ít ai là người hiểu đạo lý.

Trong Lịch sử Phật giáo Việt Nam, ta có thể đánh vào đây một dấu than (!) rất to tướng[1]




CHÚ THÍCH
[1] Có người bảo : Phật giáo về thời này bị suy đồi là bởi thế lực truyền bá của đạo Thiên Chúa. Nhưng theo ý muốn tôi thì không phải: chỉ là tại nhơn tâm của thời đại mạt pháp mà thôi, khiến cho trong Phật giáo thiếu những bậc tu hành nhơn chánh, đến nỗi đạo pháp phải suy đồi.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]