Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương bảy : Phật giáo đời Hậu Lê (1428 - 1527)

03/04/201315:08(Xem: 9350)
Chương bảy : Phật giáo đời Hậu Lê (1428 - 1527)
Việt Nam Phật Giáo Sử Lược

Chương Bảy : Phật Giáo Đời Hậu Lê (1428 - 1527)

Thích Mật Thể
Nguồn: Thích Mật Thể

Nhà Hậu Lê kể từ vua Thái Tổ cho đến vua Cung Hoàng cọng được 10 đời, trị vì trong 100 năm chẳn. Trong 10 đời vua ấy, vua Thái Tổ thì không chỉ có vua Thánh Tôn và Thái Tôn lớn tuổi mới lên làm vua, còn thì vua nào cũng có ít tuổi cả. Nên trải những triều vua ấy, vua thì bị quyền thần lung lạc, vua thì lớn lên sinh kiêu xa, dâm ác, khiến nước nhà không mấy lúc được yên.

Phật giáo cũng vì thế mà không hưng khởi lên được nữa. Nhất là hồi trước quan nhà Minh đã tịch thu hết kinh điển, nên dù có những bậc mộ đạo đến đâu cũng không lấy gì mà nghiên cứu. Bởi thế, các Tăng đồ lúc ấy, nhân lúc dân nước được tự lập, tự trị, dù có cố duy trì lấy đạo Phật thì chẳng qua cũng là một sự tín ngưỡng theo hình thức thời.

Thời này Nho học đã thật làm bá chủ cho văn hóa, các sĩ phu xô nhau vào khoa cử, miệt mài trong tư tưởng Tống nho, triết lý nhà Phật không làm danh làm lợi cho ai, tất bị bỏ quên.

Việc tu đạo đối với hạng ít học chỉ thành một kế quyền nghi theo hình thức, với hạng sĩ phu thì chỉ là một chỗ để người nào lận đận công danh, chán nản cuộc thế,bất bình với thói đời, nghĩa là chỉ những người yếm thế mới tìm đến để tiêu giao ngày tháng, mượn cảnh chùa am, tiếng chuông câu kệ mà dứt bỏ cuộc đời bên ngoài thôi; chớ không phải là mến hiểu giáo lý của Phật mà tu hành, và ngộ đạo, rồi lại đem đạo lý ra mà giác ngộ cho kẻ khác.

Bởi vậy, trong đời Hậu Lê có thể gọi là “thời đại Phật giáo suy đồi”

Hãy xem sử chép những việc đối với Phật giáo của đời Hậu Lê :

Năm Thuận Thiên thứ 2 (1429 - Lê Thái Tổ) mở một kỳ khảo hạch Tăng đạo. Người nào trúng tuyển thì được ở chùa tu hành, người nào hỏng thì phải hoàn tục.

(Việc ấy càng tỏ ra trong số Tăng đồ đầu đời Hậu Lê phần nhiều là hạng ít học, tu hành là chỉ theo hình thức không hiểu đạo gốc nữa. Vả có kinh điển đến đâu mà nghiên cứu. Triều đình dù có hòa với nhà Minh nhưng cũng không có ý ủng hộ Phật giáo, thì ai nghĩ đến sự cầu kinh).

Năm Thiện Bình thứ nhất (1434 - Lê Thái Tôn), trời đại hạn, vua sắc rước tượng Phật ở chùa Pháp Vân về kinh làm lễ cầu mưa.

(Càng tỏ ra từ vua đến dân đã yên trí Phật là “phép thần thông” như một vị thần của Lạt Ma giáo hay Phù chú giáo).

Năm sau vua Thái Tôn sắc đúc tượng bà Thái Hoàng Thái hậu (bà nội vua Thái Tổ). Khi đúc xong, mời Huệ Hồng Thiền sư vào làm lễ điểm nhãn.

(Thiền sư đã nghiễm nhiên một thầy phù thủy ở chùa, đọc kinh Phật làm sư).

Niên hiệu Thái Hòa thứ bảy (1449 - Nhân Tôn), trời đại hạn, vua sắc bộ lễ làm đảo vũ ở chùa Báo Ân. Lại sắc rước tượng Phật ở chùa Pháp Vân về chùa Báo Thiên mời các Tăng sĩ đến tụng kinh. Bà Hoàng Thái hậu ra đứng chủ lễ.

(Phật hiển nhiên đã thành một vị tượng thần cho dân Việt Nam tín ngưỡng).

Năm Quang Thuận nguyên niên (1460 – Lê Thánh Tôn), sắc cấm các Tăng đạo không được qua lại với nhân dân trong thành. Năm sau sắc cấm dân gian không được làm thêm chùa; vì nhân dân lúc ấy quá sùng tín đạo Phật, trong một năm làm không biết bao nhiêu là chùa, nên mới có lệnh ấy.

(Sùng tín mà đến nỗi Tăng đồ bị cấm không được giao thiệp với dân và trong đời không có thêm được một vị Cao Tăng, thì quả là tinh thần đạo Phật đã tuyệt diệt. Sự ngăn cấm này phải chăng là vua sợ món tín ngưỡng hình thức rộn ràng ấy sẽ nguy hại cho dân chúng, hay chỉ là nghe lời dèm siễm thiên vị của các ngoại đạo khác?)

Xét những điều kể trên, ta đủ biết Phật giáo trong khoảng đời Hậu Lê này, chỉ còn là sự cúng cấp cầu đảo, và Tăng đồ đã thành những tay sai đáng thương hại của vua quan hoặc các nhà có tiền khi tự cầu tài mặc dù bề ngoài như tuồng họ vẫn tôn kính.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]