Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Vài nét về Thiền sư Thích Mật Thể

03/04/201314:10(Xem: 9938)
Vài nét về Thiền sư Thích Mật Thể
Việt Nam Phật Giáo Sử Lược

Vài nét về Thiền sư Thích Mật Thể (1913 - 1961)[2]

Thích Mật Thể
Nguồn: Thích Mật Thể

Thiền sư tên thật là Nguyễn Hữu Kế, sanh năm 1912 ở làng Nguyệt Biểu, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên, thành phố Huế.

Chánh quán huyện Tống Sơn, Gia miêu ngoại trang, tỉnh Thanh Hóa, dòng Thích Lý của cụ Nguyễn Hữu Bộ.
Lúc nhỏ theo học Nho giáo và Quốc ngữ chương trình Pháp Việt. Thiền sư đã đỗ Primaire. Người thông minh, lanh lợi.

Gia đình đều qui hướng theo Phật. Cụ thân sinh và người anh ruột cũng đều xuất gia làm đệ tử chốn Thiền lâm.
Lên 12 tuổi, Thiền sư được thân sanh đem về chùa Diệu Hỷ (Huế) cho tu học. Hằng ngày cần mẫn học tập. Bản chất thông minh nên chả mấy chốc tiếp thu một cách mau chóng Kinh Luật căn bản của Phật giáo.

Lên 16 tuổi Thiền sư nhập chúng ở chùa Từ Quang với Hòa thượng Giác Bổn. Nhận thấy Thiền sư là người xuất sắc, đảm đang, nên cho vào tu học ở chùa Trúc Lâm với Hòa thượng Giác Tiên. Khi vào đây như cá gặp nước, rồng gặp mây, Thiền sư lại được gần Thầy gần bạn, học hỏi chuyên cần nên trí huệ mau chóng phát triển.

Năm lên 18 tuổi, Thiền sư được Hòa thượng Giác Tiên thế độ và cho thọ Sa-di giới với Pháp danh Tâm Nhứt, Pháp tự là Mật Thể.

Năm 1932, Hoà thượng Giác Tiên thỉnh đại lão Hòa thượng Phước Huệ chùa Thập Tháp tỉnh Bình Định ra khai giảng Phật học đường ở chùa Trúc Lâm và Tây Thiên, Thiền sư được đặc cách cho theo học lớp này.

Năm 1935, Hòa thượng Bổn sư viên tịch. Năm 1937 Hòa thượng Thập Tháp vì tuổi già không thể dạy tiếp nên trở về Tổ đình Thập Tháp ở Bình Định an nghỉ. Thiền sư xin với Sư huynh sang Trung Quốc nghiên cứu về Phật học ở Viện Phật học Tiêu Sơn do Hòa thượng Tinh Nghiêm làm Trú trì.

Cuộc chiến tranh Hoa-nhật bùng nổ, năm 1938 Thiền sư trở về Việt Nam làm Giảng sư cho Sơn môn Phật học và An Nam Phật học Hội. Trong thời gian này Thiền sư trước tác quyển Việt Nam Phật giáo Sử lược. Ngoài ra còn dịch tiếp quyển Phật giáo Khái luận, Phật học dị giải và kinh Đại thừa vô lượng nghĩa.

Năm 1941, Thiền sư nhận làm giáo thọ cho Phật học đường Lưỡng Xuyên tại Trà Vinh được một năm rồi trở ra Huế.

Đến năm 1944, Thiền sư thọ Cụ túc giới ở Giới đàn tại chùa Thuyền Tôn do Hoà thượng Giác Nhiên làm Đàn đầu.
Trong Giới đàn này Thiền sư đứng đầu các giới tử và được công nhận là Thủ Sa-di.

Năm 1945, Thiền sư được Sơn môn cử giữ chức Trú trì chùa Phổ Quang ở cố đô Huế. Những văn nhân nghệ sĩ tên tuổi thời bấy giờ như cụ Trần Văn Giáp, Phạm Quỳnh, Khái Hưng . . . đều đặn đến chùa Phổ Quang đàm đạo với Thiền sư.

Năm 1946, Thiền sư tham gia Phong trào Phật giáo cứu quốc khi Chính phủ Lâm thời tổ chức Tổng tuyển cử, Thiền sư được đề cử ra ứng cử đơn vị Thừa Thiên và đắc cử Đại biểu Quốc Hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cũng năm 1946 này, Thiền sư được mời làm Chủ tịch ủy ban Phật giáo Cứu quốc tỉnh Thừa Thiên. Trong những năm sơ tán, Thiền sư về ở Nghệ An và viên tịch tại đây.

Thiền sư trụ thế 49 năm, thị tịch năm 1961 tại Nghệ An. Những tác phẩm của Thiền sư đã xuất bản từ năm 1941-1957 gồm có :
  • Phật giáo yếu lược.
  • Phật giáo khái luận.
  • Cải tổ sơn môn.
  • Xuân đạo lý.
  • Đại thừa Vô lượng nghĩa.
  • Việt Nam Phật giáo sử lược.

Trong thời gian ở Nghệ An, Thiền sư đã phiên dịch và trước tác Kinh Luật Luận rất nhiều, nhưng hiện nay đã thất lạc vì chiến tranh. Tháp của Thiền sư hiện đã được cải táng ở chùa Trúc Lâm - Huế.


Lời nói đầu

Đứng về phương diện tuyệt đối mà nói, chân lý vốn không có thời gian và không gian. Thời gian và không gian đã không, thì, trên cõi đời này có cái gì đáng gọi là lịch sử và ai là nguội chép lịch sử ? Xưa đức Phật tổ qua 49 năm thuyết pháp giáo hóa, khi gần nhập Niết-bàn, Ngài muốn khai thị cho chúng biết đạo lý "bất nhị pháp môn", Ngài dạy: Ta xưa nay chưa từng nói một chữ[3]

Huyền diệu thay ! Câu nói tuy rất vắn tắt, đơn sơ mà bao hàm biệt bao ý nghĩa. Vì sao ? Với chân lý tuyệt đối bản thể "pháp giới thanh tịnh tâm " thì văn tự hay ngữ ngôn đều là thừa cả.

Đành vậy, nhưng cuộc đời này là tương đối. Trăm ngàn hiện tượng phô diễn trước mặt, người ta không thể cùng nhau bảo là không được. Toàn thể nhân loại chúng sinh đã mê lầm, nhận vạn hữu trong vũ trụ cho là thật có, nên đã manh tâm tranh dành kiến thiết, để mưu cầu sự tiến hóa hạnh phúc. Nhưng trái lại, chỉ cùng nhau quay cuồng hụp lặn trong biển khổ ! Nỗi nguy hại của lịch sử đã biểu diễn ra rành rành, sao người ta không chịu xóa nhòa nó đi, để mọi người được sống trong cảnh giới hòa đồng, không còn phân chia văn hóa, chủng tộc của mỗi địa giới ? Nói vậy, không phải tôi bi quan, phủ nhận sự tiến hóa hiện thời của nhân loại. Nhưng tiến hóa bằng cách nào chứ ? Nếu tiến hóa mà buộc nhân loại mãi rước lấy sự chém giết lẫn nhau, thì khốc hại biết chừng nào ?

Mục đích và tinh thần Phật giáo vốn dắt dẫn mọi người đạt đến chân lý tuyệt đối. Và, chúng tôi bao giờ cũng thể theo tâm "Vô tướng" của chư Phật, chân lý tuyệt đối của "pháp giới" mà tu trì; ngoài ra không dám manh tâm tranh dành một địa vị hay một thiên lịch sứ gì cho Phật giáo hay cho cá nhân ở trong xã hội nhân loại này. Chẳng qua với giữa hoàn cảnh người người đều xem trong lịch sử, suy tầm lịch sử, mà Phật giáo lại là nền giáo lý vốn sẵn phương tiện tùy duyên khai hóa, đủ có pháp này pháp kia cho hết thảy mọi người biết mà tu học.

Vậy Phật giáo đã là một hiện tượng trên thế giới, nói hẹp là một tôn giáo đã truyền vào nước Việt Nam này, lẽ nào lại không có một lịch sử truyền bá ?

*
Kể Phật giáo từ khi truyền vào đất Việt Nam ta đến nay đã gồm có cái lịch sử gần 2.000 năm. Qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê không phải là không thạnh và, Phật giáo không bổ ích cho thế đạo nhơn tâm. Các vị Tổ sư, các bậc Cao Tăng xưa như ngài Pháp Hiền Thiền sư, Khuông Việt thái sư, Vạn Hạnh Thiền sư, Cảm Thành Thiền sư và Trúc Lâm tam tổ v.v... đã từng đem chỗ tu học hoằng pháp của mình mà mở mang nền đạo đức văn hóa cho nước nhà không phải là ít.

Thế mà trừ một ít tài liệu chép rải rác trong các sách sử và một đôi quyển Ngữ lục gia phổ ở các chùa, thì không còn có một quyển sách nào cụ thể đáng gọi là một quyển lịch sử có tổ chức để làm gương soi chung cho người sau, noi theo đó biết được điều hay cần bắt chước, điều dở phải tránh xa, đặng giúp về sự xét đoán trên bước đường tu học hoằng pháp. (Nói thế chứ tôi đâu dám chỉ trích gì cổ nhân. Không, tôi biết lắm ! - 1. Người xưa tánh tình thuần phác, vả lại nền kinh tế kỹ nghệ[4] chưa được phát triển mấy, nên người học đạo (Phật hay Nho cũng vậy) cột để tu tâm dưỡng tánh, chứ đâu phải để chuyên về mặt văn hóa trước thuật. Vì vậy, không những riêng về Phật giáo thiếu quan niệm lịch sử mà cho đen thế gian các bậc tiền bối ta cũng thiếu hẳn quan niệm ấy. Huống nữa Phật giáo là một tôn giáo chứa đầy tư tưởng "vô tướng". Người hành đạo dù có làm việc gì to lớn đến đâu cũng không cần ai biệt và chẳng lưu tâm biên chép điều đó để lại làm gì. 2. Nước Việt Nam ta là một nước nhỏ ở gần một nước lớn - Trung Hoa, ngót 1000 năm nội thuộc, hết thảy văn hóa, giáo dục đều phải học đòi theo những sách vở mà họ chở qua cho ta đọc còn không hết, có thì giờ đâu mà nghĩ đến việc trước tác. Vả dù có nghĩ đến việc trước tác thì, viết chữ Hán chi bằng đọc sách họ là hơn, mà nếu viết bằng tiếng nước nhà thì chữ Nôm ta thời ấy còn cho là nôm na, không có giá trị, chi bằng thôi là xong. Những khuyết điểm ấy ta phải nhận là một công lệ của thời đại trước. Mà thật ra người đương thời đó cũng không lấy thế cho là khuyết điểm).

Ngày nay nhơn phong trào học thuật tiến bộ, tư tưởng người ta đã quan niệm nhiều về lịch sử. Riêng về Phật giáo phần đông người học Phật cũng muốn biết đến tung tích nền Phật giáo của nước nhà mình thế nào ... Vẫn biết học đạo chỉ tìm thấy con đường về là được cần gì phải hỏi đến Tổ tông[5] . Nhưng thiết nghĩ, nếu biết được Tổ tông thì lại có hại gì ? Vả lại bước đầu nếu không biết Tổ tông thì nương vào đâu mà tìm thấy được con đường về.

Vì thiên kiến, muốn thích ứng với nhu cầu của thời đại, bổ khuyết vào chỗ khuyết hám trên nền Lịch sử Phật giáo nước nhà, quyển Việt Nam Phật giáo sử lược này ra đời. Nói lại lần nữa, bản ý chúng tôi không vì xua đùa theo danh lợi, hay phô trương cái hay cái giỏi trong Phật giáo, mà chỉ một lòng vì văn hóa học thuật, đi với mục đích hoẵng pháp lợi sanh, chỉ mong được làm - dù công việc gì, nhiệm vụ của một Phật tử trong một thời đại.

Những tài liệu chúng tôi dùng viết sách này, về phương diện Phật học phần nhiều căn cứ vào quyển Việt Nam Thuyền uyển tập anh, Thống yêu kế đăng lục, Việt Nam Thuyền tôn thế hệ và quyển Le Bouddhisme An-nam des origines au XIII è siècle của Trần Văn Giáp tiên sanh. Còn về sách ngoài thì có bộ Quốc Triều tiền biên. Chánh biên, lịch sử nhân vật chí, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Đại Việt ký, Đại Nam nhất thống chí, Việt Nam sử lược v.v… Tóm lại những sách vở hoặc báo chí gì đã dùng làm tài liệu để kê cứu trong khi việt sách này, chúng tôi đều có kê vào mục sách tham khảo rõ ràng để tiện độc giả khi muôn xét lại điều gì. Tiếc vì không gian quyển sách này có hạn và mọi phiền tạp trong sự biên tập nên chúng tôi không thể đánh dấu hết sơ xuất của mỗi chỗ được. Điều đó, tưởng độc giả cũng xét biết mà lượng thứ cho.

Nội dung sách này chia làm hai phần : Tự luận và Lịch sử. Phần Tự luận chia làm bốn chương. Trước hết thuật qua lược sử đức Thủy tổ Phật giáo và tình hình duyên cách Phật giáo ở ấn Độ, rồi đến Phật giáo ở Trung Hoa; địa thế nước Việt Nam, nguồn gốc và tinh thần người Việt Nam v.v... Về phần Lịch sử chia làm mười chương. Bắt đầu khảo xét Phật giáo từ khi mới du nhập, lần lượt qua các triều đại cho đến hiện đại.

Trong khoảng thời gian gần 2000 năm, sự bố giáo của liệt vị Tổ sư ra thế nào, tình cảnh thạnh suy của Phật giáo qua các triều đại ra thế nào, chúng tôi đều tham hiệp với tình hình chính trị, kinh tế của mỗi thời đại trong nước mà ghi chép rõ ràng kỹ lưỡng. Sau mỗi tôn phái lại có một bản đồ kê về thế hệ cho độc giả tiện bề tham khảo. Chúng tôi không dám tự nghĩ là đã hoàn toàn trong công cuộc khảo xét, nhưng với tài liệu xưa, chúng tôi cố tìm và cố chọn lấy những điều xét thật đáng tin. Chúng tôi không có xa vọng gì hơn là mong sách này nó chỉ là một cuộn đại quan về một thiên lịch sử, phận sự của nó là mở đường cho những cuốn Việt Nam Phật giáo sử sau nầy.

*
Chúng tôi vẫn nhận thấy khảo xét lịch sử là một công việc rất lớn lao, không phải riêng phần cá nhân mà đảm đương nổi. Riêng về Phật giáo, Thượng Chi tiên sanh cũng đã từng than : "Sưu tầm tài liệu để viết quyển Việt Nam Phật giáo sử là một việc rất khó"[6]. Nhưng chúng tôi đã đem hệt nhiệt tâm, nhận lấy một trách nhiệm, trong ba, bốn năm nay với sự yếu đau, với những khi mệt nhọc, chúng tôi vẫn cố gắng quyết đeo đuổi một mục đích : Phụng sự Phật giáo.

Trong sự biên tập cũng nhờ có nhiều thiện hữu tri thức đã giúp cho tôi, hoặc về tài liệu, hoặc biên chép hay cho những đoạn Pháp văn có quan hệ đến Lịch sử Phật giáo. Tiếc rằng không thể ghi hết được, vậy xin các bạn hoan hỷ nhận lấy ở đây, lòng thành thật cảm ơn của tôi.

Và chúng tôi rất trông mong các bậc Đại đức trong các Sơn môn cùng các học giả, cư sĩ trong nước, sau khi quyển sách này ra đời nếu được may mắn nằm trên tay quí ngài, như còn chỗ nào sai lầm khuyết điểm, xin quí ngài vui lòng chỉ giáo lại cho. Chúng tôi rất chân thành cảm tạ.

ĐIỀU NGỰ TỬ MẬT THỂ
Viết ở Trúc Lâm - Huế
Giữa mùa Xuân năm Quí Tị
(Phật lịch : 2506 - Tây lịch : 1943)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]