Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Phật Giáo Sài Gòn Trong Lịch Sử 300 Năm Của TP Hồ Chí Minh

23/04/201318:32(Xem: 13292)
Phật Giáo Sài Gòn Trong Lịch Sử 300 Năm Của TP Hồ Chí Minh
300 Năm Phật Giáo Gia Định, Sàigòn


Phật Giáo Sài Gòn Trong Lịch Sử 300 Năm Của TP Hồ Chí Minh

Cư Sĩ Nguyễn Văn Hàm
Nguồn: Cư Sĩ Nguyễn Văn Hàm


Cách đây 300 năm, năm 1698, chúa Nguyễn lập nên trấn Gia Định, cử Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh trấn nhậm, nên năm nay ta mới có kỷ niệm ba trăm năm Sài Gòn. Dưới mắt các nhà sử học được đào tạo chính quy, từng phải nghiên cứu phương pháp sử học, niên biểu học, quan chế học... thì cụm từ "ba trăm năm Sài Gòn" chưa chỉnh lắm, vì đất Gia Định hồi đó không chỉ gồm có Sài Gòn hiện nay mà cả đất Nam Bộ, và sau đó, cho đến trước Hiệp ước Nhâm Tuất (1862), Gia Định là một trong 6 tỉnh: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường (miền Đông) và Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên (miền Tây). Sài Gòn nay là thành phố Hồ Chí Minh thực chất vẫn là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của cả các tỉnh phía Nam, cho nên khi nói Phật giáo (PG) và 300 năm Sài Gòn thì hàm chứa ý nghĩa PG và 300 năm phát triển của cả Nam Bộ, mang tính chất bất khả phân ly của một vùng đất mới khai phá rộng lớn, đồng bằng sông Đồng Nai và sông Cửu Long. Ba trăm năm nay, PG đã đóng góp gì cho Sài Gòn (tên cũ là Sài Côn), cho đất Nam Bộ, mà ông cha ta, trong cuộc Nam tiến cần mẫn, đầu thế kỷ mười lăm theo chân nàng công chúa quốc sắc thiên hương Huyền Trân "nước non ngàn dặm ra đi" vào đến hai châu Ô và Lý (Quảng Nam-Quảng Ngãi).Sau thời gian ổn định, năm 1558, tiên chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, đã mở mang bờ cõi cho ông bà các dòng họ chúng ta lại từ căn cứ Ngũ Quảng (Bình, Trị, Đức, Nam, Ngãi) mà chân cứng đá mềm tìm kiếm một cách không ngừng nghỉ một bình nguyên mới, đã vào đến đây, nói như lời thơ Huỳnh Văn Nghệ, lời thơ mà các bạn trẻ ở Thành Đoàn đã tặng tôi trong cánh thiếp chúc Xuân 1975 (trước giải phóng).

Cho con núi rộng sông dài
Cho con lưỡi kiếm đã mài nghìn năm.

Ông cha chúng ta từ miền Bắc vào tới miền Trung, rồi lại từ miền Trung vào tới miền Nam. Ông cha ta đi đến đâu thì chùa chiền mọc lên đến đấy, mở mang ruộng rẫy, dạy cho cháu con làm lành tránh dữ.

"Thiền sư bất trảm thảo", nhưng Sư Hồng Ân ở Tân Kiểng bây giờ, ngày xưa từng đánh cọp dữ, bảo vệ dân làng. Đó là một nhà sư không phải chỉ của kinh sách mà còn của đời sống, tha thiết với mối an nguy của chúng sanh. Nông thiền là hình thức sản xuất lúa nước quen thuộc của nhà chùa: chùa Thiên Mụ xã Mỹ Lộc, trùng tên với ngôi đại cổ tự mà tiên chúa đã xây giữa thế kỷ XVII (1621) bên bờ sông Hương, có cả một vùng ruộng lớn từ ba trăm năm trước. Nay, còn dấu tích chỉ cách Sài Gòn non vài chục cây số. Nhưng không phải chỉ có PG làm cho Sài Gòn mà ngược lại, mối quan hệ tương tác chẳng khác nào các hạt cơ bản của nguyên tử trong vật lý lý thuyết, Sài Gòn, miền đất mới cũng mang lại cho PG Việt Nam một sắc thái vô cùng đặc biệt. Đó là PG 300 năm Sài Gòn, PG Nam Bộ. Phật giáo đó có gì lạ?

Nếu PG miền Bắc, trải qua hàng ngàn năm phát triển cùng lúc với chế độ phong kiến trung ương tập quyền, thì dù xưa kia không mang tính thiệp thế, nó vẫn ít nhiều chịu ảnh hưởng cung đình, từ kiến trúc, cách thờ tự cho đến tôn ty trong Tăng giới thì đạo Phật Sài Gòn ba trăm năm là một thứ đạo Phật rất bình dân với những ông đạo Ghe, đạo Dừa, đạo Chuối, ông sư Vãi bán khoai, ẩn tích vào trong cỏ nội hoa ngàn và sẵn sàng xuất hiện cứu dân độ thế như một thảo dã anh hùng rất Nam Bộ. Hay như ông Bụt của nàng Tấm trong cổ tích luôn hiện ra hỏi "vì sao con khóc?" để lúc nào cũng có cách cứu giúp, bố thí thật cụ thể và kịp thời. Đạo Phật Sài Gòn là thứ đạo Phật thật dân dã, nó diễn giảng giáo pháp của Đức Thế Tôn một cách thực dung dị: "Có đạo, mới có gạo nấu". Thiền tông Lâm Tế từ Trung Hoa truyền sang đây đã được Việt hóa cụ thể nhất bằng hình thức quấn chiếc y vàng Nam tông mà kinh kệ thì Bắc tông, lại diễn ra bằng những câu ca dao dễ hiểu, dễ nhớ mà ta có thể lấy phái Khất sĩ của Tổ sư Minh Đăng Quang làm một ví dụ. Cũng thật dễ hiểu khi phái đó cung cấp cho thời đại một vị nữ tu kiên quyết đi theo cách mạng, đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc trước đây: Ni sư Thích nữ Huỳnh Liên. Nếu ta vận dụng Loi des tris états của Auguste Comte vào bối cảnh của ba trăm năm trước thì Sài Gòn bấy giờ đầy cá sấu, hùm, beo, rắn độc, phải có những nhà truyền giáo, đây là những nhà sư, nhân danh Trời Phật hướng đạo thì dân chúng mới đủ sức tin mà dấn thân vào chốn còn hoang vu, luôn bị đe dọa bởi bão lụt, dịch bệnh, sấm sét. Lịch sử đã chứng minh rằng, sự tuyên úy tinh thần đó thật là cần thiết trong bước sơ cơ của những người dân định cư của bất cứ dân tộc nào thời xưa. Ông đạo vừa sống đời, chặt cây làm chiếc am, sạ lúa để có cái ăn, vừa sống đạo, giảng giải đạo lý bằng những lời lẽ mộc mạc quê mùa. Trời Phật qua nhà sư, trở thành chốn nương tựa tinh thần của dân khẩn hoang để họ có thể an tâm cuốc cày, đoàn kết, chịu đựng sơn lam chướng khí, dần dà khắc phục những bất trắc của thời tiết, những thịnh nộ của thiên nhiên, thuần hóa đất đai, thích nghi với thủy tổ, tích trữ lương thực, sinh con đẻ cháu, dưới sự dìu dắt của những nhà sư, dĩ nhiên vị nào cũng có cái học Nho uyên thâm, từng bước chăm lo "thứ chi, phú chi, giáo chi", quá trình tất yếu của các cuộc dinh điền. Có thể giả định là một thế chân vạc, một loại tam đầu chế không cần công cứ mà nảy sinh theo đúng yêu cầu của cuộc sống, bấy giờ đã hình thành.

Quan lại, binh lính triều đình các chúa Nguyễn giữ vững biên cương.

Các tiền và hậu hiền từng địa phương lãnh đạo, đốc thúc dòng họ mình tận lực gia công khẩn đất (Thiên hà ngôn tai nhi tứ thời hành yên, nam nữ cấu tinh nhi vạn vật hóa dục).

Và các nhà sư, trong các ngôi chùa lá ẩn khuất trong từng thôn xóm đóng hoàn hảo vai trò tuyên úy, dìu dắt tinh thần cho từng cộng đồng nông thôn.

Như thế, đến nay đã ba thế kỷ. Trong mỗi giai đoạn lịch sử, PG có cái cách đóng góp riêng của mình, có lúc là hóa giải các dị biệt để dân tộc thống nhất mà chiến thắng xâm lăng như Thiền sư Vạn Hạnh đã giúp Lý Thái Tổ, có lúc một vị về sau trở thành Sơ Tổ Thiền tông nước ta, Trúc Lâm Đầu Đà Trần Nhân Tông đích thân cầm quân đánh giặc. Cái chung nhất cho đạo Phật với dân tộc hơn hai ngàn năm nay, là luôn luôn hiếu hòa, tĩnh lặng, tan vào trong hồn dân tộc, như một cánh cò trắng trên cánh đồng, như một lời ca dao:

Dẫu xây chín đợt phù đồ
Không bằng làm phúc cứu cho một người.

Cho nên tôi chỉ xin nói đến đóng góp của PG Sài Gòn, không đến những ba trăm năm, mà chỉ một phần mười khoảng thời gian ấy thôi, PG Sài Gòn ba mươi năm: 1955-1985, mà tôi đích thân là chứng nhân trước bao tấm gương PG sáng chói, trong đấu tranh cho độc lập, trong phẩm cách cao quý cũng như trong lập ngôn để lại cho mai sau. Trước hết, những người PG Việt Nam trên khắp đất nước phải biết cảm ơn Sài Gòn. Vì chính tại đây, từ những năm 20, hạt giống đầu tiên của phong trào chấn hưng PG đã nảy mầm tại chùa Giác Hải của Thiền sư Từ Phong. Và cũng chỉ có Sài Gòn mới có được một ngôi chùa như Ấn Quang, chẳng những là nơi tiến hành cuộc thống nhất đầu tiên(1) và là trung tâm chống Mỹ-ngụy suốt hai mươi năm (55 - 75) cũng như nòng cốt cho công cuộc vận động cho Giáo hội PG Việt Nam 75 - 81 sau này. Từ thập kỷ 20, chính Sài Gòn đã giúp cho các vị cao tăng như Khánh Hòa, Huệ Quang, Khánh Anh, Trí Thiền, Thiện Chiếu... một tầm nhìn xã hội và tôn giáo mình để dựng lên ngọn cờ đầu cho một phong trào rộng lớn khắp nước mà Trung Kỳ rồi Bắc Kỳ bắt chước làm theo: Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học cùng hai người em của nó, Lưỡng Xuyên và Kiêm Tế, đã tiên phong xuất hiện cho các Hội Phật học An nam và Bắc Kỳ ra đời sau đó. Chẳng những thế, Sư Thiện Chiếu ở chùa Linh Sơn (149 đường Cô Giang, quận 1) có lẽ là nhà sư đầu tiên nghiên cứu chủ nghĩa Mác và gia nhập Đảng Cộng sản, Đảng đã thổi một luồng sinh khí mới vào lòng yêu nước vốn có của những người PG Việt Nam. Sài Gòn khai sáng cho tổ chức, Sài Gòn cung cấp nơi chốn và quần chúng cho tổ chức (quần chúng và chùa Ấn Quang), Sài Gòn của đất lành chim đậu, có thể biến quýt chua thành ngọt, làm xuất hiện những nhà lãnh đạo chơn tu vàâ yêu nước khiến Đạo có thể tròn nhiệm vụ của mình đối với Đời, chỉ nói trong khoảng ba mươi năm thôi đã có cơ man là những tấm gương sáng chói, ta chỉ có thể khái lược qua ba giai đoạn: một từ 1955 đến 1963, hai từ 63 đến 75 và ba, từ 75 đến 85. Hãy xem trong ba mươi năm ấy, thời gian gấp hai lần để nàng Kiều có thể qua bên kia sông Tiền Đường, giã từ bao trôi nổi của số phận mà đạt một cuộc sống thanh thản tu hành, thanh bình của Tam Hợp đạo cô. Sở dĩ PG Sài Gòn có duyên đóng góp vào vận mạng của cả dân tộc trong thời gian cận đại, nét son trong lịch sử Sài Gòn ba trăm năm, vì bấy giờ, Sài Gòn là đầu não của ngụy quyền, các vị Thiền sư và Phật tử Sài Gòn, do duyên nghiệp đã tụ lại đây trong một cuộc đối đầu trực diện với xâm lăng.


A/ Giai đoạn tiền thống nhất (1955-1963)

Ngay sau khi nhận lệnh Mỹ về Việt Nam, hất Bảo Đại, Ngô Đình Diệm quyết tâm tiêu diệt người yêu nước, đề ra "quốc sách tố Cộng", lê máy chém đi khắp nơi, lập ấp chiến lược giam dân chúng mà đa phần là Phật tử trong vòng kềm kẹp. Nhưng những hành vi tàn ác đó không ngăn cản được những người con Phật. Cố Hòa thượng (HT) Thích Thiện Hào ra chiến khu, Thích Minh Nguyệt bị tù đày Côn Đảo, nữ đạo hữu Nguyễn Thị Thanh Quyên luôn nhiều năm trong khám đường Sài Gòn, người con dâu của đ/c Võ Văn Tần đã xuất gia nhưng vẫn dùng chùa mình làm nơi giao liên, tiếp tế thuốc men vũ khí. Đồng thời ở Củ Chi, Bà Điểm, Hóc Môn, và cả Phú Thọ Hòa, sát hang ổ địch vẫn là căn cứ quần chúng, bí mật đào hầm, nuôi giấu cán bộ, đặc công, bộ đội kháng chiến. Chùa Thiên Tôn, đường Trần Hưng Đạo, quận 5, là nơi các đ/c lãnh đạo Thành ủy từng nhiều lần về hội họp chỉ đạo phong trào. Đồng thời, Diệm lợi dụng đạo Công giáo, gán chiêu bài và xúi giục người Công giáo chống Cộng. Bắt người lương và Phật tử phải theo đạo Thiên Chúa thì người PG Sài Gòn đã chống lại: không chịu vào đạo vì bị bắt ép, không nhận rửa tội để ra khỏi trại giam. Hành động thất nhân tâm của Diệm đã bị phản tác dụng: để biểu thị thái độ chống Mỹ-Diệm, những người lương vào PG. Vào PG ở thời điểm đó là một hình thức của lòng yêu nước. Bị đe dọa, bắt bớ - mặc, các chiếc am tranh chùa lá Sài Gòn cứ mọc thêm lên như một thách thức, chống đối Diệm. Khởi đầu là đi lễ chùa, bị bắt bỏ tù. Ra: lại tham gia hội thảo, phát truyền đơn, tuyệt thực, biểu tình. Cuối cùng, liên lạc với cách mạng để hoạt động có tổ chức và bảo đảm thành công hơn. Đấy là con đường mà biết bao người con Sài Gòn đã đến với Đảng, thông qua PG. Tất cả áp bức, khủng bố, dồn nén đó lâu ngày uất tức, đến năm 1963, bùng nổ thành quả bom nguyên tử. Năm ấy, Vĩnh Hội, quận 4, có hỏa hoạn làm hàng ngàn gia đình nghèo khổ lâm cảnh màn trời chiếu đất. HT Hội chủ Thích Tịnh Khiết thông bạch cho các nơi tổ chức Phật Đản đơn giản để dành tiền cứu trợ. Ở Huế, việc treo cờ và loan báo chương trình bị chế độ Diệm ngăn cản, từ đó xảy ra cuộc tuần hành chiều 7-5-63 (14-4 âm) của Phật tử đến Đài Phát thanh, rồi súng, lựu đạn nổ, 8 người chết, 4 bị thương, có 3 em bé nát đầu. Sài Gòn lập tức cầu siêu. Ngày 21-5, hơn một ngàn Tăng Ni Sài Gòn từ chùa Ấn Quang rước vong các nạn nhân về chùa Xá Lợi, trong khi đó gần 400 Tăng Ni khác từ Xá Lợi diễu hành xuống Quốc hội ngang qua chợ Bến Thành. Cũng chỉ với sự trẻ trung và tính năng nổ của một Sài Gòn yêu nước, ngày 25-5, một Ủy ban Liên phái PG ra đời, trực tiếp dàn trận đối đầu với Diệm bằng một bản tuyên ngôn mang chữ ký của hầu hết giáo lãnh các môn phái có mặt tại Hòn ngọc Viễn Đông vào lúc ấy: Tịnh Khiết, Minh Trực, Thiện Hòa, Thanh Thái, Bửu Chơn, Lâm Em, Mai Thọ Truyền, Sơn Thái Nguyên, Nguyễn Văn Hiếu... hàng trăm chùa, hàng ngàn Tăng Ni ở Sài Gòn tổ chức tuyệt thực chống độc tài và đàn áp tôn giáo. Sài Gòn - trung tâm PG đã chuyển mình, thì bốn bề, các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ và miền Trung cũng rừng rực lửa đấu tranh. Ngụy quyền ngăn chặn các cửa ngõ vào thành phố nhưng vô hiệu, bằng đường mòn ngõ tắt, nghe tiếng gọi của Sài Gòn, Phật tử các nơi vẫn đổ về hòa nhịp trái tim mình với nội đô. Rồi từ một ngôi chùa lá nhỏ ở Phú Nhuận, một nhà sư già, ốm đã đến chùa Xá Lợi, điềm tĩnh ra ngã tư Lê Văn Duyệt - Phan Đình Phùng để tự mình biến thành bó đuốc sống cảnh tỉnh Ngô Đình Diệm và cả loài người vô minh. Đó là ngày 11-6-1963, cả thế giới bàng hoàng rúng động, biết đến Sài Gòn, biết đến Việt Nam. Ở thời đại của chúng ta, có ai trở thành Bồ Tát chưa? Nhưng thế giới đã tôn xưng Ngài là Bồ Tát, Ngài đã hóa thân ở Sài Gòn, dù Sài Gòn chỉ mới có ba trăm năm.

Từ đó Sài Gòn lên cơn sốt, suốt một trăm ba chục ngày, ngày nào cũng có tuyệt thực biểu tình. "Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi", đã có một bài hát như thế. Phải, nhất là Sài Gòn PG ba mươi năm đó. Những nữ sinh PG xinh đẹp, tươi thắm mộng đời, đã biết từ bỏ cái quý nhất là mạng sống của mình mà hy sinh cho dân tộc, tất cả đều rất trẻ: Nhất Chi Mai, Quách Thị Trang, Mai Tuyết An. Một Bộ trưỏng Ngoại giao của PG Sài Gòn cạo đầu, một nhà văn Phật tử Sài Gòn dùng độc dược quyên sinh, những người đó ở một nhãn quan chính trị khác có thể bị phê phán, nhưng hành động của các Phật tử đó đã có một thời đánh động đến lương tâm nhân loại và không phải là không có góp phần vào thắng lợi của nhân dân ta vào 30-4-1975.

Sau khi Bồ Tát Thích Quảng Đức tự thiêu, đến 20-8-1963, Sài Gòn có bốn cuộc biểu tình lớn: 19-6 đưa Ngài vào An dưỡng địa Phú Lâm, 10 và 17-7 phẫn nộ kéo đến tư gia Đại sứ Mỹ, 17-7 biểu tình ra chợ Bến Thành rồi về Xá Lợi, tuyệt thực, bị đánh đập, máu me nhuộm đỏ bê bết bao tấm cà sa, lia lên xe nhốt chó rồi mang ra Phú Lâm giam giữ. PG Sài Gòn là tấm gương để cả miền Nam noi theo trong đấu tranh chống Mỹ-Diệm bấy giờ: các Tăng Ni Nguyên Hương ở Phan Thiết, Thanh Tuệ và Tiêu Diêu ở Huế, Diệu Quang ở Ninh Hòa, tự thiêu. Càng đàn áp, phong trào càng lên mạnh, ngoan cố và điên cuồng, ngày 20-8-63, Diệm-Nhu tấn công tất cả các chùa chiền Sài Gòn và miền Nam, Phật tử gọi là ngày Pháp nạn, được ví với thời kỳ tam Võ nhất Chu bên Tàu, hàng vạn Tăng Ni và cư sĩ bị bắt giam. Năm hôm sau, học sinh, sinh viên các trường đại học, trung học, công và tư Sài Gòn nhất tề đứng dậy. Trong một đoàn biểu tình ra chợ Bến Thành hôm ấy, nữ sinh Quách Thị Trang bị bắn chết. Gần như tấm gương Thích Quảng Đức, sự hy sinh của Trang như một phát pháo lệnh làm bùng nổ những cuộc đấu tranh dữ dội của giới trẻ làm rung chuyển Sài Gòn, cả nước và thế giới Á-Phi, khiến Liên hiệp quốc phải cử một phái đoàn đến để điều tra tội ác của Diệm-Nhu. Cuối cùng, Sài Gòn mở đầu bằng ngọn lửa Quảng Đức, cũng khép lại trang khuyết sử bạo quyền bằng bó đuốc Quảng Hương. Hai vị sư, một già một trẻ, cũng từ vùng đất thiêng Sài Gòn thắp lên ánh sáng xua đuổi được đêm tối của vô minh. Tất cả đã dẫn tới việc sụp đổ hoàn toàn chế độ độc tài gia đình trị Ngô, góp phần vào việc phát triển các lực lượng giải phóng miền Nam của Mặt trận Dân tộc Giải phóng (MTDTGP). Đấy, chín năm của giới PG Sài Gòn đóng góp vào lịch sử 300 năm của thành phố (1954-1963).


B/ Mười hai năm PG Sài Gòn chống Thiệu (1963-1975)

Chín năm chống Diệm, PG Sài Gòn vừa nhằm tiêu diệt một chế độ độc tài, vừa mặc nhiên biết rằng mình gián tiếp tiếp sức với MTDTGP miền Nam làm lỏng chân Mỹ-ngụy. Những cuộc đấu tranh cũng mang lại cho PG Sài Gòn bài học về tinh thần đoàn kết. Riêng nội bộ Bắc tông, không thể giữ nguyên trạng sáu tập đoàn, một tăng già, một cư sĩ cho mỗi miền mà có thể làm bất cứ điều gì từ giữ gìn giáo luật, hoằng khai chánh đạo cho tới đào tạo Tăng tài, lập trường học phổ cập đại chúng... huống chi là thống nhất với các môn phái khác như Nam tông, Nguyên thủy, Cổ sơn môn, Lục hòa Tăng... Ủy ban Liên phái ra đời trong thời gian ngắn ngủi tàn canh nhà Ngô có thể xem như một tiền diễn tập cho công cuộc thống nhất. Cho nên, sau khi nhà Ngô đổ, Sài Gòn cũng cầm đầu cho cả miền Nam bấy giờ thực hiện thống nhất PG. Lại một điểm son nữa cho 300 năm thành phố: tại chùa Xá Lợi, ngày 4-1-1964, 11 tập đoàn PG cùng ký tên vào một văn kiện khai sinh Giáo hội Thống nhất. Giáo hội Thống nhất đâu dè rằng, lịch sử của Sài Gòn đã trao vào tay mình một công cuộc cực kỳ khó khăn và gian khổ đến thế. Là suốt mười hai năm sau đó phải đối địch với những kẻ cầm đầu một cuộc chiến tranh quy ước ác liệt nhất thế kỷ, bằng những phương tiện giết người hiện đại nhất, xuất phát từ một quốc gia đệ nhất siêu cường: khi những tà áo nâu sồng, cuộc sống muối dưa đạm bạc qua bữa, những lời kinh từ hòa, và đám tín đồ nghèo khổ chất phác phải hứng chịu hàng triệu tấn bom, phải chết đói, phải làm bia đỡ đạn ngoài chiến trường...

1. Ngay sau khi Diệm bị giết, PG Sài Gòn đã sớm thấy rằng Mỹ chưa từ bỏ ý định xâm lược Việt Nam mà việc họ gật đầu cho các tướng lãnh làm đảo chánh chỉ là để thay ngựa giữa dòng, thiết lập một thứ ngụy quyền khác, một "chính phủ Diệm không có Diệm" theo thuật ngữ thời bấy giờ mà thôi. Cho nên PG chẳng lấy gì làm ngạc nhiên khi Nguyễn Khánh đã bày trò "chỉnh lý" vào ngày 30-1-1964 và kết tội Dương Văn Minh là trung lập. Suốt năm 1964, Ấn Quang phải chật vật đối phó với một là công cụ của quân phiệt tức Hiến chương Vũng Tàu của Nguyễn Khánh và hai là Chính phủ chống cộng cứng rắn Trần Văn Hương. Ngày 16-6-1964, Khánh tuyên bố Hiến chương quân phiệt thì cũng từ đó, Phật tử Sài Gòn bày tỏ ngay thái độ chống đối, biểu tình khắp nơi, Tăng Ni tuyệt thực. Ngày 25-8, học sinh sinh viên kéo nhau ra chợ Bến Thành kỷ niệm một năm ngày Quách Thị Trang hy sinh và đả đảo quân phiệt, độc tài, đông đảo đến nỗi Khánh cũng phải gờm và buộc lòng hoan hô Phật tử, đả đảo chính mình, xé Hiến chương, cạo bộ râu cằm hài hước, hứa từ bỏ bớt quyền hành.

2. Chống Chính phủ Trần Văn Hương : Lại mọc lên tại Sài Gòn một tập đoàn chống cộng, tự xưng là chuyên viên và có tính cách kỳ thị địa phương. Lên ngôi được chỉ 5 ngày, ngày 6-11-1964, học sinh, sinh viên Phật tử các trường Sài Gòn đã mít tinh hội thảo đả đảo Trần Văn Hương. Miền Nam lại sục sôi khí thế đấu tranh chống ngụy quyền. Ngày 22, học sinh trường Hồng Lạc, Chu Văn An dùng gạch đá đánh nhau với cảnh sát, chính quyền phải điều động lính nhảy dù đến đàn áp, ông Hương gọi các Tăng Ni chống đối là "những lưu manh cạo đầu bận áo cà sa toan nướng chả" và đòi đánh đòn các sinh viên học sinh Phật tử. Trong những trận xáp lá cà đó, hàng trăm người bị thương, học sinh Lê Văn Ngọc bị chết, hơn 300 bị bắt, các trường học phải đóng cửa. Ngày 20-11, Đức Tăng thống và các Thượng tọa (TT) Tâm Châu, Thiện Hoa, Trí Quang, Pháp Trí, Hộ Giác, Minh Châu... tuyệt thực phản đối Chính phủ Hương đàn áp Phật giáo. Khắp nơi biểu tình bạo động, sinh viên Phật tử kéo tới Tòa Đại sứ Mỹ đòi quyền dân tộc tự quyết, đốt thư viện Mỹ.

Nhưng cũng phải chờ tới khi nữ Phật tử Đào Thị Yến Phi tự mình biến thành bó đuốc, trước Tết Ất Tỵ mấy hôm, Hương mới đổ.

3. Chống cái gọi là Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia của Thiệu và Chính phủ Bắc tiến Nguyễn Cao Kỳ (1965-1966), Phật giáo chỉ có tấm lòng và bao giờ cũng đứng về phía nhân dân. Con người thể hiện trọn vẹn đường lối ấy là cố Hòa thượng (HT) Thích Thiện Hoa. Sinh thời, ông đã thuyết phục được các vị trong Giáo hội Thống nhất của ông luôn đứng trên lập trường dân tộc. Một phần tư thế kỷ sau ngày ngài viên tịch, hôm nay ta có thể bình tâm thấy rất rõ điều ấy. Ba năm xáo trộn đủ cho những người Mỹ hiếu chiến bấy giờ gây ra vụ tàu Madox mà lấy cớ ném bom miền Bắc rồi đưa quân vào Việt Nam, theo một tài liệu thì tới ngày 30-6-65 lên đến 2.563.861 người! Trước đó, ngày 19-6, Thiệu-Kỳ lên ngôi nguyên thủ và Thủ tướng ngụy quyền. PG Sài Gòn, cụ thể là Giáo hội Thống nhất ngày đó tự cho mình có cái trách nhiệm vì nhân dân cương quyết và cực lực chống xâm lăng và tay sai. Ròng rã trong mười năm liền (1965-1975), chùa Ấn Quang của Sài Gòn là trung tâm chống Mỹ-ngụy, bao che, nuôi giấu cán bộ, trao những chức vụ trong cơ cấu của mình (thành viên Hội đồng Tổng vụ, Vụ trưởng, Tổng Thư ký...) cho một số anh em hoạt động nội thành nắm để bí mật tổ mật tổ chức đoàn ngũ, tiến hành các cuộc đấu tranh chính trị có, võ trang có, theo ba phương châm chiến lược: nông thôn, thành thị và binh vận. Phải mấy ngàn trang tham luận mới kể hết những hoạt động của PG Sài Gòn suốt mười năm ngắn ngủi nhưng đầy hy sinh cao cả đó trong lịch sử 300 năm của thành phố. Viện trưởng Viện Hóa đạo PG Thống nhất, Thầy Thiện Hoa, đã nhiều lần mang chiếc bảng to trước ngực, đòi vào tù thay cho sinh viên để chống đôn quân bắt lính; thầy Trí Thủ, Viện trưởng kế nhiệm và thầy Quảng Độ, Tổng Thư ký, đòi người Mỹ không được tiếp tục can thiệp vào Việt Nam; Thầy Thiện Minh bị CIA ám sát tới què chân và bị Thiệu xử tù hơn mười năm vì nuôi giấu nhiều cán bộ Thành Đoàn; Thầy Trí Quang, "kẻ làm rúng động nước Mỹ", như lời ghi chú trên tấm hình in trên bìa một số báo Times, đã có lần tuyệt thực gần chết chống Thiệu-Kỳ... Cho nên, ở đây ta chỉ có thể nhắc lại một vài sự kiện chính. Lãnh đạo Phật tử nổi dậy đòi dân sinh dân chủ ở Đà Nẵng, Huế, lôi kéo một số lớn hàng sư đoàn quân đội làm binh biến, chiếm chính quyền các cấp và Đài Phát thanh trong nhiều tháng trời. Ngày 31.3.66, nhân giỗ Tổ Hùng Vương, biểu tình ở chợ Bến Thành với các khẩu hiệu: "Down with obstruction. We want independence". T.T Thiện Minh họp báo tuyên báo: "Chống Thiệu-Kỳ đến cùng dầu phải đổ máu". Ra lệnh đóng cửa tất cả các trường học và đàn áp dã man ngày 10.5.1966 thì ngay hôm sau hàng trăm Tăng Ni tuyệt thực ở Viện Hóa đạo, Giáo hội Thống nhất chủ trương không tổ chức Đại lễ Phật Đản Bính Ngọ. Thiệu-Kỳ cho nhảy dù, thủy quân lục chiến ra Đà Nẵng, Huế tấn công chùa chiền và Phật tử, hàng ngàn người chết. Giáo hội Thống nhất đã bằng lập trường đứng về phía nhân dân của mình khiến cho năm viên tướng ngụy (trung tướng Tôn Thất Đính, Nguyễn Chánh Thi, Huỳnh Văn Cao, Thiếu tướng Phan Xuân Nhuận, Nguyễn Văn Chuân) đã phải mềm lòng, sau đó bị phạt trọng cấm và có người bị sa thải. Trong trận đó, ngày 31.5, nữ sinh Nguyễn Thị Vân tự thiêu. Ngày 1.6, T.T Thiện Minh bị ám sát gần chết gần Viện Hóa đạo, sau này trở thành tàn tật suốt đời. Ngày 3.6, Ni cô Bảo Luân tự thiêu ở Viện Hóa đạo; hôm sau, lại một học tăng tự thiêu. Tại trụ sở Thanh niên Phật tử vụ, 294 Công Lý, xuất hiện bandrol: "Đả đảo Mỹ và Thiệu-Kỳ mưu sát TT Thiện Minh". TT Trí Quang tuyệt thực đến gần chết, Đức Tăng thống phải ban giáo chỉ ra lệnh chấm dứát để cùng quí TT khác còn lo Phật sự lâu dài. Giữa hàng giáo phẩm Trung-Nam-Bắc kể trên, cả các TT Thiện Siêu, Trí Tịnh... có một sự đồng tâm nhất trí chặt chẽ, nhờ đó Phật tử Sài Gòn vững lòng tin bước tới. Biểu tình liên tục, đốt xe Mỹ liên miên, Sài Gòn mùa mưa 66 chìm trong nước ngập khói mù, những buổi chiều qua phố người dân không khỏi cám cảnh cho đất nuớc mình tang thương. Tất cả đã làm rung chuyển con tim mọi người và dần dần thôi thúc chính mình hành động mà lần đi theo con đường cách mạng. Nhiều bạn trẻ đã đến với Đảng như thế, bắt đầu là từ những chủ trương chống đối Chính phủ tay sai Mỹ của Giáo hội Thống nhất.

Bàn thờ xuống đường,lại một nữ sinh bị bắn chết, 6 vị TT đến Tòa Đô chính đòi vào tù. Thích Hạnh Tuệ, một Tăng sinh trẻ đầy triển vọng, bị bắt đày đi Côn Đảo và hy sinh tại đấy, cùng mấy ngàn Phật tử bị bắt từ Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng và các nơi khác. Ngày 18.6, Đào Thị Tuyết tự thiêu ; ngày 29, Ni cô Diệu Ngọc và hôm sau đó, nữ Phật tử Hồ Thị Châu, hàng vạn người tiễn đưa đến An dưỡng địa Phú Lâm. Đến nỗi nữ Tiến sĩ người Đức - Barbara - cũng cầm lòng không đậu, bèn tuyệt thực theo, để cầu nguyện cho hòa bình ở Việt Nam. Để có được cái Quốc hội dỏm ở miền Nam, b Sài Gòn năm 66 đã tốn đến ngần ấy máu xương và tâm huyết của bao TT, Đại đức Tăng Ni.

Chống bầu cử gian lận: Không phải Giáo hội thống nhất không biết bản chất của hiếu chiến Mỹ và Thiệu-Kỳ là gian lận, nhưng Giáo hội Thống nhất vẫn chống gian lận để tạo điều kiện cho các thế lực tiến bộ trong nước. 20.3.1967, PG đặt viên đá ở ngã tư Lê Văn Duyệt - Phan Đình Phùng xây tháp thờ Tăng Ni tử đạo. 16.5 khai kinh cầu nguyện hòa bình cho Việt Nam tại chùa Ấn Quang, cũng là ngày Nhất Chi Mai tự thiêu, người con gái "chết mới nói được nên lời". Thiện Hoa, Thiện Minh, Trí Quang, Pháp Tri, Thiện Hòa, Trí Tịnh, Minh Châu... cương quyết loại trừ kẻ theo Mỹ - Thích Tâm Châu - ra khỏi PG và Viện Hóa đạo chính thức dời về Ấn Quang. Ngày 24.9.1967, các TT Thiện Luật, Từ Quang, Huyền Quang, Pháp Tri chống Hiến chương phản động và phủ định việc bầu cử Tổng thống; Ủy ban Thanh niên đấu tranh đòi dân chủ có chỗ dựa, đã họp tại 4 Duy Tân hàng ngàn người đòi hủy bỏ kết quả và lên án Mỹ. Các TT trên cùng TT Quảng Long, Pháp Lan và hơn 100 Tăng Ni đến ngồi trước Dinh Độc Lập và Tòa Tỉnh trưởng Gia Định. Hai tuần sau, đức Tăng thống tới thăm. Các nơi khác ở miền Nam lại đình công, bãi thị hưởng ứng.Ngày 3.10, Ni cô Tri Túc tự thiêu ở Cần Thơ, TT Trí Quang công bố 100 đơn tình nguyện khác. Hội đồng Đại diện Sinh viên Đại học Sài Gòn, Vạn Hạnh, Cần Thơ gởi kháng thư chống Chính phủ bắt bớ sinh viên. 7.10, Tăng sinh Thích Minh Trang cắt tay lấy máu viết thư gửi Tổng Thư ký Liên hiệp quốc và Johnson ; hôm sau, Ni cô Trí Châu tự thiêu; ngày 22.10, Ni cô Huệ Lạc tự thiêu trước chùa Giác Viên. Đêm 31.10, đúng lúc Thiệu-Kỳ đang ăn mừng tựu chức bằng gian lận bầu cử, thì được nếm 4 quả đạn cối bắn vào vườn Dinh Độc Lập, cả bọn chạy tán loạn.

4. Yểm trợ Tổng tấn công Mậu Thân không thể kể hết được số tên những ngôi chùa của Giáo hội Thống nhất trên toàn miền Nam đã giúp đỡ, băng bó, tiếp tế lương thực, dẫn đường cho bộ độ giải phóng miền Nam trong dịp Tổng tấn công Mậu Thân. Tại Quảng Ngãi là nơi rất căng thẳng, Thiền sư Thích Hồng Ân trên ngôi chùa danh thắng miền Trung, chùa Thiên Ấn, đã nấu cơm thết đãi bộ đội giải phóng và khi quân cách mạng bị phản công, Sư đã ếm giấu bộ đội trong hậu liêu. Chùa Phổ Quang, gần Tân Sơn Nhất, cũng đã có một hành động dũng cảm tương tự. Cũng dịp này, những vị cao tăng như Thiền sư Thích Đôn Hậu, nữ cư sĩ Tuần Chi cũng đã thoát ly ra vùng kháng chiến. Ai biết được có biết bao sinh viên, học sinh Phật tử Sài Gòn đã lên chiến khu Tết Mậu Thân cách đây đúng ba mươi năm trong lịch sử 300 năm Sài Gòn? Khiến cho các TT Trí Quang, Hộ Giác, Đại đức Nhật Thường, Pháp Siêu, Liễu Minh... được Thiệu-Kỳ" ưu ái cho đi "bảo vệ an ninh" khá kỹ từ sau Tết mãi đến 30.6.1968.

5. Vụ án TT Thích Thiện Minh hoạt động cho cộng sản: Ngày 25.2.1969, Trang Sĩ Tấn họp báo công bố: "Đã tìm thấy tài liệu cộng sản và vũ khí trong nhà 294 Công Lý do TT Thiện Minh quản lý", bắt TT và 66 sinh viên. Đoàn Sinh viên Phật tử Sài Gòn gửi kháng thư chống đối. Mặc. Ngày 12.3 TT Thiện Minh, thế danh Đỗ Xuân Hàng và 19 thanh niên bị đưa ra Tòa án Quân sự Mặt trận, TT tọa bị tuyên án 5 năm cấm cố và 10 năm khổ sai. Ngày niên cùng nguyệt tận năm này là vụ thảm sát Mỹ Lai, tại Quảng Ngãi, quê tôi. Hạ bán thập kỷ 60, chùa Quán Thế Âm của Thầy Thông Bửu đã cưu mang, nuôi giấu, tạo điều kiện cho nhiều cán bộ cách mạng hoạt động, một số anh em này trở thành những cán bộ cốt cán của Đảng được tin yêu như anh Bảy Việt (hiện là Trưởng ban Tôn giáo thành phố), anh Ba Sơn (Đại tá Công an), Ba Sơn (hiện ở Ban Tôn giáo của Chính phủ), anh Xuân Sơn...

6. Con đường hòa giải là đặc trưng của Giáo hội Thống nhất trong lịch sử PG Sài Gòn năm Canh Tuất: Chỉ một ngày sau khi dân biểu Đào Văn Thụy và HT Minh Thành ký giấy giao Việt Nam Quốc tự lại cho Ấn Quang thì tối hôm đó, 5.5, Tâm Châu đem cả binh lính và võ sư nhu đạo tái chiếm và gây ra thảm sát nhiều Tăng Ni Phật tử chống Mỹ-ngụy, trong số có Đại đức Thiên Ân. Chính con đường hòa giải và thông điệp Về Nguồn những năm 70 - 72, với các hoạt động chống đôn quân bắt lính, cầu nguyện hòa bình của Giáo hội Thống nhất đã góp phần đấu tranh chính trị thúc ép Mỹ phải ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, tạo điều kiện cho các lực lượng nội thành có cơ sở pháp lý và mạnh dạn thêm trong công cuộc chống Mỹ-ngụy. Rất tiếc, chỉ vài hôm trước ngày ký Hiệp định Paris, HT Thích Thiện Hoa, vị lãnh tụ của Giáo hội, người cưu mang nhiều nhất đối với anh em cách mạng hoạt động nội thành đã viên tịch trong lòng vô cùng thương tiếc của tín đồ Tăng Ni khắp miền Nam.

7. Những hoạt động vũ bão, đưa ma chế độ cũ: Sau Hiệp định Paris, Tăng Ni Phật tử nhất tề vùng dậy, nhất là khi Thiệu tỏ rõ ngoan cố, không chịu ra đi. Phong trào PG cách mạng của TT Pháp Lan, Hội Phụ nữ đòi quyền sống của Ni sư Huỳnh Liên và chị Ngô Bá Thành, Tổ chức Nhân dân đòi thi hành thỏa hiệp Paris của Luật sư Trần Ngọc Liễng, một Phật tử trường trai, Mặt trận Nhân dân Cứu đói của TT Hiển Pháp và dân biểu Nguyễn Văn Hàm, đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình cứu đói, Ký giả ăn mày... lần đầu tiên hàng vạn người ngay tại trung tâm Sài Gòn, các tỉnh miền Trung, Nam Bộ và cao nguyên, xa luân chiến, đánh nhau với cảnh sát giữa lòng các đô thị, tay không đối đầu với vũ khí tối tân trang bị tận răng của đệ nhất siêu cường. Bao nhiêu người chết, bị tàn phế, 23 năm qua chúng ta chưa có dịp liệt kê đầy đủ. Nếu không có PG Sài Gòn, sẽ không có Giáo hội Thống nhất thì chắc rằng, chúng tôi, những người trong cuộc bấy giờ cũng sẽ không bao giờ làm nổi. Kỳ tích đấu tranh chính trị chống Mỹ-ngụy ở nội thành Sài Gòn hồi xưa thuộc về PG Sài Gòn hai mươi năm đó, chỉ bằng một phần mười lăm trong lịch sử ba trăm năm của nó, nhưng có ý nghĩa thật lớn lao trong tràng kỳ lịch sử của dân tộc, nhất là trong chiến tranh vệ quốc ba mươi năm trước 75!

8. Miệng nói, tay làm, chống xâm lược suốt mươi năm nhưng vẫn không quên công cuộc xây dựng, Giáo hội Thống nhất còn hoàn chỉnh Hiến chương, tổ chức bộ máy, thông tin hai chiều, nắm tình hình Phật tử bị áp bức khủng bố ở nơi nào cũng đều có can thiệp kịp thời mà cứu khổ. Cũng không quên công tác cứu trợ thiên tai bão lụt, nuôi các con em nhà nghèo, mồ côi, TT Minh Châu mở trường Đại học Vạn Hạnh, trung học Bồ Đề ở Sài Gòn và khắp các tỉnh; các TT Thiện Hòa, Trí Tịnh, Trí Thủ, Thiện Siêu, Trí Quang không ngừng phiên dịch, trước tác, ấn hành bộ Phật học phổ thông của Thiền sư Thích Thiện Hoa, kim chỉ nam cho những người sơ cơ học Phật. Các ngôi Tổ đình Ấn Quang, Vĩnh Nghiêm, Pháp Quang, Từ Đàm, Bảo Quốc, Thiên Ân, Thập Tháp, Linh Sơn... được tu tạo và tân tạo đem lại không khí thanh tịnh, trang nghiêm cho Giáo hội, giúp người trưởng dưỡng đạo tâm, tạo tiền đề khá chu đáo cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam thật sự thống nhất khi nước nhà hoàn toàn độc lập sau này mà công tích lớn lao của nó chỉ trong vòng non vài chục năm nay (1981-1998) tôi không sao kể xiết ra đây vì phải nhường cho một bản tham luận khác, chỉ xin tóm tắt.


C/ PG Sài Gòn sau 1975

PG Sài Gòn vẫn là cái nôi của PG cả nước. Sau giải phóng, Ban Liên lạc PG Yêu nước ra đời, cũng tại Sài Gòn. Lại một kỳ công nữa của PG thành phố Hồ Chí Minh. Hầu hết các vị trong Giáo hội Thống nhất cũ đã, trên cái nền vững chắc của Ban Liên Lạc Phật giáo Yêu nước thành phố Hồ Chí Minh mà vận động thống nhất, thực hiện giấc mơ của bao thế hệ Tăng Ni và Phật tử Việt Nam trải qua hơn hai ngàn năm nay và cũng chính vị Viện trưởng Viện Hóa đạo Thống nhất Thích Trí Thủ, vị sư đúng mực và tài hoa, đã hoàn thành công cuộc thống nhất thực sự ấy vào năm 1981. Tất nhiên phải kể tới sự ủng hộ nhiệt thành về người, về của của Đảng, Mặt trận và Chính phủ vào công tác đó. Hôm nay, sau gần một phần tư thế kỷ, nhiệm vụ của Giáo hội Thống nhất đã hoàn mãn 23 năm rồi.

Nói chung, quần chúng Phật tử rất cảm ơn cách mạng đã giải phóng họ khỏi cảnh kềm kẹp của chiến tranh xâm lược, khỏi đói và chết phi lý vì chiến tranh, cảm ơn cách mạng đã đổi đời cho họ.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com