Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

73. Đại kinh Vacchagotta

17/04/201316:20(Xem: 11307)
73. Đại kinh Vacchagotta

Kinh Trung Bộ

73. Đại Kinh Vacchagotta


Hòa Thượng Thích Minh Châu

Nguồn: Hòa Thượng Thích Minh Châu

Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở tại Rajagaha (Vương Xá), Veluvàna (Trúc Lâm), nơi Kalandakanivape (chỗ nuôi dưỡng sóc). Rồi du sĩ ngoại đạo Vacchagotta đi đến chỗ Thế Tôn, sau khi đến, nói lên những lời chào đón hỏi thăm với Thế Tôn, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, bèn ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, du sĩ ngoại đạo Vacchagotta thưa với Thế Tôn:

– Đã lâu rồi tôi mới được hầu chuyện với Tôn giả Gotama. Lành thay, nếu Tôn giả Gotama giảng cho tôi một cách vắn tắt các thiện và bất thiện pháp.

– Này Vaccha, Ta có thể giảng cho Ông một cách vắn tắt các thiện và bất thiện pháp. Này Vaccha, Ta có thể giảng cho Ông, một cách rộng rãi các thiện và bất thiện pháp. Nhưng này Vaccha, Ta sẽ giảng cho Ông một cách vắn tắt, các thiện và bất thiện pháp. Hãy nghe và khéo tác ý. Ta sẽ giảng.

– Thưa vâng, Tôn giả.

Du sĩ ngoại đạo Vacchagotta vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn giảng như sau:

– Tham, này Vaccha, là bất thiện, vô tham là thiện. Sân, này Vaccha, là bất thiện, vô sân là thiện. Si, này Vaccha, là bất thiện, vô si là thiện. Như vậy, này Vaccha, ba pháp là bất thiện, ba pháp là thiện. Sát sanh, này Vaccha, là bất thiện, từ bỏ sát sanh là thiện. Lấy của không cho, này Vaccha, là bất thiện, từ bỏ lấy của không cho là thiện. Tà hạnh trong các dục, này Vaccha là bất thiện, từ bỏ tà hạnh trong các dục là thiện. Vọng ngữ, này Vaccha, là bất thiện, từ bỏ vọng ngữ là thiện. Nói hai lưỡi, này Vaccha, là bất thiện, từ bỏ nói hai lưỡi là thiện. Nói ác khẩu, này Vaccha, là bất thiện, từ bỏ nói ác khẩu là thiện. Nói lời phù phiếm, này Vaccha, là bất thiện, từ bỏ nói lời phù phiếm là thiện. Xan tham, này Vaccha, là bất thiện, không xan tham là thiện. Sân, này Vaccha, là bất thiện, không sân là thiện. Tà kiến, này Vaccha, là bất thiện, chánh kiến là thiện. Như vậy, này Vaccha, mười pháp là bất thiện, mười pháp là thiện. Này Vaccha, khi ái được một Tỷ-kheo đoạn trừ, cắt tận gốc rễ, làm cho như thân cây tala, không được tái sanh, không thể sanh khởi trong tương lai, Tỷ-kheo ấy là bậc A-la-hán, các lậu đã tận, tu hành thành mãn, các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã thành đạt lý tưởng, đã tận trừ hữu kiết sử, chánh trí giải thoát.

– Mong sự việc là vậy về Tôn giả Gotama. Nhưng không biết Tôn giả Gotama có một Tỷ-kheo là đệ tử đã đoạn trừ các lậu hoặc, với thượng trí, tự mình chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại, vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát ?

– Này Vaccha, không phải chỉ một trăm, hai trăm, ba trăm, bốn trăm, năm trăm mà còn nhiều hơn thế nữa là những Tỷ-kheo đệ tử của Ta đã đoạn trừ các lậu hoặc, với thượng trí, tự mình chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.

– Mong sự việc là như vậy đối với Tôn giả Gotama. Mong sự việc là như vậy đối với các Tỷ-kheo. Nhưng không biết Tôn giả Gotama có một Tỷ-kheo-ni là đệ tử đã đoạn trừ các lậu hoặc, với thượng trí, tự mình chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát ?

– Này Vaccha, không phải chỉ một trăm, hai trăm, ba trăm, bốn trăm, năm trăm mà còn nhiều hơn thế nữa là những Tỷ-kheo-ni, đệ tử của Ta, đã đoạn trừ các lậu hoặc, với thượng trí, tự mình chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.

– Mong sự việc là như vậy đối với tôn giả Gotama. Mong sự việc là như vậy đối với các Tỷ-kheo. Mong sự việc là như vậy đối với các Tỷ-kheo-ni. Nhưng không biết Tôn giả Gotama có một Nam cư sĩ là đệ tử sống tại gia, mặc áo trắng, theo Phạm hạnh, sau khi đã đoạn trừ năm hạ phân kiết sử, được hóa sanh, nhập Niết-bàn tại chỗ ấy, không phải trở lại đời này nữa ?

– Này Vaccha, không phải chỉ một trăm... không phải năm trăm mà còn nhiều hơn thế nữa là những Nam cư sĩ, là đệ tử sống tại gia, mặc áo trắng, theo Phạm hạnh, sau khi đã đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, nhập Niết-bàn tại chỗ ấy, không phải trở lại đời này nữa.

– Mong sự việc là như vậy đối với Tôn giả Gotama. Mong sự việc là như vậy đối với các Tỷ-kheo. Mong sự việc là như vậy đối với các Tỷ-kheo-ni. Mong sự việc là như vậy đối với Nam cư sĩ, sống tại gia, mặc áo trắng, theo Phạm hạnh. Nhưng không biết Tôn giả Gotama có một Nam cư sĩ, là đệ tử sống tại gia, mặc áo trắng (tuy), hưởng thụ vật dục nhưng xây dựng Thánh giáo (Sasanakaro), chấp nhận giáo huấn, đã độ nghi đoạn hoặc, chứng đắc vô sở úy, không dựa vào người khác, sống trong Thánh giáo của bậc Đạo sư ?

– Này Vaccha, không phải chỉ một trăm... không phải năm trăm mà còn nhiều hơn thế nữa là những Nam cư sĩ, là đệ tử sống tại gia, mặc áo trắng, hưởng thụ vật dục, nhưng xây dựng Thánh giáo, chấp nhận giáo huấn, đã độ nghi đoạn hoặc, chứng đắc vô sở úy, không dựa vào người khác, sống trong Thánh giáo của bậc Đạo sư.

– Mong sự việc là như vậy đối với Tôn giả Gotama. Mong sự việc là như vậy đối với các Tỷ-kheo. Mong sự việc là như vậy đối với các Tỷ-kheo-ni. Mong sự việc là như vậy đối với Nam cư sĩ, sống tại gia, mặc áo trắng, theo Phạm hạnh. Mong sự việc là như vậy đối với Nam cư sĩ sống tại gia, mặc áo trắng, hưởng thụ dục lạc. Nhưng không biết Tôn giả Gotama có một Nữ cư sĩ, là bậc đệ tử sống tại gia, mặc áo trắng, theo Phạm hạnh, sau khi đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, nhập Niết-bàn tại chỗ ấy, không trở lại đời này nữa ?

– Này Vaccha, không phải chỉ một trăm... không phải năm trăm mà còn nhiều hơn thế nữa là những Nữ cư sĩ, là đệ tử sống tại gia, mặc áo trắng, theo Phạm hạnh, sau khi đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, nhập Niết-bàn tại chỗ ấy, không trở lại đời này nữa.

– Mong sự việc là như vậy đối với Tôn giả Gotama. Mong sự việc là như vậy đối với các Tỷ-kheo. Mong sự việc là như vậy đối với các Tỷ-kheo-ni. Mong sự việc là như vậy đối với các Nam cư sĩ, sống tại gia, mặc áo trắng, theo Phạm hạnh. Mong sự việc là như vậy đối với các Nam cư sĩ sống tại gia, mặc áo trắng, hưởng thụ các dục lạc. Mong sự việc là như vậy đối với các Nữ cư sĩ sống tại gia, mặc áo trắng, theo Phạm hạnh. Nhưng không biết Tôn giả Gotama có Nữ cư sĩ, là đệ tử sống tại gia, mặc áo trắng, hưởng thụ vật dục, nhưng xây dựng Thánh giáo, chấp nhận giáo huấn, đã độ nghi đoạn hoặc, chứng đắc vô sở úy, không dựa vào người khác, sống trong Thánh giáo của bậc Đạo sư ?

– Này Vaccha, không phải chỉ một trăm, không phải hai trăm, không phải ba trăm, không phải bốn trăm, không phải năm trăm mà nhiều hơn thế nữa là những Nữ cư sĩ, là đệ tử sống tại gia, mặc áo trắng, hưởng thụ vật dục, nhưng xây dựng Thánh giáo, chấp nhận giáo huấn, đã độ nghi đoạn hoặc, chứng đắc vô sở úy, không dựa vào người khác, sống trong Thánh giáo của bậc Đạo sư.

– Thưa Tôn giả Gotama, nếu Tôn giả Gotama đã thành mãn pháp này, nhưng các Tỷ-kheo không được thành mãn, như vậy Phạm hạnh này đã không được đầy đủ về phương diện này. Thưa Tôn giả Gotama, vì rằng Tôn giả Gotama đã thành mãn pháp này và các Tỷ-kheo cũng được thành mãn; như vậy Phạm hạnh này đã được đầy đủ về phương diện này. Thưa Tôn giả Gotama, nếu Tôn giả Gotama đã thành mãn pháp này, và các Tỷ-kheo đã thành mãn, và các Tỷ-kheo-ni không thành mãn; như vậy Phạm hành này không được đầy đủ về phương diện này. Thưa Tôn giả Gotama, vì rằng Tôn giả Gotama đã thành mãn pháp này, và các Tỷ-kheo đã thành mãn, và các Tỷ-kheo-ni đã thành mãn; như vậy Phạm hạnh này được đầy đủ về phương diện này. Thưa Tôn giả Gotama, nếu Tôn giả Gotama đã thành mãn pháp này và các Tỷ-kheo đã thành mãn, và các Tỷ-kheo ni đã thành mãn, và các Nam cư sĩ sống tại gia, mặc áo trắng, theo Phạm hạnh không thành mãn; như vậy Phạm hạnh này đã không được đầy đủ về phương diện này. Thưa Tôn giả Gotama, vì rằng Tôn giả Gotama đã thành mãn pháp này, các Tỷ-kheo cũng đã thành mãn, các Tỷ-kheo-ni cũng đã thành mãn, các Nam cư sĩ sống tại gia, mặc áo trắng, theo Phạm hạnh cũng đã thành mãn; như vậy Phạm hạnh này đã được đầy đủ về phương diện này. Thưa Tôn giả Gotama, nếu Tôn giả Gotama đã thành mãn pháp này, và các Tỷ-kheo đã thành mãn, và các Tỷ-kheo ni đã thành mãn, các Nam cư sĩ sống tại gia, mặc áo trắng, theo phạm hạnh đã thành mãn nhưng các Nam cư sĩ sống tại gia, mặc áo trắng, hưởng thụ vật dục không thành mãn; như vậy phạm hạnh này không được đầy đủ về phương diện này. Thưa Tôn giả Gotama vì rằng Tôn giả Gotama đã thành mãn pháp này, và các Tỷ-kheo đã thành mãn, và các Tỷ-kheo-ni đã thành mãn, và các Nam cư sĩ sống tại gia, mặc áo trắng, theo Phạm hạnh đã thành mãn, và các Nam cư sĩ sống tại gia, mặc áo trắng, hưởng thụ vật dục đã thành mãn; như vậy Phạm hạnh này được đầy đủ về phương diện này. Thưa Tôn giả Gotama, nếu Tôn giả Gotama đã thành mãn pháp này và các Tỷ-kheo đã thành mãn, và các Tỷ-kheo-ni đã thành mãn, và các Nam cư sĩ sống tại gia, mặc áo trắng, hưởng thụ vật dục đã thành mãn; nhưng các Nữ cư sĩ, sống tại gia, mặc áo trắng, sống theo Phạm hạnh không thành mãn; như vậy Phạm hạnh này không được đầy đủ về phương diện này. Thưa Tôn giả Gotama, vì rằng Tôn giả Gotama đã thành mãn pháp này, và các Tỷ-kheo đã thành mãn, và các Tỷ-kheo-ni đã thành mãn, và các Nam cư sĩ sống tại gia, mặc áo trắng, theo Phạm hạnh đã thành mãn, và các Nam cư sĩ sống tại gia, mặc áo trắng, hưởng thụ các vật dục đã thành mãn, và các Nữ cư sĩ sống tại gia, mặc áo trắng, theo Phạm hạnh đã thành mãn; như vậy Phạm hạnh này được đầy đủ về phương diện này. Này Tôn giả Gotama, nếu Tôn giả Gotama đã thành mãn pháp này, và các Tỷ-kheo đã thành mãn, và các Ty kheo ni đã thành mãn, và các Nam cư sĩ sống tại gia, mặc áo trắng, theo Phạm hạnh đã thành mãn, và các Nam cư sĩ sống tại gia, mặc áo trắng, hưởng thụ vật dục đã thành mãn, và các Nữ cư sĩ sống tại gia, mặc áo trắng, theo Phạm hạnh đã thành mãn; nhưng các Nữ cư sĩ sống tại gia, mặc áo trắng, hưởng thụ vật dục không thành mãn; như vậy Phạm hạnh này đã không đầy đủ về phương diện này. Thưa Tôn giả Gotama, vì rằng Tôn giả Gotama đã thành mãn pháp này, và các Tỷ-kheo đã thành mãn, và các Tỷ-kheo-ni đã thành mãn, và các Nam cư sĩ sống tại gia, mặc áo trắng, theo Phạm hạnh đã thành mãn, và các Nam cư sĩ sống tại gia, mặc áo trắng hưởng thụ vật dục đã thành mãn, và các nữ cư sĩ sống tại gia, mặc áo trắng, theo Phạm hạnh đã thành mãn, và các Nữ cư sĩ sống tại gia, mặc áo trắng, hưởng thụ các vật dục đã thành mãn; như vậy Phạm hạnh này được đầy đủ về phương diện này.

Thưa Tôn giả Gotama, ví như con sông Hằng (Ganga) hướng về biển cả, chảy về biển cả, xuôi dòng về biển cả, liền đứng lại khi xúc chạm với biển cả; cũng vậy hội chúng này của Tôn giả Gotama, gồm có cư sĩ và xuất gia, hướng về Niết-bàn, chảy về Niết-bàn, xuôi dòng về Niết-bàn, đứng lại khi xúc chạm với Niết-bàn. Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama ! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama ! Tôn giả Gotama như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày. Nay con quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp, quy y Tăng. Mong Tôn giả Gotama cho con được xuất gia với Tôn giả Gotama, được thọ đại giới.

– Này Vaccha, ai trước kia thuộc ngoại đạo muốn xuất gia trong pháp luật này, muốn thọ đại giới, người ấy phải sống bốn tháng biệt trú. Sau bốn tháng, (nếu) các Tỷ-kheo hoan hỷ, có thể cho vị ấy xuất gia, cho thọ đại giới để trở thành Tỷ-kheo. Nhưng ở đây, Ta biết sự sai biệt về tâm tánh chúng sanh.

– Bạch Thế Tôn, nếu những ai trước kia thuộc ngoại đạo, muốn xuất gia trong pháp luật này, muốn thọ đại giới phải sống bốn tháng biệt trú. Sau bốn tháng, (nếu) các Tỷ-kheo hoan hỷ, có thể cho (những vị ấy) xuất gia, cho thọ đại giới để trở thành Tỷ-kheo, con sẽ sống biệt trú bốn năm. Sau bốn năm, nếu các Tỷ-kheo hoan hỷ, hãy cho con xuất gia, cho con thọ đại giới để thành Tỷ-kheo.

Du sĩ ngoại đạo Vacchagotta được xuất gia với Thế Tôn, được thọ đại giới, không lâu sau khi thọ đại giới, nửa tháng sau khi thọ đại giới, Tôn giả Vacchagotta đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn, ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, Tôn giả Vacchagotta bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, cho đến mức độ trí hữu học, minh hữu học có thể chứng đạt, con đã chứng đạt. Mong Thế Tôn dạy cho con pháp (khác) cao hơn.

Vậy này Vaccha, hãy tu tập hai pháp cao hơn này, chỉ và quán. Này Vaccha, hai pháp này được tu tập cao hơn, chỉ và quán, sẽ đưa đến sự thể nhập vào một số giới sai biệt.

Này Vaccha, nếu Ông muốn như sau: "Ta muốn chứng được các loại thần thông: ta có thể một thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân; ta có thể hiện hình biến hình đi ngang qua vách, qua tường, qua núi như đi ngang hư không; Ta có thể độn thổ trồi lên ngang qua đất liền như ở trong nước; ta có thể đi trên nước không chìm như đi trên đất liền; ta có thể ngồi kiết già đi trên hư không như con chim, với bàn tay ta có thể chạm và rờ mặt trăng và mặt trời, những vật có đại oai lực, oai thần như vậy; ta có thể tự thân bay đến cõi Phạm thiên" thì Ông sẽ đạt được cái gì có thể chứng ngộ ở tại đây, nếu Ông còn giữ được đối tượng.

Này Vaccha, nếu Ông muốn như sau: "Với thiên nhĩ thuần tịnh siêu nhân, ta có thể nghe được hai loại tiếng, loài Trời và loài Người, xa hay gần", thì Ông sẽ đạt được những gì có thể chứng ngộ ở tại đây, nếu Ông còn giữ được đối tượng.

Này Vaccha, nếu Ông Muốn như sau: "Mong rằng ta có thể biết được tâm của các chúng sanh khác, của các người khác với tâm của ta; tâm có tham, ta có thể biết được là tâm có tham, hay tâm vô tham, ta có thể biết được là tâm vô tham; hay tâm có sân, ta có thể biết được là tâm có sân; hay tâm vô sân, ta có thể biết được là tâm vô sân; hay tâm có si, ta có thể biết được là tâm có si; hay tâm vô si, ta có thể biết được là tâm vô si; hay tâm chuyên chú, ta có thể biết được là tâm chuyên chú; hay tâm tán loạn, ta có thể biết được là tâm tán loạn; hay tâm đại hành, ta có thể biết được là tâm đại hành; hay tâm không phải đại hành; ta có thể biết được là tâm không phải đại hành; hay tâm chưa vô thượng, ta có thể biết là tâm chưa vô thượng; hay tâm vô thượng, ta có thể biết là tâm vô thượng; hay định tâm, ta có thể biết là định tâm; hay không phải định tâm, ta có thể biết là không phải định tâm; hay giải thoát tâm, ta có thể biết là giải thoát tâm; hay không phải giải thoát tâm, ta có thể biết là không phải giải thoát tâm"., thì Ông sẽ đạt được những gì có thể chứng ngộ tại đây, nếu Ông còn giữ được đối tượng.

Này Vaccha, Ông có thể muốn như sau: "Ta có thể nhớ đến nhiều đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, trăm đời, hai trăm đời, ngàn đời, trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp. Ta nhớ rằng: "Tại chỗ kia ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ra ở đây. Như vậy, ta có thể nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết", Ông sẽ đạt được những gì có thể chứng ngộ tại đây, nếu Ông còn giữ được đối tượng.

Này Vaccha, Ông có thể muốn như sau: "Với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, ta có thể thấy sự sống và chết của chúng sanh. Ta có thể biết rằng, chúng sanh người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ. Những chúng sanh này làm những ác hạnh về thân, ngữ và ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến; những người này sau khi thân hoại mạng chung phải sanh vào cõi dữ ác thú, đọa xứ, địa ngục. Còn những chúng sanh nào làm các thiện hạnh về thân, ngữ và ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến; những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các thiện thú, Thiên giới, trên đời này. Như vậy, với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, ta có thể thấy sự sống và chết của chúng sanh. Ta có thể biết chúng sanh, người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ", Ông sẽ đạt được những gì có thể chứng ngộ tại đây, nếu người còn giữ được đối tượng.

Này Vaccha, Ông có thể muốn như sau: "Với sự đoạn trừ các lậu hoặc, mong rằng ta có thể với thượng trí tự mình chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát", Ông sẽ chứng đạt những gì có thể chứng ngộ tại đây, nếu Ông còn giữ được đối tượng.

Rồi Tôn giả Vaccha hoan hỷ, tùy hỷ lời Thế Tôn dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài rồi từ biệt. Rồi Tôn giả Vacchagotta độc trú viễn ly, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, không bao lâu với thắng trí, tự mình chứng ngộ, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại vô thượng cứu cánh Phạm hạnh, vì mục đích này Thiện gia nam tử chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, hướng đến Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, sau đời hiện tại không có đời khác nữa; Tôn giả Vacchagotta đã trở thành một vị La hán khác nữa.

Sau một thời gian, một số đông Tỷ-kheo đi đến yết kiến Thế Tôn. Tôn giả Vacchagotta thấy các Tỷ-kheo từ đàng xa đi đến, sau khi thấy liền đến các Tỷ-kheo ấy, sau khi đến nói với các Tỷ-kheo ấy như sau:

– Chư Tôn giả đang đi đâu ?

– Thưa Hiền giả, chúng tôi đi đến yết kiến Thế Tôn.

– Vậy chư Tôn giả hãy nhân danh tôi, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn và thưa: "Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo Vacchagotta cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn và nói như sau: "Thế Tôn đã được con hầu hạ, Thiện Thệ đã được con hầu hạ".

– Thưa vâng, Hiền giả.

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Vacchagotta. Rồi các Tỷ-kheo ấy đi đến chỗ Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, Tôn giả Vacchagotta cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn và bạch như sau: "Thế Tôn đã được con hầu hạ, Thiện Thệ đã được con hầu hạ".

– Này các Tỷ-kheo, Ta đã được biết tâm của Tỷ-kheo Vacchagotta với tâm của Ta như sau: "Tỷ-kheo Vacchagotta là bậc tam minh, có đại thần lực, có đại uy lực". Các chư Thiên cũng báo với Ta ý nghĩa ấy: "Tỷ-kheo Vacchagotta là bậc tam minh, có đại thần lực, có đại uy lực".

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]