Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

59. Kinh Nhiều cảm thọ

17/04/201316:14(Xem: 10111)
59. Kinh Nhiều cảm thọ

Kinh Trung Bộ

59. Kinh Nhiều Cảm Thọ


Hòa Thượng Thích Minh Châu

Nguồn: Hòa Thượng Thích Minh Châu

Như vầy tôi nghe.

Một thời, Thế Tôn ở tại Savatthi (Xá vệ), Jetavana (Rừng Kỳ đà), tinh xá ông Anathapindika (Cấp Cô Độc). Rồi người thợ mộc Pancakanga (Ngũ Phần) đến Tôn giả Udayi (Ưu đà di), sau khi đến, đảnh lễ Ngài rồi ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, người thợ mộc Pancakanga thưa Tôn giả Udayi:

– Thưa Tôn giả Udayi, Thế Tôn thuyết có bao nhiêu thọ ?

– Này Gia chủ, Thế Tôn thuyết có ba thọ: lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Này Gia chủ, ba thọ này được Thế Tôn nói đến.

– Thưa Tôn giả Udayi, Thế Tôn không thuyết ba thọ. Thế Tôn chỉ thuyết hai thọ: lạc thọ, khổ thọ. Thưa Tôn giả, bất khổ bất lạc thọ này, Thế Tôn thuyết là tối thắng lạc đối với vị đã chứng được tịch tịnh.

Lần thứ hai, Tôn giả Udayi nói với người thợ mộc Pancakanga:

– Này Gia chủ, Thế Tôn không thuyết hai thọ. Thế Tôn thuyết ba thọ: lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Này Gia chủ, ba thọ này được Thế Tôn nói đến.

Lần thứ hai người thợ mộc Pancakanga thưa Tôn giả Udayi.

– Thưa Tôn giả Udayi, Thế Tôn không thuyết ba thọ, Thế Tôn chỉ thuyết hai thọ: lạc thọ, khổ thọ. Thưa Tôn giả, bất khổ bất lạc thọ này, Thế Tôn thuyết là tối thắng lạc đối với vị đã chứng được tịch tịnh.

Lần thứ ba, Tôn giả Udayi nói với người thợ mộc Pancakanga:

– Này Gia chủ, Thế Tôn không thuyết hai thọ. Thế Tôn thuyết ba thọ: lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Này Gia chủ, ba thọ này được Thế Tôn nói đến.

Lần thứ ba, người thợ mộc Pancakanga thưa Tôn giả Udayi:

– Thưa Tôn giả Udayi, Thế Tôn không thuyết ba tho. Thế Tôn chỉ thuyết hai thọ: lạc thọ, khổ thọ. Thưa Tôn giả, bất khổ bất lạc thọ này, Thế Tôn thuyết là tối thắng lạc đối vị đã chứng được tịch tịnh.

Như vậy, Tôn giả Udayi không thể thuyết phục được thọ mộc Pancakanga. Và thợ mộc Pancakanga cũng không thể thuyết phục được Tôn giả Udayi.

Tôn giả Ananda nghe được cuộc đàm thoại này giữa Tôn giả Udayi với thợ mộc Panacakanga. Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên, sau khi ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda thuật lại Thế Tôn rõ toàn diện cuộc đàm thoại giữa Tôn giả Udayi và thợ mộc Pancakanga. Khi nghe nói vậy, Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda:

– Này Ananda, dầu cho pháp môn của Udayi là đúng, nhưng thợ mộc Pancakanga không chấp nhận. Dầu cho pháp môn của người thợ mộc Pancakanga là đúng, nhưng Udayi không chấp nhận. Này Ananda, hai thọ được Ta nói đến tùy theo một pháp môn; ba thọ được Ta nói đến tùy theo một pháp môn; năm thọ được Ta nói đến tùy theo một pháp môn; sáu thọ được Ta nói đến tùy theo một pháp môn; mười tám thọ được Ta nói đến tùy theo một pháp môn; ba mươi sáu thọ được Ta nói đến tùy theo một pháp môn; một trăm lẻ tám thọ được Ta nói đến tùy theo một pháp môn. Như vậy, này Ananda, pháp được Ta thuyết giảng tùy theo pháp môn. Này Ananda, vì pháp được Ta thuyết giảng tùy theo pháp môn như vậy, nên đối với những ai không chấp nhận, không tán đồng, không tùy hỷ những điều được khéo nói, khéo thuyết, khéo trình bày cùng nhau, thời sự kiện này sẽ xẩy ra: họ sẽ sống đấu tranh, khẩu tranh, luận tranh, đả thương nhau với những binh khí miệng lưỡi. Như vậy, này Ananda pháp được Ta thuyết giảng tùy theo pháp môn. Này Ananda, vì pháp được Ta thuyết giảng tùy theo pháp môn như vậy, nên đối với những ai chấp nhận, tán đồng, tùy hỷ những điều được khéo nói, khéo thuyết, khéo trình bày cùng nhau, thời sự kiện này sẽ xẩy ra: họ sẽ sống hòa hợp, tán đồng, tùy hỷ với nhau, như nước với sữa, và nhìn nhau với cặp mắt tương ái.

Này Ananda, có năm dục trưởng dưỡng này. Thế nào là năm ? Các sắc pháp do nhãn căn nhận thức, khả ái, khả lạc, khả ý, khả hỷ, tương ứng với dục, hấp dẫn, các tiếng do tai nhận thức... các hương do mũi nhận thức... các vị do lưỡi nhận thức... các xúc do thân cảm xúc, khả ái, khả lạc, khả ý, khả hỷ, tương ứng với dục, hấp dẫn. Này Ananda, như vậy là năm dục trưởng dưỡng. Này Ananda, duyên năm dục tưởng dưỡng này khởi lên lạc và hỷ, như vậy gọi là dục lạc.

Này Ananda, ai nói như sau: "Lạc và hỷ này là tối thượng mà các chúng sanh có thể cảm thọ", Ta không thể chấp nhận như vậy. Vì sao vậy ? Vì có một lạc khác với lạc kia, vi diệu hơn và thù thắng hơn. Và này Ananda, lạc ấy khác với lạc kia vi diệu hơn và thù thắng hơn là gì ? Ở đây, này Ananda, vị Tỷ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Này Ananda, lạc này khác với lạc kia, vi diệu hơn và thù thắng hơn.

Này Ananda, ai nói như sau: "Lạc và hỷ này là tối thượng mà chúng sanh có thể cảm thọ", Ta không thể chấp nhận như vậy. Vì sao vậy ? Vì có một lạc thọ khác với lạc kia, vi diệu hơn và thù thắng hơn. Và này Ananda, lạc ấy khác với lạc kia, vi diệu hơn và thù thắng hơn là gì ? Ở đây, này Ananda, vị Tỳ-kheo diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tỉnh nhất tâm. Này Ananda, lạc này khác với lạc kia, vi diệu hơn và thù thắng hơn.

Này Ananda, ai nói như sau: "Lạc và hỷ này là tối thượng..".,... vi diệu hơn và thù thắng hơn. Ở đây, này Ananda, vị Tỷ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và an trú Thiền thứ ba. Này Ananda, lạc này khác với lạc kia, vi diệu hơn và thù thắng hơn.

Này Ananda, ai nói như sau: "Lạc và hỷ này là tối thượng..".,... vi diệu hơn và thù thắng hơn là gì ? Ở đây, này Ananda, vị Tỷ-kheo, xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ từ trước, chứng và trú Thiền thứ tư không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này Ananda, lạc này khác với lạc kia, vi diệu hơn và thù thắng hơn.

Này Ananda, ai nói như sau: "Lạc và hỷ này là tối thượng..".,... vi diệu hơn và thù thắng hơn là gì ? Ở đây, này Ananda, vị Tỷ-kheo vượt qua toàn diện sắc tưởng, diệt trừ hữu đối tưởng, không tư niệm sai biệt tưởng, nghĩ rằng: "Hư không là vô biên", chứng và trú Hư không vô biên xứ. Này Ananda, lạc này khác với lạc kia, vi diệu hơn và thù thắng hơn.

Này Ananda, ai nói như sau: "Lạc và hỷ này là tối thượng..".,... vi diệu hơn và thù thắng hơn là gì ? Ở đây, này Ananda, vị Tỷ-kheo vượt qua toàn diện Hư không vô biên xứ, nghĩ rằng: "Thức là vô biên," chứng và trú Thức vô biên xứ. Này Ananda, lạc này khác với lạc kia, vi diệu hơn và thù thắng hơn.

Này Ananda, ai nói như sau: "Lạc và hỷ này là tối thượng..".,... vi diệu hơn và thù thắng hơn là gì ? Ở đây, này Ananda, vị Tỷ-kheo vượt qua toàn diện Thức vô biên xứ, nghĩ rằng không có vật gì, chứng và trú Vô sở hữu xứ. Này Ananda, lạc này khác với lạc kia, vi diệu hơn và thù thắng hơn.

Này Ananda, ai nói như sau: "Lạc và hỷ này là tối thượng..".,... vi diệu hơn và thù thắng hơn là gì ? Ở đây, này Ananda, vị Tỷ-kheo vượt qua toàn diện Vô sở hữu xứ, chứng và trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Này Ananda, lạc này khác với lạc kia, vi diệu hơn và thù thắng hơn.

Này Ananda, ai nói như sau: "Lạc và hỷ này là tối thượng mà chúng sanh có thể cảm thọ", Ta không thể chấp nhận như vậy. Vì sao vậy ? Vì có một lạc thọ khác với lạc thọ kia, vi diệu hơn và thù thắng hơn. Và này Ananda, lạc ấy khác với lạc kia, vi diệu hơn và thù thắng hơn là gì ? Ở đây, này Ananda, vị Tỷ-kheo vượt qua toàn diện Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng và trú Diệt thọ tưởng định. Này Ananda, lạc này khác với lạc kia, vi diệu hơn và thù thắng hơn.

Sự kiện này xẩy ra, này Ananda, những du sĩ ngoại đạo có thể nói như sau: "Sa-môn Gotama nói đến Diệt thọ tưởng định, và chủ trương định ấy thuộc về lạc thọ. Như vậy là gì, như vậy là thế nào ? Này Ananda, được nói vậy, các du sĩ ngoại đạo cần phải được trả lời như sau: "Này chư Hiền, Thế Tôn không chủ trương rằng chỉ có những gì tùy thuộc lạc thọ là thuộc về lạc; vì rằng, chư Hiền, Thế Tôn chủ trương rằng chỗ nào, chỗ nào có được lạc thọ, như vậy chỗ ấy, chỗ ấy thuộc về lạc".

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tôn giả Ananda hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.



Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567