Thiền Sư Đa Bảo
Thuyết giảng: TT Thích Nguyên Tạng
Bài trình pháp: Cư Sĩ Quảng Tịnh Tâm & Cư Sĩ Huệ Hương
Diễn đọc: Cư Sĩ Diệu Danh ; Lồng nhạc: Cư Sĩ Quảng Phước
Nam Mô A Di Đà Phật
Kính bạch Sư Phụ,
Bạch Sư Phụ, hôm nay chúng con được học về Thiền Sư Đa Bảo, ngài thuộc đời thứ năm, dòng Vô Ngôn Thông, ngài cũng là một vị Đại Sư cố vấn tối cao cho vua Lý Thái Tổ.
Bài pháp thoại hôm nay là bài giảng thứ 263 của Sư Phụ bắt đầu từ mùa cách ly do bệnh dịch covid 19 (bắt đầu từ tháng 5-2020).
Sư Phụ có nhắc lại những vị thiền sư thuộc dòng Vô Ngôn Thông trước thiền sư Đa Bảo là, thiền sư Cảm Thành, thiền sư Thiện Hội, thiền sư Vân Phong, thiền sư Khuông Việt.
Sư Phụ giải thích, Vô Ngôn là không nói, nói ít, nhưng thông suốt tất cả mọi việc trong đời, Vô Ngôn Thông là do người đời tôn xưng.
Ngài rất khiêm hạ, vì không trả lời được câu hỏi của thiền khách khi đến viếng chùa là ngài đã từng xuất gia chưa, ngài biết câu hỏi của vị thiền khách không phải là câu hỏi tầm thường nên ngài mờ mịt.
Thiền khách khuyên ngài đến tham vấn với Thiền Sư Mã Tổ Đạo Nhất ở Giang Tây. Sư đến Giang Tây nghe tin Mã Tổ đã tịch, bèn đến yết kiến ngài Bách Trượng Hoài Hải.
Một hôm trong giờ tham vấn, ngài nghe Tổ Bá Trượng trả lời câu hỏi của một vị tăng: “thế nào là pháp môn đốn ngộ của Đại thừa?”.
Tổ Bá Trượng đáp: -“tâm địa nhược không, tuệ nhật tự chiếu “
Nghe câu này, Sư Vô Ngôn Thông hoát nhiên đại ngộ. Sư Phụ giải thích, bản tâm thanh tịnh thì mặt trời trí tuệ tỏa sáng. Sau khi được Tổ ấn chứng, ngài trở về chùa ở Quảng Châu. Sau đó Sư qua phương nam đến chùa Kiến Sơ của ngài Cảm Thành.
Sư Cảm Thành nối pháp của thiền sư Vô Ngôn Thông tại Việt Nam, kế tiếp là thiền sư Thiện Hội, thiền sư Vân Phong, thiền sư Khuông Việt, thiền sư Đa Bảo.
Thiền sư Đa Bảo không rõ người ở đâu và họ gì, chỉ biết khi Đại Sư Khuông Việt mở trường giáo hoá ở chùa Khai Quốc, Sư đến tham học và xin xuất gia, được Đại Sư khen là bậc gặp cơ lảnh ngộ, xử sự rất đặc cách, riêng cho vào thất để dạy dỗ và truyền pháp.
Sau khi đắc pháp, Sư chỉ một mình một bình bát tiêu dao hành khước, giáo hoá.
Lúc Lý Thái Tổ còn nhỏ, Sư Đa Bảo thấy dung nghi dị thường, bèn bảo: “Đứa bé này cốt tướng phi thường, ắt làm chủ nước Nam.” Thái Tổ nghe nói thất kinh thưa: “Nay thánh thượng anh minh còn tại vị, chốn hải hội đều trị yên, cớ sao Thầy lại nói lời phải tội tru di này?”
Sư bảo: “Mệnh trời đã định, người dù muốn tránh cũng chẳng được nào.”
Sư Phụ giải thích đoạn này: Giống như Thiền Sư Vạn Hạnh, Thiền Sư Đa Bảo nhìn thấy tướng mạo phi phàm của chú tiểu Lý Công Uẩn và dự báo rằng đây là người có chân mạng đế vương về sau.
Sư phụ có thể thêm giai thoại khi chú tiểu Lý Công Uẩn đang ở tu học tại Chùa Tiêu Sơn (do Ngài Lý Khánh Vân trụ trì) chuyện kể rằng: Một hôm sư Khánh Văn sai Công Uẩn mang bánh oản (miền Nam gọi là bánh in) lên ban thờ Hộ pháp, chú đã khoét ruột oản ăn trước. Đêm đến, ngài Hộ pháp báo mộng cho sư trụ trì biết. Sáng hôm sau, ngài Khánh Vân la rầy Lý Công Uẩn. Chú ức lắm nên trả thù ngài Hộ Pháp bằng cách viết vào sau lưng tượng ngài mấy chữ “Đày ba ngàn dặm”. Tối hôm đó, sư Khánh Vân lại mộng thấy Bồ tát Hộ pháp về báo mộng rằng “Hoàng đế đày tôi đi xa, xin có lời chào ngài trụ trì”. Sáng hôm sau, sư Khánh Vân lên xem sau lưng tượng Hộ pháp quả nhiên có hàng chữ “Đày ba ngàn dặm”. Sư bèn sai chú tiểu lấy nước rửa bỏ mấy chữ ấy mà rửa mãi không sạch. Đến lúc bảo chú Công Uẩn làm thì chú chỉ lấy tẩy xóa nhẹ mấy cái là sạch ngay. Sư hết sức kinh ngạc.
Tiếp đó, khi thấy Công Uẩn đã lớn khôn và nghịch ngợm quá, Sư Khánh Vân đã gửi Công Uẩn sang tu học với sư huynh của mình là Thiền Sư Vạn Hạnh ở chùa Lục Tổ. Tại Chùa này cũng có một giai thoại khác chứng minh tính cách đế vương có từ nhỏ của Lý Công Uẩn như khi bị Sư Phụ Vạn Hạnh phạt trói đứng ngoài cổng vào ban đêm thì chú đã hài hước làm thơ:
Thiên vi khâm chẩm, địa vị chiên,
Nhật nguyệt đồng song đối ngã miên.
Dạ thâm bất cảm tràng thân túc,
Chi khủng sơn hà xã tắc điên.
Nghĩa là:
Trời làm gối, đất làm chiên (chăn),
Nhật nguyệt cùng ta một giấc yên,
Đêm khuya chẳng dám dang chân duỗi,
Chỉ sợ sơn hà xã tắc nghiêng.
Lúc Lý Thái Tổ lên ngôi, thường thỉnh Sư Đa Bảo vào cung thưa hỏi yếu chỉ Thiền và ân lễ Sư rất thâm hậu. Vua xuống chiếu trùng tu ngôi chùa Kiến Sơ làng Phù Đổng là nơi Sư trụ trì. Sau không rõ Sư tịch ở đâu và lúc nào.
Cuối bài giảng Sư Phụ diễn ngâm bài thơ tán thán công hạnh của Thiển Sư Đa Bảo do Thầy Chúc Hiền cúng dường, rất hay và ý nghĩa:
Khai Quốc già lam học đạo thiền
Căn cơ nhạy bén ngộ thiền duyên
Tổ sư tán thán trao tâm ấn
Thiền khách tiêu giao hướng cội nguyên
Ngoại vật tuỳ nghi khai pháp diệu
Trong tâm thuận cảnh mở cơ huyền
Kiến Sơ Thạch Trụ vua tham vấn
Thiền mạch châu lưu non nước yên…!
Phần 2 của thời pháp thoại, Sư phụ đã giải đáp thắc mắc của Đạo hữu Bảo Minh Toàn về câu nói của Tổ Quy Sơn Linh Hựu “Bất tri lạc thị khổ nhân” (không hề biết niềm vui phút chốc là nguyên nhân dẫn đến khổ đau luân hồi).
Sư phụ đã đọc lại nguyên văn đoạn này có câu thắc mắc của anh Bảo Minh Toàn như sau:
“Hà nãi tài đăng giới phẩm, tiện ngôn ngã thị Tỷ Kheo. Đàn việt sở tu, khiết dụng thường trụ, bất giải thổn tư lai xứ, vị ngôn pháp nhĩ hiệp cúng. Khiết liễu tụ đầu huyên huyên, đãn thuyết nhân gian tạp thoại. Nhiên tắc nhất kỳ sấn lạc, bất tri lạc thị khổ nhân. Nẵng kiếp tuẩn trần, vị thường phản tỉnh. Thời quang yểm một, tuế nguyệt sa đà, thọ dụng ân phồn, thí lợi nùng hậu. Động kinh niên tải, bất nghĩ khí ly. Tích tụ tư đa, bảo trì huyễn chất. Đạo sư hữu sắc, giới húc Tỷ Kheo, tiến đạo nghiêm thân, tam thường bất túc. Nhân đa ư thử, đam vị bất hưu, nhật vãng nguyệt lai, táp nhiên bạch thủ. Hậu học vị văn chỉ thú, ưng tu bác vấn tiên tri, tương vị xuất gia quí cầu y thực”.
Sư ông Thanh Từ dịch nghĩa:
Sao lại vừa mới lên giới phẩm, liền xưng: Ta là Tỳ Kheo. Dùng của thí chủ, ăn của Thường trụ, không biết xét nghĩ của ấy tự đâu đem đến, lại nói càng: lẽ (đương nhiên) phải hiến cúng. Ăn rồi dụm đầu ồn náo, chỉ nói toàn chuyện tạp thế gian. Song, một thuở đua vui, không biết vui ấy là nhân của khổ. Nhiều kiếp theo trần, chưa từng tỉnh lại. Thời giờ mất mát, năm tháng dần dà. Thọ dụng càng nhiều, thí chủ càng được lợi. Hết năm này sang năm khác chẳng chịu trừ bỏ. Chất chứa càng nhiều chỉ để giữ gìn thân huyễn. Đấng đạo sư có lời dạy, răn nhắc Tỳ Kheo: “Tiến đạo nghiêm thân, ba việc thường chớ đủ”. Người nay phần nhiều mê đắm không thôi, ngày lại tháng qua thoạt nhiên đầu bạc. Kẻ hậu học chưa nghe chỉ thú, phải nên rộng hỏi bậc tiên tri. Chớ nói xuất gia trọng cầu ăn mặc.
Sư phụ giải thích từng đoạn rất hay nhưng con ghi không kịp, xin quý bạn nghe lại trong bài giảng của ngài trong youtube channel của Tu Viện Quảng Đức.
Cuối lời giải đáp, Sư phụ có diễn ngâm bài thơ “Thiểu Dục Tri Túc” của thi sĩ Vương Đình Khoát:
Giải thoát đâu xa hạnh phúc tầm
An vui biết đủ có từ tâm
Quanh năm bố vải lòng thơ thới
Xứng đáng chân tu chẳng nắm cầm.
Biết đủ tùy duyên tự thấy vừa
Cân bằng mức sống kín nắng mưa
Không tham quá sức mình đang có
Thiểu dục gieo duyên chí Phật thừa.
(xem trọn bài thơ này ở link này)
Kính bạch Sư Phụ, hôm nay chúng con được Sư Phụ ban giảng bài pháp về thiền sư Đa Bảo. Sư Đa Bảo được thiền sư Khuông Việt đặc cách cho vào thất để chỉ dạy và truyền pháp. Sư có tài tiên tri khi thấy Lý Công Uẩn lúc còn nhỏ, Sư cho biết sau này Lý Công Uẩn sẽ làm vua. Khi Lý Thái Tổ lên ngôi thường thỉnh Sư vào cung thưa hỏi yếu chỉ thiền, vua cho trùng tu chùa Kiến Sơ nơi Sư trụ trì. Cuộc đời của Sư rất đơn giản, nhẹ nhàng không rõ gia thế xuất thân của Sư cũng như không rõ Sư tịch lúc nào và nơi nào, một mình một bình bát tiêu dao đến đi tự tại.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Cung kính và tri ơn Sư Phụ,
Đệ tử Quảng Tịnh Tâm
(Montréal, Canada).
Thiền Sư Đa Bảo (Đời thứ 5, Thiền Phái Vô Ngôn Thông)
Kính đa tạ Giảng sư ..
(1)
Theo HT Thích Thanh Từ trong Thiền Sư Việt Nam :
Chẳng rõ Sư người ở đâu và họ gì. Chỉ biết, khi Khuông Việt đại sư mở trường giáo hóa ở chùa Khai Quốc. Sư đến tham học. Được Đại sư khen là bậc gặp cơ lãnh ngộ, xử sự rất đặc cách, riêng cho vào thất.
Sau khi đắc pháp, Sư chỉ một mình một bình bát tiêu dao ngoại vật.
(2) Thiền Sư Vô Ngôn Thông đã triệt ngộ nhờ câu dạy pháp của Thiền Sư Bách Trượng Hoài Hải TÂM ĐỊA NHƯỢC KHÔNG, TUỆ NHẬT TỰ CHIẾU
Tâm địa có nghĩa là nhìn vào đất tâm để tìm ra những chỗ kẹt, và tháo gỡ những chỗ kẹt đó thì tự nhiên mặt trời tuệ giác chiếu ra.
Dưới đây là lời thiền sư Vô Ngôn Thông dạy thiền sư Cảm Thành:
Nhất thiết chư pháp giai tùng tâm sinh. Tất cả mọi hiện tượng đều phát hiện từ tâm.
Tâm vô sở sinh, pháp vô sở trú, Tất cả mọi hiện tượng, tất cả các pháp sông, núi, cây, cỏ, thân thể, cảm thọ đều từ tâm của mình mà sinh ra.
(3)
Lý Thái Tổ lúc chưa lên ngôi, Sư thấy tướng mạo đẹp đẽ khác thường, bèn bảo: "Chú này cốt tướng khác phàm, ngày kia làm vua ắt là nó đây."
Lý Thái Tổ cả kinh, thưa: "Hiện nay đức Thánh thượng anh minh còn đó, trong ngoài cả nước yên vui, thầy ta sao lại nói lời phải tội tru di này?"
Sư bảo: "Mệnh trời đã định, người dù muốn trốn cũng chẳng được nào. "
Giả như lời này mà đúng, thì mong chớ bỏ nhau
(4)
Sinh ra không có cha lại vừa mất mẹ, nên ông nhận được tình yêu thương và dạy dỗ hết lòng của người cha nuôi Lý Khánh Vân. Mới 6 tuổi, Lý Công Uẩn đã tinh thông khá nhiều sách vở, được coi là một chú bé thông minh, khôi ngô tuấn tú và khá rắn rỏi. Thế nhưng, ngoài sự thông minh ấy, Lý Công Uẩn lại là một cậu bé vô cùng tinh nghịch và mải chơi.
Có lần, cha nuôi sai cậu đem oản lên cúng Hộ Pháp, thay vì thành tâm vâng lời, chú liền khoét oản ăn trước.
Đến đêm, Hộ Pháp báo mộng cho Lý Khánh Văn biết khiến cậu bị cha nuôi mắng.
Tức giận, Lý Công Uẩn lên chùa đánh cho Hộ Pháp ba cẳng tay, sau đó viết vào sau lưng pho tượng mấy chữ: "Đày ba ngàn dặm".
Đêm hôm ấy, Lý Khánh Vân lại thấy Hộ Pháp đến báo mộng với vẻ mặt buồn rầu và ngỏ lời từ biệt: "Hoàng đế đã đày tôi đi xa, xin có lời chào ông".
Sáng hôm sau, Lý Khánh Vân lên chùa xem pho tượng thì thấy sau lưng quả nhiên có mấy chữ "Đồ tam thiên lý" thật.
Ông liền sai nhiều chú tiểu khác lấy nước rửa nhưng không sao rửa sạch. Cuối cùng, ông phải bảo Lý Công Uẩn vào rửa thì chú bé chỉ lấy ngón tay xoa xoa là sạch ngay.
Lớn thêm chút nữa, Lý Công Uẩn vẫn không thay đổi tính nết là bao. Thay vì phải chăm chỉ học hành, cậu bé Công Uẩn lại chỉ ham chơi và luôn tìm cách trốn học. Ngày ấy, khi được gửi sang chùa Tiêu Sơn của thiền sư Vạn Hạnh (anh trai Lý Khánh Vân) để học văn học và tài kinh luân của thầy, Lý Công Uẩn luôn tỏ rõ sự thông minh và nghịch ngợm của mình trong mọi hoàn cảnh.
Đến cả khi bị trói ở cổng tam quan, cậu vẫn tức cảnh làm thơ:
Thiên vi khâm chầm địa vị thiên
Nhật nguyệt đồng song đốt ngã miên
Dạ thâm bất cảm trăng thân túc
Chỉ khủng sơn hà xã tắc điên,
dịch là:
Trời làm màn gối, đất làm chiên.
Nhật nguyệt cùng ta một giấc yên.
Đêm khuya chẳng dám dang chân duỗi
Chỉ sợ sơn hà, xã tắc nghiêng
Nghe xong câu thơ này, nhà sư Vạn Hạnh biết cậu có khí chất đế vương nên ra sức dạy dỗ và lo toan cho Công Uẩn làm nên sự nghiệp lớn.
(5)
Khi Đại sư Khuông Việt giảng dạy tại chùa Khai Quốc, Sư đến tham học. Đại sư khen là người gặp việc thì chóng hiểu, xử sự cẩn thận, nên riêng cho nhập thất.
Sau khi đắc pháp, Sư chỉ một mình một bát, tiêu dao ngoại vật.
Sau được chùa Kiến Sơ, bèn đến ở đó.
(6)
Chẳng rõ Sư người ở đâu và họ gì
Đến khi Thái Tổ lên ngôi, thường thỉnh Sư vào cung thưa hỏi yếu chỉ Thiền và ân lễ Sư rất thâm hậu. Vua xuống chiếu trùng tu ngôi chùa Kiến Sơ làng Phù Đổng là nơi Sư trụ trì.
Sau không rõ Sư tịch ở đâu và lúc nào.
(7) Nhờ đọc tiểu sử đệ tử nối pháp đời thứ sáu ( Thiền Sư Định Hương ) mới biết được điều này
Thuở nhỏ Định Hương thọ giáo với Thiền sư Đa Bảo tại chùa Kiến Sơ. Trải qua 24 năm, môn đồ của Thiền sư Đa Bảo có hơn trăm người nhưng chỉ có Sư cùng với Quốc Bảo Hòa được chọn làm thủ lĩnh, nhưng Sư thấu rõ nhất tông chỉ của Đa Bảo.
(8)
Khiết liễu tụ đầu huyên huyên, đãn thuyết nhân gian tạp thoại. Nhiên tắc nhất kỳ sấn lạc, bất tri lạc thị khổ nhân. Nẵng kiếp tuẩn trần, vị thường phản tỉnh. Thời quang yểm một, tuế nguyệt sa đà, thọ dụng ân phồn, thí lợi nùng hậu. Động kinh niên tải, bất nghĩ khí ly. Tích tụ tư đa, bảo trì huyễn chất. Đạo sư hữu sắc, giới húc Tỷ Kheo, tiến đạo nghiêm thân, tam thường bất túc. Nhân đa ư thử, đam vị bất hưu, nhật vãng nguyệt lai, táp nhiên bạch thủ. Hậu học vị văn chỉ thú, ưng tu bác vấn tiên tri, tương vị xuất gia quí cầu y thực”.
“Khiết liễu tụ đầu huyên huyên, đãn thuyết nhân gian tạp thoại”. Là ăn xong rồi nhóm ba hợp bảy nói chuyện ồn náo, toàn những chuyện tạp nhạp ở thế gian. Tổ quở chúng ta không lo khắc niệm bên trong, ngoài tuyên dương pháp lục hòa mà chỉ nói toàn chuyện thế gian. Tệ đoan ấy hầu như đã lan tràn khắp chùa chiền. Chúng ta ít nghe bàn chuyện giải thoát mà chỉ bàn chuyện lẩn quẩn đâu đâu. Nếu chúng ta cứ bàn chuyện thế gian, mà chuyện thế gian là chuyện trong sanh tử thì làm sao chúng ta thoát khỏi sanh tử được. Chúng ta phải cố gắng làm sao thoát khỏi vòng sanh tử, để rồi chèo thuyền Bát Nhã cứu vớt chúng sanh, đó mới là bản hoài của người tu.
“Nhiên tắc nhất kỳsấn lạc. Bất tri lạc thị khổ nhân” Song, một thuở đua vui, không biết vui ấy là nhân của khổ. Trong lúc đuổi theo cái vui, chúng ta đâu biết rằng vui ấy là nhơn đau khổ. Hiện tại chúng ta tưởng bàn nói nhảm nhí, cười đùa đó là vui, nhưng đâu ngờ rằng chính đuổi theo cái vui tạp nhạp ấy là nhân khổ sau này.. Chúng ta chạy theo cái vui sanh diệt thế gian tức không tránh khỏi cái khổ sanh tử ở ngày mai. Nhân sanh diệt tức quả sanh diệt, mà sanh diệt tức khổ não vậy.
(9)
Tỳ kheo (khưu): Tiếng Phạn gọi là Tỳ kheo.(Bali:Bhikkhu,Phạn:Bhikṣu), đời Tần dịch là Khất sĩ, nghĩa là trên xin giáo pháp của Phật để nuôi lớn tuệ mạng, dưới xin cơm của thí chủ để giúp ích sắc thân và được định nghĩa theo 3 tên gọi
1/ Bố ma tức là nguyên nhân, vì lúc xuất gia cung điện của Ma vương chấn động, đến khi chứng quả thì gọi là Sát Tặc (có người nói rằng xuất gia là đầy đủ chánh tín, chánh nhơn, phát tâm dõng mãnh, cầu thành Phật quả đại giác ngộ, thề độ tất cả chúng sanh). Người tâm chơn thật rộng lớn thì mới hay làm chấn động cung điện của Ma vậy.
2/ Nguyên nhân gọi là khất sĩ, đến khi chứng quả gọi là ứng cúng.
3/ Nguyên nhân gọi là phá ác – trì giới gọi là phá ác, đến khi chứng quả thì gọi là vô sanh.
Kinh Niết Bàn chép: “Phá được phiền não cho nên gọi là Tỳ kheo. Phá vọng tưởng về cái ta…”.
Tu giới định tuệ, vượt qua ba cõi bốn dòng, ở trong đạo vô úy cho nên gọi là Tỳ kheo.
Kinh Đại Trang Nghiêm chép: “Phá tan và dọn sạch kho vô minh, gọi là Tỳ kheo”.
Luận Du Già chép: “Tỳ kheo tức là xả bỏ phép nhà, để đến chỗ không nhà… Đầy đủ biệt giải thoát luật nghi, chúng đồng phần (*), tự tánh ấy ở nơi các hình sắc, chuyên cần tinh tấn. Bố úy các nẻo ác, vì tự phòng giữ, vì nhiếp trì khiến cho không bị tổn hoại, cho nên mới gọi là Tỳ kheo”.
Trong Luận Tỳ Bà Sa có bài kệ rằng:
“Tay chân chớ dối phạm.
Lựa lời thuận việc làm.
Thường vui giữ định ý.
Đó gọi chơn Tỳ kheo”
(10) Bài thơ được tóm gọn như sau
Đây bài cảnh sách phân công
Đảm đang chức sự trong tùng lâm ta
Cúng dàng Phật Pháp Tăng già
Làm tròn trách nhiệm lợi ta lợi người
Nên chẳng quản hao hơi nhọc sức
Cố gắng làm công đức vẹn tuyền
Nhẽ đâu sợ khó ngại phiền
Mượn điều lẩn tránh ngồi yên sao đành
Lỡ ra khuyết điểm phát sinh
Công việc chung cũng trở thành dở dang
Nên suy xét đảm đang nghiêm túc
Gip đỡ người tức giúp đỡ mình
Chăm lo củi nước hoàn thành
Cũng là phương cách tu hành cần chuyên
Giúp ta giác ngộ cơ thiền
So đo hơn thiệt não phiền càng tăng
Tổ Tào Khê siêng năng giã gạo
Tổ Tuyết Phong tần tảo làm cơm
Tổ Quy Sơn bếp nước chăm nom
Tổ Kính Sơn quét tước thường làm vệ sinh
Tổ Bách Trượng thanh minh trong chúng
Ngày không làm thời cũng không ăn
Tổ Thọ Xương cày cấy chung thân
Đều là những bậc vĩ nhân cửa thiền
Gương xưa mãi mãi còn truyền
Cần lao phục vụ lực điền tận tâm
Nay đại chúng tùng lâm cộng trụ
Chức vụ thường thiếu sự gắng công
Ai đủ sức nên phát tâm
Rụt rè bỏ phế việc chung sao đành
Có công Phật tổ mới thành
Không thời biển khổ lênh đênh đời đời...
----
Xin đại chúng chớ nên lưỡng lự
Đã gọi là tu học cùng nhau
Việc làm kẻ trước người sau
Ai ai cũng để tâm vào là xong
Nay tăng chúng ở trong thường trụ
Nhận việc gì chớ bỏ dở dang
Gọi là dây dớp ăn phần
Gặp sao hay vậy còn ăn thua gì
Xem Phật Tổ xưa kia bao kiếp
Suốt đêm ngày mài miệt công phu
Đạo thành cốt ở chỗ tu
Biếng lười lần nữa dễ hồ được sao?
Nhân không trồng quả bao giờ được,
Đạo không tu ai rước mình lên?
Thử coi chư Phật, Thánh Hiền,
Gieo bao phúc tuệ nhân duyên giúp đời.
Vậy ai đã gọi là người biết,
Tính ươn hèn nên kíp bỏ đi
Cùng nhau khuya sớm tu trì
Để tâm làm việc có gì khó đâu
Nên khuyên bảo cùng nhau cố gắng
Đạo Bồ Đề quyết chứng không lui
Nên chăng hay dở ở người.
Nam mô A Di Đà Phật (3lần)
CẢNH SÁCH NIỆM
Xin đại chúng lắng nghe cho kỹ:
Phật dạy rằng rất quý là thân!
Vì bao đời tích thiện nhân,
Nên nay mới được tái sinh làm người.
Phật Pháp chính là nơi khó gặp,
Thầy, bạn hiền cũng rất hiếm hoi.
Ta nay may gặp đủ rồi,
Không mau tu tỉnh đợi thời nào ư?
Phải nên kịp bài trừ tánh xấu,
Bao điều hay khuyên bảo lẫn nhau,
Phải nên suy trước nghĩ sau,
Chớ theo cảnh dối tìm vào bến mê!
Để thân lại quay về bể khổ,
Kiếp bọt bèo sóng vỗ tả tơi,
Đắm chìm chưa biết bao đời,
Vào sinh ra tử đứng ngồi lao đao.
Lúc đó muốn tu nào dễ được,
Đường đã lầm càng bước càng xa.
Chi bằng ta hãy vì ta,
Bây giờ tu Phật thật là dễ thay!
Học ngay phép xưa nay Phật học,
Việc Phật làm cũng dốc lòng theo,
Chí thành làm được bao nhiêu,
Quả sau kết bởi nhân gieo từ giờ.
Việc phúc thiện đêm ngày nên gắng,
Điều hại người chớ tưởng màng chi.
Thẳng dong đường chính bước đi,
Ngàn kia xa cũng có khi tới gần.
Bấy giờ được pháp thân tự tại,
Cả hai đường phúc tuệ vẹn hai.
Lại ra độ khắp muôn loài,
Theo như chư Phật đời đời yên vui.
Dốc lòng niệm đức Như Lai!
Nam Mô A Di Đà Phật (3 lần)
---
Xin đại chúng lắng nghe cho rõ:
Phật dạy rằng từ cổ tới nay,
Cõi đời thay đổi đổi thay,
Biến thiên từng phút từng giây chẳng ngừng.
Ngẫm ngay cảnh tưng bừng trước mắt,
Ngoảnh cổ đi đã mất hết rồi
Khác nào như đám mây trôi,
Thiên hình vạn trạng hợp rồi lại tan.
Muôn loài ở thế gian là khổ,
Sinh, ốm, già, chết đủ đắng cay.
Ái ân ly biệt thảm thay,
Cầu chi chẳng được lòng này xót xa.
Ở với kẻ nếu là thù oán,
Chịu những điều chẳng muốn xưa nay,
Khổ đau càng chất càng đầy,
Ai người trong cảnh mới hay nỗi niềm.
Một thân chịu muôn ngàn đau khổ,
Kết cục rồi còn có chi đây?
Họa may đám cỏ xanh rì,
Gọi là chút đỉnh làm ghi ít ngày.
Thế mới biết thân này là giả,
Có chi mà tranh ngã tranh nhân?
Chẳng qua cũng ở cõi trần,
Cõi đời ô uế bản thân sạch nào?
Suy cho kỹ gót đầu sẽ thấy,
Cõi đời này tin cậy được không?
Vậy còn chi nữa mà mong?
Kíp nên niệm Phật để hòng mai sau,
Sang Cực Lạc còn đâu hơn được,
Đấy mới là cõi nước yên vui,
Chúng sinh sung sướng đời đời,
Muốn sao được vậy tức thời có ngay.
Đức Di Đà hiện nay là Chủ,
Vẫn rộng lòng cứu độ chúng sinh.
Hễ ai có chút duyên lành,
Tin theo, làm đúng việc mình sẽ nên.
Trên chín phẩm đài sen ghi tới,
Bạn bè cùng với thiện nhân
Đều cùng chứng được chân thân
Tháng ngày hưởng thọ muôn phần yên vui.
Vết ô uế mảy may chẳng có,
Tiếng ưu sầu đau khổ đều không,
Sạch sanh như thể gương trong
Cảnh vui khôn dễ tả cùng được sao.
Khắp mười phương Phật đều khen ngợi,
Khuyên chúng sinh nguyện tới cho mau.
Tới nơi như ý sở cầu,
Muốn sao được vậy còn đâu hơn mà!
Vậy ai đã là người hiểu biết,
Nên dốc lòng quyết chí cầu sang.
Sang rồi Phật mở lòng thương,
Lại ra độ khắp mười phương muôn loài,
Để cùng được về nơi Cực Lạc
Hưởng đời đời giải thoát tiêu dao.
Dốc lòng niệm Phật cùng nhau!
Nam Mô A Di Đà Phật (3 lần)