Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Thiền Sư Thích Huệ Thắng, Vị thiền sư thứ 3 (vào thế kỷ thứ 6) của Việt Nam 🌼🌹🥀🌷🌸🏵️

12/06/202108:58(Xem: 20222)
Thiền Sư Thích Huệ Thắng, Vị thiền sư thứ 3 (vào thế kỷ thứ 6) của Việt Nam 🌼🌹🥀🌷🌸🏵️



Thiền Sư Thích Huệ Thắng,
Vị thiền sư thứ 3 vào thế kỷ thứ 6 của Việt Nam
Thuyết giảng: TT Thích Nguyên Tạng
Bài trình pháp: Cư Sĩ Quảng Tịnh Tâm & Cư Sĩ Huệ Hương
Diễn đọc: Cư Sĩ Diệu Danh ; Lồng nhạc: Cư Sĩ Quảng Phước


 


Nam Mô A Di Đà Phật

Kính bạch Sư Phụ

Bạch Sư Phụ, hôm nay chúng con được Sư Phụ ban giảng bài pháp thoại (thứ 245) về “Thiền Sư Thích Huệ Thắng”, ngài là vị thiền sư thứ ba của Việt Nam (vào thế kỷ thứ sáu), cách Đức Phật nhập niết bàn 800 năm và cách chúng ta 1500 năm.


Tiểu sử của ngài rất ngắn, Sư ông Thanh Từ theo Cao Tăng Truyện để biên soạn.

Thích Huệ Thắng là người Giao Chỉ, ở chùa núi Tiên Châu (Bắc Ninh), lánh ngụ rừng đầm, thong dong ngoại vật, tụng kinh Pháp Hoa, ngày đến một biến, mỗi năm càng sâu. Sư ăn mặc đơn sơ, tùy thân vui dùng, theo Thiền sư nước ngoài là Đạt-ma-đề-bà (Dharmadeva) học pháp quán hạnh. Mỗi lần Sư nhập định đến ngày mai mới xuất định.


Sư Phụ giải thích, Giao chỉ là bộ tộc đầu tiên của nước Văn Lang, hai ngón chân cái giao nhau, Sư Phụ có chỉ xem trong Google có hình. Ở Việt Nam hiện nay giống người Giao Chỉ cổ xưa còn rất ít.

Chùa Núi Tiên Châu xưa kia là tọa lạc ở Bắc Ninh ngày nay.

Thiền sư Thích Huệ Thắng là một hành giả thọ trì Pháp Hoa Kinh, mỗi ngày một bộ, gồm 7 quyển và 28 phẩm.
Từ phẩm 1-14, thuộc tích môn, kể về sự tích của cuộc đời và hành trạng của Đức Phật.


Từ phẩm 15-28, thuộc về bản môn, giải về lý của kinh Pháp Hoa.

Kinh Pháp Hoa, gọi đầy đủ là Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, lấy hoa sen để biểu trưng cho tri kiến Phật.

Trong bùn gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng
Nhị vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn

Chư Tổ Đức cũng dạy:
Khi mê bùn vẫn là bùn
Ngộ rồi mới biết trong bùn có sen.




Búp sen còn nằm trong bùn vẫn đầy đủ 4 yếu tố: cánh sen, nhuỵ sen, gương sen và hạt sen. Đó là ý nghĩa biểu trưng cho nhân quả đồng thời. Sen trong bùn giống như chúng sanh đang ở trong tam giới luân hồi đau khổ, nhưng kỳ diệu thay trong mỗi chúng sanh đều có Phật tánh, Tri kiến Phật, nếu chúng sanh đó đủ duyên tu tập đạt đến giác ngộ, giải thoát thành Phật như đóa sen nở rộ 100%.


Thiền Sư Thích Huệ Thắng có duyên với kinh Pháp Hoa, với thời gian, ngài thâu nhập sâu đậm nghĩa của kinh và đạt ngộ Phật tri kiến.

Phật tử Việt Nam thời hiện tại thừa hưởng lợi ích từ 2 bản dịch đầu tiên Kinh Pháp Hoa của lão cư sĩ Đoàn Trung Còn dịch, xuất bản vào năm 1936 và bản dịch thứ 2 của Hòa thượng Thích Trí Tịnh dịch xuất bản 1948.




Đức Trưởng Lão Hoà Thượng Trí Thủ cũng là một hành giả Kinh Pháp Hoa, Ngài có để lại đời 4 thơ tán thán kinh Pháp Hoa:

Một lòng kính lạy Phật đà
Ngàn đời con nguyện ở nhà Như Lai
Con nguyện mặc áo Như Lai
Con ngồi pháp tọa Như Lai muôn đời.

Nhà Như Lai chính là an trú trong tâm từ bi, áo Như Lai là nhẫn nhục Ba la mật, toà Như Lai là pháp tánh không, hành giả Pháp Hoa phải áp dụng pháp tu để hành trì mỗi ngày để giác ngộ và giải thoát ra khỏi vòng sanh tử luân hồi.

Công hạnh của thiền sư Thích Huệ Thắng:

-Ngài thọ trì kinh Pháp Hoa
-Sư ăn mặc đơn sơ, tri túc thiểu dục, an lạc vô vi tự tại.
-Sư học thiền chỉ và thiền quán với Thiền Sư Ấn Độ Đạt Ma Đề Bà (Dharmadeva), mỗi lần nhập định một ngày một đêm mới xuất định.

Thiền Chỉ (samatha): có 3, đó là: Hệ duyên thủ cảnh chỉ, chế chơn chỉ, thể chơn chỉ, tức dừng tâm, cột tâm mình lại một chỗ, không cho tán loạn, vọng tưởng nữa. Dùng 5 thiền chi: tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm để đối trị, tận trừ 5 triền cái (chướng ngại):tham dục, sân nhuế, hôn trầm thùy miên, trạo hối và nghi. Từng bước, hành giả tu thiền chỉ sẽ chứng đạt tứ thiền và ngũ thần thông.


1/Tầm đối trị Hôn trầm-Thùy miên
2/Tứ đối trị Nghi hoặc
3/Hỷ đối trị Sân
4/Lạc đối trị Trạo cử - Hối quá Hôn trầm (Thiramiddha),
5/Nhất tâm (định) đối trị tham dục


Chân tâm: như nước trong suốt
Tâm tham: như nước pha màu
Tâm sân: như nước đang sôi
Tâm hôn tâm-thùy miên: như nước bị rong rêu
Tâm trạo-hối: như nước bị gió động
Tâm nghi hoặc: như nước bùn đen





1/Sơ Thiền: ly dục, ly ác pháp, chứng và trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm, với tứ." . Khi mạng chung, thác sinh về cõi sắc giới: phạm chúng, phạm phụ, đại phạm)

2/Nhị thiền: diệt tầm và tứ, chứng và trú thiền thứ hai, với trạng thái hỷ lạc do định sanh. Khi mạng chung, thác sinh về cõi sắc giới bậc hạ: thiểu quang, vô lượng quang, quang âm.

3/Tam thiền: ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ, “Xả niệm lạc trú”. Khi mạng chung, thác sinh về cõi sắc giới bậc trung: Thiểu tịnh, vô lượng tịnh, biến tịnh.

4/Tứ thiền: xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú vào thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh." Khi mạng chung, thác sinh về cõi trời sắc giới cao nhất: Vô vân, phước sanh, quảng quả, vô tưởng, vô phiền, vô nhiệt, sắc cứu cánh, Đại Tự Tại.




Và hành giả tu thiền chỉ chứng được ngũ thần thông:

1/Thiên nhãn thông
2/Thiên nhĩ thông
3/Tha tâm thông
4/Thần túc thông
5/Túc mạng thông

Sư phụ có nhắc dù đạt tứ thiền và ngũ thần thông nhưng vẫn còn ở trong vòng sanh tử luân hồi, muốn giải thoát phải tu Thiền Quán.

THIỀN QUÁN (Vipassana): có 2: đối trị quán, chánh quán, dùng trí tuệ để quán chiếu. Quán thân, thọ, tâm, pháp; quán 3 pháp ấn: vô thường, khổ, vô ngã.

Hành giả tu thiền quán sẽ đắc 4 quả và ra khỏi vòng sanh tử luân hồi.

1/Tu Đà Hoàn quả: hành giả diệt tận: Thân kiến, giới cấm thủ, hoài nghi

2/Tư Đà Đàm quả: diệt trừ Dục ái & làm mỏng sân nhuế

3/A Na Hàm quả: đoạn tận vĩnh viễn 5 hạ phần kiết sử (Thân kiến, giới cấm thủ, hoài nghi, tham dục, sân hận).

4/A La Hán quả: hành giả đoạn tận sạch sẽ 5 thượng phần kiết sử: sắc ái, vô sắc ái , trạo cử, ngã mạn và vô minh. Khi vô minh hết thì minh xuất hiện, hành giả chứng đệ lục thần thông đó là Lậu tận thông, phiền não chướng, sở tri chướng tận trừ, chứng quả vô sanh bất tử, giải thoát, không còn luân hồi tái sanh nữa.




Lưu Tích ở Bành Thành (Giang Tô) khi làm Thái thú ở Nam Hải, nghe đạo phong của Sư, lúc về nước thỉnh Sư cùng đi. Khi về tới Bành Thành, Sư cư trú tại chùa U Thê. Sư giữ kín chỗ kỳ đặc, thường tỏ ra ngu ngốc. Nhưng người ở lâu với Sư rất kính trọng, những học giả về Thiền rất khâm phục. Ở chùa U Thê, Sư không đòi phần ăn, chỉ sống bằng khất thực, hoàn toàn tuân theo sự thanh liêm.

Năm Vĩnh Minh thứ năm (487), Sư dời về Tinh xá Diên Hiền tại núi Khế Chung. Từ trẻ đến già, Sư giữ gìn một tâm trinh chánh.

Sư viên tịch vào khoảng niên hiệu Thiên Giám (519), thọ thế 70 tuổi




Kính bạch Sư Phụ, hôm nay chúng con được học về Thiền Sư Thích Huệ Thắng, cuộc đời của Ngài thật huyền diệu, luôn giữ tam thường bất túc, cuộc sống thanh liêm, chuyên trì kinh Pháp Hoa, hành thiền chỉ và thiền quán miên mật, dùng trí tuệ soi thấu mọi sự vật như nó đang là, như thị nhân, như thi duyên, như thị quả, như bổn mạt cứu cánh giải thoát. Đệ tử chúng xin phát nguyện học theo hạnh của ngài để tinh cần tu tập để sớm liễu ngộ và giải thoát mọi phiền não, khổ đau.



Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Cung kính và tri ơn Sư,
Đệ tử Quảng Tịnh Tâm
(Montréal, Canada).







245_TT Thich Nguyen Tang_Thien Su Thich Hue Thang


 Ba công hạnh người Phật tử
học được từ
Thiền Sư Thích Huệ Thắng
(Vị thiền sư thứ 3  của Việt Nam vào thế kỷ thứ 6)
TỪ TRẺ ĐẾN GIÀ GIỮ MỘT TÂM TRINH CHÁNH , THIỂU DỤC TRI TÚC,
THÂM DIỆU NGỘ NHẬP PHẬT TRI KIẾN NHỜ LÀU THÔNG KINH PHÁP HOA VÀ ĐẠT ĐỊNH QUA HỌC THIỀN CHỈ QUÁN

Kính dâng Thầy bài thơ trình pháp tóm gọn những gì con nghe hôm nay về pháp thoại quá tuyệt vời với Thiền Sư Thích Huệ Thắng qua biện tài của Thầy. Kính đa tạ Thầy và kính xin thú nhận rằng ...có lẽ những gì con thu thập trên bước đường tu tập đã được Thầy tóm gọn trong bài pháp thoại nầy và đã khơi lại, làm huân trưởng hết những hạt giống Phật được gieo trồng nhưng chưa tưới tẩm và vun bón trong tàng thức con . Kính tri ân Thầy và kính chúc sức khỏe Thầy, HH




Chỉ vài hàng ngắn gọn được ghi trong Cao Tăng Truyện (1)
Hành giả tu tập bao giờ đạt được công hạnh như Ngài ? (2)
Một đời giữ tâm trinh chánh, thanh liêm dù đạt thực tài
Hình tướng bên ngoài khác hẳn đạo phong kỳ đặc, tự tại !

Hành giả Pháp Hoa rất tự hào khi nghe pháp thoại
Rằng Kinh Pháp Hoa xuất hiện cuối thế kỷ thứ ba (3)
Tuy từ Phạn sang Hán văn rồi đến Việt Ngữ ta
Niềm hãnh diện của dân tộc bốn ngàn năm văn hiến !

Lại được tu tập dần KHAI, THỊ ,NGỘ ,NHẬP TRI KIẾN ! (4)
Đại thừa phát triển nhưng nền tảng của Như Lai Thiền
Kính đa tạ Giảng Sư ... điều tiên quyết cần diệt ngũ triền (5)
Để thâm nhập và tiến sâu trong Thiền Chỉ Quán(6)

Con đường đưa đến diệt Khổ ....Lời dạy Thế Tôn căn bản !
Chứng đạt Tứ Thiền và Tứ Thánh Quả trải nhiêu khê
Nhưng đã tu tập ai chẳng ao ước điểm đến ngày về ?
Kính tri ân Giảng Sư sách tấn ....
.......hãy kiên trì và luôn chánh niệm tỉnh giác (7)

Nam Mô Thiền Sư Thích Huệ Thắng tác đại chứng minh .

Huệ Hương
Melbourne 12/6/2021




(1)

Cao tăng truyện (chữ Hán: 高僧傳), còn được gọi là Lương cao tăng truyện, là một bộ tuyển tập truyện ghi chép sự tích về các nhà sư nổi tiếng ở Trung Quốc từ lúc Phật giáo mới du nhập vào Trung Quốc đến đầu nhà Lương.

Bộ sách gồm 14 quyển, do Tuệ Kiểu, tăng nhân thời nhà Lương Nam Bắc triều, biên soạn khoảng năm 530, ghi chép truyện 257 danh tăng cùng 274 nhân vật nổi tiếng từ thời Hán Vĩnh Bình (58–75) đến Lương Thiên Giám (502-519), phân thành 10 loại, gồm:

-Dịch kinh (譯經, dịch giả kinh văn),

-Nghĩa giải (義解, giải thích ý nghĩa),

-Thần dị (神異, có phép thần thông),

-Tập thiền (習禪, các vị thiền giả),

-Minh luật (明律, nắm rõ giới luật),

-Di thân (遺身, lìa bỏ thân thể),

-Tụng kinh (誦經, những người tụng đọc),

-Hưng phúc (興福, ban hưởng phúc lộc),

-Kinh sư (經師, bảo tồn kinh văn),

-Xướng đạo (唱導, khởi xướng đạo pháp).

Bộ truyện có tham khảo hơn 80 loại tài liệu khác nhau đương thời, nếu loại trừ những yếu tố huyền hoặc, cũng có giá trị rất cao về tính sử liệu, nhất là đối với giai đoạn đầu Phật giáo du nhập sang Đông Á.

(2) Thiền Sư Thích Huệ Thắng Vị thiền sư thứ 3 (vào thế kỷ thứ 6) của Việt Nam . Ngài là người Giao Chỉ, tụng kinh Pháp Hoa, mỗi ngày một biến, học thiền với Đại Sư Đạt-ma-đề-bà (Dharmadeva), mỗi lần Ngài nhập định kéo dài một ngày một đêm….

Lưu Tích ở Bành Thành khi làm Thái thú ở Nam Hải, nghe đạo phong của Sư, lúc về nước thỉnh Sư cùng đi. Khi về tới Bành Thành, Sư cư trú tại chùa U Thê.

Sư giữ kín chỗ kỳ đặc, thường tỏ ra ngu ngốc.

Nhưng người ở lâu với Sư rất kính trọng, những học giả về Thiền rất khâm phục.

Ở chùa U Thê, Sư không đòi phần ăn, chỉ sống bằng khất thực, hoàn toàn tuân theo sự thanh liêm.

Năm Vĩnh Minh thứ năm (487), Sư dời về Tinh xá Diên Hiền tại núi Khế Chung. Từ trẻ đến già, Sư giữ gìn một tâm trinh chánh.

Sư mất khoảng niên hiệu Thiên Giám (502-519), tuổi vừa bảy mươi

(3) Theo VN Phật giáo Sử luận của Sư Ông Làng Mai

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa đã được dịch từ tiếng Phạn sang các bản tiếng Hán khác nhau. Bản dịch đầu tiên do ngài Trúc Pháp Hộ (Dharmarakṣa) dịch sang tiếng Hán với tựa kinh là Chính Pháp Hoa Kinh ở thành Trường An vào khoảng năm 286, đời Tây Tấn. Sau đó là đến bản dịch của ngài Cưu-ma-la-thập (Kumarajiva) vào khoảng năm 406 với tựa đề Diệu Pháp Liên Hoa Kinh. Bản dịch của ngài đã tóm tắt nội dung phần trường hàng sao cho độc giả dễ dàng nắm được nội dung cốt yếu của kinh nhưng bản của ngài Cưu-ma-la-thập đã lược bỏ phần trùng tụng. Sau đó, ngài Xa-na-quật-đa (Jnanagupta) và ngài Đạt-ma-cấp-đa (Dharmagupta) cũng dịch kinh Pháp Hoa dựa vào bản của ngài Cưu-ma-la-thập thành bộ kinh có tên Thiên Phẩm Diệu Pháp Liên Hoa Kinh. Về sau, người ta sử dụng phần trường hàng trong bản ngài Cưu-ma-la-thập và phần trùng tụng của ngài Xa-na-quật-đa và Đạt-ma-cấp-đa thành bộ kinh Diệu Pháp Liên Hoa được truyền bá rộng rãi. Trong bản tiếng Việt, có lẽ bản dịch của hòa thượng Thích Trí Tịnh là phổ biến nhất.

Đến thầy Đạt-Ma Đề-Bà và thầy Huệ Thắng thì chú trọng về sự thực tập Pháp Hoa Tam Muội. Chúng ta biết rằng cuối thế kỷ thứ 3 thì kinh Pháp Hoa Tam Muội đã được dịch tại Giao Châu. Khi thầy Đạt-Ma Đề-Bà tới Việt Nam dạy thiền thì thầy đã sử dụng kinh Pháp Hoa. Rồi thầy Huệ Thắng, học trò của thầy Đạt-Ma Đề-Bà cũng sử dụng Pháp Hoa.

Trên thế giới ai cũng biết rằng vào thế kỷ thứ 5 có một thiền sư người Ấn tên là Bodhidharma sang Trung Quốc để truyền đạo. Nhưng ít ai biết rằng đồng thời với tổ Bồ-Đề Đạt-Ma, có thể 15 hay 20 năm sớm hơn, thì có một thiền sư khác tên là Đạt Ma Đề Bà (tiếng Phạn là Dharmadeva) sang Việt Nam để dạy thiền. Thiền của Đạt Ma Đề Bà cũng là thiền Đại thừa

Đạt Ma Đề Bà có một vị đệ tử tên là Huệ Thắng và thầy Huệ Thắng cũng đã theo gót thầy Tăng Hội, nghĩa là sau khi thực tập và dạy dỗ tại Đại Việt thì thầy cũng qua Trung Quốc để dạy thiền

(4)

Toàn bộ kinh đều chỉ nhằm mục đích chỉ cho mọi người nhận ra nơi thân ngũ uẩn này sẵn có tri kiến Phật chứ không phải nơi nào khác.

Trong kinh nói: “Duy Phật dữ Phật, nãi năng cứu tận chư pháp thật tướng, sở vị chư Pháp, Như thị Tướng, như thị Tính, như thị Thể, như thị Lực, như thị Tác, như thị Nhân, như thị duyên, Như thị Quả, như thị báo, như thị bản mạt cứu cánh đẳng”.

Chư Pháp thực tướng là tư tưởng căn bản của Tích môn Pháp Hoa, cũng là tướng chân thật của các pháp. Tức chư pháp là thực tướng, thực tướng tức chư pháp. Hình thức cứu cánh tồn tại của sự tướng, Sự tướng ở đây nó bao hàm nhân gian và vạn tượng trong vũ trụ, sự sự, vật vật. Nếu nhìn trên sự tướng, chúng thiên sai vạn biệt, nhưng về mặt Lý tính chúng đều dung thông, bình đẳng đó là thực tướng của các pháp“Nhậm trì tự tính, quỹ sinh vật giải”.

Trong đó, Diệu Pháp mang ý nghĩa là Tri kiến Phật có sẵn trong mỗi chúng sinh (Phật tính) còn Liên hoa (tức hoa sen) là một loài hoa mang ý nghĩa biểu tượng cho Diệu Pháp. Sở dĩ liên hoa là dụ của Diệu Pháp do hoa sen có những đặc điểm sau:

-Cánh hoa và gương sen có cùng một lúc, khi cánh hoa tàn dần thì gương sen dần lộ ra đến khi cánh tàn hết thì gương sen lộ ra đầy đặn.

Tri kiến Phật là có sẵn trong mỗi chúng sinh. Sở dĩ chúng sinh không thể nhận ra được là do bị vô minhche phủ. Nếu tu hành thì Tri kiến Phật dần hiện ra viên mãn.

-Hoa sen mọc trong bùn lầy hôi tanh, nhơ nhớp nhưng vẫn đẹp thơm thanh khiết.

Thân xác ngũ uẩn này đầy rẫy điều ô uế, bất tịnh. Tuy nhiên, sâu thẳm trong nó là cái hằng thanh tịnh - Tri kiến Phật.

"Khi mê bùn vẫn là bùn

Ngộ rồi mới biết trong bùn có sen "

-Hoa sen có những cành vươn khỏi mặt nước, có cành nằm trong nước thậm chí có cành vừa nhú khỏi bùn. Tuy nhiên, tất cả các cành hoa trên vẫn sẽ nở ra những đóa hoa thơm ngát, thanh khiết.

Dù căn cơ của mỗi chúng sinh là khác nhau tuy nhiên, ai cũng có Tri kiến Phật khi tu hành viên mãn thì đắc Phật quả.

Tri kiến Phật là Diệu Pháp vì đây là pháp vượt qua mọi pháp thế gian, không có pháp nào có thể sánh được Tri kiến Phật. Tri kiến Phật là pháp sẵn có, bất sinh - bất diệt có trong mọi chúng sinh tức mọi chúng sinh đều có Tri kiến Phật và có thể giác ngộthành Phật.

Tri kiến Phật là tư tưởng cốt lõi của kinh: nội dung kinh chủ yếu trình bày và diễn giải tư tưởng này, mà HT Thích Trí Thủ đã đưa vào câu kệ tụng

Một lòng kính lạy Phật Đà

Ngàn đời con nguyện ở nhà Như Lai ( tâm từ bi )

Con hằng mặc áo Như Lai ( hạnh nhẫn nhục

Con ngồi pháp tọa Như Lai muôn đời ( pháp Không )

Kinh gồm 7 quyển, 28 phẩm được chia làm Tích môn và Bản Môn

Từ phẩm 1 đến phẩm 14 thuộc tích môn vì đây là đấu chứng lịch sử về hành trạng Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni

Từ phẩm 15 đến phẩm28 thuộc Bản môn (Bản môn, có nghĩa là đức Như lai đã thành đạo (Bản Phật thực thành từ lâu xa) xưa kia trong quá khứ lâu xa lắm rồi, để hiển bày thuyết bản địa, căn nguyên và bản thể của đức Phật, cho nên gọi đó là thực thể. )

Tích môn lấy phẩm Phương tiện làm chủ, mở phương tiện tạm thời ba Thừa để hiển bày nghĩa chân thực một Thừa, đó tức là khai quyền hiển thực.

Bản môn lấy phẩm Như lai thọ lượng làm chủ, mở dấu tích gần mới thành Phật ở Già da để hiển bày cái gốc đã thành Phật từ lâu xa, đó tức là khai tích hiển bản.

Tích môn là tạm thời (pháp phương tiện),

Bản môn la chân thực (lí thực tướng) tạo thành pháp mầu nhiệm tạm thời và chân thực là một thể (quyền thực nhất thể).

(5) Muốn đến Tứ Thiền thì phải bắt đầu từ Sơ Thiền đó là phải :

“Hoàn toàn ly dục, ly các bất thiện pháp, vị ấy chứng và trú sơ thiền, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh đi kèm với tầm và tứ.”[

Trong công thức này, phần đầu “hoàn toàn ly dục, ly các bất thiện pháp” liên hệ đến sự diệt trừ các triền cái.

Năm triền cái (panñcanivaranā) là tham dục, sân hận, hôn trầm – thụy miên, trạo cử – hối quá và hoài nghi

.Chúng được lưu ý vì đó là các chướng ngại cho thiền mà đức Phật đã chỉ ra. Những phiền nãonày không chỉ chướng ngại cho sơ thiền mà còn là áp lực chính đối với nguyện vọng giải thoát giác ngộcủa con người.

Chúng mang tên “triền cái” là vì chúng che án và bao phủ tâm, ngăn cản sự phát triển thiền ở cả hai lĩnh vực tịnh chỉ và tuệ giác. Vì lý do đó mà đức Phật gọi năm triền cái là những “chướng ngại, ngăn che, làm uế nhiễm tâm, làm yếu trí tuệ”. Hơn nữa, Ngài còn nói: “Năm triền cái, này chư Tỳ kheo, tác thành si ám, tác thành không mắt, tác thành vô trí, đoạn diệt trí tuệ, dự phần vào tổn hại, không đưa đến Niết bàn”.

Dục tham triền cái (kāmacchanda) được giải thích như là sự khát khao “năm dục lạc” – sắc, thanh, hương, vị, xúc – được xem là “khả ái, khả lạc, khả ý, khả hỷ, tương ưng với dục, hấp dẫn.”[Nó là một hình thức của phiền não gốc tham (lobha) và là một cách biểu hiện của ái (tanhā) mà đức Phật xác nhận là nhân sanh khổ.
Sân hận triền cái (byāpāda) biểu thị sự ghét bỏ đối với người hay vật không vừa ý, tầm mức của nó thay đổi từ sự bực mình nhẹ nhàng đến lòng oán hận thâm sâu. [5] Nó là hình thức của phiền não gốc sân (dosa). Như vậy, hai triền cái đầu tiên này tương ứng với hai phiền não gốc (tham, sân). Phiền nãogốc thứ ba – si (moha) – dù không được kể riêng ra trong số năm triền cái, song có thể được thấy có mặt dưới các triền cái khác.

Hôn trầm – thụy miên (thīnamiddha) được đức Phật tuyên bố là một triền cái kép có thể xem như hai loại dưới dạng các thành phần cấu thành của nó: “Hôn trầm, này chư Tỳ kheo, là một triền cái; thụy miên là một triền cái. Như vậy hôn trầm – thụy miên triền cái vốn được nói gọn, theo cách phân này trở thành hai loại.” Các bộ Luận thuộc Tạng Diệu Pháp cũng phân chia theo phương pháp này và định nghĩa hai từ riêng biệt. Chẳng hạn như bộ Pháp tụ (Dhammasangani) giải thích hôn trầm (thīna) bằng một chuỗi các từ đồng nghĩa gợi lên tính chất đình trệ, dã dượi của tâm và thụy miên (middha) bằng những từ gợi lên tình trạng mơ màng, ngái ngủ của thân
Pháp nào là sự không bén nhạy của tâm, không thích nghi, sự chần chừ, đình trệ, lười biếng, cách lười biếng, thái độ lười biếng, dã dượi, cách dã dượi, thái độ dã dượi của tâm. Đây được gọi là hôn trầm.

Thế nào là thụy miên?
Pháp nào là sự không bén nhạy của thân, không thích nghi, sự che lấp, đậy khuất, bịt ngăn bên trong, hôn mê, bần thần, buồn ngủ. Đây được gọi là thụy miên.”

Trạo cử – hối quá (uddaccakukucca) cũng được xem như triền cái kép cần định nghĩa bằng cách tách ra trước khi phối hợpTrạo cử đồng nghĩa với sự kích động, sự tán loạn, sự không vắng lặng và phóng dật của tâm; trong khi hối quá là ý thức tội lỗi được đánh thức dậy bởi sự phạm giới, nó đồng nghĩa vớithái độ hối hận, ăn năn của tâm.
Hoài nghi (vicikicchā) được giải thích chủ yếu là sự nghi ngờ hay phân vân đối với đức Phật, giáo Pháp, chư Tăng và điều giới luật
chú giải nói rằng, hoài nghi đối với đức Phật nghĩa là nghi ngờ không biết có hay không sự hiện hữu của một bậc với đủ những phẩm chất cao quý của một vị Phật. Hoài nghi Pháp là nghi ngờ về sự hiện hữu của con đường giải thoát, của các đạo, quả và Niết bàn. Hoài nghi Tăng là nghi ngờ về sự hiện hữu của các bậc thánh thiện hay nghi ngờ sự lợi ích của việc cúng dường đến chư Tăng.

Hoài nghi điều học (giới luật) là nghi ngờ tính hiệu quả của giới, định, tuệ trong việc dẫn đến sự đoạn tận khổ.

Lý do thứ hai của việc hạn chế chỉ còn năm triền cái là các pháp cần phải đoạn trừ trong sơ thiền là để cho phép thực hiện một sự liên kết trực tiếp giữa các triền cái và các thiền chi, tức năm tâm sở – tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm – có trách nhiệm trong việc nâng tâm lên mức an chỉ. Luận sư Buddhaghosa nói rằng việc đoạn trừ chỉ đề cập đến năm triền cái có quan hệ với thiền bởi vì các triền cái là những chướng ngại trực tiếp của năm thiền chi: “Vì các triền cái là những đối nghịch bướng bỉnh của các thiền chi, ý muốn nói rằng các thiền chi được xem là xung khắc với chúng, trừ diệt chúng và thủ tiêuchúng

Để chứng minh cho luận cứ của mình, Luận sư trích dẫn một đoạn kinh giải thích tính đối xứng giữa các thiền chi và triền cái theo nguyên tắc “một chọi một”:

“Định không thể ở chung với tham dục, hỷ xung khắc với sân, tầm không hợp với hôn trầm – thụy miên, lạc đối nghịch với trạo cử – hối quá, tứ mâu thuẫn với hoài nghi.”

Như vậy, chúng ta thấy mỗi thiền chi có nhiệm vụ đặc biệt loại trừ một chướng ngại nhất định nào đó. Để chỉ rõ mối liên hệ giữa những chướng ngại này với năm thiền chi, chúng được tập hợp lại thành một hệ thống gọi là năm triền cái.

(6) Thiền là lĩnh vực tâm linh nên ta phải tự lực cánh sinh. Vì phải có quyết tâm cao, chịu đựng sự đau chân, mỏi lưng, nên lâu ngày hành giả sẽ có đức tính kiên nhẫn, ý chí sắt đá, sức chịu đựng cao, trực giác tốt..v.v. và thư giãn thân tâm của mình.

Về cơ bản, lời dạy của đức Phật là con đường đưa đến sự diệt khổ. Trọng tâm của con đường này là hành thiền. Như vậy thiền có thể được xem là trái tim của Phật giáo ứng dụng, các giai đoạn chuẩn bị của đạo lộ đều dẫn đến đó, và cũng từ đó các giai đoạn chứng đắc cao hơn khác được thành tựu.

Một trong những phương diện quan trọng nhất của thiền Phật giáo mà chúng ta bắt gặp rất thường xuyêntrong kinh điển Nguyên Thủy là hệ thống các thiền chứng, gọi theo Pàli là Jhānas.

Các thiền chứngJhāna đã từng là phương tiện góp phần làm nên sự giác ngộ của đức Phật, và sau đó nhập vào trình tự tu tập được Ngài thiết lập cho hàng đệ tử. Chúng xuất hiện ở giai đoạn đầu của đạo lộ chuẩn bị đến các tuệ giác cao hơn, rồi một lần nữa trong sự kết hợp trực tiếp với tuệ giải thoát, và ngay cả ở giai đoạn cuối, các thiền chứng vẫn được xem như một thành tựu tinh thần của con người đã giải thoát hoàn toàn. Do đó một hiểu biết về thiền hết sức là cần thiết.

Sơ thiền là mức nhập định đầu tiên, nhưng phải là đã chứng được Chánh niệm tỉnh giác (CNTG) và phá trừ xong Năm triền cái. Hành giả như lọt vào một trạng thái thanh tịnh hơn, và tự động, chứ không còn phải gắng sức giữ gìn như trong CNTG nữa. Khi chứng được Chánh niệm, hành giả thấy tâm mình cũng đã là thanh tịnh rồi, nhưng còn phải khéo léo giữ gìn nhẹ nhẹ.

Nhưng từ Sơ Thiền trở đi, hành giả không còn phải giữ gìn nữa mà tâm tự động an trú trong định. .

Tâm hành giả dĩ nhiên là vắng lặng, nhưng thật ra vẫn còn những ý niệm về công phu của mình, về thành tựu của mình. Những ý niệm này rất thầm lặng, nên hầu như hành giả không biết là mình đang còn ý niệm, cứ tưởng rằng mình đã hoàn toàn thanh tịnh. Phật diễn tả đó là trạng thái ly dục sinh hỷ, còn tầm còn tứ (xóa bỏ Ái Dục, đạt được An vui, nhưng còn tiềm ẩn).

Trong Sơ thiền, hành giả lìa bỏ được các ham muốn thế gian vì niềm an vui của nội tâm vừa đầy đủ, vừa thanh khiết, không cần phải giải trí bằng vật chất bên ngoài. Toàn thân hành giả luôn ở trong trạng thái vui sướng nhè nhẹ và tràn đầy. Sau khi chết, nếu vẫn còn giữ được trình độ này thì sẽ sinh vào cõi trời Sơ Thiền.

Nhị Thiền

Công thức mô tả việc chứng nhị thiền như sau:

“Với sự tịnh chỉ của tầm và tứ, vị ấy chứng và trú nhị thiền, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm .”[1]

Giống như sơ thiền, nhị thiền được đạt đến bằng việc diệt trừ các chi phần cần phải từ bỏ và phát triển các chi phần cần phải có. Tuy nhiên trong trường hợp này, các chi phần cần phải từ bỏ là hai chi đầu của chính sơ thiền, tức là tầm và tứ; trong khi các chi phần cần phải có là ba thiền chi còn lại – hỷ, lạc và nhất tâm. Vì lý do đó công thức bắt đầu “với sự tịnh chỉ của tầm và tứ”, rồi mới đi vào những thành tựu tích cực của bậc thiền.

Tam Thiền

Tuy nhiên ở tam thiền này, tầm, tứ và hỷ chỉ có mặt trong những sát na cận hành và biến mất vào lúc đắc an chỉ thực thụ.

Công thức tiêu chuẩn mô tả tam thiền xuất hiện trong các bản kinh như sau:

“Ly hỷ, trú xả, chánh niệm – tỉnh giác, thân cảm lạc thọ, hành giả chứng và trú tam thiền, một trạng tháimà các bậc thánh tuyên bố: “Người nào có xả và có niệm, người đó trú trong lạc.”

Tứ Thiền

Công thức mô tả tứ thiền như sau:

Với sự từ bỏ lạc và khổ, cùng với sự biến mất từ trước của hỷ và ưu, hành giả chứng và trú tứ thiềnkhông khổ không lạc, có sự thanh tịnh của niệm nhờ xả

Phần đầu của công thức này nói đến bốn điều kiện sơ khởi cần cho việc đắc tứ thiền: 1) Từ bỏ lạc; 2) Từ bỏ khổ; 3) Sự biến mất của hỷ; 4) Sự biến mất của ưu.

Trong khi Thiền Quán còn gọi là Thiền Minh Sát Tuệ đó chính làThiền vipassana trong truyền thống Phật giáo Nam tôngcó nghĩa là một ý thức, một cái thấy rõ ràng và chính xác về những gì đang xảy ra.

Mục đích của loại thiền này là mang lại cho hành giả một tuệ giác, hiểu được tự tính của mọi vật và nhìn thấy sâu sắc được sự vận hành của tất cả mọi hiện tượng trong cuộc sống.

Con đường tu tập này là một sự quán chiếu thực tại không ngừng nghỉ, luôn luôn xem xét tỉ mỉ mọi tiến trình của tri giác nhằm lọc bỏ đi những gì sai lầm và giả dối, vén lên tấm màn che phủ thực tại, để ta có thể trực tiếp tiếp xúc được với tự tính của mọi sự vật chung quanh mình. Và pháp môn thiền quán vipassana này là một phương cách cổ truyền và mầu nhiệm, giúp ta có thể thực hiện được việc ấy. Đây là phương pháp khai phá nội tâm rất hiệu quả, thật ra nó còn giúp ta tiếp xúc được với ngay chính gốc rễ tâm thức của mình nữa.

(7) CHÁNH NIỆM VÀ TỈNH GIÁC

Chánh niệm (sati) và tỉnh giác (sampajanñnña) là hai tâm pháp hợp tác chặt chẽ với nhau giúp cho sự tiến triển ở cả hai lãnh vực chỉ và quán được dễ dàng hơn. Niệm là sự ghi nhớ đối tượng, trong nội dung thiền nó có nghĩa là luôn luôn ghi nhớ đề mục thiền trong tâm. Bởi vì niệm là một trạng thái rất trong sáng và kiên định nên nó được nói là có đặc tính của sự “không trôi nổi” (apilāpanatā) [19] . Chú giải (aṭṭhasālini) so sánh niệm với người giữ gìn kho báu của nhà vua, luôn luôn nhắc cho vua biết những thứ mà vua hiện có trong kho; niệm nhắc hành giả biết những cái tốt, xấu của hành giả và cũng nhắc họ tránh ác tu thiện [20] . Tỉnh giác về bản chất cũng như trí tuệ (panñnñā), có đặc tánh của sự phân minh và liễu tri. Chú giải nói rằng tỉnh giác có đặc tính của sự vô si, nhiệm vụ xem xét kỹ lưỡng và sự dò xét là biểu hiện của nó [21] .

Chánh niệm và tỉnh giác dễ nhận ra nhất trong thiền minh sát, nhưng chúng cũng góp phần vào việc chứng đắc thiền (định)





Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]