Đại sư Pháp Hiền phụng chiếu dịch từ Phạn ra Hán văn
Sa-môn Thích Viên Đức dịch ra Việt văn
Như thật tôi nghe: Một thời đức Phật ở tại Pháp Giả Đại Bồ-đề Đạo tràng thuộc nước Ma-già-đà, vừa thành Chánh giác cùng các Bồ-tát Ma-ha-tát chúng gồm có tám vạn người đều câu hội đầy đủ, lại còn có tám vạn bốn ngàn Đại Phạm Thiên tử cũng ở tại đạo tràng này. Tất cả đều vi nhiễu chiêm ngưỡng đức Thế tôn.
Bấy giờ trong hội có đại Bồ-tát tên Quán Tự Tại, từ tòa đứng dậy, trịch vai áo bên hữu, gối hữu sát đất, chắp tay hướng Phật mà bạch Phật rằng: “Kính thưa đức Thế tôn! Có Nhứt Thiết Như Lai Danh Hiệu đà-ra-ni, trong Trang Nghiêm kiếp, Hiền kiếp, Tinh Tú kiếp, chư Phật Như Lai đã nói, đang nói Nhứt Thiết Như Lai Danh Hiệu đà-ra-ni này. Con nay thừa oai lực của Phật, cũng vì lợi ích an lạc các chúng sanh, cho nên muốn tuyên nói. Cúi mong đức Thế tôn thương xót phú hộ.”
Bấy giờ đức Thế tôn khen ngợi Quán Tự Tại Đại Bồ-tát rằng: “Lành thay, lành thay! Này Quán Tự Tại, ông hay vì lợi ích tất cả chúng sinh mà phát đại bi tâm, hãy tuyên nói như ý.”
Lúc ấy Quán Tự Tại Bồ-tát mong nhờ Phật đã cho phép rồi, lại bạch đức Phật rằng: “Thưa đức Thế tôn! Nếu người muốn tụng đà-ra-ni này, trước hãynên chí thành tụng danh hiệu của chư Phật Như Lai sau đây:
Nam mô Bảo Sư Tử Tự Tại Như LaiNam mô Bảo Vân Như Lai
Nam mô Bảo Trang Nghiêm Tạng Như Lai
Nam mô Sư Tử Đại Vân Như Lai
Nam mô Vân Sư Tử Như Lai
Nam mô Tu Di Như Lai
Nam mô Sư Tử Hống Như Lai
Nam mô Sư Tử Lợi Như Lai
Nam mô Phạm Âm Như Lai
Nam mô Thiện Ái Như Lai
Nam mô Liên Hoa Thượng Như Lai
Nam mô Nhiên Đăng Như Lai
Nam mô Liên Hoa Sanh Như Lai
Nam mô Tốn Na Ra Như Lai
Nam mô Trì Hoa Như Lai
Nam mô Trì Bảo Như Lai
Nam mô Pháp Sanh Như Lai
Nam mô Nhựt Quang Như Lai
Nam mô Nhựt Chiếu Như Lai
Nam mô Nguyệt Quang Như Lai
Nam mô Vô Lượng Tạng Như Lai
Nam mô Vô Lượng Trang Nghiêm Tạng Như Lai
Nam mô Vô Lượng Quang Như Lai
Nam mô Liên Hoa Tạng Như Lai
Nam mô Thiên Diệu Âm Như Lai
Nam mô Câu Chỉ La Đẳng Như Lai
Nếu người được nghe tất cả các danh hiệu của chư Phật Như Lai như thế, vì kẻ khác tuyên nói, người đó trong sáu mươi ngàn kiếp không nghe tên ác thú huống nữa là đoạ nơi A-tỳ địa ngục”.
Bấy giờ Quán Tự Tại Bồ-tát nói danh hiệu của chư Phật Như Lai rồi, liền nói đà-ra-ni rằng:
Đát Nĩnh Dã Tha, Tạt Đổ Ra Thi Đế Du Nhạ Na Thiết Đa Tát Hạ Tát Ra Ni, Nhạ Trá Bà Ra Mạt Cô Tra Lãng Ngật Lị Đa, Đà Ra Ni Sa Hạ, Tạt Lị Phạ Đát Tha nga đa Mẫu Lị Để Đa, Đà Ra Ni Sa Hạ, A Phạ Lộ Kiết Đế Thuyết Ra Giả Sa Hạ, Tát Lị Phạ Đát Tha Nga Đô Ô Sắc Nị Sa, Đà Ra Ni Sa Hạ, Tát Lị Phạ Đát Tha Nga Đa Bà Thỉ Đa, Đạt Lị Ma Tắc Kiên Đà, đà-ra-ni Sa Hạ, Tát Lị Phạ Đát Tha Nga Đa Bà Thỉ Đa Táp Bát Đa Đà Ra Ni Sa Hạ, Bát Nạp Ma A Bà Nễ Ca Giã Sa Hạ, A Sắt Tra Ma Hạ Bạt Giã Đà Ra Ni Sa Hạ, Duyệt Đa Phạ Lang Noa Giả Sa Hạ, Tát Lị Phạ Đát Tha Nga Đa Na Ma Đà Ra Ni Sa Hạ, A Thi Đế Bát Nạp Ma Thiết Nễ Ca Giả Đát Tha Nga Đa Đà Ra Ni Sa Hạ, Bát Nạp Ma Hạ Tất Đa Giả Sa Hạ, Tát Lị Phạ Mãn Đát Ra Đà Ra Ni Sa Hạ.
Lúc bấy giờ, Quán Tự Tại Bồ-tát nói đà-ra-ni rồi, lại bạch Phật rằng: “Kính thưa đức Thế tôn! Nếu có kẻ trai lành, gái tín thọ trì, đọc tụng, tư duy, ghi nhớ Nhứt Thiết Như Lai Danh Hiệu đà-ra-ni này, vì kẻ khác truyền nói, người ấy đã có nghiệp ngũ vô gián, thảy được tiêu trừ. Sau khi mạng chung, người ấy sanh lên làm vua chư Thiên, sống lâu tám mươi bốn trăm ngàn cu-chi kiếp số, về sau được làm địa vị Chuyển luân Thánh vương sống 60 trung kiếp. Qua kiếp đó rồi, người ấy sẽ được thành Phật gọi là Liên Hoa Tạng Như Lai Ứng cúng Chánh đẳng Chánh giác”.
Lúc đức Thế tôn nói Kinh này rồi, tám vạn Đại Bồ-tát chúng và tám vạn bốn ngàn Đại Phạm Thiên tử nghe đức Phật nói, đều đại hoan hỷ tín thọ phụng hành.
Kinh Nhứt thiết Như Lai Danh hiệu đà-ra-ni (hết)
Sa-môn Thích Viên Đức dịch ra Việt văn, bản đánh máy năm 1975.
Vi tính: Nguyễn minh Hoàng và Nguyễn thị Diệu Minh.