- Danh Sách Phật tử Tham dự 3 ngày Huân Tu Tịnh Độ tại Tu Viện Quảng Đức từ ngày 18 đến 20/11/2022 🙏🙏🙏🌼🍁🌺🍀🌹🥀🌷🌸🏵️
- Chương trình Tu Học tại Khóa Huân Tu Tịnh Độ Cuối Năm (Từ ngày 18 đến 20 tháng 11 năm 2022) tại Tu Viện Quảng Đức
- Day 01: Khóa Huân Tu Tịnh Độ Cuối Năm (Từ ngày 18 đến 20 tháng 11 năm 2022) tại Tu Viện Quảng Đức
- Day 02: Khóa Huân Tu Tịnh Độ Cuối Năm (Từ ngày 18 đến 20 tháng 11 năm 2022) tại Tu Viện Quảng Đức
- Day 03: Khóa Huân Tu Tịnh Độ Cuối Năm (Từ ngày 18 đến 20 tháng 11 năm 2022) tại Tu Viện Quảng Đức
- Day 03: Khóa Huân Tu Tịnh Độ Cuối Năm (Từ ngày 18 đến 20 tháng 11 năm 2022) tại Tu Viện Quảng Đức
- Ngày 1: Tường thuật Pháp Thoại ngày 1- Thứ Sáu,18/11/2022 của Khoá Huân Tu Tịnh Độ tại Tu Viện Quảng Đức.
- Ngày 2: Tường thuật bài pháp thoại 3 và Phật Pháp vấn đáp của Khoá Huân Tu Tịnh Độ tại Tu Viện Quảng Đức.
- Ngày 3: Tường thuật pháp thoại 5 & 6 về LƯỢC Ý KINH DI ĐÀ và Ý NGHĨA LỤC TỰ DI ĐÀ trong Khoá Huân Tu Tịnh Độ tại Tu Viện Quảng Đức.
Ngày 3- Tường thuật pháp thoại 5 & 6 về LƯỢC Ý KINH DI ĐÀ và Ý NGHĨA LỤC TỰ DI ĐÀ trong Khoá Huân Tu Tịnh Độ tại Tu Viện Quảng Đức.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bạch Chư Tôn Thiền Đức Tăng, Ni
Kính bạch TT Trụ Trì Tu viện Quảng Đức kiêm Trưởng ban Tổ Chức Khoá Huân Tu Tịnh Độ tại Tu Viện Quảng Đức.
Kính bạch nhị vị Giảng Sư,
Kính thưa quý đạo hữu đã tham dự trực tiếp và online khoá Huân Tu Tịnh Độ.
Hẵng ai đã tham dự khoá Huân Tu Tịnh Độ dù trực tiếp hay online đều công nhận rằng chương trình ngày thứ hai của khoá tu (tức là ngày thứ bảy 19/11/2022) vừa qua, chỉ vừa chấm dứt Phật Pháp vấn đáp là đầu óc muốn vỡ tung rồi vì mình phải hoà đồng trong cao trào quá sức ấn tượng với những câu hỏi thật độc đáo mà người hỏi dường như muốn thử sức các vị Giảng Sư nên đã tìm ở đâu những câu hỏi hóc búa và đòi hỏi người trả lời thật biện tài đối đáp .
Chính vì thế mà con cũng không còn đầu óc để nghe tiếp và thu nhận lời giảng của TT Thích Hạnh Phẩm mà phải chờ đến sáng sớm hôm sau trước giờ công phu để nghe lại và vì thế thay vì bài pháp thoại này theo chương trình là của ngày 2 mà lại đứng chung với ngày 3. Kính xin TT Giảng Sư Thích Hạnh Phẩm niệm tình thứ cho.
Nhưng lạ thay, khi sắp xếp vào chung với bài pháp thoại của TT Giảng Sư Thích Nguyên Tạng, bổng dưng trùng hợp theo thứ tự lạ kỳ, và như thế con kính xin được tường thuật những gì đã chăm chú ngồi nghe với chánh nệm và tinh thần học hỏi.
Kính xin được bắt đầu: PHÁP THOẠI 5 - LƯỢC Ý KINH DI ĐÀ
7:30PM, Thứ Bảy, 19/11/2022 (26/10/Nhâm Dần)
Giảng Sư: TT Thích Hạnh Phẩm
(Trụ Trì Tu Viện Từ Ân)
Qua lời giới thiệu của TT. Trưởng ban tổ chức Khoá Huân Tu Tịnh Độ Thích Nguyên Tạng chúng con đã được giới thiệu về TT Thích Hạnh Phẩm như sau:
TT Giảng Sư Thích Hạnh Phẩm là người con đất Quảng Ngải có sông Trà Khúc, cũng là một địa linh nhân kiệt quê hương của Đức Trưởng Lão HT Thích Huyền Tôn.
Tuy thế TT Hạnh Phẩm lại xuất gia với Bổn Sư là HT Thích Quảng Giải tại Đồng Nai. Sau thời kỳ Sa di thọ cụ túc TT. Hạnh Phẩm đã tốt nghiệp Cao cấp Phật học khoá 5 vào năm 2005 và đến 2006 được HT Thích Như Định bảo lãnh sang Úc.
Do thuận duyên vào năm 2006, TT. Hạnh Phẩm đã thành lập Tu Viện Từ Ân tại Narre Warren vào năm 2011 và do trở ngại tài chánh, TT. Hạnh Phẩm suýt chút nữa bị mất chùa với ngân hàng .Theo lời TT. Thích Nguyên Tạng, có lẽ Phật Pháp quá nhiệm mầu nên TT Thích Hạnh Phẩm đã vượt qua mọi trở ngại và đã tiếp tục duy trì đến ngày nay.
Và sau khi nhường lời cho TT Thích Hạnh Phẩm, một lần nữa chúng con đã được nghe những lời tri ân của TT Thích Hạnh Phẩm đến công đức của HT Viện Chủ Thích Tâm Phương và TT Trụ trì Thích Nguyên Tạng đã nâng đỡ TT Hạnh Phẩm trên bước đường hoằng pháp tại Âu Châu vào năm 2019.
Những lời tâm tình đầy đao tình đã khiến chúng con rơi lệ vì đã nhận ra những Bồ tát trong Đạo và Đời vẫn hiện diện khắp nơi.
TT. Thích Hạnh Phẩm cũng tả cảm xúc khi được giao đề tài nói về lược ý kinh Đi Đà mà từ thuở còn Sa di đã được giáo dưỡng từ lúc ban sơ rằng phải học thuộc lòng kinh Di Đà và học Phát Bồ Đề Tâm ngoài những quy luật chính khác
TT. Giảng Sư cũng nhắc lại kinh nghiệm “Lăng Nghiêm sợ bà già - Di Đà sợ Xá Lợi Phất”
Điều Ngài đã giúp con học thêm được những điều quý giá nhất của một người Phật tử thuần thành từ tâm nguyện chân thật nhất của một giảng sư khi TT. Hạnh Phẩm nói rằng những buổi pháp thoại có nhiều người tham dự sẽ khuyến khích và làm Giảng Sư khởi động một cách hăng say hơn và có thể tận dụng khả năng uyên bác của mình. Hơn thế nữa những đạo tràng hưng thịnh như Tu Viện Quảng Đức chắc chắn có Long Thần hộ pháp và những Bồ Tát ẩn hiện dưới mọi hình thức để yểm trợ và lẽ dĩ nhiên những buổi pháp thoại như thế này dưới hình thức tu bát quan trai, khóa huân tu lúc nào có pháp thoại là chắc chắn có nhiều bồ tát hoặc ẩn hiện đâu đó đã tham dự.
Hơn thế nữa trong tinh thần kết duyên và tạo ra quyến thuộc Bồ đề chắc chắn sẽ có những thiện hữu tri thức cùng đến nghe pháp sẽ khiến cho Phật Pháp trường tồn.
Chỉ chừng ấy thôi,TT Thích Hạnh Phẩm đã gieo vào lòng người nghe một ấn tượng và đã được khích lệ thật nhiều khiến con nghĩ rằng thính chúng sẽ dễ dàng thấu hiểu lời giảng của TT. Giảng Sư vì rằng đề tài này thật ra trên mạng điện tử và các giảng sư khác đã đề cập nhiều rồi, nhưng có bao giờ đủ và có được bao nhiêu người khắc cốt ghi tâm vì bản kinh này Phật nói rất khó tin.
Tuy nhiên mặt hàng hôm nay vẫn còn ăn khách lắm, qua sự dẫn dắt đi vào chi tiết của Thầy dù rằng có lẽ nhiều người vẫn còn lắng đọng tâm tư sau buổi Phật Pháp vấn đáp cách đây 3 giờ đồng hồ.
Với lược ý kinh Di Đà, TT. Hạnh Phẩm cho rằng Kinh Di Đà là toát yếu của kinh Vô Lượng Thọ còn về nội dung và chị tiết thì cần thời gian đi sâu vào nhiều điểm.
Tuy nhiên TT Giảng Sư cũng lần lượt điểm qua những nét chính:
1- Xuất xứ kinh A Di Đà (do duyên cớ gì) liên hệ đến Hoàng hậu Vi Đề Hy và vua Tần Bà Sa Là sau khi bị A Xà Thế tiếm ngôi và bỏ vào ngục thất cho đến chết.
2-Kinh A Di Đà thuộc thể loại kinh Vô vấn Tự Thuyết, vậy nên Giảng Sư đã định nghĩa sơ qua về chữ Kinh.
Theo đó con đã ghi lại như sau:
Trong đạo Phật, ý nghĩa chữ Kinh ban đầu rất đơn giản. Kinh, tiếng Sanskrit viết là sūtra, và tiếng Pali viết là sutta, chỉ có nghĩa chính là những lời giảng dạy của đức Phật về đạo đức, chân lý và giải thoát. Nó liên hệ đến sự nghe, nghe những lời dạy của đức Phật. Nói cách khác, Kinh là những lời dạy của Phật hay của các vị Bồ-tát, A-la-hán. Trong ý nghĩa rộng hơn, chữ Kinh còn ám chỉ cho các thể loại văn học Phật giáo, hay Tạng Kinh hay chỉ chung cho kho tàng văn học Phật giáo.
Như vậy Kinh là sách ghi chép những lời dạy về chánh pháp, những phương thức hành trì hay các pháp môn.
3- Nghĩa của chữ A Di Đà = VÔ LƯỢNG QUANG, VÔ LƯỢNG THỌ, VÔ LƯỢNG CÔNG ĐỨC .
-Thế nào là Vô Lượng Quang: ánh sáng nơi thân của Phật A Di Đà là vô hạn lượng, có thể chiếu rọi khắp thế giới vô biên, bất luận là sự nào vật gì, vì không giới hạn về ánh sáng , tượng trưng cho không gian.
-Vô Lượng Thọ có nghĩa là a tăng kỳ kiếp, tượng trưng cho thời gian mà theo nguyên văn kinh là: “Hựu, Xá Lợi Phất! Bỉ Phật thọ mệnh, cập kỳ nhân dân vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp, cố danh A Di Đà.
Việt dịch: Lại còn đây nữa Xá Lợi Phất! Phật kia cùng với nhân dân của Ngài, sống lâu vô lượng vô biên cho đến a - tăng - kỳ kiếp không thể kể xiết. Vì thế nên hiệu là A Di Đà.
-Vô lượng công đức là không thể nghĩ bàn.
Có lẽ những ai từng nghe nhiều pháp thoại khác nhau từ mỗi vị Giảng sư với sự trải nghiệm của mình trên đường hoằng pháp đều công nhận rằng mỗi người mỗi vẻ, riêng về trải nghiệm của TT. Giảng Sư đã trình bày rất nhiều điểm khiến người nghe nếu chú tâm hạ thủ công phu, theo thiển ý của con sẽ thu lượm nhiều kết quả đặc biệt.
Thí dụ:
- Đức Phật dạy không một quốc độ nào của thế gian mà không chịu KHỔ dưới mọi hình thức.
-Trong cuộc đời của phàm phu, chúng sinh dù có niềm vui nhưng cũng không kéo dài lâu và sẽ luôn đi kèm nhiều khổ đau vì con người đến thế gian này bằng Ái dục, tham đắm
-Chỉ có cõi Cực Lạc mà Đức Phật giới thiệu cho chúng ta là một quốc độ mới có niềm vui thuần khiết vì được trang nghiêm bằng công đức.
-Suốt cuộc đời mình nếu muốn tu theo Pháp môn Tịnh Độ chỉ cần học lời tựa của Kinh A Di Đà và đọc thuộc 48 đại nguyện của Ngài với mỗi nguyện chỉ tóm tắt trong 4 chữ thí dụ như sau:
Đại nguyện:thứ nhất: Quốc vô ác đạo
Đại nguyện thứ hai: Bất đọa ác đạo
Đại nguyện thứ ba: Thân chơn kim sắc
Đại nguyện thứ tư: Hình sắc tương đồng
Đại nguyện thứ năm: Túc mạng trí thông.
Đại nguyện thứ sáu: Thiên nhãn phổ kiến.—
Gắn chặt lời nguyện thiết trong tâm thành một khối và luôn tâm tâm niệm niệm rằng xin cho ánh đại quang minh của Đức Phật một ngày nào đó thể nhập vào trong con.
Kính xin mượn lời dạy của H T Thích Chơn Thiện để biểu đạt ý này của GS
“Kinh A-Di-Đà là bản kinh thân yêu nhất của một tu sĩ Phật giáo Bắc truyền ở miền Trung Việt Nam. Danh hiệu của Đức Thế Tôn A- Di- Đà và tôn hiệu của Tôn giả Xá –lợi- Phất, vị Tướng quân Chánh pháp, đệ tử đệ nhất trí tuệ của Đức Thế Tôn, nhập sâu vào tâm thức người tu sĩ trong quãng thời gian hành Sa-di hạnh. Cảnh giới A-Di- Đà vì thế bỗng nhiên gần gũi với nhà chùa, hiện ra như chính cảnh chùa hiện tại, có mặt trong cả tiếng chuông chùa”
Trong một câu hỏi của một đạo hữu làm sao để được Nhất Tâm bất loạn, có phải là khi mình làm bất cứ việc gì trong mọi lúc mọi nơi trong tâm cũng đều cũng hiện ra câu “ Nam Mô Quan thế Âm Bồ Tát”.
Giảng Sư đã giải thích rằng: tuỳ theo chủng tử của mỗi người trong nhiều kiếp quá khứ của mình nếu mình đã tu pháp môn nào thì câu niệm Phật hay phương pháp khác như trì chú đại bi sẽ ăn sâu vào tiềm thức mình và mình cũng có thể tự kiểm chứng lại sau một thời gian hạ thủ công phu (thí dụ Giảng Sư đã thực tập 1 ngày đọc 54 ngàn câu Nam Mô A Di Đà Phật) để nhận ra có sự đột phá trong cuộc đời và hoàn cảnh của mình.
Con cũng kính xin tri ân lời chỉ dạy của Giảng Sư rằng: nên niệm NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT hơn là chỉ niệm 4 chữ A DI ĐÀ PHẬT thôi.
Quả đúng như lời Giảng Sư nói, kinh A Di Đà mới lược ý có một chút mà đã hết giờ quy định. Kính chúc Giảng Sư được nhiều sức khoé và được thuận duyên trên đường hoằng pháp.
Kính trân trọng,
PHÁP THOẠI 6: 9:30am-11am, Chủ Nhật, 20/11/2022 (27/10/Nhâm Dần)
Ý NGHĨA LỤC TỰ DI ĐÀ
Giảng sư: Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng
Bước sang ngày 3 của khóa Huân Tu, trong giờ công phu , do vì HT Chứng minh Thích Như Điển vì bận Phật sự phải quay về Chùa Pháp Bảo tại Sydney ngay liền sau giờ Phật Pháp Vấn Đáp còn TT. Viên Trí và TT. Hạnh Phẩm cũng đã về lại trú xứ mình, nhìn dáng Thầy Trụ trì Thích Nguyên Tạng và Thầy Tri sự Thích Đăng Từ còn lại….. có lẽ người có chút tình cảm sẽ thấy khoá tu dường như thiếu vắng, mất đi một chút gì.
Tuy vậy ảnh hưởng của câu ...”Bổng có Bổng không “trong Quy Sơn Cảnh Sắc mà Ngài HT chứng minh Thích Như Điển đã đọc lúc sáng hôm qua khi ban đạo từ…thì mọi người đều phải chấp nhận rằng: Có hội ngộ thì phải có chia ly cũng như hôm nay sau 5 giờ chiều là khóa tu học được kết thúc một cách hoàn mãn, thì mỗi học viên ai cũng về lại nhà mình.
Và bây giờ đã đến giờ pháp thoại của TT Thích Nguyên Tạng, Trưởng ban tổ chức của Khoá Huân Tu, trên pháp toà một mình tự tại Thầy đã xuất hiện.
Vẫn nụ cười hiền hoà dù rất bận rộn, Thầy đã bắt đầu thời pháp thoại bằng cách mời đại chúng niệm danh hiệu Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật sau tiếng chuông và tán thán các Phật Tử đã chấp tác sau giờ ăn sáng để làm cho Tu Viện Quảng Đức đẹp hơn, sạch hơn với khuôn mặt mới khi có nhiếp ảnh gia nổi tiếng Võ văn Tường đến từ Hoa Kỳ trong chuơng trình chụp hình những ngôi chùa tiêu biểu tại Melbourne, Adelaide, và Sydney để phổ biến trên các trang mạng thế giới.
Pháp thoại được bắt đầu với câu “LỤC TỰ Di ĐÀ VÔ BIỆT NIỆM , BẤT LAO ĐÀN CHỈ ĐÁO TÂY PHƯƠNG “, nghĩa là "Sáu chữ Di Đà không chữ nào khác, không mất công lao nhọc, sát na (chỉ một khảy móng tay) đã đến Tây Phương", để giải thích cho đề tài mà TT Giảng sư sẽ thuyết giảng hôm nay.
Cũng có nghĩa là không mất công lao nhọc để đến được Tây Phương mà chỉ cần có 6 chữ Di Đà nầy trong tâm thức thì chỉ một sát na đã đến được Tây Phương rồi.
Giảng Sư đã dẫn chứng một thí dụ gần gũi nhất mà hàng đệ tử hay nghe trong các thời cúng cơm trong các lễ tang, vị chủ lễ xướng 4 câu đầu tiên để khai thị cho hương linh, được Tăng Thống thứ tư, HT Thích Huyền Quang đã soạn các nghi thức theo Việt ngữ:
Tử sanh là ải phải đi qua,
Đi mãi nhưng ai đã đến nhà
Qua lại ba đường cùng sáu cõi
Muốn ra cần phải niệm Di Đà
Và nếu tách ra từng chữ để giải thích, khác một chút với TT Thích Hạnh Phẩm tối hôm qua, TT Giảng Sư Thích Nguyên Tạng dạy rằng:
Nam Mô là quay về nương tựa, con xin quy mạng
A có nghĩa là Vô
Di Đà có nghĩa là Lượng
Phật là giác ngộ, nói theo Thiền (Tổ Sư Thiền), Phật là Tánh Giác, là Tánh Biết, là Chơn Tâm . (kính xin được mở ngoặc, là Phật Tử Nam Tông, con đã được nhiều GS khuyến khích nên niệm Nam Mô Vô Lượng Phật).
Để cho thính chúng hiểu rõ hơn TT Giảng Sư đã nhắc lại nhiều lần Sáu chữ Di Đà có nghĩa là “Quay về với tánh giác vô lượng của chính bản thân mình” Ngài đã nhấn mạnh rằng: “Chỉ khi nào nhận ra được chỗ này thì việc niệm Phật mới có ý nghĩa, còn ngược lại chỉ là nấu sỏi đá mà muốn thành cơm.
Thượng tọa Giảng Sư đã nhấn mạnh một lần nữa về ý nghĩa rốt ráo của pháp môn niệm Phật lục tự Di Đà " Nam Mô A Di Đà Phật" là “Tự bản thân mỗi người phải quay về với tánh giác vô lượng của mình”. Do vì hành giả luôn luôn quay về an trụ trong tự tánh giác ngộ vô lượng, rõ biết hiện tiền không gián đoạn, chánh niệm tỉnh giác, thì vị ấy không vọng tưởng điên đảo, không vọng tưởng thì không tạo nghiệp, không tạo nghiệp thì không có nghiệp dẫn đi tái sanh, ngay đó vị ấy đã đạt tới vô sanh, vô sanh là kết quả của A La Hán Quả, là điểm đến cuối cùng hành giả mà trong pháp môn tịnh độ gọi đó là vãng sanh Cực Lạc Quốc.
TT Giảng Sư cũng nhấn mạnh học Phật có nhiều cấp cũng như sự học của thế gian phải đi từ tiểu học đến trung học rồi đại học do đó tâm nguyện Thầy, là sẽ truyền trao ý nghĩa của Lục Tự Di Đà theo cách thức giảng dạy cho hành giả muốn theo lớp học cao cấp.
Sau đó đi vào chi tiết TT. Giảng Sư đã kể lại những câu chuyện linh ứng về Niệm Phật như :
1-“Niệm Phật thoát được nạn đao đồ nơi địa ngục” đó là câu chuyện về lời một bác không thích niệm Phật mà lại có tính sát sinh, nhờ nghe lời vợ nhắc tụng sáu chữ Nam Mô A Di Đà Phật sau mỗi tiếng chuông của bà vàb nhờ đã tập thói quen đó nên 6 chữ này đã ăn sâu vào tâm thức ông lúc nào mà ông không hề biết, và dĩ nhiên khi ông chết thì phải đọa vào địa ngục vì tội sát sinh,kkhi bị chỉa ba của chủ ngục đâm vào bụng, ông đã né tránh và vô tình chỉa ba đụng vào chảo dầu đang sôi phát ra âm thanh giống tiếng chuông và vô tình ông niệm Nam Mô A Di Đà Phật mà được thoát nạn vì khi ấy có một luồng ánh sáng quyện lấy người ông.
Nghe đến đây Phật tử Diệu Hoa Thúy Hằng từng về sinh hoạt tu học tại TV Quảng Đức khi TV mới dọn về vùng Fawkner, cô Diệu Hoa là huynh trưởng gia đình Phật tử thuộc Bậc Lực đã quá xúc động nên phát biểu cảm tưởng của mình và xin TT Giảng Sư chỉ cách để cô khuyến khích người chồng của Cô được quy y tam bảo thì cô nguyện ăn chay trọn tháng và sau này có thể cùng cô tham dự nhiều khóa tu khác (TT. GS đã tán thán công đức cô và cho biết qua khóa tu học này cô đã giúp đạo hữu Diệu Tâm và Huệ Trí tham gia, những công đức đó sẽ giúp chuyển hóa từ từ chồng cô hướng tâm đến đạo).
2-“ Niệm Phật miên mật chí thành sẽ được vãng sanh”
Đó là câu chuyện Vương Đầu Ngốc.
Vương Si Đầu, người sanh vào đời Thanh, tỉnh Trực Lệ, tánh cực ngu. Cha mẹ mất, đói ăn, nằm mọp trong căn lều nát, không biết tính cách nào. Có ai cho tiền cũng chẳng biết dè xẻn. Trần đạo nhân là một hành giả chuyên tu niệm Phật bèn thâu gã làm đồ đệ, sai hằng ngày quét tước, hái củi; khóa chiều thì niệm Phật vài trăm câu, lễ bái, thắp hương làm lệ thường.
Vương tụng Phật hiệu chẳng thành câu, mỗi lúc hôn trầm sắp ngủ gục, ông Trần dùng gậy dài đập, quở:– Mày đã ngu muội như vậy, lại còn chẳng biết tinh tấn hay sao?
Sau lời trách mắng đó Vương tỉnh ngộ và chăm chú niệm Phật mỗi khoá công phu chiều suốt ba năm như thế.
Một ngày kia, Vương ha hả cười lớn. Ông Trần lại đánh, Vương nói: “Hôm nay thầy đánh con không được đâu!”
Trần đạo nhân cật vấn lý do, Vương nói:
– “Thầy ngồi như cây khô suốt mười tám năm, chẳng biết tu pháp. Nếu thầy có thể lễ niệm thật thà như con thì đã sớm được sanh về Tây Phương thấy Phật rồi”! Ông Trần ngạc nhiên, nhưng không quan tâm đến lời ấy.
Ngày hôm sau, Vương Đầu Ngốc vẫn như mọi ngày vác búa lên núi Tiêu Nhai đốn củi, khi đốn củi xong, chú đứng hướng về Tây chắp tay nói bài kệ:
" Đi đứng niệm Phật thường
Sáu chữ nhiếp tâm vương
Ba nghiệp hằng thanh tịnh
Cùng Phật vãng Tây Phương"
Nói xong chú vẫy tay chào từ biệt mọi người và qua đời. Trần đạo nhân cho làm lễ tang, hỏa táng và thu được hai viên xá-lợi.
3- Niệm Phật độ Trung Ấm thân
Đó là câu chuyện do Tịnh Tông Học Hội của HT Tịnh Không đưa ra từ câu chuyện Kim Chin Xu (Kim Thiện Nhật), được bà cụ già tinh tấn niệm Phật đã giúp được một binh sĩ tử nạn tại IRAQ đến báo mộng và xin được giúp đỡ nên bà đã đến Tịnh Tông Học Hội niệm Phật suốt ba ngày liên tục kèm theo những lời khai thị . TT Giảng sư còn cho biết HT Pháp Sư Tịnh không thường áp dụng 3 KHÔNG khi vào khóa tu ( không điện thoại , không báo chí , không xem truyền hình) . Và kết quả sau ba ngày liên tục hộ niêm khi trở về lại nhà bà đã được thanh niên Thiện Nhật đến báo mộng được đi vãng sanh và đã cám ơn cứu độ của bà.
Qua những câu chuyện ấy, TT Giảng Sư đã giải thích thêm rằng bài pháp thoại của Thầy Hạnh Phẩm tối hôm qua mới chỉ là ý nghĩa về Lý (có nghĩa là Niệm Phật miên mật cho đến Nhất Tâm bất loạn).
Nhưng đằng sau Lý đó, về Sự còn nhiều điểm khác mà người học Phật phải lưu ý vì bất cứ điều gì cũng phải có SỰ, LÝ viên dung thế cho nên đằng sau việc niệm Phật miên mật chúng ta còn cần phải diệt trừ phiền não (10 căn bản phiền não: tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, thân kiến, biên kiến, giới cấm thủ ) và đó cũng là ý nghĩa mở đầu cho lời giới thiệu về cảnh giới Cực Lạc của Đức Phật ........Cách đây 10 muôn ức cõi có thế giới…
Hơn thế nữa hành giả còn phải tịnh tu tam nghiệp, hay còn gọi là Tịnh nghiệp Tam Phước theo đó:
-Phước thứ nhất đến từ 1-Hiếu dưỡng phụ mẫu.2- Phụng sự sư trưởng. 3-Từ tâm bất sát. Tu thập thiện nghiệp”.
-Phước thứ hai đến từ : “1-Thọ trì tam quy. 2-Cụ túc chúng giới. 3-Bất phạm uy nghi”.
-Phước thứ ba là nền tảng của Bồ Tát Đại Thừa đó là “1- Phát tâm Bồ Đề. 2-Tin sâu nhân quả.3- Đọc tụng Đại thừa. Khuyến tấn người khác tu học”
Và thời gian quy định đã hết TT Giảng sư đã kết thúc bằng 4 câu thơ được Ngài ngâm tặng gửi đến thính chúng:
Một lòng giữ niệm Di Đà
Đài sen ao báu là nhà tương lai
Hiện nay thân trả lại Trần ai
Cõi thường tìm lại hình hài năm xưa
Kính tri ân và đa tạ Giảng Sư đã ban tặng cho thính chúng “Ý Nghĩa Lục Tự Di Đà “quá tâm thúy và vi diệu,
Kính ngưỡng mộ sự hoằng pháp của TT Giảng Sư trên mọi phương tiện trang mạng điện tử, truyền thông online với biện tài vô ngại và ngũ minh đầy đủ của một Tăng tài trong thế kỷ hiện đại này.
Nam Mô Công Đức Lâm Bồ Tát Ma Ha Tát.
Thành kính chúc TT Thích Nguyên Tạng Trụ trì Tu Viện Quảng Đức kiêm Trưởng ban Tổ Chức Khóa Huân Tu Tu Tịnh Độ tứ đại thường an, phước trí nhị nghiêm, pháp duyên vô ngại, Phật Sự viên thành.
Kính chúc mừng Khóa Huân Tu Tịnh Độ đã thành công hoàn mãn mang lại rất nhiều lợi lạc cho Phật Tử khắp nơi trên thế giới qua hệ thống YouTube và Facebook.
Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tảt.
Kính trân trọng,
Sydney, 22/11/2022
Phật Tử Huệ Hương kính trình pháp