Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Ngày 1: Tường thuật Pháp Thoại ngày 1- Thứ Sáu,18/11/2022 của Khoá Huân Tu Tịnh Độ tại Tu Viện Quảng Đức.

20/11/202220:39(Xem: 1919)
Ngày 1: Tường thuật Pháp Thoại ngày 1- Thứ Sáu,18/11/2022 của Khoá Huân Tu Tịnh Độ tại Tu Viện Quảng Đức.

Tường thuật Pháp Thoại ngày 1- Thứ Sáu,18/11/2022  của Khoá Huân Tu Tịnh Độ tại Tu Viện Quảng Đức.

 

 

PHÁP THOẠI 1: 02:30pm, Thứ Sáu, 18/11/2022 (25/10/Nhâm Dần)

PHƯƠNG PHÁP NIỆM PHẬT

Giảng sư: TT Thích Viên Trí

Trụ Trì Chùa Pháp Hoa, Adelaide, Nam Úc

 

PHÁP THOẠI 2: 07:30pm, Thứ Sáu, 18/11/2022 (25/10/Nhâm Dần)

TỊNH ĐỘ TÔNG VIỆT NAM

Giảng sư: Hòa Thượng Thích Như Điển

Phương Trượng Chùa Viên Giác, Hannover, Đức Quốc.

 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Kính bạch Chư Tôn Thiền Đức Tăng, Ni

Kính bạch TT. Thích Nguyên Tạng, Trụ Trì Tu Viện Quảng Đức, kiêm Trưởng Ban Tổ chức Khoá Huân Tu Tịnh Độ tại Tu Viện Quảng Đức.

Kính thưa quý đạo hữu, Phật Tử tham dự trực tiếp và online Khoa Huân Tu Tịnh Độ của Đạo Tràng Quảng Đức,

 

Kính bạch quý Ngài,

Thật là một đại phước duyên cho hàng hậu học chúng con được chú tâm lắng nghe trọn vẹn những buổi pháp thoại trong khoa Huân Tu Tịnh Độ này để có thể giải nghi tất cả những lời bình luận và phê phán về pháp môn Tịnh Độ trên những căn cứ không có tính cách lịch sử, nhưng đã xảy ra từ lâu và vẫn còn kéo dài mãi đến nay.

Trước đây, sau mỗi bài pháp thoại con đều tường thuật ngay nhưng vì theo chương trình được phổ biến sẽ có buổi Phật Pháp vấn đáp ngay sau pháp thoại thứ ba của TT Thích Phước Tấn chỉ vài giờ đồng hồ cũng như trong tối qua sau buổi pháp thoại 2 TT. Thích Nguyên Tạng đã khuyến khích mọi người rằng “những gì thắc mắc của quý đạo hữu tham dự khoá tu có thể hỏi sau khi đã nghe ba bài pháp thoại trên có thể gửi câu hỏi “ và bỏ vào thùng đã đặt sẵn nên con phải chờ đến chiều thứ bảy sau buổi Phật Pháp vấn đáp mới có thể  kết thúc và tóm tắt lại.

Nhưng, lạ thay  khi trình bày lại những điều đã nghe để  trình pháp thì lại quá dài và dễ làm mọi người nhầm lẫn nên con đành phải chia lại 2 phần cho ngày 1 và ngày 2.

Kính xin mọi khiếm khuyết nào trong sự ghi nhận của con được Hoà Thượng chứng minh Thích Như Điển, quý Giảng Sư và TT. Trụ Trì Thích Nguyên Tạng niệm tình tha thứ cho.

Với Pháp Thoại 1 “PHƯƠNG PHÁP NIỆM PHẬT” do TT. Giảng sư Thích Viên Trí theo thiển ý của con, TT  Giảng Sư đã rất khéo dẫn dắt hội chúng phương pháp niệm Phật sao để chuyển hoá những bất trắc trong cuộc đời và sống thuận thế với đời để không gặp một trong 8 điều khổ mà Đức Phật chỉ ra . Đó là OÁN TẮNG HỘI KHỔ.

Giảng sư đã mượn câu “Vi nhân dĩ, Xử thế nan” để chỉ ra được sinh làm người cũng còn dễ hơn là biết cách sống sao cho thuận thế vì sao vậy ?

Nếu không biết chiêm nghiệm lại cuộc sống của chính mình thì dù có học tu, hoăc  đến chùa nhiều năm, mỗi ngày lần tràng hạt vài chục chuỗi vẫn không thấy an lạc, chưa biết được thế nào là tịnh độ ngay trong cuộc sống này.

Giảng Sư đã đưa ra thí dụ từ những kinh nghiệm của một người mới xây nhà hoặc mới trồng cây mà  điều quan trọng nhất là phải có một nền móng vững chắc, hoặc phải chọn lựa hạt giống tốt (Đó là niềm tin ) sau đó phải biết xới đất, phát cỏ hoang hoặc nếu cần phải có cống thoát nước (giáo lý - hiểu luật nhân quả, lý duyên sinh) sau đó phải dọn cỏ (dẹp trừ phiền não) ròi mới tưới nước bón phân thường xuyên chăm sóc (qua VĂN, TƯ , TU).

huan tu tinh do (192)huan tu tinh do (194)


Giảng Sư cũng tận tình giải thích thế nào là Văn … có nghĩa là nghe mà không phán xét, với tâm thành tín và thấu hiểu và TƯ …cũng giống như cái lọc nước để khi nghe những điều đã nghe có tác dụng gì, có thể sử dụng theo đúng căn cơ mình không và TU là nghe với Tâm cởi mở không còn chứa chấp những tư kiến, quan kiến của riêng mình…như vậy TU là thu dọn hết cỏ rác (phiền não đến từ những lời nói hành động và ý nghĩ ) mà muốn thực tập cách Tu như thế ta phải biết chọn bạn tốt, tránh những phan duyên và biết tri túc.

Từ những thí dụ Giảng Sư đã đưa ra, theo thiển nghi của con có thể Giảng Sư muốn nói đến   TÂM TA KHÔNG THỂ LÀM 2 VIỆC CÙNG MỘT LÚC, do đó khi niệm Phật đừng để xen một tạp niệm nào trong đầu, cũng đừng tính toán điều gì khác mà chỉ chú tâm và  càng đọc lớn lên câu niệm Phật hầu có thể giúp  tiếng niệm Phật ăn sâu vào A Lại Da thức .

Giảng Sư cũng nhắc lại vì đâu mà Đức Phật giới thiệu cảnh giới Tây Phương Cực Lạc cho Bà Vi Đề Hy (mẹ vua A Xà Thế) khi vua A Xà Thế vì nông nổi nghe lời Đề Bà Đạt Đa đã giết cha (Vua Tần Bà Sa La) để có thể nắm hết mọi quyền lực bằng cách Tu Thập Thiện Nghiệp- Quay về nương tựa Phật, Pháp, Tăng, và Phát Bồ Đề Tâm (thượng cầu Phật Đạo, hạ hoá chúng sinh) và cuối cùng nhận ra được thế nào là  Vô Thường, Vô Ngã và Khổ .

Điều con học được trong phương cách niệm Phật theo TT Giảng Sư là cần  nhớ rằng: “trong giờ phút lâm chung thần hồn rất cần sự êm đềm, bình an, hài hoà, tĩnh lặng” nên thường ngày với phương pháp niệm Phật sẽ giúp chúng ta an tâm hơn, bình tĩnh hơn và  mọi việc đau khổ dễ cho qua thì sẽ làm quen dễ dàng trong giờ phút ra đi ấy. Giảng Sư cũng nhắc đến   câu SỐNG BÌNH AN, CHẾT SẼ BÌNH AN.

Hơn thế nữa, đôi khi cũng cần mượn nhịp điệu của âm nhạc làm cho câu niệm Phật trở nên du dương hơn khiến cho con cháu trong nhà sẽ thích thú và tập theo câu niệm Phật mỗi khi chúng muốn hát để giải khuây, thanh thản.

Nói tóm lại, bài pháp thoại đã đi vào lòng người với những vấn đề thật đơn giản nhưng khéo tu tập chúng ta sẽ biến phương cách niệm Phật dễ nhất tâm hơn.

Kính đa tạ Giảng Sư đã cho thực tập khi niêm lục tự  Nam Mô A Di Đà Phật với nhịp điệu trầm bổng!

Kính ghi nhớ lời TT. Giảng Sư đã dạy rằng: khi niệm Phật, phải trói buộc cái tâm mình vào danh hiệu Phật, miệng niệm danh hiệu Phật, tai nghe tiếng niệm Phật, "tâm chẳng dùng hai", đó gọi là nhất tâm. Và như vậy thì khi lâm chung có thể vãng sinh lên cõi Tịnh độ.

Phải chăng điểm này HT Thích Thiền Tâm cũng đã nói đến trong Niệm Phật Thập Yếu rằng:

Lại nếu cho rằng còn niệm Phật chưa phải là vô niệm, thì chư tôn đức bên Thiền Tông khi tham thoại đầu, giảng luận, hoặc có lúc tụng kinh, lễ bái, sám hối, kinh hành đều thuộc về hữu tướng, Nên biết đạo lý của vô vi là "làm tất cả việc hữu vi mà không thấy có tướng làm", vô niệm cũng thế; chứ không phải tuyệt cả hành động, ngôn ngữ là vô vi vô niệm đâu! Nhưng niệm mà không niệm là cảnh giới của bậc thượng thượng căn; nơi đây chỉ khái luận qua để giải mối nghi chấp. Riêng bậc trung, hạ căn gắng niệm Phật cho thuần thục cũng đã quí lắm rồi!

(Lược trích ấn phẩm: “Niệm Phật thập yếu”- HT.Thích Thiền Tâm

 
huan tu tinh do (123)huan tu tinh do (127)


Với Pháp Thoại 2 cùng ngày vào lúc 07:30pm, Thứ Sáu, 18/11/2022 (25/10/Nhâm Dần)

TỊNH ĐỘ TÔNG VIỆT NAM

Giảng sư: Hòa Thượng Thích Như Điển

Phương Trượng Chùa Viên Giác, Hannover, Đức Quốc.

 

Theo sự tu học và nghiên cứu của con về Pháp môn Tịnh độ, thì pháp môn này là một trong mười tông phái của Phật giáo Trung Hoa, và đây là tông phái siêu việt được các bậc cổ đức liệt vào tông phái Đại thừa viên đốn. Nói Đại thừa bởi tông này lấy tâm bồ đề làm nhân, lấy quả vị cứu cánh Phật làm quả.

 

Giáo nghĩa Tịnh độ được y cứ trên ba bộ kinh và một bộ luận làm cơ sở nòng cốt để phát huy, đó là Phật thuyết A Di Đà kinh, Vô Lượng Thọ kinh, Quán Vô Lượng Thọ kinh và một bộ luận là Tịnh độ vãng sanh luận của Bồ tát Thế Thân.

 

Hôm nay trong thời hạn ngắn gọn 1 giờ 30 phút có lẽ không đủ để giới thiệu hết lịch sử vì rất chi tiết nên Hoà Thương đã đi vào đề tài ngay khi giới thiệu một tư tưởng thuộc về lịch sử Phật giáo mà trước đây Ngài đã xuất bản từ năm 2012. Đó là quyển TƯ TƯỞNG TỊNH ĐỘ TÔNG do chính HT Thích Như Điển biên soạn mà theo đó lời mở đầu như sau:

 

Quyển sách này tôi viết với hai mục đích chính:

Mục đích thứ nhất là muốn hệ thống hóa lại tư tưởng Tịnh Độ cho có lề lối và rõ ràng. Vì lâu nay những người tu và thực hành theo Tịnh Độ Tông tuy có thực hành đó; nhưng chưa rõ nguồn gốc; cũng như tôi mong mỏi những người Phật tử Việt Nam, đọc thêm cách hành trì về Tịnh Độ của các nước Phật Giáo khác và từ đó bổ sung thêm cách thực hành lâu nay của mình để được thành tựu hơn.

Mục đích thứ hai, tôi muốn giới thiệu tác phẩm nầy đến với những người Phật tử Đức, lâu nay vốn theo Phật giáo; nhưng không biết Phật Giáo Việt Nam một cách rõ ràng; nhất là pháp môn niệm Phật.”

 

Thật ra quyển sách này nói về Tư tưởng Tịnh Độ trên khắp thế giới từ Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Hoa, Tây Tạng và Việt Nam .

Tuy nhiên hôm nay đề tài thuyết giảng là Tịnh Độ Tông tại Việt Nam và vì cũng dựa vào 2 mục đích nêu trên cho nên HT đã bắt đầu lược sơ qua về lịch sử Phật Giáo được truyền vào nước Việt Nam của chúng ta qua các nhà sử học, Phật học và qua kinh sách.

 

Đó là Nguồn sử liệu thứ nhất "Phật Giáo Việt Nam sử lược" của cố Hòa Thượng Thích Mật Thể. Ngài chỉ nêu lên vài điểm qua loa về Tịnh Độ tông  mà không đi sâu vào chi tiết.

 

Nguồn sử liệu thứ hai, tác giả Nguyễn Lang tức là Thiền Sư Thích Nhất Hạnh viết về "Việt Nam Phật Giáo sử luận 1, 2 và 3". Theo lời Hoà Thượng Giảng Sư, đây là những tài liệu thật quý hiếm, vì ở ngoại quốc; nên Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh có nhiều cơ hội sưu tập tài liệu bằng chữ Hán và tiếng Pháp, tiếng Anh rất dễ dàng.

 Điều đặc biệt của sách nầy chứng minh rằng: Phật Giáo Việt Nam không phải được truyền vào trực tiếp từ Trung Hoa, mà trước khi Phật Giáo Đến Trung Hoa, Phật Giáo đã có mặt tại Giao Châu rồi. Thay vì thế kỷ thứ 2 thì Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh chứng minh là Phật Giáo từ Ấn Độ trực tiếp được truyền vào Giao Châu từ thế kỷ thứ nhất.

 

Và tài liệu thứ 3 , gần đây nhất khoảng khoảng 20 năm về trước, xuất hiện tác phẩm Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, tác giả là một đại học giả, tiến sĩ Lê Mạnh Thát, có đề cập đến giáo lý Tịnh độ.

Và tác giả đã cho rằng không những Phật Giáo VN đến từ Ấn Độ vào đầu thế kỷ thứ nhất mà có thể vào thời vua Hùng Vương thứ 18 và hai đệ tử Phật đầu tiên là Chử Đồng Tử và công chúa Tiên Dung.

 

Hoà Thượng Giảng Sư cũng nhắc lại hành trạng của Ngài Khương Tăng Hội mà chúng con đã được học với TT Nguyên Tạng trong mục Tổ Sư Thiền /Thiền Sư VN khi Ngài Khương Tăng Hội thu nhận Ngô Tôn Quyền làm đệ tử để kết luận rằng VN mình,  là Thầy của Trung Quốc chứ không phải TQ là thầy mình.

 

Hoà Thượng cũng cho rằng Phật Tử VN còn quá e dè với tư tưởng đó, nên cần phải tìm lại lịch sử để vun bồi ngay từ bây giờ.

 

Hoà Thượng Giảng Sư dạy rằng tại Việt Nam, pháp môn niệm Phật chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của người con Phật. Ngay từ ngày đầu du nhập, câu “Nam mô A Di Đà Phật” đã ăn sâu vào tâm thức người Việt Nam, do bởi ngay trong câu Phật hiệu này, đã nói lên tấm lòng từ bi bao dung độ lượng của người con Phật, nó rất gần gũi với nếp sống hiền lương của người dân Việt.

 Pháp môn Tịnh Độ du nhập vào Việt Nam trước thế kỷ thứ III, thế nhưng mãi đến thế kỷ thứ V, Tịnh độ tông mới thật sự phát triển. Giai đoạn này, các bộ kinh “Vô Lượng Thọ” và “Quán Vô Lượng Thọ” đã được nhà sư Đàm Hoằng người Trung Quốc mang vào nước ta, điều này đã giúp cho sự lưu thông của pháp môn Tịnh Độ thêm phổ biến.

 

Sang đến thế kỷ XI, vua Lý Thánh Tông (1023-1072) tuy thuộc thế hệ thứ nhất dòng thiền Thảo Đường, nhưng vẫn thường trì danh niệm Phật. Vào năm 1066, vua Lý Thánh Tông đã cho tạc một pho tượng Phật A Di Đà rất đẹp, tôn thờ tại tháp chùa Vạn Phúc. Ngày nay pho tượng này vẫn còn lưu giữ tại chùa Phật Tích (Vạn Phúc tự) tỉnh Bắc Ninh.

 

Và để vào chi tiết Hoà Thượng vì muốn hội chúng hiểu thêm về 3 quyền kinh mà Phật tử Tịnh Độ Tông thường tụng là Kinh A Di Đà, kinh Quán Vô Lượng Thọ  (hai quyển này có bản Sanskrit) và bổn Vô Lượng Thọ (không có bản Sanskrit) và thế nào mà có cửu phẩm Liên Hoa với hạ, trung, thượng, phẩm trải qua theo thứ bậc:

 -hạ phẩm hạ sanh, hạ phẩm trung sanh, hạ phẩm thượng sanh

- trung phẩm hạ sanh, trung phẩm trung sanh, trung phẩm thượng sanh

- thượng phẩm hạ sanh , thượng phẩm trung sang thượng phẩm thượng sanh

Ngài cũng chỉ rõ vì sao ta lại  đạt quả vị hạ phẩm hạ sanh, cũng như hạ phẩm thượng sanh và không có thể  nghe được thanh âm của Đức Đại thế Chí và Đức Quan Âm Bồ tát .

Và chỉ khi nào lên được Thượng phẩm mới thấy được Đức Phật A Di Đà.

 

Hoà Thượng đã nhắc đến Tổ Tịnh Độ Nhật Bản là Ngài Pháp Nhiên thường dạy rằng Niệm Phật không cần tự lực vì khi mình khởi tâm thôi là Phật đã biết tất cả và mọi chuyện sẽ có Phật lo cho nên mình chỉ cần niệm “ Chúng con xin quy mạng về Vô Lượng Thọ và Vô Lượng Quang Phật” .

 

Và Ngài cũng nhắc đến Ngài ĐÀM HOẰNG mà Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, tác giả Lê Mạnh Thát, có đề cập đến khi nói về giáo lý Tịnh độ.

Đó là hành trạng tu tập của Sa Môn Thích Đàm Hoằng tại miền Bắc nước ta.

 

“Căn cứ Cao Tăng truyện 12 tờ 405c19-28, cuộc đời và vụ tự thiêu của Đàm Hoằng như thế này: "Thích Đàm Hoằng, người Hoàng Long, nhỏ tu giới hạnh, chuyên sành luật bộ. Trong khoảng Tống Vĩnh sơ (420-422) nam dư Phiên Ngung, dừng lại ở chùa Đài, sau lại đến chùa Tiên Sơn của Giao Chỉ, tụng Vô lượng thọ và Quán kinh, lòng thề về An dưỡng.”  Ngoài tài liệu này ra, TS Lê Mạnh Thát còn trích dẫn một đoạn văn từ Vãng Sanh Tịnh Độ Truyện do Giới Châu viết như sau: "Thích Đàm Hoằng, người Hoàng Long, hoặc nói là người Cao Bưu của Quảng Lăng, trong khoảng Tống Vĩnh sơ, nam du Phiên Ngung, dừng ở chùa Đài, sau đến chùa Tiên Sơn của Giao Chỉ. Ngoài việc đèn nhang, hoàn toàn không làm việc gì khác, chỉ tụng Vô lượng thọ và Quán kinh, không biết bao nhiêu lần. Hoằng mỗi lần niệm, nói: "Một thân muôn nối, niệm chính khó giữ, có thể nương niệm chính, mới sớm thấy Di Đà.

 

Và HT đã kết luận trong sách Tư Tưởng Tịnh Độ như sau :

Nếu những người tu theo Tịnh Độ Tông của Việt Nam chúng ta chấp nhận Ngài Đàm Hoằng làm Tổ Sư khai sáng Tông này thì chúng ta nên nghiên cứu thêm về pháp tu của Ngài.

 

Theo lịch sử cho biết thì Ngài hay tụng Kinh Vô Lượng Thọ và Quán Vô Lượng Thọ. Kinh Vô Lượng Thọ có hai phần Thượng và Hạ. Phần Thượng Kinh này nói về nội dung của 48 lời nguyện của Đức Phật A Di Đà khi Ngài còn là một Pháp Tạng Tỳ Kheo đã lập nguyện dõng mãnh trước Ngài Thế Tự Tại Vương Như Lai. Trong 48 lời nguyện này quan trọng nhất là lời nguyện thứ 18, 19 và 20.


huan tu tinh do (210)huan tu tinh do (216)




Lời nguyện này có nội dung như sau: Giả sử khi thành Phật, chúng sanh mười phương hết lòng tin ưa, mong muốn sanh về cõi nước tôi, xưng danh hiệu tôi cho đến mười niệm mà chẳng được sanh, tôi không giữ ngôi chánh đẳng chánh giác, chỉ trừ những kẻ tạo tội ngũ nghịch, chê bai chánh pháp.

Lâu nay các vị Đại Sư và Phật tử Trung Hoa cũng như Việt Nam đều chú trọng đến "10 niệm nhất tâm" mới được vãng sanh; nhưng đa phần đã quên đi vấn đề quan trọng về bản nguyện lực của Đức Phật A Di Đà.

Bản nguyện đó là gì? đó là mệnh đề đầu và mệnh đề cuối của tất cả 48 lời nguyện. Nghĩa là: "Giả thử khi thành Phật... mà chẳng được sanh, tôi không giữ ngôi chánh đẳng chánh giác". Đây chính là việc quyết định để hành giả được vãng sanh.

Chữ giả sử có nghĩa là lúc chưa thành Phật mà còn như vậy; nhưng bây giờ thì Đức Phật A Di Đà đâu còn là Pháp Tạng Tỳ Kheo nữa; mà Ngài đã giữ ngôi chánh giác từ lâu rồi, từ vô lượng kiếp kia.

Cho nên việc sanh về theo lối đới nghiệp vãng sanh của các chúng sanh trong 10 phương vô biên quốc độ là do tha lực của Ngài, do bản nguyện lực của Ngài giúp cho chúng ta về đó; chứ không phải do tự lực niệm Phật hay trong 10 niệm nhất tâm.

 

 Nói như Ngài Thân Loan rằng: Chỉ cần niệm Phật là được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Vì việc vãng sanh ấy không phải do tự mình làm mà do bổn nguyện lực của Đức A Di Đà đã phát nguyện ra như vậy.

Tôi, một Tăng sĩ Việt Nam sinh ra giữa thế kỷ thứ 20 (1949) và đang sống vào đầu thế kỷ thứ 21 này (2011) hoàn toàn đồng ý với lối lập luận của Ngài Thân Loan Nhật Bản và Ngài Thiện Đạo Trung Hoa. Có nghĩa là cứ niệm Phật; Ấy là nhân. Còn Quả, tự nhiên chúng ta sẽ được tha lực của Đức Phật A Di Đà đưa về cảnh giới Tây Phương Cực Lạc.

 

Kính bạch Hoà Thượng với trí nhớ thật siêu suốt Ngài đã dẫn chứng những điều có liên quan đến 3254 câu Kiều để giới thiệu Thái Tử Lương Chiêu Minh ( con Vừa Lương Võ Đế) đã cho khắc kinh Kim Cang, Pháp Hoa vào bia đá mà thi hào Nguyễn Du đã thốt lên :

 

Ngã độc Kim Cương thiên biến linh,

Kì trung áo chỉ đa bất minh

Cập đáo phân kinh thạch đài hạ,

Chung tri vô tự thị chân kinh.

Dịch là

Ta đọc Kim Cương cả ngàn lần,

Trong chỗ uyên áo vẫn chưa hiểu.

Nay đến dưới đài đá phân kinh,

Mới biết chân kinh là vô tự.

 

Dù rằng HT Nhất Hạnh đã phân tích trong “Thả Một Bè Lau” đã nhận xét về văn hào Nguyễn Du với những câu cuối của Kim Vân Kiều như sau:

Ngẫm hay muôn sự tại trời

Trời kia đã bắt làm người có thân

Bắt phong trần phải phong trần

Cho thanh cao mới được phần thanh cao

Có đâu thiên vị người nào

Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai

Có tài mà cậy chi tài

Chữ tài liền với chữ tai một vần

Đã mang lấy nghiệp vào thân

Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa

Thiện căn ở tại lòng ta

Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài

Lời quê góp nhặt dông dài

Mua vui cũng được một vài trống canh

 

Quan niệm về Nghiệp, Nhân, Quả trong truyện Kiều đã chứng minh kiến thức về Phật Học của cụ Nguyễn Du, tuy vậy chưa chín dù rằng những ánh sáng loé lên (mà chúng ta nhận diện như những tuệ giác của Đức Phật) lại là do tác giả sống trong cuộc đời và tìm ra ( trang 426- Thả Một Bè Lau)

Trời còn để có hôm nay

Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời

 

Và thì giờ đã hết nên Hoà Thương đã nhấn mạnh đến phần đoạn kết của sách về Tịnh Độ Tông VN mà Hoà Thượng Giảng Sư đã viết:

 

Nhìn toàn bộ kinh sách Việt Nam đã, đương xử dụng ngày nay hầu hết được trích dịch, tham cứu, tra khảo theo tinh thần của kinh điển Trung Hoa và ngay cả người Việt Nam tu Tịnh Độ cũng lấy 13 vị Tổ Tịnh Độ Trung Hoa làm Tổ của mình. Quả là điều hơi chướng.

 

 Vì 13 vị Tổ nầy không có vị nào đến hoằng pháp giáo hóa tại Việt Nam cả. Do vậy chúng tôi đề nghị nên lấy Ngài Đàm Hoằng ( ? – 455) làm Sơ Tổ Tịnh Độ Tông Việt Nam. Vì Ngài đã ở Giao Châu từ năm 420 đến 455, cả 35 năm như thế, Ngài là người có công không nhỏ cho việc truyền thừa pháp môn Tịnh Độ cho người Việt Nam thuở ấy.

Nếu chúng ta chấp nhận được Ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi là Sơ Tổ của Thiền Tông Việt Nam thì chúng ta cũng có thể chấp nhận Ngài Đàm Hoằng là Sơ Tổ của Tịnh Độ Việt Nam vậy. Vì Ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi người Ấn Độ, đến Trung Quốc và gặp Tổ thứ 3 Tăng Xáng, Ngài bảo Ngài Tỳ Ni nên xuôi Nam. Do vậy Ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi mới trở thành Sơ Tổ Thiền Tông tại Việt Nam.

Ở đây Ngài Đàm Hoằng cũng người Trung Quốc, mà cũng đã ở tại Giao Châu trong một thời gian lâu, tu theo pháp môn Tịnh Độ. Vậy, tại sao chúng ta không thể dễ dàng chấp nhận cho vấn đề nầy?

 

Một lộ trình sâu xa và dài thăm thẳm để tìm lại căn nguyên của 2.000 năm lịch sử nó không đơn thuần chỉ trong một vài quyển sách như thế nầy. Vậy chúng tôi mong rằng những vị nào quan tâm đến Tịnh Độ Tông Việt Nam từ lúc mới được truyền vào cho đến thế kỷ thứ 21 nầy thì xin bổ túc cho những đề nghị của chúng tôi cũng như tìm thêm sử liệu và dẫn chứng, để người đi sau dễ dàng tra cứu hơn.

Ngay cả bây giờ, nếu có hỏi một người tu Tịnh Độ Việt Nam nào đó, bất cứ ở trong hay ngoài nước, hỏi: Ai là Tổ Tịnh Độ Tông Việt Nam? thì họ sẽ không ngần ngại trả lời là Hòa Thượng Thiền Tâm hay Hòa Thượng Trí Tịnh. Vậy những phần sau chúng tôi để dành cho những nghiên cứu nầy về hai vị Hòa Thượng đương đại và sau khi tìm hiểu chúng ta thử đưa ra một nhận xét về việc phiên dịch, trước tác cũng như tư tưởng của các Ngài về Tịnh Độ Tông như thế nào?

 

Một đạo hữu hỏi về những chuyện ngụy tạo lịch sử có thật hay không điểm hình về Cựu Tổng Thống Ngô Đình Diệm.

Hoà Thượng đã nhắc đến Chánh Sử, Dã Sử, Nguỵ Sử, Tà Sử, và cái chết của Bồ Tát Thích Quảng Đức vào ngày 20 tháng tư âm lịch năm Quý Mão và ngày 20/8/1963 khi lệnh tổng tấn công các chùa chiền từ lệnh của Ngô Đình Nhu.

 

Sự hiểu biết của mình phải do tự mình suy ngẫm và nhận thức. Tại sao Vua Quang Trung Nguyễn Huệ khi đánh thắng đại quân Thanh được tôn là anh hùng , mà khi Vua Gia Long thống nhất bờ cõi lại cho là Nguỵ Tây Sơn ?

 

Từ đó Hoà Thượng đã đi một vòng về hai Bồ Tát thiêu thân trong phẩm 23 kinh Pháp Hoa là Dược Vương và Dược Thượng để nói đến Ngài Đại ca Diếp vẫn còn nhập tận định nơi núi Kê Túc để chờ Đức Phật Di Lặc.

 

Cũng phải nói đến niềm tự hào là người Việt Nam của HT khi Ngài nhắc đến bài viết của Bác Sĩ Trần Đại Sĩ về những người còn sót của dòng họ nhà Lý trên 6 chiếc thuyền khi thoát khỏi sự tiêu diệt của Trần Thủ Đọ đã chạy về hướng Nam Hàn và Bắc Hàn mà ngày nay ta đã nghe đến danh tiếng Thủ Tướng Lý Quang Diệu, Lý Triệu Vãng cũng như nhờ có cuộc đi tản 1975 mà chúng ta đã có hơn 1000 ngôi chùa VN khắp thế giới.

 

HT Giảng Sư cũng nhắc đến lời đáp từ nhân ngày nhận Huy chương danh dự của Thủ Tướng nước Đức rằng “ Với mấy ngàn năm lịch sử Tây Phương , tinh hoa của Thiên Chúa giáo, Tin lành, và nhiều tôn giáo khác đã làm nở thêm nhiều loài hoa mới cũng như Phật giáo từ Á Đông đến đã mang lại Hoa Sen mà trong vườn hoa các Ngài chưa có ngoài những loại Hồng, Lan, Cúc …

Để kết luận Ngài đã cho rằng Phật Pháp rất nhiệm mầu và Luật Nhân Quả của Đạo Phật rất vi diệu.

Đã hết giờ pháp thoại, cũng như mọi người trong đạo tràng con cũng hy vọng với những câu hỏi trong mục Phật Pháp vấn đáp sẽ giúp con càng có tri thức và hiểu rõ sáng tỏ nhiều điều khác nữa mà con chưa biết.

 

Kính ngưỡng mộ tri thức cao siêu của Ngài và trí nhớ vô song khó tìm được người thứ hai trong thời đại này

Con vẫn không hiểu Ngài đã dùng các dược phẩm nào mà năng lực công phu lạy đến 300 ngàn lạy không mệt mỏi và di chuyển bằng phương tiện máy bay trên những tuyến đường dài 26 giờ đồng hồ.

 

 

Con kính chúc Ngài tứ đại  thường an, pháp duyên vô ngại, Phật đạo viên thành.

Nam Mô Công Đức Lâm Bồ Tát Ma ha Tát.

Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát Ma ha Tát

 

Kính trân trọng,  

 Sydney, 19/11/2022

Phật Tử Huệ Hương kính trình pháp    


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
01/01/2020(Xem: 10909)
9.00: Phật tử vân tập, thanh tịnh thân tâm, 9.30: Tụng kinh cầu nguyện, đọc danh sách Kỳ An – Kỳ Siêu 10.30: Cung thỉnh Hòa Thượng Thích Minh Hiếu thuyết pháp, Tổng Vụ Trưởng TV Hoằng Pháp & Viện chủ TV Minh Quang tại NSW, SA, WA. 11.15: Cử hành Đại Lễ Phật Đản &Tắm Phật (có chương trình riêng) 12.30: Siêu tiến chư Hương linh ký tự 12.45: Khoản đãi thanh trai Quan khách – Phật tử dự Lễ 14.30: Thí thực – Hoàn mãn.
15/12/2019(Xem: 11912)
Hình ảnh Công Trình Xây Dựng Thiền Đường Ni Viện Như Ý tại Las Vegas, USA
07/12/2019(Xem: 8353)
Một tu viện Phật giáo lâu đời bị cháy rừng tấn công Tờ The Buddhist Door vừa đưa tin, tu viện Phật Pháp (Wat Buddha Dhamma) theo truyền thống Tu học trong rừng tại Úc đã bị ảnh hưởng bởi những đám cháy rừng cây bụi đang lan khắp bang New South Wales. Trận cháy có tên “Three Mile Fire” (Trận cháy 3 dặm) hiện đang lan đến khu vực bến phà Wiseman, miền bắc Sydney. Cho đến giờ, chỉ một tòa nhà của tu viện được cho là bị hủy hoại bởi trận cháy dù các tòa nhà khác trong khuôn viên tu viện cũng đang bị đe dọa. Chư Tăng và hành giả trong tu viện đã di tản một cách an toàn.
26/11/2019(Xem: 7589)
Những ngày ở Áo Thích Như Điển Lâu lắm rồi tôi mới trở lại Áo trong mùa Đông như năm nay, từ ngày 22 đến 24 tháng 11 năm 2019. Thầy Viên Duy và một Phật Tử đến phi trường Wien (Vienna) đón tôi vào chiều ngày 22 tháng 11, đưa về chùa Pháp Tạng, nơi Thượng Tọa làm Trụ Trì và Hòa Thượng Thích Trí Minh làm Cố vấn và lãnh đạo tinh thần. Đây chẳng phải là lần đầu tiên tôi đến Áo, mà những lần trước đó, kể từ năm 1978 đến nay chắc cũng hơn 10 lần, nhưng mỗi lần lại mỗi khác, chẳng có lần nào giống lần nào cả
24/11/2019(Xem: 21708)
Tâm Thư Kêu Gọi Ủng Hộ Ngân Quỹ Xây Dựng Chánh Điện Thiền Lâm Pháp Bảo tại Sydney, Úc Châu
16/11/2019(Xem: 5072)
Trung Tâm Tu Học Viên Giác tại Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ đã trải qua một thời gian dài xây dựng và hoạt động kể từ năm 2002 đến nay đã gần 20 năm. Trong thời gian ấy nơi đây đã từng là nơi dừng chân, tu học của hàng ngàn Tăng, Ni, Phật tử từ các nơi trên thế giới đến đất Phật chiêm bái, tu học. Trải qua thời gian ý nghĩa đó, TTTHVG vẫn giữ được sự phát triển tốt đẹp và đem lại nhân duyên tu hành cho biết bao người.
01/11/2019(Xem: 8530)
Phật Giáo Viện Nam tại Mỹ đã không ngừng phát triểnđể duy trì những sinh hoạt tôn giáo của người Việt tại hải ngoại. Tuy nhiên gần đây sinh hoạt của các chùa Việt Nam tại Mỹmỗi ngày phải mỗi thu hẹp lại khi những thế hệ tị nạn lần lần Mỹ hóa; cũng như hầu hết các chùa được thành lập bởi các dân định cư như Trung Hoa, Nhật, Đại Hàn đến Mỹ trước đây đều không còn tồn tại đến ngày nay ngoại trừ những ngôi chùa đã được chuyến hóa để hòa hợp với xã hội Mỹ hoặc đã được thành lập sau này.
31/10/2019(Xem: 9876)
Wat Buddha Dhamma là Tu viện Phật giáo theo truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy – Theravada, thuộc hệ phái Lâm tu Viện – Thái Lan ( Forest Monastery ), đây là Tu viện Phật Giáo Theravada đầu tiên được thành lập tại nước Úc vào năm 1978 bởi Sư Bà Ayya Khema. Wat Buddha Dhamma tọa lạc tại địa chỉ: Great North Road, Ten Mile Hollow – NSW 2775 – Australia. Website: wbd.org.au
09/10/2019(Xem: 11727)
Hai Ngôi Chùa Việt ở Hoa Kỳ nhận bằng Xác Lập Kỷ Lục Người Việt Toàn Cầu: Pháp viện nguyên là Viện Truyền thống Minh Đăng Quang được Hòa thượng Pháp Sư Giác Nhiên thành lập vào năm 1978 ở thành phố Westminster, tiểu bang California. Tại đây, năm 1980, Ngài đã thành lập Giáo hội Phật giáo Tăng già Khất sĩ Thế giới. Pháp viện được xác lập kỷ lục:“Ngôi tịnh xá đầu tiên của Giáo hội Phật giáo Tăng già Khất sĩ Thế giới”. Thiền viện được Thượng tọa Thích Đăng Pháp thành lập vào năm 2005 tại thành phố Adelanto, tiểu bang California. Thiền viện được xác lập kỷ lục:“Ngôi chùa Việt Nam lớn nhất xây dựng trên sa mạc”.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]