Wat Buddha Dhamma là Tu viện Phật giáo theo truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy – Theravada, thuộc hệ phái Lâm tu Viện – Thái Lan ( Forest Monastery ), đây là Tu viện Phật Giáo Theravada đầu tiên được thành lập tại nước Úc vào năm 1978 bởi Sư Bà Ayya Khema.
Wat Buddha Dhamma tọa lạc tại địa chỉ: Great North Road, Ten Mile Hollow – NSW 2775 – Australia. Website: wbd.org.au
Từ Sydney và các vùng phụ cận, muốn đến viếng thăm nơi đây, nếu quý vị theo địa chỉ được ghi trên website của tu viện thì sẽ phải đi một đường vòng phía bên kia núi sẽ tốn nhiều thời gian, cách đi đến Tu viện tốt nhất là quý vị nên tìm đến bến phà Wisemans Ferry, chiếc phà nầy phục vụ 24/24 giờ, 7 ngày môt tuần, và không có lệ phí, chạy xe lên phà để qua bên kia sông, rẻ tay phải, chạy một khoảng chừng 1km, nhìn bên trái sẽ có 1 tấm bảng nhỏ ghi :” WAT BUDDHA DHAMMA”, quý vị rẻ trái vào lối nầy để lên núi. Nơi đây có một cổng sắt, với khóa số, phải tự mình mở khóa của cổng nầy để lên núi, khóa số nầy thuộc Coumcil địa phương và thay đổi mã số thường xuyên, trước khi đi, quý vị nên gọi phone cho Tu Viện để xin mã số của khóa cổng thì mới lên núi được. Từ chiếc cổng nầy, quý vị chạy theo một con đường núi gồ ghề, lởm chởm đá, với các vực sâu rất nguy hiểm, từ đầu cổng núi vào đến tu viện chừng 16Km, sau đó quý vị sẽ nhìn thấy cổng chùa nằm phía bên trái.
Tu Viện Wat Buddha Dhamma nằm sâu trên núi cao, không có Dân chúng cư ngụ, mặc dầu đã được thành lập hơn 40 năm qua, nhưng chư Sư vẫn với đời sống tu tập và hành đạo nơi đây trong điều kiện không có hệ thống cung cấp điện nước của chính phủ, quý Sư sống thản nhiên với ngày có mặt trời, đêm có trăng sao, nước dùng thì có trời mưa…, và với một đời sống tu khổ hạnh như vậy nên Phật tử người Việt đã gọi tên tu viện là “ Chùa khổ Hạnh Lâm”.
Vài nét lịch sử của Wat Buddha Dhamma:
Như trên đã nói, Tu viện Wat Buddha Dhamma được Sư Bà Ayya Khema đứng ra thành lập vào năm 1978, Sư bà là một phụ nữ người Đức, (sinh: 25. 08. 1923, viên tịch: 02. 11. 1997). Thuở nhỏ (năm 1938) bà đã trốn khỏi Đức cùng với 200 trẻ em khác và được đưa đến Scotland, Ba mẹ của bà đã đến Trung Quốc sau đó, bà đã được đoàn tụ cùng gia đình tại Thượng Hải vào năm 1944, nhưng rồi tiếp theo đó, gia đình bà đã bị đưa vào trại tập trung của quân Nhật, thân phụ bà đã chết ở đây. Bốn năm sau (1948), người Mỹ đã giải phóng trại tập trung nầy, Bà đã được di dân sang Hoa Kỳ và lập gia đình, bà có được 2 người con, 1 trai, 1 gái.
Vào khoảng 1960 – 1964, bà cùng gia đình thường du lịch đến một số quốc gia Á Châu thuộc khu vực Hy Mã Lạp Sơn, và đây là thời điểm bà được tiếp xúc với Phật giáo, học hỏi và thực hành Thiền tập, để rồi 10 năm sau, bà đã tự mình tổ chức các khóa tu học và giảng dạy Thiền tại một số nước Tây phương, Hoa Kỳ và tại Úc. Bà đã chính thức xuất gia và thọ giới tại Sri Lanka vào năm 1979 với Pháp hiệu là Ayya Khema.
Là một Ni Sư Phật giáo người Tây phương, học, hiểu, hành trì và truyền bá giáo pháp Phật đà. Ayya Khema đã để lại một số đóng góp đáng kể cho Phật giáo gồm có:
- 1978, thành lập Tu Viện Wat Buddha Dhamma tại Wisenans Ferry – NSW – Australia.
- 1978, thành lập Trung Tâm Quốc Tế Phụ Nữ Phật Tử Tại Colombo – Sri Lanka (The International Buddhist women’s Centre)
- 1989, thành lập tu viện “Buddha Haus” tại Đức.
- 1997, thành lập tu viện “ Metta Vihara “, đây là Lâm tu viện Phật giáo ( Forest Monastery ) đầu tiên tại nước Đức và được truyền bá giáo pháp bằng Đức ngữ ( German language)
- 1987, Ayya Khema đã phối hợp để tổ chức một đại hội quốc tế đầu tiên cho Ni giới Phật giáo , và đã hình thành một tổ chức Phật giáo với tên gọi: “Sakyadhita , a worldwide Buddhist Women’s”
- Tháng Năm, 1987 bà đã là vị Ni Sư đầu tiên và duy nhất được mời thuyết trình trước hội đồng liên hiệp quốc tại New York với đề tài: “Buddhism and World Peace”
- Ayya Khema cũng là tác giả của 25 quyễn sách về Phật pháp và Thiền học viết bằng Anh ngữ và Đức ngữ và đã được chuyển dịch ra 7 ngôn ngữ khác trên thế giới, nỗi bậc nhất là vào năm 1988, quyễn “Being Nobody, Going Nowhere” của bà đã được giải thưởng “The Christmas Humphreys Memorial Award” quyễn sách nầy đã được chuyển dịch sang Việt ngữ với tên là ”Vô Ngã Vô ưu“.
Có thể nói, Ayya Khema là một phụ nữ Tây Phương đầu tiên thuộc hệ phái nguyên thủy – (Theravada) được thọ giới Tỳ Kheo Ni, bà đã có nhiều đệ tử Tây phương hiện đang tu tập và hoằng pháp tại nhiều nơi trên thế giới.
Trở lại với phần lịch sử của Tu viện Wat Buddha Dhamma, Ayya Khema lưu lại nơi đây một khoản thời gian ngắn, sau đó bà đã chuyển giao tu viện nầy cho Sư, Ven. Khantipalo điều hành và xiểng dương Phật pháp, Sư Khantipalo người Tây phương , sinh năm 1932 tại London – Anh quốc, Xuất gia và thọ giới Tỳ kheo tại Thái Lan, đến Úc năm 1973.-
Ven. Khantipalo đã điều hành tu viện Wat Buddha Dhamma gần 20 năm, sau đó Sư đã hoàn tục, lập gia đình, nhưng rồi đã ly dị và trở lại xuất gia theo truyền thống Đại Thừa Phật giáo, thọ giới với Thượng tọa Thích phước Tấn tại chùa Quang Minh ở Melbourn với pháp hiệu tiếng việt là “Thầy Minh An” về sau nầy, sức khỏe và tâm thần của sư có phần thiếu ổn định,
Quá trình tu tập của Sư đã để lại cho đời gồm 8 quyễn sách với chuyên đề về Phật pháp và Thiền.
Tu Viện Wat Buddha Dhamma, có một khoảng thời gian không có người kế nhiệm trụ trì, nên hội đồng quản trị nơi đây đã chuyển thành một trung tâm thiền tập (Meditation Centre ) dưới sư chăm lo của một số cư sĩ.
Hiện nay, trụ trì tu viện Wat Buddha Dhamma là một vị sư người Mỹ gốc Việt, Sư Xuất gia tại Thái lan theo truyền thống Phật giáo Theravada, thuộc hệ phái sơn tăng của Thiền Sư Ajahn Chah, Pháp hiệu của Sư là Ajahn Khemavaro . Kể từ khi Ajahn Khemavaro đảm nhận vai trò điều hành tu viện, Sư đã thỉnh mời nhiều vị Sư danh tiếng trên thế giới về đây để tổ chức nhiều khóa tu học định kỳ cho nhiều giới quần chúng phật tử tham dự, và cũng từ đó Phật tử VN hằng năm đều về ngôi tu viện nầy để cùng tham dự ngày lễ Dâng Y. Không khí sinh hoạt và tu học của Tu viện Wat Buddha Dhamma đã bừng lên sức sống và tin rằng, một ngôi chùa Phật giáo Theravada đầu tiên trên nước Úc nầy sẽ là một ngôi tu viện vững chải trên dòng lịch sử khởi sắc của Phật giáo tại Australa.
Gia Hiếu