Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Nét đẹp của chùa Việt ở nước Đức - Viếng chùa Bảo Quang Hamburg

24/07/201919:14(Xem: 7478)
Nét đẹp của chùa Việt ở nước Đức - Viếng chùa Bảo Quang Hamburg

Nét đẹp của chùa Việt ở nước Đức -

Viếng chùa Bảo Quang Hamburg

 
Mechthild Klein
(Ký giả Đài Phát Thanh Đức Deutschlandfunk tường thuật)
Đỗ Kim Thêm dịch
 
Chua Bao Quang Hamburg (1)
Tượng Phật trong sân chùa Bảo Quang Hamburg
(Deutschlandradio-Mechthild Klein)

 

Thành phố Hamburg là thủ đô Phật giáo của nước Đức. Trong một khu công nghiệp, trên mái nhà lấp lánh một bánh xe pháp luân màu vàng, hai con rồng đứng hai bên cạnh, đó là một tu viện. Lúc đầu, các Phật tử gặp nhau trong các căn hộ để thiền tập, sau đó họ bắt đầu xây chùa. Một chuyến viếng thăm chùa ở Hamburg.

Khi Đức Phật khai lập giáo lý cách đây 2.500 năm, Ngài không có ngôi chùa nào riêng. Đạo tràng của Ngài bao gồm các du tăng và ni, họ di chuyển khắp Ấn Độ và truyền bá giáo lý. Chỉ trong mùa mưa, họ cư ngụ trong những nhà trọ cố định mà những nhà Mạnh Thường Quân xây cho họ. Sau khi Đức Phật viên tịch, các tu viện kiên cố thành hình với các hội trường và kho lưu trữ cho các di tích, gọi là bảo tháp. Đó là thời điểm ra đời của những ngôi chùa Phật giáo. Các tăng ni trải rộng ra trong các ngôi chùa trên khắp châu Á. Do hoàng gia bảo trợ, toàn bộ cơ sở chùa đã trở thành biểu tượng uy tín.

Từ hơn 100 năm, các Phật tử người Đức và các nhóm tu thiền có một số nơi cầu nguyện và thờ tự. Trong 50 năm qua, nhiều Phật tử đã nhập cư tại nước Đức tăng lên, trong đó có người Thái, Hoa và Nhật, người Việt tạo thành nhóm lớn nhất với khoảng 100.000 Phật tử.


Cầu nguyện trong khu công nghiệp Hamburg

11 năm trước, ở Hamburg, họ đã xây một tu viện tên là Bảo Quang, có nghĩa là ánh sáng rạng rỡ. Nằm bên một con sông nhỏ chảy vào Elbe và trong khu công nghiệp Billwerder của Hamburg, chùa là trong một tòa nhà văn phòng được tu sửa. Đó là một ngôi chùa Phật giáo, trên mái tỏa sáng một bánh xe vàng với tám nan hoa, biểu tượng của Đức Phật và giáo lý của Ngài, đứng bên cạnh là hai con rồng.

Olaf Beuchling, nhà nghiên cứu tôn giáo và dân tộc học nói: "Đây là truyền thống của Việt Nam, nhưng cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của Trung Quốc. Những con rồng này với tư cách là những người bảo vệ tượng trưng cho giáo pháp, người ta cũng có thể thấy trong các ngôi chùa Việt Nam, thực ra ở mỗi chùa đều có".

Olaf Beuchling đã nghiên cứu về các cộng đồng người Việt ở phương Tây trong hơn hai thập kỷ qua: "Nói chung, trong văn hóa Việt Nam, con rồng là biểu tượng của hạnh phúc và bảo vệ. Múa lân sẽ xua đuổi những ảnh hưởng xấu xa và ma quỷ."

Phần lớn các nhóm Phật tử người Đức hài lòng với việc chuẩn bị trang trí cho một phòng khách để thành nơi tu thiền với một vài tượng Phật. Ngược lại, Phật tử nhập cư thường được đặt nặng hơn về mặt kiến trúc. Trong  thập kỷ qua ở Đức, người Việt, Thái hoặc Nhật đã xây dựng các tu viện và đền thờ. Một số đã biến dạng từ các nhà ở, những người khác đã trực tiếp xây chùa.


Su Ba Dieu TamSư Bà Diệu Tâm, người khai sơn tạo lập Chùa Bảo Quang, Hamburg

Trước chùa Việt ở Hamburg, cổng vào được dựng. Nghiêng phía sau một tượng Phật cao hai mét đứng mỉm cười thân thiện với khách viếng chùa. Tượng bằng đá đánh bóng màu trắng là hiện thân của Đức Phật tương lai, người sẽ sống trong một thế giới tương lai.

Beuchling nói: "Thông thường, Đức Phật bụng phệ này cũng được trưng bày cùng với những tượng hình trẻ con đang bò quanh. Đó là lý do tại sao Ngài được coi là Đức Phật của tương lai, bởi vì giới trẻ được coi là tương lai."

"Chúng ta yêu tất cả các chúng sinh"

Lối vào chùa nằm ở phía sau tòa nhà, nơi cũng có một khu vườn nhỏ với cầu tàu. Vào Chủ nhật này, dù mưa liên tục, 500 Phật tử tập trung cho một buổi lễ rất quen thuộc. Ba thùng lớn chứa đầy nước, trong đó có đến hằng ngàn con cá bơi lội.

 

Chua Bao Quang Hamburg (2)

Lễ phóng sanh trong sân chùa Bảo Quang (Deutschlandradio / Mechthild Klein)

Hai nhà sư đã được mời đặc biệt từ Pháp đến để đọc kinh. Càng nhiều tăng ni tụng các kinh văn thiêng liêng, thì các Phật tử càng tin tưởng mãnh liệt về hiệu ứng. Lễ này được gọi là phóng sanh. Nhà sư mặc áo cà sa phóng sanh cho cá, sư nhúng một cành hoa cẩm chướng vào một thùng chứa nước và rảy cá vào thùng.

Vào cuối buổi lễ dài, trong tay mỗi Phật tử có được một bát nước và hai con cá. Tất cả lần lượt đi đến cầu tàu, dừng lại một lúc và ném con cá đang lăn lộn xuống sông.

Thị Ngọc Trần Bùi nói: "Phóng sanh cho cá là một biểu hiện của lòng từ bi, những gì chúng tôi muốn thể hiện. Bởi vì Đức Phật cũng dạy rằng chúng ta nên yêu tất cả chúng sinh. Những gì đầu tiên mà chúng tôi luôn dạy cho trẻ em cả thanh thiếu niên là: Chúng ta yêu tất cả chúng sinh và tất cả các sinh vật, cả động vật."

Người phụ nữ 40 tuổi hướng dẫn một trong nhiều nhóm thanh niên trong đạo tràng. Buổi lễ nhằm cho cá có cơ hội nghe những lời của Đức Phật và giáo lý giải thoát trong một cuộc sống trong tương lai.

Sau buổi lễ dài với tiếng tụng kinh của đạo tràng, bữa cơm trưa chay được cung cấp miễn phí cho tất cả mọi người. Các đầu bếp chuyên nghiệp người Việt đã xin nghỉ một ngày để làm việc này. Cũng giống như họ, có nhiều người ủng hộ gồm cả các thanh thiếu niên cho các bữa tiệc trong đạo tràng.

Sinh hoạt đạo tràng năng động.

Chùa Hamburg có một phong trào thanh niên rất năng động. Có những trại hè, những cuộc nhập thất và một nhóm múa lân, họ không chỉ múa dành riêng cho lễ đầu năm. Có 4.000 Phật tử thành viên thuộc khu vực đạo tràng. Các sư cô cũng sống trong tu viện, họ cử hành ba lễ hàng ngày, đọc kinh và giảng dạy cho các Phật tử tại gia.

"Các sư cô lãnh đạo, điều hành tu viện và đạo tràng", Văn Công Trâm nói.

 

Chua Bao Quang Hamburg (3)
 Bác Sĩ Văn Công Trâm (bào đệ của Sư Bà Viện Chủ Chùa Bảo Quang, Hamburg

Ông là một Phật tử có nhiều đóng góp và tạo dựng nên ngôi Chùa Bảo Quang này. 
Hình chụp tại Chánh Điện Chùa Bảo Quang (Deutschlandradio / Mechthild Klein)


Văn Công Trâm là một bác sĩ đã nghỉ hưu và thường xuyên đến chùa. Ông khám bệnh, khuyên về cách chăm sóc sức khoẻ cho đồng hương và cũng tập thiền ở đó. Trong chùa có các sư cô hướng tâm linh, ông nói.

"Các sư cô am tường kinh điển, họ biết những lời của Đức Phật rõ hơn cư sĩ. Trên hết, họ luôn cố gắng giúp đỡ. Đó là những gì mà sư cô làm. Sư cô không chỉ là đứng làm chủ lễ trong chùa, mà cũng đi vào cuộc sống, đến với gia đình và giúp đỡ."

Trong chùa, khách viếng chùa cởi giày trong một tiền đình nhỏ. Bước vào chánh điện với những tấm thảm dày, họ thường khoác ngoài một chiếc áo màu lam che quần áo thường nhật. Nghi lễ nhỏ là để cho họ rời khỏi thế giới bên ngoài.

"Giống như một ngôi nhà thứ hai"

Bà Bùi nói: "Đối với tôi, chùa là một ngôi nhà thứ hai, và ở đó tôi có thể thư giãn. Tôi hoàn toàn có thể buông bỏ tất cả, nó giống như một gia đình."

Nhiều người trong chùa kể là họ có cảm giác được an trú như trong một đại gia đình. Đây là một tụ điểm văn hóa. Tại đây, họ nói ngôn ngữ của họ, chia sẻ các món ăn Việt, học các giáo lý Phật giáo, các nhóm thanh niên tập múa lân. Tình bạn đơn giản được thành hình ở đây, Thị Bích Phương Trần nói. Vị tình nguyện viên 36 tuổi hướng dẫn cho một nhóm trẻ  trong chùa. Cô không xem đó là một công việc bắt buộc.

"Và khi cha mẹ đi chùa, ông bà, anh chị em họ, anh chị em, còn lại gì ở nhà? Đến chùa thoải mái hơn nhiều, bởi vì có rất nhiều giới trẻ tuổi xung quanh, với những người mà bạn có thể nói chuyện."

Mỗi ngày, các sư cô tổ chức ba buổi lễ trong chùa. Các chiêng trống lớn dựng đứng oai nghiêm ở bên, chỉ được sử dụng vào các ngày đại lễ.

Chùa có mùi nhang. Từ trần nhà treo đèn lồng nhiều màu sắc. Vài khách viếng chùa ngồi trên sàn, những người khác cúi chào các vị Phật ở giữa, trẻ nhỏ chạy xung quanh.

Trên các bức tường bên, trước hàng loạt các tượng đầu tiên, hai vị thần Hộ Pháp lớn màu vàng nhìn vào. Họ đối mặt nhau như những chiến binh. Vị thần đứng bên trái trông thân thiện và có một thanh kiếm. Vị thần khác không chỉ trông nhăn nhó mà còn có những đặc điểm gần như quỷ dữ. Olaf Beuchling biết chức năng của họ: “Họ thường đứng ngoài lối vào. Họ phải bảo vệ, bảo đảm tượng trưng rằng người ác bị dọa kinh sợ và tránh xa chùa.“

Các vị Phật khác nhau cho các thế giới khác nhau

 

Chua Bao Quang Hamburg (5)
Tượng các vị Bồ Tát, ở giữa là Đức Phật A Di Đà (Deutschlandradio / Mechthild Klein)


Chùa có nhiều tượng Phật. Càng đi xa về phía trước, các tượng này càng trở nên thiêng liêng hơn. Ở cuối hành lang, phía trước bức tượng Phật bằng đồng ở giữa chánh điện là các tượng các vị Bồ tát màu vàng. Họ là những người giúp đỡ tinh thần, những người mà Phật tử biết phần lớn tên họ và kêu gọi họ khi nguy biến. Các tượng có đeo đồ trang trí tóc và trang sức, nhìn vào các dụng cụ trên tay mà người ta xác định danh tánh các vị này.

Ở giữa là tượng phật A Di Đà. Một vị Phật thiền định. Ngài là biểu hiện cho một hình ảnh cao quý về miền cực lạc tây phương trong Phật giáo Đại thừa, gọi là cõi Tịnh độ. Ở nơi huyền bí này, nhiều tín đồ muốn được tái sinh, từ đó để giác ngộ và nhập niết bàn.

Olaf Beuchling, nhà học giả tôn giáo, nói: "A Di Đà không phải là một vị Bồ tát, mà còn là một vị Phật. Do đó, người ta phải biết rằng trong Phật giáo có những vị Phật khác nhau đã và đang chịu trách nhiệm cho các thế giới và thời đại khác nhau. Phật A Di Đà là Đức Phật của Tịnh độ tông, người đóng một vai trò trong Phật giáo Việt Nam."

Bàn tay mở xuống của Ngài là một cử chỉ đạt thành mong ước. Đối với  Phật A Di Đà, Ngài ban bố cho bất cứ ai tin nơi Ngài và tụng kinh với tên Ngài thì được tái sinh nào nơi cỏi Tịnh độ. Sự sống ở đó có nghĩa là giai đoạn đầu của sự thức tỉnh, hướng đến niết bàn, nếu người ta muốn đạt được như vậy. Do đó, người ta cầu xin cho người quá cố rằng họ có thể được tái sinh ở cỏi Tịnh độ.

Đạo tràng này tu theo một dòng Thiền Phật giáo. Đó là tông phái Lâm Tế, rất giống với Phật giáo Trung Quốc, Olaf Beuchling nói. Trong truyền thống này, truyền thống đã trở nên nổi bật, việc thiền tập ít được nhấn mạnh. Ngoài ra còn có các yếu tố từ Phật giáo bí truyền. Mỗi buổi sáng, thần chú Đà La Ni dài 15 phút được đọc. Các âm tiết tiếng Phạn thiêng liêng xen kẽ sẽ có tác dụng chữa bệnh và che chở.

Olaf Beuchling nói: "Bài thần chú này kết hợp nhau, để có thể học thuộc lòng điều đó là một thành tựu lớn. Người ta nói rằng chừng nào thần chú Đà La Ni còn được tụng lên, thì giáo lý của Đức Phật sẽ không bị mai một trong thế gian"

Quan Thế Âm: "Đức Mẹ Maria trong Phật giáo"

Ở cuối chính điện, khách viếng chùa nhìn vào một tượng Phật bằng đồng khổng lồ nặng vài tấn. Đức Phật ngự trên một hoa sen và đắm chìm trong thiền định. Đôi mắt nhắm nghiền, hai bàn tay chấp lại. Một bó hoa lan trắng và cam đuợc cắm theo kiểu Á Đông đặt trước trên bàn thờ Phật. Ngoài ra, cúng dường với gạo và một bảo tháp bằng pha lê với một thánh tích Phật. Một tượng Đức Phật lịch sử không thể thiếu trong bất kỳ ngôi chùa nào.

Olaf Beuchling giải thích: "Đức Phật lớn nhất nơi chánh điện và ngồi cao nhất luôn luôn là Đức Thích Ca Mâu Ni. Bức tượng này được đúc tại Việt Nam, một sư cô luôn đi về Việt Nam, sau đó tìm kiếm một bức tượng Phật cho phù hợp, đủ lớn. Và sau đó được nhập khẩu trong một container từ Việt Nam đến Hamburg. "

Bên phải của Đức Phật đặt giữa là một tượng mà nhiều Phật tử trong chùa nhìn trực tiếp. Họ dừng lại trước mặt Ngài và cúi đầu hoặc thậm chí phủ phục trước Ngài.

 

Chua Bao Quang Hamburg (6)

 Đức Phật Quan Thế Âm, vị Bồ tát từ bi

(Deutschlandradio / Mechthild Klein)

Đó là Phật Bà Quan Thế Âm, trong tiếng Sankrit là Avalokiteshvara, Bồ tát từ bi - ở Trung Quốc, Việt Nam và Nhật Bản thường được miêu tả và phổ biến là phái nữ."

Lòng từ bi là điều thu hút hầu hết mọi người. Người ta luôn kêu gọi hoặc cầu nguyện khi đang đau khổ, hoặc lúc thấy bất hạnh hay buồn rầu. Do đó, người ta cầu xin Ngài giúp đỡ.", Bà Bùi nói.

Chạy trốn sau chiến tranh Việt Nam

Olaf Beuchling: "Đôi khi tôi so sánh điều này với Đức Mẹ Maria trong Công giáo. Sau đó, có lẽ người ta có thể khởi đầu việc so này nhiều hơn một chút. Phật Bà được coi là nhân vật có thể can thiệp trực tiếp vào cuộc sống của mọi người, ví dụ như người ta đang nguy khốn. Chính Đức Phật người ta không tin nơi điều này, mà là nơi Đức Quan Thế Âm, người ta  hướng về Bà với những lời cầu nguyện. Trong số những chuyện khác, các thuyền nhân Phật giáo đã làm điều đó khi họ chạy trốn vào những năm của thập niên 1970."

Sau chiến tranh Việt Nam, nhiều người Việt đã trốn khỏi các trại cải tạo và tra tấn của nhà cầm quyền Cộng sản trên những chiếc thuyền không thích hợp trên biển. Nhiều người đã bị cướp biển tấn công. Khoảng 250.000 người chết ở biển Đông vào cuối những năm của thập niên 1970 và đầu những năm 1980.

 

Chua Bao Quang Hamburg (7)

163 thuyền nhân, trong đó có 72 thiếu niên đến phi trường Hannover ngày 03.02.1978 (dpa/Werner Schilling)

Ủy ban Cứu trợ Đức Cap Anamur đã cứu hơn 10.000 người Việt khỏi biển bằng một chiếc tàu chở hàng, nhiều người trong số họ đã tìm thấy quê hương mới ở nước Đức. Bà Bùi cũng biết câu chuyện này từ chính gia đình mình. Thân phụ của Bà cũng chạy trốn trên biển khi còn là một thanh niên.

"Ba tôi bị đẩy ra biển như vậy, cũng bị cướp biển tấn công ở Biển Đông. Điều đó thật trầm trọng. Sau đó, Cap Anamur đã chạy đến. Đó thực sự là may mắn. Và thế là ba tôi đến nước Đức, vì Cap Anamur đến từ nước Đức. Và tôi nghĩ nhiều người cũng bị chấn thương. Ba tôi cũng được Phật giáo giúp đỡ rất nhiều để có thể vượt qua sự thù hận đối với chủ nghĩa cộng sản Việt Nam", bà Bùi nói.

Lể vật cúng cho tổ tiên

Trở lại chùa ở Hamburg, nơi mà một phần thuyền nhân thuộc về đạo tràng này. Các nghi lễ cho người quá cố là một trong những nhiệm vụ chính của các sư cô. Mọi người đều nói thờ cúng tổ tiên rất là quan trọng. Không chỉ những người theo đạo Phật biết điều này, mà cả những người Công giáo và Nho giáo, Olaf Beuchling nói:

"Luôn luôn có một phòng tưởng niệm cho người qúa vãng trong chùa Việt Nam và một phòng thờ riêng cho dòng dõi truyền thừa của các vị sư trụ trì chùa, nơi mà có thể nói thờ chư tổ sáng lập chùa. Có thể là một căn phòng, đôi khi là nhiều phòng. Trong các chùa lớn hơn, điều này thường là phòng riêng biệt. Ở đây, tất cả vào chung một nơi dành cho những Phật tử quá cố,với những bức ảnh của họ treo trên tường."

 

Chua Bao Quang Hamburg (8)

Phòng thờ cúng tổ tiên trong chùa Bảo Quang

(Deutschlandradio / Mechthild Klein)

Vào ngày lễ giỗ của người thân, cả gia đình đi chùa. Sau đó là một bữa ăn thịnh soạn cho mọi người. Ba năm đầu lễ giỗ lể này đặc biệt quan trọng. Một người lo các bài tụng và cúng cho người đã khuất, muốn làm cho người quá cố một cái gì đó tốt hoặc ảnh hưởng tích cực đến sự tái sinh  của họ. Mỗi ngày, các sư cô đặt một bát cơm trước những bức ảnh của người quá cố. Và người thân mang trái cây tươi và rất nhiều đồ ngọt, tất cả mọi thứ mà người quá cố thích, và đặt nó lên bàn thờ trước những bức ảnh. Có những gói bánh kẹo xếp chồng lên nhau, từ những thanh sô cô la thành những tòa tháp nhỏ. Các đồ ngọt sau khi cúng xong được chia cho các nhóm thanh niên và khách.

Đối với những Phật tử này, việc giao tiếp với người quá cố và thờ cúng là  vấn đề tất nhiên. Thị Bích Phương Trần kể về một đứa trẻ sáu tuổi trong nhóm trẻ của cô ở chùa đã mất cha gần đây. Cô đến thăm và mang  bánh kẹo để làm quà.

"Và sau đó cô ấy mở túi kẹo ra và trước khi ăn, cô ấy nói: Tôi cúng cho Papa trước. Cô bé đặt những gói kẹo đó lên bàn thờ cho cha cô ấy."

"Có một vị Phật người Đức không ?"

Ngôi chùa Việt ở Hamburg giờ đã lên mười một tuổi. Các bậc trưởng lão tự hào về đạo tràng của họ, đặc biệt là công việc thiện nguyện liên đới giữa các thế hệ.

 Văn Công Trâm cũng là tín đồ của nhà sư Thích Nhất Hạnh, Thiền sư Phật giáo nổi tiếng nhất và là người xuất thân từ một dòng truyền thừa của Thiền tông. Thích Nhất Hạnh cũng đã đến thăm chùa Hamburg hai lần. Lúc đó Thiền sư cũng gặp Văn Công Trâm.

"Trong chuyến thăm nước Đức, Thiền sư có hỏi: Anh cho tôi xem Đức Phật của nước của anh được không? Tôi đã bị sốc ", Văn Công Trâm nói. "Đức Phật người Đức? Liệu có một vị Phật người Đức, một vị Phật người Việt hay, theo những gì mà tôi biết, Đức Phật người Ấn Độ không? Nhưng theo một nghĩa nào đó, khi người ta suy nghĩ lại, tất nhiên, Thiền sư có lý. Khi Phật giáo đi đến một đất nước nào, thì sẽ tự thích nghi ở đó. Phật giáo có rất nhiều nghị lực nội tại và sống trong xã hội. Và đó là nơi chúng ta phải tìm kiếm Phật giáo của chúng ta trong tương lai."

Một vị Phật người Đức, có lẽ sẽ đến trong thế kỷ XXII hoặc XXIII, Trâm Văn Công nói. Ngôi chùa chính của người Việt Nam tại Đức là ở Hannover, kỷ niệm mừng chu niên 40 năm thành lập vào cuối tháng sáu (xem hình lễ này). Ở nước Đức, các Phật tử vẫn là một tăng đoàn còn non trẻ.

 

***

Nguyên tác: Fernöstliche Architektur - Buddhas Haus im Westen

Tựa đề bài dịch là của người dịch

https://www.deutschlandfunk.de/fernoestliche-architektur-buddhas-haus-im-westen.2540.de.html?dram:article_id=451345

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
11/08/2019(Xem: 11001)
Vào sáng ngày 10 tháng 8 năm 2019, Tu viện Tây Thiên tọa lạc tại số 58012 – Range Rd 270, Westlock County, Canada đã long trọng tổ chức đại lễ An vị Kim thân Đức Phật A Di Đà (bằng đồng, nặng 25 tấn) và khánh thành Niệm Ân Đường, nhân kỷ niệm 30 năm thành lập Viện Phật học Edmonton - Tu viện Trúc Lâm và Lễ Vu Lan báo hiếu PL. 2563. HT. Thích Thiện Tâm, HT. Thích Minh Nghĩa và HT. Thích Trí Hoằng đã quang lâm Chứng minh buổi lễ. Về dự đại lễ có trên 100 chư Tôn đức Tăng Ni và khoảng 1.000 Phật tử đến từ Canada, Hoa Kỳ, Pháp, Việt Nam và một số quốc gia khác.
01/08/2019(Xem: 7945)
Thiền Lâm Pháp Bảo tọa lạc tại vùng Wallacia, miền Tây Nam Sydney, cách trung tâm Sydney khoảng 65 cây số, cách chùa Pháp Bảo 35 cây và cách phi trường mới (Western Sydney Internation airport) khoảng 15 phútlái xe. Vùng đất này thuộc Hội đồng thành phố Wollondilly Shire. Đất rộng 52 acres bao gồm đồi núi cây cỏ xanh tươi. Diện tích hiện đang sinh hoạt dưới chân đồi khoảng 8 acres. Từ cổng chính dẫn vào khu sinh hoạt, phía bên trái là cánh rừng nhỏ Bạch đàn; bên phải là hai hàng cây xanh có lá đổi màu theo thời tiết, tạo cho khung cảnh Thiền Lâm càng thêm tịch tĩnh.
27/07/2019(Xem: 7331)
Thích Ca Phật ngự bảo liên tòa Uy nghiêm tĩnh tọa dáng Thiền Na Sùng sùng bảo tướng Đông phương hướng Ánh đạo bừng lên rạng sáng lòa. Hào quang chiếu diệu rộng lan xa Soi tỏ muôn nơi khắp mọi nhà Thiền Lâm phúc địa tâm thành lễ Tứ chúng thắng duyên cung chiêm Ngài.
22/07/2019(Xem: 5737)
Nằm trên một cao nguyên nhỏ ngay bên bờ Thái Bình Dương, thuộc quận hạt Sonoma, bang California, Odiyan Buddhist Center - mà người Việt chúng ta đã gọi một cách giản dị là chùa Tây Tạng - là một phức hợp gồm các đền, tháp, điện thờ, hoa viên v.v. bố trí rải rác nhưng hài hòa trong một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ với ngàn thông xanh ngắt và cổ thụ um tùm, trên một diện tích rộng 1,100 acres.
04/07/2019(Xem: 5986)
Chùa Phổ Hiền – 311 Route de la Wantzenau Strasbourg - Pháp quốc , Hội Phật-Giáo Việt-Nam tại Strasbourg Pháp Quốc được thành lập từ năm 1987, đến nay đã 32 năm. Người sáng lập ra, không ai khác hơn là Người Cha Già áo vải thân thương « Bỏ xứ Hoa Anh Đào, để gieo hạt bồ đề trên xứ tuyết », chính là Cố Hòa Thượng thượng Minh hạ Tâm. Hội PG trong giai đoạn đầu rất thưa thớt. Cộng Đồng người Việt vừa rời xa quê hương xứ sở nên rất thương nhau, cùng nhau góp tay cùng Người để xây dựng ngôi nhà tâm linh trên đất khách.
03/07/2019(Xem: 6172)
Thư Cung Thỉnh Tham Dự Khóa An Cư Kiết 2019 của Giáo Hội Canada tổ chức tại Tu Viện Phổ Đà Sơn từ ngày 1 đến 14 tháng 7 năm 2019
12/06/2019(Xem: 9820)
Chùa Tâm Từ tọa lạc tại số 610 Fisher Avenue, thành phố Morgan Hill, miền Bắc tiểu bang California. Để xây dựng ngôi chùa và vườn Di sản Phật giáo tại California với tổng chi phí hơn 6.500.000 Mỹ kim, chùa đã có tâm thư kêu gọi quý Phật tử khắp nơi ủng hộ tịnh tài để xây chùa trên trang facebook TamTu Temple ngày 03/6/2019. Chỉ trong 1 tuần, chùa đã nhận được sự ủng hộ số tịnh tài lớn là 1.970.000 Mỹ kim (bức tâm thư kèm theo bài này).
28/05/2019(Xem: 5438)
Hội Phật Giáo Đức Chöling kỷ niệm thành lập 25 năm(1995-2019) tại Tổ Đường chùa Viên Giác Hannover. Hòa THượng Phương Trượng Thích Như Điển đã hiện diện và thăm viếng Hội cũng như nói chuyện trong vòng 30 phút vào ngày 26.5.2019 vừa qua.
27/05/2019(Xem: 7734)
Vào ngày thứ bảy 23 tháng 3 năm 2019, tức ngày 18 tháng 2 năm Kỷ Hợi, một sự kiện lịch sử quan trọng cho thành phố biển và Đại học Rostock từ tám trăm năm nay: Lần đầu tiên một Tu Viện Phật giáo tên gọi Lộc Uyển sắp hình thành, với Lễ Đặt Đá xúc từng xẻng đất của các đại diện chính quyền địa phương cùng các Chư Tăng Ni trong ban tổ chức và khách mời.
10/05/2019(Xem: 8390)
Hình ảnh tổng quát Chùa Khánh Anh, Evry, Pháp Quốc. Khai Sơn: HT Thích Minh Tâm; Trụ Trì TT Thích Quảng Đạo
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567