Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Vị Trí Của Một Ngôi Chùa

20/09/201718:01(Xem: 7876)
Vị Trí Của Một Ngôi Chùa


Chua Van Hanh-phap-4
Vị Trí Của Một Ngôi Chùa


Bài viết của HT Thích Như Điển
Đh Quảng Tịnh diễn đọc

 

 

Ngôi chùa đối với người Phật Tử Việt Nam chúng ta nói riêng hay những dân tộc khác tại Á Châu nói chung; chùa đóng một vị trí quan trọng trong đời sống của nhân dân, kể cả những người không thuộc tín ngưỡng Phật Giáo. Do vậy từ mấy ngàn năm nay, hình ảnh của ngôi chùa đã ăn sâu vào nề nếp văn học, thi ca, kiến trúc, phong tục, tập quán, lịch sử v.v…nên chùa là “Cái thiện của làng tôi” như nhà văn Thiện Văn Phạm Phú Minh ở Hoa Kỳ đã viết trong tờ Thế Kỷ thứ 21 như vậy.

Hôm đó là ngày Chủ nhật 27 tháng 8 năm 2017 tại địa phương Nantes, Pháp Quốc có buổi giảng của tôi nhân lễ Hoàn Nguyện và Lễ Vu Lan của chùa. Thượng Tọa Trụ Trì Thích Nguyên Lộc đã thỉnh tôi giảng một thời Pháp và tôi đã chọn đề tài nầy. Lúc bắt đầu mới 9 giờ sáng nên số người tham dự không đông mấy, cũng như thời gian chỉ có một tiếng đồng hồ, nên tôi đã không thể triển khai hết được ý của mình muốn nói. Tuy nhiên những điểm chính tôi đã trình bày hết rồi và mọi người nghe hôm đó cũng cảm thấy hoan hỷ. Đầu tiên tôi đi xa hơn qua tận Trung Quốc để thăm viếng quê hương của chư Tổ mà Phật Giáo Việt Nam của chúng ta đã ảnh hưởng bởi những Tông Phái qua việc truyền thừa không ít. Tôi chọn bài thơ “Hàn Sơn Tự” của Trương Kế, một thi nhân rất nổi tiếng ở đời nhà Lương vào thế kỷ thứ sáu thuộc đời Vua Lương Vũ Đế (502-519). Vị trí của Ông trong văn chương thi phú có thể ví với Lý Bạch, Thôi Hộ, Hạ Tri Chương v.v… ở đời nhà Đường. Ở tại Tô Châu có ngôi chùa nầy. Ngôi chùa sở dĩ nổi tiếng nhờ 4 câu thơ và nếu có ai đó đã đi đến Tô Châu rồi thì sẽ xem được chữ Phật thật là tuyệt vời, nhưng được viết không cân xứng mấy. Theo truyền thuyết thì cho rằng: Người viết chữ Phật nầy muốn có đến 3 lượng vàng, nhưng nhà chùa chỉ trả cho Ông ta được hai lượng, nên hai sổ thẳng của chữ Phất (tánh không) không cân xứng  mấy. Đã là giả thuyết thì chúng ta cũng không nên chấp cứ vào đó làm gì, nhưng ở Trung Hoa có rất nhiều chuyện giả sử như vậy.

Chua Van Hanh-phap-2



Bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc như sau:

                               Nguyệt lạc Ô Đề sương mãn thiên

                              Giang phong ngư hỏa đối sầu miên

                              Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn Tự

                               Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.

Nếu trực dịch ra tiếng Việt thì như thế nầy:

                               Bóng trăng chim quạ, sương đầy trời

                               Sông, cây, chài lưới đối nhau thôi

                                   Cô Tô thành ấy, chùa Hàn Sơn

                                   Nửa đêm tiếng chuông, đến khách thuyền.

Và được dịch sang thể lục bát như sau:

                                   Trăng tà tiếng quạ kêu sương

                                    Lửa chài, cây bến sầu vươn mái chèo

                                    Thuyền ai đậu bến Cô Tô

                                    Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.

Quả là tuyệt vời với lối thơ câu 6 và câu 8 ấy. Chỉ riêng Việt Nam chúng ta mới có, chứ Haiku của Nhật Bản hay thơ Đường của Trung Quốc cũng không thể sánh bằng. Bởi thế mà có thời Ông Bà của chúng ta đã thể hiện tinh thần nầy qua hai câu chữ Hán như sau:

                                   Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán

                                    Thi đáo Tùng, Tuy bất thịnh Đường.

Nghĩa là:

Văn như  Siêu (Lê Văn Siêu) và Quát (Cao Bá Quát) thì trước đời nhà Hán không ai bì kịp.

Thơ đến được như Tùng (Thiện Vương) và Tuy (Lý Vương) thì thời thịnh Đường cũng chẳng  có ai được.

Như vậy dân tộc Việt Nam chúng ta là một dân tộc can cường, cao cả, quyết không chịu đi làm nô lệ cho nước nào, mà ở thời Khương Tăng Hội (280) từ Giao Châu chúng ta, Ngài  đã được Ngô Tôn Quyền mời sang Trung Quốc làm Thầy cho Vua và ở thế kỷ thứ 15, Kiến trúc sư Nguyễn An đã chỉ huy xây cất Tử Cấm Thành cho Vua nhà Minh, và mãi cho đến ngày nay dân tộc ta đã tự hào về những chiến thắng quân Nguyên Mông ba lần của các vua chúa nhà Trần năm 1257, 1285 và 1288. Lịch sử dĩ nhiên không dừng lại ở đó, nhưng chúng ta có quyền hãnh diện về những gì mà Cha Ông của chúng ta đã để lại cho lịch sử đời sau và chúng ta không được quên dòng chảy của những thành tích lịch sử nầy.

Đến Trung Quốc, có 4 châu mà thiên hạ đồn rằng không nên thiếu. Đó là Quảng Châu để thăm viếng và thưởng thức những món ăn tuyệt hảo tại đây. Hàn Châu để thăm những phong cảnh đẹp và người đẹp của xứ nầy. Liễu Châu để chọn cho mình những thứ gỗ tốt để đóng quan tài khi cái già cái chết sắp đến cận kề và Tô Châu ngoài ngôi chùa Hàn Sơn nầy ra, còn rất nhiều tơ lụa đẹp, mịn màng. Ngày nay Trung Hoa đã thay đổi nhiều rồi, dĩ nhiên là không còn những truyền thuyết hay những giả sử như thời xa xưa nữa, nhưng bài thơ của Trương Kế  đã từng để lại không biết bao nhiêu sự thi hóa chốn nầy, mà ngày nay ngôi chùa và bài thơ vẫn còn tồn tại với thời gian.

Sang đến Việt Nam thì ngôi chùa lại đóng vai trò không những chỉ là nơi chốn để nguyện cầu, lễ bái v.v… mà còn là nơi tiếp các sứ thần của các nước láng giềng khi vào cống sứ vua chúa nước ta, nên mới gọi là chùa Quán Sứ (chỗ ở của các Sứ thần). Ngôi chùa ấy ngày nay vẫn còn ở Hà Nội, nhưng có mấy người Hà Nội trong hiện tại hiểu được vai trò của ngôi chùa nầy từ thuở sơ khai của dân tộc chúng ta? Nguyễn Bính (1918-1966) là một nhà thơ ở thế kỷ thứ 20, Ông đã làm những câu thơ trong bài thơ “Quê Tôi” như sau để nói về vị trí của ngôi chùa:

                                     Quê tôi có gió bốn mùa

                                      Có trăng giữa tháng, có chùa quanh năm

                                     Sương hôm, gió sớm trăng rằm

                                     Chỉ thanh đạm thế, âm thầm thế thôi

                                     Mai nầy tôi bỏ quê tôi,

                                     Bỏ trăng, bỏ gió, chao ôi bỏ chùa.

Trăng và gió là những hình ảnh đẹp biết là bao, nhưng thi nhân có thể bỏ được. Chỉ riêng hình ảnh của ngôi chùa làng quê đơn sơ mộc mạc ấy thì thi nhân không thể nào quên được, dầu cho xa quê trong nhiều dặm đăng trình. Do vậy hình ảnh ngôi chùa ấy đã làm cho thi nhân luôn nhớ nghĩ về quê, nơi ấy có mồ mả Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ và nhất là hình ảnh của ngôi chùa trong đêm thanh cảnh vắng, khi trăng rằm đã hiện ra, soi bóng ngôi chùa vào tận tâm cang của những người xa xứ. Rồi Xuân Tâm, Ông có bài thơ rất hay, nói về tiếng chuông chùa và ngôi mộ cũng như người Mẹ đã mất qua bài thơ bất hủ mà nhiều thi nhân đã trích dẫn, và ngay cả trong tác phẩm “Bông Hồng Cài Áo” của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh:

….Hoàng hôn phủ trên mộ

  Chuông chùa nhẹ nhẹ rơi

  Tôi thấy tôi mất Mẹ

   Là mất cả bầu trời.

Chỉ có 4 câu sau cùng của bài thơ nói về Mẹ, chúng ta cũng đã có thể hình dung được vị trí của ngôi chùa và tiếng chuông chùa trong đêm khuya hay sáng sớm như thế nào đối với người dân quê Việt Nam chúng ta rồi.

Từ những hình ảnh thân thương của ngôi chùa ở Trung Hoa, Việt Nam…tôi đã hướng mọi người về ngôi chùa Vạn Hạnh tại Nantes, Pháp Quốc, nơi hàng trăm thính chúng đang ngồi nghe tôi nói chuyện về vị trí của một ngôi chùa qua thi ca Việt Nam cũng như Trung Quốc. Ai ai cũng nhìn nhận rằng dưới bàn tay khéo léo của Thượng Tọa Thích Nguyên Lộc, Trụ Trì ngôi chùa nầy đúng 20 năm xây dựng và với 30 năm hiện hữu nơi cõi trời Tây nầy, Vạn Hạnh tại nơi đây rất xứng đáng với tất cả tầm vóc ấy. Ngôi chùa nhỏ, có nóc cong. Bên cạnh đó tuy không có những cội mai già như trong bài thơ “Nhớ Chùa” của Thi Sĩ Huyền Không, tức Cố Hòa Thượng Thích Mãn Giác đã sáng tác vào năm 1949, nhưng những gốc Ô liu cũng có đến mấy trăm năm tuổi thọ đang được trồng cạnh bên hiên chùa. Nào là trúc, sen, bầu, bí, hòn non bộ, chùa Một Cột v.v… Ngoài ra còn có một nhà rường năm gian hai chái rất Việt Nam, nơi đây Thượng Tọa dự định sẽ làm một Trà Thất để tiếp đón khách thập phương và những khách vãng lai người Pháp, nhằm giới thiệu văn hóa của dân tộc mình cho người bản xứ. Quả là quá tuyệt vời cho một ngôi chùa Việt Nam tại Hải ngoại, đang góp phần xây dựng cho đất nước, cho Phật Giáo và cho Dân Tộc Việt Nam trong khi ở xứ người, cũng như sánh vai với hơn 700 ngôi chùa như vậy của Việt Nam chúng ta đang hiện diện trên năm châu lục ngày nay.

Hôm đó trời thật đẹp, không có trăng sao, nhưng những âm thanh huyền diệu của những tiếng Kinh cầu qua Trai đàn chẩn tế bạt độ mà Thượng Tọa Thích Hoằng Khai, Tổng Thư Ký của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu làm sám chủ với Ban Kinh Sư hùng hậu khắp Âu Châu đã tựu về để giải oan, bạt độ cho những hương linh người Việt và người Pháp  quá vãng trong nhiều hoàn cảnh khác nhau của chiến tranh, cũng như những người lâm nạn bất thường.

Chua Van Hanh-phap-3

Lời Kinh trầm bổng thiết tha như gọi hồn người nơi cõi xa xăm nào đó hãy về đây thính pháp văn kinh, giải thoát được nẻo luân hồi sanh tử. Còn người sống đã đến đây như chạnh lòng nghĩ về thân phận của mình rồi mai đây sẽ ra sao, nếu không có hình ảnh của một ngôi chùa, nơi ấy có vị Sư già đang dõi bước theo đàn con phiêu lạc ở phương trời nào, thì hôm nay đây chính là cơ hội để gợi nhớ về một thuở xa xưa nào đó nơi quê hương mình và đặc biệt nơi xứ Pháp nầy, mà tại đây có được một ngôi chùa như chùa Vạn Hạnh ở Nantes nầy là một diễm phúc vô cùng quý báu cho người đã quá vãng cũng như những người còn tại thế.

Cuối buổi giảng tôi đã lược qua bài thơ “Nhớ Chùa” của cố Hòa Thượng Thích Mãn Giác, mà đa phần chỉ nhớ hai câu cuối của bài thơ mà thôi. Đó là: “Mái chùa che chở hồn dân tộc, Nếp sống muôn đời của Tổ Tông”.

Nhớ Chùa

 

Từ thuở ra đi vắng bóng chùa
Đường đời đã nhọc chuyện hơn thua
Trong tôi bừng dậy niềm chua xót
Xao xuyến mơ về lại cảnh xưa 

Thấp thoáng đâu đây cảnh tượng làng
Có con đường đỏ chạy lang thang
Có hàng tre gợi hồn sông núi
Im lặng chùa tôi ngập nắng vàng

Có những cây mai sống trọn đời
Bên hàng tùng bách mãi xanh tươi
Nhìn lên phảng phất hương trầm tỏa
Đức Phật từ bi miệng mỉm cười 

Tôi nhớ làm sao những buổi chiều
Lời kinh giải thoát vọng cao siêu
Đây ngôi chùa cổ ngày hai buổi
Cầu nguyện dân làng sống mến yêu 

Vì vậy làng tôi sống thái bình
Sớm khuya gần gũi tiếng chuông linh
Sắn khoai gạo bắp nuôi dân xóm
Xây dựng tương lai xứ sở mình

Mỗi tối dân quê đón gió lành
Khắp chùa dào dạt ánh trăng thanh
Tiếng chuông thức tỉnh lan xa mãi
An ủi dân hiền mọi mái tranh 

Trầm đốt hương thơm bay ngạt ngào
Thôn trên xóm dưới dạ nao nao
Dân làng tắm gội lên chùa lễ
Mười bốn, ba mươi mỗi tối nào 

Biết đến bao giờ trở lại quê
Phân vân lòng gởi nhớ nhung về
Tang thương dù có bao nhiêu nữa
Cũng nguyện cho chùa khỏi tái tê 

Chuông vẳng nao nao nhớ lạ lùng
Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông.

 

Đó là những câu kết của thời thuyết pháp hôm đó và tôi hẹn lại với mọi người là ở một thời gian thuận tiện nào đó, tôi sẽ điểm lại từng trang Kinh Việt, từng lời thơ và ý vị trong những điển tích Việt Nam qua bài thơ nầy, mà cho đến nay đã trải qua 70 năm lịch sử, hình ảnh ngôi chùa qua thi ca, văn học vẫn còn vang vọng khắp đó đây trên cõi đời sương gió nầy

 

Viết xong vào chiều ngày 19 tháng 9 năm 2017 nhằm ngày 29 tháng 7 âm lịch năm Đinh Dậu nhân lễ vía Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát tại Tu Viện Viên Đức Ravensburg, Đức Quốc.

----

Sửa lỗi chính tả: Phật Tử Thanh Phi (Úc Châu)

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
09/04/2015(Xem: 9449)
Khi nói về Đạo Phật, trước tiên chúng ta liền nghĩ đến biểu tượng hình ảnh một ngôi chùa, pháp tháp tôn thờ Đức Phật Bổn Sư, Chư Bồ Tát, Chư Thánh Tổ, và cũng là nơi tu học hành trì pháp Giới-Định-Tuệ cho hàng đệ tử xuất gia và tại gia trong giáo nghĩa của Phật Giáo nói chung, và Phật Giáo Việt Nam nói riêng, với truyền thống :
16/03/2015(Xem: 16493)
Các vị tăng sĩ tại Tu Viện Thupten Shedrup Ling ở Myers Flat bàng hoàng sửng sốt sau khi chánh điện mới xây đã bị tiêu hủy trong trận hỏa hoạn vào Thứ Sáu vừa qua (13-3-2015). Vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi tài sản ước tính khoảng $145, 000 và tòa nhà vẫn chưa được đóng bảo hiểm. Một gia đình người Nepal đã vô ý gây nên vụ hỏa hoạn này, họ đến đây (phía bắc Bendigo) từ thành phố Melbourne (cách 2 tiếng lái xe) để cầu siêu cho Thân phụ của họ. Gia đình đã thắp rất nhiều đèn cầy nhỏ ở trên bàn thờ trong buổi lễ và đã không tắt nến trước khi ra về.
07/03/2015(Xem: 14577)
Hoa Cúc Châu Phi nở rộ cuối mùa Đông và đầu mùa Xuân 2021 tại Tu Viện Quảng Đức. Cảm ơn ông bà Thiện Tịnh, Diệu Liên đã phát tâm cúng dường tịnh tài để Thầy Tri Sự Thích Đăng Từ đóng các hộc gỗ để thầy trồng những luống hoa cúc này trước cổng Tam Quan Tu Viện Quảng Đức và dọc theo con đường Lynch, chính quyền local Moreland đã gởi thư cảm ơn và ngợi khen Tu Viện năm nay chăm sóc hoa trước chùa rất đẹp mắt, những người bạn láng giềng của Tu Viện cũng hết lời tán dương mỗi khi họ đi bách bộ ngang qua những khóm hoa này. Xin hồi hướng công đức này đến đệ tử và gia đình đầy đủ 5 phước báo: sống lâu, sắc đẹp, an vui, sức mạnh và trí tuệ. Cầu nguyện cho Corona đại dịch sớm tận trừ, thế giới hòa bình, nhân sinh an lạc. Nam Mô A Di Đà Phật. Trân trọng, TT Viện Chủ Thích Tâm Phương TT Trụ Trì Thích Nguyên Tạng ĐĐ Tri Sự Thích Đăng Từ 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹🌺🍀💐🌼🌹🌺🍀💐🌼🌹 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹🌺🍀💐🌼🌹🌺🍀💐🌼🌹 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹🌺🍀💐🌼🌹🌺🍀💐🌼🌹
27/01/2015(Xem: 10668)
"Hình ảnh Hòa Thượng Thích Như Điển Phương Trượng chùa Viên Giác, cùng Đại Đức Thích Hạnh Bổn Phó Trụ Trì chùa Viên Giác Hannover. Phật Sự Chùa Quang Minh Esbjerg Đan Mạch vào ngày 24.01.2015."
27/01/2015(Xem: 12549)
"Hình ảnh Hòa Thượng Thích Như Điển Phương Trượng chùa Viên Giác, cùng Đại Đức Thích Hạnh Bổn Phó Trụ Trì chùa Viên Giác Hannover. Phật Sự tại chùa Quan Thế Âm Odense Đan Mạch vào ngày 23.01.2015"
27/01/2015(Xem: 10320)
"Hình ảnh Hòa Thượng Thích Như Điển Phương Trượng chùa Viên Giác, cùng Đại Đức Thích Hạnh Bổn Phó Trụ Trì chùa Viên Giác Hannover. Phật Sự tại chùa Chùa Liễu Quán Glostrup Đan Mạch vào ngày 25.01.2015."
13/01/2015(Xem: 13286)
Thư mời Lễ An Vị Phật tại TV Linh Sơn Pháp Bảo
13/12/2014(Xem: 9698)
Như một người đã đến và đã ra đi, mái chùa Việt Nam tại Houston đã có mặt 18 năm trên mãnh đất này; và giờ đây, đã không còn nữa. Trong khi cảm nghiệm về bản chất vô thường mong manh của đời sống, nhìn lại, tứ chúng tại Trung Tâm Phật Giáo - Chùa Việt Nam vẫn có đó, những niềm an ủi lớn:
11/12/2014(Xem: 9986)
Tọa lạc trên những dãy núi trùng điệp, lọt thõm trong thung lũng Larung Gar, hàng ngàn ngôi "già lam nhỏ" đã làm nên một trong những tu viện Phật giáo lớn nhất thế giới. Đó chính là khu tu viện Phật giáo Serthar, thuộc hạt Graze, Tây Tạng.
08/12/2014(Xem: 9856)
16 giờ chiều ngày 28/11 HT Thích Quảng Bình, chủ lễ khai kinh tụng kinh Thủy Sám quyển thượng và lạy sám hối. 5 giờ 45 sáng ngày 29/11 tọa thiền, tụng kinh Lăng Nghiêm. Sau thời Kinh, HT Phương Trượng thăm hỏi và ban pháp nhủ cho bà con Phật tử. 10 giờ 30 Lễ thọ Bát Quan Trai, HT Phương Trượng truyền trao giới thể cho 36 Phật tử phát tâm thọ giới tu tập một ngày một đêm. 12 giờ Ngọ trai. 14 giờ, tụng kinh Thủy Sám quyển Trung do ĐĐ Thích Pháp Trú chủ lễ hướng dẫn.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]