Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

30. Sư Phụ tôi - Bồ Tát trợ duyên (Hoa Lan - Thiện Giới)

17/06/201407:48(Xem: 20115)
30. Sư Phụ tôi - Bồ Tát trợ duyên (Hoa Lan - Thiện Giới)

 Trong cuộc đời tôi ở tại cõi tạm này có hai nhân vật quan trọng: đó là “Sư Phụ tôi - Bồ Tát trợ duyên“ và “Chồng của tôi - Bồ Tát nghịch duyên“, như ngày với đêm, như sáng với tối không thể tách rời. Nhân vật Nghịch Duyên đã làm đề tài và cảm xúc cho tôi trở thành một cây bút nữ của tờ báo Viên Giác, xin tán thán công đức và kể từ đây xin được miễn bàn.

 Hôm nay nhân ngày vui của Sư phụ tôi, cái ngày đánh dấu một sự kiện đáng ghi nhớ trong đời một vị Tu sĩ, đó là kỷ niệm 50 năm xuất gia và đồng thời cũng là 65 năm tuổi Đời. Thế là tự nhiên tôi phải viết về vị Bồ Tát trợ duyên này, không cần ông chủ bút báo Viên Giác treo hịch kêu gọi dán khắp các tờ báo mạng trên thế giới.

 Nhân duyên nào đã đưa đẩy tôi đến cổng chùa Viên Giác và nhất định phải quy y với vị Thầy sẽ cho pháp danh với chữ Thiện đầu tên, chắc các bạn đã biết rõ nhưng tôi vẫn kể sơ qua cho câu chuyện có đầu lẫn có đuôi. Cũng bởi tại tên tôi bắt đầu bằng chữ Lan, một cái tên định mệnh! Khi cô Lan trong câu truyện “Tắt lửa lòng“ của Nguyễn Công Hoan, bị chàng Điệp bỏ đi lấy vợ khác thì nàng Lan chỉ còn cách cắt bỏ mái tóc mộng mơ đi vào Chùa. Tôi cũng không là ngoại lệ, gặp tình huống không lối thoát như thế chỉ có thể “nức nở quỳ bên Chánh điện“ để từ từ biến “Hoa Lan bên cửa Phật“ thành một Phật tử thuần thành.

 Chuyện Nghịch Duyên chống đối Trợ Duyên như thế nào tôi đã chôn sâu vào dĩ vãng, không cần phải khuấy động mặt nước hồ thu làm gì cho sai lạc với giáo pháp của Phật đà. Nhờ công phu tu tập qua các khóa giáo lý từ địa phương nối dài đến địa bàn mở rộng Âu Châu, phải trải qua nhiều năm tháng “cay đắng mùi đời“ tôi đã tự đứng lên đi một mình, không cần phải dựa vào cây sà-lách để đứng nữa.

 Những kỷ niệm với Sư phụ trong các chuyến hành hương tôi đã viết quá nhiều không lý gì đem ra kể lại, nên bài viết này tôi chỉ viết những điều chưa từng được viết và không ai dám viết. Các bạn đừng lo, tôi đã có “Kim bài miễn tử“ tránh tội khi quân rồi. Đấy là tựa đề bài viết đó, ai dám vùi dập vị Bồ Tát trợ duyên của tôi. Các bạn cũng biết thời gian này tôi hay viết phóng sự rất ít sáng tác, nên thiên hạ gặp tôi hay gửi gấm nỗi niềm nhờ tôi truyền đạt đến Người những điều không thể nào nói trực tuyến được. Tôi mang trong người một “điệp vụ bất khả thi“ giống như tựa đề cuốn phim “Mission impossible“ của Hollywood, một niềm tự hào trào dâng lên khóe mắt trước khi bị giũa cho tan nát.

 Đây là bản điều trần “Mười thương“ do tôi thu thập được trong đại chúng:

 . Sư Ông cúng dường: hễ Sư Ông xuất hiện nơi nào là thiên hạ cầm phong bì kính cẩn cúng dường, không cần biết Sư Ông dùng tiền ấy cho mục đích gì? Có người còn gọi là Phú Tăng chứ không phải Bần Tăng như thời Đức Phật còn tại thế.

 . Sư Ông Tàng kinh các: Sư Ông viết rất nhiều, nhưng sách của Người đa phần rất khó đọc, vừa nặng lại vừa dày lại thêm phần cắt dán khá nhiều kinh điển.

 . Sư Ông khoa bảng: Người thường quan tâm đến những đệ tử đỗ đạt với học vị cao.

 . Sư Ông ngôn ngữ học: trong các giờ giảng Người thường đem nhiều sinh ngữ ra khảo hạch các đệ tử đa số chỉ biết có tiếng mẹ đẻ mà thôi.

 . Sư Ông bất bình đẳng giới: chỉ nói chuyện với phụ nữ tối đa 5 phút, trong khi người nữ chiếm tuyệt đại đa số lo công quả và cúng dường nhiều nhất.

 . Sư Ông Siêu Tăng: được nhiều người ca ngợi và vây quanh, nên không có cơ hội nghe được ý kiến trái tai nghịch lòng.

 . Sư Ông cô đơn: Sư Ông ít có cơ hội và thời gian để tâm đến đại chúng.

 . Sư Ông nghi lễ: đều đặn mỗi sáng tụng kinh Lăng Nghiêm và lạy 300 lạy mỗi ngày trong thời gian An cư kiết hạ, quả tình hiếm ai làm được và lắm kẻ tủi thân vì thiếu sức khỏe và thời gian.

 . Sư Ông lữ hành: hay đi du lịch hành hương.

 . Sư Ông văn hóa: nếu Sư Ông không phải là người thích làm văn hóa thì tờ báo Viên Giác đâu thể đứng vững đến 35 năm.

 Với liên khúc “Sư Ông mười thương” kể trên tôi nghĩ rằng đã phản ảnh được phần nào các suy nghĩ của đa số đại chúng về hình ảnh Sư phụ tôi khi chưa được tiếp xúc nhiều. Muốn rõ thực hư sự việc ra sao chỉ có một người duy nhất mới đủ thẩm quyền trả lời mà thôi. Do đó tôi rơi vào tình trạng bế tắt không thể phản biện hay phản hồi một điểm nào cả.

 Là Phật tử tôi sợ nhất hai chữ “khẩu nghiệp”, nhỡ nghi oan hay chỉ trích sai một vị Bồ Tát và cũng là một vị Phật tương lai sẽ thành thì tội lỗi ấy không nước sông nào rửa sạch. Thêm vào đó tôi nghe thiên hạ kể về “Cậu Chín” ở bên Hoa Kỳ, người đệ tử cuối cùng Sư phụ tôi cho quy y và xuất gia. Lý do khiến “Cậu Chín” nhất định chọn Sư phụ tôi, một phần là cảm thời tụng kinh Lăng Nghiêm của Người, một phần nhìn thấy được các long thần hộ pháp vây quanh Người. Ai cho là mê tín hay dị đoan cứ việc cho, riêng phần tôi đã cảm nghiệm.

 Câu chuyện thần kỳ đã xảy ra trên một chuyến xe lửa tốc hành từ Berlin đến Hannover, vào một sáng tinh mơ của ngày rằm tháng giêng năm Giáp Ngọ. Tôi xin đi vào chi tiết, nếu bảo là tình cờ thì không đúng vì vé xe lửa của Hoa Lan và cô cháu văn nghệ Thi Thi Hồng Ngọc đã mua từ ba tháng trước để lên chùa Viên Giác dự lễ ra mắt sách cuốn Những Cây Bút Nữ 2. Trước đó 5 ngày chúng tôi gồm 8 cây bút nữ ở mọi nơi đã tụ họp tại nhà chị Phương Quỳnh và anh Phù Vân chủ bút báo Viên Giác, vui chơi ăn uống rồi cùng kéo nhau xuống chùa Viên Giác dự lễ ra mắt sách, một cơ hội hy hữu khó xảy ra khi tập hợp được đầy đủ cả 8 cây bút.

 Một buổi chiều trà dư tửu nhậu Chocolate Thụy Sĩ trước giờ chia tay, chúng tôi mang đề tài số báo Viên Giác 201, viết về Hòa Thượng chủ nhiệm lúc còn sống hùng sống mạnh ra bàn cãi. Ai cũng lo sợ cho sức công phá của một số người thích “bới lông tìm vết”, khen cũng không được mà chê lại càng không nên. Kết quả sau cuộc bàn cãi là các tay bút từ kỳ cựu cho đến măng tơ đều rút lui có trật tự chỉ để xin hai chữ bình yên. Nhưng còn sót lại 2 cây bút can trường sẵn sàng tự nhận mình là “bồi bút” hay “văn nô” như những bức thơ nặc danh của ai đó đã gán cho mình. Viết và phải viết, lại càng viết nhiều hơn nữa về những kỷ niệm hiển nhiên mà mình đã cảm nhận khi được tiếp xúc và làm việc Phật sự với Người, không thêm cũng không bớt, không tăng cũng không giảm, không dơ cũng không sạch như lời kinh Bát Nhã.

 Trước ngày ra mắt sách một hôm, chúng tôi chia làm 2 nhóm kẻ rời Hamburg đi Berlin dự buổi lễ Tết của hội Danke Deutschland e.V. làm chung với hội FEZ của người Đức, phần còn lại kéo xuống Hannover để sửa soạn cho buổi ra mắt sách vào ngày mai. Tại Berlin chúng tôi đón Hòa Thượng từ một Chi Hội xa đến và đến rất trễ gần giờ giải tán, nhưng cảm động là một xe buýt 50 người gồm các Phật tử thuần thành của Người từ miền Nam nước Đức xa xôi kéo lên ủng hộ. Một buổi thuyết Pháp đầu xuân cho các bà con cộng đồng người Việt tại hải ngoại và phát bao lì xì cùng cuốn sách “Hương lúa Chùa quê” một kỷ niệm thời ấu thơ của hai vị Hòa Thượng Bảo Lạc và Như Điển. Dĩ nhiên sau đó Hoa Lan và Thi Thi cũng được Hòa Thượng giới thiệu cho cuốn sách Những Cây Bút Nữ 2 để phát hành. Thành thật mà nói, nếu để yên cho Thi Thi bán sách một mình thì chỉ có nước ngồi ngáp vặt và ế thiu ế chẩy, để Hoa Lan vào còn ngáp ngáp vài cuốn đuổi ruồi. Nhưng khi Hòa Thượng giới thiệu xong là ký không kịp thở, đã bảo chung quanh Người có long thần hộ pháp mà.

 Khoảng 9 giờ tối, ba Thầy trò được taxi đưa rước của hội Danke-Deutschland chở về chùa Linh Thứu nghỉ qua đêm, để sáng sớm lên tàu tốc hành về chùa Viên Giác. May cho Thi Thi đã tẩu tán được mớ sách tại Berlin, không lại khiêng tới khiêng lui làm mất niềm tin vào việc in sách, không dám mơ tưởng đến cuốn thứ 3 vì độc giả thời A Còng chỉ thích đọc miễn phí trên mạng mà thôi.

 Lên đến khoang tàu, cô Hoa Lan dặn nhỏ Thi Thi hãy tìm chỗ riêng biệt cách xa Hòa Thượng để Người giữ giới không nói chuyện với phụ nữ quá 5 phút. Túi thức ăn điểm tâm do các Sư Cô chùa Linh Thứu làm sẵn, đến giờ sẽ mang sang chỗ của Thầy. Thi Thi chưa bao giờ làm thị giả nên phải được căn dặn kỹ càng, chẳng hiểu ất giáp gì nên cứ trố mắt nghe theo. Nhưng Thầy xua tay bảo tìm chỗ có bàn để hội nghị, rồi chỉ định hai người ngồi đối diện với hướng xe chạy còn mình ngồi ngược chiều rất là chóng mặt. Chuyến đi chỉ hơn một tiếng rưỡi, Thầy nhìn đồng hồ biết lúc nào cho ăn sáng, lúc nào cho phép nói chuyện và chia bớt phần ăn cho hai chúng tôi gói mang về. Thế là Thi Thi và tôi không bỏ lỡ cơ hội ngàn năm một thuở làm cuộc phỏng vấn cấp tốc:

 * Thưa Thầy, thiên hạ gọi Thầy là “Sư Ông bất bình đẳng giới” không nói chuyện với phụ nữ quá 5 phút, xin Thầy giải thích tại sao?

 - Tại các bà nhiều chuyện quá! Lại hay ganh tị nếu tôi nói với người này nhiều phút hơn người kia, nên cho đồng đều 5 phút.

 * Thầy nghĩ sao khi thiên hạ cho Thầy là Phú Tăng với quá nhiều tiền cúng dường?

 - Mỗi người có một nhân duyên và phước báu riêng, tôi đâu bắt ai phải cúng dường; nhưng người ta tự phát tâm thì việc xây chùa cho địa phương của họ cũng tốt thôi.

 Nói đến đây Hòa Thượng với tay lục trong tay nải ra tờ giấy in lá mail sắp mục nát của một thí chủ đại gia nào đó bên Hoa Kỳ cho Thi Thi đọc, nội dung lá mail chỉ làm đề tài cho những ai ganh ghét Người phải chuốc thêm sầu khổ. Đại gia ấy hứa sẽ chi nhiều triệu Đô La cho Hòa Thượng xây Chùa ở bên Mỹ và kèm theo một thẻ Visa với dung lượng mấy chục ngàn Đô cho Thầy làm phương tiện di chuyển. Thầy nói thêm với chúng tôi: “Quý vị thấy đó! Tôi đi đâu cũng chỉ có cái tay nải này với một Y để làm lễ, 5 ngày trong tuần ăn uống đơn sơ có kiểm soát, nhưng 2 ngày cuối tuần Phật tử thường cúng dường nên nhiều khi biết thức ăn chứa độc hại, vẫn phải ăn cho mọi người vui”.

 Sau một phút im lặng cho cảm xúc lắng xuống, tôi tấn công tiếp tới cái đồng hồ đắt tiền Thầy đang đeo:

 * Thưa Thầy, con nghe nói Thầy đang đeo cái đồng hồ giá trên 20 ngàn Đô, xin Thầy cho con xem hiệu gì để giải trình với độc giả.

 - Phật tử bên Mỹ thấy tôi đeo đồng hồ giá mấy đồng nên đưa ra vài chiếc cho tôi lựa, tôi chỉ chọn chiếc rẻ nhất trên mười ngàn Đô mà thôi.

 Nói xong Hòa Thượng tháo chiếc đồng hồ cho chúng tôi ngắm nghía và soi mói, đó là đồng hồ hiệu Cartier bằng vàng trắng nặng trĩu.

 * Thầy ơi, người ta nói Thầy trọng bằng cấp, nhiều khi rõ quá khiến nhiều người phiền lòng, trong đó có cả con.

 - Thời buổi này muốn làm Phật sự phải có trình độ học vấn cao và khả năng. Tôi rất khuyến khích những người chịu khó học, từ 20 năm nay nhờ tiền làm bánh của các Cô trong chùa, tôi đã cho học bổng các Tăng Ni làm luận án Tiến sĩ bên Ấn Độ. Đến giờ đã lên đến hàng trăm người tốt nghiệp học vị này.

 * Thầy nghĩ sao khi thiên hạ gọi Thầy là “Sư Ông ngôn ngữ học”, chúng con làm sao hiểu tiếng Nhật để trả lời. Nhưng có một lần tại chùa Linh Thứu, một cô bé sinh viên đã đối đáp với Thầy bằng tiếng Nhật.

 - Sinh ngữ rất quan trọng trong việc đối tác với bên ngoài. Khi tôi đến tham dự buổi họp trong tòa nhà của Liên Hiệp Quốc, tôi mới gặp những nhân vật làm nên việc lớn nhờ tài ngoại ngữ lưu loát thuyết phục người nghe.

 * Thầy có nhận mình là “Sư Ông cô đơn” không? Theo con biết lúc trước, Thầy đi đến đâu là cả một đoàn đệ tử vừa áo vàng vừa áo lam vây quanh.

 - Trong khoảng mười năm trước, tôi hay sang Úc nhập thất vào mùa đông để viết sách và dịch kinh điển. Bây giờ thời gian còn lại tôi sẽ quan tâm đến quý vị nhiều hơn, sẽ tham dự các khóa tu ở địa phương như Thọ Bát Quan Trai hay Huân Tu Tịnh Độ.

 * Thầy đi du lịch hơi nhiều nên những người không được đi thấy gai gai trong mắt, vậy cảm tưởng của Thầy như thế nào?

 - Cô biết đó! Nếu tôi hàng năm không dẫn Phật tử sang chỗ Thầy Hạnh Nguyện tu học thì cơ sở sẽ ít người biết đến. Tôi đi vì Phật sự cần, chứ nghĩ đến đường bay dài tôi đã sợ.

 * Vâng, con biết. Hôm ở Thái Lan về Thầy bị cảm ho sốt cao, mặt đỏ bừng. Chúng con không biết làm sao chỉ nhường ghế cho Thầy nằm nghỉ trong suốt chuyến bay.

 Cuộc phỏng vấn bất ngờ không được sửa soạn từ hai phía đã kết thúc một cách mỹ mãn. Người phỏng vấn cảm thấy nhẹ nhõm như trút được gánh nặng ngàn cân với liên khúc “Sư Ông mười thương” phải đem giải trình với đại chúng.

 

 Nam Mô Hoan Hỉ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát.

 

Hoa Lan - Thiện Giới

Mùa xuân 2014
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
08/05/2018(Xem: 5918)
Thông Tư Số 38 Về Việc Thông Tri Các Phật Sự 2018, Theo Quyết Nghị của Đại Hội Thường Niên Lần Thứ Nhất Nhiệm Kỳ III (2016-2020) được tổ chức tại Niệm PhậtĐường Fremont, Thành Phố Fremont, California, Hoa Kỳ, ngày 11 tháng 6 năm 2017, và theo quyết định của cuộc họp đầu năm 2018 của Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTNHK được tổ chức tại Chùa Bát Nhã, Thành Phố Santa Ana, California, Hoa Kỳ, vào ngày 7 tháng 4 năm 2018, Văn Phòng Thường Trực Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTNHK xin kính thông tri đến chư Tôn Đức Tăng, Ni, và quý Cư Sĩ thành viên các Phật sự quan trọng trong năm 2018 như sau:
01/04/2018(Xem: 7962)
Như quý ngài và quý vị đã biệt Ni Viện Như Ý tại thành phố Las Vegas, tiểu bang Nevada, do chúng con thành lập vào đầu năm 2016 và lễ An Vị Phật vào ngày 4 tháng 6 năm 2016 (nhằm ngày 27 tháng 3 năm Bính Thân). Sau một thời gian ngắn sinh hoạt trong chánh điện tạm thời chật hẹp, không đủ sức dung chứa với số lượng Phật tử ngày càng gia tăng, do đó chúng con hội ý với Quý Phật tử trong Ban Hộ Trì Tam Bảo tại địa phương và đi tới quyết định nên xây dựng một ngồi Chánh Điện trong khả năng khiêm tốn:
13/03/2018(Xem: 16190)
Lễ Hội Quan Âm - Ngày Hành Hương và Cầu Nguyện thường được tổ chức vào mỗi cuối tháng Ba tây lịch mỗi năm. Năm nay trong khung cảnh Chùa đang tái thiết Ngôi Chánh Điện mới, vật liệu xây dựng ngỗn ngang, chúng ta không thể thực hiện Lễ Hội Quan Âm được. Nhưng trong tinh thần Lễ Hội, Chùa có tổ chức 3 ngày tu học để cho quý Phật tử được tắm mát trong dòng suối Từ Bi của Mẹ Hiền Quan Âm. Kính mời quý vị thu xếp thời gian để cùng về tham dự theo chương trình sau đây:
28/02/2018(Xem: 10480)
Địa chỉ: 7233 Pleasants Valley Road, Thành Phố Vacaville CA.USA Chỉ đạo thực hiện: TT.Thích Từ Lực Biên tập/ MC: Lâm Ánh Ngọc Quay phim: Lương Nguyễn - Quảng Minh Nhiếp ảnh: Võ Văn Tường - Chúc Tiến Thực Hiện: LANS.
27/02/2018(Xem: 24398)
Slideshow: Tu Viện Quảng Đức Mừng Xuân Mậu Tiuất 2018, TT Thích Tâm Phương, TT Thích Nguyên Tạng; nhiếp ảnh: Bình Phong, Thiện Hưng, Thục Đức, www.quangduc.com
23/02/2018(Xem: 20973)
9 Chùa ở Toronto & các vùng phụ cận Đón Xuân Mậu Tuất 2018: Chùa Hương Đàm Chùa Liên Hoa Chùa Xá Lợi Chùa Hoa Nghiêm Chùa Kim Quang Chùa Viên Quang Chùa Từ Thuyền Chùa Pháp Vân Chùa Phật Quang Sơn
28/01/2018(Xem: 6546)
Đâu là hướng đi của Phật Giáo Việt Nam tại Mỹ? Trả lời đầy đủ cho câu hỏi trên cần đến công phu nghiên cứu của nhiều người. Vì thế, bài viết này xin được xem là suy nghĩ và gợi ý của một cá nhân. Phật Giáo truyền vào Hoa Kỳ khoảng một thế kỷ rưỡi -- tính từ lúc những di dân Trung Hoa sang Mỹ làm việc và mang theo Phật Giáo vào giữa thế kỷ thứ 19 -- mà trong đó Phật Giáo Việt Nam được truyền vào hơn năm mươi năm, tính từ thời điểm Cố Hòa Thượng Thích Thiên Ân đến Mỹ vào năm 1966 để dạy Đại Học University of California tại thành phố Los Angeles (UCLA) và thành lập Trung Tâm Thiền cũng như xây dựng Chùa Việt Nam.
11/01/2018(Xem: 10020)
Vào chiều ngày 30-12-2017, chư Tôn đức Tăng trú xứ tại các tự viện Phật giáo ở miền Bắc tiểu bang California và Phật tử tại San Jose cùng một số thành phố lân cận đã về chùa Tâm Từ, thành phố Morgan Hill dự lễ Bố tát tháng 12 năm 2017. Hòa thượng Thích Minh Đạt, trụ trì chùa Quang Nghiêm, thành phố Stockton được cung thỉnh Tuyên Luật Sư.
11/01/2018(Xem: 12614)
Chùa An Lạc tọa lạc tại số 1647 E. San Fernando Street, thành phố San Jose, tiểu bang California, Hoa Kỳ. Chùa được Ni trưởng Thích Nữ Nguyên Thanh thành lập vào năm 1994. Chùa đã được trùng tu vào các năm 2003 và 2012. Trong khuôn viên chùa có tôn tượng Bồ tát Quán Thế Âm lộ thiên và hòn non bộ được thiết trí từ năm 2000. Chùa là ngôi phạm vũ uy nghiêm, mỹ lệ trong vùng “Thung lũng Hoa Vàng”.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]