Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

07. Một áng mây bay (Thích Hạnh Nguyện)

17/06/201403:30(Xem: 17879)
07. Một áng mây bay (Thích Hạnh Nguyện)

 

 

 Sau bao nhiêu tháng năm miệt mài với công việc và Phật sự, tôi giờ đây mới chợt nhìn lại mình, để thấy rõ lấy chính mình đã không còn như xưa, tôi thật sự đã già. Nói già có quá bi quan khi con số tuổi của tôi chưa đầy đến 50, nhưng quả thật tôi thấy mình đã đổi thay quá nhiều sao không gọi là già; tóc trên đầu đã nhuốm bạc khá nhiều, dường như những sợi tóc trắng đang tranh nhau chen lấn với những sợi tóc đen còn lại thưa thớt trên đầu. Da mặt và các khóe mắt đã bắt đầu dùn lên như những thửa ruộng dọc ngang, rồi đâu đó lác đác vài vết tích đồi mồi như khoe mình trổi dậy. Tôi đó ư? Vâng, chính tôi đây và tự nhận với chính mình mỗi khi soi gương rửa mặt mỗi sáng. Nếu tôi là một phụ nữ thì chắc tôi sẽ buồn nhiều lắm vì thấy cái già nó đến nhanh với cái vẻ tàn tạ như vậy. Nhưng cũng may tôi là người nam, lại là một tu sĩ nên dửng dưng nhìn và nhận rõ cái già nua đang đến với mình như lẽ thật bình thường trong đời.

 Tuổi trẻ ai cũng bồng bột với nhiều phút giây cao hứng và bộc phá. Ai cũng thấy cuộc đời đẹp như hoa mùa xuân, thế giới lung linh ảnh diệu màu sắc hồng và những người chung quanh dễ thương, xinh xắn như những thiên thần. Tuổi trẻ chưa va chạm vào đời và cuộc sống trọn vẹn đều có những bàn tay che chắn, bảo vệ và chăm sóc của những bậc làm cha, làm mẹ yêu thương con, nên sự nghĩ suy của cuồng nhiệt, bốc cháy nhứt thời đó, mấy ai tránh khỏi. Nhưng rồi khi rời xa cha mẹ, bước chân vào đời và giáp mặt với thực tại của cuộc sống, chúng ta mới thấy được phần nào cái mặt trái của cuộc đời và những ảo tưởng, mông lung mà chúng ta từng mơ ước. Tuổi đời thêm lớn cũng là lúc chúng ta kinh qua nhiều thăng trầm, vấp ngã trong cuộc sống để thấy rõ mình hơn, con người thật sự của mình cũng chỉ là những hạt cát bé nhỏ giữa sa mạc, những viên sỏi gồ ghề trong vô số trăm ngàn viên sỏi trên một bờ suối con sông.

 Tôi xa thầy từ lúc còn tấm bé, khi tuổi đời chưa lớn và tuổi đạo cũng chẳng được bao nhiêu. Cái “Tôi” thời ấy của tôi hăng lắm, hùng khí lắm khi dám một mình lìa bỏ tất cả gia đình và thầy bạn ở trời Âu để chu du sang một phương trời xa lạ bên đất Ấn cầu pháp, cầu tìm con đường đạo đích thực cho mình. Gian nan kiếm tìm và cũng để trải nghiệm cái hào khí của tuổi trẻ đã đưa tôi đi khắp nơi trên thế giới từ Á sang Âu và từ Âu sang Á và bao nhiêu lục địa khác. Tôi đi như một con ngựa chứng bất kham và bất kể mọi lời khuyên, răn dạy từ những bậc thầy trưởng thượng cũng như từ người thân trong gia đình. Tôi vậy đó một thời và nay đã có thời gian nhìn lại với chính mình. Đúng, sai, phải, trái, thành đạt, thất bại nào có thước tấc gì để đo cho được con đường tôi đi, chỉ biết nhìn nhận nó như một bài học, trải nghiệm nào đó của một người tu trong đời.

 Khi tôi biết mình đã không còn trẻ nữa, sự nghiệp Phật pháp cũng đã bắt đầu xây dựng nên thì trách nhiệm của một người xuất gia, của một bậc thầy cũng đến, đó là: Hoằng dương Phật pháp và Tiếp độ chúng sanh. Tôi thấy rõ trọng trách nơi mình và những hạn chế mà mình chưa thực hiện được. Con đường tu tập, hành trì với chính mình còn dài và sự thực chứng Pháp yếu còn mênh mang phía trước. Tôi muốn đi một thân một mình trên con đường ấy như bài: “Chứng Đạo Ca của thiền sư Huyền Giác: Thường độc hành, thường độc bộ, Đạt giả đồng du niết bàn lộ”. Thế nhưng liệu ý tưởng như vậy có còn hiện thực trong thế giới ngày nay?

 Trong năm qua, những người Phật tử bắt đầu đến chùa tôi để xin xuất gia. Những vị lớn tuổi có, trẻ tuổi có, nữ có, nam có nhưng rồi tôi khất hẹn để có thời gian thử thách cho họ. Có người không chịu được và ra đi, có người chờ được cho đến ngày xuất gia, và sau buổi lễ xuất gia long trọng đó, tôi đã chính thức trở thành một vị thầy đúng nghĩa, một người cha có con, có đệ tử truyền thừa. Trách nhiệm ấy của một người thầy, người cha tôi phải luôn luôn trân quý và gìn giữ nó.

 Lẽ ra khi một con người trở thành một người cha lần đầu tiên với đứa con chào đời, họ vui sướng lắm, hạnh phúc lắm. Hạnh phúc nhất trên cuộc đời khi biết mình bắt đầu được làm cha và có người con nhỏ để mình yêu, mình thương và mình chăm sóc. Tình cảm con người là vậy, nhưng có lẽ người ta sẽ thấy sự biểu lộ tình cảm của người mẹ và cảm xúc hạnh phúc của người mẹ dành cho người con mới sinh của mình sẽ dào dạt hơn nhiều so với người cha, thường ẩn những biểu lộ cảm xúc bên trong. Tình thương của người cha đối với con mình lạ lắm, mạnh mẽ và sâu kín bên trong. Nó như dòng nham thạch, nóng bỏng, tuôn chảy và cháy cuồn cuộn bên trong lòng núi, nhưng bên ngoài với các bề mặt núi đá thì rất nguội, trơ trọi và khô khan.

 Cho đến tận bây giờ khi có đệ tử tôi mới hiểu được cảm xúc của mình, của một vị thầy trong vai trò của người cha, người mẹ. Cảm xúc của dâng trào ư! Hạnh phúc ư! Vui mừng và sung sướng ư! Cảm xúc bùng cháy và mãnh liệt như những người cha, người mẹ có con lần đầu ư! Cảm xúc như người con nhỏ lần đầu tiên được món quà quý mà cha mẹ tặng ư! Còn bao nhiêu nguồn cảm xúc thiêng liêng và khó tả khác của một con người khi sở hữu được một tặng vật mà mình mong đợi nhất! Phật tử chung vui cùng tôi và hỏi han tôi về những chú đệ tử mới toanh, tóc xanh vừa mới cạo và những chiếc y áo người tu lần đầu mặc còn luộm thuộm. Tôi bỗng chợt thấy mình trong hình hài các chú, cũng do dự, rụt rè, lúng túng trong buổi lễ xuất gia. Cũng hồn nhiên, chân thật và thành kính trước chư Tăng và buổi lễ trang nghiêm mầu nhiệm hôm đó. Tôi thấy một cuộc đời rất mới, trong sạch và thanh tịnh cho những ai dám quyết tâm chọn cách thay đổi và làm mới cho cuộc đời mình. Tôi thấy sự ra đi và hy sinh ấy của một con người quả thật rất có ý nghĩa và rất đáng hy sinh, thế mà những người cha, người mẹ nào đó lại rơi nước mắt, buồn bã và luyến tiếc cho sự ra đi này.

 Đời người ai cũng phải có một lần ra đi, nhưng lần ra đi ấy có mang lại ý nghĩa và sự thiêng liêng động chuyển tâm con người hay không, đó là một vấn đề. Chung quanh ta, hàng ngày hàng giờ có rất nhiều sự ra đi, mang một ý nghĩa này hay ý nghĩa khác nhưng sự ra đi của phàm nhân, tục lụy, hay sự ra đi của nghiệp chướng tới đòi qua tật bệnh, tai nạn, thiên tai, tự sát v.v… càng làm cho chúng ta thấy được mặt thật thô trược và tàn nhẫn của kiếp nhân sinh. Ai là người có duyên với Phật pháp lại hoan hỷ vui sướng đi vào con đường này; có đi chăng cũng phải thấy biết rằng, mình đang bị nghiệp lực ép buộc mà đi. Một mai này nếu nghiệp trần vơi bớt, công đức đủ đầy thì quyết phải ra đi một lần trong lý tưởng cao dầy, trang nghiêm và thanh tịnh cuộc sống cuộc đời.

 Mỗi một con người chúng ta sống đều mang rất nhiều kỷ niệm đẹp. Kỷ niệm thời thơ ấu, kỷ niệm tuổi học trò, kỷ niệm những tình yêu, mối tình ban đầu, kỷ niệm người thân, người thương trong gia đình, kỷ niệm về những con ngoan, xinh đẹp mà mình thương yêu và con thương yêu, hiếu thảo với mình, kỷ niệm với người chồng yêu, vợ yêu ngọt ngào, lãng mạn của mình trong suốt thời gian sống hạnh phúc v.v… và v.v… Người tu dù nay đã là Thượng Tọa hay Hòa Thượng cũng phải có những thời gian, kỷ niệm rất đẹp, rất hồn nhiên lúc ban đầu mới xuất gia học đạo. Dù có muốn nhớ hay không, dù có quên đi nữa thì thời gian ấy ai cũng thật là thanh khiết, trong trắng, đơn sơ và thật là dễ thương. Thầy tôi chắc cũng vậy, xuất gia từ khi nhỏ nên chắc chắn có những hình ảnh tuổi thơ, lúc làm điệu, làm chú tiểu với lọn tóc dài vắt tai hoặc chỏm tóc ngộ nghĩnh trên đầu. Tôi thường thấy những bức ảnh như vậy trong phòng của quý thầy và đôi lúc ước ao mình cũng có được những tấm hình hoặc trải nghiệm thời gian sống như vậy.

 Rồi thời gian qua mau, những chú tiểu ngày ấy nay đã không còn nữa mà đã là những bậc thầy nghiêm túc, trang nghiêm và đạo mạo. Thời gian và sự tu hành của một con người đã biến đổi tất cả, từ thân tướng bên ngoài đến tâm tính sự điềm đạm và mẫu mực bên trong. Sự thay đổi đó cần thiết nhưng đôi khi làm cho con người tiếc nuối những khoảnh khắc, thời gian rất đẹp của tuổi thơ, của thời làm chú điệu. Có thể chút ngây thơ, hồn nhiên trong trắng và thiếu thốn của thời làm điệu, làm chú tiểu khi ngủ gục lúc tụng kinh, khi trốn thầy, trốn mọi người để tìm một giấc ngủ sáng, một giấc ngủ trưa, hoặc khi thiếu chén chè, trộm mâm xôi, nải chuối và bị thầy bắt được quỳ nhang, đánh đòn v.v… là những kỷ niệm lầm lỗi, đáng tiếc tuổi mới xuất gia làm điệu, nhưng nó lại nói lên được tất cả những kỷ niệm tuyệt vời của một thời xuất gia, ban đầu tìm nương về cửa Phật.

 Những người xuất gia ngày nay sướng lắm vì có được gần như tất cả những tiện nghi vật chất trong đời sống hiện đại. Ăn uống và chỗ ở cũng đầy đủ hơn trước so với thời bậc thầy tổ của chúng ta rất nhiều. Nhưng chính trong sự quá đầy đủ, thoải mái và hiện đại ngày nay mà người tu chúng ta yếu kém ý chí và ít được trưởng thành. Thế mới biết sự kham nhẫn và khổ cực, sự nghiêm khắc và khó khăn trong giáo dưỡng và trong cuộc sống, đào tạo luôn luôn có những giá trị lợi ích và chiều sâu của nó. Những bậc thầy tâm linh, những người xuất gia trưởng thành đều nhận thấy rõ điều ấy nên bắt đầu hiểu thầy mình và thương thầy mình rất nhiều về sau này.

 Có thể thấy người xuất gia được học và rèn luyện nghiêm khắc như vậy trong suốt thời gian tu hành, nên một con người tu dù rất tình cảm, thân thương cũng trở nên nghiêm trang và đạo mạo. Cái pháp của người tu là như vậy, sống nhiều với lý trí, với pháp Phật, với chân lý, với định huệ hơn là sống với tình cảm, với con tim, với sự đối nhân xử thế khéo léo và tâm lý như người đời. Một bậc thầy thường sống và tu như vậy theo pháp nên nhiều khi trong cuộc sống đạo đời không thể biểu hiện và bày tỏ tình cảm, tình thân trong thời gian dài; thế rồi người đệ tử, phật tử bỗng cảm thấy thầy mình sao khô khan và nghiêm trang quá nên khởi tâm e dè và sợ hãi khi tiếp xúc. Tình thầy trò từ từ xa cách, dần dần dẫn đến nhiều vấn đề và có khi xảy ra nhiều mâu thuẫn trong cuộc sống.

 Nếu tình cha con, mẹ con là một tình cảm thiêng liêng và đặc biệt thì tình thầy trò có lẽ cũng không ngoại lệ nhưng vì sự biểu lộ cảm xúc của người nam, người cha và hơn thế sự biểu lộ cảm xúc của một bậc thầy trong đạo không tiện được phô bày, nên chất liệu tình cảm ấy được nuôi dưỡng, ẩn giấu bên trong. Và tình thầy trò qua thời gian sống gần nhau, thương yêu và hy sinh cho nhau sẽ hiểu được tất cả nỗi lòng của một con người. Những đệ tử của thầy là những con người và vị thầy mà mình đang sống chung, đang học hỏi Phật pháp và cung kính cũng là một con người đang trên đường tu hành, nên tình cảm và mâu thuẫn, vấn đề và sự khác biệt là những tánh chất cơ bản và thông thường nhất của một con người.

 Chồng vợ, cha mẹ con cái với nhau nếu biết tu, biết sửa để điều chỉnh lại bản ngã và sự si mê nơi chính mình thì sẽ mang lại an vui và hạnh phúc với nhau trong cuộc sống. Thầy trò cũng vậy, cũng có thể mang lại tình thương, an lạc và hạnh phúc trong đời sống đạo với nhau. Nếu không biết tu đúng pháp, cả gia đình có thể biến thành cảnh giới địa ngục và các tội nhơn trong cảnh giới đó. Thầy trò cũng có thể biến thành oan gia, kẻ thù và xâm hại lẫn nhau từ lời nói cho đến hành động. Trong kinh Lương Hoàng Sám có đề cập đến Tỳ kheo Hoa Quang và người đệ tử ôm lòng hờn giận và oán đối nhau, nên người đệ tử thường tìm cách chống đối, nói điều phi pháp về thầy mình, và cuối cùng bị đọa vào địa ngục Tám mươi Ức kiếp. Chất liệu vô minh và sân hận có sức tàn phá lớn lao đến như vậy mà ít người thấy được và tìm cách chuyển hóa nó. Người ta chỉ thấy tất cả mọi nguyên nhân, đầu mối của khổ đau, hận thù và tội lỗi đến từ người kia, kẻ nọ mà ít ai chịu thấy sự liên can, kẻ thủ phạm cũng chính từ nơi sự si mê, chấp thủ ở nơi mình. Cái khổ đau từ đây mà phát sinh.

 Tôi có những sự trải nghiệm lạ lùng như vầy mà giờ đây sau nhiều năm tu hành tôi mới thấy rõ. Thầy tôi vẫn là thầy của mấy mươi năm về trước, vẫn sự nghiêm khắc và chuyên cần trong tu tập, dạy bảo đồ chúng, giữ gìn đều đặn khóa an cư mỗi năm và thường hay viết sách, dịch kinh trong suốt thời gian này. Thầy tôi vẫn là một con người như vậy, nhưng ở mặt khác tôi lại thấy thầy tôi khác trước rất nhiều. Thầy tôi khác trước hay tâm tôi khác trước! Thời gian đầu mới xuất gia, nếu thầy tôi không phải là một khuôn mẫu lý tưởng trong mắt của tôi bởi vì, thầy khó tính quá, thầy nghiêm khắc quá, thầy độc tài, thầy khô khan, lạnh lùng, thầy bảo thủ v.v… Nếu trong mắt tôi, trong tâm tôi toàn thấy thầy mình qua các hình ảnh khó chịu và tiêu cực như trên thì làm sao tôi có cảm giác thương thầy, hiểu thầy và gần gũi thầy được, và cũng ngược lại là làm sao thầy mình có thể thương mình được.

 Đã là một con người thì ai ai cũng có thể sở hữu những tánh chất ấy, nhưng khi không hiểu và thiếu chiều sâu của tu tập, của nhận thức, chúng ta có thể bị phiền não chế ngự, bị ác kiến chi phối. Các chất liệu của vô minh bị kích động và xúc tác nên cảm nhận trung thực của chúng ta về một người bị phiến diện, méo mó, đen đúa, dơ bẩn như chính tâm thức chúng ta phản chiếu ra, dù rằng người ấy không đến nỗi tệ và xấu xa đến như vậy. Chúng ta bắt đầu soi mói, vạch tìm, đào bới tất cả lỗi lầm, vết tích của người kia để chứng minh cho mọi người, cho thế giới chung quanh thấy rằng, quả thật người kia xấu xa và tệ hại đến như vậy. Chúng ta dường như quên mất rằng, mình là ai, đang làm gì và có thật mình là người tốt đẹp như mình tưởng. Nếu mọi người nghĩ tốt về nhau, nhìn về nhau và thấy rõ các tánh chất tốt, việc tốt người kia đã làm cho người, cho cuộc đời thì có lẽ mình đẹp đẽ, cao thượng hơn nhiều và đáng được mọi người khen ngợi tán thán hơn nhiều.

 Thầy tôi đã cho tôi học được rất nhiều về các bài học này kể từ khi tôi xuất gia vào đạo và cũng kể từ khi thầy bắt đầu xây dựng chùa. Người đố kỵ ganh ghét bắt đầu quấy phá với lời lẽ xấu xa, họ gởi thư nặc danh, email đến chùa để công kích, chửi bới cho đến lên mạng, viết sách truyền tải các thông tin, rao giảng các thông điệp xấu xa về người khác. Mấy mươi năm qua rồi, thầy tôi ngày ấy vẫn là thầy tôi ngày nay, im lặng chịu đựng và bao dung tha thứ. Thời gian qua đi, sự thật vẫn là sự thật, thầy tôi cũng chẳng vì sự lăng mạ của họ mà trở nên xấu xa hơn, mang tiếng hơn và thê thảm hơn trong cuộc đời. Giữa những lời sân hận ác ý mang tính hủy diệt và tàn phá đó, thầy tôi bỗng trở nên trong sáng, cao thượng và đức độ hơn qua ánh sáng của tâm từ bi và lòng độ lượng. Rõ ràng bài học nhân quả này đã rất rõ và dễ hiểu cho tôi trong suốt phần đời tu hành của mình.

 Khi tâm tôi biến chuyển thì hình ảnh về con người của thầy tôi cũng trở nên biến chuyển, đẹp đẽ, thanh tịnh, từ bi và mầu nhiệm đến lạ lùng. Đôi lúc tôi cảm nhận thấy tình thương ấy dạt dào, trào dâng mãnh liệt trong tôi như tình cha con và hơn thế nữa. Chất liệu của hạnh phúc đôi lúc là sự cảm nhận của hiểu biết và yêu thương một cách sâu sắc và chân thật nhất. Thứ hạnh phúc này quả thật sâu lắng, khó diễn tả nhưng tiềm ẩn lâu dài bên trong tâm thức của chúng ta, nếu chúng ta nhận chân ra được. Tôi thấy mình may khi nhận chân và tìm ra được hạnh phúc này khi thầy tôi còn sống, khi tôi vẫn còn được thấy thầy, được nghe lời thầy, đi bên cạnh thầy hay sờ, chạm vào bàn tay thầy. Bởi vì cũng có biết bao nhiều người quanh tôi, có thầy, có cha, có mẹ nhưng chưa từng cảm nhận được chất liệu hạnh phúc này, nên họ vẫn sống trong sự lạnh lẽo, tê cứng hoặc nhạt nhẽo của tình thân, tình thương của những người thân thương chung quanh.

 Trong quá khứ tôi đã làm cho thầy tôi buồn rất nhiều vì sự ngang bướng và ra đi của tôi tìm về Ấn Độ. Nhưng rồi tôi đã không phụ lòng thầy khi trưởng thành hơn trong sự tu tập và thành tựu ít nhiều trong việc Phật sự. Tôi vẫn còn giữ gìn chiếc áo tu hành dù gặp biết bao cám dỗ và phong ba bão táp trên đường đạo. Có lúc tôi đuối sức, loay hoay giữa dòng đời nghiệt ngã và phũ phàng nhưng thầy vẫn đến với tôi với ánh mắt từ bi, thương cảm và khuyến khích tôi gượng dậy. Nếu lúc vấp ngã tôi có thầy, nếu lúc đớn đau, tôi có thầy, nếu lúc buồn khổ, thầy ân cần giúp đỡ và hỏi han, nếu tôi chán nản và tuyệt vọng, thầy làm chỗ cho tôi tựa đỡ và nương về thì cuộc đời tôi có hạnh phúc nào hơn. Con người ta thường khi thành đạt thì có rất đông người thân, kẻ lạ tìm đến hỏi thăm, làm quen và nương nhờ; nhưng khi thấy thất bại thì thân sơ cũng tìm cách lánh xa, tránh né. Ngoài đời cũng vậy mà trong đạo đôi khi cũng chẳng khác là mấy. Chính vì vậy nên bài học cuộc đời là bài học cho chúng ta nhiều ý nghĩa và giá trị nhất. Không có các bài học và nghịch cảnh ấy, ai có thể thức tỉnh được cơn mộng mị say sưa hư ảo ảo hư của cuộc đời.

 Tôi thấy ấm áp lạ khi nghĩ nhớ đến thầy và về thầy như một phút nao lòng khi người con thơ có dịp nhớ về mẹ. Gần đây nhất, tôi nghe tin Hòa Thượng Khánh Anh ra đi trong độ tuổi không hơn thầy tôi là mấy. Ngài ra đi đã để lại tiếc thương cho bao nhiều người, và rồi mai này thầy tôi cũng lại sẽ ra đi như vậy, và tôi, quý Phật tử khác rồi cũng sẽ tuần tự ra đi, như những áng mây phải bay lơ lững trên bầu trời, để kết thúc hết duyên nó tan vào khoảng hư không vô tận. Những bậc thầy thị hiện ra nơi cuộc đời này đều có mang một tâm huyết và sứ mạng thiêng liêng nào đó dành cho chúng sanh và cuộc đời. Khi các ngài ra đi, chúng ta lúc ấy mới tiếc nuối, mới chợt tỉnh và thấy suốt được công hạnh cả một đời người của các ngài. Còn lúc các ngài còn sống, thầy mình còn đây, chúng ta lại thường khi chỉ thấy những điều nhỏ nhặt chung quanh thầy, phân biệt đúng sai, hơn thua, khen chê, buồn vui, hờn giận, trách móc, thị phi nơi thầy và những người chung quanh đố kỵ với thầy. Chúng ta đang có gia bảo trong nhà mà không tự biết, chỉ đến lúc mất đi mới thấy hụt hẫng, trống vắng và đau khổ tiếc thương. Những giọt nước mắt lúc ấy dù có chảy dài, ngậm ngùi, thổn thức cũng chẳng có ý nghĩa thật sự khi giờ đây chúng ta không biết sống trong tình nghĩa, trong trân quý và giữ gìn.

 Sanh ly tử biệt luôn là một nỗi khổ không có lối thoát của kiếp người và ai trong chúng ta cũng sẽ tuần tự đi trên con đường này. Đây là định luật nhưng chúng ta sẽ rất đau khổ nếu không có trí tuệ và Phật pháp soi sáng chúng ta. Nếu có tu tập và chánh niệm tỉnh thức, chúng ta sẽ bình thản đón nhận cơn sanh tử vô thường như một trận mưa tất yếu khi có mây đen hội tụ trên bầu trời. Không có hiểu biết và tu tập, nó có thể trở thành một thảm cảnh đày đọa con người chúng ta như rơi vào địa ngục. Nỗi khổ đau ấy có thể hành hạ, đày đọa chúng ta hàng tháng, cho đến hàng năm không nguôi, không quên được. Do đó khi còn có thân này chúng ta cần phải nên tận dụng nó một cách ý nghĩa nhất, tôi luôn tâm niệm như vậy!

 Cuối cùng tôi muốn cám ơn cuộc đời và phước duyên của mình đã cho tôi tất cả những trải nghiệm lý thú trong kiếp nhân sinh. Tôi muốn cám ơn tất cả những người thân thương trong đó có mẹ tôi, người đã ban cho tôi hình hài và thầy tôi, người ban tặng cho tôi những hiểu biết, tri kiến chân chánh của Phật pháp và cho tôi hiểu rõ hơn ý nghĩa của kiếp người, của con đường đạo. Ánh sáng và tri kiến này đã giúp tôi rất nhiều, soi tỏ những bước chân đi cho tôi để tránh vấp ngã, rơi vào hố sâu của tội lỗi trong cuộc sống nhiều cám dỗ và sa đọa. Tôi muốn cám ơn tất cả những nhân duyên tròn đầy đã ban cho tôi một kiếp người giá trị và có nhiều phước báu, nhất là tôi luôn cảm thấy hạnh phúc trong đời sống hàng ngày khi được tắm mình trong giáo pháp từ bi, trí tuệ và giải thoát của đức Phật.

 

 Viết để kính tặng thầy nhân dịp lễ kỷ niệm 50 năm xuất gia của thầy.

 

Thích Hạnh Nguyện

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
11/12/2015(Xem: 9141)
" Từ ngày 7 đến ngày 11 tháng 12 năm 2015 Hòa Thượng Phương Trượng Thích Như Điển đã có mặt tại Bồ Đề Đạo Tràng Ấn Độ để đãnh lễ nơi thành đạo của Đức Thế Tôn, gặp gỡ và giảng pháp cho Phái Đòan hành hương của TT Thích Hạnh Nguyện tại Trung Tâm Tu Học Viên Giác, đón tiếp cái Phái Đón Phật Tử Âu Mỹ, Nga và làm từ thiện cho người nghèo cũng như phát sách vở cho học sinh tại trường Pragna Vihara).
03/12/2015(Xem: 9571)
Nguyện vọng của Cố Hòa Thượng Ân Sư của chúng tôi, vị khai sáng ra 2 chùa Bagneux và Evry là muốn tạo dựng chùa Khánh Anh - Evry thành một nơi hoằng pháp rộng lớn chung cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam hải ngoại, nhất là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu nói chung và tại Pháp cũng như chùa Khánh Anh nói riêng. Ngôi chùa được thành hình từ mọi công sức đóng góp, sự gia lực, hộ niệm của tất cả chư Tôn Đức Tăng Ni và phật tử khắp nơi với những đường nét đặc thù của một ngôi Phạm Vũ Phật Giáo A Đông. Nay ngôi phạm vũ Khánh Anh - Evry đã hoàn tất. Chư Tôn Trưởng Lão Cố Vấn Lãnh Đạo Tối Cao của chùa Khánh Anh quyết định đẩy mạnh mọi sinh hoạt ngoài chùa Khánh Anh Evry bằng cách thỉnh chư hương linh thờ tại chùa Bagneux ra Evry để thờ phượng cho rộng rãi hơn để từ từ khởi xướng mọi sinh hoạt ngoài ấy.
13/10/2015(Xem: 10191)
Chùa An Lạc, ngôi chùa danh tiếng tại thành phố San Jose được Ni trưởng Thích Nữ Nguyên Thanh thành lập vào năm 1994. Chùa đã được trùng tu nhiều lần vào các năm 2003, 2011, 2012, và chính thức tổ chức Đại lễ lạc thành vào các ngày 09, 10 và 11 tháng 10 năm 2015 (nhằm ngày 27, 28 và 29 tháng 8 năm Ất Mùi). Buổi lễ chính thức diễn ra vào lúc 10g30 ngày 11 tháng 10 năm 2015. Đông đảo chư Tôn đức Tăng, Ni và Phật tử ở thành phố San Jose cùng nhiều thành phố ở các tiểu bang từ Tây sang Đông của Hoa Kỳ đến dự.
08/10/2015(Xem: 6949)
Trong năm, chúng ta có 3 ngày vía của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát là 19/2, 19/6 và 19/9 âm lịch. Sắp tới đây, vào 2 ngày : thứ bảy 31/10/2015 (tức đúng ngày 19/9 năm Ất Mùi), và chủ nhật 1/11/2015 tại chùa Khánh Anh (Bagneux) sẽ thiết lập Đàn Tràng Quan Thế Âm cúng dường lên Thập Phương Thường Trú Tam Bảo nhân ngày Lễ Vía Kỷ Niệm Đức Bồ Tát Đại Từ Đại Bi Quan Thế Âm để hồi hướng đến khắp Pháp Giới Chúng Sanh, cầu nguyện phong điều vũ thuận, quốc thái dân an và nhất là hồi hướng công đức cúng dường lên Giác Linh Cố Ân Sư thượng Minh hạ Tâm. Xin thông báo và kính mời chư Phật Tử tùy nghi tham dự, thời khóa Đàn Tràng như dưới đây.
14/07/2015(Xem: 21895)
Chùa Trúc Lâm do Sa Môn Thích Tâm Minh, một hậu duệ truyền thừa Trúc Lâm Thiền phái tại Huế. Sau khi vượt biển và định cư tại Úc, tạo lập từ năm 1993 tại thành phố Sydney, Úc Đại Lợi. Sau hai đợt di dời vì hoàn cảnh thuê nhà làm Chùa, năm 1995 di chuyển đế tụ điểm thứ ba cho tới nay. Hiện toạ lạc tại só 13 Winspear Ave, Bankstown, NSW 2200. Thời điểm 1995-1997 suốt hai năm trường, Chùa đã trải qua bao cuộc tang thương nghiệt ngã bởi nhân tình thế thái, lòng người khó lường vì từ hai chữ Danh và Lợi (đại nạn lần thứ nhất).
28/05/2015(Xem: 9480)
Trong thời gian hơn 10 năm qua, Đ.Đ Thích Hạnh Tuệ đã giúp điều hành và phát triển tốt đẹp Trung tâm Viên Giác và nay đến thời kỳ mãn nhiệm, trở về lại Đức tu học. Tiếp nhận trở lại và điều hành sinh hoạt của Trung tâm Viên Giác kể từ tháng 9 năm 2015 là T.T Thích Hạnh Nguyện, người sáng lập và xây dựng Trung tâm Tu học Viên Giác từ buổi ban đầu năm 2000. T.T đã đề cử Đ.Đ Thích Thông Trí từ chùa Cực Lạc, Thái Lan đến điều hành mọi sinh hoạt của Trung tâm Viên Giác, Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ. Mọi việc đặt phòng tại Trung tâm Viên Giác từ trước đến nay với Đ.Đ Thích Hạnh Tuệ không còn hiệu lực. Mọi liên lạc và đặt phòng mới cho năm 2015, năm 2016 và về sau, xin chư Tôn đức, quý Phật tử gởi email về địa chỉ email mới: trungtamviengiac@gmail.com . Facebook.com/trungtamviengiac
11/04/2015(Xem: 10954)
Sự hiện diện của người Việt tại Úc, sau thảm trạng đau buồn tại Việt Nam, có phần khác biệt so với các cộng đồng sắc tộc văn hoá đa nguyên khác ở Úc Châu. Sự khác biệt đó là do chính sách định cư người tị nạn của chính phủ, khiến cộng đồng người Việt gia tăng gấp 16 lần trong 5 năm đầu sau 1975, và tăng 62 lần trong vòng hai thập niên kế tiếp. Trên 50% người Việt là Phật tử, nên sự gia tăng nhân số nhanh chóng này đã tạo thử thách lớn cho năm bảy vị tăng ni người Việt mở đường hoằng Pháp trong đầu thập kỷ 1980 vừa xây dựng tự viện vừa hướng dẫn tâm linh cho Phật tử khắp Úc Châu. Tăng ni đã phải vượt qua những chướng ngại thế tục cũng như những biến đổi và thách đố về mặt tổ chức và thành phần dân số. Qua tiến trình này, tập thể tăng ni người Việt đã có những đóng góp đáng kể cho di sản văn hóa vật thể và phi vật thể Úc Châu.
09/04/2015(Xem: 8326)
Khi nói về Đạo Phật, trước tiên chúng ta liền nghĩ đến biểu tượng hình ảnh một ngôi chùa, pháp tháp tôn thờ Đức Phật Bổn Sư, Chư Bồ Tát, Chư Thánh Tổ, và cũng là nơi tu học hành trì pháp Giới-Định-Tuệ cho hàng đệ tử xuất gia và tại gia trong giáo nghĩa của Phật Giáo nói chung, và Phật Giáo Việt Nam nói riêng, với truyền thống :
16/03/2015(Xem: 13294)
Các vị tăng sĩ tại Tu Viện Thupten Shedrup Ling ở Myers Flat bàng hoàng sửng sốt sau khi chánh điện mới xây đã bị tiêu hủy trong trận hỏa hoạn vào Thứ Sáu vừa qua (13-3-2015). Vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi tài sản ước tính khoảng $145, 000 và tòa nhà vẫn chưa được đóng bảo hiểm. Một gia đình người Nepal đã vô ý gây nên vụ hỏa hoạn này, họ đến đây (phía bắc Bendigo) từ thành phố Melbourne (cách 2 tiếng lái xe) để cầu siêu cho Thân phụ của họ. Gia đình đã thắp rất nhiều đèn cầy nhỏ ở trên bàn thờ trong buổi lễ và đã không tắt nến trước khi ra về.
07/03/2015(Xem: 12410)
Hoa Cúc Châu Phi nở rộ cuối mùa Đông và đầu mùa Xuân 2021 tại Tu Viện Quảng Đức. Cảm ơn ông bà Thiện Tịnh, Diệu Liên đã phát tâm cúng dường tịnh tài để Thầy Tri Sự Thích Đăng Từ đóng các hộc gỗ để thầy trồng những luống hoa cúc này trước cổng Tam Quan Tu Viện Quảng Đức và dọc theo con đường Lynch, chính quyền local Moreland đã gởi thư cảm ơn và ngợi khen Tu Viện năm nay chăm sóc hoa trước chùa rất đẹp mắt, những người bạn láng giềng của Tu Viện cũng hết lời tán dương mỗi khi họ đi bách bộ ngang qua những khóm hoa này. Xin hồi hướng công đức này đến đệ tử và gia đình đầy đủ 5 phước báo: sống lâu, sắc đẹp, an vui, sức mạnh và trí tuệ. Cầu nguyện cho Corona đại dịch sớm tận trừ, thế giới hòa bình, nhân sinh an lạc. Nam Mô A Di Đà Phật. Trân trọng, TT Viện Chủ Thích Tâm Phương TT Trụ Trì Thích Nguyên Tạng ĐĐ Tri Sự Thích Đăng Từ 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹🌺🍀💐🌼🌹🌺🍀💐🌼🌹 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹🌺🍀💐🌼🌹🌺🍀💐🌼🌹 🙏🌷🙏🌼🙏🌺🙏🌹🌺🍀💐🌼🌹🌺🍀💐🌼🌹
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567