Sau Mộc bản Triều Nguyễn, bia Tiến sĩ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám thì Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là di sản tư liệu thứ 3 được thế giới vinh danh “Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.
Theo bia tháp ghi lại, năm Thuận Thiên Nguyên Niên (1010), vua Lý Thái Tổ cử hai quan trong triều là Nguyễn Đạo Thành và Phạm Hạt thiết kế đồ án, lo việc kiến thiết 8 ngôi chùa, trong đó có chùa Vĩnh Nghiêm ở tỉnh Bắc Giang hiện nay.
Chùa Vĩnh Nghiêm được hoàn thành vào năm 1016, với ý nghĩa là nơi mãi mãi tôn nghiêm và vị trụ trì đầu tiên là Thiền Sư Vạn Hạnh.
Quang cảnh tuyệt đẹp của chùa Vĩnh Nghiêm gần như vẫn còn nguyên vẹn. ảnh: Đỗ Công Tiến.
Chùa Vĩnh Nghiêm, tỉnh Bắc Giang nằm ở vị thế rất đẹp, nhìn ra ngã ba sông, phía Lục đầu Giang - Kiếp Bạc, vùng Cẩm Lý cửa ngõ ra vào núi Yên Tử.
Bao quanh chùa là núi non với cảnh vật vô cùng đẹp, trong đó có núi Cô Tiên, bên kia sông là vương phủ của Trần Hưng Đạo, đền Kiếp Bạc.
Qua nhiều năm tháng cũng như những thăng trầm của lịch sử, chùa Vĩnh Nghiêm gần như vẫn giữ được nguyên vẹn lối kiến trúc cũng như những giá trị của mình trên nhiều lĩnh vực.
Kiến trúc cổ của Cổng chùa Vĩnh Nghiêm, tỉnh Bắc Giang. ảnh: Đỗ Công Tiến.
Kho tư liệu quý: Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm
Hiện nay, ở chùa Vĩnh Nghiêm, tỉnh Bắc Giang còn lưu giữ hàng ngàn bản mộc bản. Mộc bản được khắc trên ván gỗ được lấy từ cây Thị.
Nội dung của các mộc bản ở chùa Vĩnh Nghiêm chứa đựng nhiều ý nghĩa to lớn về triết lý nhân sinh, tôn giáo, tín ngưỡng, văn học, nghệ thuật, giáo dục con người… và đã được UNESCO công nhận là Di sản ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Mộc bản ở chùa Vĩnh Nghiêm, tỉnh Bắc Giang là loại hình tài liệu đặc biệt quý hiếm của Việt Nam và hiếm có trên thế giới.
Theo các nhà khoa học, kho Mộc bản ở chùa Vĩnh Nghiêm gồm 3.050 đơn vị ván khắc bằng chữ Hán và Nôm, số ít bằng chữ Phạn được khắc từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX.
Đại đức Thích Thanh Vịnh - Phó trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm, tỉnh Bắc Giang cũng cho biết:
“Mộc bản ngày nay không còn nhiều, chỉ còn 1/3 theo như sử sách ghi lại. Trên 3 ngàn bản mộc bản, 82 đầu sách, 24 tập cũng đủ để nói lên sự đồ sộ và phát triển của một Thiền phái phật giáo ở Việt Nam do vua Trần Nhân Tông khai sáng”.
Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm hiện nay chứa đựng nội dung của 9 đầu sách lớn thuộc các thể loại: kinh, luật, luận, kệ, thi, phú… trong đó chủ yếu là kinh, sách, các văn bản về giới luật nhà phật và một số trước tác về thơ phú trước tác, truyện ký của một số vị cao tăng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.
Trong hệ thống mộc bản, ngoài phần kinh và giới luật là văn bản tôn giáo, có nhiều tác phẩm văn học, các tài liệu giá trị về mỹ học, y học, quá trình giao thoa văn hóa...
Các mộc bản đang lưu trữ tại chùa Vĩnh Nghiêm, tỉnh Bắc Giang mang những giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt trên nhiều lĩnh vực của Việt Nam.
Nội dung trong mộc bản là các kinh, sách do Tam tổ Trúc Lâm là Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang cùng các hệ phái kế tiếp biên soạn.
Các mộc bản quý có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá quá trình tự chủ trong tư tưởng, văn hóa của dân tộc; giúp nghiên cứu sự phát triển về ngôn ngữ, hệ thống văn tự Việt, từ chỗ sử dụng chủ yếu chữ Hán sang coi trọng và chủ động sử dụng chữ Nôm, ngôn ngữ của người Việt ra đời từ thế kỷ XI.
Điều ít người biết?
Các nhà khoa học trong nước và quốc tế có nhận xét: Di sản chùa Vĩnh Nghiêm, tỉnh Bắc Giang đây là một đại danh lam cổ tự, một trung tâm đào tạo tăng đồ phật giáo cổ nhất nước ta.
Các mộc bản quý ở chùa Vĩnh Nghiêm, tỉnh Bắc Giang có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá quá trình tự chủ trong tư tưởng, văn hóa của dân tộc; giúp nghiên cứu sự phát triển về ngôn ngữ, hệ thống văn tự Việt, từ chỗ sử dụng chủ yếu chữ Hán sang coi trọng và chủ động sử dụng chữ Nôm, ngôn ngữ của người Việt ra đời từ thế kỷ XI.
Nhờ có mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, tỉnh Bắc Giang các nhà nghiên cứu của Việt Nam và quốc tế có thêm một nguồn sử liệu quý giá về sự ra đời và phát triển của ngôn ngữ Việt.
Theo các tư liệu khoa học, chữ Nôm được sáng tạo từ chữ Hán và có mặt ở trong đời sống văn hóa của dân tộc Việt từ hơn 1.000 năm hiện nay có mối quan hệ rất khăng khít với các tư liệu mộc bản ở chùa Vĩnh Nghiêm, tỉnh Bắc Giang.
Sau nhiều năm dày công nghiên và phân tích Mộc bản ở chùa Vĩnh Nghiêm các nhà khoa học của Việt Nam và quốc tế đã đưa ra kết luận:
Hiện nay, mẫu chữ Nôm từ sách Thiền Tông Bản hạnh - một phần của Mộc bản ở chùa Vĩnh Nghiêm, tỉnh Bắc Giang được Hội bảo tồn di sản chữ Nôm lấy làm mẫu cho font chữ Nôm trên mã Unicode cài đặt ở các máy tính trên phạm vi toàn thế giới.
Đại đức Thích Thanh Vịnh - Phó trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm, tỉnh Bắc Giang cũng nhấn mạnh: “Bộ Thiền Tông Bản hạnh là bộ quý nhất của Mộc bản ở chùa Vĩnh Nghiêm, được chắt lọc từ quà trình tu tập của Đức Vua, Phật hoàng Trần Nhân Tông, mang nhiều ý nghĩa răn dạy, dễ nhớ, dễ hiểu và chuyển thể bằng nhiều hình thức và chế tác bằng chữ Nôm.
Hiện nay, Viện nghiên cứu Phật Hoàng - Đại học Havard, Mỹ cũng đang nghiên cứu về giá trị của Bộ Thiền tông Bản hạnh”.
Với các giá trị khoa học, lịch sử đặc biệt, các cơ quan chức năng đã xây dựng hồ sơ trình UNESCO đề nghị công nhận mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm là Di sản Tư liệu Thế giới.
Ngày 16/5/2012, bộ 3.050 mộc bản ở chùa Vĩnh Nghiêm đã vinh dự được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Đỗ Công Tiến
https://giaoduc.net.vn/van-hoa/tu-lieu-quy-chi-co-o-chua-vinh-nghiem-post195076.gd