Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

CHÙA TRONG TÂM THỨC NGƯỜI VIỆT

26/02/201300:28(Xem: 4006)
CHÙA TRONG TÂM THỨC NGƯỜI VIỆT

tu-dam-pagoda_700_0
CHÙA TRONG TÂM THỨC NGƯỜI VIỆT
Nguyễn Tuấn

Đã từ lâu trong tâm thức người Việt Nam, Chùa là nơi tĩnh lặng, linh thiêng, là nơi mọi người đến nương nhờ Đức Phật để tìm chút bình an trong cuộc sống, cầu xin hạnh phúc cho gia đình.


Không biết từ bao giờ, khi đời sống xã hội ngày càng được nâng cao, cuộc sống càng hiện đại, thì dường như con người lại hướng linh hồn mình vào gần hơn với Phật giáo, gần hơn với cửa chùa. Ngày xưa, người ta đi chùa thứ nhất là những người theo đạo Phật, họ quy y, tìm thấy trong Đức Phật những tín điều phù hợp với ý thức của mình đối với cuộc sống, cuộc đời, tìm thấy trong những điều Phật dậy, sự gợi mở để khiến tâm hồn tĩnh lặng, và hướng thiện, thứ hai đi chùa để vãn cảnh, vì không gian và kiến trúc Phật giáo luôn luôn khơi thông dòng suy nghĩ, khiến cho cuộc sống chợt lặng lại, những nốt trầm trong dòng chảy thường ngày được tấu lên, đến chùa với những mái chùa cong vút, những đầu đao được chạm trổ sinh động, những bức tượng thờ được điêu khắc đẹp và tỉ mẩn đầy thần khí, không gian chùa rộng mở, gần gũi với thiên nhiên với mặt nước và cây xanh được chăm chút sạch sẽ và quy củ, không khí thanh khiết và trầm mặc, qua cổng Tam Quan của chùa, ta như được đắm mình trong một nơi chốn khác, tách biệt hẳn khỏi tham sân si. Thời hiện đại, người ta đang được chứng kiến một sự bùng nổ mạnh mẽ của Phật giáo trong đời sống của người dân, đặc biệt là người dân thành thị, rất nhiều chùa chiền mới được xây dựng, nhiều chùa cũ được mở rộng, xây mới hoặc được cải tạo mới, Phật tử không tiếc tiền, tiếc công sức để vun đắp cho Phật giáo ngày càng giàu mạnh, ngày càng gần gũi và có chăng đã trở thành tôn giáo chính của cả dân tộc Việt, có lẽ vì vậy ngày nay, những tầng lớp người dân đi lễ chùa trong các ngày lễ đã đa dạng hơn rất nhiều, không còn bó hẹp trong thành những người theo đạo Phật và những người đi vãn cảnh chùa nữa. Chùa trong sự lên xuống đầy biến động của nền kinh tế, đã trở thành một không gian tâm linh đặc biệt để mọi người tìm đến như một cứu cánh cho cuộc sống của mình. Giống như một không gian đồng điệu, người ta đến chùa trong tâm thế mà Đức Phật đã trở thành như một vị thánh, một vị cha già, một người có quyền năng đặc biệt. Tết đến, cái lễ dành cho Chùa càng được thể hiện rõ hơn bao giờ hết, những dòng chảy người đi lễ chùa đầu năm đã chứng hết tất cả những điều đấy. Lễ chùa đầu năm một nét đẹp của tâm linh người Việt, và nó vẫn mãi là một nét đẹp không thể xóa mờ, không thể thiếu, chỉ có điều, trong những dòng chảy đấy, không phải dòng chảy nào cũng đồng nhất một khái niệm chùa, và một mục đích lễ.

Nét đẹp trong lễ chùa đầu năm mới

Đêm giao thừa, từ chùa Việt Nam quốc tự trong thành phố Hồ Chí Minh, đến chùa Trấn Quốc ở ngoài Hà Nội, người dân đến lễ tấp nập, họ đến chùa vào thời khắc thiêng liêng lúc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới để cầu mong thần Phật phù hộ cho mình một năm mới bình an và may mắn, họ xin lộc chùa, xin được gia hộ. Đặc biệt là ngày mồng một, gần như mặc định, rất nhiều gia đình, chọn chùa là địa điểm đầu tiên để đến trong năm mới, ngoài giá trị tâm linh, chùa còn mang tính gắn kết cộng đồng, nếu ở các làng xã, các vùng ven, chùa trở thành địa điểm để người dân làng tập hợp lại, giao lưu, trao đổi, tổ chức cùng nhau lễ đầu năm, thì ở thành phố lớn, người dân phố thị đến chùa trong mong được dự lễ cầu an của sư trụ trì, cúng dường và nhận lộc. Có một điều đặc biệt ở nhiều chùa trong nước ta đó là mặc dù là nơi thờ Phật nhưng tùy vào mỗi địa phương, mỗi chùa, bên trong còn thờ cúng thêm cả các vị thần khác tùy theo tín ngưỡng của người dân, như Thánh mẫu, Đức ông, Quan công hoặc kết hợp cả thành hoàng hay một vị vua nào đó...Hay như những hương án đặt hương hỏa của gia quyến những người dân trong vùng, chính vì nét hòa trộn đặc sắc đó mà dường như dòng người đến chùa càng đông hơn, việc khấn bái càng được thực hiện theo nhiều hình thức và mang những âm điệu khác nhau nhiều hơn. Tôi nhớ khi còn ở Việt Nam, mỗi lần tết đến, tôi thường đưa mẹ tôi đi chùa Phúc Khánh vào ngày mồng một Tết, dòng người ra vào tấp nập như đi hội nhưng ai cũng mang trên gương mặt lòng thành kính hướng về một không gian tâm linh vốn được ca tụng về sự linh thiêng, bên ngoài cửa là các hàng bán đồ thờ cúng, nhang, hoa quả, và các lá số tử vi in sẵn tùy theo tuổi của người mua, bên trong là một không gian khói hương nghi ngút, không đến mức không thể vào trong nếu đến sau như các ngày dâng sao giải hạn, hoặc ngày rằm, chùa Phúc Khánh mồng một tết mặc dù có không gian bị bó hẹp do sự đô thị hóa khiến diện tích chùa bị chiếm lấn bởi các nhà xung quanh nhưng cũng khá thoáng đãng, khói hương nghi ngút, mùi hương trầm ngào ngạt, vào đây tâm thức về nguồn cội như được thức tỉnh, mẹ tôi thường đi đến ban Tam Bảo đầu tiên, thành tâm cầu khấn, mẹ tôi chính là một đại diện đặc trưng cho một người dân thành thị chú trọng tâm linh, và luôn luôn hướng tâm cầu bình an cho gia đình, hình ảnh một người phụ nữ, bỏ ra ngoài những bộn bề của cuộc sống, những khó khăn của năm cũ, những thách thức của năm mới đến để chìm vào lòng từ bi hỉ xả của Đức Phật, của không gian thiêng là một hình ảnh luôn rất đẹp mà ta dễ dàng bắt gặp ở chùa ngày đầu năm mới. Một cái tết mà không có không khí chùa để cộng hưởng với sự tươi mới của dân tộc khi một năm cũ đã qua dường như là một sự thiếu xót rất lớn. Chính vì lẽ đó, mặc dù ở nước ngoài mà cụ thể là Pháp, ngày đầu năm mới tôi cũng cố gắng thu xếp để lên chùa, tham dự lễ cầu Bình An với bài Kinh Bát Nhã được thầy trụ trì tụng, và ở nước ngoài tôi mới càng thấu hiểu hơn cái tâm thức của người Việt về việc đi lễ chùa đầu năm quan trọng như thế nào. Nếu ngày lễ bình thường trong năm tôi lên chùa thì cũng chỉ gặp vài người đến chùa cầu khấn, hoặc vài người Pháp tò mò một không gian tôn giáo Việt Nam, thì ngày đầu năm mới, người Việt khắp nơi trong vùng đổ về đây, từ đêm giao thừa cho đến cuối ngày mồng một, ngôi chùa bé nhỏ trên một ngọn đồi thấp giữa một không gian đô thị phương Tây, đầy ắp người Việt và người nước ngoài, Tết trở mình ở cách xa hơn 10000km, nhưng dường như đến Chùa này, ta không còn thấy khoảng cách về điểm giao mùa nữa, Chùa như một điểm nối cho những người con xa xứ được hưởng cái không khí tết ở quê nhà, có múa lân, có phát lộc, có cơm chay, và có những mặt người hoan hỉ trong ngày vía Đức Phật Di Lặc, vị Phật phúc hậu, hiền từ, luôn vui cười trước cõi dương gian. Và dường như kinh tế càng phát triển, xã hội càng phát triển, thì người ta càng cần một chỗ dựa về tinh thần để vững định trong cuộc sống vốn nhiều biến động của cơm áo gạo tiền, chính vì vậy mà như tôi đã nói ở trên, khái niệm chùa và mục đích lễ đã sai khác đi ít nhiều, ngoài việc thêm vào những nét thú vị thì đôi khi trở thành những biến thể không còn được như xưa.

Những hiện tượng khác của việc lễ chùa đầu năm

Có ý kiến cho rằng "Đi lễ chùa mồng 1 Tết sẽ thấy chùa làng Hà Nội vắng và ấm áp hơn chùa lớn" (*). Đúng vậy, xã hội Việt Nam đang gặp một vấn nạn đó là văn hóa phong bì, hối lộ, để thăng tiến trên con đường công danh, ai cũng cần phải có phong bì, để con cái được học trường như ý cũng cần phong bì, để được chữa bệnh một cách tận tâm dường như cũng phải có phong bì. Văn hóa đó không còn xa lạ, sự mặc cả, trao đổi đã ăn sâu vào trong mỗi hành vi của từng cá nhân trong xã hội đô thị Việt Nam, và thật đáng buồn là dường như nó cũng đã ăn sâu vào nếp nghĩ khiến cho người ta nghĩ rằng Đức Phật cũng có thể "mặc cả", dường như ai cũng nghĩ mâm cúng lễ càng to thì càng được thần Phật chứng giám, cầu khấn càng to và đầy đủ thì càng dễ đến tai Phật, không gian chùa ngoài sự bình an và tĩnh lặng là những nét chấm phá không đẹp mắt, những mâm lễ quá to và cồng kềnh, nặng về hình thức được người dân đưa đến trên ban thờ Tam Bảo, những tờ tiền cầu may được đặt khắp mọi nơi, đôi khi vô ý nằm dưới đất, trong chậu cảnh trong rất phản cảm, do quá nhiều, tiền lẻ vật phẩm được đặt không theo quy cách gì nên thường bị gió thổi bay xuống đất và người ta cứ giẫm đap lên một cách không thương tiếc. Đảnh rằng, trong tâm thức người Việt từ xưa đến nay mọi vật đều có tâm linh, đều có các vị thần ngự trong đó nên người Việt ta thường trân trọng mọi thứ từ gốc cây, ngọn cỏ, nhưng điều đó không khỏi đã bị biến thể đi rất nhiều ở việc bạ đâu đặt đấy nào tiền, nào hương, nào đồ vàng mã, đôi khi bị những bước chân người đi lễ giẫm đạp, trong tiết mưa xuân trong rất nhem nhuốc. Nếu xét ở mặt tích cực, thì những điều được biểu hiện đó của một bộ phần người dân cho thấy họ tin vào Đức Phật, và có lẽ họ cũng hiểu được lòng Từ Bi Hỉ Xả mà Đức Phật vẫn truyền dạy, để tâm của mỗi người trở nên thanh sạch hơn, đời sống đạo đức, luân lý xã hội sẽ được tôn trọng hơn, một năm mới ôn hòa và ít đi tham sân si, nhưng điều đó không xóa đi được những biểu hiện tiêu cực của việc cúng bái, và người ta dường như đã hiểu sai vai trò của Đức phật và các Bồ Tát trong cuộc sống, họ ban đầu cũng chỉ là người trần mắt thịt, nhưng họ đã sớm tìm được con đường giác ngộ để thoát khỏi bể khổ của cuộc đời, và khi đó họ quay lại chỉ bảo cho con người biết cách thoát khỏi Vô Minh, thoát khỏi Tham Sân Si để vui sống, để hạnh phúc, Đức Phật không có quyền phép gì cả ngoài lòng từ bị, sự độ lượng, và những kiến giải cao thâm về cuộc sống để mỗi người tự tìm cho mình ý nghĩa của cuộc sống, và làm lòng mình thanh sạch. Nhưng có lẽ không nhiều người hiểu được điều đấy.

Năm nay, một hiện tượng mới ở cửa chùa là việc khấn thuê, những người đi lễ chùa không phải ai cũng biết cách khấn, biết đọc một bài khấn đầy đủ, và biết được ban thờ này thờ ai, ban thờ kia thờ vị nào, chính vì vậy họ đã tìm được một vài người làm "nghề" này, những người có khả năng và hiểu biết về các bị thần Phật và biết cách khấn bái một cách chỉn chu và đúng quy cách. Để nhìn sự việc này tôi thấy cả mặt thuận và mặt không hợp lẽ. Ở khía cạnh tích cực, điều này giúp cho những người đi lễ chùa không phải lúng túng, bối rối trước những ban thờ mà mình không biết đích danh đang thờ ai, đồng thời, không biết cách nói lên nguyện vọng của mình sao cho đúng và theo cách nghĩ tâm linh là sao cho đến được tai thần Phật, chính vì vậy, một cách hợp thức sự khấn hộ là một điều có thể hiểu và thông cảm được, nhưng ở mặt không hợp lẽ đó là sự thành tâm, sự thành tâm xuất phát từ bên trong bản thân mỗi người đến chùa hành hương, và cái sự thành tâm đó đơn giản sẽ được chứng bằng tất cả những ngôn từ mà mình có thể cầu mong thần Phật phù hộ, và sự cầu kì về mặt lễ nghĩa, và hình thức đã khiến cho sự thành tâm theo tôi nghĩ không còn thực sự nữa.

Lời kết

Bức tranh đi lễ chùa ngày đầu năm là một bức tranh văn hóa rất đẹp và đậm đà bản sắc Việt, một đất nước mà đời sống tâm linh luôn được coi trọng và chăm chút kĩ lưỡng. Không gian chùa chiền trong tổng phối của bức tranh đô thị ngày tết, đã trợ thành những điểm tụ của đời sống người dân, một họa sĩ có thể lấy riêng cảnh chùa đó để vẽ được cả về một nét đẹp dân tộc, sự thành kính đối với tổ tiên, với Đức Phật, một sự tâm niệm xóa bỏ Tham Sân Si. Cuộc sống càng hiện đại, thì dường như những nếp văn hóa truyền thống càng mất đi, đó là điều mà tất cả những người làm văn hóa lo ngại, nhưng bên cạnh đó, cuộc sống càng hiện đại và no đủ, thì dường như người ta càng hướng tâm mình hơn về đời sống tâm linh, họ tìm ra trong những lễ nghĩa về mặt tôn giáo những giá trị đạo đức cao đẹp và hướng thiện. Đô thị trong dịp tết chuyển mình, sự thanh sạch của không khí tết, kéo theo sự thành tâm đến với không gian chùa. Người Việt vốn sống thiên về tình cảm, trọng cuộc sống gia đình, cộng đồng, chính vì vậy, đến với không gian chùa, họ không chỉ mong muốn cho bản thân mình được một năm mới thuận lợi, mà còn là nơi để họ cầu mong cho những người thân của mình được bình an, như ý. Chùa đã nâng cao đời sống tâm hồn Việt, nâng cao những giá trị luân lý của cái đẹp và duy trì những nét truyền thống đang ngày càng mai một trong một xã hội hiện đại. Gần đây, câu chuyện về việc dời tết âm sang ăn chung với tết dương lại được đưa trở lại trên các mặt báo, nhiều tranh luận trái chiều, nhưng phần lớn vẫn là phản đối. Còn riêng tôi, chỉ nội trong việc đi lẽ chùa đầu năm, vào đúng ngày Đức Phật Di Lặc đản sinh, vừa có ý nghĩa tôn giáo, lại mang nhiều hàm ý về tâm linh, và nếu dời ngày như nhiều ý kiến tán đồng, thì bản sắc của truyền thống đi lễ chùa sẽ mất, một nét đẹp văn hóa sẽ bị phai nhạt và ý nghĩa tâm linh không còn lại nhiều lớp lang nữa. Tôi thiết nghĩ, đã là Tết cổ truyền thì hãy để nguyên trạng, há dễ giữ được truyền thống nếu chúng ta cứ muốn cách tân sang hiện đại.

Nguyễn Tuấn
(Tia Sáng)

Chú thích:

(*): Giáo sư Trương Đức Thịnh nguyên viện trưởng viện văn hóa.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
18/09/2020(Xem: 4745)
Chùa Thanh Xuân thuộc địa danh làng Thanh Xuân Xã Triệu An, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, nằm dọc duyên hải miền trung bờ nam biển Cửa Việt; cuối nguồn hai nhánh sông Thạch Hãn, Vĩnh Định đổ ra biển. Theo dân làng kể lại, đời tổ tiên ông bà xuất phát ra lập làng từ đời triều Nguyễn ở Huế, hai họ Phan, họ Trần theo dòng Vĩnh Định ra Quảng Trị xuôi nguồn về đây. Lập tên làng Thanh Xuân, trong đó Xuân là lấy lại từ nguồn gốc thành Phú Xuân, cũng như các làng Xuân Thành, Dương Xuân vậy.
15/09/2020(Xem: 12357)
Chùa tọa lạc ở số 01 đường Sư Liễu Quán, phường Trường An, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Mặt chùa quay hướng Nam. Bên trái chùa, có chùa Linh Quang và đền thờ cụ Phan Bội Châu. Chùa được Thiền sư Minh Hoằng Tử Dung dựng vào cuối thế kỷ 17 tại ngọn đồi thấp Hoàng Long Sơn, có tên thiền thất Ấn Tôn. Năm Nhâm Thìn (1712), ngài Thiệt Diệu Liễu Quán, quê ở Phú Yên là đệ tử đắc pháp của Sơ tổ Minh Hoằng Tử Dung, được ngài truyền tâm ấn, trở thành đệ nhị Tổ. Ngài Thiệt Diệu Liễu Quán đã phát triển dòng thiền Lâm Tế cho đến ngày nay.
13/09/2020(Xem: 13952)
Thiền viện tọa lạc dưới chân núi Bạch Mã, khu vực hồ Truồi, xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ở độ cao 1.450m, cách biển Đông 5km đường chim bay, nhiệt độ trung bình 200C, Bạch Mã là nơi có khí hậu mát mẻ, lý tưởng cho việc tu tập của Tăng, Ni, Phật tử và các chuyến tham quan, chiêm bái của du khách. Tên thiền viện lấy theo tên núi Bạch Mã. Chữ “Trúc Lâm” hàm ý đến dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, một dòng thiền mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và mang tính nhập thế.
11/09/2020(Xem: 4713)
Chùa Hà Trung tọa lạc ở làng Hà Trung, xã Vinh Hà, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Chùa cách trung tâm thành phố Huế khoảng 50 km. Chùa được lập vào thời Hậu Lê, gắn với hành trạng Thiền sư Nguyên Thiều. Thiền sư từ Quảng Đông, Trung Quốc sang Quy Nhơn lập chùa Thập Tháp Di Đà, sau ra Thuận Hóa lập chùa Quốc Ân. Năm 1695, chúa Nguyễn Phúc Chu cử ngài đến trụ trì chùa Hà Trung. Ngôi chùa ngày nay được trùng tu năm 1995, đại trùng tu năm 2009. Trụ trì chùa là Hòa thượng Thích Chơn Tế (trụ trì chùa Tường Vân, Huế kiêm nhiệm), Tri sự là Đại đức Thích Quảng Huệ.
11/09/2020(Xem: 5491)
Thông Điệp Của Đức Đại Lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu (Chánh Thư Ký Xử Lý Viện Tăng Thống GHPGVNTN thân gởi Chư Tôn Đức Tăng Ni và Đồng Bào Phật tử Hải Ngoại)
09/09/2020(Xem: 5050)
Chùa Diệu Đế tọa lạc bên bờ sông Hộ Thành (sông Gia Hội) số 110 Bạch Đằng, phường Phú Cát, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Chùa có diện tích hơn 10.000m2. Chùa nguyên là phủ của vua Thiệu Trị trước khi lên ngôi. Đây là nơi Hoàng tử Nguyễn Phúc Miên Tông, con vua Minh Mạng ra đời vào ngày 16/6/1807. Năm 1841, Hoàng tử lên ngôi vua ở kinh thành Huế, lấy niên hiệu là Thiệu Trị.
07/09/2020(Xem: 8758)
Chùa tọa lạc trên đồi Hàm Long (trên đất làng Thụy Lôi xưa, gần xóm Lịch Đợi), đường Báo Quốc, phường Phường Đúc, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Chùa Báo Quốc ban đầu có tên là Hàm Long Sơn Thiên Thọ Tự, do Thiền sư Giác Phong (du tăng người Quảng Đông, Trung Quốc) dựng vào cuối thế kỷ 17, đời Chúa Nguyễn Phúc Tần, nơi ngài Liễu Quán đến học đạo và ở lại trong 11 năm. Tổ Giác Phong viên tịch năm 1714. Đến năm 1747, Hiếu Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát cho trùng tu chùa và ban cho chùa tấm biển chữ Hán “Sắc Tứ Báo Quốc Tự”, bên trái có ghi hàng chữ Quốc Vương Từ Tế đạo nhân ngự đề, bên phải có dòng lạc khoản Cảnh Hưng bát niên hạ ngũ nguyệt cát nhật. Ngoài ra còn có dấu chạm khắc hình bốn cái ấn, một cái triện tròn khắc chữ Quốc Chúa Nam Hà. Trụ trì chùa thời gian này là Thiền sư Tế Nhơn, một trong những cao đệ đắc pháp của Tổ Liễu Quán. Kế thế trụ trì là các ngài Tế Ân, Trí Hải, Đại Trí …
05/09/2020(Xem: 9199)
Chùa Giác Lâm tọa lạc tại số 02 kiệt 56 đường Duy Tân, phường An Cựu, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Chùa nguyên là một thảo am do Tổ Giác Hải, người làng Trung Kiên, tỉnh Quảng Trị khai sáng vào ngày 16 tháng 3 năm Đinh Dậu (1897) trên một triền đồi, dưới chân núi Ngự Bình, đặt tên Duy Tôn Tự để truyền bá chánh pháp, đem đạo Phật phổ hóa vào những nơi xa xôi, hẻo lánh. Tổ có thế danh là Nguyễn Văn Cẩm, sinh trưởng trong một gia đình tín tâm với đạo Phật. Ngài là đệ tử của Tổ Tâm Tịnh, khai sáng Tổ đình Tây Thiên, Huế. Ngài có pháp danh là Trừng Nhã, tự Chí Thanh, hiệu Giác Hải.
30/08/2020(Xem: 5926)
Chùa Thiên Mụ thường gọi là chùa Linh Mụ, tọa lạc trên đồi Hà Khê, đường Nguyễn Phúc Nguyên, xã Hương Long, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Chùa nằm ở bờ bắc sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế 5km. Sách Ô Châu cận lụccủa Tiến sĩ Dương Văn An cho biết chùa Thiên Mụ ở phía nam xã Giang Đạm, huyện Kim Trà, nóc ở đỉnh núi, chân gối dòng sông. Chùa được chúa Tiên - Nguyễn Hoàng cho xây dựng vào năm 1601. Năm 1665, chúa Nguyễn Phúc Tần cho trùng tu chùa khang trang. Năm 1695, Thiền sư Thạch Liêm, người Trung Quốc, được chúa Nguyễn mời làm trụ trì chùa. Từ chùa Thiên Mụ và chùa Khánh Vân (Huế), Ngài đã truyền bá Thiền phái Tào Động ở đàng Trong.Hòa thượng Thạch Liêm đã tả cảnh chùa Thiên Mụ: “Đêm 15 trời mưa, ra đến chùa Thiên Mụ. Chùa này tức Vương phủ ngày xưa (?) chung quanh có trồng nhiều cây cổ thụ, day mặt ra bờ sông; trước chùa ngư phủ, tiều phu tấp nập sớm chiều qua lại. Trong chùa cột kèo chạm trổ rất tinh xảo …” (1)
29/08/2020(Xem: 4997)
Chùa Sắc Tứ Tịnh Quang thường được gọi là Chùa Sắc Tứ,Tịnh Quang Tự, Tổ đình Sắc tứ Tịnh Quang, tọa lạc ở thôn Ái Tử, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Chùa là một trong những ngôi tổ đình được xây dựng sớm và có ảnh hưởng lớn Phật giáo xứ Đàng Trong. Chùa ban đầu có tên là Am Tịnh Độ. Từ điển Di tích Văn hóa Việt Nam(1) cho biết chùa do Hòa thượng Tu Pháp, tự Chí Khả khai sáng vào năm 1739 đời Vua Lê Ý Tông (năm thứ hai đời Chúa Nguyễn Phúc Khoát) với tên là Tịnh Nghiệp Tự. Đến đời Vua Gia Long, vua ban tên gọi là Tịnh Quang Tự. Chùa được trùng tu năm Minh Mạng thứ 21 (1941).
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]