Tâm sự của một người Mẹ Việt Nam
Định cư 42 năm ở Melbourne, Úc Châu
Bài viết của PT Hồng Hạnh Tú Hoài
Do PT Diệu Danh diễn đọc
🌼🍁🌺🍀🌹🥀🌷🌸🏵️🙏🙏🙏🌼🍁🌺🍀🌹🥀🌷🌸🏵️
Bài viết này như lời tâm sự của một người Mẹ VN sống ở Melbourne. Có hai con trai, không có con gái. Là một Phật Tử gia đình ba đời theo Đạo Phật, nhưng có con dâu người Ý đạo Công giáo. Quan hệ giữa Mẹ chồng VN và con dâu người Úc. Người cao tuổi có nên vào Viện Dưỡng Lão hay không? Hiện nay đang là một vấn đề lo lắng đối với người Úc người Mỹ gốc VN…
Mình đã ở Melbourne được 42 năm. Giống như nhiều người VN mới đến Úc, cuộc sống ban đầu nhiều khó khăn. Để dành tiền trả tiền thuê nhà, còn mặc quần áo mua ở các shop từ thiện. Sau vài năm mua được căn nhà đầu tiên với giá $40,000. Sống cần kiệm để trả nợ ngân hàng và nuôi hai con trai còn nhỏ. Dần dần đời sống gia đình mình được khá hơn.
Khi con trai đã trưởng thành và có bạn gái. Thú thật mình đã có nhiều lo lắng khi con dâu tương lai là người Ý và theo đạo Công giáo. Nhưng con trai đã thưa với mẹ. Con sẽ không bao giờ từ bỏ đạo Phật (2 con trai đã quy y với Sư Phụ Trụ Trì Tu Viện Quảng Đức). Đạo ai nấy giữ. Con của con sẽ rửa tội ở nhà thờ và cũng sẽ Quy Y ở chùa. Đám cưới con trai không làm lễ hằng thuận ở chùa và nhà thờ. Vợ chồng mình đi nhà thờ dự lễ rửa tội hai cháu nội và các cháu sẽ được hướng dẫn về Tu Viện Quảng Đức quy y nay mai. Ngày Tết VN, Lễ Phật Đản, Lễ Vu Lan gia đình con trai, con dâu và cháu nội về chùa Lễ Phật, thắp hương hai bàn thờ Linh tưởng nhớ ông bà nội, ông bà ngoại. Thưởng thức món bún Huế chay, chả giò, chuối nướng … Thỉnh thoảng các con mời Bố mẹ qua nhà ăn tối. Con trai, con dâu vừa xem IPhone vừa nấu ăn, làm bánh chuối, bánh táo, xà lách của người Ý rất ngon.
Các con sinh ra và lớn lên ở Úc nên không có khái niệm gì về mẹ chồng con dâu, làm dâu, ở rễ. Nên mình cũng nghĩ thoáng, không có ý kiến gì về cuộc sống riêng tư của các con. Con trai từ ngày lấy vợ quá giỏi. Rửa chén, giặt quần áo, cho con ăn sáng, chiều đi làm về tắm cho con…
Mình không ao ước gì hơn. Mỗi ngày được gặp các con các cháu là vui vẻ, hạnh phúc rồi. Chỉ có một điều khiến mình ân hận suốt đời là không làm tròn chữ Hiếu với cha mẹ. Ba mất sớm, lúc đó mình học lớp đệ tứ. Mẹ 42 tuổi nhưng quyết định làm mẹ đơn thân nuôi lớn các con. Niềm vui của mẹ là đi chùa. Nhờ có nhân duyên này mà mình đã đi nhiều chùa ở Nha trang, Đà Lạt, Đà nẵng và Huế. Ba và mình là đệ tử của Thượng Toạ Thích Đạo Quang chùa Linh Sơn Đà Lạt. Bà ngoại và mẹ là đệ tử Hòa Thượng Thích Tôn Thắng (1879 – 1976), Chùa Phổ Đà, Đà Nẵng. Bà ngoại có Phước duyên đi chùa Linh Sơn, Cầu dứa Nha trang. Sau khi qua đời Bà ngoại đã về an nghỉ ở một góc nhỏ Chùa Linh Sơn. Ông ngoại người Huế ở thôn Vỹ Dạ. Một lần ghé thăm xứ Huế và chùa Tường Vân. Mẹ đã có đại Phước duyên được vào đảnh lễ Đức Đệ Nhất Tăng Thống GHPGVNTN Đại Lão Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết (1890-1973) . Trong lúc mẹ quỳ thưa chuyện với Ngài, mình đã chiêm ngưỡng Ngài như một vị Phật sống. Ngài viên tịch năm 1973.
Mình bị bệnh viêm gan B, gan nhiễm mỡ và men gan cao. Căn bệnh về gan mà đa số người VN cao tuổi thường bị là viêm gan B; số người bị viêm gan C ít hơn. Mỗi 6 tháng mình lại có hẹn với Bác sĩ chuyên khoa cho đi thử máu và siêu âm. Cho đến tháng 8 năm 2022 mình đến gặp BS để xem kết quả. Theo kết quả siêu âm họ thấy có một bướu nhỏ 4cm nhưng chưa biết là bướu ở ống mật hay gan. BS đã đích thân đi lấy hẹn cho mình đi thử máu, scan,..ở nhà thương Frootscray. BS chuyện khoa cho biết: Bướu của chị là bướu ở ống mật, không phải bướu ở gan. Ung thư giai đoạn cuối, đã có nhiều bướu nhỏ ở bao tử, gan…
Thời gian này hai Sư Phụ và Phật Tử Tu Viện Quảng Đức đang chuẩn bị tổ chức Lễ kỳ niệm 32 năm thành lập Tu Viện Quảng Đức . HT Viện Chủ sức khỏe cũng không được tốt. Lúc này chùa cũng có ba Phật Tử và một người bạn thân của mình cũng bị bệnh nan y. Nên mình quyết định im lặng. Không muốn hai Sư Phụ, bạn đạo và các bạn lo lắng cho mình
Sau đó mình may mắn gặp BS Lara. BS nói. Chị có hai năm….mình đi hóa trị hai tuần, nghỉ một tuần. Hóa trị được 6 tháng thì chuyển qua Therapy. Đầu năm 2024 BS Lara cho biết các bướu đã lớn và xuất hiện nhiều bướu nhỏ khác. Chị có 6 tháng…
Là một Phật Tử. Sinh Lão Bệnh Tử là chuyện bình thường. Con đường này ai cũng phải đi, một chuyến đi xa không hẹn ngày gặp lại người thân. Mình nói với con trai. Con đừng nói cho Bố con biết. Bố con sẽ buồn. Mẹ đi rồi. Hai con phải hứa với mẹ. Phải quan tâm chăm sóc Bố con thật tốt. Mẹ sẽ viết xuống những ước nguyện của mẹ. Hai con theo đó mà thực hiện. Con trai không nói gì. Đôi mắt đỏ và ôm mẹ.
Mình tiếp tục hóa trị hai tuần, nghỉ một tuần. Mình đi scan vào tháng 5. Kết quả các bướu đã teo lại và không có bướu mới. Ba tháng scan một lần và ba tuần đi thử máu. Kết quả scan tháng 8: các bướu teo lại và không xuất hiện các bướu mới. Kết quả sau nhiều lần thử máu, virus viêm gan B đã biến mất. Men gan đã xuống thấp dưới mức trung bình.
Ở tuổi 70 nhiều người lo lắng, không biết cuộc sống về già sẽ ra sao. Có nên vào Viện dưỡng lão hay không. Một vấn đề khiến người cao tuổi quan tâm. Đối với vợ chồng mình, sau nhiều lần thảo luận đã quyết định không vào Viện dưỡng lão. Vợ chồng mình sẽ ở tại nhà tự chăm sóc cho nhau với sự giúp đỡ của các con và Age Care. Khi sức khỏe suy yếu, đôi mắt đã mơ huyền mờ thì chấp nhận vào Viện dưỡng lão. Nước mắt chảy xuống. Mình không thể bảo con trai nghỉ làm ở nhà chăm sóc bố mẹ. Ai rồi cũng sẽ ra đi, như chiếc lá vàng rơi…
*Nếu lãnh tiền trợ cấp người cao tuổi và không có nhà. Vào Viện dưỡng lão, họ sẽ lấy tiền trợ cấp trả cho chi phí ăn ở.
*Nếu lãnh tiền trợ cấp xã hội và có một căn nhà đang ở. Khi vào Viện dưỡng lão sẽ đóng khoảng $500,000. Số tiền này sẽ được trả lại cho gia đình khi qua đời. Mỗi tuần họ sẽ lấy tiền trợ cấp trả chi phí ăn ở.
*Nếu không lãnh tiền trợ cấp cho người cao tuổi. Khi vào Viện dưỡng lão sẽ đóng khoảng $500,000. Mỗi tuần sẽ phải trả tiền ăn ở cho Viện dưỡng lão. Số tiền này nhiều hay ít là do mình chọn Viện dưỡng lão, có nơi mỗi tuần phải đóng $1000 hay nhiều hơn. Chính phủ Lao Động dự định thu thêm mỗi năm khoảng $13,000 nhưng chưa biểu quyết thành luật. Ở Úc có khoảng 1 triệu người không lãnh tiền trợ cấp cho người già nhưng không phải là đại gia.
Con thành kính tri ân hai Sư Phụ đã khai sáng trí tuệ con, giúp con giữ vững niềm tin và lập trường kiên định vào Chánh Pháp.
Em cảm ơn Anh, cảm ơn hai con trai và con dâu đã đồng hành cùng em trong cuộc chiến thầm lặng này.
Nam Mô A Di Đà Phật