Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 9: Phật Giáo Thế Giới

20/11/201105:19(Xem: 7475)
Chương 9: Phật Giáo Thế Giới

CHƯƠNG 9: PHẬT GIÁO THẾ GIỚI

1- Phật-giáo Ấn-độ

2- Phật-giáo Trung-Quốc

3- Phật-giáo Nhật-Bản

4- Phật-giáo Việt-Nam

5- Phật-giáo tại Pháp

6- Phật-giáo tại Hoa-Kỳ

7- Phật-giáo tại Đức

8- Phật-giáo Miến-Điện

9- Phật-giáo tại Bĩ

10- Phật-giáo Cambodge

11- Phật-giáo Nam-Dương

12- Phật-giáo Thái-Lan

13- Phật-giáo Tây-Tạng

14- Phật-giáo tại Úc

15- Phật-giáo tại Anh

16- Phật-giáo Tích-Lan

17- Phật-giáo Hàn-quốc

18- Phật-giáo Lào

19- Cờ Phật-giáo

20- Tự-do tôn-giáo

21- Việc truyền-bá của Phật-giáo trên thế-giới

22- Hội Phật-giáo thế-giới


1.- Phật Giáo Ấn Độ : Khởi Nguyên Và Kế Truyền Ra Sao ?

Từ khi đức Phật Thích-Ca xuất thế vào năm 624 năm trước Tây lịch, thì Phật giáo bắt đầu thành hình tại Ấn-Độ.

Đức Phật ra đời tại xã hội Ấn, vì Ngài nhận thấy sự bất công trong các tầng lớp dân chúng, lúc bấy giờ có phân ra ít nhất là 4 giai cấp như :

- Bà-la-môn (Brahman) tức hàng giáo sĩ có học, nắm giữ tất cả mọi uy quyền thế lực.

- Sát-đế-lợi (Ksatrya) hay dòng dõi vua chúa.

- Phệ-xá (Vaisary) thuộc hàng thương mãi

- Thủ-đà-la (Sudra) thuộc đám dân lao động cùng khổ. Ngoài ra, còn một hạng tiện dân (untouchables) hay nô lệ.

Đức Phật chủ trương sau bằng tất cả các giai cấp, Ngài quan niệm mỗi người sanh ra đều bình đẳng, vì "không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ và trong giọt nước mắt cùng mặn". Từ đó, Ngài mở ra cho xã hội Ấn-Độ một kỷ nguyên mới : Kỷ nguyên Phật giáo. Đức Phật Thích-Ca sanh ở thành Ca-Tỳ-La-Vệ, con vua Tịnh-Phạn và Hoàng-hậu Ma-Gia (Sudhadana and Maha-Maya), tên là Tất-Đạt-Đa (Siddharta), họ là Thích-Ca (Sakya). Sau khi thành Phật hiệu là Mâu-Ni hay Cồ-Đàm. Ngài sanh vào ngày mồng 8 tháng 4 đời Chiêu-Vương nhà Chu (trước Tây lịch 624 năm). Do công phu tu tập, Phật đã giác ngộ được. Sau khi chứng đắc đạo quả, Phật đi chu du khắp xứ Ấn-Độ để truyền giáo cho đến năm 80 tuổi Ngài nhập diệt vào ngày rằm tháng 2, tại rừng Câu-Thi-La. Giáo pháp của Ngài sau đó được các chúng đệ tử kiết tập thành 4 kỳ và chia ra thành nhiều bộ phái. Sau Phật diệt độ khoảng 300 năm có vua A-Dục ra đời, ra sức phát huy chánh pháp nên Phật giáo rất thịnh hành. Đến đầu kỷ nguyên Tây lịch, tại Bắc Ấn-Độ, ngài Mã-Minh ra đời, xiển dương Phật giáo, đã được vua Ca-Nỵ Sắc-Tra (Kaniska) hết sức ủng hộ và Phật giáo phái Đại-thừa được thạnh hành từ đó. Cho tới thế kỷ thứ 9 - 10 Tây lịch có các ngài Vô-Trước, Thế-Thân ra đời ở Bắc Ấn-Độ, sau đến Trung Ấn khởi xướng Đại-thừa Phật giáo qua duy thức học.

Phật giáo mặc dù phát nguồn từ Ấn-Độ nhưng không phát triển mấy. vào thế kỷ thứ 11, Hồi-Giáo thắng thế. Quân Hồi tìm cách tiêu diệt Phật giáo. Vào thế kỷ thứ 19, người Anh tìm tới xứ Ấn để nghiên cứu Phật giáo. Năm 1893, Sarat Chaand Rodas, một người Anh, thành lập "Hội Nghiên Cứu Phật Giáo Ấn-Độ và Nhân Loại Học Thuật". Năm 1891, "Hội Bồ-Đề" được thành lập có các chi nhánh tại Nữu-Ước, Luân-Đôn ... và việc truyền bá Phật giáo lan rộng khắp Âu Mỹ do những tác phẩm đã dịch được từ kinh điển chữ Phạn. Có lẽ, nhờ vào các ảnh hưởng đó mà người Tây-phương có dịp tiến gần hơn về Đông-phương để nghiên cứu tìm hiểu tư tưởng Phật giáo.

Tuy nhiên, Phật giáo Ấn-Độ hiện thời không còn được thạnh hành như ở vào những kỷ nguyên trước mà chỉ còn lại trên hình thức cũng như những di tích lịch sử cổ của Phật giáo mà thôi.

2.- Phật Giáo Trung Quốc Thời Kỳ Du Nhập Và Sự Phát Triển Ra Sao ?

Theo sử liệu Phật giáo Trung-Quốc có ghi rõ ràng đạo Phật đã truyền vào quốc độ nầy trước kỷ nguyên Tây lịch, nhưng mãi đến năm 67 Tây lịch mới sáng tỏ.

Hậu bán thế kỷ thứ nhất (năm 67) niên hiệu Vĩnh-Bình năm thứ 10, vào đời Đông Hán. Phật giáo mới thực sự được xiển dương sâu rộng do vua Minh-Đế khởi xướng. Vua Hán Minh-Đế đã cử người sang Tây-Thiên-Trúc (Ấn-Độ) mời được các vị sư như Ca-Diếp Ma-Đằng và Trúc-Pháp-Lan qua Trung-Quốc truyền đạo và thỉnh được tượng Phật cùng kinh điển đem về xứ sở. Ngoài ra, vua còn cho dựng chùa Bạch-Mã ở Lạc-Dương để thờ Phật và mời hai vị sư người Ấn về ở đó dịch kinh. Bộ kinh đầu tiên được dịch từ chữ Phạn sang chữ Hán là kinh 42 Chương. Đó là giai đoạn mở đầu của Phật giáo Trung-Quốc và đạo Phật dần dần có cơ hội bành trước mãi đến nổi đã khiến đạo Lão gần mất hết cả thế đứng trong quần chúng. Đạo Phật Trung-Quốc thời bấy giờ thịnh đạt một phần nhờ kinh sách chữ Phạn đã được dịch hơn 300 bộ, mặt khác, nhờ ảnh hưởng nơi các bậc cao Tăng như ngài An-Thế-Cao, Chi-Lâu-Ca-Sấm, Chi-Diệu, Trúc-Phật-Sóc ... là những người từ Ấn-Độ sang truyền giáo.

Đời Tam-Quốc : NGỤY - THỤC -NGÔ (250-300) ngài Khương-Tăng-Hội từ Tây-Vực sang truyền đạo tại Trung-Quốc. Vua Ngô-Tôn-Quyền đã quy y theo Phật giáo. Vào năm 250, niên hiệu Gia-Bình thứ 2 đời Ngụy-Minh-Đế có ngài Đàm-Ma-Ca-La từ trung Ấn-Độ sang Trung-Quốc mở giới đàn truyền giới Tỳ-kheo.

Năm 310, niên hiệu Vĩnh-Gia đời Tây-Tấn có vị tăng tên Phật-Đồ-Trừng từ Tây-Vực sang giảng kinh thuyết pháp đã được dân chúng mến mộ rất đông. Cũng trong khoảng thời gian nầy, ngài Cưu-Ma-La-Thập đã dịch nhiều kinh chữ Phạn sang chữ Hán. Phật giáo bắt đầu chia ra làm 2 tông phái : Thành-Thật và Tam-Luận-Tông.

Đến thế kỷ thứ 5 - 6 (420 - 588) đời Nam Bắc triều, Phật giáo càng thịnh đạt. Ngài Bồ-Đề Đạt-Ma đem Thiền-tông truyền vào Trung-Quốc cũng trong thời kỳ nầy. Các tông Thiên-Thai, Niết-Bàn đều được thành lập đồng thời với Thiền-tông.

Năm 446, Phật giáo Trung-Quốc bị ách nạn lần thứ nhất vào đời vua Hậu Ngụy Thái-Võ-Đế, còn gọi là "Tam Võ Nhất tôn chỉ ách". Vào đầu thế kỷ thứ 6 (508) Phật giáo lại cực thịnh dưới đời vua Tuyên-Võ-Đế. Chùa chiền mọc lên như nấm, Tăng sĩ tu rất đông. Nhưng vào hậu bán thế kỷ (574) đời Võ-Đế Bắc-Chu, Phật giáo lại bị ách nạn lần thứ 2. Sau đó, Phật giáo được phục hưng trở lại và cực thịnh suốt trong đời nhà Đường (609 - 907) và có thêm các tông như : Tịnh-Độ, Pháp-Tướng, Luật, Câu-Xá, Hoa-Nghiêm, Chân-Ngôn được thành lập. Đến đời Ngũ-Đại (Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Chu), Phật giáo suy vi do chiến tranh và thời cuộc gây ra. Đời nhà Tấn Phật giáo lại được phục hưng. Kế các đời nhà Nguyên và nhà Minh (?) cũng bảo vệ Phật Pháp nhưng không có những hoạt động nổi bậc đáng kể.

Đời nhà Thanh bị nhiểm bởi làn sóng văn minh Tây-phương truyền vào Trung-Quốc, Phật giáo càng trở nên suy yếu dần. Đầu thế kỷ 20 (1912), sau cuộc cách mạng Tân-Hợi (1911), Tôn-Văn lên cầm quyền, Phật giáo cũng được nhiều người tìm hiểu nghiên cứu.

Thời kỳ Trung - Nhật chiến tranh (1940-1945), Phật giáo Trung-Quốc bị suy yếu. Đến khi cộng sản nhuộn đỏ toàn lục địa Trung-Hoa (1949), Phật giáo chỉ duy trì được ở giai đoạn đầu (1950-1960). Năm 1966 có cuộc đại cách mạng văn hóa, mọi giá trị tinh thần đều bị đem ra xét lại. Từ đó, Phật giáo được xem như món đồ trang sức trong viện bảo tàng hơn là trên thực tế.

Mãi tới cuốc năm 1979, nhận thấy thời cơ thuận tiện, phó Thủ-Tướng Đặng-Tiểu-Bình và chính quyền Trung-Quốc cho khôi phục lại Phật giáo. Đây có tính cách như cái loa để tuyên truyền cho chính trị hơn là thuần túy muốn chấn hưng Phật giáo đúng nghĩa.

3.- Phật Giáo Nhật Bản Có Từ Lúc Nào Và Do Ai Truyền Tới ?

Suốt trong mấy thế kỷ đầu của lịch sử, dân tộc Nhật-Bản chưa có một tôn giáo nào khác hơn Thần đạo. Mãi cho đến thế kỷ thứ 6 Tây lịch Phật giáo mới có cơ hội truyền vào đất nước nầy.

Thánh-Đức Thái-tử (Shotoku Taishi : 574-622) đã nghiên cứu các tư tương cổ điển của Khổng, Lão vào Phật giáo trong nền văn minh cổ Trung-Hoa về những yếu tố hình thành guồng máy xây dựng quốc gia, xã hội. Đặc biệt ông có thảo 17 điều trần tình mà trong đó tư tưởng Phật giáo được xem như những nguyên lý căn bản để xây dựng công bằng xã hội. Mặt khác, ông còn khuyến khích nhiều học giả, nghệ sĩ và nhất là tu sĩ Phật giáo trong việc sáng tác. Ngoài ra, hai ngôi chùa danh tiếng ngày nay tại Kyoto như chùa Pháp-Long (HORYU JI) đã được Thái-tử cho thành lập vào đầu thế kỷ thứ 7 (năm 621) và chùa Tứ-Thiên-Vương (Shiten o ji) thành lập năm 623. Thánh-Đức Thái-tử cũng còn khuyến khích các Tăng sĩ sang du học Trung-Quốc. Năm 606, trước triều đình, ông luận về kinh Pháp-Cú, phẩm Liên-Hoa đã gây được ảnh hưởng sâu rộng trong chánh giới Nhật-Bản lúc bấy giờ. Ông từ trần năm 624. Trong đời Thánh-Đức đã tạo được 46 ngôi chùa và 816 Tăng sĩ cùng với 569 Ni-cô. Nhưng, Phật giáo đã truyền vào Nhật-Bản bằng hình thức nào ? Có nhiều thuyết khác nhau và điều chắc chắn phải nói rằng Phật giáo Nhật-Bản chịu ảnh hưởng sâu đậm, trực tiếp từ Phật giáo Trung-Quốc. Những tác phẩm Phật giáo mà người Nhật đã nghiên cứu lúc đó là những bản dịch từ chữ Hán sang.

Thời kỳ Nara (625-754) Phật giáo đã phát triển cũng như đặt nền móng về cơ sở tri thức cho dân tộc bản xứ, nhất là việc nghiên cứu sâu rộng giáo nghĩa Phật-Đà.

Năm 754, Hòa-Thượng Giám-Chân (Kanzin Wazo) người Trung-Quốc đã đặt chân tới Nhật-Bản và làm cho Phật giáo thêm phần khởi sắc nhờ công hạnh đạo đức và tài năng xuất chúng của bậc chân tu đại Thánh nhân nầy. Chùa Đông-Đại Tự (Todai Ji) tại vùng Nara, Kyoto đã được xây cất vào năm 754. Tương truyền rằng chính Hòa-Thượng Giám-Chân (lúc đó đã bị mù lòa cả 2 mắt do bảo tố trên đường từ Trung-Quốc tới Nhật-Bản gây nên) là người xem địa hình cho việc thiết lập ngôi chánh điện chùa nầy.

Thời đại Bình-An (Heian : 793-800) có 2 vị tăng sĩ là Truyền giáo Đại-sư (Dengyo đaishi) tên là Tối-Trừng : 767-822, Sơ tổ của tông Thiên-Thai và Hoằng-Pháp Đại-sư (Kobo daishi) tên Không-Hải : 774-835 là Sơ tổ tông Chân-Ngôn, đã ra sức phát huy Phật giáo và nhờ đó ảnh hưởng rất sâu rộng trong quần chúng. Tư tưởng Thiền đồng thời cũng được phát huy kể từ thời kỳ nầy.

Vào đầu thế kỷ 13 có các ngài Nhật-Liên đại thánh nhân (Nichi ren : 1222-1282) xuất hiện đã mang lại cho Phật giáo Nhật-Bản một sinh khí mới về cách tu chứng và sự khế cơ của Phật giáo vào đời sống xã hội. Ngoài ra còn có ngài Đạo-Nguyên Thiền-sư (Dogen : 1200-1253) cũng là một bông hoa khởi sắc mở đầu cho Thiền-tông (Zen) tại Nhật-Bản. Dogen đã sang du học Trung-Quốc về môn Thiền Phật giáo tông Tào-Động trong thời gian 5 năm. Sau khi về nước, ngài lập ra phái Thiền Tào-Động tại Nhật-Bản vào năm 1227, vào thời kỳ Kamakura.

Từ thế kỷ 14 - 17 chiến tranh liên tiếp xảy ra, nhất là những cuộc nội chiến, khiến cho Phật giáo phải bị đình đốn. Vào hậu bán thế kỷ 17 và tiền bán thế kỷ 18 có những cuộc chiến tranh tôn giáo diễn ra vào thời kỳ các võ sĩ đạo và tướng quân tranh quyền hành ở mỗi địa phương. Lúc bấy giờ đã có những tư tưởng cấp tiến, có nhiều học giả chống lại việc nghiên cứu hệ thống triết học Trung-Quốc, nhưng tư tưởng Phật giáo vẫn được tôn trọng.

Minh-Trị Duy Tân (1868), Phật giáo lần hồi được tái hưng và từ đó tới nay Phật giáo Nhật-Bản giữ một vài trò quan trọng dẫn đạo về mặt tư tưởng cho dân tộc bản xứ và nếp sinh hoạt chùa chiền tại Nhật-Bản cũng khác hẳn với các nước Phật giáo thuộc vùng Á châu.

4.- Phật Giáo Việt Nam Có Từ Thời Kỳ Nào ? Do Ai Truyền Tới Và Ảnh Hưởng ?

Thời kỳ Phật giáo du nhập vào Việt-Nam có nhiều thuyết khác nhau. Sớm nhất Phật giáo cũng đã được truyền vào nước ta vào cuối thế kỷ thứ 2 hay đầu thế kỷ thứ 3 Tây lịch.

Dựa vào mấy lý do sau đây để có thể giải thích sự có mặt của đạo Phật tại Việt-Nam vào thời kỳ du nhập :

- Những thế kỷ đầu của lịch sử hẳn ta chưa có môn sử hay nói khác hơn là chưa có ai quan tâm tới sử học, cũng như chưa kinh nghiệm khoa học về sử liệu, do đó những gì diễn ra trên đất nước cũng chỉ được ghi nhớ và biên chép sơ sài thôi.

- Còn một điều nữa là vào những thế kỷ đầu của lịch sử, nước ta có nhiều người ngoại quốc lui tới buôn bán. Các tăng sĩ cũng theo thuyền buôn đến truyền đạo ở trong nước từ Thuận-Hóa trở ra Bắc. Lúc bấy giờ cũng chưa có cơ quan thông tin nghị luận gì để phổ biến tin tức cả, do đó việc các tăng sĩ người Ấn, Hoa-Kiều ... dù có đến hay đi, cũng ít có người quan tâm tới. Đó là những nguyên nhân khiến chúng ta không biết đích xác được đạo Phật vào nước ta đúng vào năm nào.

Theo truyền thuyết, Phật giáo du nhập vào Việt-Nam từ thế kỷ thứ 2, do ngài Khương-Tăng-Hội và Ma-Ha-Kỳ-Vực là người Ấn-Độ đem tới. Ngoài ra, còn có thuyết cho rằng Phật giáo truyền vào đất Giao-Châu từ thế kỷ thứ nhất, tức là đồng một lúc với thời kỳ Phật giáo du nhập vào Trung-Quốc, nhưng chỉ có các thuyết cho rằng Phật giáo tới An-Nam vào cuối thế kỷ thứ 2 là hợp hơn cả. Theo sách Le Bouddhisme en Annam của Trần-Văn-Giáp thì vào khoảng năm 194-195 có ngài tên là Mâu-Tử người Ấn-Độ sang Giao-Châu truyền bá đạo Phật và đã được người trong nước bắt chước tin theo rất nhiều. Dần dà ở những thế kỷ sau có nhiều vị sư ngoại quốc đến và phát huy tinh thần Phật giáo tại đây.

Năm 580 có ngài Tỳ-Ni-Đa-Lưu-Chi, người Ấn-Độ sang truyền Phật giáo phái thiền tại nước ta.

Năm 820, ngài Vô-Ngôn-Thông, người Tàu đem truyền Thiền-tông vào đất nước Việt và chính ngài được tôn lên tổ Thiền phái thứ 2. Dòng Thiền Vô-Ngôn-Thông truyền xuống được 15 đời, gồm 40 người kế nghiệp cho tới đời thứ 15 : Ứng-Vương (1221) là dứt.

Đời Tiền-Lê (Lê-Đại-Hành) ngài Khuông-Việt là một vị thiền sư nổi tiếng. Niên hiệu Thái-Bình thứ hai (năm 971) vua phong chức "Khuông-Việt Thái-sư".

Đời vua Lý-Thái-Tổ (1010 - 1028) Vạn-Hạnh Thiền-sư là một bậc cao tăng tài đức kiêm toàn, đã đem tư tưởng Đại-thừa Phật giáo phục vụ quốc gia dân tộc, nên lúc bấy giờ nước nhà được thạnh trị và dân tộc thái bình. Chính Vạn-Hạnh Thiền-sư, được vua Lê tôn lên làm bậc Quốc-sư. Ngài tịch vào năm 1018.

Đời Lý-Thái-Tôn (1028-1054) cũng sùng mộ đạo Phật, có lập được 95 ngôi chùa và ảnh hưởng của Phật giáo cũng khá lớn mạnh.

Đời Lý-Thánh-Tông (1054-1072) có thêm phái Thảo-Đường, do ngài Thảo-Đường người Tàu, nhân là một tù binh theo thầy qua Chiêm-Thành bị vua Thánh-Tông bắt được trong lúc đánh với Chiêm-Thành. Sau vì biết rõ được tông tích Ngài qua tài năng vượt chúng, vua phong chức Quốc-sư. Phái Thảo-Đường truyền xuống được 18 dời, do vua Thánh-Tông là Sơ tổ. Chùa Diên-Hựu (chùa Một-Cột) do vua lập nên 1049, niên hiệu Sùng-Hưng-Đại-Bảo nguyên niên. Vua Thánh-Tông là đệ tử ngài Thảo-Đường thuộc dòng thiền thứ 3 tại Việt-Nam.

Đời Trần (1225 - 1400), Phật giáo cũng được truyền bá nhưng không có tầm ảnh hưởng sâu rộng bằng Phật giáo đời nhà Lý. Vua Trần-Nhân-Tông (1278 - 1308) là vị chân tu. Vua xuất gia năm 1299 và là Sơ tổ của phái Trúc-Lâm Yên-Tử do Ngài sáng lập. Phái Trúc-Lâm truyền được 4 đời cho 20 vị tiếp tục kế truyền tông pháp.

Trần-Anh-Tông (1239 - 1314) cũng là người rất sùng tín đạo Phật, là đệ tử của Thiền-sư Pháp-Loa.

Phật giáo Việt-Nam đời Lý - Trần rất cực thịnh.

Các đời vua đều cho dựng chùa, xây tháp, đúc chuông, tô tượng và xiển dương Phật giáo, vì thế trong nước dân chúng được an cư lạc nghiệp.

Phật giáo Việt-Nam vào thế kỷ 15-17, trở nên suy yếu. Một phần bị chiến tranh Chiêm-Việt ; mặt khác, các triều vua không phải là những Phật tử thuần túy biết nhiệt tâm vì đạo.

Đến hậu bán thế kỷ 17 (1665), ngài Nguyên-Thiều, người Tàu qua An-Nam lập chùa Thập-Tháp (Bình-Định) và ảnh hưởng cũng rất lớn lao.

Chùa Thiên-Mụ (Linh-Mụ - Huế) được chúa Nguyễn-Hoàng cho xây vào năm 1601 và đến đời Nguyễn-Phúc-Chu (1691) chùa mới hoàn thành.

Đời Nguyễn (1802 - 1884) các vua cũng cho lập chùa xây tháp. Tháp chuông chùa Thiên-Mụ được vua Thiệu-Trị cho xây 7 tầng vào năm 1844 gọi tháp Từ-Nhân hay Phước-Duyên. Nhưng Phật giáo thời nầy không lấy gì làm thạnh cho lắm.

Thời cận và hiện đại, Phật giáo trải qua nhiều lần bị pháp nạn và chiến tranh chi phối. Vào đệ nhất và đệ nhị thế chiến, Phật giáo phải bị đình đốn.

Từ năm 1925-1945, phong trào chấn hưng Phật giáo thành hình. Các trường Phật học nổi lên khắp nơi Bắc Trung Nam, nhưng đến năm 1945 cũng phải ngưng hoạt động. Từ năm 1945-1951, Phật giáo hầu như chỉ còn ảnh hưởng rất ít trong quần chúng. Mãi cho đến năm 1952, làn sinh khí Phật giáo lại tiếp tục được hồi sinh.

Thời Ngô (1954-1963), vì vấn đề kỳ thị tôn giáo, Phật giáo bị pháp nạn năm 1963 rất khốc liệt. Sau đó, toàn dân nổi lên làm cuộc cách mạng lật đỗ chế độ bạo tàn Ngô-Đình-Diệm vào ngày 1/11/1963. Một trang sử mới lật qua, Phật giáo lại phải đương đầu với một giai đoạn mới.

Năm 1964, Hiến Chương của Giáo Hội Phật Giáo Việt-Nam Thống Nhất ra đời, kết nạp các tông phái lại thành một khối để đủ uy tín duy trì pháp âm của Phật-Đà. Nhưng mầm chia rẽ giữa 2 khối Phật giáo : Ấn-Quang - Việt-Nam Quốc-Tự nhen nhúm thành hình.

Năm 1975, cộng sản lên cướp chính quyền miền Nam vào ngày 30/4/75, mọi sinh hoạt của Phật giáo đều bị ngưng trệ. Từ đó đến nay, Phật giáo đứng trước gông cùm của bạo quyền cộng sản, chỉ còn chờ thái độ của người Phật tử đối với đạo pháp và dân tộc.

5.- Phật Giáo Pháp Quốc Buổi Bình Minh Của Tư Tưởng Đạo Phật Truyền Vào Pháp Vào Năm Nào Và Do Ai ?

Phật giáo tại Pháp chịu ảnh hưởng rất sâu đậm từ Phật giáo Trung-Quốc. Nổi bậc nhất là sự hình thành hội "Liên Hữu Phật Giáo" (les amis du Bouddhisme) vào năm 1929. Hai sáng lập viên là Thượng-Tọa Tai-Hsu người Trung-Hoa và cô G. Constant Lounsbery, người Anh.

Thượng-Tọa Tai-Hsu chu du sang Âu Châu năm 1928. Trong thời gian lưu trú tại Paris đã tặng cho Viện Bảo Tàng Guimet một số kinh điển Phật giáo đã dịch sang tiếng Pháp. Đồng thời trong cùng năm sách Phật giáo dịch sang Anh-ngữ cũng đã được xuất bản tại Paris. Nhờ duyên hạnh ngộ đó mà cô G. Constant Lounsbery mới bắt tay cộng tác trong việc Phật sự. Lúc đó cô đang nghiên cứu Phật giáo và thực hành thiền định. Cả hai người cùng nhau lập hội Phật giáo tại Pháp vào năm 1929. Ta có thể nói được rằng đây là buổi bình minh của tư tưởng Phật giáo được truyền vào đất Pháp ? Phật giáo hẳn đã có mặt từ trước tại đây rồi, nhưng chưa có một hoạt động cụ thể nào nổi bậc và đến giai đoạn nầy là thời kỳ chín muồi để cho hình thức tiêu biểu Phật giáo kết duyên lành với người bản xứ !

Hội Phật giáo tại Pháp hoạt động không ngừng. Từ năm 1940 trở đi do sự trực tiếp điều hành của cô Suzanne Karpeles và sự cộng tác của cố thi hào Mauric Margre (mất năm 1942). Hội cũng đã xuất bản một số sách Phật giáo đáng kể như : Les Meditations Bouddhique của cô Lounsbery, La Parole Bouddha do cô Lafuente dịch từ sách chữ Phạn.

Năm 1939 hội Phật giáo Pháp có xuất bản tờ tạp chí tên là "La Pensée Bouddhique" và cho đăng tải phần giáo lý các bài dịch từ chữ Pali sáng tiếng Pháp.

Ảnh hưởng của tờ báo rất sâu rộng trong học giới Tây-phương. Các vị Thượng-Tọa, Đại-Đức, nhiều học giả Âu Mỹ, Trung-Hoa, Nhật-Bản và ngay cả hội Viễn-Đông Bác-Cổ Hà-Nội đều cộng tác. Hội Phật giáo Pháp với cơ quan ngôn luận mở rộng, là nơi gặp gở thuận tiện giữa các nước Phật giáo như Lào, Thái và đặc biệt hơn cả có ảnh hưởng tới Phật giáo Việt-Nam trong giai đoạn nầy.

Hội hoạt động đều đặn và mỗi năm đều có tổ chức ngày lễ đức Phật Đản-Sanh và ngày Phật Thành-Đạo. Năm 1950 hội Phật giáo Pháp chính thức được mời tham dự đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên tại Tích-Lan với 27 quốc gia hội viên tham gia, do cô Lounsbery làm Trưởng phái đoàn và cũng là Phó hội trưởng hội Phật giáo Pháp-quốc. Các kỳ đại hội Phật giáo thế giới kế tiếp được tổ chức tại Tokyo (1952), Ngưỡng-Quang (1954), Nepal (1956), hội đều có tham dự.

Từ năm 1950 hội đã mời được Thượng-Tọa tiến-sĩ Rahula vào chức hội trưởng. Từ đó hội đã thu nạp được nhiều hội viên, tổ chức các lễ lộc quan trọng trong năm, cũng như mỗi tuần đều có giảng kinh, thuyết pháp.

Hy vọng rằng, ngày nay với tầm hoạt động lớn mạnh của các tổ chức Phật giáo Việt-Nam tại Pháp, là cơ hội tốt cho người bản xứ có được cái nhìn toàn vẹn và việc tìm hiểu Phật giáo hẳn dễ dàng và sâu rộng hơn.

6.- Phật Giáo Hoa Kỳ : Việc Truyền Bá Và Phát Triển Ra Sao ?

Hoa-Kỳ có thể nói là một nước mà đạo Thiên-chúa đã sớm được truyền vào, với một số người tin theo. Như thế, đạo Phật làm sao có thể vào được xứ sở vốn cá dân số tạp chủng nhất thế giới nầy ?

Chính người Nhật-Bản và người Trung-Hoa đã tiền phong trong việc đem đạo Phật vào xứ sở Hiệp-Chủng-Quốc. Cho tới nay chúng ta chưa biết đích xác được Phật giáo đã có mặt tại đây vào đúng năm nào, nhưng có lẽ buổi bình minh của Phật giáo tại Hiệp-Chủng-Quốc sau đệ nhị thế chiến năm 1946-1950.

Hội Phật giáo Mỹ-Nhật đã được thành lập rải rác trong các Tiểu-bang Hoa-Kỳ như Hawaii, Seattle, San Francisco, Fresno. Los Angeles ... Ngôi chùa Phật giáo ở Honolulu là trung tâm du lịch đã được thiết lập ngay giữa ánh sáng của đô thị. Đại học Phật giáo mới tại New York được xây đối diện với sông Hudson là nơi thuộc vùng ảnh hưởng Phật giáo quan trọng nhất thuộc về bờ biển phía Tây. Ngoài ra, còn có những trung tâm Phật giáo thế giới và những ngôi chùa Thiền do người Nhật thành lập trong hơn 30 năm trước đây tại Nữu-Ước. Tại New Jersey còn có một ngôi chùa Mông-Cổ hay một vài chùa Phật giáo Trung-Hoa ở Los Angeles và vài năm sau vào năm 1973 Viện Đại-học Đông-Phương (College of Oriental Studies) cũng được thành hình tại thành phố nầy. Hai nơi nầy đã quy tụ được một số người bản xứ theo học Thiền và nghiên cứu Phật giáo. Ngoài ra, các ngôi chùa Phật giáo Việt-Nam cũng được thành lập tại Washington D.C. và rải rác khắp các tiểu bang.

Ngày nay, người Hoa-Kỳ để ý đến việc nghiên cứu tư tưởng Phật giáo là dấu hiệu cho thấy nền văn minh Tây-phương đã không đáp ứng được nhu cầu cho cuộc sống tinh thân của con người một cách trọn vẹn.

7.- Phật Giáo Đức Quốc Thời Kỳ Du Nhập Và Tầm Ảnh Hưởng

Khi đề cập tới Phật giáo ở phương trời Tây, người ta đặc biệt lưu tâm tới dân tộc Đức nhiều hơn từ sau đệ nhất thế chiến chấm dứt. Và cũng kể từ đó Phật giáo có cơ hội nẩy nở tại đất nước nầy.

Tại sao tôi xác quyết như vậy ? Căn cứ vào bài viết của Max Hoppe, người Đức đã đăng trong tạp san Pháp Á (France-Asie) xuất bản vào năm 1959 tại Sàigòn, thì chính tiến-sĩ George Grimm là người đầu tiên khai sáng ra Hội Phật giáo tại Đức lấy tên là : Alt Buddhistisch Gemeinde" (Old Buddhist Commuty) vào năm 1921 và đã quy tụ được hàng ngàn hội viên cùng nhau tu học và nghiên cứu Phật giáo. Chính Dr. George Grimm cũng đã viết những cuốn sách về Phật giáo như : Die Lebredes Buddha (The Doctrine of The Buddha), Die Religion der Vernunft und der Meditation (The Religion of Reason and Meditation), đã được cơ sở Hoble Verlag xuất bản. Các sách ấy hiện nay cũng đã được K.E. Neumann dịch sang tiếng Anh để phổ biến sâu rộng khắp các nơi. Đặc biệt, cả Grimm và Neumann lúc tuổi trẻ có nghiên cứu về A. Schopenhauer. Chính Schopenhauer tự nói mình là một Phật tử chân chính, hiểu rất nhiều về giáo lý của đức Phật. Tại nhà có thờ một pho tượng Phật mạ vàng vĩ đại. Cuộc đời của Schopenhauer được xem như là vị Đại-Đức có đức hạnh sáng ngời.

Ngoài ra dân tộc Đức còn đọc sách về Phật giáo của Friedrich Zimmermann (1857-1917) như : Buddhist Catechism đồng thời được dịch ra nhiều thứ tiếng. Nhiều học giả khác như tiến-sĩ Karl Seidenstiicker (1876-1936) có nghiên cứu về tư tưởng Đông-phương. Đặc biệt những sách dịch kinh điển Phật gtíao từ tiếng Pali sang tiếng Đức của ông cũng được xuất bản vào năm 1923. Mục đích của hội Phật giáo là nghiên cứu triết học tôn giáo và tìm những nguyên lý cho cuộc sống, mà giáo lý của đạo Phật như là sự hướng dẫn cần thiết cho con người trong xã hội hiện đại.

Hội Phật giáo Đức đã nổ lực hoạt động và duy trì được cho tới ngày nay. Sau khi George Grimm qua đời vào ngày 26/8/1945, thọ được 78 tuổi, thì người con gái là bà Maya Keller Grimm kế tục phát triển công việc của cha cho hội Phật giáo.

Ngôi nhà, trụ sở của hội Phật giáo Đức tại Utting on-Ammersee (upper Bavaria) mang tên là George Grimm. Hiện nay, cơ sở ấy trở thành nơi thờ phụng và cũng là một địa điểm hành hương cho du khách các nơi đến thăm viếng.

Từ năm 1950, các sách của George Grimm như Ewige Fragen (Eternal Questions), Die Botschaft des buddha, der Schliissel Zur Unster Blichkeit (the Message of the Buddha, the Key to Immortality), Der Buddha Weg fiir Dich (the Buddha way for you) đã được xuất bản.

Năm 1955, Hội Phật giáo thứ hai tại Đức được thành lập tại Franckfurt-am-Main lấy tên là "Deutsche Buddhistische Gesellschaft (German Buddhist Society) và các chi hội được thành lập tại Hamburg, Munchen, Berlin ...

Dân tộc Đức ngày nay đang hướng về Đông-phương để tìm hiểu mà tư tưởng Thiền của Phật giáo đặc biệt được chú trọng hơn cả.

8.- Phật Giáo Miến Điện : Việc Truyền Bá Và Phát Triển Ra Sao ?

Khó có ai xác định đúng thời kỳ và niên đại nào Phật giáo đã du nhập vào Miến-Điện (Burma) được cả.

Theo sử liệu cho biết thì vào thế kỷ thứ 5, tức là thời kỳ Thiri Khettara đã có những tăng sĩ Phật giáo thuộc phái Đại-thừa (Mahayanists) từ phương Bắc (chỉ Ấn-Độ) đã đem Phật giáo vào xứ nầy rồi.

Ngoài ra, vào tháng 12 năm 1952 chùa Shway Sandaw thuộc miền Đông đã khám phá ra được thánh tích của chiếc răng Phật bằng vàng và nhiều tượng Phật đồng hay bằng vàng khác. Những chi tiết trên, chứng tỏ cho thấy, Phật giáo đã có mặt tại Miến-Điện rất sớm, từ hàng ngàn năm trước. Ngôi chùa vừa nêu do vua Dvattabaung thành lập (?). Do đó, Miến-Điện còn gọi là xứ Kim-Xỉ (răng vàng) cũng do dựa vào di tích lịch sử nầy mà thành hình. Phật giáo phái Theravada truyền vào Miến-Điện do vua Anoratha vào năm 1044. Ta có thể nói được rằng Phật giáo Miến-Điện chịu ảnh hưởng bởi hai luồng tư tưởng Đại-thừa và Tiểu-thừa hay bằng đường bộ và đường thủy. Nhưng chỉ có phái Phật giáo Theravada là thích hợp hơn cả.

Năm 1622-1629 vua Sawlu lên thay vua Anoratha, nhưng suốt trong thời kỳ tại vị, ông không có một hoạt động nào nổi bậc đáng kể cho Phật giáo, ngoài việc xây dựng 2 ngôi chùa ở vùng Monywa và Minbu.

Năm 1629 vua Kyansittha lên kế vị hoàn thành việc xây cất ngôi chùa Shwe see-khon đã được vua Anoratha xây cất dở dang. Ông nổ lực trong việc truyền bá phật giáo cũng như việc xây dựng chùa chiền.

Năm 1635 ông xây chùa Ananda ở Pagan, là một di tích lịch sử rất nổi tiếng. Vua Kyansittha là người đầu tiên cho lập nhiều chùa nhứt và còn thiết lập các tự viện nổi tiếng như chùa Myazedi và tháp chuông Myazedi.

Năm 1657 vua Alaungsithu lên thay. Năm 1686, chùa That-Byin-Nyu được xây theo lối kiến trúc kiểu Ấn-Độ.

Suốt trong hai triều vua Narathu (1712-1715) và Naratheinkha (1715-1718) không có một hoạt động Phật giáo nào đáng kể.

Năm 1818, vua Nara Pati-Sithu lên thay, là người rất sùng kính Phật giáo ra sức truyền bá giáo lý đạo Phật. Miến-Điện ngày nay là một trung tâm du lịch nổi tiếng về những di tích lịch sử Phật giáo hơn là sự phát triển của đạo Phật.

9.- Phật Giáo Bỉ Quốc Như Thế Nào ?

Bỉ là một quốc gia rất đặc biệt về địa lý cũng như về mọi mặt sinh hoạt khác. Trong toàn quốc chia ra làm 2 phần : Phần một gồm những người Fanders khoảng chừng 8,500,000 người nói được tiếng Đức và 80% đều là Thiên-chúa-giáo. Trong khi đó tất cả những vùng còn lại nói tiếng Pháp. Wallony là vùng kỷ nghệ có độ 6,500,000 người và chỉ có chừng 40% theo đạo Thiên-chúa. Như thế Phật giáo truyền vào xứ nầy bằng cách nào ?

Nhờ nghiên cứu những tác phẩm viết về Phật giáo mà nhiều người Bỉ đã hiểu được giáo lý của đạo Phật và họ bắt đầu tiếp xúc với Á Châu bằng tinh thần Phật giáo. Một Hội Phật giáo được thành lập tại Bruxelles lấy tên là "Eglise Bouddhique Universelle" (Societe Bouddhique Belge) vào khoảng năm 1940. Năm 1944, ở Liberation một số người Bỉ có khuynh hướng cấp tiến đã lập nên một Hội Phật tử mang tên là "Buddhist Group" để tu học, tức là Hội Phật giáo thứ hai tiếp theo hội đã thành lập tại Bruxelles.

Vào khoảng năm 1956 có một nhà sư người Tây-Tạng đến đây và truyền bá Phật giáo rộng rải tại Bỉ quốc. Ông có mở trường và dạy đạo cho người bản xứ. Nhờ đó tinh thần Phật giáo ngày càng ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng. Những tổ chức Phật giáo được thành lập bởi người Bỉ hay do các tăng sĩ ngoại quốc. Một trung tâm Phật giáo được thành lập tại Bruxelles sau hội Buddhist Group là do một người Anh, ông Ficher chủ trương. Hội cũng đã có những hoạt động Phật giáo rất tích cực. Ngoài ra, ông Kiere (người Bỉ) thành lập hội nghiên cứu Phật giáo vào khoảng từ 1950-1960 bên cạnh tổ chức Mission Bouddhique Belge.

Tóm lại, người Bỉ có dịp tiếp xúc với nền văn minh Đông-phương qua tư tưởng Phật giáo là nhờ những kinh sách và người ngoại quốc đem đạo Phật truyền bá tại đây như một luồng sinh khí mới thổi vào trong mọi sinh hoạt cho dân tộc bản xứ.

10.- Phật Giáo Cambodge Thành Hình Và Phát Triển Như Thế Nào ?

Campuchia sớm ảnh hưởng nền văn minh Ấn-Độ. Vì thế đạo Bà-la-môn và đạo Phật là 2 tôn giáo thiết lập những yếu tố cần thiết cho nền văn minh Ấn, hẳn đã chịu tiếp thu tư tưởng Phật giáo lâu đời.

Buổi sơ khai, dân tộc Khmer tin vào thiên nhiên như các thần linh : Lửa, gió, sấm, sét và những tín ngưỡng dân gian khác ở từng địa phương. Đó là lý do khiến cho Phật giáo hòa nhập được dễ dàng tại đây.

Có nhiều giả thuyết cho rằng, Phật giáo đã có mặt tại Campuchia vào thế kỷ thứ 3 Tây lịch, do các vị tăng sĩ theo các nhà hàng hải Ấn-Độ đến từ các hải cảng phía nam của xứ Phù-Nam (tên củ ?) Campuchia còn gọi là xứ vàng (Pays de l'Or, the land of Gold) hay Kin-lin hoặc "Muraille de l'Or". Theo tài liệu nghiên cứu của Tích-Lan thì Phật giáo đã được thiết lập tại Campuchia vào năm 309 Tây lịch. Xứ Khmer lúc bấy giờ là một phần của Đông dương Suvarnadhumi hay miền Đông-Nam-Á. Lúc đó người bản xứ tự cho mình là vua của miền rừng núi, nhưng người Trung-Hoa gọi họ là Fou-nam (Phù-Nam). Kinh đô đặt tại T'O-mou tức là Dalmark và có nghĩa là "Chasseur" (người thợ săn).

Vua Tchen-La chinh phục đất Phù-Nam lên ngôi gọi là Bhavavarman đệ I vào giữa thế kỷ thứ 6, mở ra kỷ nguyên cho triều đại Tchen-La. Phật giáo Theravada cũng như đạo Bà-la-môn cùng phát triển song song ở vào thời kỳ nầy.

Năm 802, vua Jayavarman đệ II nối ngôi và dời kinh đô từ Siem-Reap sang Phnom-Kulin, mặc dù vua không theo đạo nào, nhưng Phật giáo vẫn tiếp tục tồn tại.

Năm 1811, vua Jayavarman đệ VII lên thay, mở ra một kỷ nguyên mới cho Campuchia, vì là một Phật tử thuần thành, ông biết đem áp dụng đạo Phật vào việc trị quốc an dân.

Từ thế kỷ thứ 15 cho tới nay, Phật giáo mất dần ảnh hưởng. Một phần lớn các chùa đều bị hư mục bởi chiến tranh gây ra, một phần do sự chậm tiến của dân tộc Khmer không theo kịp nền văn minh hiện đại. Phần nhiều các ngôi chùa tại Cambodge đều có nóc nhọn chỉa lên trời và phần đông các tăng sĩ đều quấn y vàng. Có lẽ cũng vì lý do nầy mà người ngoại quốc ưa gọi xứ Miên là xứ Chùa Tháp hay là xứ của nhà tu Phật áo vàng vậy.

Còn một điểm son đáng kể là người dân Campuchia từ vua, quan, dân giả đều chịu sự giáo dục của Phật giáo từ nhỏ. Lúc lên 12 tuổi nam giới phải vào ở chùa 2 năm và gọi là lễ Samanera. Năm 20 tuổi hay 21 tuổi những người bạn trẻ ấy nếu tiếp tục tu luôn ở chùa sẽ được thọ giới Tỳ-kheo (tức 250 giới để lên hàng Đại-Đức).

Bất cứ một người Miên nào, nếu chưa một lần vào chùa tu thì không được xã hội thừa nhận. Đây chính là một dân tộc biết áp dụng triệt để tinh thần hòa bình, từ bi, lợi tha của Phật giáo trong việc trị quốc an dân. Vì họ tin theo lý nhân quả tất định : Ai gây nhân lành sẽ được hưởng quả tốt (Qui fait lebien recoit le bien ; qui fait le mal recoit le mal)

Mặc dù vậy, nhưng đến đầu năm 1975, dân tộc xứ Khmer bị nhuộm đỏ dưới chế độ độc tài cộng sản và họ hiện đang thoi thóp kêu gọi sự cứu trợ của thế giới tự do, cho những người dân xứ Chùa-Tháp khổ đau bằng tinh thần cứu khổ của đạo Phật.

11.- Phật Giáo Nam Dương Có Từ Bao Giờ Và Tầm Ảnh Hưởng Ra Sao ?

Nam-Dương là một xứ quần đảo cheo leo nằm ngoài biển và ít có sự liên lạc với đất liền. Muốn biết rõ Phật giáo có mặt tại đây đích vào năm nào cho tới nay chưa có ai trả lời được cả.

Căn cứ vào những tác phẩm Phật giáo bằng tiếng Pali đã được đưa vào Nam-Dương cuối thế kỷ thứ 3 Tây lịch, theo truyền thuyết. Ngoài ra cũng còn có thuyết cho rằng vào thời vua Gunavarma (420-424) Phật giáo mới thật sự có mặt tại Java (tên cũ).

Năm 665 có một tu sĩ Phật giáo người Trung-Hoa là Houei-neng sang Java và ở lại đây trong 3 năm để hướng dẩn cho Phật tử những sinh hoạt cần thiết. Nhất là tư tưởng Phật giáo sớm ảnh hưởng trong dân tộc bản xứ qua văn hóa Á-Châu.

Năm 671 lại một vị sư người Trung-Hoa tên là Yi-Tsing sang Ấn-Độ du học Na-Lan-Đà, lúc trở về có ghé lại Sri Wijaya (thủ đô) trong 4 năm từ năm 685-689.

Năm 717 có một tăng sĩ người Tích-Lan (Ceylan) là Vajrabodhi trên đường đi Trung-Hoa có ghé lại Sri Wijaya trong 5 tháng để dò xét đường đi và được nghe kể lại rằng hơn 50 năm về trước ngoài Yi-Tsing ra, còn có 20 tăng sĩ người ngoại quốc khác đã có mặt tại Nam-Dương. Trong số đó phần nhiều đều là người Trung-Hoa, với một vị tăng người Việt-Nam và 2 người Đại-Hàn đã sống tại Java. Chính Yi-Tsing và nhiều đoàn hành hương khác đã đặt chân tới Sri Wijaya để nghiên cứu tiếng Sanskrit trước khi tiếp tục sang Ấn-Độ. Sri Wijaya, vì thế có thể nói là trung tâm cho việc nghiên cứu Phật giáo, đồng thời cũng là thủ đô của Nam-Dương.

Ngày nay tại Java, trong số những lâu đài Phật giáo cổ kính nhất đều nằm nơi đảo Candi Sari. Tất cả những tác phẩm nghệ thuật Phật giáo ngày nay đều được bảo tồn tại Viện-Bảo-Tàng Jakarta.

Tư tưởng Phật giáo đã bám rễ sâu vào lòng dân tộc Nam-Dương. Cho tới ngày nay, dân chúng bản xứ sống trong hòa bình được là nhờ ảnh hưởng nơi Phật giáo về tinh thần từ bi và bình đẳng.

12.- Phật Giáo Thái Lan Hình Thành Và Phát Triển Như Thế Nào ?

Phật giáo truyền vào Thái-Lan lúc nào và do ai mang đến, có lẽ cho tới nay không ai còn thắc mắc nữa, vì chính Thái-Lan đã sống trong tinh thần Phật giáo và giáo lý đạo Phật được triển khai áp dụng một cách rộng rãi và cỡi mở tại đây.

Nói về Phật giáo Thái-Lan, chúng ta căn cứ vào 4 thời kỳ như sau:

Thời kỳ thứ nhất : Phật giáo Tiểu-thừa hay Hinayana mà hiện nay tại Nakon Pathom pho tượng Phật Chuyển-Pháp-Luân (Dharma Chakra, Wheel of Law) ngồi trên tòa sen vẫn còn. Theo truyền thuyết, Phật giáo đã có mặt tại Thái-Lan từ thế kỷ thứ 5, trước Tây lịch, vào thời đại vua Asoka (Ấn-Độ). Đây là một hình thức Phật giáo thuộc phái Theravada đến từ con đường phía Nam.

Thời kỳ thứ hai : Phái Đại-thừa hay Phật giáo Bắc truyền, cũng ảnh hưởng trực tiếp từ Ấn-Độ. Năm 757, vua Srivijaya lên trị vì lấy tinh thần lợi tha của Phật giáo làm căn bản.

Thời kỳ thứ ba : Chịu ảnh hưởng Phật giáo Miến-Điện. Vào năm 1050 vua Amurudh của Miến-Điện là một Phật tử, mở mối bang giao chặc chẻ với Thái-Lan, và Phật giáo Theravada cũng được đưa tới các vùng như Chiengmai, Lopbari và Nakon Pathom ngày nay đều thuộc phái Tiểu-thừa. Điều nầy có nghĩa là Phật giáo miền Bắc Thái chịu ảnh hưởng của Tiểu-thừa, trong khi đó miền Nam thuộc Đại-thừa.

Thời kỳ thứ tư : Ảnh hưởng Phật giáo Tích-Lan năm 1696, vua Parakramabahu cai trị Tích-Lan dưới ảnh hưởng lớn của Phật giáo. Vua là người đứng ra tổ chức một hội nghị Phật giáo thế giới tại Maha Kassappa Thera (Tích-Lan). Nhiều tăng sĩ từ Miến-Điện Pegu, Kambuja, Lào đều được trao đổi sang Thái-Lan để học Phật giáo.

Năm 1300, sau khi học ở Tích-Lan về, những tăng sĩ Thái-Lan, trước hết thiết lập tại Nakon Sri Thammarath (miền Nam) nhiều trường Phật giáo chịu ảnh hưởng nền giáo dục theo Phật giáo Tích-Lan. Do đó, Phật giáo Tích-Lan đã được phổ cập tại đất Thái-Lan.

Như vậy, Phật giáo Thái-Lan trước đây chịu ảnh hưởng từ Ấn-Độ, sau dần dần chuyển hướng sang Phật giáo Miến-Điện và cuối cùng ảnh hưởng sâu đậm bởi Phật giáo Tích-Lan cho tới ngày nay. Phật giáo vẫn được duy trì và phát triển với những ngôi Quốc-Tự tại đây, với những Tăng sĩ A-xà-lê (A-Chan) và tinh thần Phật giáo đã thấm nhập vào văn hóa, tư tưởng của dân tộc Thái-Lan qua tinh thần Đại-thừa và Tiểu-thừa Phật giáo.

13.- Phật Giáo Tây Tạng Có Từ Bao Giờ, Sự Phát Triền Ra Sao ?

Lịch sử Phật giáo Tây-Tạng chỉ mới bắt đầu từ hậu bán thế kỷ thứ 7 và đầu thế kỷ thứ 8. Vợ vua Srong-Tsan-Gam-Po là Hoàng-hậu xứ Nepal, bà Bhrikuti và một người Trung-Hoa, bà Wang-Chen, là những Phật tử. Đây là giai đoạn mở đầu cho Phật giáo vào Tây-Tạng ở thế kỷ thứ 7.

Vua Ti-Srong sang du lịch Ấn-Độ và viếng các nơi Thánh tích Phật giáo, cũng như đã mang về nước một số tác phẩm Phật giáo bằng tiếng Sanckri để truyền bá cho dân chúng. Phật giáo Tây-Tạng ảnh hưởng từ Phật giáo Ấn-Độ.

Triều đại Ti-Srong-De-Tseu vào thế kỷ thứ 8, với việc tranh chấp quyền lực quân sự đã diễn ra. Vua có ý hướng tôn quân như bậc Thiên-tử, nên chống lại tôn giáo và gây khó khăn cho những Tăng sĩ Ấn-Độ đang hành đạo tại Tây-Tạng. Em vợ vua là Padmasam-bhava là một Phật tử thuần thành và là một trong những giáo sư nổi tiếng của đại học Nalanda. Ông đến Tây-Tạng vào năm 747 và truyền bá đạo Phật, nhất là việc lập lại trật tự tôn giáo, phương pháp tư duy ... đã được dân chúng nhiệt tình ủng hộ. Vua Ti-Srong từ trần vào năm 786.

Một nhóm 7 Tăng sĩ Tây-Tạng đã làm việc phiên dịch kinh Phật từ tiếng Phạn sang tiếng Tây-Tạng. Một vị nỗi danh trong số đó là Vairocana, đã dịch một số lớn những sách Phật nổi tiếng. Việc trao đổi quan hệ giữa Ấn-Độ - Tây-Tạng nhờ những tác phẩm phiên dịch kia mà thành tốt đẹp.

Những tác phẩm của Thế-Thân, Vô-Trước, Long-Thọ Bồ-Tát, nhất là phần Duy-Thức-Học đều đã được dịch sang tiếng Tây-Tạng. Người cháu vua Ti-Srong-De-Tseu là Bons là một Phật tử lên kế vị năm 900, nhưng không nhiệt tâm ủng hộ và Phật giáo phải chịu đình trệ trong 2 thế kỷ.

Năm 1122, có Marpa cũng như Padmasambhava đều không phải là tu sĩ Phật giáo, nhưng họ là những người được dân chúng coi như bậc Tôn-sư hướng dẫn tinh thần.

Năm 1575, nhà sử gia nổi tiếng là Taranatha lập một chi nhánh của trường phái Sa-skya-pa được điều hành bởi vị Thánh sống Ourga "Jetsun Dampa" (Saint Reverend).

Vào những năm đầu thế kỷ 16, vị đại thánh Lama d'Ourge đã từ trần. Lúc bấy giờ trật tự, xã hội, chính trị trong nước trở nên rối ren.

Năm 1356, vua Tsong-kha-pa thành lập triều đại Dge-lugs-pa là một hình thức tôn giáo quốc gia và đây là thời kỳ mở đầu cho chế độ Đạt-Lai Lạt-Ma, chúng ta ưa gọi là những vị Phật sống tại Tây-Tạng.

Từ khi có các vị Đạt-Lai Lạt-Ma, Phật giáo dưới triều Dge-lugs-pa bành trướng rất mạnh. Giáo pháp Đại-thừa được xiển dương rộng rãi. Những Tăng sĩ được sự khuyến khích giúp đở, nhờ đó dân tộc Tây-Tạng thấm nhuần được giáo lý đạo Phật như món ăn tinh thần cần thiết.

Ngày nay nhìn vào Phật giáo Tây-Tạng, người ta nghĩ ngay tới hình ảnh sống thực của những vị Đạt-Lai Lạt-Ma mà chính dân tộc bản xứ cũng coi như những vị Bồ-Tát hóa thân vậy.

phật giáo Tây-Tạng được xem như là quốc giáo vì biết áp dụng tinh thần từ bi, hùng lực của tôn giáo vào việc xây dựng quốc gia, đã đem lại được cho toàn dân một nền hòa bình an lạc.

Bất hạnh thay năm 1959, Tây-Tạng bị Trung-Cộng đàn áp. Đức Đạt-Lai Lạt-Ma đời thứ 14 phải lánh nạn sang Ấn-Độ, có đem theo khoảng 100,000 dân, lập thành trung tâm Phật giáo. Từ đó đến nay đức Đạt-Lai Lạt-Ma không ngừng vận động dư luận quốc tế cho dân tộc Tây-Tạng thoát ách thống trị Trung-Hoa, đòi độc lập tự do.

14.- Phật Giáo Úc Đại Lợi Có Từ Lúc Nào Và Sự Phát Triển?

Lịch sử Phật giáo Úc là một câu chuyện ly kỳ khó tin nhưng đó là việc có thật còn truyền lại nơi sử liệu : Một Tăng sĩ quốc tịch Hoa-Kỳ muốn tranh tài với các người chị mạo hiểm đi từ Tích-Lan sang Trung-Quốc vào thế kỷ thứ 18 như một chuyến du lịch không ngày về, sau cũng đến Úc. Đó là Đại-Đức Dhammadina.

Dân tộc Úc chưa biết gì nhiều về Phật giáo, ngoài việc đọc được một số các sách dịch sang tiếng Anh, tư tưởng Đông-phương của chính những tác giả người Âu Mỹ.

Đại-Đức Dhammadina đã mở những cuộc vận động tinh thần rộng rãi, vì thế đạo học Đông-phương, nhất là Phật giáo sớm ảnh hưởng tại xứ nầy. Dưới sự bảo trợ của ông ta, nhiều Hội Thiền được thành lập tại các đô thị lớn. Nhờ đó dân chúng hiểu biết về Phật Pháp và cách thức thực hành Phật giáo. Đại-Đức Dhammadina đã mở màn kỷ nguyên mới cho xứ Úc bằng tinh thần Phật giáo. Vào những thế kỷ sau, nhất là ở thế kỷ 19 các Tăng sĩ Tích-Lan, Miến-Điện, Thái-Lan cũng đã lần lượt đặt chân tới Úc. Họ là những người mang đến tinh thần hòa bình, lợi tha của Phật giáo. Dân tộc Úc ngày nay đã làm quen với các sinh hoạt Phật giáo nhờ những cuộc vận động, lễ bái qua nghi thức Phật giáo hằng năm.

Hiện nay tại Úc có 3 Hội Phật giáo thành hình. Tổng số hội viên gồm cả trên 1000 người đang nghiên tu Phật giáo. Đó là Hội Thanh Niên Phật tử Úc tại Victoria, Hội Phật giáo tại New South Wales. Hội có ra tờ bán nguyệt san để phổ biến giáo lý Phật-Đà. Hội Phật giáo tại Victoria và New South Wales họp thành liên minh Phật tử để thống nhất đường lối cũng như giúp đở nhau trong tinh thần từ bi, bình đẳng. Hội cũng đã ra tờ bản tin "Metta" để truyền thông những sinh hoạt cần thiết và một ít bài giáo lý căn bản. Tờ tạp chí ấy nay cải danh thành Buddhism Today.

Trong tương lai, Phật giáo Úc-Đại-Lợi như thế nào ? Từ năm 1970, số Việt kiều mỗi ngày tới định cư tại Úc càng đông, trong số đó đa số là Phật tử. Năm 1980, hai Hội Phật giáo Việt-Nam được thành lập tại Sydney và Brisbane là Vietnamese Buddhist Society, cũng như hội Phật giáo vừa mới thành hình tại miền Tây Úc và số tín đồ ngày càng đông hơn.

Với đà hoạt động của các hội Phật giáo rầm rộ như thế, chắc chắn Phật giáo còn lớn mạnh hơn tại xứ Úc. Theo như thống kê của Bộ Di Trú Úc, số tín đồ Phật giáo vào năm 1994 là 150,000 người, và còn tiếp tục gia tăng.

15.- Phật Giáo Anh Quốc

Anh-Quốc cũng như các nước Tây-phương khác, chưa biết nhiều về Phật giáo, mãi đến thế kỷ thứ 19, dân tộc bản xứ mới có dịp tiếp xúc với nền văn minh Đôn- phương qua các sách dịch kinh điển sang tiếng Anh và Pháp.

Ảnh hưởng mạnh nhất là Thiền-sư D.T. Suzuki (người Nhật-Bản ở vào tiền bán thế kỷ thứ 19), đã viết những tác phẩm về Phật giáo như "Essays in Zen Buddhism", "Zen", và một trường Theravada do giáo sư Rhys Davids thành lập vào năm 1927.

Đầu tiên ánh sáng đạo Phật truyền vào Tây-phương như là một trong 5 tôn giáo lớn của thế giới (Phật giáo, Thiên-chúa-giáo, Tin-lành, Bà-la-môn và Hồi-giáo hay đạo Islam). Tuy nhiên, cho tới giữa thế kỷ thứ 18, hai tôn giáo Lão và Khổng vẫn được xem như là những tôn giáo lớn, rồi dần dần bị mất hết ảnh hưởng. Mãi tới nay đạo Lão và đạo Khổng không còn đóng một vai trò gì đáng kể trong sinh hoạt tinh thần nữa.

Năm 1907-1908, nhiều học giả người Anh theo nghiên cứu kinh điển Đại-thừa. Đặc biệt năm 1902, ông Robe thành lập hội Phật giáo lần đầu tiên tại xứ nầy.

Năm 1905, ông R.J. Jackson là một Phật tử đã vận động và lập trường Theravada để truyền bá giáo lý Phật-Đà cho dân tộc bản xứ.

Năm 1924, các hội Phật giáo như "The Original Buddhist Society of Great Britain và Ireland" được thành lập. Tại London có hàng ngàn người biết qua tư tưởng Phật giáo bằng các sách và chính họ cũng thực hành Phật giáo như là Phật tử.

Năm 1926, A.C. March thành lập hội Phật giáo "Buddhism in England". Hội đã cho xuất bản cuốn sách "What is Buddhism ?" vào năm 1928. Theo thư tịch, hiện tại nước Anh có trên 3000 tác phẩm viết về Phật giáo, nhất là Phật giáo phái Thiền.

Trong tương lai, Phật giáo nước Anh sẽ ra sao ? Việc nầy còn tùy thuộc vào thái độ và thiện chí của tất cả những Phật tử không những người Anh mà nhất là người Việt-Nam hiện có mặt tại Anh quốc trong vòng 10 năm nay.

16.- Phật Giáo Tích Lan Thời Kỳ Du Nhập Và Ảnh Hưởng

Theo sử liệu chứng minh thì Phật giáo đã truyền vào Tích-Lan vào thế kỷ thứ 3 trước kỷ nguyên Tây lịch, đời vua Devanampiya-Tissa (250-210 B.C). Lúc bấy giờ vua Asoka trị vì ở Ấn-Độ, ra sức xiển dương Phật giáo. Một phái đoàn truyền giáo do Mahinda cầm đầu gồm có 11 người, trong số có 4 vị Tăng Ni và 7 Cư-sĩ đã tới đảo Tích-Lan.

Sự hoạt động của phái đoàn Mahinda rất được vua Tích-Lan kính phục. Họ tổ chức giảng kinh thuyết pháp và các lễ quan trọng khác. Lần thuyết pháp đầu tiên nói về kinh "Tiếu tượng tích dụ" vua rất lấy làm mãn duyệt. Phái đoàn đã quy tụ được đông đảo tín đồ, nên vua tặng một khu vườn để làm tinh-xá gọi là "Đại-Vân Viên". Đây là buổi bình minh Phật giáo Tích-Lan có ngôi chùa đầu tiên còn gọi là Đại-Tự-Viện hay Maha-Vihara thuộc cứ điểm của Phật giáo phái Thượng-tọa-bộ trên bán đảo Tích-Lan (đảo Tam-Bảo). Sa-di Smara cũng đã có đem theo được một phần Xá-Lợi của Phật và bình bát từ Ấn-Độ sang. Ngoài ra, em gái của Mahinda, là Ni-cô Sanga-Mitta cũng mang theo được một nhánh con của cây Bồ-Đề, nơi đức Phật ngồi tham thiền và chứng đạo khi xưa đem tới trồng tại Tích-Lan. Cây Bồ-Đề nầy nay vẫn còn và giữ một vai trò quan trọng trong tín ngưỡng Phật giáo tại Tích-Lan. Đồng thời sau đó, ngôi chùa Bồ-Đề cũng được thiết lập bên cạnh cây Bồ-Đề để nói lên lòng khát ngưỡng và tôn sùng Phật giáo của dân tộc bản xứ. Cũng như để đánh dấu buổi đầu Phật giáo có mặt tại Tích-Lan. Mahinda đến Tích-Lan năm 32 tuổi và nỗ lực truyền đạo không ngừng nên là bậc trưởng lão, người đã có công với Tích-Lan, như một ân nhân mang ánh sáng tới cho họ, tịch vào năm 80 tuổi, xác được hỏa thiêu tại đó.

Vào đầu kỷ nguyên Tây lịch, Phật giáo phái Đại-thừa hưng thạnh trở lại ở Ấn-Độ, nhưng tình trạng Phật giáo Tích-Lan lúc bấy giờ vẫn không có sự thay đổi, một phần do tình thế bất ổn định, phần vì việc ảnh hưởng khi tiếp xúc với Phật giáo phía Nam Ấn-Độ để mong đem lại nền hòa bình cho chính quốc không mấy tiến triển tốt đẹp. Nhưng các đời vua kế tiếp nhìn thấy sự quan trọng của Phật giáo nên lần lượt cho thành lập các tinh-xá và xây tháp mới để phụng thờ, cũng như khuyến khích nhiều người xuất gia tu học Phật ; nhờ đó, Phật giáo Tích-Lan sớm được phục hồi trở lại như xưa.

Đến thế kỷ thứ ba thì Phật giáo phái Đại-thừa được toàn thịnh. Một tín đồ Phật giáo, thuộc phái Đại-thừa từ Ấn-Độ đến đem theo kinh Phương-Quảng và truyền rộng khắp nơi tại đây. Nhưng tới đời vua Voharika-Tissa (214-236) ra sức bảo vệ phái Thượng-tọa-bộ và ra lệnh cho người điều tra sự hoạt động của phái Đại-thừa. Kết quả phái Phương-Quảng được coi là tà thuyết dị đoan nên bị đàn áp và cấm chỉ ! Mặc dù bị áp chế, cấm đoán phái Đại-thừa vẫn âm thầm hoạt động. Đời vua Gothbhaya (253-266) cho phục hồi phái Vô-Úy Sơn-Tự (Abhayagiri-vihara), trong đó có 60 vị Tỳ-kheo thuộc phái Đại-thừa bị truy nả đến tận bờ biển Ấn-Độ. Thời kỳ nầy phái Đại-thừa coi như bị tiêu diệt ! Trong khi đó, 300 vị Tỳ-kheo khác tách riêng ra lập chùa Dakkina để thành một bộ phái mới, là phái Sagariya.

Đời vua Maha-Sena (276-303) cũng tín kính các bậc Tăng sĩ Phật giáo, nhưng cũng đặt kế hoặc triệt hạ phái Đại-thừa. Ai bảo hộ phái nầy như Tỳ-kheo Sangha-Mitra và Vương-phi đều bị xử phạt nặng nề. Các sách của phái Phương-Quảng cũng bị đốt sạch. Tới đời vua Siri Meghavanna (303-331), lên ngôi và nối chí Phụ-vương, ra sức phục hưng Phật giáo và cho tái thiết những nơi di tích bị hư hoại cũng như các chùa cũ đã mục nát. Mỗi năm vua đều thiết lễ kỷ niệm những ngày vía Phật quan trọng và tổ chức cúng dường Trai Tăng, vì thế có thể nói thời kỳ nầy Phật giáo thạnh hành nhất, nên được người đời sau gọi là thời "hoàng kim của chiếc răng Phật". Tương truyền về chiếc răng Phật như sau : Khi vua ở ngôi vào năm thứ 9 (311), có Hoàng-hậu nước Caringa của Ấn-Độ là Hemamara, cùng chồng là Danta-Kumara đến đảo Tích-Lan và mang theo được cái răng cửa bên trái của đức Phật biếu cho nhà vua. Vua cho an trí đệ phụng thờ trong đền Danmachakka do vua Tissa lập. Từ đó phái Phật giáo chùa Vô-Úy-Sơn mỗi năm đều có thiết lễ tế răng Phật. Lễ nầy sau đã trở thành quốc lễ của Tích-Lan và mỗi năm đều có tổ chức rước linh đình từ đền thờ sang chùa Vô-Úy-Sơn.

Vua Kassapa đệ nhất (477-495) giết cha để lên ngôi, về sau vì muốn hối tội lỗi nên lập tinh-xá và mời chư Tăng về ở tu học cũng như ra sức duy trì bảo hộ phái Thượng-tọa-bộ.

Từ thế kỷ thứ 6 trở đi, Tích-Lan có những cuộc dấy loạn nổi lên, do đó tình thế bất an. Phật giáo cũng không phát triển được. Đến thế kỷ thứ 7, vua Dhatupa-Tissa đệ nhất cũng là người ủng hộ Phật giáo, vua lấy việc cầu kinh và làm phước để trừ được tai họa làm phương châm trị quốc. Đến thời Sena đệ nhị (853-887) cũng xiển dương Phật giáo, tổ chức tế lễ cầu nguyện cây Bồ-Đề trường thọ để cho tương lai Phật giáo Tích-Lan được sáng ngời !

Cuối thế kỷ thứ 9 và thế kỷ thứ 10, Phật giáo bị đàn áp, chùa chiền bị phá, tăng ni bị sút giảm, một số phá giới phạm trai rất trầm trọng. Đây là thời kỳ mà quân Cola của Ấn-Độ sang quấy nhiểu biên giới Tích-Lan.

Năm 1055-1110, vua Vizaya-bahu đệ nhất, lên ngôi mới dẹp được loạn quân Cola để đem lại nền độc lập cho Tích-Lan, mở ra thời kỳ Polonnarwa, cũng như ra sức phục hưng lại Phật giáo. Ở ngôi được 55 năm là thời kỳ dài nhất trong lịch sử trị vì, sau vì có sự tranh dành ảnh hưởng trong phái quý tộc và vua chúa, theo đó Phật giáo cũng bị ngưng trệ.

Parakkama-bahu đệ nhất (1153-1186) cũng ra sức chấn chỉnh lại Phật giáo như việc cải tổ lại toàn bộ và cho thống nhất cả ba phái : Đại-Tự phái, Vô-Úy-Sơn phái Và Kỳ-Đà-Lâm phái thành một phái Đại-Tự duy nhất. Phái nầy được coi như trung tâm của Phật giáo lúc bấy giờ. Ngoài ra những vị tăng sĩ nào phạm trai, phá giới đều được cho hoàn tục. Đây là một cuộc cải cách táo bạo, nhưng cũng đạt được nhiều hiệu quả sáng giá trong lịch sử Phật giáo tại Tích-Lan. Một số các chùa chiền cũ mục đã được xây cất mới trở lại. Vua còn ban bố "qui luật tăng đoàn" để làm đẹp đoàn thể xuất gia. Nhưng sau khi vua mất, tình trạng đất nước lâm vào cảnh rối ren kéo dài gần hai thế kỷ và Phật giáo phải chịu chung cảnh ngộ ấy.

Vào Hậu bán thế kỷ thứ 13, đời vua Vizaya-bahu đệ tứ (1270-1272) cũng là một tín đồ Phật giáo thuần thành. Vua cho mở đại giới đàn truyền giới Tỳ-kheo cho những tăng sĩ ưu tú, có đủ điều kiện, và một số hoạt động cho Phật giáo khác rất đáng kể như chính vua thọ giới Bồ-Tát và lấy tư cách là một Phật tử để thi hành việc quốc gia, do đó ảnh hưởng rất thuận lợi cho Phật giáo.

Vua Bhuvaneka-bahu đệ nhị (1293-1302) lên ngôi để chấm dứt htời kỳ Polonnarwa và lập ra thờ kỳ Kerne-Gara. Tiếp tới đời vua Parakkama-bahu đệ tứ (1302-1326) là những thời kỳ tái thống nhất xứ sở và cũng là giai đoạn phục hưng lại nền Phật giáo cổ truyền. Nhưng tới đời vua Vaneka-bahu đệ tứ (1341-1351) lại tin theo Ấn-Độ giáo (Hindus) nên có sự thờ tự lẫn lôn giữa Phật với thần, mặc dù không bài xích Phật giáo, Vua vẫn có một tín ngưỡng khác, do đó Phật giáo thời kỳ nầy không có dấu hiệu phát triển như ở các đời vua trước.

Vào Hậu bán thể kỷ thứ 15, vua Bhavaneka-bahu đệ lục (1470-1476) rất tích cực trong việc phát triển và bảo vệ Phật giáo. Lúc bấy giờ tại Miến-Điện, vua Dammacedi (1472-1492) một mặt lo kiến thiết xứ sở, mặt khác vua muốn Phật giáo có ảnh hưởng sâu rộng, nên cử một phái đoàn tăng sĩ sang Tích-Lan để nghiên cứu kinh điển Phật giáo bằng tiếng Pali tại Colombo, thủ đô của Tích-Lan.

Thế kỷ thứ 16, Tích-Lan bị Hòa-Lan (Holland) và Bồ-Đào-Nha (Portugal) chi phối, đến nổi tiếng Bồ-Đào-Nha trở thành chữ Quốc-ngữ và có sự pha trộn huyết thống hỗn tạp giữa hai dân tộc. Bị Bồ-Đào-Nha chi phối hơn 100 năm, sau đó Tích-Lan lại rơi vào sự thống trị của Hòa-Lan. Đây là thời kỳ Phật giáo bị triệt hạ vào thế kỷ thứ 18 và đầu thế kỷ thứ 19, bởi người Hòa-Lan đem đạo Thiên-Chúa và đạo Protestant (Tin-Lành) truyền vào Tích-Lan. Vì thấy sự mai một của đạo Phật cổ truyền, nên khi lên ngôi vua Kitti siri Razasihi (1747-1781) có ý hướng muốn chấn chỉnh trở lại. Do lời đề nghị, vua cử Sa-di Velivita Saranankara sang Thái-Lan để thỉnh kinh và tượng Phật về thờ, vào năm 1650, được vua Thái lúc bấy giờ là Danmika cử một phái đoàn gồm 15 người, do Tỳ-kheo trưởng lão Upali cầm đầu mang theo nhiều kinh điển và tượng Phật bằng vàng để tặng cho Tích-Lan. Năm 1753 một Đại-giới-đàn cũng được mở tại Colombo để truyền Tỳ-kheo-giới. Vua cho sửa đổi lại quy ước tăng đoàn và phong tăng cho Sa-di Velivita Saranankara, người có công lao lớn nhất trong việc thỉnh được phái đoàn và pháp khí, tượng Phật về thờ tại Tích-Lan, là tăng đoàn vương (Sangharaza) ; đây là thời kỳ Phật giáo huy hoàng rực rỡ và còn ảnh hưởng cho tới nay một phái gọi là phái Siam, do phái đoàn Thái-Lan lập.

Sau khi thoát khỏi sự thống trị của Hòa-Lan, Tích-Lan lại rơi vào ách thống trị của người Anh từ năm 1832. Trải qua hơn 100 năm cho tới năm 1948, Tích-Lan mới thoát được ách đô hộ của ngoại bang và tuyên bố độc lập. Từ đó đến nay Tích-Lan tìm về tình tự dân tộc trong tinh thần lợi tha bình đẳng của Phật giáo.

Năm 1950 kỳ đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên được tổ chức tại Sri-Lanka, Colombo gồm có 27 quốc gia hội viên tham dự, trong đó có phái đoàn Phật giáo Việt-Nam, là dấu hiệu cho thấy tinh thần Phật giáo đã bắt được theo nhịp sống của dân tộc Tích-Lan.

Ngày nay, theo sự điều tra của chánh phủ Tích-Lan vào năm 1971, so với dân số thì Phật giáo đồ chiếm 2/3 tổng số và chia ra như sau : Phật giáo 67.4%, Ấn-Độ giáo 17.6%, Thiên-Chúa giáo 7.8%, đạo Islam 7.1% ngoài ra, độ 1% dân số Tích-Lan theo các tín ngưỡng phức tạp khác.

Về sinh hoạt của giới Tăng sĩ Tích-Lan hầu hết đều quấn y vàng và thực hành hạnh khất thực (Phật giáo phái Nguyên-thủy hay Thượng-tọa-bộ) như hình thức của đức Phật khi còn tại thế. Mỗi ngày chư Tăng chia thì giờ ra như : Trì bát (đi khất thực), đọc kinh, tọa thiền, thọ thực, học tập, xem sách ...

Hiện tại có hai hình thức tăng đoàn : Một hình thức tu trên núi và ít tiếp xúc với các sinh hoạt xã hội và một hình thức Tăng sĩ tu tại các trung tâm Phật giáo trong đô thị. Phái tu trên núi thỉnh thoảng mới đi khất thực, phần đông đều có bổn đạo trợ lực trong việc nuôi dưỡng tăng chúng, vì người tín đồ tin vào việc "phước điền" nên họ cố gieo trồng phước đức vào ruộng phước nơi chư Tăng để mong được quả phước.

Tóm lại, Tích-Lan lấy Phật giáo làm quốc giáo. Các đời vua đều biết khế hợp giữa tôn giáo và chính trị để đem lại cho dân tộc bản xứ hướng đi đúng theo tinh thần đại hùng, đại lực, đại từ bi, nên đã được độc lập, tự chủ cho đến ngày nay.

17.- Phật Giáo Hàn Quốc : Thời Kỳ Du Nhập Và Ảnh Hưởng Ra Sao ?

Triều-Tiên (Hàn quốc) là nước sớm chịu ảnh hưởng Phật giáo cũng như các nước thuộc vùng Á Châu khác. Con đường gần gủi nhất từ Trung-Hoa sang, Phật giáo cũng theo đó mà vào Đại-hàn vào hậu bán thế kỷ thứ 4 Tây lịch.

Nước Cao-Ly (Koryo) tên cũ của Hàn-quốc, tức Bắc-Hàn ngày nay, năm 372 Tây lịch, Phật giáo từ Trung-Quốc truyền vào do các nhà sư người Hoa đem lại, và được dân chúng tại đây nhiệt liệt tin tưởng trong việc cầu phước để dựng nước và giữ vững quốc gia. Tư tưởng nầy đã được triều đình khuyến khích dân chúng nên được nhiều người tin theo. Có thể nói thời kỳ Phật giáo rất thịnh hành và được xem như là quốc giáo. Những ngôi chùa như : An-Hòa, Hưng-Quốc, Quốc-Thanh, Hưng-Vương, Diên-Phước, Pháp-Vương, Vương-Luân, Đại-Dư, Khai-Quốc, Nhật-Nguyệt, Báo-Ân, Quy-Pháp, Chấn-Quán, Cam-Lồ, Quảng-Phước ... đều được thành lập vào thời kỳ nầy. Tăng lữ tu học rất đông do nhà nước cung cấp mọi vật dụng hàng ngày. Vua rất kính trọng các bậc Tăng già như phong chức cho các vị Tăng-Thống, Vương-sư và Quốc-sư. Chính nhà vua đã thọ giới Bồ-Tát và lập tòa Bạch-Cao, Đạo-Tràng, đền Khổng-Tước, Tiêu-Tai đạo tràng và lập hội Vu-Lan. Tất cả những chi phí đều lấy của nhà nước ra xử dụng. Ngoài ra vua còn tổ chức cúng dường cho 30,000 tăng sĩ.

Bán đảo Triều-Tiên lúc bấy giờ chia thành 3 nước : Phía Bắc là Cao-Ly, phía Đông là Tần-La (Shilla), phía Tây là Bách-Tế (Pekutie) do chế độ bộ tộc chia ra để cai trị. Đó là thời kỳ Tam-Quốc vào hậu bán thể kỷ thứ tư Tây lịch tại Hàn-quốc.

Theo tại liệu "Tam quốc sử ký" thì Phật giáo sơ kỳ của thời đại Bách-Tế vào năm 384 Tây lịch, đã được phát triển mạnh tại đây. Những nhà quý tộc tôn sùng đạo Phật và nhiều ngôi chùa được thành lập, tượng Phật, tranh vẽ cũng được tạc, họa ở khắp các nơi trong nước. Đây là thời kỳ mà mỹ thuật Phật giáo nổi bật và phong phú nhất tại Triều-Tiên.

Phía Đông của Tần-La (một phần của Triều-Tiên) bị Trung-Quốc đời nhà Đường (thế kỷ thứ 7) chi phối. Mỗi năm phải gởi sứ bộ sang "Thiên Triều" để lãnh mệnh lệnh. Ngoài ra, chính quền thuộc địa còn phải gởi du học sinh, lưu học tăng sang Trung-Quốc để học về nền văn minh của nhà Đường. Nhờ sự trao đổi đó mà thời kỳ nầy Phật giáo phát triển rực rỡ. Mọi nguyên lý chỉ đạo quốc gia đều dựa theo tinh thần hòa bình của đạo Phật. Những chùa chiền, tượng Phật, tháp chuông đều do nhà nước bỏ tiền ra tạo lập. Nhà nước còn cung cấp ruộng đất cho chùa làm tài sản để sinh hoạt tự viện trong việc nuôi dưỡng tăng chúng. Nhưng đến cuối thời nầy, phần nhiều việc tạo dựng chùa chiền đều bị giảm sút, thay vào đó, đến đời vua Trang-Vương (806) lại ra lệnh cấm xây cất chùa mới.

Nhờ ảnh hưởng của thời đại Tần-La, nên giới quý tộc, vua chúa biết lấy giáo pháp Phật giáo để bảo hộ việc trị quốc an dân, do đó trải qua nhiều triều đại các vị vua chúa vẫn tôn sùng đạo Phật. Đời Văn-Võ-Vương (661-681) khi chết cho đốt xác, tro tàn thả trôi trong biển Đông-Hải theo lời di chúc, do ảnh hưởng sâu đậm về Phật giáo lúc vua còn sống. Mỹ thuật Phật giáo đã đạt được tới chỗ tuyệt vời. Ngôi chùa Phật-Quốc tại Khánh-Châu được dựng vào đời vua Pháp-Hưng năm thứ 22 (535), sau tới đời Cảnh-Đức thứ 50 (756) mới cho kiến thiết ngôi quốc tự nầy trở lại, cho tới nay vẫn còn, chùa có điện Đại-Hùng lớn rộng và những điện khác như Cực-Lạc, điện Tỳ-Lư, điện Quan-Âm, điện Văn-Thù, điện thờ 500 vị thánh, điện thờ 1000 đức Phật v.v... Trong cảnh chùa còn có cầu Bạch-Vân, cầu Thất-Bảo cao 10 mét và tháp Đa-Bảo bằng đá vân là những công trình mỹ thuật cổ rất công phu.

Đời vua Thiện-Đức nữ vương (632-646) dựa vào thuyết vũ trụ của Phật giáo lập nên đài Thiên văn đầu tiên tại Khánh-Châu.

Nhưng đến đời nhà Lý vào thế kỷ thứ 15, Phật giáo dần dần bị mất ảnh hưởng. Vua Lý-Thái-Tổ bắt đánh thuế chùa và đất ruộng của chùa. Tới đời Thái-Tông bài xích Phật giáo rõ rệt như việc giới hạn đến mức tối đa các sinh hoạt Phật giáo. Đời Lý-Thế-tông (1418-1450) việc bài xích Phật giáo lại càng dữ dội hơn như hạng chế người xuất gia, ban hành lệnh nghiêm ngặt cấm không cho cất chùa.

Các thời đại huy hoàng của Phật giáo không còn nữa, giới tăng sĩ bị khủng hoảng, hàng quý tộc không còn đất đứng và coi như mất nước nên họ tìm cách lánh nạn sang Nhật-Bản mà trong số đó có đủ thành phần : Vương tôn, quý tộc, học giả, tăng sĩ, các nhà nghệ thuật, kiến trúc sư, nhà binh pháp ... Họ tới Nhật-Bản lập nghiệp bằng cách khai khấn đất hoang, khai phá các ngành kim thuộc, khoáng chất, mỏ quặng ươm tơ ... rất phát đạt.

Chúng ta không lấy gì làm ngạc nhiên, ngày nay tại Nhật-Bản người Đại-Hàn sinh sống rất đông, vì trải qua mấy đời lập nghiệp và đã mang lại cho dân tộc xứ Phù-Tang tinh thần Phật giáo và mỹ thuật cổ truyền. Họ có một đời sống dễ thở hơn các dân tộc khác về mặt pháp lý.

Hàn-quốc ngày nay vẫn còn bị chia đôi đất nước. Bắc-Hàn theo chủ nghĩa duy vật Cộng-sản. Nam-Hàn theo chủ nghĩa tư bản. Phật giáo còn duy trì và phát triển ở phía Nam Triều-Tiên.

18.- Phật Giáo Lào Quốc Thời Kỳ Du Nhập Và Sự Phát Triển

Các nước sớm chịu ảnh hưởng của Phật giáo, thuộc vùng Á-Đông mà trong số đó Lào-Quốc là một quốc gia đã hấp thụ Phật giáo theo con đường truyền giáo phía Nam, tức là Phật giáo truyền theo con đường bộ hay còn gọi là Nam-phương Phật giáo.

Thời kỳ phật giáo du nhập vào nước Lào, cho tới đây chưa có sử liệu nào chứng minh xác thực được cả. Tuy nhiên, căn cứ vào những dữ kiện sau đây để chúng ta có thể xác định được rằng Phật giáo đã tuyền vào nước Lào từ thế kỷ thứ 4 và đầu thế kỷ thứ 5 Tây lịch.

Theo một số sử liệu thì từ thế kỷ thứ 4, Phật giáo đã truyền vào xứ Phù-Nam (founan), tức là tên của Lào thời cổ, những nhà truyền giáo từ Trung-Hoa đã đến đây và đạo Phật đã được người địa phương tôn sùng như việc lễ bái, cầu kinh và dân chúng cũng đã biết tin vào việc phước báo, nhân quả, luân hồi. Vùng Tchen-La là một trung tâm Phật giáo thứ hai thuộc ảnh hưởng của người Chàm, tức là ở về phía Nam hay Nam Lào đã có nhiều tín đồ theo Phật giáo. Sự kiện nầy đã có ghi rõ trên các bia khắc bằng đá và đã được khám phá tại miền Kratie và K'Orat vào khoảng thế kỷ thứ 7, cũng như những tác phẩm của Yi-Tsing đều là những chứng minh cần thiết.

Trải qua nhiều thế kỷ, Phật giáo đã bắt được gốc rể tại đó và dân chúng tin vào thuyết luân hồi quả báo của đạo Phật trong kiếp sua, nên được các đời vua duy trì và bảo hộ. Thêm một chứng minh rõ ràng nhất là vào năm 1356 dưới triều vua Fa-Ngum, tín ngưỡng Phật giáo đã được phát triển sâu rộng trong dân chúng. chính bà Nang-Keo Lotfa, vợ của vua, yêu cầu cho người sang Cambogde thỉnh chư tăng sang Lào để dân chúng được dịp tiếp xúc và tìm hiểu thêm Phật giáo nước láng giềng. Một phái đoàn Phật giáo thuộc hệ phái Theravada, do P'ra Maha Pasaman Chao cầm đầu đã đến vương quốc Lang-Xang, tức là tên cũ của Vương quốc Lào, theo lời yêu cầu để xiển dương Phật pháp.

Tại Lào, những ngôi chùa cổ, những pho tượng Phật bằng đồng tại Vientiane, cũng như các pho tượng Phật bằng gỗ còn tồn tại cho tới nay là những bằng chứng cho thấy Phật giáo đã đặt nền móng đầu tiên tại Bắc Lào rồi dần dần lan rộng ra trong toàn quốc, tùy thuộc vào các yếu tố của mỗi địa phương. Ở những vùng Trấn-Ninh, Bassac, Luang-Brabang, đều có những ngôi chùa nổi danh hiện nay vẫn còn. Nhờ ảnh hưởng Phật giáo lâu đời, do đó tư tưởng Phật giáo cũng đã thấm nhập vào văn hóa và các sinh hoạt khác như : Các ngày tết, việc tế tự, ma chay tại Lào.

Từ thế kỷ 15 trở đi cho tới hiện nay, Phật giáo Lào không có dấu hiệu nào cho thấy có sự tiến triển nổi bậc đáng kể. Dân tộc Lào vốn ít, đất đai lại hẹp và có một nền văn minh thấp, nghĩa là chậm tiến hơn các dân tộc khác trong vùng Á-Châu. Dân chúng phần đông sống bằng nghề nông, nên họ đã bị các thế lực chính trị lớn mạnh hơn đồng hóa. Thời Pháp (1884-1954), Lào là một nước thuộc địa của Pháp trong vùng Đông-Dương. Sau khi thoát khỏi ách đô hộ của người Pháp, Lại lại bị chi phối bởi hai thế lực : Quốc-gia và Cộng-sản. Cuối cùng vào năm 1975, Cộng-sản thắng thế ở Việt-Nam, rồi toàn thể xứ Lào cũng bị nhuộm đỏ bởi quân Phathet Lào nhân danh giải phóng quê hương của họ do sự cố vấn của chính quyền Hà-Nội.

Ngày nay, Phật giáo Lào có còn chăng cũng chỉ là một số những ngôi chùa cổ và các di tích lịch sử, nghĩa là trên hình thức , trên thực tế người dân bị khống chế bởi thế lực chính trị vô minh quốc tế.

19.- Lá Cờ Phật Giáo Thế Giới Tượng Trưng Cho Ý Nghĩa Gì, Cũng Như Nói Qua Sự Xuất Hiện ?

Là cờ Phật giáo thế giới là biểu tượng cho linh hồn của Phật giáo qua sự hiện hữu của đạo Phật trong cuộc đời nầy.

Một điều mới lạ là cờ Phật giáo mới xuất hiện sau đệ nhị thế chiến, mặc dầu đạo Phật đã có một lịch sử lâu dài trên 2500 năm ! Người có sáng kiến phát họa lá cờ Phật giáo là một nhà quân sự Hoa-Kỳ, ông Henry Steel Olcoltt (1832-1907). Là một học giả Phật giáo uyên thâm và là một ký giả tài ba, ông từng phục vụ với chức vụ Đại-Tá trong quân lực Hoa-Kỳ. Là người đắc lực trong việc chấn hưng Phật giáo tại Tích-Lan. Ông là tác giả lá cờ Phật giáo thế giới có một giá trị lịch sử, vì thế trong kỳ đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên tại Sri Lanka, Colombo, vào năm 1950, được Thượng-Tọa tiến-sĩ Hikkduwe Susmangala Thera, Giám-đốc Viện Đại-học Phật giáo Tích-Lan chuẩn nhận,

Năm mầu cờ tượng trưng cho 5 sắc hào quang của đức Phật hay 5 căn như : Xanh đậm (Tín), vàng (Huệ), trắng (Niệm), đỏ (Định), hồng (Tấn), và một mầu tổng hợp bằng 1/5 của lá cờ. Ngoài ý nghĩa tinh thần ra lá cờ Phật giáo còn tiêu biểu cho màu da, chủng tộc và tượng trưng cho năm Châu nối liền nhau không cách ngăn ranh giới.

Phật giáo Việt-Nam cũng như các nước Phật giáo thế giới ngày nay đều dùng thống nhứt lá cờ Phật giáo 5 sắc và một màu tổng hợp nầy. Lần đầu tiên tại kỳ đại hội Phật giáo Việt-Nam tại Hà-Nội (1951), lá cờ Phật giáo thế giới tung bay trước đại hội, qua bài Phật kỳ "Phật giáo Việt-Nam Thống Nhất Bắc Nam Trung từ nay ..." do nhạc sĩ Lê-Cao-Phan sáng tác, đã đem lại cho người Phật tử niềm phấn khởi, tin tưởng nơi các đại biểu Phật giáo toàn quốc.

Lá cờ Phật giáo thế giới được dương cao lên ở bất cứ nơi nào, chứng tỏ rằng ở đó chánh pháp được phát huy và con người thắm nhuần trong giáo lý giải thoát, giác ngộ của đạo Phật vậy.

20.- Tự Do Tôn Giáo. Thế Nào Là Tự Do Tôn Giáo ?

Trong bất cứ một quốc gia nào mà tôn giáo bị cấm chỉ mọi hoạt động hay nhà cầm quyền tìm đủ mọi cách để hạn chế sự sinh hoạt của đạo giáo. Từ đó vấn đề tự do tôn giáo được đặt ra.

Không có tụ do tôn giáo có nghĩa là tôn giáo không được quyền truyến bá sâu rộng trong dân chúng tức là có hàm ý nghĩa mất cả sự tự do thuộc lãnh vực tinh thần, một trong bốn quyền tự do căn bản như tư tưởng, tín ngưỡng, ngôn luận và hội họp.

Tự Do Tôn Giáo Và Tự Do Tín Ngưỡng Khác Hay Giống Nhau ?

Nhìn một cách tổng quát thì tự do tín ngưỡng bao hàm một nghĩa rộng và nằm trong khía cạnh chọn lựa. Bởi lẻ, mọi người khi sinh ra cho tới giai đoạn biết nhận thức hay do truyền thống lâu đời, có quyền tin theo bất cứ một vị giáo chủ của bất cứ một tôn giáo nào, kể cả những vị thần linh, cho tới việc chú thuật, phù phép, đồng bóng, luyện đơn, giáng cơ .., tức là tin theo những điều mà chính ta cho là hợp lý và đúng thì không một ai nhân danh dưới bất cứ một quyền lực hay danh nghĩa nào để tước đoạt được quyền tối thượng nầy của con người cả. Từ đó, người ta mới phân biệt được rằng tự do tín ngưỡng là giai đoạn còn đắn đo, cân nhắc và lựa chọn mà con người phải có một thái độ dứt khoát trước khi thực hiện đức tin. Trong khi đó, tự do tôn giáo mang một ý nghĩa tích cực hơn thuộc về chiều sâu và đã nằm trong khuôn khổ của lãnh vực tinh thần thuần lý tức là đức tin của người tín đó đã đặt được cơ sở nơi tôn giáo mà họ đang tôn thờ và tích cực bảo vệ, duy trì.

Bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền được ban hành ngày 10/12/1948 nơi điều 18 cũng đã qui định quyền tự do tín ngưỡng là một quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm. Tất cả mọi người sinh ra trên mặt trái đất không phân biệt sang hèn, quí tiện, trai gái, già trẻ đều có quyền chọn lựa đức tin thích hợp để tôn thờ như là một lý tưởng cao cả của họ, không một ai có thể dùng thế lực để uy hiếp buộc phải theo tôn giáo nầy hoặc tôn giáo khác.

Trước khi chưa có bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền và sau khi bản minh văn nầy ra đời, quyền tự do tôn giáo có được tôn trọng một cách đúng mức ?

Quyền tự do tín ngưỡng (tôn giáo) đã bị đàn áp, tước đoạt dưới các chế độ quân chủ chuyên chế, độc tài phát xít, cũng như ở nhiều nơi trên thế giới, nhất là tại các nước Cộng-Sản nắm quyền. Do đó, các nhà lãnh đạo các quốc gia yêu chuộng tự do trên thế giới nhìn thấy tình trạng bi đát ấy và muốn cho quyền tự do tối thượng của con người phải được tôn trọng, nên đã đồng ý với nhau thảo soạn bản văn gồm các điều khoản căn bản của quyền làm người mà vấn đề tôn giáo chiếm một phần quan trọng, đã được ban hành 50 năm trước. Điều nầy cũng có nghĩa là từ khi có mặt loài người trên mặt đất cho tới ngày nay đã trãi qua một giai đoạn trường kỳ lịch sử, vấn đề giới hạn, ức chế, đàn áp tôn giáo đã diễn ra nhiều nơi, nhưng vì con người chưa đạt tời một trình độ văn minh đủ để nhận chân ra được đức tin của mình đã bị tước đoạt phi lý. Hoặc giả, trong thời buổi mà phương tiện truyền thông chưa được tinh vi ngày trước, con người ở đâu có bị đàn áp cũng âm thầm lãnh nhận mọi hậu quả và tiếng kêu cứu của họ, nếu có, quả thật rất bé bỏng và vô hiệu !

Ngày nay, vấn đề tự do tôn giáo không hẳn đã được tôn trọng đúng mức, nhất là ở trong các chế độ độc tài, chuyên chính vô sản, chủ nghĩa duy vật của người cộng sản phi nhân...vẫn còn bị cướp đoạt quyền tối thượng nầy của người dân một cách quá đáng như tại các nước Việt-Miên-Lào và một số quốc gia thuộc Á-Phi và Châu-Mỹ La-Tinh.

Theo Thích-Đức-Niệm, trong quyển "Nghiên Cứu Văn Học Việt-Nam Triều Lý Và Văn Học Trung-Quốc" đã viết :

"Trong phạm vi sinh hoạt của nhân loại được cấu thành bởi hai khía cạnh tâm linh và cơ thể. Để cho đời sống được quân bình toàn vẹn thì giữa đời sống vật chất và tín ngưỡng không thể thiếu một. Cũng như loài chim phải đủ đôi cánh mới bay đi tự tại, loài người có bộ chân mới đi lại được trong thiên hạ. Nguồn gốc của văn hóa, triết học nhân loại đều từ tín ngưỡng tôn giáo mà thành. Đạo Do-Thái (Thiên-Chúa) làm nẩy sinh ra Triết-học Tây-phương, cũng như đạo Nho, đạo Lão và đạo Phật là giềng mối của Triết-học Đông-phương ..." (Luận án Tiến-sĩ Đại-học Sư-phạm Đài-Loan, Thích-Đức-Niệm)

Vì thế, một khi quyền tự do tôn giáo đã bị xâm phạm và tước đoạt, thì người tín đồ của tôn giáo sẽ vùng lên tranh đấu bằng bất cứ giá nào, để đòi cho được quyền nầy phải thuộc về toàn dân, kể cả việc hy sinh thân mạng cho tôn giáo để được tự do, người ta vẫn không tiếc đời sống vật chất tầm thường mà tinh thần bị câu thúc, gò bó. Cũng vì nghĩa của hai chữ TỰ DO mà đã có biết bao nhiêu vị Thánh-tử vì đạo đem đổi sinh mạng mình cho lý tưởng của tôn giáo một cách hào hùng, bất khuất.

Vấn đề đời sống tinh thần của con người càng bị chèn ép, ức chế, giới hạn bao nhiêu, người ta càng vùng lên như một sức công phá ngấm ngầm làm tan rả chế độ khát máu độc tài như lịch sử đã minh chứng.

21.- Việc Truyền Bá Của Phật Giáo Trên Thế Giới Ngày Nay Ra Sao ?

Phật giáo có một lịch sử lâu dài nhất, phát xuất từ Ấn-Độ, do đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni làm giáo chủ từ năm 624 trước Tây lịch và tính cho đến năm 1977 vừa đúng 2541 năm Phật lịch.

Phật giáo đã mang lại cho nhân quần xã hội nói chung và các nước Phật giáo trên thế giới nói riêng một sức sống tinh thần rất cao qua các lãnh vực văn hóa, mỹ thuật, âm nhạc v.v... không phải nhỏ vậy. Phật giáo có thể nói là một đạo hòa nhập vào xã hội loài người, vì nơi nào ánh sáng chân lý được soi tới, nơi đó liền thích hợp ngay với cơ duyên mà tồn tại. Tại các nước mà đạo Phật đã truyền vào có một lịch sử lâu dài như Trung-Quốc, Nhật-Bản, Triều-Tiên, Nam-Dương, Tích-Lan, Miến-Điện, Thái-Lan, Việt-Nam ... đã không ngừng thoát xác để thích nghi với từng hoàn cảnh của mỗi nơi cho phù hợp với con người tại đó, đúng theo như tinh thần tùy duyên nhi bất biến mà trong giáo lý đạo Phật có nêu ra. Đạo Phật cũng biến thiên theo với dòng vận mệnh của các quốc gia, tức là cùng trải qua những sự thăng trầm vinh nhục với tình trạng chính trị mà đạo Phật đóng một vai trò quan trọng trong suốt dòng lịch sử đấu tranh, nghĩa là cùng chia sớt nổi an nguy với chính người trong cuộc. Nói như thế có nghĩa là đạo Phật không rời dân tộc khi đã bắt tay vào xây dựng cho quốc gia hùng cường và dân tộc thịnh vượng như Ấn-Độ thời Asoka, Nhật-Bản thời Kamakura, Việt-Nam thời Lý-Trần.

Ngày nay Phật giáo không phát triển rầm rộ ở chiều rộng mà có ảnh hưởng lớn về bề sâu như một chất thẩm thấu sâu vào trong lòng dân tộc không thể rời nhau được. Nếu có dịp đến Nhật, chúng ta sẽ thấy tinh thần Phật giáo làm nhựa sống cho dân tộc xứ Phù-Tang. Thật vậy, sự ngay thẳng, không tham lam, tính trung thành đã được giáo dục cho con em từ thời kỳ mẩu giáo. Có người còn bảo : Nhật là xứ "Cực-Lạc" cũng đúng phần nào. Mặt khác, Thiền Phật giáo là môn học thực tiển đã được các học giả Tây phương say sưa nghiên cứu và nhiều người Âu Mỹ đang thực hành Phật giáo tại các trung tâm tu thiền quốc tế.

Phật giáo tiến theo trào lưu của mọi thời đại mà tồn tại, chúng ta có thể nghĩ rằng đạo Phật bị mai một dưới các xã hội chủ nghĩa, nhưng đó chỉ là luồn sống ngầm chờ ngày thoát xác.

22.- Hội Phật Giáo Thế Giới. Thành Lập - Mục Đích - Hệ Thống Tổ Chức - Hoạt Động.

Phật giáo không cần phô trương lực lượng, vì thế suốt hơn 2500 năm Phật lịch, kể từ khi đức Phật Thích-Ca xuất thế, mới nhìn vào ta tưởng chừng như Phật giáo thiếu sự tổ chức nhất trí. Do đó, các nhà nghiên cứu Phật giáo muốn chứng tỏ một cách cụ thể, nên lập Hội Phật Giáo Thế Giới.

- THÀNH LẬP :

Hội Phật giáo thế giới (The World Fellowship of Buddhist : WFB) được thành lập vào ngày 25-5-1950 tại Sri Lanka, Colombo, thủ đô Tích-Lan, gồm có 27 quốc gia hội viên thuộc Á Châu (1), Âu Châu và Bắc Mỹ. Đồng thời đây cũng là đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên được tổ chức tại một Quốc gia có truyền thống đạo Phật lâu đời.

- MỤC ĐÍCH :

Mục đích của Hội Phật gGiáo Thế Giới là kết hợp rộng rãi các nước hội viên Phật giáo trên toàn thế giới thành một khối duy nhất để trao đổi những kinh nghiệm hoằng pháp giúp đỡ lẫn nhau trong tinh thần từ bi, bao dung của Phật, để cùng nhau thực hành những lời Phật dạy, cũng như để duy trì và phát triển Phật giáo ở khắp năm Châu thuộc vùng ảnh hưởng của đạo Phật. Theo như tinh thần của Bản Nội Quy được thành lập, Hội đã vạch đường hướng và mục đích hoạt động :

- Đôn đốc việc giữ gìn giới luật và thực hành theo lời Phật dạy.

- Thắc chặc tình thân hữu huynh đệ giữa các nước Phật giáo thành một khối duy nhất.

- Quảng bá sâu rộng giáo lý Phật-Đà trong các môi trường sinh hoạt, đời sống xã hội.

- Áp dụng Phật giáo vào các lãnh vực xã hội, giáo dục, văn hóa và các phạm vi nhân đạo khác.

- Đem lại nền hòa bình thực sự cho con người và sự hạnh phúc cho nhân loại, cũng như sẵn sàng hợp tác với những tổ chức có cùng một mục đích.

- HỆ THỐNG TỒ CHỨC.

Hội Phật Giáo gồm có : Một Hội-trưởng và mười hai Hội-phó, hội trưởng được chọn lựa trong số các đại biểu có uy tín nhất trong các trung tâm Phật giáo địa phương, một Tổng-thư-ký, hai Phó Tổng-thư-ký và một Thủ-quỷ. Văn phòng thường trực hay bổn bộ của Hội PGTG không đặt cố định ở một nơi mà do các kỳ đại hội được tổ chức hai năm một lần, quyết định. Từ năm 1950-1958 trụ sở của Hội PGTG đặt tại Colombo, thủ đô Tích-Lan (Sri Lanka). Từ năm 1958-1963 văn phòng hội đặt tại Ngưỡng-Quang thủ đô Miến-Điện (Burma), từ năm 1963 cho tới nay bổn bộ của hội đặt tại Bangkok, thủ đô Thái-Lan.

- HOẠT ĐỘNG :

Hội Phật Giáo Thế Giới hoạt động dựa theo các bộ môn sau đây :

- Tài chánh.

- Xuất bản, phiên dịch, giáo dục, văn hóa và nghệ thuật.

- Hoằng pháp và tổ chức.

- Xã hội.

- Hành chánh và liên đới.

- Thanh niên.

Trưởng thành gần 50 năm (1950-1997). Hội Phật Giáo Thế Giới đã có những hoạt động cụ thể như tổ chức được cho tới nay là 20 kỳ đại hội, gồm các nước Phật giáo trên toàn thế giới tham dự tổ chức đại hội. Đại hội PGTG được quy định tổ chức hai năm một lần để kiểm điểm Phật sự đã qua và đặt kế hoạch hoạt động Phật sự tại mỗi vùng hay mỗi trung tâm Phật giáo địa phương. Vào lần đại hội thứ 5 tại Bangkok, năm 1958, HPGTG qui định ngày trăng tròn tháng tư âm lịch làm ngày Phật-Đản.

Trong chiều hướng ấy, liệu hội PGTG có làm được gì để cứu nguy Phật giáo các nước đang bị áp bức dưới chế độ bạo tàn của cộng sản như Việt - Miên - Lào ?

Cho đến giờ phút nầy, Phật giáo tại những nơi vừa nêu trên đã bị khống chế, khủng bố, tiêu diệt bằng đủ mọi cách, dưới các chiêu bài lừa bịp quần chúng Phật tử của người Cộng-Sản duy vật phi nhân, nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy hội PGTG tìm ra được một biện pháp thích ứng cụ thể để giải quyết vấn đề một cách có hiệu quả, theo đúng với tinh thần tương hỗ mà hội đã vạch ra. Mặc dù, có những thỉnh nguyện rất chính đáng như torng kỳ đại hội PGTH lần thứ 12 nhóm họp tại Tokyo Nhật-Bản, từ ngày 1 đến 6 tháng 10 năm 1978, sáu vị tăng sĩ thuộc chi bộ Phật giáo Việt-Nam Thống-Nhất đã tuyệt thực trước đại hội ba ngày để đưa những thỉnh nguyện yêu cầu đại hội giải quyết :

- Yêu cầu đại hội PGTG nỗ lực vận động cho hòa bình thế giới và nhân quyền tại Việt - Miên - Lào.

- Yêu cầu đại hội PGTG đưa vấn đề đàn áp nhân quyền và tôn giáo tại Việt-Nam vào nghị trình đại hội.

- Yêu cầu đại hội PGTG đề cử một phái đoàn quan sát sang Việt-Nam để gặp các nhà lãnh đạo Phật giáo và các vị lãnh đạo tinh thần thuộc các tôn giáo khác hiện đang bị giam giữ trong các lao tù Cộng-sản Việt-Nam.

- Yêu cầu đại hội PGTG can thiệp với chính quyền Cộng-sản Việt-Nam thả tức khắc những tù nhân chính trị, tôn giáo và hàng trăm ngàn người yêu nước khác đang ở trong các trại học tập cải tạo.

Đây là một vấn đề mà ai cũng nghĩ là ngoài phạm vi của đại hội, nhưng ít ra các khía cạnh liên quan tới tôn giáo phải được giải quyết tận gốc với uy tín sẳn có của các nhà lãnh đạo PGTG.

Ngoài ra, Ủy ban liên lạc Tăng Ni Việt-Nam tại Pháp cũng đặt ra ba điểm và yêu cầu đại hội tìm biện pháp giải quyết :

- Vấn đề nhân quyền phải được tôn trọng để mọi người trên thế giới góp chung tiếng nói xây dựng cho nền hòa bình thực sự cho nhân loại.

- Tìm cách can thiệp với chính quyền ba nước Đông dương thả tức khắc các tăng ni đã bị bắt giam trái phép cũng như các nhà lãnh đạo tinh thần thuộc các tôn giáo khác. Ngăn chặn việc đập phá các tượng Phật, chiếm đoạt chùa chiền một cách trái phép.

- Kêu gọi sự họp tác chặt chẻ giữa các nước trên thế giới tìm cách giúp đỡ hữu hiệu cho những người tị nạn đang còn lênh đênh trên biển cả tìm tới đất liền nơi các nước tự do, đặc biệt là các nước trong vùng Đông-Nam-Á.

Những thỉnh nguyện đã được đại hội hứa giải quyết ổn thỏa, đã ghi vào bản đúc kết của chương trình đại hội. Suốt trong thời gian một tuần lễ, các đại biểu tham dự đại hội còn hứa sẽ vận động phong trào địa phương ủng hộ cho công cuộc tranh đấu chính nghĩa của chúng ta sớm đạt thành kết quả, chúng ta hãy chờ xem ...

GHI CHÚ :

(1) Kỳ Đại Hội PGTG lần đầu tiên tổ chức tại Sri Lanka, Tích-Lan gồm có 27 nước hội viên tham dự, trong số đó có phái đoàn Phật giáo Việt-Nam do Thượng-Tọa Tố-Liên làm trưởng đoàn phó hội. Lá cờ PGTG được phổ cập tại Việt-Nam kể từ kỳ đại hội Phật giáo toàn quốc năm 1951 tại Huế.

(2) Các kỳ Đại Hội PGTG đã được tổ chức tại các nước : Colombo, Tích-Lan vào năm 1950, lần thứ nhất

- Tokyo, Nhật-Bản lần thứ 2 vào năm 1952.

- Ngưỡng-Quang, Miến-Điện lần thứ 3 vào năm 1954.

- Kathmandu, Nepal lần thứ 4 vào năm 1956.

- Bangkok, Thái-Lan lần thứ 5 vào năm 1958.

- Pnompenh, Cambodge lần thứ 6 vào năm 1961.

- Sarnath, Ấn-Độ lần thứ 7 vào năm 1964.

- Chieng Mai, Thái-Lan lần thứ 8 vào năm 1966.

- Kuala Lumpur, Mã-Lai lần thứ 9 vào năm 1969.

- Sri Lanka, Colombo lần thứ 10 vào năm 1972.

- Bangkok, Thái-Lan lần thứ 11 vào năm 1976.

- Tokyo và Kyoto, Nhật-Bản lần thứ 12 vào năm 1978.

- Bangkok, Thái-Lan lần thứ 13 vào năm 1980.

- Colombo, Tích-Lan lần thứ 14 vào năm 1984.

- Kathmandu, Nepal lần thứ 15 vào năm 1986.

- Los Angeles, Hoa-Kỳ lần thứ 16 vào năm 1988.

- Seoul, Nam-Hàn lần thứ 17 vào năm 1990.

- Taiwan, Đài-Loan lần thứ 18 vào năm 1992.

- Bangkok, Thái-Lan lần thứ 19 vào năm 1994.

- Dự định tổ chức lần thứ 20 vào năm 1996 tại Tích-Lan, sau đó đổi sang Nam-Hàn nhưng vì các biến cố chính trị tại 2 quốc gia nầy cho tới nay (1997) đại hội lần thứ 20 vẫn chưa triệu tập.

SÁCH THAM KHẢO.

Hán-văn :

1- Tối Tân Thật Dụng Phật Học Tự Điển Đinh-Phước-Bảo, Hà-Tú-Bồi Taipei 1976.

2- Trung-Quốc Phật Giáo Sử và Phật Giáo Sử Tích Dương-Gia-Lạc Taiwan 1972.

3- Ấn-Độ Phật Giáo Sử Lược Đạt-Danh biên Taipei 1970.

4- Lĩnh-Nam Chích Quái Võ-Quỳnh hiệu đính.

5- Trung A-Hàm.

6- Trường A-Hàm.

7- Tạp A-Hàm.

8- Tăng Nhất A-Hàm.

9- Hán Việt Tự Điển Thiều-Chữu.

10- Tứ-Thập-Nhị-Chương Kinh.

11- Cao Tăng Truyện Ven. Thích-Huệ-Đạo Taipei 1975.

12- Tân, Tục Cao Tăng Truyện Hành-Dương, Dư-Vị-Am Taiwan 1973.

13- Tam-Tạng Pháp Sư Truyện Thích-Huệ-Lập Taipei 1978.

14- Phật Học Ngũ Thư Dương-Gia-Lạc Taiwan 1974.

15- Phật Học Đại Cương Tạ-Mông Taiwan 1968.

16- Trung-Quốc Văn Học Sử Việt-Nam Lý Triều Văn Học Chi Nghiên Cứu Ven. Dr. Thích-Đức-Niệm Taiwan 1978.

Nhật-văn :

1- Shukyo Senshi Keitai To Kiron Yanagawa Keiichi dịch 1972.

2- Betonamu No Shukyo 1976.

3- Shukyo Gaku Hand Book Mizunokogen & Shibatadoken 1976.

4- Bukkyo Shi Yasuaki Nara 1979.

5- Nihonshi Toro Sakamoto 1970.

6- Se Kaizinmeijiten Kyogaku Kenkyusha 1980.

7- Sekai Zinmei Jiten Naosuke Sato & Koji Hirata 1973.

8- Kodera Junrei Eizaburo Saito 1980.

9- Kodai Jiin No Seiritsu Masaji Shimizu 1979.

10- Kankoku Kodera Hakkutsu Tomaru Katsumi 1980.

11- Tanbo Nihon No Kodera 1980.

12- Bukkyo Shiso I & II Mistu Yoshisaigusa 1975.

13- Toichi Stushin Youshioka Roshi 1977-1980.

14- Bukkyo Times Shoto Shu 1976.

15- Zen Toichi Yoshi Oka 1978

16- Zen No Tomo Shoto Shu 1975-1980.

17- Bukkyo Daiziten Shikita.

Anh Và Pháp-văn :

1- English - Japanese dictionary Kenkyusha 1978.

2- La Rousse Librairie Larousse 1979.

3- Presence du Buddhisme France - Asie, Saigon 1959.

4- Essais sur le Buddhisme Zen D.Z. Suzuki Paris 1954.

5- Buddhism & Zen in Vietnam Ven. Thich-Thien-An Tokyo 1975.

6- Dialogue Writers Laboi Saigon 1965.

7- Vietnamese Studies & Their Relationships to Asian Studies.

8- L'art Vietnamien Louis Bezacier Paris 1955.

9- History of Buddhist Thought E.J. Thomas London 1933.

10- Le Buddhisme En Annam, Des Origines Au 13e Siecle Tran-Van-Giap.

11- Beyond Vietnam Edwin O. Reischauer Tokyo 1970.

12- Religions in Japan William K. Bunce Tokyo 1959.

13- Buddhist Scriptures Translated by Edward Conge London 1959.

14- Zen Philosophy, Zen Practice Thich-Thien-An USA 1975.

Việt-văn :

1- Việt Nam Phật Giáo Sử Lược T.T. Thích-Mật-Thể, Phật Học Viện Trung Phần 1960.

2- Việt Nam Phật Giáo Sử Luận Nguyễn-Lang Paris 1978.

3- Hoàng-Việt Thi Tuyển Đại học sư phạm Saigon.

4- Na-Tiên Tỳ-kheo Kinh

5- Tứ-Phần Giới Luật

6- Kinh Pháp-Hoa T.T. Thích-Trí-Tịnh dịch 1966.

7- Phật Pháp Thích-Minh-Châu, Thích-Thiên-Ân, Thích-Đức-Tâm, Thích-Chân-Trí 1959

8- Phật Học Phổ Thông Thích-Thiện-Hoa

9- Đạo Phật Ngày Nay Thích-Nhất-Hạnh

10- Đạo Phật Ngày Mai B'sudanglu Saigon 1970

11- Đạo Phật Hiện Đại Hóa Nhất-Hạnh Saigon 1965

12- Đạo Phật Đi Vào Cuộc Đời Nhất-Hạnh Saigon 1964

13- Kinh Pháp-Cú

14- Kinh Bác Đại Nhân Giác Nhất-Hạnh dịch và chú giải Paris 1978

15- Tư Tưởng Việt Nam Nguyễn-Đăng-Thục Khai-Trí 1964

16- Saigon Năm Xưa Vương-Hồng-Sển Khai-Trí 1969

17- Sổ Tay Văn Hóa Việt Nam Trương-Chính, Đặng-Đức-Siêu, Văn-Hóa 1978

18- 50 Năm Chấn Hưng Phật Giáo Thích-Thiện-Hoa Saigon 1970

19- Văn Học Đời Lý Ngô-Tất-Tố Khai-Trí 1960

20- Phật Giáo Việt Nam Nguyễn-Đăng-Thục Saigon 1974

21- Thiền Học Việt Nam Nguyễn-Đăng-Thục Saigon 1964

22- Thiền Học Trần-Thái-Tông Nguyễn-Đăng-Thục Vạn-Hạnh 1971

23- Văn Học Sử Phật Giáo Cao-Hữu-Đính Saigon 1971

24- Huyền Học Đạo Phật và Thiên Chúa Giáo

25- Nghi Thức Tụng Niệm

26- Tam Quy Ngũ Giới Thích-Thanh-Từ

27- Nẽo Vào Thiền Học Nhất-Hạnh

28- Chữ Thời Kim-Định

29- Vấn Đề Quốc Học Kim-Định Saigon 1971

30- Kim Cổ Kỳ Quan

31- Việt Nam Văn Hóa Sử Cương Đào-Duy-Anh Saigon 1971

32- Việt Nam Sử Lược Trần-Trọng-Kim Bộ Giáo Dục 1968

33- Nho Giáo Saigon 1971

34- Văn Minh Việt Nam Lê-Văn-Siêu Saigon 1965

35- Tuấn, Chàng Trai Nước Việt Nguyễn-Vỹ 1969

36- Từ Thực Dân Đến Cộng Sản Hoàng-Văn-Chí NVTĐ Tokyo 1980

37- Một Cơn Gió Bụi Trần-Trọng-Kim 1969

38- Việt Nam Phật Giáo Tranh Đấu Sử Tuệ-Giác Saigon 1964

39- Tìm Về Dân Tộc Học Lý-Chánh-Trung Saigon 1967

40- Phật Giáo Khái Luận Mật-Thể, Minh-Đức 1971

41- Việt Nam Khảo Cổ Tập San Bộ Quốc Gia Giáo Dục Saigon 1961

42- Dược Sư (Kinh sám) Trí-Quang Saigon 1974

43- Thành Ngữ Điển Tích Danh Nhân Từ Điển Trịnh-Văn-Thanh Saigon 1966

44- Hoàng-Lê Nhất Thống Chí Nguyễn-Đức-Văn, Kiều-Thu-Hoạch dịch 1970

45- Nhận Định Nguyễn-Văn-Trung Nam-Sơn 1966

46- Lược Sử Triết Học Đông Phương Hoàng-Xuân-Việt Khai-Trí 1968

47- Đường Về Cực-Lạc Thích-Trí-Tịnh 1970

48- Sám Giảng Thi Văn Toàn Bộ Huỳnh-Phú-Sổ PG Hòa-Hão 1964

49- Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ và Triết Học Phạm-Công-Thiện, An-Tiêm 1966

50- Việt Nam Văn Học Sử Yếu Dương-Quảng-Hàm Bộ Giáo Dục 1968

Các Tạp Chí :

1- Hải Triều Âm Tổng Vụ Văn Hóa Saigon 1973-1974

2- Phật Giáo Việt Nam Tổng Hội PGVN Hoa-Kỳ 1978-1980

3- Khuông-Việt Chi bộ PGVN Tokyo 1975-1980

4- Tư Tưởng Vạn Hạnh Đại Học Vạn Hạnh 1964, 1970, 1973

5- Khánh-Anh Chùa Khánh-Anh Paris 1976-1980

6- Dân Tộc Sinh Viên Thụy Sĩ 1974-1980

7- Dân Việt Hội Sinh Viên Tây Đức 1975

8- Young East Hội Phật Giáo Tohokai Nhật 1977

9- Phổ Thông Nguyễn-Vỹ Saigon 1962

10- Văn Hóa Á Châu Hội Văn Hóa Á Châu Saigon 1956

11- Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền 1948

12- Hiến Chương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Saigon 1964

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
15/01/2025(Xem: 127)
Thiền Tông dạy rằng người nào sống với Vô tâm là giải thoát. Trần Nhân Tông, vị Thiền sư nổi tiếng của Việt Nam trong thế kỷ 13, từng viết rằng khi gặp cảnh, giữ được vô tâm, thì không cần hỏi tới Thiền nữa. Đức Phật trước đó đã dạy pháp Vô tâm trong Kinh Phật Tự Thuyết Ud 1.10. Bài này sẽ viết theo nhiều bản Anh dịch trên Sutta Central. Một đạo sĩ tên là Bahiya cư trú ở thị trấn Supparaka. Bahiya được cư dân tôn kính, cúng dường y phụ, nhà ở và nhiều thứ. Bahiya tự tin rằng đã chứng quả A la hán, hoặc sắp thành A la hán. Một vị cõi trời, kiếp trước từng là người thân của Bahiya, muốn điều tốt lành cho Bahiya, nên hiện ra, nói với Bahiya rằng Bahiya chưa phải là A la hán, và cũng chưa tu đúng con đường để trở thành A la hán.
15/01/2025(Xem: 121)
Trong rất nhiều truyện cổ dân gian Việt Nam, cũng như truyện cổ của nhiều quốc gia khác trên thế giới, có một niềm tin vững chắc rằng mỗi người chúng ta đều có một kiếp sau ở tương lai. Không chỉ riêng với Phật giáo dân gian, hầu hết (và có thể là tất cả) các tôn giáo khác, đều tin rằng có một kiếp sau, hay một đời sau. Chuyện kiếp sau này cần được phân tích minh bạch, để không rơi vào một niềm tin nhầm lẫn.
15/01/2025(Xem: 131)
Bài này sẽ viết trong tinh thần đối chiếu Kinh Pháp Cú với Thiền Tông. Để nói lên một phương pháp của Thiền rằng, trong khi thiền tập, hễ tin Phật hay nghi Phật đều sẽ hỏng, đều rơi vào bất thiện pháp, sẽ không thấy được pháp Vô Vi. Muốn vào đạo Phật, trước tiên phải tin và phải quy y Phật, Pháp, và Tăng. Người tu theo lời Phật dạy phải tin vào Tứ Thánh Đế, tức là Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Trong khi tu tập, người tu phải thành tựu tín, giới, văn, thí, huệ mới có thể đoạn trừ bất thiện pháp. Như vậy, người không có lòng tin chắc thật vào Đức Phật sẽ không đi được con đường dài như thế để thành tựu giải thoát.
15/01/2025(Xem: 108)
Bài này sẽ nói về vai trò của người cư sĩ với nhiệm vụ nên học nhiều về Kinh điển, nên hiểu Phật pháp cho thâm sâu, nên tu tinh tấn để làm gương cho người đời thường, và nên sống đơn giản nhằm thích nghi với mọi hoàn cảnh cần để hoằng pháp. Không phải ai cũng có cơ duyên để học nhiều về Kinh điển. May mắn, thời nay chúng ta đã có kinh điển dịch ra tiếng Việt rất nhiều. Các Kinh điển, Bộ Nikaya và Bộ A Hàm đều đã dịch ra tiếng Việt. Trong khi đó, các buổi giảng Kinh do nhiều vị tăng ni thực hiện đã phổ biến nhiều trên YouTube và các trang web về Phật học. Những gì thắc mắc, có thể hỏi trên mạng Google hay các mạng trí tuệ nhân tạo, như ChatGPT hay Gemini, đều có thể được giải thích ở mức độ tổng quát. Tuy nhiên các giải thích này đều khả vấn, có khi là trích dẫn theo sự giải thích của các học giả Ky Tô Giáo hay không phải Phật tử, cần kiểm chứng.
15/01/2025(Xem: 106)
Trong khi học Phật, chúng ta thường đọc thấy ba pháp ấn là vô thường, khổ, và vô ngã. Đôi khi, chúng ta đọc thấy trong kinh nói về bốn pháp ấn là vô thường, khổ, vô ngã và Niết Bàn. Tùy theo dị biệt bộ phái, mỗi vị thầy ưa nói cách này hay cách kia. Thực tế, nói cách nào cũng đúng, cũng phù hợp kinh điển. Trong khi đó, theo cách nhìn của Thiền tông Việt Nam, tất cả các pháp tự thân đã là tịch diệt, bời vì lìa phiền não thì không có bồ đề, lìa sanh tử thì không có Niết bàn. Cũng như sóng không lìa nước, và ảnh không lìa gương. Do vậy, Thiền tông nêu lên ý chỉ là phải nhìn thấy để sống với pháp tánh, với Niết bàn tự tâm.
15/01/2025(Xem: 120)
Trong nhiều kinh, Đức Phật khi giải thích về vô thường đã hỏi rằng có phải mắt và cái được thấy là vô thường hay không, rồi hỏi có phải tai và cái được nghe là vô thường hay không, và rồi vân vân. Như thế, đối với nhiều người tu, quán sát nơi con mắt sẽ là bước đầu để học đạo giải thoát. Tuy nhiên, đối với Thiền Tông Việt Nam, có một số vị thầy dạy rằng hãy nhìn như một người mù nhìn, và hãy nghe như một người điếc nghe. Lời dạy về con đường giải thoát này là như thế nào?
15/01/2025(Xem: 119)
Khi chúng ta nói rằng nhiều người Việt Nam đã học đạo từ khi nằm nôi, chỉ là một hình ảnh cho thấy Phật giáo đã gắn bó với lịch sử dân tộc Việt Nam từ nhiểu ngàn năm. Nhiều lời dạy trong Kinh Phật đã ăn sâu vào trong chính sử, và cả huyền sử của dân tộc Việt.
15/01/2025(Xem: 105)
Khi đọc Thiền sử Trung Hoa và Việt Nam, chúng ta thường gặp một số vị sư truyền dạy, hay trả lời bằng những cách không dùng lời nói. Người ta thường gọi đó là vô ngôn, là không sử dụng ngôn ngữ. Chữ này có lẽ không thích nghi, vì chữ vô ngôn có khi chỉ là sự im lặng, khi không muốn nói. Có lẽ, chữ thích hợp nên là cái biết xa lìa khái niệm không thể mô tả bằng ngôn ngữ được.
19/10/2024(Xem: 758)
Tứ y pháp (四依法; S: Catuḥpratisaraṇa; E: The four reliances) là 4 pháp phương tiện quan trọng theo quan điểm của Phật giáo Bắc truyền, với mục đích giúp hành giả rõ biết pháp nào nên hoặc không nên nương tựa, nhằm thành tựu giác ngộ, giải thoát.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]