Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

32. Khổ đế

24/02/201116:04(Xem: 9595)
32. Khổ đế

PHÁ MÊ KHAI NGỘ
Lê Sỹ Minh Tùng

32. Khổ đế
(Dukkha) (Suffering)

Trong cuộc sống càng khoa học văn minh tiến bộ, thì con người càng lệ thuộc vào vật chất. Vì muốn được thỏa mãn những nhu cầu này thì thân của chúng ta phải chuốc lấy bao nỗi đắng cay và tâm thì lùc nào cũng bồn chồn lo lắng. Nỗi vui chưa đến mà sự buồn đã hiện ra. Nhìn trong nhà không có gì thì tủi khổ, mà cố làm đêm làm ngày để có cái gì thì lại khổ thân. Mong muốn được giàu sang thì lại khổ trí, mà hãy giàu có thì sợ trộm cướp đến hỏi thăm thành thử lại khổ tâm. Bởi thế, Khế kinh có câu: ”Nước mắt chúng sinh nhiều hơn nước biển”. Thật vậy, sự đau khổ của chúng sinh thì không thể nào mà nói hết cho được. Nỗi khổ này chưa tan, thì nỗi khổ khác lại đến. Nhưng dựa vào kinh Phật, thì tất cả những cái khổ trên thế gian nầy có thể chia làm ba loại và nó có tên là “tam khổ”.

Vậy thế nào là tam khổ?

Tam khổ là nói về ba thứ khổ: khổ khổ, hoại khổ và hạnh khổ.

1) Khổ khổ (dukkha dukkhata) (the suffering of suffering): là cái khổ này chồng lên cái khổ nọ. Tấm thân của chúng ta tự nó cũng đã khổ, mà hoàn cảnh chung quanh lại mang đến cho chúng ta không biết bao nhiêu nỗi khổ khác. Thử nhìn lại cái tấm thân tứ đại của chúng ta, nếu trong vài ngày mà chúng ta khong tắm rửa, thì thử hỏi có ai dám đến gần chúng ta không? Khi đi vượt biên mà mấy ngày không có giọt nước, hoặc là bị té xe, bị bể đầu, thì cái mạng của chúng ta có còn bảo đảm được chăng?

Đã gánh bao khổ đau bởi vì sự sống chết bất ngờ mà chính mình không làm chủ được. Con người của chúng ta lại phải mang thêm những đau khổ chất chồng khác, chẳng hạn như đau răng, bệnh tật, đói khát, khổ vì gia đình và dĩ nhiên cũng khổ vì con cái…

2) Hoại khổ (samskara dukkhata) (the suffering of composite things): là mọị vật trong thế gian này đều bị chi phối bởi luật vô thường, có nghĩa là không có gì là bất biến, cố định mãi mãi. Có sinh tất phải có diệt, có kết tụ tất có phân ly. Bởi thế, trong Khế kinh cũng có ghi: “Phàm vật có hình tướng đều phải bị hủy diệt”, hoặc là: ”All formations are impermanent; therefore, whatever comes together eventually has to come apart.

Thật vậy, không có một cái gì mà tồn tại mãi mãi được. Chẳng hạn to lớn như mặt trời, mặt trăng, thì một ngày nào đó cũng tan theo cát bụi. Còn vật nhỏ bé như tấm thân của chúng ta, thì cái mạng sống lại càng ngắn ngủi, phù du. Dù trong cuộc sống này, chúng ta có giàu sang, phú quý, cũng không cách nào giữ nổi cho thời gian oan nghiệt đừng tàn phá thân thể và hủy diệt đời ta, Thế mới biết thời gian tạo ra lắm điều đau khổ.

3) Hạnh khổ (viparinama) (the suffering associated with change): Mỗi khi lục căn (six sense organs) tiếp xúc với lục trần (six sense objects), thì tư tưởng sẽ được phát sinh và do đó tâm hồn của chúng ta không thể nào yên ổn cho được. Tư tưởng càng phát sinh, thì tâm tư càng quay cuồng và dĩ nhiên dục vọng cũng theo đó mà dẫn chúng ta đi lên đi xuống để tạo nên nghiệp báo. Thật vậy, chúng ta càng nghĩ ngợi, thì tâm tư càng bấn loạn. Càng tiếp xúc với ngoại cảnh, thì cái Ta càng si mê và chính sự si mê này đã đè ép chúng ta, bắt chúng ta phải làm nô lệ cho chúng để thỏa mãn những dục vọng mà chúng đã tạo nên. Tư tưởng của chúng ta thì biến chuyển không ngừng. Chúng nhảy vọt từ chuyện này sang chuyện khác, chẳng khác nào như con ngựa không cương, như con vượn chuyền cây, không bao giờ dừng nghĩ. Bởi thế, Phật mới dạy rằng: ”Tâm viên, mã ý”.

Mặc dù tất cả những cái khổ trên thế gian này được gom lại thành tam khổ, nhưng đây chỉ là nói một cách tổng quát mà thôi. Bởi vì khổ thì có nhiều cách khổ, nhưng cái khổ này thì không giống cái khổ kia được. Vì mỗi cái khổ mang đặc tính riêng tư của nó, nên chúng ta có thể đem tất cả cái khổ trên đời nầy chia ra làm tám loại và gọi nó là “bát khổ”. Bát khổ thì gồm có: sanh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, ái biệt ly khổ, cầu bất đắc khổ, oán tắng hội khổ, ngũ ấm thạnh khổ.

1) Sanh khổ: Khi chúng ta còn là thai nhi trong bào thai của người mẹ, thì tình thức đã được phát sinh trong ta và cũng bởi cái tình thức này mà thai nhi có thể thu nhận những cử động cảm xúc. Trong 9 tháng 10 ngày, thai nhi bị giam hãm trong cảnh tối tăm, chật hẹp, thì làm sao mà gọi là sung sướng cho được. Đó là chưa kể khi người mẹ ăn thức nóng vào, thì thai nhi cảm thấy như bị ai nung đốt. Còn khi người mẹ ăn thức lạnh vào, thì thai nhi cảm thấy như đang ở trong băng giá. Mẹ ăn no, thì con bị ép khó bề cựa quậy. Còn mẹ đói khát, thì con long bong lều bều như bay bổng trong không. Đến kỳ sanh sản, thai nhi phải lòn qua ép lại, đau đớn khôn cùng, cho nên khi vừa thoát ra ngoài, thì vội cất tiếng khóc ngay. Bởi mới sinh ra mà đã nếm mùi đau khổ, nên cổ nhân đã có câu:

“Thảo nào lúc mới chôn nhau,

Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra”.

2) Lão khổ: Phàm là con người, thì không một ai có thể thoát khỏi sự chi phối của luật vô thường. Lúc sinh ra, đến khi lớn lên, rồi cũng phải đến lúc già nua. Khi còn trẻ thì tráng kiện bao nhiêu, bây giờ lúc về chiều, thì tinh thần suy kém, thân thể hao mòn, nên phải khổ cả về thân xác lẫn tinh thần. Cho nên:

“Già nua là cảnh điêu tàn,

Cây già cây cổi, người già người si”.

Con người khi mà đã già yếu, thì mắt mờ, tai lãng, lưng mỏi, chân run, ăn chẳng biết ngon, ngủ không thẳng giấc, trí nhớ thì lu mờ, cộng thêm da nhăn, răng rụng. Do đó:

“Bao vẻ hào hoa đâu thấy nữa,

Một thân khô kiệt nghĩ buồn tênh”.

Thêm nữa, càng già thân thể càng suy yếu, thì trí tuệ cũng bị lu mờ, nên mới sanh ra lú lẫn, nhớ trước quên sau, tinh thần không minh mẫn nên sanh ra chưởi bới lung tung. Thật là quá đau khổ.

3) Bệnh khổ: Hễ có thân là có bịnh. Mà đã là bệnh, thì cho dù là bệnh nhẹ như đau răng, đau bụng, nhức đầu… còn bệnh nặng như đau gan, đau thận, ung thư…Thảm hại hơn nữa, còn có nhiều căn bệnh ngặt nghèo làm cho bệnh nhân sống dở chết dở. Sống thì đau đớn từng cơn, còn muốn chết thì cũng không thành ước nguyện. Nhớ ngày xưa ở quê nhà, có người sau một trận đau, phải bán nhà trả nợ, đó là chưa kể hễ một khi trong nhà có người đau thì cả gia đình buồn rầu, lo sợ.

4) Tử khổ: Phàm là con người, thì ai ai cũng tham sống sợ chết. Những người giàu sang, sung sướng, thì họ sợ chết không nói làm chi còn những kẻ sống khổ cực, khốn cùng, đầu tắt mặt tối, mà họ lại càng không muốn diện kiến với Diêm vương. Oái oăm thay, những kẻ vướng lấy những bịnh nan y, hiểm nghèo, mà họ luôn luôn bám víu lấy sự sống và từ chối không muốn gặp gỡ tử thần.

Nhưng ”Nhân sinh tự cổ thùy vô tử?” và câu trả lời vẫn là không. Dầu muốn, dầu không, chưa có một người nào trên thế gian này đã thoát khỏi bàn tay lông lá của tử thần cả.

Người sắp chết, thì tấm thân bấn loạn, nỗi lo cho gia đình con cái thiếu người chăm sóc, nỗi lo cho thân mình đi vào một thế giới cô đơn, vắng lạnh, tương lai thì mù mịt, đen tối. Tâm thì sợ hãi, còn thân thì đau đớn. Trước khi chết, mắt thì trợn ngược, gân thì giựt, bẻ tay, bẻ chân, trông thật đau khổ vô cùng. Khi mà nhắm mắt xuôi tay, thì thân thể cứng đơ, lạnh ngắt. Thế thì chết là khổ.

5) Ái biệt ly khổ: Không gì đau khổ cho bằng xa cách người mình thân yêu. Còn nhớ sau chiến cuộc 1975, hàng trăm ngàn người đã bỏ nước ra đi, để lại biết bao vợ, con, thân bằng quyến thuộc bên kia bờ đại dương. Chiến tranh đã tạo ra cảnh kẻ bên nầy trông đợi, người bên kia nhớ chờ. Thật là đau lòng xót dạ, bởi thế có người phải thốt rằng: ”Thà tử biệt chớ ai nỡ sanh ly”.

Nhưng có chắc là tử biệt đỡ hơn sanh ly hay không?

Thủa còn ở quê nhà, chiến tranh đã vô tình cướp đi đời sống của những người trai trẻ và để lại rất nhiều cảnh tang tóc thương tâm như những góa phụ bồng con thơ ra thăm mộ chồng. Nếu người nằm xuống mà có ngày trở lại, thì dù có đợi 5 hay 10 năm thì vẫn còn hạnh phúc hơn là ngàn năm vĩnh biệt. Vậy sanh ly hay tử biệt cũng đều chung số phận khổ đau mà thôi.

6) Cầu bất đắc khổ: Ở đời, hể trèo cao thì té nặng. Hy vọng càng cao, thì thất vọng càng nhiều. Nhưng phàm là con người, thì lúc nào chúng ta cũng muốn làm cái nầy, đoạt cái nọ. Có cái dễ dàng thì chóng thành công, còn cái khó khăn thì chúng ta thất bại. Nghèo thì ta muốn được giàu, xấu thì ta muốn đẹp, ngu si thì muốn thành thông thái, chưa con thì muốn có con. Nhưng thông thường danh vọng vẫn là miếng mồi ngon mà con người thường hay đeo đuổi. Dầu cho cố gắng bằng mọi khả năng, tài trí, dù chánh đáng hay bằng thủ đoạn lưu manh, biết bao anh hùng đã lụy về bả công danh này. Vì thế mà người xưa đã mỉa mai bằng câu:

“Gót danh lợi, bùn pha sắc xám,

Mặt phong trần nắng nám mùi dâu”.

Những người thất vọng về công danh đã nhiều, mà lắm kẻ thất bại về phú quý cũng không phải nhỏ. Muốn làm giàu, nhiều kẻ bất chấp mọi thủ đoạn đê hèn, thâm độc; nay bày chước này, mai vẽ mưu kia miễn sao cho túi được mau đầy. Nếu không may bị bại lộ, thân thì lao tù, còn tài sản bị tịch thu. Còn khổ nào bằng!

Công danh đã khổ, phú quý thì chẳng dễ gì, vậy còn tình duyên thì thế nào?

Tình yêu! Ôi tình yêu! Tình yêu ở xa như là hạt kim cương, mà đến gần là giọt nước mắt. Trong trường tình ái, thử hỏi có mấy ai được toại nguyện? Ngay cả nhà thơ Hàn Mạc Tử còn phải than thở rằng:

“Người đi một nữa hồn tôi mất,

Một nữa hồn kia bỗng dại khờ”

7) Oán tắng hội khổ: Thói thường, chúng ta đau khổ khi phải xa lìa người thương yêu, nhưng oái oăm thay, chúng ta chẳng sung sướng gì khi phải chung sống với người mình không ưa, không

thích. Thật vậy, chính cổ nhân cũng nói:

“Thấy mặt kẻ thù, như kim đâm vào mắt,
Ở chung với người nghịch, như nếm mật nằm gai”

Khi đã sanh lòng thù nghịch nhau, mà phải sống bên cạnh nhau, thì cũng có ngày xảy ra đại họa.

8) Ngũ ấm thạnh khổ: Ngũ ấm hay còn được gọi là ngũ uẩn, có nghĩ là: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sắc thì thuộc về thân; còn thọ, tưởng, hành, thức thì thuộc về tâm. Chúng ta đã thấy thân thì khổ vì sinh, lão, bịnh, tử, đói, khát, nóng, lạnh, còn tâm thì giận, buồn, trăm điều phiền lụy. Thân thì vô thường, còn tâm thì vô ngã cho nên ngũ ấm biến đổi quay cuồng làm cho chúng ta đã đau khổ càng thêm khổ đau.

Để cho dễ nhớ chúng ta tạm chia bát khổ làm ba phần là:

· Khổ về Thân thì có: Sinh, Lão, Bịnh, Tử.

· Khổ về Tâm thì có: Ái biệt ly khổ, Oán tắng hội khổ, Cầu bất đắc khổ.

· Khổ cả Thân và Tâm: Ngũ uẩn thạnh khổ.

Trên đây là phần đại cương của bát khổ mà Đức Phật đã đưa ra trong phần Khổ đế. Không phải Đức Phật nói những cái khổ này để chúng sinh tăng thêm nỗi khổ, hay là:

“Thôi thà đừng biết cho xong,
Biết bao nhiêu lại đau lòng bấy nhiêu”dễ nhớ

Hoặc là:

“Chuyện đời thấy vậy thì hay vậy,

Thà ẩn non cao chẳng biết nghe”.

Nhưng chính Đức Phật muốn cho chúng ta biết rõ những nỗi khổ ở trần gian để biết cách đối phó khi phải đối diện với nó và sau cùng là phải tìm phương pháp nào để tiêu diệt tất cả những cái khổ đả mang lại sự phiền não cho chúng ta bao nhiêu đời bao nhiêu kiếp để xây dựng lại một cuộc sống an vui, tự tại.


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]