Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Sơ Lược Tiểu Sử Tác Giả

11/12/201016:25(Xem: 10397)
Sơ Lược Tiểu Sử Tác Giả

PHẬT HỌC THƯỜNG THỨC

Tâm Minh Lê Đình Thám

SƠ LƯỢC TIỂU SỬ TÁC GIẢ

TÂM MINH LÊ ĐÌNH THÁM

tamminh-ledinhthamBác sĩ Lê Đình Thám sanh năm 1897 tại làng Đồng Mỹ (Phú Mỹ), tổng Phú Khương, phủ Đoeẹn Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Bác sĩ là thứ nam của cụ Lê Đĩnh (làm quan dước triều Tự Đức với chức Đông các điện Đại học sĩ sung chức Binh bộ thượng thư) và mẹ là cụ bà Phan Thị Hiệu (kế thất).

I. ĐƯỜNG ĐỜI

Thời thơ ấu, Bác sĩ cùng anh là Lê Đình Dương (sau này là Đông Dương y sĩ) đã trực tiếp học chữ Hán với thân phụ. Cả hai anh em đều thông minh xuất chúng ngay từ thuở còn thơ.

Lớn lên, Bác sĩ theo học ở các trường Pháp – Việt. Trong những năm còn là học sinh hay sinh viên, Bác sĩ đã được cảm tình của cả thầy và bạn, luôn luôn giành vị thứ hàng đầu trong các kỳ thi tốt nghiệp cuối cấp.

Bác sĩ tốt nghiệp Y sĩ Đông Dương (Thủ khoa) tại Hà Nội năm 1916 và đỗ Y khoa Bác sĩ ngạch Pháp quốc tại Y khoa Đại học đường Hà Nội năm 1930.

Bác sĩ ra trường (1916) đúng vào lúc phong trào Duy Tân khởi nghĩa bị thất bại, bào huynh là y sĩ Lê Đình Dương bị Pháp bắt đày lên Ban Mê Thuột và mất tại đó. Bác sĩ bị tình nghi và luôn luôn bị theo dõi. Trong thời gian này, Bác sĩ còn nghiên cứu thêm về triết học Động phương như Nho, Lão, Phật,…

Năm 1926, trong lúc đang phụ trách y sĩ điều trị tại bệnh viện Hội An (Quảng Nam), Bác sĩ được tin cụ Phan Chu Trinh mất. Bác sĩ cùng những người yêu nước chống Pháp thời bấy giờ đã làm lễ truy điệu trọng thể và chịu tang nhà chí sĩ yêu nước. Thực dân Pháp đã thuyên chuyển Bác sĩ ra Hà Tĩnh, và sau đó ít lâu, lại thuyên chuyển về Huế đảm trách y sĩ trưởng Viện bào chế và vi trùng học Louis Pasteur. Ở đây, Bác sĩ đã cộng tác với Bác sĩ Normet (Giám đốc Y tế Trung kỳ) phát minh ra sérum Normet và mấy dược phẩm có giá trị khác. Trong thời gian này, Bác sĩ lên chùa Trúc Lâm, cách kinh đô Huế khoảng 12 km, để học đạo với Hòa thượng trụ trì ở đây là ngài Giác Tiên. Sau khi nhận chân được giáo lý cao thâm của đạo Phật, Bác sĩ đã chuyển hướng đời mình: Phát nguyện Qui y Tam bảo, trường trai trong những ngày còn lại của đời mình, quyết tâm nghiên cứu học hỏi kinh điểm Phật giáo để hoằng hóa độ sanh. Bác sĩ đã được Hòa Thượng Giác Tiên làm lễ thọ Tam qui Ngũ giới và đặt pháp danh là Tâm Minh.

II. ĐƯỜNG ĐẠO

Năm 1929 – 1933, Bác sĩ thọ giáo với Hòa thượng phướng Huệ (chùa Thập Tháp, Bình Định). Nghiên cứu các bài giảng của ngài Tái Hư đạo sư ở Trung Hoa về cách thức tổ chức Phật giáo, Bác sĩ đã đệ đạt ý kiến của mình lên quí Hòa thượng Phước Huệ, Giác Tiên, Giác Nhiên, Tịnh Khiết và được các Ngài chấp thuận. Từ đó Hội An Nam Phật học ra đời, do các vị tôn túc hòa thượng và cư sĩ tiên tiến đứng ra chịu trách nhiệm gánh vác công cuộc hoằng dương Chánh pháp. Trụ trở đầu tiên đặt ở chùa Trúc Lâm do Bác sĩ làm Hội trưởng và các tôn túc Hòa thượng nằm trong Ban Chứng Minh và Cố vấn cho Hội. Sau đó, Hội dời trụ sở về chùa Từ Đàm (mới được xây dựng lại) và bắt đầu truyền đạo với nhiều hình thức mới do sáng kiến và công lao hàng đầu của Bác sĩ:

- Thuyết pháp thường kỳ cho tín đồ nghe tại chùa Từ Đàm và Từ Quang.

- Mở trường đào tạo Tăng tài từ sơ đẳng đến cao đẳng Phật học.

- Thành lập các Tỉnh hội, Chi hội, Khuôn hội để gánh vác trách nhiệm hoằng dương Chánh pháp khắp các tỉnh miền Trung.

- Thành lập đoàn Thanh niên Phật học Đức dục, các Gia đình Phật hóa phổ.

- Xuất bản tờ báo Phật giáo (Nguyệt san Viên Âm).

- Xây dựng Đại tòng lâm tại Kim Sơn (Huế).

Từ năm 1934 đến 1945 là những năm hoàn chỉnh các tổ chức Phật giáo và công cuộc đào tạo Tăng-tài. Kết quả của những năm tháng mà Bác sĩ đã đóng góp mãi mãi được ghi nhớ: Một thế hệ Tăng-sĩ tài ba đã nở rộ (trong đó có một số hiện nay đang giữ những nhiệm vụ trọng yếu trong Giáo hội); một giới cư sĩ Phật tử thuần thành, có thực tu thực học, trợ thủ đắc lực cho giới Tăng-già trong công cuộc hoằng dương chánh pháp.

III. ĐỜI ĐẠO HÀI HÒA

Mùa thu năm 1946, theo tiếng gọi chống thực dân Pháp cứu nước, Bác sĩ cùng gia đình rời khỏi Huế vào chiến khu tham gia kháng chiến chống Pháp đồng thời cũng tiếp tục làm Phật sự tại địa phương (Liên khu V). Sau khi công cuộc chống thực dân Pháp thắng lợi, Bác sĩ về thủ đô Hà Nội và được mời giữ chức Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Hòa bình thế giới của Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Hòa bình thế giới, góp phần thắt chặt tình hữu nghị giữa nhân dân các nước, gìn giữ hòa bình. Cũng trong thời gian này, Bác sĩ được bầu làm Phó Hội trưởng Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam tại thủ đô Hà Nội. Ngoài những giờ làm việc cho xã hội, Bác sĩ thường đến chùa Quán sứ để dịch kinh và giảng Pháp cho Tăng, Ni và Phật tử. Mặc dù, lúc ấy đất nước ta đang bị chia cắt làm hai miền Nam, Bắc, Bác sĩ vẫn vun vén mối quan hệ đạo tình giữa Phật giáo miền Nam và Phật giáo miền Bắc. Một bằng chứng cụ thể là trong Đại hội Phật giáo thế giới họp tại Ấn Độ năm 1957, Bác sĩ đã vận động để cho hai phái đoàn Phật giáo miền Bắc và miền Nam nhập làm một phái đoàn Phật giáo Việt Nam và bầu Hòa thượng Huệ Quang làm trưởng đoàn.

Sau những năm tháng tận tụy phục vụ đắc lực cho đạo pháo và dân tộc, Bác sĩ đã bình thản ra đi vào 10 giờ sáng ngày 23-4-1969 (nhằm 7.3 ÂL) tại Hà Nội.

IV. MẤY CẢM NGHĨ CỦA NGƯỜI CHÉP TIỂU SỬ VỀ CUỘC ĐỜI CỦA BÁC SĨ TÂM MINH LÊ ĐÌNH THÁM.

1. Nguyên nhân gì đã đưa Bác sĩ Lê Đình Thám đến với đạo Phật?

Trong các bài viết về tiểu sử BS. Lê Đình Thám, thường thấy có nói đến một chi tiết được xem như là nguyên nhân chính đã thu hút Bác sĩ Lên Đình Thám đến với đạo Phật. Đó là bài kệ của tổ Huệ Năng. Câu chuyện được kể như sau: Năm 1926, trong thời gian công tác tại bệnh viện Hội An (Quảng Nam), một hôm đi viếng cảnh chùa Non Nước (Đà Nẵng). Bác sĩ tình cờ thấy trên vách chùa có ghi bài kệ của tổ Huệ Năng (“Bồ đề bổn vô thọ, Minh cảnh diệc phi đài, Bổn lai vô nhất vật, Hà xứ nhạn trần ai”). Bài kệ đã đập mạnh vào tâm trí Bác sĩ, ghi một ấn tượng sâu sắc khá phai mờ. Hai năm sau(1928), khi được thuyên chuyển về làm y sĩ trưởng Viện bào chế và vi trùng học Louis Pasteur tại Huế, nhân mội hôm đi tham quan chùa Trúc Lâm, Bác sĩ đã yết kiến Hòa thượng Giác Tiên và được Hòa thượng khai ngộ cho về ý nghĩa thâm sâu của bài kệ. Từ đó, Bác sĩ phát Bồ-đề tâm, xin quy y Tam bảo và nhận Hòa thượng Giác Tiên làm bổn sư.

Chúng tôi không phủ nhận ý nghĩa thâm sâu của bài kệ của tổ Huệ Năng, cũng không phủ nhận cái ảnh hưởng có mức độ của bài kệ trong tâm hồn của Bác sĩ. Nhưng cho rằng bài kệ là nguyên nhân chính thúc đẩy Bác sĩ đến với đạo Phật thì chưa thỏa đáng. Chúng ta thử đặt một giả thiết ngược lại: Nếu không tình cờ đọc được bài kệ ấy trên vách chùa Non Nước, nếu không có cơ may gặp được Hòa thượng Giác Tiên giải thích cho Bác sĩ cái ý nghĩa thâm sâu của bài kệ thì Bác sĩ sẽ không đến với Phật, để trở thành một trụ cột chính của phong trào Chấn hưng Phật giáo của miền Trung, và đồng thời, của cả nước chăng? Chắc chắn một giả thiết như vậy không thể đứng vững được. Chúng tôi có thể khẳng định mà không sợ sai lầm rằng, dù có hay không có bài kệ của tổ Huệ Năng, con đường tất yếu mà Bác sĩ phải chọn để đi là con đường đến với đạo Phật. Và để có được sự khẳng định này, chúng tôi đã căn cứ trên nhiều yếu tố cụ thể: bản thân và gia đình của Bác sĩ, hoàn cảnh xã hội và giai đoạn lịch sử của đất nước bấy giờ.

Đọc tiểu sử của Bác sĩ, chúng ta nhận thấy Bác sĩ đã hưởng được nhiều thuận lợi, may mắn trong đời mà ít người có được: Một dung mạo khôi ngô dễ mến, một nền học vấn quán thông cả Đông và Tây phương, một địa vị tri thức hàng đầu trong nền trật tự xã hội mới. Nhưng bên cạnh những thuận lợi quý báu ấy, những khó khăn trở ngại mà Bác sĩ phải đương đầu cũng không phải là ít: Một thân sinh làm đến chức Thượng thư, nhưng đã treo ấn từ quan, nghĩa là đang có “vấn đề”với triều đình; một người anh ruột bị bắt và bị chết trong ngục thất vì chống chế độ thực dân Pháp; một tài năng xuất chúng nhưng không được trọng dụng, vì chính quyền thực dân nghi ngờ; một lòng yêu nước nồng nàn, nhưng phải sống trong cảnh cá chậu chim lồng. Và đây chính là nỗi đau lớn nhất, niềm trăn trở nhức nhối nhất của Bác sĩ. Làm cách nào góp sức cởi cái ách thực dân quá lớn đang đè nặng trên đầu dân tộc? Các cuộc khởi nghĩa vũ trang của những người đi trước đã bị tiêu diệt, các phong trào yêu nước Cần Vương, Văn thân, Đông du đã theo nhau tan rã, nền cai trị của thực dân mỗi ngày mỗi được củng cố, Triều đình Huế chỉ còn là cái bóng mờ nhạt của uy quyền quốc gia.

tamminh-ledinhtham2-contentChúng ta có thể hình dung được những ngày chán chường Bác sĩ phải kéo lê cuộc đời tẻ nhạt của mình, như một cuộc lưu đày, sau khi ra trường, qua 7 tỉnh miền Trung, từ Bình Thuận đến Hà Tĩnh. Và khi từ Hà Tĩnh được thuyên chuyển về Huế, thực dân thôi “săn sóc” Bác sĩ và cuộc lưu đày 10 năm đã chấm dứt chăng? Chưa đâu! Đây chỉ là một sự thay đổi chiến thuật: Thực dân không muốn để cho Bác sĩ ở lâu ở Hà Tĩnh – một tỉnh nghèo nhất nước, nhưng cũng sản sinh ra nhiều nhà chí sĩ, cánh mạng nhất nước – là vì sợ Bác sĩ “nhiễm” nặng thêm cái tinh thần yêu nước chống ngoại xâm, nên đưa Bác sĩ về Huế - nơi cũng sản sinh không ít những nhà chí sĩ yêu nước thương nòi, nhưng cũng không ít những “thương nữ bất tri vong quốc hận”, đêm đêm trên dòng “sông Hương nước chảy lờ đờ”, cất lên những giọng ca ai oán, sầu bi làm nhụt chí nam nhi. Trong những năm đầu về Huế, vị Bác sĩ kính mến của chúng ta có lẽ cũng đã có lúc bị mê hoặc bởi những tiếng đàn, tiếng ca réo rắt, ai oán ấy. Nhưng rồi một buổi sáng Chủ nhật, Bác sĩ đã dời dòng sông Hương để đi về phái núi Ngự, tìm đến những ngôi chùa cổ rêu phong để học đạo, rồi sau đó đã xin thọ Tam qui, Ngũ giới với những vị cao tăng thạc đức. Chúng ta có thể hình dung được tiếng cười khoái trá của viên Chánh sở Mật thám Sogny khi được nhân viên báo cáo sự kiện này. Ông ta nói gì trước một tin bất ngờ như vậy? Có thể là một câu nói tương tự như thế này với cái giọng Việt Nam lơ lớ: “Đi tu, rời bỏ tiếng dàn hát trên sông Hương để đi theo tiếng chuông tiếng mõ sau núi Ngự? Tốt thôi, cứ để cho anh ta tự do đi chùa!”. Đối với viên mật thám vô cùng quỷ quyệt này, Bác sĩ lúc bấy giờ là một “anh hùng đã thấm mệt”- nói nôm na là đã “hết xài”. Nhưng đối với Bác sĩ, đây là giai đoạn khởi đầu của một cuộc đời có ý nghĩa. Bác sĩ đến với Phật giáo không phải là để tìm sự thảnh thơi mà chính là để thực hiện tấm lòng yêu nước thiết tha của mình, bằng cách trở về nguồn, tìm lại những tinh coa của nền văn hóa truyền thống dân tộc, một nền văn hóa chịu ảnh hưởng sâu đậm của đạo Phật, đạo của Từ bi và Trí tuệ, Bình đẳng và Vị tha… Qua cái nhìn chính xác và sâu sắc của Bác sĩ, đạo Phật có một giá trị nhân bản và một tiềm năng rất lớn, nếu biết khai thác và cải cách cho thích hợp với thời đại mới, thì sẽ cống hiến cho đời nhiều chất liệu quí báu để xây dựng con người và xã hội tốt đẹp. Nắm vững chủ trương đúng đắn ấy, Bác sĩ đã tập hợp và huy động được những đồng tâm đồng chí trong giới Tăng-ni và Phật tử có tâm huyết bắt tay vào phong trào Chấn hưng Phật giáo. Và từ đó, đạo Phật Việt Nam đã có một sắc thái mới mẻ, trong sáng hơn. (Hình bên trên: tượng BS. Tâm Minh đặt tại khuôn viên chùa Từ Đàm, Huế)

2. Những yếu tố gì trong con người của Bác sĩ Lê Đình Thám đã đưa Bác sĩ thành công trong công cuộc Chấn hưng Phật giáo?

Có một lý tưởng cao đẹp đã là khó, thực hiện thành công lý tưởng cao đẹp ấy lại còn khó hơn. Hai cái khó ấy, Bác sĩ đã vượt qua không mấy khó khăn. Trước tiên, là nhờ trí tuệ thông minh vô cùng nhạy bén của Bác sĩ. Thứ đến, là có một nền học vấn sâu rộng vững chắc quán xuyết cả Đông Tây (như chúng ta đã thấy ở phần trên), cộng thêm với cái đức tính say mê tìm tòi, hiểu biết về nhiều lĩnh vực: Khoa học, triết học, văn chương, nghệ thuật,… Một sự trùng hợp ngộ nghĩnh, không mà như có chuẩn bị trước: Đức Phật thường dạy đệ tử cần phải trau dồi Ngũ minh để giúp đời: Nội minh (tinh thông giáo lý nội điển), Nhân minh (tinh thông phương pháp biện luận), Thanh minh (tinh thông ngôn ngữ), Y phương minh (tinh thông y lý để chữa bệnh), Công xảo minh (tinh thông nghề nghiệp). Trong năm cái này, Bác sĩ có đủ cả năm và đã sử dụng một cách thành thạo xuất sắc, đạt hiệu quả cao, không ai sánh kịp.

Nhưng nếu chỉ có trí tuệ và tài năng, thông minh và kiến thức thì chưa đủ để trở thành một nhà lãnh đạo lớn nói chung, và của Phật giáo nói riêng.

Ở Bác sĩ, có một đức tánh quý báu nhất, đã đưa Bác sĩ đến thành công, là sự quên mình vì công việc chung. Khi bắt tay vào một công việc gì, Bác sĩ tận tụy hết mình, không quản khó khăn mệt nhọc, không tiếc sức khỏe, thời gian, tiền bạc, chỉ mong sao cho công việc được viên thành. Vì không chỉ thấy có mình, nêm Bác sĩ đã dễ dàng thông cảm, hiểu thấu tâm tư, nguyện vọng, sở trường sở đoản của người khác và từ sự hiểu biết đó, dành cho họ một chỗ đứng thích nghi, một công tác thích hợp với khả năng của mỗi người, mỗi giới trong cái công trường rộng lớn của xã hội.

Chúng ta không thể không ngạc nhiên và vô cùng thán phục Bác sĩ, khi thấy Bác sĩ đã động viên được không những giới đồng liêu tân học, mà cả giới cựu học thâm Nho, không những giới tư sĩ mà cả giới Tăng-già, từ các bậc đại lão Hòa thượng cho đến cháu thanh, thiếu, đồng niền, mọi người hăng hái tham gia vào phong trào Chấn hưng Phật giáo. Bác sĩ đã có một sức thu hút rất lớn, đã tập họp được các giới đồng bào đến với Phật giáo, là do Bác sĩ đã thể hiện được đức tánh Vô ngã, Vị tha.

Cuộc đời Bác sĩ là một tấm gương sáng cho Phật tử chúng ta cùng soi chung.

Tp. Hồ Chí Minh, ngày lễ Phật Đản

PL.2535 (28-5-1991)

Võ Đình Cường

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
12/06/2011(Xem: 3388)
Tám loại khổ (i) Sinh: * Có bao giờ ta nghĩ rằng: “Ước gì tôi chưa hề được sinh ra”? Bắt đầu từ khi chào đời, ta trải qua biết bao đau khổ. * Không những chỉ có sự đau đớn lúc chào đời mà thôi, ta còn trải qua những đau khổ của lão, bệnh và tử.
07/06/2011(Xem: 4509)
Vào ngày 2 tháng Tư, Lama Zopa Rinpoche đã ban bài giảng để khai mạc khóa tu kéo dài một tháng được tổ chức tại Bendigo, Úc châu trong Đại Bảo Tháp Bi mẫn Phổ quát. Lời khuyên dạy vô cùng phổ biến này được trích dẫn vì sự lợi lạc của tất cả những người không thể tham dự khóa tu:
30/05/2011(Xem: 9711)
Chương 183: Thời Kỳ Tiền Phật Giáo trên Thế Giới Pre-Buddhism Period in the World Chương 184:Lịch Sử Các Bộ Phái Phật Giáo Cổ History of Ancient Buddhist Sects Chương 185: Tông Phái Phật Giáo—Buddhist Schools Chương 186: Lục Sư Ngoại Đạo—The Six Heretical Masters Chương 187: Phật Giáo Thế Giới—Buddhism in the World Chương 188: Phật Giáo Việt Nam—Buddhism in Vietnam Chương 189: Những vị Cao Tăng Nổi Tiếng của Việt Nam Vietnamese Famous Buddhist Monks Chương 190: Những vị Cao Tăng Nổi Tiếng của Trung Hoa Chinese Famous Buddhist Monks
30/05/2011(Xem: 9494)
Chương 61: Quán—Contemplation Chương 62: Giải Thoát—Liberation Chương 63: Ma Và Ngũ Thập Ấm Ma—Demons and Fifty Demons Chương 64: Chấp Trước-Kết-Buông Xả—Graspings-Fetters-Nonattachment Chương 65: Vô Thủy-Vô Chung—Beginninglessness, Endlessness Chương 66: Kiếp—Aeon Chương 67: Ngã và Vô Ngã—Ego and Egolessness Chương 68: Điên Đảo—Conditions of Being Upside-down Chương 69: Vô Thường—Impermanence Chương 70: Ta Bà—The Saha World Chương 71: Vô Minh—Ignorance Chương 72: Chủng Tử—Seed
30/05/2011(Xem: 9518)
Chương 43: Ái Dục--Ngũ Dục—Cravings--Five Desires Chương 44: Kiến và Tà Kiến—Views and Wrong Views Chương 45: Khổ và Bát Khổ—Sufferings and Eight Sufferings Chương 46: Cầu và Vô Sở Cầu—Doors of Seeking and Non-Seeking Chương 47: Bát Đại Nhân Giác— Eight Awakenings of Great People Chương 48: Căn-Cảnh-Thức—Organs-Objects-Consciousnesse Chương 49: Bát Thức và A Đà Na Thức—Eight Consciousneses and Adana Consciousnese Chương 50: Đại Thừa Bách Pháp—Mahayana One Hundred Dharmas Chương 51: Tương Đối-Tuyệt Đối-Viên Dung-Như ThựcRelative Absolute Totality True Reality Chương 52: Lậu Hoặc—Leakage and Delusions,Hữu Lậu-Vô Lậu—Leakage and Non-leakage Chương 53: Cà Sa—Monk’s Robe Chương 54: Tâm—Mind Chương 55: Duy Tâm—Mind-Only Chương 56: Phật Tánh—Buddha-Nature Chương 57: Chư Như Lai và Huyền Nghiệp của các Ngài - Thus Come Ones and their Wonderful Works Chương 58: Cam Lộ—Sweet Dews Chương 59: Tam Muội—Samadhi Chương 60: Thiền—Meditation
30/05/2011(Xem: 9889)
Chương 20: Diệu Đế và Thánh Đạo—Noble Truths and Noble Paths Chương 21: 37 Phẩm Trợ Đạo—Thirty-Seven Limbs of Enlightenment Chương 22: Sự Yêu Thương và Tứ Vô Lượng Tâm—Love and Four Immeasurable Minds Chương 23: Tứ Nhiếp Pháp—Four Elements of Popularity Chương 24: Lục Hòa—Six Points of Harmony Chương 25: Tứ Ân—Four Great Debts Chương 26: Công Đức và Tội Phước—Merit and Virtue-Offences and Blessings Chương 27: Ba La Mật—Paramitas Chương 28: Thân-Khẩu-Ý—Body-Mouth-Mind Chương 29: Tín-Hạnh-Nguyện-Hành-Hạnh-Nguyện của chư Bồ Tát—Faith-Conducts-Vows-Bodhisattvas’Practices-Conducts-Vows Chương 30: Tứ Chủng Thanh Tịnh Minh Hối—Four Kinds of Pure Precepts Chương31:Hôn Nhân theo Quan Điểm Phật Giáo—Marriage in Buddhist Point of View Chương 32: Thiện Ác—Good and Bad (Kusala & Akusala) Chương 33: Tập Khí và Buông Xả—Old Habits and Abandonment Chương 34: Nghiệp Báo—Actions and Recompenses Chương 35: Nhân-Duyên-Quả—Causes-Conditions-Effects Chương 36: Giới—Rules in
30/05/2011(Xem: 21466)
Phật Và Thánh Chúng The Buddha and His Sacred Disciples Chương 1: Đức Phật—The Buddha Chương 2: Đạo Phật—Buddhism Chương 3: Nhân Sinh Quan và Vũ Trụ Quan Phật Giáo Buddhist Points of view on Human Life and Buddhist Cosmology Chương 4: Chuyển Pháp Luân và Năm Đệ Tử Đầu Tiên Turning The Wheel of Dharma and The First Five Disciples Chương 5: Kết Tập Kinh Điển—Buddhist Councils Chương 6: Tam Bảo và Tam Tạng Kinh Điển Triple Jewels and Three Buddhist Canon Baskets Chương 7: Kinh và Những Kinh Quan Trọng—Luật—Luận Sutras and Important Sutras-Rules-Commentaries Chương 8: Đạo và Trung Đạo—Path and Middle Path Chương 9: Vi Diệu Pháp—Abhidharma Chương 10: Tam Thời Pháp—Three Periods of The Buddha’s Teachings Chương 11: Thân Quyến—The Buddha’s Relatives Chương 12: Thập Đại Đệ Tử—Ten Great Disciples Chương 13: Những Đệ Tử Nổi Tiếng Khác—Other Famous Disciples Chương 14: Giáo Đoàn Tăng và Giáo Đoàn Ni—Monk and Nun Orders Chương 15: Tứ Động Tâm—Four Buddhis
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]