Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

5. CHÁNH MẠNG

06/11/201015:05(Xem: 3643)
5. CHÁNH MẠNG

 

BÁT CHÁNH ĐẠO
Con Đường Đến Hạnh Phúc

Tác Giả: Thiền Sư Bhante Henepola Gunaratana
Việt Dịch: Diệu Liên Lý Thu Linh

Bước 5
CHÁNH MẠNG

Một đệ tử của tôi kể rằng có một nữ doanh nhân thành đạt rất quan tâm đến các giới luật đạo đức theo Phật giáo. Một lần bà tìm được một mối kinh doanh mới, có một số tiệm rượu đang rao bán. Bà biết nếu nhân cơ hội này mua các tiệm ấy, thì bà có thể được nhiều lợi lộc. Tuy nhiên có điều gì đó đã ngăn cản bà lại. Khi bà quán xét về việc kinh doanh bán rượu, bà nhận thấy rằng một số khách hàng của tiệm rượu có thể bị tổn hại. Họ có thể uống rượu rồi làm những điều tai hại! Họ có thể trở thành những kẻ rượu chè trác táng, hoặc tệ hơn nữa là những kẻ nghiện ngập. Để bảo vệ sự phát triển tâm linh của mình, bà từ chối không mua, bỏ qua mối kinh doanh đó.

Câu chuyện này đã nói lên được một chân lý rất minh bạch: phương cách kiếm sống không nên ảnh hưởng đến sự phát triển tâm linh. Chúng ta không thể liệt kê ra một danh sách đầy đủ những nghề nghiệp hay công việc được coi là Chánh Mạng, nhưng Đức Phật đã cho chúng ta một hướng dẫn căn bản: bất cứ công việc/nghề nghiệp nào cũng có thể được coi là chánh mạng nếu nó không đem lại tai hại cho bản thân người làm công việc đó hay cho bất cứ ai khác. Dĩ nhiên, không có việc gì là hoàn hảo. Phương cách kiếm sống hoàn hảo duy nhất là công việc được làm bởi một người hoàn hảo -người đã hoàn toàn đoạn diệt được tất cả tham, sân, và si. Nhưng những người như chúng ta, còn đang trên đường tiến đến sự hoàn hảo đó, vẫn có thể làm được nhiều thứ để hòa hợp công việc làm với cuộc sống tâm linh.

Như với hầu hết những câu hỏi về đạo đức Phật giáo, lý do tại sao ta phải quan tâm đến Chánh Mạng có hai mặt. Việc làm mà tổn hại đến người khác thì tự nó đã sai vì nó vi phạm căn bản đạo đức. Nhưng nó cũng sai vì nó gây tổn hại cho bản thân người làm công việc đó. Lý do là vì chưa giác ngộ, chúng ta không thể hoàn toàn tránh việc bị kích động trở nên giận dữ hay đau khổ. Trong khi đó công việc phải làm khiến ta phải tranh đấu với lòng tham và sân. Tuy nhiên chúng ta có quyền lựa chọn để tránh những công việc có thể cản trở sự tiến bộ tâm linh của ta. Nếu nghề nghiệp của ta gây ra quá nhiều sân hận, thì tâm không thể an tịnh để hành thiền.

Hãy lấy một thí dụ rất hiển nhiên. Thí dụ công việc của một người đòi hỏi anh ta phải giết thú vật. Anh ta có thể là nhà nghiên cứu phải thí nghiệm một loại thuốc mới trên những con chuột trong phòng thí nghiệm. Hay anh ta có thể là người bán cá hay bán thịt heo. Khi người đó hành thiền, tâm anh ta có thể bị xáo trộn. Hằng ngày anh phải chứng kiến các thú vật đau khổ dưới tay anh. Anh nhìn thấy nỗi sợ hãi trong mắt chúng và sự cố gắng vùng vẫy để thoát khỏi hiểm nguy của chúng; anh nghe được tiếng kêu rên và cảm nhận được nỗi đau của chúng. Những hình ảnh này luôn ám ảnh anh khi trở về nhà. Để làm được công việc này, anh phải tự lừa dối mình rằng thú vật không có cảm giác, chúng không thực sự là những sinh vật biết đau đớn như anh. Trong tâm, anh biết rằng suy nghĩ này là không đúng, nhưng anh tiếp tục giết hại vì đó là công việc của anh. Sự dằn xé nội tâm khiến tâm anh bấn loạn và các hình ảnh ghê rợn lại hiện ra trong lúc anh hành thiền. Anh không thể thực hành tâm từ bi; anh cũng không thể thư giãn. Rõ ràng công việc của người này không thể là Chánh Mạng.

Đối với một số công việc, như là giết súc vật, ta có thể dễ dàng biết là xấu. Còn lại, đôi khi việc đánh giá thế nào là một việc làm/nghề nghiệp được coi là Chánh Mạng thì phức tạp hơn nhiều. Một số công việc có thể được chấp nhận ở một số nơi nhưng lại không được chấp nhận ở chỗ khác tùy vào hoàn cảnh, thí dụ như là người chủ có đòi hỏi nhân viên hành động một cách vô đạo đức hay không. Sự quán sát ở ba mức độ sau đây sẽ giúp chúng ta quyết định rằng một công việc có được coi là Chánh Mạng hay không.

CÁC CÂU HỎI ĐỂ ĐÁNG GIÁ CHÁNH MẠNG

Chúng ta có thể quyết định xem một công việc có được coi là Chánh Mạng hay không bằng cách tự hỏi ba câu hỏi tương quan nhau.

Trước hết, công việc của tôi tự nó có xấu không?

Đó là, qua định nghĩa, công việc đó có xấu không? Nó có liên quan đến việc sản xuất, mua bán, quảng cáo, hay sử dụng súng hoặc các loại vũ khí khác không? Nó có liên quan đến chất độc hay chất gây nghiện không? Nó có gây tai hại hay giết sinh vật không? Chính Đức Phật đã dạy rằng những nghề nghiệp liên quan đến vũ khí, chất độc, hay giết hại thì rõ ràng không phải là Chánh Mạng.

Có nhiều nghề nghiệp rõ ràng rơi vào loại này. Thí dụ, việc nghiên cứu, phát triển những vũ khí hóa học, hạt nhân, sản xuất hay buôn bán thuốc trừ sâu, thiết lập những hệ thống mạng hướng dẫn việc phóng tên lửa, hay bốc lột lao động rẻ tiền thì rõ ràng là sai. Tôi cũng có thể thêm rằng viết lách cho những tờ báo rẻ tiền làm hại đến danh dự của những người nổi tiếng hay làm việc cho những chương trình trực tuyến để rao truyền những lời nói đầy sân hận cần bị coi là một loại “thuốc độc” mà Đức Phật đã nhắc đến như là một cách kiếm sống sai trái.

Lời dạy của Đức Phật cũng có thể áp dụng rộng rãi hơn để bao gồm những nghề không truyền thống. Kiếm sống từ những trò chơi thể thao bạo lực khiến người ta bị thương tổn, như là đánh võ đài, là một cách kiếm sống sai trái. Làm chủ hay làm việc ở những casino hay những chỗ cờ bạc cũng thế. Giống như rượu, cờ bạc cũng khiến người ta nghiện ngập. Nó xuất phát từ lòng tham, thường dẫn đến việc phạm tội hay làm tổn hại người vô tội. Không cần phải nói, những hoạt động tội phạm dưới bất cứ hình thức nào cũng là một cách kiếm sống sai trái, kể cả việc đầu cơ, những loại giao dịch bất hợp pháp, lừa đảo, gian dối, và các loại tội phạm trong các công ty. Nghề nghiệp gây nguy hiểm cho sức khỏe của bản thân cũng là một cách kiếm sống sai trái.

Buôn bán ma túy thì rơi vào loại buôn bán các “chất độc”. Những người buôn bán ma tuý nổi tiếng về các hành vi bạo lực và hối lộ để bảo vệ lãnh địa, mua bán mà không bị bắt. Chắc chắn là việc làm của họ đem lại tai họa cho những người yếu đuối sa ngã vào việc mua và sử dụng ma tuý. Người sử dụng ma tuý cũng gây ra tội ác để có được tiền mua thuốc. Các thành viên vô tội trong gia đình cũng phải đau khổ: từ bạo lực trong gia đình, từ việc thiếu thốn, đói nghèo, và từ nỗi mất mát khi người thân bị tù đày, bị hãm hại.

Tuy nhiên, vì chế độ kinh tế của chúng ta đã trở nên quá phức tạp, nên đôi khi việc xét đoán xem những nghề nghiệp nào bị coi là cách kiếm sống sai trái cũng không được rõ ràng, dứt khóat lắm. Thí dụ, làm việc cho quân đội có phải luôn là xấu? Điều đó còn tùy. Nếu công việc đặt người đó vào vị trí phải sử dụng vũ khí, kể cả dùng máy vi tính để phóng tên lửa, thì có thể đó là cách kiếm sống sai trái. Nhưng là một bác sĩ hay một người đầu bếp thì bản chất công việc không có gì là sai. Tôi khó tin rằng có người đầu bếp nào, dầu ở trong quân đội, lại nghĩ, “Tôi nấu cho những người lính này ăn để họ có thể đi giết giặc!”

Nhiều hoàn cảnh công việc khác cũng phải được xét lại. Thí dụ, việc chế tạo những đầu đạn hạt nhân rõ ràng là một trong những công việc bị cấm đoán theo sự liệt kê của Đức Phật, nhưng việc đào mỏ uranium để dùng trong vũ khí hạt nhân thì sao? Hoặc làm việc trong những cửa hàng tạp hóa, bản chất của công việc đó có sai không, nếu như doanh thu của các cửa hàng đó phần lớn nhờ vào việc bán súng? Hoặc làm việc với số lương ít ỏi trong các tiệm bán thức ăn nhanh thì sao? Ta có thể nghĩ đến nhiều hoàn cảnh công việc đem lại tai hại một cách gián tiếp cho người khác. Một vị giáo sư đại học có thể cảm thấy không an lòng khi kết quả các công trình nghiên cứu khoa học của ông có thể được sử dụng cho mục đích quân sự. Sản phẩm của một công nhân ngành thép cũng có thể được sử dụng để làm súng săn.

Trong những trường hợp như thế, ta cần phải tự hỏi, “Công việc của tôi có liên quan trực tiếp đến vũ khí, chất độc, hay giết hại không? Tôi có cố ý đem lại tai họa cho người khác hay cho bản thân?” Tóm lại, ta có thể sử dụng quy luật chung sau đây: Nếu sự tách biệt giữa công việc ta làm và những nguy cơ mà nó có thể xảy ra cho người khác càng lớn, thì nó càng khó có thể là một công việc không phù hợp với Chánh mạng.

Thứ hai, công việc của tôi có khiến tôi phải phạm năm giới?

Nếu một nghề nghiệp đã qua được bước khảo sát thứ nhất thì hãy xét xem công việc làm đó có khiến ta dễ phạm bất cứ giới nào trong năm giới của chánh nghiệp không. Nguyên tắc đạo đức ở nơi ta làm việc cũng có thể biến một công việc bình thường thành một cách kiếm sống sai trái. Thí dụ, trong một công ty luật, luật sư có thể được khuyến khích duy trì những mẫu mực đạo đức cao nhất trong nghề nghiệp. Trái lại, ở một công ty luật khác, đồng nghiệp của họ có thể bị áp lực phải ngụy tạo các chứng cứ, gian dối bồi thẫm đoàn, hay tính giá cao đối với khách hàng. Phạm vào những hành động vô đạo đức như thế khi làm việc khiến cho tâm ta trở nên xáo trộn, cản trở con đường tiến bộ tâm linh của ta. Tôi nhớ về một vị luật sư thường đến Hội Bhavana. Trong quá trình hành thiền, ông cứ khóc mãi. Tôi tự hỏi không biết ông bị đau khổ như thế có phải vì ông đã làm điều gì sai trái để thắng kiện ở tòa án.

Tương tự, cũng có trường hợp mà công việc thì tốt nhưng người làm công việc đó biến nó thành xấu. Thí dụ, một viên chức làm nhiệm vụ thẩm định trước khi cho bằng lái xe có thể làm việc với lương tâm, nghiêm khắc, chu đáo, từ chối không nhận hối lộ. Nhưng một người khác cũng công việc đó, trong cùng một văn phòng, có thể trở nên tham nhũng, hối lộ. Một cán bộ tham nhũng thì không thể có Chánh Mạng, nhưng người chân thật thì có thể. Bất cứ công việc hay nghề nghiệp nào, dầu tốt cũng có thể bị biến chất thành xấu. Tôi biết một bác sĩ ở Malaysia chuyên làm những tờ chứng nhận bệnh giả cho công nhân để họ đưa cho chủ; ông tính khoảng năm đô la cho một ngày được nghỉ việc. Việc làm này đã thành thói quen đến nỗi khi một bệnh nhân bước vào phòng khám, câu đầu tiên ông hỏi sẽ là, “Bao nhiêu ngày?”

Một câu chuyện tiền thân rất nổi tiếng về Đức Phật và người anh bà con có tâm địa xấu, Đề Bà Đạt Đa (Devadatta), nói về hai người trong cùng một ngành nghề nhưng chỉ có một người là tuân theo Chánh Mạng:

Theo truyện kển, vị sẽ thành Đề Bà Đạt Đa đầu tiên có chuyện hiềm khích với Đức Phật trong một kiếp quá khứ, khi sự kinh doanh chân thật của Bồ Tát -vị Phật tương lai- đã khiến cho Đề Bà Đạt Đa bị mất một chuyến làm ăn.

Trong kiếp sống quá khứ đó, vị Đề Bà Đạt Đa tương lai và Bồ Tát là hai người buôn bán phế liệu rong cạnh tranh nhau, cùng đi buôn bán nồi niêu. Ở mỗi thành phố, họ sẽ chia tuyến đường, rồi quyết định ai sẽ đi đến đâu trước. Sau đó, hai người tách ra đi riêng, rao lên, “Ai bán nồi! bán niêu!” Lần nọ, ở một thành phố có một quả phụ sống với con gái, trước kia họ giàu có nhưng giờ rất nghèo. Họ có một cái tô lớn bằng vàng, bên ngoài mạ đồng xám xỉn. Hai người phụ nữ này không hề biết được giá trị thực của cái tô. Khi Đề Bà Đạt Đa xuất hiện ở cửa nhà họ, người con gái bảo mẹ hãy đổi cái tô lấy một món đồ khác. Đề Bà Đạt Đa tham lam nhận ngay ra được cái tô đáng giá cả một gia tài, nhưng quyết định lừa dối hai mẹ con người đàn bà khốn khổ kia. Anh ta vứt cái tô xuống đất, bảo nó chả có giá trị gì, và bỏ đi với ý định sẽ quay trở lại để mua với giá chẳng đáng gì.

Không lâu sau, Bồ Tát cũng ghé đến nhà đó, hai người phụ nữ e dè ngã giá cái tô để lấy một món đồ khác. Bồ Tát chân thật bảo cho họ biết về giá trị thực của cái tô và nói rằng ông không đủ sức để trả họ tiền dù chỉ là một phần nhỏ giá trị của cái tô ấy. Hai người phụ nữ rất vui mừng và hết lòng kính trọng Bồ Tát vì lòng chân thật của ông. Họ bảo ông đưa cho họ bất cứ gì mà ông có thể đưa. Bồ Tát đã đưa cho họ tất cả tiền và tất cả nồi niêu. Đổi được chiếc tô vàng, Bồ Tát vội vã qua sông vì ngài đoán được ý đồ của Đề Bà Đạt Đa.

Sau khi Bồ Tát ra đi, Đề Bà Đạt Đa quay trở lại căn nhà kia. Bà quả phụ chạy ra trách mắng ông đã có ý muốn lừa dối họ. Bà báo cho ông biết rằng có một người buôn bán phế liệu khác, rất thật thà, đã mua chiếc tô và đã trả tiền cho họ rất hậu hĩnh. Biết mình đã thất bại, Đề Bà Đạt Đa kêu than và trở thành giống như người mất trí. Ông ta xé áo quần, vứt đồ đạc qua một bên và chạy đuổi theo Bồ Tát, la mắng rằng Bồ Tát đã cướp chiếc tô vàng của ông. Khi đến bờ sông, ông thấy Bồ Tát đã được người chèo đò đưa qua được nửa sông. Ông lớn tiếng gọi người chèo đò dừng lại, nhưng Bồ Tát lặng lẽ bảo người chèo đò cứ đi tới. Khi hình bóng Bồ Tát khuất dần, hận thù trong lòng Đề Bà Đạt Đa trào dâng. Máu nóng tuôn tràn ra cửa miệng. Tim ông bể làm đôi và ông ngã xuống chết.

Như thế là Đề Bà Đạt Đa đã bị hủy diệt bởi chính sự kinh doanh không chân thật của mình. Bồ Tát trở nên giàu có từ việc bán được chiếc tô vàng mà người đã mua một cách chân thật. Ngài sống cuộc đời còn lại làm các việc thiện và luôn bố thí giúp người. Khi mất đi, sự trung thực của Bồ Tát đã giúp ngài có được những kiếp sống tương lai tốt đẹp, dần dần ngài đạt được quả vị Phật. Trái lại, những hành động bất thiện của Đề Bà Đạt Đa cũng đưa ông ta đến những cuộc sống tương lai tương ưng. Đề Bà Đạt Đa tiếp tục là kẻ kình chống, tranh chấp với Đức Phật. Trong kiếp sống cuối cùng của Đức Phật, sau khi Ngài đã giác ngộ, Đề Bà Đạt Đa còn cố gắng âm mưu giết Phật. Có lời kể rằng khi đó mặt đất mở ra và ông rơi xuống địa ngục. (J 3)

Câu hỏi cuối cùng là, có khía cạnh nào của công việc khiến tôi không cảm thấy thoải mái, và tâm tôi không an tĩnh?

Nếu một nghề nghiệp đã không phạm vào hai điều đầu tiên vừa nêu trên, thì ta cần xét đến những khía cạnh khác có thể ảnh hưởng đến sự tiến bộ tâm linh của ta. Việc này không đơn giản. Vì không có công việc nào là hoàn hảo, mỗi chúng ta phải tự quyết định xem yếu tố nào là không thể khắc phục được. Đồng nghiệp bất chánh? Khách hàng thô lỗ? Hóa chất hại phổi? Sản phẩm làm ô nhiễm môi trường? Có liên hệ gián tiếp với những công ty bóc lột nhân công?

Theo ý tôi, cách tốt nhất để xét xem một nghề nghiệp có được coi là chánh mạng hay không là đo lường mức ảnh hưởng của nó đối với tâm. Thí dụ một công ty đổ các chất độc hại xuống sông, làm ảnh hưởng đến cá tôm và các sinh vật hoang dã khác. Sau đó công nhân trong công ty mới được biết về việc trút đổ bừa bãi này. Hai trong số những công nhân này rất quan tâm đến việc thực hành chánh mạng. Vậy họ có phải bỏ việc làm ở công ty này không?

Một công nhân tràn đầy lòng ghê tởm với những gì đã xảy ra. Tâm anh cứ nhớ đi nhớ lại những hình ảnh từ bản tin trên truyền hình về sự kiện này. Anh nghĩ đến tính cách bất thiện của những người đã quyết định làm thế và tâm anh tràn ngập những lời buộc tội theo cách nhìn của anh. Người công nhân thứ hai vẫn tiếp tục làm việc với lòng đầy trắc ẩn đối với những ai bị ảnh hưởng, kể cả những người chịu trách nhiệm cho quyết định đó. Cô vẫn hy vọng rằng những người có quyền trong công ty sẽ nhận thức được hành động sai trái của họ và có biện pháp để sửa đổi và ngăn chặn những vấn đề tương tự như thế có thể xảy ra trong tương lai. Suy nghĩ như thế khiến tâm cô yên ổn. Có người cho rằng cả hai công nhân này nên nghỉ việc vì họ làm cho một công ty không có lương tâm. Kẻ khác thì nói chỉ có người công nhân với lòng bất mãn công ty nên nghỉ việc, vì công việc này đem đến những ảnh hưởng không tốt cho tâm anh.

Chúng ta cần sử dụng trí tuệ và sự hiểu biết Phật pháp để suy ra điều gì là đúng. Các căn bản đạo đức cũng góp phần giúp ta biết điều phải trái. Ta không muốn tham gia hay ủng hộ những hành động thiếu đạo đức. Hơn nữa, phớt lờ tiếng nói của lương tâm cũng là thiếu đạo đức. Nếu chúng ta tự nhủ, “Tôi không thể thay đổi được gì, hơn nữa, những gì xảy ra thực sự không ảnh hưởng đến cá nhân tôi.” Suy nghĩ như thế là chúng ta tự tách mình ra khỏi cộng đồng thế giới. Giáo lý của Đức Phật về tình thương yêu khuyên chúng ta phải quan tâm không chỉ đến bản thân, người thân thích, mà còn cả đến bà con hàng xóm, cộng đồng -tất cả mọi người! Mỗi chúng ta chỉ là một tế bào riêng lẻ nhỏ bé, nhưng tụ họp lại với hàng tỷ tế bào khác, chúng ta trở thành là một bộ phận của thế giới. Vì thế chúng ta có bổn phận phải bảo vệ cho công lý. Nhưng –và đây là một điều rất quan trọng– khi làm thế, chúng ta phải cẩn thận để không ác cảm với người khác hay kết tội họ một cách đầy hận thù. Bất cứ hành động gì mà chúng ta có chủ tâm, ngay cả hành động cố ý để sửa đổi một điều sai trái, cũng phải bắt nguồn từ lòng thương yêu, bi mẫn đối với người cũng như đối với tất cả mọi chúng sanh. Với tâm niệm này và với lòng tràn đầy bi mẫn, lúc đó chúng ta hãy hành động.

Trở lại câu hỏi rằng hai công nhân của công ty gây ô nhiễm đó có nên nghỉ việc không, chúng ta không thể đưa ra một kết luận vội vàng. Tùy thuộc vào trình độ tâm linh của chúng ta, mà việc bỏ làm có thể là đúng hay sai. Nhưng có một điều chắc chắn: việc cần làm là luôn bảo vệ, nuôi dưỡng thiện tâm của mình. Thái độ bàng quan đối với cái ác không phải là thiện. Tuy nhiên sự bực tức, giận dữ hay hận thù cũng không phải là thiện. Ngay nếu như ta quyết định bỏ việc để duy trì Chánh Mạng, nhưng bỏ việc trong tâm trạng sân hận cũng không ích lợi gì cho con đường tu của mình. Ta phải giữ tâm bình tĩnh, không oán hận và đầy chánh niệm. Phải luôn nhớ rằng mục đích tối thượng của ta là để giải thoát tâm khỏi tất cả mọi tham, mọi sân và mọi si. Ảnh hưởng sâu sắc nhất mà ta có thể tạo ra trên thế giới này là đối mặt với mọi hoàn cảnh bằng tâm trong sáng, bi mẫn, và thương yêu. Với trạng thái tâm tĩnh lặng và buông xả, chúng ta có thể hành động hay từ chối hành động, hay làm bất cứ điều gì để có thể vun trồng và biểu hiện được tình thương yêu và lòng bi mẫn của chúng ta một cách tốt nhất.

Dựa vào những điều vừa nói trên, tốt nhất là các công nhân của công ty ô nhiễm đó nên tu tập để tâm mình được bình an. Rồi với trạng thái tâm trong sáng, bình lặng, họ xét đến những điều kiện của cá nhân và xã hội, rồi quyết định có nên tiếp tục liên hệ với công ty đó hay không. Đó là hành động đầy tình thương và bi mẫn nhất mà các công nhân này có thể làm. Họ có thể xét xem sự kiện đó quan trọng thế nào, nó có tính cách cá biệt hay là chủ trương chung của công ty, cá nhân họ có liên quan trực tiếp đến việc đó hay không, họ có thể tiếp tục làm việc ở công ty đó mà không cảm thấy quá áy náy hay không. Một công nhân nhạy cảm dầu không liên hệ gì đến việc quản lý công ty, cũng có thể cảm thấy bức xúc hơn là một vị quan chức vô tâm. Nếu hành vi thiếu đạo đức của công ty gây khó chịu cho người công nhân, khiến tâm lý họ bất an, không thể chú tâm làm việc thì chắc chắn là họ phải có thái độ quyết định.

Nghỉ việc chỉ là một lựa chọn, còn có nhiều phương cách khác nữa. Thí dụ công nhân có thể kiến nghị với công ty để ngăn chặn việc làm sai trái đó hay báo với các cơ quan có thẩm quyền về hoạt động này của công ty, hoặc giúp đỡ các nạn nhân, viết bài gợi ý với công ty về những việc cần làm để tránh phạm thêm lỗi lầm hay chuyển đến một bộ phận khác trong công ty. Nếu người công nhân trên quyết định bỏ việc, thì cũng không cần vội vã. Người đó có thể bắt đầu bằng cách thăm dò kín đáo về khả năng tìm được việc làm khác. Ở mỗi giai đoạn, anh ta phải tự hỏi, “Tôi có thể làm gì để thể hiện tâm buông xả, tình thương, từ bi và sự quan tâm đến mọi chúng sanh? Những hành động nào có thể hỗ trợ cho tánh bổn thiện của tâm?”

Ngoài việc quan tâm đến khía cạnh đạo đức của công ty, nếu ta còn phải lo lắng đến những vấn đề khác nữa thì nghề nghiệp đó khó thể là chánh mạng. Thí dụ, một nghề nghiệp bình thường có thể là rất lý tưởng nhưng ta không thể chấp nhận khi ông chủ ở đó có thói quen sàm sỡ, hay lúc nào cũng nóng giận, hoặc nhiều đồng nghiệp ở chỗ làm có thói quen uống rượu lúc ăn trưa, có những “bữa tiệc sau cánh cửa đóng,” sử dụng ma túy trong phòng làm việc.

Dầu rằng bạn có thể duy trì được sự độc lập của mình trong các môi trường như thế. Bạn phải tự quyết định xem những đồng nghiệp như thế có ảnh hưởng đến tâm hay cản trở sự phát triển tâm linh của bạn không. Đánh giá được một công việc có là Chánh Mạng hay không tùy thuộc vào mỗi cá nhân. Cùng một hoàn cảnh mà có thể khiến người này sa vào các bất thiện pháp, còn người khác thì coi đó là một cơ hội để thực hành lòng kiên nhẫn và bi mẫn.

TUÂN GIỮ CHÁNH MẠNG

Đến lúc này, có thể một số người cảm thấy buồn lòng khi nhận ra công việc họ đang làm không phải là chánh mạng. Có thể họ tự hỏi, “Tôi phải làm gì bây giờ?” Câu trả lời là có rất nhiều chọn lựa, kể cả những phương cách để thay đổi hoàn cảnh mà không phải bỏ công việc làm. Như tôi đã nói phía trên, có thể trước hết, ta phải cố gắng nhắc nhở công ty sửa đổi sai trái.

Nếu ta cảm thấy không thoải mái với công việc làm là do hành vi của các bạn đồng nghiệp, thì đừng quên áp dụng lời Phật dạy về từ bi (metta). Tình thương, lòng từ bi có thể chinh phục cả những trái tim cứng rắn nhất. Người ta thường nói không có gì có thể làm hại một người tràn đầy lòng từ bi -kể cả súng đạn hay lửa, nói gì đến việc bị phiền hà ở sở làm! Nếu mỗi ngày trước khi bắt đầu làm việc, ta dành đôi phút để quán tưởng về tình thương yêu, thì biết đâu sẽ có nhiều đổi thay? Ngay chính những kẻ thường làm điều bất thiện, đôi khi cũng thay đổi nếu như có ai đó, ở nơi nào đó, mỗi ngày đều hướng tâm từ, tình thương trong sạch, mạnh mẽ đến cho họ. Trước khi đầu hàng trước một công việc khó khăn, có thể ta cũng nên thử áp dụng phương pháp này. Ngay nếu như các đồng nghiệp của ta không thay đổi, thì tâm ta chắc cũng sẽ được thanh tịnh hơn. Có thể ta sẽ bắt đầu cảm thấy có lòng tử tế và bi mẫn đối với những người mà trước đây họ thường khiến ta khó chịu, bực bội.

Tuy nhiên có một số công việc hay hoàn cảnh không thể sửa đổi được và chúng ta đành phải bỏ việc. Đôi khi ta phải chấp nhận hy sinh để đi theo con đường của Đức Phật. Ngài đã dạy rằng ta không nên tìm lợi nhuận bằng những phương tiện sai trái:

Khi, không phải vì lợi lộc cho ta hay cho người,
không phải cho con cái, tài sản, ngôi vị,

hay cho lợi nhuận bằng những phương tiện sai trái,

Chỉ khi đó thì người ta mới có đạo đức, trí tuệ và chân chánh.

(Dh 84)

Đối với người có khả năng đặc biệt hay quen biết nhiều, việc nghỉ làm hay thay đổi nghề nghiệp có thể là một quyết định dễ dàng, không phải hy sinh nhiều. Nhưng đối với người không có nhiều chọn lựa, họ có thể cảm thấy rất sợ hãi khi nghĩ đến việc mất đi đồng lương cố định, nhất là khi họ còn phải lo cho con cái. Tuy nhiên, khi đó là một vấn đề liên quan đến phẩm cách con người, chúng ta bắt buộc phải hành động. Ở đây tôi không nói đến những hành động theo bản năng, thiếu chín chắn, mà trước hết phải tính toán hết sức cẩn thận, với tất cả khả năng của mình. Kế tiếp, sau khi đã hoạch định mọi thứ, thì hãy hành động với niềm tin. Đã có lời nói rằng, “Những người bảo vệ chánh pháp, sẽ được chánh pháp bảo vệ.” (Thag 303) Điều đó có nghĩa là khi ta dựa vào những gì ta tự biết trong tâm là chân thật, thì mọi việc đều có kết quả tốt, mang đến nhiều hạnh phúc cho ta. Tôi đã thử nghiệm điều này trong cuộc đời mình và luôn thấy rằng nó rất đúng. Đây là câu chuyện của bản thân tôi về việc tuân theo Chánh mạng với đầy tín tâm.

Trước khi thành lập Hội Bhavana, tôi trụ trì một ngôi chùa nhỏ nhưng khá nổi tiếng ở Washington D.C trong hai mươi năm. Tôi đã có vị trí trong cộng đồng, với một địa vị vững vàng, có một ban chấp hành năng nổ, có bạn bè và gia đình ở bên cạnh. Tuy nhiên trong lòng tôi vẫn mơ đến việc thiết lập một trung tâm thiền, nơi mọi người có thể đến để học hỏi Phật pháp và hành thiền. Đức Phật luôn nhắc nhở đến việc học Pháp và hành thiền như là những điều quan trọng nhất, tuy nhiên tôi thấy nhiều người không có chỗ nào để đến khi họ muốn hành thiền một khoảng thời gian. Ý định của tôi là tốt và niềm tin của tôi mãnh liệt.

Bạn bè và gia đình can ngăn tôi, “Sư đang giữ một vị trí cao ở ngôi chùa Nguyên Thủy đầu tiên ở Mỹ, ngay tại trung tâm thủ đô. Sư không nên rời bỏ nơi này.” Ở một mức độ nào đó dĩ nhiên là họ đúng. Rời bỏ Washington D.C để thiết lập một trung tâm tu thiền ở vùng quê là nhảy từ một vị trí được nhiều người ngưỡng mộ xuống một nơi đầy bất trắc.

Miếng đất mà bạn tôi, Matthew Flickstein và tôi tìm được để xây trung tâm thiền nằm sâu trong những cánh rừng của miền tây Virginia. Cánh rừng biệt lập, yên tĩnh và thanh vắng, có vẻ là một môi trường lý tưởng để truyền dạy Phật pháp và hành thiền. Mảnh đất rất đẹp, rất xa sự náo nhiệt của Washington, nhưng nằm trong một vùng của người Kitô giáo bảo thủ mà lại xa các thí chủ của chúng tôi. Vùng đất đó hoàn toàn xa lạ đối với tôi và chúng tôi bắt đầu tạo dựng trung tâm ở nơi đó mà không quen biết một ai. Hội mới của chúng tôi chưa có thành viên. Chúng tôi không biết làm thế nào để trường tồn. Gia đình và bạn bè lo lắng về việc ăn uống của tôi. Người khác thì lại lo về sự an toàn của tôi, nhưng tôi nghĩ rằng với thiện tâm của mình, thì dầu cho người trong vùng này bảo thủ đến đâu, họ cũng biết là chúng tôi không làm hại họ, cũng không chống lại tôn giáo họ, thì họ không thể hại chúng tôi. Ngay sau khi mua được đất, chúng tôi hăng hái dựng lên một tấm biển gần đường đề “Làng (Phật) Pháp (Dhamma).” Không lâu sau thì ai đó đã xóa một số chữ để đọc thành, “Làng Bị Nguyền Rủa (Dam)”. Sau nữa thì tấm biển báo đó đã bị tháo xuống.

Không màng những sự nguyền rủa và các chướng ngại , chúng tôi bắt tay vào dự án của mình. Gần như tất cả bạn bè đều khuyên tôi đừng làm nữa, còn khuyến khích thì chưa đến năm người. Nếu có gì xảy ra trong trường hợp khẩn cấp, chúng tôi sẽ không có ai đến giúp. Người thân và bạn bè tôi ở Washington, cách nơi này cả trăm cây số.

Tôi không thể kể cho bạn nghe hết những khó khăn buổi ban đầu. Trong khoảng thời gian đó, ngay chính người bạn đã giúp tôi khởi đầu trung tâm cũng có vẻ hoang mang. Nhưng chính là niềm tin ở Phật pháp đã bảo vệ tôi. Ước muốn của tôi là truyền bá Phật pháp qua việc hoằng pháp và viết sách, hoàn toàn miễn phí cho mọi người. Ngay khi còn là một chú sadi, tôi cũng không nhận sự cúng dường để được nghe pháp của các cư sĩ. Khi lớn lên, tôi được biết là Đức Phật cấm việc buôn bán Pháp. Ngài khuyên: “Đừng làm một kẻ buôn bán Pháp.” (Ud VI.2) Qua thời gian, mọi việc từ từ ổn định và chúng tôi đã tạo ra được một trung tâm thiền từ trong rừng. Rất nhiều việc lạ kỳ đã xảy ra –nhiều sự hỗ trợ đến từ những nguồn không đoán trước được, vào khi chúng tôi cần được giúp đỡ nhất, và những liên hệ bất ngờ cũng mang đến kết quả. Bằng cách nào đó chúng tôi đã phát triển, lớn mạnh.

Kinh nghiệm bản thân đã dạy tôi rằng khi tôi đi theo tiếng gọi an bình và hạnh phúc của trái tim, chấp nhận hy sinh để giữ phẩm cách, và hết lòng vì chân lý, thì phần thưởng của chánh mạng sẽ tiếp nối theo sau.

Tuy nhiên, tôi cũng biết rằng các điều kiện kinh tế có thể khiến cho sự chọn lựa của ta thêm khó khăn, nhất là đối với những người mà học vấn và khả năng hạn chế hay quá chuyên môn. Phải làm gì đây nếu chỉ có một loại công nghiệp trong vùng? Nếu bạn đông con, lại có cha mẹ ốm đau, hay một đứa con luôn bệnh hoạn cần được chăm sóc mà công việc tiện lợi duy nhất là làm việc ở tiệm bán rượu gần nhà, thì phải làm sao? Hoặc bạn sống ở một vùng mà chỉ có săn bắn và câu cá để sinh tồn thì sao? Chánh mạng có nghĩa gì đối với những người sống trong những điều kiện kinh tế quá khó khăn hay bị những người có quyền lực ép buộc phải tham gia vào những hoạt động bất hợp pháp, như là trồng các loại cây để sản xuất ma túy một cách bất hợp pháp? Nếu bạn ở trong những hoàn cảnh như thế, hãy tự an ủi với ý thức rằng khi bạn không cốt ý để hại ai, thì bạn không phải chịu trách nhiệm cho những hậu quả tai hại mà bạn không phải là nguyên nhân trực tiếp. Một câu chuyện từ thời Đức Phật sẽ làm rõ hơn điểm này.

Con gái của một nhà kinh doanh giàu có đã được nghe pháp và đã đạt được đến giai đoạn đầu của giác ngộ. Một ngày kia, một người thợ săn đẹp trai buôn bán ngà voi, đi ngang qua làng, và cô gái đem lòng yêu người đó. Không một lời từ giã gia đình, cô đi theo người thợ săn về nhà và họ trở thành vợ chồng. Là vợ của người thợ săn, cô phải lau chùi và chuẩn bị cung tên, lưới bẫy mà anh ta dùng để săn. Cô làm những bổn phận này một cách cam chịu. Họ có với nhau bảy người con và cũng đến lúc con cái đều lập gia đình.

Một ngày kia khi Đức Phật quan sát thế giới với tâm nhãn thông, Ngài thấy rằng cả gia đình này có thể được giác ngộ, vì thế Ngài đến thăm họ. Đức Phật đầu tiên đến bên cái bẫy trống được người thợ săn gài. Ngài để lại dấu chân cạnh bên cái bẫy rồi đợi bên bụi cây. Khi người thợ săn đến và nhìn thấy cái bẫy trống trơn, với những dấu chân bên cạnh, anh ta nghĩ rằng ai đó đã đánh cắp con mồi trong bẫy của anh. Nhìn thấy Đức Phật bên bụi cây, anh ta nhắm cung và chĩa mũi tên vào Đức Phật và rồi trở nên bất động trong tư thế đó. Bảy đứa con đến tìm cha, và nhìn thấy cha đứng đó, cung tên đã giương ra, nhưng không chuyển động được. Họ cũng nhắm cung tên vào Đức Phật và cũng trở nên bất động. Cuối cùng người vợ đi tìm cả gia đình. Cô thấy tất cả mọi người đều chỉa mũi tên vào Đức Phật. Cô la lên, dang hai tay ra, “Đừng giết cha ta!” Khi gia đình cô nghe những lời này, họ nghĩ rằng người đó phải là cha của bà, người mà họ chưa bao giờ gặp. Người chồng nghĩ, “Đây là cha vợ tôi!” Những đứa con nghĩ, “Đây là ông ngoại của chúng tôi!” Trong tim họ tràn đầy tình thương yêu dành cho người đó và vì thế họ bỏ vũ khí xuống và chào hỏi. Sau đó Đức Phật ban cho họ một bài pháp, và tất cả đều đạt được sơ thiền.

Sau đó, khi Đức Phật trở về tu viện, các vị đệ tử của Ngài rất ngạc nhiên, họ hỏi Đức Phật, “Làm sao có thể như thế? Làm sao người đàn bà này có thể chuẩn bị cung tên và bẫy để giúp giết các con thú khi bà đã thông hiểu Phật pháp?” Đức Phật giải thích rằng người phụ nữ kia không tham gia vào việc giết hại thú vật. Hơn thế nữa cô cũng không muốn làm hại thú vật. Cô chỉ làm bổn phận của mình như là vợ của người thợ săn. (DhA124)

Sau đó Đức Phật giải thích rộng hơn:

Bàn tay không thương tích
Có thể tiếp xúc với chất độc mà vẫn an toàn;

Không có thương tích, chất độc không thể thấm vào,

Cũng thế, uế nhiễm không thể thấm vào

Tâm trong sạch.

(Dh1 24)

Khi tay không bị thương thì ta có thể tiếp xúc với chất độc mà không sợ nguy hiểm. Cũng thế, những hành động sai trái không thể ảnh hưởng đến ta, nếu ta không chủ ý thực hiện các hành động đó. Mặc dầu vợ người thợ săn chuẩn bị các dụng cụ để săn thú, nhưng bà làm do phải vâng lời chồng, vì trong nền văn hóa đó, ở vào thời ấy, người vợ không có nhiều lựa chọn về bất cứ điều gì. Nhưng sự không có chủ ý muốn sát hại của người vợ đã che chở tâm bà khỏi những hậu quả tiêu cực. Vì bà không muốn làm hại đến thú vật, hành động của bà là vô tội.

Nếu bạn cảm thấy cách kiếm sống của mình không tốt, nhưng không có cách gì khác hơn để giúp bạn và gia đình sinh sống, bạn có thể vẫn giữ công việc cũ, nhưng dần dần cố gắng tìm việc làm tốt hơn. Trong thời gian hiện tại, hãy quán từ bi, gửi tình thương đến tất cả những ai có thể bị ảnh hưởng bởi công việc của bạn, và hãy giữ tâm thanh tịnh bằng cách duy trì chủ tâm vào các thiện pháp.

Nếu chúng ta chấp nhận Chánh Mạng là mục đích của mình, thì ta có thể dần dần tiến đến đó khi sự thực hành tâm linh của ta đã tiến bộ. Cuối cùng là công việc của ta phải mang đến sự thoải mái tinh thần cho tất cả những người liên quan, vì hành động của ta ảnh hưởng đến người khác. Tôi biết một đôi vợ chồng kinh doanh trong gia đình bằng cách làm những món đồ chơi bằng gỗ rất đẹp, đặc biệt rất an toàn cho trẻ em. Sau đó, họ phát triển kinh doanh đến những cộng đồng khó khăn, tạo công ăn việc làm cho nhiều người. Thay vì đòi hỏi người công nhân phải làm việc tại xưởng, họ cung cấp vật liệu, huấn luyện tay nghề và cho phép công nhân được làm đồ chơi tại nhà, trả công theo sản phẩm. Phương cách này cho phép người thợ có thể tập trung cuộc sống quanh gia đình, và có thể làm việc hay nghỉ ngơi tùy ý.

Đôi khi người ta hỏi tôi, “Làm sao có thể tìm được nghề nghiệp theo chánh mạng?” Vì từ mười hai tuổi đến giờ, tôi chỉ làm có một công việc là tu, tôi không phải là người có thể giúp bạn chọn nghề hay cách tìm việc. Tuy nhiên tôi có thể khẳng định như thế này: Phương cách để tìm Chánh Mạng cũng giống như khi bạn bắt đầu một nhiệm vụ to lớn, mới mẻ nào. Đừng quan trọng thái quá. Chỉ thực hiện từng bước cho đúng.

CHÁNH NIỆM VỀ CHÁNH MẠNG

Chấp nhận rằng công việc ta làm là một khía cạnh của việc thực hành tâm linh thì không dễ dàng. Nhiều người tách bạch công việc họ làm ra khỏi đời sống tâm linh của họ. Tuy nhiên, khi ngồi xuống gối thiền, quán sát những hành động trong quá khứ, chúng ta phải thừa nhận rằng công việc ta làm chính là hành động của ta, ngay cả khi đó là theo lệnh chủ hay do công việc đòi hỏi. Nói dối thì vẫn là nói dối, dầu ta được trả tiền để làm điều đó. Chúng ta phải chịu trách nhiệm về những gì ta nói hay làm ngay trong kiếp sống này hay trong tương lai. Vì thế chúng ta phải tuân giữ đạo đức trong công việc làm cũng như đối với các hành động khác. Như với Chánh Ngữ và Chánh Nghiệp, Chánh Mạng cũng đòi hỏi chúng ta phải luôn thanh lọc hành động của mình, dầu là ở nhà hay ở sở làm.

Ngay cả khi công việc của chúng ta được coi như là Chánh Mạng, mỗi ngày làm việc, ta cũng cần luôn quan tâm đến những vấn đề đạo đức khi chúng phát sinh. Ta phải ý thức rõ ràng về năm giới và cẩn thận gìn giữ để đừng bao giờ phạm giới. Những vấn đề đạo đức không nằm trong năm giới, đòi hỏi chúng ta phải suy xét xem ta có thể chịu đựng được hậu quả hành động của chúng không.

Khi sự thực hành thiền chánh niệm của ta đã tiến bộ nhiều, ta có thể trở nên kiên nhẫn và bình tĩnh hơn đối với những hoàn cảnh mà trước đây ta không thể chấp nhận, và ta có thể bằng lòng đối với bất cứ công việc chân chính nào. Điều quan trọng nhất cần ghi nhớ là công việc làm không được ảnh hưởng đến khả năng tiến bộ tâm linh của chúng ta. Khi chúng ta không gây não hại cho bản thân bằng cách phạm giới hay tham gia vào những hoạt động ảnh hưởng đến đạo đức, thì tâm ta sẽ được bình an, tự tại. Với tâm bình an, tự tại, dĩ nhiên là ta có thể tiến bộ trên đường đạo. Khi đã dẹp được các chướng ngại, ta chỉ cần bước tới.

Điều này có thể được so sánh với cách chúng ta sinh tồn. Khi đói, ta ăn. Khi khát, ta uống. Ta mặc áo ấm khi trời lạnh. Ta phòng ngừa bệnh hoạn. Ta tránh những hành động và hoàn cảnh đem lại nguy hiểm cho thân. Nhưng chúng ta không rêu rao: “Tôi phải sống, tôi phải sống!” Nếu ta đã cung cấp đủ các nhu cầu căn bản, thì thân tự động sẽ duy trì được cuộc sống. Tương tự, trong Chánh Mạng, trách nhiệm duy nhất của chúng ta là tránh làm hại cho bản thân và cho người, để ta có thể giữ được tâm bình an, thanh tịnh. Với tâm tự tại, chúng ta có thể hành thiền và tiến bước trên con đường đến hạnh phúc, theo dấu chân Phật.

Nếu muốn tiến nhanh hơn nữa, ta có thể tìm những việc làm hay nghề nghiệp có thể vun trồng, giúp ích thêm cho sự tu tập của ta, và thúc đẩy ta thêm tinh tấn. Một công việc như thế sẽ tạo ra những hoàn cảnh để thử thách các khuyết điểm của ta, qua đó ta có thể tu sửa nhưng không tạo ra quá nhiều áp lực và tránh đặt ra những vấn đề mà trước mắt chúng ta không chuẩn bị để đối phó. Thí dụ, một người đang cố gắng để vun trồng các trạng thái tâm định vi tế hơn, thì công việc thích hợp nhất là làm những việc cố định, dễ dàng, không phải động não nhiều. Trái lại, người muốn vun trồng kiên nhẫn có thể phát triển trong một công việc đòi hỏi phải đối đầu với người khó tính hay hoàn cảnh khó khăn.

Trong lúc tọa thiền, hãy dành chút thời gian áp dụng phương pháp tự vấn ba bậc như đã nói ở trên để đánh giá xem công việc hiện tại của ta góp phần như thế nào vào Chánh Mạng. Từ đó, ta có thể quyết định xem công việc ấy có cần sửa đổi gì thêm cho tốt hơn. Hãy tự hỏi xem hiện tại ta có thể làm gì để công việc của ta trở nên ích lợi hơn cho bản thân và cho người.

TÓM LƯỢC VỀ CHÁNH MẠNG

Đây là những điểm chánh yếu cần ghi nhớ về Chánh Mạng:

• Phương tiện kiếm sống của chúng ta không được ảnh hưởng xấu đến sự phát triển tâm linh của ta.

• Chúng ta có thể đánh giá xem một nghề nghiệp có được coi là chánh mạng không bằng phương pháp khảo sát ba cấp bậc.

• Ở bậc đầu tiên, ta xét xem nghề nghiệp đó tự nó có tai hại cho người hay cho bản thân không.

• Ở bậc thứ hai, ta xét xem công việc đó có khiến ta phải phạm vào một trong năm giới luật không.

• Cuối cùng, ta xét xem các yếu tố khác liên quan đến công việc có làm cho tâm khó an tịnh không.

• Tâm từ bi có thể đem lại ảnh hưởng tốt cho một hoàn cảnh công việc khó khăn.

• Nếu ta không chủ tâm làm hại ai, tâm ta sẽ không bị uế nhiễm bởi những hậu quả tiêu cực của công việc.

• Chánh Mạng là mục tiêu tối hậu phải đạt được khi công phu tu tập của ta đã tiến triển.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
05/04/2013(Xem: 3687)
Để thảo luận vấn đề thường được nhiều người hỏi: sự khác nhau giữa đạo Phật Đại thừa và đạo Phật Nguyên thủy là gì? Để hiểu được điều này chính xác, chúng ta hãy ôn lại lịch sử của đạo Phật và tìm nguồn gốc của đạo Phật Đại thừa và đạo Phật Nguyên thủy.
02/04/2013(Xem: 5309)
Nhìn lại thân thể của mình mỗi ngày là một trong những phương pháp thực tập rất căn bản của thiền học. Tiếp xúc với thân thể của ta bằng con mắt thiền quán, ta thấy sự có mặt của thân thể đối với ta là sự có mặt của một thực tại mầu nhiệm.
28/03/2013(Xem: 6611)
Phật dạy chúng sanh trong sanh tử vô minh từ vô thủy kiếp đến nay, gốc từ vô minh, do vô minh nên thấy biết và tạo nghiệp sai lầm. Biểu hiện của thấy biết sai lầm thì rất nhiều, trong đó sự thiếu sáng suốt và lòng tự mãn là biểu hiện nổi bật nhất. Đây cũng là căn bệnh trầm kha của đa phần những con người bảo thủ, sôi nổi, nhưng lại nhìn chưa xa, trông chưa rộng. Từ đó, cuộc sống của họ khung lại trong cái vị kỷ nhỏ hẹp, phiêu bồng trôi giạt theo từng bước vong thân.
27/03/2013(Xem: 4035)
Một vị vua là một người cai trị thuộc dòng dõi hoàng gia. Đức Phật xác định, một vị vua là “vị thủ lĩnh của những người đàn ông”. Các tôn giáo khác nhau có những lý luận khác nhau về nguồn gốc và bản chất của một vị đế vương.
27/03/2013(Xem: 5763)
Phật giáo, giống như những tôn giáo khác, nhấn mạnh vào những giá trị tinh thần hơn là vào những giá trị vật chất; vào việc buông xả những tài vật của thế gian hơn là chấp chặt vào chúng; và vào khía cạnh tâm linh của đời sống hơn là vào khía cạnh trần tục của nó. Tuy nhiên, Phật giáo không hoàn toàn không quan tâm đến phương diện đời sống vật chất và thế tục.
26/03/2013(Xem: 4370)
Tốt và xấu là những tiêu chí để đánh giá đạo đức. Thông thường, một người tốt được nghĩ là một người có đạo đức, và ngược lại. Cũng như vậy, những hành vi được xem là tốt khi hành vi ấy tuân theo những nguyên tắc đạo đức nào đó; và ngược lại, những hành vi được coi là xấu khi chúng chệch ra khỏi những nguyên tắc đạo đức.
07/03/2013(Xem: 4832)
Luận Phật Thừa Tông Yếu là tùy thuận theo thời cơ lược nói về tông bản và cương yếu của Phật pháp. Thế nên bộ luận này cũng có tên là Khái Luận Về Phật Pháp Hiện Đại.
16/02/2013(Xem: 5466)
Pháp Duyên khởi, tiếng Phạn là Pratīya-samutpāda. Pratīya, là sự hướng đến: Nghĩa là cái này hướng đến cái kia và cái kia hướng đến cái này. Hán dịch Pratīya là Duyên và Anh dịch là Condition. Trong Māhyamika, Ngài Nāgārjuna giải thích chữ Pratīya như sau: Utpadyate pratītyemān itīme pratyayaḥ kīla (1). Nghĩa là, do làm điều kiện cho cái kia sinh khởi, những cái này người ta gọi là Duyên. Samutpāda có nghĩa là tập khởi, đồng khởi, sinh khởi, tương khởi, cộng khởi… Do những ý nghĩa trên, mà Pratīya-samutpāda được các nhà Hán dịch là Duyên khởi hay Duyên sinh, tức là sự khởi sinh của vạn pháp cần phải có điều kiện (pratīya), nếu không có điều kiện, thì các pháp không thể sinh khởi.
31/12/2012(Xem: 5421)
Theo nghĩa hẹp, nhẫn nhục là nhịn chịu mọi nhục nhã và mọi khó khăn trở ngại, và vượt qua chúng một cách bình ổn. Nhà Phật gọi những chướng duyên làm ngăn trơ ûsự tiến tu là ma chướng, gồm ngoại ma (trở ngại do người khác hoặc hoàn cảnh bên ngoài gây ra)và nội ma (trở ngại từ chính thân tâm mình)
28/12/2012(Xem: 26465)
Là người mới bắt đầu học Phật, tôi nhận thấy quyển sách nhỏ này thể hiện tốt tinh thần vừa giáo dục vừa khai sáng. Mặc dù đạo Phật có bề dày lịch sử phong phú, đầy những giá trị, điều cần thiết đối với người học Phật ngày nay vẫn là làm thế nào để ứng dụng lời đức Phật dạy vào đời sống hàng ngày. Quyển 100 điều đạo đức tại gia này giúp tôi hiểu tầm ảnh hưởng của đạo Phật đối với cuộc sống thường nhật của con người. Nó có thể được xem như quyển sổ tay hướng dẫn chúng ta sống cuộc đời theo chánh pháp.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]