Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. quangduc@quangduc.com* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 8- Luân hồi và nhân quả

09/05/201312:24(Xem: 4230)
Chương 8- Luân hồi và nhân quả


Phật Học Tinh Yếu

Hòa Thượng Thích Thiền Tâm

Trọn bộ 3 thiên

---o0o---

Luân Hồi Và Nhân Quả

Tiết mục:

I. Thuyết luân-hồi qua phương diện sự, lý

II. Vài chứng nghiệm về thuyết luân-hồi

III. Ý nghĩa và các yếu điểm về nhân-quả

IV. Những tương quan giữa nhân và quả

Kinh sách trích dẫn:- Kinh Lăng-Nghiêm, Kinh Phạm-Võng, Trì-Bắc-Ngẫu-Ðàm, Tư-Quy-Tập, Phật-Học-Phổ-Thông, Kinh Kim-Cang-Bát-Nhã, Kinh Luân-Chuyển-Ngũ-Ðạo, Kinh Ðịa-Tạng-Bản-Nguyện.

Ðề yếu: -Con người từ đâu sanh ra? Chết rồi đi về đâu? Tại sao giữa đời lại có những kẻ giàu, nghèo, sanh, hèn, đẹp, xấu, trí, ngu sai biệt? Tại sao có người hiền lành mà thường gặp việc khổ sở không may, kẻ hung ác lại được an vui phát đạt? Ðây là mối nghi nan thắc mắc chung của đa số người. Và theo Phật-giáo, tất cả sự việc nầy bao gồm trong vấn đề “luân-hồi nhân-quả”.

Luân-hồi và nhân-quả là hai sự kiện tương quan. Bởi chúng sanh còn nghiệp trái của nhân-quả thiện ác nên mới bị luân-hồi. Và sự luân-hồi khổ vui trong sáu nẻo, đều do ảnh hưởng tốt xấu của nhân-quả thiện ác. Về nhân-quả, có thể gồm chung trong ba nghiệp: Phước, Phi-phước, Bất-động; mà nơi phát sanh lại từ thân, ngữ, ý. Nhân nào quả ấy, trạng thái vô cùng! Còn luân-hồi là sự xoay vần quanh sáu nẻo, tóm tắt không ngoài hai lối khổ, vui.

Từ xưa đến nay, cảnh đời trải biết bao cuộc bể dâu diễn biến, và người đời mãi tranh đua ganh ghét tàn hại nhau vì mối danh, lợi, sắc, tài. Chúng sanh có bao nỗi khổ là bởi gây nhiều tác nghiệp, mà sở duyên của nghiệp, lại từ nơi vọng tâm mê hoặc chấp lấy cái ta. Nếu biết trở lại nguồn chân, chặt dứt cội gốc Vô-minh ngã chấp, thì cành lá của nghiệp và bông trái của khổ phải điêu tàn. Muốn đi đến cảnh chân lạc bên miền bỉ ngạn nầy, trong những đêm thanh vắng, ta nên lặng tâm xét nghĩ, mà thao thức chuyển hướng lòng mình qua mối suy tư:


Trời đêm in bóng mái chùa xưa
Lòng tĩnh cuộc đời đầy khổ nhọc!
Trăng sáng đầu non thoảng tiếng chuông
Canh khuya cầm quyển Lăng-Nghiêm đọc.

Tiết I: Thuyết Luân Hồi Qua Phương Diện Sự, Lý

Các học giả Âu-Tây trong khi nghiên cứu về tôn-giáo Ðông-phương, đều cho rằng vấn đề “Luân-hồi nhân-quả”, có thể gọi là giáo lý cốt yếu của nhà Phật. Riêng về thuyết luân-hồi, nếu nhìn khái quát, có hai phương diện: sự và lý.

Về phần lý, danh từ “luân-hồi” dịch ở chữ Samsara của Phạm-ngữ. “Luân” là bánh xe, “hồi” có nghĩa xoay tròn. Hình ảnh bánh xe quay tròn là một tượng trưng rất rõ ràng, mà Đức Phật đã dùng để ví cho sự lên xuống xoay vần của chúng-sanh trong lục đạo. Tất cả loài hữu-tình đều theo luật sanh, trụ, dị, diệt, khi ở cõi nầy, lúc đến nẻo khác, sự sống chết mãi tiếp nối không biết khi nào cùng tận, dường như bánh xe lăn. Và luân-hồi là một thuyết có chứng nghiệm, không phải hoang đường.

Sở dĩ Phật-giáo nói ra thuyết luân-hồi, là để phá lối chấp đoạn và thường của thế gian cùng ngoại-đạo. Về lối chấp đoạn, có kẻ cho rằng loài người cũng như loài vật, khi chết rồi thì cả linh hồn và thể xác đều tiêu hoại, không có đời sau. Thuyết nầy không đúng, vì xưa nay trong thế-giới, đông cũng như tây-phương, rất nhiều sự thật chứng minh con người có chuyển kiếp ở đời sau. Vả lại, nếu cho rằng không có việc tội phước liên quan đến đời sau, thì xã hội không yên, thế-giới nầy đại loạn, con người tha hồ tạo đủ những việc ác, không ai tu thiện làm gì, bởi chết rồi là mất. Cho nên lối chấp đoạn đã sai lầm, lại còn rất nguy hiểm.

Ðến như lối chấp thường, có nhiều kẻ quan niệm tất cả chúng-sanh khi chết rồi, linh hồn vẫn mãi tồn tại, kiếp sau loài người vĩnh viễn làm người, loài vật vĩnh viễn làm vật. Hoặc có kẻ bảo: nếu biết đặt hết lòng tin tưởng, vâng lời một đấng thiêng liêng, thì sẽ được sanh lên cõi thiên đường, vĩnh viễn hưởng mọi sự khoái lạc. Bằng trái lại, tất bị đọa xuống Địa-ngục, chịu cực hình khổ sở đời đời. Hai lối chấp thường sau nầy đã không đúng lại nguy hiểm. Vì nếu con người vẫn mãi được làm người không bị sa đọa, thì không ai cần phải tu thiện, nhơn loại sẽ dùng tất cả thủ đoạn xảo trá, làm đủ các điều ác, để hưởng mọi thú vui. Còn nếu bảo: biết tin tưởng vâng lời đấng thiêng liêng, sẽ được hưởng phước thiên đường mãi mãi, trái lại phải vĩnh viễn bị khổ ở Địa-ngục, lại cũng sai lầm. Theo sự nhận xét thông thường, mọi người đều nghiệm thấy trong đời không vật gì có thể vĩnh viễn ở yên một chỗ, mà trái lại luôn luôn biến đổi và xê dịch. Còn gì bất công và vô lý hơn, là chỉ gieo nhân trong một thời gian ngắn ngủi, mà phải chịu kết quả vui khổ vĩnh viễn ở tương lai.

Theo Phật-giáo, chúng-sanh tùy nơi nghiệp thiện ác mà luân-hồi trong sáu nẻo. Loài hữu-tình sở dĩ bị sống chết xoay vần, là bởi còn có tâm chấp ngã. Nếu dứt trừ ngã chấp, hành giả sẽ trở về tánh bản chân thanh tịnh, mà thoát khỏi luân-hồi. Vĩnh-Gia đại-sư đã bảo: “Quả báo vui khổ đều do tâm tạo ra. Tâm nóng giận, tà dâm, độc ác là nghiệp Ðịa-ngục. Tâm tham lam, bỏn sẻn là nghiệp Ngạ-quỷ. Tâm ngu si, hôn ám là nghiệp Bàng-sanh. Tâm ngã mạn, cống cao là nghiệp Tu-la. Giữ tròn năm giới là nghiệp Người. Tinh tu mười điều lành là nghiệp Trời. Chứng ngộ nhơn không là nghiệp Thanh-Văn. Rõ pháp nhân duyên là nghiệp Duyên-Giác. Tu hành sáu độ là nghiệp Bồ-Tát. Lòng chân từ bình đẳng là nghiệp Phật. Nếu tâm trong sạch thì hóa sanh về Tịnh-độ, ở nơi bảo các, hương đài. Tâm dơ nhiễm thì gởi chất nơi uế bang, ở cõi núi gò hầm hố. Muôn cảnh đều do tâm tạo, lìa nguồn tâm ra không có hình thể chi. Vậy muốn hưởng quả lành, phải tu nhân tịnh!”

Những lời của Vĩnh-Gia đại-sư trên đây, tuy vắn tắt, nhưng đã thuyết minh lý luân-hồi trong sáu nẻo, và đề cập rõ ràng nhân-quả của mười pháp-giới. Cho nên khi chúng ta đã rõ biết luật nhân-quả, thì cũng chẳng thể từ chối không công nhận thuyết luân-hồi. Bởi luân-hồi chẳng qua là nhân-quả liên tục nhưng vì chúng-sanh tùy theo nghiệp duyên, khi còn lúc mất, khi biến hiện lên xuống, lúc thay dạng đổi hình, nên nhiều người lầm tưởng cho là gián đoạn. Kỳ thật trong ấy có những ảnh hưởng chi phối lẫn nhau từ kiếp nầy sang kiếp khác, duy những bậc đã chứng nhơn không mới thoát khỏi vòng chi phối đó mà thôi.

Lý luân-hồi đã thế, về phần sự luân-hồi, có thể tóm tắt trong lục đại là: đất, nước, gió, lửa, hư không và thức tánh.

Về sự luân-hồi của địa đại: như một cái ly trước kia là đất, qua một thời gian nó sẽ bể nát thành ra cát bụi. Cát bụi nầy làm phân bón để thành thức ăn và sắc chất của cây cỏ. Cây cỏ lại làm thực phẩm và thành máu thịt loài động vật. Thân thể của các động vật khi chết rồi lại trở thành đất bụi.

Về sự luân-hồi của thủy đại: như nước ở sông biển bị sức nóng của ánh mặt trời bốc lên thành hơi. Hơi bay lên hư không tụ lại thành mây. Mây gặp gió lạnh, kết đọng rơi xuống thành mưa. Nước mưa chảy xuống ao hồ, gặp khí lạnh quá biến thành băng giá. Băng giá gặp hơi nóng mặt trời tan trở lại thành nước.

Về sự luân-hồi của phong đại: như gió là sự vận chuyển của không khí. Không khí bị sức nóng của mặt trời, giãn ra bốc lên cao làm thành những khoảng trống. Ðể bù vào những khoảng trống ấy, không khí ở các nơi khác chạy tới điền vào, gây thành luồng gió. Không khí xê dịch chậm thì thành gió nhỏ, xê dịch mau thành gió to, xê dịch nhanh nữa lại thành ra bão.

Về sự luân-hồi của hỏa đại: như lửa là sức nóng làm cháy được vật, khi đủ nhân duyên nó sẽ phát ra. Chẳng hạn như hai thanh gỗ khô, khi cọ xát nhau một hồi thì phát ra lửa. Lửa nầy có thể đốt củi, củi bị đốt một phần hóa ra tro than, một phần biến thành thán khí. Các thứ cây khác dùng rễ mình để rút lấy phân tro, dùng lá mình thu hút thán khí, chất chứa lại sức nóng để ngày kia gặp đủ nhân duyên lại bừng cháy lên.

Về sự luân-hồi của không đại: như nơi một khoảng hư không, nếu cất nhà lên thì khoảng trống ấy phải mất; khi nhà đó tiêu hoại lại hoàn phục thành hư không. Lại như giữa một vùng đất đặc chẳng có hư không, nếu đào nơi đó thành những đường hầm rộng, tức thêm một phần hư không, và nếu lấp đường hầm đi thì hư không chỗ ấy phải mất. Và như thế-giới nầy đến kiếp hoại của thủy-tai, từ cõi Tam-thiền trở xuống đều thành hư không, sang lúc kiếp thành thì khoảng hư không ấy bị lấn mất một phần lớn bởi non sông vạn hữu.

Ðến sự luân-hồi của thức đại, thì thức tánh của chúng-sanh vẫn không phải cố định. Nếu loài hữu-tình gặp nhân duyên tốt, có thể đổi thành tánh hiền lành, gặp nhân duyên xấu có thể trở thành tánh hung dữ. Cho đến người học môn nầy có cái biết của môn nầy, học môn khác có cái biết của môn khác.

Ðại khái, trong lục đại, có sự luân-hồi của cảnh giới, tức là khí thế gian; và sự luân-hồi của chúng-sanh, tức là hữu-tình thế gian. Sự luân-hồi về khí thế gian duy thuộc năm đại trước, sự luân-hồi về hữu-tình thế gian gồm cả sáu đại. Sáu đại nầy lan tràn khắp vũ trụ, nên kinh Lăng-Nghiêm nói: “Tánh thủy là chân không, tánh không là chân thủy, đương xứ mà xuất sanh, tùy xứ mà hoại diệt, tánh nó vẫn bản nhiên trong sạch và đầy khắp cả pháp-giới”. Thủy đại đã như thế, thì các đại kia cũng vậy. Kinh Phạm-Võng cũng bảo: “Tất cả đất, nước, gió, lửa đều là thân trước và cũng là bản thể của ta”. Hai đoạn kinh trên, có thể tiêu biểu cho sự luân-hồi của hữu-tình và khí thế gian.

Tuy nhiên, bản hoài ra đời của Như-Lai, là đưa chúng-sanh thoát khỏi nỗi khổ sanh-tử, chứng lên cực quả Niết-bàn. Cho nên trọng tâm thuyết luân-hồi của Phật-giáo, điểm chính là chỉ cho sự sống chết xoay vần của chúng-sanh. Muốn thoát nỗi khổ luân-hồi nầy, người tu Phật phải đi trên con đường vô ngã. Còn sự luân-hồi của cảnh giới, tức khí thế gian, chẳng qua là một điểm bàn thêm, để chúng ta hiểu rộng về thuyết nầy đấy thôi.

Tiết II: Vài Chứng Nghiệm Về Thuyết Luân Hồi

Trong kinh Phật có đoạn tranh biện về vấn đề “có đời sau hay không?” giữa Tê-Túc Bà-La-Môn và Ca-Diếp đồng-nữ. Cuộc tranh biện rất dài và kết cuộc Bà-La-Môn đuối lý, phải công nhận là có đời sau. Nhưng đó chỉ là lý thuyết, mà lý thuyết thì không bằng chứng nghiệm. Khi có những việc chứng thật về luân-hồi, tất trong ấy đã bao hàm những lý thuyết hùng hồn và vững vàng nhất.
Việc luân-hồi xưa nay, ở đông cũng như tây-phương rất nhiều, hoặc do sự truyền khẩu, hoặc ghi chép trong truyện sách báo chí. Như cách đây vài mươi năm, tờ báo Mai có chụp ảnh và đăng một câu chuyện như sau:

1. Chuyện luân-hồi ở Ấn-Ðộ:

Tại Ấn-Ðộ, ở thành Delhi có một cô gái tám tuổi tên Phatidevin. Cô đã nhiều lần khóc lóc với cha mẹ đòi về thành Mita thăm chồng là một giáo viên. Thành Delhi cách Mita trên 200 cây số. Cha mẹ cô gái lấy làm lạ, mời một phóng viên nhà báo đến để nhờ anh điều tra giùm. Khi anh ký giả đến hỏi, thì được cô cho hay kiếp trước mình là vợ một giáo viên, ở với chồng có sanh một đứa con. Lúc đứa con lên 11 tuổi, thì cô lâm bịnh và từ trần. Người phóng viên hỏi xem cô ta có cái gì để làm bằng chứng không. Cô trả lời rằng khi chết mình có để lại vàng bạc và đồ đạc chôn ở một nơi trong nhà. Và cô còn nhớ rõ mình có cái quạt do người chị em bạn tặng, trên quạt có ghi mấy dòng chữ, rồi cô đọc mấy dòng chữ ấy cho vị phóng viên ghi chép vào sổ tay.

Anh phóng viên liền đến thành Mita, tìm hỏi tên họ vị giáo viên, thì quả có thật không sai. Anh hỏi ông giáo:

- Ông có người vợ chết cách nay độ 8, 9 năm có phải không?

- Thưa vâng. Từ khi vợ tôi chết đến nay đã chín năm. Chẳng hay ông hỏi có việc chi?

Anh ký giả trình bày những lời cô bé đã nói. Ông giáo nghe đều cho là đúng cả. Anh lại lấy quyển sổ tay, đưa mấy dòng chữ cho ông giáo đọc và hỏi:

- Khi vợ ông mất, có để lại một cây quạt, trên ấy có ghi mấy dòng chữ như thế nầy phải không?

- Thưa, đúng y như vậy cả.

Qua ngày sau, phóng viên lại mời cô Phatidevin và cha mẹ cô cùng đi xe đến thành Mita. Từ khi sanh ra đến tám tuổi, cô chưa từng đi xa, thế mà đường đi đến thành Mita, cô đều thuộc cả. Cô chỉ đường nầy là đường gì, đi về đâu, đường kia tên đường gì đi về đâu; và còn nói trúng cả tên những nhà quen ở hai bên đường nữa. Gần đến nhà ông giáo, cô bảo xe đi chậm lại và dừng ngay trước nhà ấy. Vào nhà, gặp ông lão độ 80 tuổi đầu tóc bạc phơ, cô vừa mừng vừa khóc mà nói rằng:

- Ðây là cha chồng tôi.

Lại chỉ ông giáo mà bảo:

- Kia là chồng tôi.

Rồi cô chạy lại ôm đứa con vừa khóc và nói:

- Ðây là con tôi.

Mọi người trông thấy, ai cũng đều ngạc nhiên và cảm động.

Việc nầy đã làm sôi nổi dư luận Ấn-Ðộ. Các báo chí thế-giới cũng đều bàn tán xôn xao. Và những nhà bác học ra sức tìm tòi nghiên cứu, nhưng không sao giải thích được. Nhưng đối với những nhà đạo học đông-phương đã rõ lý luân-hồi, thì việc nầy cũng tầm thường không có chi lạ.

2. Chuyện luân-hồi ở Trung-Hoa:

Nước Trung-Hoa, đời vua Thuận-Trị nhà Thanh, có một học giả danh tiếng ở huyện Tế-Ninh, là Thiệu-Sĩ-Mai. Ông đậu Tiến-sĩ khoa Kỷ-Hợi, tự nhớ kiếp trước mình vốn người ở huyện Thê-Hà, tên là Cao-Ðông-Hải. Bà vợ của Thiệu-Sĩ-Mai chết lúc tuổi hãy còn trẻ, khi lâm chung trối dặn chồng rằng: “Tôi có nhân duyên làm vợ anh ba đời. Kiếp nầy là một. Ðời sau tôi sẽ sanh vào nhà họ Ðông ở huyện Ðào. Ngày kia anh bãi chức, về ngụ nơi chùa Tiêu xem kinh Phật, xin tìm tôi ở ngôi nhà thứ ba tại khúc quanh sông Tân thuộc vùng ấy”.

Hơn mười năm sau, Sĩ-Mai đổi về làm Giáo-thọ ở phủ Ðăng-Châu, gần huyện Thê-Hà. Một hôm nhân rảnh rỗi, ông đến viếng chỗ ở kiếp trước, thì nhà của Cao-Ðông-Hải đã không còn. Hỏi thăm tìm được đứa cháu nội của Ðông-Hải, ông giúp tiền cho gầy dựng ruộng nhà. Kế đó ông thuyên chuyển làm Tri-huyện ở Ngô-Giang, rồi cáo bịnh về nghỉ. Nhân lúc vô sự, Sĩ-Mai đến thăm người bạn đồng niên ở huyện Ðào, và ngụ tại chùa Tiêu. Chùa nầy có bộ Ðại-tạng-kinh, trong khi vắng vẻ ông thường mượn để duyệt lãm. Một hôm, bỗng nhớ lại lời người vợ trước đã dặn bảo, ông ra Tân-Giang đi dọc theo mé đến một khúc quanh tìm hỏi, quả thật có họ Ðông ở ngôi nhà thứ ba ven sông. Ông vào thăm thì nhà nầy có đứa con gái chưa gả, nhân thuật lại duyên cớ trước, xin cầu hôn, liền được gia chủ ưng thuận.

Cưới vợ được mấy năm, cô gái họ Ðông lại qua đời. Khi lâm chung, lại dặn chồng rằng: “Lần giã biệt đây, tôi sẽ tái sanh nơi nhà họ Vương ở Tương-Dương. Ngôi nhà nầy cũng ở ven sông, trước cửa có hai cây liễu, sau anh đến tìm tôi tại nơi đó. Cuộc tái hợp lần cuối cùng nầy, tôi sẽ sanh cho anh hai đứa con”. Thiệu-Sĩ-Mai nhất nhất đều xin ghi nhớ. Về sau sự việc diễn tiến quả đúng y như lời người vợ đã nói.

Năm Kỷ-Mùi đời vua Khang-Hy, Thiệu-Sĩ-Mai ở tại kinh sư, đã đem việc nầy thuật lại rõ ràng với những bạn đồng niên như Vương-Ngư-Dương, Phan-Trần-Phục...

Việc của Thiệu-Sĩ-Mai trên đây, thật đã đúng với hai câu thi: “Lưỡng thế đốn khai sanh tử lộ. Nhất thân tằng tác cổ kim nhơn” (Một thân từng diễn người kim cổ. Ðôi kiếp mở liền lối tử sanh). Cuộc thế bể dâu, thân người huyễn mộng, xem việc nầy, những ai có mối thâm tư, chi khỏi sanh niềm cảm khái.

3. Chuyện luân-hồi ở Việt-Nam:

Cách đây mấy mươi năm, ở Thủ-Ðức có một nữ Phật-tử tu tại-gia. Vì vợ chồng cô là tín đồ thuần thành, trọng Phật kính Tăng, nên các sư thường đến ghé thăm, có khi được mời nghỉ đêm tại nhà. Thời đó, ảnh hưởng chánh-pháp chưa được lan rộng, tuy cô đã thọ quy giới nhưng chưa hiểu rõ về đạo, nên trong nhà cũng có nuôi heo để thêm rộng rãi cho cuộc sống. Khi nọ, có một vị Hòa-thượng đến nghỉ đêm tại nhà cô, nửa đêm chợt thức giấc nghe tiếng động dưới bộ ván mình nằm, và có giọng nói nho nhỏ rằng: “Tụi bây không biết, chớ tao tên là Nguyễn-Thị-Hòa (vì liên hệ gia đình xin giấu tên) bởi có thiếu bà chủ nhà nầy một số tiền, nên phải đầu thai ra thân súc vật để trả nợ”. Hòa-thượng nghe xong lấy làm lạ, sẽ lén nhẹ nhàng cúi xuống rình xem, thì thấy một heo nái nói chuyện với mười hai heo con đang bú.
Sáng ra, Hòa-thượng hỏi người tín nữ:

- Lúc trước có cô Nguyễn-Thị-Hòa thiếu cô một số tiền như thế, có phải không?

- Dạ thưa đúng như vậy. Nhưng cô ấy nghèo và bây giờ đã qua đời, nên con kể như bỏ luôn. Ủa! Mà chuyện nầy chỉ riêng mình con với cô ấy biết, ở nhà con cũng không hay, tại sao thầy lại hiểu rõ ràng như vậy?

Hòa-thượng đem chuyện đêm hôm thuật lại. Cô chủ nhà cả kinh, vội đem bán heo mẹ lẫn mười hai heo con thì thêm một việc lạ, số tiền thu được đúng với tiền cô Nguyễn-Thị-Hòa đã thiếu mình khi trước.

Trải qua sự nầy, cô tín nữ càng tin việc luân-hồi nhân-quả hiển nhiên là có thật. Từ đó cô tu hành thêm tinh tấn và cải gia vi tự, thành ra ngôi chùa Phước-Trường hiện giờ. Tại chùa nầy, hiện nay linh vị thờ cô vẫn còn. Tiên đức đã bảo: “Súc-sanh bản thị nhơn lai tố. Nhơn súc luân-hồi cổ đáo kim!” (Súc-sanh kia trước là người. Xưa nay người, súc luân-hồi đổi thay!) Việc trên đây là một chứng minh cho lời nầy vậy. (Thuật theo lời Thượng-tọa Thanh-Từ, khi Thượng-tọa đến diễn giảng và thăm chùa Phước-Trường ở Thủ-Ðức).

Tiết III: Ý Nghĩa Và Các Yếu Ðiểm Về Nhân Quả

Nhân-quả là gì? Nhân là nguyên nhân, Quả là kết quả, nguyên nhân gây thế nào, kết quả ra thế ấy. Người xưa đã bảo: “Muốn làm việc gì, trước phải bình tĩnh nghĩ đến kết quả về sau của nó”. Nếu mỗi Phật-tử biết lấy câu nầy làm điều tâm niệm, tất sẽ tránh được nhiều lỗi lầm thất bại trên đường đạo cũng như đường đời.

Nói theo lối khác, Nhân là hại giống, Quả luận với tánh cách rộng hơn, là hoa trái. Gieo trồng hạt giống thuộc hoa trái nào, tất sẽ được hoa trái ấy. Một vị thiền-sư cũng khuyên dạy:

“Xem hết kinh Di-Ðà.

Tụng xong chú Ðại-Bi.

Trồng dưa thì được dưa.

Trồng đậu lại được đậu.

Kinh chú vẫn quý lành.

Kết oán làm sao cứu?

Soi lại lòng bản lai.

Người tạo, người phải chịu.

Mình làm mình thọ quả”.

Mấy lời trên đây không phải phủ nhận oai lực của kinh chú. Nhưng chủ ý của thiền-sư là để nhắc nhở cho những người: một phương diện thì ăn chay tụng kinh trì chú, phương diện khác lại sát sanh gian xảo lường gạt; hay chỉ biết làm lành, cúng dường, bố thí bên ngoài, nhưng không biết dứt trừ tâm niệm tham lam, ích kỷ, tật đố, si mê, độc ác bên trong. Một đàng tu thiện, một đàng tạo ác như thế, nghiệp thì dễ tạo, phước lại khó tu, lấy công trừ tội sợ e không rồi, làm sao tiêu giải oan kết cho được? Những kẻ gây hạnh nghiệp như thế, rồi trở lại trách Phật, Bồ-Tát sao không cứu, trách kinh chú sao không linh nghiệm, chẳng hóa ra là sai lầm lắm ư?

Nhân tiện lại xin bàn thêm một việc, trong giới Phật-tử có hai hạng người: Một hạng thuần tín ngưỡng, chỉ cực đoan nương tựa nơi tha-lực, tức là cầu sự giúp đỡ của chư Phật, Bồ-Tát, không kiểm điểm sửa đổi tâm hạnh của mình. Một hạng duy y cứ nơi tự-lực, cho rằng mình làm lành sẽ được kết quả lành, không cần sức giúp đỡ của chư Phật, Bồ-Tát, nghĩa là không ỷ lại nơi tha-lực. Cả hai quan niệm đó đều sai lầm. Về hạng trước, tuy chư Phật, Bồ-Tát có bi tâm, bản nguyện cứu độ chúng-sanh; nhưng ít nữa hành giả phải tự-lực cố gắng một phần nào, sự giúp đỡ ấy mới có công hiệu, nếu chẳng thế thì các hiền-thánh cũng đành không phương cứu trợ. Ví như một sinh viên thường siêng năng cố gắng chăm học, thầy bạn mới có thể chỉ bảo giúp đỡ thêm được; nếu mãi biếng nhác lêu lổng, thì cha mẹ, sư hữu cũng vô kế khả thi. Cho nên Tịnh-độ-tông và Mật-tông tuy thuộc về Tha-lực pháp-môn, nhưng muốn đạt được kết quả, hành giả cần phải cố gắng nhiều trên phương diện tự-lực. Về hạng sau, tuy tự-lực của mình là cần thiết, nhưng cũng cần có tha-lực hộ trì mới mau đạt được kết quả. Ví như một học sinh tuy siêng năng chăm chỉ, nhưng nếu được thầy hay bạn tốt thường giúp đỡ, thì sự học sẽ tăng tiến biết bao nhiêu! Vì thế, nên Thiền-tông tuy chú trọng về tự-lực, nhưng vì sợ hành giả khó giữ tâm trước cảnh Ngũ-ấm-ma, cho đến bậc phá trừ Tưởng-ấm chứng quả A-na-hàm, trong một giây phút sơ hở còn có thể bị thiên-ma làm cho sa đọa, nên Đức Phật ân cần khuyên phải trì chú Lăng-Nghiêm để nhờ sự hộ trì của tha-lực. Lại vì e bậc A-la-hán ở yên nơi cảnh hóa thành mà quên đến miền bảo sở, chỉ lo tự-độ mà chán việc lợi-tha, Ðức Thế-Tôn mới khuyến tấn, quở là giống khô, mộng héo. Cho đến bậc Bồ-Tát khi chứng lên ngôi Bất-động-địa, thấy thế-giới mười phương như huyễn, lặng lẽ tợ không hoa, thường sanh quan niệm an trụ nơi tịch tĩnh. Ðức Như-Lai e hành giả Đại-thừa say chìm trong cảnh đó, nên hiện thân khuyến tấn nhắc cho nhớ lại bản nguyện độ sanh, để đương nhơn tiến lên cực quả. Vậy Thiền-tông đâu phải không cần đến tha-lực? Cho nên gọi đạo Phật là tôn-giáo hay phi-tôn-giáo, thần-quyền hay phi-thần-quyền, đều không đúng. Phật-giáo là Phật-giáo, là toàn thể pháp-giới, gồm đủ mọi mặt. Quảng-Nghiêm đại-sư, một vị thiền-đức Việt-Nam, khi thị tịch có câu: “Nam nhi tự hữu xung thiên chí. Hưu hướng Như-Lai hành xứ hành” (Tung trời là chí tài trai đó. Hà tất theo đuôi Phật mới lành!) Hai câu nầy chẳng qua là để nung thêm ý chí tự cường của người tu mà thôi. Hành giả đừng nên hiểu lầm, vội bác sự hướng dẫn của chư Phật, Tổ, rồi sanh tâm tự cao mà đắc tội, nhất là đối với bậc trung, hạ căn.

Sở dĩ có đoạn trên đây, là bút giả muốn khuyên nhắc sự sai lầm của những hành nhơn duy biết ỷ lại vào tha-lực mà quên việc nhân-quả tiến tu của mình. Và một hạng người cầu cao, chỉ y cứ nơi nhân-quả của tự-lực mà khinh thường sự kiện hữu ích rất cần thiết của tha-lực.

Trở lại phần chính của bài nầy, về phương diện nghiệp Nhân, trong kiếp sống, loài hữu-tình khi gây nhân có ba điều khái yếu: Phước-nghiệp, Phi-phước-nghiệp và Bất-động-nghiệp. Phước-nghiệp là những nhân lành như kính thờ Tam-bảo, bố thí, phóng sanh... Phi-phước-nghiệp là những nhân ác, như khinh báng Tam-bảo, bất hiếu với song thân, cùng những điều giết, trộm, dâm, vọng... Bất-động-nghiệp là những nhân thiền-định, như thế-gian-thiền, ngoại-đạo-thiền, xuất-thế-gian-thiền...
Ba nghiệp nhân trên phát sanh từ thân, ngữ, ý. Nhân lành của thân là giữ những giới không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, đoan chính trong các oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi, mắt không đắm sắc, tai không nhiễm thanh... Nhân lành của ngữ là không nói dối, không nói thêu dệt, không nói đôi chiều, không nói thô ác, không nói vô ích, không nói lời hí hước, không khen mình chê người, thường dẫn chuyện nhân-quả với tánh cách nêu gương để khuyên nhắc kẻ khác. Nhân lành của ý là không tham lam bỏn sẻn, tật đố, không giận dữ hờn oán sâu độc, không si mê tà kiến. Nếu thân, ngữ, ý không làm những việc như trên, lại tạo thêm các điều thiện, gọi là ba nghiệp lành. Trái lại, là ba nghiệp ác. Tóm tắt, về phần “Nhân”, nơi phát sanh không ngoài thân, ngữ, ý, và chỗ tạo tác không ngoài Phước, Phi-phước cùng Bất-động-nghiệp.

Theo lời Phật dạy, trong ba nghiệp, khẩu nghiệp dễ tạo hơn cả. Người xưa đã bảo “Ða ngôn đa quá”, nghĩa là “nhiều lời tất nhiều lỗi”. Vì thế người tu nên ít nói, và khi thốt ra lời gì phải dè dặt suy nghĩ kỹ. Bởi khi nói nhiều, ta không thể kiểm soát hết lời nói của mình, như thế làm sao cho khỏi điều lầm lỗi; đôi khi gây sự phiền muộn cho kẻ khác mà ta không hay. Thuở xưa, ngài Mục-Kiền-Liên ngồi thiền định trong rừng, thấy một vị thần, thân thể đoan nghiêm phát ánh quang minh, nhưng nơi miệng lại tuôn ra máu mủ, giòi tửa, bay mùi hôi khó chịu. Sáng ra, ngài đem việc ấy bạch Phật. Ðức Thế-Tôn bảo: “Vị thần đó, tiền thân là một Tỷ-khưu, bởi giữ thân nghiệp thanh tịnh, nên sắc tướng đoan nghiêm có ánh quang minh; nhưng vì không khéo gìn khẩu nghiệp, thường buông lời thô lỗ, khen mình chê mắng người, nên nơi miệng mới có những ác tướng như thế”.

Nếu trong ba nghiệp, khẩu nghiệp đã dễ tạo, thì ý nghiệp lại có năng dụng mạnh hơn cả. Phàm-phu chỉ có thể kiểm soát tâm niệm thô của mình, song không thể kiểm soát tâm niệm tế. Ngài Di-Lặc Bồ-Tát khi nhập định, dùng trí huệ cực thanh tịnh sáng suốt, thấy mỗi chúng-sanh trong một sát-na có đến ba mươi sáu muôn ức niệm vi tế, mỗi niệm biến mỗi hình, niệm lành biến tướng lành, niệm dữ biến tướng dữ. Ðiều nầy nhắc cho ta nhớ, người tu không những giữ gìn nhân-quả nơi thân, khẩu, mà còn phải dè dặt nhân-quả trong mỗi tâm niệm. Nếu thờ ơ để cho tâm xấu thường nổi lên, khi dồn chứa lâu ngày, nó có đủ năng lực sai sử ta làm việc quấy, và chịu thân ác thú trong tương lai.

Một Phật-tử Trung-Hoa, ông Trần-Hải-Lượng, có người bạn tên Hoàng-Ðồng-Sanh. Ðôi mắt cư sĩ họ Hoàng rất lạ, có thể thấy được ma quỷ và điện quang của mỗi người. Theo lời ông, những vị tu hành chân chánh, tâm trong sạch, thì xung quanh mình có vòng ánh sáng sắc trắng mát mẻ dịu dàng. Người giàu, có ánh sáng sắc đỏ. Bậc sang quý, có ánh sáng màu tím. Kẻ buồn rầu thất chí, hoặc đau yếu, có ánh sáng màu xám như khói. Hạng người tầm thường, phần nhiều có ánh sáng màu lục. Ai có điện quang màu đen thì một là người sắp chết, hai đó là kẻ rất độc ác. Và tùy theo tâm niệm tốt xấu, điện quang của mỗi người thay đổi không lường. Ðại khái, người tâm lành ít thì vòng ánh sáng lành nhỏ hẹp; bậc tâm lành hay thanh tịnh nhiều, thì vòng ánh sáng lành rộng lớn. Quang lượng rộng hẹp của kẻ ác cũng như thế. Cho nên khi ta khởi một niệm ác, tuy người ngoài không biết, song mình biết, Quỷ-thần biết; còn những bậc thánh đắc đạo thì thấy rõ ràng như nhìn các lằn chỉ trong bàn tay, hay nhìn bóng hiện trong gương sáng. Mình biết, thì lương tri tự khiển trách làm cho hổ thẹn hối hận không yên. Quỷ-thần biết, thì phẫn nộ quở phạt. Chư Phật, Bồ-Tát khi biết dù xót thương không làm tổn hại, song kẻ gây nhân tất phải chịu quả, chẳng thế nào tránh khỏi. Từ hành vi đến tâm niệm của ta, sự phản ứng của luật nhân-quả mỗi mỗi đều rất công minh. Cho nên tiên hiền đã bảo: “Quả báo của việc lành dữ như bóng theo hình. Khi khởi một niệm lành, tuy phước chưa đến mà thiện thần đã đến. Lúc sanh một niệm dữ, tuy họa chưa tới mà ác quỷ đã theo”. Mấy lời nầy rất phù hợp với lý nhân-quả của đạo Phật.

Như trên đã nói khái quát về phần Nhân, kế lại xin bàn tổng quát về phần Quả. Quả báo tuy nhiều, song có thể tóm tắt trong mười hai điểm:

1. Hiện-báo: Ðây là quả báo trong kiếp hiện tại; có nghĩa hiện thế gây nhân thì hiện đời chịu quả. Quả báo nầy có tánh cách mau, ví như trồng loại cà, ớt hay gieo giống lúa, chỉ trong vòng một mùa, một năm đã thu được kết quả. Hiện-báo còn gọi là Hoa-báo, danh từ nầy hàm ý nghĩa mau lẹ, ảnh hưởng không đợi đến thời kỳ sanh trái, mà đã phát lộ trong thời kết bông. Tục ngữ có câu: “Ðời xưa trả báo thì chầy. Ðời nay trả báo một giây nhãn tiền”. Hai câu nầy chỉ cho tánh cách của Hiện-báo hay Hoa-báo.

2. Sanh-báo: Sanh-báo là gây nhân kiếp nầy, đời kế sau mới chịu quả báo. Quả báo nầy có tánh cách hơi lâu, ví như trồng mụn chuối con, hạ thổ năm nay, sang năm mới có trái. Trong kinh có câu: “Muốn biết nhân kiếp trước, hãy xem sự thọ hưởng đời nay. Muốn rõ quả kiếp sau, nên xét sự tạo tác trong hiện tại”. Hai câu nầy có thể chỉ cho ảnh hưởng của Sanh-báo.

3. Hậu-báo: Ðây là nói sự gây nhân trong đời nầy, đến ba, bốn, trăm, ngàn hay vô lượng kiếp sau mới thọ quả báo. Hậu-báo có tánh cách lâu hơn, ví như trồng những loại cây trong năm nay, đến năm, mười hay đôi ba mươi năm sau mới kết quả. Thuở xưa, khi Phật còn ở đời, có ông Thi-Lợi-Bật-Ðề đến một trăm tuổi mới cầu xin xuất-gia. Các vị Trưởng-lão như Ca-Diếp, Xá-Lợi-Phất, nhập định quán sát trong vòng 84000 kiếp về trước thấy ông thiếu căn lành nên không cho. Ðến khi Như-Lai đi khất thực trở về, thấy ông khóc lóc cầu xin, liền chấp thuận. Các vị Trưởng-lão hỏi duyên cớ. Ðức Thế-Tôn đáp: “Thi-Lợi-Bật-Ðề trước 84.000 kiếp, tiền thân là lão tiều phu, bị cọp đuổi gấp leo lên cây niệm một câu “Mô Phật”. Do thiện căn ấy đến nay mới gặp ta, và sẽ được đắc độ. Vì nhân lành kiếp trước của người nầy quá lâu xa, nên sức đạo nhãn của các ông không thể thấy biết được”. Trong kinh có bài kệ: “Giả sử trăm ngàn kiếp. Nghiệp đã tạo không mất. Khi nhân duyên gặp nhau, lại tự chịu quả báo”. Ðại ý bài kệ nầy chỉ cho trường hợp Hậu-báo.

4. Ðịnh-báo: Ðịnh-báo là quả báo nhất định phải chịu, không thể chuyển biến được, bởi sức nghiệp đã quá thuần thục, trong mười phần thành tựu cả mười. Ví như cái nhà hư hao chút ít hay nửa phần, còn có thể sửa chữa được; nếu kèo cột tường nóc đều hư mục, tất phải chờ cho nó hư hoại để làm ngôi khác. Và như bịnh ung thư trong thời kỳ nhẹ còn có thể chữa được, sang lúc quá nặng duy có phương chờ đến mãn phần. Cổ ngữ có câu: “Dược y bất tử bịnh. Tửu bất giải chân sầu”. (Thuốc chỉ trị những bịnh không chết. Rượu không thể giải mối buồn hiện thật). Mấy câu nầy có thể tượng trưng phần nào cho sự việc trên.

Thuở xưa vua Lưu-Ly cử binh đến đánh dòng họ Thích, Ðức Thế-Tôn can ngăn ba lần mà không được. Tôn-giả Mục-Kiền-Liên bạch hỏi sao Phật không cứu độ hàng tộc thuộc, thì ngài bảo đó là định nghiệp. Tôn-giả không tin, dùng thần thông đem giấu năm trăm người họ Thích trên cung trời. Nhưng khi Lưu-Ly-Vương dẹp xong hàng Thích-Chủng, thì năm trăm người ấy cũng đều thành huyết mà chết. Ðây là một sự kiện chứng minh sức định nghiệp có công năng tuyệt đối mạnh mẽ. Cho nên chư Phật có ba việc làm được, ba việc làm không được, gọi là “Tam năng tam bất năng”. Các điều ấy là: chư Phật có thể không tất cả tướng, thông suốt tất cả pháp, nhưng không thể diệt được định nghiệp; có thể biết cùng tận nghiệp tánh của chúng-sanh, rõ thấu tất cả việc trong vô biên kiếp quá khứ và vị lai, song không thể độ những chúng-sanh vô duyên; có thể độ vô lượng chúng-sanh, song không thể độ hết chúng-sanh giới. Bởi thế, sức người cố nhiên là hữu hạn, nhưng sức Phật vẫn chưa phải toàn năng. Nếu chúng-sanh không tín hướng Ðức Như-Lai, không thực hành đúng theo lời Ngài dạy, thì chư Phật, Bồ-Tát cũng không thể hóa độ được.

5. Bất-định-báo: Ðây là nghiệp báo có thể chuyển biến sửa đổi được. Như có người trước đã tạo nghiệp lành, đáng lẽ phải hưởng phú quý trọn đời. Nhưng trong lúc làm quan, nếu kẻ ấy tham mê tài sắc, ăn của lót, cưỡng hiếp, hãm hại người, thì phước lộc lần lần tiêu giảm, có thể bị tù ngục, ô danh, hoặc chết bất đắc kỳ tử. Và như kẻ kiếp trước kém nhân lành, nên đời nầy thân phận nghèo khổ, hèn hạ. Song nếu người ấy biết xét lẽ nhân-quả-tội-phước, gắng sửa đổi tâm tánh, hết sức làm việc phước thiện, thì tội chướng lần tiêu giảm, phước đức lần tăng thêm, có thể trong hiện tại chính mình hay con cháu sẽ tiến đến cảnh vinh quang. Ví như trong đời, người tước vị cao mà ỷ thế làm quấy, thì có thể bị cách chức; kẻ có tội nhưng gắng lập công, có thể đem công chuộc tội, và nếu lập công thêm mãi tất sẽ được tấn chức thăng quan.

Nghiệp quả của chúng-sanh phần nhiều đều có tánh cách bất định. Nếu chúng ta biết gắng sức dùng tâm lực để chuyển nghiệp lực, thì cảnh Thiên-cung, Phật-quốc nào phải không nẻo tiến lên. “Bụi hồng có lối về hương quốc. Cửa tội không tâm mở dạ đài”, chính là ý nầy vậy.

6. Cộng-báo:Cộng-báo là quả báo chung. Như thuở Ðức Thế-Tôn còn ở đời, ba mươi hai người con của bà Tỳ-Xá-Ly đều bị vua Ba-Tư-Nặc nghi lầm mà giết. Xét theo hiện thời thì dường như đó là hàm oan. Song thật ra trong tiền kiếp vua Ba-Tư-Nặc là con trâu, ba mươi hai người kia đều là kẻ trộm. Trong khi con trâu biết mình sắp bị giết, quỳ xuống rơi nước mắt tỏ ý van xin, nhưng ba mươi hai kẻ trộm quyết tâm sát hại để ăn thịt. Lúc ấy lại có một bà lão tán thành giúp cho phương tiện nấu nướng. Bà lão ấy chính là tiền thân của cận sự nữ Tỳ-Xá-Ly. Bà Tỳ-Xá-Ly và ba mươi hai người con vì đồng gây cộng-nghiệp, nên ba mươi hai đứa con bị giết; còn bà mẹ bởi kiếp trước tùy hỷ việc ấy, nên hiện tại cũng vương nỗi buồn lây. Ðiều nầy do Đức Phật thuật lại tiền nhân, nên mối oan kết đôi bên mới được giải thích.

Lại nữa, trong thời kỳ chiến tranh nầy, có nhiều người tuy không ra trận tuyến, nhưng cũng bị bom đạn, sự kinh khủng, cảnh nghèo đói, hoặc nỗi buồn khổ về tử biệt sanh ly. Ðó đều là ảnh hưởng nặng nhẹ thuộc Cộng-báo, do việc tự mình giết, bảo người giết, hoặc tùy hỷ sự giết của nghiệp sát sanh từ nhiều kiếp về trước.

7. Biệt-báo: Ðây cũng gọi Bất-cộng-báo, là quả báo riêng của mỗi cá loại trong loài người hay loài vật. Chẳng hạn như đồng là chim, nhưng có loại chim quý đẹp như bạch hạt, anh võ, trĩ, thanh tước, phượng hoàng; có loại chim thường như quốc, cò, sẻ, én; và loại xấu như chim heo, chim ụt. Lại cũng đồng là loài người, mà có kẻ xấu, người đẹp, kẻ giàu sang, người nghèo khổ, kẻ ngu tối, người thông minh. Hoặc như trong cảnh khói lửa tang tóc lan tràn, mà có người vẫn sống đoàn tụ an vui, hầu như không biết chiến tranh là gì cả. Ðó là những trường hợp thuộc về Biệt-báo.

8. Cận-tử-báo: Cận-tử-báo là quả báo lúc sắp chết. Con người khi già yếu sắp chết, những nghiệp thiện ác từ kiếp nầy hoặc kiếp trước dồn lại, ảnh hưởng mạnh mẽ hơn lúc bình thường. Nếu là nghiệp thiện thì khiến cho người ấy vui vẻ hòa nhã hiền lương, mắt tai không lờ lãng, khi lâm chung xả báo an lành. Như thuộc về nghiệp ác, thì kẻ đó trở nên nóng nảy, ưa buồn giận khó khăn, tâm trí lờ lẫn, lúc sắp chết đau yếu mê man. Trong đời kẻ tu thiện thì ít, làm ác lại nhiều, nên đa số người đến lúc lớn tuổi thường đổi tánh; những vị không hiểu lý nầy cho là “già hay sanh tật”.

Thuở bút giả còn ở chùa Linh-Thứu, tại xã Thạnh-Phú, tỉnh Ðịnh-Tường, có biết ông hương ấp Nghé. Ông nầy ưa ăn thịt chó, mỗi tháng trung bình độ sáu con, nên khi ông đi đâu thì chó sủa dồn đến đó, ai cũng đều biết. Khi ông đau sắp chết, thì tự chui xuống gầm giường nằm khoanh một góc, lâu lâu lại tru lên như chó. Lúc ấy có người đồng bạn là chú năm Thiện đến thăm, hỏi: “Anh hương ấp làm chi lạ vậy? Thôi anh lên giường nằm, đừng để cho bà con chê cười!” Nói chưa xong, thì ông thình lình nhảy ra táp chú, hình trạng như con chó giận dữ cắn người, may nhờ chú năm lẹ làng tránh khỏi. Ðây là một việc tượng trưng cho Cận-tử-báo thuộc về nghiệp ác.

9. Thục-vị-thục-báo: Ðiều nầy là trạng thái của nghiệp báo lúc chưa thuần thục và đã thuần thục. Tiên đức nói: “Người mang nghiệp ví như người mắc nợ, mối nào mạnh thì nó kéo lôi trước”. Khi xưa, một hôm Đức Phật bảo ngài A-Nan: “Có người trọn đời làm lành mà khi chết bị đọa vào ác đạo, bởi nghiệp lành đời nầy chưa chín muồi, song nghiệp dữ kiếp trước đã đến lúc thuần thục. Có kẻ trọn đời làm ác nhưng khi chết sanh lên Thiên-cung, bởi nghiệp ác đời nầy chưa thuần thục mà nghiệp lành kiếp trước đã đến thời kỳ chín muồi. Việc nhân-quả rất phức tạp, tùy theo thế lực mạnh yếu mà đến trước hoặc sau. Cho nên các đệ-tử của ta chớ nên thờ ơ, phải gắng chuyên tu cho đạo nghiệp được tinh thuần. Vì biết đâu, có kẻ tuy đời nay yên ổn hưởng lạc làm lành, nhưng nghiệp ác những kiếp về trước đã sắp đến thời kỳ thuần thục!”

Bởi chưa hiểu rõ lý trên, nhiều vị thấy người làm lành mà chết xấu, kẻ hung dữ lại chết tốt, vội phê bình cho rằng không có việc nhân-quả-tội-phước, chẳng cũng là sai lầm lắm ư?

10. Chuyển-báo:Chuyển-báo là những biến trạng khổ vui, do sức tu thiện hay làm ác của đương nhơn. Biến trạng nầy là sự dồn dập để chuyển đổi những quả báo sắp đến. Như có người làm đủ những điều ác, song đời sống hiện tại càng thêm an ổn vinh quang. Trong đây có hai nguyên nhân: Một là do túc phước của họ quá nhiều, tuy có phần tổn giảm bởi làm ác, nhưng dư phước hãy còn. Hai là do thế lực của nghiệp ác quá mạnh, khiến cho bao nhiêu phước đời nầy và đời trước đều phát hiện cho kẻ ấy hưởng, để rồi sẽ chịu quả báo ác đạo ở kiếp sau. Sự kiện Chuyển-báo nơi đây, chính thuộc về trường hợp thứ hai nầy. Nói theo các cụ bình dân ta, đây gọi là trạng thái “dồn phước”. Lại có những vị chí tâm tu hành, nhưng lại thường gặp những việc thất bại, đau yếu, tai nạn, mang tiếng thị phi. Theo tiên đức, đó là do sức tu thiện, khiến cho chuyển quả báo nặng ác đạo ở đời sau, thành ra quả báo nhẹ trong hiện tại, để kẻ ấy khi mạng chung sẽ hưởng phước nhơn thiên, hay sanh về Phật-quốc. Và đây gọi là trạng thái dồn nghiệp.

Nhiều Phật-tử không hiểu lẽ nầy, khi gắng tu mà gặp việc không may, vội sanh tâm sợ sự niệm Phật tụng kinh, hoặc thối chí bảo: càng tu nhiều càng có lắm việc phiền phức, rồi lần lần đi đến sự giải đãi, xin đem một thí dụ để trần thích: như người có bịnh phong hay ban, uống thuốc vào chất độc bị giải tán, làm cho nước tiểu vàng hoặc cả mình nổi mẩn đỏ, đó là trạng thái bịnh sắp lành. Việc ấy nên đáng mừng hay là lo sợ? Kẻ tu hành cũng thế, do công đức tụng kinh niệm Phật, khiến cho nghiệp chướng phát hiện để tiêu trừ. Nếu có chút ảnh hưởng khổ báo, trong mười phần ta chỉ còn chịu đôi ba phần, cho nên hành giả đừng lấy việc đó làm nản chí. Và điều nầy, trong kinh Kim-Cang, Đức Phật cũng đã bảo: “Tu-Bồ-Ðề! Nếu Thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhơn thọ trì đọc tụng kinh nầy mà bị người khinh rẻ, nên biết kẻ ấy đời trước tội chướng rất nhiều, đáng lẽ phải đọa vào ác đạo. Do sức tụng kinh, khiến đời nay bị người chê bai, nên tội chướng đời trước được tiêu diệt, kẻ đó sẽ đắc quả A-Nậu-Đa-La-Tam-Miệu-Tam-Bồ-Ðề”.

Trong Tịnh-Ðộ-Thánh-Hiền-Lục có thuật chuyện ông Ngô-Mao tu hành chân chánh, lúc sắp chết bị giặc đâm bảy thương. Khi người anh đến, ông bỗng tỉnh lại bảo: “Ðời trước tôi tạo nhiều nghiệp ác, đáng lẽ phải còn đầu thai làm heo bảy kiếp nữa. Nhưng nhờ đời nầy tôi biết ăn chay niệm Phật, nên phải chịu bảy vết thương để trả bảy kiếp làm heo ấy. Hiện thời tôi sắp sanh về Tịnh-độ”. Cứ theo việc ông Ngô-Mao, kẻ không biết cho là tu hành mang họa. Nhưng chỉ chịu bảy vết thương trả xong bảy kiếp làm heo, để rồi được sanh về Cực-Lạc; nếu so lại thì việc tu hành đâu phải luống uổng, và công đức niệm Phật chính thật không thể nghĩ bàn! Nhưng tu hành không phải mỗi người đều bị chuyển-báo, nếu kẻ có căn lành từ kiếp trước thì càng tu càng được an vui. Hành giả đừng in trí theo một phương diện trên mà sanh lòng e ngại.

11. Thế-gian-báo: Ðây là những quả báo khổ vui trong ba cõi: Dục, Sắc và Vô-sắc. Nguyên nhân chánh của sự lưu trệ trong tam giới, là vì khi gây nhân chúng-sanh còn chấp ngã. Chẳng những thế gian và ngoại-đạo mà các vị tu theo chánh giáo, nếu chưa dứt hết tâm chấp ngã, còn tham nhiễm lục trần, cũng vẫn còn ở trong vòng luân-hồi sáu nẻo. Tuy nhiên, những sở hành theo Phật-pháp đều gây nhân duyên đắc độ về sau, nhưng kiếp tương lai trong khi tu, điểm chánh yếu của sự giải thoát vẫn là điều kiện dứt ngã chấp. Trong truyện ký nhà Phật có chép việc một ni-cô tụng kinh Pháp-Hoa ba mươi năm, nhưng tâm còn nhiễm thanh sắc, nên kiếp sau chuyển làm nàng kỹ nữ thanh sắc vẹn toàn; nơi miệng thường bay ra mùi thơm hoa sen. Tại Việt-Nam, đời nhà Lê, một vị sư tu Tịnh-độ ở chùa Quang-Minh, bởi tâm lợi danh chưa sạch, nên kiếp sau chuyển sanh làm vua Khang-Hy bên Trung-Hoa. Khi được biết tiền nhân, nhà vua viết mấy bài thi hoài cảm, trong ấy có hai câu: “Ngã bản Tây-phương nhất Phật-tử. Vân hà lạc tại đế-vương-gia?” (Ta vẫn là con của Phật A-Di-Ðà ở Tây-phương. Tại sao nay lại lạc vào giòng vương thất?)

Ðời Tống bên Trung-Hoa, Giới-Diễn và Quang-Huệ đại-sư đồng tu thiền, song Giới-Diễn vì còn chút tâm niệm luyến sắc, nên kiếp sau đầu thai làm nhà văn hào lỗi lạc, đa tài mà cũng đa tình, là Tô-Ðông-Pha. Sau khi được ngài Quang-Huệ chuyển kiếp làm Phật-Ấn thiền-sư để hóa độ Tô-Ðông-Pha trở lại đường tu; có lẽ nhớ biết những kiếp về trước, nên lúc lớn tuổi, trong cuộc tái du thăm viếng chùa Kim-Sơn, ông đã viết mấy câu thi:

Kim-Sơn chùa núi gần mây nước
Tóc bạc Ðông-Pha lại đến đây.
Tiền kiếp Ðức-Vân, nay chính tớ
Mơ màng còn nhớ Diệu-Cao-đài!

12. Xuất-thế-gian-báo:Thế-gian-báo là quả báo thuộc lục-phàm. Trái lại, xuất-thế-gian-báo là quả báo của tứ-thánh: Thanh-Văn, Duyên-Giác, Bồ-Tát và Phật. Quả báo tứ-thánh do bởi khi tu lìa ngã-chấp mà được thành tựu. Trong hạnh vô-ngã nầy, hàng Nhị-thừa hãy còn hẹp, song Bồ-Tát thừa thì rất rộng rãi nhiệm mầu. Bồ-Tát chẳng những tu tam-vô-lậu-học của pháp xuất-thế-gian, mà còn làm tất cả việc từ thiện của thế gian. Tâm của Bồ-Tát không thấy có sở đắc sở chứng; không có tướng ngã, nhơn, chúng-sanh, thọ giả; tuy độ vô lượng hữu-tình nhưng không thấy mình là người hóa độ, chúng-sanh là kẻ được độ; tuy quanh mình thị hiện vô biên quyến thuộc, nhưng lòng hằng vắng lặng không thấy có quyến thuộc; tuy tu vô lượng phước đức, nhưng không thấy mình có phước đức. Ðây là hạnh vô tướng. Người biết thực hành hạnh vô tướng, dù là làm việc thiện thế gian, song đều thành kết quả giải thoát. Bằng trái lại, tuy tu thánh-đạo, cũng hóa ra phước báo thế gian. Về hạnh vô tướng nầy, trong kinh Kim-Cang, có đoạn Đức Phật dạy: “Nầy Tu-Bồ-Ðề! Như có vị Bồ-Tát dùng số lượng thất bảo đầy cả hằng-hà-sa thế-giới để bố thí. Nếu lại có người biết tất cả pháp đều vô ngã, được thành vô sanh nhẫn, thì công đức của vị Bồ-Tát sau nầy hơn bậc Bồ-Tát trước kia. Tại sao thế, Tu-Bồ-Ðề? Bởi thật ra, chư Bồ-Tát đều không thọ phước đức”. Tu-Bồ-Ðề thưa: “Bạch Thế-Tôn! Sao gọi là Bồ-Tát không thọ phước đức?” - Nầy Tu-Bồ-Ðề! Vì Bồ-Tát tuy làm những việc phước đức, song chẳng tham trước, nên ta nói không thọ phước đức!”

Thông thường hàng Phật-tử tại-gia khi mới quy-y, duy thích cúng dường chùa mình, phụng sự thầy của mình, hay chỉ làm những Phật-sự mà họ cho là có công đức hơn việc thế gian. Nhưng nếu họ hiểu rộng hơn, vừa dùng tâm bình đẳng phụng sự Tam-bảo, vừa làm các việc từ thiện ở đời, như giúp đỡ kẻ nghèo khổ đau yếu, chu cấp cho hàng quả phụ cô nhi, rồi đem công đức ấy hồi hướng về Tịnh-độ cùng đạo Vô-thượng-bồ-đề, thì tất cả việc làm lành đều đi đến kết quả giải thoát cả.
Tóm lại, sự lý nhân-quả thật vô lượng, chuyển biến chập chồng, có thể gọi là khó bàn khó nghĩ. Nhưng về Nhân không ngoài sự hơn kém của nghiệp thân, ngữ, ý qua ba hạnh Phước, Phi-phước và Bất-động. Về Quả lại tổng quát trong mười hai điều trên. Nếu nắm được mấy điểm chánh yếu như đã kể mà suy rộng ra, về vấn đề nầy, người học Phật có thể hiểu quán xuyến tất cả.

Tiết IV: Những Tương Quan Giữa Nhân Và Quả

Trạng thái nhân-quả thật vô cùng, gây nhân nào tất cảm quả ấy, duy sự báo ứng hoặc đến sớm hay muộn mà thôi. Trong đây, nếu có sự chuyển biến, là do những ảnh hưởng xấu hoặc tốt khác xen vào. Thí dụ, một ly nước trong, như ta chỉ bỏ muối vào, tất nước phải mặn; nhưng nếu lại để xen thêm đường, vị nước sẽ đổi khác. Sự chuyển biến của nhân-quả thiện ác cũng như thế. Nay ở đây chỉ luận bàn về những tương quan trực tiếp giữa nhân và quả. Với mục đích thủ tín cùng duyệt giả, xin dẫn toàn những thánh-giáo để chứng minh:
Trong kinh Luân-Chuyển-Ngũ-Ðạo, Đức Phật bảo:

- Nầy A-Nan! Muôn vật giữa đời đều có túc duyên. Người được quả báo hào quý làm bậc quốc-vương, trưởng-giả, từ nơi nhân lễ kính, phụng sự Tam-bảo mà đến. Người được quả báo giàu có, của cải vô hạn, từ nơi nhân bố thí mà đến. Người được quả báo sống lâu, không đau bịnh, thân thể mạnh khoẻ cao lớn, từ nơi nhân giữ giới mà đến. Người được quả báo đoan trang xinh đẹp, nước da trắng tươi sáng rỡ, ai thấy cũng đều ưa thích mến chuộng, từ nơi nhân nhẫn nhục mà đến. Người tánh nết siêng năng mau mắn, ưa làm việc phước thiện, từ nơi nhân tinh tấn mà đến. Người dáng điệu an nhàn, lời và hạnh đều có suy nghĩ, chừng mực, chắc chắn, từ nơi nhân thiền định mà đến. Người thông minh tài trí, hiểu suốt thâm pháp, từ nơi nhân tu huệ mà đến. Người được tiếng nói thanh thao rõ suốt, ai cũng ưa nghe, từ nơi nhân tụng kinh, ca ngợi Tam-bảo mà đến. Người dáng vẻ sáng sạch hiền hòa, không đau yếu, ai thấy cũng mến, từ nơi nhân từ tâm mà đến.

Ngài A-Nan thưa: - Bạch Thế-Tôn! Sao gọi là “từ tâm”?

Ðức Phật bảo: “- Từ tâm có bốn điều: 1- Thương tất cả chúng-sanh như mẹ thương con. 2- Thấy chúng-sanh khổ, xót xa muốn cứu độ. 3- Thấy chúng-sanh hiểu đạo, biết làm lành, hướng về nẻo giải thoát, sanh lòng vui mừng. 4- Thường ái hộ chúng-sanh, chẳng những săn sóc giữ gìn thân mạng, mà còn không có lời vô ý làm cho người bất mãn, buồn rầu. Ấy là những tướng trạng của từ tâm.

- Lại nầy A-Nan! Kẻ nào thân thể cao lớn, là do nhân ưa lễ bái, khiêm nhường, cung kính tất cả mọi người. Kẻ nào lùn thấp, là do nhân khinh mạn, tự cao. Kẻ nào dung mạo thô xấu, là do nhân giận hờn, nóng nảy. Kẻ nào sanh ra ngây ngô kém hiểu biết, là do nhân không thích học hỏi. Kẻ nào ngu si, là do nhân không chịu dạy dỗ người. Kẻ nào câm ngọng, là do nhân khinh ngạo, chê bai người. Kẻ nào đui điếc là do nhân hủy báng Tam-bảo, không chịu nghe chánh-pháp. Kẻ nào làm thân tôi đòi là do nhân mắc nợ không trả, hoặc không kính lễ Tam-bảo. Kẻ nào thân hình đen xấu, là do nhân che ánh sáng của Phật. Kẻ nào sanh ra ở nước Lõa-hình, là do nhân ăn mặc hở hang vào tinh-xá, hay đến trước chỗ Phật. Kẻ nào sanh vào nước Mã-đề (thân người, bàn chân ngựa), là do nhân mang giày dép đi trước chỗ Phật. Kẻ nào sanh ở nước Xuyên-hung (mọi người đều xoi hông), là do nhân bố thí làm phước mà sanh lòng hối tiếc.

- A-Nan! Chúng-sanh nào làm loài hươu nai, là do kiếp trước ưa làm cho người sợ hãi. Chúng-sanh nào sanh làm loài rồng, là do kiếp trước ưa bỡn cợt và giận hờn, làm cho người phiền muộn. Kẻ nào nơi thân bị bịnh lác, ghẻ độc làm cho đau nhức khó chịu, chữa trị không lành, là do kiếp trước ưa đánh đập chúng-sanh. Kẻ nào mọi người trông thấy đều vui mừng cảm mến, là do kiếp trước khi thấy người, niềm nở vui mừng cảm mến. Kẻ nào mọi người trông thấy đều chán ghét, là do kiếp trước khi thấy người, rẻ rúng chán ghét. Kẻ nào thường bị gông cùm tù ngục, là do kiếp trước hay trói buộc hoặc giam nhốt chúng-sanh trong lồng chậu, khiến cho nó không được tự do. Kẻ nào bị rách miệng sứt môi, là do kiếp trước ưa câu cá.

- A-Nan! Kẻ nào trong hội thuyết pháp không để ý lắng nghe, lại nói trái ngược làm loạn ý người khác, kiếp sau sanh làm con lừa tai dài, hoặc loài chó xụ tai. Kẻ nào kiêu căng bỏn sẻn tham lam, thích lén ăn uống, chỉ hưởng thụ riêng một mình không đoái hoài đến người thân sơ, hạng nghèo khổ; lúc chết rồi bị đọa vào Địa-ngục, kế làm loại Ngạ-quỷ, khi được sanh làm người thì nghèo hèn đói khát, mặc chẳng kín thân, ăn không no bụng. Kẻ nào thường ăn riêng thức ngon, cho người món dở, kiếp sau bị đọa làm loài chó, lợn, bọ hung. Kẻ nào thường tách mai, đánh vảy, lột da loài vật, đời sau làm sanh vật bị quả báo y như hành động của mình kiếp trước. Kẻ nào ưa giết hại, kiếp sau sẽ bị đọa vào Tam-đồ, cho đến làm con phù du trên mặt nước, sớm sanh chiều chết. Kẻ nào trộm cướp, kiếp sau sẽ làm thân tôi tớ, hoặc trâu bò, lừa, ngựa để trả nợ người. Kẻ nào hay nói dối, nói đâm thọc, mắng chửi, nói lời cay độc, bêu rêu việc xấu của người, khi chết sẽ sa xuống Địa-ngục, bị rót nước đồng sôi vào miệng, hoặc bị cắt lưỡi, cày lưỡi, sau lại làm thân ác điểu, người nghe tiếng kêu đều kinh sợ bảo là điềm quái gở, nguyền rủa muốn cho nó chết. Kẻ nào quyến rũ dâm loạn vợ chồng con cái người, khi chết đọa vào Địa-ngục, nam ôm cột đồng lửa, nữ nằm giường sắt nóng, sau lại làm loài thú đa dâm, hoặc làm loài ngỗng, vịt. Kẻ nào ưa uống rượu, phạm nhiều tội ác, lúc chết bị đọa vào Địa-ngục, sau sanh làm loài dã nhơn, khi được thân người lại ngu si khờ dại. Kẻ nào vợ chồng không biết nhường nhịn hòa thuận, thường hay tranh cãi, nặng lời xua đuổi nhau, kiếp sau đọa làm thân chim cưu (tu hú), chim bồ câu. Kẻ nào ưa lạm dụng sức người, kiếp sau sanh làm loài voi, bị người dùng sức lại.

- Nầy A-Nan! Trừ những vị làm quan, y theo pháp luật, hạch hỏi xử phạt một cách công minh, thì không tội. Nếu hạng quan liêu ỷ quyền thế xâm đoạt tài sản của dân, hoặc ăn hối lộ dung túng kẻ ác, tra tấn, gông cùm, xử hiếp người vô tội hay không đáng tội, thì khi chết sẽ bị đọa vào Địa-ngục chịu thống khổ ngàn muôn kiếp, sau lại sanh vào loài trâu bò bị xỏ mũi, đánh đập, mang kéo nặng nề để đền tội trước.

- Lại nữa, A-Nan! Người nào từ thân thể đến cách ăn ở, lôi thôi không sạch sẽ, do từ loài lợn mà đến. Người nào tham lam bỏn sẻn không ưa bố thí, do từ loài chó mà đến. Người nào ngược ngạo, tự tung tự tác không chịu nghe lời ai, do từ loài dê mà đến. Người nào tánh lao chao, gặp việc không nhẫn nại, do từ loài khỉ vượn mà đến. Người nào có tâm độc ác ngầm, do từ loài rắn rết mà đến. Người nào thích ăn ngon, hung dữ, ưa khủng hại chúng-sanh, không có tâm lành, do từ loài cọp, sói, mèo, chồn mà đến...”

Trong kinh Ðịa-Tạng-Bản-Nguyện, Đức Phật bảo: - “Nầy Tứ-Thiên-Vương! Ðịa-Tạng Bồ-Tát nếu gặp kẻ sát sanh, thì nói về quả báo do túc ương mà chết yểu. Nếu gặp kẻ trộm cắp, nói về quả báo nghèo hèn khổ sở. Nếu gặp kẻ tà dâm, nói về quả báo làm chim se sẻ, bồ câu, uyên ương. Nếu gặp kẻ thốt lời thô ác, nói về quả báo quyến thuộc chống đối nhau. Nếu gặp kẻ hay khinh chê, nói về quả báo lở miệng, không lưỡi.

- Nếu gặp kẻ ưa nóng giận, ngài nói về quả báo thọ thân hình thô xấu, tàn tật. Nếu gặp kẻ tham lam bỏn sẻn, nói về quả báo sự mong cầu không toại ý. Nếu gặp kẻ uống ăn vô độ, nói về quả báo đói khát, đau cuống họng. Nếu gặp kẻ buông lung săn bắn, nói về quả báo kinh hãi điên cuồng mất mạng. Nếu gặp kẻ phản nghịch cha mẹ, nói về quả báo bị tai nạn đất trời tru lục. Nếu gặp kẻ đốt núi rừng cây cỏ, nói về quả báo mê cuồng đến chết. Nếu gặp cha mẹ ghẻ ăn ở độc ác, nói về quả báo thác sanh trở lại bị sự roi vọt đánh đập. Nếu gặp kẻ ưa lưới bắt chim non, nói về quả báo cốt nhục chia lìa.

- Nếu gặp kẻ hủy báng Tam-bảo, ngài nói về quả báo đui, điếc, câm ngọng. Nếu gặp kẻ khinh chê chánh-pháp, nói về quả báo hằng ở trong ác đạo. Nếu gặp kẻ lạm phá của thường trụ (của chùa chiền tăng chúng), nói về quả báo ức kiếp bị luân-hồi nơi Địa-ngục. Nếu gặp kẻ làm ô nhục người tu hạnh thanh tịnh, cùng vu báng tăng ni, nói về quả báo thường ở trong loài Súc-sanh. Nếu gặp kẻ dùng nước sôi, dao gậy, hay lửa, giết hại chúng-sanh, nói về quả báo luân-hồi thay nhau để thường mạng. Nếu gặp kẻ phá giới phạm trai, nói về quả báo làm cầm thú bị đói khát. Nếu gặp kẻ phung phí tiền của một cách vô lý, nói về quả báo sự mong muốn tiêu dùng thường thiếu hụt. Nếu gặp kẻ kiêu mạn tự cao, nói về quả báo làm thân hèn hạ bị người sai khiến. Nếu gặp kẻ nói đâm thọc cho người sanh sự gây gỗ, nói về quả báo thọ thân không lưỡi hoặc trăm lưỡi. Nếu gặp kẻ tà kiến mê tín, nói về quả báo sanh nơi chỗ hẻo lánh không được nghe chánh-pháp.

- Nầy Tứ-Thiên-Vương! Như thế, chúng-sanh trong cõi Diêm-Phù-Đề, từ nơi thân, ngữ, ý tạo nghiệp, kết quả bị trăm ngàn sự báo ứng. Và tùy theo những nghiệp cảm sai biệt ấy, Ðịa-Tạng Bồ-Tát cũng dùng trăm ngàn phương tiện để hóa độ. Nay ta chỉ kể một đôi phần sơ lược thế thôi!”

Như trên, việc luân-hồi nhân-quả thật vô cùng, như bánh xe quay tròn, vay trả trả vay, không biết khi nào là kết cuộc! Trong luân-hồi đã hàm nhân-quả bởi nhân-quả nên mới có luân-hồi. Cho đến chư Phật muốn thành đạo chánh-đẳng-bồ-đề, trong nhân hạnh cũng phải tu vô biên phước huệ. Nhưng đối với các bậc thánh-giả, bởi đã dứt sạch ngã chấp, nên tùy ý đến hóa độ các cõi, hay muốn sống chết lúc nào cũng phải được tự tại. Và bởi chư thánh lấy pháp-giới làm thân, đã thoát ly ngũ uẩn, nên tuy thị hiện ở cõi trời, người, hay nơi ác đạo, cũng không bị sự khổ vui chi phối. Nên một vị thiền-sư đã bảo: “Lão tăng tự có phương nhàn tịnh. Nào ngại trăm phiền tám khổ vây!”

Về sự luân-hồi, duy có hai nghiệp Ái-dục và Sát-sanh là nặng nhất. Do Sát-sanh mới thành cảnh oan cừu hờn giận, chém giết lẫn nhau. Do Ái-dục mới thành mối ân tình của vợ chồng quyến thuộc. Sát-sanh phần lớn là do vì tham món ăn ngon. Ái-dục lại bởi say đắm việc tình nhiễm giữa nam nữ. Nhưng so lại trong các thứ nhiễm lạc đời, thì nghiệp Ái-dục sâu nặng và mạnh mẽ hơn cả. Từ xưa đến nay, biết bao bậc vương hầu khanh tướng, vì thanh sắc mà mất nước, lụy thân. Cho đến Đức Phật cũng công nhận, nếu có cái thứ hai mạnh như Ái-dục, thì đệ-tử của Ngài cũng không phương giải thoát. Lấy một việc để nêu gương: như Ðường-Minh-Hoàng nếu không say đắm trong vòng thanh sắc, thì cũng có thể thành anh quân, đâu để An-Lộc-Sơn gây thành cảnh đào vong bỏ nước. Và nếu Ðường-Vương có duyên với Phật-pháp, xét biết ba ngàn thế-giới, sắc tức là không, thì chi đến nỗi: Xiêm nghê tiếng ngọc, hồn tiêu Kim cốc vườn xuân. Trăng khuyết hoa tàn, lòng nát Mã ngôi trạm lạnh!

Thế nên, trong việc nhân-quả luân-hồi, hai nghiệp dâm, sát, chẳng những người tu tại-gia, mà bậc xuất-gia cũng đều phải tự kiểm soát lấy lòng, và hết sức tránh duyên, dè dặt!


---o0o---

Source:Di Đà Nguyện Hải
Vi tính:
Huệ Toàn, Huệ Trang, Từ Hỷ và Tuệ Cường
Trình bày :Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
15/12/2017(Xem: 75737)
Trải hơn 25 thế kỷ, Chánh Pháp của Phật vẫn được tuyên dương và lưu truyền bởi hàng đệ tử xuất gia lẫn tại gia, đem lại giải thoát và giác ngộ cho những ai học hỏi và thực hành đúng đắn. Chánh Pháp ấy là thuốc hay, nhưng bệnh mà không uống thì chẳng phải là lỗi của thuốc. Trong kinh Di Giáo, đức Phật cũng ân cần huấn thị lần chót bằng những lời cảm động như sau: “Thể hiện lòng đại bi, Như Lai đã nói Chánh Pháp ích lợi một cách cứu cánh. Các thầy chỉ còn nỗ lực mà thực hành… Hãy tự cố gắng một cách thường trực, tinh tiến mà tu tập, đừng để đời mình trôi qua một cách vô ích, và sau này sẽ phải lo sợ hối hận.” Báo Chánh Pháp có mặt để góp phần giới thiệu đạo Phật đến với mọi người. Ước mong giáo pháp của Phật sẽ được lưu chuyển qua những trang báo nhỏ này, mỗi người sẽ tùy theo căn tánh và nhân duyên mà tiếp nhận hương vị.
15/12/2017(Xem: 118916)
Văn Hóa Phật Giáo, số 242, ngày 01-02-2016 (Xuân Bính Thân) Văn Hóa Phật Giáo, số 244, ngày 01-03-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 245, ngày 15-03-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 246, ngày 01-04-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 247, ngày 15-04-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 248, ngày 01-05-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 249, ngày 15-05-2016 (Phật Đản PL 2560) Văn Hóa Phật Giáo, số 250, ngày 01-06-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 251, ngày 15-06-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 252, ngày 01-07-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 253, ngày 15-07-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 254, ngày 01-08-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 255, ngày 15-08-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 256, ngày 01-09-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 257, ngày 15-09-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 258, ngày 01-10-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 259, ngày 15-10-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 260, ngày 01-11-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 261, ngày 15-11-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 262, ngày 01-12-2016 Văn Hóa Phật Giáo, số 263, ngày 15-12-2016
22/12/2016(Xem: 23701)
Tất cả chúng ta đều biết rằng lời Phật dạy trong 45 năm, sau khi Ngài đắc đạo dưới cội cây Bồ Đề tại Gaya ở Ấn Độ, đã để lại cho chúng ta một gia tài tâm linh đồ sộ qua khẩu truyền cũng như bằng văn tự. Kể từ đó đến nay, con Người vĩ đại ấy và giáo lý thậm thâm vi diệu của Ngài đã vượt ra khỏi không gian của xứ Ấn và thời gian trải dài suốt 26 thế kỷ từ Á sang Âu, từ Âu sang Mỹ, từ Mỹ sang Úc, Phi Châu v.v… Như vậy đủ để cho chúng ta thấy rằng giáo lý ấy đã khế hợp với căn cơ của mọi người, dầu tu theo truyền thống Nam truyền hay Bắc truyền và ngay cả Kim Cang Thừa đi nữa cũng là những cổ xe đang chuyên chở mọi người đi đến con đường giải thoát của sanh tử luân hồi.
20/12/2016(Xem: 12926)
Đức Phật xuất hiện ở đời vì hạnh phúc chư thiên và loài người. Sau 49 năm thuyết pháp, độ sinh, ngài đã để lại cho chúng ta vô số pháp môn tu tập tùy theo căn cơ của mỗi người nhằm chuyển hóa nỗi khổ và niềm đau, mang lại hạnh phúc an vui, giải thoát, niết bàn. Chỉ xét riêng thánh quả Dự Lưu (Tu Đà Hườn), trong kinh điển Nikaya (Pali) Thế Tôn và ngài Xá Lợi Phất chỉ ra hơn năm cách[i] khác nhau tùy theo hoàn cảnh và sở trường của hành giả xuất gia cũng như tại gia để chứng đắc thánh quả đầu tiên này trong bốn thánh quả. Trong những cách này, cách dễ nhất, căn bản nhất, phổ quát nhất và hợp với đại đa số chúng đệ tử nhất
13/11/2016(Xem: 8397)
Khi bàn về Phật giáo, học giả Lương Khải Siêu đã nói: “Phật giáo là trí tín, không phải mê tín, là kiêm thiện chứ không phải độc thiện, là nhập thế chứ không phải yếm thế”. Lương Khải Siêu tiên sinh bác cổ thông kim, học thông cả cổ Trung và Tây phương, giữ một địa vị khả kính trong giới học giả. Lời nói của ông phải có căn cứ trên phương diện học lý. Thế thì căn cứ ấy là gì? Lẽ dĩ nhiên là ở trong Tam tạng giáo điển của đạo Phật. Vì mục đích của Phật Pháp là mong con người chuyển mê thành ngộ, chuyển ngu thành trí, và chuyển phàm thành Thánh chứ không gì khác.
09/04/2016(Xem: 15284)
Đôi lời về Xá Lợi Phật_Lạt Ma Zopa Rinpoche_Hồng Như dịch, Bảo Tháp thờ Xá Phật còn sót lại ở Thành Tỳ Xá Ly, Ấn Độ (hình phái đoàn hành hương Phật tích Ấn Độ của Tu Viện Quảng Đức tháng 11-2006)
05/01/2015(Xem: 18692)
Các soạn và dịch phẩm của cư sĩ Hạnh Cơ - Tịnh Kiên - Mười Vị Đệ Tử Lớn Của Phật (dịch từ tác phẩm Thập Đại Đệ Tử Truyện, nguyên tác Hoa văn của Tinh Vân pháp sư, nhà xuất bản Phật Quang, Đài-bắc, ấn hành năm 1984) Chùa Khánh Anh (Paris) in lần 1, năm 1994 Tu viện Trúc Lâm (Edmonton) in lần 2, năm 1999 (có thêm phần “Phụ Lục” do dịch giả biên soạn) Ban Phiên Dịch Pháp Tạng Phật Giáo Việt Nam (Nha-trang) in lần 3, năm 2004 Chùa Liên Hoa và Hội Cư Sĩ Phật Giáo Orange County (California) in lần 4, năm 2005 - Lược Giải Những Pháp Số Căn Bản Làng Cây Phong (Montreal) in lần 1, năm 1996 Ban Bảo Trợ Phiên Dịch Pháp Tạng Việt Nam (California) in lần 2 (có bổ túc và sửa chữa), 2008 - Giấc Mộng Đình Mai của Nguyễn Huy Hổ (tiểu luận) Làng Cây Phong (Montreal) in lần 1, năm 2001 - Bộ Giáo Khoa Phật Học (dịch từ bộ Phật Học Giáo Bản – sơ cấp, trung cấp, cao cấp – nguyên tác Hoa văn của Phương Luân cư sĩ, Linh Sơn Xuất Bản Xã, Đài-bắc, ấn hành năm 1996) * Giáo Khoa Phật Học
31/10/2013(Xem: 17044)
Trên bình diện tổng quát thì tất cả các tôn giáo - kể cả Phật Giáo dưới một vài hình thức biến dạng mang tính cách đại chúng - đều hướng vào chủ đích tạo ra một đối tượng nào đó cho con người bám víu. Ngược lại Dharma tức là Đạo Pháp của Đức Phật thì lại nhất thiết chủ trương một sự buông xả để giúp con người trở về với chính mình, nhờ vào sức mạnh mang lại từ lòng quyết tâm tự biến cải chính mình. Sự biến cải đó gọi là thiền định.
30/10/2013(Xem: 33772)
Phật (Buddha) là một từ ngữ để chỉ người giác ngộ viên mãn. Ðức Thích Ca Mâu Ni (Sàkyãmuni) là người đã giác ngộ, nên chúng ta gọi Ngài là Phật. Giác ngộ là thấy biết mọi chân lý về vũ trụ và nhân sinh. Từ chỗ giác ngộ này, đức Phật chỉ dạy các môn đồ còn ghi chép lại thành Tạng kinh. Trong tạng kinh chứa đầy dẫy những chân lý, dù trải qua hơn 25 thế kỷ vẫn còn giá trị nguyên vẹn, không do thời gian làm suy giảm. Ngày nay chúng ta nghiên cứu Tạng kinh thật chín chắn, càng phát hiện những chân lý ấy gần gũi và thích hợp với khoa học một cách không ngờ. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ giới thiệu tổng quát vài nét cương yếu để đọc giả suy ngẫm.
27/05/2013(Xem: 6434)
Một thời Đức Phật ngự tại vườn Hoàng Lộ,Bệ Lan Nhã, bấy giờ Vua Thần (Vua A Tu La) có tên là Bà La La và Thái Tử Thần tên Mâu Lê Già có tướng sắc uy nghi, ánh sáng chói lọi, vào lúc quá nửa đêm đến chỗ đức Phật đảnh lễ rồi đứng một bên. Khi ấy, đức Phật hỏi: -Này Bà La La, có phải mọi Thần đều không bị suy thoái về tuổi thọ, hình sắc,vui vẻ, sức mạnh, cho nên các Thần thích sống trong biển lớn chăng?
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Senior Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com ; http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
quangduc@quangduc.com , tvquangduc@bigpond.com
KHÁCH VIẾNG THĂM
110,220,567