Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Chương 5- Khái yếu về Ngũ Giới

09/05/201312:23(Xem: 4515)
Chương 5- Khái yếu về Ngũ Giới


Phật Học Tinh Yếu

Hòa Thượng Thích Thiền Tâm

Trọn bộ 3 thiên

---o0o---

Khái Yếu Về Ngũ Giới

Tiết mục:

I. Những điểm thiết yếu về Ngũ-giới

II. Nghi thọ năm giới và tánh tướng

II. Lược thuyết về việc đắc giới

IV. Tướng phá giới

Kinh sách trích dẫn: Kinh Ưu-Bà-Tắc-Giới, Thập-Tụng-Yết-Ma-Tỷ-Khưu-Yếu-Dụng, Kinh Ðại-Phương-Tiện-Phật-Báo-Ân, Tát-Bà-Ða-Tỳ-Ni-Tỳ-Bà-Sa.

Ðề yếu:Ðạo Nho có Tam-cang Ngũ-thường, đạo Phật có Tam-quy Ngũ-giới. Về năm giới, nếu so sánh đôi bên, thì không sát sanh là nhân, không trộm cướp là nghĩa, không tà dâm là lễ, không nói dối là tín, không uống rượu là trí. Kẻ nho sĩ nếu cang thường chẳng vẹn thì không đủ thành nhân; hàng Phật-tử như quy giới chẳng tròn, không những đã hư phẩm cách, mà kiếp sau còn mất thân người (Ngũ-giới bất toàn, nhơn thiên lộ tuyệt).

Ðức Phật chế ra giới vốn y cứ trên tâm từ bi, trí huệ, bình đẳng, mục đích đem lại an vui trật tự cho cá nhân, gia đình, xã hội, và làm lợi ích cho tất cả chúng sanh. Ngài chỉ đưa ra lẽ phải cùng sự lợi hại, để mỗi người tự chọn lựa lấy, chứ không bắt buộc ai phải triệt để tuân theo. Chỗ đặc điểm của Phật-giáo, chính ở nơi Đức Phật không phải là một đấng uy quyền độc tôn, tự ý giữ phần thưởng phạt. Bởi theo đạo Phật, một hành động, lời nói hoặc ý nghĩ tốt hay xấu, tự nó đã mang theo ảnh hưởng vui khổ, hay phần thưởng phạt rồi. Vậy Ðức Thích-Ca chỉ là một vị hướng dẫn sáng suốt, còn kết quả vui khổ chính ở nơi người biết chọn đường.

Năm giới sau đây tuy dường đơn sơ, nhưng nó lại là căn bản của các giới. Nếu giữ tròn Ngũ-giới, hành giả sẽ duy trì được thiện căn, không mất thân trời, người và đã có nền tảng để bước lên các nấc thang cao như Thập-giới, Cụ-túc giới, Bồ-Tát giới, cho đến quả Vô-thượng-bồ-đề.

Bốn tiết trong bản chương, hai tiết đầu lược thuyết về sự lợi hại cùng nghi thức thuộc Ngũ-giới, có lẽ phần đông Phật-tử đã khái niệm được. Ðến như hai tiết kế nói về sự đắc giới, phá giới, thì người học Phật cần nên lưu tâm, vì đây là phần thực hành, thuộc về điểm tối quan trọng.

Tiết I: Những Ðiểm Thiết Yếu Về Ngũ Giới

Khi còn là chúng-sanh, ai cũng có sự mê mờ lầm lỗi. Ðể cho hàng Phật-tử tránh sự mê lầm ấy, Ðức Thế-Tôn tùy mỗi trình độ mà chế ra các giới. “Giới” là những điều răn cấm, mục đích ngăn ác hạnh, đưa chúng-sanh đến chỗ an lành. Giới luật của hàng Phật-tử tại-gia có Ngũ-giới, Bát-quan-trai-giới, Bồ-Tát-giới. Bát-quan-trai-giới và Bồ-Tát-giới, nếu thọ được thì phẩm lành tăng tiến, phước huệ lớn thêm, không thọ cũng chẳng đến nỗi mất nhân thân. Riêng về Ngũ-giới, sau khi quy-y Tam-bảo, mỗi người Phật-tử tại-gia đều phải thọ; nếu chẳng vâng giữ thì nhân phẩm không toàn vẹn, kiếp sau phải mất thân người.

Ngũ-giới là năm điều răn cấm gồm có: không giết hại, không trộm cướp, không tà dâm, không nói vọng và không uống rượu.

1. Không giết hại:- Trong điều răn cấm thứ nhất, Đức Phật khuyên chúng ta không được giết hại sanh mạng, từ loài người cho đến loài vật. Phật-giáo cấm sát sanh bởi những lý do:

A- Tôn trọng Phật tánh bình đẳng: - Ðức Thế-Tôn đã bảo: Tất cả chúng-sanh đều có Phật tánh, đều có khả năng thành Phật. Chân tánh đã bình đẳng thì chúng ta không nên cho rằng Phật tánh ở người có giá trị hơn ở vật, ở màu da này, giai cấp này, có giá trị hơn màu da kia, giai cấp kia. Cho nên giết hại một sanh mạng là giết hại một Đức Phật ở tương lai.

B- Tôn trọng sự công bình: - Mọi loài đều biết ham sống sợ chết, trừ gặp cảnh cùng quẫn hay lý do quan trọng khác, nên mới phải quyên sinh. Chúng ta đã xem sanh mạng mình là quý, nếu ai mưu hại thì dùng đủ cách để tự bảo vệ, tại sao lại ỷ khôn mạnh mà giết loài ngu yếu để thỏa lòng căm tức hoặc cầu miếng thơm ngon? Việc mình không muốn lại đem ra đối xử với kẻ khác, loài khác, ấy là mất sự công bình. Vậy nên lấy lòng mình suy lòng người, cho đến loài vật, chớ giết, chớ bảo giết.

C- Nuôi dưỡng lòng từ bi: - Ðã là chúng-sanh có tình thức thì loài nào cũng biết đau đớn, vui buồn. Một chuyện nhỏ nhặt như khi chúng ta đi lỡ vấp, tự có cảm giác đau đớn, và trong cảnh tử biệt sanh ly ai cũng thương buồn! Thế thì tại sao ta lại nhẫn tâm làm cho kẻ khác hoặc vật khác, trước khi tắt hơi thở phải rên siết trong lệ nóng, quằn quại trong máu đào, và chịu nỗi thương tiếc đau buồn trong cảnh sanh ly tử biệt? Một chút đau đớn chính mình còn khó kham chịu, lại gây cho chúng-sanh nỗi thống khổ vô hạn, tức không có lòng từ bi, không xứng đáng là con của Phật.

D- Tránh nhân-quả xấu ác:- Khi ta giết một người, tất đã gây mối oán hờn với gia đình quyến thuộc họ. Trong lúc thế cô sức yếu, thân thích nạn nhân chỉ đành ôm hận, nhưng họ vẫn rình rập chờ cơ hội báo thù. Loài vật cũng vậy, nếu có thể báo oán nó không dung tha kẻ giết. Theo kinh Phật, kẻ giết hại lâu ngày thì nghiệp sát càng nặng, sau khi chết phải đọa vào Địa-ngục, Ngạ-quỷ, Súc-sanh, chịu vô lượng sự khổ. Ðến khi được thân người lại bị nhiều bịnh hoặc chết non. Cho nên càng sát hại, càng tăng thêm nghiệp khổ, mãi xoay vần trong nẻo luân-hồi, không biết ngày nào được ra khỏi.

Trái lại, nếu người giữ giới không sát hại hoặc phóng sanh, thì sẽ được những quả báo như sau: sắc lực đầy đủ, ít hay đau bịnh, thân tâm an ổn, mọi người yêu kính, thọ số lâu dài, thường hưởng phước vui ở cõi trời hoặc cõi người.

2- Không trộm cướp:- Giới thứ hai, Đức Phật khuyên chúng ta không nên trộm cướp từ vật trọng như châu báu vàng bạc, đến vật mọn như cọng rau, trái ớt, mũi kim. Ðại khái những vật gì người ta không cho mà mình cố lấy, đều thuộc về trộm cướp.

Nếu phân biệt rộng ra, thì trộm cướp có nhiều hình thức như: lén lút mà lấy, ỷ bè đảng mạnh giựt ngang, cậy quyền thế làm tiền kẻ yếu, nhân lúc người túng ngặt cho vay nặng lời hoặc cầm mua với giá rẻ mạt, tích trữ đầu cơ để bán chợ đen, cân non, đong thiếu, trốn thuế, lậu đò, mưu mô lường gạt để lấy của... Tắt một lời, bất cứ hình thức nào, nếu do lòng gian tham lấy của tư hay công trong trường hợp bất chính, đều thuộc về trộm cướp.

Vì sao Đức Phật cấm trộm cướp? Bởi đối với tài vật sở hữu ta biết tôn trọng giữ gìn, mà trở lại cố chiếm đoạt của người, đó là trái lẽ công bình. Khi ta mất hay vô ý đánh mất một số tiền hoặc vật chi, ta lo buồn ăn ngủ không yên; tại sao lại đang tâm lấy của người để cho họ phải khóc than, đau khổ. Ðó chính là thiếu lòng từ bi. Trộm cướp gây cho phạm nhân bị tù tội, bị khinh chê cha mẹ gia đình cũng buồn rầu xấu hổ. Hơn nữa, nếu trộm cướp làm cho người lâm cảnh nghèo khổ hoặc thất chí quyên sinh, thì kẻ gây nhân phải chịu nghiệp báo không nhỏ. Theo kinh Phật, kẻ trộm cướp sẽ bị những ác quả, nhẹ thì vất vả nghèo hèn, nặng phải làm Súc-sanh để trả nợ, hoặc bị đọa vào Địa-ngục. Cho nên vì lẽ công bình, vì lòng từ bi, vì giữ nhân cách, vì tránh ác báo, Ðức Thế-Tôn khuyên răn không nên trộm cướp.

Nếu giữ giới không trộm cướp, mà lại có lòng xót thương giúp đỡ bố thí, thì sẽ được mọi người kính yêu, lòng từ bi và các phẩm lành tăng tiến, tài vật đầy đủ khỏi cảnh nghèo nàn, thường được sanh lên cõi trời cõi người hưởng phước an vui.

3- Không tà dâm: - Tà dâm chẳng phải là cấm hẳn việc nam nữ, mà chỉ ngăn không được ngoại tình. Theo giới điều thứ ba nầy, khi vợ chồng cưới hỏi có đủ lễ gọi là chánh; ngoài ra lén lút lang chạ làm điều phi hạnh gọi là tà. Nói vi tế hơn, dù vợ chồng chánh thức mà ăn nằm không phải chỗ, gần gũi không chừng mực, cũng thuộc về tà dâm. Ðức Phật sở dĩ cấm tà dâm, vì mỗi người ai cũng muốn gia đình mình đầm ấm yên vui, vợ con trinh chánh, nếu lại đi phá hoại làm nhục nhã cho gia đình kẻ khác, đó là trái lẽ công bình. Kẻ làm tà hạnh chơi bời lả lơi, tất bị mọi người khinh rẻ chê bai, đó là mất phẩm cách. Khi trong nhà chồng hoặc vợ có dạ tà tư thì gia đình ấy không còn hạnh phúc, bởi chồng vợ không tin nhau, con cái bị xấu hổ, thân thuộc không đoái hoài, sự nghiệp sẽ suy vi. Kẻ đắm mê sắc dục cũng như người cầm đuốc đi ngược gió, tai họa trở lại chính mình, nếu không hại nước tan nhà thì cũng hư thân mất mạng. Như chúng ta đã thấy trên báo chí hằng ngày, những án mạng và kết quả thảm khốc do sắc dục gây ra, nếu tính lại, không biết bao nhiêu mà kể! Theo trong kinh, những ác quả do tà dục gây ra, nhẹ thì nhiều kiếp vợ con không trinh chánh, gia đình tan rã, nặng tất sẽ bị đọa Tam-đồ. Tóm lại, vì trọng lẽ công bình, vì tránh ác báo đời nầy và đời sau, Đức Phật đã răn dạy không nên tà dâm.

Nếu giữ giới không tà dâm, thì hiện đời gia đình được hòa thuận an vui, mọi người nể trọng, đời sau sáu căn đoan nghiêm toàn vẹn, vợ con trinh chánh, được người kính mến, khỏi sự phiền lụy ưu sầu, như kinh Thập-Thiện đã nói.

4- Không nói vọng: - Tướng trạng về điều giới thứ tư nầy có bốn cách: nói dối, nói thêu dệt, nói đôi chiều, nói thô ác.

Nói dối là như chuyện không nói có, có nói không; việc quấy nói phải, phải nói quấy, điều nghe nói không nghe, không nghe nói nghe; hoặc trước mặt khen dồi, sau lưng chê mạt. Tóm lại, những lời trước sau mâu thuẫn, chân giả khác nhau, trong ngoài bất nhất, đều thuộc về nói dối cả.

Nói thêu dệt là việc ít xít ra nhiều làm cho người sân hận, trau chuốt lời nói để chữa lỗi mình, hoặc dùng lời ngọt ngào êm tai để cám dỗ khiến cho người say mê đắm nhiễm, cũng có khi là nói châm biếm làm cho kẻ nghe phải khổ tâm. Ðại khái những lời nói thêm bớt không đúng nghĩa chơn thật, cho đến văn chương bóng bảy phù phiếm, làm cho người mê loạn, tâm ý phóng đãng theo việc tà, hoặc sanh niệm vơ vẩn thương buồn, đều thuộc về nói thêu dệt.

Nói đôi chiều là đem chuyện đây học kia, đem chuyện kia học đây, đến chỗ nầy nghiêng theo bên nầy đi chỗ nọ phụ theo bên nọ, làm cho đôi bên sanh ra giận hờn thù oán nhau, khiến bạn bè đang thân trở thành nghi ngờ chống đối.

Nói thô ác là mắng chửi la hét, dùng nhiều lời lẽ nặng nề không thanh bai, làm cho người nghe phải khổ đau hoặc buồn rầu sợ hãi.

Bốn điều trên đều gọi là nói vọng, tức những lời trái với lẽ chân thật. Bởi Phật-giáo là đạo như thật, nếu người Phật-tử mãi theo ngọn trào hư vọng không thiết tìm sự thật thì khó trở lại nguồn chân. Ta đã sống trong vòng mê vọng mà còn chồng chất thêm sự giả dối nữa, thì làm sao đi đến chỗ giải thoát? Cho nên muốn học Phật, tất phải tôn trọng sự thật. Lại, động lực của sự dối trá là lòng tham sân ích kỷ, muốn hại người để thỏa ý niệm đen tối của mình. Kẻ bị phỉnh gạt phải sanh phiền não, đau khổ, có khi chuốc oán vương thù, hoặc tán gia bại sản. Người tu hành mà làm như thế thì lương tri đã mất, đâu còn tình thương? Kẻ dối trá không những làm mất lòng tin tưởng của mọi người đối với mình, mà lại gây cho bao nhiêu kẻ khác nỗi hoang mang nghi ngại. Sự an hòa trong xã hội do đó mà bị xáo trộn. Cho nên lời nói tuy không phải đao kiếm, nhưng còn nguy hiểm hơn, vì nó có tác dụng của hai mũi nhọn, một mũi đâm vào người khác, và một mũi trả lại đâm chính người sử dụng. Ðức Như-Lai thường phát ra phạm âm thanh triệt, tướng lưỡi rộng dài có thể chấm đến mé tóc nơi trán, do vì nhiều kiếp tu hạnh chân thật, không nói vọng. Theo kinh Phật, nghiệp vọng ngữ nếu nhẹ thì mang quả báo bị mọi người mất tin tưởng, chán nản lánh xa, việc làm thất bại; như nói vọng có tánh cách hại nhân hoặc phá hoại Tam-bảo, kẻ ấy sẽ đọa vào ba đường ác, khi được làm người phải bị câm ngọng, chịu sự khinh rẻ chê bai. Cho nên, vì tôn trọng sự thật, vì lòng từ bi, vì bảo tồn sự trung tín đối với mình và trong xã hội, vì tránh quả báo xấu ác, Đức Phật khuyên dạy không nên nói vọng.

Nếu giữ giới không vọng ngữ, sẽ được mọi người mến trọng tin cậy, thường ưa gần gũi, việc làm thuận lợi; và bởi lời chân thật phát từ tâm chân thật, nên các phẩm lành tăng tiến, thường hưởng phước nhơn thiên.

5- Không uống rượu: - Về giới thứ năm, Đức Phật khuyên không nên tự mình uống rượu, hoặc ép bảo người khác uống.
Sở dĩ, Đức Phật cấm uống rượu, vì rượu càng uống càng đi vào chỗ thâm nhiễm, các chứng bịnh như đau gan, đau mắt, phong tê, bại liệt, ung độc do đó mà sanh, không những đã hại thân mình, mà còn di lụy đến con cháu. Người uống rượu khi say sưa thì cử chỉ lời nói đều thô tháo, bỏ bê công việc, bị người cười cợt chê bai. Một chén thuốc độc nếu ta uống vào, chỉ chết một thân hiện tại, chứ uống rượu thì tâm thần hôn muội, trí huệ lần lần mất, giết chết pháp-thân, bị đọa vào vòng sanh-tử khổ trong vô số kiếp. Lại uống rượu tuy không phải là phạm sát, đạo, dâm, vọng, nhưng nó là nguyên nhân sanh ra bốn thứ ấy vô số tội lỗi khác. Theo trong kinh, uống rượu gây ra mười điều tai hại như sau: của tiền rơi mất, thân hay đau bịnh, tăng trưởng lòng giết hại, thêm việc sân hận tranh cãi, trí huệ lần lần kém, phước đức tiêu mòn, sự nghiệp không thành, tuổi thọ giảm bớt, thân tâm nhiều khổ, khi chết đọa vào Địa-ngục.

Nói đại khái, vì tránh đau bịnh, vì giữ phẩm cách, vì bảo tồn hạt giống trí huệ, vì ngăn ngừa tội lỗi, Đức Phật răn dạy không nên uống rượu.

Nếu giữ giới không uống rượu, về phương diện cá nhân, sẽ tránh được mười điều tai hại trên. Về phương diện đoàn thể thì gia đình được yên vui, con cái ít tật bịnh, xã hội được hòa mục, nòi giống thêm hùng cường.

Trên đây chỉ kể lược qua về điều lợi hại của sự giữ và phạm năm giới. Ðứng về chiều sâu, tức là phương diện chủng tử mà nói, thì như chư Tổ đã dạy: nếu sát sanh, sẽ mất hết hạt giống từ bi; nếu trộm cướp, sẽ mất hết hạt giống phước đức, nếu tà dâm, sẽ mất hết hạt giống thanh tịnh; nếu nói vọng, sẽ mất hết hạt giống chân thật; nếu uống rượu, sẽ mất hết hạt giống trí huệ. Ðể nói thêm về mối nguy hại của sự khuyết phạm năm giới, xin trần thuật một đoạn kinh sau đây cho người học Phật thêm cẩn ý:

“Có năm việc mà trong hiện tại, mọi người không thể làm cho của cải và sanh mạng được tăng trưởng. Năm điều ấy là: sát sanh, trộm cướp, tà dâm, nói vọng và uống rượu.

Tất cả chúng-sanh vì ưa giết hại, nên trong hiện đời bị ác sắc, ác lực, ác danh, chết yểu, tài vật hao giảm, quyến thuộc chia lìa, hiền-thánh quở trách, người không tin dùng, kẻ khác làm tội mà mình mang họa. Ðó là nghiệp quả trong đời hiện tại. Lúc bỏ báo-thân lại đọa vào Tam-đồ, bị ác sắc, ác lực, ác danh, đói khát, chịu nhiều nỗi khổ sở, mạng sống không lâu dài. Ðây là nghiệp quả ở đời sau. Ðến khi được làm người, lại chịu thân bần tiện, cùng khổ, xấu xa, suy bịnh, đoản thọ. Do sức nghiệp ác của đương nhơn, khiến cho ngũ cốc hoa màu bên ngoài bị hao kém, gây ương lụy cho mọi người.

Nếu kẻ nào ưa trộm cướp, thì hiện đời bị ác sắc, ác lực, ác danh, tiền của hao giảm, quyến thuộc chia lìa, mạng sống ngắn ngủi, người khác mất đồ mình bị nghi ngờ, dù muốn kết thân cũng không ai tin cậy, thường bị hiền-thánh quở trách. Ðó là nghiệp quả trong đời hiện tại. Lúc bỏ báo-thân lại đọa vào Tam-đồ, bị ác sắc, ác lực, ác danh, đói khát, chịu nhiều nỗi khổ sở, mạng sống không lâu dài. Ðây là nghiệp quả ở đời sau. Ðến khi sanh làm người lại nghèo hèn, tuy được tài vật liền bị hao mất, cha mẹ anh em vợ con đều không thương mến, thân thường khổ nhọc, tâm hằng buồn lo. Do sức nghiệp ác của đương nhân, khiến cho mọi người khi ăn món chi vào, phần sắc lực cũng kém, gây ương lụy cho vạn dân.

Nếu kẻ nào ưa tà dâm thì khó giữ gìn thân mình cho đến kẻ khác, mọi người trông thấy đều sanh lòng nghi kỵ, khi làm việc chi trước hay nói dối, tâm thường rối loạn chịu sự khổ não, tài vật hao mất khó tu pháp lành, vợ con khinh buồn không còn thương mến, thân thể suy kém mạng sống ngắn ngủi. Ðó là quả báo hiện tại của nghiệp tà dâm. Lúc bỏ báo-thân, lại đọa vào Tam-đồ, bị ác sắc, ắc lực, đói khát, chịu nhiều nỗi khổ sở, mạng sống không lâu dài. Ðây là nghiệp quả ở đời sau. Ðến khi được làm người thì hình tướng xấu thô, hay ác khẩu, không ai thích thân thiện, không thể giữ gìn thê thiếp, con trai, con gái. Do sức ác nghiệp của đương nhơn, khiến cho mình và người không được tự tại.

Nếu kẻ nào ưa nói vọng, thì hiện đời bị ác sắc, ác khẩu, dù có nói thật cũng không ai tin, mọi người khinh ghét chẳng muốn thấy gặp. Ðó là nghiệp quả đời hiện tại. Lúc bỏ báo-thân lại đọa vào Tam-đồ, chịu sự đói khát, nhiệt não, khổ sở vô cùng. Ðây là nghiệp của đời sau. Ðến khi được làm người thì tướng miệng và âm thanh không đầy đủ, dù nói thật cũng không ai tin, kẻ khác cũng không ưa gặp mặt, tuy nói chánh-pháp người không thích nghe. Do sức ác nghiệp của đương nhơn chiêu cảm, khiến cho sản vật bên ngoài thường bị hao kém.

Nếu kẻ nào thích uống rượu thì trong hiện tại hay hao mất tài vật, thân tâm nhiều bịnh, thường ưa đấu tranh, tiếng xấu đồn xa, trí huệ lần kém, tâm không hổ thẹn, sắc lực hao mòn, không thể tu pháp lành, thường bị nhiều tiếng chê trách, mọi người không muốn gần gũi. Ðó là nghiệp quả hiện tại của sự uống rượu. Lúc bỏ báo-thân rồi lại bị đọa vào Tam-đồ, thường chịu đói khát và vô lượng sự khổ não. Ðây là ác quả đời sau. Ðến khi được làm người, tâm thường cuồng loạn, không thể nghĩ nhớ pháp lành. Do nghiệp ác của người nầy chiêu cảm, khiến cho sản vật bên ngoài thường bị hư hao, thối nát.

Nầy Thiện-nam-tử! Năm ác pháp như trên, nay ngươi có thể chân thật xa lìa chăng?” (Kinh Ưu-Bà-Tắc-Giới)

Tiết II: Nghi Thọ Năm Giới Và Tánh Tướng

Nghi thức thọ năm giới, về phần khái yếu, như trong luật đã nói:
Con là... từ nay cho đến suốt đời, xin quy-y Phật Lưỡng-túc-tôn, quy-y Pháp Ly-dục-tôn, quy-y Tăng Chúng-trung-tôn. (Nói ba lần). Con là.... đã quy-y Phật rồi, quy-y Pháp rồi, quy-y Tăng rồi. Nay con ở trong giáo pháp của Ðức Thích-Ca-Mâu-Ni Như-Lai, nguyện thọ năm giới làm Ưu-bà-tắc (hay Ưu-bà-di), xin đại-đức chứng tri. (Nói ba lần. Giới-sư bảo):

Thiện-nam-tử! Ðức Thích-Ca Mâu Ni, Ða-Đà-A-Dà-Độ, A-La-Ha, Tam-Miệu-Tam-Phật-Ðà, đã vì hàng Ưu-bà-tắc nói ra năm giới. Phàm là kẻ Ưu-bà-tắc (hay Ưu-bà-di), suốt đời phải giữ gìn năm điều giới nầy:

Ðiều thứ nhất, suốt đời lìa sự sát sanh, là giới của hàng Phật-tử tại-gia, con có thể giữ được không? (Nên đáp: - Dạ giữ được. Các giới sau cũng thế).

Ðiều thứ hai, suốt đời lìa sự trộm cướp, là giới của hàng Phật-tử tại-gia, con có thể giữ được không?

Ðiều thứ ba, suốt đời lìa sự tà dâm, là giới của hàng Phật-tử tại-gia, con có thể giữ được không?

Ðiều thứ tư, suốt đời lìa sự nói vọng, là giới của hàng Phật-tử tại-gia, con có thể giữ được không?

Ðiều thứ năm, suốt đời lìa sự uống rượu, như rượu nếp, rượu mía, rượu nho, tất cả các thứ rượu đều không được uống, là giới của hàng Phật-tử tại-gia, con có thể giữ được không? (Thập-Tụng-Yết-Ma-Tỷ-Khưu-Yếu-Dụng)

Trong năm giới trên, bốn điều trước thuộc về tánh-giới, một điều uống rượu sau thuộc về tướng-giới. Nói tánh-giới, vì những giới nầy có liên quan đến tâm tánh, như người phạm tà dâm tức nhiên trong tâm nặng về ái-dục, người phạm vọng ngữ tất nơi tâm có sự gian dối. Cho nên về tánh giới thì dù người có thọ giới hay không, nếu phạm cũng đều bị sa đọa. Còn tướng giới là giới thuộc về hình thức phát thệ để ngăn ngừa sự phạm lỗi; nếu có thọ mà phạm thì đắc tội, không thọ thì không đắc tội. Tuy nhiên, đây là nói người không thọ tửu giới chỉ uống rượu chút ít nên không mang tội phạm giới; nếu không thọ giới rượu song uống nhiều cũng gây nghiệp và bị sa đọa.

Sự trì giới còn có trường hợp “khai, giá”, nghĩa là mở và khép. Ví như người tuy đã thọ giới không vọng ngữ, nhưng vì lòng từ bi muốn cứu mạng loài vật, hay muốn tránh sự buồn khổ vô ích cho kẻ khác mà phương tiện nói dối, thì không phạm. Hoặc như đã thọ giới rượu, nhưng vì bệnh tê bại phải dùng thuốc rượu điều trị mới lành, thì có thể đối trước bàn Phật hay chư Tăng xin phương tiện dùng rượu để trị bệnh trong một thời gian. Ðây là nghĩa “khai”, tức là tạm mở ra, hay tạm cho. Như trường hợp không cần phải dùng phương tiện, hay khi tạm dùng phương tiện để lợi mình lợi người đã xong rồi, phải chín chắn giữ giới không được trái phạm. Ðây là nghĩa “giá”, tức là khép, hay ngăn đóng. Cho nên thọ giới không phải là mãi hạn chế hành giả trong một khuôn khổ, và cách giữ giới của người trí không phải cứ mãi theo một đường lối cố định. Như theo kinh Vị-Tằng-Hữu, trong ngày thọ Bát-quan-trai, bà Mạt-Lỵ phu-nhân vì cứu viên ngự trù mà phải uống rượu, nói dối, bày trò ca nhạc và trang điểm nơi thân. Sau khi viên ngự trù thoát nạn, phu-nhân đem việc ấy thưa hỏi thì Đức Phật bảo rằng bà đã không phạm giới mà còn có phước, và lại khen là một hành giả có trí phương tiện. Vậy người thọ giới nên suy gẫm điều nầy, đừng quá lo sợ.

Ngoài nghĩa khai, giá, còn có nghĩa “trì, phạm”. Như sau khi thọ giới, trong trường hợp bình thường không cần phương tiện, hành giả chín chắn giữ giới gọi là “trì”. Nếu đã thọ giới mà không giữ, hoặc trường hợp không đáng phương tiện mà phương tiện gọi là “phạm”. Người đã thọ giới, phải ý thức bốn nghĩa khai, giá, trì, phạm trên đây.
Ðể học giả hiểu rộng thêm trong việc thọ giới, xin dẫn một đoạn kinh thuyết minh về giá-tội và thật-tội (tức là tánh-tội):

“Trong năm giới Ưu-bà-tắc, những gì thuộc về thật-tội và giá-tội?

Bốn giới trước thuộc về thật-tội, một giới rượu sau thuộc về giá-tội. Sở dĩ uống rượu được cùng bốn điều trên kết thành năm giới, vì nó là nguồn gốc của sự phóng đãng, hay gây ra việc phá phạm bốn giới kia. Như vào thời Đức Phật Ca-Diếp, có một vị Ưu-bà-tắc do xem thường giới thứ năm, nên phóng tâm uống rượu rồi sanh ra thèm thịt, bắt trộm gà của kẻ khác đem giết. Người phụ nữ hàng xóm qua tìm gà, lại bị ông hãm hiếp. Ðến khi kẻ khác hỏi, ông chối rằng mình không có làm việc ấy. Kết cuộc vì nhất thời bị rượu làm loạn tâm, nên ông đã phạm luôn cả bốn giới kia. Có người do uống rượu mà phạm bốn tội nghịch, chỉ trừ không thể phá Tăng. Vì thế, người uống rượu tuy không phải túc nghiệp mà mắc quả báo cuồng loạn, bởi rượu hay gây sự mê hoặc điên đảo, khiến cho chúng-sanh như dại, như ngây. Lại khi đã bị loạn tâm vì rượu, tất hành giả phải bỏ mất chánh nghiệp như ngồi thiền, tụng kinh và làm việc chúng. Cho nên uống rượu tuy không phải là thật-tội, nhưng do các nhân duyên trên, dễ đồng với thật-tội”. (Kinh Ðại-Phương-Tiện-Phật-Báo-Ân)

Tiết III: Lược Thuyết Về Việc Ðắc Giới

Người thọ Ngũ-giới cần nên biết thế nào là đắc giới. Ðể chứng minh và khái thuyết về việc nầy, xin dẫn mấy đoạn kinh như sau:
“Khi ấy, ngài Ưu-Ba-Ly thưa:

- Bạch Thế-Tôn! Người thọ giới Ưu-bà-tắc, trong trường hợp thấy mình khó giữ đủ năm điều, nếu thọ một hoặc hai cho đến bốn giới, có thể gọi là đắc giới chăng?

Ðức Phật đáp:

- Kẻ ấy không đắc giới.

- Bạch Thế-Tôn! Nếu không đắc giới thì tại sao trong kinh có chỗ nói thiểu phần, đa phần, cho đến mãn phần Ưu-bà-tắc? Vậy ý nghĩa ấy như thế nào?

- Nầy Ưu-Ba-Ly! Sở dĩ ta nói lời ấy, vì muốn thuyết minh công đức trì giới nhiều hoặc ít, chớ không phải nói có cách thọ giới như vậy.

Ưu-Ba-Ly lại thưa:

- Bạch Thế-Tôn! Có thể được thọ năm giới từ một, hai, cho đến mười ngày chăng?

Ðức Phật bảo:

- Không thể được! Như-Lai chế ra các giới đều có chừng hạn của mỗi thứ. Nếu thọ Ngũ-giới tất phải suốt đời, như thọ Bát-quan-trai-giới thì chỉ một ngày một đêm. Phép bạch Tứ-yết-ma truyền giới cũng có thượng, trung, hạ. Ngũ-giới là hạ-phẩm-giới, Thập-giới là trung-phẩm-giới, Cụ-giới là thượng-phẩm-giới. Riêng về Ngũ-giới cũng có ba phẩm: Nếu dùng tâm bậc hạ mà thọ thì đắc giới thuộc phẩm hạ; nếu dùng tâm bậc trung mà thọ thì đắc giới thuộc phẩm trung; nếu dùng tâm bậc thượng mà thọ thì đắc giới thuộc phẩm thượng. Thập-giới và Cụ-giới cũng đều có ba phẩm như thế.

Ngũ-giới là nền tảng của các giới, vì trong Bát-giới, Thập-giới, Cụ-Giới, Bồ-Tát-giới cũng có năm giới căn bản ấy. Nếu có người trước dùng tâm hạ phẩm đắc Ngũ-giới, rồi sau dùng tâm trung phẩm hay thượng phẩm thọ Thập-giới hoặc Cụ-giới, thì các giới khác mới thuộc về trung phẩm hay thượng phẩm, còn năm giới căn bản vẫn thuộc về hạ phẩm. Tại sao thế? Vì giới Ba-la-đề-mộc-xoa không có đắc hai lần.

Lại nữa, nếu lấy theo thứ lớp mà nói, thì Ngũ-giới thuộc về hạ phẩm, Thập-giới thuộc về trung phẩm, Cụ-giới thuộc về thượng phẩm. Nhưng nếu cứ theo tâm mà luận, thì lại khác. Như có người dùng tâm bậc thượng mà đắc Ngũ-giới, đó thuộc về thượng phẩm giới. Nếu dùng tâm bậc trung mà đắc Thập-giới, đó thuộc về trung phẩm giới. Nếu dùng tâm bậc hạ mà đắc Cụ-giới, đó thuộc về hạ phẩm giới. Vì bởi nghĩa nầy, nên giới phẩm tùy tâm mà có cao thấp, không nhất định đắc Cụ-giới là thuộc về thượng phẩm, hay đắc Ngũ-giới là thuộc về hạ phẩm”. (Kinh Ðại-Phương-Tiện-Phật-Báo-Ân)

Về Ba-la-đề-mộc-xoa, trong ngũ đạo duy có nhơn đạo đắc giới, còn bốn nẻo kia rất khó. Tại sao thế? Vì chư thiên nơi cõi trời tâm nhiễm lạc sâu nặng nên khó đắc giới. Như thuở trước Tôn-giả Mục-Kiền-Liên vì người đệ-tử đau bịnh, lên cõi trời hỏi cách điều trị nơi ông Kỳ-Bà (ông đã sanh lên thiên quốc). Khi ngài đến nơi vừa lúc chư thiên đang vào vườn Hoan-Hỷ vui chơi. Lúc ấy tất cả thiên chúng đi ngang qua thấy Tôn-giả đứng bên lề đường, nhưng không vị nào đoái hoài đến. Ông Kỳ-Bà đi sau rốt, trông thấy Tôn-giả, liền đưa một tay lên chào, rồi dong xe đi thẳng. Ngài Mục-Kiền-Liên tự nghĩ: “Kẻ nầy khi còn ở nhân gian, là đệ-tử tại-gia của mình; nay vừa được hưởng phước trời, đã vội say đắm quên mất tánh cũ”. Nghĩ xong, ngài liền dùng thần lực bắt cỗ xe như ý đứng lại. Bất đắc dĩ, Kỳ-Bà phải xuống xe đảnh lễ nơi chân. Tôn-giả liền nói nhiều nhân duyên để quở trách. Kỳ-Bà thưa: “Bạch Ðại Ðức! Vì khi còn ở nhân gian tôi là đệ-tử của ngài, nên mới có được cử chỉ như thế, còn chư thiên khác vị nào cũng đi suốt qua cả, đâu có ai thưa hỏi đón chào? Ấy do bởi sự vui nơi đây rất vi diệu, nên thiên chúng đắm nhiễm, tâm không được tự tại. Xin đại-đức thể tình mà khoan thứ cho”. Tôn-giả hỏi: “Đệ-tử của ta bịnh như thế, phải điều trị cách nào?” Kỳ-Bà thưa: “Chỉ cấm thực ít hôm là khỏi”.

Có một độ, ngài Mục-Kiền-Liên khuyên Thích-Ðề-Hoàn-Nhân rằng: “Ðức Như-Lai ra đời là một thắng duyên khó gặp, sao ông chẳng thường gần gũi Phật để thưa hỏi chánh-pháp?” Ðế-Thích muốn tỏ cho ngài biết sự khó được như ý đó, liền bảo gọi một vị thiên-tử đến. Vị thiên-tử nầy có một thiên-nữ và một kỹ nhạc, tuy biết mạng lịnh của Thiên-đế là oai trọng, nhưng vì đắm nhiễm quá sâu, nên đợi gọi đến lần thứ tư bất đắc dĩ mới tạm dẹp sự vui qua một bên, gắng gượng đến trình diện. Thiên-đế hỏi lý do đến trễ, ông hổ thẹn đem sự thật tâu lên. Khi ấy, Ðế-Thích mới thưa: “Bạch đại-đức! Vị thiên-tử nầy duy có một thiên-nữ, một kỹ nhạc, mà còn khó nỗi cắt bỏ sự vui. Huống chi tôi là Thiên-vương có nhiều cung điện rực rỡ nguy nga, vô số ngọc-nữ phi-tần hầu hạ, trăm ngàn thứ kỹ nhạc nhiệm mầu, nhìn bên Ðông quên bên Tây, nỗi ái lạc buộc ràng, sự cắt lìa còn khó hơn muôn phần! Vì thế, tuy nhận hiểu Như-Lai khó gặp, chánh-pháp khó nghe, cũng không biết làm sao để thường gần gũi được!”

Phàm thọ giới phải dùng tâm mạnh mẽ quả quyết tự thệ, mới có thể đắc giới. Chư thiên sở dĩ khó đắc giới, vì ý niệm say đắm theo thú vui ngũ dục nặng nhiều, sức thiện tâm lại kém yếu. Hàng Ngạ-quỷ bị khổ vì đói khát, thân tâm nóng bức; chúng Địa-ngục chịu vô lượng nỗi khổ độc, tâm ý duy nhớ biết sự khổ đau, nên không do đâu mà đắc giới. Còn chúng Bàng-sanh phần nhiều vì nghiệp chướng nặng, không hiểu biết chi, chẳng thọ pháp-giới, nên cũng khó đắc giới. Tuy trong kinh có nhiều chỗ nói rồng cầu trai pháp, nhưng Long-vương do thiện tâm thọ Bát-quan-trai nên chỉ được công đức lành chớ khó đắc trai vì bởi còn nhiều nghiệp chướng.

Về nhơn đạo, trong tứ thiên hạ, duy loài người ở ba châu: Diêm-Phù-Đề, Cù-Da-Ni, và Phất-Bà-Đề, là có thể đắc giới. Lại trong ba châu, riêng người ở châu Diêm-Phù-Đề dễ đắc giới hơn cả. Về châu Cù-Da-Ni, thuở trước Ðức Thế-Tôn sai Tôn-giả Tân-Ðầu-Lư qua bên ấy làm Phật-sự, nên nơi đó có bốn bộ chúng. Châu Phất-Bà-Đề nhờ nhiều vị Tỷ-khưu đắc đạo sang hoằng hóa, nên ở đó cũng có bốn bộ chúng. Duy người nơi châu Uất-Đan-Việt vì bị phước báo ngăn che, lại căn trí si mê không thọ thánh pháp, chánh giáo không thể lưu hành, nên không có nhân duyên đắc giới.

Loài người có bốn hạng: nam, nữ, huỳnh môn và hai căn. Trong bốn hạng nầy, duy có nam nữ đắc giới, còn huỳnh môn và hai căn không đắc giới. Trong hai hạng nam, nữ, những kẻ giết cha, giết mẹ, giết A-la-hán, làm thân Phật ra huyết, phá hòa hợp Tăng, làm hoen ố Tỷ-khưu-ni, tặc trụ, độ người vượt pháp, đọa căn lành, đều không đắc giới. (Tát-Bà-Ða-Tỳ-Ni-Tỳ-Bà-Sa)

Tiết IV: Tướng Phá Giới

Ðã biết qua việc đắc giới, hàng Phật-tử lại cần nên hiểu thế nào là tướng phá giới. Như đoạn kinh sau:

... “Ðã truyền giới xong, lại nên bảo: Có sáu trọng pháp mà bậc Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di cần phải giữ gìn nghiêm nhặt:

Nầy Thiện-nam-tử! Hàng Phật-tử tại-gia đã thọ giới rồi, trên từ thánh-nhơn dưới cho đến loài trùng kiến, đều không được cố tâm giết. Nếu tự mình giết hoặc bảo người giết, kẻ ấy liền bị mất giới Ưu-bà-tắc, hãy còn không được Noãn-pháp, huống chi quả Tu-đà-hoàn cho đến quả A-na-hàm! Phạm lỗi nầy, tức là hạng Ưu-bà-tắc phá giới, xấu xa, đê tiện, nhơ bẩn, kiết nghiệp. Ðây là trọng pháp thứ nhất, cần phải giữ!

Hàng Phật-tử tại-gia đã thọ giới rồi, dù gặp nhân duyên mất mạng, cũng không được trộm cướp trên từ vàng bạc châu báu dưới cho đến một đồng tiền. Nếu trộm cướp, kẻ ấy liền bị mất giới Ưu-bà-tắc, hãy còn không được Noãn-pháp, huống chi quả Tu-đà-hoàn cho đến quả A-na-hàm! Phạm lỗi nầy, tức là hạng Ưu-bà-tắc phá giới, xấu xa, đê tiện, nhơ bẩn, kiết nghiệp. Ðây là trọng pháp thứ hai, cần phải giữ.

Hàng Phật-tử tại-gia thọ giới rồi, dù gặp nhân duyên mất mạng, cũng không được nói lời hư dối, như bảo: tôi đã được Bất-tịnh-quán, cho đến quả A-na-hàm. Nếu gây tội đại vọng ngữ, kẻ ấy liền bị mất giới Ưu-bà-tắc, hãy còn không được Noãn-pháp, huống chi quả Tu-đà-hoàn cho đến quả A-na-hàm! Phạm lỗi nầy, tức là hạng Ưu-bà-tắc phá giới, xấu xa, đê tiện, nhơ bẩn, kiết nghiệp. Ðây là trọng pháp thứ ba, cần phải giữ!

Hàng Phật-tử tại-gia đã thọ giới rồi, dù gặp nhân duyên mất mạng, cũng không được tà dâm. Nếu tà dâm, kẻ ấy liền bị mất giới Ưu-bà-tắc, hãy còn không được Noãn-pháp, huống chi quả Tu-đà-hoàn cho đến quả A-na-hàm! Phạm lỗi nầy, tức là hạng Ưu-bà-tắc phá giới, xấu xa, đê tiện, nhơ bẩn, kiết nghiệp. Ðây là trọng pháp thứ tư, cần phải giữ!

Hàng Phật-tử tại-gia đã thọ giới rồi, dù gặp nhân duyên mất mạng, cũng không được rao nói những lỗi lầm của Tỷ-khưu, Tỷ-khưu-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di. Nếu rao nói tội lỗi của tứ-chúng, kẻ ấy liền bị mất giới Ưu-bà-tắc, hãy còn không được Noãn-pháp, huống chi quả Tu-đà-hoàn cho đến quả A-na-hàm! Phạm lỗi nầy, tức là hạng Ưu-bà-tắc phá giới, xấu xa, đê tiện, nhơ bẩn, kiết nghiệp. Ðây là trọng pháp thứ năm, cần phải giữ!

Hàng Phật-tử tại-gia đã thọ giới rồi, dù gặp nhân duyên mất mạng, cũng không được uống rượu hoặc bán rượu. Nếu uống rượu bán rượu, kẻ ấy liền bị mất giới Ưu-bà-tắc, hãy còn không được Noãn-pháp, huống chi quả Tu-đà-hoàn cho đến quả A-na-hàm! Phạm lỗi nầy, tức là hạng Ưu-bà-tắc phá giới, xấu xa, đê tiện, nhơ bẩn, kiết nghiệp. Ðây là trọng pháp thứ sáu, cần phải giữ!
Nầy Thiện-nam-tử! Nếu người thọ giới Ưu-bà-tắc có thể chí tâm giữ gìn những điều mình đã lãnh thọ, không hủy phạm, tất sẽ được giới quả như thế”. (Kinh Ưu-Bà-Tắc-Giới)

Như trên, kinh Ưu-Bà-Tắc-Giới đã thuyết minh rõ ràng về tướng phá giới của hàng Phật-tử tại-gia. Có vị bảo: “Về giới sát, thì Ngũ-giới, chỉ cuộc hạn trong loài người, Thập-giới và Cụ-giới đến loài Súc-sanh thông thường, Bồ-Tát-giới mới đến loài trùng kiến. Nếu giới thứ nhất trong Ngũ-giới mà hạn chế đến loài trùng kiến, thì hàng Phật-tử tại-gia không thể giữ được”. Lời ấy không đúng, vì tất cả loài hữu-tình đều có sanh mạng, nếu giết hại, quyết định sẽ mang ác báo. Như người chưa ăn chay trường được, có thể mua những vật đã chết hoặc bị làm thịt rồi, không nên tự mình giết hay bảo người khác giết. Ðến như loài ruồi muỗi trùng kiến, duy trừ trường hợp biết mà cố sát mới phạm giới, còn ngộ sát thì chỉ cần ăn năn sám hối và từ sau để ý dè dặt thêm hơn, không thuộc về lỗi hủy phạm.

Có kẻ nói: Hàng quân nhân Phật-tử có thể giữ giới sát chăng? Xin thưa: Theo nghĩa phương tiện thì có thể được. Như thuở xưa, Nguyên-Khuê thiền-sư ở Trung-Hoa sau khi đắc đạo, có thần Ðông-Nhạc đến xin thọ Tam-quy Ngũ-giới. Lúc Ðại-sư truyền giới thứ nhất, Nhạc-thần thưa: “Đệ-tử cầm quyền cai trị cả một vùng, nếu kẻ thuộc hạ phạm tội nặng mà không gia hình, thì làm sao duy trì kỷ luật?” Ðại-sư đáp: “Không phải thế đâu! Chỉ đừng nên lạm sát mà thôi”! Nhạc thần thưa: “Như vậy, đệ-tử có thể giữ được”. Thế thì cứ theo nghĩa phương tiện, vì thi hành bổn phận, vì sự bất đắc dĩ không quyết tâm lạm sát, hàng quân nhân Phật-tử có thể giữ được giới thứ nhất.

Suy rộng ra, như trong kinh Niết-Bàn, khi tiền thân là một vị quốc-vương, đức Thích-Ca vì bảo vệ chánh-pháp để lợi ích cho chúng-sanh mà giết viên đại-thần. Và trong một đoạn kinh khác, cũng thuở tiền thân làm một vị thuyền chủ tên Ðại-Bi, Ðức Thích-Ca lại vì cứu năm trăm mạng thương khách mà giết mười sáu tướng cướp biển. Cả hai trường hợp đó, Đức Phật đều bảo rằng nhờ thế mà Ngài được tiêu tội sanh phước, mau đắc quả A-Nậu-Đa-La-Tam-Miệu-Tam-Bồ-Ðề. Cho nên, đúng theo lẽ thật của trí huệ và bi tâm lợi tha, có những trường hợp tuy sát sanh nhưng không phải phá giới mà chính là trì giới, và còn được tiêu nghiệp thêm phước. Nhưng đó là trí phương tiện và việc làm của Bồ-Tát, ta đừng nên đem tâm thô thiển vội y cứ theo mà phóng ý sát sanh. Sở dĩ bút giả dẫn việc trên ra, là muốn biểu dương nghĩa rộng lớn của Phật-pháp, để cho người thọ giới đừng chấp định theo hình thức hay một phương diện nào của giới pháp, mà sanh tâm băn khoăn nghi ngại thế thôi.

Như Đức Phật đã nói: khi còn là chúng-sanh thì tất cả đều có lỗi lầm. Hàng xuất-gia nếu chưa đắc đạo, cũng vẫn còn trong vòng chi phối của phiền não. Nhất là vào thời mạt-pháp nầy, bậc chân tu rất ít, người khuyết phạm lại nhiều. Vậy tất cả những người con Phật nên gìn lòng trung thứ, từ bi, xét lỗi mình, dung lỗi người, tìm phương tiện sửa chữa nâng đỡ cho nhau; đừng nên rêu rao nói lỗi của tứ-chúng. Bởi làm như thế, là bên trong đã tự gieo rắc hạt giống xấu ác của ghét khinh thù hận, bên ngoài làm tổn não người, ngăn trở hảo tâm của kẻ muốn học đạo, tạo nghiệp phá hủy Phật-pháp. Vì vậy, Đức Phật đã ghép tội rao nói lỗi của tứ-chúng vào một trong sáu trọng pháp. Thế mà, có những Phật-tử vì thiếu học hiểu suy xét, vì tự ái cao mạn, hoặc vì bè phái riêng, rêu rao những việc lỗi lầm chưa biết thật hay hư của chư tăng ni cùng người đồng đạo; như vậy có xứng đáng là con của đấng Ðiều-Ngự chăng? Xin đem lòng trung thực nêu ra đây lời nhắc nhở chung cho tất cả người học Phật, để đồng nhơn tránh những khổ báo ở hiện tại và tương lai.


---o0o---

Source:Di Đà Nguyện Hải
Vi tính:
Huệ Toàn, Huệ Trang, Từ Hỷ và Tuệ Cường
Trình bày :Nhị Tường

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
27/11/2021(Xem: 3057)
Ni Trưởng Thích Nữ Trí Hải (1938 – 2003) đã để lại nhiều tác phẩm lớn, vừa có giá trị Phật học, vừa có giá trị văn học. Một tác phẩm trong những tháng cuối của cuộc đời Ni Trưởng là tập thơ Ngọa Bệnh Ca, được sáng tác trong thời gian nằm bệnh vào đầu năm 2003. Rồi cuối năm 2003, Ni Trưởng tử nạn trong một tai nạn giao thông. Bài viết nảy sẽ ghi lại những suy nghĩ về bài thơ “Người Gỗ” trong thi tập Ngọa Bệnh Ca của Ni Trưởng. Trong bài chỉ là các suy nghĩ rời, từ một người không có thẩm quyền nào, cả về Phật học và văn học.
24/11/2021(Xem: 4411)
Tôi nhớ lại có lần Nữ cư sĩ Clair Brown, Giáo sư Tiến sĩ từ Trường đại học California – Berkeley (UC Berkeley) đã đề cập với tôi về một thứ gọi là “Kinh tế học đạo Phật” (Buddhist economics).
23/11/2021(Xem: 6245)
Đề tài diễn giảng chuyên môn đầu tiên "Phật giáo và Tâm lý trị liệu" (佛教與心理療癒) của Kế hoạch nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Đại học Phật Quang Sơn tổ chức tại sảnh Vân Thủy, ngày 17 tháng 11 vừa qua, tiếp đến chủ đề "Tu hành và Chuyển hóa - Đối thoại giữa Tu thiền và Tư vấn Tâm lý" (修行與轉化 禪修與心理諮商的對話), do Thạc sĩ Dương Bội (楊蓓), Chủ nhiệm Khoa Giáo dục đời sống thuộc Học viện Dharma Drum Institute of Liberal Arts (法鼓文理學院); Giáo sư Quách Triều Thuận (郭朝順), người Tổng chủ trì Kế hoạch nghiên cứu, Viện trưởng Học viện Phật giáo Phật Quang Sơn chủ trì. Gần 70 vị Giáo sư nổi tiếng, thuộc Khoa Phật học, Khoa Tâm lý học, Học viện Nghiên cứu Tôn giáo đã tham dự buổi tọa đàm đầy ý nghĩa.
14/11/2021(Xem: 21213)
Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại xứ Sāvatthi, gần đến ngày an cư nhập hạ suốt ba tháng trong mùa mưa, chư Tỳ khưu từ mọi nơi đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn, xin Ngài truyền dạy đề mục thiền định, đối tượng thiền tuệ thích hợp với bản tánh của mỗi Tỳ khưu. Khi ấy, có nhóm năm trăm (500) Tỳ khưu, sau khi thọ giáo đề mục thiền định xong, dẫn nhau đến khu rừng núi thuộc dãy núi Himavantu, nơi ấy có cây cối xanh tươi, có nguồn nước trong lành, không gần cũng không xa xóm làng, chư Tỳ khưu ấy nghỉ đêm tại đó. Sáng hôm sau, chư Tỳ khưu ấy dẫn nhau vào xóm làng để khất thực, dân chúng vùng này khoảng một ngàn (1.000) gia đình, khi nhìn thấy đông đảo chư Tỳ khưu, họ vô cùng hoan hỉ, bởi vì những gia đình sống nơi vùng hẻo lánh này khó thấy, khó gặp được chư Tỳ khưu. Họ hoan hỉ làm phước, dâng cúng vật thực đến chư Tỳ khưu xong, bèn bạch rằng: – Kính bạch chư Đại Đức Tăng, tất cả chúng con kính thỉnh quý Ngài an cư nhập hạ suốt ba tháng mùa mưa tại nơi vùng này, để cho tất cả chúng con có
08/11/2021(Xem: 14922)
Đây chỉ là chiếc thuyền nan, chưa tới bờ bên kia, vẫn còn đầy ảo tưởng chèo ra biển cả. Thân con kiến, chưa gột sạch đất cát, bò dưới chân Hy Mã Lạp Sơn, nghe tiếng vỗ của một bàn tay trên đỉnh cao. Chúng sinh mù, nếm nước biển, ngỡ bát canh riêu cá, Thế gian cháy, mải vui chơi, quên cảnh trí đại viên. Nắm vạt áo vàng tưởng như nắm lấy diệu quang, bay lên muôn cõi, theo tiếng nhạc Càn Thát Bà réo gọi về Tịnh Độ, ngửi mùi trầm Hương Tích, an thần phóng thoát. Con bướm mơ trăng Cực Lạc, con cá ngụp lặn dưới nước đuôi vàng như áo cà sa quẫy trong bể khổ, chờ thiên thủ thiên nhãn nghe tiếng sóng trầm luân vớt lên cõi Thanh văn Duyên giác. Những trang sách còn sở tri chướng của kẻ sĩ loanh quanh thềm chùa Tiêu Sơn tìm bóng Vạn Hạnh, mơ tiên Long Giáng lào xào bàn tay chú tiểu Lan trên đồi sắn.
05/09/2021(Xem: 17739)
Bắt đầu gặp nhau trong nhà Đạo, người quy-y và người hướng-dẫn biết hỏi và biết tặng món quà pháp-vị gì cho hợp? Thực vậy, kinh sách man-mác, giáo-lý cao-siêu, danh-từ khúc-mắc, nghi-thức tụng-niệm quá nhiều – nghiêng nặng về cầu-siêu, cầu-an – không biết xem gì, tụng gì và nhất là nhiều người không có hoàn-cảnh, thỉnh đủ. Giải-đáp thực-trạng phân-vân trên, giúp người Phật-tử hiểu qua những điểm chính trong giáo-lý, biết qua sự nghiệp người xưa, công việc hiện nay và biết đặt mình vào sự rèn-luyện thân-tâm trong khuôn-khổ giác-ngộ và xử-thế, tôi biên-soạn cuốn sách nhỏ này. Cuốn sách nhỏ này không có kỳ-vọng cao xa, nó chỉ ứng theo nhu-cầu cần-thiết, mong giúp một số vốn tối-thiểu cho người mới vào Đạo muốn tiến trên đường tu-học thực-sự. Viết tại Sài-thành mùa Đông năm Mậu-tuất (1958) Thích-Tâm-Châu
03/09/2021(Xem: 4900)
Thanh Lương là bút hiệu của Thích Thiện Sáng, một hành giả Thiền tông. Thế danh Trương Thượng Trí, sinh năm 1956, lớn lên trên cù lao Ông Chưởng, bên dòng sông Hậu giữa trời thơ đất mộng An Giang. Bản chất thông minh, mẫn tuệ, có trực giác bén nhạy, ngay từ thời còn bé nhỏ đã có những biểu hiện khác thường như trầm tư, ưa đọc sách đạo lý suốt ngày, thích ăn chay trường, thương súc vật và học hành ở trường lớp thì tinh tấn, luôn luôn dẫn đầu, xuất sắc.
03/09/2021(Xem: 7242)
Có những người làm gì cũng hay, viết gì cũng hay. Tôi luôn luôn kinh ngạc về những người như vậy. Họ như dường lúc nào cũng chỉ ra một thế giới rất mới, mà người đời thường như tôi có ngó hoài cũng không dễ thấy ra. Đỗ Hồng Ngọc là một người như thế.
30/08/2021(Xem: 6011)
Phàm ở đời, những ai muốn xây dựng sự nghiệp lớn, đều phải có đức nhẫn nhục để vượt qua bao lần thất bại mới đạt được thành công. Khi đạt được mục đích rồi, vẫn phải tiếp tục nhẫn nhục, bởi vì ở đời, đâu phải người ta chỉ chịu nhẫn nhục trên con đường xây dựng sự nghiệp không thôi, mà còn phải đối đầu với những ganh tỵ phá rối của những kẻ xấu hãm hại mình trên nhiều phương diện khác. Nếu không nhẫn nhục chịu đựng thì mình rất dễ dàng có những hành động không kiểm soát đưa tới nguy hại cho chính bản thân mình và những người liên hệ. Cho nên có thể nói đức tính nhẫn nhục cần đi theo với mình suốt cả cuộc đời.
28/08/2021(Xem: 4458)
Tác phẩm "Crossing the Threshold of Hope" (Bước Qua Ngưỡng Cửa Hy Vọng) của Giáo Hoàng John Paul II ấn hành năm 1994. Nguyên tác bằng tiếng Ý, tới bây giờ đã dịch sang 53 ngôn ngữ. Trong sách, Giáo Hoàng có một số nhận định sai lầm về Phật Giáo.
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]