Tu Viện Quảng Đức105 Lynch Rd, Fawkner, Vic 3060. Australia. Tel: 9357 3544. [email protected]* Viện Chủ: HT Tâm Phương, Trụ Trì: TT Nguyên Tạng   

Tập Tục Dâng Hương

12/03/201617:49(Xem: 5467)
Tập Tục Dâng Hương

dang huong

Tập Tục Dâng Hương

 

Thích Thánh Minh


Mỗi lần, trước khi hành lễ ở các chùa, vị chủ lễ thường chắp tay cầm ba nén nhang dâng lên trên trán và đọc thầm bài kệ niệm hương: “Nguyện đem lòng thành kính, gởi theo đám mây hương, phưởng phất khắp mười phương, cúng dường ngôi Tam bảo, thệ trọn đời giữ đạo, theo tự tánh làm lành, cùng pháp giới chúng sanh, cầu Phật từ gia hộ, tâm bồ đề kiên cố, xa bể khổ nguồn mê, chóng quay về bờ giác.” Và chúng ta cũng thường nghe những vần thơ như: “Lặng lẽ chiên đàn tỏa khói hương, đỉnh trầm xông ngát ý thiền môn, lung linh nến ngọc ngời sao điểm, xóa sạch trần gian hết tủi hờn…” Những vần thơ này đã giới thiệu về những nét đẹp văn hóa của sinh hoạt tín ngưỡng, sinh hoạt tâm linh và cho chúng ta thấy nghi thức dâng hương là nét văn hóa rất đẹp trong nghi lễ thiền môn.

Tại các tư gia quý Phật tử, việc thắp hương cúng Phật, dâng hương lên bàn thờ ông bà, tổ tiên trong các ngày lễ, ngày giỗ chạp cũng không thể thiếu được. Những người không theo đạo Phật, họ vẫn thắp nhang để tỏ lòng thành kính với ông bà tổ tiên, trong các lễ tiết như tết Nguyên đán, trong những ngày sóc vọng...

Những điều này đã cho chúng ta thấy dâng hương là một trong những tập tục truyền thống lâu đời trong văn hóa sinh hoạt tín ngưỡng của người Việt nam. Cho dù dòng đời có những thay đổi, cuộc sống có những biến thiên nhưng tập tục dâng hương không bao giờ mất đi. Trái lại nó càng mở rộng ở Đình làng Miếu vũ cho đến việc thực thi lễ dâng hương tại các nghĩa trang liệt sĩ để tỏ lòng biết ơn, ghi nhớ công lao của những anh hùng, chiến sinh, anh linh đã hy sinh vì nước vì dân. Tập tục dâng hương là một trong những nét văn hóa đẹp trong nếp sống sinh hoạt tâm linh, cho nên  chúng ta cần phải đặc biệt  quan tâm đến.

Thưa quý vị! Khi trình bày đề tài này, tôi biết trong quý vị sẽ có người bảo rằng: Thắp nhang, đốt hương là một việc làm rất bình thường có gì là quan trọng phải để tâm suy nghĩ, luận bàn? Xin thưa rằng: Dâng hương không chỉ có nghĩa là đốt hương, thắp nhang mà nó còn mang cả một văn hóa và đạo lý, cao hơn nữa nó còn mang ý nghĩa của một quan niệm triết lý vũ trụ và nhân sinh. Nó không phải là một động tác thắp nhang, đốt hương mà nó đã trở thành một tập tục dâng hương có nghi thức, có luật tắc rõ ràng.

Theo định nghĩa trong từ điển tiếng Việt của Minh Tâm - Thanh Nghị: Hương là mùi thơm, vật đốt cho thơm khi cúng, khi nguyện v.v... (Lò trong ngát dạ, đỉnh ngoài bay hương (Nhị Độ Mai). Theo Từ điển Phật học Huệ Quang: Hương liệu được tinh luyện từ dầu của những loại cỏ hoặc gỗ thơm, gồm các loại như  Chiên đàn hương, Trầm thủy hương, Đinh tử hương, Uất kim hương, Long não hương. Năm thứ hương này Mật giáo thường sử dụng trong lúc lập đàn. Nếu phân biệt theo cách sử dụng và chế tạo thì có các loại như Đồ hương (hương xoa trên thân), Thiêu hương (hương đốt để xông), Huân hương (hương ướp), Mạc hương (hương bột dùng để rắt nơi đạo tràng và chùa miếu), Hương thủy (nước hương).

Hương Hỏa: hương và đèn dùng chỉ việc thờ cúng tổ tiên. Lo việc hương hỏa (từ điển tiếng Việt).
Có nhiều người thắc mắc tại sao thắp hương lại dùng những con số lẻ nén nhang 1, 3, 5, 7, 9, v.v...? Thường thì ba nén nhang và hai bàn tay luôn luôn chắp lại và miệng thì lâm râm thầm khấn nguyện? Phải chăng số lẻ là con số tượng trưng cho sự linh thiêng, tượng trưng cho trời vì chiếu theo luật cơ-ngẫu  của dịch lý thì số lẻ thuộc Dương, số chẳng thuộc Âm. Dương tượng trưng cho trời, cho sự linh thiêng, cho vô hình, cho sự trong sạch thanh tịnh, cho sự sinh trưởng phát triển, cho các cõi trên như Tiên, Thánh, Phật...

Con số ba liên quan đến biểu tượng “Lưỡng long triều nguyệt”, nghĩa là đôi rồng chầu vào một mặt nguyệt, ta thường được trang trí trên các bát nhang, lư hương lớn nhỏ ở các nơi thờ tự. Theo dịch lý đôi rồng là tượng trưng của dương, ứng với hai hào dương trong các quẻ Kinh Dịch. Còn mặt nguyệt là tượng trưng của âm, ứng với hào âm trong các quẻ. Ở đây, hào âm (mặt nguyệt) ở giữa, còn đôi rồng chầu hai phía. Lưỡng Long triều nguyệt cũng chính là biểu tượng của quẻ Ly.

Không những vậy, con số 3 còn liên quan cả một quan niệm triết học về vũ trụ của người phương Đông: Thiên, Nhân, Địa (Trời, Nguời, Đất) gọi là Tam tài. Người xưa rất chú trọng về ý nghĩa Tam tài, cho nên làm bất cứ việc gì họ đều xét nét tỉ mỉ về Thiên thời, Địa lợi và Nhân hòa, nếu thấy đầy đủ ba yếu tố Tam tài thì mới hành sự và tin tưởng điều ấy sẽ thành công.

Ngày xưa, Lý Thường Kiệt với lời tuyên ngôn: Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế Cư, đã từng “mượn” uy linh của đền thờ Trương Hống, Trương Hát mà khích lệ ba quân tướng sĩ, Chính sử và Dã sử  còn ghi lại những hiện tượng “âm phù”, “báo mộng” của các thần linh đối với vua chúa đem quân đi chống giặc. Tín ngưỡng ấy, nó đã từng có những tác dụng không nhỏ trong cuộc sống của con người, nhiều khi có tác dụng làm lay động cả một cộng đồng.

Tuy vậy, hiện nay có người không hiểu và cho rằng dâng hương là một trong những hành động mê tín dị đoan, kém văn minh, thiếu khoa học, bởi vì hiện nay hương chỉ làm bằng mạt cưa, bằng cây v.v… rồi tin tưởng đặt trong lư hương và cho là thiêng liêng. Những hành động ấy đã không đem lại lợi ích, lại còn làm nhơ bẩn đến nhà cửa và hao tốn tiền bạc. Lời này mới nghe qua có lý, nhưng tìm hiểu cặn kẻ nguồn gốc và ý nghĩa của việc dâng hương thì ta thấy lời nhận định trên đây hoàn toàn sai lầm.

Chúng ta thử tìm hiểu từ đâu mà có tập tục dâng hương?

Theo Phan Kế Bính, trong “Việt Nam phong tục” thì việc đốt hương xuất phát từ Tây Vức. Đốt hương nghĩa là cầu cho quỷ thần giáng cách. Khi xưa tục Tàu tế tôn Miếu chỉ dùng cỏ tiêu (cỏ thơm) trộn với mỡ đốt cho thơm. Đến đời nhà Hán, vua Vũ đế sai tướng sang đánh nước Hồn Gia (xứ Tây Vức), vua nước ấy đầu hàng, dâng một thân tượng bằng vàng. Vua Vũ Đế đem tượng về đặt trong cung Cam Toàn để dâng hương tế lễ. Kể từ đó, Tàu mới có tục đốt hương.

Theo Pháp sư Tịnh Không: Đốt hương? Hương đại biểu cho hương tín, đây là một tín hiệu mà người xưa đã dùng rất rộng rãi. Rõ ràng nhất, Nơi Vạn lý trường thành, chúng ta thấy cách một đoạn có một phong hỏa đài, phong hỏa đài là đài truyền tin gấp rút. Phong hỏa đài giống như cái lò hương. Người ta dùng lửa đốt phân sói, mật độ của khói phân sói không giống như khói khác, gió khó thổi tan và duy trì lâu. Ở xa trông thấy chỗ có khói thì biết rằng chỗ kia có biến cố, đây là cách truyền tin gấp của người xưa. Việc đốt hương để truyền tin gấp đến chư Phật và Bồ tát khiến cảm ứng đạo giao cũng xuất phát từ ý niệm truyền tin kiểu này.

Đạo Phật đã được truyền bá vào Việt Nam từ  những thế kỷ trước Công nguyên, cho nên văn hóa Phật giáo  hòa quyện cùng văn hóa bản địa đã tạo ra một Văn hóa tín ngưỡng rất đặc thù. Tập tục dâng hương theo quan điểm của Phật giáo, hương thắp lên vừa đạt được ý nguyện tâm linh dâng mùi thơm và chuyển lời cầu nguyện lên ngôi Tam bảo chứng minh, vừa để biểu hiện chí tâm hướng tới điều thiện.

Khi đốt hương cúng Phật, chúng ta thường đọc những câu mật ngữ như: “Hương Yên khiết thể, thông xuất tam giới, ngũ uẩn thanh tịnh, tam độc liễu nhiên.” Trong lúc cầm ba nén nhang vị chủ lễ xướng to bài kệ: “Thử nhất biện hương, bất tùng thiên giáng, phi thuộc địa sanh. Lưỡng nghi vị phán chi tiên, căn nguyên sung tắc tam giới, nhứt khí tài phân chi hậu. Chi diệp biến mãn thập phương. Siêu nhật nguyệt chi quang hoa, hàm sơn xuyên chi tú lệ. Tức giới tức định tức huệ. Phi mộc phi hỏa phi yên. Thâu lai tại nhứt vi trần. Tán khứ phổ châu sa giới. Ngã kim nhiệt hướng lư trung, đoan thân cúng dường. Thập phương thường trú Tam bảo, sát hải vạn linh, tất trượng chơn hương, đồng quy chơn tế.
(Mông Sơn Khoa Nghi)

Chúng ta lắng lòng khi đọc những câu như vậy với những phút giây thanh tịnh, sẽ thẩm thấu được sâu sắc ý nghĩa dâng hương: Hương ở đây chẳng phải là những vật liệu  làm bằng mạt cưa, chẳng phải là lửa là khói và hương cũng chẳng phải là mùi thơm, vật đốt cho thơm khi cúng. Mà hương ở đây chính là ngũ phần hương. Giới hương, Định hương, Huệ hương, Giải thoát và Giải thoát Tri Kiến hương, dâng lên cúng dường mười phương chư Phật, chư Hiền Thánh, thể hiện lòng  thành kính của chúng ta.

Tích xưa, có một đồng tử sau khi nghe lời đức Phật dạy thực hành các phương thức quán các pháp hữu vi. Đồng tử bèn lẳng lặng tu tập. Một hôm nhân thấy quý thầy Tỳ-kheo đốt hương trầm thủy mùi hương ngào ngạt, khói tỏa lan vào mũi. Đồng tử quán mùi thơm: Không màu, không sắc, không trong không ngoài, không đến không đi, không phải không, không phải có… nhơn đó tỏ ngộ lý chơn thường đắc quả A-la-hán, Phật liền ấn chứng cho đồng tử với danh hiệu Hương Nghiêm. Để ca ngợi hạnh quả của Hương Nghiêm, tổ Từ Vân có làm bài nguyện Tán hương sau đây:

“Tâm nhiên ngũ phận, phổ biến thập phương

Hương yên Đồng tử ngộ chơn thường

Tỉ quán thiệt nan lường

Thoại ái tường quang

Kham hiến Pháp trung Vương

Nam Mô Hương Vân Cái Bồ Tát.”

Nghĩa:

Hương lòng năm món biến khắp mười Phương

Hương Đồng Tử (nhơn khói) tỏ lý chơn thường

Diệu lực của mũi thật không lường

Sáng tốt đẹp lành quý như ngọc Khuê – Bích

Xin dâng cúng dường đại Pháp Vương.

Cúng kính dâng mây hương khắp (lợi lạc) Giác Hữu Tình.

Trong kinh Pháp Cú đức Phật dạy: “Không một hương hoa nào, bay ngược chiều gió thổi, chỉ hương người đức hạnh, bay ngược gió bốn phương”.

Giới Hương: Muốn trở thành người đức hạnh trước hết chúng ta phải giữ giới, chúng ta phải sống một đời sống trong sạch. Chúng ta phải làm việc để nuôi sống bản thân bằng một nghề nghiệp chân chánh. Chúng ta phải siêng năng tinh tấn làm lành lánh dữ và không bao giờ lừa dối gạt gẫm thiên hạ bằng những lời vọng ngôn, ỷ ngữ, lưỡng thiệt và ác khẩu. Làm được như thế, hương thơm đức hạnh và đạo đức của chúng ta sẽ tỏa sáng và lan rộng.

Định Hương: Nhờ giữ giới mà tâm chúng ta được an định, nghĩa là trong lúc tu tập để đạt được thanh tịnh hoặc để giải quyết một vấn đề gì đó trong sự nghiệp ở đời; cũng như hạnh nguyện giải thoát trong đạo, chúng ta phải gom thân khẩu ý vào một định hướng của chánh tư duy và chánh kiến. Hay nói một cách dễ hiểu hơn chúng ta phải sáng suốt, tỉnh táo để giải quyết mọi vấn đề. Làm được như vậy, chúng ta sẽ thành công và đạt được năng suất và hiệu suất của việc làm, đó là ý nghĩa của định hương.

Huệ Hương: Là ánh sáng mầu nhiệm của tâm linh, khi có định kiên cố thì tâm trí sẽ bừng sáng. Hằng ngày định tâm tu tập một pháp môn, quán chiếu suy xét mọi việc, hiện tượng trên nền tảng Chánh pháp như nhân duyên sanh, vô thường, vô ngã, hoan hỉ, xả ly. Bền bỉ thực hành lâu ngày, ta sẽ đạt được tâm thái an nhiên giải thoát. Ứng dụng hữu hiệu Chánh pháp làm cho nhận thức ta sáng tỏ như Chánh pháp, không bị tham, sân, si, tập khí phiền não quấy nhiễu. Đây chính là ý nghĩa của Huệ hương.

Giải thoát hương: Giải thoát là một thuật ngữ của Phật giáo được dịch từ Phạn ngữ là “mộc đề”, “mộc xoa”, nghĩa là rời bỏ mọi sự trói buộc mà được tự tại, cởi bỏ sự trói buộc của hoặc nghiệp, thoát ra khỏi khổ quả của Tam giới. Theo từ điển tiếng Việt của Minh Tân - Thanh Nghị - Xuân Lãm, do Viện ngôn ngữ Việt Nam ấn hành, định nghĩa từ giải thoát như sau: 1) làm cho thoát khỏi sự giam hãm, ràng buộc hay bế tắc, giải thoát được những ý nghĩ nặng nề. 2) thoát khỏi mọi điều đau khổ trên cuộc đời.

Muốn được giải thoát ta phải vâng lời Phật dạy tu tập theo tam vô lậu học. Nhân giới sanh định, nhân định phát huệ. Bởi vì, Giới, Định, Huệ là ba môn học chi phối toàn bộ giáo pháp giải thoát của đức Phật và luôn luôn đòi hỏi ở năng lực hành trì thâm hậu của tất cả Phật tử chúng ta. Làm được điều đó tâm hồn chúng ta sẽ phơi phới hạnh phúc, tràn đầy niềm vui và đem lai sự an lạc giải thoát đến với mọi người. Đây là ý nghĩa Giải thoát hương.

Giải thoát tri kiến hương: Tri kiến là sự nhận định, nhận thức của con người. Ở đời có những sự kiện xảy ra thường không đúng sự thật vì do chủ quan con người ấn định. Cùng một sự kiện, nhưng quan niệm của mỗi người nhận định mỗi khác, đó là do chủ quan của con người. Do sự thương ghét của chúng ta tác động vào sự tin tưởng của chúng ta, cho nên khi bị cảm giác kích động, con người sanh ra chủ quan; mà chủ quan theo danh từ Phật học gọi là tri kiến hay kiến trược. Khi đã bị chủ quan thì không bao giờ có nhận xét đúng. Bởi vậy, người ta phải tránh chủ quan, bởi vì chủ quan là nguồn gốc lôi kéo chúng ta đi vào những nhận xét sai lệch. Nếu tránh được chủ quan cũng chính là giải thoát tri kiến thì ta sẽ trở thành một người có nhận thức đúng đắn gọi là Giải thoát tri kiến hương. Ngược lại, ta không giải thoát được tri kiến thì chúng ta sẽ gặp nhiều hối hận sau khi đã thất bại. Nội dung những vần thơ sau đây sẽ minh chứng cho sự thật hiển nhiên đó:

Nghi ngút đầu gành tỏa khói hương

Miếu ai như miếu vợ chàng Trương

Ngọn đèn dầu tắt đừng nghe trẻ

Làn nước chi cho lụy đến nàng

Chứng quả có đôi vầng nhật nguyệt

Giải oan chi mượn đến đàn tràng

Qua đây mới biết nguồn cơn ấy

Khá trách chàng Trương khéo phũ phàng.

Vua Lê Thánh Tôn ngẫu hứng sáng tác bài thơ này khá súc tích với những ý tưởng thành thật trong một dịp đi ngang qua bờ sông Hoàng Giang, thuộc huyện Nam Xương (tỉnh Hà Nam) trông thấy một ngôi Miếu tỏa khói hương nghi ngút ở đầu gành, hỏi ra mới biết nơi đây đã xảy ra một câu chuyện hết sức thương tâm:
 Người chồng họ Trương đi lính thú lâu ngày. Ở nhà mỗi khi con hỏi “cha đâu” thì vợ lại chỉ bóng mình trên tường và bảo đứa trẻ rằng đó là cha nó. Khi người chồng trở về, đứa bé không nhận ra cha và nói rằng cha nó tối mới đến… Nghi vợ ở nhà ngoại tình, người chồng sỉ nhục và đánh đập, hành hạ vợ một cách tàn nhẫn. Quá uất ức, người vợ nhảy xuống sông để kết liễu cuộc đời. Ít lâu sau, vào một buổi tối, đứa bé bỗng chỉ vào bóng trên tường và bảo rằng cha nó đó. Bấy giờ, người chồng mới hiểu ra và lập đàn chay bạt độ giải oan cho vợ.

Câu chuyện trên đã cho chúng ta thấy rõ rằng: Vợ chàng Trương bị oan ức, chính vì sự nhận xét chủ quan của chàng Trương. Nếu chàng Trương bình tĩnh trưng cầu ý kiến của nhiều người thì tất nhiên sẽ không chủ quan và khám phá ra sự thật, không còn gây oan uổng dẫn đến cái chết của vợ mình.
Tóm lại, tập tục dâng hương là một đạo lý truyền thống của dân tộc có từ ngàn xưa, đây là những gia bảo tinh thần đáng quý của tổ tiên để lại cho con cháu kế thừa. Gia bảo này được hấp thụ những tinh hoa của tư tưởng văn hóa Đông phương. Để xác định một lần nữa, dâng hương không phải là một hành động mê tín dị đoan mà là một truyền thống văn hóa tín ngưỡng của dân tộc, chúng ta không nên quên nguồn gốc văn hóa Đông phương. Và đó cũng chính là một trong những biểu tượng văn minh của người Á Đông mà các nước Tây phương khó có thể tìm được giá trị tâm linh ấy trong cuộc sống xã hội của họ.

Riêng đối với Phật giáo, việc dâng hương cúng dường chư Phật mang nhiều ý nghĩa, từ sự hiển lý, không những làm tăng vẻ uy nghiêm, phá tiêu chướng khí nơi đạo tràng, mà còn làm cho chúng ta tỏ ngộ chơn thường, đạt thể tánh tịnh minh. Người Phật tử chúng ta đã hiểu được ý nghĩa giá trị của việc dâng hương theo quan niệm Phật giáo thì hãy cố gắng giữ gìn truyền thống và thực hiện cho kỳ được việc dâng hương cho trang nghiêm và chu đáo, vừa lợi ích cho mình trong việc tu tạo bản thân vừa giáo dục con em của mình trở thành những con người tài đức vẹn toàn để cống hiến và xây dựng một xã hội văn minh và hạnh phúc.

 Ngày nay, trong xu thế hướng về nguồn cội để giữ gìn và phát huy những truyền thống bản sắc văn hóa của dân tộc thì tập tục dâng hương lại là một trong những đề tài hướng đến Chân Thiện Mỹ để chúng ta suy gẫm và phát huy nhiều hơn nữa những giá trị văn hóa tâm linh cao quý này.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn
04/01/2011(Xem: 7332)
Các thể điệu hành trì của nghi lễ Phật giáo Việt nam rất phong phú, ở đây chúng ta chỉ lượt qua các thể điệu chính như: xướng, hô, kệ, thán, độc, tán, tụng, trì, niệm.
01/01/2011(Xem: 4458)
Lễ cung nghinh thỉnh rước của Phật Giáo có từ thời Đức Phật còn tại thế, thường thấy nghi chép trong các bộ kinh Đại thừa, khởi nguồn từ việc chư Thiên và các vị vua Ấn Độ...
30/12/2010(Xem: 3808)
Lễ tang là lễ đặt ra để tỏ lòng thương trọng và kính thờ người chết. Theo Khổng Tử thì trị thiên hạ "trọng nhứt là ba việc: ăn, tang và tế" (Sở trọng giả, thực tang tế).
23/12/2010(Xem: 5243)
Ở Việt Nam, những nghi lễ về cưới gả vốn của Trung Hoa truyền sang từ thời Bắc thuộc (111 trước D.L.) do hai quan thái thú Tích Quang và Nhâm Diên.
20/12/2010(Xem: 12272)
Lục căn thanh tịnh như cảo nhật dĩ đương không, Lục thức viên minh tợ thu hiềm như ảnh thủy. Lục xúc, lục thọ câu thời Bát nhã chi nhơn, Lục ái, lục trần dụng nhập viên minh chi quả. Phổ nguyện: Đồng minh Phật lý, đồng ngộ Phật tâm, Đồng nhập pháp môn, đồng thành Phật đạo.
18/12/2010(Xem: 4658)
Nhớ lại năm nào cũng độ này, Tôn sư quảy dép trở về Tây. Rồi từ đó: Ba nghìn thế giới mờ vang bóng Tám vạn trần lao hóa khói mây. Như thế, vì Người đã: Phật quốc hóa sanh nên ở đó; Nhưng hôm nay: Ta bà ứng cúng nguyện về đây, Giờ này nhớ lại ngày quy khứ, Đốt nén hương lòng hiến cúng Thầy.
17/12/2010(Xem: 6908)
.Thế là đại hạn đến rồi ! - Giường hạc canh thâu (1) phút mộng tàn, Nghìn thu vĩnh biệt nẻo nhơn gian ! .Thật vậy! - Hóa thân Báo xả siêu sinh tử, Chân tánh quang thu nhập Niết bàn. .Tuy nhiên - Chết chẳng sợ sa đường địa ngục Sống không ham đến ngõ Thiên đàng. Thế thì Người đi đâu ? - Cân bình nửa gánh về quê Phật, Để lại trần gian ngọn Pháp tràng !
17/12/2010(Xem: 3903)
Niết bàn một thuở ra đi, Cân bình nửa gánh, Tây qui nhẹ nhàng Rừng thiền vắng bóng hạc vàng, Biển trần vượt khỏi muôn ngàn phong ba. Người đi dấu vết chưa nhòa, Bát y truyền lại sương pha lạnh lùng, Tam sanh hẹn kiếp tao phùng, Tôn phong Tổ ấn gửi cùng non sông.
17/12/2010(Xem: 8254)
NGHI BÁO TIẾN CÚNG DƯỜNG HÚY KỴ HÒA THƯỢNG THÍCH GIÁC TÁNH TRỤ TRÌ TỔ ĐÌNH THIÊN ĐỨC (Mùng 04 - tháng Giêng - ÂL)
facebook youtube google-plus linkedin twitter blog
Nguyện đem công đức này, trang nghiêm Phật Tịnh Độ, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường,
nếu có người thấy nghe, đều phát lòng Bồ Đề, hết một báo thân này, sinh qua cõi Cực Lạc.

May the Merit and virtue,accrued from this work, adorn the Buddhas pureland,
Repay the four great kindnesses above, andrelieve the suffering of those on the three paths below,
may those who see or hear of these efforts generates Bodhi Mind, spend their lives devoted to the Buddha Dharma,
the Land of Ultimate Bliss.

Quang Duc Buddhist Welfare Association of Victoria
Tu Viện Quảng Đức | Quang Duc Monastery
Most Venerable Thich Tam Phuong | Senior Venerable Thich Nguyen Tang
Address: Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia
Tel: 61.03.9357 3544 ; Fax: 61.03.9357 3600
Website: http://www.quangduc.com
http://www.tuvienquangduc.com.au (old)
Xin gửi Xin gửi bài mới và ý kiến đóng góp đến Ban Biên Tập qua địa chỉ:
[email protected]